Kể từ đêm đầu tiên lên phố diễn, ông đã diễn liên tục trong vòng 161 ngày, đến ngày 162 vì trời đổ mưa nên ông không thể đàn tiếp. Nằm ở nhà, ông không tranh thủ một đêm như vậy để nghỉ ngơi mà lại trằn trọc vì thấy nhớ phố, nhớ cả những người khán giả đứng nghe mình đàn.

Tiếng Guitar Hawaiian của nhạc công già giữa Sài Gòn - ảnh 5
Đôi tay hằn vết chai vì lao động tay chân nhiều năm, tưởng đã cứng cáp hơn nhưng khi quay về với điệu đàn lại trở nên mềm mại, lả lướt.

“Nghỉ ở nhà có một đêm mà thấy như thiếu điều gì  đó rất quan trọng trong cuộc sống của mình” - ông trầm tư.

Nói đánh đàn một phần là để kiếm sống nhưng ông không đem âm nhạc của mình ra để rao bán. Người nào cảm nhận được tiếng lòng của ông thì đứng lại nghe xong đi vẫn không sao cả, người nào muốn cho ông bao nhiêu thì cho, chưa bao giờ ông đòi hỏi gì ở họ.

Tiếng Guitar Hawaiian của nhạc công già giữa Sài Gòn - ảnh 6
Phố lên đèn rồi lại chìm trong một màu vàng của những ngọn đèn vàng hiu hắt trên đường. Ông đã quen rồi, với hai năm miệt mài gảy đàn ở đây.

“Tôi chơi bằng cả niềm đam mê và trái tim của tôi mà. Tất cả đều là cảm xúc, mà cảm xúc thì không thể đêm ra mua đi bán lại bằng đồng tiền như vậy. Dù tôi cũng đang kiếm tiền đấy nhưng tôi chưa bao giờ đánh rơi cảm xúc của mình” - ông nói.

Có những đêm, ông không thu được đồng nào mà vẫn thấy hân hoan trong lòng. Vì ít nhất ông biết được họ đến với ông bằng sự đồng cảm chứ không phải là sự ban phát, thương hại cho hoàn cảnh của ông.

Tiếng Guitar Hawaiian của nhạc công già giữa Sài Gòn - ảnh 7
Ông không rao bán cảm xúc và âm nhạc của mình để lấy tiền, mà ông muốn chia sẻ với những tâm hồn đồng điệu.

“Tôi thường chơi đến 2 giờ sáng, tới lúc đó mà vẫn còn khách đứng nghe thì tôi vẫn chơi tiếp. Nhưng có nhiều người trả tiền cho tôi rồi yêu câu tôi đánh bài này bài kia mà tôi không thích là tôi không đánh đâu” - ông nói tiếp.

Có những người khách thân quen lắm, nghe nhạc của ông suốt hai năm nay nhưng cả hai đều không biết tên nhau là gì cả. “Hai vợ chồng ông ấy hay đi dạo cùng nhau rồi gặp tôi. Những lần sau đó, cả hai đều đếcảm nhận được âm nhạc của tôi rồi cứ gật gù bảo thích” - ông Phương cười hiền.

Tiếng Guitar Hawaiian của nhạc công già giữa Sài Gòn - ảnh 8
Khách của ông không phân biệt ai cả, là anh công nhân, anh văn phòng, chị bán hàng rong vô tình gánh hàng đi qua... Tất cả đến với ông, chỉ vì muốn được nghe những điệu nhạc mà họ tìm thấy mình trong đó. Trong ảnh: Anh công nhân sau khi tan ca đã đến đứng cạnh ông nghe đàn suốt hơn một tiếng đồng hồ.

Những bản tình ca da diết của Ngô Thụy Miên, Nguyễn Ánh 9 hay của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vang lênhòa lẫn với âm thanh của phố phường. Một cảm giác hoàn toàn khác lạ với những bản thu, những bài biểu diễn của các nghệ sĩ trong phòng trà sang trọng.

Tiếng Guitar Hawaiian của nhạc công già giữa Sài Gòn - ảnh 9
Dù trời đã về khuya, người qua lại ít dần đi thì ông vẫn kiên nhẫn ngồi đánh hết bài này qua bài khác.

Trời về khuya, tiếng đàn của người đàn ông nặng nợ với cuộc đời, của người cha luôn tận tụy với con cứ vang lên, níu bước chân vội vã của người đi đường... 

Tiếng đàn của ông bỗng cất lên lời hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: "Đường nào quạnh hiu tôi đã đi qua. Đường về tình tôi có nắng rất la đà. Đường thật lặng yên lòng không nhớ gì. Giật mình nhìn quanh ồ phố xa lạ...".