Thứ Sáu, 27 tháng 11, 2015

AN CHI GIẢI ĐÁP 23

 (ĐC sưu tầm trên NET)

16. (KTNN 99, ngày 01-01-1993)
Tờ "Bát tự niên canh" có phải là tờ đăng ký kết hôn ngày xưa hay không? Có phải "bát tự" có nghĩa là tám tờ còn "niên canh" là có giá trị trong một năm hay không?

AN CHI: Nói cho đúng cú pháp tiếng Hán thì đó là niên canh bát tự, có nghĩa là tám chữ thuộc về tuổi tác. Đó là tám chữ CAN CHI (thí dụ: Mậu Tý, Kỷ Sửu, Canh Dần, Ất Mùi, v.v…) gồm có hai chữ chỉ giờ, hai chữ chỉ ngày, hai chữ chỉ tháng và hai chữ chỉ năm mà một con người đã ra đời. Tờ niên canh bát tự là tờ ghi giờ, ngày, tháng và năm sinh theo âm lịch của chàng trai hoặc cô gái để trao cho nhà gái hoặc nhà trai đi coi thầy xem tuổi hai bên có hạp nhau hay không. Hễ hạp tuổi với nhau thì mới bàn tính đến chuyện hôn nhân chính thức. Vậy đó không phải là tờ đăng ký kết hôn. Vả lại, chẳng cứ khi tính chuyện hôn nhân mới có khai niên canh bát tự. Chỉ cần đi xem tử vi để biết chuyện bổn mạng thì cũng đã phải khai tám chữ cho thầy rồi (không có tám chữ thì thầy làm sao lên bảng được).
17. (KTNN 99, ngày 01-01-1993)
Hai tiếng cù là trong "dầu cù là" xuất xứ từ đâu? Có phải tên một loại cây nào không?

AN CHI: Có người đã liên hệ hai tiếng cù là này với hai tiếng Cù Là là tên mà người xưa ở miệt dưới đã dùng để gọi nước Miến Điện. Số là trước đây có một loại dầu cù là mang nhãn hiệu Mac Phsu, sản xuất tại Miến Điện, được ông già bà cả trong Nam ưa chuộng. Người ta cho rằng vì thứ đầu này được sản xuất tại nước Cù Là (=Miến Điện) nên nó mới được gọi là dầu cù là (=dầu sản xuất tại nước Cù Là). Sau khi hai tiếng cù là trở thành thông dụng trong phương ngữ Nam Bộ thì ngữ danh từ dầu cù là được dùng rộng rãi để chỉ tất cả các loại dầu cao, bất kể chúng được sản xuất tại nước nào, đương nhiên là kể cả tại nước Tàu. Còn chính người Tàu thì lại gọi dầu cù là là vạn kim du (tiếng Quảng Đông: màn cắm y du) bắt nguồn từ nhãn hiệu của một thứ dầu cù là là hiệu Vạn Kim. Hiện chúng tôi chưa tìm được tên của một loại cây nào gọi là cây "cù là".
18. (KTNN 99, ngày 01-01-1993)
Trong bài 'Hoàng hậu Hiếu Văn, làng Cổ Trai và đất Minh Linh" đăng trên Cửa Việt số 15, tháng 6-1992, Tố Am Nguyễn Toại đã dựa vào thư tịch của Trung Quốc để khẳng định rằng Mạc Đăng Dung không phải là người Việt mà là người Đãn từ Trung Quốc lưu lạc sang. Xin hỏi người phụ trách mục"Chuyện Đông chuyện Tây" nghĩ sao về điều khẳng định này?

AN CHI: Người đầu tiên phát hiện ra rằng Mạc Đăng Dung thuộc sắc dân Đãn Man là Trần Quốc Vượng tại Hội nghị khoa học về Nguyễn Bỉnh Khiêm tổ chức ở Hải Phòng tháng 2.1985. Cứ liệu của ông là một số điều ghi chép trong Minh sử. Bảy năm sau, Tố Am NguyễnToại lại tiếp tục khẳng định giống như Trần Quốc Vượng. Ngoài Minh sử ra, ông còn nêu tên sách Đông Hoãn huyện chí của Trần Bá Đào đời Thanh. Chúng tôi cho rằng chẳng qua Trần Bá Đào cũng chỉ viết theo Minh sử mà thôi và rằng những điều mà sách này đã chép về thành phần dân tộc của Mạc Đăng Dung là hoàn toàn không thể tin tưởng được.

Chỉ riêng một việc người Đại Minh "biết quá rõ" về lai lịch của Mạc Đăng Dung trong khi chính người Đại Việt thì lại hoàn toàn mù tịt về điều đó, chỉ riêng mộtviệc đó thôi, cũng đã là điều hoàn toàn đáng ngờ rồi. Huống hồ chế độ tuyển cử và chế độ bảo cứ quan chức của nước ta vào thời Lê thật chặt chẽ và chu đáo, thì làm sao một tên cha căng chú kiết - nếu quả ông ta là người Đãn Man - như Mạc Đăng Dung lại có thể len lỏi vào làm đô chỉ huy sứ từ năm 1508 để lên ngôi hoàng đế 19 năm sau đó?

Theo truyền thuyết thì Mạc Đăng Dung xuất than từ nghề đánh cá - còn chúng tôi thì cho rằng bấy giờ ông ta là một Khương Thượng chờ thời - nên Minh sử mới dựa vào đó mà ghi chép một cách hồ đồ rằng ông là người Đãn Man, vì Đãn Man là một sắc dân chuyên sống lưu động trên ghe thuyền để làm nghề đánh cá và có khi là cả nghề cướp biển nữa. Hoặc cũng có thể Minh sử đã cố ý ghi chép như thế để gián tiếp nhắn nhủ một cách trịch thượng rằng một tên Đãn Man cũng đủ khả năng để làm vua nước Đại Việt như thường. Dù thế nào mặc lòng, chúng tôi cho rằng người Việt Nam không thể đặt lòng tin tuyệt đối của mình vào sách Tàu được, nhất là sách Tàu mà lại viết về những vấn đề lịch sử tế nhịcủa Việt Nam.
19. (KTNN 99, ngày 01-01-1993)
Tiếng Anh đã có từ Christmas để chỉ lễ Giángsinh, lại còn có cả từ Yule nữa. Xin cho biết xuất xứ của từ này.

AN CHI: Yule là hình thái hiện đại bắt nguồn từ tiếng Anh trung đại yol, tiếng Anh cổ đại geol, với biến thể geohhol. Đồng nghĩa và cùng gốc với nó hiện nay là tiếng Thụy Điển, tiếng Na Uy và tiếng Đan Mạch jul mà tiếng Phần Lan láng giềng đã mượn và phát âm thành joulu. Theo Eric Partridge, hình thái cổ đại geol bắt nguồn từ một hình thái tiền thân là geol, một kiểu hoán vị ngữ âm (metathesis) cùng gốc với tiếng La Tinh gelu, có nghĩa là băng giá. Do đó mà tiếng Anh cổ đại còn có danh từ geola để chỉ tháng December (tháng Chạp dương lịch), mà nghĩa từ nguyên là tháng băng giá. Còn geol, nay là Yule, là ngày lễ của tháng geola, tức là ngày Giáng sinh. 
20. (KTNN 100, ngày 15-01-1993)
Tại sao lại gọi là "ông Táo"? "Táo" là gì?

AN CHI: Táo là tiếng Hán đọc theo âm Hán Việt, có nghĩa Ià bếp. Đại táo là bếp to, nấu cho chiến sĩ (quân đội) hoặc nhân viên (cơ quan) ăn tập thể rất đông người. Trung táo là bếp vừa, nấu cho cán bộ trung cấp. Còn tiểu táo là bếp nhỏ, nấu riêng cho cán bộ cao cấp. Lại còn có đặc táo là bếp nhỏ loại đặc biệt thượng hảo hạng. Theo tín ngưỡng xưa, bếp có thần bếp gọi là táo quân, táo vương hoặc táo thần, khẩu ngữ còn gọi là táo công. Người Việt Nam đã dịch táo công thành ông táo. Dân gian Việt Nam còn lấy hai tiếng ông táo để chỉ từng hòn trong ba hòn đất dùng để bắc chảo bắc nồi lên mà xào mà nấu. Những hòn đất này thoạt đầu thì cháy nám, rồi lâu ngày dài tháng, trở nên đen thủi đen thui (vì vậy mà trong khẩu ngữ ở Nam Bộ trước đây, người ta còn dùng hai tiếng ông táo để gọi đùa người Ấn Độ, rồi về sau cả lính da đen nữa).  
21- (KTNN 100, ngày 15-01-1993)
Tại sao lại nói "ngày tư ngày tết" và “tư niên" (là quanh năm). Hai tiếng "tư” này có liên quan gì với nhau hay không?

AN CHI: Hán ngữ có một từ ghi bằng chữ , mà âm Hán Việt là , có nghĩa là năm, là mùa. Mathews' Chinese-English Dictionary (p.1023. ch.6935) giảng là: "A year, a season”. Sách Lã thị xuân thu có câu: “Kim mỹ hòa, lai mỹ mạch” nghĩa là mùa này tốt lúa gạo, mùa tới tốt lúa mì. Vì nó cùng một trường nghĩa với tết nên người ta đã ghép nó với từ này thành tư tết, rồi lại xen ngày vào mà nói thành ngày tư ngày tết.

Còn trong "tư niên” thì lại không liên quan gì đến trong "ngày tư ngày tết" cả. Nó là trong tư bề, tư mùa, nghĩa là một biến thể ngữ âm của tứ là bốn. Tư bề là bốn bề, nghĩa là mọi phía; tư mùa là suốt bốn mùa, nghĩa là quanh năm. Sự di chuyển tự nhiên và hợp lý từ bốn sang mọi, sang quanh trong nghĩa của tư bề, tư mùa đã dẫn đến cách hiểu sai lệch rằng có nghĩa là quanh, là khắp, là cả, v.v.. Với cách hiểu sai lệch này, người ta đã nói tư niên mà hiểu là quanh năm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét