Thứ Tư, 22 tháng 9, 2021

TT&HĐ V - 41/e


 
Vật lý học là gì ?
  
Các nhà Vật lý làm việc như thế nào ?

PHẦN V:     THỐNG NHẤT 
"Khoa học là một sức mạnh trí tuệ lớn nhất, nó dốc hết sức vào việc phá vỡ xiềng xích thần bí đang cầm cố chúng ta."
Gorky 
 
"Mỗi một thành tựu lớn của nhà khoa học chính là xuất phát từ những ảo tưởng táo bạo". 
JohnDewey
"Chân lý chỉ có một, nó không nằm trong tôn giáo, mà nằm trong khoa học."
Leonardo da Vinci
 
"Cái khó hiểu nhất chính là hiểu được thế giới" 
Albert Einstein
 
"Có hai cách để sống trên đời: một là xem như không có phép lạ nào cả, hai là xem tất cả đều là phép lạ". 
Albert Einstein
      
“Chính qua cuộc đấu tranh nhằm thống nhất một cách hợp lý cái đa dạng mà đã đạt được những thành công lớn nhất, dù rằng chính ý đồ đó có thể gây ra những nguy cơ lớn nhất để trở thành con mồi của ảo vọng”.
Albert Einstein


“Người nhìn thấy cái đa dạng mà không thấy cái đồng nhất thì cứ trôi lăn trong cõi chết”.

CHƯƠNG II (XXXXI): KINH ĐIỂN

"Vật lý thực ra không phải là gì hơn ngoài cuộc tìm kiếm sự đơn giản tối thượng, nhưng cho tới nay, cái chúng ta có là sự hỗn độn súc tích".

"Việc quan trọng là không ngừng suy nghĩ. Tính tò mò có lý do riêng của nó. Con người sẽ bị lo sợ khi suy ngẫm về các bí ẩn của vô tận, đời sống, về cấu trúc tuyệt vời của thực tế. Nếu người ta mỗi ngày chỉ thấu hiểu một chút về điều bí ẩn này, thì cũng đủ. Hãy đừng bao giờ mất đi sự tò mò thiêng liêng".
Albert Einstein 

"Khoa học cho chúng ta tri thức, nhưng chỉ triết học mới có thể cho chúng ta sự thông thái".
 
“Cứu cánh của khoa học tư biện là chân lý, trong khi, cứu cánh của khoa học thực tiễn là hành động”.

 

 

(Tiếp theo)


Một trong những yếu tố mang tính động lực làm hình thành và thúc đẩy sự suy lý là sự hạn chế khả năng trực giác tự nhiên của nhận thức. Nhưng cơ sở của sự suy lý là quan sát và sự trải nghiệm. Như đã nói, thuở đầu tiên, do trải nghiệm còn ít ỏi nên sự suy lý mang tính triết học của con người về hiện thực khách quan “thuộc” một thứ gì đó siêu nhiên, phi phàm và huyền bí.


Sự suy lý mang tính khoa học làm cho sự hiểu biết khoa học ngày một sâu rộng dẫn đến quan niệm về một Vũ Trụ tự thân vận hành theo cách của chính nó. Quan niệm đó cùng với việc chưa có một ai thấy được thần linh trong thực tế đã dần làm giảm niềm tin về sự tồn tại của thần linh. Từ đó mà sự suy lý triết học đơn thuần cũng bị phân biệt thành hai hướng nhận thức chính, đó là vô thần và hữu thần, hay như thường nói là duy vật và duy tâm.


Quá trình phát triển của triết học được đặc trưng chủ yếu bằng sự tranh biện hùng hồn và dai dẳng giữa quan niệm duy vật và duy tâm. Cuộc tranh biện đó hình như cho đến tận ngày nay vẫn chưa ngã ngũ hẳn về phía quan niệm duy vật. Có thể thấy thời cận đại ở Châu Âu là thời kỳ mà trên “võ đài” triết học, triết học duy vật và triết học duy tâm như hai võ sĩ quyền Anh ngang sức ngang tài, đấu đá nhau liên tục vẫn bất phân thắng bại. Hai quan niệm triết học đó đều có những lý lẽ “đanh thép” của mình nhưng đồng thời cũng có những yếu huyệt kiểu “gót chân Asin” không thể khắc phục được. Tuy nhiên chúng ta cho rằng vào buổi bình minh của nhận thức triết học phương Tây, quan niệm duy tâm có phần thắng thế.


Khoa học phương Tây manh nha hình thành như một lĩnh vực nghiên cứu độc lập từ thời Arixtốt. Vào buổi đầu hình thành ấy, nó vẫn cứ phải “cầu cứu” đến thần linh. Suy lý khoa học thời đó không thể giải quyết đến cùng được nguyên nhân nếu không lấy lực lượng siêu nhiên làm cứu cánh. Quan niệm về một thế giới hữu thần vẫn hoàn toàn khống chế xã hội. Có nguyên nhân từ thực trạng xã hội mà đạo KiTô ra đời, phát triển nhanh chóng và dựa hoàn toàn trên nền tảng của quan niệm duy tâm là điều hiển nhiên.


Khi đạo KiTô lan tỏa khắp châu Âu và trở thành lực lượng vô địch, thống trị tuyệt đối về mặt tư tưởng thì cũng là lúc quan niệm duy tâm hoàn toàn áp đảo và thắng thế đối với quan niệm duy vật, mà biểu hiện của nó là sự hình thành một nền thần học kinh viện và giáo điều, nhằm chủ yếu vào mục đích bảo vệ niềm tin Thiên Chúa.


Khi học thuyết triết học và khoa học của Arixtốt xâm nhập vào châu Âu và được truyền bá ngày một rộng rãi thì có thể cho rằng đó cũng là lúc quan niêm duy vật (dù chưa triệt để) “quay trở lại” gây ảnh hưởng ngày một nhiều vào đời sống tư tưởng châu Âu. Dưới con mắt của Giáo hội, khoa học của Arixtốt và cả học thuyết Địa tâm của Ptôlêmê trở thành mối đe dọa trực tiếp đến sự toàn vẹn của hệ thống giáo lý kinh viện, vì vậy mà chúng bị cấm không được lưu giữ và truyền thụ. Mục đích tối hậu của quá trình nhận thức ở loài người là tìm ra chân dung đích thực của thế giới khách quan. Vì lẽ đó mà những chân lý khó lòng bác bỏ được trong học thuyết Arixtốt – Ptôlêmê đã giúp cho học thuyết này không những không bị loại trừ mà còn ngấm ngầm được phổ biến ở phạm vi ngày một sâu rộng trong lòng châu Âu tôn giáo, làm manh nha hình thành nên mối mâu thuẫn có nguy cơ trở nên gay gắt giữa thần học và khoa học.


Đúng lúc đó thì Thomas Aquinas xuất hiện mà đối với Thiên Chúa Giáo thì như một thiên sứ cứu tinh, còn đối với khoa học thì như một nhà hòa giải, và nói chung thì như một đòi hỏi của thời đại.


Nhiều khả năng cho thấy Thomas Aquinas là một người ngoan đạo nhưng cũng là một nhà khoa học trung thực. Việc ông đưa học thuyết Arixtốt – Ptôlêmê về hòa hợp với thần học cùng phụng sự giáo hội Thiên Chúa không hẳn là sự cố ý; mà bản thân ông thấy như vậy và thực lòng tin như vậy. Chính học thuyết của Arixtốt với quan niệm duy vật nửa vời của nó đã tự giúp nó thoát khỏi sự truy nã gắt gao mà kết cục có thể là phải lên dàn hỏa thiêu của tòa án dị giáo. Thomas Aquinas chỉ là người đóng vai trò “cứu rỗi” cho cả hai, thần học lẫn khoa học, và ông đã hoàn thành xuất sắc vai trò đó.


Một khi loài người còn tồn tại thì quá trình nhận thức của nó không thể dừng lại. Sau thời Aquinas, khoa học tiếp tục phát triển trên con đường tự nhiên của nó. Những phát kiến khoa học lần lượt xuất hiện làm cho cái bản chất “duy vật hồn nhiên” của khoa học ngày càng bộc lộ khiến cho cái mâu thuẫn tiềm tàng giữa thần học và khoa học nổi lên và gay gắt dần. Sự nghiên cứu khoa học đã bắt đầu cảm thấy ngột ngạt, khó thở trong chiếc áo choàng màu giáo điều và kín mít bởi ý chí cực đoan của giáo hội Thiên Chúa. Tình hình đó làm xuất hiện những nhà khoa học lên tiếng, đòi được tự do nghiên cứu khoa học. Mối đe dọa của khoa học làm suy giảm niềm tin tôn giáo, gián tiếp ảnh hưởng bất lợi đến uy quyền của giáo hội lại hiển hiện. Tất nhiên vì bảo vệ niềm tin tôn giáo cũng là bảo vệ quyền lợi sống còn của Thiên Chúa Giáo cho nên giáo hội đóng vai trò như tầng lớp thống trị đang trên đỉnh cao quyền lực không thể không phản ứng, không thể không ra tay trấn áp.


Có lẽ cuộc tự giải thoát mình của khoa học khỏi sự áp chế của thần học (với những giáo điều chủ quan duy ý chí và không ít sơ hở trong hệ thống lý luận của nó) đã ngấm ngầm tự phát từ lâu. Nhưng có thể cho rằng người khởi xướng đầu tiên, công khai lên tiếng đòi được hoạt động tự do cho khoa học chính là W. Ôcam. Và từ đó, khoa học chân chính, đóng vai trò đại diện cho đòi hỏi được nhận thức thế giới khách quan, không thể bị tiêu diệt được của nhân loại, chính thức đi trên con đường tự nhiên của nó một cách bền bỉ, dẻo dai mà sự đàn áp dù có khốc liệt đến mấy của giáo hội Thiên Chúa với công cụ bạo lực của nó là tòa án dị giáo cũng không sao khuất phục được.
                                                                     W. Ôcam
William of Ockham.png
Thời đại Triết học Trung cổ
Lĩnh vực Triết học Phương Tây
Trường phái triết học kinh viện
Sở thích Siêu hình học, Nhận thức luận, Thần học, Logic, Bản thể luận, Chính trị học
Ý tưởng nổi trội Dao cạo Ockham, Chủ nghĩa duy danh

Sức sống ngoan cường của khoa học chân chính dưới sự chà đạp thô bạo của Thần học kinh viện và giáo điều vừa chính là sự biểu hiện một cách cực đoan của cuộc tranh biện “hùng hồn” giữa quan niệm duy vật và quan niệm duy tâm, vừa là biểu hiện về sự bất lực trong việc cố gắng duy trì sự độc quyền thống trị tư tưởng của giáo hội Thiên Chúa ở Châu Âu, và như thế, cũng là một báo hiệu sự “xuống dốc” của quan niệm duy tâm, đồng thời là sự “vươn lên” của quan niệm duy vật.


Học thuyết Côpecnic là một chiến công vang dội của khoa học trong việc nhận thức bầu trời. Dù cũng chỉ là tự phát, nhưng là sự tự phát chín muồi của khoa học. Có thể coi đó là tiếng kèn báo hiệu về sự lỗi thời và bất toàn của nền khoa học kinh viện bị thao túng và khống chế bởi các giáo điều nhà thờ, hình thành một nền khoa học chân chính, độc lập tự do trước giáo hội Thiên Chúa là xu thế không thể đảo ngược được.


Nếu như học thuyết Côpecnic là sự thể hiện các ước nguyện được tự do tìm hiểu thế giới khách quan của khoa học chân chính thì Galilê là người phác thảo, đồng thời cũng hướng khoa học không còn đặt niềm tin vào Chúa Trời nữa mà đặt vào thực chứng. Tác phẩm “Đối thoại” của Galilê đã giáng một đòn “chết tốt” vào hệ thống Ptôlêmê, cũng như giáng một đòn sấm sét vào học thuyết Arixtốt đã biến tướng bởi Thiên Chúa Giáo và đã từng là một khối chắc nịch bền vững, làm cho nó suy suyển không sao khắc phục được nữa. Như thế, một cách gián tiếp, tác phẩm “Đối thoại” đã làm cho niềm tin cực đoan của khoa học kinh viện bị rạn vỡ và đồng thời làm cho uy quyền của giáo hội La Mã đối với khoa học bị giảm sút nghiêm trọng. Phải nói rằng phiên tòa xử tội Galilê của tòa án dị giáo có thể đã thành công trong việc trấn áp, bắt khuất phục một cách hình thức đối với một con người cá thể, nhưng là sự thất bại hoàn toàn trong việc cố tình ngăn chặn sự phát triển tất yếu của khoa học.


Đến đây, trong đời sống xã hội cũng như trong hoạt động tư tưởng ở châu Âu đã đủ để đặt ra một tình thế mới. Giáo hội La Mã không những không thể dùng cái lý lẽ “giàn hỏa thiêu” mù quáng để khuất phục khoa học chân chính như trước kia nữa, mà còn thậm chí là có thể gây tác hại đến những rao giảng về đạo đức của chính nó. Nó buộc phải nhượng bộ nhận thức khoa học và do đó, nó cũng phải đi tìm một sách lược mới để bảo vệ đức tin Thiên Chúa. Trong khi đó, dù khoa học đòi thoát khỏi sự kìm kẹp của giáo hội để được tự do nghiên cứu và khám phá bản chất của những hiện tượng tự nhiên, thì vì đang trong thời kỳ còn non trẻ về trình độ nhận thức, cho nên khoa học vẫn không thể chối bỏ được sự tồn tại của Thượng Đế - một toàn năng siêu nhiên.


Tình thế ấy tất yếu dẫn đến sự hòa hoãn, thỏa hiệp lẫn nhau giữa hai quan niệm duy vật và duy tâm mà biểu hiện của nó là tồn tại một tình trạng “trung dung” về tư tưởng trong xã hội: thần học (tương tự như khoa học xã hội) và khoa học tự nhiên cùng thừa nhận nhau, cùng tồn tại như hai chân lý. Khoa học thừa nhận Đức Chúa Trời toàn năng là nguyên nhân đầu tiên của mọi nguyên nhân làm nên sự hiện hữu và vận động của vạn vật - hiện tượng trong tự nhiên. Nó đưa ra quan niệm hai chân lý, chân lý do Chúa ban, miễn nghĩ bàn và chân lý khoa học có thể tìm hiểu được. “Đổi lại”, Giáo hội Thiên Chúa “đồng ý” nghiên cứu khoa học là một lĩnh vực hoạt động tương đối độc lập của tâm trí con người, cũng thừa nhận chân lý khoa học nhưng coi đó chỉ là chân lý kiểu “hạng hai”.


Có một sự thật lịch sử đáng chú ý là trước những thời điểm chuyển biến thời đại có tính cách mạng, nhảy vọt, thường xuất hiện những con người hội đủ phẩm chất cũng như năng lực, đóng vai trò như một thiên sứ đứng ra thực hiện những bước nhảy, và tên tuổi của họ vì thế mà cũng thường được gắn cho những sự kiện đó. Hiện tượng có vẻ lạ lùng đó là tất yếu hay ngẫu nhiên? Có lẽ là cả hai, tất yếu vì đó là sự hun đúc tự nhiên của thời đại, ngẫu nhiên vì đó là sự lựa chọn, “gửi gắm” có tính chính xác suất đối với một cá nhân. Tuy nhiên nếu có thể “thấy rõ” được mọi sự, mọi góc cạnh của quá trình diễn tiến, thì chúng ta cho rằng sự xuất hiện những “người hùng” đó là hoàn toàn tự nhiên. Thêm một câu hỏi nữa là thế thì sự hun đúc tự nhiên của thời đại xảy ra như thế nào? Theo quan điểm của triết học duy vật biện chứng thì có thể tìm thấy câu trả lời trong việc khảo sát, nghiên cứu sự vận động, chuyển hóa xã hội, dẫn đến điều kiện, hoàn cảnh chín muồi làm xuất hiện biến cố có tính nhảy vọt trong xã hội. Điều này có lẽ đúng nhưng chắc là chưa đầy - đủ, nhất là đem áp dụng nó vào việc tìm hiểu nguyên nhân xuất hiện một cá nhân đúng lúc cần thiết, đúng nơi đã định, có đủ tư cách và tài năng để đóng trọn vai trò quyết định trong việc tác động đến thời cuộc, biến xu thế cách mạng xã hội thành hiện thực xã hội, thỏa mãn yêu cầu của thời đại, thì lại càng phiến diện. 
Lịch sử còn lưu lại nhiều khía cạnh, nhiều hiện tượng kỳ lạ của sự xuất hiện những anh hùng, vĩ nhân không thể giải thích được bằng nguyên lý nhân - quả, và đành phải cho rằng đó là những ngẫu nhiên định mệnh, hay nói cách khác là có “nguyên nhân tâm linh”. Nguyên nhân tâm linh là một khái niệm đầy mơ hồ, huyễn hoặc. Hiện tượng tâm linh là hiện tượng chưa ai giải thích được một cách lôgic, trên cơ sở khoa học nên nó cũng có vẻ phi phàm, ma quái. Triết học duy vật truyền thống, từ trước đến nay vẫn khăng khăng bài bác hiện tượng tâm linh và cho đó chỉ là một thứ mê tín dị đoan, là sự tưởng tượng thuần túy chủ quan, không lành mạnh của tâm trí con người và không bao giờ “thèm đếm xỉa” đến nó. Riêng đối với chúng ta thì ngay cả giấc mơ cũng là một hiện thực vì chúng ta đã “thấy” được những sự kiện xảy ra trong đó, dù là đang ngủ! Ở góc độ nào đó có thể coi giấc mơ là một hiện thực tâm linh, báo mộng là một hiện tượng tâm linh. Ngày nay, những hiện tượng tâm linh như cầu cơ, gọi hồn, thần giao cách cảm, người đã khuất hiện về, nhớ lại kiếp trước… nếu không phải là cố tình bày đặt, dối trá, thì đều được coi là xác thực và có nhiều trường hợp cụ thể đến mức không cách nào phủ nhận được. 
Nhiệm vụ của triết học – khoa học là phải chấp nhận hiện tượng tâm linh như một sự thực khách quan để nghiên cứu giải thích nó. Như vậy, trong tương lai, có thể phải xuất hiện một lĩnh vực nghiên cứu tự nhiên có tính khoa học thực sự nữa và có thể đặt tên cho nó là “Tâm linh học”. Chúng ta phán đoán rằng tâm linh học là ngành nghiên cứu sự tương tác của cơ thể sinh vật với môi trường ở tầng rất sâu, nơi mà quá trình tạm gọi là thu phát bức xạ sinh học trở nên nổi trội thành hiện thực được thấy như lấn át các hiện tượng vĩ mô thông thường khác. Dù sao thì niềm tin vào sự xuất hiện trở lại của Phật Bà, hay Quán Thế Âm Bồ Tát, nhập hồn vào cụ thể một con người nào đó là tuyệt đối phi tự nhiên!


Cuộc đi đòi độc lập tự do cho hoạt động nghiên cứu khoa học, đến thời Galilê, đã đạt được những thành quả quan trọng dẫn đến tình thế xã hội chín muồi để làm xuất hiện tình trạng khoa học có đủ quyền tự quyết trong hoạt động của nó nhưng vẫn đứng bên cạnh thần học dưới ngọn cờ của Chúa. Và một nhân vật xuất chúng mà cũng lạ lùng, xuất hiện để thực hiện trong thực tiễn cái xứ mạng cuối cùng ấy. Người đó chính là Đềcác (René Descartes).


Đềcác là nhà triết học, khoa học người Pháp. Ông chào đời ngày 31-3-1596 tại Lahaye, thuộc vùng Touraine, trong một gia đình quí tộc gồm nhiều nhà luật học, y học và thương gia. Năm lên 8 tuổi, Đềcác được gửi đến một trường dòng Tên có tiếng tăm để học tiếng Hi Lạp, Latinh, toán và thần học. Sau đó, ông tiếp tục học luật tại trường Đại học Poitiers. Đến khi tốt nghiệp, thay vì hành nghề luật sư, Đềcác lại trở thành một người lính dù là người nhỏ con có thể trạng không mấy khỏe và giọng nói thì yếu ớt.


Cả Châu Âu thời đó bị chia năm xẻ bảy bởi các cuộc xung đột được gọi là “Cuộc chiến tranh 30 năm” (1618-1648). Đềcác phục vụ quân đội trong một thời gian khá dài, có mặt trong đội quân của Hà Lan, rồi có mặt cả trong đội quân của Đức, đi đến nhiều nơi ở châu Âu.


Đềcác quyết định và hành động có phần lạ lùng như thế bởi có lẽ thích phiêu lưu, muốn ngao du đây đó để quan sát thực tế xã hội. Về sau ông có nói: “Tôi đã dành tuổi thanh xuân để đi du lịch, tham quan các triều đình và các đội quân, hòa mình vào đám đông đủ mọi tính khí và đẳng cấp”, và “… lăn lộn đây đó khắp nơi, tự trao cho mình nhiệm vụ làm khán giả chứ không phải diễn viên trong các tấn trò đời đang diễn ra ở những nơi đó”.


Việc ông tự động từ bỏ con đường binh nghiệp bắt nguồn từ một sự kiện ngẫu nhiên. Vào ngày 10-11-1618, tại thành phố Breda, Hà Lan, Đềcác chợt thấy một áp phích viết bằng chữ Hà Lan. Tò mò mà lại không hiểu thứ tiếng ấy nên ông nhờ một khách quan đường dịch hộ. Thì ra đó là một cáo thị nêu lên một vấn đề hình học. Đềcác đã giải quyết bài toán đó nhanh đến mức làm cho người khách lạ kia thực sự kinh ngạc. Thế rồi Isaac Beckman, tên người khách lạ sớm trở thành người bạn thân thiết của Đềcác đã có lời khuyên làm thay đổi hướng đi của đời ông rằng, nên theo đuổi cuộc sống lao động bằng trí óc hơn là sống đời lính, đầy nguy hiểm mà vô tích sự. Tuy nhiên sự kiện có tính quyết định, như là sự hối thúc của số mệnh lại là sự kiện sau đây. Anh lính trẻ 23 tuổi Đềcác đang trên đường đến Frankfurt (Đức) để xem lễ đăng quang của Ferdinand đệ nhị thì gặp phải trận bão tuyết, đành trú lại trong một căn phòng ở một thành phố nhỏ bên sông Danúyp. Đó là vào ngày 10-11-1619. Đêm hôm đó, Đềcác đã mơ thấy ba giấc mơ kỳ lạ. Trong giấc mơ thứ nhất, ông thấy mình bị một cơn gió bốc bổng lên trên, rồi ông thấy mình trốn bão trong một ngôi trường và ở đó ông được một người bạn cũ cố trao cho một quả dưa lấy từ một vùng đất lạ. trong giấc mơ thứ hai, ông nghe thấy một tiếng sét đinh tai và bản thân thì bị mắc kẹt trong một căn phòng đầy chớp lửa sáng lòa. Trong giấc mơ thứ ba, ông nhìn thấy nhiều cuốn sách bên cạnh giường, trong đó có một bộ bách khoa toàn thư và một bộ hợp tuyển thi ca. “Tôi biết chúng đã an bài cho tôi là phải hiến dâng trọn đời mình cho triết học và khoa học chứ không phải là làm anh lính chiến”, có lần Đềcác đã tâm sự như vậy về ba giấc mơ.


Suốt bốn năm, từ 1619 đến 1623, Đềcác du hành khắp châu Âu. Sau đó, ông sống ở Pari bốn năm. Năm 1628, ông chuyển sang Stốckhôn (Hà Lan), định cư lâu dài ở đó. Trong suốt quãng đời sống ở Hà Lan, Đềcác đã dốc toàn tâm toàn sức cho nghiên cứu và viết nhiều tác phẩm về triết học, khoa học. Những tác phẩm chính của ông là: “Hình học”, “Khúc xạ học”, “Các luận văn triết học”, “Bàn về phương pháp”, “Các suy niệm về siêu hình học”, “Các nguyên lý của triết học”, “Bàn về dục vọng”, “Qui tắc chỉ đạo lý tính”. Trong số đó, tác phẩm “Các nguyên lý của triết học” có số phận đặc biệt. Thực ra, nó đã được Đềcác viết từ năm 1629 với tựa đề “Thế giới”. Năm 1633, khi hay tin Galilê bị pháp đình la Mã xử quản thúc tại gia, ông lập tức hoãn ý định cho xuất bản để điều chỉnh và cũng bổ sung thêm. Mãi đến năm 1644, Đềcác mới cho xuất bản dưới một cái tên mới là “Các nguyên lý của triết học”.


Đềcác đã có giao dịch thư từ Nữ hoàng Thụy Điển là Christina trong nhiều năm trời. Năm 1649, ông nhận lời mời sang Thụy Điển dạy triết học cho Nữ hoàng. Đềcác có thói quen từ thời niên thiếu là ngủ dậy muộn. Nhưng Nữ hoàng Christina lại có ý thích nghe giảng bài vào lúc 5 giờ sáng cho nên Đềcác buộc phải dậy rất sớm để đến cung điện. Năm ấy, mùa đông ở Thụy Điển lạnh ghê gớm. Đềcác đã không thể chịu nổi hai tác động ấy. Chỉ sau vài tháng đến Thụy Điển ông đã bị sưng phổi và mất vào ngày 11-2-1650. “Linh hồn tôi đây, đã đến lúc nó phải ra đi”, đó là những tiếng thì thào cuối cùng trong cơn hấp hối của Đềcác.


Đềcác là người có những suy nghĩ khác thường, có lúc rất xác đáng nhưng cũng có lúc rất không xác đáng, vừa minh mẫn vừa có phần “lập dị”. Chẳng hạn như có lần ông nói: “Thậm chí ta không thể đảm bảo rằng ta có cơ thể, chỉ đảm bảo rằng ta có tinh thần”. Hay trong phần mở đầu của tác phẩm “Các nguyên lý của triết học”, ông viết: “Thế nên toàn bộ triết học có thể ví như một cây cao, gốc của nó là siêu hình học, thân của nó là vật lý học và mọi cành ngọn của nó là mọi ngành khoa học khác. Các ngành đó có thể xếp lại thành ba loại, đó là y khoa, cơ học và đạo đức học. Với đạo đức học, tôi hiểu đó là ngành học cao cấp nhất và hoàn thiện nhất của phép hành xử, ngành học lấy mọi tri kiến của các khoa học khác làm tiền đề. Nó chính là sự minh triết chung cuộc và cao cả nhất. Cũng như người ta không hái trái từ rễ cây hay thân cây, mà từ cành ngọn, thì cũng thế, cái lợi lạc chủ yếu của triết học chỉ nằm ở những phần mà từ đó cuối cùng ta học được những gì”.


Có lẽ vì thế mà quan niệm tự nhiên của Đềcác về mặt triết học cũng như về mặt khoa học là một tập hợp những đúng và sai, sâu sắc và nông nổi.


Về mặt nhận thức triết học, Đềcác cho rằng đã tồn tại cái không toàn hảo, hoàn bị thì cũng phải tồn tại cái toàn hảo, hoàn bị nhất, do đó Thượng Đế chắc chắn tồn tại. Thượng Đế là thực thể vô tận tối cao, đứng trên tất cả, tạo sinh ra mọi thứ. Đềcác nói: “Theo tôi, đầu óc con người luôn hữu hạn và có thể sai lầm. Chỉ có Thượng Đế mới có thể có loại năng lực tinh thần vô hạn mà thôi”. Nói chung, mọi cái do Thượng Đế tạo sinh ra được phân thành hai loại thực thể khác nhau: thực thể tinh thần và thực thể vật chất. Thực thể tinh thần (hay tư duy, linh hồn…) là loại không có quảng tính (không có kích thước không gian) nhưng có sự suy tư, còn thực thể vật chất thì được đặc trưng bởi quảng tính nhưng lại không biết suy tư. Chỉ có con người là được Thượng Đế “cho phép” thuộc về hai thực thể ấy, còn vạn vật, kể cả các loài sinh vật không phải người, đều chỉ có thể thuộc về hoặc loại thực thể này hoặc loại thực thể kia. Tuy nhiên, dù hai loại thực thể có thể tồn tại “song song” với nhau, thì chúng hoàn toàn độc lập nhau, không có mối liên quan gì với nhau cả.


Quan niệm về một thế giới cùng tồn tại hai loại thực thể được phân biệt rạch ròi thành hai lực lượng tinh thần và vật chất của Đềcác chính là sự thỏa hiệp giữa quan niệm duy vật và duy tâm, là kết quả nhận thức có tính thời đại của loài người mà ông là người phát ngôn chính thức.


Trên cơ sở quan niệm đó, Đềcác đã đi đến khẳng định rằng thần học và khoa học là hai lĩnh vực nghiên cứu hoàn toàn khác nhau, trong đó, đối tượng của thần học là tinh thần, là linh hồn con người, còn đối tượng của khoa học là vật chất. Theo Đềcác, Thượng Đế sáng tạo ra Vũ Trụ, thêm vào đó một lượng chuyển động nhất định (nghĩa là thừa nhận “cú hích” đầu tiên), rồi thôi, không đả động gì đến nó nữa, để nó tự thân vận hành theo những qui luật đã được xác định. Nghiên cứu khoa học, bằng con đường lý tính, có thể phát hiện được những qui luật ấy.


Về mặt nhận thức vật lý học (nói tương đối thôi chứ không thể phân chia dứt khoát giữa luật vật lý và triết học được!), Đềcác coi đặc tính cơ bản của vật chất là quảng tính, không thể có một vật thể nào đó lại không chiếm một khoảng nhất định trong Vũ Trụ. Vật chất lấp đầy Vũ Trụ vô tận cho nên cũng không có chân không. Theo ông, mọi vật thể đều được tạo nên từ những phần tử nhỏ li ti nhưng có thể phân chia đến vô tận, “…ở đó không thể có những nguyên tử không thể phân chia được… Bởi vì nếu chúng là như thế thì ắt chúng phải có quảng tính dù nhỏ đến đâu, và như thế vẫn có thể phân chia được"… Bên cạnh đó, Đềcác còn cho rằng mọi sự vật đều vận động và vận động là sự quay vòng vật chất. Vì vận động là do Thượng Đế ban cho Vũ Trụ vào lúc nó hình thành rồi thôi nên tổng lượng vận động của Vũ Trụ không được sinh ra thêm và cũng không mất bớt đi. Tuy nhiên vận động ở đây chỉ là sự di dời vị trí trong không gian, nghĩa là sự chuyển động đơn thuần mà thôi. Thế rồi, ông nêu ra ba định luật về chuyển động như sau:


- Định luật thứ nhất: Mỗi vật chất đề giữ nguyên trạng thái chuyển động nếu không va chạm với các hạt khác.


- Định luật thứ hai: Khi một hạt va chạm với một hạt khác, nó truyền cho hạt kia bao nhiêu lượng chuyển động thì cũng mất đi bấy nhiêu và ngược lại.


- Định luật thứ ba: Các vật chuyển động nói chung là theo đường cong, nhưng từng hạt vật chất riêng lẻ bao giờ cũng có xu hướng chuyển động theo đường thẳng.


Thêm vào đó, Đềcác còn chỉ ra cụ thể, lượng chuyển động chính bằng tích giữa vận tốc và “độ lớn” của vật.


Có thể thấy quan niệm của Đềcác về một Vũ Trụ lấp đầy vật chất, về vật chất và chuyển động vật chất dù là còn thô sơ và còn nhiều sai lầm, nhưng hàm chứa không ít ý tưởng cực kỳ thâm sâu. Theo chúng ta thì trong đó đã thấy thấp thoáng bóng dáng những chân lý đích thực về Tự nhiên Tồn tại mà thậm chí đến tận ngày nay, khoa học vẫn chưa nhận thức được hoặc chưa xác minh được. Nhưng thôi, cứ hãy bỏ qua nhận xét “đao to búa lớn” và có phần “tự kỷ ám thị” ấy đi, thì ba định luật và việc xác định lượng chuyển động mà Đềcác đã nêu ra cũng đủ cho đời sau khen ngợi hết lời về sự sắc sảo trong tư duy vật lý của ông. Chúng ta có thể thấy ở đó những phác thảo, những tiền thân sơ lược của những khái niệm, những định luật cơ sở của vật lý cơ học cổ điển, như: “khối lượng”, “động lượng”, “chuyển động quán tính”, “bảo toàn động lượng”, “tác động tương hỗ”…


Đềcác từng tuyên bố rằng dựa trên những quan niệm về vật chất, chuyển động và những định luật được cho là cơ bản mà ông nêu ra, có thể giải thích được mọi hiện tượng tự nhiên.


Để giải thích sự hiện hữu của vạn vật - hiện tượng trong Vũ Trụ, Đềcác đã đề ra thuyết “gió xoáy”. Theo ông, ban đầu Vũ Trụ chỉ gồm các hạt vật chất nhỏ li ti, chuyển động hỗn loạn: Do chúng va chạm với nhau mà tạo thành ba loại hạt nguyên tố là đất (nặng nhất), không khí (trung gian), lửa (nhẹ nhất). Những hạt nguyên tố đó luôn chuyển động, hợp lại thành những dòng xoáy vật chất tương tự như những cơn lốc. Những dòng xoáy vật chất tác động lẫn nhau làm cho các hạt lửa tụ lại thành Mặt trời và các vì tinh tú, các hạt đất tụ thành Trái Đất và các hành tinh, các hạt không khí thì tạo thành các dòng xoáy lốc khắp Vũ Trụ cuốn theo các hành tinh.


Sau khi đã giải thích nguồn gốc và cấu tạo của Vũ Trụ, Đềcác cũng dựa vào sự chuyển động và va chạm của ba loại hạt nguyên tố cũng như ba định luật về chuyển động của mình để giải thích những hiện tượng thuộc nhiều lĩnh vực như cơ học, quang học, nhiệt học…
Khi Galilê đã lừng danh Châu Âu thì Đềcác mới thực sự bước vào sự nghiệp nghiên cứu khoa học. Vì lẽ đó mà có thể phỏng đoán rằng những luận điểm và phát kiến vật lý học của Galilê đã có những ảnh hưởng ít nhiều đến Đềcác. Cũng như Galilê, Đềcác đặc biệt đề cao toán học và ông cũng nối tiếng trong lĩnh vực này không kém gì trong lĩnh vực triết học, vật lý học. Chính Đềcác là người đề xướng ra hệ tọa độ vuông góc mà ngày nay được gọi là hệ tọa độ Đềcác, đề ra một số qui ước vẫn còn phổ biến trong toán học, chẳng hạn như dùng các chữ cái x, y, z… để ký hiệu những ẩn số, dùng các chữ cái a, b, c… để ký hiệu hệ số, những số coi như đã biết… ông cũng đã sáng tạo ra cách diễn tả lũy thừa bằng một số nhỏ (như 52, 63…). Đặc biệt, Đềcác đã là người thành lập bộ môn hình học giải thích để giúp cho việc giảu quyết những bài toán hình học được đơn giản, dễ dàng hơn. Trong quyển “Hình học”, ông cho thấy có thể sử dụng đại số như thế nào để nhận ra nhiều vấn đề tiêu biểu trong hình học và tập hợp lại những gì có liên quan đến nhau.


Quá trình nghiên cứu và suy tư về toán học, nhất là hình học Ơclít đã tạo ra những ấn tượng mạnh mẽ trong tâm hồn Đềcác. Ông thấy ở toán học có một cái gì đó thật hiển nhiên, chắc chắn minh bạch và mang tính phổ quát. Từ một vài yếu tố định ước được đặt ra làm cơ sở ban đầu, mà về mặt trực quan và cảm nhận trực giác cũng như kinh nghiệm thì đơn giản và rõ ràng đến độ không ai có thể phản bác được tính đúng đắn của chúng, không thể tưởng tượng khác đi được, toán học diễn giải một cách trình tự và cực kỳ chặt chẽ ra phong phú những kết quả, những suy nghiệm thực sự đáng tin cậy. Đối với Đềcác thì hệ thống hình học Ơclit là một khối hoàn toàn “rõ ràng và sáng sủa”, chặt chẽ và khúc chiết cho nên cũng không thể sai được. Nhiều khả năng chính hệ thống hình học này đã là một gợi ý có tính quyết định đến quan niệm duy lý trong nhận thức khoa học của Đềcác.


Sự “sùng bái” toán học, cùng với hy vọng có thể chứng minh được về một sự thống nhất làm nền tảng chung cho mọi lĩnh vực khoa học đã làm Đềcác tin tưởng chắc chắn rằng, mọi nhận thức của con người, cuối cùng đều có thể toán học hóa. Ông nói: “Điều này khiến tôi nhận ra rằng phải có một khoa học chung… và khoa học ấy phải được gọi là toán học tổng quát”. Nhưng có lẽ câu nói rất đúng và để đời của ông, đối với toán học, phải là câu này: “Toán học diễn tả cái cấu trúc nền tảng và cơ bản mà mọi ngành tri thức đều chia sẻ".


Có lẽ giấc mơ cuối cùng trong ba giấc mơ kỳ lạ vào thời trai trẻ của Đềcác đã ám ảnh như một sự mách bảo tâm linh rằng ông là người được Thượng Đế trao cho sứ mạng đi tìm và sẽ tìm được con đường hợp nhất các lĩnh vực nghiên cứu khoa học về một mối, dựa trên một cơ sở nền tảng chung nhất, duy nhất, và ông cho rằng cơ sở nền tảng ấy chính là toán học bởi sự biểu diễn toát lên tính phổ quát, khúc chiết, tinh túy, chặt chẽ, tự nhiên và xác thực.


Noi gương cách xây dựng nên hệ thống hình học Ơclit, Đềcác cũng cố gắng tìm cách xây dựng vật lý học như một hệ thống dựa trên tối thiểu những khái niệm, những phát biểu sơ khởi đầu tiên được cho là hiển nhiên, cảm nhận trực giác không thể bác bỏ được, đóng vai trò như là những tiêu đề, định đề. Khi đưa ra luận điểm: “Vật chất là thực thể có quảng tính”, thì có thể rằng Đềcác đã coi đó như một tiên đề vật lý. Bởi vì một cách trực quan, khó lòng nói ngược lại được, và trong tưởng tượng, không thể hình dung được một vật lại không có tí gì cả. Mặt khác một vật thể có quảng tính nghĩa là có kích thước (độ dài, diện tích, thể tích), có chuyển động, va chạm có nghĩa là có vị trí, quảng tính của nó có thể bị biến đổi trong không gian và thời gian, Những biểu hiện đó của vật thể có cốt lõi toán học và có thể diễn giải bằng toán học. Vì thế mà Đềcác đã đi đến một nhận xét có tính khẳng định: “Cho nên, với tôi, vật lý học thực sự có nghĩa là cấu tạo nên những mô hình toán học”.


Nhiều khả năng sự “sùng bái” toán học cũng đã dẫn dắt Đềcác đến với quan niệm duy lý thuần túy trong nhận thức luận.


Người có quan niệm duy nghiệm thuần túy và trở thành ông tổ của chủ nghĩa suy nghiệm là nhà triết học Bêcơn (Francis Bacon, 1561-1626), người ra đời trước Đềcác 35 năm và cũng có chủ trương đưa khoa học ra khỏi ảnh hưởng của thần học. Bêcơn cho rằng khoa học là kiến thức được xây dựng nên từ kinh nghiệm thuần túy. Muốn cho kinh nghiệm được thuần túy, nghĩa là đúng đắn, đáng tin cậy thì phải tiến hành xem xét, khảo sát thật kỹ càng, tỉ mỉ từng sự vật - hiện tượng trong thực tế, phải loại bỏ mọi giả định, suy diễn phi thực tế ban đầu. Từ đó mà rút ra những tri thức. Quan niệm như vậy có thể là còn phiến diện nhưng chưa hẳn là sai nếu hiểu một cách “linh động”. Tuy nhiên Bêcơn đã cực đoan hóa nó khi tiếp tục cho rằng suy lý thuần túy là sai lầm, toán học thuần túy là vô tích sự.
                                                    René Descartes
Frans Hals - Portret van René Descartes.jpg
Thời đại Triết học thế kỷ XVII
Lĩnh vực Triết học phương Tây
Trường phái Chủ nghĩa Descartes,
Chủ nghĩa duy lý lục địa
Sở thích Siêu hình học, Nhận thức luận,
Khoa học tự nhiên, Toán học
Ý tưởng nổi trội Tôi tư duy, nên tôi tồn tại,
Phương pháp nghi ngờ,
Hệ tọa độ Descartes,
Thuyết nhị nguyên Descartes,
Luận cứ bản thể học về sự tồn tại của Chúa trời;
Được xem là người đặt nền móng cho Triết học hiện đại

Somer Francis Bacon.jpg 
Quốc tịch Người Anh
Thời đại Phục hưng Anh, Cách mạng khoa học
Lĩnh vực Triết học phương Tây
Chữ ký Francis Bacon Signature.svg

Đềcác lại quan niệm ngược lại. Ông cho rằng kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn chỉ mới là kết quả sơ khai, chưa đủ độ tin cậy nếu chưa qua sự “thẩm định” của tư duy lý tính thuần túy. Theo ông, tri thức đích thực chỉ có thể có được từ hoạt động trí tuệ của tinh thần, tương tự như trong toán học và lôgic học. Ông coi diễn dịch là phương pháp nhận thức cơ bản trong nghiên cứu triết học và khoa học mà xuất phát điểm của nó (tạm gọi) là trực giác lý tính (siêu hơn trực giác cảm tính!) hay tri giác thuần túy của tinh thần. Thứ trực giác này vốn dĩ hiển nhiên, tuyệt đối rõ ràng và minh bạch, không cần chứng minh (thực ra cũng không thể chứng minh cái tạo nên chứng minh!) thì cũng không cách gì bác bỏ được, có trước cảm giác, trước kinh nghiệm nên có tính bẩm sinh, tiên thiên, tiên nghiệm (thật huyền bí quá chừng! Ở điểm này, phải chăng Đềcác là tiền bối trực tiếp và trực hệ của Kant?). Như vậy, đối với Đềcác, chỉ có thể tiếp cận được chân lý, xây dựng được tri thức chân chính và đích thực bằng cách duy nhất: suy lý thuần túy của trí tuệ trên cơ sở đầu tiên là tri giác thuần túy của tinh thần. Thế là có thể nói, chính Đềcác chứ không ai khác đã chắp cánh cho “phương pháp” duy lý hồn nhiên, tự phát thời cổ đại bay cao, hóa thành một quan niệm lớn là chủ nghĩa duy lý.


Trên cơ sở quan niệm đó của mình, Đềcác đã đề xướng ra một phương pháp nhận thức để áp dụng trong thực tiễn nghiên cứu khoa học, mà tiêu chí của nó, theo ông là “… Nhưng nguyên tắc duy nhất mà ta dùng phải là những nguyên tắc ta thấy tự chúng là hiển nhiên nếu không suy ra được từ chúng điều gì ngoại trừ bằng cách diễn dịch toán học. Và nếu mọi điều suy ra này nhất trí chính xác với những hiện tượng tự nhiên, thì theo tôi, chúng ta sẽ xúc phạm Thượng Đế khi nghi ngờ việc phát hiện ra các kết quả như thế là giả dối”.


Để thu thập được tri thức đúng đắn, đáng tin cậy, để tiếp cận được chân lý đúng là chân lý bằng phương pháp diễn dịch trên cơ sở duy lý thuần túy, Đềcác đưa ra bốn yêu cầu cơ bản phải tuân thủ sau đây:


  1. Phải thật thận trọng trong suy luận, tránh những phán đoán và thành kiến vội vã. Chỉ có những gì đã được cảm nhận một cách rõ ràng và rành mạch, không gợn nên chút nghi ngờ nào, mới được coi là chân lý đích thực.

  2. Chia sự vật - hiện tượng cần nghiên cứu thành những bộ phận nhỏ hơn hợp thành nó, đến mức có thể được, một cách phù hợp nhất, nghĩa là phân chia vấn đề lớn thành những vấn đề nhỏ hơn để đơn giản hóa, tạo thuận lợi cho việc nghiên cứu khảo sát.
  3. Lập luận và tìm hiểu theo trình tự từ thấp đến cao, nghĩa là phải xuất phát từ những điều đơn giản nhất, sơ đẳng nhất, dần dần tiến đến những điều “to tát” hơn, phức tạp hơn.
  4. Phải liệt kê, xem xét đầy đủ mọi dữ kiện, không được bỏ sót một dữ kiện nào và cuối cùng, sau khi đã hoàn tất suy lý, phải kiểm tra lại cẩn thận mọi khâu của quá trình lập luận.
Với chủ trương duy lý và việc đề xướng phương pháp cùng bốn yêu cầu cơ bản áp dụng vào thực tiễn nghiên cứu khoa học như vậy, mặt khác cũng có thể bị tác động ít nhiều từ thực tế là hiện tượng dần bộc lộ ngày một nhiều “sơ hở”, sai lầm trong hệ thống khoa học - triết học Arixtốt đã bị kinh viện giáo điều hóa, Đềcác đã nêu ra luận thuyết của mình về sự hoài nghi.


Có lẽ sự hoài nghi xuất hiện lần đầu tiên trong lịch sử loài người là trong trí não một con người nguyên thủy nào đó sau một lần “nhìn gà hóa cuốc” rồi phát hiện ra là gà chứ không phải cuốc! Đó là một ý kiến có phần tếu táo, nhưng đúng là sự hoài nghi phải xuất hiện trong não người từ buổi đầu của thời xa xưa tối cổ, khi mà sự suy nghĩ bắt đầu biết phán đoán. Đã phán đoán thì có thể đúng hoặc sai và sự nghi ngờ đối với một phán đoán tất yếu sẽ nảy sinh.

(Còn tiếp)
-----------------------------------------------------------------



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét