MUÔN NẺO MƯU SINH 21

(ĐC sưu tầm trên NET)

Độc đáo xóm rác lâu đời nhất Sài Gòn


Cách trung tâm thành phố không xa, từ nhiều năm nay, con hẻm nhỏ cạnh đường Phan Văn Trị (Quận Gò Vấp, TP.HCM) được nhiều người gọi là xóm rác ở Sài Gòn. Đến đó, giữa những mùi hôi thối bốc lên nồng nặc là những kiếp người mưu sinh ở tứ xứ đổ về. 

Xóm rác được đặt tên là Sở Thùng vì ngày xưa nơi đây từng là khu chứa chất phế thải của lính Mỹ cùng rác rến ở khắp Sài Gòn đổ về. Những chất phế thải được bỏ vào những chiếc thùng lớn vứt loang lổ khắp nơi.  
Trải qua bao cuộc chuyển dời của lịch sử, chiến tranh không còn nhưng nơi đây vẫn là điểm tập trung rất nhiều phế liệu. Nhiều người lao động nghèo không biết làm nghề gì để sinh sống liền tìm đến đây bới rác mưu sinh. 
Chị Châu Phước Hoàng (52 tuổi) đang phân loại đống ve chai mình vừa nhặt được trong ngày. Chị có 4 đứa con và có thâm niên 22 năm làm rác. Nhờ phế liệu, chị cho các con ăn học nên người. 
Không may mắn như chị Hoàng, cô Lê Thị Thanh (60 tuổi) đang phải ngày đêm cật lực làm việc để chữa bệnh cho chồng. Vốn là người gốc Huế, số phận đưa đẩy cô đến vùng đất Sài Gòn lập nghiệp. Giờ đây, việc chi tiêu của cả gia đình phụ thuộc vào số tiền hơn 3 triệu làm rác mỗi tháng của cô.
Là con của những người lao động nghèo nên mọi đứa trẻ ở xóm rác ở Sở Thùng đều không được chăm lo một cách toàn diện. Chúng cũng đứng trước nguy cơ phải bỏ học bất cứ lúc nào để theo những chiếc xe rác của cha mẹ phiêu bạt kiếm tìm sự sống. 
Anh Huỳnh Văn Hạnh (51 tuổi) đang đứng trước vựa thu mua phế liệu của mình. Anh cho biết ngày trước làm ăn rất được nhưng giờ mỗi ngày anh chỉ mua được phế liệu của 2-3 người, số tiền kiếm được chỉ trên 100.000 đồng. Là dân gốc Sài Gòn, gia đình anh có truyền thống 3 đời bới rác. 
Những người dân ở đây chia sẻ một ngày làm việc của họ thường bắt đầu lúc nửa đêm. Người nào làm ít thì 6-7 giờ sáng về, ai muốn tăng ca để nâng cao thu nhập thì phải đến 2-3 giờ chiều để dọn rác ở khắp các tuyến đường. Bởi thế nên khi trở về, khuôn mặt ai cũng phờ phạc vì thiếu ngủ. 
Vì luôn luôn hít phải những mùi hôi thối từ rác nên bệnh tật là thứ thường xuyên xuất hiện với người dân xóm Sở Thùng. Họ dễ dàng bị những căn bệnh như viêm xoang, nhức đầu, buồn nôn,.. Thậm chí nặng thì có thể mắc bệnh ung thư. Nguy hiểm là vậy nhưng vì miếng cơm manh áo, ai cũng phải chấp nhận lăn lộn với nghề này. 
Những chuyến xe mưu sinh cứ ngày ngày lăn bánh mang theo cả niềm hi vọng lẫn ước mơ được đổi đời của họ. 
Dù trời mưa to, họ vẫn phải làm việc cật lực. Những chiếc áo mưa mặc vội không làm bước chân của họ chùn lại. 
Bởi họ biết ngoài kiếm miếng ăn, họ đang lãnh trách nhiệm phải làm đẹp cho đời. Những việc làm của họ tuy nhỏ nhưng góp phần giữ gìn đường phố sạch đẹp, cuộc sống văn minh hiện đại hơn. 
Lê Lê/ Theo Báo Văn Nghệ

Mưu sinh nơi vùng biên

Những ngày cuối năm, tuy tiết trời lạnh se sắt nhưng ở cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) vẫn tấp nập người và những chuyến xe hàng thông quan. Trong không khí ồn ã và hối hả ấy, những người đàn bà chạc tuổi 35 - 45 tuổi cũng đang hòa mình vào không gian mua bán hàng hóa. Người đứng, người ngồi bên vệ đường, dưới gốc cây với đôi quang gánh, chiếc xe cải tiến, người vác, người cõng trên lưng mình những thùng hàng to ngất, có người thì lại đeo trên tay túi hàng nhẹ bán rong cho khách. Họ là những nữ cửu vạn mưu sinh nơi biên ải xa xôi này…

Giữa không gian tràn ngập hàng hóa, kẻ bán người mua, sau những chuyến xe cao ngất ngư trở hàng hóa vào ra qua cửa khẩu, những người phụ nữ mặc những bộ quần áo màu bạc phếch, đầu bịt khăn, tay đeo gang màu xám tập trung, đi lại quanh khu vực chợ và cửa khẩu. Thoạt đầu mới đến, không ai biết họ tập trung ở đây làm gì nhưng để ý kỹ, thì ra họ là những nữ cửu vạn quanh năm mưu sinh, kiếm bát cơm manh áo nơi cửa khẩu xa xôi xứ Lạng.

Những phút thảnh thơi, người lao động ngồi chờ việc.

Những nữ cửu vạn nơi cửa khẩu Tân Thanh ở nhiều độ tuổi khác nhau. Người 35, người 40, toàn những người đang ở độ tuổi sung sức, tuổi lao động. Nhìn qua, ai cũng nghĩ những người phụ nữ này tranh thủ lúc nông nhàn, qua cửa khẩu kiếm thêm chút tiền phụ giúp gia đình những ngày cuối năm nhưng thực ra không phải vậy, họ làm việc trước cửa khẩu xa xôi này quanh năm suốt tháng và không phải họ ở gần đây mà ở tứ xứ. Chị Phan Thị Hằng - 38 tuổi quê ở tận Phú Thọ tâm sự khi đang nghỉ giải lao bên vệ đường: “Nhà em ít ruộng, các cháu học hành, nhà nông không kiếm được nhiều tiền nên em lên đây làm thuê kiếm thêm tiền gửi về nhà trang trải”. Chị Hằng chia sẻ rằng chị lên đây đã được hai năm rồi. Mới đầu lên, lạ nước lạ cái, chẳng biết tìm việc thế nào, có buổi đứng trơ ra chẳng có việc gì làm. May có mấy người đồng hương chỉ cho chị cách kiếm việc. Giờ thì chị đã quen công việc này rồi.

Người phụ nữ còng lưng với thùng hàng nặng.

Công việc của những nữ cửu vạn này khá đa dạng. Hằng ngày, từ rất sớm, họ đến khu chợ gần cửa khẩu, hòa vào dòng người, dòng xe tải đang ngược xuôi trước cửa khẩu. Họ ngồi đó, chờ xem có ai thuê thồ, cõng hay khuân vác hàng hóa về cửa hàng thì nhận. Trên khuôn mặt của những nữ cửu vạn không giấu nổi sự tần tảo, những giọt mồ hôi và thậm chí cả những nỗi lo âu khi tìm việc mỗi ngày. Dụng cụ lao động của những nữ cửu vạn khá thô sơ và đơn giản. Người thì đùng điêng đôi quang gánh, người đi không vì quen với vác hàng, người kéo theo xe cải tiến, người thì kéo theo chiếc xe kéo… Tất cả tập trung vào công việc vận chuyển hàng từ các xe đến các khu chợ, giao cho chủ hàng, để kiếm được vài chục ngàn đồng mỗi lần.

Với những nữ cửu vạn nơi vùng biên xa xôi này, mưu sinh trước cửa khẩu là một công việc thấm đẫm những gian nan. Hằng ngày, họ phải len mình vào những dòng xe tải nối đuôi nhau vào cửa khẩu, họ phải lách mình vào dòng người đổ về các khu chợ. Chiếc áo bạc phếch, chiếc khăn ướt đẫm mồ hôi bịt kín mặt, đôi bao tay xù xì đã tách họ khỏi những người dân ăn mặc đẹp, đi xe sang trọng nơi cửa khẩu. Những nữ cửu vạn khi lao động chủ yếu họ dùng sức ở lưng, đôi chân vững, đôi bàn tay nắm chặt thùng hàng. Hàng mà họ vác chủ yếu là hàng khô, là những lô quần áo hay đồ vải vóc được đưa từ xe xuống. Vì thế, những nữ cửu vạn luôn ở tư thế gù lưng, lưng cúi rạp xuống đất để vác những thùng hàng to ngất.

Mỗi khi có xe hàng xuống, bất luận đang làm gì, những nữ cửu vạn chạy tới hợp đồng với chủ hàng, nhận những thùng hàng và ngay lập tức chuyển tới tận cửa hàng cho chủ. Người đông, việc thì chờ vào những chuyến xe hàng, phải thật nhanh chân, nhanh mắt và nhanh mồm mới kiếm được việc. Vì thế, bất luận công việc gì, khuân vác vật nặng hay nhẹ, dù tiền công có 10 - 20 ngàn đồng một lần, những nữ cửu vạn vẫn không nề hà, họ sẵn sàng làm với phương châm “năng nhặt chặt bị”.

Những lúc chờ việc, từng tốp ngồi bên vệ đường hay khuôn viên, hành lang trước cửa khẩu để nghỉ ngơi. Họ nói chuyện rôm rả, cười đùa để xua tan nỗi mệt nhọc. Có người tranh thủ nằm trên bậc thềm ngủ cho đỡ mệt. Tuy ngồi ở vị trí nào thì những nữ cửu vạn vẫn sẵn sàng tư thế kiếm việc khi có cơ hội. Mỗi ngày họ kiếm được bao nhiêu tiền không ai biết nhưng chỉ biết rằng, cứ sáng sớm, dù sương mù đặc quánh, lạnh như cắt da cắt thịt thì những nữ cửu vạn lại sẵn sàng cho công việc ngày nào cũng như ngày nào của họ.

Bài và ảnh: Nguyễn Thế 

Mưu sinh trên bãi rác Nam Sơn

Nhiều năm nay, bãi rác Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội) đã trở thành nơi mưu sinh của hàng trăm người dân ở các xã lân cận như Bắc Sơn, Nam Sơn. Nhiều nhà “khấm khá” lên nhờ rác. Nhưng bên cạnh đó, họ phải đối mặt với cuộc sống ô nhiễm với nhiều hệ lụy.

Kiếm sống từ rác

Men theo đường đất ngoằn ngèo và lầy lội, chúng tôi tìm về thôn Lương Đình, xã Bắc Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội), nơi được biết đến với nghề bới rác mưu sinh. Vừa đến đầu thôn đã thấy dọc hai bên đường, trên những bờ ruộng, là từng bãi túi ni lông đủ màu, đó là thành quả “đi bãi” của những người dân ở đây.


Trưởng thôn Lương Đình, ông Nguyễn Văn Ngà, cho biết, thôn có 361 hộ với 1.454 nhân khẩu, đa phần người dân đều mưu sinh bằng nghề bới rác tại bãi rác Nam Sơn. “Người dân ở đây chủ yếu là làm nghề nông. Những lúc nông nhàn và tranh thủ ban đêm, họ thường vào bãi rác Nam Sơn để nhặt rác mưu sinh, với nhiều nhà, đây là nguồn thu nhập chính của họ”, ông Ngà cho biết.

Theo lời chỉ dẫn của ông Ngà, cứ thấy trước cửa nhà nào có bao tải hoặc phơi túi ni lông thì nhà đó “đi bãi”, chúng tôi tìm vào làng. Quả nhiên, nhà nào cũng có đôi ba bao tải để ở cổng, không thì cũng là xe ba gác, túi ni lông phơi đầy sân, vườn. Ngôi nhà 2 gian cũ kỹ của bà Nguyễn Thị Thảo được bao quanh bởi những túi ni lông từ cổng vào, người phụ nữ gày gò, dá
Căn nhà đơn sơ của bà Nguyễn Thị Thảo, người đã có thâm niên gần chục năm "đi bãi".
ng người khắc khổ đang lật giở từng túi cho nhanh khô, niềm nở mời chúng tôi vào nhà. Căn nhà nhỏ đơn sơ, chỉ có một bộ bàn ghế, một chiếc giường và hai bàn thờ, một bàn thờ chồng và bàn thờ con trai hơn 20 tuổi. Nhà không có gì đáng giá ngoài chiếc xe đạp cà tàng dựng ngoài sân. Rót nước mời khách, bà Thảo bắt đầu câu chuyện về cuộc đời mình trong không khí sặc mùi rác: “Chồng tôi mất sớm, con trai cũng mất vài năm nay, còn mỗi con gái lấy chồng xa. Không có nguồn thu nhập nên chủ yếu kiếm cơm từ bới rác. Ở đây, nhà nào cũng có người đi bãi, 2 giờ sáng là đã đông vui lắm, cứ từng đoàn ra đợi trước cổng bãi rác để 3 giờ vào bới”.

Sức khỏe yếu, mắt kém, nhưng đều đặn mỗi đêm bà Thảo lại đạp xe gần 5 km đến bãi rác, lủi thủi vác cào, bao tải vào nhặt từng bao ni lông, từng miếng sắt vụn; mỗi tối cũng thu được khoảng 50 - 60.000 đồng. Mỗi cân nhựa dẻo, bán được 50.000 đồng, nhựa cứng 1.000 đồng, thường những loại này bán ngay tại bãi. Còn túi ni lông thì đem về giặt rồi phơi khô, túi ni lông trắng bán được giá 40.000 đồng/kg, ni lông màu được 22.000 đồng/kg. “Mỗi đêm có hàng nghìn người từ các nơi đổ về bới rác. Những người trẻ nhanh nhẹn, có xe ba gác để chở, thì mỗi đêm cũng kiếm được độ trăm ngàn, tôi già cả, chỉ dùng cào 2 răng và móc sắt nhỏ nên mỗi đêm chỉ được vài chục thôi”, bà Thảo kể.

Vừa dụi dụi đôi mắt bị lên mộng, bà Thảo chia sẻ: “Mắt bị mộng năm nay rồi, đau và khó chịu lắm nhưng tôi không dám đi cắt vì nếu đi chữa bệnh cũng mất vài tháng, không đi bãi được, không làm được thì không có cái ăn”.
Những bãi túi nilông được phơi dọc hai bên đường thôn Lương Đình (xã Bắc Sơn, Sóc Sơn, Hà Nội), nước từ các túi nilông tạo thành những kênh nước đen ngòm ô nhiễm.

Cũng là dân đi bãi, nhà sát ngay nhà bà Thảo, gia đình anh Nguyễn Văn An khá khẩm hơn đôi chút. Gia đình anh sắm sửa được chiếc xe ba gác để chở đồ nên mỗi tối thu nhập cũng được trên dưới 100.000 đồng. Nhưng cả gia đình 3 - 4 miệng ăn không thể chỉ trông chờ vào mỗi khoản thu từ bãi rác, nên ban ngày anh đi làm công nhân tại nhà máy sắt, đêm đến lại đi bới rác. Vợ anh cũng xin làm công nhân tại một công ty gần nhà, đêm đến ở nhà chăm con 2 tuổi, thế nên thời gian hai vợ chồng, con cái gặp nhau mỗi ngày chỉ vài tiếng. “Làm cả ngày lẫn đêm nên cũng mệt mỏi lắm, nhưng vì gia đình, tương lai con cái nên cả hai vợ chồng phải cố gắng”, anh An cho biết.

Đối mặt với ô nhiễm

Mưu sinh nhờ rác, những người dân nơi đây cũng phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm nghiêm trọng. Người dân Sóc Sơn vẫn truyền tai nhau, đến ba xã Nam Sơn, Bắc Sơn và Hồng Kỳ thì mới "thấm thía" hơn hết sự ô nhiễm nơi đây. Quả đúng như "lời đồn", thôn Lương Đình (xã Bắc Sơn) đặc quánh mùi hôi thối của rác thải, dù bịt khẩu trang nhưng mùi ngai ngái, hôi thối ấy vẫn xộc thẳng vào mũi, khiến chúng tôi không khỏi choáng váng. Thừa nhận bãi rác là nguồn kiếm sống của nhiều người dân trong thôn, nhưng ông Nguyễn Văn Ngà, trưởng thôn Lương Đình không phủ nhận những vấn đề ô nhiễm môi trường ở đây. Ông Ngà cho biết: "Thôn Lương Đình cách bãi rác khoảng 1.000 m nên "hứng đủ" mùi hôi thối từ bãi rác. Những hôm gió đông nam mùa hè thì không thể chịu được. Điều nữa là người dân đi nhặt túi ở bãi về, họ lại đem túi đó ra mương, hồ giặt khiến nước bị ô nhiễm, có những khi lấy nước từ mương vào ruộng, cả ruộng lúa thành màu đen sì, bốc mùi hôi thối".

Ông Ngà cho biết: "Hai xã Nam Sơn và Bắc Sơn "chia nhau" chịu mùi. Cứ hôm nào gió hướng đông bắc thì mùi hôi đổ dồn về xã Nam Sơn, gió đông nam thì xã Bắc Sơn chịu trận”.

Bãi rác Nam Sơn được đưa vào sử dụng từ năm 1999 với diện tích 83,5 ha, tiếp nhận phế thải, rác thải sinh hoạt từ các quận nội thành Hà Nội. Theo công suất thiết kế giai đoạn 1, bãi rác sẽ tiếp nhận 2.000 tấn rác/ngày, tuy nhiên, trên thực tế từ năm 2008 đến nay, bãi rác tiếp nhận 4.500 tấn rác/ngày.
Về vấn đề này, ông Vũ Tiến Lực, trưởng thôn Xuân Thịnh, một trong những thôn giáp ranh bãi rác Nam Sơn, chia sẻ: "Thôn Xuân Thịnh có 40 hộ với 156 nhân khẩu, nằm trong vùng cách bãi rác 300m nên "cũng ám" mùi rác. Đa phần người dân đều có vấn đề về tai - mũi - họng, với những bệnh như viêm họng mãn tính, viêm mũi, viêm xoang... Hôm nay mới có gió bắc mà mùi đã như thế này, những hôm cả trời nồm, cả gió bắc thì dù có bịt khẩu trang, trùm chăn kín đầu cũng không thể ngủ được", ông Lực cho biết.

Cần đầu tư thỏa đáng

Phó Chủ tịch UBND xã Nam Sơn Nguyễn Tiến Vận tiếp chúng tôi trong mùi không khí đặc quánh, sặc mùi hôi. "Chúng tôi ở đây mãi rồi cũng quen. Hiện nay, các hộ nằm trong vùng ảnh hưởng môi trường được hỗ trợ 40.000 đồng/người/tháng với khoảng cách từ 101 - 150 m2, từ 151 - 300 m2 được hỗ trợ 30.000 đồng/người/tháng, 301 - 500 m2 được hỗ trợ 25.000 đồng/người/tháng. Mức hỗ trợ này thật sự chưa thấm gì so với những tác động môi trường mà người dân phải chịu", ông Vận nói.

Sau 14 năm chịu cảnh "sống chung với rác", đến năm 2013, những người dân sống trong khu vực bị ảnh hưởng 500 m2 đã được cấp thẻ Bảo hiểm y tế miễn phí và được sử dụng nước sạch nông thôn do Sở Xây dựng Hà Nội đầu tư, được miễn phí sử dụng 10 khối đầu. "Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng của ô nhiễm là lan rộng trong không khí, nguồn nước, nhiều người dân ở xa hơn, trong phạm vi 1.000 m2 cũng bị ảnh hưởng vì vậy cần mở rộng phạm vi cấp nước sạch cho người dân. Chúng tôi đã kiểm tra giấy tờ thống kê của các trạm y tế xã, những năm gần đây, các bệnh về đường hô hấp đã có biểu hiện tăng đáng kể nên rất mong muốn Sở Y tế xây dựng được phòng khám đa khoa cho người dân 3 xã hoặc nâng cấp trạm y tế để đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho người dân", Phó Chủ tịch Nguyễn Tiến Vận bày tỏ.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, bãi rác thải Nam Sơn sẽ được mở rộng theo Dự án đầu tư, xây dựng Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn giai đoạn 2, thêm 73 ha thuộc diện tích của 3 xã nói trên. Khi biết được thông tin này, nhiều người dân ở đây không khỏi thấp thỏm, dù từ khi có bãi rác Nam Sơn, hạ tầng 3 xã được cải thiện nhưng mùi hôi thối, những tác động đến môi trường, sức khỏe của người dân thì đã thấy rõ. Trong khi đó, việc xử lý môi trường bãi rác rất phức tạp, khó khăn, đòi hỏi áp dụng khoa học công nghệ cao, thiết bị hiện đại, cũng như nguồn kinh phí đầu tư thỏa đáng, trong khi nguồn lực của thành phố còn hạn chế. "Hiện nay, 3 tháng một lần, công ty môi trường tiến hành quan trắc môi trường 1 lần. Như vậy chưa thể phản ánh được đúng tình hình hiện nay, cần xây dựng trạm quan trắc tại đây để thường xuyên đo đạc, đánh giá đúng tác động môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân ra sao", ông Nguyễn Tiến Vận kiến nghị.

Bài và ảnh: Thu Trang

Bám biển mưu sinh, phát triển bền vững

Những năm gần đây, nguồn lợi thủy hải sản vùng biển Kiên Giang, Cà Mau bị suy giảm đáng kể, cùng những khó khăn về vốn, tàu nhỏ, ngư lưới cụ thô sơ khiến thu nhập từ mỗi chuyến ra khơi của người dân giảm đáng kể. Nhưng ngư dân vẫn quyết tâm bám biển đánh bắt và nuôi trồng hải sản để phát triển kinh tế bền vững.

Vươn ra khơi xa

Ông Võ Minh Hà, khu phố 1, phường An Thới, huyện Phú Quốc, Kiên Giang cho biết: Đến Phú Quốc lập nghiệp từ năm 1986, ban đầu, ông chỉ đánh bắt bằng những tàu đánh bắt nhỏ. Nhưng đến năm 2000, nhận thức không thể mãi khai thác hải sản gần bờ, ông quyết định đầu tư đóng tàu lớn để ra khơi. Với chiếc tàu công suất 90 CV, ông thường ra khơi cách đảo Phú Quốc 90 hải lí để đánh bắt các loại cá thu, cá cơm... Sau mỗi chuyến đi, trừ hết chi phí như dầu máy và nhân công, ông còn lãi 100 triệu đồng. Hiện nay, một số loài cá có chiều hướng suy giảm, thêm vào đó là thông tin về khu vực biển miền Trung bất ổn đã làm cho hoạt động đánh bắt khó khăn. Tuy nhiên, ông Hà khẳng định, ông vẫn quyết tâm bám biển bởi nghề này đã gắn bó với cuộc đời ông gần 20 năm nay và cũng là nghề giúp ông nuôi "sống" gia đình. Vì thế, cứ mỗi tháng khi con trăng mờ, ông Hà lại cùng các ngư dân ra khơi để mang cá, tôm của biển về đất liền.

Ngư dân Kiên Giang chuẩn bị ngư cụ ra khơi.

Nhiệm vụ mỗi ngư dân như ngọn hải đăng trong bảo vệ lãnh hải thì nhiệm vụ mỗi hải đội cũng không kém phần quan trọng. Ông Huỳnh Quốc Việt, Chính trị viên Hải đội 402 tại Cà Mau chia sẻ, các thành viên hải đội thường tổ chức tuyên truyền cho những ngư dân đi biển về thông tin Biển Đông, khuyến khích, động viên các ngư dân yên tâm khai thác, đánh bắt trên vùng biển Tây. Sự có mặt của ngư dân, hải đội cùng lực lượng thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau sẽ dễ dàng phát hiện tàu lạ đi vào vùng biển Tây góp phần cùng lực lượng cảnh sát biển bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.

Hiện nay, vùng biển Tây - nơi đánh dấu lãnh hải nước ta có hơn 140 hòn đảo, trong đó, đảo lớn như Phú Quốc, Hòn Thơm, Hòn Khoai, Hòn Chuối, Thổ Chu có nhiều ngư dân tập trung sinh sống, vì vậy, ngư dân cùng những người lính đảo vừa gắn bó, mưu sinh, vừa một lòng giữ đảo, giữ biển.

Thiếu tá Nguyễn Hiền Năng, Chính trị viên, Đồn Biên phòng Hòn Khoai chia sẻ, vùng biển này là của nước ta, các đảo cũng là của nước ta. Vì vậy, Đồn biên phòng Hòn Khoai đã quán triệt và thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của cấp trên, triển khai toàn diện các biện pháp công tác, bám biển, giữ đảo, bảo vệ chủ quyền, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, đảm bảo đời sống vật chất tinh thần cho cán bộ chiến sĩ.

Hướng đến khai thác hiệu quả, bền vững

Hiểu được nhọc nhằn và lo lắng của ngư dân đi biển, chính quyền địa phương đã có nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân bám biển mưu sinh, hướng đến phát triển khai thác biển bền vững.

Ông Mai Anh Nhịn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết, năm 2013 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 68/QĐ - TTg, về chính sách hỗ trợ cho vay 70% giá trị hệ thống bảo quản sau thu hoạch đối với ngư dân có 60% linh kiện trên tàu sản xuất trong nước với mức lãi suất thấp nhất trong nông nghiệp. Đồng thời, Nhà nước và chính quyền tỉnh Kiên Giang cũng đã tích cực đầu tư hệ thống cảng biển, bến cá, các khu neo đậu tránh trú bão cho các ngư dân khai thác xa bờ như cảng cá Tắc Cậu, cảng cá An Thới, khu tránh trú bão Lình Huỳnh, khu tránh trú bão Hòn Tre, Nam Du, Thổ Chu, Phú Quốc, Xẻo Nhàu, Kiên Lương...

Đồng thời, trước thực trạng nguồn lợi hải sản cạn kiệt, địa phương đã hạn chế các phương tiện khai thác nhỏ, khuyến khích các ngư dân đầu tư phương tiện đánh bắt lớn, hiện đại để khai thác xa bờ, vừa bảo vệ nguồn lợi hải sản ven bờ, vừa khai thác xa bờ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Để tăng giá trị sản phẩm khai thác, tỉnh Kiên Giang tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy hải sản xây dựng nhà máy chế biến thủy sản tại chỗ, nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi... được hỗ trợ nguồn vốn 50 tỷ đồng với lãi suất 0% trong năm đầu tiên và đến năm thứ 3 hỗ trợ 50%.

Mặt khác, tỉnh Kiên Giang cũng tổ chức lại công tác khai thác, thu mua sản phẩm đánh bắt. Kiên Giang có 400 tổ đội đoàn kết sản xuất trên biển. Trong thời gian tới sẽ hình thành các tổ hợp tác trong khai thác và hậu cần nhằm giảm chi phí khai thác cho ngư dân. Đây là giải pháp vừa đảm bảo được an ninh trên biển vừa giúp ngư dân hỗ trợ nhau khi phương tiện gặp sự cố, tai nạn, đồng thời hình thành thói quen trong hợp tác sản xuất.

Ông Huỳnh Hữu Liêm, Phó Giám đốc Ban quản lý các cảng cá Cà Mau chia sẻ, Cà Mau có 12 dự án xây dựng cảng cá, trong đó 2 dự án đã hoàn thành là cảng Cà Mau và cảng Sông Đốc, 2 dự án đưa vào sử dụng đầu năm 2015. Các cảng khác còn trong quy hoạch xây dựng. Đồng thời, tuyến đường quốc lộ từ thành phố Cà Mau đến huyện Trần Văn Thời sẽ được xây dựng trong thời gian tới tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc vận chuyển hàng hóa từ cảng Sông Đốc đến các địa phương khác.

Hồng Nhung

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

NGẬM SẦU (ĐL)

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH