Thứ Bảy, 21 tháng 11, 2015

CÓ NHỮNG CON NGƯỜI 1

-Luật chống tham nhũng đưa ra dù "hay mọi nhẽ" bao nhiêu chăng nữa, nhưng không quyết tâm thực hiện triệt để, thì đúng chỉ là "hổ giấy" (tờ giấy làm xấu hổ chính quyền!) mà thôi.
-Muốn dân tin yêu mình thì mình phải hết lòng vì dân, nghĩa là trong chống tham nhũng phải nói được, làm được và ưu tiên bênh vực người "thấp cổ bé họng"!
-Ta đã thắng lợi vẻ vang trên mặt trận ngoại xâm, thì hà cớ gì trên mặt trận chống tham nhũng, cũng được nhân dân đồng lòng ủng hộ i hệt, ta lại thua!?
-Phải chăng cán bộ chính quyền hiện nay không còn tinh thần xả thân vì nước như xưa kia nữa!?
-Hay không muốn thắng vì như thế té ra..."gậy ông đập lưng ông"!...



---------------------------------------------------
(ĐC sưu tầm trên NET)






‘Người đương thời’ Nguyễn Thị Hòa: Chỉ cần hai mét vuông đất là xong…


Tháng 9/2010, Chính phủ vinh danh 88 công dân tiêu biểu chống tham nhũng, trong đó có bà Nguyễn Thị Hòa (Yên Phụ, Tây Hồ, Hà Nội). “Nhưng không vì thế mà tính mạng của tôi hết bị đe dọa“. Người đàn bà từng bán cả nhà để lấy tiền trang trải cho cuộc chiến chống tham nhũng nói trong nước mắt.
Ngôi nhà nằm khuất trong một ngõ nhỏ tại An Dương, Yên Phụ có biển đề: Tư vấn pháp luật miễn phí có thiết kế khá đặc biệt: ngoài song sắt còn có thêm những lớp nhựa mê-ka phủ bên ngoài. Tường và sàn nhà ốp gạch trơn bóng.
Nữ chủ nhà cho biết: kể từ khi tố cáo sai phạm trong quản lý đất đai tại khu vực hồ Tây, bà luôn bị rình rập hãm hại. Nửa đêm bà liên tục bị kẻ nặc danh gọi điện thoại khủng bố tinh thần dọa giết, con cái đi đường bị chặn xe, dọa nạt. Nhà bà thường xuyên bị đổ phân, ném chuột chết, mìn… vào, kể cả ngày Tết. Bà phải lát gạch và phủ nhựa để lên tường để xối nước rửa cho dễ.
Gia tài của tôi: sự cô đơn
Sau sự kiện vinh danh và nhiều bài báo về bà, có rất nhiều người đã đặt niềm tin vào bà sẽ đại diện cho ý chí đấu tranh của nhân dân, thật tiếc vừa rồi bà không tự ứng cử Đại biểu Quốc hội.
Tôi không ứng cử Quốc hội vì tôi mắc bệnh tim, e rằng sức khỏe khiến mình không làm việc được nhiều thì mất niềm tin của người dân. Hơn nữa khi đã đâm lao vào chống tham nhũng thế này thì tôi không ứng cử.
Nhưng tôi mong những đại biểu quan tâm bảo vệ hơn nữa đến những người chống tham nhũng như tôi.

Bà Nguyễn Thị Hòa

Không hiểu sao, tôi tố cáo bao nhiêu vụ như vậy mà sao không tới được thành phố hay trung ương. Vì chống tham nhũng mà tôi kiện, rồi tôi bị đánh đập trả thù, tôi cầu cứu nhiều lắm mà không thấy các ngành có động tĩnh gì.
Không hiểu sao tôi ở đây chỉ cách trung tâm Hà Nội chỉ 2 cây số, mà tôi kêu cứu rất nhiều mà không ai nghe thấy, không ai hay biết.
Vừa rồi tiếp xúc cử tri thành phố, tôi chất vấn chị Nguyễn Minh Hà – Chủ tịch Hội phụ nữ TP Hà Nội, kiêm Tổ trưởng Tổ đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội, đơn vị bầu cử số 4 Quận Tây Hồ, thì chị ấy bảo: “Vì chị kiện nhiều quá nên em không biết làm vụ nào trước vụ nào sau“. Nói vậy thì tôi thua rồi.
Năm ngoái bà cùng 87 người nữa được vinh danh thành tích chống tham nhũng, sau đó thì những hành vi đe dọa, khủng bố có giảm không? Cá nhân bà có được quan tâm bảo vệ hơn?
Không bớt, chỉ là bọn nó không đổ phân, và không ném mìn vào nhà tôi nữa. Nhưng tôi vẫn bị đánh, vụ cuối cùng cách đây khoảng 20 ngày.
Mỗi lần nhắc đến tôi lại muốn rơi nước mắt. Người chống tham nhũng cực khổ và cô đơn lắm. Tôi phải cho các con chuyển đi nơi khác sống cả, chỉ một mình tôi ở đây. Khi ốm hàng xóm cũng không dám sang thăm vì sợ liên lụy.
Nhiều lúc cơ cực tưởng không thể đứng vững nổi.
Tôi bước vào chống tham nhũng năm 2001, bắt đầu từ vụ ở Phủ Tây Hồ, đến nay đã tròn 10 năm. Tháng 5 năm 2004 tôi đã phải bán cả nhà cửa, đồ trang sức đi để theo đuổi chống tham nhũng.
Tôi lang thang ở những khu đất dự án quanh Hồ Tây để đo đạc, tìm chứng cứ. Người ta sai người cầm gậy đuổi tôi, vì họ không biết tôi vào khu đất đó để làm gì, nghĩ tôi ăn cắp. Những người gác ở cổng những hồ sen về sau họ hiểu họ cũng cho tôi vào vào lều trú những lúc mưa gió, ròng rã thế như một con thiêu thân.
Có những lúc đói quá, không có gì mua để ăn, tôi mò xuống hồ lấy củ sen, cái ngó sen, xõa nước hồ Tây cho sạch rồi ăn.
Nghĩ đến là đau xót lắm, tôi chỉ muốn khóc thôi. Gian truân quá!
Suốt bao năm, bà không tìm được đồng minh cùng gánh vác sao?
Có, người dân hiểu và chia sẻ với tôi bằng nhiều cách lắm. Nhưng tôi không thể để họ bị liên lụy. Tôi phải tạo vỏ bọc. Ban đầu tôi phải giả treo biển Dịch vụ tư vấn nhà đất miễn phí, nhờ đó tôi có được những tài liệu và chứng cứ ở phường Yên Phụ này tôi lấy được về, việc làm sao đất này có thể bàn giao chuyển đổi được, xây nhà được mà rõ ràng đấy là đất quý của thành phố.
Từ đó, tôi tìm mò tôi mua bằng được những tài liệu cần thiết. Khi tôi bỏ cái biển nhà đất đi thì tôi lại thay thế biển Tư vấn pháp luật miễn phí để người ta có thể ném tài liệu cho tôi một cách hợp lệ, không bị đe dọa trả thù.
Năm tôi 13, 14 tuổi, bố tôi là giáo viên trường đặc công đã nói với tôi: Nếu con chỉ có một mình trong lòng kẻ địch, thì trước tiên con phải bào chế một lá chắn cho con, thì tôi đã làm lá chắn là tấm biển Dịch vụ tư vấn nhà đất miễn phí, họ chỉ biết tôi làm chuyện nhà đất thôi chứ không bao giờ biết tôi làm cái gì.
Những vết sẹo bị đánh đây. Có những vết thương 6 tháng mới khỏi. Mỗi khi vào bệnh viện tôi chỉ dám nói là bị ngã chứ không nói là đi chống tham nhũng bị trả thù. Nói như vậy sợ rằng bệnh viện cũng sợ, không dám bảo vệ mình. Đến khi công an vào hỏi mới biết ra là tôi chống tham nhũng bị người ta đánh.
Tôi chỉ cần 2 mét đất là xong
Luật phòng chống tham nhũng ban hành năm 2005 đã có những quy định bảo vệ người chống tham nhũng. Luật ấy được thực thi như thế nào với trường hợp của bà?

Khi anh Nguyễn Đức Chung, Phó giám đốc Công an Thành phố Hà Nội gọi tôi lên nói rằng “Chị xứng đáng được bảo vệ, chị cũng rất xứng đáng được tôn trọng. Chị  yên tâm, chị cứ về, cứ đi đứng bình thường, chỉ cần hết sức cảnh giác một chút ít thôi, tôi nghĩ rằng sẽ không có chuyện gì xảy ra với chị“. Vậy nhưng tôi vẫn thường xuyên bị chửi bới, bị đe dọa.
Hiện nay, những bằng chứng chứng cứ việc người ta đến ném mìn, đánh người ở ngay ngoài mặt đường, rồi biển số xe con, rồi mọi thứ đều có hình ảnh cả, nhưng đến giờ phút này vẫn chưa ai bị bắt, chưa ra được vấn đề gì cả. Bọn chúng cứ khủng bố tôi, triền miên, bằng đủ cách.
Khủng bố đe dọa chán, họ lại ngọt nhạt, bảo tôi cho họ số tài khoản của tôi. Tôi bảo tôi chả bao giờ có số tài khoản, để làm gì? Họ bảo rằng cứ cho họ số tài khoản, rồi tôi sẽ nhận được một số tiền rất lớn, khoảng vài tỉ đồng, sau đó tôi hãy ngồi ở nhà đừng đi lang thang nữa. Bằng không sẽ có hậu quả nặng nề.
Tôi đã nói thẳng: tao chỉ cần 2 mét đất là xong. Cái chết đối với tao cũng chả là gì. Với tao, mất lòng tin trong dân mới đáng ngại, tao không cần biết mày là ai. Chúng dập máy luôn.
Vậy là cả Luật chống tham nhũng và cả vinh danh cũng chưa mang lại cho bà sự an toàn?
Báo chí có thể mang lại sự an toàn cho tôi nhiều hơn. Tôi rất cám ơn VTV6 của chị Tạ Bích Loan đã làm sôi động lòng dân, từ đó cái ải hành hạ và khuôn mặt tôi ai cũng biết nên đi đâu người dân cũng bảo vệ tôi hơn.
Ngay cả ở những hàng ăn, quán nước, họ cũng nói chuyện về tôi, hỏi “Chị có phải là người đương thời đó không”, tôi bảo rằng: “Vâng, đúng ạ, vậy thì các bác ủng hộ cho cháu nhé, cháu đi đường ai đánh cháu hoặc thế nào thì các bác giúp cháu nhé”. Họ bảo “Cô yên tâm!”
Vừa rồi có chuyên gia nước ngoài hỏi tôi rằng: Tại sao, tư tưởng tôi như thế nào tôi dám chống tham nhũng. Tôi nói rất rõ ràng rằng cha tôi dạy tôi như thế. Cha tôi dạy rằng tôi phải sống với dân. Dân là người đóng thuyền cũng là người lật thuyền, phải dựa vào dân. Tôi thà rằng nằm với dân ở vỉa hè. Tôi chỉ mong Nhà nước biết rất rõ về tôi rồi thì hãy bảo vệ, chứ tôi không mong đấu tranh để được trả công hay vinh danh.
Bà thà nằm vỉa hè với dân còn hơn nhận vài tỉ của doanh nghiệp, có bao giờ bà thay đổi không?
Không bao giờ. Tôi vẫn nói rằng, nếu các anh tham nhũng, tôi sẵn sàng bán nhà, tôi sẽ tiếp tục tố cáo. Bây giờ tôi chỉ mong Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng sẽ sớm có biện pháp bảo vệ tính mạng tôi, bảo vệ niềm tin của nhân dân. Tôi không sợ chết, nhưng tính mạng của tôi đây là cái để người dân nhìn vào để người ta tin, chứ không phải tôi sợ chết. Phải hiểu rõ quan điểm như vậy.
Thà làm một công dân tốt hơn làm một đảng viên tồi
Phẩm chất của một cựu quân nhân đã rèn luyện cho chị ý chí thép đó?
Thứ nhất là do gia đình, thứ 2 là do quân đội rèn luyện, thứ 3 là nhờ tạp chí Cộng sản. Số nào Tạp chí Cộng sản ra là tôi cũng xin hoặc mua ngay, mặc dù tôi không phải là Đảng viên.
Vừa rồi tôi xúc động đến nỗi không xem hết một chương trình về Bác Hồ. Cuộc đời Bác hoạt động Cách mạng gian khổ như thế nào để giành được độc lập cho đất nước. Vậy mà đất nước mình sẽ ngày càng suy sụp nếu không tìm được những người dám vực lên. Đồng chí Nguyễn Tấn Dũng đã nói quyết đẩy lùi tham nhũng là tôi rất phấn khởi.
Có người hỏi sao tôi không ra sức để trở thành Đảng viên. Nhưng tôi nghĩ một Đảng viên thì phải thật sự trung thành và thật sự làm được việc cho Đảng và cho đất nước. Tôi không phải là Đảng viên vì tôi cho rằng trọng trách của người Đảng viên rất là lớn. Tôi thà làm một công dân tốt còn hơn làm một Đảng viên tồi.
Khi tôi vào Đảng thì tôi phải có một trách nhiệm cao, chứ không phải vào Đảng mà lấy cớ Đảng viên để anh làm sai, cũng không phải không vào Đảng thì anh không phấn đấu.
Tôi rất thích đọc tạp chí Cộng sản. Tôi luôn nghĩ đến Bác Hồ, nghĩ đến cha và mẹ tôi là những người bộ đội. Cha mẹ tôi sinh được mấy người con trai đều đi bộ đội và hi sinh.
Gia đình tôi 7 người trong quân đội, tôi cũng chẳng mong ưu đãi gì. Tôi chỉ mong giải phóng rồi, đất nước được bình yên để con cháu mình được hưởng thụ những điều tốt đẹp.





Chống tiêu cực và chuyện con PGS Văn Như Cương thi trượt đại học

Thiên Di - Nguyễn Tiến |
Chống tiêu cực và chuyện con PGS Văn Như Cương thi trượt đại học

(Soha.vn) - “Tôi ủng hộ việc phanh phui gian lận thi cử và phản đối những ai a dua “ném đá”, nói xấu, đe dọa những người dám đứng lên chống tiêu cực”.







Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014, “Người đương thời” Đỗ Việt Khoa tiếp tục vạch trần gian lận bằng việc cung cấp cho báo chí hình ảnh, clip ghi lại tình trạng lộn xộn trong phòng thi tại Trường THPT Nam Lương Sơn (Hòa Bình) vào buổi thi ngày 2/6 vừa qua.
Ngay lập tức, sự việc này tạo ra “cuộc chiến” trong dư luận giữa một bên là những người đồng tình ủng hộ việc làm của thầy Khoa và một bên phản ứng mạnh mẽ, gay gắt thậm chị là dùng lời lẽ xúc phạm người chống tiêu cực.
Trước những lời lẽ của một nữ sinh bày tỏ trên facebook cá nhân rằng muốn tìm gặp thầy Khoa để đánh và dùng lời lẽ hăm dọa, khiếm nhã, PGS.TS Văn Như Cương – một người thầy nhiều năm dìu dắt học trò và nguyên là Hiệu trưởng Trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) nói: “Học sinh nghĩ do thầy Khoa quay clip gian lận tại trường nên các em không đỗ được tốt nghiệp vì vậy có lời lẽ dọa đánh. Tôi cho rằng đó là hành động thiếu suy nghĩ, bồng bột của em nữ sinh này và rõ ràng đó là việc làm sai”.
PGS.TS Văn Như Cương hoan nghênh, ủng hộ người chống tiêu cực trong giáo dục.
PGS.TS Văn Như Cương hoan nghênh, ủng hộ người chống tiêu cực trong giáo dục.
Ông nói rằng, ông cũng nghe thông tin thầy Đỗ Việt Khoa để máy quay tại nhà dân và chĩa sang quay lén ghi lại hình ảnh trao đổi bài của học sinh tại Trường THPT Nam Lương Sơn. Nhưng Sở GD&ĐT Hòa Bình đã khẳng định rằng có tình trạng học sinh lộn xộn một lúc và giám thị đã kịp chấn chỉnh, không đáng nghiêm trọng để lập biên bản, xử lý kỷ luật.
Theo vị PGS này thì tiêu cực là có và đa phần mọi người đều coi đó là bình thường, đương nhiên. Vì vậy, ông khẳng định quan điểm: “Tôi ủng hộ người dám đứng lại chống tiêu cực, phản ánh gian lận trong thi cử, có thể bằng việc quay clip gian lận trong phòng thi và cung cấp cho cơ quan bộ ngành liên quan, báo chí. Tôi cho rằng đó là điều hoàn toàn đúng và đáng hoan nghênh.
Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều người băn khoăn, nhiều luồng ý kiến tranh cãi về nên hay không nên “thả lỏng” thi tốt nghiệp THPT. Nếu chỉ trích như vậy thì còn ai dám đứng lên chống tiêu cực nữa”.
Trước quan điểm “thương” học sinh nên “giúp đỡ” các em trong phòng thi hoặc làm ngơ trước hành động gian dối, PGS.TS Văn Như Cương nhấn mạnh đó là suy nghĩ sai lầm bởi: 
“Mình thương học trò hôm nay nhưng làm hại cả thế hệ sau, họ sẽ noi gương việc làm đó. Đó là tình thương không đúng cách, cảm thông nhưng làm trái với nguyên tắc, không công bằng với những học sinh khác. Tôi tuyệt nhiên phản đối tâm lý “các em vất vả 12 năm học nên bỏ qua, thả lỏng để học sinh chép bài, gian dối. Nếu như vậy thì cần học để làm gì? Đó mới là điều nguy hiểm nhất”, PGS Văn Như Cương khẳng định.
Hình ảnh do thầy Khoa cung cấp về việc học sinh trao đổi bài trong phòng thi.
Hình ảnh do thầy Khoa cung cấp về việc học sinh trao đổi bài trong phòng thi.
Nhân sự việc này, PGS Văn Như Cương kể câu chuyện về “không chạy chọt, không gian dối, không xin xỏ” trong gia đình mình nhiều năm về trước.
“Hồi tôi làm ở khoa Toán, ĐH Sư phạm Hà Nội, con tôi đăng ký dự thi vào khoa Toán nhưng thiếu nửa điểm. Nhiều người nghĩ rằng tôi sẽ “chạy chọt” vì có nửa điểm thôi nhưng tôi nói với con rằng: “Không con ạ, thiếu nửa điểm ta sẽ thi lại năm sau”. Và năm sau con tôi thi đỗ khoa tiếng Nga.
Câu chuyện thứ 2 về bà nhà tôi, khi tôi còn dạy ở Trường ĐH Sư phạm Vinh, nhà tôi cầm hồ sơ đi xin việc tại một trường trong tỉnh. Tôi đạp xe chở vợ tôi đến Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An nhưng tôi đứng ngoài chờ mà không vào. Sau đó, vợ tôi cầm tờ quyết định đi dạy tại một trường rất xa. Nhiều người nói rằng, tại sao tôi không chạy chọt, nhờ vả để vợ tôi về trường gần nhà…Nhưng tôi nói không và sống như thế đến bây giờ”, ông kể lại.
Theo PGS thì hiện nay tiêu cực trong thi cử, giáo dục là có. Tuy nhiên, để chống được tiêu cực, gian lận thì bản thân Hội đồng thi, giám thị phải làm hết mình, làm nghiêm minh cũng giống như việc người dân tham gia giao thông thấy đèn đỏ sẽ dừng lại nếu thấy công an và ngược lại.
“Học sinh đi thi cũng thế, nếu giám thị lơ là bỏ qua thì các em lộn xộn, trao đổi, quay cóp…Còn nếu thầy nghiêm chỉnh thì học sinh không dám làm điều gian dối. Cho nên, chống tiêu cực trong phòng thi thì vấn đề cơ bản là kỷ luật tốt, giám thị nghiêm minh.
Gian lận phải cương quyết, phải được tiêu diệt đặc biệt trong giáo dục thì nhất định không được phép”, vị PGS gần 80 tuổi trăn trở.
theo Trí Thức Trẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét