HƯƠNG CAU (ĐL)
HƯƠNG CAU
(Ta nhớ em, ta nhớ em, ta nhớ lắm em ơi!...)
***
Vô tình ghé quán Hương Cau
Định vui say chút, ngờ đâu đến giờ
Hoa cau rụng trắng mấy mùa
Còn ngồi như đá, chơ vơ cô buồn!...
Nghe em kể, chạnh lòng thương
Hồng nhan bạc phận, phấn hương bạc tình
Đã đành là chuyện mưu sinh
Sao em quá đỗi truân chuyên thế này
Tả tơi một đóa hình hài
Rã rời một giọt sương mai lìa cành
Em cười với khách bên bàn
Thoảng trong sâu thẳm cung đàn Nguyễn Du
Em ca dưới ánh đèn mờ
Vó câu khấp khểnh, bơ vơ thân Kiều!
Ơi người em gái mến yêu
Cho ta nhắn nhủ đôi điều được chăng?
Còn Trời, còn Đất, còn Trăng
Là còn hạnh phúc thênh thang đường về
Mật đời rồi sẽ thỏa thuê
Quanh em là cả bốn bề bình minh
Em bồng con nhỏ xinh xinh
Nghe chồng thổi sáo ru tình trăm năm
Véo von trong ánh trăng rằm
Bên dòng sông lặng gió ngàn thanh cao
Mẹ già bỏm bẻm nhai trầu
Bình yên tấc dạ, mái đầu bạc phơ...
***
(Buồn lên, ngâm lại bài thơ
Em ơi, em hỡi, bây giờ ra sao?
Tâm linh cùng một máu đào
Nghe như trong gió nôn nao tiếng đàn...)
Trần Hạnh Thu
Âm nhạc của Thúy Kiều trong Truyện Kiều
Đại thi hào Nguyễn Du đã cho ra đời một kiệt tác bất hủ mà hầu như qua mọi thế hệ đều được biết đến đó là “Truyện Kiều”. Người ta biết được nàng Kiều là một người phụ nữ “tài sắc vẹn toàn” có nét đẹp “nghiêng nước nghiêng thành” nhưng lại “hồng nhan bạc phận”. Người ta biết Kiều chơi đàn rất giỏi khiến nhiều kẻ si mê, nhưng ít người biết rằng Thúy Kiều sử dụng loại đàn nào? Chơi những bài nhạc nào trong “Truyện Kiều”?
Thúy Kiều sử dụng loại đàn nào?
Khi thiết kế trang bìa cho truyện, các họa sĩ thường vẽ Thúy Kiều ngồi ôm cây đàn Tỳ Bà.
Nhưng theo Giáo sư Trần Văn Khê – Tiến sĩ ngành âm nhạc học người Việt Nam đầu tiên tại Pháp và từng là giáo sư tại Đại Học Sorbone, Pháp, thành viên danh dự Hội đồng Âm nhạc Quốc tế, UNESCO. Ông là người có bề dày trong hoạt động nghiên cứu, giảng dạy, có công trong quảng bá Âm nhạc Việt Nam nói riêng, Văn hóa Việt Nam nói chung ra thế giới. Ông nhiều lần khẳng định rằng, Đàn mà Thúy Kiều dùng không phải là cây đàn Tỳ Bà như các họa sĩ thường vẽ.
Thúy Kiều sử dụng loại đàn có thùng tròn như Mặt Trăng:
“Trên hiên treo sẵn cầm Trăng”
Cây đàn này lại có 4 dây: “Bốn dây to nhỏ nên vần cung thương”
Nó phải “cùng họ” với cây đàn Hồ cầm: “Nghề riêng ăn đứt, Hồ Cầm một chương”.
Sau khi nghiên cứu trong sách Thích danh và tự điển Từ Nguyên – Từ Hải, Gs. Trần Văn Khê cho biết: có 3 cây đàn thuộc loại Tỳ Bà và đều được coi là Hồ Cầm: Tứ huyền Tỳ Bà, Ngũ huyền Tỳ Bà và Nguyễn Tỳ Bà. Nhưng hai cây đầu tiên lại có thùng đàn hình bầu dục, chỉ có cây đàn Nguyễn Tỳ Bà tên thật là Nguyễn Cầm có thùng đàn tròn như Mặt trăng và có 4 dây, do Nguyễn Hàm đời Tấn chế ra.
Cũng dựa vào những câu thơ của Nguyễn Du mà Gs. Trần Văn Khê có thể khẳng định, cây đàn Thúy Kiều sử dụng phải là cây đàn Nguyễn:
“Long Thành cầm giả ca…
Độc thiện Nguyễn Cầm….”
Có nghĩa là một người ca nhi biết đờn Cầm ở làng Long Thành, chuyên đờn rất hay cây Nguyễn cầm.
Thúy Kiều đã chơi những bài nhạc nào mà lại khiến nhiều kẻ si mê?
Bản nhạc đầu tiên được nhắc đến trong câu 34 của Truyện Kiều mang tên “Bạc mệnh” (câu 34: “Một thiên bạc mệnh lại càng não nhân”) nhưng bài này không phải là bài nhạc đầu tiên mà Thúy Kiều đàn. Thúy Kiều đàn bài này khi bị ép đàn cho Hồ Tôn Hiến nghe (câu 2575 – 2578)
Trong Truyện Kiều, người đầu tiên được thưởng thức tiếng đàn của Thúy Kiều chính là Kim Trọng. Bản đàn mà Thúy Kiều đàn được thi hào Nguyễn Du mô tả
Rằng nghe nỗi tiếng cầm đài
Nước non luống những lắng tai Chung Kỳ
Thưa rằng: “Tiện kỹ sá chi
Đã lòng dạy đến, dạy thì phải vâng”
Hiên say treo sẵn cầm trăng
Vội vàng sinh đã tay nâng ngang mày.
Nàng rằng: “Nghề mọn riêng tay
Làm chi cho bận lòng nầy lắm thân!”
So lần dây Vũ dây Văn
Bốn dây to nhỏ theo vần Cung, Thương.
Khúc đau Hán Sở chiến trường
Nghe ra, tiếng sắt tiếng vàng chen nhau.
Khúc dâu Tư Mã Phượng cầu
Nghe ra như oán như sầu phải chăng !
Kê Khang, nầy khúc Quảng lăng
Một rằng lưu thủy, hai rằng hành vân.
Quá quan, nầy khúc Chiêu Quân
Nửa phần luyến chúa, nửa phần tư gia.
Trong như tiếng hạc bay qua
Đục như tiếng suối mới sa nửa vời
Tiêng khoan như gió thoảng ngoài
Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa.
Ngọn đèn khi tỏ khi mờ
Khiến người ngồi đó cũng ngơ ngẩn sầu
Khi tựa gối, khi cúi đầu
Khi vò chín khúc khi chau đôi mày.
Rằng: “Hay thì thật là hay
Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào!”
Khúc thứ nhất “Thập diện mai phục”
Khúc đau Hán Sở chiến trường
Nghe ra, tiếng sắt tiếng vàng chen nhau.
Sách Sử ký có ghi lại rằng dưới đời Tần, Lưu Bang và Hạng Võ cùng nhau đánh vua Tần. Khi thắng trận, Hạng Võ tự xưng mình là Tây Sở Bá vương còn Lưu Bang trở thành Hán vương. Hai nước Hán và Sở đều muốn mở rộng bờ cõi nên có sự giao tranh.
Tổ khúc “Hán sở hay Hoài âm bình Sở” thịnh hành từ thời Minh, đến nay được biết đến với tên gọi “Thập diện mai phục”. Đây là một trong hai tuyệt tác viết cho đàn Tỳ Bà về đề tài Hán – Sở tương tranh.
Khúc thứ hai “Phượng cầu hoàng”
“Khúc đau Tư Mã phượng cầu
Nghe ra như oán, như sầu phải chăng?”
Đây vốn là văn khúc viết cho đàn Tỳ Bà về câu chuyện tình ái của Tư Mã Tương Như – một chàng trai đa tài, văn hay, đàn giỏi, với Trác Văn Quân – người con gái xinh đẹp nhưng sớm góa chồng.
Khúc 3: Quảng Lăng tán
Kê Khang này khúc Quảng Lăng,
Một rằng lưu thủy hai rằng hành vân.
Kiệt tác mang nhiều huyền thoại nhất là Quảng Lăng tán viết cho đàn cổ cầm đã thăng trầm hơn một nghìn năm, tương truyền Kê Khang đã được một ẩn sĩ truyền thụ, và là nhạc phẩm cuối ông gảy trước giờ phút chịu hành hình
Thời đó Quảng Lăng tán đã là một trong những nhạc khúc lớn gồm 45 đoạn nổi tiếng mang tính tiêu biểu trong lịch sử âm nhạc Trung Quốc. Người đời sau cho là Quảng Lăng tán thể hiện niềm bi hận, tình cảm vừa sâu lắng vừa mạnh mẽ của ông, và sau thời Minh, nhạc phổ của nó được thêm những phụ đề vào trong các khúc đoạn tham chiếu tới sự kiện lịch sử, chẳng hạn nó mô tả câu chuyện về thích khách Nhiếp Chính.
Từ trong cốt tủy, tư tưởng thẩm mỹ của Kê Khang đã là một quan điểm có khuynh hướng đối lập, nó bài bác cái ý hệ truyền thống Nho giáo đang nắm quyền trong âm nhạc. Điều này một phần giải thích cho việc dẫn đến cái chết của Kê Khang và thái độ ung dung gảy đàn như gửi gắm tinh thần và thể xác hòa vào với nước chảy mây trôi trong Đạo giáo, như Nguyễn Du miêu tả: “Một rằng lưu thủy hai rằng hành vân”.
Khúc 4: Tái thượng khúc
Quá quan này khúc Chiêu Quân
Nửa phần luyến chúa, nửa phần tư gia
Nghe nghệ sĩ tì bà Lưu Phương diễn tấu:
Đề tài Chiêu Quân trong lịch sử sáng tác văn nghệ với số lượng vô kể, trong âm nhạc lại càng nhiều. Đơn cử ở đây bài Tái thượng khúc là môt tổ khúc tì bà kinh điển tả nỗi nhớ cố quốc và những tình cảm bi thiết nơi quan ải của Vương Chiêu Quân, đúng với những tâm trạng như Nguyễn Du miêu tả. Tái thượng khúc gồm năm đoạn: “Tư xuân”, “Chiêu Quân oán”, “Tương phi trích lệ”, “Trang đài thu tư”, và “Tư Hán”, vốn là năm tiểu khúc độc lập được tổng hợp thành một tổ khúc dưới tên Tái thượng khúc.
Hi vọng bài viết trên sẽ giúp cho các bạn có thêm chút kiến thức về tác phẩm nổi tiếng này của dân tộc Việt Nam.
Nhận xét
Đăng nhận xét