THIÊN NHIÊN HOANG DÃ 7

(ĐC sưu tầm trên NET)

Hàng chục họ hàng của người sắp biến mất


 Vooc Cát Bà và vượn mào đen phương Đông của Việt Nam nằm trong danh sách 25 loài linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng. 
Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) và nhiều tổ chức bảo tồn khác hôm nay cho biết, sự tồn tại gần một nửa trong số 634 loài động vật linh trưởng mà các nhà khoa học đã biết đang bị đe dọa ở một mức độ nào đó. Điều đáng lo ngại là số lượng loài bị đe dọa đang tăng dần. 
"Linh trưởng là một trong những loài đối mặt với hiểm họa lớn nhất trong số các nhóm động vật có xương sống", Russell Mittermeier, trưởng nhóm chuyên gia về động vật linh trưởng của IUCN, phát biểu với AFP. 
Vượn mào đen phương Đông ở phía bắc Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Ảnh: guardianweekly.co.uk
Theo AFP, trong số 25 loài sắp tuyệt chủng có 5 loài trên quốc đảo Madagascar, 6 loài tại châu Phi, 3 loài ở Nam Mỹ và 11 loài tại khu vực Đông Nam Á. 
Loài ít có cơ hội tồn tại nhất có thể là voọc Cát Bà (còn gọi là voọc đầu vàng) tại Việt Nam. Hiện nay người ta mới thống kê được 60-70 cá thể loài voọc này trên đảo Cát Bà. Số lượng cá thể của hai loài khác chỉ vào khoảng 100. Đó là loài vượn cáo ở phía bắc đảo Madagascar và loài vượn mào đen phương Đông ở phía bắc Việt Nam. 
Hoạt động săn bắt của con người khiến số lượng khỉ đột lưng bạc - phân bố ở các dãy núi dọc theo biên giới Cameroon - Nigeria - giảm xuống dưới con số 300. 
Các chuyên gia nhấn mạnh đôi khi những loài có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất không phải là những loài hiếm nhất. Để bảo vệ động vật linh trưởng, các chính phủ cần ngăn chặn nạn chặt phá rừng và săn bắt trái phép. 
Chẳng hạn, trước đây giới khoa học cho rằng có hơn 6.000 đười ươi Sumatra sống trên đảo lớn nhất của Indonesia. Nhưng do chính quyền không chú ý tới hoạt động bảo tồn nên giờ đây chúng trở thành một trong những loài có nguy cơ tuyệt chủng. 
Ngược lại, vượn mào đen phương Đông trên đảo Hải Nam, Trung Quốc là loài linh trưởng hiếm nhất thế giới. 
"Nhưng các biện pháp bảo tồn nghiêm ngặt của chính phủ Trung Quốc khiến vượn Hải Nam không bị đưa vào danh sách những loài sắp tuyệt chủng", AFP dẫn lời ông Simon Stuart, giám đốc ủy ban Sự tồn vong của các loài thuộc IUCN. 
Tại khu vực Đông Nam Á, săn bắt động vật linh trưởng để lấy thức ăn và làm thuốc vẫn là hiểm họa lớn nhất. Thực trạng săn bắt tại Việt Nam và Lào đã lên tới mức "cực kỳ nghiêm trọng", Stuart nhận xét.
(Theo VnExpress)

Từ kiến sẽ khám phá ra quá trình lão hoá ở người


  Tiến sĩ Danny Reinberg, ĐH New York, được trao giải thưởng về công trình nghiên cứu Di truyền học biểu sinh (epigenetics) của loài kiến giúp tìm ra tác động của lối sống và môi trường đến gen.
Kiến sẽ giúp các nhà khoa học khám phá cơ chế gen của sự lão hóa và cơ sở hình thành các hành vi. Kết quả nghiên cứu kiến có thể diễn dịch cho các loài khác, kể cả con người.
 “Kiến sống rất lâu, chúng có cuộc sống xã hội và chúng có những khuôn mẫu ứng xử thích hợp với chức năng của mình trong quần thể, dù đó là kiến thợ, kiến lính hay kiến chúa” –Tiến sĩ Reinberg, Giáo sư sinh hoá Trường Y khoa, ĐH New York nói – “Dường như kiến hoàn toàn thích hợp để nghiên cứu liệu sự di truyền biểu sinh ảnh hưởng như thế nào đến hành vi và sự lão hoá”.
Loài kiến là loài có cuộc sống xã hội và những khuôn mẫu ứng xử thích hợp với vai trò của từng cá nhân trong đàn. (Ảnh: Internet).
Theo TS Reinberg, trong quần thể kiến có thể có hai vai trò: Sinh sản hoặc không sinh sản. Vài trò sinh sản khác nhau làm nên sự khác biệt lớn về tuổi thọ của kiến chúa và kiến thợ. Kiến chúa không phải làm bất cứ việc gì hàng ngày và chỉ có nhiệm vụ duy nhất là sinh con đẻ cái, nên kiến chúa sống lâu hơn kiến thợ 10 lần.
Do sự khác nhau về sự lão hoá và hành vi, một số khu vực trong não kiến chúa, như hệ thống thị giác chẳng hạn không phát triển như ở kiến thợ. Thậm chí hai loại kiến ở giai đoạn đầu đời giống nhau một cách đáng ngạc nhiên nhưng sau đó, do được phân thành hai nhiệm vụ khác nhau trong bầy thì chúng trở nên khác nhau hoàn toàn về cách sống (hành vi) và sự lão hóa. Sự khác nhau giữa hai loài kiến có cùng điểm xuất phát thể hiện trên não của chúng. Giáo sư sinh hóa, ĐH Y thuộc ĐH New York, đồng thời là nghiên cứu viên ViệnY học Howard Hughes là Reinberg làm chủ nhiệm đề tài này hy vọng rằng xác định sự thay đổi về gen sẽ dễ dàng hơn sự thay đổi về tính thích nghi với vai trò xã hội đặc biệt trong cộng đồng kiến.
Do ý nghĩa quan trọng của đề tài, nhóm của TS Reinberg, đã được hỗ trợ thêm 10 triệu đôla, nâng tổng kinh phí lên 40 triệu đôla cho 8 nhóm trong 4 năm. Ông nói: “Tôi thực sự tin rằng dự án này sẽ mở ra một cánh cửa cho 20 năm hoạt động tới đây của tôi”.
 
Kiến là đối tượng hoàn toàn thích hợp để nghiên cứu sự di truyền biểu sinh ảnh hưởng như thế nào đến quá trình lão hoá. (Ảnh: Internet).
Mục tiêu đầu tiên của TS Reinberg và các đồng nghiệp là hoàn thành việc xác định trình tự sắp xếp các gen trong bộ gen của 3 loại kiến. Từ đó sẽ kiểm tra xem có phải sự thay đổi trong não là kết quả của cách sống trong những môi trường đặc biệt, từ đó tạo ra những khác biệt rất cơ bản, mang tính di truyền biểu sinh về tuổi thọ, hành vi xã hội và sự lão hoá não giữa kiến chúa và các kiến thợ.
TS Reinberg kết luận: "Nếu những sự thay đổi này quả thật được di truyền theo kiểu biểu sinh cùng với gen, thì đó là điều nhóm nghiên cứu của chúng tôi đã phát hiện ra ở loài kiến. Tuy chưa hiểu rõ những biến đổi di truyền này có quyết định đến hành vi hay không, nhưng bản thân tôi tin là có”.
(Theo New York University School of Medicine, VNN)

Những khả năng đáng kinh ngạc của côn trùng


 Trong thế giới tự nhiên đầy bí ẩn, một số loài côn trùng cũng được ví như những chiến binh thực thụ vì chúng có những khả năng ưu việt xứng đáng được ghi vào “sách giáo khoa quân sự”. Dưới đây là những kỹ năng đặc biệt của một số loài côn trùng có thể sẽ khiến bạn phải kinh ngạc.
1. Nhện - Chống đạn
Ít ai biết được áo chống đạn Kevlar được sử dụng trong các đơn vị đặc nhiệm là loại áo giáp bền nhất mà con người từng tạo ra. Nhưng các sợi tơ do nhện nhả ra còn bền hơn gấp 3 lần loại áo giáp trên. Hơn nữa, nó còn nhẹ một cách đáng ngạc nhiên. Một sợi tơ nhện cuốn một vòng quanh trái đất chỉ nhẹ hơn một bánh xà phòng. Một số nhà khoa học đã tìm cách tạo ra tơ nhện trong phòng thí nghiệm nhưng cho đến nay vẫn chưa thu được kết quả khả quan.
2. Gián - Chống phóng xạ
Loài gián đã xuất hiện trên trái đất cách đây hơn 300 triệu năm. Nếu chiến tranh hạt nhân có xảy ra thì một điều chắc chắn là chúng chẳng hề hấn gì. Không giống như con người, khả năng chịu phóng xạ của gián thật đáng nể. Cứ hai tuần gián lột xác một lần, quá trình này kéo dài 2 ngày. Trong quá trình gián lột xác, các tế bào sẽ phân chia và chỉ khi phân chia, tế bào mới dễ bị tổn thương khi tiếp xúc với phóng xạ. Do đó một vụ nổ hạt nhân lớn có thể quét sạch loài người, nhưng có đến ¾ loài gián có thể sống sót nếu chúng không trong thời gian lột xác vào lúc đó.
3. Châu chấu - “Pháo đài” bay
Các nhà khoa học vẫn chưa lý giải được tại sao châu chấu có thể đột ngột ập đến theo binh đoàn hỗn loạn, trông khổng lồ như chiếc Không lực 1 chuyên chở các tổng thống Mỹ. Một giả thuyết cho rằng châu chấu có khả năng cảm nhận được sự thay đổi về số lượng. Khi đàn châu chấu chuyển động, các con khác tự động gia nhập vào đội hình. Nhà nghiên cứu Stephen Simpson thuộc trường Đại học Sydney cho biết châu chấu cảm thấy an toàn khi ở trong đàn hơn là tách ra riêng lẻ bởi chúng chỉ có hai sự lựa chọn hoặc tìm mồi theo đàn hoặc trở thành con mồi.
4. Đom đóm - Mã hóa dữ liệu
Khả năng phát quang sinh học của đom đóm không đơn thuần chỉ là một cái bẫy chết người. Kỳ lạ hơn nữa ánh sáng phát ra từ đóm đóm là một loại ngôn ngữ được mã hóa, một kiểu tín hiệu Moóc-xơ. Các ánh sáng nhấp nháy với tần số dài ngắn khác nhau ẩn chứa những thông điệp khác nhau, đó có thể là lời mời gọi bạn tình, cũng có thể là tín hiệu cảnh báo kẻ thù hay là một cái bẫy để dụ con mồi. Việc giải mã những tín hiệu ánh sáng của đom đóm hết sức phức tạp. Cho đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa lý giải được liệu còn có những thông điệp nào khác được mã hóa trong tín hiệu ánh sáng của đom đóm hay không.
5. Ong - Tạo lốc xoáy
Bay bằng cách tạo bão của ong có lẽ là kỹ năng mà một Ninja cũng không mong đợi nhiều hơn. Mãi đến năm 2006, chúng ta mới lý giải được tại sao một con ong với đôi cánh nhỏ bé có thể tạo được lực đẩy để nâng toàn bộ trọng lượng cơ thể lên không khí. Không giống như cánh máy bay được thiết kế tạo phản lực để nâng thân máy lên, cánh của ong đập từ sau ra trước có tác dụng như cánh quạt của chiếc trực thăng. Khi đập cánh nó tạo ra một cơn lốc xoáy giống như một cơn bão nhỏ trong không khí. Mắt bão có áp suất thấp hơn so với không khí xung quanh, nhờ đó giữ những cơn lốc xoáy nằm ở phía trên cánh và giúp cho ong bay được.
6. Ve sầu - Tránh kẻ thù
Có lẽ trong tự nhiên, không có mấy loài thông minh được như ve sầu định kì (periodical cicadas). Khả năng tính toán “số học” phi thường giúp những con ve sầu này tránh “chạm trán” kẻ thù của mình. Chúng có vòng đời xuất hiện trên mặt đất 13 năm hoặc 17 năm trong khi những kẻ săn mồi ve như ong bắp cày và bọ ngựa chỉ có vòng đời 3 hoặc 5 năm. Các vòng đời này không bao giờ trùng nhau do 13 và 17 đều là số nguyên tố. Vì vậy ve sầu và thiên địch của chúng không bao giờ xuất hiện trên mặt đất cùng thời gian.
7. Bọ cạp - Tinh thần chiến binh
Không chỉ có cái đuôi tẩm độc mà toàn thân bọ cạp còn là một chiếc áo giáp. Trong bóng tối, chúng có thể làm bất kỳ kẻ thù nào hoảng sợ bằng cách tự phát sáng.
(Theo Vietnamnet)

Điểm mặt các loài bọ hung hăng có vẻ ngoài đáng sợ


 Bọ cánh cứng Goliath, bọ que, bọ chân đều khổng lồ... là những loài bọ có hình dạng vô cùng đáng sợ...
Thế giới côn trùng vô cùng phong phú và đặc sắc. Bên cạnh những loài bọ mang vẻ đẹp độc đáo, đáng yêu thì cũng tồn tại không ít loài có hình dạng xấu xí, to lớn đến đáng sợ. Bên cạnh đó, chúng còn mang trong mình dòng máu hung hăng, sẵn sàng nâng đối thủ lên rồi "quăng" xuống đất.
Cùng điểm lại một vài loài bọ có hình dáng và sự hung hăng đến đáng sợ qua danh sách của trang tổng hợp Cracked dưới đây.
1. Bọ cánh cứng Hercules
Bọ cánh cứng lực sĩ (hay còn có tên là Dynastes Hercules) là loại bọ cánh cứng to lớn, được tìm thấy ở miền Trung và Nam Mỹ. Ngoài ra, chúng cũng có mặt tại phía Bắc Mexico cũng như trên một số hòn đảo ở vùng Caribbean.
Chúng có thể đạt chiều dài rất lớn, tới 17cm (tính cả sừng). Phần lớn chiều dài của loài bọ cánh cứng lực sĩ là hai cái sừng ở phía trước của cơ thể. Hai chiếc sừng dài, cong, rắn chắc là mối đe dọa rất lớn với kẻ thù.
Bên cạnh đó, chúng đặc biệt nổi tiếng bởi sức mạnh của mình. Bọ cánh cứng lực sĩ có khả năng mang một vật nặng gấp... 850 lần trọng lượng cơ thể trên lớp vỏ cứng. Có lẽ chính vì điều này mà nó được đặt tên là Hercules.
Chúng thường sống về đêm nhưng đôi khi hoạt động trong ngày, đặc biệt là khi tìm kiếm bạn đời. Bọ cánh cứng Hercules thường giao phối trong mùa mưa, lúc này, con đực trở nên cực kỳ hung dữ.
Trong một số loài của bọ cánh cứng, con đực thường đấu với nhau, kẻ giành chiến thắng được quyền giao phối với con cái. Khi giao đấu, chúng sử dụng sừng của mình để nâng đối thủ lên và hạ gục xuống đất.
2. Bọ cánh cứng Goliath
Bọ cánh cứng Goliath có tên khoa học là Goliathus giganteus. Chúng là một loài côn trùng thuộc họ Bọ hung (Scarabaeidae), có nguồn gốc từ những khu rừng nhiệt đới châu Phi.
Tên của chúng được đặt theo tên của người khổng lồ Goliath trong Kinh Thánh. Điều này có lẽ xuất phát từ việc chúng được đánh giá là những con côn trùng lớn nhất thế giới, xét cả về kích thước và trọng lượng.
Những con bọ cánh cứng Goliath có chiều dài cơ thể khoảng từ 5 - 11cm, với trọng lượng lên tới 85 - 100gr. Bao bọc toàn thân chúng là một bộ giáp cứng chắc, kết hợp giữa màu nâu sẫm hoặc đen cùng những hoa văn màu trắng.
Con bọ cánh cứng đực có một chiếc sừng lớn trên đầu dùng làm vũ khí khi chiến đấu, trong khi đó, con cái lại có một bộ phận hình chữ V để hỗ trợ cho việc đào hang khi đẻ trứng.
3. Bọ que
Giống như tên gọi, bọ que có hình dạng giống hệt cành cây nhỏ, nó là một trong những sinh vật ngụy trang tài tình nhất tồn tại trên hành tinh. Bọ que thường bắt chước màu của môi trường xung quanh - xanh và nâu.
Đôi khi chúng cũng "biến hình" thành sọc và màu sắc rực rỡ. Chúng có thể còn có cánh, nốt sần hay có gai trên cơ thể. Hiện tại, trên thế giới tồn tại khoảng 3.000 loài côn trùng que, một số có cánh, nốt sần, gai trên cơ thể và có thể bay.
Như một chiếc gậy khổng lồ, loài côn trùng que này dài tới 16,3cm và nếu như duỗi thẳng toàn bộ chân, con số này còn tăng lên 29,5cm.
Được tìm thấy ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt, bọ que thường cư trú trong rừng và đồng cỏ, chủ yếu là ăn lá cây. Chúng sống về đêm, ban ngày ít vận động, nấp dưới bóng cây. Bọ que thường giả chết để đánh lừa kẻ địch. Có khi chúng rụng chân để thoát khỏi cái chết hay tấn công lại kẻ thù bằng những cái chân đầy gai.
4. Bọ chân đều khổng lồ
Bọ chân đều khổng lồ trông giống như một con côn trùng phóng to nhưng thực chất, con vật này thuộc họ giáp xác (tựa pha trộn giữa tôm và cua). Loài sinh vật kỳ lạ lùng này có tên khoa học là Bathynomus giganteus, có thể bắt gặp ở vùng nước sâu từ 200 - 2.000m ở Đại Tây Dương. Bọ chân đều khổng lồ dài gần 40cm dài và nặng 1,5kg.
Điểm đặc điểm của loài bọ này là chúng có cặp mắt phản chiếu ánh sáng. Chúng có khuynh hướng tìm kiếm nơi đáy biển, chờ đợi phần còn lại từ bữa ăn của động vật ăn thịt khác rơi xuống. Khi gặp nguy hiểm, chúng sử dụng kỹ thuật phòng ngự cuộn tròn như quả bóng để bảo vệ cơ thể mình.
(Theo Tri Thức Trẻ)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

NGẬM SẦU (ĐL)

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH