TT&HĐ V - 44/m

 
Thời tiền sử ở Việt Nam

PHẦN V:     THỐNG NHẤT 
"Khoa học là một sức mạnh trí tuệ lớn nhất, nó dốc hết sức vào việc phá vỡ xiềng xích thần bí đang cầm cố chúng ta."
Gorky 
 
"Mỗi một thành tựu lớn của nhà khoa học chính là xuất phát từ những ảo tưởng táo bạo". 
JohnDewey
"Chân lý chỉ có một, nó không nằm trong tôn giáo, mà nằm trong khoa học."
Leonardo da Vinci
 
"Cái khó hiểu nhất chính là hiểu được thế giới" 
Albert Einstein
 "Có hai cách để sống trên đời: một là xem như không có phép lạ nào cả, hai là xem tất cả đều là phép lạ".
Albert Einstein
      
“Chính qua cuộc đấu tranh nhằm thống nhất một cách hợp lý cái đa dạng mà đã đạt được những thành công lớn nhất, dù rằng chính ý đồ đó có thể gây ra những nguy cơ lớn nhất để trở thành con mồi của ảo vọng”.
Albert Einstein


“Người nhìn thấy cái đa dạng mà không thấy cái đồng nhất thì cứ trôi lăn trong cõi chết”.

Upanishad       

CHƯƠNG V (XXXXVI): CHIÊM BÁI

“Bằng cách ở mỗi hiện tượng tự nhiên của cái riêng lẻ, cái qui ước và ngẫu nhiên, chúng ta hướng mắt đến cái phổ quát, cái khách quan và tất yếu, thì đó là chúng ta tìm cái độc lập đằng sau cái lệ thuộc, cái tuyệt đối đằng sau cái tương đối, cái vĩnh cửu đằng sau cái vô thường. Và như tôi nhìn thấy, cái khuynh hướng này biểu lộ không những trong vật lý học, mà còn trong mỗi ngành khoa học, vâng, không chỉ trên lĩnh vực khoa học, mà còn trên lĩnh vực của cái thiện và cái mỹ”.

“Cái huyền diệu là trong tất cả các hiện tượng của tự nhiên, có một tính qui luật phổ quát ngự trị mà ở mức độ nào đó, có thể nhận thức được đối với chúng ta”.
Max Planck

“Từ trên cao, Tạo hóa mỉm cười nhìn xuống, Người đã trao cho chúng ta một lòng khao khát khám phá, nhiều hơn là khả năng trí tuệ để làm việc ấy”.
 Albert Einstein

“Để có kiến thức con người không cần đến đại học. Giá trị của giáo dục đại học không nằm ở chỗ học thuộc lòng thật nhiều kiến thức mà ở chỗ tập luyện tư duy, cái mà người ta không bao giờ học được từ sách giáo khoa”. 
Albert Einstein

“Lý thuyết, là ta biết hết mọi thứ nhưng không thứ nào hoạt động được. Thực hành là việc gì cũng chạy mà ta không biết tại sao. Nơi đây ta gom chung lý thuyết với thực hành: chẳng cái nào chạy cả… và không ai biết lý do vì sao!”. 
A. Einstein

“Tư duy sáng tạo không chỉ bao gồm việc tạo ra những ý tưởng mới, mà còn là thoát khỏi những ý tưởng lỗi thời”
Roger von Oech

"Cuộc sống có hai quy luật cơ bản: thay đổi là điều không thể tránh được, và, mọi người thường chống lại sự thay đổi”.
Roger von Oech
 
"Người thuận theo đất, đất thuận theo trời, trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo tự nhiên".
Tất cả mọi khoa học cần thiết hơn triết học, nhưng không một khoa học nào tốt hơn nó”.
"Người ta nói con người tài giỏi hơn con vật ở chỗ biết tư duy. Nhưng chiến tranh làm ta nghi ngờ điều đó. Và nhìn vào lòng tham, ta tin loài người là loài tác tệ nhất trong thế giới sinh vật!"
NTT


 

(Tiếp theo)


Trên báo An ninh thế giới số ra ngày 6-8-2011 có bài viết mang tựa đề “Khi “thần chết” thích đùa” của tác giả Nông Huyền Sơn. Trong đó có kể mấy câu chuyện về trường hợp người chết rồi sống lại. Chúng ta xin kể lại sau đây:
Chuyện thứ nhất:
Chuyện xảy ra từ năm 2002 nhưng đến tận bây giờ (năm 2011), người dân ở khu Miễu, hẻm 45, đường Huỳnh Thúc Kháng, phường An Nghiệp, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ vẫn còn bàng hoàng mỗi khi nhớ lại.
Võ Thanh Tòng sinh năm 1969, lớn lên làm thợ bê (thợ quét vôi, sơn nội ngoại thất). Anh là người hiền lành nhưng hay uống rượu nhiều. Năm 24 tuổi, anh Tòng lấy vợ và sinh được một cô con gái. Khoảng giữa năm 2001, khi đi khám ở Bệnh viện Cần Thơ, các bác sĩ phát hiện anh bị viêm gan thời kỳ cuối. Sau thời gian điều trị ngoại trú suốt 9 tháng ròng không khỏi mà còn trở nặng thêm, đến tháng 3-2002, anh Tòng được các bác sĩ quyết định cho điều trị nội trú.
Bà Nguyễn Thị Bảy - mẹ ruột anh Tòng - kể: “Đó là buổi chiều ngày 20-2 âm lịch tức ngày 2-4-2002, bác sĩ đang vô nước biển (truyền dịch, đạm) thì nó vật vã rồi tắt thở, chết”. Các bác sĩ cố cứu nhưng bất lực. Anh được xác định chết lâm sàng bởi tim ngừng đập, mạch bằng 0. Bà Bảy thương con gào khóc thảm thiết. Tất cả những người bệnh cùng phòng đều xúc động, đến chia buồn, an ủi bà. Sau này bà Bảy nói: “Tôi rất đau buồn. Lúc đó, nó mới 33 tuổi. Đứa con gái của nó còn quá nhỏ đã phải mồ côi cha”.
Sau khi có giấy y chứng của bệnh viện, bà Bảy và anh em trai của anh Tòng đưa xác anh về bằng xe lôi (tương tự như xe ngựa kéo, thùng xe không có mui, bánh xe bơm hơi, thay cho ngựa là xe gắn máy). Đoạn đường từ bệnh viện về nhà chỉ cách 5 km.
Khi xe lôi chạy gần đến nhà thì đột nhiên anh Tòng ngồi bật dậy gào lớn liên tục: “Bà con ơi, ra đón xác Võ Thanh Tòng về nè!”. Mọi người chứng kiến đều thất kinh hồn vía. Ông lái xe lôi suýt buông xe bỏ chạy. Ở nhà, suốt đêm đầu tiên, anh Tòng cứ múa máy tay chân la hét: “Võ Thanh Tòng chết rồi bà con ơi!”. Cả gia đình không ai ngủ được. Đến sáng, khi mọi người mỏi mệt quá, ngủ quên, anh Tòng rời nhà đi mất. Mọi người túa ra đi tìm. Thì ra, anh Tòng tự đón xe ôm trở lại bệnh viện.
Bà Xuân, cư ngụ tại Thới Long, Ô Môn, Cần Thơ là một bệnh nhân nằm cùng phòng và gần giường của Võ Thanh Tòng, đã chứng kiến sự việc, kể: “Hôm trước tôi thấy thằng Út (tức anh Tòng) đã chết, gia đình đưa xác về nhà. Sáng hôm sau, tôi còn đang mê ngủ bỗng nghe tiếng thằng Út nói sang sảng: “Hôm qua bác sĩ mới vô nước biển cho tui có nửa chai, bây giờ vô nước biển tiếp cho tui đi”. Tưởng mình nằm mơ thấy hồn thằng Út về, tui sợ quíu cẳng. Còn đang kinh hoàng thì lại nghe nó nói tiếp: “Tui chưa chết, tui còn sống mà”. Tôi mở mắt thì thấy nó đang ngồi ngay trên cái giường nó nằm chết hôm qua. Hoảng vía, tôi bỏ chạy. Một số người nằm cùng phòng cũng bỏ chạy. Nó cứ nói chuyện leo lẻo như chưa hề chết”.
Theo lời bà Bảy, khi gia đình đến thì các bác sĩ xin lại giấy tờ y chứng rồi động viên gia đình đưa anh Tòng về nhà vì không thể cứu chữa được nữa.
Kể từ hôm đó, anh Tòng có những biểu hiện thật kỳ lạ. Ban ngày, anh nằm dưới đất, mắt mở thao láo, im lặng nhìn lên trần nhà. Ban đêm, anh nói leo lẻo đủ thứ trên đời, khi cao hứng còn hát nghêu ngao. Ai hỏi anh cũng khẳng định mình chết rồi. Chị Cẩm Thy là cháu họ của anh Tòng, kể: “Cha Linh Mục nhà thờ Bảo Lộc (quận Ninh Kiều) đến cầu kinh cho ổng. Vừa gặp cha, ổng đòi cha rửa tội và xin vào đạo. Gia đình bên nội tôi đều theo đạo Phật, đâu có ai theo đạo Thiên Chúa”. Suốt thời gian sống lại, anh Tòng không chịu ăn uống gì, mặc dù gia đình ép rất nhiều. Anh cứ bảo, chết rồi còn ăn uống làm gì. Đến ngày thứ 13, anh chịu ăn vài muỗng cháo rồi gọi vợ vào bảo viết giấy cam kết: “Nếu tôi sống thì cứ để bé Vy bên ngoại. (Mấy ngày đó vợ anh Tòng đem con gái sang gửi tạm bên ngoại để tránh không cho nó chứng kiến cảnh hãi hùng). Khi tôi chết thật rồi thì nhớ đem bé Vy về chịu tang tôi”. Anh Tòng tự tay viết bản cam kết, ký tên rồi bắt vợ cũng phải ký tên. Tiếp đó anh nói: “Bây giờ tôi đi đây”. Anh nằm im nhắm mắt suốt mấy tiếng đồng hồ rồi… chết hẳn.
Chuyện thứ hai:
Ông Đặng Văn Phương, sinh năm 1936, cư ngụ ở ấp Long Định, Thới Long, Ô Môn, thành phố Cần Thơ là nhân chứng của trận dịch tả khủng khiếp ở vùng này vào năm 1945-1946, kể: “Chuyện năm đó, người ta chết nhiều và nhanh đến nỗi chính quyền ra lệnh, ai vừa chết phải chôn liền tay. Chị Tư của tôi còn đang khỏe mạnh, đột ngột tả lị mấy tiếng đồng hồ rồi chết. Gia đình nhanh chóng chôn cất. Chôn chị Tư xong, đến xẩm tối tới phiên chị Sáu tôi. Cũng chỉ vài giờ tả lị, chị tắt thở. Mẹ tôi gào khóc thảm thiết. Gia đình lại chuẩn bị nhang đèn. Bỗng dưng nửa đêm, chị Sáu tôi ngồi bật dậy nói tỉnh bơ: “Người ta đi rồi mà cứ kêu tên réo tuổi, làm sao người ta đi được”. Mọi người hoảng vía ù té chạy, riêng mẹ tôi vì thương con nên ôm chị Sáu tôi vô lòng. Chị vùng ra bảo: “Để yên cho người ta đi”. Dứt lời, chị Sáu tôi nằm xuống và… chết thật”.
Những người lớn tuổi cư ngụ ở gần nhà ông Phương cũng khẳng định có chứng kiến chuyện lạ đó.
Chuyện thứ ba:
Ở thị xã Tân An, tỉnh Long An có trường hợp một bà hơn 50 tuổi đã chết 2 ngày nhưng chưa tẩm liệm vì chờ con cái ở xa về đủ mặt. Đến chiều ngày thứ ba, khi mọi người đang cầu kinh chuẩn bị tẩm liệm, bất ngờ bà ngồi dậy đòi uống nước. Thế là bà sống tiếp đến hơn 70 tuổi mới chết thật vào năm 1991. Suốt 20 năm sống lại, bà hoàn toàn tỉnh táo và rất ít bị bệnh tật. Những lúc vui bà thường kể cho con cháu nghe chuyện “chết” của mình: “Tao đi xuồng qua một con sông. Chèo hoài mà không tới bờ. Tự dưng xuồng bị lắc mạnh, tao rơi ùm xuống sông, chìm nghỉm. Nước lạnh thấu xương. Tao vùng vẫy bơi. Lúc trừng được lên mặt nước, tao mở mắt ra thì thấy xung quanh con cháu đang để tang kêu khóc. Vậy là tao trở về”.
Chuyện thứ tư:
Bà Hai Trà, cư ngụ tại Tân Lộc, Thốt Nốt, Cần Thơ kể: Cách nay 50 năm, mẹ kế của bà cũng đã chết 2 ngày vì chứng bệnh đau tim, sau đó sống lại khỏe mạnh thêm chục năm nữa. Trong thời gian sống lại, bà không còn bị bệnh tim mới lạ. Bà thường kể rằng, khi chết thấy lội qua một con sông lạnh buốt có nhiều hoa sen; đang lội giữa dòng, chợt từ đâu xuất hiện ếch nhái đen kịt dòng nước; hoảng sợ, bà lội trở lại bờ bên này; chân vừa chạm bờ thì giật mình sống dậy.
Chuyện thứ năm:
Năm 2004, báo Gia đình – Xã hội có tường thuật trường hợp bà cụ 70 tuổi ở Thanh Hóa cũng sống lại sau một ngày đã chết. Khi sống lại, bà cho biết: bà được hai người mặc toàn đồ đen đưa qua sông bằng xuồng; giữa dòng sông, hai người đàn ông đó xô bà té xuống sông lạnh buốt; giật mình, bà tỉnh dậy và sống tiếp.
Ngoài những câu chuyện vừa kể lại từ bài báo ấy, chúng ta cũng trực tiếp nghe kể rất nhiều chuyện chết đi sống lại tương tự. Nói chung thì những chuyện đại loại như thế, chuyện ta có, chuyện Tàu có, chuyện Tây có, đủ cả, xuất hiện đầy rẫy trong sách, báo. Do đó, chúng ta chỉ kể tượng trưng vài chuyện trong bài báo cho… vui thôi.
Sự tồn tại của linh hồn người sống là một thực tại, không còn bàn cãi. Dù vẫn còn không ít người nghi hoặc thì đối với chúng ta, những chỉ thị đến sự tồn tại thực sự của vong hồn (linh hồn người chết) trong công cuộc tìm kiếm hài cốt tử sĩ dựa vào sự trợ giúp chủ yếu của các nhà ngoại cảm (đích thực) ở Việt Nam là hoàn toàn đáng tin cậy. Do vậy, không phải tin hay không tin mà phải tìm cách giải thích thỏa đáng những hiện tượng ấy.
Nếu ngày nay có những người có khả năng nhìn thấy và giao tiếp với vong qua con đường tâm linh thì ngày xưa chắc rằng con người cũng có khả năng đó. Vậy thì thử hỏi, trong lịch sử loài người, con người lần đầu tiên thấy vong vào lúc nào? Có lẽ, con người đã chiêm mộng và có khả năng nhớ lại được diễn biến một cuộc chiêm mộng nào đó rõ ràng và lâu dài từ rất sớm, bởi vì chỉ cần biết suy nghĩ sâu sắc ở mức độ nhất định là có thể xảy ra như thế rồi. Thế nhưng để thấy và và hơn nữa là giao tiếp với vong linh thì theo chúng ta suy đoán, con người phải có mức độ suy nghĩ sâu sắc hơn nữa, có cường độ hoạt động tinh thần mạnh mẽ hơn nữa. Đó là điều kiện tiên quyết để con người thấy được vong lúc tỉnh thức chứ không phải trong chiêm mộng, lúc ngủ (trong giấc mơ cũng thấy được người đã khuất, đó có thể là vong thực sự, nhưng cũng có thể chỉ là sự tưởng tượng đơn thuần). Nếu như vậy thì có lẽ ở loài Homo sapiens thời hậu kỳ hay loài tiền Homo s. sapiens, dù là rất hiếm hoi và hoàn toàn ngẫu nhiên, đã có người thấy được vong trong trạng thái còn thức. Tuy nhiên, để hiện tượng người thức thấy được vong trong tâm linh nhiều hơn nữa thì ngoài yếu tố hoạt động tinh thần của con người phải mạnh mẽ và sâu sắc hơn, còn cần thêm một yếu tố liên quan, không kém phần quan trọng, đó là phải làm sao tăng được cường độ hoạt động của môi trường kích thích - cảm ứng thần kinh lên một mức thích ứng. Muốn được như vậy thì số lượng trung bình về con người phải tăng lên đến ngưỡng đông đảo nào đó và dễ dàng thấy được tự nhiên sẽ xảy ra như thế vì sự tăng trưởng số lượng là có tính tự phát. Tình hình đó có thể đã diễn ra, nếu có muộn thì cũng trong khoảng 40-50 ngàn năm cách nay. Khi số lượng cá thể của loài Homo s. sapiens đã lan tỏa đến hầu hết các nơi trên đại lục Á - Âu và Châu Phi, nhất là ở Đại Lục Mẫu, dù mật độ cư dân còn ở mức “loãng”, dàn trải, thì lối sống bán định cư đã xuất hiện và tính cộng đồng xã hội cũng đã thể hiện, do đó mà hiện tượng người thức thấy vong trong tâm linh đã như một điều gì đó không còn đến nỗi quá ngạc nhiên đối với người Mẫu La nữa.
Để đạt đến trình độ có nhiều người thức thấy được vong hơn nữa và một người thức nhiều hơn một lần thấy được vong, không những thế, trong nhiều trường hợp, còn giao tiếp tâm linh được với vong nữa, thì dân số loài người phải đông đảo hơn nữa, bên cạnh đó, lối sống định cư tương đối lâu dài đã trở nên nổi trội hơn hẳn lối sống du cư (điều này tự nhiên có được nhờ sự xuất hiện và định hình thành một phương thức kiếm sống cơ bản là trồng trọt - chăn nuôi), tạo điều kiện phát triển các quần thể dân cư: mở rộng hơn, mật độ dân số cao hơn, có mối liên kết nội tại chặt chẽ hơn, có tổ chức hơn, mở đường tiến đến hình thức dân cư sống tập trung kiểu cộng đồng xã hội và sự xuất hiện lãnh thổ. Có lẽ vào khoảng 20-25 ngàn năm cách nay, hiện tượng tương đối thường xuyên và không ít người không những thấy mà còn có thể giao tiếp tâm linh ở mức độ đơn giản nào đó với vong đã là một hiện thực, nhất là đối với người Mẫu La ở Đại Lục Mẫu.
Nhưng tất cả những trường hợp thấy và giao tiếp được với vong trong tâm linh kể trên mới chỉ mang tính ngẫu nhiên, vô tình. Để cho loài người có những con người có khả năng đặc biệt, có thể chủ động tìm, gọi vong, gặp vong, giao tiếp với vong bằng ngôn ngữ, thậm chí là cho vong nhập hồn, mượn thân xác mình để gặp gỡ, nói chuyện với những người ruột thịt, thân thích trong một khoảng thời gian nhất định, thì còn phải đợi một quãng thời gian dài nữa.
Sự đột ngột biến mất Đại Lục Mẫu cùng với nạn Đại Hồng Thủy không những đã hầu như xóa sạch khỏi mặt đất nền văn minh gỗ - đá rực rỡ một thời của người Mẫu La, mà còn làm cho dân số loài người tụt giảm nghiêm trọng tới mức có thể diễn tả bằng câu: “Mười người chết bảy còn ba, chết hai còn một mới ra thái bình!”.
Tai họa vô cùng thảm khốc đó đã đẩy loài người thụt lùi trở lại nền văn minh thời hồng hoang trước đó, khi mà con người mới bắt đầu lấy trồng trọt - chăn nuôi làm phương thức kiếm sống cơ bản, bên cạnh phương thức săn bắt - hái lượm của mình, và bắt đầu lại quá trình quần tụ dân cư theo khu vực, với định hướng xã hội hóa, lãnh thổ hóa. Nhưng lần phát triển này có tốc độ nhanh hơn, như một sự xây dựng lại, bởi vì dù đã bị thất lạc hầu hết những kỹ năng tiên tiến trong lao động sáng tạo, những thành quả siêu việt trong hoạt động tinh thần, trong nhận thức về tự nhiên thì loài người vẫn còn lưu giữ được phần nào kinh nghiệm sống, hồi ứng được lối sống hợp thành quần thể đã tương đối rõ nét tính cộng đồng xã hội của thời kỳ văn minh rực rỡ mới nhất. Có thể chọn khu vực là lãnh thổ Việt Nam ngày nay làm tiêu biểu cho giai đoạn phát triển này của loài người.
Văn minh Sơn Vi là một văn minh khảo cổ xuất hiện sớm nhất và là nguồn gốc của các nền văn minh sau này ở Việt Nam nói riêng cũng như có thể là của toàn Đông Nam Á nói chung. Nền văn minh đó tồn tại bắt đầu từ khoảng 30 ngàn năm cho đến khoảng 11 ngàn năm cách nay. Có thể hình dung: trong khi ở Đại Lục Mẫu bắt đầu hình thành một nền văn minh rực rỡ thì ở Việt Nam, người Sơn Vi vẫn sống trong tình trạng lạc hậu hơn nhiều (tương tự như thời cận đại, xã hội Việt Nam so với văn minh Châu Âu vậy!), hoặc cũng có thể những gì khảo cổ phát hiện được về văn minh Sơn Vi chỉ là tàn tích sau nạn Đại Hồng Thủy của một nền văn minh gỗ - đá cao hơn nào đó (mà đồ gỗ nhiều hơn áp đảo đồ đá), có được nhờ học hỏi, tiếp thu từ văn minh Đại Lục Mẫu.
Vào thời văn minh Sơn Vi, dân cư Sơn Vi đã phân bố khắp địa bàn rộng lớn gồm miền Bắc và miền Trung Việt Nam, từ Lai Châu, Sơn La… đến Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và cả trên cao nguyên Trung Bộ (đã phát hiện được di vật thuộc văn minh Sơn Vi tại Lâm Đồng). Nghiên cứu các dấu tích bếp lửa trong các di chỉ Sơn Vi, người ta thấy rằng đó là những bếp lửa cỡ lớn mà nếu cho rằng một bếp phục vụ cho một nhóm người thì nhóm người đó có số lượng tương đối đông. Phải chăng hai phát hiện khảo cổ đó chỉ ra rằng, vào thời văn minh Sơn Vi, dân số ở Việt Nam đã trở nên đông đảo, mật độ dân cư đã tương đối cao và do đó hình thức sống theo lối cộng đồng xã hội đã sơ khai hình thành?

                               Một vài hình ảnh hiện vật văn hoá Sơn Vi
Tiếp theo văn minh Sơn Vi là văn minh Hòa Bình. Nhiều nhà khảo cổ đưa ra thời gian tồn tại của nền văn minh này là từ khoảng 18 ngàn năm đến 8 ngàn năm cách nay. Có lẽ hợp lý hơn, nên cho rằng khoảng thời gian từ 18 ngàn năm đến 11 ngàn năm cách nay là thời hậu kỳ của văn minh Sơn Vi, hay cũng có thể gọi là thời kỳ tiền Hòa Bình. Như vậy, theo ý chúng ta, văn minh Hòa Bình chỉ thực sự xuất hiện vào khoảng 11 ngàn năm và kết thúc vào khoảng 7 ngàn năm về trước.
Kết quả khảo cổ học cho thấy nền văn minh Hòa Bình tập trung chủ yếu ở miền Bắc Việt Nam, dù cũng phát hiện được những di tích ở Quảng Bình, Quảng Trị (có thể coi Quảng Bình là vùng cực nam của miền Bắc và Quảng Trị là vùng cực bắc của miền Nam). Điều đặc biệt đáng chú ý là môi trường sống của người Hòa Bình hẹp hơn so với môi trường sống của người Sơn Vi. Tuyệt đại đa số người Hòa Bình tụ cư trong các khu vực thung lũng, núi đá vôi vùng thượng du. Các nhà khảo cổ còn cho thấy rằng người Sơn Vi săn bắt được nhiều thú lớn và hung dữ hơn so với người Hòa Bình, và đến giai đoạn cuối của nền văn minh Hòa Bình thì việc săn bắt của người Hòa Bình có chiều hướng suy giảm thấy rõ. Vì sao lại xảy ra những hiện tượng như vậy? Các nhà khảo cổ hiện nay vẫn đang ban luận và chưa đi đến thống nhất ý kiến. Có người cho đó là do biển tiến. Theo giáo sư Lê Quốc Vượng thì đó là một bước lùi cần thiết của lịch sử về không gian sinh sống để có bước tiến nhảy vọt về sau.
Nếu ý kiến của giáo sư Lê Quốc Vượng là đúng thì nguyên nhân nào dẫn đến “bước lùi cần thiết” ấy? Dù hiện tượng biển tiến có thể là nguyên nhân làm cho người Hòa Bình sống ở vùng thượng du, song không phải vì thế mà làm cho họ sống dồn tụ ở các thung lũng được. Có thể phải tìm kiếm một nguyên nhân sâu xa hơn nhiều dẫn đến những đặc điểm trong những phát hiện khảo cổ về lối sống của cư dân Hòa Bình. Chúng ta đã mường tượng được cái nguyên nhân ấy. Nhưng trước khi nêu ra (như một ý kiến nữa để mở rộng bàn luận cho các nhà khảo cổ), chúng ta tiếp tục trình bày một số phát hiện kèm theo nhận xét của các nhà khảo cổ nữa mà chúng ta cho là quan trọng sau đây.
Nhiều nhà khảo cổ cho rằng chính người Hòa Bình đã phát hiện ra cây lúa nước và cũng là cư dân đưa cây lúa nước vào đối tượng trồng trọt của mình sớm nhất thế giới. Có nhà nghiên cứu còn cho rằng người Hòa Bình cũng là người đầu tiên trên thế giới biết đến trồng trọt. Một số công trình nghiên cứu gần đây đã khẳng định: trong thời đại Hòa Bình đã tồn tại một nền nông nghiệp sơ khai (hay còn gọi là nền nông nghiệp nguyên thủy. Vào buổi đầu của nền nông nghiệp này, đối tượng của trồng trọt là các loại rau, bầu bí, củ, quả và đặc biệt là các loại cây họ đậu. Sau khi đã phát hiện ra cây lúa nước cũng như cách chế biến hiệu quả (tách, bóc vỏ, nấu) để tạo ra một chủng loại lương thực đầy tiềm năng, thì người Hòa Bình cũng dần dần trồng nó một cách đại trà và thu hoạch theo mùa (sự kiện này có thể đã xảy ra vào khoảng thời gian nửa sau của thời đại văn minh Hòa Bình, tạo tiền đề làm xuất hiện nền nông nghiệp lúa nước (lấy lúa nước làm đối tượng trồng trọt chủ lực, cũng như làm nguồn lương thực chính yếu) ở Đông Nam Á.
Nghiên cứu các bếp lửa tại các đơn vị cư trú của người Hòa Bình, có thể thấy bếp của họ nhỏ hơn nhưng số lượng lại nhiều hơn so với của người Sơn Vi, và giới khảo cổ cho rằng số lượng thành viên của một nhóm người Hòa Bình ít hơn số lượng thành viên của một nhóm người Sơn Vi, và đó là hiểu hiện sự phân định cấu trúc nhóm theo xu hướng gia đình hóa. Mặt khác, còn thấy các cụm cư trú hợp cư trong một thung lũng hoặc một địa vực là có sự thống nhất về mặt văn hóa, do đó mà phải cho rằng giữa chúng tồn tại một mối liên hệ chặt chẽ, giao lưu thường xuyên. Hơn nữa, trong thời đại văn minh Hòa Bình, các đơn vị cư trú (hang động, mái đá) vận động theo không gian và thời gian trong mối quan hệ huyết thống, địa vực, cho đến lúc những mối quan hệ này trở nên nhạt nhòa đi, hòa vào nhau, giao lưu nhau, để rồi làm cho giữa những nhóm, những quần thể cư dân Hòa Bình khó có thể nhận ra được những khác biệt lớn về văn hóa, văn minh.


                                      Mô hình minh họa cư dân Văn hóa Hòa Bình


Đến đây, chúng ta coi như đã tạm đủ cơ sở để kể về cái quá trình giả định gây ra những biểu hiện được cho là “khác thường” của nền văn minh Hòa Bình.
Đại họa Hồng Thủy đã tàn phá nặng nề nền văn minh gỗ - đá (mà biểu hiện văn minh hầu như là ở đồ gỗ) Sơn Vi. Do sự xảy ra đột ngột của đại họa mà cộng đồng người Sơn Vi thiệt hại hết sức nặng nề về sinh mạng và coi như tan tác theo cùng với sự sụp đổ, vỡ nát nền văn minh - văn hóa của họ. Số người Sơn Vi ít ỏi sống sót sau cơn hoạn nạn chủ yếu là thuộc những nhóm sống ở vùng cao và dần qui tụ tập trung lại ở miền thượng du Bắc Việt Nam để xây dựng cuộc sống mới tại những thung lũng, nơi có điều kiện thuận lợi cho trồng trọt - chăn nuôi, để rồi sau khi đã ổn định cuộc sống thì bắt đầu một quá trình tăng trưởng dân số mới, làm xuất hiện nền văn minh Hòa Bình.
Quá trình tăng trưởng dân số đó nằm trong quá trình tăng trưởng dân số mới của loài người trên toàn thế giới. Quá trình tăng trưởng dân số thế giới dần dần làm xuất hiện những đợt lan tỏa dân cư có thể là từ Nam Trung Quốc xuống hoặc từ Lào qua vì dù lúc đó có sự xâm lấn đất liền do biển tiến thì Bắc Việt Nam vẫn còn là nơi “đất rộng người thưa” và hơn nữa có điều kiện thời tiết, khí hậu thích hợp cho đời sống thiên về trồng trọt - chăn nuôi mà người Sơn Vi đang triển khai ngày một hiệu quả. Chính những đợt lan tỏa dân cư này đã hòa hợp chủng người và làm xuất hiện thể chất con người Hòa Bình. Chúng ta mạnh dạn đưa ra giả định này là vì theo kết quả nghiên cứu hiện nay, người ta dự đoán rằng cư dân Sơn Vi chủ yếu thuộc chủng Australoid. Trong sự phát triển sau đó, người Australoid đã hỗn mang với người Negroied để tạo ra dạng Australo-Mongoloid trong cư dân văn hóa Hòa Bình sau đó. Dường như các yếu tố Mongoloid chỉ xuất hiện và tham gia vào sự hình thành cư dân cổ Việt Nam từ văn hóa Hòa Bình trở về sau mà thôi.
Có lẽ rằng, khi bước vào xây dựng lại cuộc sống sau thảm họa Hồng Thủy, do sự thiệt hại nhân mạng nghiêm trọng làm số lượng nhóm người cũng như số lượng thành viên của nhiều nhóm người giảm xuống đáng kể và cũng có thể là do thú hoang nói chung đã trở nên thưa thớt mà người Sơn Vi đã không thể săn bắt chúng với số lượng nhiều như trước nữa. Tình hình đó buộc họ phải chú tâm đến việc tăng cường trồng trọt - chăn nuôi, lấy trồng trọt - chăn nuôi làm phương thức sống chủ yếu, và từ đó mà cùng với sự chuyển biến thành người Hòa Bình là sự hình thành nên nền sản xuất nông nghiệp sơ khai. Chính nền sản xuất nông nghiệp sơ khai này với khả năng đáp ứng cung cấp lương thực, thực phẩm ngày càng cao, ngày càng hiệu quả của nó đã làm cho nhu cầu về thịt thú hoang của người Hòa Bình giảm xuống. Đó là lý do vì sao mà vào giai đoạn cuối của văn minh Hòa Bình, việc săn bắt thú có chiều hướng suy giảm thấy rõ. Cũng chính nền nông nghiệp nguyên thủy này, trên bước đường cải tiến kỹ thuật, kỹ năng canh tác và mở rộng chủng loại cây trồng, cùng với quá trình tăng trưởng dân số ngày càng đông đảo, đã tạo nên một cộng đồng xã hội Hòa Bình ở dạng manh nha: số lượng thành viên trong một nhóm giảm dần xuống theo hướng mối quan hệ ruột thịt trong nhóm ngày càng gần gũi làm hình thành nên thực thể “gia đình mẫu quyền” (đơn vị nhỏ nhất hợp thành xã hội), số lượng nhóm trong một điểm cư trú tăng lên và giữa các nhóm có mối quan hệ mật thiết về huyết thống, thân thích, về hợp tác phân công lao động và phân chia thành quả lao động (có thể cho đây là tiền thân của thực thể thị tộc, xóm làng sau này), các điểm cư trú ở cùng một thung lũng, địa vực hợp quần thành cụm dân cư thống nhất về mặt văn hóa và giữa các điểm cư trú ấy có mối quan hệ giao lưu trong hôn phối, trao đổi sản vật trong làm ăn có tính thường xuyên, cuối cùng, giữa các cụm dân cư lân cận nhau cũng có sự giao tiếp nhất định về mặt văn hóa, văn minh, xảy ra nhờ hiện tượng du cư, trong quá trình lan tỏa và hội tụ dân cư.
Kết quả khảo cổ học đã chỉ ra: trên nền tảng văn minh Hòa Bình xuất hiện một nền văn minh nổi trội hơn, có tính kế thừa và sáng tạo, đó là nền văn minh Bắc Sơn. Theo các nhà khảo cổ thì nền văn minh này tồn tại trong khoảng 4 ngàn năm, từ 11 ngàn năm đến 7 ngàn năm cách nay, phân bố trên một địa bàn hẹp hơn, có tính tập trung hơn so với nền văn minh Hòa Bình. Địa bàn đó rộng khoảng 1500 km vuông, gồm một phần tỉnh Lạng Sơn và huyện Võ Nhai của tỉnh Thái Nguyên ngày nay. Người Bắc Sơn cũng chủ yếu sống trong hang động, mái đá, nhưng những hang động này thường nhỏ hơn của người thuộc văn hóa Hòa Bình.
Về mặt công cụ đồ đá thì so với kỹ thuật ghè trong văn minh Hòa Bình, kỹ thuật ghè của văn minh Bắc Sơn tiến bộ hơn. Đặc trưng quan trọng nhất, tạo nên diện mạo riêng của văn minh Bắc Sơn là sự tồn tại và phát triển của rìu đá lưỡi Bắc Sơn. (Kỹ thuật mài Bắc Sơn là sự kế thừa và hòa thiện kỹ thuật mài Hòa Bình. Nhờ có kỹ thuật mài, người Bắc Sơn đã tạo ra được những công cụ đá có lưỡi sắc mà kỹ thuật ghè không thể tạo ra được. Nhiều nhà khảo cổ học nhận định rằng, với kỹ thuật chế tác đá, nhất là kỹ thuật mài của mình, văn minh Bắc Sơn trở thành một trong những cái nôi của cách mạng kỹ thuật thời tiền sử). Đáng chú ý là trong số công cụ mài lưỡi hình rìu, có một số công cụ có thể xem là cuốc đá dùng chủ yếu để xới đất trồng trọt chứ không phải để chặt. Nhưng di vật đặc sắc nhất, kỳ lạ nhất, đóng vai trò như dấu ấn đặc thù của văn minh Bắc Sơn là những di vật đá được gọi là “dấu Bắc Sơn”.
Dấu Bắc Sơn được làm từ những viên cuội nhỏ, dài, hơi dẹt, chất liệu là đá Shiste thô ráp. Trên một mặt hoặc hai mặt có vết lõm đôi chạy song song theo chiều dài của viên cuội. Rãnh đôi này tạo nên hình lòng máng úp sấp tựa hồ như do dấu vết mài lưỡi để lại.
Dấu Bắc Sơn tồn tại phổ biến trong các di tích văn minh Bắc Sơn. Có địa điểm (Hang Dơi), di vật này lên tới 100 tiêu bản. Điều lạ lùng là trên lãnh thổ Việt Nam, dấu Bắc Sơn xuất hiện trong một phạm vi rộng về không gian và lâu dài về thời gian. Trong các di tích thuộc những nền văn minh đồ đá khác như: Hòa Bình, Đa Bút, cũng như trong các di tích thuộc những nền văn minh đồ đá - gốm - đồng sau đó như: Phùng Nguyên, Hoa Lộc, Bàu Tró,…, dấu Bắc Sơn đều có mặt. Lạ hơn nữa, người ta còn phát hiện sự có mặt của dấu Bắc Sơn ở nhiều vùng ngoài lãnh thổ Việt Nam, thuộc các nước như: Triều Tiên, Trung Quốc, Mông Cổ… Nhưng lạ lùng nhất là điều này: dù có tính phổ biến như thế (cũng có nghĩa là vật thông dụng lúc đương thời) thì cho đến ngày nay, các nhà khảo cổ học vẫn chưa hiểu dấu Bắc Sơn được người xưa dùng vào việc gì. Có ý kiến đưa ra rằng, đây là bàn mài các loại đục khác nhau. Tuy nhiên, với sự tàng trữ cùng một lúc nhiều dấu Bắc Sơn (như ở Hang Dơi chẳng hạn) thì có nghĩa số lượng đục cần mài phải rất nhiều và người Bắc Sơn cần rất nhiều đục để làm gì? Hơn nữa, có thể hình dung, mài đục trên dấu Bắc Sơn đâu nhất thiết phải tạo cho được hai rãnh song song đó, thậm chí là đâu phải dễ dàng mà tạo ra chúng được dù cố ý?
Đến nay, nhiều nhà khảo cổ học Việt Nam vẫn cho rằng, văn minh Hòa Bình và văn minh Bắc Sơn là hai nền văn minh khác nhau. Tất nhiên là có sự khác biệt rồi, nhưng theo thiển ý chúng ta thì có sự khác nhau đó là vì văn minh Bắc Sơn vươn lên nổi trội từ nền tảng văn minh Hòa Bình. Như thời cổ đại cho thấy các trung tâm văn minh cổ đại trên thế giới không phải xuất hiện cùng một lúc mà có sự chênh lệch khá rõ về thời gian, chứng tỏ trong hiện tượng đó hàm chứa sự học hỏi, kế thừa có sáng tạo thông qua những con đường như lan tỏa dân cư, đi xâm lấn, chinh phục, giao thương trao đổi sản vật…, theo xu thế trung tâm văn minh xuất hiện trước là tấm gương phản chiếu, kích thích sự hình thành trung tâm văn minh xuất hiện sau, nơi có mức độ văn minh thấp hơn noi theo nơi có mức độ văn minh cao hơn. Nhưng không phải bất cứ khu vực nào cũng có thể trở thành trung tâm văn minh, dù có nằm ở lân cận một trung tâm văn minh nào đó, mà phải có điều kiện, hoàn cảnh về môi trường sống về tình hình dân cư… được gọi là chín muồi. Hơn nữa do thời bấy giờ phương tiện giao thông, liên lạc còn rất hạn chế cho nên quá trình xuất hiện một trung tâm văn minh mới nhờ học hỏi, kế thừa (những) trung tâm văn minh có trước và tự thân nỗ lực sáng tạo là tương đối chậm chạp. Không thể có một trung tâm văn minh nào có thể xuất hiện từ con số 0, mà phải bắt đầu từ một nền tảng văn minh bản địa có trước và nền tảng này cũng thường là nền tảng văn minh chung của một khu vực rộng lớn hơn và thậm chí cũng có thể là nền tảng văn minh chung của nhân loại đương thời. Hiện tượng xuất hiện những trung tâm văn minh trên thế giới đã dẫn chúng ta đến suy luận rằng, phải có một trung tâm văn minh đầu tiên làm gốc xuất phát của mọi trung tâm văn minh Đại Lục Mẫu. Đây là trung tâm văn minh hình thành trên nền tảng văn minh trước đó của nhân loại, nhưng bằng con đường tự thân cật lực lao động sáng tạo và sáng tạo không ngừng.
Từ quan điểm nói trên chúng ta cho rằng nền văn minh Bắc Sơn đóng vai trò là trung tâm văn minh hình thành trên nền tảng văn minh Hòa Bình, có tiếp thu ở mức độ nhất định những nét, những thành quả văn minh ngoại lai.
Khảo cổ học đã chỉ ra rằng sau khi xuất hiện, nền văn minh Bắc Sơn cùng tồn tại bên cạnh nền văn minh Hòa Bình trong một thời gian dài và dù có sự giao lưu nhất định nào đó đối với nhau thì vẫn phân biệt được khá rõ đối với nhau. Vậy thì nguyên nhân cụ thể nào làm xuất hiện nền văn minh Bắc Sơn và tại sao lại có hiện tượng nền văn minh Hòa Bình tiến triển đến mức độ nào đó thì có vẻ như bị đình trệ kéo dài?
Mục đích cốt yếu của lao động sáng tạo là đảm bảo sinh tồn rồi sau đó mới đến việc nâng cao chất lượng cuộc sống. Ở những thời đại tối cổ xa xôi, khi trong nhận thức của con người chưa có khái niệm giàu - nghèo, khi nhu cầu đáp ứng thỏa mãn đời sống còn thấp, hầu như chỉ là vấn đề cung ứng về lương thực, thực phẩm, thì sự năng động sáng tạo trong lao động kiếm sống không phải bao giờ cũng được duy trì ở mức độ như nhau mà tùy thuộc vào tình trạng dễ dàng hay khó khăn trong làm ăn mà có lúc “chùng xuống” lúc “căng lên”, nghĩa là con người nguyên thủy thường chỉ nỗ lực sáng tạo trong những giai đoạn mà dù đã lao động quần quật vẫn không đủ sống, vẫn thiếu thốn và đói khát triền miên, do những nguyên nhân tự nhiên chưa thể chủ động khống chế được, gây ra, mà chủ yếu là do sự tăng dân số tự phát làm mật độ dân cư khu vực tăng lên, vượt quá khả năng đáp ứng về lương thực, thực phẩm.
Có thể vào thời văn minh Sơn Vi, mực nước biển chưa dâng, lãnh thổ Việt Nam là một khu vực rộng lớn hơn so với ngày nay, giáp biển là một dải duyên hải tương đối bằng phẳng nhưng gồm nhiều vũng nước, đầm lầy. Lúc đó, dân cư Sơn Vi trên lãnh thổ Việt Nam đã tương đối đông đảo và hoạt động làm ăn của họ cũng tương đối sôi nổi (so với những khu vực khác thời bấy giờ). Họ không chỉ biết có săn bắt thú hoang, hái lượm những sản vật trong tự nhiên, mà còn biết đến đánh bắt cá ở sông, hồ, biển cả và trồng trọt chăn nuôi. Tùy vào vị trí hoàn cảnh của nơi cư trú mà trong nền văn minh Sơn Vi đã xuất hiện các nhóm tương đối đông người cùng hoạt động làm ăn theo một định hướng chủ yếu, thiên về hoặc là săn bắt thú rừng, hoặc là đánh bắt hải sản (tôm, cá, sò, ốc), hoặc là trồng trọt - chăn nuôi, cũng có thể là chế tác những loại hình công cụ, phương tiện gỗ (tre, nứa, luồng…), đá “chuyên dùng” nào đó, và giữa các nhóm ấy thường xuyên có sự trao đổi sản vật, thành quả lao động cho nhau một cách trực tiếp và giản đơn. Có thể nói, người Sơn Vi đã bắt đầu sống theo lối sống cộng đồng xã hội.
Tiếp tục tưởng tượng, chúng ta cho rằng, trước nạn Đại Hồng Thủy, đánh bắt cá đã là phương thức kiếm ăn phổ biến của người Sơn Vi và càng về sau thì càng chiếm ưu thế hơn hẳn việc săn bắt thú rừng trong cộng đồng xã hội Sơn Vi. Lúc bấy giờ đa phần các nhóm người Sơn Vi hoạt động làm ăn thiên về đánh bắt cá hay trồng trọt - chăn nuôi đều tập trung sinh sống ở miền đồng bằng và trung du. Đại Hồng Thủy ập đến bất ngờ và quá dữ dội đã tiêu diệt coi như toàn bộ số dân Sơn Vi này và một phần lớn số dân cư trú ở địa hình cao hơn. Sau Đại Hồng Thủy, mực nước biển không hạ xuống như cũ hoặc là do có sự lún sụt lục địa mà toàn bộ miền duyên hải, đồng bằng, và trung du Việt Nam bị nhấn chìm. Trình độ đánh bắt cá, săn bắt thú và trồng trọt - chăn nuôi, cũng như kỹ năng chế tác các công cụ, phương tiện bằng gỗ - đá phục vụ cho các công việc làm ăn ấy mà nền văn minh Sơn Vi, đã sáng tạo ra được, sau trận Đại Hồng Thủy, coi như bị thất truyền phần lớn, thậm chí là những bí quyết chế tác quan trọng nhất đều bị mất đi.
Sau cuộc tàn phá vĩ đại ấy, dân số Sơn Vi giảm xuống hẳn và chủ yếu là những người trước đây sống ở vùng thượng du. Họ bước vào cuộc sống mới đầy khó khăn: nghề đánh bắt cá ở sông, biển bị thui chột nghiêm trọng, việc săn bắt thú hoang cũng vấp phải những trở ngại to lớn (không tổ chức được đủ số người cần thiết để săn bắt những con thú to khỏe và hung dữ, số lượng thú rừng đã giảm xuống, chỉ còn thưa thớt do Đại Hồng Thủy làm thiệt hại và cũng do sự khai thác khá mạnh mẽ của người Sơn Vi trước đó). Trước tình trạng đó, người Sơn Vi không còn lựa chọn nào khác là lấy trồng trọt - chăn nuôi làm phương thức kiếm ăn chính yếu cho đảm bảo sống còn và nỗ lực lao động cũng như tích cực sáng tạo theo định hướng ấy. Quá trình này có thể là tương đối dài lâu, nhưng rồi dần dần đã làm hình thành nền văn minh Hòa Bình và cùng với nó thì người Sơn Vi cũng chuyển biến thành người Hòa Bình do có sự hợp chủng với dân cư ngoại nhập.
Quá trình lao động sáng tạo của người Hòa Bình đã làm cho trình độ trồng trọt - chăn nuôi của họ ngày càng tiến triển, đáp ứng được sự đòi hỏi cung ứng lương thực, thực phẩm cũng ngày càng tăng do tăng dân số, và rốt cuộc làm xuất hiện một nền sản xuất nông nghiệp sơ khai, đóng vai trò là lĩnh vực kiếm sống chủ yếu đối với toàn thể cư dân Hòa Bình. Chính vì như thế mà chúng ta cho rằng trong quá trình tồn tại của nền nông nghiệp ấy, đã có những bước phát triển nhảy vọt mang tính cách mạng, mở ra khả năng cực kỳ to lớn đối với việc cung ứng lương thực, thực phẩm và có thể nói đời sống của người dân Hòa Bình nói chung là sung túc trong một giai đoạn dài vào nửa sau thời đại văn minh Hòa Bình. Do đó mà họ cũng chuyển hướng phần lớn hoạt động sáng tạo sang lĩnh vực tinh thần, xây dựng được một nền văn hóa phong phú nhiều mặt, mang nhiều nét thực sự đặc sắc mà nhiều khu vực khác trên thế giới không có, như các nhà khảo cổ học Việt Nam và không ít nhà khảo cổ học ở nước ngoài đã nhận định.
Nền nông nghiệp nguyên thủy của người Hòa Bình, trong quá trình tiến triển của nó, có lẽ, đã có ít nhất là ba lần nhảy vọt nhờ vào ba sáng tạo quan trọng, đó là chế tác ra hệ thống tưới tiêu, lợi dụng sức động vật vào hoạt động nông nghiệp, và đưa cây lúa nước vào danh sách những cây lương thực chủ lực. Chắc là người Hòa Bình đã dùng những cây thân to họ tre như vầu, luồng, chẻ đôi ra, kết nối lại với nhau thành những đường máng để “dẫn thủy nhập điền” từ nguồn nước ở cao hơn nào đó. Nhờ có nước tưới mà hiệu quả trồng trọt tăng lên gấp bội. Hơn nữa, nhờ được tưới nước mà đất đai mềm hơn, làm cho công việc đào, xới đất với những công cụ bằng gỗ bớt nặng nhọc đi nhiều.

Một số hình ảnh về các di vật đá được khai thác tại hang Pắc Tà:

Ảnh Minh Tâm/TTXVN

Ảnh Minh Tâm/TTXVN

Ảnh Minh Tâm/TTXVN
Trồng trọt tăng tiến thì nông phẩm thu hoạch nhiều, đủ ăn mà còn tích trữ được để ăn lâu dài (một trong những cách để dành lại ăn tương đối lâu dài là ăn đến đâu thu hoạch đến đó), và đồng thời cũng làm cho lượng thịt cần thiết trong khẩu phần thức ăn giảm xuống, không nhất thiết phải cao như trước. Vào những lúc nông nhàn, người Hòa Bình vẫn tổ chức săn bắt thú. Tuy nhiên, việc săn bắt những loại thú mạnh mẽ và hung dữ, dễ gây nên nguy hiểm đến tính mạng, không còn bức thiết nữa. Ngoài ra, sau những lần săn bắt được lượng thú nhiều, ăn không hết, người Hòa Bình để dành những con thú chưa đủ lớn, còn khỏe mạnh, bằng cách chăn nuôi, vì lúc này, đối với họ, thuần dưỡng thú hoang thành gia súc để chăn nuôi đã trở nên tương đối thuần thục. Chăn nuôi gia súc rõ ràng là công việc nhẹ nhàng hơn săn bắt nên được ưu tiên lựa chọn để cung ứng thịt. Nhiều khả năng trong thời đoạn đó, người Hòa Bình đã biết làm chuồng trại bằng tre, nứa để chăn nuôi gia súc (và rất có thể nhờ thế mà họ cũng đã phát hiện ra tác dụng làm cho cây trồng tươi tốt hơn, cho nhiều củ quả hơn của phân động vật). Khi những con vật ăn cỏ to, khỏe nhưng tương đối lành tính đã được thuần dưỡng và trước việc phải mang vác về nơi trú ngụ khối lượng nông phẩm sau thu hoạch ngày càng lớn, người Hòa Bình tất yếu sẽ nảy ra cách giải quyết: lợi dụng những gia súc to khỏe vào việc mang vác, vận chuyển, để rồi sau đó là cả vào việc canh tác đất trồng trọt. Phải chăng trâu, bò đã “sát cánh” trong lao động nông nghiệp cùng với con người từ thuở ấy? Trên vách hang Đồng Nội, một di chỉ cư trú của người Hòa Bình, còn lưu lại hình khắc một mặt thú và ba mặt người. Mặt con thú không rõ lắm, nhưng phần miệng, mũi, sừng dễ nhận ra là chỉ thị về một loài động vật ăn cỏ. Phải chăng đó là con trâu? Hình ba mặt người rõ hơn. Có điều lạ là trên đỉnh đầu của ba mặt người ấy có khắc hình gì đó giống như cần ăng ten trong thu phát vô tuyến điện. Có nhà nghiên cứu cho đó là hình biểu diễn về cái sừng. Nhưng người làm gì có sừng và hơn nữa, những hình khắc đó là đơn giản, có tính tả chân, nên cần cho rằng người Hòa Bình chỉ biểu diễn những thứ mà họ thực sự đã thấy trong hiện thực. Vậy thì đó là gì? Chúng ta cho rằng, đó là tóc. Có lẽ người Hòa Bình đã buộc tóc đứng cao lên như vậy (cho gọn, đỡ vướng víu?). Về mặt tổng thể thì bức hình khắc trên vách hang Đồng Nội mang ý nghĩa gì? Qua đó, người Hòa Bình muốn biểu đạt sự so sánh: sức mạnh của một con trâu bằng sức mạnh của ba (hay nhiều) con người hợp lại chăng?
Có thể là hơn 8 ngàn năm về trước, người Hòa Bình đã biết đến cây lúa nước có hạt mà nếu bóc vỏ ra là có thể ăn được nhân bên trong. Lúc đầu họ chỉ dùng nó làm thức ăn cho gia súc, sau, vào những thời điểm tương đối đói kém (do thiên tai, hạn hán…), họ đã phải tìm cách bóc vỏ hạt lúa cho nhanh để có gạo mà ăn cho “đỡ đói lòng”, chờ qua cơn “bĩ cực”. Từ đó, cây lúc nước hoang dại trở thành một trong số các loại cây lương thực của người Hòa Bình và được họ chủ động trồng trọt theo mùa màng phù hợp tự nhiên.
Cũng vào khoảng thời gian nói trên, biển đã lùi bớt làm cho một số vùng trung du Việt Nam chuyển biến thành miền duyên hải nhiều đầm lầy, gò, trũng, mở ra một địa bàn tìm kiếm thức ăn đầy hứa hẹn. Đặc biệt là sự xuất hiện miền duyên hải kề sát khu vực mà sau đó sẽ hình thành nên nền văn minh Bắc Sơn. Có thể là do sự biến đổi bởi nguyên nhân nào đó về thổ nhưỡng mà đất đai ở đó dần pha cát, trở nên tơi, xốp nhưng lại không phù hợp với việc trồng lúa nước và một số cây rau, củ, quả. Truyền thống khác của người Hòa Bình, buộc những nhóm người Hòa Bình di trú đến khu vực đó phải định hướng lại hoạt động làm ăn: tăng cường săn bắt thú, hái lượm sản vật trong thiên nhiên, nhất là đánh bắt hải sản ở miền duyên hải kề cận (đây là bước đi quan trọng chuẩn bị cơ sở vật chất, kỹ thuật tiền đề, rèn luyện và củng cố kỹ năng kỹ xảo để con người trên lãnh thổ Việt Nam (có lẽ là lần thứ hai?) vươn ra đánh bắt hải sản trên vùng biển ven bờ).
Cuộc lao động sáng tạo của người Bắc Sơn trong săn bắt thú rừng, trong lượm, vớt, săn bắt hải sản đã dẫn họ đến chế tác ra những công cụ, phương tiện mới từ gỗ, tre, nứa, mây (làm dây ràng, buộc) với số lượng nhiều. Có thể hình dung những công cụ, phương tiện ấy (đại loại là: những cái lao (đầu vót nhọn), cung tên, lồng, rọ (để nhốt, bẫy thú, chim, cá…), phên, liếp (chặn cá để bắt, làm vó vớt cá, tôm), thậm chí là cả những tấm lưới (đan từ những dây leo có thân dai như mây chẳng hạn)…, rồi bè, mảng… và cả chòi, lán… (để làm nơi trú ngụ trong những đợt đi kiếm ăn tương đối xa), dù chắc rằng những thú ấy còn ở dạng rất thô sơ. (Ở đây, chúng ta bật ra một ý nghĩ: hình như vào thời kỳ nông nghiệp nguyên thủy đã triển khai, thậm chí là còn xa xưa hơn nhiều nữa, con người trên lãnh thổ Việt Nam đã có thói quen thường xuyên sống ngoài trời, chỉ trong thời gian tiết trời lạnh giá, hoặc những khoảng thời gian mưa bão lớn và kéo dài, họ mới quay về sinh hoạt trong hang động, núi đá mà họ đã sở hữu trước đó, chỉ có người già, con nít và người mất sức lao động, vì không thể đi xa được, mới thường xuyên ở lại hang đá, mái đá và hái lượm phần nào quanh quẩn gần đó. Chính thế cho nên có thể cho rằng, phần lớn những biểu hiện văn minh của người Hòa Bình và người Bắc Sơn đã không thể lưu lại dấu tích cho đến ngày nay. Nếu đúng vậy thì nhiều nhận định dựa trên khảo cổ di tích đồ đá về nền văn minh Hòa Bình và Bắc Sơn có thể là còn sai lạc, chưa thỏa đáng về tầm vóc rực rỡ của chúng).
Để đáp ứng được việc chế tạo với số lượng nhiều những công cụ, phương tiện tương đối tinh tế nói trên, đòi hỏi phải có những công cụ đá có lưỡi sắt hơn, nhẵn nhụi hơn và đó chính là nguyên nhân làm xuất hiện kỹ thuật mài đá Bắc Sơn và rìu đá mài Bắc Sơn. Nhiều khả năng chỉ là sự tình cờ, khi đem áp dụng kỹ thuật mài đó cho các công cụ đá dùng đào xới đất trồng trọt ở khu vực người Bắc Sơn thì cũng cải thiện thấy rõ tính năng của chúng. Có thể rằng, kỹ thuật mài đá Bắc Sơn đã ra đời cách nay khoảng 8 ngàn năm về trước, và nếu qui ước thời điểm xuất hiện rìu mài đá Bắc Sơn cũng là thời điểm xuất hiện nền văn minh Bắc Sơn thì phải sửa lại thời gian tồn tại của nền văn minh này là chỉ từ 8 ngàn năm đến 7 ngàn năm cách nay.
Thế thì tại sao đã có một khoảng thời gian dài đến ít ra là một ngàn năm tồn tại kề bên nền văn minh Bắc Sơn, mà nền văn minh Hòa Bình không tiếp thu kỹ thuật mài đá ấy? Theo chúng ta thì chỉ có thể là vì nó thiết thực với hoạt động làm ăn của người Bắc Sơn nhưng lại không thích hợp với hoạt động làm ăn thiên chủ yếu về sản xuất nông nghiệp theo cách của người Hòa Bình (rìu đá mài Bắc Sơn sắc hơn, thuôn hơn thì cũng dễ mẻ vỡ hơn, đồng thời cũng nặng hơn, trong khi công cụ bằng gỗ, tre, vẫn đang được người Hòa Bình sử dụng một cách hiệu quả, nhiều khi không những bền hơn, có thể phục hồi hư hỏng nhanh hơn mà chế tạo mới cũng dễ dàng hơn).
Nhớ lại, mài lưỡi rìu đá lần đầu tiên là do người Hòa Bình thực hiện rồi sau đó được người Bắc Sơn kế thừa và phát huy hơn nữa. Nếu đối với người Hòa Bình, chỉ cần mài lưỡi rìu là đủ thì đối với người Bắc Sơn, để phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh sống mới và định hướng hoạt động làm ăn có những điều chỉnh nhất định, đòi hỏi không những chỉ mài lưỡi mà còn phải làm sao mài cả thân rìu, từ đó mà họ đã đưa kỹ thuật ghè, đẽo và mài đá lên một trình độ tinh tế hơn, điêu luyện hơn. Đó chính là nguyên nhân chủ yếu làm nổi lên trong lòng văn minh nông nghiệp Hòa Bình, một khu vực có nét đặc thù, gọi là nền văn minh Bắc Sơn, hay thỏa đáng hơn, nên gọi là trung tâm văn minh Bắc Sơn.
Như đã nói, rìu mài Bắc Sơn là đặc trưng rõ rệt của văn minh Bắc Sơn và qua đó mà dễ dàng phân biệt văn minh Bắc Sơn với văn minh Hòa Bình. Vậy thì có thể dùng con dấu Bắc Sơn để phân biệt hai văn minh đó không? Nếu qui ước thời điểm ra đời của rìu mài Bắc Sơn cũng là thời điểm xuất hiện văn minh Bắc Sơn và nếu con dấu Bắc Sơn ra đời trước rìu mài Bắc Sơn thì nó phải thuộc văn minh Hòa Bình, còn ngược lại thì nó mới thuộc về văn minh Bắc Sơn. Do đó muốn chắc chắn thì không nên dùng nó để phân biệt. Tuy nhiên, dù thuộc về sự sáng tạo của văn minh nào đi chăng nữa thì vì sự tồn tại phổ biến một cách khác thường của nó trong các di chỉ văn minh Bắc Sơn, cho nên dựa vào hiện tượng có tính đặc thù đó, có thể coi nó cũng là một đặc trưng cho văn minh Bắc Sơn.
Đến nay, trong sưu tập các di vật thuộc văn minh Bắc Sơn, có hơn 600 tiêu bản dấu Bắc Sơn, chiếm tới 38% số di vật đá. Người Bắc Sơn dùng dấu Bắc Sơn vào mục đích gì mà cần nhiều đến như vậy. Điều chắc chắn là con dấu Bắc Sơn thực sự đắc dụng cho con người tiền sử nói chung chứ không riêng gì cho con người Bắc Sơn và sự đắc dụng ấy là có tính vượt thời đại, vì nó đã từng hiện hữu trên một phạm vi rất rộng lớn về mặt không gian và trong một khoảng rất dài lâu về mặt thời gian.
Dù vẫn còn rất áy náy thì chúng ta cũng xin nêu ra một ý kiến. Nếu ai đó lấy một khúc nứa nhỏ và khô, chẻ đôi ra, rồi tìm thứ cỏ khô dễ cháy làm bùi nhùi, lèn đầy chặt vào lòng một trong hai nửa khúc nứa. Song đâu đó, lẻn vào Viện Bảo Tàng lịch sử Việt Nam “chôm” một con dấu Bắc Sơn có khoảng cách giữa hai rãnh áng chừng bằng đường kính khúc nứa, đem về áp mạnh lên khúc nứa chứa bùi nhùi sao cho lòng khúc nứa có thể úp lên đường gồ giữa hai rãnh của con dấu Bắc Sơn, rồi chà đi xát lại một cách nhanh nhất có thể hai vật ấy theo phương dọc theo khúc nứa (nghĩa là cũng dọc theo con dấu). Nếu sau một thời gian tương đối ngắn mà cỏ bùi nhùi bùng cháy thì đích thị con dấu Bắc Sơn được dùng để tạo ra lửa, và cách tạo lửa này phải dễ dàng hơn cách dùng hai khúc nứa hay giang (cũng thuộc họ tre) cọ sát vào nhau để làm cháy bùi nhùi.
Vào thời nguyên thủy cổ xưa, tạo ra lửa là công việc tốn sức và khó khăn hơn ngày nay nhiều. Nếu quả thực công dụng của con dấu Bắc Sơn là tạo ra lửa và người Bắc Sơn đã nghĩ ra cách tạo ra lửa như thế thì đó là một phát kiến không tầm thường chút nào. Có lẽ chính vì vậy mà con dấu Bắc Sơn xuất hiện trên một phạm vi không gian rộng và được sử dụng suốt một chặng lịch sử đã lâu đến phi thường.
Theo địa chất - hải dương học, hiện tượng biển dâng chủ yếu là do sự tan chảy của băng tuyết. Biển dâng cao làm nước biển lấn sâu vào lục địa và người ta gọi hiện tượng này là “biển tiến”. Ngược lại, khi mực nước biển hạ xuống, rút ra, làm mở rộng lục địa thì hiện tượng đó được gọi là “biển lùi”. Vào khoảng hơn 10 ngàn năm về trước, bắt đầu một quá trình biển tiến mới, làm một nửa diện tích của mảng lục địa Đông Nam Á bị nhấn chìm. Riêng đối với khu vực thuộc lãnh thổ Việt Nam ngày nay, quá trình biển tiến đó có lúc nhanh lúc chậm và kéo dài đến tận khoảng 5 ngàn năm cách nay mới kết thúc. Biển Đông vì thế mà lấn sâu dần vào nội địa, “đuổi” con người và muông thú lên thượng du.
Thế thì tại sao ở phía trên, chúng ta lại cho rằng biển lùi? Bởi vì chí ít, nếu trong quãng thời gian từ khoảng 8 ngàn năm đến 6 ngàn năm cách nay mà không giả định biển lùi (tất nhiên trong suốt quá trình này cũng có lúc mực nước biển đứng hoặc tiến chút ít nhưng chỉ có tính cục bộ), thì khó lòng giải thích được sự biến mất của con người Hòa Bình - Bắc Sơn cùng với nền văn minh của họ và sự xuất hiện nền văn minh Đa Bút (tồn tại trong khoảng 6,5 - 4,5 ngàn năm cách nay, phân bố trong một phạm vi rộng, liền khoảnh thuộc tỉnh Thanh Hóa và Ninh Bình ngày nay). Nhưng để có thể yên tâm tin cậy vào giả định đó thì đòi hỏi phải có sự giải thích “rõ ràng và sáng sủa” hơn một chút.
(Còn tiếp)
------------------------------------------------------------------



Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

TT&HĐ I - 9/d

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH