Thứ Tư, 25 tháng 11, 2015

BÍ ẨN ĐƯỜNG ĐỜI 12

-Mọi người đều mù quáng đi trên con đường đời của mình! Vì đố ai thấy chính xác con đường ấy!
-Đường đời riêng đã không thấy thì làm sao thấy được đường đời chung, tức định mệnh của nhân loại?
-Chỉ toàn suy đoán và tưởng tượng thôi! Vì vậy, hãy thận trọng trước những " tiên tri" về xã hội!
-Và đời ta, ta không thể đánh giá đúng được mà phải để đời sau đánh giá!

-----------------------------------------------------
(ĐC sưu tầm trên NET)

Minh oan cho vua Duy Tân

Hôm nay thấy trên mạng có bài báo này đáng chú ý, vì muốn “minh oan” cho vua Duy Tân. Tuy nhiên, một số bạn cho rằng bài báo có vài sai lầm về sự kiện (như ảnh ngôi mộ vua Duy Tân được chú thích là ở... Pháp) và sai về phương pháp luận.
Riêng tôi chú ý một điều là con đường Duy Tân “cây dài bóng mát” đã mất ở Sài Gòn. Kể cũng tiếc. Chính quyền mới có quá nhiều anh hùng và vộ vã trong việc đặt tên đường. Có lẽ đã đến lúc nên có một con đường Duy Tân đâu đó trong thành phố để ghi công của ông vua yêu nước này.
NVT
“Giải mã” số phận bi thảm của một vị vua chống pháp
Kỳ 1: Chống Pháp từ tuổi còn thơ
Tuy nhiên trong số 3 vị vua trên, vua Duy Tân là người chúng tôi muốn đề cập đến trong bài viết này, bởi vì số phận của ông có nhiều điều nghi vấn cho đến tận bây giờ.
Sau khi vua Thành Thái tỏ thái độ chống Tây và bị truất phế, thực dân Pháp muốn tìm một người kế vị phải còn nhỏ tuổi để dễ sai khiến và không dám chống đối. Khâm sứ Lévecque vào Hoàng cung cầm danh sách của các Hoàng tử con Vua Thành Thái để. .. chọn vua, lúc điểm danh thì thiếu mất Vĩnh San. Thì ra Hoàng tử Vĩnh San đang chui dưới gầm giường bắt dế. Do không kịp đưa về nhà tắm rửa, nên Vĩnh San được ra mắt trong tình trạng mặt mày lem luốc, quần áo ướt đẫm mồ hôi. Thoạt trông, Lévecque đồng ý ngay vì thấy đứa bé mặt mày dơ dáy, nhìn nhút nhát và có vẻ như... đần độn, chắc dễ sai khiến sau này (!?). Thế là đại diện nước Pháp chọn Vĩnh San làm Vua khi mới 7 tuổi, sau khai tăng lên thành tám tuổi. Cái tên Duy Tân được triều thần đặt cho vì muốn tưởng nhớ đến vua Thành Thái với giấc mộng đổi mới không thành.

Ảnh vua Duy Tân lúc mới lên ngôi, mặt mũi còn lem luốt
Thế nhưng, người Pháp đã lầm! Ngay sau lễ Tôn Vương một ngày (5-9-1907), vua Duy Tân đã tỏ ra khác hẳn, nhà vua không hề có một cử chỉ nhút nhát sợ Tây, ông đã tiếp viên quan toàn quyền Đông Dương thẳng bằng tiếng Pháp với một vẻ tự tin. Một nhà báo Pháp đã thuật lại là "... Một ngày lên ngai vàng đã thay đổi hoàn toàn bộ mặt của cậu bé lên tám". Thái độ chống Pháp của vua Duy Tân sớm bộc lộ ngay khi còn nhỏ. Có rất nhiều giai thoại kể về điều này. Một lần nhà vua ra bãi tắm Cửa Tùng nghỉ mát, tay chân dính cát. Thị vệ bưng chậu nước cho vua rửa. Vua vừa rửa vừa hỏi:
- Khi tay bẩn thì lấy nước mà rửa, khi nước bẩn thì lấy chi mà rửa?
Người thị vệ chưa biết trả lời ra sao thì vua nói:
- Nước bẩn thì phải tìm cách trừ khử những chất ngoại lai lẫn vào trong đó, hiểu không?
Viên thị vệ sợ quá, không biết nói ra sao. Năm vua 12 tuổi, khi đến dự yến ở Tòa Khâm sứ, một viên cố đạo Pháp giỏi cả tiếng Việt lẫn tiếng Hán, thấy vua vẻ mặt khôi ngô bèn đưa ra câu đối "Rút ruột ông Vua, tam phân thiên hạ". Đây là một câu chiết tự, chữ Vương khi bỏ đi nét Cổn ở giữa thành chữ Tam, vừa mượn tích Tam Quốc, vừa ám chỉ việc chia nước Việt Nam thành 3 kỳ. Không chút bối rối, vua Duy Tân đối lại ngay "Chặt đầu thằng Tây, Tứ hải giao huynh", vua cũng đối lại bằng một câu chiết tự, chữ Tây bỏ bớt phần đầu phía trên trở thành chữ Tứ. Tuy vế sau chưa thật hoàn chỉnh nhưng đã thể hiện chí khí chống Pháp dứt khoát của nhà Vua.

Ảnh vua Duy Tân lúc còn trẻ (trông cũng "Tây" lắm chứ!)
Năm 1912, Khâm sứ Mahe đã mở chiến dịch tìm vàng ở Huế, thậm chí đào cả lăng vua Tự Đức để tìm vàng. Trừ đại thần Nguyễn Hữu Bài, cả triều đình đều nhắm mắt làm ngơ. Vua Duy Tân nổi giận đóng cửa Hoàng cung tuyên bố không giao tiếp với người Pháp cho đến khi Mahe bị toàn quyền Alber Saurre khiển trách. Tuy nhiên với Nguyễn Hữu Bài, một đại thần lớn vua Duy Tân cũng bày tỏ sự thất vọng, một lần đi câu ở Phú Văn Lâu, vua Duy Tân ra vế đối "Ngồi trên nước mà không ngăn được nước, trót buông câu nên lỡ phải lần". Nguyễn Hữu Bài đối lại: "Nghĩ việc đời mà ngán cho đời, đành nhắm mắt đến đâu hay đó". Vua Duy Tân cho rằng Nguyễn Hữu Bài là người cam chịu trước số mạng.
Vua Duy Tân cũng nhiều lần bày tỏ sự phản kháng, năm 13 tuổi vua muốn cử ông Nguyễn Hữu Bài sang Pháp để yêu cầu duyệt lại hiệp ước Patenôtre ký năm 1884 vì ông cảm thấy việc thi hành của hiệp ước ấy không đúng với những điều kiện mà hai bên đã ký kết với nhau. Năm 15 tuổi, Vua Duy Tân đã triệu tập cả sáu ông đại thần trong Phụ Chính, bắt buộc các vị phải ký vào biên bản để đích thân Vua sẽ cầm qua trình với tòa Khâm sứ nhưng đều không thành vì Triều đình đều sợ Pháp nên đã báo cho Thái Hậu can vua. Những việc này khiến vua Duy Tân không còn tin tưởng triều đình trong việc chống Pháp nữa. Có lần các quan lại đang can gián vua Duy Tân, Nguyễn Hữu Bài đi ngang qua, bèn vào tâu vua: "Bệ hạ muốn chống Pháp nhưng lấy gì chống họ? Bệ hạ không có quân đội, bệ hạ cũng không có tài chính!". Vua Duy Tân ngẫm nghĩ rồi nói: "Vậy thì phải kêu gọi dân chúng nổi dậy đánh Pháp". Quan điểm khởi nghĩa chống Pháp dựa vào dân chúng của vua dường như đã manh nha từ lúc này.
Vua Duy Tân thích con gái của Thượng thư Hồ Đức Trung và muốn lấy làm phi, lễ hỏi đã được gửi sang thế nhưng chỉ còn 2 tháng nhập cung thì vua đột ngột từ hôn, yêu cầu triều thần tìm người khác. Sau này Pháp điều tra mới biết vua linh cảm được sự nguy hiểm nên không muốn gia đình họ bị liên lụy, bởi lúc này vua đã được tổ chức Việt Nam Quang Phục hội do Trần Cao Vân và Thái Phiên thuyết phục cùng tham gia kế hoạch khởi nghĩa đánh Pháp. Không ngờ ngày 3-5-1916 khi cuộc khởi nghĩa chuẩn bị diễn ra thì kế hoạch bại lộ, Pháp tước hết khí giới của lính người Việt, Vua Duy Tân không biết nên đã rời khỏi kinh thành và bị bắt, lúc này nhà vua mới 16 tuổi. Pháp bắt triều đình Huế phải xử, Thượng thư bộ Học Hồ Đắc Trung được ủy nhiệm thảo bản án. Ông Trần Cao Vân tuy bị giam trong ngục nhưng nhờ được người đưa được một mảnh giấy cho ông Hồ Đắc Trung xin được nhận hết tội để Vua thoát nạn. Ông Hồ Đắc Trung lấy lý do vua còn nhỏ, chưa trưởng thành và làm án đổ hết tội cho 4 ông Thái Phiên, Trần Cao Vân, Tôn Thất Đề và Nguyễn Văn Siêu. Bốn ông đều bị chém đầu còn vua Duy Tân thì bị đày đi đảo Réunion cùng với vua Thành Thái.
Nếu như vua Hàm Nghi và Thành Thái đều không còn những hoạt động nào kể từ khi bị lưu đày thì vua Duy Tân lại khác. Tháng 3-1920, Hội nghị Hòa bình các quốc gia châu Âu diễn ra tại Versaille, cựu hoàng Duy Tân gửi một lá thư đến báo "L'Humanité" đòi Việt Nam phải được trở thành một quốc gia độc lập và trung lập như mọi quốc gia châu Âu khác! Dĩ nhiên những đòi hỏi này không được thực dân Pháp đếm xỉa đến. Khi vua Khải Đinh chết năm 1925, Duy Tân đã gửi về một câu đối: "Ông vội bỏ đi đâu, bỏ tiền, bỏ bạc, bỏ vợ, bỏ con, bỏ thầy tu, hát bội, bỏ hết trần duyên trong một lúc. Tôi may còn lại đó, còn trời, còn đất, còn nước, còn non, còn anh hùng, hào kiệt, còn nhiều vận hội giữa năm châu".
Vận hội đó của cựu hoàng Duy Tân phải đến 20 năm sau mới xảy ra, vào tháng 12-1945, Duy Tân đã gặp được tướng De Gaulle và đạt được những thỏa thuận để giải quyết vấn đề Việt Nam lúc bấy giờ. Theo đó tướng De Gaulle quyết định vào đầu tháng 3-1946 đưa Duy Tân trở lại ngôi Hoàng đế Việt Nam thay thế cho Bảo Đại, ba kỳ thống nhất, dưới một chính thể trung ương hoàn toàn tự do cai trị và tổ chức nền kinh tế của mình. Pháp đảm nhận phòng thủ biên cương cho Việt Nam trong một thời hạn nào đó... Thế nhưng chuyến đi đó không bao giờ thực hiện được vì ngày 26-12-1945, trên đường về thăm gia đình ở đảo Réunion, chiếc máy bay chở Cựu hoàng Duy Tân đã bị rơi gần Bangui thuộc Trung Phi, khi đó ông mới 45 tuổi. Cho đến những năm gần đây, việc giải mật nhiều tài liệu quan trọng của Pháp đã cho thấy nhiều tình tiết quan trọng quanh cuộc đời của cựu hoàng Duy Tân.
Kỳ 2. Cần minh oan cho vua Duy Tân
Thế nhưng sau năm 1975, đường Duy Tân đã bị đổi tên, và hoàn toàn không có con đường Duy Tân nào khác. Nghĩa là, vua Duy Tân không còn được chính quyền mới đánh giá cao nữa, vì sao vậy?
Từ sau khi bị đày đến Reunion, cựu Hoàng Duy Tân tách ra không sống gần vua cha Thành Thái nữa. Nguyên nhân theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, ông đã được Hoàng tử Georges Vĩnh San (Bảo Ngọc) có lần hé cho biết: Cựu hoàng Duy Tân rất kính trọng vua cha Thành Thái nhưng ông vẫn sống tách biệt với cha. Vì nhiều lý do, nhưng có hai lý do chính là:
1. Vua Duy Tân không thích đời sống tình cảm dễ dãi của vua Thành Thái, không thích nghe cha kêu ca về đời sống lưu đày cực khổ;
2. Vua Thành Thái là người “thủ cựu”, không thích những gì liên quan đến Pháp trong lúc đó Duy Tân chấp nhận cuộc sống thiếu thốn, nhưng với tính cởi mở, cầu tiến, học để thông thạo tiếng Pháp như tiếng Việt, làm quen tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, chơi vĩ cầm, nhiếp ảnh, thỉnh thoảng đi diễn thuyết, viết báo, đua ngựa và đánh kiếm. Ông có chân trong Hội khoa học, Văn chương và Nghệ thuật, bài Variations sur une lyre briée (Những biến tấu của một cây đàn lia gãy vỡ) được giải nhất văn chương của Viện Hàn lâm Khoa học và Văn chương La Réunion (1924), ông không ngừng học hỏi để trở thành một người làm chính trị của thời đại mới.
Theo tài liệu và thông tin của các con vua Duy Tân kể lại thì những năm đầu ở đảo cựu hoàng đau ốm liên miên, không bạn bè thân thuộc. Bởi không hợp với khí hậu nên bà Phi Mai Thị Vàng đã phải quay về Việt Nam, dù sau này Duy Tân gửi giấy ly hôn để bà Vàng đi lấy chồng nhưng bà vẫn một mực thủ tiết đến chết. Cũng vì điều này mà Duy Tân sau này chỉ có thể chung sống với những phụ nữ khác chứ không thể cưới làm vợ. Do phải đi học để lấy bằng tú tài tại trường trung học Leconte de Lisle mà số tiền cấp dưỡng chết đói hằng năm 35.000 quan Pháp gây cảnh thiếu trước hụt sau nhưng Duy Tân không bao giờ hạ mình phàn nàn hay xin chính phủ Pháp tăng. Sau một thời gian, Duy Tân tằn tiện mở được một tiệm sửa máy vô tuyến tại thành phố Saint Denis. Ông đã thiết lập cho đảo Réunion một đài vô tuyến điện. Nhờ đài này mà ông liên lạc được với lực lượng kháng chiến chống Đức của Pháp.
Khi Đức xâm chiếm nước Pháp, Duy Tân làm đơn xin được gia nhập quân đội Pháp chống phát xít Đức nhưng không được Bộ Thuộc địa trả lời. Nhưng rồi ông cũng tham gia quân đội với hàm hạ sĩ quan vô tuyến. Sau đó ông đăng lính bộ binh và sang châu Âu rồi được phong quân hàm thiếu tá, nhiều người cho rằng ông đã bị lợi dụng trở thành lá bài của Pháp. Một nhà vua đã từng chống Pháp nay lại gia nhập quân đội Pháp và việc ông đồng ý quay trở lại làm Hoàng Đế khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra đời và tuyên bố độc lập phải chăng là một hành động đi ngược lại với lợi ích dân tộc?
Để trả lời câu hỏi này, cần xem lại những hoạt động của Duy Tân, ông đã tìm mọi cách để rời khỏi Reunion sang Pháp, bằng cách xin nhập quốc tịch Pháp, xin nhập cư ở Pháp, kể cả việc gia nhập quân đội cũng đều bị Pháp từ chối, thậm chí ngay cả khi tướng De Gaulle quyết định đưa ông về Việt Nam cũng vấp phải sự phản đối quyết liệt của Bộ Thuộc địa Pháp. Đó là vì sau khi theo dõi, Bộ Thuộc địa cho rằng vua Duy Tân là một người theo Tam Điểm (Franc-Macon), thiên tả và có ý đồ chống Pháp khi ông được trở lại hoạt động chính trị ở Việt Nam. Sau khi vua Duy Tân bị tử nạn, gia đình xin đưa hài cốt vua Duy Tân về Việt Nam Bộ Thuộc địa vẫn một mực từ chối vì họ sợ người Việt Nam sẽ biến việc cải táng hài cốt vua Duy Tân thành một phong trào chống Pháp vô cùng tai hại cho thực dân Pháp.
Mới đây, nhiều tài liệu liên quan đến vua Duy Tân được “giải mật” thêm nữa, trong tờ lý lịch cá nhân thực dân Pháp nhận xét về con người vua Duy Tân là “...Có vẻ khó mua chuộc, rất độc lập, mưu đồ rời khỏi đảo La Réunion để tái lập ngôi báu ở An Nam...” (...parait difficile à acheter, extrêmement indépendant... intrigue pour quitter la Réunion et rétablissement trône d’Annam). Quan điểm của thực dân Pháp đối với vua Duy Tân trước sau như một rằng “Vua Duy Tân theo đuổi mục đích tái lập ngai vàng để chống Pháp”.
Một tài liệu gần nhất, ông Nguyễn Đắc Xuân tìm được với sự giúp đỡ của nhà sử học Vũ Ngự Chiêu (Hoa Kỳ) giúp sao y được bản chính. Đó là Quyết định của Bộ Thuộc địa Pháp mang số 7312/102, ký ngày 3-12-1945 trả Hoàng tử Vĩnh San về lại đảo Réunion (laisser le prince rentrer à la Réunion) với cấp bậc Tiểu đoàn trưởng và phụ cấp lương hằng năm cao hơn. Văn bản này chứng tỏ Bộ thuộc địa không thực hiện chủ trương của Bộ chiến tranh Pháp đưa vua Duy Tân về thăm nhà ở đảo Réunion trước khi đưa nhà vua về Việt Nam làm “nhiệm vụ con bài” của Tướng De Gaulle.
Vì sao Duy Tân chấp nhận làm “con bài” của Pháp khi đất nước đã được độc lập? Những thông tin sau này của những người Việt tiếp xúc với ông đã giúp chúng ta hiểu sâu hơn. Ví dụ linh mục Cao Văn Luận thuật lại lời cựu hoàng Duy Tân trong hồi ký Bên dòng lịch sử: Người Pháp đang cần sự hợp tác của chúng ta để tái chiếm Đông Dương. Họ chỉ chấp nhận cho ta thành mộtquốc gia tự tro trong Liên Hiệp Pháp. Điều đó không trái với quyền lợi quốc gia.Dần dà chúng ta đòi thêm quyền hành. Chúng ta biết làm gì hơn trước binhlực hùng hậu của Pháp và hậu thuẫn của đồng minh Tây phương? Chúngta đã thấy những gương chống Pháp và tôi đây là nạn nhân của một lốichống Pháp nóng nảy vụng về. Rồi đất nước chúng ta phải chịu một cảnhchiến tranh tàn khốc mà kết quả chưa biết là thắng hay bại”.


Một văn bản của thực dân về vua Duy Tân
Nhưng đáng tin hơn, chính ông Phạm Khắc Hòe đã được những người thân vua Duy Tân kể lại rằng vua Duy Tân đã từng nói “Tôi không về Việt Nam chống cụ Hồ". Điều này có nghĩa là để thoát khỏi sự theo dõi và giam cầm của thực dân Pháp, Vua Duy Tân đã tìm mọi phương cách để có thể trở về Việt Nam chống Pháp, đấy là sự mưu trí, nhẫn nhịn của một vị vua thông minh và yêu nước ngay từ bé. Cũng có thể chính vì câu nói đó mà ông đã phải chết?
Với những chứng cứ mới thu thập được, có thể khẳng định Duy Tân là một người yêu nước, ông cũng có những dự định riêng cho đất nước, cho dân tộc theo cách của ông. Cuộc đời vua Duy Tân là một cuộc đời bi thảm, ông sẵn sàng hy sinh ngai vàng để chống thực dân Pháp, hy sinh tình riêng cho nghĩa lớn, chấp nhận một cuộc sống thiếu thốn của kẻ lưu đày học hỏi tinh hoa của kẻ cai trị mình để nhẫn nhục chờ ngày giành độc lập cho đất nước. Ông xứng đáng được vinh danh như những nhà yêu nước lớn khác của dân tộc Việt Nam.

Mộ vua Duy Tân (phóng viên ghi là ở Pháp, nhưng thật ra là ở Huế)
Năm 1987, hài cốt của Vua Duy Tân được mang về mai táng ở An Lăng (Huế) cạnh vua cha Thành Thái. Ở Huế, Đà Nẵng, tên đường Duy Tân đã được đặt lại ở những đường phố lớn, còn ở thành phố Hồ Chí Minh đến nay vẫn chưa có lại đường phố mang tên Duy Tân, đây là một điều đáng tiếc. Không phải chỉ trả lại con đường cũ mang tên ông, mà cần phải đặt tên Duy Tân cho một con đường mới lớn hơn, xứng đáng hơn với tấm lòng yêu nước của ông.
Trà Giang 

Cuộc đời thăng trầm của vị vua Việt lưu đầy trên đất Algerie

Mặc dù bị đày ải sang xứ người nhiều năm trời, vua Hàm Nghi vẫn luôn mang cốt cách của một vị vua yêu nước và được nhiều người nể trọng.

Triều Nguyễn kể từ năm 1802 - 1945 truyền được 13 đời. Trong tất cả các vị vua, người ta thường nhắc đến nhiều nhất có ba người là Hàm Nghi, Thành Thái và Duy Tân bởi đó là những vị vua yêu nước, có tư tưởng chống Pháp.
Trong đó, vua Hàm Nghi là người đã ban chiếu Cần Vương, kêu gọi dân chúng đứng lên chống Pháp khởi đầu cho một loạt các phong trào khởi nghĩa vùng dậy lên khắp nơi gây nhiều thiệt hại cho thực dân Pháp.
Cuộc đời thăng trầm của vị vua Việt lưu đầy trên đất Algerie
Hàm Nghi tên thật của là Nguyễn Phúc Ưng Lịch, tên húy là Nguyễn Phúc Minh, sinh ngày 3/8/1871 tại Huế, con của Thuận Nghi Kiên Thái Vương Nguyễn Phúc Hương Hội (Nguyễn Phúc Cai), là vị vua thứ tám của nhà Nguyễn. Ngài lên ngôi ngày 2/8/1884 tại Huế khi mới 13 tuổi, trong bối cảnh triều Nguyễn lúc đó việc lên ngôi vua không phải là danh chính ngôn thuận mà tất cả đều được sắp đặt từ trước bởi các quan đại thần phụ chính.
Vừa lên ngôi được chưa lâu thì xảy ra cuộc nổi dậy kháng Pháp của các quan đại thần, nhà vua và lưỡng cung chẳng hay biết. Đến khi cuộc nổi dậy bất thành, kinh đô Huế bị thất thủ ngày 23/5 năm Ất Dậu (1885). Vua Hàm Nghi theo phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết chạy ra Tân Sở và ban chiếu Cần Vương kêu gọi sĩ phu và toàn thể dân chúng nổi dậy chống Pháp.
Ba năm cầm đầu ngọn cờ của toàn dân tộc đấu tranh kháng Pháp, công cuộc chưa thành thì cuối năm 1888 vua Hàm Nghi bị bắt nộp cho Pháp. Không thể mua chuộc được ông vua trẻ lúc ấy chỉ mới 18 tuổi, thực dân Pháp đã đưa vua xuống tàu La Comète vào Sài Gòn, rồi đưa qua tàu Biên Hòa, lưu đày biệt xứ sang Algerie. Trước đó, thực dân Pháp đã yêu cầu viên toàn quyền Algeria đối xử tử tế với toan tính có thể đưa Hàm Nghi trở lại ngai vàng một lần nữa...
Tháng ngày tại Algerie
Chiều chủ nhật ngày 13/1/1889, vua Hàm Nghi đến thủ đô Alger. Mười ngày đầu, nhà vua tạm trú tại L'hôtel de la Régence (Toà nhiếp chính). Sau đó, ông được chuyển về ở Villa des Pins (Biệt thự Hiên Tùng) cách Alger 5km. Tại đây, nhà vua được chính quyền tiếp đón đàng hoàng và được nhiều học sinh người Việt tìm đến viếng chào. Ông cũng được viên toàn quyền Pháp tại Algerie là Tirman tiếp kiến và mời cơm thân mật tại gia đình.
Ít ngày sau, qua Toàn quyền Tirman, nhà vua nhận được tin thân mẫu là Bà Phan Thị Nhàn (vợ thứ của Ngài Hồng Cai, Hoàng Tử thứ 26 của vua Thiệu Trị) đã từ trần vào ngày 21/1/1889 tại Huế. Thân phụ mất (1876) lúc Hàm Nghi mới 5, 6 tuổi. Đến nay lại được tin thân mẫu qua đời, nhà vua đau khổ vô cùng.
Gần mười tháng tiếp đó, cựu hoàng không chịu học tiếng Pháp. Ông cho rằng tiếng Pháp là thứ tiếng của dân tộc đã cướp nước Việt Nam. Mọi việc giao thiệp đều qua thông ngôn Trần Bình Thanh. Nhưng dần dần ông thấy người Pháp ở Algerie không phải là loại người Pháp thực dân ở xứ An Nam, không những họ không thù hận ông mà trái lại họ còn quý mến và giúp đỡ ông rất nhiều. Đến tháng 11/1889, cựu hoàng chịu học tiếng Pháp với giáo sư Néopol.
Cuộc đời thăng trầm của vị vua Việt lưu đầy trên đất Algerie
Không chỉ mang cốt cách của vị vua yêu nước, Hàm Nghi còn có tài vẽ tranh rất đẹp. Đây là bức tranh0 Chiều tà của nhà vua.
Dù ở Algerie nhiều năm, người dân Alger quen gọi vua Hàm Nghi với cái tên thân thiện là “ông hoàng An Nam” (Prince d'Annam), bởi nhà vua luôn nói tiếng Việt, đầu búi tó, đội khăn vành, vận áo dài đen, quần trắng, ăn các món ăn của người Việt do người Việt nấu. Đến năm 1904, khi đã 33 tuổi, vua cưới vợ là cô Marcelle Laloe, con gái ngài luật sư Laloe, chánh án tòa thượng thẩm Alger.
Mối tình vua Hàm Nghi với người con gái quý tộc Pháp
Ngài Laloe góa vợ, có một con gái duy nhất, là người rất được trọng vọng đối với dân bản xứ. Ông chỉ có một cô con gái tên là Marcelle Laloe, lúc vua Hàm Nghi sang Algerie mới khoảng 16 tuổi. Là một trong những trí thức lớn, một viên chức đứng đầu của ngành Tư pháp ở xứ thuộc địa, trong quãng thời gian sống ở Algerie, ông  Francois Laloe thường xuyên góp mặt vào những buổi sinh hoạt văn hóa-văn nghệ dành cho giới thượng lưu ở Thủ đô Alger được tổ chức tại gia đình bà Nam tước De Vialar. Đây là một gia đình rất thân thiết và quý mến Vua Hàm Nghi, nơi Vua Hàm Nghi thường xuyên qua lại, thậm chí còn sinh hoạt ở đó. 
Nhờ mối quan hệ thân tình này, cũng vốn là người được số đông trong giới thượng lưu ở Alger yêu quý, nên vua Hàm Nghi và gia đình ông Francois Laloe nhanh chóng trở nên thân thiết với nhau. Là người có tư tưởng tiến bộ, ông Francois Laloe đã rất khuyến khích cô con gái trẻ tuổi của mình trò chuyện giao lưu với Vua Hàm Nghi – một người dân một nước thuộc địa của Pháp đang bị lưu đày nhưng có xuất thân hoàng tộc cao quý và hơn cả là có một nhân cách đẹp, một tâm hồn đẹp.
Tuy Vua Hàm Nghi hơn  Marcelle Laloe 13 tuổi, nhưng không vì thế mà khoảng cách tuổi tác trở thành rào cản đối với họ.  Được tiếp xúc với Vua Hàm Nghi nhiều lần trong những buổi sinh hoạt tại biệt thự của bà Nam tước De Vialar, Marcelle Laloe ngày càng có cảm tình với Vua Hàm Nghi. Dần dần, tình cảm của Marcelle Laloe và Vua Hàm Nghi ngày càng trở nên sâu đậm.
Tuy ông Francois Laloe có xuất thân quý tộc Pháp, nhưng mối quan hệ này của cô con gái duy nhất được ông vô cùng ủng hộ. Chỉ một thời gian sau đó, ông Francois Laloe đã đồng ý cho con gái Marcelle Laloe làm lễ đính hôn với Vua Hàm Nghi.
Cuộc đời thăng trầm của vị vua Việt lưu đầy trên đất Algerie
Đám cưới vua Hàm Nghi.
Ngày cưới, vua Hàm Nghi vẫn phục sức kiểu Việt với áo dài, khăn đống, búi tóc cổ truyền, đi trên chiếc xe song mã rước vị hôn thê đến nhà thờ làm lễ. Những bức ảnh tư liệu cho thấy hàng nghìn người đã theo dõi lễ cưới của vị vua An Nam, và đây trở thành một sự kiện văn hóa của người dân trong vùng. Vợ theo Thiên Chúa giáo, vua Hàm Nghi tuy không theo đạo nhưng rất tôn trọng vợ, thỉnh thoảng có đến nhà thờ, và hai người sống với nhau rất hạnh phúc cho đến cuối đời. 
Nhà vua có ba người con, con đầu lòng là hoàng nữ Như Mai (1905), năm 1908 có thêm cô con gái kế là Như Lý và đến năm 1910 sinh con trai út Minh Đức. Ông thường bảo: “Các con chưa thể được làm người dân Việt Nam tốt thì hãy là những người Pháp tốt”. Khi Bảo Đại qua Alger thăm vua Hàm Nghi có mang cho ông một số tiền. Nhưng vua Hàm Nghi khuyên nên đem tiền về cho dân nghèo. Ở xứ người xa xôi, vua Hàm Nghi vẫn giữ trọn vẹn với đất nước.
Ý thức về sự đày ải suốt cuộc đời, biệt thự Hiên Tùng được vua đổi tên thành biệt thự Gia Long, trong đó xây một cổ lâu theo kiểu kiến trúc Việt truyền thống, biến thành nơi để thờ phụng, tế tự dòng tộc nhà Nguyễn.
Vua mất vào ngày 14/1/1944, tại biệt thự Gia Long và an táng ngay tại đây. Đến năm 1962, khi Algerie độc lập thì biệt thự Gia Long được trả về cho Algerie và ba năm sau di hài nhà vua được chuyển về cải táng ở khu lăng mộ tại làng Thonac, trong khu vực lâu đài của trưởng nữ Như Mai ở tỉnh Dordogne.
Cuộc đời thăng trầm của vị vua Việt lưu đầy trên đất Algerie
Mộ vua Hàm Nghi ở làng Thonac, Pháp
Hữu Phước - Trang Lê
Theo Infonet.vn
Theo Infonet.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét