MUÔN NẺO MƯU SINH 20

(ĐC sưu tầm trên NET)

Những người phụ nữ tần tảo mưu sinh ở miền Tây xứ Nghệ

20/10/2016 02:59:52

Trên những con đường ngoằn ngoèo lên huyện biên giới Quế Phong (Nghệ An), chúng tôi đã chứng kiến biết bao nỗi vất vả mưu sinh của những người phụ nữ người bản xứ. Họ không quản mưa bão, nắng gió vẫn gồng mình mưu sinh để trang trải cuộc sống thường ngày.
Cảnh Thắng Thứ Năm, ngày 20/10/2016 11:53 AM (GMT+7)
Dọc theo con đường trên miền biên giới xã Thông Thụ, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong (Nghệ An), chúng tôi đã chứng kiến nhiều người phụ nữ tần tảo sớm hôm mưu sinh lo cho con cái ăn, con chữ. Ở đây họ làm đủ thứ nghề; nào là lên rừng bẫy thú, hái lượm rồi lại gồng gánh xuống đường lớn để bán cho khách qua đường; nào là trồng chanh leo để có thêm thu nhập; nào là vào rừng để chặt cây lùng, cây nứa để bán cho thương lái. Tất cả họ đều lam lũ, mong muốn có một cuộc sống hạnh phúc, nuôi con cái thành người, có một tương lai tươi sáng.
Những người phụ nữ ở Bản Tục, xã Đồng Văn, huyện Quế Phong từ sáng sớm đã vào rừng chặt nứa lùng để mưu sinh.
Tại chợ tạm ở ngã 3 xã Châu Thôn đường lên biên giới thuộc địa phận xã Tri Lễ, huyện Quế Phong rất nhiều phụ nữ đã gồng gánh những bó rau, củ quả, thú rừng bày bán để trang trải cuộc sống.
Những sản vật của núi rừng ở vùng biên được các chị em người dân tộc thiểu số người bản xứ bày bán cho thực khách.
Chị Vi Thị Niệm ở bản Yên Sơn, xã Tri Lễ đang thu hoạch lứa chanh leo mới trên 200 gốc do mình trồng và chăm sóc: “Hàng ngày, tôi chăm sóc, tưới phân, tưới nước đến nay cây chanh leo do tôi chăm bẵm đã cho thu hoạch lứa đầu tiên. Tôi mừng lắm, vậy là tôi có tiền nộp học cho con rồi...”, chị Niệm cho biết thêm.

Lặng nhìn cuộc sống ngư phủ cất vó ở thượng nguồn sông Sài Gòn

Giữa đôi bờ thượng nguồn sông Sài Gòn phì nhiêu, nhiều gia đình lặng lẽ sống trên những căn chòi gác giữa lòng sông, mưu sinh bằng nghề cất vó.
 
Nghề quay vó xuất hiện trên khúc sông thuộc lòng hồ Dầu Tiếng (giữa địa phận xã Tân Hiệp, Hớn Quản, Bình Phước và huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh) từ khi công trình thủy lợi nhân tạo lớn vào loại bậc nhất Đông Nam Á này được xây dựng. Người mưu sinh là dân tứ xứ, hầu hết là cư dân nghèo các tỉnh miền Tây.  Công việc hàng ngày của những ngư dân nơi đây là quay vó, bơi xuồng đi đổ cá và qua khu vực biên giới bên kia sông thuộc địa phận tỉnh Tây Ninh để bán cá vào mỗi sáng sớm hoặc xế chiều.
 
Tài sản của vợ chồng anh Nguyễn Thanh Triều (sinh năm 1973) và chị Võ Quỳnh Châu (sinh năm 1980) quê Kiên Giang là một căn chòi gác giữa lòng sông, ba trụ vó và một chiếc ghe máy. Ngoài chi phí 80 triệu đồng vay mượn mua sắm ngư cụ, họ phải nhờ 4 người anh em giúp chặt cây, dựng chòi ở, cắm trụ vó mất gần một tháng. Anh Triều cho biết, ở quê không có đất sản xuất và sống bằng nghề làm mướn vất vả nên nhiều người ở các tỉnh miền Tây lên sông Sài Gòn làm nghề vó, hy vọng kiếm được nhiều tiền để về quê mua đất ổn định cuộc sống.
 
Cá ở đây chủ yếu là cá trắng, cá mè, cá cơm. Từ cuối tháng 4 đến hết tháng 7 hàng năm là thời điểm rộ cá, ngư dân phải thức 24/24h để quay vó. Trừ chi phí tiền dầu, tiền thuế đánh bắt cá, mỗi tháng vợ chồng anh Triều kiếm được khoảng chục triệu. Thời gian còn lại, nhất là mùa khô nguồn cá khan hiếm, công việc kéo vó diễn ra từ 3h sáng đến 20h đêm, thu nhập có ngày chỉ được khoảng 100.000 đồng. “Mấy năm nay lượng người khai thác cá ngày càng tăng và đánh bắt với nhiều loại hình khác nhau, trong đó có cả những loại hình bị cấm, nguồn nước sông lại bị ô nhiễm do nhà máy chế biến mủ cao su xả thải nên nguồn cá đang dần khan hiếm”, anh Triều chia sẻ.
 
Trước đây, quay vó được thực hiện bằng sức người, mất nhiều thời gian và vất vả. Nay có máy thay thế nhưng không có điện chạy mô tơ nên phải dùng máy nổ dầu, rất tốn kém.
 
Nghề vó đối diện với rủi ro và nguy hiểm bởi ngư dân ít được ngủ, lại làm việc với máy móc trên chòi gác giữa lòng sông sâu. Mùa khô nước rút cách mặt sàn 7-8 m, trong khi mùa mưa nước dâng ngập mặt sàn, chảy xiết.
 
Anh Trần Văn Kha (sinh năm 1982) quê Kiên Giang, cho biết năm 2012, vợ anh là chị Võ Quỳnh Như bị ròng rọc cuốn gãy nát xương tay khi quay vó. Chi phí mổ ghép hết hơn 20 triệu đồng, đến nay chị vẫn chưa có tiền đi mổ để tháo đinh và miếng ghép. Có những ngư dân đã bỏ nghề vó dù đã bám sông hơn chục năm như ông Võ Văn Diệu (cậu vợ anh Triều). Cũng có người do nước ngập sàn chòi không ở được, phải bỏ vó lên bờ.
 
Các gia đình ngư phủ trồng rau trong thùng xốp để cải thiện bữa ăn hàng ngày. Điều kiện đi lại khó khăn nên thường 4-5 ngày họ mới lên bờ một lần để mua thức ăn chủ yếu là rau xanh và xin nước sạch ăn uống. Mọi sinh hoạt khác như tắm giặt phải dùng nước sông vẩn đục và ô nhiễm.
 
Sống tách biệt với thế giới bên ngoài, những đứa trẻ nơi đây thiếu thốn điều kiện được vui chơi, nhút nhát với người lạ.
 
Trẻ đối diện với nhiều hiểm nguy khi người lớn mải mê làm việc. Điểm trường cách xa 7-8 km nên đến tuổi vào lớp 1, những đứa trẻ này được gửi về quê ở với ông bà để đi học.
Lê Trực

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

NGẬM SẦU (ĐL)

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH