Thứ Hai, 8 tháng 11, 2021

MẤT NGỦ (ĐL)

 
Thao thức vì em | Randy_Hạ Vân

 

MẤT NGỦ
 
Thèm ngủ quá mà Trời không cho ngủ
Cứ bắt ngồi ủ rũ nhớ nhung
Đêm khuya lắc, gục đầu bên ly rượu
Như tội đồ mang án phạt muôn chung!
 
Ước gì có kẻ mất ngủ cùng                                                             Chia rượu thâu đêm trang trải lòng
Khuây khỏa chút tình đời đọng lắng                                               Qua đêm buồn, hóng vừng hồng lên
 
Vừng hồng lên gột hết ưu phiền                                                          Vui sống một ngày kiếp nhân sinh                                                         Lại rồi đêm về buồn thao thức                                                             Mở lòng cô quạnh nhớ lưu linh
 
Gục đầu chờ đợi vừng hồng lên
Cho đời sán lạn mối duyên tình
Ừ nhỉ ngẫm đời mong ngóng lạ
Bình minh nào mãi mãi...bình minh?
 
 
Trần Hạnh Thu

 
Phút Cuối ▬ Bằng Kiều

Nết uống rượu đẹp của người xưa

19/09/18

Xưa, người ta uống rượu mà làm thơ, ngâm thơ rồi thành những bậc thi nhân kỳ tài, đến tận bây giờ vẫn được ngưỡng mộ.

Lý Bạch nổi tiếng với hình ảnh “Tiên thơ”, mỗi khi nâng chén rượu ông lại xuất khẩu thành những vần thơ mà người đời sau vô cùng ngưỡng mộ

Lịch sử có chép một vài vị như vậy. Lưu Linh uống rượu trăm chén không biết say, những kẻ uống rượu sau này đều chỉ tự nhận là “đệ tử Lưu Linh”. Tào Thực, con trai Tào Tháo, cũng uống rất dữ, làm thơ: “Quy lai yến Bình Lạc – Mỹ tửu đẩu thập thiên” (Trở về mở yến ở quán Bình Lạc – Rượu ngon uống mười ngàn đấu). Nguyễn Công Trứ uống rượu rồi ngông nghênh ca rằng: “Còn trời, còn nước, còn non. Còn cô bán rượu anh còn say sưa”. Đến thời hiện đại, Trần Huyền Trân một lần ghé tai khắc khoải tâm sự với Tản Đà:

Cụ hâm rượu nữa đi thôi 

Be này chừng sắp cạn rồi còn đâu 

Rồi lên ta uống với nhau

Rót đau lòng ấy vào đau lòng này…

Nhưng cái nết uống rượu của cổ nhân hoàn toàn khác hẳn với “văn hóa nhậu” bê bối của ngày nay. Khác như thế nào?

Trước hết, thuở ban sơ, rượu gắn với các hoạt động tâm linh, là thứ dùng để tế lễ Trời Đất, “vô tửu bất thành lễ” (không có rượu không thành nghi lễ). Chu Văn Vương nói: “Tế tự thì dùng rượu. Trời kia xuống mệnh cho dân ta biết nấu rượu chỉ là dùng vào việc tế tự lớn”. Tế rượu là một nghi thức trọng đại, chẳng thế mà người xưa đặt ra hẳn một chức quan chuyên trách làm việc ấy, gọi là “quan Tế tửu”. Đó phải là người có uy tín, phẩm giá, được nể trọng lắm!

Rượu trong tâm thức cổ nhân cũng là thứ vũ khí để tiêu sầu, giải phiền muộn, gọi là “phá thành sầu”. Có câu: “Dục phá thành sầu duy hữu tửu” (Muốn phá thành sầu chỉ có rượu mà thôi). Lý Bạch một đời ôm chén rượu, ngắm trăng, thưởng hoa, làm thơ, từng viết: “Nhân sinh đắc ý tu tận hoan. Mạc sử kim tôn không đối nguyệt” (Đời người đắc ý cứ vui tràn. Chớ để chén rượu vàng cạn dưới trăng). Ấy thế mà đôi khi rượu cũng vô tác dụng, chẳng phá nổi sầu mà lại chuốc thêm phiền đau. Cũng chính Lý Bạch viết: “Trừu đao đoạn thủy, thủy cánh lưu. Cử bôi tiêu sầu, sầu cánh sầu” (Rút dao chặt nước nước càng chảy. Nâng chén tiêu sầu sầu càng sầu).

Rượu cũng là một thứ “tín vật” gắn bó người với người, là chất keo gắn kết những người bằng hữu. Người xưa nói: “Chén tạc chén thù”. Chủ nâng chén chúc khách gọi là “tạc”, khách đáp lễ chúc lại gọi là “thù”. Có chén rượu uống cạn bên người tri âm được coi là một hạnh phúc lớn trong đời. Bởi thế mà có câu: “Tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu. Thoại bất đầu cơ bán cú đa” (Rượu gặp bạn hiền ngàn chén ít. Lời không hợp ý nửa câu nhiều).

Ở một khía cạnh khác, rượu cũng là chất xúc tác cho cảm hứng sáng tác thi ca. Tô Đông Pha trong một đêm Trung thu hơn nghìn năm trước, tay nâng chén rượu mà ca rằng:

Minh nguyệt kỷ thời hữu

Bả tửu vấn thanh thiên

Bất tri thiên thượng cung khuyết

Kim tịch thị hà niên

Tạm dịch:

Vầng trăng sáng có tự khi nào

Nâng chén rượu lên hỏi trời cao

Chẳng biết cung điện trên chốn ấy

Đêm nay đã là đêm năm nao

Xa hơn nữa, Lý Bạch để lại mấy câu thơ về rượu đầy cảm khái thế này:

Hoa gian nhất hồ tửu 

Độc chước vô tương thân

Cử bôi yêu minh nguyệt

Đối ảnh thành tam nhân

Tạm dịch:

Có rượu không có bạn

Một mình chuốc dưới hoa

Nâng chén mời trăng sáng

Mình với bóng là ba

Người xưa uống rượu một cách tài tử như vậy, uống say rồi lại làm thơ, để lại cho đời biết bao câu chuyện đẹp. Người xưa cũng uống nhiều, uống dữ nhưng luôn có thể tự ước thúc được hành động của chính mình, rất hiếm tìm thấy một “bợm nhậu” phá phách, đảo lộn luân thường đạo lý. Bởi thế mới nói, cái đạo uống rượu của cổ nhân thực là uy nghiêm, trang trọng, thực là quyến rũ.

Và tất nhiên, nó khác hoàn toàn với “văn hóa nhậu” xô bồ, dung tục bây giờ…

MC (ST)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét