Thứ Ba, 10 tháng 8, 2021

ĐÃ TỪNG HIỆN THỰC (ĐL)

ĐÃ TỪNG HIỆN THỰC 26/a (Cách mạng vô sản)

-Tiến trình vận động xã hội, xét cho cùng, cũng là một tiến trình vận động tự nhiên vì xã hội thuộc về tự nhiên, nên nó cũng phải tuân theo nguyên lý tự nhiên. Vì vậy, muốn giải thích thỏa đáng các quá trình vận động xã hội, phải bắt đầu từ nguyên lý mưu sinh, một thể hiện đặc thù của nguyên lý cơ bản nhất. phổ quát nhất của tự nhiên, đó là: "cố gắng tồn tại". Hay như ông bà nói: "Có thực mới vực được đạo".
-Theo chỉ thị của Tự Nhiên Tồn Tại, mọi con người nói riêng và cả thế giới sinh vật nói chung, sinh ra là cố gắng sống còn đã, trước khi phải chết đi. Muốn sống còn thì phải tìm ăn. thuở đầu tiên, do nguồn thức ăn tương đối dồi dào nên tất yếu có sự tăng trưởng số lượng cá thể giống loài. Có thể nói, trong điều kiện thuận lợi về nguồn thức ăn, tăng trưởng lạm phát về số lượng cá thể sống trong một giống loài là một hiện tượng có tính qui luật.


-Chủ yếu do tính hữu hạn của thiên nhiên và qui luật phát triển lạm phát về số lượng chi phối mà có sự cạnh tranh sống còn trong thế giới sinh vật thể hiện ra dưới dạng qui luật đấu tranh sinh tồn và tiến hóa-thích nghi.
-Loài người, thuộc về thế giới sinh vật nên không phải là ngoại lệ, nghĩa là cũng phải đấu tranh sinh tồn và tiến hóa-thích nghi để sống còn. Hơn nữa, cho đến nay, loài người được cho là loài vật duy nhất đạt mức tiến hóa-thích nghi cao nhất (nghĩa là có tư duy trừu tượng) và sống(tất nhiên!) theo lối hợp quần xã hội, nên mọi kỹ năng kỹ xảo có được nhắm phục vụ cho mục đích sống còn ở loài vật đều được phát huy một cách tự giác đến mức tối ưu ở loài người và qui luật đấu tranh sinh tồn cũng như tiến hóa- thích nghi cũng được triển khai một cách chủ động sáng tạo lên mức cao độ. Chính vì vậy mà ở xã hội loài người mới xuất hiện những đặc thù mà (được cho là) chỉ ở xã hội loài người mới có như: tình cảm hỉ nộ ái ố, yêu-ghét, danh lợi, quyền lực, tranh dành, bóc lột, cướp đoạt,..., và ở mức tột độ là chiến tranh, là giết chóc lẫn nhau nhằm mưu cầu danh lợi (ở đây khái niệm này có nội hàm rất rộng, có thể hiểu tất cả những thứ gì làm thỏa mãn tâm-sinh lý con người đều có thể gọi là danh lợi).
- Nhờ vào việc khám phá ra lối kiếm ăn bằng trồng trọt chăn nuôi và cây lương thực mà loài người mới có được phương thức sống định cư lâu dài và hợp quần xã hội, và từ lao động kiếm ăn đơn thuần đạt đến tình trạng sản xuất thặng dư, tạo tiền đề tiến lên nền sản xuất hàng hóa và nhảy vọt lên văn minh. Có thể nói tiến lên văn minh là hướng đi tất yếu của xã hội loài người.
-Vì là loài vật nên loài người cũng có tính tranh dành bản năng. Sự phát triển theo các qui luật tự nhiên của xã hội loài người cộng với sự tác động bất lợi xảy ra ngẫu nhiên (có tính tất nhiên) có thể có của thiên nhiên đã là nguyên nhân chủ yếu làm xuất hiện những thời đoạn thịnh-suy kế tiếp nhau có tính phổ biến của tiến trình vận động xã hội. Tiến trình này cùng với nỗ lực sinh tồn bằng mọi giá và tính tranh giành bản năng đã "nhào nặn", hun đúc nên cái gọi là tình cảm, trong đó có lòng tham ích kỷ vốn dĩ khó gột bỏ ở mỗi con người và từ đó hình thành nên khái niệm tư hữu trong nhận thức con người.
-Sản xuất giá trị thặng dư kết hợp với lòng tham ích kỷ là tiền đề của sự bóc lột. Bóc lột chính là tổ chức cho con người sản xuất thặng dư và chiếm đoạt giá trị thặng dư ấy làm của riêng một cách quá đáng (xâm phạm vào khả năng tái tạo sức lao động, khả năng sống còn của người lao động thặng dư!). Sự bóc lột và sự cố gắng sống còn lập nên mối quan hệ tương phản chế ngự, kìm hãm lẫn nhau bằng hình thức đấu tranh. Đấu tranh là hình thức đối chọi nhau bằng bạo lực (có thể có vũ trang hoặc không vũ trang) của tập đoàn người này với tập đoàn người khác nhằm đòi giá trị lao động thặng dư đã bị tước đoạt một cách bất công nhằm đảm bảo sống còn và quyền lợi sống còn. Thường thì trong hai bên tranh chấp ấy, một bên được gọi là chính nghĩa (bên bị bóc lột, bị xâm phạm quyền lợi sống còn), một bên được gọi là phi nghĩa (bên bóc lột, chiếm đoạt quyền lực).Việc đánh giá chân chính nhất, khách quan nhất, tức là đúng nhất, bên nào là chính nghĩa, bên nào là phi nghĩa, thì chỉ có một kết quả duy nhất. Nhưng do tính đa chiều về thị phi, đa dạng về nhận thức, nên một cách chủ quan, cũng có thể có nhiều kết quả đánh giá đúng-sai. Thí dụ: chúng ta đánh giá như thế nào về cưỡng đoạt đất đai ở nước ta hiện nay, đâu là chính nghĩa, đâu là phi nghĩa?
- Mục đích nguyên thủy của sự ra đời nhà nước là liên kết xã hội, hòa giải, duy trì trật tự xã hội. Muốn thế, nhà nước phải có quyền lực nhất định. Lúc đầu, quyền lực nhà nước là do cộng đồng xã hội ủy quyền mà có. Bóc lột cũng cần quyền lực để vơ vét ngược ngạo giá trị thặng dư nên quyền lực nhà nước thường bị lạm  dụng để bóc lột, gây bất công xã hội. Dần dần,  quyền lực nhà nước bị thao túng, lũng đoạn thường xuyên hơn, đến mức phổ biến, thậm chí là công khai, trở thành một hiện tượng như mặc định, phân ra thành hai lực lượng tương phản cơ bản trong xã hội là tầng lớp thống trị (thiểu số, có quyền lực, giàu, thao túng nhà nước) và tầng lớp bị trị (đa số, không có quyền lực, nghèo, bị nhà nước chi phối). Như vậy, dù vì bất cứ lý do nào không cần biết, khi nhà nước dở thủ đoạn bóc lột thái quá,đe dọa đến khả năng sống còn của quần chúng (tầng lớp bị trị), thì sẽ nổ ra đấu tranh gay gắt, thậm chí đến một mất một còn.
-Có thể nói tóm tắt: lịch sử của xã hội loài người là lịch sử tranh dành danh lợi giữa các tập đoàn người, là sự phản ánh các quá trình đấu tranh của các tầng lớp bị trị đối với các tầng lớp thống trị. Điều đó có nghĩa là cuộc đấu tranh chống bóc lột của nhân loại đã xảy ra từ rất sớm, có lẽ cùng lúc với phát sinh ra khái niệm "tư hữu", "áp bức", "bóc lột",...Và đây là nguyên nhân hình thành khẩu hiệu: "Ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh". Qua đây, có thể thấy định nghĩa của Lênin: "Lịch sử loài người là lịch sử đấu tranh giai cấp" là không thỏa đáng. Vì chiến tranh đế quốc, chiến tranh giữa các tập đoàn phong kiến, không phải là đấu tranh giai cấp.
- Trong lịch sử loài người, đã có rất nhiều cuộc đấu tranh chống bóc lột xảy ra, nhưng xét về mức độ khốc liệt, phạm vi ảnh hưởng, qui mô cách mạng trên toàn cầu thì cho đến nay, có lẽ chỉ có hai cuộc đấu tranh là cuộc cách mạng tư sản và cuộc cách mạng vô sản.
-Quá trình tiến lên văn minh đã mở đường cho sản xuất hàng hóa phát triển. Song nó đã bị tầng lớp vua chúa, quí tộc phong kiến (tầng lớp thống trị đương thời) cản trở, thậm chí ngăn lại bằng cách bóc lột thậm tệ, đến mức trói buộc sức lao động của quần chúng (tầng lớp bị trị). Tình hình đó dẫn đến sản xuất hàng hóa có nguy cơ bị đình đốn, vừa không đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của xã hội, vừa đồng thời gây lãng phí khả năng sản xuất, bóp nghẹt sự làm giàu tư nhân trong xã hội. Đó là lý do chủ yếu làm nảy sinh cuộc cách mạng tư sản, lật đổ nhà nước phong kiến cổ hủ, xây dựng nên nhà nước của ưu tiên cho sản xuất hành hóa, chính quyền của tầng lớp thống trị mới gọi là tư sản với khẩu hiệu: "tự do, bình đẳng, bác ái". Nói cho ngay, cách mạng tư sản là cuộc đấu tranh đòi phá tan xiềng xích, ách áp bức phong kiến, tuy cũng chống bóc lột nhưng chống không triệt để (một khi còn sản xuất hàng hóa và còn cạnh tranh tự do thì nguy cơ bóc lột vẫn còn), mà chủ yếu là giải phóng sức lao động xã hội. Dù vậy. buổi đầu, nó vẫn là cuộc đấu tranh chính nghĩa vì phù hợp với tiến trình lịch sử. Nhưng ngay sau đó, một phần do lòng tham ích kỷ lũng đoạn, một phần do sự đe dọa phá sản trong cạnh tranh tự do, tầng lớp tư sản dần trở thành tầng lớp độc quyền thống trị, bóc lột dã man quần chúng (tầng lớp bị trị). Chính vì vậy mà khẩu hiệu: "tự do, bình đẳng, bác ái" của tầng lớp tư sản thời kỳ đầu trở nên rỗng tuếch, mị dân, làm nổ tiếp ra cuộc đấu tranh chống bóc lột mới của tầng lớp những người làm thuê, mà ngọn cờ đầu là cách mạng vô sản do Mác đề xướng và Lênin là người đầu tiên thực hiện chưa thành công hoàn toàn trong thực tiễn nước Nga.
-Cách mạng vô sản là cuộc đấu tranh chống bóc lột sâu rộng nhất trong lịch sử loài người và theo C. Mác cũng như theo các nhà xây dựng nên học thuyết về cách mạng vô sản thì đó cũng là cuộc đấu tranh xóa bỏ áp bức bất công, xóa bỏ nạn người bóc lột người triệt để nhất từ trước tới nay. Nếu cách mạng tư sản nhằm lật đổ chế độ phong kiến thì theo các nhà lý luận kinh điển cộng sản, cách mạng vô sản cũng nhằm lật đổ chính quyền tư sản, sau đó nhằm triệt tiêu nhà nước nói chung. (Theo chúng ta việc phủ định nhà nước là một sai lầm cơ bản về nhận thức của Mác cũng như của chủ nghĩa cộng sản. Vì tại sao phải xóa bỏ nhà nước khi nó không hề là nguyên nhân của áp bức bóc lột, thậm chí trong nhiều trường hợp lại là công cụ hữu hiệu chống áp bức bóc lột, hơn nữa, làm sao xóa bỏ được nhà nước, một khi nó là yếu tố cần và đủ cho lối sống hợp quần xã hội của loài người?).
-Khi một chính quyền bị sụp đổ và tan rã thì lực lượng tàn dư của nó, lực lượng nhờ nó mà trục lợi, nhờ nó mà có giàu sang phú quí vẫn còn và tìm cách liên kết lại hòng mưu cầu giành lại chính quyền. Đó chính là sự bảo thủ, là "sức ỳ" tồn tại của cái cũ trong sự chuyển hóa, biến đổi từ cái cũ sang cái mới. sự thể  đó xảy ra càng nặng nề đối với hai cuộc cách mạng được cho là "long trời lở đất" nói trên cho nên sau khi lật đổ chính quyền tư sản, các nhà cách mạng phải thiết lập một chế độ gọi là "chuyên chính". Chuyên chính nói chung là dùng mọi biện pháp, kể cả bạo lực cách mạng, nhằm trấn áp, triệt tiêu tàn dư, mầm mống hồi sinh chế độ cũ, để giữ vững chế độ mới.
-Nôm na: chuyên chính tư sản nhằm xóa bỏ vĩnh viễn chế độ phong kiến và triệt tiêu mầm mống của cách mạng vô sản. Còn chuyên chính vô sản, theo wikipedia: "Chuyên chính vô sản hay nền chuyên chính vô sản là một lý thuyết của chủ nghĩa Marx-Lenin là một bộ phận quan trọng của chủ nghĩa cộng sản khoa học theo đó chuyên chính vô sản là việc giai cấp công nhân nắm quyền lực nhà nước và sử dụng quyền lực nhà nước trấn áp giai cấp tư sản để tiến hành xây dựng một xã hội không giai cấp. Đây là sự thống trị về chính trị của giai cấp công nhân với chức năng thực hiện dân chủ đối với nhân dân, tổ chức xây dựng và bảo vệ chế độ mới, chuyên chính với những phần tử thù địch, chống lại nhân dân. Chuyên chính vô sản được cho là một trong những tư tưởng đặc sắc và trọng yếu nhất của chủ nghĩa Mác về vấn đề Nhà nước, là đỉnh cao của vai trò cách mạng của giai cấp vô sản trong lịch sử và là sự phát triển của Lý luận về Nhà nướcKarl Marx đề ra và được những người kế thừa tư tưởng của ông phát triển.
Trong thập niên 1970 các đảng cộng sản Tây Âu từ bỏ ý tưởng chuyên chính vô sản để mà phân biệt mình với các đảng ở những nước xã hội chủ nghĩa hiện thực. Các chương trình của họ đã bỏ mô hình cách mạng mà Karl Marx đã phác họa và thay vào đó là chủ nghĩa cải tổ trong các hoạt động chính trị".
- Vì quan niệm còn sai lầm về giai cấp và đấu tranh giai cấp, vì hiểu sai rằng tầng lớp tư sản là nguyên nhân dẫn đến bóc lột (đúng ra: bóc lột trong sản xuất hàng hóa là nguyên nhân xuất hiện giai cấp tư sản) và tầng lớp tư sản rất dễ được sinh ra trong những hoạt động xã hội, ít ra là về mặt tư tưởng, dễ gây ra mầm mống phản cách mạng hòng khôi phục lại chính quyền áp bức bất công như xưa, nên giai cấp công nhân (tức tầng lớp thống trị mới(?)) phải đấu tranh không ngừng, kiên định, không khoan nhượng đối với những người bị cho là thuộc giai cấp tư sản, hay có lập trường của giai cấp tư sản(!?) nếu muốn giữ vững chính quyền (còn non trẻ!) của cách mạng vô sản. Do đó mà dễ dàng hiểu rằng vì sao chuyên chính vô sản quyết liệt hơn chuyên chính tư sản?
-Do nhận thức sai lầm rằng tầng lớp trí thức, nông dân (người công sản gọi chung là tiểu tư sản) dễ chuyển biến thành tư sản và nhận thức như trên về sự phát sinh trở lại của giai cấp tư sản và nhận thức phải "sắt máu" của nền chuyên chính vô sản nên các nhà lãnh đạo cách mạng vô sản (thời kỳ đầu) rất dễ hoảng sợ, đề cao cảnh giác đến mức thái quá, dẫn đến mù quáng, cực đoan, dễ nhận định sai lầm về vấn đề ta-địch, bạn-thù. Trong cách mạng Việt Nam, những sự kiện như: sai lầm trong Cải cách ruộng đất, vụ án Nhân văn giai phẩm, vụ án Xét lại chống Đảng chính là hậu quả điển hình cho quan niệm sai lầm này. Cũng chính vì quan niệm còn rất cực đoan về chuyên chính vô sản, thêm nữa lại bị lũng đoạn bởi thói đam mê quyền lực, thói thích được sùng bái cá nhân (sẵn sàng hy sinh không chút đắn đo cho cách mạng khi còn trứng nước, nhưng khi cách mạng thành công rồi thì lòng tham ích kỷ, khát vọng vinh quang, luyến tiếc quyền lực, mong muốn được vinh danh sử sách,..., trỗi dậy!) mà hầu như các lãnh đạo cách mạng, không nhiều thì ít, đều dính vào các cuộc thanh trừng máu lửa, sát hại ngay cả chính những đồng chí đã từng kề vai sát cánh, vào sinh ra tử với mình trong quá trình hoạt động cách mạng (sau đó, khi nhận ra sai lầm thì sửa sai, xin lỗi, phục hồi danh dự..., nhưng thường thì đã quá muộn! Có thể cho rằng đây chính là tàn dư của thói "Giảo thố tử, tẩu cẩu phanh; cao điểu tận, lương cung tàn; địch quốc phá, mưu thần vong”. Tạm dịch: "Chim hết cất cung tên, thử hết diệt chó săn"). Đây chính là nguyên nhân sâu xa nhất cho các vụ thảm sát dưới chế độ cộng sản, mà người phải kể đến đầu tiên là Iosif Vissarionovich Stalin, và người thứ hai, người được đánh giá là có nhiều thủ đoạn thâm độc nhất, có "thành tích" tàn sát nhất thế giới, hơn cả Hitle, có thể gọi là "đồ tể số1 nhân loại", đó là Mao Trạch Đông. (còn)

 

ĐÃ TỪNG HIỆN THỰC 26/b (Cách mạng vô sản)

(tiếp)
-Phản biện cách mạng vô sản không phải để ruồng bỏ nó, mà để thấy rõ khiếm khuyết của nó, khắc phục nó và thêm quí trọng nó, vì nó là hướng vận động xã hội có tính chính nghĩa nhất, có lý trí đến hoàn thiện duy nhất của xã hội loài người!
-Hiện nay, cách mạng vô sản như gã say rượu loạng choạng trên đường đến xã hội XHCN tự mình vẽ ra, tưởng rất gần nhưng đi mãi  không hề đến nơi, vì XHCN như Niết Bàn, chỉ là ảo ảnh của sự hoang tưởng. Xét về mặt nuôi chí lý tưởng thì cộng sản giống y hệt Đạo Phật. Đạo Phật, sau 2500 năm tu luyện, vẫn chưa có bất cứ ai đến được cõi Niết Bàn! Như vậy có phải mị dân không?
- Cách mạng vô sản, theo các nhà lý thuyết cộng sản, là cuộc đấu tranh triệt để nhất của loài người về mục đích xóa hết áp bức, bất công, bóc lột, đảm bảo quyền sống cơ bản cho mọi người. Cách mạng vô sản đã xây dựng trên lý thuyết con đường đi lên xã hội xã hội chủ nghĩa, một xã hội không có người bóc lột người, mọi người đều được sống cuộc sống "vui vẻ-ấm no-tự do-hạnh phúc" với khẩu hiệu: "làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu". Chính vì vậy mà cuộc cách mạng vô sản, theo nhận định của Mác-Lênin, cũng là cuộc đấu tranh liên tục, không ngừng, lâu dài và gian khổ nhất, bắt đầu từ lúc phát động, thủ tiêu nhà nước tư sản, cho đến khi xây dựng xong xã hội XHCN, thiên đường của chủ nghĩa cộng sản. Phải hỏi, mục đích của cách mạng vô sản tuyệt đẹp như thế, phù hợp với ước mơ của loài người như thế, nhưng trên thực tế, vì sao cho tới nay hầu hết các nước làm cách mạng vô sản, đã đập tan chính quyền tư sản, xây dựng được nhà nước chuyên chính vô sản, đang tiến lên CNXH, thậm chí như Liên Xô, tưởng đã đến nơi, đột nhiên, thuận theo nguyện vọng quần chúng (tầng lớp bị trị), rời bỏ con đường đó, trở về với xã hội có chính quyền mang bản chất của tầng lớp tư sản như xưa? Và như vậy CNXH là hão huyền, cách mạng vô sản là vô ích chăng?

-Nếu không có cuộc đấu tranh rầm rộ chống bóc lột của tầng lớp bị trị vào đầu thế kỷ XX, nhất là sự vạch trần bộ mặt bóc lột (dù chưa đích đáng) do chính quyền tư sản gây ra và sự khuấy động phong trào cách mạng vô sản của các nhà cộng sản, cũng như sự hình thành khối XHCN do Liên Xô đứng đầu (cho dù đến nay đã tan rã!), thì thử hỏi bộ mặt thế giới ngày nay ra sao, quần chúng (tầng lớp bị trị) ngày nay ở các nước tư bản phát triển có được cuộc sống, nếu xét về mức độ đảm bảo sống còn, thì cảm giác hầu như không bị bóc lột nữa (nên nhớ, thu hoạch thặng dư có chừng mực không phải là bóc lột!), trái lại được hưởng nhiều phúc lợi, nhân quyền, tự do, bình đẳng... như đang thấy hay không?
-Rõ ràng là không rồi! Nhất là đối với quần chúng thuộc địa, nếu không làm cách mạng vô sản thì cũng tham khảo ở đó đường lối đấu tranh, tìm thấy ở đó những khích lệ giải phóng dân tộc. Nếu không có cuộc cách mạng vô sản Tháng 8, thì làm sao Việt Nam trở thành tấm gương chói lọi trong việc xóa bỏ ách áp bức, bất công thậm tệ của chế độ thực dân trên thế giới? Nhưng cũng phải thừa nhận, chưa có nước nào hoàn thành trọn vẹn cách mạng vô sản theo như Mác-Lênin, những người khởi xướng ra nó hình dung. Điều đó nói lên rằng, mục đích cuối cùng của nó dù tuyệt đẹp, nhưng chỉ mang tính lý tưởng, không thành hiện thực được, nghĩa là đã có một khiếm khuyết trầm trọng, không thể khắc phục được trong lý thuyết của nó, làm cho nó trở thành ảo tưởng, không những không đến được đích, mà trái lại còn tạo ra nguy cơ hình thành một xã hội bóc lột mới, một tầng lớp thống trị mới (tư sản đỏ), một nhà nước mang nhiều nét "mị dân" (mị dân ở đây không phải là sự cố ý lừa dối, mà là sự mặc nhiên lừa dối vì đưa ra những sách lược tuyệt đẹp nhưng duy ý chí, trái với lẽ sống thông thường, qui luật tự nhiên), làm thoái hóa về tâm đức con người. Các lãnh đạo cộng sản hô hào quần chúng phải yêu CNXH, trong khi họ lo thu vén cho gia đình họ giàu sang phú quí, con cháu họ ấm thân danh lợi trong bộ máy quyền lực nhà nước, thì sự hô hào tình yêu ấy có phải là lừa phỉnh, giả dối?
-Vậy khiếm khuyết trầm trọng đó là gì? Đó là loại khiếm khuyết ẩn tàng, rất khó phát hiện và không thể khắc phục, vì nếu dễ, các nhà lý thuyết cộng sản gạo cội đã thấy và sửa chữa từ lâu! Có lẽ nên tìm khiếm khuyết ấy không phải ở việc lựa chọn chế độ sở hữu về tư liệu sản xuất, mà là việc thiết lập chế độ công hữu về tư liệu sản xuất một cách khiên cưỡng, không hợp thời, khi trong xã hội, bản tính thích tư hữu, làm giàu tự do của con người và kèm theo đó là tính tham lam ích kỷ, thèm khát quyền lực đã tồn tại như mặc định ở con người trong suốt quá trình vận động xã hội, chưa được cải tạo! Thực tiễn cho thấy nhà nước cộng sản sụp đổ cũng chính là do sự bóc lột thặng dư quần chúng (có thể đã biến tướng) của nó, do sự "tư sản hóa" (không đúng, nhưng tạm gọi vậy) hàng ngũ cán bộ cộng sản (nạn "tư sản đỏ", nạn tham quan lại nhũng, cường hào ác bá mới), do sự thoái hóa, biến chất cách mạng của hàng ngũ công nhân mà buổi đầu cách mạng có não trạng triệt để cách mạng nhờ được kích động, tuyên truyền. Đến nay, có lẽ đã đủ thời gian nhìn lại quá trình cách mạng từ lúc lật đổ chính quyền tư sản đến xây dựng CNXH của các nước đã từng, và thấy:
   * Học thuyết cách mạng vô sản được xây dựng trên những quan niệm còn sai lầm về giai cấp và đấu tranh giai cấp, về chuyên chính vô sản, về nguồn gốc của bóc lột..., từ đó đưa ra những luận điểm cách mạng không phù hợp, mị dân như: làm cách mạng không ngừng (quá lâu so với đời người), cảnh giác cao độ và sẵn sàng trấn áp hàng ngũ tiểu tư sản (nông dân,trí thức, những người buôn bán nhỏ bị cho là dễ (sic!) chuyển hóa thành tư sản), nêu cao quá đáng vai trò tiên phong cách mạng của giai cấp công nhân, thổi phồng chuyên chính vô sản thái quá, gây hậu quả ngày càng mất niềm tin giữa nhà nước và quần chúng, đào sâu sự chia rẽ, căm ghét, hận thù trong tầng lớp nhân dân, mà theo những người lãnh đạo cộng sản cực đoan, là mâu thuẫn giai cấp (thực ra là mâu thuẫn của tầng lớp bị trị với tầng lớp thống trị, và mâu thuẫn này có lúc căng lúc chùng chứ không phải lúc nào cũng đối kháng. Trong xã hội có nhà nước thực sự vì dân thì chỉ có mâu thuẫn xã hội, dân sự, chứ không có mâu thuẫn này)...
   * Một khiếm khuyết nữa của cách mạng vô sản là khi thiết lập các bước thực hành cách mạng, đã bỏ qua tình cảm của con người, thứ cả tốt lẫn xấu do con người tiến hóa-thích nghi mà có được, trở thành như một bản năng sau hàng ngàn năm mưu sinh trong hoạt động xã hội, và coi con người như những rôbốt cách mạng, chỉ có tốt mà không có xấu và chỉ cần hô hào là biết hành động trung thành một cách vô cảm (như chó!), lúc nào cũng kiên định cách mạng, chứ không thấy mặt lưu manh, cơ hội, tầm thường, thường là ẩn dấu của nó (nạn tham nhũng tràn lan, nạn tham quyền cố vị, nạn trù úm qui chụp cấp dưới, nạn vô cảm, suy đồi đạo đức...,nếu không là tất cả thì cũng có thể nói hầu hết đều là do đảng viên cộng sản mà ra!). Có lẽ Hồ Chí Minh, khí thiêng sông núi Việt, đã cảm nhận rất rõ điều này, vì năm 1945, khi quân Tưởng đã kéo vào dày đặc ở miền Bắc và quân Pháp đã bắt đầu đánh phá ở miền Nam, Tố Hữu có dịp được gặp Hố Chí Minh. Ông hỏi: "Thưa Cụ, một bên thì Tây, một bên thì Tàu, bên nào đáng lo hơn?". Hồ Chí Minh trả lời: "Tây cũng không đáng sợ, Tàu cũng không đáng sợ...Đáng sợ nhất là các chú!". Còn Lê Duẩn, một lãnh đạo cộng sản Việt Nam được cho là một trong những người lỗi lạc nhất, thì lại hoàn toàn mù quáng, không thấy được chức năng nguyên thủy của nhà nước khi nói: “Nhà nước ta là nhà nước xã hội chủ nghĩa, nhà nước do dân và vì dân chứ không phải là nhà nước tư bản của giai cấp tư sản. Chúng nó cần pháp luật để cai trị bóc lột nhân dân còn chúng ta là nhà nước XHCN chúng ta không cần pháp luật. Chúng ta chỉ cần phê bình và tự phê bình là đủ”, hay hoàn toàn duy ý chí, cực đoan: "Chế độ ta là chế độ chuyên chính vô sản. Chuyên chính trước hết phải là đường lối của giai cấp vô sản. Cốt tủy của chuyên chính vô sản là ở đó chứ không phải là ở chỗ sử dụng bạo lực. Đường lối đó là sự kết hợp lý luận Mác - Lê Nin với thực tiễn cách mạng của nước mình. Đường lối đó là khoa học nhất, là đúng quy luật, là bắt buộc. Đường lối đó không hề nhân nhượng với ai, chia sẻ với ai và hợp tác với ai cả. Đó là chuyên chính. Đường lối đó là: nhất thiết phải xóa bỏ giai cấp bóc lột, xóa bỏ chế độ sản xuất cá thể, xác lập quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa. Nhất thiết phải làm thế, không cho phép ai đi ngược lại. Đó là chuyên chính. Đường lối đó nhất thiết phải là công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa. Không ai được chống lại. Đó là chuyên chính. Đường lối đó là đường lối của giai cấp công nhân, không ai được chống lại. Ai chống lại những cái đó thì bị bắt. Đó là chuyên chính."
   * Điều cuối cùng và có lẽ cũng là điều cốt tử nhất: các nhà cộng sản đã không chú ý rằng cách mạng vô sản sẽ không thể thành công được chừng nào nó còn được tiến hành trong điều kiện lực lượng sản xuất chưa thỏa mãn đủ nhu cầu sống còn và thèm khát tiêu dùng bình thường của con người!
-Ngày nay, cuộc sống người dân ở các nước (gọi là) tư bản phát triển đã là ước mơ của quần chúng cần lao thời Mác-Ănghen và Lênin còn sống! Ở các nước đó, mâu thuẫn giữa chính quyền tư sản và quần chúng đã giảm xuống tới mức hầu như không nhận ra nữa, hoặc có mức độ cũng không gay gắt, đối kháng, sống còn (cũng có thể là do sự phát triển mạnh mẽ của khoa học-kỹ thuật làm tăng mức lao động thặng dư). Trái lại, những nước tự nhận đi theo con đường XHCN như Việt Nam, Trung Quốc, Vênêduêla, Cu Ba..., thì mâu thuẫn ấy, do hiện tượng "khát vốn", nạn tham nhũng tràn lan, nạn tham quyền cố vị..., hiện tượng mức sống bình quân xã hội còn thấp trong buổi đầu tích lũy tư bản,..., dù không ai nói ra, vẫn còn. Điều lạ lùng, tưởng trái ngược, nhưng hợp lý trong bao biện, là hiện tượng các lãnh đạo cộng sản ở các nước cộng sản đều "nỗ lực" xoay tiền (ở đâu?) cho con em mình sang các nước tư bản học tập về mọi mặt. Kết hợp với nạn "con ông cháu cha", thì làm như thế họ, kể cả những người trung kiên nhất, đã vô tình chối bỏ CNXH, trong khi vẫn mị dân hô hào tầng lớp bị trị tiến lên (ảo ảnh) CNXH một cách....vô lối?
-Như vậy, phải thừa nhận rằng, nếu cuộc vận động tiến lên văn minh của xã hội loài người là tất yếu, thì cuộc cách mạng tư sản nổ ra phải có tính tất yếu, và sự tồn tại xã hội tư bản cũng tất yếu! Một mặt nhờ sự phơi bày của cách mạng vô sản, nhờ sự giác ngộ của những nhà tư sản hoạt động xã hội có lương tri, mặt khác nhờ vào sự tiến bộ của khoa học-kỹ thuật áp dụng cho nền kinh tế, nhờ mức sống bình quân (kể cả trình độ sống) của con người đã được nâng cao nhờ văn minh, mà xã hội tư bản đã hầu như khắc phục được tính bóc lột hoang dại, dã man buổi đầu của nó và đang đi trên con đường "vốn dĩ" của tiến trình phát triển xã hội loài người, đó là tiến đến một xã hội ngày càng công bằng văn minh (vì tiến lên văn minh là quá trình tất yếu của xã hội loài người, nghĩa là với bất cứ nền kinh tế nào, kể cả nền kinh tế phong kiến hay tư bản chủ nghĩa, muốn phát triển được, muốn làm giàu được, do bản chất của nền kinh tế hàng hóa, thì chỉ có cách duy nhất, cho dù có thể gián tiếp, là phục vụ cuộc sống con người!). Nhưng một khi còn nền kinh tế cạnh tranh tự do thì nguy cơ bóc lột, áp bức bất công và chiến tranh vẫn còn. Chiêu dụ, kích thích tiêu dùng thái quá (quảng cáo rùm beng!) là một hình thức vơ vét thặng dư, bóc lột trá hình. Sự bóc lột của tầng lớp thống trị tư sản ngày nay nói chung đã được "xoa dịu hóa", tinh vi hóa, qui mô hóa trên phạm vi toàn xã hội và thế giới. Các nước giàu liên kết lại thống trị, bóc lột các nước nghèo và nhỏ bằng nhiều thủ đoạn kinh tế, kể  cả gây chiến tranh, kích thích bạo lực.
-Thế còn cách mạng vô sản, nó có tính tất yếu không? Không! Bởi vì nó là kết quả sáng tạo của trí tuệ Mác-Lênin kết hợp với phong trào đấu tranh chống bóc lột của tầng lớp bị trị với chính quyền tư sản (sự sáng tạo có thể tất yếu nhưng kết quả của sự sáng tạo chưa chắc đã tất yếu!), và cũng có thể gọi là có, bởi vì theo các nhà cộng sản hồi bấy giờ mà qua thực tiễn cũng cho thấy, đối với chính quyền tư sản ngoan cố, nhất là ở các nước thuộc địa, chỉ có nó (là con đường duy nhất) mới có thể xóa tan bóc lột, giải phóng dân tộc một cách triệt để nhất! Nghĩa là một nước, trong quá trình đấu tranh chống bóc lột, không nhất thiết phải theo đường lối cộng sản.
- Có thể nói, cách mạng vô sản là một trong những cuộc nỗ lực vượt thoát bóc lột, đi xây dựng hạnh phúc không thành công của nhân loại. Nó là kết quả sáng tạo còn khiếm khuyết, được kích hoạt nổ ra trong điều kiện chưa chín muồi của loài người. Cho dù nó có khiếm khuyết, song vì đó là giấc mơ đẹp nhất (một cách duy nhất, hơn cả giấc mơ của Đạo Phật!) của con người, cho nên không nên và không thể từ bỏ nó mà cần phải sửa chữa, điều chỉnh nó và tích cực thực hiện để giấc mơ hạnh phúc của loài người trở thành hiện thực sớm hơn, để sự chuyển hóa từ chế độ tư bản sang chế độ cộng sản XHCN nhanh hơn (nghĩa là thay cho tự phát bằng sự lựa chọn tự giác làm cuộc cách mạng XHCN đổi mới đối với vận động xã hội), dù phải bắt đầu từ nền tảng lý luận (nghĩa là phải nghiên cứu lại con đường tiến lên xã hội XHCN).
-Có thể phân chia cách mạng vô sản thành hai cuộc cách mạng là cuộc cách mạng đòi quyền sống (còn có thể gọi là cuộc đấu tranh xóa bóc lộ của người làm thuê) và cuộc cách mạng xã hội XHCN (còn có thể gọi là cuộc cách mạng xóa tư hữu về tư liệu sản xuất). Cuộc cách mạng xóa bóc lột là cuộc cách mạng lật đổ nhà nước tư sản, thành lập và xây dựng hoàn thiện nhà nước nhân dân một cách thực chất. Nhà nước nhân dân là nhà nước toàn tâm toàn lực phụng sự trực tiếp cho sự sống còn của nhân dân, là nhà nước lấy xóa nghèo trong nhân dân làm nhiện vụ trực tiếp và cơ bản, làm ưu tiên lựa chọn số một (công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng tiến hành nhưng không phải ưu tiên, không phải cứ bê tông hóa tràn lan, mở rộng thủ đô to đến "vật vã", đất nước đẹp một cách hình thức đã là "dân giàu, nước mạnh", không khéo tạo khối nợ khổng lồ đè đầu dân chúng, nước lại yếu đi!). Nhà nước " của dân, do dân và vì dân" là tên gọi rõ hơn của nhà nước nhân dân.  Khi xây dựng xong nhà nước nhân dân (xây dựng xong quốc hội vì dân, hiến pháp vì dân, trung thành với đường lối cộng sản, với định hướng đúng đắn tiến lên XHCN và đảm bảo sự hoạt động trơn tru của bộ máy công quyền thì coi như hoàn thành cuộc cách mạng thứ nhất, tức cuộc cách mạng xóa bóc lột. Lúc này đảng cộng sản đã hoàn thành mục đích của mình và tự động rút lui khỏi vũ đài chính trị. Nhà nước nhân dân (quốc hội) được quần chúng giao phó lãnh đạo cuộc cách mạng tiếp theo.
-Cuộc cách mạng XHCN là cuộc cách mạng cuối cùng, làm hình thành nên một xã hội giàu lòng nhân ái nhất, nhân đạo nhất cho loài người gọi là xã hội XHCN. Mục đích trực tiếp, chủ yếu của cuộc cách mạng này là xây dựng thành công nhà nước XHCN. Nhà nước XHCN là bước hoàn thiện tiếp theo của nhà nước nhân dân, coi như là sự trở về với bản chất nguyên thủy của hình thức nhà nước khởi phát xưa kia. Trong xã hội XHCN, nhà nước đứng ra công hữu toàn bộ tư liệu sản xuất và trực tiếp vận hành nền kinh tế. Trong xã hội ấy nói chung không có cảnh người giết người nữa, lúc đó chính là lúc "người yêu người, sống để yêu nhau", sự làm giàu tư nhân không cám giỗ nữa và như vậy, sự tư hữu về tư liệu sản xuất trở nên vô nghĩa (nói thêm: lúc đó, theo trí tưởng tượng, khái niệm "gia đình là tế bào xã hội", vì là kết quả của quá trình phát sinh ra tư hữu, có thể sẽ không còn nữa, luật "một vợ một chồng" bị bãi bỏ, thay cho nó là khái niệm "con người là đơn vị hợp thành xã hội"), nhận thức đã đưa tình cảm của con người trong xã hội lên trình độ "trong lành" hóa, không còn những tham lam vị kỷ, những cuồng si vô lối, những ân oán hận thù phi nghĩa, nghĩa là không còn những kích thích danh lợi đe dọa, làm hại đến sống còn nữa do được giáo hóa thấm nhuần về ý nghĩa đời sống của chủ nghĩa  nhân đạo trong điều kiện cuộc sống sung túc đã được đảm bảo của một nền kinh tế lành mạnh, phát triển vượt bậc, tự động hóa cao độ...Đó cũng chính là cõi Niết Bàn mà Đạo Phật mơ ước!
-Người Việt Nam thông minh cần biết: muốn làm cuộc cách mạng vô sản thành công, thì phải có những con người triệt để cách mạng đi tiên phong. Việt Nam  đã hoàn thành giai đoạn cách mạng thứ nhất (tức là cuộc cách mạng đòi quyền sống cơ bản) một cách vẻ vang nhất nhờ thế hệ cha anh đi trước, trong đó Hồ Chí Minh là vị chỉ huy kiệt xuất, đầu đàn. Thế hệ đó coi như đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà dân tộc giao phó, đã trao nhiệm vụ làm cuộc cách mạng thứ hai cho thế hệ con em kế thừa và đã đoàn tụ với tổ tiên, an nghỉ. Có thể cho rằng Việt Nam đang trong giai đoạn cách mạng thứ hai (tức là định hướng XHCN). Nó đến đâu rồi? Chẳng đến đâu cả ngoài việc tạo được một tầng lớp thống trị mới sung túc nhờ ăn tàn phá hại tài nguyên thiên nhiên có sẵn của đất nước chứ không phải nhờ tài năng trí tuệ. Bóc lột, áp bức bất công còn đầy rẫy! Chẳng hạn như trường hợp Fomosa, trước khi tiến hành sao không hỏi ý dân, sao không trưng cầu dân ý? Sao không thuận theo ý dân vô điều kiện, để dân phải biểu tình? Nhà nước như thế rõ ràng vẫn tưởng mình khôn hơn dân, tỏ ra khinh dân, chưa thấm nhuần tư tưởng là nhà nước "của dân, do dân và vì dân"!
-Ừ, nói quá thế chứ nó cũng đạt được khá nhiều thành tựu. Nhưng nếu đặt trường hợp Việt Nam từ khi giải phóng đến nay, không làm cách mạng vô sản nữa (tức không xây dựng nhãn hiệu XHCN), mà xây dựng nền kinh tế tư bản thuần túy, thì dân có giàu hơn, nước có mạnh hơn như đang thấy không? Thật khó trả lời, vì không thể trả lời dứt khoát được đâu là nền kinh tế tư bản thuần túy, đâu là nền kinh tế tư bản theo định hướng XHCN. Hay "định hướng XHCN" chỉ là khẩu hiệu mị dân? Hồ Chí Minh đặt tên nước rất đúng, là "Việt Nam dân chủ, cộng hòa. Độc lập, tự do, hạnh phúc", nghe thật giản dị, dễ hiểu. Sau "giải phóng", các nhà cộng sản thời bấy giờ (Lê Duẩn?) "hăng tiết vịt" lên đổi thành "Cộng hòa XHCH Việt Nam. Độc lập, tự do hạnh phúc", nghe có vẻ "Tàu khựa" quá, chẳng hiểu gì cả!
-Như đã nói, một nước muốn làm cuộc cách mạng XHCN sau khi đã hoàn thành cuộc cách mạng đòi quyền sống cơ bản, thì phải hội tụ được một hàng ngũ con người cách mạng triệt để, trung kiên, thậm chí quên mình như khi thực hiện cuộc cách mạng thứ nhất đã từng. Muốn  như vậy thì trước hết phải có một hệ thống lý luận về cách mạng XHCN đổi mới thật sự sáng tỏ, thật sự chính nghĩa, có tinh thần vị nhân cao cả và nhất là phải khả thi, có thể thấy được sự chuyển biến tốt đẹp của xã hội theo từng năm nếu áp dụng đường lối cách mạng XHCN đổi mới. Việt Nam nếu muốn đi theo con đường "định hướng XHCN" để xây dựng xã hội, thì phải tìm cách đi như vậy chứ không có con đường nào khác! Có lẽ phải xây dựng lại từ đầu hàng ngũ cách mạng ấy. Để làm được vậy, việc đầu tiên, như đã nói, là phải nghiên cứu lại con đường tiến lên xã hội XHCN để có được một nền tảng lý luận vững chắc, thứ hai là phải có chính sách lực chọn nhân tài khách quan, thiết thực, xóa bỏ ngay cái nguyên tắc "phê bình và tự phê bình" đầy khiên cưỡng (thực tiễn cho thấy nguyên tắc đó không làm nên một người chân chính nào, mà trái lại còn làm thui chột những người trung thực, dung túng những kẻ man trá, cơ hội), phải cải cách giáo dục và đi đôi với việc đó là việc triệt tiêu nạn chạy chức chạy quyền, nạn "con ông cháu cha", nạn bằng cấp tràn lan...
-Và khi toàn xã hội loài người đạt đến trạng thái xã hội đó, cũng như khi những nước lớn như Trung Quốc thấy việc chiếm hữu Biển Đông là vô nghĩa, coi việc kích hoạt bạo lực ở Trung Đông là phi nghĩa, thì được gọi là THẾ GIỚI ĐẠI ĐỒNG !

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét