MUÔN NẺO MƯU SINH 16

(ĐC sưu tầm trên NET)
 

Tâm sự rớt nước mắt của ngàn Việt kiều không quốc tịch

17/08/2016 14:51

(NLĐO) - "Tôi muốn trước khi chết mình được cấp quốc tịch Việt Nam" - Đó là mong cầu của một Việt kiều 90 tuổi sinh ra tại Biển Hồ (Campuchia) vừa về hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh) định cư.

“Bà con người Việt mình kéo về đây sống mà không có giấy tờ gì cả. Tôi cũng vậy. Ở trên đất nước mình nhưng không có quốc tịch thì đi tới đi lui thiếu tự tin. Tôi muốn trước khi chết mình được cấp quốc tịch Việt Nam” - cụ Trần Minh Diện, 90 tuổi, nói.
Cụ Diện cho biết ông nội cụ sinh ra ở Việt Nam nhưng trôi dạt qua Biển Hồ (Campuchia). Từ đó đến nay nhiều thế hệ nhà cụ sinh ra và phiêu dạt trên Biển Hồ. Nhưng rồi nắng nóng cùng cực, Biển Hồ khô cạn hơn, nghề đánh bắt cá liên tục mất mùa. Nhiều người gốc Việt bên Capuchia bị thu thuế đánh bắt cá, xử phạt vì không giấy tờ tùy thân nên cả nhà cụ kéo về nước dựng chòi sống bám gần lòng hồ Dầu Tiếng (xã Tân Thành, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh).

Cụ Diện 90 tuổi, vừa thấy phóng viên cụ liền mặc áo vào để trò chuyện. Cụ bảo mong ước của mình là được chính quyền cấp quốc tịch Việt Nam để tự tin sống những ngày cuối đời tại cố hương
Cụ Diện 90 tuổi, vừa thấy phóng viên cụ liền mặc áo vào để trò chuyện. Cụ bảo mong ước của mình là được chính quyền cấp quốc tịch Việt Nam để tự tin sống những ngày cuối đời tại cố hương
UBND tỉnh Tây Ninh cho biết đến nay đã có hơn 5.000 Việt kiều di cư tự do từ Campuchia về nước trong đó chỉ hơn 20 người có giấy tờ tùy thân. Theo tìm hiểu của chúng tôi, một lượng lớn Việt kiều Campuchia cũng đã tìm về cố quốc. Họ sống lay lắt tại Long An, An Giang, Đồng Nai, Đồng Tháp.
Nếu di cư bằng đường bộ thì rất nhanh nhưng nhiều người chọn cách đi ghe. Lý do là họ tiếc những chiếc xe cũ – “căn nhà nổi” của họ ở xứ Biển Hồ. Trong ghe có cả bàn thờ tổ tiên và bao ký ức đầy sóng gió, họ không dễ vứt bỏ. Từ Biển Hồ về Tây Ninh phải mất 7 ngày. Nhiều ghe thủng mục, họ phải thức đêm tát nước ghe mới khỏi chìm.

Ông Hai Mệnh khẳng định chiếc ghe của mình sẽ cắm mãi trên đất liền Việt Nam
Ông Hai Mệnh khẳng định chiếc ghe của mình sẽ cắm mãi trên đất liền Việt Nam
Mang danh là Việt kiều nhưng hàng loạt hộ hồi hương mà không có nổi tiền để mua cái giường để ngủ. Như anh Hai Ngọc cùng vợ và 4 con phải mượn người quen chiếc giường kê tạm bên mép hồ Dầu Tiếng để ngủ qua đêm.

Anh Hai Ngọc vừa về nước được vài ngày. Anh phải nhờ bà con người Việt cho mượn giường để có chỗ cho vợ và 4 con ngủ. Anh bảo tụi nhỏ rất mê ngủ giường vì xưa giờ toàn ngủ ghe, cứ lắc lư
Anh Hai Ngọc vừa về nước được vài ngày. Anh phải nhờ bà con người Việt cho mượn giường để có chỗ cho vợ và 4 con ngủ. Anh bảo tụi nhỏ rất mê ngủ giường vì xưa giờ toàn ngủ ghe, cứ lắc lư
Những gia đình hồi hương trước anh Ngọc thì được chỗ khô ráo hơn để dựng nhà ở tạm. Nơi đây gọi là xóm Việt kiều, đầu xóm luôn treo cờ tổ quốc – dù họ chưa hề được cấp quốc tịch Việt Nam!

Lá cờ tổ quốc treo đầu xóm Việt kiều
Lá cờ tổ quốc treo đầu xóm Việt kiều
Việt kiều nơi đây kiếm sống chủ yếu bằng cách đi đánh bắt cá trên hồ Dầu Tiếng. Hàng ngàn người bám vào hồ mà sống khiến con cá thưa dần nhưng mỗi kg cá được bán chỉ với giá tầm 15 ngàn đồng! Bình quân một ngày mỗi người chỉ kiếm được khoảng vài chục ngàn, nhiều nhất là 200 ngàn đồng.

Rất nhiều Việt kiều hồi hương để đánh bắt cá trong hồ Dầu Tiếng khiến nghề này ngày càng thất thu
Rất nhiều Việt kiều hồi hương để đánh bắt cá trong hồ Dầu Tiếng khiến nghề này ngày càng thất thu
Thu nhập thấp nên bữa cơm của Việt kiều rất đạm bạc. Nhiều đứa trẻ vì vậy mà bị chứng còi xương, suy dinh dưỡng, bệnh tật

Bữa cơm của gia đình ông Ba Phước. Về nước hơn 1 năm rồi cả nhà vẫn còn khốn khó. Do không có giấy tờ tùy thân nên các con của ông Phước nhiều lần bị từ chối khi xin làm công nhân ở TP HCM, Bình Dương
Bữa cơm của gia đình ông Ba Phước. Về nước hơn 1 năm rồi cả nhà vẫn còn khốn khó. Do không có giấy tờ tùy thân nên các con của ông Phước nhiều lần bị từ chối khi xin làm công nhân ở TP HCM, Bình Dương
Nghèo khó đến cùng cực nhưng người Việt lưu lạc xứ Biển Hồ lại “đẻ như cái máy”. Bà Nguyễn Thị Hoang, 68 tuổi, vừa trở về từ Biển Hồ cho biết con gái bà đẻ 9 đứa con. Nhưng chẳng thấm tháp gì vì cụ biết có người Việt sinh đến 25 con! Nuôi không nổi, nhiều cha mẹ phải cho con!

Bà Hoang đang giữ bầy cháu ngoại
Bà Hoang đang giữ bầy cháu ngoại
Đau lòng nhất là cảnh nhiều đứa trẻ té ghe chết trên Biển Hồ. Chúng đang tuổi tập bò, tập đi nhưng xung quanh toàn sông nước còn ba mẹ chúng thì mải miết mưu sinh.

Bé Muội 10 tuổi với đôi mắt buồn. Bé không được đi học mà phải ở nhà trông em. Khi còn sống ở Biển Hồ, một đứa em của Muội trong lúc tập bò đã té ghe chết nước
Bé Muội 10 tuổi với đôi mắt buồn. Bé không được đi học mà phải ở nhà trông em. Khi còn sống ở Biển Hồ, một đứa em của Muội trong lúc tập bò đã té ghe chết nước
Những đứa trẻ về từ xứ Biển Hồ hầu hết thất học. Ban ngày, chúng giữ em cho ba mẹ đi đánh cá. Ban đêm là lúc chúng nô đùa. Do không học hành, ít được chỉ bảo, nhiều trẻ không biết kiểm soát, chỉ cần một lời nói khích là lao vào đánh nhau.

Bọn trẻ chơi đùa rồi chửi nhau giữa đêm trên bãi đất sát hồ Dầu Tiếng
Bọn trẻ chơi đùa rồi chửi nhau giữa đêm trên bãi đất sát hồ Dầu Tiếng
Mong ước của hàng ngàn Việt kiều lúc này là trẻ con được đến trường miễn phí còn người lớn được cấp quốc tịch Việt Nam, CMND, hộ khẩu, để đi làm công nhân nuôi đàn con!

Không xin được việc làm, anh Nguyễn Văn Tửng, phải ở nhà ru con ngủ
Không xin được việc làm, anh Nguyễn Văn Tửng, phải ở nhà ru con ngủ
Việt kiều không thể bám mãi vào sông nước mà sống. Họ cũng đã chán cuộc sống rày đây mai đó như thời ở Biển Hồ. Họ quyết lên bờ mưu sinh trên đất Việt.

Biển Hồ là nơi anh Chi để lại cánh tay mình. Anh kể mình đang đánh cá thì bị máy ghe cắt lìa cánh tay. Anh không muốn quay lại đó mà quyết về Việt Nam tìm cách mưu sinh
Biển Hồ là nơi anh Chi để lại cánh tay mình. Anh kể mình đang đánh cá thì bị máy ghe cắt lìa cánh tay. Anh không muốn quay lại đó mà quyết về Việt Nam tìm cách mưu sinh
Việt kiều đang tràn đầy hy vọng được nhập quốc tịch vì vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tư pháp làm việc với các địa phương để xem xét giải quyết vấn đề này. Cơ quan chức năng cũng đã đến Tây Ninh khảo sát việc này.
Trả lời Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Thanh Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, cho hay sắp tới, Bộ Tư pháp sẽ có hướng dẫn cụ thể. Khi đó, tỉnh sẽ áp dụng giải quyết cho các trường hợp chưa có quốc tịch, hộ khẩu, CMND.
Ông Ngọc cho biết thêm trước khi có chỉ đạo của Thủ tướng, tỉnh cũng đã chủ động xác minh, làm rõ nguồn gốc của nhiều Việt Kiều và cũng đã cấp CMND, hộ khẩu, công nhận quốc tịch cho hàng chục Việt kiều.

Ông Lê Văn Lẹ, một trong những Việt kiều được chính quyền công nhận quốc tịch Việt Nam. Trong ảnh là tờ giấy khai sinh ông vừa được cấp, phần quê quán ghi: Campuchia, phần quốc tịch ghi Việt Nam. Nhờ tờ giấy này, ông làm được CMND, hộ khẩu, các con được đi học, đi làm. Đến nay ông đã xây được nhà đàng hoàng.
Ông Lê Văn Lẹ, một trong những Việt kiều được chính quyền công nhận quốc tịch Việt Nam. Trong ảnh là tờ giấy khai sinh ông vừa được cấp, phần quê quán ghi: "Campuchia", phần quốc tịch ghi "Việt Nam". Nhờ tờ giấy này, ông làm được CMND, hộ khẩu, các con được đi học, đi làm. Đến nay ông đã xây được nhà đàng hoàng.

NHƯ PHÚ thực hiện

Nỗi niềm... “mưu sinh mùa nước nổi”!...

01/07/2016, 10:29

Nỗi niềm...  “mưu sinh mùa nước nổi”!... - Mỗi mùa nước nổi về, tôi lại đi, như một nỗi nhớ da diết lắm. Mỗi chuyến đi, gặp gỡ thêm một số phận, một cuộc mưu sinh đầy bĩ cực, những trăn trở trong tôi cũng lớn thêm theo từng trang viết. Tôi lại đi, đón những mùa nước nổi, nhận những nỗi niềm và để yêu thương hơn đời lũ.

Phóng viên tác nghiệp tại hiện trường. Ảnh: Quốc Dũng​
1. Tác phẩm “Thắc thỏm mưu sinh mùa nước nổi” của tôi đạt giải B cuộc thi viết Phóng sự trên Báo Nhân Dân Chủ nhật từ năm 2012-2014, nhưng vẫn khiến tôi nhiều trăn trở, đến tận bây giờ. Trăn trở đó là sự đồng cảm, cảm thông mà tôi chỉ nói hộ hàng ngàn con người đang từng ngày lênh đênh đời du mục, mưu sinh trên sông nước miền Tây Nam bộ. Mùa nước nổi vốn là nét văn hoá đặc trưng ở miền Tây, từ bao đời nay. Hàng ngàn con người, không ruộng đất, bám víu mùa nước nổi để mưu sinh. Có những đứa trẻ được sinh ra ngay trên chiếc ghe tuềnh toàng, trên sông. Rồi mặc định, khi lớn lên nối nghiệp cha, làm nghề “bà cậu”. Những cuộc mưu sinh lênh đênh trên sông nước ấy lại đầy hiểm nguy, may rủi...Họ chấp nhận đánh cược số phận của chính mình, gia đình, con cái. Bằng nhiều cách. Có khi là tính mạng. Chỉ để hy vọng một tương lai tốt đẹp hơn cho con cái, sau này. Để hoàn thành phóng sự này tôi phải đi hàng trăm cây số, xuyên qua vùng đầu nguồn lũ của biên giới Tây Nam, nơi tiếp giáp với nước bạn Campuchia. Mà không phải chỉ một lần, mà đến ba lần. Bởi những chuyến đi không hẹn trước, cứ như trò chơi “cút bắt” (trốn tìm) với cánh vạn chài. Khi tôi lên tới khu vực biên giới Tân Hồng, Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp thì ghe của họ đã sang đến kênh Vĩnh Tế, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Xuồng ghe của vạn chài cứ di chuyển theo con nước và luồng cá, không cố định bến bờ nào. Cũng giống như chính cuộc đời họ, mãi lênh đênh, biết khi nào tìm được bến để dừng cuộc “du mục trên sông nước”. Còn tôi cứ rủi may, loanh quanh, xuôi ngược đầu nguồn lũ, để tìm kiếm nhân vật của mình. Cái khó của không chỉ riêng tôi, một người sinh ra, lớn lên nhẵn mặt miền Tây, mà với tất cả người viết phóng sự về “lũ miền Tây” là nó quá quen thuộc, gần gũi, thân thiết tới mức không còn nhận ra điều gì mới lạ, riêng tư. Mà chỉ cần một chút vô tâm, một chút lười nhác sẽ “tái bản” ngay mùa nước nổi của năm rồi. Sẽ có một chút thuận lợi cho những nhà báo từ nơi khác tới với những cảm nhận rất mới khi được đứng chân giữa rốn lũ đồng bằng. Nhưng cũng không ít khó khăn là thiếu kiến thức, sự hiểu biết cơ bản về mùa nước nổi miền Tây để viết đúng, viết hay. Cái khó chính là góc nhìn mới lạ. Tôi chọn cái khó đó, để thử thách chính mình. Tuy vậy, những chi tiết vàng, thông tin đắt giá có khi lại xuất hiện bất ngờ. Đó là cái duyên của người cầm bút, mà tôi từng may mắn có được trong những chuyến đi thực tế của mình, đôi lần... Trong số hàng chục vạn chài đang tề tựu về kênh Vĩnh Tế, tôi vô tình chú ý tới người đàn ông có nước da sạm nắng, trạc tuổi 40. Hỏi mấy đồng nghiệp của anh, mới biết đó là Sáu Thanh, quê ở miệt Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. Trong suốt buổi chiều, anh cứ đưa mắt ngó xa xăm, một nỗi buồn sâu thẳm hiện rõ trên gương mặt. Sau một hồi lân la, thăm hỏi, mới biết Sáu Thanh chính là ngư dân vừa bị đắm xuồng trên sông Hậu. Trận giông chướng suýt cuốn cả gia đình Sáu Thanh đi chầu “Hà Bá”. Nhà nghèo, đơn chiếc, có đến ba đứa con nên mỗi lần ra sông đánh bắt, vợ chồng Sáu Thanh đều mang cả các con theo. Chuyến đánh cá cuối ngày không ngờ trở thành định mệnh, đớn đau. Giông gió bất ngờ ập tới, sóng tung ngọn cao lừng lững, nhấn chìm chiếc ghe cào nhỏ bé trong dòng nước xoáy. Ba đứa con gái chới với trong biển sóng. Sáu Thanh chỉ kịp quơ được đứa con gái 3 tuổi và túm lấy tay vợ. Còn đứa lớn 6 tuổi và đứa nhỏ mới thôi nôi chìm vào lòng nước lạnh. “Sau biến cố tôi mới giận mình. Con tôi chết là tại tôi vô ý. Cuối buổi chiều hôm trước tôi đã thấy một cái móng mọc ở phía cuối chân trời. Mà hễ có móng thì chắc là hôm sau sẽ có giông gió chướng. Dân làm nghề bà cậu thì phải biết chuyện này. Cái móng, nhìn như cầu vồng, nhưng ngắn ngủn, nhìn từ xa, đưa tay ướm thử độ một gang. Cánh vạn chài quả quyết, thấy lói (móng) mọc thì xuồng ghe phải tấp hết vô bờ. Chỉ vì mải lo lặn ngụp để kiếm miếng cơm mà tôi sơ ý, hại chết mấy đứa con”, Sáu Thanh đau đớn vò đầu, bứt tóc tự trách bản thân.
2. Để có một bài phóng sự tốt thật sự đòi hỏi người viết phải lao động nghiêm túc. Cũng không gian đó, thời gian đó, con người đó, nhưng do cách của mỗi người tiếp cận mà có được những thông tin khác nhau. Không chỉ là đến nơi gặp gỡ hỏi han, nhìn ngó rồi viết. Thông tin sẽ rất nghèo nàn, bởi thiếu sự trải nghiệm, hoá thân và cảm xúc của một người trong cuộc. Tôi đã đi, đã sống, đã ăn ở và làm cùng họ để những trải nghiệm đó ngấm vào tim mình, để cảm nhận tự thân và thấu hiểu. Và chỉ khi họ không còn coi bạn là nhà báo, mà là một thành phần trong họ hoặc là bạn bè, đồng nghiệp thì họ mới trút cạn nỗi lòng. Cảm xúc, khi đó như dòng máu nóng lan toả khắp người, trào dâng mãnh liệt, làm mạch chảy xuyên suốt cho bài viết. Mỗi nhân vật đều để lại trong lòng tôi một nỗi niềm trăn trở. Nó như một nhát dao cứa vào tận tâm can, mỗi khi nhớ lại. Cho nên, từng con chữ chạy dài trên trang viết, tôi phải đắn đo, suy tư nhiều lắm. Đôi lúc là sự giằng co, đấu tranh tư tưởng với chính mình. Cái nghèo, gian khổ của họ có nên được lột tả hay không? Có vô tình làm cho họ càng thêm đau, tủi buồn cho số phận không? Hay để cho mọi người thấy được, đằng sau mùa nước nổi đẹp lung linh những cánh đồng lũ cuốn hút bao nhiêu du khách tìm về thưởng ngoạn đến đắm say, là những thân phận vật lộn với sóng nước để có miếng cơm, manh áo, để con cái họ được tới trường... Vậy rồi, cảm xúc cứ đẩy trôi từng con chữ tuôn ra:... Mùa lũ năm nay, Chín Nghĩa đùm túm vợ và hai đứa con nhỏ xuống chiếc xuồng cui, sống đời phiêu bạt suốt 4 tháng trời nước nổi lênh đênh. Chiếc xuồng nhỏ xíu, gắn máy đuôi tôm cũ kỹ cứ vượt hết khúc sông này đến cánh đồng lũ khác. Mấy bận qua sông lớn đầu nguồn, nước chảy xiết, xoáy đụn nghe ron rót, ớn lạnh sống lưng. Anh Nghĩa phải nghiến răng, cầm chắc tay lái vượt qua dòng nước đang cuồn cuộn chảy. Qua được hiểm nguy, lưng áo anh ướt sũng. Hai đứa bé ghì chặt tay mẹ. Nín thinh. Mặt tái nhợt vì sợ mà không dám khóc. 40 tuổi, chừng nửa tuổi đời vợ chồng anh Nghĩa phải sống kiếp lênh đênh. Mái nhà nhỏ ở quê được dựng lên chỉ để cho có cái gọi là nhà. Còn chiếc xuồng nhỏ với chẵn vạc tre, tấm cà rèm bằng lá dừa nước, mới là “mái nhà” theo Chín Nghĩa suốt chặng đường phiêu bạt. Mấy đứa nhỏ sinh ra đã biết đến cái nắng, cái gió của chốn thương hồ. Rồi đây mai đó, vật lộn mưu sinh nên tụi nhỏ lớn lên cũng chưa biết đến con chữ vỡ lòng. Năm tuổi, thằng Đen, con trai lớn Chín Nghĩa đã biết rõ mặt từng loại cá sông. Đến nay 13 tuổi vẫn chưa một ngày đến lớp. Hôm gặp nó, tôi rút trong túi ra cuốn truyện tranh trinh thám. “Chú tặng”, tôi đẩy quyển sách đủ sắc màu về phía nó. Nó lật đi lật lại, nhìn ngấu nghiến vào tranh vẽ rồi xếp lại thật nhanh. “Con chưa đi học”, thằng Đen cúi gầm mặt nói giọng nhẹ hều mà sao nỗi buồn nặng trịch. Anh Nghĩa rơm rớm nước mắt nhìn đứa con trai, giải thích. Cái nghèo đã đẩy vợ chồng anh sống đời lang bạt thương hồ nên tụi nhỏ đâu có chốn dừng chân, làm sao cắp sách tới trường?...
Còn nhiều lắm những mảnh đời cơ cực, vật lộn với sóng gió cuộc đời để mưu sinh. Dẫu gian khổ, khó khăn nhưng trong họ vẫn tươi rói niềm tin vào ngày mai tốt đẹp, đang chờ đợi những chuyến đi khám phá, trải nghiệm và sẻ chia của tôi, của bạn.../.
Bùi Quốc Dũng
Tạp chí Người Làm Báo số 385 - Tháng 3/2016

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

NGẬM SẦU (ĐL)

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH