TT&HĐ V - 44/l

 
Nhập hồn chiến sỹ sau 49 năm tìm mộ làm dậy sóng xã hội
 
 
PHẦN V:     THỐNG NHẤT 
"Khoa học là một sức mạnh trí tuệ lớn nhất, nó dốc hết sức vào việc phá vỡ xiềng xích thần bí đang cầm cố chúng ta."
Gorky 
 
"Mỗi một thành tựu lớn của nhà khoa học chính là xuất phát từ những ảo tưởng táo bạo". 
JohnDewey
"Chân lý chỉ có một, nó không nằm trong tôn giáo, mà nằm trong khoa học."
Leonardo da Vinci
 
"Cái khó hiểu nhất chính là hiểu được thế giới" 
Albert Einstein
 "Có hai cách để sống trên đời: một là xem như không có phép lạ nào cả, hai là xem tất cả đều là phép lạ".
Albert Einstein
      
“Chính qua cuộc đấu tranh nhằm thống nhất một cách hợp lý cái đa dạng mà đã đạt được những thành công lớn nhất, dù rằng chính ý đồ đó có thể gây ra những nguy cơ lớn nhất để trở thành con mồi của ảo vọng”.
Albert Einstein


“Người nhìn thấy cái đa dạng mà không thấy cái đồng nhất thì cứ trôi lăn trong cõi chết”.

Upanishad       

CHƯƠNG V (XXXXVI): CHIÊM BÁI

“Bằng cách ở mỗi hiện tượng tự nhiên của cái riêng lẻ, cái qui ước và ngẫu nhiên, chúng ta hướng mắt đến cái phổ quát, cái khách quan và tất yếu, thì đó là chúng ta tìm cái độc lập đằng sau cái lệ thuộc, cái tuyệt đối đằng sau cái tương đối, cái vĩnh cửu đằng sau cái vô thường. Và như tôi nhìn thấy, cái khuynh hướng này biểu lộ không những trong vật lý học, mà còn trong mỗi ngành khoa học, vâng, không chỉ trên lĩnh vực khoa học, mà còn trên lĩnh vực của cái thiện và cái mỹ”.

“Cái huyền diệu là trong tất cả các hiện tượng của tự nhiên, có một tính qui luật phổ quát ngự trị mà ở mức độ nào đó, có thể nhận thức được đối với chúng ta”.
Max Planck

“Từ trên cao, Tạo hóa mỉm cười nhìn xuống, Người đã trao cho chúng ta một lòng khao khát khám phá, nhiều hơn là khả năng trí tuệ để làm việc ấy”.
 Albert Einstein

“Để có kiến thức con người không cần đến đại học. Giá trị của giáo dục đại học không nằm ở chỗ học thuộc lòng thật nhiều kiến thức mà ở chỗ tập luyện tư duy, cái mà người ta không bao giờ học được từ sách giáo khoa”. 
Albert Einstein

“Lý thuyết, là ta biết hết mọi thứ nhưng không thứ nào hoạt động được. Thực hành là việc gì cũng chạy mà ta không biết tại sao. Nơi đây ta gom chung lý thuyết với thực hành: chẳng cái nào chạy cả… và không ai biết lý do vì sao!”. 
A. Einstein

“Tư duy sáng tạo không chỉ bao gồm việc tạo ra những ý tưởng mới, mà còn là thoát khỏi những ý tưởng lỗi thời”
Roger von Oech

"Cuộc sống có hai quy luật cơ bản: thay đổi là điều không thể tránh được, và, mọi người thường chống lại sự thay đổi”.
Roger von Oech
 
"Người thuận theo đất, đất thuận theo trời, trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo tự nhiên".
Tất cả mọi khoa học cần thiết hơn triết học, nhưng không một khoa học nào tốt hơn nó”.
"Người ta nói con người tài giỏi hơn con vật ở chỗ biết tư duy. Nhưng chiến tranh làm ta nghi ngờ điều đó. Và nhìn vào lòng tham, ta tin loài người là loài tác tệ nhất trong thế giới sinh vật!"
NTT

 

 

(Tiếp theo)

***
Tôi bừng tỉnh dậy và thấy mình đang ngồi trước bàn làm việc.
Kể cũng lạ kỳ! Đang đi qua đi lại trong phòng, dự định ra quán nhậu nhẹt để giải sầu thì hai từ “lao động” bỗng nảy ra, “dìm” tôi chìm đắm vào suy tưởng mê man và không biết mình ngồi lại vào đây từ lúc nào. Nhìn lên đồng hồ treo tường thấy mười giờ sáng. Ô hay, lúc nãy thấy mười giờ sáng, bây giờ cũng vẫn mười giờ sáng, thế là thế nào!? Đồng hồ chết rồi à? Không, nó vẫn sống! Chiếc kim giây vẫn nhích từ vạch này sang vạch khác một cách đều đặn. Hay thời gian không trôi? “Có nhẽ đâu thế” được!...
Vợ tôi đi chợ về. Đi qua chỗ tôi ngồi, mụ gờm gờm nhìn tôi. Từ trước đến nay có bao giờ mụ nhìn tôi lạ lùng như thế đâu. Hôm nay mụ mắc chứng gì thế nhỉ? Trên đời này, tôi đã từng yêu thương nhiều người, nhưng có lẽ vợ con là những người tôi yêu thương nhất (tất nhiên là không kể bản thân mình rồi!). Tuy nhiên, yêu thương vợ con bao nhiêu thì đồng thời cũng say đắm Tự Nhiên Tồn Tại bấy nhiêu, cho nên đối với vợ con, tôi lại như một kẻ vô tâm vì bao nhiêu tâm trí đã dồn cho Vũ Trụ mất rồi! Cái số tôi nó thế, biết làm sao được! Không biết cái nhìn gờm gờm ấy có phải là biểu hiện của sự trách hờn đối với thằng đàn ông có tính khí kiểu miệng nói yêu thương người này mà lòng lại mê tít kẻ khác? Nếu quả có thế thì thật là tội tình cho vợ tôi và cả cho tôi nữa! Thôi! Phòng xa bao giờ cũng tốt hơn là “nước đến chân mới nhảy”. Nghĩ vậy, tôi ngoái xuống bếp “hát”:
- Mụ mặc bộ quần áo đó đẹp đấy, trông trẻ ra đến mấy tuổi…
- Thôi đi cha! Đừng có mà nịnh đầm!...
- Không, tôi khen thật chứ nịnh mụ mà ăn được giải gì! Mà trưa nay ăn món gì đấy? Mới giờ này mà sao đói quá, không biết?...
- Không đói mới là lạ! - Vợ tôi nói vọng lên, giọng có phần diễu cợt - Không ăn gì từ tối hôm kia đến giờ, không chết đói là quá may cho ông, chứ còn than thở nỗi gì!
Tôi giật mình:
- Bà nói sao chứ…
- Nói sao là sao? Thật chẳng có ai như ông, cứ ngồi lù lù một đống trong xó hết ngày nay qua ngày khác, lúc thì im phăng phắc như phỗng, lúc thì ngáy vang ầm ầm như sấm, bỏ cả ăn uống… Dễ nể thật đấy!
À, ra thế! Đến lúc này thì tôi mới hiểu: đồng hồ không chết, thời gian vẫn trôi, chỉ có tôi là ngừng trệ vì chìm đắm trong mộng mị.
Chắc là tại tiếng mỡ xèo xèo và mùi hành phi bốc đến tận đây, thơm nức gây kích thích mà cái cảm giác đói lúc này bỗng trỗi dậy ghê gớm: mồ hôi tôi vã ra, mắt hoa lên, mệt rã rời. Tôi vội kêu vợ làm cho tôi một tô “mì ăn liền”.

Kết quả hình ảnh cho chế biến mì ăn liền
Đúng là “mì ăn liền”: chỉ không đầy ba phút sau vợ tôi đã “dâng lên” một tô ngào ngạt mùi hành ngò và thấy có cả một cái trứng gà được đập ra cho vào đó nữa. Tôi là kẻ chúa ghét ăn nóng, nhưng lần này thì… a lê hấp, loáng một cái, cả tô mì đang bốc hơi nghi ngút đã được trút vào trong bụng. Mồ hôi túa ra đầm đìa nhưng người thì vô cùng sảng khoái. Lau sạch mồ hôi rồi bật quạt lên, luồng gió mát rượi làm cho tôi thấy thật là nhẹ nhõm, có cảm giác như nếu nhón chân nhảy, có thể bay lên đụng trần nhà được, còn trí não thì tỉnh táo khác thường. Rõ ràng là tôi đã hoàn hồn trở lại.
Hình như con người ta, đang mê mệt trong hoang mang, bế tắc bỗng dưng được hoàn hồn trở lại, thì nỗi bi quan, chán nản lập tức bị đẩy lùi, nhường chỗ cho tinh thần lạc quan, sự hồ hởi vui sống và niềm hăng say sáng tạo trở về. Tâm trạng của tôi bây giờ là như thế. Bất chợt, tôi lại nhìn đến chồng bản thảo cao nghễu nghện ở góc bàn và thấy sao mà trìu mến quá, sao mà tự hào quá! Dù đó chưa chắc là thành quả của một quá trình thực chứng và thậm chí chỉ đơn thuần là thành quả của một “công cuộc” hoang tưởng phi thực tại, thì cũng không hề tầm thường chút nào, bởi vì tôi tin rằng sau khi xuất bản, nó, cái chồng bản thảo ấy đấy, chí ít cũng như một luồng gió mới tươi mát và đầy sinh khí (được tạo thành bằng cách tổng hợp lại có phê phán những “tinh nhuệ” được rút tỉa ra từ những luồng gió cũ của các thời đại đã qua) thổi vào nhận thức đương đại về Tự Nhiên Tồn Tại đang chững lại trong hoang mang, rối bời, tạo nên một sự khuấy đảo cần thiết làm bừng tỉnh nhiều khối óc và con tim vẫn còn mê muội, “chúi mũi” theo những lối sáo mòn đã trở nên cũ kỹ, chật hẹp trong cách nghĩ và cách cảm. Hơn nữa, dù trong nội dung tư tưởng của chồng bản thảo kia có thể đã phô bày ra quá nhiều những luận điểm ngây ngô, khờ khạo, thì chí ít nó cũng đứng về phía Đại Chúng cần lao, tự nhận là con em của Đại Chúng cần lao, đồng cảm với họ và tha thiết yêu thương họ, để từ đó mà lên tiếng bênh vực họ, ca ngợi chính nghĩa kêu gọi tình yêu thương đồng loại, lên án áp bức bất công, sự bành trướng, xâm lược thô bạo của các thế lực cường quyền… Nghĩ đến đây, trong đầu tôi nảy ra ý muốn làm một bài thơ để ca ngợi hết lời công cuộc lao động sáng tạo vô song và đầy ý nghĩa của mình mà mụ vợ tôi, rất tiếc, chưa bao giờ dù chỉ một lần tỏ ra đồng tình ủng hộ, thậm chí còn nói: “Chỉ có thằng khùng mới sống cuộc đời mài đũng quần và cắm đầu cắm cổ tạo ra cái đống tầm phào, chẳng đem lại chút lợi lộc nào như thế!”. Có lần tôi ôn tồn bảo: “Bà chưa thấy được cái tầm vóc lớn lao của…”. Chưa nói được hết câu, mụ ta đã “độp” lại chát chúa: “Úi giời ơi, vĩ đại nhỉ!? Tầm vóc của cái đống ấy đem bán giấy vụn may ra được 20 đồng bạc, kgông đủ tiền ăn được tô phở… Gớm! Đừng có mà tưởng mình là vĩ nhân! Vĩ nhân gì mà bảo lắp giùm thêm một cái bóng đèn nữa ở nhà bếp, cứ loay hoay cả ngày không xong: dây nhợ thì lòng thòng, công tắc thì xiêu vẹo, tối bật lên thử thì nổ cái “bụp”, cả nhà tối om! Dị hợm thì có chứ vĩ nhân vĩ nhiếc gì!...”. Kể cũng đáng tội, đúng là tự tán dương mình, tự nịnh nọt mình chẳng bao giờ hay ho cả. Nhưng đang ở tâm trạng hứng khởi đến bốc đồng này, cũng nên thông cảm cho “cái tôi bản năng” một chút chứ! Xét cho cùng thì huênh hoang lên đến “tầm cỡ” như thế cũng chẳng mang tội gì, chẳng gây chết “thằng tây” nào!
Tôi là kẻ thích thơ và cũng hay làm thơ. Tôi đã sáng tác được chừng 300 bài thơ. Đôi khi tôi cũng gửi những bài thơ mà tôi cho là hay nhất đi dự những cuộc thi thơ. Có đi mà không có hồi đáp. Chưa bao giờ thơ của tôi được nhắc tới chứ nói gì tới được giới thiệu trên mặt báo. Cứ mỗi lần gửi thơ đi là mỗi lần hồi hộp chờ đợi để rồi chuốc lấy thất vọng ê chề. Cuối cùng, tôi đành phải đi đến kết luận: thơ tôi dở là cái chắc! Tuy vậy, vì thơ tôi là thể hiện tình cảm chân thành của tôi trước cuộc sống, là nơi tôi gửi gắm những ưu tư phiền muộn không thể thổ lộ “bô bô” cùng ai được, nên tôi vẫn chép vào hai cuốn sổ tay bìa đen và nâng niu, giữ gìn chúng. Đấy, hai cuốn sổ tôi vẫn để ở kia kìa, cạnh chồng bản thảo đồ sộ ấy. Ơ!... Ngộ thế nhỉ!... Sao lại là ba cuốn sổ tay bìa đen? Chỉ là hai thôi chứ? Ở đâu ra cuốn sổ tay thứ ba dày cộm kia? Thế là thế nào nhỉ?...
Tôi vội với tay lấy cuốn sổ ấy và mở ra xem. Ở trang đầu tiên chỉ có bốn chữ “Nhật ký hành trình” viết theo lối chữ in hoa mà tôi vẫn hay dùng. Lập tức mắt tôi hoa lên và tim đập thình thịch đến ná thở trong lồng ngực. Cuộc phiêu du kỳ thú với biết bao nhiêu cảnh quan huyền hoặc lại cuồn cuộn hiện ra, rõ mồn một theo từng trang nhật ký. Dù không ghi chép theo trình tự ngày tháng thì những sự kiện tiếp nối nhau trong cuốn sổ ấy đủ gây cho tôi một ấn tượng rất mạnh về sự tồn tại thực sự của cuộc hành trình. Hơn thế nữa, những dòng chữ tốc ký và có phần nguệch ngoạc kia chắc chắn là do chính tôi viết ra chứ không thể ai khác. Đặc biệt nhất là tôi vẫn còn nhớ như in lời dặn dò của Tạo Hóa và khi đọc lời dặn dò của Tạo Hóa được ghi chép trong cuốn sổ ấy, thấy hoàn toàn chính xác, không hề có một tí teo khác biệt nào. Thật là phi thường!...

Kết quả hình ảnh cho hình ảnh hoang tưởng
Bất giác, tôi lại ngồi thừ người ra, lại không còn hiểu ất giáp gì nữa cả. Trong khi cảm tính cứ xúi giục tôi phải tin vào sự có thực của cuộc phiêu du thì lý trí lại cười hềnh hệch mà rằng: “Dù ông có ba đầu sáu tay đi chăng nữa thì cũng làm sao có thể vừa thực hiện cuộc hành trình lâu đằng đẵng và viết chi chít nhật ký trong cuốn sổ tay dày cộm này, vừa ngồi đây viết ra chồng bản thảo cao vọi kia được?”. Có lẽ không nên nghĩ ngợi gì thêm nữa là hơn, kẻo mới hoàn hồn chưa được mấy chốc lại lâm vào mê loạn, dẫn đến điên khùng thì chí nguy. Nghĩ đến cảnh phải đến định cư lâu dài ở “thái bình Thiên Quốc” (nhà thương điên Biên Hòa) mà sởn gai ốc!
Không khí trở nên ngột ngạt. Tôi nhìn ra sân, cảnh vật đang im phăng phắc thì đột nhiên lá cành bị lay động báo hiệu có gió về. Gió càng ngày càng mạnh dần lên làm cho khí hậu bớt bứt rứt và kéo mây đen vần vũ tối sầm cả bầu trời. Mưa bắt đầu rơi lác đác. Bất thình lình, một ánh chớp phát ra sáng lòa rồi tiếp theo sau là một tiếng sấm nổ đinh tai nhức óc, cứ như là sét đã đánh trúng sân nhà tôi vậy. Tôi giật bắn mình vì kinh khiếp! Vợ tôi ở dưới bếp chạy vọt lên, bàn tay để lên ngực, chỗ có trái tim, thều thào: “Hết hồn hết vía à!”. Thấy vậy, tôi mỉm cười ra điều chẳng có gì mà ầm ĩ: “Thấy được ánh chớp là yên tâm rồi, có gì đâu phải sợ đến xanh mặt xanh mày như thể sắp chết thế hả mụ!?”. (Đúng là đối với một trang nam nhi, sự sợ hãi nhanh chóng được lấp liếm trước một người phụ nữ đang sợ hãi. Nhiều thằng đàn ông đâu biết rằng, trong đời sống, khi tình huống đòi hỏi buộc phải tự vệ để bảo toàn sự sống còn cho bản thân và gia đình, người đàn bà thường trở nên gan góc gấp trăm, gấp ngàn lần họ).
Cú sét đánh kinh hoàng đó tựa hồ như là hiệu lệnh của Thiên Lôi làm cho mưa đang lác đác bỗng ào xuống như trút nước. Hàng triệu triệu, hàng tỷ tỷ giọt mưa thi nhau lao vun vút xuống, rất căng, cứ như chúng được phun ra từ những vòi rồng khổng lồ trên thiên đình.
Tôi rất thích ngồi ngắm mưa rơi và hít thở cái không khí ngai ngái, ướt át, mát mẻ có phần lành lạnh mà nó cùng với gió tạo ra, ngồi hàng giờ như thế không biết chán. Mỗi khi ngắm mưa rơi, tôi có cảm giác như đang được chiêm ngưỡng cảnh đất, trời trùng phùng, hoan lạc, vạn vật đều có vẻ thích thú, tươi vui vì được thỏa thê tắm gội sau những ngày nóng nực, nắng úa da héo thịt, nhớp nháp và hôi nồng khói bụi. Những khi ấy, lòng tôi cũng dịu hẳn lại. Mọi bức bối, khó chịu, mọi gay gắt thị phi, mọi thúc dục sân si, nảy sinh trong cuộc sống đời thường chứa chất trong lòng trước đó, đều mềm ra và tan chảy theo mưa. Nếu cho rằng bình minh làm con người ta hồ hởi vui sống hơn, hoàng hôn làm người ta u sầu, nhung nhớ hơn, và nắng gắt làm người ta bẳn tính, vị kỷ hơn thì hình như những trận mưa rào làm người ta hiền từ, vị tha hơn!...
Mưa hùng hục, căng cứng một hồi rồi cũng bớt, cũng chùng lại, trở thành tầm tã và dạt dào bởi những cơn gió đã thổi mạnh hơn. Cửa sổ phòng tôi mở toang từ trước nên từng đợt gió mang theo nhiều bụi mưa li ti lồng vào làm những trang sách hất qua hất lại phần phật, giấy tờ trên bàn bay tứ tung, tờ nào không bay được, nằm phơi mình thì lấm tấm ướt nhòe. Tôi hít lấy hít để, hít đến căng lồng ngực những luồng gió ấy. Thật khoan khoái quá đỗi!...

Cái gì cũng phải có hạn định. Mưa to mấy thì rồi phải đến lúc tạnh. Trận mưa vừa rồi cũng vậy. Sân nhà tôi đã trở nên quang đãng dù cây cối và mặt sân vẫn còn ướt sũng. Mây đen đã tan biến, nhường chỗ cho những đám mây trắng như tuyết bay lãng đãng. Bầu trời trở lại cao xanh và ngời lên trong nắng nhẹ. Thường thì sau những cơn mưa ào ạt, nhà cửa trông mới mẻ hơn, cây cối trông xanh tốt hơn và nói chung toàn bộ cảnh sắc trông mạch lạc, tươi tắn hơn, không khí cũng có vẻ thơm tho hơn. Trước mắt tôi bây giờ là một hiện thực mê hồn, đẹp hơn mọi bức tranh thủy mặc đẹp nhất mà tôi đã từng có diễm phúc được chiêm ngưỡng trong đời.

Ngó nghiêng ngó ngửa trời đất và vạn vật đến mãn nhãn xong, tôi bắt đầu uể oải nhặt nhạnh giấy tờ và sắp xếp lại các thứ trên bàn làm việc, rồi nhìn lại cuốn “Nhật ký hành trình” còn để mở ở trước mặt. Những đợt gió ban nãy đã lật nó đến trang chính giữa. Tôi thường viết chữ đứng nên những hàng chữ viết nghiêng ở trang ấy lập tức đập vào mắt tôi và rồi khi tôi đọc xong, chúng bỗng có vẻ sống động, thậm chí còn như đang uốn éo múa may trước mặt tôi nữa. Trong phút chốc những mắc mứu lôgic liên quan đến cuộc phiêu du kỳ thú và cuốn sổ tay nhật ký của cuộc phiêu du ấy được giải tỏa hết. Thật kỳ lạ nhưng trong cuộc đời thường xảy ra những trường hợp như thế: có những bế tắc dù cố gắng đến hết mức với đủ mọi cách mà vẫn không sao giải quyết được, đành chịu bó tay, thì đùng một cái lại tình cờ được tháo gỡ dễ dàng đến không ngờ.    
Không kìm nổi xúc động, tôi run run đọc to lên những hàng chữ viết nghiêng ấy: “Làm sao mà thuyết phục được những nhà duy vật cực đoan, những nhà thực chứng cố cựu? Vì bị gông xiềng bởi cái sức ỳ tâm lý đã hằn sâu đến thâm căn cố đế nên họ chẳng bao giờ tin nổi cuộc hành trình của chúng ta là có thực, chẳng bao giờ tin vào những ghi chép về một sự thực vĩ đại mà chúng ta đã khám phá ra. Họ đâu biết được rằng, cuộc hành trình của chúng ta thực sự xảy ra trong hiện thực, dù hiện thực này tồn tại trong thực tại ảo. Toán học hay vậy lý học chẳng hạn, có phải là hiện thực không? Đó là hiện thực! Nhưng rõ ràng không phải là hiện thực thể hiện ra trực tiếp từ thực tại khách quan và trước mọi quan sát mà là hiện thực trong thực tại ảo, được con người sáng tạo ra thông qua sự quan sát, nhìn nhận có tính đặc thù của mình trước thực tại khách quan vốn dĩ. Hiện thực đã qua thì không còn là hiện thực nữa mà đã thuộc về ảo mộng, hiện thực chưa tới thì chưa phải là hiện thực và cũng thuộc về ảo mộng nốt. Hiện thực đích thực chỉ là cái lằn ranh vô cùng mỏng manh giữa hai thứ ảo mộng ấy và con người, nếu không có sự hồi ức thì không thể cảm biết được nó. Cái hiện thực mà con người đang thấy ở trước mặt là do sự hoạch định của hồi tưởng mà có. Nó đâu phải là hiện thực đích thực, mà chỉ là hiện thực “hư hư thực thực”, thực thì ít mà tưởng thì nhiều. Khi chúng ta thấy một chiếc máy bay đang bay thì chỉ có điên khùng mới nói rằng đó không phải là một hiện thực. Nhưng nếu chúng ta không có sự hồi tưởng và suy đoán thì làm gì có hiện thực đó mà chỉ có hiện thực là chiếc máy bay đứng in trên bầu trời, và thậm chí là nếu không có ánh sáng phản chiếu liên tục từ chiếc máy bay đó đến mắt của chúng ta thì đối với chúng ta, bản thân nó cũng không hiện hữu, dù rằng nó vẫn đang bay và hiện tượng đó là một tồn tại hiển nhiên trong không gian, ngoài… thời gian (vì thời gian không phải là một tồn tại thực mà chỉ là sự thể hiện ra trước quan sát một trong hai đặc tính cơ bản của tồn tại, đó là đặc tính tạm gọi là “quá trình”, hay còn có thể gọi là đặc tính “lâu -mau” của tồn tại). Vì những lẽ đó mà chúng ta tự tin dõng dạc tuyên bố với thế giới rằng: cuộc hành trình vô tiền khoáng hậu đi tìm cái gì đó của chúng ta đã từng là hiện thực, đang là hiện thực và vẫn còn tiếp diễn trong miền thăm thẳm của tư duy trừu tượng - cõi… thực tại Hoang Đường!”.
Đúng vậy! Bản thân Tự Nhiên Tồn Tại là chân lý tuyệt đối. Tất cả mọi hiện tượng (mọi quá trình, mọi biến cố) xảy ra trong Vũ Trụ đều có lý, đều hợp lý vì đều bị ràng buộc chặt chẽ bởi nguyên lý Tự Nhiên, đều là sự thể hiện của Tự Nhiên, chứ không thể phi lý, phi Tự Nhiên được. Tuy nhiên, do đặc tính đầy đủ tuyệt đối (nghĩa là phải có cả thiếu thốn!) của Tự Nhiên Tồn Tại mà tồn tại cái gọi là nguyên lý nước đôi, nghĩa là trước một quan sát và nhận thức bị khống chế bởi sự khiếm khuyết chủ quan và khách quan, bị thị phi hóa trong nhận định bởi sự phân định tự nhiên) Tự Nhiên Tồn Tại thể hiện ra như thế này mà cũng như thế khác, lúc thế nọ lúc lại thế kia, có thực thì cũng có ảo, có xuôi thì cũng có ngược, có những hiện tượng gọi là thuận lý thì cũng có những hiện tượng gọi là nghịch lý… Vì tình hình đó có nguyên nhân từ khách quan lẫn chủ quan cho nên không thể khắc phục được và hơn nữa, phải thừa nhận nó là một tồn tại tự nhiên, hoàn toàn có lý để mà nhận thức được thấu triệt Vũ Trụ. Điều đặc biệt đáng chú ý là sự thuận lý hay nghịch lý của một hiện tượng xảy ra trong hiện thực hoặc do suy lý ra chỉ có tính tương đối, tùy thuộc vào sự đánh giá có tính qui ước, vào sự cảm nhận chủ quan của thực thể quan sát nhận thức. Trình độ nhận thức ngày càng cao, ngày càng thích đáng sẽ dần dần “vạch trần” những cái trước đó bị coi là nghịch lý, để chúng trở nên thuận lý hoặc chỉ là do sự ngộ nhận sai lầm. Có thể nói nguyên nhân nảy sinh nghịch lý chính là trình độ nhận thức còn hạn chế về thực tại khách quan, là mặt còn khiếm khuyết, bất lực của trí não con người trong quá trình đi giải thích thế giới.
Kể cũng ly kỳ! Tôi đi tìm sự thực về cuộc hành trình mà chính tôi đã và đang thực hiện. Nhờ cuộc hành trình ấy mà tôi viết ra được biết bao nhiêu điều suy ngẫm về thực tại khách quan. Sự suy ngẫm ấy khi được viết ra thì rồi sẽ được “nhào nặn”, đúc kết thành tư tưởng. Như vậy, tôi làm sao có được tư tưởng của mình nếu không có những tiền đề tư tưởng được ghi chép vắn tắt trong cuốn sổ nhật ký hành trình đang sờ sờ trước mặt và làm sao có được cuốn sổ nhật ký với người viết nó chính là tôi đây nếu tôi thực sự chỉ ru rú ở xó nhà chứ chưa hề phiêu du đến bất cứ đâu cả? Nhưng làm sao có thể vừa phiêu du đó đây trong Vũ Trụ để quan chiêm vạn vật - hiện tượng vừa “mài đũng quần” ở đây để viết ra chồng bản thảo ngồn ngộn thế kia được? Nghịch lý chăng? Không phải đâu! Ánh chớp chói lòa và tiếng sét kinh thiên động địa ban nãy đã là điềm báo thiêng liêng về cái thời khắc ngọn gió vô tình mở ra trang có những dòng chữ nghiêng mà tôi đã từng viết trong cuốn sổ nhật ký hành trình, để rồi qua đó nảy ra trong tôi câu trả lời giản dị đến không ngờ: “Làm gì có nghịch lý nào ở đây!”. Tôi chỉ có một “cái tôi” duy nhất. Đó là điều không ai có thể phản bác được. Nhưng sự “duy nhất” ấy lại là một tổng thể hợp thành thống nhất của hai “cái tôi” tương phản nhau” Cái tôi Hiện Thực và Cái tôi Hoang Tưởng! 
Trong khí cái tôi Hiện Thực ù lỳ, máy móc, lúc nào cũng cảm thấy cô đơn sầu muộn, bi quan chán nản trước những gai góc đời thường của cuộc sống, thì cái tôi Hoang Tưởng lại vô cùng hiếu động và khoáng đạt, lúc nào cũng hồ hởi lạc quan, tha thiết yêu đời và tràn trề mộng ước. Tôi bị cao huyết áp và nghe theo lời khuyên của những bậc cao minh kim cổ nên đã học khí công dưỡng sinh để chế ngự cái bệnh ấy. Trong quá trình luyện tập thực hành, lắng nghe sự hồi đáp của cơ thể, dần dần, tôi đã đúc kết được một cách thức “khí công thiền pháp” phù hợp cho riêng mình tạm gọi là “tọa thiền thu phát quang năng”. Nhờ có cách luyện khí công ấy mà tôi trở nên khỏe khoắn khác thường. Những bệnh lặt vặt như cảm cúm vừa bén mảng tới là bị tôi phát công đuổi chạy có cờ, tửu lượng tăng lên đến mức bạn bè phải bái phục, gọi tôi là “đại ca”, còn thuốc lá thì khỏi nói, một ngày hút hết ba gói (60 điếu) vẫn còn thèm. Thấy hiệu quả quá, tôi luyện công như điên nhưng đồng thời cũng đâm ra chủ quan, chiều tối nào cũng ra quán nhậu, lê la trác táng đến bét nhè. Thế là tôi bị “tẩu hỏa nhập ma” lúc nào không biết, thành kẻ bốc đồng ghê gớm. Rồi đến một ngày, sự bốc đồng ấy thăng hoa lên cùng cực làm cho cái tôi duy nhất của tôi “phân thân” thành hai cái tôi tương phản nhau: Hoang Tưởng và Hiện Thực. Cuộc đời tôi từ đó thay đổi, phải sống trong tình trạng một cái tôi duy nhất mà cứ như hai cái tôi với hai nhân cách sống tách biệt nhau tương đối rạch ròi. Sự “phân thân” đã làm cho hai cái tôi ấy của tôi được được thỏa chí sống theo ý thích của riêng chúng. Dù có thế thì chúng, vì mục đích sống còn của nhau (nghĩa là của cả cái tôi duy nhất nữa!), không thể biệt lập hoàn toàn với nhau được mà phải liên hệ với nhau, thỏa thuận với nhau, tự tung tự tác trong phạm vi phân công, hợp tác đối với nhau. Nghĩa là hai cái tôi ấy, tuy hai mà một, tuy một mà hai và như thế nên chúng cũng thường lẫn lộn, lấy tâm trạng của nhau để nói về mình. Chính tình trạng sống đó của tôi đã dẫn đến hiện tượng tưởng chừng như quá ư nghịch lý nhưng hóa ra lại chẳng nghịch lý tí nào: cái tôi Hoang Tưởng, với mục đích tìm cho được và đến cho được đỉnh Tu Di huyền thoại, đỉnh cao “Ngàn đời mơ ước”, đã lên đường chu du khắp góc bể phương trời, thích thú ngắm nghía mọi kỳ hoa dị thảo trong tầm mắt rồi đưa ra nhận xét, bình phẩm, truyền thông tin về cho cái tôi Hiện Thực theo đường tâm linh, bằng thần giao cách cảm, còn cái tôi Hiện Thực thì ngồi chết dí trong một xó khuất ở Trần Gian, quên cả ngày tháng, quên cả sinh nhai, cứ thế, vừa nhả khói liên tục đến mịt mùng, vừa ghi lia chép lịa như một động cơ vĩnh cửu những lời thì thầm vọng về của cái tôi Hoang Tưởng...
 
                                                  ***

Hồn vía của đoàn người hồi hương đã bình phục trở lại. (Thực ra, Hoang Tưởng chỉ có một mình trong cuộc hành trình thôi nhưng vì… hoang tưởng nên cứ nghĩ rằng đang “đi” cùng với nhiều người và cũng vì vậy mà lúc nào cũng tự xưng xoen xoét là “chúng ta”. Chẳng hay ho gì… mà thôi, kệ cha lão ta!). Chúng ta định thần cố nhớ lại những sự kiện vừa qua rồi cố quan sát, tìm hiểu để nắm bắt tình trạng của mình trong hiện tại.
Cái nóng hầm hập như thiêu đốt và sự ngột ngạt đến ghê hồn không còn nữa. Thay vào đó là cái cảm giác mát mẻ, lâng lâng nhẹ nhõm như vừa sau trận mưa trong một ngày hè. Điều kinh dị vô cùng là dù chúng ta đã hoàn hồn, đã suy nghĩ được, đã cảm nhận được và hơn nữa, đã thấy được tỏ tường như cũ thì vẫn không thấy thân xác của mình đâu cả. Vì biết rằng trong Vũ Trụ, chẳng có gì phi lý mà có thể xảy ra được, nên chúng ta tập trung suy ngẫm để tìm cho ra một lời giải thích khả dĩ. Suy ngẫm một hồi lâu thì chúng ta sực nhớ: ở Trái Đất, nhiều người đã từng gặp ma, đã từng trò chuyện với vong hồn của những người đã chết. Ma hay vong chắc là phải có thực và nếu thế thì phải thừa nhận rằng đó là những dạng tồn tại đặc biệt sau khi chết của sự sống con người, và sự tồn tại ấy có thể kéo dài đến cả ngàn năm và thậm chí còn lâu hơn nhiều. Có thể cho rằng ma hay vong là một dạng sống đặc biệt (không sống mà sống, là cả hai mà cũng không phải cả hai), đóng vai trò là trạng thái trung gian chuyển tiếp từ hữu sinh sang vô sinh mà chỉ ở loài người mới có. Có thể cho rằng dạng sống đặc biệt này và dạng sống đích thực có tính tương phản nhau và gốc phân định sự tương phản của chúng chính là trạng thái ngủ. Có thể hình dung cấu trúc của "thực thể" ma vong là "căn cốt" của cấu trúc con người, phần còn lại khi con người chết đi (không phải thân xác!), không tiêu diệt được nếu không phải là phản ứng hạt nhân, và vận động (chủ yếu về mặt tinh thần) trên phương thức tạm gọi là "cảm ứng kích thích điện từ sinh học"(được kích hoạt bởi hoạt động thần kinh của người sống). Dạng sống này còn được gọi là "linh hồn", sống khi người sống (thường là người thân) "đoái hoài" tới, không sống khi bị người sống (người thân) lãng quên, thông qua các nhà ngoại cảm, và trái lại nhà ngoại cảm chỉ thấy được linh hồn khi có sự đoái hoài của người thân hay của (những) người yêu thương linh hồn đó (nghĩa là có hoạt động thần kinh như một cảm ứng kích thích hướng về linh hồn đó).

40 phut kinh hoang cua nuoc my vi tuong chien tranh hat nhan no ra hinh anh 2

Nếu hồn vía của ma hay vong là như thế thật thì sự tồn tại của nó phải là kết quả của một quá trình nhân quả nào đó có tính vật chất (Không Gian?) mà đầu mối phải bắt đầu từ con người. Vì lẽ đó mà chúng ta đưa ra phán đoán rằng, cấu trúc vật chất của mọi thực thể (cả vô sinh lẫn hữu sinh) đều được xây dựng nên từ những thực thể nhỏ nhất vẫn còn mang đặc trưng của loại vật chất hợp thành của thực thể đang xét nào đó, và được gọi là những đơn vị cơ bản. Chẳng hạn đơn vị cơ bản của một cục đá là những hạt nhỏ nhất nào đó vẫn còn bản chất đá mà nếu đem phân chia những hạt đá này thì sẽ nhận được những thực thể nhỏ hơn không còn bản chất đá nữa. Nếu đem toàn bộ những thực thể nhỏ bé không phải là đá này “nhào nặn” trở lại thành một thực thể mới thì nó không phải là một cục đá tương tự như ban đầu nữa mà có bản chất khác. Tương tự, đơn vị cơ bản của một thỏi sắt phải là những nguyên tố sắt và nếu làm biến đổi những nguyên tố sắt này thì thỏi sắt đó không còn là nó nữa mà là một thực thể có bản chất khác. Dù vậy, cần phải cho rằng mọi thực thể (vô sinh hay hữu sinh) với cấu trúc vật chất đặc thù của chúng, muốn hình thành và tồn tại được đều phải dựa trên một nền tảng nào đó, một cơ sở tồn tại nào đó ở tầng sâu thẳm trong Vũ Trụ vi mô, hay cũng có thể hình dung, cùng với sự hình thành và tồn tại một thực thể theo một cấu trúc vật chất đặc thù nào đó thì đồng thời cũng hình thành và tồn tại cái tạm gọi là “giá đỡ cơ yếu”, hay “bộ khung nòng cốt”, đóng vai trò làm cho thực thể có khả năng tồn tại và hoạt động được. “Giá đỡ cơ yếu” hay “bộ khung nòng cốt” cũng là thực thể, nhưng đơn vị cơ bản cấu thành nên nó là vi hạt rất nhỏ, chỉ hiện hữu được ở những tầng rất sâu của Vũ Trụ vi mô, và có lẽ cũng vì thế mà thực thể này cũng có tính bền vững cao (“thọ” lâu!). Như vậy, thể xác của một thực thể dù vô sinh hay hữu sinh hiện hữu trong hiện thực của con người đều có cấu trúc vật chất theo kiểu tạm gọi là “kép”, gồm hai cấu trúc “lồng” vào nhau, trong đó cấu trúc vật chất có thể hiện hữu trong hiện thực được tạm gọi là “cấu trúc vật chất sơ cấp” và cấu trúc vật chất không thể hiện hữu được tạm gọi là “cấu trúc vật chất thứ cấp”. Vậy thì ma, vong hay linh hồn là những dạng tồn tại có thật, có thể cấu tạo từ vật chất hoặc phi vật chất, hoạt động theo phương thức tạm gọi là "cảm ứng kích thích thần kinh"!
Như đã nói thì cấu trúc thứ cấp có tính bền vững hơn cấu trúc sơ cấp. Khi một thực thể bị một biến cố nào đó làm cho không còn tồn tại nữa thì cả hai cấu trúc ấy cũng chấm dứt tồn tại, nhưng nói chung, cấu trúc sơ cấp chấm dứt tồn tại trước, ngay lúc sự hiện hữu của thực thể không còn nữa, còn cấu trúc thứ cấp vẫn có thể còn tồn tại trong một khoảng thời gian nào đó ở mức độ nào đó tạm gọi là “cấu trúc thứ cấp tàn dư” của thực thể (dù không nhất thiết phải cố định tại nơi mà thực thể tồn tại trước đó). Cấu trúc thứ cấp tàn dư vẫn duy trì sự hoạt động nội tại của nó theo cách mà cấu trúc thứ cấp hoạt động (cảm ứng kích thích!) khi thực thể còn hoạt động, tuy rằng mức độ của hoạt động đó là yếu, hoàn toàn thụ động, thể hiện mờ nhạt, suy yếu dần và do đó, cũng có thể gọi nó là hoạt động tàn dư. Có thể là rất kệch cỡm nhưng đại khái thì cũng tạm hình dung sự thể đó bằng ví dụ sau đây. Có một thực thể là khúc gỗ. Khúc gỗ đó hiện hữu được trước chúng ta là nhờ nó có cấu trúc vật chất sơ cấp. Cấu trúc vật chất sơ cấp ấy tồn tại được là nhờ vào “giá đỡ cơ yếu” của nó là cấu trúc vật chất thứ cấp. Khi khúc gỗ bị đốt cháy ở mức độ biến thành khúc than thì nó cũng chấm dứt hiện hữu (và tùy ở quan niệm, sự đánh giá của thực thể quan sát mà xét ở góc độ nhất định, nó cũng đồng thời chấm dứt tồn tại, nhưng xét ở góc độ khác, vẫn có thể cho rằng nó vẫn còn tồn tại ở mức độ nào đó), tức là cấu trúc sơ cấp của nó cũng chấm dứt tồn tại. Giả sử rằng khúc gỗ mới “kịp” cháy thành khúc than thôi và “hình hài” của nó chưa bị sứt mẻ gì thì lúc này khúc than đã chiếm chỗ khúc gỗ và hiện hữu, hình hài khúc than gợi nhớ đến khúc gỗ, hay có thể nói: hình hài khúc gỗ vẫn còn được thể hiện nhưng phải thông qua, “nấp sau” hình hài của khúc than nên chỉ ở mức thấp thoáng, nhạt nhòa, ảo huyền (vì khúc gỗ đã biến mất rồi còn đâu!). Rõ ràng khúc than là một thực thể hiện hữu nên nó phải có cấu trúc vật chất sơ cấp và cả cấu trúc vật chất thứ cấp. Nhìn ở góc độ khác, nếu bỏ quan sự hiện hữu cũng như cấu trúc sơ cấp của khúc than thì phải thừa nhận rằng trong cái hình hài ảo huyền của khúc gỗ tồn tại cấu trúc thứ cấp của khúc than. Dễ dàng suy lý rằng cấu trúc này có mức độ hoạt động thấp hơn, yếu hơn ít nhiều so với mức độ hoạt động của cấu trúc thứ cấp của khúc gỗ lúc “sinh thời”, nhưng vẫn còn giữ được những đặc tính hoạt động cốt lõi nhất của cấu trúc thứ cấp của khúc gỗ. Như vậy, có thể thấy cấu trúc này là cấu trúc thứ cấp của khúc gỗ đã suy biến, cho nên phải cho rằng nó cũng chính là cấu trúc thứ cấp tàn dư của khúc gỗ.
Bây giờ, giả sử rằng khúc gỗ không chỉ cháy thành khúc than mà cháy hoàn toàn, coi như không còn gì (bằng con đường phản ứng ôxy hóa -  khử đến triệt để, chất “gỗ” đã kết hợp với ôxy phát tán đi hết, còn lại một ít tro tàn thì cũng bị gió cuốn đi nốt!). Lúc này, không những khúc gỗ biến mất mà đến cái hình hài ảo huyền của nó cũng biến luôn không để lại một chút dấu vết. Vậy thử hỏi, cấu trúc thứ cấp tàn dư của khúc gỗ có tồn tại không? Chúng ta cho rằng có tồn tại, bởi vì, thứ nhất, sức nóng ở đây mới chỉ đạt tới nhiệt độ thiêu cháy cấu trúc vật chất sơ cấp của khúc gỗ và may ra chỉ có thể góp phần nhất định làm suy biến thêm chứ không thể tiêu diệt được cấu trúc vật chất thứ cấp của khúc gỗ (nên nhớ nhiệt độ chỉ là thể hiện mức độ vận động hỗn loạn của hạt làm nên cấu trúc vật chất. Ở một tầng nấc vi mô nhất định, không còn cảm giác nhiệt độ nữa!), thứ hai, phân (hay nguyên tử) ôxy là một gã quá ư khổng lồ, thô kệch và hầu như rỗng tuếch trước đơn vị cơ bản hợp thành cấu trúc thứ cấp tàn dư của khúc gỗ, do đó không thể kết hợp được với hạt đơn vị cơ bản ấy và thậm chí là chẳng gây ảnh hưởng gì tới nó (thật là khó tin điều này nhưng sẽ dễ tin hơn nếu nhớ lại rằng nhiều hạt nơtrinô bay xuyên qua Trái Đất một cách dễ dàng).
Đối với thực thể hiện hữu là con người, có lẽ tình hình xảy ra, về cơ bản cũng tương tự như đối với thực thể khúc gỗ, nhưng có thêm vài nét đặc thù nào đó về hoạt động trí não.
Bàn luận về khúc gỗ là bàn luận về thực thể vô sinh. Để bàn về thực thể hữu sinh (cụ thể ở đây là con người), chúng ta thay khúc gỗ bằng con người còn sống. Khi một con người đang sống bị chết đi (do trúng đạn trong chiến đấu chẳng hạn) thì người đó cũng chấm dứt hiện hữu và thay vào đó là một xác người chết. Xác người chết rõ ràng là một thực thể đang hiện hữu nên nó có một cấu trúc vật chất “kép”: cấu trúc sơ cấp (thể hiện ra là xác chết) và cấu trúc thứ cấp (tồn tại nhưng không hiện hữu ra). Tương tự như trường hợp khúc gỗ, có thể coi cái xác ấy bao hàm cấu trúc sơ cấp tàn dư và cấu trúc thứ cấp của nó chính là cấu trúc thứ cấp tàn dư của con người còn sống trước đó. Một cách siêu hình nhưng cũng hợp lý, có thể chia hoạt động thần kinh của con người đang sống thành hai loại: hoạt động sơ cấp (có tính bản năng) và hoạt động thứ cấp (có tính lý trí). Nếu tin vào sự tồn tại tương đối độc lập của linh hồn thì nơi “trú ngụ” của nó chỉ có thể là trong cấu trúc thứ cấp và khi con người chết đi, tàn dư của linh hồn ấy chính là hồn vía “trú ngụ” trong cấu trúc thứ cấp tàn dư. Nếu tin vào sự tồn tại của ma hay vong thì cấu trúc thứ cấp tàn dư của con người chính là nơi xuất phát trực tiếp của chúng.
Một câu hỏi đặt ra: khi một người chết đi thì hồn vía người đó có rời khỏi xác của người đó không? Chúng ta cho rằng, không mà cũng có! Không, là vì, khi cái xác còn hiện hữu thì coi như nó vẫn “sở hữu” cái cấu trúc thứ cấp của nó và do đó mà cũng bao hàm luôn hồn vía. Tuy nhiên, hoạt động tư duy của bộ não là theo phương thức cảm ứng - kích thích không gian (chúng ta suy đoán như thế và còn cho rằng nó tương tự như hiện tượng cảm ứng điện từ, hơn nữa, cảm ứng điện từ chỉ là một dạng còn rất thô của phương thức này), cho nên tùy thuộc vào cường độ hoạt động tư duy của bộ não mà sự tư duy có thể lan truyền ở những mức độ nhất định ra xung quanh trong không gian, và như vậy, coi như linh hồn của người còn sống hay hồn vía của người đã chết, trong một chừng mực nào đó, đều có thể “xuất ngoại” ra khỏi thân xác mà chu du khắp nơi để rồi trong nhiều trường hợp đặc biệt (như phù hợp về tần số, bước sóng… chẳng hạn), có thể giao tiếp với những linh hồn khác, những hồn vía khác dưới dạng đã được đặt cho một thuật ngữ là “thần giao cách cảm”. Trong quá trình hình thành bộ não mới của con người mới, có thể sự hình thành ấy trong một điều kiện nhất định tiếp thu đến mức độ nào đấy "quán tính" hoạt động thần kinh của những người đã chết còn "đọng lại" trong vong hồn họ (chủ yếu của các bậc thiền sư, các nhà khoa học, những người có hoạt động tư duy nói chung là mạnh lúc sinh thời?) và đó là hiện tượng... đầu thai!?
Xác người chết, nhất là bộ não và hệ thống thần kinh (đóng vai trò như “thân xác” của linh hồn), một cách tự nhiên, trước sau gì rồi cũng bị phân hủy, suy tàn và tiêu tan đi, làm cho mức độ bền chặt cũng như cường độ hoạt động của cấu trúc thứ cấp tàn dư suy giảm theo, yếu dần. Vì thế mà nói chung, đến một lúc nào đó, hồn vía chỉ còn tồn tại một cách “le lói”, “phai nhòa”, “mơ mơ hồ hồ” trong hiện thực và chờ ngày “tắt lịm” hẳn.
Cũng vì hoạt động rất yếu ớt, không có gì đáng kể nếu đem so với mức độ hoạt động của linh hồn (hoạt động tinh thần của người sống), cho nên thông thường, rất ít người thấy được, giao tiếp được với ma hay vong (linh hồn của những người đã chết) và đối với những người có thể thấy, giao tiếp được với ma, vong, thậm chí còn có khả năng cho vong nhập hồn mình thì không phải bất cứ lúc nào, đối với bất cứ ma hay vong nào cũng thực hiện được điều đó. Để giải thích hiện tượng, trước hết, phải cho rằng, thực sự tồn tại trên Trái Đất một (môi) trường cảm ứng - kích thích thần kinh do hoạt động tinh thần của những người sống tạo ra, đóng vai trò là điều kiện quyết định cho ma hay vong tồn tại và có khả năng hiển hiện. Trong môi trường ấy, khi ma hay vong nhận được những tín hiệu có tính kích thích, phù hợp với nhịp điệu hoạt động (như bước sóng, tần số…) của chúng thì chúng được kích hoạt lên mạnh mẽ hơn hẳn mà trong nhiều trường hợp (tưởng rằng) tỏ ra là có ý thức thực sự. Lúc đó, đối với những người sống nào có trạng thái hoạt động tinh thần đã được kích động phù hợp (tự điều chỉnh được một cách tình cờ hay có chủ ý), có chú tâm định hướng (như nhớ thương da diết, mong muốn hội ngộ thiết tha…) với hồn vía đã được kích hoạt nào đó, thì họ sẽ có khả năng thấy được hình bóng ma trong hiện thực, thấy được hình hài vong trong tiềm thức một cách sống động và hơn hết là còn giao tiếp tâm linh dễ dàng với vong bằng ngôn ngữ thông thường (thực ra là bằng sự trừu tượng của thần kinh người đang sống).
Ngày xưa, khi còn là tín đồ tuyệt đối trung thành của chủ nghĩa duy vật, chúng ta đã triệt để bài bác những hiện tượng như cầu cơ, lên đồng, không hề tin vào sự linh nghiệm của những lời sấm truyền, tiên tri, hoàn toàn coi thường việc cúng bái, thờ phụng. Bây giờ thì chúng ta không còn cái thái độ máy móc, cực đoan đến “cứng đầu cứng cổ” ấy nữa. Chúng ta đã tin vào sự tồn tại của linh hồn, song không phải bằng con đường phi  nhân - quả. Đành rằng có không ít người lợi dụng sự tồn tại của những hiện tượng tâm linh để hành nghề mê tín dị đoan nhằm trục lợi, nhưng không phải vì thế mà “vơ đũa cả nắm”, phủ nhận tất cả về sự hiển linh được. Ngày nay, nhiều hiện tượng tâm linh dị thường đến mức khó lòng mà tin nổi đã là những sự thực hiển nhiên đến nổi nếu nhà duy vật triệt để nào khăng khăng cho chúng chỉ là sự bịa đặt phi lý thì người đó sẽ trở thành kẻ gàn bướng lạc lõng. Không có cách nào phản bác được công năng đặc dị của các nhà ngoại cảm Việt Nam trong việc tìm kiếm hài cốt của các nhà hoạt động cách mạng xưa kia, của các liệt sĩ trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ còn thất lạc, bị chôn vùi rải rác khắp mọi miền đất nước. Cho dù chưa thể giải thích tường tận trên cơ sở thực sự khoa học về sự giao tiếp tâm linh giữa người sống và người đã chết (thậm chí là từ rất lâu rồi), thì cũng không thể không thừa nhận nó là có thực, vì trong thực tiễn, hiệu quả tìm thấy hài cốt nhờ vào khả năng đặc biệt có vẻ dị thường của các nhà ngoại cảm là rất rõ ràng, ở mức độ phải cho rằng đó là những nỗ lực hoạt động nhằm xác định vị trí đang tồn lưu hài cốt và danh tính người đã khuất một cách tương đối chính xác ngay từ đầu chứ không phải chỉ là sự cầu may đơn thuần được.

Dù vẫn còn ở trong vòng giả định, song chúng ta tin tưởng vào luận thuyết về sự tồn tại của hồn vía, ma, vong mà chúng ta vừa trình bày vì kể ra thì cũng có vẻ… chí lý, có thể dựa vào nó mà giải thích được rất nhiều những hiện tượng tâm linh dị thường, từ hiện tượng linh cảm, xuất hồn, nhập hồn, cho đến hiện tượng đầu thai trở lại. Chẳng hạn, trên cơ sở đó có thể giải thích được vì sao các nhà ngoại cảm Việt Nam, ở những mức độ khác nhau, lại có được khả năng giao tiếp với người đã khuất, thấy được từ xa tương đối rõ ràng, chính xác về cảnh vật, địa hình nơi chôn vùi hài cốt người đã khuất. Có thể là do bẩm sinh, có thể là chịu một tác động mạnh mẽ và đột ngột nào đó trong đời sống, hay cũng có thể là nhờ vào tập luyện mà não bộ của các nhà ngoại cảm trở nên linh động, dễ dàng được kích hoạt và dễ dàng tự điều chỉnh được về mức độ cũng như về nhịp điệu hoạt động của nó đến trạng thái thích hợp để giao tiếp được với vong linh cần tìm (đã được kích hoạt trước đó bởi hoạt động tinh thần (có lẽ chủ yếu là) của những người ruột thịt, thân thích đang còn sống của vong linh đó). Qua giao tiếp với vong linh mà nhà ngoại cảm được vong linh mách bảo, chỉ dẫn nên dù từ xa và chưa một lần đặt chân đến nơi có hài cốt, vẫn có thể vẽ ra sơ đồ địa hình nơi đó và những vật mốc đáng chú ý trong việc định hướng ở đó. Dù sao thì năng lực ngoại cảm không thể là vô hạn và cũng suy giảm theo cường độ hoạt động ngoại cảm tăng lên. Thực tế cho thấy có những nhà hoạt động ngoại cảm trong một khoảng thời gian nhất định thì khả năng đó bị thui chột hoặc mất hẳn đi, không thể khôi phục lại được nữa.
Với cái luận thuyết còn “thiếu vắng” tính khoa học nói trên, chúng ta cũng dễ dàng giải thích “bùi tai” được hiện tượng dị thường sau đây. Trên thế giới đã từng xảy ra trường hợp một người bị hôn mê sâu vì nguyên nhân nào đó làm não bộ không hoạt động nữa, nhưng không bị tổn thương và phải sống đời sống thực vật nhờ thở nhân tạo và hấp thụ một cách thụ động dịnh dưỡng được truyền qua đường ống. Bệnh viện đã hoàn toàn bất lực trong việc làm hồi tỉnh và cứu sống bệnh nhân, nhưng vì lý do nhân đạo, theo yêu cầu của thân nhân bệnh nhân, họ vẫn duy trì sự sống thực vật ấy. Ấy vậy mà sau hàng chục năm tồn tại trong tình trạng như vậy và không hề có bất cứ sự tác động có thể được nhận biết nào, bệnh nhân bỗng đột nhiên bừng tỉnh, hoạt động tinh thần nhanh chóng phục hồi trở lại và xuất viện trước sự sững sờ của các nhân viên y tế và trong sự mừng rỡ khôn xiết của những người thân. Nếu tin vào sự tồn tại của cái gọi là cấu trúc vật chất “kép” thì phải cho rằng dù là ở tình trạng chìm trong hôn mê sâu nhưng bệnh nhân coi như vẫn chưa chết vì cấu trúc vật chất “kép” của người đó vẫn tồn tại và được duy trì như vốn dĩ, nghĩa là hoạt động của cấu trúc ấy vẫn hoạt động theo thông lệ, chỉ có điều là ở cường độ tối thiểu. Lúc đó, đối với não bộ của bệnh nhân cũng vậy, dù chưa chết thì cũng chỉ sống ở mức thoi thóp, và sự thoi thóp đó thể hiện nổi trội trong hoạt động sơ cấp (hoạt động vô thức) của nó, còn hoạt động thứ cấp (hoạt động hữu thức) của nó thì trở nên chìm khuất, tản mạn. Sự sống thoi thóp đó của bộ não bệnh nhân là không thể nhận biết được bằng những phương tiện điện não đồ hiện nay dù có hiện đại, tối tân đến mấy; do đó, cũng không thể nhận biết được hồn vía của bệnh nhân và người ta đã phải đi đến kết luận rằng bộ não đó đã chết. Chính sự hoạt động tinh thần hướng tới bệnh nhân của những người ruột thịt, thân thích của bệnh nhân đã làm bệnh nhân bừng tỉnh trở lại sau một thời gian hôn mê sâu kéo dài như vậy. Sự thương xót khôn nguôi, sự mong ước vô bờ bến, sự hy vọng, thiết tha của họ đã thường xuyên tác động đến hoạt động của bộ não bệnh nhân, tích cực giúp bệnh nhân không những duy trì mà còn từng bước (dù có thể là chậm chạp) cải thiện đời sống thực vật của mình. Đến một thời điểm chín muồi nào đó, hoạt động tinh thần ở mức cao hướng đến bệnh nhân của những người ruột thịt, thân thích “vô tình” kích hoạt được hoạt động thứ cấp của não bộ bệnh nhân làm cho hồn vía của bệnh nhân nhanh chóng hồi phục đến mức độ có thể nhận biết được qua thiết bị điện não đồ và rồi đến mức độ tự nhận thức được. Lúc đó chính là lúc bệnh nhân bừng tỉnh. Chúng ta cho rằng, trong trường hợp hôn mê sâu này, có thể làm cho bệnh nhân tỉnh lại vào thời điểm sớm hơn nhiều nếu có sự trợ giúp một cách phù hợp của người có khả năng ngoại cảm hoặc của người có công năng đặc dị nhờ thực hành khí công. 

(Còn tiếp)
----------------------------------------------------------------------



Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

TT&HĐ I - 9/d

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH