Thứ Tư, 16 tháng 11, 2016

DƯ LUẬN XÃ HỘI 40 (Lê Hồng Hà)

(ĐC sưu tầm trên NET)

10.745. Thương tiếc anh Lê Hồng Hà, người công an trí thức (Mất ngày 15.11.2016)

Posted by adminbasam on 15/11/2016
Nguyễn Thanh Giang
15-11-2016
Ông Lê Hồng Hà. Ảnh: internet
Ông Lê Hồng Hà. Ảnh: Nguyễn Thanh Giang/ internet
Trong hàng ngũ trí thức Việt Nam đương đại, giáo sư Lê Thi được xem là một trong những gương mặt trí thức tiên phong. Giáo sư Lê Thi tên thật là Dương thị Thoa, con gái giáo sư liệt sĩ Dương Quảng Hàm – người được tôn vinh là nhà sư phạm mẫu mực, nhà văn học sử tiên phong của Việt Nam. Bác ruột Dương Bá Trạc của bà đỗ cử nhân năm 17 tuổi, là một trong những sáng lập viên của Đông Kinh Nghĩa Thục. Bà là bác ruột của nhà văn, nhà báo, chiến sĩ Dương thị Xuân Quý (vợ của nhà thơ Bùi Minh Quốc).
Lê Thi dễ dàng được khẳng định là một trí thức không chỉ ở hành động lịch sử kéo Lá cờ Đỏ Sao Vàng đầu tiên trên Lễ đài Độc lập Hà Nội mà còn bởi hàm giáo sư, bởi chức vị Viện trưởng Viện Triết đầu tiên của Việt Nam … (ông Hoàng Minh Chính là trưởng Ban Triết của Đảng, lúc đó chưa chính thức thành lập Viện Triết)
Bài tiểu luận này muốn xác định danh tính một trí thức nữa trong gia đình giáo sư Lê Thi. Đấy là “ý trung nhân” của bà – ông công an gạo cội Lê Hồng Hà.

“GIỮA ĐÀNG THẤY SỰ BẤT BẰNG MÀ THA”

Nhiều người quá xem trọng trình độ học vấn, thậm chí lấy tiêu chuẩn bằng cấp, học vị để định danh trí thức. Tôi hiểu như học giả Pháp J.P. Sartre: Trí thức là những người thường “xớ rớ” vào những chuyện không liên quan đến mình. Những chuyện không phải của chính mình mà họ thấy là của mình. Vì luôn coi việc trong trời đất là việc của chính mình nên người trí thức luôn tìm đến sự thật. Qua phản ánh sự thật, người trí thức luôn nhìn thấy khuyết điểm của hiện hữu. Không chấp nhận những gì là nguỵ lý, người trí thức thường đưa ra những phản biện mang nội dung phê phán và dự báo. Họ làm việc đó một cách bình thản và can đảm dù cho vì thế mà họ gặp phải nhiều hệ luỵ.
Lê Hồng Hà đã từng “xớ rớ vào những chuyện không liên quan đến mình” để rồi “gặp phải nhiều hệ luỵ”
Sự thật thì đúng như ông đã viết trong thư gửi Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX đề ngày 18 tháng 7 năm 1995: “Tôi chỉ có một tội: có lương tâm và dũng khí đưa ra kiến nghị giải oan cho những người vô tội, và một dại dột: quá tin vào lương tri và ý thức trách nhiệm của một số người lãnh đạo của Đảng, quá tin vào các điều khoản trong điều lệ Đảng”
Năm 1965 – 1957 với tư cách uỷ viên Đảng đoàn Bộ Công an, ông đã tham gia sửa sai về công tác đánh địch trong cải cách ruộng đất. Đây là đợt sửa chữa những sai lầm lớn về đánh địch, về xử lý oan trong nội bộ Đảng lớn nhất và rộng nhất trong lịch sử ĐCSVN. Đến năm 1963 – 1964 ông lại là người đóng góp rất tích cực trong việc phát hiện và giải oan cho 8 cán bộ lãnh đạo chủ chốt về Đảng và về Công đoàn ở Nhà máy Cơ khí Gia Lâm. Lúc đó, tại nhà máy xảy ra sự kiện: Trung tá Võ An Khang từ quân đội chuyển ngành sang làm giám đốc Nhà máy bỗng nhiên bị chết. Công an Hà Nội cho đây là vụ giết người, đã bắt giam và tra hỏi 8 cán bộ chủ chốt của nhà máy. Họ bức cung hết sức khốc liệt nên chỉ sau một thời gian, tất cả đều nhận tội giết người. Giám đốc công an Hà Nội đã báo cáo với 5 uỷ viên Trung ương Đảng và được đồng tình chuẩn bị đưa ra xử tội. Việc giải oan vô cùng khó khăn vì việc quy tội sai lại liên quan đến một cán bộ cấp cao. Đằng đẵng suốt 4 năm trời xả thân vì công lý vụ án oan mới được giải. Khi được trả tự do, một số đã bị tâm thần, sức khoẻ suy kiệt, gia đình tan nát.
Cứ mang cái nghiệp như thế vào thân, năm 1995 ông lại “xớ rớ” vào một việc động trời: đòi minh oan cho Vụ án Xét lại Chống Đảng. Trong thư gửi Ban Chấp hành Trung ương Đảng đề ngày 18 tháng 7 năm 1995 ông đã vạch rõ: “Báo cáo của ông Nguyễn Đình Hương (chuyên viên cao cấp của Ban Bảo vệ Nội bộ) về vụ án “Chống Đảng” là xuyên tạc sự thật và lừa dối Đảng. Bộ Chính trị chỉ dựa vào báo cáo vốn đã sai lầm của ông Nguyễn Đình Hương thì tất yếu sẽ rút ra những kết luận sai lầm thể hiện trong thông báo số 111 ngày 14 tháng 4 năm 1995 do ông Lê Đức Anh ký. Trung ương cần kiểm tra lại hoạt động của Bộ Chính trị và cần giải oan cho hàng trăm người vô tội đã bị oan khuất, khốn đốn suốt 30 năm nay”. Trong thư gửi BCHTWĐ ngày 18 tháng 7 năm 1995 ông căn vặn vạch vòi: “Sự hình thành tổ chức này (XLCĐ) ra sao? Có từ bao giờ? Do ai sáng lập? Ai là lãnh tụ? Có tên gọi không? Có điều lệ không? Có cương lĩnh không? Cương lĩnh ấy được cấp nào thông qua? Có cấp trên, cấp dưới không? Ai là uỷ viên chấp hành? Ban chấp hành do chỉ định (ai chỉ định?) hay do bầu (ai bầu?) hay do tự phong? Được ai thừa nhận? Có thủ tục kết nạp và khai trừ không? Tổ chức theo chi bộ, tổ đảng hay đơn tuyến? …”, “Việc quy tội làm tình báo cho người nước ngoài có phần hồ đồ và không có căn cứ chính trị pháp lý. Nói hồ đồ là không thể quy hàng trăm người dính vào vụ án đều có tội tình báo được. Công tác tình báo chỉ có thể là việc của một người cá biệt nào đó mà thôi. Vậy nếu chỉ có một vài người thì là những người nào? Họ lấy tình báo gì? Họ chuyển cho ai? Ở đâu? ngày giờ nào? Sở dĩ nói không có căn cứ chính trị pháp lý vì tội tình báo bao giờ cũng gắn liền với việc phục vụ cho một nước ngoài đối địch với ta, họ có những âm mưư phá hoại chính trị nước ta. Ở đây nói nước ngoài là Liên Xô, nhưng suốt thời gian đó, Liên Xô chưa hề là nước đối địch, chưa hề có những hoạt động phá hoại chế độ chính trị nước ta. Chẳng những thế Liên Xô còn là nước đồng minh chiến lược hàng đầu được nhiều văn kiện của Đảng và Nhà nước xác định trong cuộc chiến tranh chống đế quốc trước đây”, “Ông Nguyễn Đình Hương có cho triển lãm sơ đồ tổ chức do Hoàng Minh Chính tự vẽ ra để nói là có tổ chức (? ). Vậy xin hỏi: Hoàng Minh Chính giữ vai trò gì trong tổ chức này (là Tổng bí thư, là trưởng ban tổ chức hay là cái gì) mà vẽ ra tổ chức? Có bao nhiêu người thừa nhận sơ đồ đó? Sao lại lấy lời khai của một người để quy tội cho hàng chục, hàng trăm người là hoạt động phá hoại có tổ chức ư?”.
Lê Hồng Hà đã rất thận trọng trước khi dám hạ quyết tâm “xớ rớ” vào vụ này. Ông tìm gặp lại Nguyễn Trung Thành, nguyên là Vụ trưởng Vụ Bảo vệ Nội Bộ, người giúp việc chính cho ông Lê Đức Thọ trong việc theo dõi trong vụ án Xét lại Chống Đảng từ đầu đến cuối. Ông đã “cật vấn” ông Nguyễn Trung Thành hàng loạt câu hỏi: “Vì sao 29 năm trước đây anh vẫn cho số người này là có tội mà hơn một năm nay (kể từ cuối năm 1993 trở lại đây) anh lại cho họ là vô tội?”, “Vì sao anh có vị trí gần nhất với ông Lê Đức Thọ, người chủ chốt chỉ đạo vụ án, tức là gần mặt trời hàng ngày được chứng kiến cái đúng đắn trong chỉ đạo, mà anh lại nói là sai?”, “Vì sao các khoá TW trước đây (kể cả của Ban Bí thư cuối năm 1991) vẫn cho là đúng, nay cá nhân anh lại cho là sai? Như vậy có phải là anh chống lại TW không?”, “Từ khi anh thấy vụ án này sai, anh đã báo cáo với Bộ Chính trị và Ban Bí thư chưa? Đã được trả lời thế nào?” ….
Trong thư gửi BCHTW ngày 18 tháng 7 năm 1995 ông khẳng định: “Sau khi nghe đồng chí Nguyễn Trung Thành trình bày, giải thích cặn kẽ cho tôi nghe về vụ án, và qua đó, với trình độ kinh nghiệm bản thân, tôi thấy rõ rằng: tất cả những người bị bắt và xử trí trong vụ án này đều không phạm tội, dù là một tội nhỏ. Và tôi tin tưởng rằng chỉ cần với một lương tri tối thiểu, nếu các cơ quan có trách nhiệm chịu nghe báo cáo của đồng chí Nguyễn Trung Thành thì chắc chắn vấn đề sẽ được giải quyết dễ dàng, không có gì khó khăn phức tạp”.
Hơn thế nữa, trước khi dám “xớ rớ” vào chuyện động trời này, Lê Hồng Hà không chỉ “ cật vấn” Nguyễn Trung Thành mà ông đã cày cục lần mò tìm đến trao đổi với nhiều vị “đại lão thành cách mạng” như Nguyễn văn Trấn, Võ Thúc Đồng, Nguyễn Hữu Khiếu, Nguyễn Đức Tâm, Nguyễn Quang Việt … Cùng khoảng đó ông Nguyễn Trung Thành thì gặp Hoàng Tùng, Nguyễn Côn, Đoàn Duy Thành, Lê Khắc, Nguyễn Tài … Hầu hết đều đồng tình và hứa sẽ đóng góp vào việc giải oan này
Nhưng rồi … ông đã thất bại! Tấm huân chương mà Đảng của ông tặng thưởng hành động nghĩa cử, xả thân vì uy tín của Đảng, vì đồng chí, đồng đội của ông là bản quyết định khai trừ khỏi Đảng. (Người viết không đóng ngoặc kép chữ huân chương vì xét theo lập trường nào đó, nó đúng nghĩa đen).
Tài giỏi gấp triệu lần Lê Hồng Hà mà xớ rớ vào chuyện này thì cũng lãnh đủ như vậy thôi. Bởi vì, giải oan được cho hàng trăm người, trong đó có nhiều cán bộ cỡ lớn của Đảng (4 uỷ viên Trung ương, 1 thiếu tướng, 3 đại tá, 4 vụ trưởng … ) thì có nghĩa phải kết án Lê Đức Thọ không chỉ ở mức tử hình mà phải tru di tam tộc. Trong khi đó, dù Lê Đức Thọ có chết đi rồi thì vẫn còn đó những kẻ đời đời mang ơn Lê Đức Thọ. Không có Lê Đức Thọ thì làm sao cái ông hoạn lợn ít học kia lại có thể được tâng lên đứng trên đầu toàn Đảng như vậy!
Thực tế đã và đang không chỉ có ông Đỗ Mười!
Người ta cứ tưởng rằng TW khoá Ba và Bộ Chính trị lúc đó tập thể lãnh đạo phá vụ án này. Thực ra, mãi đến tháng 3 năm 1971 Bộ Chính trị mới họp để nghe về vụ án, và cũng mãi tới tháng 1 năm 1972 BCHTW mới họp nghe báo cáo về vụ án. Người ta lại cũng cứ tưởng rằng có một ban chỉ đạo gồm 8 uỷ viên TW đã được lập ra để chỉ đạo vụ án; song thực ra phải đến tháng 11 năm 1968, một ban như thế mới được lập ra với nhiệm vụ giải quyết các việc còn sót lại của vụ án. Suốt cả quá trình từ 1963 đến cuối 1968, toàn bộ quá trình xác lập vụ án, bắt bớ, tra khảo, quy tội … đều do Lê Đức Thọ chỉ đạo. Tuy luôn nhân danh Bộ Chính trị nhưng không hề có một nghị quyết nào của Bộ Chính trị cả, Lê Đức Thọ chỉ sử dụng một số cán bộ của ngành công an, bảo vệ quân đội và tổ chức TW. Toàn bộ cán bộ của ngành kiểm sát và toà án không hề can dự, không hề được biết, được hỏi gì cả!
HOẠ VÔ ĐƠN CHÍ
Đảng không chỉ tặng thưởng Lê Hồng Hà tấm “Huân chương Khai trừ” (Các ông Trần Độ, Phạm Quế Dương, Vũ Cao Quận, Vi Đức Hồi, Phạm Đình Trọng, Vũ Minh Trí … cũng đều nhận được tấm huân chương cao quý này) mà còn tống tù ông. Ngày 6 tháng 12 năm 1995, công an Hà Nội đã bắt giam và ngày 22 tháng 8 năm 1996, Toà án Nhân dân Hà Nội kết án 2 năm tù giam về tội “cố ý làm lộ bí mật nhà nước”, cụ thể là “đã đọc và chuyển cho người khác đọc bức thư của ông Võ Văn Kiệt gửi Bộ Chính trị, đề ngày 9 tháng 8 năm 1995”.
Người ta cứ nhất quyết bỏ tù ông, mặc dù những lời biện hộ của ông rất thấu tình đạt lý và đầy lý lẽ thuyết phục:
  • Xét về nội dung, ý tứ và lời lẽ của hai bức thư thì đây là thư ông Võ Văn Kiệt với tư cách là một đảng viên gửi Bộ Chính trị, nghĩa là một tài liệu của bên Đảng, không phải là tài liệu với tư cách Thủ tướng. Trong thư không hề xưng danh Thủ tướng. Không có dấu và công văn của Văn phòng Chính phủ.
  • – Quyết định 338/ TTg ngày 29 tháng 6 năm 1994 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục tài liệu bí mật chỉ là văn bản hành chính nội bộ của Văn phòng Chính phủ, thuộc loại văn bản không được phổ biến lên đài, lên báo. Các cơ quan lập pháp không được dựa vào một văn bản hành chính nội bộ để kết tội công dân.
  • Nội dung điều 1, mục II, khoản 5 của quyết định 338/TTg trái với Điều I và Điều 7 của Pháp lệnh Bảo vệ Bí mật Nhà nước, tức là trái với luật, như vậy mặc nhiên không thể trở thành căn cứ để truy tố và xử tội công dân.
  • Theo Bộ luật, khi xét xử tội danh “Tiết lộ bí mật Nhà nước”, thì thông thường chủ thể của tội phạm chỉ có thể là những cán bộ đương chức, có nhiệm vụ quản lý những bí mật nhà nước, chứ không thể tuỳ tiện xử tội những cán bộ về hưu…”
Tôi hoan nghênh việc công khai hoá bức thư Võ Văn Kiệt của ông Lê Hồng Hà. Đây là một trong những đóng góp quan trọng thúc đẩy tiến trình dân chủ hoá đất nước. Bức thư đã góp phần khai hoá những cái đầu nào còn u tối trong Bộ Chính trị ĐCSVN, đã banh mắt họ ra.
(Xin được chen vào đây một đoạn kể phúc lộc trời cho đối với tôi qua bức thư trên đem tới: Tôi là người đầu tiên viết bài công khai tán dương thư Võ Văn Kiệt gửi Bộ Chính trị và tán phát rộng rãi. Bài báo có tiêu đề “Thế nào là định hướng đúng” (còn lưu ở thư viện mạng “www. nguyenthanhgiang.com” và trong cuốn sách “Suy tư và Ước vọng”)
Cuối năm 1995 trường đại học Hoa Kỳ UCLA mời tôi sang thuyết giảng về Cổ Từ học vào học kỳ Mùa Xuân 1996, thời gian 2 tuần. Công an dứt khoát ngăn trở. Học kỳ Mùa Xuân cứ thế trôi qua. Nhưng sau khi bài “Thế nào là định hướng đúng” loan truyền, bỗng dưng có người nói với tôi: “Nếu lại có giấy mời sang Mỹ công tác vào học kỳ Mùa Thu thì rất có thể sẽ đi được đấy”. Quả nhiên thủ tục xuất cảnh được làm rất nhanh. Trước ngày lên đường tôi còn được dự một bữa tiệc linh đình do công an khoản đãi, chủ xị là một vị đại tá. Ngày ấy bộ trưởng công an là Bùi Thiện Ngộ, thân tín của ông Võ văn Kiệt. Hình như sau đó ít lâu ông này bị thất sủng).
Sau thư Võ Văn Kiệt là thư Nguyễn Nam Khánh. Bây giờ thì tôi xin mạnh dạn “thú tội”: Chính Lê Hồng Hà đã giấu bức thư Nguyễn Nam Khánh trong nhà để sau đó bức thư này được tôi đưa lên mạng.
Bữa đó, không biết nhận được tin báo từ đâu, hàng chục công an đã ập vào nhà Lê Hồng Hà lục soát tanh bành suốt từ 7 giờ tối đến 1 giờ sáng. Nhưng rồi họ đã thua ông công an gạo cội này. Ba ngày sau tôi đến thăm ông. Không ngờ ông có bức thư ấy thật, và cực kỳ vui sướng là, nó vẫn còn trong nhà ông. Trống ngực tôi đánh đổ hồi nhưng tôi vẫn run run bỏ bức thư vào túi áo bành tô, cố giữ vẻ thản nhiên bước ra.
Dù đánh chữ bằng vi tính rất chậm nhưng không dám đưa ai, tôi đành tự mình cậm cạch gõ bàn phím qua đêm để tức tốc đưa lên mạng.
“Lời thú tội” này nếu có đem lại hiểm hoạ nào cho ông Lê Hồng Hà và cho tôi thì tôi vẫn cứ “thú tội” một cách thích thú. Bởi vì, nếu việc công khai hoá thư Võ Văn Kiệt được xem là đóng góp quan trọng cho tiến trình dân chủ hoá Việt Nam thì việc bạch hoá thư Nguyễn Nam Khánh cũng có tác dụng to lớn không kém.
Bạch hoá nó ra thì toàn Đảng mới thấy cái ung nhọt chết người đang nằm trong cơ thể Đảng. Mới thấy cái cơ chế phản dân chủ, tập trung dân chủ độc quyền, độc đoán đang tạo nên một “đảng” khống chế Đảng, ức hiếp Đảng, gông cùm Đảng ghê gớm đến mức nào!
Bạch hoá thư Võ Văn Kiệt và thư Nguyễn Nam Khánh như đã gióng hồi chuông cảnh tỉnh, giác ngộ Đảng, góp phần thúc đẩy công cuộc đổi mới đúng hướng hơn, đặc biệt về đường lối đối ngoại. ( Ít ra là ở thời kỳ ngay sau đó. Còn bây giờ …?! )
Đọc thư Nguyễn Nam Khánh người ta bàng hoàng nhìn ra con quái vật “T4”. “T4” là bóng ma kinh hãi, là thanh gươm rùng rợn do “đảng” tạo ra nhứ trên cổ ngay cả những bậc hết sức quyền thế trong Đảng, buộc Đảng phải làm theo cái gậy chỉ huy của “đảng”. “T4” là sản phẩm của liên minh tình báo Hoa Nam và tình báo mafia Việt Nam.
Tôi kinh tởm, ghê sợ nó. Tôi ngày đêm khắc khoải lo lắng về nguy cơ đô hộ mới tồi tệ hơn những ách đô hộ cũ. Tôi đã quyết liệt và sẽ còn cố gồng mình lên mà góp phần tích cực ngăn chặn nó, dù đã tuổi già, bất chấp gian nguy.
Tìm thư Nguyễn Nam Khánh vào giữa đêm, lục soát tanh bành nhà một công thần của cách mạng đã là bỉ ổi. Giữa đêm 15 tháng 2 năm 2001 người ta lại điệu ông lên Sở công an Hà Nội. Mục đích duy nhất của cuộc khảo cung lần này chỉ là để tìm tang chứng một bức thư khác.
Đây là một bức thư kêu gọi lật đổ chính quyền? Là một tài liệu bí mật quốc gia?
Không, đây chỉ là một bức thư gửi Bộ trưởng Công an Lê Minh Hương mà theo Lê Hồng Hà thuật lại:
Đó chỉ vẻn vẹn có một trang đánh máy vi tính, cũng không có bản thảo viết tay nào kèm theo cả. Vì phải đọc nhanh trong phòng hỏi cung nên tôi chỉ nhớ được đại thể mấy ý của tài liệu đó như sau:
  • Đòi hỏi ông Bộ trưởng Bộ Công an cho biết vì sao có vụ nổi loạn đầu tháng 2/2001 ở khu vực Tây Nguyên mà các cơ quan của Đảng, chính quyền, công an đều bị bất ngờ?
  • Vì sao công an Hà Nội lại bắt giữ nhà trí thức Nguyễn Thanh Giang đầu năm 1999, rồi khi phải trả lại tự do không hề có lời xin lỗi?
  • Vì sao công an Lâm Đồng lại khởi tố nhà trí thức Hà Sĩ Phu, rồi khi phải đình chỉ điều tra cũng không một lời xin lỗi?
  • Vì sao Bộ Công an lại chỉ đạo báo An ninh Thế giới tiếp tục viết loạt bài nêu tội trạng của một loạt nhà trí thức yêu nước chưa hề bị một toà án nào kết tội? Vì sao một tờ báo quan trọng của Bộ như tờ An ninh Thế giới lại có thể vi phạm luật pháp Nhà nước?
  • v v …. ”
Nhận được một bức thư như vậy, nếu đúng là của Lê Hồng Hà thì lẽ ra Lê Minh Hương nên lễ phép giãi bầy.
Bởi vì, hãy xem Lê Hồng Hà là ai?
Ông sinh năm 1926, tên thật là Lê Văn Quỳ, tham gia cách mạng từ trước Cách mạng Tháng Tám. Tham gia đánh chiếm Trại Bảo An Binh trong cuộc khởi nghĩa 19 tháng 8 năm 1945. Tháng 7 năm 1946 được kết nạp vào đảng Cộng sản Đông Dương do phó Tổng Giám đốc Nha Công an Việt Nam Lê Giản giới thiệu. Trước khi được cử phụ trách Trường Công an Trung ương (1953 – 1957) rồi sau đó được đề bạt Chánh Văn phòng Bộ Công an (1958) ông đã từng được Trung ương cử đi học Khoá l lớp Lý luận Mác – Lê Nin ở Bắc Kinh (1949) và được giữ lại làm trợ giáo cho các khoá II và III tại đây (học viên của ông gồm nhiều người sau này trở thành Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị).
Qua đó xem ra Lê Hồng Hà là cỡ thầy của thầy Lê Minh Hương. Vậy mà sao Lê Minh Hương dám vô lễ và nỡ tàn nhẫn như vậy!
NGƯỜI CÔNG AN CỘNG SẢN CHỐNG LẠI CHUYÊN CHÍNH VÔ SẢN
Ở Việt Nam có những nghịch cảnh làm quằn quại suy tư, làm đau thắt lòng người. Triết gia Mác Lê Nin tầm cỡ quốc tế Trần Đức Thảo, Viện trưởng Viện Triết Mác Lê Nin Hoàng Minh Chính, nghiên cứu sinh Mác Lê Nin khoá I Lê Hồng Hà … đều bị đảng Mác Lê Nin của Việt Nam bỏ tù hoặc đầy ải cho đến chết vì lần lượt trở cờ phê phán Mác Lê Nin rất mạnh mẽ. Trong bài “Suy nghĩ về chủ nghĩa Mác” viết tháng 1 năm 1995, Lê Hồng Hà vạch ra 19 điều để chê chủ nghĩa Mác:
– Lấy sự phân tích một khúc phát triển (thời kỳ sơ kỳ) của chủ nghĩa tư bản để khái quát, coi như đặc trưng của chủ nghĩa tư bản và dựa vào dự đoán xu thế diệt vong tất yếu của chủ nghĩa tư bản là sai về phương pháp luận.
– Sự phát hiện cái gọi là sứ mệnh của giai cấp công nhân là sai lầm.
– Lý luận coi đấu tranh giai cấp và sự tất yếu của chuyên chính vô sản là quy luật phổ biến là sai.
– Lý luận về đặc trưng phi hàng hoá của chủ nghĩa xã hội là sai
– Lý luận về “Mục tiêu xoá bỏ chế độ tư hữu”, tách khỏi sự tăng trưởng kinh tế là sai. v v và v v …”.
Độc đáo nhất là ông công an cộng sản gạo cội này lại lên án chuyên chính vô sản hơi nặng lời: “Người ta cứ tưởng rằng thiết lập chuyên chính vô sản cũng tức là xây dựng nên một chế độ triệu lần dân chủ hơn chế độ tư bản. Nhưng qua các cuộc thanh trừng tàn bạo mà Đảng cộng sản Liên Xô và báo chí Liên Xô đã bộc lộ thì đó chỉ là một chế độ toàn trị (totalitarisme), một nền chuyên chế tàn bạo nhất trong toàn bộ lịch sử nước Nga. Nền chuyên chính vô sản về cơ bản là đối nghịch với nền dân chủ thông thường, là triệt tiêu dân chủ, là chống lại những quyền cơ bản của con người”.
Ngay từ bản thuyết trình về: “Chủ nghĩa xã hội dân chủ” trong một buổi Hội thảo ngày 14 tháng 12 năm 1991, Lê Hồng Hà đã khẳng định rằng chính chủ nghĩa Mác Lênin đã làm Liên Xô sụp đổ nhanh chóng: “Theo tôi, ở Liên Xô và Đông Âu đã diễn ra một quá trình tan vỡ, còn tác động của Mỹ, của CIA trước kia cũng như hiện nay chỉ ảnh hưởng trong phạm vi nào đó chứ không phải là nhân tố quyết định. Con đường mà Liên Xô và các nước Đông Âu đi từ sau cách mạng Tháng Mười là con đường tự huỷ. Sự tự huỷ này có nguồn gốc liên quan đến những điểm sau:
Thứ nhất – Xét về mặt kinh tế, đã thực hiện một chính sách kinh tế kế hoạch hoá tập trung, phủ nhận nền kinh tế thị trường.
Thứ hai – Xét về chế độ tư hữu, tuyệt đối hoá công hữu, xoá bỏ tư hữu, xoá bỏ các thành phần kinh tế phi XHCN
Thứ ba – Nhấn mạnh đấu tranh giai cấp và chuyên chính vô sản đến mức độ đè nén, phủ nhận dân chủ trong xã hội
Thứ tư – Biến ĐCS với tư cách lãnh đạo thành một đảng siêu nhà nước, tức là đứng lên trên nhà nước, quyết định mọi vấn đề. Còn bản thân nhà nước chỉ còn là một công cụ
Thứ năm – Có sự đẳng cấp hoá và đặc quyền hoá trong nội bộ đảng”.
Ông tha thiết kêu gọi hãy rũ bỏ chủ nghĩa Mác – Lê Nin ngoại lai để tìm con đường phát triển riêng cho Việt Nam bằng chính tư duy Việt Nam. Trong bài “Thử tìm phong cách tư duy cho Việt Nam” ông khẳng định: “Phong cách Việt Nam có những nét đặc thù khác với các dân tộc khác, khác với các học thuyết ngoại nhập. Dưới đây, thử nêu lên một số đặc trưng chủ yếu nhất của tư duy Việt Nam:
1 – Khác với nhiều học thuyết tách biệt máy móc xã hội với giới tự nhiên, tư duy Việt Nam thường xem xét xã hội, con người trong mối quan hệ với giới tự nhiên, coi Thiên – Địa – Nhân trong một thể thống nhất.
2 – Khác với nhiều triết học Phương Tây đặt vấn đề quan hệ “giữa tâm và vật” lên hàng đầu, tư duy Việt Nam lại đặt quan hệ giữa cá nhân với cộng đồng lên hàng đầu trong hệ thống tư duy của mình. Và mối quan hệ đó được đặt ở ba cấp; gia đình, làng xã và quốc gia. Trong mối quan hệ đó, người Việt Nam vừa coi trọng cộng đồng, vừa quan tâm đến lợi ích từng thành viên.
3 – Khác với học thuyết Phương Tây quá cường điệu sự đấu tranh giữa các mặt đối lập, tuyệt đối hoá quy luật phủ định của phủ định liên tục để nói sự tiến lên của xã hội, tư duy Việt Nam lại nhấn mạnh sự kết hợp hài hoà các mặt âm dương để lý giải sự tồn tại và tiến lên của xã hội.
4 – Khác với nhiều học thuyết Phương Tây nhấn mạnh sự hình thành chủ nghĩa cá nhân, coi lợi ích cá nhân, coi quy luật đấu tranh giai cấp làm động lực phát triển của xã hội, tư duy Việt Nam lấy tư tưởng cộng đồng, hợp tác tương trợ giữa người với người trong cộng đồng làm động lực thúc đẩy xã hội tiến lên.
5 – Khác với nhiều học thuyết Phương Tây nhấn mạnh đấu tranh không khoan nhượng về tín ngưỡng, về tư tưởng (thậm chí dẫn tới chiến tranh tàn sát tôn giáo) tư duy Việt Nam lại nhấn mạnh sự khoan dung, nhường nhịn, hoà hợp.
6 – Khác với nhiều học thuyết bên ngoài tự phong là hoàn chỉnh, khép kín mít, từ chối mọi yếu tố bên ngoài, tư duy Việt Nam vốn là rộng mở, chịu tiếp xúc với nền văn hoá bên ngoài, khiêm tốn học hỏi, sẵn sàng tiếp nhận mọi yếu tố có lợi biến thành của mình nhưng luôn giữ bản sắc của mình, chống sự đồng hoá của bên ngoài, chống sự ăn sống nuốt tươi
7 – Khác với nhiều học thuyết đã tách biệt đời sống vật chất với đời sống tâm linh, tư duy Việt Nam coi trọng cả hai trong đời sống hàng ngày”.
Ông đã nêu lên những yêu sách có tính chất cương lĩnh như sau:
“ 1 – Từ bỏ mục tiêu chủ nghĩa xã hội kiểu cũ, giữ nguyên mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
2 – Thay tên nước“ CHXHCN VN bằng nước “Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà.” hoặc nước “ Việt Nam Dân chủ Nhân Dân” hoặc nước “ Việt Nam”.
3 – Từ bỏ lý thuyết “Thời kỳ hoá độ đi lên chủ nghĩa xã hội” của Lê nin, để xây dựng một lý thuyết phát triển bền vững của Việt Nam
– Từ kém phát triển lên phát triển
–  Từ chế độ bao cấp kế hoạch hoá tập trung lên nền kinh tế thị trường hiện đại.
– Từ chế độ công hữu hoá làm chủ sang chế độ tư hữư nhiều thành phần
– Từ một xã hội ít nhiều khép kín sang một trạng thái hội nhập, đầy đủ với thế giới.
– Từ một nền văn minh nông nghiệp, văn minh công nghiệp lên một nền văn minh trí thức
4 – Từ bỏ học thuyết Lê nin về thời kỳ quá độ có nghĩa là:
4.1 – Từ bỏ mục tiêu chủ nghĩa vì là mục tiêu ảo tưởng.
4.2 – Từ bỏ lý luận “Đấu tranh giai cấp giữa hai con đường là TBCN và XHCN làm động lực thúc đẩy đến xã hội phát triển ” chấp nhận đường lối Đại đoàn kết toàn dân.
4.3 – Từ bỏ lý luận về cách mạng quan hệ sản xuất xoá giai cấp tư sản, xoá bỏ nền kinh tế cá thể đi vào chế độ công hữu với hai hình thức quốc doanh và kinh tế tập thể …
4.4 – Từ bỏ chủ trương “Lấy quốc doanh làm chủ đạo”, thừa nhận nền kinh tế nhiều thành phần, lấy kinh tế dân doanh làm nền tảng.
5 – Từ bỏ “Nhà nước chuyên chính vô sản do giai cấp vô sản lãnh đạo”, từ bỏ cái gọi là nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền XHCN, thừa nhận nhà nước dân chủ nhân dân, nhà nước của dân, do dân, vì dân, thừa nhận xã hội công dân, nhà nước pháp quyền
6 – Từ bỏ chủ nghĩa vô thần của Mác, từ bỏ quan điểm “các tôn giáo là thuốc phiện”. Đối với nhân dân cần tôn trọng tập quán, tín ngưỡng của các tầng lớp nhân dân, coi các tôn giáo là các trào lưu văn hoá  kể cả các tôn giáo ngoại nhập)
7 – Từ bỏ lý luận chỉ có một đảng Cộng Sản, chấp nhận “nền dân chủ đa nguyên, đa đảng ở Việt Nam”. Loại bỏ điều 4 Hiến Pháp lãnh đạo độc tôn đối với xã hội.
8 – Từ bỏ chủ trương lấy chủ nghĩa Mác Lê nin (mà cho tới nay vẫn chỉ là hệ thống các quan điểm lý luận của Staline ) làm hệ tư tưởng chỉ đạo mặt trận tư tưởng và lý luận, mà phải lấy tư tưởng văn hoá của Việt Nam, tư tưởng Hồ Chí Minh làm hệ tư tưởng chỉ đạo của quốc gia.
9 – Vừa chú trọng nâng cao mức sống của nhân dân, vừa coi trọng nền văn minh tinh thần, tôn trọng đời sống tâm linh của dân tộc
10 – Vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế (lấy đó làm cơ sở), lại vừa giải quyết các vấn đề xã hội, chăm sóc phát triển con người. Vừa bảo đảm việc làm đầy đủ cho người lao động, vừa từng bước xây dựng chế độ bảo đảm xã hội cho toàn dân.
Về mặt đối ngoại, ông đề xuất:
1 – Từ bỏ nhận định cũ về thời đại, coi thời đại là “ quá độ từ CNTB lên CNCS trên quy mô toàn thế giới bắt đầu từ CM tháng 10 Nga” mà chấp nhận nhận định “ thời đại ngày nay là thời đại hoà bình và phát triển, là thời đại chuyển lên nền văn minh trí thức”.
2– Xác lập quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trên cơ sở Trung Quốc là “đối tác chiến lược quan trọng hàng đầu”, từ bỏ chủ trương coi Trung Quốc là kẻ thù truyền kiếp, hoặc coi Trung Quốc là đồng minh chiến lược. 16 chữ lâu nay vẫn nói về quan hệ Việt – Trung là vận dụng chung các nước láng giềng, không loại trừ nước nào, không phải chỉ để ứng xử riêng với Trung Quốc. Cần có sự phân tích cụ thể hơn các vùng lãnh thổ (biên giới trên bộ, vịnh Bắc bộ, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa), kinh tế, văn hoá, xã hội, chính trị ….
3 – Xác lập quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ trên cơ sở Hoa Kỳ là “Đối tác chiến lược quan trọng hàng đầu”, từ bỏ coi đế quốc Mỹ là kẻ thù nguy hiểm nhất của nhân dân ta. Từ bỏ chính sách hai mặt thân thiện bên ngoài, còn bên trong thì coi là kẻ thù, là đối tượng. Xử lý đúng mức với các vấn đề tranh chấp quyền lợi trong thương mại và trong những đợt nhận xét của chính phủ Hoa Kỳ về những cách xử sự đối với tôn giáo, dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam. Tranh thủ tối đa mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ để phát triển kinh tế, phát triển khoa học kỹ thuật, kể cả vấn đề giữ gìn hải đảo và biển Đông vv…, khắc phục những hoạt động khiêu khích ngay từ trong nội bộ Tổng cục II – Bộ Quốc Phòng, gây thiệt hại lớn cho Tổ quốc Việt Nam trong tình hình thế giới hiện nay
4 – Suy nghĩ chuyển đổi Bộ Ngoại Giao thành Bộ Quan hệ Đối ngoại phụ trách tất cả mối quan hệ kinh tế, chính trị, văn hoá … tránh sự phân cắt, tốn kém như hiện nay”.
***
Lê Hồng Hà đã ở tuổi 84. Vóc dáng ông vốn chỉ thanh mảnh nhưng nhờ trời tinh thần ông vẫn còn minh mẫn, trí nhớ ông vẫn tuyệt vời. Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội hãy sám hối đối với ông về những nhận thức sai lầm, những đối xử tệ bạc và tàn nhẫn đối với một công thần của cách mạng, một trí thức đáng kính như ông. Hãy đền đáp những gì ông xứng đáng. Hãy trân trọng và lắng nghe ông, đặc biệt là trong những ngày đang chuẩn bị hoàn chỉnh Cương lĩnh mới và Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI này.
Rút trong cuốn “ĐÊM DÀY LẤP LÁNH”
Nguyễn Thanh Giang
Mobi: 0984 724165


Nhìn lại bức thư Võ Văn Kiệt 20 năm trước
BBC 8 tháng 8 2015
Ngày 09/8/1995, cố Thủ tướng Việt Nam, ông Võ Văn Kiệt đã gửi một bức thư cho Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam khuyến nghị, cảnh báo và nêu quan điểm về một số vấn đề được cho là có tầm chiến lược đối với Việt Nam vào thời điểm đó.
Bốn điểm chính yếu được ông Võ Văn Kiệt nêu ra trong bức thư bao gồm: cục diện thế giới ngày nay (đánh giá vào thời điểm đó), chệch hướng (đường lối) hay không chệch hướng, năng lực quản lý nhà nước (của chính quyền) và xây dựng đảng.
20 năm sau bức thư của ông Võ Văn Kiệt, 20 năm sau những cột mốc có thể tạo thay đổi cho Việt Nam thì Việt Nam cũng vẫn có một nền kinh tế nửa thị trường, nửa nhà nước chỉ huy. Do lý do này, VN đã ở một tình thế rất khó phát triểnBà Phạm Chi Lan
Tròn 20 năm sau sự kiện này, trao đổi với BBC từ Hà Nội, bà Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban cố vấn của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam thời các thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải, nhìn lại bối cảnh, ý nghĩa của bức thư này và cho rằng tư tưởng trong bức thư 'Gửi Bộ chính trị" của ông Võ Văn Kiệt vẫn còn giữ nguyên giá trị và tính thời sự.
Bà nói: "Tôi nghĩ cả bốn điểm cốt lõi trong thư của ông Võ Văn Kiệt đến bây giờ vẫn còn nguyên giá trị thực tế của nó.
"Mặc dù Việt Nam cũng đã phát triển nền kinh tế của mình theo hướng thị trường, cũng theo đổi khá nhiều, nhưng Việt Nam cũng vẫn định hướng cho mình là một nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
"Và do quan niệm theo xã hội chủ nghĩa đó cho nên trên thực tế nó đưa Việt Nam tới tình trạng là 20 năm sau bức thư của ông Võ Văn Kiệt, 20 năm sau những cột mốc có thể tạo thay đổi cho Việt Nam thì Việt Nam cũng vẫn có một nền kinh tế nửa thị trường, nửa nhà nước chỉ huy.
"Do lý do này, Việt Nam đã ở một tình thế rất khó phát triển," nhà phân tích nói với BBC hôm 08/8/2015.
Tư tưởng Võ Văn Kiệt 'vẫn còn nguyên giá trị'
  • BBC 8 tháng 8 2015
2
Tròn 20 năm trước, ông Võ Văn Kiệt gửi một bức thư nổi tiếng nêu quan điểm và tư tưởng của ông về nhiều vấn đề chiến lược của Việt Nam cho Bộ Chính trị ĐCSVN.
Ngày 09/8/1995, cố Thủ tướng Việt Nam, ông Võ Văn Kiệt đã gửi một bức thư cho Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam khuyến nghị, cảnh báo và nêu quan điểm về một số vấn đề được cho là có tầm chiến lược đối với Việt Nam vào thời điểm đó.
Tròn 20 năm sau sự kiện này, trao đổi với BBC từ Hà Nội, bà Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban cố vấn của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam thời các thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải, nhìn lại bối cảnh, ý nghĩa của bức thư này và cho rằng tư tưởng trong bức thư 'Gửi Bộ chính trị" của ông Võ Văn Kiệt vẫn còn giữ nguyên giá trị và tính thời sự.
Bà nói với BBC hôm 08/8/2015: "Tôi nghĩ cả bốn điểm cốt lõi trong thư của ông Võ Văn Kiệt đến bây giờ vẫn còn nguyên giá trị thực tế của nó.
Lẽ ra Việt Nam đẩy tới theo hướng đó thì sẽ có thể có lợi hơn cho mình rất nhiều trong phát triển... trong những năm sau này Việt Nam lại trở thành càng ngày càng lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc. Những hướng đi đó, tôi nghĩ không thật là trúngBà Phạm Chi Lan
"Mặc dù Việt Nam cũng đã phát triển nền kinh tế của mình theo hướng thị trường, cũng theo đổi khá nhiều, nhưng Việt Nam cũng vẫn định hướng cho mình là một nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
"Và do quan niệm theo xã hội chủ nghĩa đó cho nên trên thực tế nó đưa Việt Nam tới tình trạng là 20 năm sau bức thư của ông Võ Văn Kiệt, 20 năm sau những cột mốc có thể tạo thay đổi cho Việt Nam thì Việt Nam cũng vẫn có một nền kinh tế nửa thị trường, nửa nhà nước chỉ huy.
Do lý do này, theo bà Phạm Chi Lan, người cũng từng là Tổng Thư ký, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam, thì Việt Nam đã ở một tình thế 'rất khó phát triển'.
Nhà quan sát và phân tích kinh tế, chính trị Việt Nam nói tiếp:
"Thậm chí trong thời gian gần đây lại còn có những động thái cho thấy trên thực tế là Việt Nam lại quay trở lại theo hướng kinh tế nhà nước nhiều hơn.
"Ví dụ như với việc phát triển một loạt tập đoàn kinh tế nhà nước, được coi như những quả đấm thép, dồn rất nhiều nguồn lực nhà nước vào đó.
"Hoặc là vài năm gần đây trong khó khăn về kinh tế, thì lại quay trở lại đầu tư công chiếm vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, thì nó không hoàn toàn theo định hướng đó, theo định hướng đúng đắn của kinh tế thị trường, mà đáng lẽ Việt Nam cần phải hướng tới phát triển.
'Hướng đi không trúng'
Bức thư gửi Bộ Chính trị của ông Võ Văn Kiệt 20 năm trước gây sự chú ý như một sự kiện nổi bật, đánh động nhiều giới trong nước, trong đó có nội bộ của Đảng Cộng sản, khi ông đặt ra một loạt vấn đề quan trọng như thách thức và cơ hội trong bối cảnh cục diện thế giới 'ngày nay' vào thời điểm đó.
Hay ông đã nêu vấn đề về năng lực quản lý nhà nước của Việt Nam khi đó thế nào, các vấn đề về xây dựng, vị thế, vai trò của đảng và gợi mở cải tổ đổi mới ra sao.
Đặc biệt ông cũng đặt vấn đề về quan điểm của ban lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam, đặc biệt là Bộ Chính trị nên ra sao trước vấn đề có tính quan điểm, đường lối được đặt ra khi đó là 'chệch hướng hay không chệch hướng' sau gần mười năm Việt Nam tiến hành mở cửa tính từ cột mốc đại hội đảng lần thứ VI (1986), cải cách kinh tế, nhưng có vẻ vẫn còn chậm trễ, thu hẹp trong cải tổ thể chế, đổi mới chính trị, quan điểm, đường lối, nhất là trong mở cửa và hội nhập quốc tế, khu vực.
Đáng lẽ ra nếu mà có thể theo tiếp hướng đó để Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo công cuộc phát triển của đất nước Việt Nam tốt đẹp hơn thì sẽ hơn rất nhiều, nhưng sau này cũng có những cái về vai trò của đảng thì tôi nghĩ cũng vẫn phải hoạch định lạiBà Phạm Chi Lan
Bà Phạm Chi Lan bình luận tiếp về ý nghĩa, giá trị và tính thời sự của bức thư của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt:
"Hay trong quan hệ hợp tác quốc tế cũng vậy, Việt Nam lẽ ra trong bối cảnh đã là thành viên của Asean, đã thiết lập quan hệ với các đối tác quan trọng ở các nước phương Tây trên thế giới như vậy, thì lẽ ra Việt Nam đẩy tới theo hướng đó thì sẽ có thể có lợi hơn cho mình rất nhiều trong phát triển.
"Thay vào đó trong những năm sau này Việt Nam lại trở thành càng ngày càng lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc. Những hướng đi đó, tôi nghĩ không thật là trúng."
Về vấn đề 'xây dựng Đảng' mà ông Kiệt đã đề cập trong bức thư, nhà quan sát phân tích tiếp:
"Hay là việc xây dựng Đảng thì cũng vô cùng cần thiết. Bởi vì chính Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng đã lãnh đạo Việt Nam trong bao nhiêu năm, trong thời gian chiến tranh, thì tất cả những công lao đóng góp của Đảng Cộng sản thì cũng đều được ghi nhận.
"Hay là khi Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo công cuộc đổi mới của đất nước Việt Nam vào cuối năm 1986, thì cũng được tất cả người dân Việt Nam đánh giá cao, cũng như cộng đồng quốc tế hoan nghênh và ủng hộ quá trình đó.
Bức thư hai thập niên trước của cố Thủ tướng Việt Nam, ông Võ Văn Kiệt, vẫn còn nguyên giá trị thời sự, theo bà Phạm Chi Lan.
"Thì đáng lẽ ra nếu mà có thể theo tiếp hướng đó để Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo công cuộc phát triển của đất nước Việt Nam tốt đẹp hơn thì sẽ hơn rất nhiều, nhưng sau này cũng có những cái về vai trò của đảng thì tôi nghĩ cũng vẫn phải hoạch định lại, để làm sao cho nó thực sự đóng vai trò tiên phong hơn nữa trong công cuộc đổi mới của chính Việt Nam để vượt lên."
'Phải thay đổi rất mạnh'
Đề cập tình hình, bối cảnh hiện nay của Việt Nam, nhìn lại bức thư của chính khách cao cấp của Đảng và nhà nước Việt Nam hai thập niên về trước, bà Phạm Chi Lan nêu quan điểm:
"Chính lúc này là lúc mà Việt Nam cũng đang gặp rất nhiều thách thức của một giai đoạn phát triển mới khi mà Việt Nam đã tham ra được rất nhiều các hiệp định FTA (Hiệp định thương mại tự do) với các đối tác khác nhau, tới đây còn được tham gia vào TPP (Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương), khi mà TPP hoàn thiện.
Về thách thức hội nhập hoặc thách thức cạnh tranh của Việt Nam, thì tôi lo nhất là thách thức về cạnh tranh về mặt thể chế phát triển của Việt Nam, môi trường kinh doanh của VN. Mà cái đó nằm trong tay nhà nước, nằm trong sự lãnh đạo của Đảng CSVNBà Phạm Chi Lan
"Thì với bước phát triển như vậy, nó đòi hỏi nhà nước Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam phải thay đổi rất mạnh cách thức đối với Đảng là lãnh đạo, đối với nhà nước là cách thức quản lý đất nước của mình thì Việt Nam mới vượt lên được.
"Và trong những thách thức tới đây của Việt Nam thì thành thật mà nói, khi tôi vẫn hay đi chia sẻ với các doanh nghiệp ở các nơi về thách thức hội nhập hoặc thách thức cạnh tranh của Việt Nam, thì tôi lo nhất là thách thức về cạnh tranh về mặt thể chế phát triển của Việt Nam, môi trường kinh doanh của Việt Nam.
"Mà cái đó nằm trong tay nhà nước, nằm trong sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam," bà Chi Lan bình luận về bức thư của cố Thủ tướng Việt Nam.
Ông Võ Văn Kiệt sinh năm 1922, qua đời năm 2008, là một trong các chính khách hàng đầu của Việt Nam trong thời kỳ đổi mới kinh tế của Đảng và nhà nước Việt Nam, thường được nhắc đến là giai đoạn "Mở cửa".
Ông từng là Ủy viên Bộ chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ từ tháng 8/1991 tới tháng 9/1997.
Trước đó, trong thời kỳ hậu cuộc chiến Việt Nam, ông còn nắm các chức vụ như Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (1982-1989).
Cho tới nay, ông vẫn được đánh giá là một trong các chính khách lãnh đạo có đầu óc, tầm tư tưởng 'đổi mới và cấp tiến' hàng đầu trong số thành viên của Ban lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam qua các thế hệ lãnh đạo, chấp chính./
Giá trị thời sự lá thư Võ Văn Kiệt
TS Lê Đăng Doanh gửi cho BBCVietnamese.com từ Hà Nội
  • 11 tháng 8 2015
3
Ông Võ Văn Kiệt phải thôi chức Thủ tướng vào cuối năm 1997
Cách đây hai mươi năm, ngày 09.08.1995, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã gửi một lá thư tâm huyết và đầy trách nhiệm đến Bộ Chính trị với lòng chân thành muốn đóng góp vào cuộc thảo luận chuẩn bị Đại Hội VII của Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm thúc đẩy cải cách để đưa đất nước tiến lên mạnh mẽ hơn.
Lá thư đề cập đến bốn nội dung chủ yếu có tính thời sự cao đang được Bộ Chính trị lúc đó thảo luận là :
1. Đánh giá tình hình cục diện thế giới ngày nay 2. Vấn đề chệch hướng hay không chệch hướng ? 3. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước 4. Xây dựng Đảng
Rất tiếc, lòng chân thành và tinh thần cải cách mạnh mẽ của nhà cách mạng kiên cường Võ Văn Kiệt đã chỉ được đáp lại bằng một loạt những cuộc đả kích gay gắt của một số Ủy viên Bộ Chính trị lúc bấy giờ.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã phải thôi chức vụ Thủ Tướng Chính phủ cuối năm 1997, trợ lý của thủ tướng Võ Văn Kiệt, đại sứ Nguyễn Trung đã xin nghỉ hưu ngay sau khi cuộc tranh cãi nổ ra.
Cũng vì lá thư đó mà đại tá lão thành Lê Hồng Hà, nguyên ủy viên Đảng đoàn, chánh văn phòng Bộ Công An đã bị kết án tù, hai ông Hà Sỹ Phu và Nguyễn Kiến Giang cũng bị kết án trong một làn sóng khủng bố và đàn áp. Quan điểm trình bày trong bức thư bị lên án là lệch lạc, các đề nghị không được thực hiện.
Thảo luận chuẩn bị Đại hội Đảng
Ngày nay, sau hai mươi năm, đọc lại thư này, ta thấy bức thư ấy còn nguyên giá trị và những đề nghị của ông Võ Văn Kiệt vẫn đang được thảo luận và cần được giải quyết trong quá trình chuẩn bị Đại Hội XII sẽ diễn ra vào tháng 1.2016 tới đây.
Câu hỏi đề ra là nếu như các cải cách do ông Kiệt đề xuất được thực hiện thì nước ta đã thay đổi thế nào trong 20 năm qua ?
Trong thư Thủ Tướng Võ Văn Kiệt đã chỉ rõ về tình hình thế giới: “Trong thế giới ngày nay, không phải mâu thuẫn đối kháng giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa đế quốc, mà trước hết là tính chất đa dạng đa cực trở thành nhân tố nổi trội nhất chi phối những mâu thuẫn và sự vận động của các mối quan hệ giữa mọi quốc gia trên thế giới".
Cũng vì lá thư đó mà đại tá lão thành Lê Hồng Hà, nguyên ủy viên Đảng đoàn, chánh văn phòng Bộ Công An đã bị kết án tù, hai ông Hà Sỹ Phu và Nguyễn Kiến Giang cũng bị kết án trong một làn sóng khủng bố và đàn áp.
"Và cũng khác với trước, ngày nay lợi ích quốc gia, lợi ích khu vực, những lợi ích toàn cầu khác (ví dụ hoà bình, vấn đề môi trường, vấn đề phát triển, tính chất toàn cầu hóa ngày càng sâu sắc của sự phát triển lực lượng sản xuất...) đóng vai trò ngày càng quan trọng hơn trong việc phát triển những mâu thuẫn cũng như trong việc tạo ra những tập hợp lực lượng mới ngày nay trên thế giới."
"Nhiều mâu thuẫn khác đã từng tồn tại trong thời kỳ thế giới còn chia thành hai phe – kể cả mâu thuẫn giữa chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa xã hội – có thể tiếp tục còn tồn tại, song chịu sự chi phối ngày càng lớn hơn bởi những mâu thuẫn khác và do đó không còn có thể giữ vai trò như cũ.”
Việc Việt Nam đàm phán, đã kết thúc đàm phán Hiệp định Thương Mại Tự Do với Liên Minh Châu Âu, đã kết thúc đàm phán song phương Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và chuyến thăm lịch sử của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Mỹ với cuộc trao đổi thẳng thắn xây dựng đến 75 phút với tổng thống Mỹ Obama phải chăng đã chứng minh trong thực tế cho quan điểm này của Thủ Tướng Võ Văn Kiệt 20 năm trước đây và sự thay đổi chính sách gần đây của lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam?
Tránh sai lầm
Về vấn đề “chệch hướng”, ông Võ Văn Kiệt yêu cầu “tách bạch đúng đắn giữa mục tiêu và phương tiện thực hiện mục tiêu. Có làm tốt được việc này, mới xác định rõ được chệch hướng hay không chệch hướng” và “Chúng ta nhất trí rằng con đường xây dựng xã hội đi theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta chưa có tiền lệ chính vì lẽ này: phải luôn tránh công thức hóa, phải bám lấy kết quả tổng thể trong việc thực hiện những tiêu chí lớn để soi rọi lại xem có chệch hướng hay không chệch hướng”.
Ông Kiệt đòi hỏi : “Phải nâng cao tính hiệu quả của kinh tế quốc doanh, nhằm làm cho nó chiếm một vai trò chủ đạo trong thị trường nước ta chứ không phải là giành cho nó quyền “nắm ” thứ này thứ khác.”
Vấn đề này cho đến bây giờ vẫn gây tranh cãi, văn kiện Đại hội XII vẫn kiên trì “kinh tế nhà nước là chủ đạo” trong nền “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Về hai vấn đề quản lý nhà nước và xây dựng Đảng được đề cập đến trong bức thư, thực tế trong 20 năm qua cho thấy nước ta đã quá chậm trong cải cách chính trị, cải cách bộ máy nhà nước và xây dựng Đảng, dẫn đến tham nhũng, lãng phí tràn lan, kéo dài, cán bộ giàu lên quá nhanh một cách không minh bạch, niềm tin của người dân giảm sút nghiêm trọng.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề cập đến “ lợi ích nhóm và tư duy nhiệm kỳ ”, song cho đến nay chưa có phương thuốc hữu hiệu để giải quyết hai căn bệnh trầm kha này.
Hai mươi năm bức thư của thủ tướng Võ Văn Kiệt là một dịp để đánh giá đúng tầm vóc và tâm huyết của ông, bác bỏ những đả kích và lên án của những quan điểm lỗi thời.
Điều quan trọng hơn là cần rút ra bài học kinh nghiệm cho sự lãnh đạo của Đảng, tránh lặp lại nhiều lần sai lầm tương tự, làm sao kịp thời chắt lọc được những ý kiến xây dựng thay cho vùi dập và đàn áp những ý kiến ấy, những con người chân thành muốn đóng góp cho đất nước ngay cả con người đó đã được tôi luyện và thử thách như Võ Văn Kiệt.
Bài phản ánh văn phong và quan điểm của tác giả, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương ở Hà Nội./

Lê Minh Hương

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Thượng tướng Lê Minh Hương
Chức vụ
Tiền nhiệm Bùi Thiện Ngộ
Kế nhiệm Lê Hồng Anh
Thông tin chung
Sinh 3 tháng 10, 1936
Sơn Tân - Hương Sơn - Hà Tĩnh
Mất 23 tháng 5, 2004 (67 tuổi)
Hà Nội
Thượng tướng Lê Minh Hương (3 tháng 10, 1936 - 23 tháng 5, 2004) là Bộ trưởng Bộ Nội vụ 1996-1998, Bộ trưởng Bộ Công an 1998-2002.

Tiểu sử

Ông sinh ngày 3 tháng 10 năm 1936, tại xã Sơn Tân, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.
Từ tháng 10 năm 1948 đến tháng 12 năm 1950, ông làm liên lạc đơn vị 75 bộ đội địa phương Hà Tĩnh. Đến tháng 1 năm 1951, chuyển sang công tác hành chính tại thị xã Hà Tĩnh. Sau năm 1954, ông là Ủy viên Thường trực Ủy ban nhân dân thị xã Hà Tĩnh.
Từ tháng 4 năm 1956, ông làm Trinh sát chính trị Công an tỉnh Hà Tĩnh và Công an Liên khu IV. Đến tháng 11 năm 1962, ông là học viên lớp đào tạo đặc biệt về nghiệp vụ an ninh tại Trường Công an Trung ương (nay là Học viện An ninh Nhân dân).
Từ tháng 9 năm 1965 đến năm 1978, ông được biệt phái công tác tại Bộ Ngoại giao.
Từ năm 1979, ông công tác tại Bộ Nội vụ giữ các chức vụ: Phó phòng; Cục phó A13 (đến tháng 6 năm 1981); Cục trưởng Cục A13 (đến tháng 2 năm 1988); Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, kiêm Cục trưởng Cục A13 (đến tháng 10 năm 1988); Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục 5 (đến tháng 6 năm 1989).
Từ tháng 1 năm 1990, ông được giữ chức Tổng cục trưởng Tổng cục 5 Bộ Nội vụ; được phong quân hàm Thiếu tướng tháng 8 năm 1990.
Từ tháng 02 năm 1991, ông giữ chức Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Ủy viên thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương; đến tháng 6 năm 1991, được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa VII, VIII, IX. Ông được phong quân hàm Trung tướng tháng 12 năm 1992.
Tháng 6 năm 1996, ông được bầu vào Bộ Chính trị các khóa VIII, IX, giữ chức Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Nội vụ (từ tháng 5 năm 1998 gọi là Bộ Công an) và giữ chức vụ này đến năm 2002. Ông được phong quân hàm Thượng tướng tháng 1 năm 1998.
Ông là Đại biểu Quốc hội các khóa IX, X, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội khóa IX; Huân chương Quân công hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất; Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng.
Ông mất ngày 23 tháng 5 năm 2004 tại Hà Nội, khi mất Ông vẫn đang đương nhiệm chức Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Khóa IX (2001 - 2005).
Ngày 5/3/2008, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam ký Quyết định số 245/QĐ-CTN truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho Ông và chiều 30/7, lễ truy tặng đã được tổ chức trọng thể tại Bộ Công an, Hà Nội.

Gia đình

TIỂU SỬ ÔNG NGUYỄN THANH GIANG
Tiến sỹ Nguyễn Thanh Giang sinh ngày 6 tháng 7 năm 1936 trong một gia đình trí thức ở thị xã Thanh Hóa. Ông nội là một nhà nho bất đắc chí. Thân sinh ông, sau khi cùng Nguyễn Khắc Viện rải truyền đơn tổ chức tang lễ Phan Châu Trinh, bị đuổi học khỏi trường Collège Vinh về làm quan phán ở Tòa sứ Thanh Hóa (tương đương Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa ngày nay).
 
Tuổi thơ ông rất gian nan. Cha mẹ ly dị từ ngày mới một tuổi, ông phải về sống với bà nội. Do nhà cửa bị phá trong “tiêu thổ kháng chiến”, phải tản cư về nông thôn nên gia đình bà nội trở nên nghèo khó. Ông vừa đi học vừa phải góp phần tự kiếm sống từ năm lên tám. Lúc lê la cổng chợ bán xôi bán nước, lúc ra đồng kéo te kéo tép, lúc ngồi xe bông kéo sợi, lúc đi cày thuê cuốc mướn …Măc dầu vậy, nhờ chăm chỉ học hành và nhờ học nhẩy lớp nên năm 1947 ông đã đỗ Primaire ( thuở ấy phải học 7 năm tiểu học mới được đi thi Primaire ) Năm 1952, ông phải khai tăng tuổi để được vào biên chế nhà nước và được bổ làm giáo viên dạy học ở Hoằng Đức, Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Không yên lòng sống với nghê giáo tĩnh lặng, ông tự cạo trọc đầu xung phong đi bộ dội chống Pháp nhưng vì sức yếu ông được cho giải ngũ sau một thời gian ngắn.
 
Năm 1962, tốt nghiệp khoa Lý –Toán Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông được phân công công tác tại Vụ Kỹ thuật Tổng cục Địa chất rồi sau đó về làm giám đốc bộ môn Địa Vật lý Cục Bản đồ Địa chất. Ông là người đầu tiên phát hiện khả năng chứa Uranium của địa tầng than Nông Sơn, là người tự thiết kế và lắp ráp phòng thí nghiệm Cổ từ đầu tiên ở Đông Nam Á và đã thực hiện gần 30 công trình nghiên cứu cùng một số tập sách khoa học đã được xuất bản …Ông được chính quyến cơ sở đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động nhưng vì “ lý lịch có vấn đề ” (thân sình ông di tản sang Hoa Kỳ) nên không được xét duyệt
 
Năm 1980, ông là nhà khoa học Việt Nam đầu tiên trong ngành địa chất được một tổ chức khoa học kỹ thuật của Liên Hiệp Quốc (CCOP) mời đọc báo cáo về Cổ từ học trong một Hội thảo Quốc tế ở Kuala Lumpur. Nhờ vậy, trong thế hệ ông, ông là một trong số rất ít nhà khoa học Viêt Nam được Phương Tây biết đến sớm nhất. Năm 1989, được mời trình bầy báo cáo tại Hội nghị Địa chất Quốc tế lần thứ 28 tổ chức tại Washington D.C., ông là nhà khoa học Việt Nam XHCN đầu tiên đọc báo cáo khoa học tại Thủ đô Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.
 
Ông cũng là nhà khoa hoc Việt Nam xã hội chủ nghĩa đầu tiên đã tham gia tổ chức một vài cuộc Hội thảo khoa học Địa chất – Địa Vật lý tại các trường đại học Illinoi- Chicago, Texas A&M, và đại học UCLA ở Los Angeles vào các năm 1991, 1996. Từ đấy, chính ông đã bắc những nhịp đầu tiên cho cây cầu nối quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ qua việc mời mấy đoàn cán bộ khoa học Địa Vật lý và Địa chất Dầu khí đầu tiên vào Việt Nam. Thông qua mối quan hệ với các nhà khoa học Mỹ và quan chức Đại sứ quan Hoa Kỳ tại Việt Nam ông đã thiết thực vận động cho BTA, PNTR và cho tiến trình hội nhập Việt Nam vào thế giới tiên tiến từ rất sớm.
 
Vợ ông, bà Nguyễn thị Tuyết Mai là con một nhà cách mạng, nhà thơ nổi tiếng thời chống Pháp. Tên ông – Thôi Hữu – được đặt cho một đường phố ở thành phố Thanh hóa và một trường học ở quê ông. Tốt nghiệp cử nhân văn khoa, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, bà Nguyễn thị Tuyết Mai trở thành trưởng biên tập chương trình Phát thanh Phụ nữ và là đảng ủy viên đảng bộ Đài Tiếng nói Việt Nam. Chuyển công tác sang Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, bà là chánh Văn phòng, ủy viên ban bí thư Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. 
 
Nguyễn Giang Vũ, con trai tiến sỹ tốt nghiệp cùng khoa, cùng trường đại học và trở thành dồng nghiệp của thân sinh. Anh là một trong bốn nghiên cứu sinh Việt Nam xã hội chủ nghĩa đầu tiên tại Hoa Kỳ và đã lấy bằng thạc sỹ ở đại học Texas A&M.
 
Nguyễn thị Mai Thủy, con gái tiến sỹ tốt nghiệp cùng khoa, cùng trường đại học với mẹ. Chị lấy bằng thạc sỹ dân số học ở Ấn Độ và hiện làm việc cho một tổ chức phi chính phủ của Hoa Kỳ.
 
Năm 1996, tiến sỹ Nguyễn Thanh Giang nghỉ hưu và chuyển dần sang hoạt động chính trị. Mặc dù phương pháp đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền của ông không những hoàn toàn bất bạo động mà còn chỉ gồm những bài viết, những thư từ góp ý gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội với lời lẽ rất ôn hòa, năm 1999 ông vẫn bi nhà cầm quyền Việt Nam bỏ tù. Không đưa được ông ra tòa vì không thể chính thức ghép ông tội gì, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã lẳng lặng thả ông ra nhưng sau đó vẫn tiếp tục hành hạ, đầy đọa ộng. Đặt trạm gác trước nhà, theo giõi trên đường, nghe lén điện thoại là chuyện thường tình đối với chính quyền cộng sản. Đã năm lần khám nhà, tịch thu tài sản, sáu lần bắt bớ tra hỏi; rồi thuê trẻ con ném đá vào nhà, bố trí người tông xe dọc đường, thuê côn đồ giả danh thương binh xông vào tư thất gây sự hành hung; rồi viết bài xuyên tạc, bôi bẩn, lăng mạ trên các báo của Đảng, tổ chức đấu tố ở phường, cắt điện thoại nhằm cô lập với bà con, họ hàng, bè bạn …
 
Bài viết “Tiểu sử ông Nguyễn Thanh Giang” trong cuốn “Nhật ký Rồng Rắn” của nhà xuất bản “Tủ sách thời sự Việt Nam và Thế giới” đã đánh giá ông như sau : “ … ông được xem như một Sakharov hay Lý Phương Chi của Việt Nam."
 
Bài viết này chỉ nói được phần rất nhỏ những gian truân của đời ông nhưng hy vọng trang web này sẽ giới thiệu được phần nào tinh thần ông, tư tưởng ông, tư cách của ông, sức làm việc cần cù, bền bỉ của ông. Qua đấy thấy được sức đóng góp lớn lao của ông trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt đối với công cuộc đấu tranh dân chủ hóa Việt Nam.
 
BAN BIÊN TẬP Thư Viện Nguyễn Thanh Giang Online.

Địa chỉ Email: thanhgiang36@yahoo.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét