THIÊN NHIÊN HOANG DÃ 20

(ĐC sưu tầm trên NET)



Mỹ cấm buôn bán ngà voi châu Phi

BNEWS.VNMỹ thông báo lệnh cấm gần như hoàn toàn đối với việc buôn bán ngà voi châu Phi, hoàn thiện nỗ lực trong nhiều năm đẩy mạnh cuộc chiến chống nạn săn bắt trộm loài động vật này.

Mỹ cấm buôn bán ngà voi châu Phi. Ảnh: ecodaily.org

Cơ quan Bảo tồn động vật hoang dã Mỹ (FWS) cho biết quy định mới sẽ có hiệu lực từ ngày 6/6 tới, theo đó cấm gần như hoàn toàn mọi hoạt động xuất - nhập khẩu, mua bán ngà voi và các sản phẩm chế tạo từ ngà voi.
Tuy nhiên, quy định mới cũng được ban hành cùng với một loạt quy định miễn thuế, gồm những đồ cổ ít nhất 100 năm tuổi, các loại nhạc cụ, đồ nội thất và súng ngắn được trang trí ngà voi với trọng lượng ngà voi tối đa là 200 gram.
Các nhà hoạt động bảo vệ động vật hoang dã tại Mỹ và quốc tế đã hoan nghênh quy định mới của Mỹ này, coi đây là bước đi thiết thực và hiệu quả giúp bảo vệ loài voi.
Quy định mới cấm buôn bán ngà voi được coi là biện pháp hỗ trợ cho sắc lệnh của chính quyền Tổng thống Barack Obama (Ba-rắc Ô-ba-ma) ban hành năm 2013 nhằm đẩy mạnh cuộc chiến chống buôn bán các sản phẩm từ động vật hoang dã bị săn bắn trộm, kéo theo nguy cơ tuyệt chủng các loại động vật quý hiếm.
Theo thống kê, mỗi năm tại châu Phi có khoảng 35.000 con voi bị giết. Số voi sống trong môi trường tự nhiên hiện còn khoảng 450.000 con.
Buôn bán ngà voi diến biến sôi động nhất tại châu Á và Trung Đông do nhu cầu cao, nơi mà ngà voi và sừng tê giác được sử dụng cho những phương thuốc truyền thống và đồ trang trí nội thất.
Trung Quốc cũng cam kết ban hành lệnh cấm buôn bán ngà voi trong nước và trong tháng 3 vừa qua đã ban hành một lệnh cấm rộng rãi việc nhập khẩu đối với mặt hàng này./.
TTXVN

Kenya tiêu hủy hơn 100 tấn ngà voi và sừng tê giác

BNEWS.VNNgày 30/4, Chính phủ Kenya đã ra lệnh tiến hành tiêu hủy hàng nghìn chiếc ngà voi và sừng tê giác.

Kenya tiêu hủy hơn 100 tấn sừng tê giác và ngà voi bị săn trộm. Ảnh: buzzfortoday

Hành động trên của Kenya nhằm phát đi thông điệp rằng việc buôn bán các bộ phận cơ thể động vật hoang dã cần phải được ngăn chặn. Ước tính số lượng ngà voi và sừng tê giác nói trên lên tới 105 tấn và được lấy từ 8.000 cá thể thuộc hai loài trên.
Sau khi thu giữ được số tang vật trên, nhiều ý kiến cho rằng Chính phủ Kenya nên bán hết số ngà voi và sừng tê giác này. Tại thị trường chợ đen, số hàng trên có giá trị lên tới 150 triệu USD. Tuy nhiên, Tổng thống nước này Kenyetta đã không đồng ý với kế hoạch trên.
Dự kiến, Kenya sẽ đặt vấn đề cấm buôn bán ngà voi trên toàn thế giới trong hội nghị của Tổ chức các nước tham gia Công ước quốc tế về cấm buôn bán các loài động vật hoang dã, quí hiếm diễn ra tại Nam Phi vào cuối năm nay. Hồi năm 1989 tổ chức trên đã ban hành lệnh cấm mua đi bán lại nhiều lần ngà voi, tuy nhiên sau đó lại cho phép mua bán một lần mặt hàng này.
Hiện có nhiều ý kiến lo ngại bọn khủng bố sẽ đến châu Phi để săn bắn trái phép voi và tê giác rồi bán lấy tiền cho các hoạt động của chúng.
Hiện số lượng voi tại châu Phi đang sụt giảm nhanh chóng, chỉ còn khoảng từ 400.000 đến 450.000 con so với con số 1,2 triệu con hồi những năm 70 thế kỷ trước. Tình hình của loài tê giác thậm chí còn tồi tệ hơn, nay chỉ còn dưới 30.000 con./.
TTXVN

Nam Phi áp đặt lại lệnh cấm buôn bán sừng tê giác


BNEWS.VNChính phủ Nam Phi vừa thông qua yêu cầu nối lại lệnh cấm buôn bán sừng tê giác nhằm chống nạn săn bắn trộm và buôn bán trái phép các sản phẩm của loài động vật này.

Nam Phi áp đặt lại lệnh cấm buôn bán sừng tê giác. Ảnh: TTXVN

Tại cuộc họp báo ở thành phố Cape Town sau cuộc họp Chính phủ, Bộ trưởng Văn phòng Tổng thống Nam Phi, ông Jeff Radebe, cho biết bản khuyến nghị vừa được chính phủ thông qua sẽ góp phần bảo tồn số lượng tê giác, đang có nguy cơ tuyệt chủng tại nước này.
Bản khuyến nghị này, đã được tham vấn và lấy ý kiến của các Bộ, ngành có liên quan, đề nghị Quốc hội nước này nối lại việc cấm săn bắt trộm và hợp pháp hóa việc buôn bán sừng tê giác.
Đồng thời, cũng đưa ra các giải pháp chiến lược, trong đó các biện pháp an ninh cứng rắn, trao quyền bảo vệ cho cộng đồng dân cư, quản lý bằng biện pháp sinh học, những quy định pháp lý...để quản lý và giải quyết có hiệu quả nạn săn bắn và buôn bán trái phép các sản phẩm của loài động vật quý hiếm này.
Theo ông Radebe, Nam Phi sẽ kêu gọi Công ước về buôn bán quốc tế những loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) chưa bãi bỏ các quy định về cấm buôn bán quốc tế về các sản phẩm tê giác tại Hội nghị thường niên của CITES, dự kiến sẽ được tổ chức tại thành phố Johannesburg (Nam Phi) vào tháng 9/2016.
Theo các cơ quan chức năng Nam Phi, hiện có khoảng 90% tổng số tê giác trên toàn thế giới đang sinh sống tại quốc gia miền nam châu Phi này. Tuy nhiên, riêng năm 2015 hơn 1.175 con tê giác đã bị giết chết do nhu cầu tiêu thụ sừng tê giác ở một số nước châu Á.
Mới đây, Bộ trưởng Môi trường Nam Phi, bà Edna Molewa, cũng cảnh báo rằng số lượng tê giác tại Nam Phi sẽ là bị tuyệt chủng vào năm 2026, nếu không có biện pháp hiệu quả để ngăn chặn nạn săn bắn trộm và tình trạng buôn bán sừng tê giác bất hợp pháp như hiện nay.


Nam Phi: Gần 1.200 tê giác bị giết hại trong năm 2015

BNEWS.VNGiới chức Nam Phi mới đây cho biết, gần 1.200 con tê giác đã bị giết hại bởi những tay săn trộm trong năm 2015. Phần lớn số tê giác ở Nam Phi bị giết để lấy sừng rồi bán sang các nước châu Á.

Gần 1.200 con tê giác đã bị giết hại tại Nam Phi trong năm vừa qua. Ảnh: TTXVN

Phát biểu với các phóng viên, Bộ trưởng Môi trường Nam Phi, Edna Molewa thông báo, tính tới cuối tháng 12/2015, số lượng tê giác bị giết hại bởi các tay săn trộm là 1.175 con, ít hơn 100 con so với năm 2008 và giảm nhẹ so với mức kỷ lục là 1.215 con trong năm 2014.
Tuy nhiên, một số chuyên gia tin rằng số tê giác thực tế bị giết hại còn cao hơn nhiều.
Tình trạng tàn sát này là do nhu cầu về sừng tê giác ở các nước châu Á tăng cao bởi sừng tê giác được cho là loại thuốc quý, điều mà giới khoa học luôn phản bác là thiếu căn cứ khoa học.
Dù Nam Phi đã có nhiều nỗ lực ngăn chặn nạn săn trộm nhưng tình hình vẫn không khả quan. Thậm chí, chính phủ nước này đã bổ nhiệm một cựu tướng lĩnh quân đội để chịu trách nhiệm việc chống nạn săn trộm nhưng tê giác vẫn không ngừng bị sát hại.
Hồi tháng 11/2015, Tòa án tối cao Nam Phi đã quyết định dỡ bỏ lệnh cấm buôn bán sừng tê giác tại nước này, với lý do lệnh cấm không những không hiệu quả mà còn khiến vấn nạn săn bắt trộm tê giác trầm trọng thêm và việc nối lại kinh doanh sừng tê giác hợp pháp sẽ hạn chế buôn bán "chợ đen" sản phẩm.
Quyết định của Tòa án Tối cao Nam Phi đang làm dấy lên một làn sóng tranh cãi mạnh mẽ, khi các nhà bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm tại đây phản đối và cho rằng việc dỡ bỏ trên mới chính là "động thái cực kỳ nguy hiểm" có thể làm trầm trọng thêm tình trạng săn bắn tê giác tại quốc gia châu Phi này.
Nam Phi là nơi sinh sống của khoảng 20.000 con tê giác, chiếm 80% lượng tê giác toàn cầu./.
TTXVN

Bắt giữ hơn 180 kg ngà voi tại sân bay Nội Bài

BNEWS.VNNgày 30/1, các lực lượng chống buôn lậu đã tiến hành kiểm tra, phát hiện 6 vali ký gửi của 3 đối tượng có chứa khoảng 180kg nghi vấn là ngà voi và các sản phẩm chế tác từ ngà voi.
Rạng sáng 30/1, lực lượng chống buôn lậu Chi cục Hải quan Sân bay quốc tế Nội Bài phối hợp với Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Bắc (Đội 1), Cục Cảnh sát Phòng chống buôn lậu (C74 - Bộ Công an) và Cục Hải quan Hà Nội tiến hành kiểm tra, phát hiện 6 vali ký gửi của 3 đối tượng có chứa khoảng 180kg nghi vấn là ngà voi và các sản phẩm chế tác từ ngà voi.
Số ngà voi trên được vận chuyển từ Angola về Việt Nam qua đường hàng không trên chuyến bay VN680, chuyển tiếp từ Malaysia về Sân bay quốc tế Nội Bài.

Lực lượng hải quan Chi cục Hải quan cửa khẩu Sân bay quốc tế Nội Bài đang phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành kiểm đếm chi tiết tang vật vi phạm để có căn cứ xử lý, đồng thời, điều tra, làm rõ số ngà voi này.

Ông Nguyễn Văn Hoàn, Đội trưởng Đội Tổng hợp Chi cục Hải quan cửa khẩu Sân bay quốc tế Nội Bài cho biết qua đấu tranh khai thác, bước đầu các đối tượng khai nhận: số ngà voi trên được một đối tượng ở Angola thuê mang về Việt Nam./.
Hạnh Quỳnh/TTXVN

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

NGẬM SẦU (ĐL)

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH