BÍ ẨN ĐƯỜNG ĐỜI 73

(ĐC sưu tầm trên NET)

Sự thật Huyền Trân công chúa “tư thông” với Trần Khắc Chung


(Tinmoi.vn) Viết về công chúa Huyền Trân, cả chính sử và dã sử đã tốn khá nhiều giấy mực để luận “công” và “tội” của nàng. 
Việc nàng thuận theo ý phụ vương là thái thượng hoàng Trần Nhân Tông về làm phi của vua Chế Mân nước Chiêm Thành đã góp phần thắt chặt tình bang giao giữa hai nước, tạo mối thâm tình để chống kẻ thù chung là giặc Nguyên Mông vẫn đang ngày đêm nhòm ngó và đặc biệt là việc dâng châu Ô, châu Lý của vua Chế Mân để cầu hôn nàng (vùng đất Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế ngày nay) đã giúp nước ta mở rộng bờ cõi về phía Nam.
Hình ảnh Sự  thật Huyền Trân công chúa “tư thông” với Trần Khắc Chung số 1Chân dung công chúa Huyền Trân. Ảnh minh họa
Nhưng lịch sử cũng đặt ra nhiều câu hỏi xung quanh cuộc đời nàng: Làm thế nào Huyền Trân công chúa có thể thoát khỏi nước Chiêm Thành mà không phải chịu án “hỏa táng” theo vua Chế Mân khi nhà vua băng hà? Làm thế nào để nàng và đoàn hộ tống có thể sống sót trở về sau hơn một năm lênh đênh trên biển, vượt qua những hải khẩu chi chít của nước Chiêm Thành với đội quân tinh nhuệ thiện chiến hay lũ hải tặc luôn đêm ngày rình rập? Và tại sao, sau hơn một năm trời, đoàn thuyền mới trở về? – Đó cũng là mấu chốt của nghi án mối tình giữa Huyền Trân công chúa và quan Hành khiển thượng thư tả bộc xạ Trần Khắc Chung – vị tướng trẻ tài ba, mưu lược được nhà Trần cử sang Chiêm quốc để tìm cách rước công chúa về nước.
Chuyến tàu định mệnh và nghi án “tư thông”
Trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư có đọan chép như sau: Theo tục lệ Chiêm Thành, chúa chết thì bà hậu của chúa phải vào giàn thiêu để chết theo. Vua biết thế, sợ công chúa bị hại, sai bọn Khắc Chung, mượn cớ là sang viếng tang và nói với người Chiêm: ”Nếu công chúa hỏa táng thì việc làm chay không có người chủ trương, chi bằng ra bờ biển chiêu hồn ở ven trời, đón linh hồn cùng về, rồi sẽ vào giàn thiêu”.
Hình ảnh Sự  thật Huyền Trân công chúa “tư thông” với Trần Khắc Chung số 2Công chúa Huyền Trân được gả sang nước Chiêm Thành. Ảnh minh họa
Một sự việc quan trọng như thế mà nhà chép sử chỉ gói gọn trong chừng ấy dòng một cách hết sức sơ sài. Điều đó đã gây ra bao sự hiểu nhầm đáng tiếc, cho rằng trong hơn 1 năm lênh đênh trên biển ấy Huyền Trân và Trần Khắc Chung đã có cơ hội tư thông với nhau.
Từ đó đến nay lẻ tẻ cũng có một vài tiếng nói phản biện nhưng hầu như chưa ai bỏ công nghiên cứu, phân tích thật kỹ lưỡng, nghiêm túc về sự việc trên để minh oan cho Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông, Trần Khắc Chung và công chúa Huyền Trân. 
Cuộc giải cứu Huyền Trân chắc chắn là có nhiều điều bí ẩn. Triều đại nhà Trần vì một lý do tế nhị nào đó mà không muốn công khai vụ việc này. Những người trực tiếp tham gia vụ giải cứu  như Trần Khắc Chung, Đặng Vân… đã mang theo bí mật ấy xuống mồ. Vì thế những kẻ thâm thù với triều đại nhà Trần, với thượng tướng Trần Khắc Chung sau này có cớ để đơm đặt, suy diễn.
 Sự thật Huyền Trân có “tư thông” với Trần Khắc Chung?
Chỉ cần tinh ý ta cũng có thể nhận thấy những điều hết sức phi lý trong đoạn văn trên của Ngô Sĩ Liên. Nên nhớ là giai đoạn lịch sử ấy (1220- 1340), mối bang giao giữa hai nước Đại Việt và Chiêm Thành hết sức tốt đẹp. Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông hai nước đã từng liên kết với nhau. Vua Chiêm đã từng mang quân ra tận Nghệ An giúp Trần Nhân Tông. Vua Trần Nhân Tông đã từng cử hàng nghìn binh mã, hàng trăm chiến thuyền ứng viện giúp chủ tướng Chế Mân đánh thắng Toa Đô khi Toa Đô hùng hổ đưa 5 nghìn quân, 100 hải thuyền, 250 chiến thuyền tấn công Chiêm Thành (năm 1282 - 1285). Việc Thái thượng hoàng và vua đồng tình gả công chúa “cành vàng lá ngọc” Huyền Trân cho Chế Mân (vua nước Chiêm) và Chế Mân dâng tặng hai châu Ô - Lý cho Đại Việt làm sính lễ đã nói lên mối bang giao tốt đẹp đó. Đây là chiến lược Hòa – Thân của cả hai nước để liên minh chống giặc xâm lược phương Bắc. Không lẽ chỉ vì sợ công chúa Huyền Trân bị đưa lên giàn thiêu theo tục lệ người Chăm khi Chế Mân băng hà mà Trần Nhân Tông và Trần Anh Tông lại làm một việc chẳng lấy gì quang minh chính đại như vậy đối với một nước láng giềng đang hết sức thân thiện với nước mình? Chuyện Trần Nhân Tông và Trần Anh Tông sợ Huyền Trân bị đưa lên giàn hỏa thiêu là có thật. Chuyện Thái thượng hoàng và vua cử thượng tướng Trần Khắc Chung đi giải cứu Huyền Trân là có thật. Nhưng sự việc không phải đơn giản như mấy dòng sao chép sơ sài của tác giả ĐVSKTT. Nhiệm vụ đặt ra cho vụ giải cứu này là bằng mọi giá cứu được Huyền Trân nhưng không làm tổn thương mối bang giao hai nước. Đó là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, buộc Thái thượng hoàng và vua phải “chọn mặt gửi vàng”. Thượng tướng Trần Khắc Chung là một sự lựa chọn thích hợp và sáng suốt nhất. Ông vừa có tài quân sự vừa có tài ngoại giao. Chính Toa Đô cũng đã phải kính nể tài ứng đối của Trần Khắc Chung.
Chính Trần Khắc Chung đã có công lớn trong cuộc chiến thắng quân Nguyên - Mông vào năm 1289 (đúng năm Huyền Trân ra đời) và sau đó được phong chức Đại Hành Khiển. Khi trao nhiệm vụ cho Trần Khắc Chung chắc chắn Thái thượng hoàng và vua đã lường trước một số tình huống và dự kiến một vài kế sách ứng phó. Trong bối cảnh mối quan hệ đang tốt đẹp của hai nước thì thượng sách vẫn là dùng con đường ngoại giao, cực chẳng đã mới dùng đến biện pháp quân sự. Theo một số tư liệu đáng tin cậy thì vua Chế Mân băng hà vào tháng 5 - 1306, tháng 9 Huyền Trân sinh thái tử Đa Da và mãi tháng 10 năm đó đoàn giải cứu của Trần Khắc Chung mới đến kinh đô Chiêm Thành đóng tại Quy Nhơn (Bình Định). Cuộc giải cứu kéo dài gần một năm trời. Tháng 8 năm 1307 đoàn mới đưa được Huyền Trân trở về Thăng Long. Bao nhiêu sự việc phức tạp xảy ra trong thời gian đó. Trước hết là vị thế của Huyền Trân. Nàng giờ đường đường là hoàng hậu của nước Chiêm, phải sống trong hậu cung có quân lính canh phòng nghiêm ngặt ngày đêm nên việc tiếp cận với nàng đâu phải dễ dàng. 
Hơn nữa, nàng đang thời kỳ sinh nở nên việc tiếp cận lại càng khó khăn. Như vậy buộc lòng Trần Khắc Chung và đoàn giải cứu phải chờ đợi ít nhất là ba, bốn tháng. Trong thời gian đó Trần Khắc Chung tranh thủ tiến hành công tác ngoại giao, thuyết phục vừa nhu vừa cương để người Chăm buộc lòng đồng ý cho đưa Huyền Trân về nước. Điều này thì Trần Khắc Chung vốn có biệt tài.
Lại còn Huyền Trân nữa. Chắc gì Huyền Trân đã đồng ý trở về cố quốc trong hoàn cảnh chồng vừa mất chưa mãn tang và thái tử Đa Da vừa mới lọt lòng? Trong một năm chung sống với Chế Mân nàng thấu hiểu vì sao cha nàng đã chọn Chế Mân làm con rể. Chuyến ghé thăm Chiêm Thành (vào năm 1301) gần 9 tháng trời, Trần Nhân Tông quá hiểu về cốt cách và tài năng của Chế Mân. Chế Mân là một vị anh hùng của người Chiêm thời đó. Đâu phải như thiên hạ chào xáo: Tiếc thay cây quế giữa rừng/ Để cho thằng Mán, thằng Mường nó leo. Chức danh Hoàng hậu của Huyền Trân được Chế Mân và triều đình sắc phong đủ cho ta thấy tình cảm tốt đẹp của cặp đôi “trai anh hùng, gái thuyền quyên” này. Đứa con mới sinh của nàng cũng là một bằng chứng cho tình cảm tốt đẹp đó. Thuyết phục nàng trở về cố quốc đâu phải là chuyện dễ dàng. Tất cả đều phải có thời gian và phụ thuộc vào tài ăn nói của Trần Khắc Chung. 
Chuyện Khắc Chung “dùng thuyền nhẹ cướp lấy công chúa đem về, rồi tư thông với công chúa” là hoàn toàn bịa đặt. Có người đã chứng minh khá thuyết phục rằng một chiếc “thuyền nhẹ” làm sao thoát được màng lưới thủy quân hùng mạnh và dày đặc đã từng đánh tan 5 nghìn quân, 100 hải thuyền, 250 chiến thuyền của Toa Đô; làm sao chuyên chở đủ lương thực, nước uống cho đoàn giải cứu trong gần một năm trời; làm sao bảo đảm được tính mạng của một phụ nữ chân yếu tay mềm vừa mới sinh con lênh đênh trên biển những khi sóng to gió lớn? Nếu chiếc “thuyền nhẹ” đó thoát ra khỏi vòng vây của thủy quân Chiêm Thành trong thời gian nhanh nhất (vì chậm sẽ bị bắt) thì làm gì có chuyện gần một năm “loanh quanh” trên biển mới về đến kinh đô Thăng Long. Chuyện này đâu dễ dàng qua mắt bá quan văn võ triều đình nhà Trần thời đó. 
Lịch sử hai nước không ghi lại một cuộc rượt đuổi nào hay một sự tổn thất về người nào trong cuộc giải cứu. Và sau khi Huyền Trân về nước một thời gian khá dài không hề thấy phía Chiêm Thành động tĩnh gì. Điều đó cho chúng ta phỏng đoán khả năng cuộc giải cứu đã được tiến hành bằng biện pháp ngoại giao và công đầu thuộc về tài thuyết phục của Trần Khắc Chung. Bởi thế mà sau khi ông mất, triều đình ban tặng cho ông chức Thiếu sư (chức danh xếp hàng thứ hai thời bấy giờ).
Hình ảnh Sự  thật Huyền Trân công chúa “tư thông” với Trần Khắc Chung số 4Đền thờ Huyền Trân ở Huế
 Chuyện một phụ nữ vừa chết chồng - người chồng mà nàng rất mực yêu thương và kính trọng; vừa mới buộc lòng xa lìa đứa con mình mới sinh cùng với việc công chúa đang ở trong thời gian hậu sản, về phương diện y học thì thời gian hậu sản nầy kéo dài vài tháng đến nửa năm, nếu như cách đây 700 năm với hiểu biết vệ sinh, phòng bệnh và các phương tiện, thuốc men chăm sóc cho một sản phụ sau khi sinh nở thì còn rất lạc hậu, đâu có cắt tầng sinh môn, đâu có trụ sinh, phòng cách ly vô trùng như bây giờ, vả lại đối với công chúa đây là lần sinh đầu tiên trong đời, sinh con so khó khăn gấp nhiều lần sinh con rạ, thời gian để lành vết thương hay rách âm đạo, thời gian để co hồi tử cung, hoặc nhiễm trùng hậu sản và phần phụ có thể kéo dài rât lâu, theo phong tục tập quán của người Việt Nam thời gian "Phong Long" là 3 tháng 10 ngày, ngưòi ta thường thường có thói quen treo trứớc phòng sản phụ một nắm lá cây có cây xương rồng, đó là một dấu hiệu, nhắc nhở cho người đàn ông biết chỉ được phép vào phòng vợ và tư thông sau khi cây xương rồng này khô đi !!!! đây chỉ là đầu  thế kỷ XX mà còn nằm than nằm lửa huống hồ gì ở thế kỷ thứ XIV thì e rằng thời gian hậu sãn này còn kéo dài lâu hơn nữa.Điều đó cho thấy về phương diện thuần túy Y học khẳng định chắc chắn rằng chuyện tư thông là chuyện khó có thể xảy ra được.
Hơn nữa việc tư thông với một người đàn ông bằng tuổi cha chú mình liệu có xảy ra? Còn Trần Khắc Chung vốn được Thái thượng hoàng và vua hết lòng tin tưởng, đang giữ một trọng trách trong triều đình, lại theo đạo Phật, là môn đệ của môn phái Thiền Tông, từng viết lời bạt cho tập Tuệ trung thượng sĩ do nhà sư Pháp Loa biên soạn và Trần Nhân Tông hiệu đính… có lẽ nào lại đi làm cái việc xằng bậy ấy? 
Lê Vy Nguồn : Người đưa tin

“Huyền Trân công chúa” lý giải thực hư một mối tình lịch sử

(Dân trí)- Làm thế nào Huyền Trân công chúa có thể thoát khỏi nước Chiêm Thành mà không phải chịu án “hỏa táng” theo vua Chế Mân khi nhà vua băng hà? Làm thế nào để nàng và đoàn hộ tống có thể sống sót trở về sau hơn một năm lênh đênh trên biển...?

Nhân kỉ niệm 673 năm ngày mất Huyền Trân Công chúa (9 tháng Giêng năm 1340), NXB Kim Đồng tái bản tiểu thuyết lịch sử Huyền Trân công chúa của nhà văn Viết Linh. Cuốn tiểu thuyết lý giải uẩn khúc lớn trong cuộc đời của nàng công chúa huyền thoại, xinh đẹp, tài hoa, vì nghĩa lớn mà xuất giá làm hoàng phi của nước Chiêm Thành.
Nhà văn Viết Linh tên thật là Nghiêm Siêu, sinh năm 1931 tại Ứng Hòa, Hà Tây. Ông còn có bút danh khác là Thanh Sơn, Tùng Sơn. Ông là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 1987. Ông công tác tại NXB Kim Đồng từ năm 1960 cho đến khi nghỉ hưu. Ông được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1992 với tác phẩm Mái trường xưa.
“Huyền Trân công chúa” lý giải thực hư một mối tình lịch sử
Cuốn tiểu thuyết lịch sử "Huyền Trân công chúa" của nhà văn Viết Linh được NXB Kim Đồng tái bản nhân dịp kỉ niệm 673 năm ngày mất của nàng công chúa huyền thoại (9 tháng Giêng)
Ông tâm sự, ban đầu ông đặt tên cuốn sách là Khuất trong sương mù, chủ yếu là viết về quan Hành khiển thượng thư tả bộc xạ Trần Khắc Chung, qua đó lý giải bí mật mối tình Huyền Trân công chúa. Nhưng khi xuất bản, cuốn sách có nhiều tên gọi khác nhau: Bí mật về Huyền Trân công chúa, Chuyện tình Huyền Trân công chúa
Đây là lần tái bản thứ năm của cuốn sách. Trong lần tái bản này, tác giả đã viết thêm về quãng thời gian Huyền Trân công chúa ở nước Chiêm Thành, giúp độc giả hiểu rõ hơn tâm tư và cuộc đời chìm nổi của nàng nơi đất khách quê người.
Viết về công chúa Huyền Trân, cả chính sử và dã sử đã tốn khá nhiều giấy mực để luận “công” và “tội” của nàng. Việc nàng thuận theo ý phụ vương là thái thượng hoàng Trần Nhân Tông về làm phi của vua Chế Mân nước Chiêm Thành đã góp phần thắt chặt tình bang giao giữa hai nước, tạo mối thâm tình để chống kẻ thù chung là giặc Nguyên Mông vẫn đang ngày đêm nhòm ngó và đặc biệt là việc dâng châu Ô, châu Lý của vua Chế Mân để cầu hôn nàng (vùng đất Thuận Hóa - Phú xuân - Thừa Thiên Huế ngày nay) đã giúp nước ta mở rộng bờ cõi về phía Nam.
Nhưng lịch sử cũng đặt ra nhiều câu hỏi xung quanh cuộc đời nàng: Làm thế nào Huyền Trân công chúa có thể thoát khỏi nước Chiêm Thành mà không phải chịu án “hỏa táng” theo vua Chế Mân khi nhà vua băng hà? Làm thế nào để nàng và đoàn hộ tống có thể sống sót trở về sau hơn một năm lênh đênh trên biển, vượt qua những hải khẩu chi chít của nước Chiêm Thành với đội quân tinh nhuệ thiện chiến hay lũ hải tặc luôn đêm ngày rình rập? Và tại sao, sau hơn một năm trời, đoàn thuyền mới trở về? – Đó cũng là mấu chốt của nghi án mối tình giữa Huyền Trân công chúa và quan Hành khiển thượng thư tả bộc xạ Trần Khắc Chung – vị tướng trẻ tài ba, mưu lược được nhà Trần cử sang Chiêm quốc để tìm cách rước công chúa về nước.
Với kiến văn sâu rộng, cách kể chuyện cuốn hút, hấp dẫn, nhà văn Viết Linh đã lý giải uẩn khúc lớn nhất của lịch sử xoay quanh nàng công chúa huyền thoại: làm sao nàng có thể trở về sau hơn một năm lênh đênh trên biển, thực hư mối tình của Huyền Trân công chúa với quan Hành khiển thượng thư tả bộc xạ Trần Khắc Chung… giúp độc giả có thêm nhiều dữ liệu sinh động để tự tìm cho mình câu trả lời hợp lý nhất.
N.Hằng
Cập nhật: 2:35 PM GMT+7, Thứ năm, 31/10/2013



Lịch sử phong kiến Việt Nam với biết bao ông hoàng bà chúa, việc làm của họ ít nhiều đều có ảnh hưởng nhất định đối sự phát triển dân tộc. Công chúa Huyền Trân là một trong những con người như vậy. Chính bà là người có sự đóng góp công lớn trong việc mở mang lãnh thổ về phía Nam (phía Nam tỉnh Quảng Trị và toàn tỉnh Thừa Thiên Huế nay nay).
Ngày nay có nhiều nhân định về bà, trong đó thiên về hai luồng ý kiến đó là khen và chê: khen là việc bà góp phần mở mang lãnh thổ Đại Việt thế kỷ XIV; chê là vì bà vướng án tư thông với Thượng Thư Tả Bộc Xa Trần Khắc Chung.
Công chúa Huyền Trân (1287 – 1340), con gái vua Trần Nhân Tông và hoàng hậu Thiên Cảm, hạ giá lấy vua nước Champa Chế Mân. Chính nhờ cuộc hôn nhân này một mặt làm cho mối quan hệ giao bang Đại Việt – Chăm pa trở nên thân thiết gây áp lực đến Trung Quốc ở phương Bắc. Mặt khác, sau cuộc hôn nhân này, lãnh thổ của Đại Việt được mở rộng về phía Nam.
Công chúa Huyền Trân (Ảnh minh họa)
Sau khi đánh thắng quân Nguyên Mông, vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông (1293 – 1314). Để chúc mừng vua Trần Anh Tông lên ngôi, vua của nước Chăm pa khi đó tên là Chế Mân, hiệu là Jaya Simhavarman III (? – 1307) sai sứ sang mừng. Tháng 3 năm Tân Sửu 1301, Thượng hoàng Trần Nhân Tông có dịp viễn du sang Chăm Pa. Để tăng cường thêm mối quan hệ hòa hiếu giữa hai đất nước Đại Việt – Chăm Pa, vua đã hứa gả con gái là công chúa Huyền Trân cho vua Chế Mân. Năm 1305, vua Chế Mân sai sứ là Chế Bồng Đài và hơn 100 người đem vàng, bạc, hương liệu quý, vật lạ đến dâng định xin sính lễ. Triều thần đều không bằng lòng, chỉ có Văn Túc Vương Đạo Tái và Trần Khắc Chung tán thành. Sau đó Chế Mân dâng phần đất của hai châu Ô và châu Lý làm vật sính lễ. Tháng 6/1306 công chúa Huyền Trân được đưa về Chăm, sự việc này được nhân sĩ thời bấy giờ lấy làm đề tài để chê cười như: “Tiếc thay cây quyế giữa rừng để cho thằng Mán, thằng Mường nó leo”, “Tiếc thay hạt gạo trắng ngần, đã vo nước đục lại vần lửa rơm”. Có thể nói đây là một cuộc hôn nhân mang đậm màu sắc chính trị. Cuộc hôn nhân này đã mang đến cho Đại Việt đất đai của hai châu Ô và châu Lý (năm 1307 được vua Trần Anh Tông đổi thành Thuận Châu và Hóa Châu). Các huyện Triệu Phong, Hải Lăng (Quảng Trị ngày nay) và huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà (thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế ngày nay) thuộc Thuận Châu xưa. Các huyện Phú Lộc, Phú Vang (Thừa Thiên Huế) và Hòa Vang (Đà Nẵng), Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên (Quảng Nam) thuộc Hóa Châu xưa. Người Chăm pa đã mất cánh đồng Bình Trị Thiên và mất thêm cửa biển Tư Dung (nay là của biển Tư Hiền) thời ấy rất sâu và tiện lợi cho thủy quân Đà Nẵng.
 Toàn cảnh Khu trung tâm văn hóa Huyền Trân tại thôn Ngũ Tây, phường An Tây, thành phố Huế.
Một năm sau khi công chúa Huyền Trân về Chăm pa, đến năm 1307 vua Chế Mân mất. Theo phong tục của nước Chăm pa, khi vua chết thì hoàng hậu cũng bị thiêu chết theo. Vua Trần Anh Tông sợ em gái mình bị hại nên đã sai Thượng Thư Tả Bộc Xa Trần Khắc Chung và An Phủ sứ Đặng Vân lấy cớ điếu tang để đón công chúa Huyền Trân. Khi sang nước Chiêm, Trần Khắc Chung đã nói với người Chiêm rằng “nếu công chúa hỏa táng thì không ai chủ trương làm việc chay, chi bằng hãy ra bờ biển làm lễ chiêu hồn, đón linh hồn về, rồi công chúa sẽ lên giàn thiêu”. khi ra đến biển, Trần Khắc Chung dùng thuyền nhẹ cướp công chúa đưa về Đại Việt. Cuộc hành trình từ thành Chà Bàn về Thăng Long kéo dài 10 tháng, có ý kiến cho rằng hai người đã “tư thông” với nhau thì mới mất nhiều thời gian đến như vậy.
 Điện thờ Công chúa Huyền Trân trong Khu trung tâm văn hóa Huyển Trân.
Tuy nhiên, về vấn đề này vẫn có quan điểm phủ nhận, vì cho rằng: Trần Khắc Chung là người giữ chức vụ lớn, tu thiền, được Nhân Tông khi đi tu rất yêu quý, khiến đề bạt tập sách “Tuệ Trung Thượng sĩ ngũ lục” do Pháp Loa biên tập và Nhân Tông hiệu đính. Phải là người có đạo đức thì mới được hân hạnh ấy. Mặt khác luật pháp nhà Trần rất nghiêm ngặt đối với tội tà dâm. Vậy mà sau khi từ Chăm pa về Trần Khắc Chung vẫn được trọng dụng.
Có thể nói, đến nay sự thật của câu chuyện như thế nào thì đã theo nhân vật chính xuống mồ, do đó sự thật đối với hiện tại là một điều bí ẩn, chính vì vậy mà quan điểm tốt – xấu về bà vẫn còn tồn tại. Tuy nhiên, dù cho tốt – xấu thế nào thì vai trò của và đối với công cuộc mở mang bờ cõi về phía Nam của Đại Việt là một điều không thể phủ nhận. Nói như vậy không có nghĩa là tất cả công lao đều thuộc về công chúa Huyền Trân nhưng bà chính là người trực tiếp đưa đến.
Thu Nhuần
 
    

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

NGẬM SẦU (ĐL)

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH