CHẲNG THEO AI NỮA (ĐL)
CHẲNG THEO AI NỮA
"Ta có tai mắt, ta nghe ta trông, ta có tâm tư, ta suy ta nghĩ, đối với
người xưa có lúc ta thờ như thầy, có lúc ta kính như bạn, cũng có lúc
ta kình địch không chịu, ta theo cái lý nhất quyết không làm tôi tớ cổ
nhân"
(Lương Khải Siêu)
Xưa ta theo Khổng-Mạnh
Hiểu ương ngạnh ngũ thường
Cố công thành danh toại
Mù quáng sống kiên cường
Sau đó ta theo Mác
Hùng hục thói đấu tranh
Mơ hão hoài lý tưởng
Cung cúc sống trung thành
Đôi lần hướng về Phật
Tin phủ dụ Niết Bàn
Ngày đêm ngồi gõ mõ
Hồn phách lạc non ngàn
Rồi ta theo Lão-Trang
Xuất thế về vô vọng
Giũ sạch thói hiên ngang
Nhún nhường, không xao động
Giờ hồn ta đã lộng
Bỏ hết chẳng theo ai
Giữa Đất-Trời cao rộng
Tung tăng kiếp bồng lai
Đêm nhạt nhòa hắt bóng
Ngày loang lổ hình hài
Không Lão, Khổng không Mác...
Vui lạc thú trần ai!
Trần Hạnh Thu
Review: Đônkihôte - Nhà quý tộc tài ba xứ Mantra
Văn hào Cervantes bất tử cùng Don Quixote
Đây không chỉ là tác phẩm quan trọng nhất của đời ông mà còn là tác phẩm vĩ đại nhất của ngôn ngữ Tây Ban Nha. Thậm chí, trong một cuộc khảo sát do Viện Nobel Na Uy tiến hành, tác phẩm này còn được bình chọn là bộ tiểu thuyết hay nhất mọi thời đại...
Miguel de Cervantes. |
Miguel de Cervantes sinh ngày 29/9/1547 tại Alcala de Henares, gần thành phố Madrid ở Tây Ban Nha, trong một gia đình quý tộc sa sút. Do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, ông chỉ học đến Trung học, nhưng là người có tinh thần tự học rất cao và đặc biệt là rất chăm chỉ đọc sách.
Hơn 22 tuổi, Cervantes đến Ý, đúng vào thời kỳ Phục hưng và làm người hầu cho một Hồng y giáo chủ. Đây là cơ hội lớn cho ông tiếp tục niềm đam mê của mình là đọc sách và học tập.
Cũng tại nước Ý, cùng với người anh Rodrigo, Cervantes tham gia quân đội Tây Ban Nha và tham dự trận thủy chiến danh tiếng Lepanto diễn ra vào tháng 10/1571, chống lại hạm đội của Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra, Cervantes còn tham gia vào nhiều trận chiến khác tại Tunis, Sardinia, Naples, Sicily và Genoa.
Năm 1574, khi trên đường về xứ Tây Ban Nha bằng tàu biển, Cervantes cùng với người anh đã bị hải tặc bắt cóc và bán làm nô lệ tại xứ Algiers. Các cuộc vượt ngục không thành đã khiến cho Cervantes bị hành hạ tàn nhẫn. Mãi đến năm 1580, Cervantes mới được chuộc ra.
Trở về Tây Ban Nha với cơ thể không còn lành lặn, Cervantes quyết định lập gia đình và để đảm bảo mưu sinh, ông bắt đầu quay sang viết, tuy nhiên thơ và một số kịch bản của ông không được đón nhận.
Cervantes quay sang viết truyện, đây là một hình thức văn chương không được giới trí thức lúc bấy giờ quan tâm. Cuốn tiểu thuyết đồng quê đầu tiên của Cervantes có tên là “La Galatea”, được xuất bản vào năm 1585.
Cũng trong khoảng thời gian này, Cervantes phải làm nhiều công việc, kể cả việc làm nhân viên thu mua thực phẩm cho hạm đội Armada, và cũng nhờ tiếp xúc với giới nhà nông mà ông đã hiểu rõ tâm lý và các nỗi cơ cực của họ để sau này hình thành tính cách nhân vật cho cặp nhân vật Don Quixote và Sancho Panza.
Mặc cho túng thiếu và nghịch cảnh, cuốn tiểu thuyết lừng danh “Don Quixote - Nhà quý tộc tài ba xứ Mancha” đã ra đời vào tháng 1/1604.
Ngay khi vừa xuất bản, nó đã trở thành một tác phẩm bán chạy nhất thời điểm đó, với 6 lần tái bản trong 1 năm. Do cuốn truyện được nhiều người tìm đọc, một tác giả giả mạo khác đã viết ra phần tiếp của cuốn tiểu thuyết này. Sự việc gian trá ấy đã khiến cho Cervantes vội vã viết ra phần cuối của cuốn truyện, xuất bản vào năm 1615.
Hình tượng hiệp sĩ Don Quixote và giám mã Sancho Panza. |
“Don Quixote - Nhà quý tộc tài ba xứ Mancha” là một trong những tác phẩm vĩ đại nhất của thời đại Phục hưng và là tiểu thuyết hiện đại đầu tiên của châu Âu. Qua hình tượng Don Quixote, tác giả phản ánh được tính đa diện của con người, bên cạnh tính cách gàn dở là sự tế nhị, thương yêu đồng loại, yêu quý tự do và ghét thói xa hoa ăn bám của bọn quý tộc đương thời và biết trọng đạo lý.
Qua tác phẩm, Cervantes chế giễu những tàn dư của lý tưởng hiệp sĩ phiêu lưu thời phong kiến, đả kích một thị hiếu tầm thường đang phổ biến trong công chúng, biểu lộ khát khao hướng đến một xã hội hậu phong kiến công bằng và nhân đạo hơn.
“Don Quixote - Nhà quý tộc tài ba xứ Mancha” đã chinh phục người đọc trong nước cũng như ngoài nước và được dịch ra rất nhiều tiếng trên thế giới.
Lý giải tại sao bộ tiểu thuyết “Don Quixote - Nhà quý tộc tài ba xứ Mancha” lại có sức chinh phục rộng lớn như vậy, đến độ trở thành cuốn sách "hay nhất của mọi thời đại", một nhà văn đã cho rằng, nếu nói về sự hấp dẫn thì nhiều cuốn sách khác trên thế giới còn hấp dẫn hơn.
Vấn đề là Don Quixote đã đánh thức trong mỗi con người chúng ta bản chất hướng thiện mà hiện thời, nó dễ bị phủ lấp bởi sự hoành hành thống trị của cuộc sống nặng về hưởng thụ, cá nhân vị kỷ, ít quan tâm đến người khác. Và đấy chính là giá trị nhân văn cao cả của tác phẩm…
Trải qua gần 400 năm, vượt ra khỏi sự đào thải của thời gian, “Don Quixote - Nhà quý tộc tài ba xứ Mancha” vẫn dành được sự hâm mộ rộng khắp và được công nhận là một trong những tác phẩm văn học lớn nhất của nhân loại.
Không chỉ có ảnh hưởng lớn trong khuôn khổ văn học, “Don Quixote - Nhà quý tộc tài ba xứ Mancha” vẫn là đề tài của sân khấu, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, màn ảnh. Từ Đông sang Tây, từ Âu sang Á, các nhà phê bình, triết học, các nhà văn, nhà thơ, những người làm công tác văn nghệ, không ai không xác nhận giá trị tư tưởng và nghệ thuật của cuốn truyện này.
Không chỉ có sức sống mãnh liệt về mặt học thuật, “Don Quixote - Nhà quý tộc tài ba xứ Mancha” còn thật sự đi sâu vào cuộc sống thường ngày. Trong các ngày hội, những cuộc vui hóa trang ở Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha cũng như ở nhiều nước châu Âu khác, người ta thường thấy xuất hiện hiệp sĩ Don Quixote và giám mã Sancho Panza "hệt như tả trong truyện".
Tại nhiều cuộc bình chọn văn học cho đến nay, bộ tiểu thuyết "Don Quixote của Miguel de Cervantes vẫn được chọn là “tiểu thuyết số một thế giới”. Nó cũng là một trong những cuốn sách được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất và được tái bản nhiều nhất trong lịch sử nhân loại, chỉ sau Kinh thánh.
Trung tâm Thông tin Tư liệu/TTXVN
Nhận xét
Đăng nhận xét