TT&HĐ V - 40/g

 
 
Huyễn Tượng về Thiên Đường và Địa Ngục

Nguồn Gốc Của Tội Ác - Phần 01: Lừa Dối Về Thượng Đế

 PHẦN V:     THỐNG NHẤT
"Khoa học là một sức mạnh trí tuệ lớn nhất, nó dốc hết sức vào việc phá vỡ xiềng xích thần bí đang cầm cố chúng ta."
Gorky
 
"Mỗi một thành tựu lớn của nhà khoa học chính là xuất phát từ những ảo tưởng táo bạo".
JohnDewey
 
"Chân lý chỉ có một, nó không nằm trong tôn giáo, mà nằm trong khoa học."
Leonardo da Vinci
 
"Cái khó hiểu nhất chính là hiểu được thế giới"
Albert Einstein
 
"Có hai cách để sống trên đời: một là xem như không có phép lạ nào cả, hai là xem tất cả đều là phép lạ".
Albert Einstein
 
“Chính qua cuộc đấu tranh nhằm thống nhất một cách hợp lý cái đa dạng mà đã đạt được những thành công lớn nhất, dù rằng chính ý đồ đó có thể gây ra những nguy cơ lớn nhất để trở thành con mồi của ảo vọng”.
Albert Einstein

“Người nhìn thấy cái đa dạng mà không thấy cái đồng nhất thì cứ trôi lăn trong cõi chết”.
Upanishad
 

“Không có cái gì phát sinh ra được từ cái không có gì, và cái gì đã có thì không thể bị hủy diệt”.
Empédocle
 
"Bằng không gian, vũ trụ bao quanh và nuốt trọn tôi như một nguyên tử; bằng tư duy, tôi lĩnh hội thế giới."
Blaise Pascal

"Con người tất yếu điên rồ, đến nỗi không điên rồ sẽ tương đương một hình thái điên rồ khác."
Blaise Pascal
 
"Tính kiêu căng tự đại neo chắc trong trái tim con người đến nỗi một người lính, một thường dân đi theo quân đội, một người đầu bếp hay một người gác cổng cũng sẽ khoe khoang và muốn sự thán phục, và thậm chí ngay cả các triết gia cũng muốn nó; những người viết chống lại nó muốn có được danh vọng vì đã viết hay, những người đọc muốn có được danh vọng vì đã đọc, và có lẽ chính tôi người viết những dòng này cũng muốn điều đó".
Blaise Pascal
 
"Không gì giới hạn thành tựu hơn là suy nghĩ tủn mủn; không gì mở rộng những khả năng hơn là trí tưởng tượng được giải phóng."
William Arthur Ward
 
"Sự thông thái thực sự ít tự tin hơn là sự điên rồ. Người thông thái thường nghi ngờ và thay đổi quan điểm; kẻ ngu dốt thường ngoan cố và không nghi ngờ; hắn biết tất cả ngoại trừ sự ngu dốt của chính mình."
Akhenaton 
 
"Thế giới tưởng chừng như thật điên rồ mà chúng ta đang chứng kiến là kết quả của một hệ niềm tin không hoạt động. Để nhìn thế giới khác đi, chúng ta phải sẵn lòng thay đổi hệ niềm tin của mình, để quá khứ trôi qua, mở rộng nhận thức về hiện tại và làm tan chảy nỗi sợ hãi trong tâm tưởng".
William James
            

 

 

 

(Tiếp theo)

Như một lẽ đương nhiên, khi giáo hội Kitô bênh vực, bảo vệ quyền lợi cho tầng lớp thống trị trong chế độ phong kiến và đồng thời tìm mọi cách “ngấm ngầm” tăng cường quyền lực của nó trong xã hội để mưu cầu tồn tại thì trong lòng nó không thể không xuất hiện sự tranh giành quyền lực, danh lợi. Do đó mà nạn bè phái, sự chia rẽ (chưa kể đến nguyên nhân bất đồng quan niệm trong “niềm tin Thiên Chúa”) là không sao tránh khỏi. Đỉnh điểm phân liệt của Kitô giáo xuất hiện vào thế kỷ XI khi nó bị tách ra thành hai: đạo Công giáo (Catholique, có nghĩa là “tôn giáo phổ quát chung cho toàn thế giới) ở khu vực Tây Âu, đứng đầu là giáo hoàng, và đạo Chính thống (Orthodoxe, có nghĩa là “chính đạo” để phân biệt với “tà đạo”) ở khu vực Đông Âu và Trung Đông, phủ nhận quyền lực của giáo hoàng La Mã. Tuy chỉ có một số khác biệt về nghi thức lễ trưởng thành… nhưng hai đạo ấy lại hoàn toàn độc lập với nhau, nhiều khi coi nhau như thù địch.

Một trong vài ba yếu tố cực kỳ quan trọng, có tính chất nền tảng cho sự duy trì và phát triển thế lực của một tôn giáo là niềm tin của tín đồ vào nó. Một khi niềm tin đó bị sút giảm thì uy quyền của nó cũng sút giảm theo và nếu niềm tin đó bị hủy hoại nghiêm trọng thì uy quyền của tôn giáo cũng bị rạn vỡ, và thậm chí là dẫn tôn giáo đó đến sự tan rã. Trong cái viễn cảnh đáng sợ như thế, nhiều tôn giáo đã phải đi đến những giải pháp cực đoan, thậm chí là tội ác như hù dọa, dùng bạo lực… để duy trì thế lực, uy quyền. Điều này giải thích vì sao mà vào thế kỷ XII, trong bối cảnh phân lập tôn giáo làm dao động các tín đồ, giáo hội Công giáo đã thiết lập ra cái gọi là “tòa án dị giáo” vô cùng hà khắc để trừng trị những tín đồ có tư tưởng và hành động trái với sự rao giảng của giáo hội, trái với giáo luật: “Tòa án dị giáo” là tổ chức phản động nhất mà tôn giáo có thể nghĩ ra được. Bởi vì nó đã gây ra biết bao nhiêu sự chà đạp thô bạo nhân phẩm, biết bao nhiêu cái chết quằn quại đau thương đối với những người vô tội, hơn nữa nó còn bị lợi dụng để trả thù ân oán cá nhân, thậm chí là giết cả những kẻ giàu có để cướp của, trục lợi.
***
Bắt đầu từ thế kỷ V, khoa học châu Âu chìm đắm vào giai đoạn gọi là “đêm trường trung cổ” và ngủ mê mệt đến cuối thế kỷ XIV.

Vào năm 1000, khi Tây Ban Nha đã trở thành trung tâm trí thức chủ yếu của nền văn minh Ả Rập thì châu Âu trung cổ mới có lại được những tác phẩm khoa học và triết học còn lưu truyền lại của nền văn minh Hi Lạp cổ đại. Lúc đó ở châu Âu đã hình thành một số trường đại học đầu tiên nhưng bị đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ của giáo hội. Những tư tưởng khác với giáo lý của Thiên Chúa giáo (được cho là tư tưởng chính thống) đều bị coi là dị giáo và bị trừng phạt nghiêm khắc.

Những tác phẩm của Arixtốt và của Ptôlêmê lúc đầu cũng bị cấm lưu truyền. Tuy nhiên với những kết quả quan sát thiên văn, lập luận, và tính toán thì lại khó lòng phản bác, phủ nhận sạch trơn chúng được. Vì vậy một yêu cầu bức thiết được đặt ra là phải làm sao dung hòa được những ý tưởng khoa học của Arixtốt cũng như mô hình vũ trụ của Ptôlêmê với những giáo điều của đạo Thiên Chúa. Đúng lúc nan giải đó thì Thomas Aquinas (1225-1274) ra đời để lãnh trách nhiệm “cứu nguy Thiên Chúa”.

Albertus Magnus (người Đức, 1193-1280) là một nhà khoa học đa năng và uyên bác. Ông là người đầu tiên nhấn mạnh vai trò thực nghiệm của khoa học tự nhiên. Theo ông thì “kinh nghiệm từ những quan sát có thể lặp lại là thầy dạy trong khoa học tự nhiên”. Magnus cũng chính là thầy dạy, truyền thụ những kiến thức khoa học cho Thomas Aquinas.

Thomas Aquinas lớn lên tại Ý. Ngay từ lúc mới 5 tuổi, ông đã được đưa vào tu viện để thụ huấn về thần học. Theo lời của Magnus thì Thomas Aquinas là một người cực kỳ thông minh, người đã xuất sắc kết hợp được triết học Platon và triết học Arixtốt, đã tài tình thống nhất được những tư tưởng khoa học của Arixtốt và đức tin tôn giáo, nghĩa là làm cho lý tính khoa học không còn mâu thuẫn với niềm tin về sự tồn tại của Chúa.

AlbertusMagnus.jpg
Saint Albertus Magnus , bức tranh tường của Tommaso da Modena (1352), Nhà thờ San Nicolò, Treviso , Ý
Tôn giáo , Giám mục và Bác sĩ của Giáo hội
Sinh ra c. 1200
Lauingen , Công tước Bavaria
Chết Ngày 15 tháng 11 năm 1280
Cologne , Đế Quốc La Mã
Được tôn kính trong nhà thờ Công giáo
Được phong phước 1622, Rôma , các Quốc gia Papal , bởi Đức Giáo hoàng Gregory XV

Original file ‎(1,791 × 1,500 pixels, file size: 1.46 MB, MIME type: image/jpeg)
Thánh Tôma Aquinô
OP
Carlo Crivelli 007.jpg
Tranh từ Ascoli Piceno, Ý
bởi Carlo Crivelli (thế kỷ 15)
Tu sỹ, linh mục
Tiến sĩ Hội thánh
Sinh 28 tháng 1, 1225
Roccasecca, Vương quốc Sicilia
Mất 7 tháng 3, 1274
Fossanova, Lãnh thổ Giáo hoàng
Tôn kính Công giáo Rôma
Anh giáo
Lutheran
Tuyên thánh 18 tháng 7, 1323, Avignon, Lãnh thổ Giáo hoàng bởi Giáo hoàng Gioan XXII

Gentile da Fabriano 052.jpg
trích từ bức tranh Valle Romita Polyptych
bởi Gentile da Fabriano (khoảng 1400)
Thời đại Triết học Trung Cổ
Lĩnh vực Triết học phương Tây
Trường phái Chủ nghĩa kinh viện, sáng lập chủ nghĩa Thomas
Sở thích Siêu hình học, Thần học, Logic, Tâm trí, Nhận thức luận, Luân lý học, Triết học chính trị

Dù sao thì cũng cần phải nhấn mạnh rằng chính vì những suy luận lý tính triết học – khoa học của Arixtốt có “điểm yếu”, không triệt để khách quan (mà cũng không thể đi đến được tận cùng khách quan vào thời điểm ấy được) và sự tinh tường phát hiện ra điểm yếu chưa thể giải quyết được đó của nhà thần học tài năng Thomas Aquinas mà có được khả năng làm dung hòa giữa khoa học của Arixtốt và thần học được thao túng bởi Thiên Chúa giáo. Sau đây, chúng ta sẽ nói sơ qua về vấn đề này để làm sáng tỏ nó.

“Cái đó là cái gì? Tại sao lại có nó?”. Đó chính là câu hỏi đầu tiên đối với nhận thức và cũng là nhiệm vụ cuối cùng của nhận thức. Câu trả lời bao hàm nhất mà cũng có vẻ đúng nhất trong buổi đầu nhận thức của nhân loại thuộc về triết học Hi Lạp cổ đại: “Cái đó là hữu thể!”. Theo Arixtốt, hữu thể là cái mà nó hiện hữu và bất cứ cái gì hiện hữu đều là hữu thể, nó là thực thể được đặc thù hóa qua các tùy thể của nó. Tiếp theo quan niệm đúng đắn đó, Arixtốt trả lời vế thứ hai của câu hỏi. Ông cho rằng mọi hữu thể hiện hữu do 4 nguyên nhân: vật chất, mô thức, tác thành và cứu cánh. Hai nguyên nhân đầu mang tính nội tại và hai nguyên nhân sau là mang tính ngoại tại. Chẳng hạn, một cái bàn được làm bằng gỗ thì vật liệu gỗ (vật chất) và hình dáng (mô thức) của cái bàn chính là hai nguyên nhân nội tại của nó bởi vì không có hai nguyên nhân đó thì cái bàn không thể hiện hữu được. Tuy nhiên gỗ và hình dáng cái bàn không thể tự tác tạo ra cái bàn được mà phải do người thợ mộc. Người thợ mộc chính là nguyên nhân tác thành và lý do tác thành ra cái bàn chính là nguyên nhân cứu cánh, và hai nguyên nhân này là có tính ngoại tại đối với cái bàn. Ở một mức độ nhất định thì đến đây Arixtốt cũng đã lập luận đúng và hơn nữa qua đó, ông cũng đi đến ý niệm về mối quan hệ nhân - quả mà chúng ta cho rằng một trong những nguyên lý cơ bản nhất của tự nhiên là nguyên lý nhân - quả. Nhờ nguyên lý này mà chúng ta hiểu được lịch sử thế giới. Việc phát hiện ra nguyên lý nhân - quả là một cống hiến to lớn của Arixtốt đối với triết học của nhân loại.

Tuy nhiên, như chúng ta đã kể, khi đề cập đến vấn đề sinh trưởng và cố lý giải về “sự hướng tới” có vẻ tự thân của giới hữu sinh thì quan niệm đúng đắn trên gặp phải bế tắc không khắc phục được và Arixtốt “đành phải” tìm đến sự hỗ trợ của thần linh. Đây chính là một điểm yếu mang tính thời đại của ông.

Sau những nhận định về “hữu thể”, Arixtốt tiếp tục cho rằng: “Có một khoa học nghiên cứu về hữu thể với tư cách có hữu thể và các thuộc tính về hữu thể này theo đúng bản chất của nó. Nhưng khoa học này không giống bất kỳ các khoa học được gọi là chuyên biệt nào, vì không khoa học nào trong số những khoa học chuyên biệt bàn một cách tổng quát về hữu thể với tư cách là hữu thể mà chỉ cắt ra một phần của hữu thể rồi nghiên cứu về thuộc tính của phần ấy. Chẳng hạn, đây là những gì mà toán học thực hiện”. Và ông gọi nó là Siêu hình hhọc với nghĩa là “triết học cơ bản”.

Ngày nay, chúng ta hiểu ý của Arixtốt muốn nói tới một “thứ” khoa học có tính tổng quát hóa cao độ (và do vậy cũng bị trừu tượng hóa cao độ!) mà nội dung của nó là “đi tìm những nguyên lý thứ nhất và những nguyên nhân cao nhất,… một cái gì đó mà những nguyên lý này thuộc về, là bản chất riêng của nó”; một “thứ” khoa học hàm chứa những yếu tố, những nguyên lý chung nhất, phổ quát nhất của tự nhiên để có thể dựa vào đó mà giải thích được, chứng minh được mọi biểu hiện của mọi sự vật - hiện tượng, để rồi chẳng hạn “có một khoa học nghiên cứu về sức khỏe và nếu ứng dụng vào các khoa học khác thì cũng được”.

Arixtốt khẳng định rằng, đã là một nghiên cứu khoa học thì phải có đối tượng. Đối tượng của nghiên cứu được Arixtốt quan niệm là thực thể hay hữu thể. Theo ông thì đối tượng của một khoa học chuyên biệt là một hữu thể (một tùy thể của thực thể) hoặc là một bộ phận của nó; còn đối tượng của siêu hình học là một thực thể (cái tồn tại chung nhất, có mặt hiện hữu có mặt không hiện hữu, là cái gốc chung của một tập hợp các tùy thể nào đó). Cũng chính vì vậy, siêu hình học không thể không nghiên cứu những vấn đề có tính chất trừu tượng mà Arixtốt gọi là “cái “là” không hiện hữu”.

Cách nay những hai ngàn mấy trăm năm, vào thời khoa học mới bước đi những bước chập chững mà hình dung ra được một khoa học có tính “toàn năng” như thế, một khoa học mà đến tận thế kỷ XX, các nhà vật lý học mới có thể mơ tưởng tới một cách “e dè” dưới tên gọi “Lý thuyết về mọi thứ” hay “Lý thuyết thống nhất vĩ đại”, thì đó chính là kết quả của một tư duy trác tuyệt, một biểu hiện thiên tài của nhà triết học – khoa học vĩ đại Arixtốt.

Chúng ta tin tưởng rằng ý tưởng tiên tri của Arixtốt sẽ trở thành hiện thực trong tương lai. Tuy nhiên cần thấy rằng, ở một mức độ tương đối thì phán đoán nói trên của Arixtốt cũng đã được chứng thực trong quá trình phát triển của nghiên cứu khoa học và đó cũng chính là biểu hiện qui luật phát triển của sự nhận thức: từ những hiểu biết vụn vặt, đơn lẻ, cụ thể, thiển cận đến những kiến thức nguyên vẹn, toàn thể, phổ quát, sâu rộng. Vì thế giới khách quan biểu hiện một cách không nhất quán nên nhận thức cũng phải phân biệt ra thành nhiều hướng, nhiều ngành nghiên cứu để nhận thức, đồng thời vì biểu hiện sâu xa của thế giới khách quan là sự thống nhất nên nhận thức cuối cùng rồi cũng phải trở thành một thể thống nhất trong đa dạng. Vì Tự nhiên Tồn tại vận hành trên một nguyên lý cội nguồn duy nhất (chúng ta đã nhiều lần nói đến: nguyên lý Tự Nhiên!) nên cũng sẽ phải xuất hiện một lý thuyết tổng quát duy nhất, tối thượng, làm nền tảng cho mọi lý thuyết chuyên ngành. Lý thuyết này là khoa học của triết học và là triết học của khoa học. Vật lý học hiện đại đã ở một trình độ tri thức rất gần với cái khoa học mà Arixtốt đã hình dung, và như chúngta từng tưởng tượng, đó cũng chính là miền đất sẽ hình thành nên cái lý thuyết của mọi lý thuyết về Tự nhiên Tồn tại.

Quan niệm về một khoa học phổ quát của Arixtốt là rất sâu sắc. Nhưng sự trình bày và diễn giải của ông thì không biết có phải tại vì ngữ nghĩa, những khái niệm triết học thời đó còn nhiều bất ổn chưa đáp ứng được những suy tư triết học tiên phong hay không mà rắm rối và do đó mà cũng khó hiểu quá chừng. Hơn nữa Arixtốt vẫn chưa thấy được, chưa phân biệt được giữa hiện hữu và tồn tại, giữa cái biểu hiện nổi trội và cái nền tảng chìm khuất, chưa thấy được cái nguyên nhân sâu xa nhất của vật chất và vận động, cái nguyên nhân của mọi nguyên nhân lại cũng chính là tồn tại, cũng chính là luôn phải “có một cái gì đó” chứ không thể Hư Vô. Đây cũng là điểm yếu mang tính thời đại trong lập luận của Arixtốt.

Thấy được những điểm yếu ngay trong nền tảng có tính khách quan và không thể khắc phục được đó của “tòa lâu đài tri thức bách khoa Arixtốt”. Thomas Aquinas đã khéo léo tỉa tót và tận dụng chúng để không những “hợp pháp hóa” “tòa lâu đài bách khoa Arixtốt” trên đất thánh mà còn dùng nó phục vụ cho việc củng cố đức tin Thiên Chúa Giáo. Tuy nhiên phải nhấn mạnh rằng, không phải ông cố tình ngụy biện mà ngược lại,  là lòng tin tưởng thực tâm những điều mình viết ra là có tính chân lý.

Nhà thần học tài năng Thomas Aquinas đã làm cho quan niệm của Arixtốt về khoa học trở nên rõ ràng hơn và sâu sắc hơn, đồng thời cũng làm cho “ý Chúa” hoàn toàn hài lòng. Ông viết như sau:

“Vì chủ đề phải tương xứng với mục đích, nên chủ đề của các khoa học thực tiễn phải là những thứ khả đắc nhờ nỗ lực của chính chúng ta vì chúng ta, khiến chúng ta có thể hướng sự tri thức chúng tới hành động như một mục đích. Mặt khác, chủ đề của các khoa học tư biện phải là những thứ không được tạo ra nhờ nỗ lực của chúng ta, do vậy mà việc chúng ta nghiên cứu chúng không thể hướng tới hành động như một mục đích. Và như thế, những điều này được phân biệt với nhau, làm cho khoa học tư biện phải được phân chia ra.

Giờ thì chúng ta phải hiểu rằng, khi các tập quán hoặc năng lực được phân biệt theo các đối tượng của chúng. Chúng không được phân biệt theo bất kỳ khác biệt nào của các đối tượng, mà theo những gì chủ yếu đặc tả các đối tượng của sự suy đoán chính xác như các đối tượng của sự suy đoán… Vậy, một đối tượng thuộc loại này có một đặc điểm về mặt năng lực lập luận và có một đặc điểm về mặt thói quen của khoa học hoàn thiện hóa trí năng. Về mặt trí năng, đặc điểm này buộc phải phi vật chất, vì chính trí năng là phi vật chất. Về mặt thói quen của khoa học, nó buộc phải là tất yếu vì khoa học là tất yếu… Vậy, bất cứ cái gì là tất yếu thì như thể là bất động. Bởi vì, như đã nói trong Siêu hình học, một vật đang chuyển động thì đến chừng nào vẫn còn chuyển động, có thể coi nó “là” (chuyển động) hoặc “không là”, theo một khía cạnh nào đó hoặc một cách tuyệt đối. Như thế, việc tách biệt khỏi vật chất và chuyển động hay kết nối với chúng, chủ yếu thuộc về đối tượng của sự suy đoán, nên cũng là đối tượng của khoa học tự biện…

Thế thì có một số đối tượng của sự suy đoán tùy thuộc vào vật chất, xét về mặt hiện hữu của chúng, vì chúng chỉ có thể tồn tại trong vật chất. Và có sự khác biệt giữa những đối tượng này. Một số tùy thuộc vào vật chất cả về khía cạnh tồn tại lẫn khái niệm. Đây chính là trường hợp của những vật mà định nghĩa của chúng hàm chứa vật chất khả giác và do đó, chúng không thể được hiểu nếu không có vật chất khả giác, ví dụ như nó tất yếu phải bao gồm thịt và xương khi minh định về con người. Vật lý học và khoa học tự nhiên nghiên cứu về loại này. Tuy nhiên, có một số đối tượng của sự suy đoán, dù chúng tùy thuộc vào vật chất về mặt hiện hữu, nhưng lại không tùy thuộc vào vật chất về mặt khái niệm, vì vật chất khả giác không được bao hàm trong định nghĩa của chúng. Đây là trường hợp của những đường thẳng và các con số, loại mà toán học nghiên cứu. Còn có những đối tượng của sự suy đoán không tùy thuộc vào vật chất về mặt hiện hữu vì chúng có thể tồn tại mà chẳng cần vật chất, chẳng hạn Thượng Đế và các Thiên thần, hoặc chúng chỉ hiện hữu trong một vài thứ còn trong những thứ khác thì không, chẳng hạn như bản chất, chất lượng, hữu thể, tiềm năng, hành vi… Thần học (khoa học về thần linh) bàn về tất cả những điều này. Thần học còn được gọi là Siêu hình học, có nghĩa là “siêu vật chất”, vì theo thứ tự nghiên cứu, nó tới sau vật lý học, mà chúng ta thì phát xuất từ những sự vật khả giác để vươn tới những gì vượt trên thứ khả giác. Nó cũng còn được gọi là “Yêu mến sự thông thái cơ bản” trong chừng mực mà tất cả các khoa học khác rút ra các nguyên lý của chúng từ nó và vì thế nên cũng đứng sau nó”.

Mục đích nhận thức của con người là tìm hiểu thực tại khách quan để hiểu được mình, do chính sự đòi hỏi của mình và vì sự tồn tại của bản thân mình. Do đó, đối tượng nghiên cứu khoa học nếu không là tồn tại thì cũng là vận động của tồn tại, mà thường là cả tồn tại và vận động của nó. Không có tồn tại không vận động và ngược lại cũng không có vận động ở ngoài tồn tại. Cho nên khi nói đến tồn tại thì cũng như là nói đến vận động và khi bàn về vận động thì cũng như bàn về tồn tại. Hơn nữa, tồn tại là không thể mông lung mà cụ thể và xác đáng tuyệt đối. Nó trình hiện mọi nơi, mọi lúc, đến tận “chân tơ kẽ tóc”, đến tận cùng trong từng hơi thở, nhịp tim, ảo mộng của con người. Ngay cả những suy đoán, lập luận, tưởng tượng… của con người cũng chỉ là biểu hiện của bộ não hoạt động, của một tồn tại đang vận động và sự biểu hiện ấy đã tác động lên chính bộ não biết tư duy, đồng thời cũng là một phần trong sự phản ánh của bộ não ấy. Có thể nói, ý thức là hình bóng của linh hồn. Còn linh hồn là cuộc đời hoạt động của bộ não con người chứ không phải của con người! Và cuối cùng, con người là sự hợp thành giữa linh hồn và thể xác. Chỉ vì năng lực thiển cận của cảm giác làm cho con người thấy nó mông lung mà thôi. Chính vì vậy mà khái niệm vật chất, hiểu theo nghĩa hẹp, là bộ phận của tồn tại, còn hiểu theo nghĩa rộng tối đa thì chính là tồn tại. Nói như thế để thấy không có đối tượng nghiên cứu khoa học nào là không có nền tảng vật chất, là không mang tính vật chất hay có thể gọi là phi vật chất, mà chỉ có những đối tượng nghiên cứu, theo qui ước chủ quan, là phi vật thể. Thomas Aquinas đâu có biết rằng, sự thực thì Thượng Đế và các thiên thần cũng tồn tại, nhưng chỉ tồn tại ảo, không thường xuyên trong tâm trí của một bộ phận loài người tin theo Thiên Chúa mà thôi.

Tuy nhiên, nếu hiểu luật nhân - quả một cách máy móc, cực đoan thì cũng khó lòng bác bỏ được sự khẳng định của Thomas Aquinas về sự hiện hữu của Thượng Đế. Hãy nghe ông lập luận:

“Con đường đầu tiên… là luận cứ về sự chuyển động. Đối với giác quan chúng ta, chắc chắn và hiển nhiên là, trong thế giới này có một số sự vật đang chuyển động. Bất cứ thứ gì chuyển động thì đều phải được một cái khác làm cho chuyển động, và chẳng có thứ gì có thể chuyển động trừ phi nó có khả năng hướng về sự chuyển động… Vì vậy, chuyển động chẳng qua chỉ là sự biến đổi một thứ từ khả năng thành hiện thực. Nhưng chẳng có cái gì có thể được biến đổi từ khả năng sang hiện thực nếu không nhờ cái đang ở tình trạng hiện thực… Nếu cái chuyển động phải nhờ cái khác làm cho nó chuyển động và cái chuyển động đó lại phải nhờ cái khác nữa làm cho chuyển động và cứ thế mãi thì sẽ đến vô hạn. Nhưng không thể đi ngược tới vô hạn từ động cơ này tới động cơ khác được, vì như thế sẽ không có động cơ đầu tiên và như thế, cũng không có động cơ khác. Xem ra, những động cơ theo sau chỉ chuyển động đến chừng nào chúng còn được làm cho chuyển động bởi động cơ đầu tiên, giống như cây gậy chuyển động là nhờ bàn tay làm nó chuyển động. Vì thế, nhất thiết phải dừng lại ở động cơ đầu tiên, không bị chuyển động bởi động cơ nào khác. Và động cơ đầu tiên ấy được mọi người hiểu là Thượng Đế.

Con đường thứ hai là từ bản chất của nguyên nhân tạo thành. Trong thế giới khả giác, chúng ta nhận thấy có một trật tự về nguyên nhân tạo thành. Chưa hề có trường hợp nào… một vật lại là nguyên nhân của chính nó, vì nếu như vậy thì nó phải có trước nó, điều này là không thể được. Nhưng số những nguyên nhân tạo thành không thể là vô hạn. Bởi vì trong tất cả những nguyên nhân tạo thành, theo trật tự thì phải có nguyên nhân đầu tiên là nguyên nhân của nguyên nhân trung gian và nguyên nhân trung gian là nguyên nhân của nguyên nhân cuối cùng. Nguyên nhân trung gian có thể là vài ba hoặc chỉ một. Nếu lấy đi nguyên nhân là lấy đi kết quả. Cho nên, nếu không có nguyên nhân đầu tiên trong số những nguyên nhân tạo thành thì cũng không có nguyên nhân trung gian cũng như nguyên nhân cuối cùng nào hết… Vậy, nhất thiết phải chấp nhận một nguyên nhân đầu tiên. Nguyên nhân ấy được mọi người gọi là Thượng Đế.

Con đường thứ ba được rút ra từ sự khả thể và sự tất yếu… Chúng ta thấy vạn vật trong thiên nhiên có thể có và có thể không có, vì chúng được tạo ra nhưng rồi lại tan biến đi. Nhưng cái có lúc có thể không có thì không thể hiện hữu mãi được. Do vậy, nếu cái có thể không có đã có lúc không hiện hữu, thì một lúc nào đó có thể không hiện hữu. Mà nếu điều đó đúng thì ngay bây giờ chẳng có gì hiện hữu. Vì cái không hiện hữu chỉ bắt đầu hiện hữu bởi cái đã hiện hữu, cho nên, nếu đã có lúc không có gì hiện hữu thì cũng chẳng có gì có thể hiện hữu, do đó mà ngay bây giờ chẳng có gì hiện hữu. Đó là điều vô lý. Như vậy, không phải mọi hữu thể đều chỉ là khả thể mà phải có hữu thể tất yếu. Nhưng mọi sự tất yếu phải nhờ hay không nhờ cái khác để có được tính tất yếu. Nhưng không thể đi mãi tới vô tận ở những cái tất yếu mà nhờ cái khác mới có được tất yếu tính, như đã được chứng minh đối với nguyên nhân tạo thành. Vì vậy, chúng ta không thể làm gì khác ngoài việc phải mặc nhiên thừa nhận sự hiện hữu của một hữu thể tự nó có tính tất yếu riêng, không nhận tính tất yếu từ hữu thể nào khác mà còn tạo ra tính tất yếu nơi các hữu thể khác. Mọi người đều gọi đó là Thượng Đế.

Con đường thứ tư rút ra từ trình độ khác nhau của vạn vật. Trong các hữu thể có một số thiện hảo hơn, thật hơn, hoàn mỹ hơn và những cái giống thế, còn số khác thì kém hơn. Nhưng “hơn” và “kém” được gán cho các sự vật khác nhau tùy mức độ chúng giống cái tuyệt đối theo những cách khác nhau. Ví dụ, một vật được cho là nóng hơn tùy theo nó gần giống cái nóng nhất. Như thế phải có một cái gì đó tuyệt đối thật, tuyệt đối thiện hảo, tuyệt đối hoàn mỹ và do vậy, phải có một cái gì đó là hữu thể tuyệt đối, vì những cái đó là lớn nhất trong sự thật thì cũng lớn nhất trong hữu thể… Vậy cái tuyệt đối trong bất cứ chủng loại nào cũng đều là nguyên nhân của mọi cái trong chủng loại đó, như lửa là cái tuyệt đối của sự nóng, là nguyên nhân của tất cả những cái gì nóng. Do đó, đối với mọi hữu thể cũng phải có cái nguyên nhân của hiện hữu thiện hảo và mọi sự toàn thiện khác. Và chúng ta gọi đó là Thượng Đế.

Con đường thứ năm rút ra từ sự thống trị Vũ Trụ. Chúng ta thấy các sự vật thiếu thông minh, chẳng hạn các vật thể tự nhiên đều hoạt động hướng về chủ đích. Điều này thật hiển nhiên nơi việc chúng hoạt động luôn hoặc hầu như luôn trong cùng một cách thức, để đạt được kết quả tốt nhất. Do vậy, thật dễ hiểu, chúng đạt được cứu cánh không phải một cách tình cờ mà theo trù tính. Thế thì bất cứ cái gì thiếu thông minh đều không thể hướng về chủ đích nếu nó không được hướng dẫn bởi một hữu thể được phú cho tri thức và trí thông minh, như mũi tên được xạ thủ bắn nhằm vào đích điểm. Như thế, phải có một hữu thể thông minh hiện hữu nhằm qui vạn vật tự nhiên hướng về một chủ đích. Và chúng ta gọi hữu thể đó là Thượng Đế”.
(Còn tiếp)
----------------------------------------------------------------



Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

TT&HĐ I - 9/d

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH