CÂU CHUYỆN VỤ ÁN 69

(ĐC sưu tầm trên NET)

Giải mã vụ lừa đảo lớn nhất lịch sử - Kỳ 1

Đây là một trong những vụ lừa đảo kéo dài nhất thế giới với số nạn nhân nhiều gấp 60 lần nạn nhân của siêu lừa Bernard Madoff. Hàng trăm triệu USD đã bị rút khỏi túi những người dễ bị tổn thương nhất như: người ốm, người già, người nghèo - tất cả trước đó đều cho rằng họ đã tìm được vị cứu thế trong một người đàn bà bí ẩn tên là Maria Duval.

Mọi chuyện xoay quanh một bà đồng người Pháp tên là Maria Duval. Trong các bức thư, đoạn phỏng vấn và video trên internet, Duval cho biết bà ta dự báo thế giới sẽ nổ tung và loài người sẽ sống trong vũ trụ. Bà tuyên bố đã dự báo thành công kết quả bầu cử, dự báo được những số trúng giải xổ số và giúp cảnh sát điều tra tội phạm. Bà Duval thậm chí còn khoe tìm được con chó lạc của ngôi sao điện ảnh Brigitte Bardot. Hàng triệu người đã tin rằng bà Duval cũng có thể giúp mình.

Trong một bức thư viết tay do bà Duval ký, bà ta nói với mọi người rằng họ có thể thắng xổ số, khỏi ốm hoặc tránh được tai ương. Tất cả những gì họ cần làm là trả một khoản tiền nhỏ, khoảng 40 USD, để nhận lời hướng dẫn, con số may mắn và bùa.

Người đàn bà được cho là Maria Duval.
Nhiều người đọc xong vứt thư đi nhưng nhiều người lại tin vì họ đang ở trạng thái dễ bị tổn thương về tình cảm và tài chính. Đa số nạn nhân của bà Duval là người già, thường là người bị bệnh mất trí nhớ. Số khác là người cô đơn, trầm cảm hoặc dễ cảm động khi có người nghĩ tới mình.

Theo bà Chrissie Stevens, bà mẹ quá cố Doreen Robinson - một nạn nhân của bà Duval đã gửi ngày càng nhiều tiền cho bà Duval, đôi khi gửi tới hai lần một ngày khi sức khỏe và trí nhớ giảm sút. Trong một năm, số tiền bà gửi đi lên tới hơn 2.400 USD. Bà đã gửi phần lớn thu nhập hàng tháng của mình cho Duval cũng như nhiều kẻ lừa đảo khác.

Mẹ đã qua đời tháng 9/2014 nhưng bà Stevens vẫn rớt nước mắt khi nghĩ về những tháng đấu tranh để người mẹ rời xa cạm bẫy của bà Duval. Ngay cả sau khi mẹ hứa không gửi thêm tiền, bà Stevens vẫn tìm thấy một phong bì đầy tiền mà bà cụ giấu với hi vọng có thể gửi cho “người bạn” Duval.

Bà Duval là chủ đề của những câu chuyện như trên suốt nhiều năm trời. Tuy nhiên, không ai biết về bà ta cho đến tháng 9/2015. Khi phóng viên điều tra CNN rà soát một loạt thư mời chào gửi cho người cao tuổi. Một số độc giả đã gửi cho CNN một loạt thư rác và kêu gọi CNN điều tra các nhóm chuyên lừa đảo người già qua thư. Trong số các bức thư, phóng viên CNN tìm thấy một lá thư từ một ông đồng tên là Patrick Guerin và ngạc nhiên vì những chi tiết và lời hứa mà ông này hứa hẹn với người nhận thư: trúng xổ số, may mắn và hạnh phúc. Khi tìm hiểu nhanh trên Google, phóng viên CNN nhận thấy trong số những tên tuổi chuyên nhằm vào người già, có một cái tên liên tục xuất hiện: Maria Duval.

Trang web của bà Duval đăng đủ mọi lời khen ngợi từ những khách hàng hạnh phúc, những mẩu báo ca ngợi hay những đường dẫn tới những đoạn video và các lần xuất hiện trên truyền thông. Trong đó, người phụ nữ nói tiếng Pháp tên là Duval liên tục khoe về tài năng tâm linh.

Hiện chưa biết có bao nhiêu người bị lừa bởi âm mưu của Maria Duval nhưng Cơ quan Điều tra Bưu chính Mỹ cho rằng có hơn 1,4 triệu nạn nhân chỉ ở Mỹ. Ông Clayton Gerber, thanh tra bưu chính nói: “Tên Maria Duval xuất hiện ở hầu như mọi nước lớn”. 

Vậy làm thế nào mà các bức thư của bà Duval lại có thể lừa quá nhiều nạn nhân như vậy? 

Tài liệu tòa án liên bang cho biết mạng lưới của bà Duval thường nhắm tới các nạn nhân tiềm năng từ danh sách mua hàng trên thị trường. Danh sách này gồm tên, địa chỉ từ các công ty dữ liệu chuyên bán thông tin cho các nhà tiếp thị hoặc bán lẻ. Mạng lưới này còn đăng quảng cáo trên các tờ báo trên toàn thế giới để thu thập dữ liệu về nạn nhân tiềm năng. Các mẩu quảng cáo không nhắc đến tên Duval mà chỉ đề nghị độc giả gửi đủ mọi thông tin, từ cung hoàng đạo, ngày tháng năm sinh cho đến tình trạng hôn nhân để phục vụ một nghiên cứu. Đổi lại, độc giả có cơ hội trúng thưởng một số tiền lớn.

Sử dụng những thông tin quý giá thu được này, các bức thư của bà Duval dường như có thể tiên tri về mọi thứ. Bà Duval viết cho một nạn nhân: “Bạn chủ yếu chịu ảnh hưởng của sao Kim. Ngoài việc bạn sinh ngày 22/5/1972 ở thành phố Kansas lúc 12 giờ, tôi đã có thể nhìn thấy một số khía cạnh trong tính cách của bạn”.

Hai cái bùa được gửi cho bà Robinson.
Cứ như thế, mạng lưới của Duval gửi đi hàng chục nghìn bức thư mỗi tháng, hàng triệu thư mỗi năm chỉ ở Mỹ. Có những bức thư dài tới 16 trang, có bức thư có vết cốc cà phê và các ghi chú nhỏ bên lề để trông thật hơn.

Nhiều lá thư sau đó đề nghị nạn nhân gửi thêm thông tin cá nhân cùng tiền. Có thư lại đề nghị gửi ảnh hay một lọn tóc: “Ngay khi tôi có ảnh bạn (hoặc một lọn tóc), tôi sẽ có thể tập trung mọi sức mạnh tiên tri. Tôi sẽ giữ bức ảnh trong nhiều tháng nhiều năm nữa để tôi có thể liên hệ trung gian với bạn lâu dài”.

Một khi nạn nhân trả lời thư, bà Duval sẽ đề nghị giúp đỡ thêm với một khoản tiền nhất định. Trong một số thư trả lời, bà ta sẽ giới thiệu nạn nhân cho ông bạn "tiên tri" Guerin để ông này tự gửi thư kiếm tiền.

Trong cuộc điều tra, CNN đã xem một số trong 1.500 bức thư mà nạn nhân viết cho bà Duval và được giới chức Mỹ thu trong vòng vài tuần. Các bức thư vẽ ra một bức tranh tuyệt vọng của nạn nhân: những khoản nợ lớn, bệnh tật, lo lắng về an sinh xã hội, phúc lợi y tế… Với một số nạn nhân, thư từ với bà Duval là mối quan hệ mà họ trân trọng nhất, mối quan hệ có thể khiến họ rời xa thực tế. 

Quá nhiều người gửi các khoản tiền nho nhỏ cho bà Duval đến mức tổng cộng số tiền mỗi người gửi lên tới hàng nghìn USD trong vài năm. Khi cộng số tiền của các nạn nhân lại, con số sẽ lên tới hàng triệu USD. Chỉ riêng ở Mỹ và Canada, các điều tra viên ước tính âm mưu của bà Duval đã thu về hơn 200 triệu USD từ năm 1999. Thư của bà Duval xuất hiện ở hơn một chục quốc gia, gần đây nhất là Nga.

Tuy nhiên, bản thân bà đồng Duval vẫn là một bí ẩn. Cho dù có tên trên mọi bức thư nhưng các điều tra viên quốc tế không thể lần ra bà ta thực sự là ai. Có người nói bà ta là sản phẩm của một người đàn ông Argentina. Có người đồn bà ta do ai đó ở Singapore nhào nặn lên. Nhiều người cho rằng bà ta là người thật sống ở miền nam nước Pháp. Có người đoán bà ta là sản phẩm của băng nhóm tội phạm. Vậy rốt cuộc Maria Duval là ai?


Thùy Dương

Giải mã vụ lừa đảo lớn nhất lịch sử - Kỳ 2

Mặc dù tên và chữ ký của bà Duval có trên mọi bức thư gửi cho các nạn nhân, nhưng các điều tra viên liên bang thậm chí còn không biết có phải bà Duval đứng đằng sau âm mưu lừa đảo này không hoặc bà ta có phải là người thực không.

NGƯỜI ĐÀN BÀ BÍ ẨN

Khi lần theo dấu vết của bà đồng người Pháp Maria Duval mà tên tuổi gắn với một vụ lừa đảo thuộc hàng lớn nhất lịch sử, đương nhiên cách đầu tiên mà người ta nghĩ tới là thăm dò cộng đồng ông đồng, bà đồng. Tuy nhiên, cũng giống như các điều tra viên quốc tế tìm cách đóng cửa mạng lưới lừa đảo này hàng chục năm nay, rất nhiều người trong cộng đồng đó nói với phóng viên CNN rằng họ không biết bà Duval ở đâu hoặc thậm chí không biết về sự tồn tại của bà ta.

Cái tên Duval là một nhân vật gây tranh cãi đã nhiều thập kỷ. Đối với những người ngưỡng mộ, bà ta là một cố vấn tin cậy, một nhà tiên tri biết trước may rủi và vận mệnh. Đối với những người chỉ trích, bà ta là một tội phạm vô lương tâm, chuyên lừa gạt tiền mồ hôi nước mắt của người già, người cô đơn và người trầm cảm trên toàn thế giới.

Hình ảnh được cho là của người phụ nữ tên là Maria Duval.
Mặc dù tên và chữ ký của bà Duval có trên mọi bức thư gửi cho các nạn nhân, nhưng các điều tra viên liên bang thậm chí còn không biết có phải bà Duval đứng đằng sau âm mưu lừa đảo này không hoặc bà ta có phải là người thực không.

Tìm kiếm trên mạng cho thấy có vô số người nổi tiếng tên là Maria Duval, từ một ca sĩ nhạc pop người Đức cho tới một nữ diễn viên Argentina. Có nhiều lời đồn đại trên mạng và chi tiết mơ hồ về cái tên Duval trên trang Wikipedia. Ví dụ, trang này nói tên thật của bà Duval là Carolina Maria Gambia và bà ta sinh ra ở Italy, sau đó chuyển tới Pháp. Các bức thư cho thấy bà ta đã làm bà đồng hơn 40 năm, xuất hiện hàng nghìn lần trên các phương tiện truyền thông.

Hình ảnh được cho là bà Duval là một phụ nữ tóc vàng, đánh phấn mắt gam lạnh, tóc ngắn. Hình ảnh này cũng xuất hiện trên trang web dưới cái tên Duval. Tuy nhiên, hình ảnh này đã bị gỡ xuống ngay sau khi phóng viên CNN bắt đầu điều tra.

Tới nay, những gì mà CNN thu thập được đều bắt đầu từ năm 1985. Khi đó, bà ta hoặc một ai đó giả là bà Duval đã được cấp quyền sử dụng thương hiệu Maria Duval. Trong nhiều thập kỷ sau đó, một loạt thương hiệu khác đã được tung ra trên toàn cầu, trong đó nhiều thương hiệu có thể do chính bà Duval đăng ký. Nhưng ngay cả các luật sư đại diện cho bà ta cũng nói rằng họ thực sự chưa bao giờ gặp mặt hay nói chuyện trực tiếp với bà ta. Ví dụ như một luật sư đại diện cho bà Duval trong những năm 1990, ông này cho biết chỉ liên lạc với một luật sư ở nước ngoài nhưng không bao giờ trực tiếp với bà Duval. 

Sau này, năm 2006, bà Duval thậm chí còn ký một giấy tờ nộp lên Cơ quan Thương hiệu và Bản quyền Mỹ. Phóng viên điều tra CNN cho rằng chữ ký này có thể là chìa khóa để tìm bà Duval nhưng khi gọi điện và gửi thư điện tử liên tục với vị luật sư nộp hồ sơ đều không nhận được câu trả lời.

Tiếp đó, năm 2009, trong một vụ tranh chấp thương hiệu, một công ty Hà Lan cho biết bà Duval đã cho phép công ty dùng tên bà ta và cho phép thực hiện các hoạt động cho bà ta. Điều đó nghĩa là có những người khác có thể liên quan tới mạng lưới lừa đảo này.

Bà đồng giấu mặt

Về phần các chính phủ, cho dù liên tục điều tra và có nhiều bằng chứng cho thấy các tuyên bố tiên tri của bà Duval chỉ là tưởng tượng, nhưng không có một cơ quan chính phủ nào, kể cả ở Mỹ hay ở nước ngoài, từng gặp mặt bà Duval để thẩm vấn. 

Cảnh sát Windsor ở Ontario (Canada) đã điều tra một mẩu quảng cáo trên báo liên quan tới bà Duval, trong đó bà ta tuyên bố biết “bí mật của một lực lượng bí ẩn có khả năng thu hút sự may mắn tên là Egrigor của thứ 6 ngày 13”. Tuy nhiên, cảnh sát ở đây cho biết họ không bao giờ có thể tìm thấy người hoặc những người chịu trách nhiệm. Vì thế, họ không đưa ra được cáo buộc nào.

Chính phủ Mỹ cũng “bó tay” trong lần theo dấu vết của bà Duval. Bà ta đã ký một giấy thanh toán với Cơ quan Bưu chính Mỹ năm 2007. Tuy nhiên, không ai liên quan tới việc này có thể nói chữ ký kia đến từ đâu. Luật sư từng đại diện cho bà Duval thì nói ông không thể nói chuyện liên quan tới khách hàng cũ.
Mạng lưới Thực thi pháp luật và Bảo vệ người tiêu dùng quốc tế đã mô tả bà Duval là một nhân vật hư cấu sau khi nỗ lực ngăn chặn toàn bộ quảng cáo và thư từ gửi của bà ta tại 9 quốc gia. Na Uy đã đóng các tài khoản ngân hàng mà các nạn nhân được hướng dẫn gửi tiền vào đó, đồng thời ngăn chặn báo chí đăng quảng cáo của bà Duval.

Mặc dù báo chí bàn luận về danh tính của bà Duval từ lâu nhưng chỉ có đôi ba nhà báo tuyên bố đã thực sự phỏng vấn bà ta. Một phụ nữ được cho là bà Duval trong khi trả lời phỏng vấn một đài phát thanh Australia năm 2000 không đề cập tới những tranh cãi về bản thân. Thay vào đó, người này dành cả 15 phút phỏng vấn để khoe về năng lực giác quan thứ sáu. Người phỏng vấn còn ví bà ta với một nhân viên xã hội vì bà ta khoe đã giúp rất nhiều người. Bà Duval nói: “Bằng kỹ năng của tôi, mục đích của chúng tôi là giúp càng nhiều người càng tốt. Tôn giáo đang biến mất. Cơ cấu gia đình không còn như trước. Vì thế phần lớn mọi người cần kể và nói về vấn đề của mình với ai đó. Tôi hi vọng tôi sẽ đóng vai trò đó”.

Một trong những lần cuối cùng mà người ta nhìn thấy bà Duval trên truyền thông là lần xuất hiện đình đám năm 2008 ở Nga. Tại đó, bà ta dự báo một người Mỹ gốc Phi sẽ trở thành tổng thống Mỹ chỉ vài tuần trước khi cuộc bầu cử diễn ra. Sau đó, tháng 12/2008, một tờ báo Pháp thông báo bà Duval đã trở lại thành phố nhỏ Callas. 

Kể từ đó, bà Duval dường như đã nghỉ hưu hoặc ẩn náu. Giấy tờ liên quan tới thương hiệu cho thấy bà ta đã chuyển quyền quốc tế đối với cái tên Duval cho một công ty bình phong cuối năm 2008. Chính là công ty Hà Lan đã nhắc tới ở trên. Từ đó, số lần bà Duval xuất hiện trên truyền thông, YouTube và báo chí giảm dần. Nhưng, các lá thư từ bà Duval vẫn xuất hiện đều đều.

Rõ ràng là cho dù bà Duval là có thật và là người đứng sau vụ lừa đảo này thì mọi chuyện giờ không chỉ giới hạn ở một người phụ nữ. Sau khi tìm hiểu hệ thống trang web xung quanh bà Duval, phóng viên CNN đã phát hiện một số nhân vật mờ ám có thể đứng đằng sau vụ lừa đảo lớn này. Mạng lưới quốc tế này đã giúp vụ lừa đảo tồn tại trên toàn thế giới như thế nào?


Thùy Dương

Giải mã vụ lừa đảo lớn nhất lịch sử - Kỳ 3


    Trong những năm qua, vụ lừa đảo xoay quanh bà đồng Duval đã mở rộng ra toàn thế giới. Ngày càng rõ ràng là một trong những vụ lừa đảo qua thư khét tiếng nhất lịch sử khó có thể là tác phẩm của chỉ một bà Maria Duval nào đó.

    MẠNG LƯỚI QUỐC TẾ

    Trong những năm qua, vụ lừa đảo xoay quanh bà đồng Duval đã mở rộng ra toàn thế giới. Mỗi khi mạng lưới lừa đảo bị đánh sập ở một nước này, nó lại nhanh chóng xuất hiện ở nước khác. Trong quá trình tìm Maria Duval, phóng viên CNN đã lần ra cả một mạng lưới rối rắm gồm các nhân vật mờ ám và công ty bình phong. Nhiều trong số các công ty này dường như đã phát tán thư từ bà Duval suốt hàng chục năm qua. Mỗi khi phóng viên CNN tưởng là đã tìm ra chủ mưu thực sự thì lại thấy một người khác, một công ty khác xuất hiện.

    Cái tên Joseph Patrick Davitt xuất hiện trong tên miền trang web của Maria Duval.
    Dấu vết đầu tiên là vụ Bộ Tư pháp Mỹ tìm cách ngăn chặn bà Duval và một ông đồng tên là Patrick Guerin năm 2014. Các bức thư của bà Duval được cho là xuất phát từ một công ty Canada nhỏ tên là công ty tiếp thị trực tiếp Infogest. Để trốn tránh chính quyền, Infogest đã gửi thư theo kiểu zigzag khắp Bắc Mỹ trước khi chuyển thư tới địa chỉ của nạn nhân.

    Cụ thể, Infogest đã thuê một công ty ở Canada in thư của Duval để gửi cho hàng nghìn người già Mỹ. Thư sau đó được công ty này cho xe tải chuyển đi khắp biên giới Canada tới Albany, New York. Tại đây, thư được gửi đi theo lô 50.000 lá một lần.

    Người nhận thư được hướng dẫn gửi tiền, thông tin cá nhân, ảnh, lọn tóc... cho bà Duval để giúp bà “mài giũa” năng lực tiên tri. Nạn nhân gửi thư tới một công ty tên là Trung tâm Nghiên cứu Vận mệnh ở Hong Kong (Trung Quốc) theo địa chỉ ở Mỹ hoặc Canada.

    Tại các địa chỉ này, thư sẽ được gom lại và gửi tới một công ty ở Long Island, New York tên là Tập đoàn Tiếp thị Dữ liệu. Công ty này được cho là có trách nhiệm xử lý các khoản tiền nạn nhân gửi, hướng dẫn công ty khác gửi các bùa chú cho nạn nhân. Các bùa chú thực ra là những thứ rẻ tiền từ Trung Quốc. Cứ hai tuần, Tập đoàn Tiếp thị Dữ liệu xử lý số tiền lên tới 500.000 USD. Họ vứt bỏ những thứ không phải là tiền như tóc hay ảnh. Nạn nhân sau đó được đưa tên vào danh sách tổng hợp rồi họ lại được gửi thư mới đề nghị gửi thêm tiền. Cứ như thế, vòng gửi thư, nhận thư diễn ra liên tục.

    Cuối năm 2014, Bộ Tư pháp Mỹ đóng cửa mạng lưới làm ăn này khi cấm cả Tập đoàn Tiếp thị Dữ liệu và công ty Infogest gửi thư ở Mỹ. Hàng chục hộp thư nhận tiền bị tịch thu. Hiện cuộc điều tra hình sự đang diễn ra nhưng giới điều tra Mỹ chưa thể chỉ tên ai đứng sau hoạt động này.

    Do đó, phóng viên CNN đã tự mình điều tra và họ cho rằng một người Australia tên là Joseph Patrick Davitt và công ty Listano của ông ta là chìa khóa để giải mã bí ẩn Maria Duval. Tên công ty Listano xuất hiện trong đăng ký tên miền mariaduval.com và mariaduval.net. Listano cũng là chủ hiện tại của các thương hiệu quốc tế mang tên Duval.

    Tuy nhiên, khi phóng viên CNN tìm hiểu thêm về Davitt, họ cho là có khả năng ông ta chỉ là người được thuê để che giấu chủ mưu thực sự. Khi đánh hơi thấy bị điều tra, trang web của ông ta đã ngừng hoạt động, tài khoản LinkedIn bị xóa và khi gọi điện xưng là phóng viên tìm Maria Duval thì ông ta không nói gì. Sau một tuần liên tục gọi điện lại và không ai nghe máy, phóng viên CNN bất ngờ khi thấy giọng nói tự động trong điện thoại nói đây là công ty SuperGreen Lawn Seed, chứ không phải Listano như trước. Tìm hiểu thì công ty này hóa ra là một trong các công ty của Davitt. Gọi điện, gửi thư liên tục nhưng đều vô ích.

    Phóng viên CNN đã rất vất vả trong tìm manh mối vụ Maria Duval.
    Khi bế tắc với ngõ cụt này, phóng viên CNN lần tìm mọi thứ về Listano, dùng Google Street View để tìm tòa nhà công ty theo địa chỉ ở Anh nhưng không nhìn thấy công ty nào như vậy. Khi xem dữ liệu đăng ký công ty ở Anh, có tới cả trăm doanh nghiệp đăng ký kinh doanh tại địa chỉ mà công ty Listano cũng đăng ký. Điều lạ là tên của nhiều công ty lại do một người làm giám đốc.

    Sau khi gọi điện thoại cho rất nhiều đầu mối với hi vọng tìm ra lời giải, chỉ có một người duy nhất trả lời điện thoại của phóng viên CNN. Đó là người tên là Lukas Mattle, một giám đốc của công ty Infogest ở Canada nói trên. Infogest thực ra chỉ là một nhánh nhỏ của một công ty Thụy Sỹ Infogest S. A – chuyên chịu trách nhiệm các hoạt động toàn cầu của bà Duval. Khi được hỏi về Duval, ông ta nói rằng công ty và Duval giờ “đã kết thúc”. Phóng viên CNN tìm hiểu và phát hiện ra Infogest S. A đã đóng cửa năm 2014. Thế nhưng tại sao thư của bà Maria Duval vẫn xuất hiện ở nhiều nước?

    Lúc bế tắc với câu hỏi này thì một tia sáng le lói. Một trong số nhiều người mà phóng viên CNN nhắn tin qua LinkedIn để hỏi, có một người đã trả lời. Khi liên lạc qua điện thoại, ông ta giấu tên, nói rằng mình làm việc cho Astroforce, một trong số các công ty liên hệ chặt chẽ nhất với bà Duval, xuất hiện trên lịch sử tên miền trang web của bà ta và là công ty xuất bản nhiều cuốn sách của bà ta. Ông ta gợi ý nên điều tra vào hai doanh nhân châu Âu Jacques Michel Mailland và Jean - Claude Reuille. Reuille điều hành cả Infogest và Astroforce, còn Mailland là “thiên tài gửi thư” – người bịa ra câu chuyện cho các bức thư. Người này nói rằng do bà Duval là bà đồng nổi tiếng có thể tìm người mất tích nên Mailland quyết định thuê bà ta làm gương mặt và tên của chiến dịch gửi thư đầu những năm 1990. Không rõ bà Duval được trả thù lao như thế nào. Nguồn tin giấu tên cho biết ông làm việc cho Astroforce trong những năm 1990 và nghe nói công ty này đóng cửa nhiều năm rồi, nên sốc khi biết vụ lừa đảo vẫn hoành hành.

    Cuộc nói chuyện khiến phóng viên CNN rất vui mừng vì cuối cùng cũng có người cho họ biết những chi tiết mới quan trọng. Người đó cũng khẳng định Mailland và Reuille là trung tâm của vụ việc.

    Thực ra, hai cái tên này không mới với CNN. Mailland là một người liên hệ được liệt kê trên trang web của Maria Duval trong nhiều năm và là giám đốc một trong những công ty của Astroforce. Reuille thì kín tiếng hơn nhưng hồ sơ đăng ký công ty ở Thụy Sỹ cho thấy Infogest từng có tên là Reuille Holding khi ông này làm giám đốc. Một số nhân viên khác của Infogest cũng cho biết Reuille điều hành công ty phát tán thư của Duval.

    Vậy Mailland và Reuille là ai và có phải họ là chủ mưu của vụ lừa đảo đằng sau cái tên Maria Duval?


    Thùy Dương

    Giải mã vụ lừa đảo lớn nhất lịch sử - Kỳ 4

    Khi tìm hiểu về hai doanh nhân châu Âu Jacques Mailland và Jean-Claude Reuille được một nguồn tin giấu tên gợi ý, phóng viên CNN đã phát hiện ra những điều kỳ lạ.

    DOANH NHÂN MỜ ÁM

    Mailland chính là người đã biến bà Duval từ một bà đồng Pháp ở một thành phố nhỏ trở thành một hiện tượng quốc tế khi lấy hình ảnh và chữ ký bà ta đưa vào hàng triệu bức thư. Tên Mailland xuất hiện trên đăng ký tên miền cho các trang web của bà Duval. Facebook có hình ảnh ông ta chụp cùng các cháu, lướt ván diều, nghỉ dưỡng ở Brazil. Hồ sơ Google+ có bạn bè là ông đồng Patrick Guerin. Trong đó cũng có danh sách người tham dự một hội thảo tiếp thị cách đây vài năm và ông ta là đại diện một công ty Thụy Sĩ mang tên World of Concepts - cái tên xuất hiện trên đăng ký bản quyền các quảng cáo cho bà Duval ở Nga và Ukraine. Điều này cho thấy công ty trên đã phụ trách đăng các quảng cáo cho bà Duval.

    Khi Willem Bosma, một phóng viên tờ Leeuwarder Courant của Hà Lan biết CNN đang điều tra Maria Duval, anh đã liên lạc và cung cấp cho họ nhiều thông tin mà anh đã điều tra năm 2007. Khi đó, Mailland phối hợp chặt chẽ với bà Duval, thậm chí còn được coi là thư ký riêng của bà này. 
    Reuille (trái) từng ăn tối với bà Duval và ông Mailland.
    Phóng viên CNN đã tìm cách liên lạc với Mailland qua điện thoại, thư điện tử nhưng không thành công. Liên lạc với các con gái ông này cũng không được. Cuối cùng, họ đã gửi thư cho trường dạy lướt ván diều ở Brazil đã đăng các bức ảnh của ông Mailland và nhận được câu trả lời: Ông ta đã chết trong một tai nạn ở Pháp tháng 5/2015. Họ đã bỏ hàng tuần để tìm thông tin về vụ tai nạn hay hồ sơ về cái chết của ông ta nhưng không thấy.

    Khi cánh cửa đã đóng với Mailland, phóng viên CNN quay sang tìm hiểu về Jean-Claude Reuille - một người rất kỳ dị. Thông tin về ông này xuất hiện trong một bài báo đăng trên tạp chí L’Hebdo của Thụy Sĩ cách đây hơn 20 năm. Theo đó, ông Reuille liên quan tới một tôn giáo mà chưa ai nghe tới: Raelism. Tìm hiểu trên Google thì được biết đây là “tôn giáo UFO”, xoay quanh niềm tin rằng con người có tổ tiên là người ngoài hành tinh. Trang web này lấy hình ảnh ngôi sao 6 cánh làm logo. Reuille là người xuất bản một cuốn sách về người có tên Rael năm 2001 mang tên: “Nói có về nhân bản người: Cuộc sống vĩnh cửu nhờ khoa học”. 

    Khi biết ông Reuille đã sống ở Thụy Sĩ nhiều năm rồi chuyển sang Thái Lan năm 2006, phóng viên CNN đã viết thư và gửi tới địa chỉ ở Thái và Thụy Sĩ. Họ bất ngờ khi nhận được thư trả lời từ chính Reuille và được ông ta cho số điện thoại để liên lạc.

    Reuille thừa nhận rằng Infogest từng là công ty của ông ta. Ông ta đã mua một số doanh nghiệp năm 1991 và năm 1996 thì gom các công ty vào dưới cái tên Reuille Holding, sau đó được đổi tên thành Infogest. Năm đó, ông ta đã bắt đầu bán các công ty và rời vai trò quản lý. Tuy nhiên, ông vẫn là cổ đông trong 10 năm - khoảng thời gian thư của bà Duval được phát tán khắp nơi. Khi được hỏi bán các công ty cho ai thì Reuille không chịu nói và cũng nhanh chóng phủ nhận liên quan tới Duval và thư từ của bà ta, ngay cả khi Infogest là đại diện điều hành kinh doanh cho bà Duval năm 2005. Ông ta cho biết không có vai trò quản lý Infogest năm 2005 và chỉ nhớ rằng bà Duval từng chu du thế giới với Mailland, rằng mình đã từng ăn tối với hai người.

    Theo lời Reuille, bà Duval và ông Mailland đều thuộc Công ty Astroforce nhưng nói mình không liên quan tới công ty đó. Điều này mâu thuẫn với những gì phóng viên CNN biết, rằng giữa Infogest và Astroforce có liên hệ chặt chẽ. Khi được đề nghị giải thích những mâu thuẫn đó, Reuille không bình luận gì và cứ khăng khăng không bao giờ quản lý Astroforce cũng như các công ty của Maria Duval. Nhưng cho dù ông Reuille có dính líu ngay từ đầu thì cũng không có bằng chứng gì cho thấy ông ta hiện có liên quan tới vụ lừa đảo.

    Trong khi Mailland đã chết, còn Reuille thì không chịu nói đã bán công ty cho ai, cái tên duy nhất được coi là Giám đốc Infogest gần đây là Beda Mattle, một người có rất ít thông tin. Thay vì tiếp tục tìm kiếm trong bế tắc thông tin về Mattle, phóng viên CNN lại tiếp tục quay trở về những dấu vết gần đây nhất của bà Duval. 

    Đó là dấu vết tại Nga - nơi mà bà Duval có một loạt hoạt động, nổi bật là trang web mang tên bà ta có dịch vụ hướng dẫn tiên tri bằng tiếng Nga. Trên trang web này, họ bắt gặp cái tên mới: Doanh nhân Thụy Sĩ Lucio Parrella. Parrella hiện là người liên lạc trên trang web của bà Duval và làm việc cho Công ty World of Concepts - công ty đăng ký bản quyền các quảng cáo của Duval ở Nga. Khi được liên lạc qua điện thoại thông qua phiên dịch viên người Pháp, ông ta thừa nhận đang bán bản quyền sách của bà Duval cho công ty Listano và không biết gì về các bức thư của bà ta.

    Trong khi nói chuyện, dù lúc đầu nói không làm việc với ai tên Mailland nhưng Parrella lại lỡ lời nói có thể Mailland đã đưa tên mình làm địa chỉ liên lạc trên trang web của bà Duval. Điều đó cho thấy, Mailland vẫn tham gia phát tán thư cho bà Duval trong những năm gần đây.

    Có điều là Parrella không chỉ làm việc với một bà đồng Duval mà còn với một ông đồng nữa tên là Martin Zoller, một người Thụy Sĩ sống ở Panama. Parrella là Giám đốc Công ty Golden Mind chuyên cung cấp hướng dẫn tiên tri và lời khuyên của ông đồng Zoller trên toàn thế giới với một mức phí nào đó.

    Cùng với cái tên Zoller, phóng viên CNN bắt đầu lần ra một số hoạt động tiên tri khả nghi tương tự như vụ lừa đảo Maria Duval. Dường như có cả một thế giới ông đồng bà cốt với những cái tên, gương mặt và hứa hẹn cụ thể. Tất cả đều theo một mô hình cơ bản. Tuy nhiên, tất cả đầu mối đều quay trở lại với cái tên Duval. 

    Sau chừng ấy thời gian điều tra, phóng viên CNN vẫn chưa chắp nối được các sự kiện, những cái tên và họ biết rằng cách duy nhất là phải gặp Maria Duval - cái tên bắt đầu vụ lừa đảo và do đó phải là cái tên giải thích mọi chuyện. Và hành trình của phóng viên CNN tìm bà Duval trên đất Pháp bắt đầu.


    Thùy Dương

    Giải mã vụ lừa đảo lớn nhất lịch sử - Kỳ cuối

    Hiện vẫn chưa rõ bà Duval có phải là nạn nhân vô tội hay vẫn có khả năng bà tham gia vào vụ lừa đảo suốt thời gian qua hay không. Chỉ biết rằng, Maria Duval là một người thật và còn sống, nổi tiếng ở Pháp vì có tài tiên tri.

    GÕ CỬA NHÀ MARIA DUVAL

    Phóng viên CNN hạ quyết tâm tìm Maria Duval. Sau khi xác định được bà Duval đúng là sống ở thành phố nhỏ Callas ở Pháp, có địa chỉ và số điện thoại, họ thuyết phục cấp trên cho tới Callas để điều tra.

    Hành trình tìm sự thật

    Sau hơn một ngày di chuyển và lái xe qua những con đường ngoằn ngoèo miền nam nước Pháp, các phóng viên CNN đã tới được Callas và chật vật mới tìm được đúng nhà của Maria Duval. Ngôi nhà hai tầng, màu trắng, kín cổng cao tường, cho thấy rõ là chủ nhân không muốn bị làm phiền. Quanh nhà có các biển cảnh báo camera giám sát 24/24 giờ và cảnh báo chó dữ bằng tiếng Pháp.

    Ảnh bà Duval năm 1977.
    Sau vài phút bấm chuông và chờ đợi, cổng nhà cũng bắt đầu mở ra cùng tiếng chó sủa dữ dằn. Trước khi cánh cửa khép vào, họ nhanh chóng nhìn người phụ nữ bên trong và đó không phải bà Duval. Nói chuyện qua cổng, người phụ nữ cho biết bà làm việc cho bà Duval và hỏi danh tính cũng như ý định của phóng viên CNN. Khi phóng viên CNN nói họ là phóng viên muốn gặp bà Duval thì được biết bà Duval đang ở Rome.

    Người phụ nữ cho biết không thể giúp gì và bảo để lại giấy nhắn tin cho bà Duval trong hộp thư gần cổng. Rồi mặc cho phóng viên CNN ra sức hỏi tên và gọi với theo, bà ta biến mất vào trong nhà.

    Họ viết thư cho bà Duval và đặt trong hộp thư ngoài cổng sau đó nói chuyện với hàng xóm. Họ đều xác nhận bà Duval sống ở đây nhiều năm nhưng biết rất ít về bà ta. Phóng viên CNN trở lại ngày hôm sau và lần này họ gặp người làm vườn của bà Duval. Người này cũng bảo bà Duval đang ở Rome.

    Họ đành quay trở về với chồng tài liệu mang theo sang Pháp. Họ phát hiện thêm một cái tên trong tài liệu liên quan tới nhà đất của bà Duval mà trước đó chưa để ý: Marie-Francoise Gamba. Khi gọi điện cho người này, một phụ nữ có vẻ lớn tuổi cho biết mình là em gái của bà Duval và nói chuyện với chị gái gần như hàng ngày. Khi được biết Chính phủ Mỹ đã kiện bà Duval và những người khác về vụ lừa đảo qua thư, người phụ nữ này dường như bị sốc. Bà giải thích rằng bà Duval đã bán quyền sử dụng tên cho một công ty Thụy Sĩ cách đây nhiều năm và chị gái bà không liên quan tới những gì xảy ra sau đó. Bà cũng nhắc lại rằng sức khỏe bà Duval đang suy yếu nên rất ngạc nhiên nếu bà thực sự ở Rome.

    Biển cảnh báo dán ngoài cổng nhà bà Maria Duval.
    Cho dù bà Duval có ở Rome hay không thì rõ ràng một điều là bà không có hứng thú gặp phóng viên CNN. Và bà ta vẫn là một ẩn số. Giờ họ chỉ còn một đầu mối cuối cùng là con trai bà Duval, Antoine Palfroy. Họ đã trao đổi thư điện tử với Palfroy từ khi tới Pháp, cầu xin anh ta nói về bà Duval và giải thích tại sao bà lại trở thành gương mặt của một vụ lừa đảo lớn như vậy. Sau khi trả lời vài thư ngắn ngủi, anh ta đột ngột ngừng viết.

    Phóng viên CNN quyết định tới hiệu sách mà Palfroy làm chủ ở Toulon. Họ gọi điện cho hiệu sách trước nhưng số điện thoại không kết nối được. Gọi điện cho các cửa hàng bên cạnh thì họ cho biết hiệu sách đã đóng cửa cách đây 6 tháng. Dù vậy, họ vẫn quyết định tới hiệu sách.

    Khi tới nơi, họ nhìn thấy một tấm biển rao bán bên ngoài cửa kèm số điện thoại. Họ gọi điện và bất ngờ khi chính Palfroy trả lời. Bất ngờ hơn nữa là anh ta đề nghị gặp mặt để nói chuyện. Phóng viên CNN gặp anh ta ở quán cà phê Le Chantilly gần hiệu sách, ngay ngày trước khi họ rời Pháp theo kế hoạch.

    Thủ phạm thành nạn nhân?

    Palfroy đến gặp phóng viên CNN cùng con gái. Ban đầu, anh ta nghi ngờ về động cơ của các phóng viên nhưng cuộc nói chuyện kéo dài hơn một tiếng và còn có thể lâu hơn nếu quán cà phê không đóng cửa. Những gì anh ta kể là chuyện về một phụ nữ thỏa thuận với quỷ dữ. Theo đó, mẹ anh ta trong nhiều năm đã sống một cuộc sống bình thường, làm chủ một doanh nghiệp tẩy rửa công nghiệp bể bơi và nhà tắm hơi, sau đó làm chủ một vài cửa hàng quần áo. Tại các cửa hàng này, bà đã lần đầu tiên tư vấn chiêm tinh cho bạn bè. Bà Duval bắt đầu có ý định giúp người khác, thậm chí còn phối hợp với cảnh sát để tìm người mất tích.

    Tuy nhiên, tất cả chấm dứt khi bà bán quyền sử dụng tên cho các doanh nhân Thụy Sĩ cách đây hơn 20 năm. Lúc đầu, họ chỉ bán biểu đồ chiêm tinh. Sau đó, họ trở nên tham lam hơn, thay đổi mô hình làm ăn và bắt đầu gửi thư hàng loạt dưới cái tên của bà. Palfroy cho biết mẹ anh ta rất buồn về những bức thư nhưng không thể làm gì. Khi được hỏi tại sao bà Duval từng bảo vệ các bức thư, anh ta nói vì bà đã ký hợp đồng không được làm mất uy tín công ty. Theo lời Palfroy, những gì bà Duval ký giống như chuyện trong phim Bố già. Công ty ký với bà Duval dọa rằng bà sẽ chịu hậu quả thảm khốc cả về pháp lý và tài chính nếu tìm cách rút khỏi hợp đồng. Đó có thể là một lý do khiến bà từ chối nói chuyện với phóng viên CNN.

    Theo hợp đồng, bà Duval buộc phải xuất hiện trên truyền hình ở nhiều nước. Palfroy nói: “Mẹ đã phải tới Nga và Nhật Bản để cho mọi người thấy rằng Maria Duval thực sự tồn tại, không chỉ là cái tên. Đó là một người bằng xương bằng thịt”. Hợp đồng cấm bà dùng tên Maria Duval cho công việc riêng. Bà sống dựa vào thù lao và thanh toán từ công ty mua bản quyền tên bà. Lúc đầu, số tiền rất lớn nhưng khi quyền sử dụng tên Duval được trao tay rất nhiều người thì các khoản tiền trả cho bà cứ giảm dần. Palfroy cho rằng giờ mẹ anh ta không còn nhận được thù lao nữa, đồng thời cho biết rất buồn vì những gì đã xảy ra và anh ta căm ghét khi thấy tên mẹ mình bị lợi dụng.

    Kết thúc cuộc gặp, các phóng viên CNN cảm thấy hoang mang. Họ về Mỹ với một câu hỏi mới: Chẳng lẽ người phụ nữ là trung tâm vụ lừa đảo đã trở thành nạn nhân? Những gì Palfroy kể giải thích được tại sao ngay cả nhân viên của các công ty phát tán thư của bà Duval cũng chỉ biết lờ mờ về bà, tại sao thư được viết bằng những thứ tiếng mà bà Duval không biết, tại sao bà ta lại mơ hồ và khó tìm như vậy, tại sao một bà đồng già cả lại có thể là trung tâm của một vụ lừa đảo kéo dài nhất lịch sử.

    Hiện vẫn chưa rõ bà Duval có phải là nạn nhân vô tội hay vẫn có khả năng bà tham gia vào vụ lừa đảo suốt thời gian qua hay không. Chỉ biết rằng, Maria Duval là một người thật và còn sống, nổi tiếng ở Pháp vì có tài tiên tri. Cho dù bà chết đi thì cái tên Maria Duval có thể vẫn sống mãi, chừng nào người ta còn làm giàu được từ cái tên đó.
    Thùy Dương

    Nhận xét

    Bài đăng phổ biến từ blog này

    NGẬM SẦU (ĐL)

    MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

    MỌC CÁNH