Thứ Sáu, 27 tháng 8, 2021

TT&HĐ IV - 39/a


 
Giải Mã Sự Hình Thành Hệ Mặt Trời Thuyết Minh

PHẦN IV:     BÁU VẬT 
"Dọc đường lịch sử nhân loại, có rất nhiều báu vật bị người đời, vô tình hay hữu ý, lỡ bỏ đi, lỡ đánh rơi, đã chìm trong quên lãng. Kẻ nào muốn có ngọc , chỉ cần dò tìm lại chúng, nhặt lên, đánh bóng..." 
 NTT 
 
“Sách là nguồn của cải quý báu của thế giới và là di sản xứng đáng của các thế hệ và các quốc gia.” 

“Khi họ đốt sách thì chính là họ cũng đang đốt cả loài người.” 
 
“Dẫu có bạc vàng trăm vạn lạng.
Chẳng bằng kinh sử một vài pho.”
  
“Lạc vào cõi mộng Tự Nhiên
Thẫn thờ một bóng giữa miền Siêu Linh
Nhặt lên dáng ngọc bí huyền
Mắt ai thăm thẳm đắm nhìn mắt ai.”
Thầy Cãi

CHƯƠNG VII (XXXIX): TOÀN BÍCH

“Khi công việc là thú vui thì cuộc sống là sự hưởng thụ bất tận. Còn nếu công việc là nghĩa vụ thì lúc đó cuộc sống sẽ là nô dịch khổ sai”.
M. Gorki.

“Cuộc sống bắt chước Nghệ thuật nhiều hơn là Nghệ thuật bắt chước Cuộc sống. Có như thế không phải chỉ vì bản năng mô phỏng của Cuộc sống mà còn vì thực tế rằng, mục đích tự giác của Cuộc sống chính là tìm cách để thể hiện, và rằng Nghệ thuật cung cấp cho Cuộc sống vài hình thức đẹp đẽ để Cuộc sống có thể biến năng lực ấy thành hiện thực…”.

"Chỉ cần là khoa học thì sẽ không có sự lừa dối người khác, người bị lừa dối là người không biết khoa học."

Vừa đi đường vừa kể chuyện, nhưng vì mải mê kể chuyện và chìm đắm vào những hoang tưởng mà chúng ta quên rằng mình vẫn đang… đi đường.
Nhiều người cho rằng, nói “đi đường” là không chính xác vì cuộc hành trình chinh phục đỉnh Tu Di phải là sự “leo núi”. “Cãi cọ” thường đem đến nhiều điều bổ ích nhưng cũng không ít điều thiệt hại. Duy ý chí trong mê lầm là nguyên nhân gây ra tính bảo thủ, cực đoan ở con người. Khi sự bảo thủ đã “chụp” vào trí não con người rồi thì cãi cọ để tranh thắng là hoàn toàn vô vọng và thậm chí là dẫn tới ẩu đả. Ngày xưa, thuở còn bồng bột, chúng ta không hiểu được điều đó nên hay cãi cọ đến đỏ mặt tía tai để rồi chẳng một lần thắng hay thua trong vui vẻ đề huề mà còn gây ra nỗi hậm hực không cho bản thân mình thì cũng cho bạn bè mình. Nay thì nhờ sự từng trải mà chúng ta không cãi cọ làm gì nữa, chỉ “rụt rè” nhận định như thế này: nói “leo núi Tu Di” thì rõ ràng là đúng rồi, nhưng “leo” hay “trèo” thì cũng là “đi”, là trường hợp riêng của “đi”, nên nói “đi đường” để chỉ sự “leo núi” kể ra cũng không đến nỗi bất ổn lắm. Hơn nữa ngay trong lúc này đây, nói “đi đường” lại có vẻ chính xác hơn là nói “leo núi”.

Thật vậy, do mải mê kể chuyện và hoang tưởng miên man mà hiện giờ, chúng ta không xác định được cuộc hành trình đã tiến lên được đến đâu. Ở cái vị trí “lưng chừng” này trong Vũ Trụ, ngoái lại, chẳng còn thấy bất cứ thứ gì ngoài bề mặt của Tu Di: đại dương cũng không, mây cũng không, thậm chí là Trái Đất, Mặt Trăng, Mặt Trời… và cả dải Ngân Hà cũng không nốt. Nhìn về phía trước, chỉ thấy một "dải" cực kỳ rộng lớn và dài tít tắp ở lân cận nơi chúng ta đang "đứng" và nhờ “hình học phối cảnh” mà chúng ta thấy nó “đồng qui” thành một điểm, mất hút vào vô tận. Ngửa mặt nhìn lên, chúng ta thấy cả một bầu trời bao la đầy sao lấp lánh. Điều lạ lùng nhất là quả thực chúng ta đang đi hoàn toàn tự nhiên trên "dải" đóng vai trò con đường đó mà chẳng cần dùng tay bám víu vào bất cứ cái gì cả. Rõ ràng là chúng ta đang “đi đường” chứ không phải là đang “bò”, lại quên, đang “leo núi”. Nếu khi đứng ở chân núi Tu Di, chúng ta nói: “Chinh phục đỉnh cao của niềm mơ ước”, thì ở đây hoàn toàn có thể nói: “Chinh phục đích xa của niềm mơ ước”.
Đích phía trước hãy còn quá xa nhưng cái đích để trở về không chừng đã là xa hơn. Vậy thì sự lựa chọn khôn ngoan nhất trong lúc này đối với chúng ta là tiếp tục tiến lên về phía vô tận. Cho dù hành động như thế sẽ đồng thời “đưa” nơi chôn nhau cắt rốn của mình lùi dần vào cõi cũng vô tận, thì chúng ta hy vọng tràn trề vào tính chân lý ở quan niệm về không gian Vũ Trụ của Đạo Lão, mà Triết học duy tồn đã tiếp thu được là ra đi cũng có nghĩa là quay về, và cho rằng, đó là con đường độc đạo dẫn chúng ta vừa đến được với ước mơ của ngàn đời, vừa về lại quê hương xứ sở muôn dấu ngàn yêu.
Quan sát không gian thực tại ở chốn “lưng chừng” này, chúng ta thấy nó có vẻ chẳng khác gì cái không gian thực tại ở “chốn quê cha đất tổ” tuy có thể là thuần khiết hơn, tĩnh lặng hơn. Điều đó có nghĩa là ngay cả ở đây nữa, định đề 5 Ơclít vẫn là một chân lý hiển nhiên và như vậy thì có thể nào kết luận rằng cấu trúc kiểu hình học Ơclít được thể hiện ra, nếu không phải trong toàn Vũ Trụ thì chí ít cũng có tính phổ biến của không gian thực tại!?
Câu hỏi đó cùng với quang cảnh hằng hà sa số các vì sao nhấp nháy, long lanh trong cái bao la, sâu thẳm đến choáng ngợp và hoàn toàn tĩnh lặng này lại làm trỗi dậy trong lòng chúng ta sự cồn cào ghê gớm của niềm khát vọng, y hệt như thuở xa lơ xa lắc, khi dợm bước chân đầu tiên trên con đường lang bạt kỳ hồ cố tìm cho được… cái gì đó. Dù sao thì chúng ta vẫn còn đủ tỉnh táo và sự từng trải để hiểu rằng muốn tìm cái gì đó thì phải đi, vì có đi mới có đến, đến có nghĩa là đạt tới để trở về, và chỉ khi đến được cõi vô tận thì mới chứng kiến được sự đúng sai của định đề 5 Ơclít. Nếu đến đó mà “thấy” định đề 5 vẫn đúng thì có nghĩa là chúng ta đã về lại “quê nhà”, nếu sai thì coi như chúng ta đành phải bỏ xác nơi “xứ người” sau khi đã chịu một sự đau khổ khủng khiếp và nhớ thương “Cõi trần gian” vô hạn độ. Vậy thì hãy tiến lên khẩn trương hơn nữa để rút ngắn thời gian chờ đợi và hy vọng trong sự… hồi hộp tin tưởng điều tồi tệ sẽ không thể xảy ra!.
Để làm dịu đi niềm khát vọng đang cồn cào trong lòng, trên chặng đường đi từ đây đến đó, đối với một sinh linh bé nhỏ và hoàn toàn cô độc giữa bốn bề hiển hiện một cách yêu ắng tuyệt đối của Tự Nhiên Vĩ đại, chẳng còn cách nào khác là lại “vừa đi đường, vừa kể chuyện” và cả huyên thuyên… hoang tưởng nữa!
***
Nguyên lý nước đôi chỉ ra rằng Tự Nhiên Tồn Tại thể hiện ra như thế này và cũng như thế kia, là cả hai mà cũng không phải cả hai. Chính vì vậy, cũng có thể nói Vũ Trụ là Tồn tại hay Hư vô, là Tồn Tại mà cũng không Tồn Tại, và cũng không phải như thế (!). Tuy nhiên, đối với một chủ thể quan sát và tư duy, vì tất yếu nó phải coi sự hiện hữu của nó là một sự thực khách quan hiển nhiên trong một cái gì đó, đồng thời được hun đúc nên từ cái đó, cái mà nó đặt tên là Vũ Trụ, thì Vũ Trụ luôn được xác nhận là một sự thực khách quan vĩ đại. Quá trình nhận thức sẽ làm cho chủ thể quan sát và tư duy “thấy” một sự thực khách quan nữa là sự hiện hữu của nó có thể bị tiêu diệt nhưng sự thực khách quan vĩ đại là vốn dĩ thế. Nghĩa là nó phải đi đến một xác nhận hiển nhiên rằng Vũ Trụ không gì khác là Tự Nhiên Tồn Tại và Tồn Tại là chỉ Tồn Tại chứ không thể có Hư Vô, bởi vì nếu gọi một cái gì đó là Hư Vô thì cũng chẳng khác gì gọi nó là Tồn Tại! Nếu một Hư Vô trở thành sự thực khách quan thì chủ thể quan sát và tư duy cũng phải coi sự hiện hữu của nó là Hư Vô hay xuất thân từ Hư Vô và lúc này phải hiểu cái nhãn mác Hư Vô do chủ quan đặt ra có nghĩa là Tồn Tại. Một khi chủ thể quan sát và tư duy gọi một sự trống rỗng nào đó là Hư Vô, thì vì Hư Vô đó là một sự thực khách quan không thể chối cãi được theo quan niệm của chủ thể nên Hư Vô đó phải là một Tồn Tại. Một Hư Vô mà Tồn Tại chỉ có thể là hư vô tương đối hay có thể nói là một tồn tại tương đối mà chủ thể không quan sát thấy và do chủ thể qui ước. Đối với tồn tại (tương đối), để thỏa mãn nguyên lý đầy đủ, nếu có tồn tại thực (thực thể cấu thành nên từ Không Gian) thì cũng có tồn tại ảo (tư tưởng, ý niệm, những biểu hiện trước quan sát của tồn tại thực…). Có thể qui ước, gọi tồn tại ảo là Hư Vô. Nhưng phải nhớ rằng, Tồn Tại (tuyệt đối) ảo là thể tương phản (tuyệt đối) với Tồn Tại và vẫn có biểu hiện trước quan sát, do đó vẫn là Tồn Tại chứ không phải Hư Vô.
Từ đó mà có khẳng định rằng Vũ Trụ là Tự Nhiên Tồn Tại hiển hiện ra trước quan sát và nhận thức. Trước loài người quan sát và nhận thức thì biểu hiện của Tồn Tại là Không Gian mà biểu hiện của Không Gian là khoảng không (tưởng chừng) trống rỗng và vạn vật - hiện tượng cùng với sự vận động chuyển hóa lẫn nhau không ngừng của chúng trong cái khoảng không vĩ đại đến “ghê hồn” ấy.
Vì Hư Vô không thể hiện hữu nên Không Gian phải liên tục và “lấp đầy” Vũ Trụ. Trong Vũ Trụ không có gì khác ngoài Không Gian, hay nói cách khác đi: Không Gian là thứ duy nhất làm nên Vũ Trụ. Để cho Tồn Tại được xác nhận thì Không Gian phải tự thân chuyển hóa liên tục và bất tận, ở mọi tầng nấc, ở mọi phạm vi, đến tận “chân tơ kẽ tóc”. Do đó mà khái niệm thời gian ra đời!
Tồn Tại là duy nhất cho nên Không Gian không thể tự mất bớt đi và như thế nó cũng không thể tự sinh ra. Không Gian có thể chuyển hóa từ dạng này sang dạng khác trong sự thể hiện cực kỳ đa dạng và phong phú của nó nhưng luôn được bảo toàn một cách tuyệt đối. Đó cũng là nội dung của nguyên lý bảo toàn Không Gian. Vì Không Gian được bảo toàn cho nên nó phải hữu hạn. Vì Không Gian phải hữu hạn về lực lượng và nó là thứ duy nhất mà Vũ Trụ có nên Vũ Trụ phải vô biên. Nhưng một Không Gian vô biên thì cần gì phải bảo toàn nữa và Không Gian cần gì  phải chuyển hóa theo những qui luật ràng buộc chặt chẽ như chủ thể quan sát và tư duy đã chiêm nghiệm? Do đó chủ thể quan sát và tư duy phải đi đến nhận định (có vẻ mâu thuẫn) là Không Gian phải hữu biên. Vì Không gian là biểu hiện duy nhất của Tồn Tại cho nên nếu có là hữu biên chăng nữa thì “bên kia” của biên vẫn phải là Không Gian. Vậy thì Không Gian phải được cho là vô hạn. Cuối cùng thì, muốn nhận chân được Không Gian thực tại của Vũ Trụ, cần phải quan niệm một cách “nước đôi” và chỉ khi quan niệm như vậy mới không làm xuất hiện ra mâu thuẫn, nghịch lý.
Mặt khác, bản chất của Tồn Tại là phải thể hiện, bởi vì bất cứ một sự không thể hiện tuyệt đối nào đó, dù có “nhỏ nhoi” đến mấy thì cũng bị coi là không Tồn Tại, nghĩa là Hư Vô. Mà Hư Vô ở “trong” Tồn Tại thì đương nhiên phải thể hiện, cho nên lại là Tồn Tại.
Còn muốn Hư Vô không ở trong Tồn Tại hoặc ở “bên cạnh” Tồn Tại thì cả Vũ Trụ phải Hư Vô và như vậy là chủ thể quan sát và tư duy cũng phải Hư Vô nốt. Không một chủ thể quan sát và tư duy nào thừa nhận mình Hư Vô, hoặc nếu “cố tình” thừa nhận mình Hư Vô, thì sự Hư Vô đó phải được hiểu theo nghĩa là Tồn Tại. Vậy thì Không Gian phải vừa liên tục để loại bỏ Hư Vô, vừa phải gián đoạn đến tận cùng nhỏ để khẳng định sự Tồn Tại của nó. Tính gián đoạn của Không Gian ở tận cùng nhỏ của nó sẽ tất yếu dẫn đến quan niệm về sự tồn tại của hạt Không Gian (viết tắt là KG) và đó là đơn vị nhỏ tuyệt đối cấu thành nên Không Gian. Có thể nói Không Gian Vũ Trụ là tập hợp của vô vàn (nhưng xác định) các hạt KG (hay còn gọi là điểm KG), và vì vậy mà nó phải “hữu biên” ở tận cùng nhỏ. Dù là hữu biên thì vẫn phải vô hạn, hay nói cách khác là dù hữu hạn thì vẫn phải vô biên, cho nên nếu có thể vượt qua “bên kia” của tận cùng nhỏ, nghĩa là “đi vào” được nội tại của hạt KG thì cũng chỉ “thấy” sự thể hiện của duy nhất một Không Gian Vũ Trụ, và như thế, chỉ có thể là đã trở về với Không Gian Vũ Trụ từ phía tận cùng lớn.
Thêm nữa, dù không thể chứng minh được, nhưng có thể cảm nhận rõ ràng là thế giới khách quan này tồn tại có tính tương phản, có dài thì có ngắn, có nặng thì có nhẹ, có hút thì có đẩy, có gần thì có xa... Nghĩa là nói chung, có thể phân thế giới này trong suy tưởng ra thành hai nửa âm và dương. Hai nửa tương phản ấy chỉ khác nhau về tính chất (ngược nhau) nhưng bằng nhau về lực lượng tuyệt đối. Nghĩa là về mặt lực lượng tuyệt đối, chúng ta có thể viết:
             Vũ Trụ = Âm + Dương  = Hai Dương = Hai Âm
Theo quan niệm đó, chúng ta thấy Vũ Trụ có vô cùng lớn thì cũng có vô cùng nhỏ và hai thứ "vô cùng" ấy bằng nhau về lực lượng. Nghĩa là ở tận cùng vô cùng nhỏ là vô cùng lớn. Điều đó cho phép nghĩ ngược lại rằng nếu vượt qua biên giới tận cùng lớn của Không Gian Vũ Trụ thì có nghĩa là trở về với Không Gian Vũ Trụ từ phía tận cùng nhỏ.
Mặt khác, như một sự thực trực giác hiển nhiên, vô cùng lớn chỉ có thể là sự hợp thành từ vô vàn cái vô cùng nhỏ. Như thế phải hiểu rằng vô cùng nhỏ và dẫn tới vô cùng lớn là những thứ hữu hạn. Nếu gọi thứ vô cùng nhỏ hữu hạn là hạt Không Gian (KG) thì hạt KG, quan sát ở góc độ khác thường nào đó, phải bằng Vũ Trụ.
Suy luận như trên sẽ đi đến những kết luận bổ sung sau đây về Không Gian Vũ Trụ:
- Không Gian Vũ Trụ có cấu trúc mạng khối mà các hạt KG đóng vai trò là những nút mạng.
- Một hạt KG nào đó đều do các hạt KG liền kề với nó, “bao bọc” quanh nó xác định, tạo thành.
- Các hạt KG luôn nằm “áp sát” một cách khít khao nhau để không xuất hiện “lỗ hổng” Hư Vô và chúng tuyệt đối không “di dời vị trí” dù tuyệt đối “sống động”.
- Mỗi hạt KG luôn phân biệt được đối với những hạt KG bao quanh nó và “tác thành” nên nó, đồng thời có mối quan hệ liên thông với những hạt KG ấy và qua đó mà gián tiếp liên thông với toàn thể các hạt KG của Vũ Trụ để đảm bảo cho Không Gian Vũ Trụ là liên tục.
- Không Gian Vũ Trụ là duy nhất mà cũng là vô số, là thống nhất mà cũng không thống nhất. Có thể nói rằng, chúng ta là một bộ phận không đáng kể của Vũ Trụ, đang sống trong một Không Gian Vũ Trụ thống nhất và duy nhất, đồng thời cũng đang sống trong một hạt KG nào đó. 
(Nói như thế làm bật ra một đại ngộ hết sức tuyệt vời: vì xác suất Tồn Tại của Vũ Trụ là một (là tất yếu!), nên một trạng thái nào đó của Vũ Trụ đã từng tồn tại thì rồi trước sau gì cũng phải xuất hiện trở lại. Con người ta, đã sống hết cuộc đời thì phải chết đi, chết là trở về với hư vô nhưng không phải Hư Vô nên chưa hết mà còn sẽ “quay trở lại” một cuộc đời mới và rồi cứ như vậy lại sẽ sống một cuộc đời mà xưa kia chúng ta đã từng sống. (Mặt khác, vì đồng thời phải thỏa mãn tính nước đôi cho nên xác suất Tồn Tại của nó cũng bằng không.Và như vậy chúng ta chỉ có một cuộc đời duy nhất!) Thậm chí có thể rằng khi chúng ta đang sống “ở đây”, vào “lúc này” của cuộc đời thì chúng ta cũng đang sống ở nhiều “nơi khác”, vào những lúc khác nhau của cuộc đời. Do đặc tính duy nhất của Tồn Tại, hay nói theo kiểu của ông bà là do “thiên cơ bất khả lậu” mà chúng ta không thể “thấy” được hiện tượng này và không thể nhớ lại được cuộc đời mà chúng ta đang sống đã từng xảy ra vào “thời xa xưa”. May lắm, và cũng hi hữu, có thể có vài người nhớ lại được lờ mờ tiền kiếp gần của mình, và cũng có vài người thấy được tương lai gần của đời mình và của đời người khác (hiện tượng tiên tri!!!). Rất có thể “kiếp sống luân hồi” là hiện tượng có thật nhưng chắc rằng không theo kiểu đầy thị phi của nhà Phật. Biết đâu chừng trên cơ sở của sự đại ngộ này mà có thể giải thích được tất cả các hiện tượng tâm linh huyền bí và có thể cho rằng chúng ta sống rồi phải chết đi nhưng đồng thời cũng bất tử như.... Vũ Trụ?! Nếu đúng là như thế thì đây là một “phát kiến” thiên tài nhất, vĩ đại nhất, quan trọng nhất và vui vẻ nhất của chúng ta từ đầu cuộc hành trình tới giờ! He,he...He!).
 - Không Gian Vũ Trụ biến động không ngừng. Có thể hình dung nó như một đại dương mênh mông mà trong lòng nó luôn hiện hữu những sóng ngầm, xoáy, các dòng chảy nóng, lạnh, các khối băng lớn, nhỏ đang tan chảy ra hoặc đang đông lại… Do đó, có thể gọi Không Gian Vũ Trụ là một Đa Tạp vĩ đại, không những về mặt cấu trúc hình học mà cả về mặt tương tác vật lý.
- Không Gian Vũ Trụ vừa bền chặt tuyệt đối vừa lỏng lẻo tuyệt đối. Nó không cho phép bất cứ hạt KG nào dịch chuyển khỏi vị trí cố hữu, đồng thời lại cho phép vạn vật (là một thể đặc thù của Không Gian) vận động, di dời tự do trong lòng nó.
Sau khi đã có những kết luận về Không Gian Vũ Trụ và coi như đó cũng là những tính chất có thực của Nó, chúng ta tự hỏi, vậy thì hạt KG có hình thù như thế nào?
Chắc rằng hạt KG cũng có hình thù, nhưng hình thù của nó luôn luôn biến đổi một cách tuần hoàn sao cho các hạt KG kề cận nhau về mặt hình thể hình học vừa giống nhau về quá trình biến dạng, vừa khác nhau trong cùng một thời điểm. Hạt KG, xét trên tư cách là một Vũ Trụ thì nội tại của nó phải trải qua vô vàn trạng thái một cách tuần hoàn mà trạng thái “đầu” và trạng thái “cuối” là hai trạng thái tương phản nhau, tạm gọi (một cách không chính xác) là cực đại và cực tiểu (hay còn gọi là hai trạng thái cực độ trái chiều nhau). Do Tự Nhiên Tồn Tại là duy nhất và Không Gian Vũ Trụ được bảo toàn mà sự xuất hiện của tất cả các trạng thái ấy là tất yếu và sự xuất hiện lặp lại của chúng cũng là tất yếu, nghĩa là xác suất xuất hiện của chúng trong một chu kỳ vận động luôn bằng 1. Hạt KG, xét trên tư cách là đơn vị nhỏ tuyệt đối của Không Gian Vũ Trụ thì vận động nội tại “bình thường” của nó, như chúng ta đã từng giả định, là trải qua bốn trạng thái một cách tuần hoàn. Trong trường hợp bị môi trường kích hoạt (bị các hạt KG kề cận nó kích thích), nội tại của nó có thể lâm vào một trong hai trạng thái “không chịu đựng nổi”, tương phản nhau gọi là quá độ (và lúc này hạt KG được gọi là hạt KG bị kích thích).
Tuy nhiên, để đảm bảo cho hạt KG có hình khối biến đổi tuần hoàn thì phải có một khối hình học nào đó, có tính trung dung, đóng vai trò là hình khối chuẩn, làm cơ sở cho sự biến đổi đó. Hình khối của hạt KG là một tồn tại thực nhưng đồng thời cũng là một tồn tại ảo. Hình khối đó là thực vì được tạo thành “một cách chắc chắn” từ những hạt KG kề cận và có nội tại, nó ảo vì các mặt của nó là sự “vay mượn” một phần mặt của các hạt KG kề cận đã tạo thành ra nó. Có thể nói không những về mặt vận động mà cả về mặt hình dạng, toàn thể các hạt KG của Không Gian Vũ Trụ luôn trực tiếp hay gián tiếp tác động vào nhau và phụ thuộc lẫn nhau.

(Còn tiếp)
---------------------------------------------------------------------



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét