Thứ Sáu, 11 tháng 11, 2016

THIÊN NHIÊN HOANG DÃ 26

(ĐC sưu tầm trên NET)

Cánh đồng rau sạch trên sa mạc cát

22/05/2016 15:58 GMT+7
    TTO - Sa mạc cát rát bỏng ngày nào giờ phủ xanh bằng cánh đồng rau sạch 400ha với công nghệ tưới của Israel. Hàng ngàn hộ dân ở các huyện ven biển Hà Tĩnh đổi đời nhờ “trồng rau sạch trên cát”.
    Cánh đồng rau sạch trên sa mạc cát
    Từ sa mạc cát nay đã biến thành cánh đồng rau hàng chục chủng loại - Ảnh: Hữu Khá
    “Dự án đã đem lại hiệu quả rõ rệt, nhiều đoàn cán bộ của trung ương, các tỉnh thành đến đây đều hết sức bất ngờ. Hiện tỉnh đang nhân rộng mô hình, hỗ trợ công nghệ để người dân mở rộng sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho người dân. Tất cả rau củ quả này đều là rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP
    Ông Dương 
Tất Thắng 
(phó chủ tịch 
UBND tỉnh Hà Tĩnh)
    Ngày mà các cán bộ kỹ thuật của Sở NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh và Tổng công ty Khoáng sản và thương mại Hà Tĩnh (Mitraco) đặt những luống rau đầu tiên xuống vùng cát trắng, người dân chạy ra bảo “các ông đừng làm điều hoang tưởng”. Vậy mà chỉ sau thời gian ngắn, đồi cát bạc màu trở thành đồng rau bạt ngàn, xanh tốt.
    Đổi đời trên sa mạc cát
    Dẫn chúng tôi đi tham quan cánh đồng rau trên vùng đất trước đây là sa mạc cát ven biển, ông Nguyễn Xuân Hỷ, phó trưởng ban dự án rau củ quả trên sa mạc cát Hà Tĩnh - Mitraco, cho biết toàn bộ vùng rau đều được sử dụng phương pháp trồng và tưới theo công nghệ Israel với hệ thống tưới phun tự động, tưới phun mưa, phun sương và tưới nhỏ giọt phù hợp với vùng sa mạc kết hợp với việc cải tạo đất.
    “Những lớp rơm, bèo, xác thực vật luôn được phủ và thay thế thường xuyên. Cứ hơn một tuần, những công nhân lại thay một lớp ủ ẩm mới, đảm bảo gốc luôn có độ ẩm cần thiết. Đồng thời, tuân thủ nghiêm ngặt phương pháp phối trộn phân đất, tưới nước nhỏ giọt đủ độ ẩm cho cây” - ông Hỷ cho biết.
    Sau khi dự án thành công, người dân ở vùng cát của huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên được hướng dẫn chuyển giao công nghệ để cải tạo đồng cát trồng trên diện rộng và được hỗ trợ bao tiêu sản phẩm.
    Bà Nguyễn Thị Anh Thơ, chủ nhiệm Hợp tác xã sản xuất và dịch vụ tổng hợp Hoàng Chu (xã Cẩm Hòa, huyện Cẩm Xuyên), cho biết bà không tin những nông dân bao đời cực khổ ở vùng cát trắng có được cuộc sống thay đổi nhanh như ngày hôm nay.
    Theo bà Thơ, hiện nhiều nông dân địa phương được Nhà nước cho thuê đất để trồng, hiệu quả rất cao. Do đó, nhiều người dân mong Nhà nước cho thuê đất lâu dài để đầu tư sản xuất và chắc chắn nay mai nhiều nông dân sẽ trở thành tỉ phú.
    Ông Trần Việt Hà, chủ tịch UBND huyện Thạch Hà, cho biết mô hình cánh đồng rau củ quả trên sa mạc cát bạc màu là một mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao cho những xã viên đã và đang liên kết với Mitraco.
    Theo ông Hà, khu vực này từng là những triền cát mà Mitraco khai thác titan bạc màu, khó loại cây nào sống sót, nhưng nay đã biến thành cánh đồng rau củ quả tươi tốt. Ban đầu, từ một vài liên kết nhỏ, huyện và các hộ dân đã chủ động mở rộng canh tác theo mô hình và phát triển được 28,5ha với nhiều hộ cá thể và các hợp tác xã liên kết.
    “Với mô hình này, việc canh tác được liên tục nhờ vào hệ thống phun tưới nước của Israel. Khi triển khai mô hình này và đến nay thì bà con rất phấn khởi, cuộc sống có nhiều thay đổi về kinh tế theo hướng đi lên” - ông Hà nói.
    Theo ông Nguyễn Văn Sáu - trưởng Phòng nông nghiệp huyện Thạch Hà, đến nay đã có ba hợp tác xã và bốn tổ hợp với gần 100 thành viên tham gia làm ăn. Riêng với các hợp tác xã và tổ hợp, hiệu quả kinh tế mang lại là rất cao. Thu nhập từ cánh đồng rau củ quả mang lại từ 150 - 170 triệu đồng/vụ/ha, mỗi năm canh tác được ba vụ.
    “Huyện đã và đang chỉ đạo tiếp tục mở rộng thêm diện tích canh tác vì diện tích đất cát là dồi dào. Mitraco sẽ hỗ trợ về kỹ thuật và cây giống cũng như bao tiêu sản phẩm cho bà con. Hiện mô hình cánh đồng rau củ quả trên cát bạc màu đang thu hút và rất thuyết phục với bà con nông dân trong huyện” - ông Sáu cho hay.
    Tìm kiếm sẽ có lối đi
    Theo ông Bùi Quốc Hoàn, trưởng ban dự án rau củ quả trên sa mạc cát Hà Tĩnh - Mitraco, quá trình biến vùng sa mạc cát ven biển, người dân không trồng được bất cứ loại cây gì, thành một cánh đồng rau sạch như ngày hôm nay không phải là câu chuyện dễ dàng.
    “Sau khi cho khai thác tận thu toàn bộ titan, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu chúng tôi phối hợp với Sở NN&PTNT bằng mọi giá phải nghiên cứu trồng một loại cây gì đó để vừa chắn được cát bay, vừa có “chút xanh” đỡ nhức mắt giữa đồng cát bao la” - ông Hoàn kể.
    Những năm đầu, dự án triển khai trồng cây keo lá tràm bị thất bại, bởi hiệu quả kinh tế thấp lại hút hết nước, khiến vùng đất này càng nắng nóng, khô cằn hơn. Sau đó, Hà Tĩnh đã tổ chức tham quan ở nhiều nước trên thế giới, mày mò tìm đến các vùng sa mạc cát có khí hậu, thổ nhưỡng tương đồng như vùng cát trắng Hà Tĩnh.
    “Khi đến tham quan, chúng tôi bất ngờ thấy những cánh đồng rau bát ngát mà họ giới thiệu trước đây là... cát trắng. Từ đó, một nhóm cán bộ của tỉnh vừa học hỏi kinh nghiệm, rồi xin họ chuyển giao công nghệ” - ông Hoàn nhớ lại.
    Đến tháng 9-2013, Mitraco cùng các chuyên gia nông nghiệp đến từ các nước thực hiện dự án trồng thử nghiệm rau củ quả trên vùng đất cát hoang hóa, bạc màu tại xã Thạch Văn (huyện Thạch Hà). Khi những luống rau đặt xuống sa mạc cát, nhiều người dân ở xã Thạch Văn đến xem với ánh mắt... ngờ vực.
    “Quả thật lúc đó họ nói chuyển giao công nghệ và khuyên chúng tôi trồng rau quả trên vùng cát trắng này tôi không tin. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, đồng cát đã biến thành màu xanh mình mới ham” - bà Thơ cho biết.
    Theo ông Hoàn, dự án khởi đầu với diện tích 12ha trồng thử nghiệm cùng 32 loại rau củ quả các loại như măng tây, hành tây, hành lá, cà rốt, khoai lang, củ cải trắng, cải bẹ, lạc, dưa hấu, dưa chuột, cải thảo, cà chua, đậu tứ quý, ớt Đà Lạt, bí ngòi...
    Năm giống cây ăn quả được trồng trên đất cát bạc màu đợt này gồm: ổi không hạt, roi, chuối tiêu, thanh long ruột đỏ và táo. “Và chỉ mấy tháng sau đồng cát rau quả xanh tốt khiến dân địa phương vô cùng sung sướng. Lúc này người dân được mời vào dự án để tham quan, sau đó về nhân rộng mô hình” - ông Hoàn kể.
    Xuất khẩu và làm du lịch sinh thái
    Ông Thân Văn Quế, cán bộ phòng điều phối các dự án nông nghiệp của Tập đoàn Mitraco, cho biết sản phẩm của dự án phát triển trồng rau củ quả trên cát hoang hóa bạc màu ven biển tỉnh Hà Tĩnh hiện được tiêu thụ tại nhiều địa phương như Hà Tĩnh, Nghệ An, Hà Nội...
    Ngoài ra, nhiều đối tác từ TP.HCM đã và đang tiếp cận trong việc phối hợp đầu tư và bao tiêu sản phẩm của cánh đồng rau củ quả trên sa mạc cát.
    Đặc biệt, hai khách hàng lớn đến từ Hàn Quốc và Nhật Bản cũng đã tiếp cận Mitraco. Sau khi tham quan mô hình rau củ quả trên sa mạc cát này, cả hai đối tác đều cho biết sẽ hợp tác trọn việc bao tiêu sản phẩm. Đặc biệt, sắp tới đơn vị cũng sẽ tổ chức du lịch sinh thái cho du khách tham quan dự án trồng rau.
    HỮU KHÁ - HỒ VĂN

    Nỗi sợ loài sâu tử thần ở sa mạc rộng lớn

    Những câu chuyện kì bí về loài sâu Tử thần một loài sâu được người du mục gọi là Allghoi Khorkhoi hay “sâu ruột đầy máu” đã lưu truyền ở Mông Cổ từ hàng nghìn năm nay.

    Loài sâu này được mô tả có hình dáng tương tự như ống tiêu hóa của một con bò, dài chừng 0,6 tới 1,5 m, thân hình tròn trịa, có màu đỏ tươi và những đốm đen hay mảng đen trên người, trên đầu và ở đuôi có gai.

    Truyền thuyết về loài sâu giết người

    Sa mạc Gôbi ở châu Á ròng rã màu đá cát đen xám nằm im lìm dưới gió mưa. Đây là một vùng đất rộng và khô với diện tích chừng 1,3 triệu km2 và được xem là một trong những sa mạc lớn nhất thế giới.

    Khác với những sa mạc bình thường khác, ở Gobi không chỉ có cát mà còn có cả những dãy núi và các tảng đá khổng lồ.

    Nó được tin vốn là một phần của hồ nước hay biển ăn sâu vào nội địa từ 10.000 tới 12.000 năm trước nhưng sau một cơn đại hồng thủy, nước đã bị cuốn trôi hết về phía Nam và phía Tây dẫn tới tình trạng như hiện nay.

    Vùng đất khô cằn này được chú ý nhất trong lịch sử như là một phần của Đế quốc Mông Cổ vĩ đại, và là vị trí của một số thành phố quan trọng dọc theo Con đường tơ lụa. Gobi có một lịch sử lâu dài của nơi cư trú của con người, chủ yếu là dân tộc du mục.

    Đến đầu thế kỷ 20 khu vực dưới sự kiểm soát danh nghĩa của Mãn Châu-Trung Quốc, và nơi sinh sống chủ yếu của người Mông Cổ.

    Ngoài những sự bí mật về sự hà khắc của thiên nhiên, sự bền bỉ mà hùng tráng của con người, nơi đây còn lưu truyền một truyền thuyết về một loài sâu thần kì có khả năng giết người.

    Sâu tử thần ở Mông Cổ
    Những câu chuyện nửa hư nửa thực về loài sâu này, khiến nhiều người rùng mình, nhưng cũng không ít người lên đường kiếm tìm như kiếm tìm sự thật về một truyền thuyết bí ẩn chưa có lời giải đáp.

    Dù chưa được tận mắt chứng kiến nhưng họ tin rằng sinh vật này có thể tồn tại và ở đâu đó thuộc những vùng đất khắc nghiệt nằm dọc biên giới Trung Quốc – Mông Cổ.

    Truyền thuyết kể lại rằng, loài sâu Tử thần có hình dáng tương tự như ống tiêu hóa của một con bò, dài chừng 0,6 tới 1,5 m, thân hình tròn trịa, có màu đỏ tươi và những đốm đen hay mảng đen trên người, trên đầu và ở đuôi có gai.

    Người ta tin rằng, những con sâu Tử thần rất thích màu vàng và những loại thực vật ký sinh ở hoang mạc như cây goyo. Người du mục gọi loài sâu này là Allghoi Khorkhoi hay “sâu ruột đầy máu”, bởi vì nó là một loài sâu khổng lồ có khả năng giết người.

    Người Mông Cổ còn truyền nhau câu chuyện về kể về cái chết của một cậu bé trong vùng. Một hôm, cậu bé ở nhà một mình. Trong khi cậu đang chơi ngoài trời với một chiếc hộp màu vàng thì bị một con sâu bí mật chui vào bên trong.

    Do không biết, cậu bé đưa tay chạm vào chiếc hộp. Ngay lập tức cậu bé lăn ra chết. Đến khi bố mẹ cậu bé tội nghiệp đi làm về, họ tìm kiếm khắp nơi nhưng không hiểu nguyên nhân nào đã khiến con mình chết. Một người trong gia đình đã phát hiện trên cát còn để lại những dấu vết ngoằn ngoèo vô cùng lớn.

    Và cả gia đình cậu bé phát hiện ra sự thật rằng loài sâu tử thần đã đến. Chính nó đã giết cậu bé bằng chất độc bí hiểm của mình.

    Theo dấu vết ngoằn ngoèo trên cát để lại, cha mẹ của cậu bé quyết tâm đi tìm con sâu để trả thù. Kể từ lần ra đi đó họ đã không bao giờ quay trở lại nơi họ sinh sống nữa. Người ta đồn rằng, thay vì giết được con sâu, bố mẹ của cậu bé đã bị chính nó giết chết!

    Người dân địa phương kể, loài sâu tử thần có một hình dáng vô cùng lạ và đáng sợ. Nó giống như xúc xích, mập như cánh tay người đàn ông, trông giống ruột của một loài gia súc. Đuôi của loài sâu này ngắn nhưng không nhọn.

    Người ta không thể xác được được đâu là đầu, đâu là đuôi bởi không thể phân biệt được các phần của con sâu: mắt, mũi, miệng.

    Loài sâu tử thần di chuyển rất lạ thường, hoặc cuộn tròn lăn vút đi, hay bò ngoằn ngoèo một bên thân. Nó sống trong các đụn cát hoang vắng và các thung lũng nóng cháy của sa mạc Gobi mà phía dưới là những cây saxaul mọc ngầm.

    Điều kì lạ là tất cả những người Mông Cổ, chưa một ai từng được đối diện với loài sinh vật lạ lùng này, nhưng câu chuyện về những con sâu tử thần khổng lồ, về hình dáng của nó đều được từng người một kể lại một cách tỉ mỉ và chi tiết.

    Họ tin chắc rằng có một loài sâu như thế tồn tại ở đây và cũng tin nó có hình dáng như họ mô tả.

    Cũng theo người dân địa phương, loài sâu này chỉ xuất hiện vào một thời điểm trong năm. Đó chính là lúc mà sa mạc Gô bi nóng nhất, vào tháng sáu và tháng 7.

    Sau khoảng thời gian đó, sâu Tử thần sẽ vùi mình trong cát hầu hết các thời gian còn lại trong năm. Và người ta sẽ không thể nhìn thấy nó nữa. Thông thường, sâu Tử thần bò lên mặt đất sau cơn mưa, hoặc những khi đất ẩm và nó ngủ suốt mùa hanh khô trong cát.

    Theo truyền thuyết được những người dân sa mạc Gobi rỉ tai nhau từ hàng ngàn năm qua, loài sâu này có một khả năng kỳ bí như nó có thể phun ra chất độc acid vàng gây chết người ngay lập tức khi tiếp xúc hoặc có thể tiêu diệt con mồi từ xa bằng một luồng điện siêu mạnh.

    Những người tin vào sâu Tử thần đều cho rằng việc tiếp xúc với bất kỳ điểm nào trên mình nó đều cực kỳ nguy hiểm. Nọc độc của nó có thể ăn mòn kim loại và có thể giết chết một con lạc đà to khỏe ngay trong chớp mắt.

    Một ngày của tháng Sáu và tháng Bảy, những người dân sống trên sa mạc Gô bi thức dậy.

    Và họ kinh ngạc khi thấy con lạc đà to khỏe của gia đình nằm đã chết mà không hề có dấu vết của bệnh tật hay bị bắn chết.

    Trên cát, những dấu vết ngoằn ngoèo đã nói với họ rằng, sinh vật tử thần đã đến. Cái tên sâu tử thần luôn là nỗi khiếp đảm với tất cả những con người sống ở nơi đây từ hàng nghìn năm qua. Họ luôn lo sợ nó có thể xuất hiện bất cứ lúc nào và dời đi bất cứ lúc nào, để lại một xác chết.

    Hành trình đi tìm loài sâu Tử thần

    Vùng đất hoang vu và đầy gió cát này được người châu Âu đến thăm dò từ những thế kỷ 17.

    Loài sâu Tử thần lần đầu tiên được những người phương Tây chú ý đến trong cuốn sách có nhan đề “Trên đường đi tìm người cổ đại” của một giáo sư người Mỹ tên là Roy Andrews Chapman xuất bản năm 1926.

    Giới khoa học bắt đầu chú ý tới những thông tin nửa thực nửa hư này. Tuy nhiên, nhưng những bí mật về loài sâu tử thần này vẫn là một dấu hỏi lớn đối với nhiều nhà khoa học.

    Tháng 8 năm 2009, hai người New Zealand mang theo máy ảnh tới khu vực xa nhất của sa mạc Gobi ở Mông cổ để tìm bằng chứng về sự tồn tại của một loại quái vật mà chưa từng ai bắt được hay chụp ảnh được nó ngoài những câu chuyện truyền miệng và những hình vẽ rợn người hay những thước phim giả tưởng.

    Hai nhà khoa học đã lắp đặt các thiết bị theo dõi đặc biệt cho phép ghi lại sự thay đổi nhỏ nhất của cát khi có một con vật to lớn chuyển động trên cát để tìm ra dấu vết của loài sâu Tử thần trong truyền thuyết.

    Tuy nhiên, loài sâu tử thần có hình dáng giống như lời miêu tả của người dân địa phương hàng nghìn năm qua không hề xuất hiện. Câu chuyện về loài sâu này vẫn tiếp tục được lưu truyền.

    Dưới thời Xô Viết, các nhà khoa học Liên Xô cũng đã từng tổ chức các cuộc tìm kiếm ở sa mạc Gobi và đem về nhiều câu chuyện thần bí.

    Vào tháng 5/2005, các nhà khoa học và thám hiểm thuộc Trung tâm sở thú Fortean, Thế giới kỳ bí và E-Mongol đã bỏ ra một tháng để nghiên cứu các bản báo cáo và tiếp tục truy lùng sâu Tử thần.

    Ông Richard Freeman, trưởng nhóm nghiên cứu trên cho rằng, có thể sinh vật lạ này không phải là sâu bởi những con sâu sống được rất cần tới độ ẩm. Nó có thể là một loài bò sát không chân, sống ở dưới mặt đất.

    “Nó có thể là thành viên khổng lồ của một nhóm bò sát có tên là thằn lằn giun hay rắn hai đầu”.

    Trong thực tế đã có một nhóm động vật này nhưng chúng vẫn chưa được biết tới nhiều do ít được quan tâm nghiên cứu.

    Ông Freeman cũng cho rằng mọi người đã quá thổi phòng về năng lực giết người của sâu Tử thần. Ông cho rằng nó giống như con rồng lửa, kỳ nhông của thời Trung cổ, nhưng cực độc.

    Sự tồn tại của sâu Tử thần vẫn là một đề tài tranh cãi nóng bỏng mà đến ngày nay các nhà khoa học vẫn chưa thể tìm được câu trả lời.

    Tuy nhiên, xét về mặt khoa học, các nhà nghiên cứu cho rằng sâu Tử thần Mông Cổ có thể là một sinh vật mang hai đặc tính của lươn phóng điện và rắn hổ mang phun nọc độc mà không cần cắn tồn tại trên thực tế.

    Rất có thể, một loài côn trùng đặc biệt như vậy đã xuất hiện trên sa mạc khắc nghiệt này, và trở thành một nỗi lo sợ suốt hàng nghìn năm qua đối với những con người nơi đây.

    Bí mật về loài sâu tử thần có thể sẽ được khám phá trong nay mai, nhưng nỗi sợ hãi của người dân trên sa mạc Gô bi về một thứ ám ảnh vô hình đến từ cuộc sống khắc nghiệt thì vẫn còn, như truyền thuyết về loài sâu Tử thần Allghoi Khorkhoi này.
    Hoàng Anh

    Người nhặt rác trên sa mạc Gobi

    LĐ - 135 KỲ QUAN
    Du khách cưỡi lạc đà trên sa mạc Gobi.
    Từng chạnh lòng khi bước chân trên nhiều bãi biển tuyệt đẹp, nhưng đầy rác ở Việt Nam, tôi đã ngỡ ngàng như không tin vào mắt mình trước cảnh sa mạc cát rộng mênh mông, đầy người và lạc đà, nhưng tuyệt nhiên không một miếng rác hay phân gia súc. Tôi tự hỏi, những người có trách nhiệm ở đó đã có biện pháp thần kỳ nào để làm sạch rác? Và tôi đã tìm được câu trả lời khi gặp một người nhặt rác trên sa mạc...
      Kỳ tích sa mạc Đường đến sa mạc Gobi thật cam go: Khởi hành từ Hà Nội, phải dừng chân ở 3 sân bay, mất gần 1 ngày trời, đoàn chúng tôi mới đến được TP. Đôn Hoàng ở vùng tây bắc Trung Quốc, giáp với nước Mông Cổ. Cũng giống như hàng triệu du khách đến đây mỗi năm, đoàn chúng tôi hăm hở đi tham quan sa mạc Gobi. Thật ra chỉ là một góc nhỏ của sa mạc, vùng núi Minh Sa (Minh Sa Sơn), trong sa mạc Gobi lớn nhất Châu Á, trải rộng trên lãnh thổ 2 nước Mông Cổ và Trung Quốc.
      Sau khi vào cổng với giá vé 120 nhân dân tệ (NDT, tương đương khoảng 400 ngàn đồng Việt Nam), khách buộc phải làm một việc trước khi đặt chân lên cát sa mạc: Mang “bao chân” kín tới đầu gối. Nó giống như chiếc ủng bằng vải mềm, màu cam, có dây rút buộc chặt ngang đầu gối. Người ta giải thích rằng mang “bao chân” để cát sa mạc không len vào giày, vào quần, vào kẻ chân du khách. Đến khi bước đi trên biển cát sạch tinh tươm, tôi thầm nghĩ: Người ta bày ra chuyện mang “bao chân” không phải vì sợ “một hạt cát chui qua kẽ chân làm cản trở cuộc hành trình”, mà vì sợ đôi giày, bàn chân du khách làm bẩn cát trên sa mạc.
      Tiến vào sa mạc, du khách có hai sự lựa chọn: Đi bộ hoặc cưỡi lạc đà. Đi bộ trong cát quãng đường 5 - 7 cây số, dưới trời nắng chói chang, có lẽ chỉ dành cho số ít người thích vận động. Vì vậy mà hầu hết khách đều chọn cưỡi lạc đà, chúng tôi cũng vậy, sau khi mua “vé lạc đà” giá 100 NDT. Tại bãi lạc đà nằm cả trăm con chờ đợi du khách.
      Theo người phụ trách khu du lịch, tổng số lạc đà phục vụ đưa rước khách ở đây lên đến cả ngàn con. Mỗi khách một con lạc đà, theo hàng một tiến vào sa mạc. Nhìn hình ảnh đàn lạc đà nối bước nhau đổ bóng xuống sa mạc, tôi chợt liên tưởng tới cảnh lạc đà chở hàng hóa của lái buôn rong ruổi trên “con đường tơ lụa” nổi tiếng từ vùng phía đông Trung Quốc, qua Trung Á, tới Địa Trung Hải cách đây hàng nghìn năm. Từ nỗ lực của nước sở tại khôi phục “con đường tơ lụa” phục vụ du lịch, du khách đến TP. Đôn Hoàng tăng rất nhanh trong những năm gần đây.
      Vừa đặt chân đến Đôn Hoàng, chúng tôi được “chủ nhà” tiếp đón chu đáo và cung cấp nhiều thông tin thú vị. Thành phố hơn 200.000 dân này trong năm 2015 đã đón 6,6 triệu lượt khách du lịch và dự kiến trong năm 2016 sẽ đón 8 triệu lượt du khách. Trong 5 năm qua, GDP của thành phố đã tăng gấp khoảng 2 lần, đến năm 2015 đạt 11,5 tỉ NDT (tương đương khoảng 1,8 tỉ USD), trong đó những nguồn thu liên quan tới du lịch đóng góp đến 60%.
      Tôi tự hỏi, nhờ đâu mà Đôn Hoàng hấp dẫn du khách đến vậy. Tất nhiên là nhờ sa mạc Gobi và hang Mạc Cao, một di chỉ Phật giáo hàng ngàn năm tuổi. Còn điều gì nữa? Và tôi đã tìm ra câu trả lời khi đi trên sa mạc Minh Sa. Sa mạc rộng mênh mông hầu như không có màu xanh cây lá mà chỉ có màu vàng nhạt của cát. Khu vực Minh Sa Sơn lúc nào cũng có hàng ngàn du khách và lạc đà, nhưng tuyệt nhiên không thấy một mẩu rác hay phân lạc đà. Tôi để ý, không có bất cứ tấm biển “Cấm xả rác” nào trên suốt cuộc hành trình. Người ta đã áp dụng biện pháp “thần kỳ” nào để làm sạch cả sa mạc?
      ảnh 1

      Ông Wang Xin nhặt rác trên sa mạc.
      Người nhặt rác
      Không phải tất cả du khách đến Minh Sa Sơn đều có ý thức giữ vệ sinh chung. Khi vừa vào sa mạc, tôi đã bắt gặp một người khách vô ý vứt rác xuống cát, dường như là mấy cái vỏ hạt hướng dương. Tức thì, không biết từ đâu, một người đàn ông đã già, đến dùng dụng cụ chuyên dùng để nhặt rác.
      Ông dùng chiếc vợt có cán dài, lưới bằng thép, trông giống như dụng cụ chiên xào của đầu bếp, để múc phần cát vừa bị vấy bẩn. Cát chảy hết xuống kẽ vợt, rác nằm lại trên vợt, người đàn ông cho cát vào chiếc túi mang theo người. Ông làm việc một cách bình thản, không chút khó chịu với người khách vừa xả rác, thậm chỉ còn nhoẻn miệng cười thân thiện. Tôi tin chắc rằng, người khách vô tình kia sẽ không còn vứt rác xuống cát trong suốt cuộc hành trình.
      Nhờ cô bạn cùng đoàn làm phiên dịch, tôi lân la làm quen người đàn ông nhặt rác trên sa mạc. Ông tên là Wang Xin, 65 tuổi, người dân địa phương. Trước đây ông làm tài xế đưa rước khách du lịch, giờ đã nghỉ hưu, ông đi làm thêm nghề dọn sạch rác trên sa mạc, kiếm thêm mỗi tháng 1.300 NDT. Công việc của ông khá đơn giản, đó là dùng những dụng cụ thô sơ để nhặt rác, làm sạch sa mạc, đôi khi cũng dọn cả phân lạc đà.
      “Công việc cũng khá vất vả vì thời tiết nắng nóng, nhưng thu nhập như vậy không phải là tồi”, Wang vui vẻ nói.
      Ông Wang cho biết, ông chỉ có một đứa con trai đang làm nghề lái xe giống như ông hồi trước, cuộc sống gia đình ông tạm ổn. Ông đi làm thêm nghề dọn sạch rác trên sa mạc chủ yếu không vì tiền, mà với ý nguyện giữ cho cát luôn sạch sẽ, có như vậy mới thu hút du khách, mà có du khách thì thành phố quê hương ông mới sung túc lên được.
      Tôi đinh ninh phải có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người nhặt rác như ông Wang mới “địch” nổi hàng chục ngàn du khách mỗi ngày cùng khoảng 1.000 con lạc đà. Vì vậy mà tôi khá bất ngờ khi biết cả khu Minh Sa Sơn chỉ có vài chục người nhặt rác, hầu hết là người già.
      “Quan trọng là giữ thật sạch ở “cửa ngỏ”, khách vào thấy cát sạch tinh tươm, ít ai nỡ xả rác”, ông Wang nói. Du khách thì vậy, còn lạc đà thì sao, nó đâu ý thức được như người? Tôi nêu thắc mắc.
      Ông Wang giải thích: “Người chủ lạc đà có cách làm cho nó biết phải làm gì trước khi rời khỏi nhà. Nhưng cũng có những lạc đà “vô kỷ luật”. Trong trường hợp đó chúng tôi phải ra tay dọn dẹp thật nhanh để trả lại sạch sẽ cho cát”. Ông Wang đưa túi “chiến lợi phẩm” lên khoe với chúng tôi: Suốt mấy tiếng đồng hồ ông chỉ “đãi” được một bụm rác!
      Nghĩ về rừng ngập mặn
      Tôi hỏi một đồng nghiệp người Hà Nội: “Nếu anh đã từng đến sa mạc và cũng đã đến rừng ngập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long quê tôi, sau này nếu được lựa chọn, anh sẽ chọn lại đi chơi sa mạc hay rừng ngập mặn”. Anh bạn trả lời ngay: “Đi du lịch rừng ngập mặn ở miền Tây, với điều kiện phải sạch sẽ, thân thiện…”.
      Không khác suy nghĩ của tôi, anh bạn giải thích: Trong đời, ai cũng muốn một lần đến sa mạc. Nhưng ngoài sa mạc nóng bỏng toàn cát, ít có sản phẩm du lịch kèm theo. Còn vùng rừng ngập mặn miền Tây quê tôi, ngoài cảnh quan thiên nhiên, còn có sông nước mát mẻ, chèo xuồng trên sông, bao sản vật từ rừng, từ sông nước… Vậy mà, cả ĐBSCL quê tôi với bạt ngàn rừng ngập mặn, mỗi năm chỉ đón số khách du lịch từ bên ngoài rất khiêm tốn. Đúng là quê tôi còn nghèo, cơ sở vật chất phục vụ du lịch còn khiêm tốn… Vậy phải làm thế nào để thu hút du khách?
      Tôi chợt nhớ đến câu nói, đến ý tưởng của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khi ông đến dự lễ khai mạc “Năm Du lịch quốc gia 2016 - Phú Quốc - ĐBSCL” được tổ chức tại đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang vào tối 10.4 vừa qua.
      Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng nhìn nhận du lịch Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh trong thời gian qua, nhưng cũng thẳng thắn thừa nhận du lịch Việt Nam vẫn còn thua kém không ít nước có lợi thế về thiên nhiên, văn hóa tương tự.
      Phó Thủ tướng chỉ ra rằng, từ bài học thành công ở nhiều nước, chỉ cần làm tốt 2 điều là “sạch sẽ và thái độ” cũng khiến du khách hài lòng hơn rất nhiều. Hai điều này không cần trường lớp lớn, cũng chưa cần giỏi ngoại ngữ. Tất cả mọi nơi, mọi thứ từ to tới nhỏ đều phải sạch sẽ, thật sạch sẽ. Tất cả mọi lời nói, cử chỉ, ánh mắt, nụ cười... đều thể hiện, khởi phát từ tấm lòng tôn trọng khách.
      Phó Thủ tướng tin rằng, bằng hành động thiết thực của các cấp chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, du lịch Việt Nam trong đó có vùng ĐBSCL sẽ có bước phát triển ấn tượng trong năm 2016, tạo đà cho một thời kỳ phát triển nhanh hơn, bền vững hơn...

      Không có nhận xét nào:

      Đăng nhận xét