Thứ Năm, 26 tháng 11, 2015

HIỆN THỰC KỲ ẢO 103

-IS chính là nỗi khát khao được thể hiện ra của mặt trái nhân tính con người. Đó là sự thù hận, sự thèm khát giết chóc để trả thù đã bị dồn nén quá lâu, có lẽ được hun đúc từ thời THẬP TỰ CHINH, và cuộc THẬP TỰ CHINH hiện đại đã làm bùng phát thành IS.
-Nếu không có chủ nghĩa khủng bố nhà nước, sự chà đạp người dân Trung Đông, sự xâm lược bất công có tính hội đồng, đàn áp đầy thiên vị của các nước tư bản cường bạo, thì làm gì có IS!?
-"Thượng bất chính, hạ tắc loạn", người xưa nói đúng!
-Trước mắt, phải kiên quyết như Nga, nhưng có lẽ, về lâu dài,  đau thương chỉ có thể chữa lành bằng yêu thương!?

------------------------------------------------------------
(ĐC sưu tầm trên NET)




Khủng bố IS - Họ là ai và muốn gì? - Kỳ 1:

Khủng bố IS - “quái thai” của Hồi giáo đương đại

20/11/2015 07:56 GMT+7
    TT - Nhiều vụ khủng bố trong thời gian gần đây đã gắn với cái tên tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) hoặc những “đàn em” của nó. IS là ai và muốn gì? Sự ra đời của tổ chức khủng bố tàn bạo này diễn ra như thế nào?


    Nghe đọc bài: “Quái thai” của hồi giao đương đại
    Một đoàn xe của quân IS di chuyển ở khu vực tỉnh Anbar (Iraq) - Ảnh: CBS
    Một đoàn xe của quân IS di chuyển ở khu vực tỉnh Anbar (Iraq) - Ảnh: CBS
    Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) cũng như hết thảy các tổ chức Hồi giáo thánh chiến khác (Al-Qaeda, Jihad Islami...) có chung một nền tảng tư tưởng là “Hồi giáo nguyên gốc” (tiếng Ả Rập là “Wusouliya”).
    Chủ thuyết “Hồi giáo nguyên gốc” được cho là do Mohammed Ben Abdu al-Wahab khởi xướng vào giữa thế kỷ XVIII, tại vùng lãnh thổ ngày nay là Vương quốc Saudi Arabia. Bởi thế, còn được gọi là “chủ thuyết Wahabiya”.
    Tín đồ cực đoan nhất
    Nội dung căn bản của chủ thuyết là phải khôi phục đạo Hồi theo đúng nguyên gốc của tôn giáo này khi ra đời từ thế kỷ thứ VII, với vị “giáo chủ” khởi tổ là tiên tri Mohammed - người được ghi nhận trong Quran (kinh thánh của đạo Hồi) là “Sứ thần của Thánh Allah”.
    Cốt lõi của việc khôi phục “tính nguyên gốc” của đạo Hồi là phải thực thi nguyên bản mọi “lời của Thánh Allah” đã được ghi lại tại kinh Quran, mà thế giới Hồi giáo ngày nay về nguyên tắc vẫn coi là “bất di bất dịch”!
    Với các nhóm thánh chiến thuộc dòng Hồi giáo Suna thì ngoài Quran còn có một trước tác kinh điển nữa là “Al-Hadith”. Al-Hadith ghi lại mọi lời nói và hành động của tiên tri Mohammed trong thời gian trị vì thể chế Hồi giáo đầu tiên hồi thế kỷ thứ VII.
    Al-Hadith cũng là “sách thiêng” bất khả xâm phạm. Mọi lời nói và hành động của Mohammed được ghi lại trong trước tác này đều được coi là “tuyệt đối đúng” mà tất cả tín đồ Hồi giáo ngoan đạo đều phải noi theo.
    IS bám vào Quran và al-Hadith để diễn giải rằng nghĩa vụ mà “Thánh Allah giao cho” chúng là phải bắt cả thế giới này quay về với Hồi giáo. Rằng Islam là tôn giáo duy nhất mà Allah đã ban xuống cho nhân gian, không có tôn giáo - tín ngưỡng nào khác và cũng không thể là thế tục (vô thần).
    Cũng bám vào Quran và al-Hadith, IS vững tin rằng để khôi phục “thế giới Hồi giáo toàn tòng”, chúng có quyền sử dụng mọi biện pháp, từ truyền đạo ôn hòa đến áp đặt đức tin, dùng vũ lực để buộc những người không phải Hồi giáo (mà chúng gọi chung là “ngoại đạo”) phải từ bỏ tôn giáo - tín ngưỡng của họ, cải sang Hồi giáo.
    Cũng viện dẫn và lý giải từ Quran và al-Hadith, IS và các tổ chức thánh chiến khác coi tất cả những người “ngoại đạo” là kẻ thù không thể dung hòa.
    Các triết gia của chủ thuyết “thánh chiến” còn xếp các loại kẻ thù này theo thứ bậc từ cao đến thấp như: vô thần (từ được dùng trong Quran là “Mulhed”), rồi đến các loại “dị giáo” (mà các học giả Hồi giáo nguyên gốc xếp cả Phật giáo vào loại này).
    “Gần gũi nhất” với Hồi giáo là Do Thái giáo và Ki tô giáo. Nhưng cũng chính vì sự gần cận về địa lý mà lại đối nghịch về Thánh/Chúa nên IS coi hai tôn giáo kia là kẻ thù không đội trời chung.
    Sự sắp xếp thứ hạng này được Osama Bin Laden vận dụng cụ thể trong cuộc “thánh chiến” ở Afghanistan hồi thập niên 1980.
    Vì “Mulhed” là “ghê tởm nhất”, nên al-Qaeda hợp tác với Mỹ và phương Tây (Thiên Chúa giáo) để đánh Liên Xô. Mỹ khi ấy không nhận thức được tính chất thuần túy tôn giáo trong hành động “hợp tác” của Bin Laden, cứ tưởng al-Qaeda cũng là đồng minh chính trị “chống cộng sản”.
    “Thánh chiến” và tử vì đạo
    Nếu “nguyên gốc” là nền tảng tư tưởng và mục tiêu lý tưởng của các tổ chức Hồi giáo như IS, al-Qaeda, thì “Jihad” là nguyên tắc hành động của các tổ chức này.
    “Jihad” tiếng Ả Rập đã được ghi nhận trong Quran từ thế kỷ thứ VII. Người Ả Rập ngày nay diễn giải “Jihad” theo nhiều nghĩa khác nhau, nhưng nói chung đều được hiểu là sự nỗ lực cống hiến tột cùng của một tín đồ Hồi giáo để phụng sự sự nghiệp của Allah.
    Các học giả của Hồi giáo nguyên gốc nâng “Jihad” thành một chủ thuyết gọi là “thánh chiến”, bởi họ coi chiến đấu, hi sinh thân mình vì sự nghiệp của Allah là hành vi cống hiến cao cả nhất. Bởi thế, ngày nay nếu coi “Jihad” đồng nghĩa với “thánh chiến” cũng là phải lẽ.
    Để tôn vinh và khích lệ tinh thần “Jihad”, ngay từ thời sơ khai của đạo Hồi đã có những luật lệ ban thưởng cả về vật chất và tâm linh cho những người đã “tử vì đạo” (tiếng Ả Rập là “Shaheed”). Quran quy định ban thưởng cao nhất cho các “Shaheed”.
    Họ được “mặc nhiên lên thiên đàng”, không phải trải qua “sự phán xét sau khi chết”.
    Đó là một phần thưởng tâm linh siêu phàm mà mọi tín đồ ngoan đạo đều cầu mong, mơ ước suốt cả cuộc đời. Gia tộc của các “Shaheed” đều được cộng đồng tôn trọng, kính nể. Vợ con của “Shaheed” được phụng dưỡng suốt đời.
    Ngày nay, IS vẫn thực thi nghiêm túc những “chính sách” như thế với các chiến binh của chúng đã tử trận. Đây là một trong những lý do khiến các tay súng IS, al-Qaeda khi đã “thấm nhuần lý tưởng thánh chiến” thì chết không còn là nỗi sợ với chúng nữa. Ngược lại, đó còn là “một vinh hạnh cao cả nhất” - hi sinh vì “sự nghiệp của Allah”!
    IS và các tổ chức theo Hồi giáo nguyên gốc dùng “Jihad” là phương tiện hữu hiệu tạo nên sức mạnh man dã của các chiến binh.
    Chúng lại viện dẫn Quran và al-Hadith để biện minh cho những hành động bạo lực cực kỳ man dại đối với bất cứ ai mà chúng coi là “kẻ thù của Hồi giáo”.
    Những hành động như thế được IS coi là “trừng phạt kẻ thù của Allah”. Với chúng, không có một giới hạn nào cho các hành động “trừng phạt kẻ thù”. Bởi thế, ngày nay các tổ chức Hồi giáo tự xưng là theo chủ thuyết “Jihad” đều nổi tiếng bởi những hoạt động mà thế giới xếp vào loại “bạo lực khủng bố”.
    IS tự nhận, và cũng được nhiều nhóm thánh chiến khác coi là “nghiêm túc nhất” trong thực thi giáo luật (Sharia) và “điển hình nhất” trong thánh chiến.
    Đã có quá nhiều thông tin về việc IS áp đặt các quy định khắc nghiệt đối với cư dân trong những khu vực do chúng kiểm soát ở Syria và Iraq.
    Các hành vi trừng phạt tội phạm một cách man rợ cũng được chính IS “phô trương” trên Internet cho bàn dân thiên hạ “chiêm ngưỡng”.
    Đàn ông không để râu cằm tự nhiên và phụ nữ không mặc Hijab trùm kín toàn bộ thân thể phải bị đánh đòn bằng roi da.
    Đàn ông hay đàn bà mắc tội “hủ hóa” (giao cấu không có hôn thú) thì bị ném đá cho đến chết. Kẻ trộm đều bị chặt tay. Kẻ nào bị kết tội “phản thánh” thì bị tử hình bằng các hình thức như treo cổ hoặc cắt tiết.
    Những hình thức trừng phạt tội phạm này đều được ghi trong giáo luật Sharia, mà một số hình phạt mang dáng dấp của những điển cố có ghi trong Quran.
    Với một nền tảng tư tưởng thuần túy tôn giáo rập khuôn những điều đã có từ cách nay hơn 14 thế kỷ, IS thật sự là một thực thể dị biệt trong nhân loại văn minh và cũng là một quái thai của Hồi giáo đương đại!
    Nội dung trên lá cờ đen của IS:
    Chữ to màu trắng trên nền đen: “La Ilah Ilallah”, nghĩa là: “Không có thánh nào ngoài Allah!”. Chữ nhỏ hơn trong vòng tròn trắng: “Mohammed Rasoullah”, nghĩa là: “Mohammed là sứ thần của Allah!”.
    N.N.H.




    KHỦNG BỐ IS - HỌ LÀ AI VÀ MUỐN GÌ? - KỲ 2:

    IS đâu phải bỗng nhiên từ trên trời rơi xuống

    21/11/2015 09:45 GMT+7
      TT - Sự kiện tuyên bố ra đời “Nhà nước Hồi giáo” vào ngày 29-6-2014, tại thành phố Mosul ở miền bắc Iraq, chỉ là tiếng “sấm rền” khiến toàn thế giới bàng hoàng và buộc nước Mỹ của Barack Obama phải quay lại Trung Đông!
      Căn cứ địa của IS tại Iraq và Syria - Ảnh: Mirror
      Căn cứ địa của IS tại Iraq và Syria - Ảnh: Mirror


      Nghe đọc bài IS đâu phải từ trên trời rơi xuống
      Từ con đẻ của al-Qaeda thành “Nhà nước Hồi giáo”
      Hồ sơ của Cục Tình báo trung ương Mỹ về thủ lĩnh của IS - Abu Bakr al-Baghdadi - cho thấy al-Baghdadi gia nhập tổ chức al-Qaeda Iraq từ năm 2004, khi Osama Bin Laden mới đưa được “chi nhánh” của tổ chức khủng bố này vào Iraq để trực diện đánh Mỹ.
      Thủ lĩnh al-Qaeda Iraq thời ấy là Abu Musab al-Zarqawi (người Jordan). Chỉ một năm sau, al-Baghdadi bị quân đội Mỹ, khi ấy còn chiếm đóng Iraq, bắt giam. Nằm bóc lịch đến năm 2009 thì al-Baghdadi được trả tự do. Khi al-Baghdadi ra tù, tổ chức al-Qaeda Iraq đã hầu như bị Mỹ xóa sổ và bản thân al-Zarqawi bị Mỹ tiêu diệt từ năm 2006.
      Năm 2010 bỗng nhiên xuất hiện tại địa bàn tỉnh al-Anbar (miền tây Iraq - lãnh địa của dòng Hồi giáo Sunni) một danh xưng mới - “Nhà nước Hồi giáo tại Iraq” mà thủ lĩnh lúc này chính là Abu Bakr al-Baghdadi.
      Tuy nhiên, trong hoàn cảnh quân đội Mỹ khi ấy chưa rút khỏi Iraq, tổ chức này hầu như chưa thể hoạt động gì hơn là duy trì sự tồn tại trong bí mật.
      Cuối năm 2011, tận dụng cuộc nổi dậy tại Syria, al-Baghdadi cử một trợ thủ đắc lực là Abu Mohammed al-Golani sang Syria tìm chỗ đứng chân cho “Nhà nước Hồi giáo tại Iraq”. Nhưng al-Golani phản chủ, tự liên lạc với Ayman al-Zawaheri - thủ lĩnh mới của al-Qaeda đang lẩn khuất ở vùng biên giới Afghanistan - Pakistan, để lập ra “Mặt trận Nusra” theo đường lối của al-Qaeda.
      Tháng 4-2012, al-Baghdadi trực tiếp nhảy sang Syria với vai trò thủ lĩnh của tổ chức mới có danh xưng là “Nhà nước Hồi giáo tại Iraq và Sham” (Sham là vùng lãnh thổ trong lịch sử Hồi giáo bao gồm Syria, Liban, Jordan và Palestine hiện nay, được phương Tây dịch sang tiếng Anh là Levant).
      Tổ chức này được truyền thông phương Tây gọi tắt là ISIL. Khi ấy, ISIL tập trung xây dựng lực lượng và hình thành căn cứ địa tại vùng đông bắc Syria.
      ISIL cứ thế phát triển nhanh chóng tại Syria cho đến khi (tháng 4-2013) tổ chức này chiếm được thành phố Raqqa - thủ phủ của tỉnh cùng tên ở đoạn giữa miền bắc Syria (giáp với Thổ Nhĩ Kỳ) để trở thành “thủ đô” của “Nhà nước Hồi giáo” do al-Baghdadi đứng đầu.
      Mặt khác, ISIL không ngừng khuấy động ở căn cứ địa truyền thống của họ là khu vực Sunni của Iraq. Thời gian này Mỹ đã rút hết hoàn toàn khỏi Iraq (từ cuối năm 2011).
      Chính quyền Iraq do dòng Shiite kiểm soát gây bất bình nghiêm trọng cho lực lượng Sunni, khiến nổ ra không ít cuộc xung đột nóng mang tính tranh chấp giữa hai dòng Hồi giáo này.
      ISIL được một số thế lực Sunni lợi dụng như “một lực lượng vũ trang địa phương” bảo vệ cho người Sunni, chống Chính phủ Baghdad. Đó chính là “nền tảng chính trị - xã hội” để ISIL mở chiến dịch đánh chiếm ba tỉnh miền bắc Iraq chỉ trong tháng 6-2014.
      Ngày 29-6-2014, “Nhà nước Hồi giáo” - IS tự xưng tuyên bố “thành lập” trên khu vực lãnh thổ rộng lớn, từ vùng nông thôn phía đông của thành phố Aleppo của Syria sang đến vùng phía tây của tỉnh Diyala ở đông bắc Iraq.
      Thủ lĩnh của IS, tiến sĩ thần học Hồi giáo Abu Bakr al-Baghdadi - Ảnh: AFP
      Thủ lĩnh của IS, tiến sĩ thần học Hồi giáo Abu Bakr al-Baghdadi - Ảnh: AFP
      Tiến sĩ thần học Hồi giáo al-Baghdadi
      Abu Bakr al-Baghdadi sinh năm 1971 tại thành phố Samara thuộc tỉnh Diyala ở đông bắc Iraq. Quê hương của al-Baghdadi là một trong bốn tỉnh lãnh địa truyền thống của dòng Hồi giáo Sunni Iraq. Al-Baghdadi vốn thừa hưởng dòng máu ngoan đạo và có chí hướng cực đoan.
      Khi hoạt động trở lại vào năm 2010, al-Baghdadi đã bộc lộ rõ tham vọng trở thành một thủ lĩnh thánh chiến.
      Việc ra đời danh xưng “Nhà nước Hồi giáo tại Iraq và Sham” (ISIL) hồi đầu năm 2012 thể hiện rõ tham vọng của thủ lĩnh khủng bố trẻ tuổi này. Tham vọng đó là “nâng cấp al-Qaeda” từ một tổ chức, một phong trào thánh chiến lên thành “một nhà nước Hồi giáo” - điều Osama Bin Laden nung nấu cả đời mà chưa đạt được.
      Ngay từ khi ấy, al-Baghdadi đã tự coi mình là thủ lĩnh của al-Qaeda, kế tục vai trò thủ lĩnh của Bin Laden.
      Tên này công khai cưỡng lại các giáo lệnh của Ayman al-Zawaheri về việc phải sáp nhập với Mặt trận Nusra, hoặc phải rút về hoạt động tại Iraq, để Syria lại cho Nusra. Al-Baghdadi thẳng thừng bác bỏ vai trò thủ lĩnh của al-Zawaheri.
      Quá trình tranh chấp đó cho thấy thế vượt trội của al-Baghdadi so với các “đối thủ” cùng là trùm khủng bố. Thế giới chứng kiến sự lan tràn nhanh chóng và rộng rãi đáng ngạc nhiên của IS tại nhiều khu vực khác nhau từ Tây Phi sang tới Nam Á.
      Thật ra, dường như IS chỉ tự thiết lập được một căn cứ mới ở Libya, khi hồi tháng 4 năm nay “Nhà nước Hồi giáo” chiếm được thành phố Sert (quê hương của Muamar Gaddafi) ở đoạn giữa miền duyên hải phía bắc nước này.
      Còn ở những nơi khác, nhiều nhóm thánh chiến vốn đã hoạt động tại các quốc gia khác nhau trước khi IS ra đời, đã phân hóa và những bộ phận cực đoan nhất tách ra để tuyên bố “suy tôn thủ lĩnh al-Baghdadi”.
      Ở Nam Á (gồm cả Afghanistan, Pakistan và Ấn Độ) có danh xưng “Khorasan” (không phải Khorasan ở Syria - đồng minh của Nusra).
      Tại Sinai của Ai Cập, nhóm Ansar Beit al-Moqaddas (tự nhận gây ra vụ máy bay Nga ngày 30-10 khiến 224 người thiệt mạng) cũng đã gia nhập IS. Tổ chức Boko Haram khét tiếng hoạt động ở đông bắc Nigeria cũng suy tôn al-Baghdadi làm thủ lĩnh...
      Những người ủng hộ IS coi tổ chức này là “nghiêm túc nhất” trong thực thi giáo luật Sharia, “điển hình nhất” trong thánh chiến và “hiệu quả nhất” trong “tiêu diệt các kẻ thù của Hồi giáo”!
      Thậm chí những người ủng hộ al-Baghdadi còn tung tin rằng chính Bin Laden (trước khi bị giết) đã giao trách nhiệm cho nhân vật này xây dựng một nhà nước Hồi giáo.
      Ngày 5-7, một video clip tung lên mạng “Akhbar al-Jihadeen” (Thông tin thánh chiến) cho thấy hình ảnh của Abu Bakr al-Baghdadi xuất hiện trong trang phục giáo sĩ màu đen tại đại giáo đường ở Mosul một ngày trước đó.
      Tại đây, Al-Baghdadi tự xưng “Khaleefa” (người kế tục sự nghiệp của sứ thần Mohammed) với tước hiệu là Ibraheem. “Khaleefa Ibraheem” dõng dạc kêu gọi “Hỡi tất cả các tín đồ (Hồi giáo), hãy vâng lời ta như ta đã dạy các ngươi vâng lời thánh”!
      Video clip cho thấy al-Baghdadi có trình độ thuyết giảng như một Imam thực thụ. Suốt 21 phút thuyết giảng không có giấy tờ, với nhiều câu trích dẫn nguyên văn Quran. Phát âm đúng giọng Ả Rập chính thống mà chỉ những người học vấn cao siêu mới thể hiện thuần thục.
      Sự xuất hiện công khai được ghi hình của al-Baghdadi cho thấy nhân vật này không chỉ là một thủ lĩnh chiến binh đơn thuần, mà thật sự là một trí thức Hồi giáo có đẳng cấp cao. Hoàn toàn đúng như vậy, bởi al-Baghdadi có bằng tiến sĩ thần học Hồi giáo của Đại học Baghdad - một đại học danh tiếng hàng đầu của Iraq.

      NGUYỄN NGỌC HÙNG
       

      Con đường máu đến “thiên đường” của IS

      22/11/2015 11:00 GMT+7
        TT - “Tàn bạo”, “rùng rợn”, “man rợ”, “khủng khiếp”... Ngôn từ dường như không đủ để mô tả những tội ác kinh hoàng mà nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) đã thực hiện trong năm 2014-2015.
        Các tay súng IS hành quyết tập thể tù nhân ở Iraq - Ảnh: Middle East Eye
        Các tay súng IS hành quyết tập thể tù nhân ở Iraq - Ảnh: Middle East Eye
        “Ai từng tham gia thánh chiến đều biết đó là con đường bạo lực, thô bạo, khủng bố và thảm sát”. Chiến lược gia Hồi giáo cực đoan Abu Bakr Naji đã viết như thế trong cuốn sách The management of savagery (Điều khiển sự man rợ), xuất bản trên Internet năm 2014.
        Đó là tác phẩm “gối đầu giường”, là chiến lược hành động của các nhóm khủng bố Hồi giáo, trong đó có Al-Qaeda.
        Xuất phát điểm chỉ là một chi nhánh của Al-Qaeda, nhưng IS thấm nhuần “giáo lý” của Abu Bakr Naji và vượt xa Al-Qaeda về mức độ hung bạo và man rợ. Ngay cả các thủ lĩnh Al-Qaeda cũng từng lên tiếng phê phán cơn khát máu vô độ của IS.
        Cơn khát máu vô độ của IS
        Hồi tháng 6-2015, báo cáo viên Liên Hiệp Quốc Ben Emmerson khẳng định IS vi phạm tội ác chiến tranh, tội diệt chủng và tội ác chống lại loài người “trên quy mô công nghiệp”.
        Nhưng theo các chuyên gia chống khủng bố quốc tế, IS không đơn thuần là tổ chức tập hợp những kẻ điên rồ, đam mê cuồng sát. Trên thực tế, sự tàn bạo khủng khiếp giúp IS quảng bá hình ảnh khắp thế giới, từ đó thu hút hàng chục nghìn phần tử cực đoan từ vô số quốc gia.
        Điều khiển sự man rợ có nghĩa là tận dụng sự man rợ. Trong cuốn sách The state of terror (Nhà nước khủng bố), giảng viên ĐH Harvard Jessica Stern và học giả Viện Brookings J.M. Berger chỉ rõ rằng IS tắm máu để lôi kéo, dụ dỗ những thanh niên Hồi giáo trẻ tuổi phẫn chí, thất vọng với cuộc sống, dễ sa ngã, muốn tìm đến một “vương quốc thiên đường” của đạo Hồi.
        Al-Qaeda đòi hỏi các tín đồ phải hi sinh, trở thành tử sĩ. Vương quốc Hồi giáo của Al-Qaeda chỉ là một tương lai xa xôi đầy ảo vọng. Ngược lại, IS mở đường cho những kẻ cực đoan đến với vương quốc đã hình thành.
        Từ giữa năm 2013 đến đầu năm 2014, IS đã chiếm được nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn ở Syria và Iraq, bao gồm “thủ đô” Raqqa (Syria) và thành phố Mosul (Iraq).
        Nhưng dư luận phương Tây chỉ thật sự choáng váng với IS khi nhóm khủng bố này công bố đoạn video quay cảnh tên đao phủ “John thánh chiến” chặt đầu nhà báo Mỹ James Foley để trả đũa những đợt không kích của quân đội Mỹ tại Iraq.
        Nhà báo Foley trong bộ đồ tù nhân màu cam bị điệu ra trước máy quay, buộc phải đọc nội dung tuyên truyền của IS và bị hành hình.
        Đến nay, đao phủ IS đã chặt đầu thêm nhà báo Mỹ Steven Sotloff, nhân viên cứu trợ Anh David Haines, con tin Anh Alan Henning, nhân viên cứu trợ Mỹ Peter Kassig, con tin Nhật Haruna Yukawa, nhà báo Nhật Kenji Goto, con tin Mỹ Kayla Jean Mueller...
        Khủng khiếp nhất là đoạn video quay cảnh phi công Jordan Muath al-Kaseasbeh bị thiêu sống trong lồng và gào thét trong đau đớn. Và mới ngày 19-11 vừa qua, IS thông báo đã hành quyết thêm một con tin Trung Quốc và một con tin Na Uy.
        Các video chặt đầu và thiêu sống đó khiến cả thế giới chấn động, nhưng thực tế những gì IS làm với các tù binh người Syria và Iraq còn tàn bạo hơn nhiều.
        Theo báo cáo của Tổ chức Human Right Watch, hồi tháng 6-2014 các tay súng IS tại Iraq đưa 600 tù binh người Hồi giáo Shiite, Kitô giáo và Yazidi tới sa mạc để hành quyết tập thể. Họ bị ép nằm thành hàng, rồi các tay súng IS xả súng máy vào đầu họ.
        Một ngày sau đó, IS thực hiện cuộc thảm sát tương tự ở Tikrit. Chỉ trong tháng 6-2014, IS khoe đã hành quyết 1.700 binh sĩ Hồi giáo Shiite và tung lên mạng Internet video quay cảnh các đao phủ bắn hàng trăm tù nhân.
        Và sau khi chiếm thị trấn Al-Baghdadi ở Iraq hồi tháng 2-2015, IS thiêu sống 45 tù binh.
        Phụ nữ Yazidi ở Dohuk, bắc Iraq, biểu tình lên án IS xâm chiếm thành phố Sinjar và biến hàng nghìn phụ nữ Yazidi thành nô lệ - Ảnh: AP
        Phụ nữ Yazidi ở Dohuk, bắc Iraq, biểu tình lên án IS xâm chiếm thành phố Sinjar và biến hàng nghìn phụ nữ Yazidi thành nô lệ - Ảnh: AP
        Phụ nữ, trẻ em trở thành nô lệ tình dục
        Sau khi chiếm được nhiều vùng ở miền bắc và đông Iraq hồi mùa hè 2014, IS hành quyết hàng trăm đàn ông tộc Yazidi và bắt giữ khoảng 3.500 phụ nữ và trẻ em gái Yazidi.
        Trên tạp chí tuyên truyền Dabiq số ra tháng 10-2014, IS tuyên bố phụ nữ Yazidi là “chiến lợi phẩm” và họ phải trở thành “nô lệ” vì không phải là người Hồi giáo.
        Sau đó IS đăng tài liệu hướng dẫn các quy định về tình dục với “nô lệ”, trong đó có câu: “Câu hỏi: Việc quan hệ tình dục với nữ nô lệ chưa dậy thì có được phép không? Trả lời: Được phép, nếu nữ nô lệ đó có thể quan hệ dù chưa dậy thì”.
        Báo cáo của Human Right Watch và đại diện đặc biệt của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc về bạo lực tình dục trong xung đột (UNSRSVC) Zainab Bangura tố cáo các tay súng IS cưỡng hiếp phụ nữ và trẻ em gái Yazidi, biến họ thành nô lệ tình dục, thành gái điếm.
        Theo các báo cáo, IS đưa những cô gái đẹp nhất còn trinh tiết đến “thủ đô” Raqqa để bán đấu giá, có những cô bé chỉ mới 11 tuổi.
        Tại đây, ở giữa chợ, họ bị lột trần, bị thử trinh tiết trước khi bị bán đấu giá. Các thủ lĩnh IS được quyền mua trước, sau đó mới tới các binh sĩ. Mỗi kẻ mua ba hoặc bốn cô và bán lại sau vài tháng hành hạ chán chê.
        “Có trường hợp một cô gái 20 tuổi bị thiêu sống vì không chấp nhận thực hiện một hành vi tình dục quá bạo liệt” - trang Middle East Eye dẫn lời bà Bangura. Một bé gái mới 9 tuổi bị 10 tên phiến quân IS ở miền bắc Iraq cưỡng dâm tập thể.
        Báo cáo của Human Right Watch dẫn lời một nữ nạn nhân trốn thoát tên Jalila kể một tên phiến quân IS đấm, tát cô khi cô chống cự, rồi kéo chân cô đi. Cô trở thành nô lệ tình dục của bốn kẻ cực đoan, rồi sau đó bị bán và “bị tặng” nhiều lần.
        Hồi tháng 8, báo New York Times phỏng vấn 21 cô gái Yazidi trốn thoát khỏi nhà tù IS ở Iraq sau nhiều tháng bị giam cầm. Một cô bé 12 tuổi kể em thường xuyên bị trói và bị tra tấn. Tên phiến quân IS cưỡng hiếp cô bé luôn cầu nguyện trước khi thực hiện hành vi thú tính.
        “Cháu nài xin hắn rằng hãy ngừng lại, cháu quá đau. Hắn trả lời rằng hắn được quyền cưỡng hiếp những cô gái vô đạo”. Các chuyên gia y tế cho biết những nữ nạn nhân trẻ này dù đã thoát nhưng sẽ phải sống cả đời trong cảnh đau đớn và sợ hãi.
        Theo báo cáo hồi tháng 2-2015 của Ủy ban quyền trẻ em Liên Hiệp Quốc (CRC), IS còn dùng trẻ em nam Iraq dưới 18 tuổi làm lá chắn sống để chống lại những đợt tấn công của kẻ thù. Nhiều đứa trẻ khác, có khi mới 8 tuổi, bị tẩy não và đào tạo để trở thành những kẻ đánh bom liều chết.
        Hồi tháng 12-2014, IS chặt đầu bốn trẻ em Iraq dưới 15 tuổi vì tội không chịu cải đạo sang Hồi giáo.
        Đoàn xe của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Raqqa, Syria - Ảnh: Reuters
        Đoàn xe của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Raqqa, Syria - Ảnh: Reuters
        Hồi tháng 4-2015, một cựu tù binh của IS ở Syria tên là Omar kể trên báo The Times rằng những kẻ cực đoan từ châu Âu khi gia nhập IS luôn thực hiện những hành vi tàn bạo, man rợ nhất để “chứng tỏ bản thân”.
        Thông thường, các công dân châu Âu không có kỹ năng chiến đấu khi gia nhập IS chỉ được giao vị trí binh sĩ hạng bét. Những tay súng giàu kinh nghiệm chiến trường từ Đông Phi và Chechnya luôn giữ chức vụ cao hơn.
        Do đó các thành viên IS từ châu Âu luôn đối xử cực kỳ tàn bạo với tù nhân và sẵn sàng thực hiện những cuộc hành quyết đẫm máu để chứng tỏ bản thân và có cơ hội thăng tiến.




        KHỦNG BỐ IS - HỌ LÀ AI VÀ MUỐN GÌ? - KỲ 4:

        Nhân lực của thần chết

        23/11/2015 14:15 GMT+7
          TT - Khi thế giới để ý tới IS hồi tháng 6-2014 thì tổ chức khủng bố này đã trở thành một thực thể hùng mạnh rồi.


          Nghe đọc bài: Nhân lực của thần chết
          Chiến binh IS, được xác nhận là sinh viên người Anh, không giấu mặt khi cắt cổ tù nhân - Ảnh: cắt từ clip
          Chiến binh IS, được xác nhận là sinh viên người Anh, không giấu mặt khi cắt cổ tù nhân - Ảnh: cắt từ clip
          Từ đó đến nay, bất chấp những nỗ lực của Mỹ, Nga cùng các đồng minh phương Tây và Ả Rập nhằm tiêu diệt thực thể khủng bố này, “Nhà nước Hồi giáo” của al-Baghdadi dường như chưa thấy khả năng bị xóa sổ.
          Đạo quân “đa quốc tịch”
          Với bản chất là một thực thể “Hồi giáo nguyên gốc”, IS có tham vọng toàn cầu và thu nạp tất cả những ai theo Hồi giáo trên thế giới miễn là cùng chí hướng “thánh chiến”.
          Tổ chức tiền thân của IS là al-Qaeda ở Iraq đã bao gồm các chiến binh đến từ nhiều quốc gia khác nhau, chủ yếu người Ả Rập.
          Khi thành lập “Nhà nước Hồi giáo” vào giữa tháng 6-2014, al-Baghdadi đã chủ trương mở rộng cửa thu nạp các chiến binh đến từ châu Âu, Trung Á, Nam Á, Đông Nam Á và cả Mỹ nữa.
          Theo một báo cáo của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) hồi cuối tháng 9 vừa rồi, hiện trong hàng ngũ IS có tới 30.000 chiến binh nước ngoài đến từ 100 quốc gia trên thế giới. Trong số này có hàng ngàn người quốc tịch các nước Tây Âu và khoảng 250 người Mỹ.
          Hồi tháng 8 năm nay, khi làn sóng người tị nạn từ Syria tràn sang châu Âu bắt đầu lên cao điểm, chính quyền Iraq đã cảnh báo về “3.000 thành viên của IS” có khả năng đang trà trộn trong dòng người tị nạn để xâm nhập lục địa già.
          Nhà báo Syria Hassan Hassan đã tiếp xúc nhiều tay súng của IS để cho ra một quyển sách diễn giải cung cách IS huấn luyện những người mới gia nhập lực lượng khủng bố này.
          Theo những gì Hassan thu thập được, những người mới đến bị “tẩy não” và nhồi sọ “hệ tư tưởng thánh chiến” trước khi huấn luyện quân sự.
          Khóa huấn luyện hệ tư tưởng có thời hạn hai tuần đến cả năm. Chương trình này gồm những lập luận giáo lý “nguyên gốc” nhằm áp đặt sự trung thành tuyệt đối với IS.
          Các hành động man rợ như cắt cổ, chặt đầu, đóng đinh lên thánh giá... được giải thích là “cần thiết, để trở về với nguồn cội Hồi giáo và thực thi giáo luật Sharia một cách tuyệt đối”.
          Mọi biểu hiện của tư tưởng thế tục và lối sống phương Tây đều bị tẩy rửa. Sau khi được nhồi nhét lý thuyết, họ còn bị theo dõi một thời gian nữa và không tránh khỏi trừng phạt, hoặc bị loại bỏ nếu có biểu hiện lấn cấn tư tưởng hay yếu đuối!
          Junaid Hussain, quốc tịch Anh gốc Pakistan, chuyên gia an ninh mạng nổi tiếng của IS - Ảnh: Alarabiya
          Junaid Hussain, quốc tịch Anh gốc Pakistan, chuyên gia an ninh mạng nổi tiếng của IS - Ảnh: Alarabiya
          Những “chuyên gia” không phải dạng vừa
          Các thủ lĩnh của IS có tầm nhìn xa khi chủ đích thu nạp các thanh niên từ Âu - Mỹ có kỹ thuật nghiệp vụ cao về truyền thông, điện toán và Internet.
          Những nhân vật này sẽ giúp IS quảng bá hệ tư tưởng thánh chiến trong giới tín đồ Hồi giáo trẻ tuổi ở Âu - Mỹ để thu hút họ tới Syria gia nhập IS, hoặc trở thành những nhân tố nằm lì tại chỗ bên trời Tây để hoạt động cho thánh chiến.
          Những nhân vật này sử dụng các tiện ích Internet để khuếch trương thanh thế của IS, vừa thu phục vừa hù dọa, thậm chí gây tâm lý hoảng sợ trước bóng ma bạo lực của chúng.
          Chiến thuật hù dọa qua các băng ghi hình khủng khiếp có tác dụng không nhỏ, nhất là giai đoạn đầu ở Iraq khiến nhiều trận IS chưa đến, đối phương đã bỏ chạy tán loạn!
          Theo alhayat.com, chuyên gia hàng đầu về “chiến tranh truyền thông” của IS có tên là Ahmad Abousamra, sinh năm 1982 tại Pháp, nhưng lớn lên và trưởng thành ở ngoại ô Boston (Mỹ). Y vốn gốc Syria, tốt nghiệp đại học chuyên ngành công nghệ thông tin tại Mỹ.
          Tên này đến Iraq từ năm 2004, cùng “lứa” với thủ lĩnh IS hiện nay - al-Baghdadi.
          Từ tháng 11-2009, Mỹ đã xếp Abousamra vào danh sách những nhân vật khủng bố nguy hiểm và treo thưởng 50.000 USD để bắt được y.
          Tên này phụ trách điều hành việc ứng dụng các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter, YouTube để tung lên Internet những hình ảnh về sức mạnh của IS tại Syria và Iraq nhằm khuếch trương thanh thế, tuyển mộ chiến binh và gây khiếp đảm cho đối thủ.
          Phương Tây cho rằng hoạt động truyền thông của IS do Abousamra trực tiếp thực hiện có tác dụng tâm lý mạnh hơn cả các hoạt động quân sự của IS.
          Theo alarabiya.net ngày 27-8, máy bay không người lái của Mỹ thực hiện cuộc không kích trước đó hai ngày tại Reqqa - “thủ đô” của IS (miền bắc Syria) đã tiêu diệt một thủ lĩnh của IS tên là Junaid Hussain, có biệt danh là Abu Hussain al-Britani, 22 tuổi, quốc tịch Anh, gốc Pakistan.
          Tuy rất trẻ tuổi, Hussain đã nổi tiếng là một hacker có hạng, từng bị bắt năm 2012 vì tội xâm nhập trang mạng cá nhân của thủ tướng Anh khi ấy là Tony Blair.
          Giới chức Mỹ và Tây Âu đều coi Hussain là một chuyên gia an ninh mạng nổi tiếng của IS. Hussain đang thực hiện trọng trách gây dựng đội ngũ hacker cho IS để trở thành một binh chủng điện toán chuyên xâm nhập các trang mạng đối phương.
          Một trong những bài thực hành mà Hussain dùng để dạy cho các học trò là hai tài khoản chính thức của quân đội Mỹ trên YouTube và Twitter đã bị xâm nhập để quảng bá ủng hộ IS hồi đầu năm nay.
          Cần nhớ rằng IS vốn “xuất thân” từ al-Qaeda ở Iraq sau khi Saddam Hussein bị lật đổ. Nhiều sĩ quan cao cấp của quân đội Iraq bị Mỹ giải tán đã chạy sang al-Qaeda để báo thù.
          Rồi sau khi Muammar Gaddafi bị giết tại Libya (cuối năm 2011), một số sĩ quan cao cấp của quân đội Libya cũng theo các nhóm thánh chiến tại chỗ hoặc sang Syria gia nhập IS.
          Các cựu sĩ quan của quân đội Iraq và Libya này đều từng được đào tạo bài bản ở Liên Xô hoặc các nước phương Tây. Đây chính là những bộ não giúp cho Abu Bakr al-Baghdadi trở thành thủ lĩnh của một đạo quân tuy không chính quy nhưng cũng không tồi về tổ chức, huấn luyện và chiến thuật tác chiến.
          Nhân vật số 2 của IS tại Iraq - tư lệnh quân sự dưới quyền al-Baghdadi là một nhân vật như thế. Đó là đại tá Fadel Ahmed Abdullah al-Hiyali, còn gọi là Haji Mutazz - cựu sĩ quan quân đội Iraq thời Saddam Hussein.
          Al-Hiyali chỉ huy tác chiến trên chiến trường Iraq, đồng thời phụ trách việc chuyển quân và khí tài của IS qua lại giữa Iraq với Syria.
          Người này đã chết vì Mỹ oanh tạc tại Mosul ngày 17-8-2015. Al-Hiyali từng bị giam tại nhà tù Bouka do quân đội Mỹ trực tiếp quản lý trong thời gian Mỹ chiếm đóng Iraq.
          Sau khi Mỹ trao các nhà tù cho chính quyền Iraq quản lý, tất cả các tù nhân cựu sĩ quan quân đội Iraq cũ đã được phóng thích. Không ít trong số này sau đó gia nhập các nhóm cực đoan và thánh chiến, trong đó có tổ chức IS của al-Baghdadi.
          Nhưng nhân vật khét tiếng gây kinh hãi nhất của IS có biệt danh là “Jihadi John” (John “thánh chiến”).
          Tay đao phủ bịt mặt này nổi tiếng bởi những video clip sống động đến khiếp đảm ghi hình y cắt cổ và chặt đầu tổng cộng sáu con tin Âu - Mỹ và Nhật Bản chỉ trong khoảng một năm qua!
          Tên thật của đao phủ máu lạnh này là Mohammed Amzawi, quốc tịch Anh gốc Kuwait. Jihadi John thật sự là nỗi kinh hoàng ám ảnh lương tâm nhân loại suốt thời gian qua!
          May mắn thay, theo alarrabiya.net ngày 14-11, đêm 12-11 nhờ tin tình báo chỉ điểm, máy bay không người lái của Mỹ đã tiêu diệt tên đồ tể này tại Reqqa, khi y lẻn về thăm đứa con trai được nuôi giấu tại một căn nhà bí mật.

          IS - Tổ chức khủng bố giàu nhất thế giới

          24/11/2015 11:38 GMT+7
            TT - Bất chấp các cuộc không kích của liên quân quốc tế, IS vẫn “sống khỏe” khi kiếm được hàng triệu USD mỗi ngày.
            Lực lượng IS diễu hành ở “thủ đô” Raqqa tại Syria - Ảnh: RMC
            Lực lượng IS diễu hành ở “thủ đô” Raqqa tại Syria - Ảnh: RMC
            Hồi tháng 10-2014, trong bài phát biểu tại tổ chức Carnegie Endowment for International Peace, Thứ trưởng Tài chính Mỹ David Cohen thừa nhận: “IS vơ vét tài sản với tốc độ chưa từng thấy và nguồn thu của chúng hoàn toàn khác các tổ chức khủng bố khác”.
            Dầu thô, cổ vật và thu thuế kiểu mafia
            IS hiện đang quản lý các vùng lãnh thổ ở Syria và Iraq có diện tích tổng cộng tương đương nước Áo với dân số 8 triệu người.
            Số lượng tay súng của IS lên đến 35.000 tên. Bị chia cắt hoàn toàn khỏi thế giới bên ngoài bởi các biện pháp cấm vận thương mại và tài chính của phương Tây, IS nuôi cỗ máy chiến tranh này như thế nào?
            Theo nguồn tin tình báo Iraq và Mỹ, trong năm 2014 IS kiếm được 100 triệu USD từ tiền bán dầu thô.
            Trên thực tế trước khi giá dầu giảm và khi các cơ sở dầu khí của IS ở Syria và Iraq chưa bị bom đạn Mỹ phá hủy, nhóm này kiếm được tới 50 - 90 triệu USD mỗi tháng từ buôn bán dầu thô.
            Điều tra của AP cho thấy IS khai thác khoảng 30.000 thùng dầu/ngày tại các mỏ dầu ở Syria và 10.000 - 20.000 thùng/ngày từ Iraq. IS vận chuyển dầu thô bằng xe tải lớn tới biên giới Syria và Iraq.
            Hành lang phía nam Thổ Nhĩ Kỳ, hành lang tây bắc Iraq và hành lang đông bắc Syria đều là những cửa ngõ bọn buôn lậu hoạt động mạnh.
            Từ các nhóm buôn lậu, dầu thô của IS bán đi khắp khu vực từ Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Libăng cho đến Jordan. Thậm chí những kẻ thù như quân đội Tổng thống Syria Bashar al-Assad hay lực lượng người Kurd ở Iraq cũng trở thành khách hàng mua dầu của IS.
            Tuy nhiên IS không còn quá phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu. Do giá dầu thô trên thị trường thế giới sụt giảm mạnh thời gian qua, IS tăng cường hoạt động bảo kê theo kiểu mafia để bù đắp nguồn thu. Và 8 triệu dân dưới chế độ của IS trở thành mồi ngon của bọn khủng bố.
            Tại thành phố lớn như Mosul có 660.000 dân ở Iraq hay Raqqa với 220.000 dân ở Syria, IS đã thành lập một hệ thống bảo kê để buộc cư dân phải chi tiền “thuế” và tiền bảo kê hằng tháng.
            Các nông dân và người chăn nuôi chi tiền bảo kê bằng vàng, bạc hay kim loại quý để đảm bảo được thu hoạch vụ mùa.
            Các chủ doanh nghiệp phải trả khoảng 20% doanh số. Người Kitô giáo và các tôn giáo thiểu số không muốn rời bỏ quê hương xứ sở, chấp nhận sống dưới chế độ IS phải đóng một phần đáng kể thu nhập để không bị hành hạ. Công nhân viên chức phải đóng 5 - 20% tiền lương.
            “IS moi tiền bảo kê từ mọi thứ, từ nhiên liệu, xe cộ cho đến học phí học sinh” - Bloomberg dẫn lời bà Jennifer Fowler, phó trợ lý bộ trưởng tài chính Mỹ.
            Ước tính IS kiếm được hơn 1 triệu USD mỗi ngày từ bảo kê và thuế. Có nghĩa là trong năm 2014 IS kiếm được tới ít nhất 300 triệu USD từ nguồn thu này. Bloomberg mô tả hệ thống thuế và bảo kê của IS là “sự kết hợp giữa mafia và Sở Thuế vụ Mỹ (IRS)”.
            Buôn bán cổ vật cũng là một nguồn thu lớn của IS. Hơn 30% trong tổng số 12.000 địa điểm khảo cổ quan trọng của Iraq nằm dưới quyền kiểm soát của IS.
            Chuyên gia khảo cổ Iraq Abdulamir al-Hamdani cho biết các tay súng IS cướp phá các điểm khảo cổ và di tích, lấy đi những đồ vật có giá trị nhất rồi phá hủy toàn bộ phần còn lại.
            Hồi tháng 8, giới sử gia và khảo cổ quốc tế phẫn nộ khi IS nổ mìn phá hủy đền Baalshamin trong thành phố cổ Palmyra ở Syria. Nhưng thực tế các tay súng IS đã vơ vét những cổ vật quý giá trong đền để đem bán.
            Ông Aymen Jawad, giám đốc tổ chức Iraq Heritage, cho biết IS bán cổ vật trên thị trường chợ đen qua đường Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Một món cổ vật Mesopotamia từ Iraq có giá lên đến hàng trăm nghìn USD.
            Hồi tháng 4, một cổ vật của vua Babylon Nebuchadnezzar II niên đại 604 - 562 trước Công nguyên có nguồn gốc từ vùng lãnh thổ bị IS chiếm đóng được một người ẩn danh mua với giá 605.000 USD. Tình báo Mỹ và Iraq ước tính trong năm 2014 IS bỏ túi 100 triệu USD từ buôn bán cổ vật.
            Một góc thành phố cổ Palmyra tại Syria, nơi bị IS cướp phá - Ảnh: AFP
            Một góc thành phố cổ Palmyra tại Syria, nơi bị IS cướp phá - Ảnh: AFP
            Vũ khí, ngân hàng và những nguồn tài trợ bí mật
            Báo cáo hồi tháng 10 của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết năm 2014 IS kiếm được 25 - 45 triệu USD từ hoạt động bắt cóc tống tiền. Một nguồn khoảng 40 triệu USD đến từ các nhà tài trợ nước ngoài ở vịnh Ba Tư, bao gồm Saudi Arabia, Qatar, Kuwait và thậm chí cả châu Âu.
            Không phải ngẫu nhiên mà mới đây Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định IS nhận tiền tài trợ từ các cá nhân cực đoan giàu có ở 40 nước. Điều tra của Newsweek cho thấy rất nhiều nhà tài trợ của IS là doanh nhân, gia đình giàu có và thành viên hoàng gia một số nước ở vịnh Ba Tư.
            Chuyên gia Lori Plotkin Boghardt thuộc Viện Chính sách Cận Đông cho biết Qatar và Kuwait là hai “điểm nóng” tài trợ cho IS.
            Ông cho biết IS tận dụng rất hiệu quả hệ thống ngân hàng cởi mở của hai nước này. Và chính quyền Qatar cùng Kuwait ngại đụng chạm đến các gia đình giàu có, đầy thế lực từng chuyển tiền cho IS qua các tổ chức từ thiện giả hiệu.
            Một trong số đó là nghị sĩ Kuwait Mohammed Hayef al-Mutairi, người bị phát hiện chuyển tiền cho một số tổ chức có quan hệ trực tiếp với IS.
            “Trấn áp các nhà tài trợ cho IS là vấn đề nhạy cảm chính trị của chính quyền các nước này” - chuyên gia Boghardt nhấn mạnh.
            Một nguồn tiền khổng lồ khác của IS là từ việc chiếm các ngân hàng nhà nước ở Syria và Iraq. Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ ước tính trong năm 2014 IS kiếm được tới 500 - 800 triệu USD từ phương thức này.
            Tháng 6-2014, quân đội Iraq thu giữ được hơn 160 ổ cứng máy vi tính từ nhà một thành viên của ISIL gần thành phố Mosul. Thông tin từ đây cho biết khi chiếm thành phố Mosul ở Iraq, IS cướp đi 425 triệu USD từ Ngân hàng trung ương Mosul.
            Nhưng nguy hiểm nhất là theo báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ, IS sau khi đánh đổ nhiều thành phố ở Syria và Iraq đã thu giữ được vô số vũ khí của quân đội hai nước này.
            Tổng giá trị số vũ khí này có thể lên đến 20 - 50 tỉ USD. Chỉ riêng số vũ khí IS lấy được ở Mosul đã bao gồm nhiều xe tăng T-55 do Nga sản xuất, xe tăng M-1 Abram, xe bọc thép, pháo cối, xe tải quân sự...
            Cộng tất cả đất đai, tài nguyên, di sản, các ngành công nghiệp... Hãng Thompson Reuters cho rằng tổng tài sản của IS vượt trên 2.000 tỉ USD.
            Theo báo cáo của Tổ chức RAND Corporation, IS chi 3 - 10 triệu USD mỗi tháng cho lương thưởng dành cho các tay súng của chúng. Ước tính mỗi tay súng IS nhận mức lương 300 - 600 USD/tháng.
            IS còn đầu tư vào các tổ chức cảnh sát, tòa án, truyền thông... trong vùng lãnh thổ chúng chiếm đóng.
            Tuy nhiên IS tránh đầu tư vào hạ tầng vì hạ tầng có thể bị bom đạn phương Tây dễ dàng phá hủy.
            Nhờ trả mức lương thấp, lại cướp được thiết bị quân sự, đất đai, hạ tầng nên chi phí của IS không lớn. Và kể cả khi bị mất một số vùng lãnh thổ như thành phố Tikrit hay Sinjar ở Iraq thì IS vẫn thừa sức mở các cuộc tấn công lớn ở nhiều vùng tại Iraq và Syria...



            Khủng bố IS - Họ là ai và muốn gì? - Kỳ cuối:

            Tiêu diệt IS: chẳng đi đến đâu

            25/11/2015 10:30 GMT+7
              TT - Cuộc chiến chống IS do Mỹ chính thức phát động từ tháng 8-2014, với một liên minh quốc tế có 60 quốc gia góp mặt. 


              Nghe đọc bài: Tiêu diệt IS: chẳng đi đến đâu
              Quân IS phô trương thanh thế trên đường phố - Ảnh: Reuters
              Quân IS phô trương thanh thế trên đường phố - Ảnh: Reuters
              Ngoài việc dùng không quân đánh phá, Liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu còn hợp lực nhằm “bóp chết IS” bằng những biện pháp chiến lược khác nhau. Từ cuối tháng 9 năm nay, Nga cũng chính thức dùng không quân đánh phá tại Syria...
              Những nỗ lực to lớn và rất tốn kém ấy đương nhiên có hiệu quả nhất định, nhưng xem ra còn lâu mới đạt được mục tiêu. Tại sao?
              Thực lực đáng kể của IS
              Trước hết phải nói rằng việc Obama quyết định mở cuộc chiến “tiêu diệt IS” là quá muộn, sau khi IS đã trở thành một thực thể - tự xưng là “Nhà nước Hồi giáo” vào ngày 29-6-2014. Thực thể này có “lãnh thổ” rộng lớn tương đương diện tích nước Anh; bao gồm khu vực xuyên biên giới Syria - Iraq, trong đó có những thành phố rất quan trọng như Raqqa (ở bắc Syria), Mosul và Tikrit (ở miền bắc Iraq).
              Trong khu vực do IS làm chủ, có những khu mỏ dầu lửa và khí đốt quan trọng. Đặc biệt, IS chiếm được khối lượng vũ khí khổng lồ gồm cả xe tăng, máy bay, đại bác hạng nặng... mà quân đội Iraq và Syria bỏ lại khi rút chạy.
              Về mặt tài lực như đã đề cập ở số báo trước, IS được coi là “giàu có nhất” trong các tổ chức khủng bố hiện hữu. Chúng có nhiều trăm triệu đôla chiếm được trong các ngân hàng của Iraq tại Mosul, Tikrit... Sau đó, chúng tổ chức khai thác dầu thô và bán ra thị trường chợ đen.
              Khi bị Mỹ đánh phá các khu vực dầu lửa, IS lại có nguồn thu khổng lồ nhờ bán các cổ vật vô giá lấy từ các khu vực di sản thế giới thuộc quyền kiểm soát của chúng.
              Một nguồn bổ sung tài chính quan trọng cho IS là từ các quỹ từ thiện và quyên góp trong cộng đồng Hồi giáo khắp thế giới, IS còn nhận được tài trợ “ngầm” từ một số “nguồn” Ả Rập - Sunni muốn mượn tay IS và al-Qaeda để chống lại thế lực Iran tại Iraq, Syria, Yemen, Libăng...
              Về nhân lực, IS và Mặt trận Nusra không đơn thuần chỉ là tập hợp các nhân vật “thánh chiến” kiểu al-Qaeda của Bin Laden trước đây hay Taliban ở Afghanistan. IS còn là bến đậu để nhiều nhân vật không nặng tư tưởng “thánh chiến” nương nhờ, nhằm phục thù cho chế độ Saddam Hussein ở Iraq và chế độ Muammar Gaddafi tại Libya.
              Nhiều cựu sĩ quan được đào tạo bài bản và có kinh nghiệm chỉ huy của chế độ cũ ở Iraq và Libya đã đầu quân cho IS. Điều này lý giải cho tính “chuyên nghiệp” trong các hoạt động chiến trường của IS suốt một năm qua.
              Về vũ khí, ngoài khối lượng khổng lồ đạn dược, quân cụ chiếm được từ tay quân đội Iraq, Syria, IS còn có nhiều nguồn cung cấp từ bên ngoài qua đường “chợ đen”. Một nguồn có thể nói là “dồi dào” đến từ Libya, bởi số vũ khí khổng lồ không được quản lý sau khi chế độ Gaddafi bị lật đổ đang tuồn vào Syria một cách bất hợp pháp qua ngả Thổ Nhĩ Kỳ và Libăng.
              Hơn nữa, với thắng lợi “như chẻ tre” mà IS giành được tại Iraq, tổ chức của chúng trở thành “niềm tự hào” của một bộ phận quan trọng tín đồ ngoan đạo dòng Hồi giáo Sunni! Nhờ “uy danh” này, IS có sức hút đáng kể đối với nhiều tín đồ Hồi giáo Sunni trẻ tuổi từ các quốc gia Ả Rập và cả từ phương Tây.
              IS “ăn theo” xung đột
              Trong xu thế ngày càng nóng bỏng của cuộc tranh chấp giữa một bên là Iran với bên kia là Ả Rập, nhiều thế lực cầm quyền Ả Rập ngầm tận dụng sự tồn tại của IS và al-Qaeda để đối đầu với Iran.
              Ai cũng dễ dàng lên án IS là khủng bố, cần phải ngăn chặn và tiêu diệt. Nhưng mọi việc lại không đơn giản như vậy. Như Mặt trận Nusra là nhóm al-Qaeda ở Syria bị Mỹ xếp vào loại “khủng bố”, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar lại ngấm ngầm bảo trợ cho nhóm cực đoan này.
              Việc chính quyền của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan mãi đến tháng 7-2015 mới chịu tham gia Liên minh quốc tế chống khủng bố chính vì Thổ Nhĩ Kỳ lâu nay vẫn ngầm tiếp tay cho các nhóm cực đoan trong thành phần “đối lập” ở Syria nhằm lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad.
              Bởi thế, người ta thấy dòng người nước ngoài cứ liên tục băng qua Thổ Nhĩ Kỳ để vào Syria, gia nhập các nhóm thánh chiến. Rồi rất nhiều vũ khí, đạn dược, quân cụ... được tuồn từ bên ngoài vào Syria, băng qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
              Không ít “văn phòng bí mật” của IS và các nhóm thánh chiến vẫn tồn tại ở Thổ Nhĩ Kỳ để điều hành các hoạt động cung cấp tài chính, nhân lực và vũ khí vào cho các nhóm cực đoan ở Syria.
              Tại Iraq, việc IS chiếm được vùng lãnh thổ rộng lớn ở miền bắc Iraq chỉ trong vài ngày hồi tháng 6-2014 nhờ sự “nương tay” không nhỏ của các tướng lĩnh dòng Sunni trong quân đội Iraq có trách nhiệm bảo vệ vùng lãnh thổ này.
              Chiến dịch giải phóng tỉnh Al-Anbar (miền tây Iraq) đang tiến triển rất chậm chạp cũng có lực cản không nhỏ của mâu thuẫn Sunni - Shiite. Tại nhiều địa bàn của tỉnh này, thế lực dòng tộc Sunni không chấp nhận lực lượng do chính phủ Baghdad phái đến, bởi họ cho rằng lực lượng ấy là “của dòng Shiite”.
              Họ thà tiếp tục “chung sống tạm thời” với IS còn hơn là cho Shiite đến, mượn cớ đánh IS để chiếm đóng!
              Syria đổ nát vì IS và nội chiến. Dòng người ồ ạt rời khỏi đất nước này và tìm cách nhập cư vào châu Âu - Ảnh: Reuters
              Syria đổ nát vì IS và nội chiến. Dòng người ồ ạt rời khỏi đất nước này và tìm cách nhập cư vào châu Âu - Ảnh: Reuters
              Liên minh quốc tế: hết sức lừng khừng
              Đa số quốc gia thành viên trong Liên minh quốc tế chống IS do Mỹ thành lập hồi tháng 8-2014 chỉ góp mặt “cho có”. Bởi thế sau này họp hành, bàn bạc chủ yếu giữa 12 quốc gia, gọi là “nhóm bạn hữu của Syria”, chủ yếu là Mỹ, Anh, Pháp, khối các nước Ả Rập vùng Vịnh và Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng thật sự “tham chiến thường xuyên” thì chỉ có Mỹ.
              Chính quyền Obama hoàn toàn bị động khi quyết định trở lại Iraq chống IS, bởi thế họ vừa đánh vừa điều chỉnh. Chính phủ Baghdad đã có chủ quyền đầy đủ từ cuối năm 2011 mà chính phủ này lại chịu chi phối mạnh mẽ từ phía Iran.
              Mỹ muốn tập trung chống IS nhưng vấp phải mớ bòng bong tranh giành phức tạp giữa Sunni với Shiite ở Iraq, và bị chi phối bởi không khí đối đầu rất căng thẳng mang tính khu vực giữa Ả Rập với Iran.
              Phe Sunni Iraq và Ả Rập nói chung không hài lòng nếu Mỹ đánh IS mà mở đường cho Shiite và Iran lấn tới. Sunni có bằng chứng cho rằng Iran luôn tận dụng mọi thời cơ đánh IS để mở rộng ảnh hưởng của dòng Shiite vào các khu vực vốn là lãnh địa truyền thống của Sunni.
              Cuộc chiến chống IS tại phần lãnh thổ thuộc Syria còn phức tạp hơn nữa. Mỹ và phương Tây vừa muốn đánh IS, vừa muốn loại bỏ Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Trong khi Ả Rập và Thổ Nhĩ Kỳ thì chủ đích lật đổ chế độ Al-Assad, thậm chí bằng cả cách hợp tác với các lực lượng thánh chiến.
              Việc Nga trực tiếp không kích “chống khủng bố” tại Syria từ ngày 30-9 đến nay dường như đang làm rối rắm thêm cho cuộc chiến chống IS. Mỹ, phương Tây và Ả Rập cho rằng Nga chỉ dành khoảng 10% các cuộc không kích nhắm vào IS; còn lại là đánh các nhóm đối lập khác để “cứu chế độ Al-Assad”(?).
              Tình thế lừng khừng, lập lờ, rối ren như thế diễn ra suốt từ tháng 8-2014 đến nay khiến cuộc chiến chống IS thực chất rất ì ạch và hiệu quả không tương xứng với nhiều nỗ lực ồn ào đã thấy.
              Theo RT, mới đây Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev khẳng định các chính sách “vô trách nhiệm” của Mỹ ở Trung Đông đã tăng cường sức mạnh cho nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).
              Ông Medvedev mô tả Mỹ đã phớt lờ sự trỗi dậy của IS, thay vào đó chỉ tập trung lật đổ chế độ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, qua đó “mở cánh cửa” để IS chiếm đóng nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn ở Syria và Iraq.
              “Thay vì nỗ lực chống khủng bố, Mỹ và các nước đồng minh chỉ chống tổng thống được bầu cử hợp pháp của Syria” - ông Medvedev nói.
              H.TRUNG

              Không có nhận xét nào:

              Đăng nhận xét