Thứ Ba, 21 tháng 9, 2021

TT&HĐ V - 41/d

 
Galilei Galileo: Nhà Thiên Văn, Vật Lý, Toán Học và Triết Học Người Ý

PHẦN V:     THỐNG NHẤT 
"Khoa học là một sức mạnh trí tuệ lớn nhất, nó dốc hết sức vào việc phá vỡ xiềng xích thần bí đang cầm cố chúng ta."
Gorky 
 
"Mỗi một thành tựu lớn của nhà khoa học chính là xuất phát từ những ảo tưởng táo bạo". 
JohnDewey
"Chân lý chỉ có một, nó không nằm trong tôn giáo, mà nằm trong khoa học."
Leonardo da Vinci
 
"Cái khó hiểu nhất chính là hiểu được thế giới" 
Albert Einstein
 
"Có hai cách để sống trên đời: một là xem như không có phép lạ nào cả, hai là xem tất cả đều là phép lạ". 
Albert Einstein
      
“Chính qua cuộc đấu tranh nhằm thống nhất một cách hợp lý cái đa dạng mà đã đạt được những thành công lớn nhất, dù rằng chính ý đồ đó có thể gây ra những nguy cơ lớn nhất để trở thành con mồi của ảo vọng”.
Albert Einstein


“Người nhìn thấy cái đa dạng mà không thấy cái đồng nhất thì cứ trôi lăn trong cõi chết”.

CHƯƠNG II (XXXXI): KINH ĐIỂN

"Vật lý thực ra không phải là gì hơn ngoài cuộc tìm kiếm sự đơn giản tối thượng, nhưng cho tới nay, cái chúng ta có là sự hỗn độn súc tích".

"Việc quan trọng là không ngừng suy nghĩ. Tính tò mò có lý do riêng của nó. Con người sẽ bị lo sợ khi suy ngẫm về các bí ẩn của vô tận, đời sống, về cấu trúc tuyệt vời của thực tế. Nếu người ta mỗi ngày chỉ thấu hiểu một chút về điều bí ẩn này, thì cũng đủ. Hãy đừng bao giờ mất đi sự tò mò thiêng liêng".
Albert Einstein 

"Khoa học cho chúng ta tri thức, nhưng chỉ triết học mới có thể cho chúng ta sự thông thái".
 
“Cứu cánh của khoa học tư biện là chân lý, trong khi, cứu cánh của khoa học thực tiễn là hành động”.

 

 

                             

(Tiếp theo)


Sự phản bác dữ dội từ các nhà khoa học tại trường đại học Pisa đối với định luật rơi tự do và người đã phát biểu nó là lẽ đương nhiên. Để chứng minh, Galilê đã tổ chức thực hiện một thí nghiệm tại tháp nghiêng Pisa. Ngày hôm đó, trước sự chứng kiến của một số nhà khoa học (có một số giáo sư, những nhà kinh viện chỉ biết đặt niềm tin duy nhất vào sự suy lý, đã tẩy chay không đến), Galilê đã cho thả cùng một lúc hai quả cầu có kích thước như nhau nhưng nặng nhẹ khác nhau, từ cùng một độ cao khoảng 60m, rơi xuống tự do. Tuy thời điểm chạm đất của hai quả cầu có sự sai biệt nhưng hoàn toàn không đáng kể và Galilê giải thích rằng đó là do sức cản không khí gây ra. Thí nghiệm đã thành công và nhận định về sự rơi tự do của Galilê đã được chứng thực.


Tuy nhiên, sự thực rành rành đó vẫn không thể thuyết phục được những kẻ bảo thủ mù quáng, đã đặt niềm tin thâm căn cố đế vào Arixtốt. Họ vẫn khăng khăng không chịu thừa nhận khám phá đã được chứng thực của Galilê, thậm chí còn dè bỉu châm chọc và xa lánh ông. Không thể làm việc trong bầu không khí ngày một căng thẳng ngột ngạt như vậy mãi, năm 1591, Galilê từ bỏ trường đại học Pisa để rồi năm sau, nhận lời mời của Cộng hòa Vênêxi, đến làm giáo sư toán học cho trường đại học Padur và ở đó suốt 18 năm.


Ngày Galilê thực hành thí nghiệm ở tháp nghiêng Pisa cũng là ngày đánh dấu bước ngoặt cực kỳ quan trọng trong nghiên cứu vật lý nói riêng và khoa học nói chung.


Trước Galilê, nhìn chung việc tìm hiểu tự nhiên vẫn hầu như theo lối của thời Hi Lạp cổ đại. Trên cơ sở quan sát, theo dõi bằng trực giác các hiện tượng, các nhà khoa học dùng suy tư trừu tượng của mình để tìm kiếm những lập luận có lý khó lòng bác bỏ được, rồi từ đó rút ra những nguyên lý (thuần túy cảm tính làm cơ sở chân lý trong việc biện minh, lý giải nguyên nhân làm xảy ra các hiện tượng đó, cũng như đoán định bản chất của chúng. Lúc đó, với lối nghiên cứu tự nhiên nặng về định tính “vay mượn” của triết học như vậy thì toán học thuần túy (mà chủ yếu là hình học) dù đóng vai trò độc tôn trong nghiên cứu định lượng nhưng vẫn chỉ được dùng chủ yếu như một công cụ củng cố sự định hướng, xác định những nguyên lý, mô hình về hiện thực khách quan, được “tìm ra”, được xây dựng nên “trước đó” bằng suy lý chủ quan.


Phương pháp nghiên cứu khoa học đó là sản phẩm của trí não con người nhưng xuất phát từ nguyên nhân hoàn toàn có tính tự nhiên, đó là trong những bước đầu tiên trên con đường trường chinh đi tìm hiểu Tự nhiên Tồn tại, do trình độ nhận thức còn “ngây thơ” và kéo theo là phương tiện hỗ trợ cho nhận thức còn thô sơ, “nghèo nàn” mà loài người đã không còn cách nào khác là phải vừa tăng cường mở rộng, làm phong phú thêm ngôn ngữ để xây dựng một hệ thống khái niệm khoa học ngày một mạch lạc, vừa phát triển hoàn thiện toán học, lĩnh vực được cho là phản ánh hiện thực một cách hoàn toàn hiển nhiên, đồng thời cũng là phương tiện “thực chứng” đáng tin cậy nhất trong nghiên cứu những hiện tượng tự nhiên. Chính vì vậy mà có thể nói sự lựa chọn phương thức nghiên cứu khoa học của loài người, thuở ban đầu theo “lộ trình”: quan sát, suy lý, diễn giải, rồi đến “thực chứng” bằng toán học, là có tính tự phát và không phải là một sai lầm. Lịch sử chứng nhận rằng bằng phương pháp nghiên cứu khoa học đó, khoa học từ thời Hy Lạp cổ đại đến trước thời Keple, Galilê đã gặt hái được biết bao nhiêu thành quả và đạt được không hiếm những thành tựu kỳ diệu.


Nhận thức ngày càng tiến bộ đã đặt ra những đòi hỏi mới, có “chất lượng” cao hơn cho loài người trong nghiên cứu khoa học. Phương pháp nghiên cứu trên cơ sở chủ yếu là suy lý và nặng nề định tính đã dần dần bộc lộ sự “bấp bênh” của nó. Những ngộ nhận khoa học sinh ra bản chất thiếu tường minh và xác đáng của phương pháp này dần bị phát hiện cũng làm nảy sinh đòi hỏi phải tìm hiểu lại, phải xác minh lại những phát kiến, những nguyên lý có được từ quan sát và suy lý trong quá khứ dù đã được thừa nhận. Mặt khác, trình độ đời sống và sinh hoạt xã hội ở Châu Âu giai đoạn cuối thời Trung cổ, nhất là sự hình thành của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, đã đặt ra yêu cầu cấp bách phải tập trung trí tuệ, ưu tiên hướng nghiên cứu khoa học vào việc giải quyết những vấn đề vật lý nảy sinh trong thực tiễn lao động sản xuất, trong đó có vấn đề tìm hiểu nguyên nhân đích thực làm xảy ra các hiện tượng biến đổi, chuyển hóa của vật chất trong thiên nhiên cũng như tìm cách xác định trước được kết quả từ những quá trình biến đổi, chuyển hóa ấy một cách chắc chắn, định lượng. Chỉ có toán học mới có khả năng định lượng được các quá trình vận động vật chất cũng như kết quả của chuyển hóa vật chất, nhưng đến một trình độ nhận thức nhất định về khoa học của loài người thì bản thân toán học thuần túy với bản chất trừu tượng và siêu hình của nó không đủ khả năng đáp ứng yêu cầu trong hoạt động thực tiễn được nữa. Một khi vật lý học còn chưa “đủ sức” sử dụng toán học như một công cụ không thể thiếu được, trong nghiên cứu của nó, đồng thời cũng là thứ “ngôn ngữ” chính thức, là “đại diện hợp pháp” duy nhất của nó thì dù toán học có phát triển vượt xa yêu cầu ứng dụng thực tiễn của thời đại đến mấy, khối kiến thức toán học vượt trội ấy cũng chẳng thiết yếu gì đối với đời sống xã hội, đối với công cuộc tìm tòi sáng tạo kỹ thuật trong lao động - sản xuất, và có vẻ chỉ như là thứ “đồ chơi trí tuệ xa xỉ” của con người.


Chúng ta cho rằng những điều nêu ở trên đã là những yếu tố thúc đẩy mạnh mẽ vật lý học quan tâm sâu sắc hơn nữa đến việc tìm hiểu bản chất của những hiện tượng xuất hiện trong thiên nhiên, trong thực tiễn lao động sản xuất, nghĩa là trong phạm vi gần, được cho là ở tầm có thể “nắm bắt” được, đo đạc trực tiếp được của con người, và coi đó cũng là một hướng nghiên cứu ưu tiên: Hướng nghiên cứu này tự thân nó đã mang tính thực tiễn cao độ, cho nên các nhà vật lý, trong một chừng mực, qui mô nhất định, với những qui ước và giả định hợp lý, có thể xây dựng được mô hình có tính tương tự, có thể lặp lại một cách gần giống với hiện tượng hay quá trình khách quan nào đó mà họ đang nghiên cứu. Như vậy, đối với việc nghiên cứu những quá trình vận động vật chất ở phạm vi gần, không những có thể thu được những kết quả định tính mà còn hoàn toàn có khả năng thu được cả những kết quả về mặt định lượng, hơn nữa, nhờ có thể thử nghiệm được, những kết quả thu được đó có độ tin cậy cao, đủ sức thuyết phục.


Đến đây, điều kiện cho một phương pháp mới trong nghiên cứu khoa học xuất hiện đã đến độ chín muồi mà nhiệm vụ khởi xướng đã được nhân loại giao phó cho thiên tài Galilê và ngày khai sinh ra nó được cho là ngày mà Galilê thả hai quả cầu ở tháp nghiêng Pisa.


Nhìn ở góc độ khác, Galilê là người chính thức phát hiện ra phương pháp nghiên cứu khoa học mới này, nhưng tiền thân của nó đã xuất hiện trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học của Ácsimét và trên một khía cạnh nào đó thì công trình của Côpecnic, Keple… cũng đóng vai trò hàm chứa những nhân tố có tính gợi mở.


Có thể tóm tắt nội dung phương pháp nghiên cứu của Galilê như sau:


Đầu tiên cũng là quan sát hiện tượng, nghĩa là khảo sát kỹ càng nó để có được những số liệu đáng tin cậy. Sau đó dựa trên những số liệu thu thập được mà suy ra một cách định tính về hiện tượng, đồng thời cố gắng phát hiện, loại trừ những yếu tố ngoại lai để biểu diễn nó, định lượng nó bằng toán học, rồi thông qua những thực hành thí nghiệm để kiểm chứng. Quá trình có thể lặp lại nhiều lần cho đến khi có được kết quả hoàn toàn thích hợp. Cuối cùng là sự phát triển thành định luật, qui luật, nguyên lý…


Trong phương pháp nghiên cứu của Galilê, toán học không chỉ đóng vai trò công cụ tính toán thông thường, làm “bằng chứng” cho những nhận định suy lý nữa, mà còn đảm đương nhiệm vụ biểu diễn các định luật dưới dạng định lượng và cũng chính là bản thân các định luật. Có thể nói, bắt đầu từ Galilê, phạm vi ứng dụng của toán học chính thức được mở rộng và bản thân toán học được đặt vào vị trí xứng đáng ở trung tâm vật lý học và là phương tiện nòng cốt trong việc diễn giải, mô tả của thế giới quan vật lý. Nếu hoàn toàn bằng mặt toán học thì vật lý học sẽ lập tức biến thành một lý thuyết nào đó rất giống triết học, thậm chí là một “thứ” triết học thực thụ cũng nên. Ngày nay, chúng ta thấy rằng, tầm quan trọng có tính quyết định của toán học trong nhận thức vật lý học và cả khoa học là không thể phủ nhận được. Chắc rằng Galilê đã thấy rất rõ điều đó vì có lần ông nói: “Người ta chỉ hiểu được tác phẩm của thiên nhiên khi hiểu được ngôn ngữ và những chữ cái mà nhờ chúng, ngôn ngữ này được viết ra. Tác phẩm này được viết bằng ngôn ngữ của toán học và các chữ cái chính là hình tam giác, hình tròn cũng như là những hình dạng hình học khác, và nếu không có những phương tiện này thì con người chúng ta không thể hiểu được, dù chỉ một chữ”.


Trong thời gian ở trường đại học Padur, Galilê đã tiến hành hàng loạt những quan sát thiên văn, thực hiện hàng loạt thí nghiệm vật lý, khám phá và phát kiến nhiều điều về thực tại khách quan.


Năm 1596, bạn Galilê, nhà thiên văn Keple gửi cho ông tác phẩm “Về sự quay của các thiên cầu” của Côpenic. Sự mẫn cảm của trí tuệ thiên tài đã làm cho Galilê mau chóng và nhiệt thành ủng hộ thuyết Nhật tâm, đi sâu nghiên cứu để tìm cách chứng minh chặt chẽ cho nó.


Năm 1608, ống nhòm được phát minh và chế tạo ở Hà Lan. Hay tin, Galilê đã cố gắng tìm hiểu rồi nghiên cứu cấu tạo ống nhòm suốt một năm để rồi cải tiến nó, tự chế tạo ra một loại ống kính dùng vào việc quan sát bầu trời mà sau này người ta gọi là kính thiên văn. Kết quả cuối cùng là Galilê đã chế tạo ra được một ống kính có độ phóng đại lên đến 30 lần. Đêm rạng sáng ngày 7-1-1610, Galilê đã hứng ống kính đó lên bầu trời, thực hiện buổi quan sát bằng kính thiên văn đầu tiên của nhân loại.


Sau một tháng quan sát, Galilê đã phát hiện ra nhiều điều quan trọng. Ông đã thấy các mỏm núi, miệng núi lửa trên Mặt Trăng, thấy Sao Mộc có 4 vệ tinh, thấy trên Mặt Trời có những vết đen, thấy Ngân Hà không phải là một dải liên tục mà là tập hợp của rất nhiều sao… Những phát hiện đó đều trái ngược với quan niệm của Arixtốt về bầu trời. Galilê đã công bố các kết quả quan sát đó cùng những ý kiến nghiên cứu của mình trong cuốn sách “Bản tin của các vì sao”. Theo tập quán thời đó và cũng là để tìm sự che chở trước những phản ứng bất lợi có thể có từ phía nhà thờ, ông đã đề tặng cuốn sách đó cho đại công tước Tôxcan. Dù thế, Galilê vẫn không tránh được sự gièm pha và chỉ trích nghiệt ngã. Các đối thủ của ông khăng khăng không chịu công nhận các kết quả quan sát, cũng không thèm đến nơi đặt kính thiên văn của ông để trực tiếp quan sát, nhưng vẫn nhất mực bài bác, đả kích. Các buổi giảng đạo ở nhà thờ rêu rao rằng những điều viết trong “Bản tin của các vì sao” là trái với Kinh Thánh. Trong tình hình như thế, cũng trong năm 1610, nhận lời mời của đại công tước Tôxcan, Galilê đã rời bỏ Padur đến Florence sống và tiếp tục nghiên cứu.


Trong bức thư gửi cho một học trò, Galilê phản đối việc viện dẫn Kinh thánh trong các cuộc tranh luận khoa học, nghiên cứu khoa học không thể chấp nhận giáo điều. Vì nó và cũng vì Galilê công khai ủng hộ học thuyết Côpenic mà ông bị tố cáo lên tòa án dị giáo Roma. Cuối năm 1615, Galilê đã phải lên đường đến Roma để giải trình tự bảo vệ mình. Ông đã có những lập luận xuất sắc, vừa tránh được mọi vụ va chạm tới Kinh thánh, vừa khéo léo bảo vệ được những nhận thức khoa học của mình. Tuy nhiên, buổi giải trình đó đã không làm lắng dịu được mà có thể còn trái lại, làm tăng thêm nỗi lo lắng cho giáo hội. Do đó, đầu năm 1616, tòa án dị giáo đã ra sắc lệnh chỉ rõ chuyển động của Trái Đất là trái với kinh thánh, cấm lưu hành cuốn sách của Galilê, cuốn sách của Côpenic và cấm truyền bá thuyết Nhật tâm.


Sau khi trở về từ Roma, Galilê lại tiếp tục hăng say nghiên cứu khoa học. Ngoài thiên văn, trên cơ sở quan sát và thực hành thí nghiệm, ông còn nghiên cứu nhiều lĩnh vực như quang học, âm học… Khó lòng kể ra hết những công trình của Galilê. Tuy nhiên, chính những thành tựu mà Galilê đã đạt được trong những công trình nghiên cứu về sự chuyển động và việc chứng minh tính đúng đắn của hệ Nhật tâm mới làm ông trở thành vĩ đại. Chuyển động là một vấn đề phức tạp. Đến thời Galilê, con người vẫn hiểu rất sơ sài và mù mờ về hiện tượng chuyển động và nhất là bản chất của nó.


Khi nghiên cứu hiện tượng chuyển động, Galilê đã chỉ ra rằng, đối với một hòn bi chuyển động trên một mặt phẳng nghiêng, nếu nó lăn theo chiều dốc xuống thì tốc độ của nó tăng dần, nếu tác động cho nó lăn theo chiều dốc lên thì tốc độ của nó giảm dần, vậy thì nếu viên bi đó chuyển động trên một mặt phẳng không dốc lên cũng không dốc xuống thì tốc độ của nó không đổi, nghĩa là nó sẽ chuyển động mãi mãi trên mặt phẳng đó. Ngày nay, chúng ta thấy thật dễ hiểu và có vẻ hiển nhiên, nhưng vào thời kỳ đó thì đây là một phát hiện xuất sắc của Galilê và cũng vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của vật lý học. Bằng quan sát trực giác thông thường, do có hiện tượng ma sát, sẽ không thể thấy được một viên bi “tự nó” lại có thể chuyển động đều mãi mãi trên mặt phẳng ngang.


Phát hiện xuất sắc như trên của Galilê không chỉ có một. Chúng ta có thể kể thêm một phát hiện về chuyển động cũng xuất sắc không kém của ông. Theo Galilê, trên một con tàu thủy đứng yên, nếu có một quả cầu bằng chì được thả từ đỉnh cột buồm xuống thì đương nhiên nó phải rơi thẳng đứng xuống sàn tàu ngay sát chân cột buồm. Nhưng nếu thực hiện thí nghiệm trên chiếc tàu đang chạy với vận tốc độ đều thì sự thể sẽ ra sao? Vẫn thế! Nghĩa là quả cầu vẫn rơi thẳng đứng xuống ngay sát chân cột buồm. Nhưng vì sao vậy? Galilê giải thích rằng, quả cầu trong tay người thủy thủ trên đỉnh cột buồm của con tàu chuyển động đều thì so với người thủy thủ đó, nó nằm yên, nhưng nếu quan sát từ vị trí cố định nào đó ở trên ngoài con tàu, sẽ thấy nó chuyển động ngang cùng con tàu với cùng một tốc độ. Khi người thủy thủ buông quả cầu ra thì nó rơi xuống. Nhưng trong suốt quá trình rơi, chuyển động ngang của nó vẫn không thay đổi, nghĩa là con tàu di chuyển xa bao nhiêu nó cũng di chuyển xa chính xác bấy nhiêu. Vì vậy mà cách thức rơi của quả cầu trong hai trường hợp đứng yên và chuyển động đều của con tàu là như nhau. Như vậy Galilê đã phát hiện ra tính bảo toàn chuyển động vốn có của một vật (và sau này, năm 1638, ông còn phát biểu thêm rằng, sự thay đổi trạng thái chuyển động có thể qui cho tác động của môi trường xung quanh). Hơn nữa, hiện tượng còn dẫn đến kết luận là nếu đứng trên tàu và chỉ dựa vào việc quan sát sự rơi của quả cầu để nhận định thì không thể nào phát hiện được tàu đang đứng yên hay đang chuyển động đều.


Kết luận đó đã vạch trần luận cứ sai lầm của Arixtốt về chuyển động dẫn đến khẳng định Trái Đất đứng yên đã tồn tại hơn một ngàn rưỡi năm, và hoàn toàn ủng hộ quan niệm của Côpenic cho rằng Trái Đất là một con tàu khổng lồ chạy trên đại dương Vũ Trụ mênh mông. Galilê viết: “Vì Trái Đất và con tàu phải hành động như nhau, nên từ sự rơi thẳng đứng và việc chạm vào chân tháp của viên đá không có cách gì suy ra việc chuyển động hay đứng yên của Trái Đất”.


Có thể thấy những kết luận khoa học trong nghiên cứu chuyển động của Galilê đóng vai trò như tiền thân của những định luật cơ sở của cơ học mà sau này được Niutơn phát biểu ở dạng hoàn chỉnh. Chính vì vậy mà ngoài sự được thừa nhận là người khai sinh ra phương pháp nghiên cứu thực nghiệm trong khoa học, Galilê còn được nhiều người coi là ông tổ của nền vật lý học thực chứng.


Âm thầm nghiên cứu khoa học mà không được công bố những phát kiến của mình thì thật là muộn phiền. Có lẽ vì thế mà vào năm 1621, vừa bình phục sau một trận bệnh nặng, Galilê đã viết thư gửi giáo hoàng La Mã trình bày quan điểm của mình về nghiên cứu khoa học với lời lẽ nhã nhặn và xin được cứu xét. Trong thư có đoạn viết: “Tôi không chống đối giáo hội, bởi vì tôi là một thành viên của giáo hội. Nhưng tôi là nhà khoa học và lương tâm của một nhà khoa học buộc tôi cần phải tôn trọng sự thực khách quan…”. Cần nói thêm rằng trên thực tế, Galilê vẫn quan niệm rằng trước con người có hai cuốn sách nói về hai chân lý, đó là cuốn sách tự nhiên và cuốn sách kinh thánh, và giữa chúng không có mối liên quan với nhau. Tôn giáo có ý nghĩa đạo đức, gần gũi với đời sống hàng ngày, dạy con người điều hay lẽ phải, trí tuệ không có thẩm quyền trong công việc của tôn giáo. Ngược lại, quan niệm tôn giáo cũng không có vai trò gì trong nhận thức khoa học và chỉ có khoa học mới giúp con người khám phá được bản chất của tự nhiên. Galilê thừa nhận có “cú hích” đầu tiên của Thượng Đế đối với giới tự nhiên, nhưng sau “cú hích” đó thì tự nhiên hoạt động tuân theo những qui luật riêng của nó. Ông không bao giờ bài bác hoàn toàn học thuyết của Arixtốt mà trái lại cần phải học tập Arixtốt, tuy nhiên không nên coi luận cứ khoa học nào của Arixtốt cũng là chân lý.


Có lẽ một phần là do đã lừng danh về tài năng khắp châu Âu, một phần là do sự chân tình của mình và cũng có phần do không khí giáo hội đã tương đối êm dịu hơn mà năm 1624, Galilê được giáo hoàng La Mã, một người bạn cũ của ông đồng ý cho tiếp kiến. Kết quả là Galilê được phép viết một cuốn sách bàn luận về hai hệ thống Vũ Trụ của Ptôlêmê và của Côpecnic nhưng không được kết luận Trái Đất quay quanh Mặt Trời nghĩa là không được ủng hộ Côpecnic, vì như thế là xúc phạm đến quyền lực vô biên của Chúa. Thế là Galilê trở về xúc tiến việc hoàn thành tác phẩm khoa học trình bày những kết quả đã gặt hái, đúc kết được trong sự nghiệp nghiên cứu của mình.


Năm 1630, tức 14 năm sau khi học thuyết Nhật tâm của Côpecnic bị cấm truyền bá, Galilê thực hiện xong bản thảo tác phẩm quan trọng nhất đời mình, có tên “Đối thoại về hai hệ thống chủ yếu của thế giới” (gọi tắt là “Đối thoại”). Ông lập tức mang bản thảo tới Rôma để xin phép xuất bản. Cơ quan kiểm duyệt đồng ý cho xuất bản với điều kiện phải có lời nói đầu khẳng định rằng học thuyết Côpecnic chỉ là một giả thuyết. Galilê đã thực hiện yêu cầu đó, có nhắc cả đến sắc lệnh lên án học thuyết Côpecnic, nhưng nói thêm rằng, giả thuyết Côpecnic, dù có thể không bằng thuyết Địa tâm thì vẫn có lý hơn trước lý lẽ phản đối của các nhà khoa học kinh viện. Ông còn đề tặng cuốn sách cho đức ông Phecdinăng II và đại công tước Tôxcan. Trải qua nhiều phiền hà, đến năm 1632, tác phẩm mới được in xong và ra mắt độc giả.


Về hình thức, tác phẩm nói về cuộc đối thoại của ba nhân vật, trong số đó, một nhân vật đại diện cho Côpecnic, bảo vệ thuyết Nhật tâm, nhân vật thứ hai đại diện Ptôlêmê, bảo vệ thuyết Địa tâm, nhân vật thứ ba đại diện cho Galilê, ủng hộ “phe” Côpecnic. Tuy nhiên, về nội dung thì chính là sự đúc kết những phát kiến khoa học, những quan niệm có tính triết học của Galilê, trên cơ sở đó mà lập luận, chứng minh học thuyết Côpecnic là đúng đắn. Phải nói rằng bằng những luận cứ chắc chắn, những thực chứng khó lòng chối cãi, Galilê đã chỉ ra những luận điểm sai lầm của Arixtốt, của Ptôlêmê về thuyết Địa tâm, phủ nhận triệt để những lập luận giáo điều của các nhà thần học, kinh viện, chứng minh chặt chẽ tính chân lý của thuyết Côpecnic “một cách vật lý” trên cơ sở những phát kiến như những định luật cơ học của ông. Vì thế mà ngay từ đầu, tác phẩm “Đối thoại” đã gây chấn động dư luận, làm cho giáo hội phản ứng mãnh liệt. Một cơn cuồng nộ tôn giáo nhanh chóng hình thành và nhẫn tâm giáng xuống cuộc đời nhà vật lý học đi tiên phong thiên tài, đồng thời cũng là kẻ ngoan đạo.


Tháng 8 năm 1632, tòa án dị giáo ra sắc lệnh cấm lưu truyền cuốn sách “Đối thoại”. Giáo hội đi đến kết luận rằng tuy Galilê không có một phát biểu hay nhận định nào trực tiếp phản bác những giáo điều kinh thánh, nhưng chỉ có những kẻ ngốc mới không nhận thấy ý đồ thật của ông ẩn chứa trong tác phẩm. Làm sao mà hiểu khác được khi Galilê cho nhân vật ủng hộ thuyết Nhật tâm reo lên: “Hỡi Nicôlai Côpecnic, người sẽ vui mừng biết bao nếu thấy được chân lý của người đã được những sự kiện này khẳng định như thế nào!”. Thế là chỉ một thời gian ngắn sau đó, giáo hoàng đã ra sắc lệnh triệu tập Galilê về Rôma để đưa ra xét xử.


Galilê đang lâm bệnh, xin tạm hoãn, nhưng tòa án dị giáo dọa rằng nếu không đi ngay sẽ bị xích tay áp giải cưỡng bức. Rốt cuộc, ông đành phải lên đường trong tình trạng nằm trên cáng và đến Rôma vào tháng 2 năm 1633. Đến tháng 4 thì phiên tòa xử Galilê được mở ra.


Vào buổi sáng ngày 22-6-1632, trong phòng của tu viện Minecva, đứng trước hàng giáo phẩm cao cấp của pháp đình La Mã, là một Galilê già nua ốm yếu, tay chân run rẩy, khuôn mặt xanh mét, khoác trên người chiếc áo vải bao bố của kẻ phạm tội xám hối. Một người đứng lên từ hàng giáo phẩm cất vang một giọng đều đều trong bầu không khí bao trùm bởi sự lạnh tanh đến rợi người: “Qua tất cả những kết quả này thì ông có thể được xá tội nhờ một tấm lòng say mê và một đức tin chân thành. Tuy nhiên ông phải tự chửi rủa và thề sẽ bỏ đi những tà thuyết mà ông từng ôm ấp, cũng như bất cứ tà thuyết nào chống lại giáo hội Thiên Chúa. Và trong khi chờ đợi, ông sẽ bị giam vào nhà ngục của pháp đình”. Trước nguy cơ có thể bị giam hãm, tù đày, bị tra tấn đau đớn đến chết, hơn nữa trước viễn cảnh không còn được nghiên cứu, sáng tạo khoa học - điều mà Galilê không thể chịu đựng nổi, ông đã xử sự như một kẻ ăn năn đáng kính, quì gối trước hội đồng thẩm vấn, thề trước giáo hội là sẽ không bao giờ giảng dạy và truyền bá các “tà thuyết” nữa. Rồi ông đưa bàn tay gầy gò run run ký vào một văn bản được soạn sẵn, trong đó ông thừa nhận những hành động sai lầm của mình.


Dù vậy, tòa án dị giáo vẫn không hoàn toàn buông tha ông, định giam ông suốt đời, nhưng do bị áp lực của dư luận xã hội tiến bộ, giáo hội đã buộc phải chuyển sang hình thức giam lỏng với lý do: ông là “phần tử rất khả nghi là có tội dị giáo”.


Sau phiên tòa, Galilê quay về Arcetri, là nơi ông đang ở và phải chịu sự quản thúc, giám sát nghiêm ngặt của giáo hội cho đến hết đời. Ngay Florence, nơi rất gần chỗ ông ở, ông cũng không được lai vãng tới.


Có thể đánh giá như thế nào về sự khuất phục của ông trước tòa án dị giáo? Chúng ta cho rằng trước một cường bạo sẵn sàng đàn áp thẳng tay, không thương tiếc bất cứ kẻ nào chống lại nó thì nếu còn muốn tiếp tục nghiên cứu khoa học, Galilê chỉ còn duy nhất sự lựa chọn là tìm cách hòa hoãn với nó và tạm thời chịu khuất phục một cách hình thức. Chắc rằng đó cũng là cách duy nhất đúng. Không phải ai cũng nhận thức được điều đó và làm được như thế mà vẫn được đời sau cảm thông, kính phục. Tại sao Quan Công khi thất thế phải về tá túc với kẻ thù của chủ mình, lập công cho kẻ thù (Tào Tháo) bằng cách chém đầu hai viên tướng tài là Nhan Lương, Văn Sú của Viên Thuật mà đời sau vẫn trọng vọng, tôn thờ về lòng trượng nghĩa và được biện minh là “hàng Hán chứ không hàng Tào”? Tại sao những người theo tư tưởng Nho Giáo cực đoan phương Đông thời trung cổ không dám làm như Galilê đã làm trước áp bức cường quyền? Và như thế nào thì mới được gọi là vinh, như thế nào thì bị gọi là nhục? Chúng ta nhường câu trả lời cho các… bậc tiền bối. Đối với chúng ta thì Galilê đã ứng sử sáng suốt!


Chính Galilê đã giúp chúng ta đoán nhận được và hoàn toàn cảm thông được suy nghĩ và lựa chọn ngặt nghèo giữa sống và chết, giữa nhục và vinh, giữa nghĩa vụ và bổn phận, khi câu hỏi của ông vẫn còn được lưu truyền đến ngày nay: “Mặc dù tôi yên lặng, nhưng tôi sẽ không sống những ngày tàn mà không hành động. Tôi có kế hoạch bắt tay vào việc chuẩn bị vài bản sao để gửi các phát minh của tôi đi khắp mọi nơi trên đất Ý, gửi sang Đức và Tây Ban Nha”.


Năm 1630, Galilê viết tác phẩm “Đàm thoại và những chứng minh toán học về hai khoa học mới”, trình bày các thí nghiệm đầu tiên và các quan niệm đã chín muồi về cơ học, những nghiên cứu về âm học. Năm 1637, ông đã có một khám phá cuối cùng về Thiên văn học: tìm ra các biến đổi lạ lùng của Mặt Trăng mà ngày nay được gọi là sự nhiễu động. Chỉ vài tháng sau khám phá đó, mắt Galilê hoàn toàn bị lòa do nhiều năm quan sát Mặt Trời. Trong lá thư gửi cho một người bạn, ông viết: “Tôi hoàn toàn bị mù rồi anh ạ! Không còn cách nào chữa khỏi. Nào là bầu trời, Trái Đất, Vũ Trụ, với những điều kỳ diệu mà tôi đã thấy và ghi chép lại, tôi đã được mở rộng gấp ngàn lần niềm tin của những thời quá khứ. Tất cả đều thu hẹp vào khoảng không gian bé nhỏ mà tự tôi chiếm cứ được. Điều đó làm cho Chúa hài lòng, và tất nhiên cũng làm tôi hài lòng”.


Năm 1640, nhờ sự trợ giúp ghi chép của học trò, Galilê hoàn thành tác phẩm cuối cùng của đời mình là “Phép tắc của chuyển động”. Mùa đông năm 1641, sau khi cuốn sách đó được xuất bản, Galilê lâm bệnh nặng. Ngày 8-1-1642, ông trút hơi thở cuối cùng trước sự chứng kiến của hai kẻ đại diện cho tòa án dị giáo, có nhiệm vụ giám sát ông. Điều an ủi cho linh hồn Galilê là trong phút lâm chung, còn có sự hiện diện của Viviani và Tôrixenli, hai học trò xuất sắc của ông và họ đã túc trực bên thi hài ông sau khi ông mất.


Tính ra, Galilê thọ được 78 năm nhưng phải mất 8 năm cuối đời sống và nghiên cứu khoa học trong sự giám sát chặt chẽ của giáo hội. Trên bia mộ ông có ghi dòng chữ: “Ông đã mất thị giác, vì rằng trong thiên nhiên không còn có cái gì mà ông chưa nhìn thấy”.


Rất lâu về sau, vào cuối thế kỷ XX, nhờ giáo hội Công Giáo có một số đổi mới cho phù hợp hơn với tình hình của thế giới đương đại mà năm 1992 (tức là khoảng 350 năm sau) tòa thánh Vatican mới công bố hủy bản án năm 1633 và phục hồi danh dự cho Galilê vì cho rằng ông… có lý. Lịch sử nhận thức của loài người thật bi hài!.


***


Cuộc trường chinh của nhân loại đi nhận thức thế giới khách quan quả là lạ lùng, cứ như một đoàn kiến mải miết hành quân trên một lộ trình quanh co, khúc khuỷu và dài dằng dặc. Cái lộ trình ấy cứ như là đã được định hướng sẵn cho dù không ít những chú kiến lăng xăng, xục xạo, đi ngang đi ngửa, chạy lên chạy xuống có vẻ hối hả, không ít những chú kiến đi ngược chụm đầu với những chú kiến đi xuôi như mách bảo, thông báo cho nhau điều gì đó có vẻ hệ trọng, cũng có một vài đám đông tụ tập quanh một cái gì đó bên lề lộ trình như để bàn tán, tranh luận có vẻ ồn ào, rồi lại tản ra mặc ai nấy đi, mỗi kẻ một phận sự, thế rồi cũng đến lúc “kiến tha lâu đầy tổ”.


Lúc đầu là cảm nhận trực giác, “thấy sao nói vậy”, và được thừa nhận là đúng. Thời gian trôi đi, rồi tư duy chợt nhận ra không phải “thấy sao nói vậy” lúc nào cũng đúng. Khi thấy một hình người ở xa và nói: “Có một người” thì chưa chắc đã đúng, vì lúc đến gần có thể đó đúng là một con người nhưng cũng có thể không phải mà chỉ là một khối đá. Từ đó, bụng bảo dạ, tư duy thầm nhủ: “Từ nay, mới thấy cái gì đó thì đừng vội kết luận kẻo lại: nói hớ. Cần phải xem xét cẩn thận!”. Nói là phải xem xét, tưởng dễ, hóa khó ra phết! Ở gần thì chả nói làm gì! Nhưng khi một cái gì đó hiện ra ở tít tắp (chẳng hạn ở trên trời cao) thì làm sao mà xem xét được? Đành phải dựa vào kinh nghiệm rút ra từ những lần quan sát trong quá khứ để kết luận mà thôi. Nhưng xem xét “kiểu gián tiếp” như thế, ở mức độ nào đó. lại cũng tương tự như “thấy sao nói vậy” và dù có thể đúng nhiều, thì cũng không ít sai. Vậy để xác nhận cái gì đó chắc chắn là cái gì thì tư duy phải làm sao? Phải đi tìm và cố hiểu cho được cái “sự kỳ quặc” ấy, nghĩa là phải giải đáp cho được câu hỏi: “Tại sao?”. Lúc đầu, tư duy tưởng việc làm thỏa mãn “Tại sao?” đơn giản chỉ cần đưa ra vài ba câu trả lời là xong. Tư duy đâu có ngờ rằng “Tại sao?” là một thứ quỉ quái, không đụng đến nó hoặc trả lời trơ tráo như anh chàng nông dân nọ là “Trời sinh ra thế!” thì thôi, còn đụng đến nó mà muốn “cho ra nhẽ” thì hỡi ơi, nó sinh sôi đến phát khiếp, cứ như phản ứng hạt nhân dây chuyền vậy. Chính vì thế mà cuộc đi chinh phục “Tại sao?” của tư duy loài người, một giống loài có thể là tò mò tọc mạch nhất thế giới tự nhiên, đến thế kỷ XXI rồi mà vẫn chưa thấy một chút manh mối nào của sự kết thúc.


Tự Nhiên Tồn Tại là vốn dĩ và không là gì khác ngoài Không Gian cùng biểu hiện của Nó là Vận Động. Khi quan sát không gian và vận động thì phải đi đến khái niệm về sự tồn tại của thời gian. Không thể vận động mà không tương tác (mà biểu hiện ở tầng sâu nhất của tương tác là kích thích - cảm ứng). Quan sát ở một tầng nấc vĩ mô nhất định, tương tác được thấy là sự thực hiện làm ảnh hưởng lẫn nhau giữa hai hay nhiều lực lượng Không Gian đặc thù, phân tương đối thành hai bộ phận tương phản nhau là chủ động và thụ động, lập thành mối quan hệ tác động - phản ứng. Có thể nói trong thế giới vĩ mô, một trong những biểu hiện rõ ràng nhất của tương tác là quá trình tác động - phản ứg của vạn vật - hiện tượng. “Thành tích đáng khen” của tương tác là làm phát hiện ra trực giác, “thành tích đáng nể” của tương tác là làm phát hiện ra nguyên lý bảo toàn, nhưng “thành tích kỳ diệu” của nó là làm nên cảm giác, tư duy và đỉnh cao của tư duy là sự suy lý. Có thể tóm tắt thế này: không có tương tác thì không có trực giác, không có trực giác thì không có cảm giác, không có cảm giác thì không có tư duy, không có tư duy thì không có suy lý. Suy lý là biểu hiện sự “trưởng thành” của tư duy và nếu tư duy không “trưởng thành” được thì loài người không thoát được lối sống bầy đàn thiếu định hướng trong thiên nhiên hoang dại. Nhưng thật may mắn là Thượng đế đã phán: rằng, tư duy phải trưởng thành để có suy lý mà đảm đương nhiệm vụ thiêng liêng mà vạn vật - hiện tượng, muôn loài sinh vật giao phó: đi nhận thức thế giới!


Thời tiền sử, do kinh nghiệm tích lũy được từ thực tiễn cuộc sống và quan sát trực giác chưa có bao nhiêu và còn rất sơ sài nên sự suy lý cũng hoàn toàn yếu ớt và bất lực trước những hiện tượng choáng ngợp, những biến cố phi phàm của thiên nhiên. Khi suy lý bất lực thì nó biến thành động lực hối thúc tư duy trưởng thành. Tinh thần bất khuất không chê vào đâu được, không thể hủy diệt được của tư duy đã làm thăng hoa sự suy lý. Trong tình cảnh còn quá nghèo nàn về mặt nhận thức, sự suy lý không còn con đường nào khác là phải tự khai phá, mở một con đường độc đạo mà sau này được đặt tên là “Triết học” để chinh phục “Tại sao?” và những bước đầu tiên của sự suy lý trên con đường ấy là đến với khái niệm thần linh. Thần linh là một hay nhiều vĩ tượng vô hình hoặc hữu hình cực kỳ cao siêu, toàn trí toàn năng, tối cao thế lực, tạo ra mọi sự phi phàm trên đời hoàn toàn quyết định số phận loài người cho nên cũng hết mực thiêng liêng.


Tuy nhiên, con đường suy lý được mở ra một cách trực giác và tích cực đó thực ra là kết quả của sự mở rộng con đường suy lý tự phát vốn dĩ đã có từ trước, mà gốc xuất phát của nó có thể thấy được trong buổi đầu “vật lộn" với thiên nhiên để sống còn của loài người. Sự mở rộng ấy vô hình dung làm xuất hiện một tuyến mới bên cạnh tuyến cũ và cùng hướng đến làm thỏa mãn sự đòi hỏi nhận thức ngày càng cao. Nếu tuyến “cũ” là sự suy lý trên cơ sở thực tiễn khách quan, có tính thực dụng và tạm gọi là “suy lý khoa học” thì tuyến “mới” tuy ban đầu cũng xuất phát từ con đường tạm gọi là “suy lý nguyên thủy” như tuyến “cũ”, nghĩa là cũng từ thực tiễn, nhưng có vẻ thoát ly thực tiễn, có vẻ như “mơ mộng viển vông” và tạm gọi là “suy lý triết học”. Sự tách biệt thành hai tuyến có tính tương đối vì dù là hai tuyến thì vẫn là hai bộ phận của chỉ một con đường. Hai tuyến đó nằm trong mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau, lúc hòa hợp nhau, lúc bài bác nhau, thống nhất rồi phân biệt, phân biệt để thống nhất, gây ảnh hưởng đến mỗi tuyến, làm cho mỗi tuyết, nhất là tuyến “suy tư triết học” trong bản thân nó cũng bị phân biệt, nổi lên biết bao nhiêu chướng ngại khúc khuỷu, gập ghềnh. Tình hình đó chính là nguyên nhân làm xuất hiện những hiện tượng lạ lùng, những điều có vẻ kỳ dị trong suốt cuộc trường chinh đi nhận thức thế giới của loài người. Chẳng hạn như sự tồn tại đến hơn một ngàn năm như một sự thực hiển nhiên của hệ thống Địa tâm Ptôlêmê, hay như biết bao nhiêu triết thuyết ra đời chỉ nhằm mục đích duy nhất là giải thích thế giới khách quan và ít nhiều đều có lý đồng thời cả phi lý. Chúng đối chọi nhau chí chóe chẳng cái nào chịu cái nào, thậm chí có cái xuất hiện từ xa xưa, Và cũng đã “chết” từ lâu rồi bỗng nhiên sống lại hò hét ồn ào, hay là sống đi chết lại đến mấy lần mà đến nay vẫn chưa chịu… chết hẳn.


Thế thì nguyên nhân nào gây ra tình hình đó? Tại nhận thức của con người còn nông cạn chăng? Có thể đó cũng là một trong những nguyên nhân nhưng chắc rằng nguyên nhân cội rễ chính là bản chất biểu hiện nước đôi của Tự nhiên Tồn tại trước quan sát.

(Còn tiếp)
---------------------------------------------------------------



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét