Thứ Năm, 30 tháng 9, 2021

TT&HĐ V - 42/b


 
Nguyên hàm - Bài 1 - Toán học 12 - Thầy Trần Thế Mạnh (DỄ HIỂU NHẤT)

 
Tích phân - Bài 2 - Toán 12 - Thầy Trần Thế Mạnh (HAY NHẤT)


 PHẦN V:     THỐNG NHẤT 
"Khoa học là một sức mạnh trí tuệ lớn nhất, nó dốc hết sức vào việc phá vỡ xiềng xích thần bí đang cầm cố chúng ta."
Gorky 
 
"Mỗi một thành tựu lớn của nhà khoa học chính là xuất phát từ những ảo tưởng táo bạo". 
JohnDewey
"Chân lý chỉ có một, nó không nằm trong tôn giáo, mà nằm trong khoa học."
Leonardo da Vinci
 
"Cái khó hiểu nhất chính là hiểu được thế giới" 
Albert Einstein
 "Có hai cách để sống trên đời: một là xem như không có phép lạ nào cả, hai là xem tất cả đều là phép lạ".
Albert Einstein
      
“Chính qua cuộc đấu tranh nhằm thống nhất một cách hợp lý cái đa dạng mà đã đạt được những thành công lớn nhất, dù rằng chính ý đồ đó có thể gây ra những nguy cơ lớn nhất để trở thành con mồi của ảo vọng”.
Albert Einstein


“Người nhìn thấy cái đa dạng mà không thấy cái đồng nhất thì cứ trôi lăn trong cõi chết”.

Upanishad       

CHƯƠNG III (XXXXII): THỰC - ẢO

"Hãy sống nhờ trí tưởng tượng của mình thay vì nhờ trí nhớ."

"Biết thì nói là biết, không biết thì nói là không biết, vậy mới thật là biết."
Khổng Tử 
 
"Có thể Chúa tồn tại, nhưng khoa học có thể giải thích về vũ trụ mà không cần tới một đấng sáng tạo."
 "Mục đích của tôi khá đơn giản. Đó là hiểu biết hoàn toàn về vũ trụ, vì sao nó có hình dạng như hiện tại, và vì sao nó tồn tại."
Stephen Hawking

“Tự nhiên không làm bất cứ việc gì vô ích”.
Hêrôn

“Ôi, sự tất yếu diệu kỳ (…), mọi hành động tự nhiên đều tuân theo ngươi bằng con đường ngắn nhất”.

“Vũ Trụ như một trò chơi ảo tượng khổng lồ chứa đầy các ảo ảnh thách thức trí tưởng tượng của chúng ta. Thật nghịch lý, chính một phần nhờ vào những nghiên cứu về các ảo ảnh Vũ Trụ này mà chúng ta hiểu chính xác hơn về hiện thực”.

"Phải chăng có thể tưởng tượng: Vũ Trụ là một đại dương mênh mông mà không gian là nước và vạn vật là những tảng băng trôi dạt; băng tan thành nước và nước cô kết lại thành băng?".
NTT




 
(Tiếp theo)


Như chúng ta đã quan niệm thì chỉ có điểm KG thông thường là đứng yên tuyệt đối, ngoài ra, tất cả những gì được gọi là thực thể trong Vũ Trụ đều phải “xê dịch”, di dời tuyệt đối, bởi vì đơn vị tuyệt đối làm nên thực thể - điểm KG kích thích (hay còn gọi là điểm năng lượng - điểm NL), được thấy như luôn di dời với vận tốc cực đại C một cách phi tuyến tính. Một khi điểm KG thông thường đứng yên tuyệt đối thì mạng khối KG cũng đứng yên tuyệt đối, nghĩa là bất cứ khoảng KG nào “trước mặt” bất cứ hệ quan sát nào cũng đứng yên tuyệt đối. Thế nhưng không có bất cứ hệ quan sát nào có thể thấy được và xác nhận chắc chắn được điều đó, bởi lẽ hoặc đối với chúng, các khoảng không gian là hoàn toàn trống rỗng và không thể phân biệt được, hoặc bình thường thôi: chuyển động tuyệt đối và đứng yên tuyệt đối là hai hiện tượng tuy tương phản nhau hoàn toàn nhưng tương đương cũng hoàn toàn, nên phân biệt được mà cũng không thể phân biệt được. Cũng có thể chỉ ở khoảng tận cùng tầng Vũ Trụ vi mô mới thấy điều đó!
Đó cũng chính là nguyên nhân sâu xa làm cho mọi hệ quan sát không thể xác định chắc chắn được trạng thái chuyển động của bản thân nó và do đó mà cũng không thể xác định chắc chắn tuyệt đối được mọi chuyển động mà nó quan sát thấy. Tình hình đó dẫn đến đối với cùng một đối tượng (một biến cố, một quá trình vận động, chuyển hóa) quan sát, ở những hệ quan sát khác nhau có thể sẽ có những kết quả quan sát tương đối khác nhau. Thậm chí về mặt tương tác cơ học, nếu đem so sánh những kết quả quan sát đó với nhau, còn có thể thấy mối quan hệ tác động - phản ứng bị đảo lộn, nghĩa là một sự vật được cho là đóng vai trò tác động ở hệ quan sát này thì có thể lại được cho đóng vai trò phản ứng ở một hệ quan sát khác. Như thế, phải chăng lời khẳng định rằng trình tự bất biến: nguyên nhân phải có trước kết quả trong mối quan hệ nhân - quả, là sai lầm?
Điều không thể phản bác được là một biến cố hay một quá trình xảy ra trong thực tại khách quan là duy nhất đối với chính nó. Cho nên trình tự làm xảy ra biến cố hay trình tự vận động của quá trình nói trên cũng phải là duy nhất. Chỉ có điều sự biểu hiện của nó ra trước những hệ quan sát khác nhau là có thể khác nhau mà thôi. Cho nên, cũng chính vì thế mà phải cho rằng, một cách khách quan tuyệt đối (không theo quan điểm của bất cứ hệ quan sát nào hoặc trong tưởng tượng, chỉ theo quan điểm của hệ quan sát có trọng tâm gắn chặt với một điểm Không Gian thông thường nào đó), sẽ phải có cái đóng vai trò tác động đích thực và cái đóng vai trò phản ứng đích thực, nghĩa là nguyên nhân bao giờ cũng phải có trước kết quả và không thể có hiện tượng cái này vừa là kết quả lại cũng đồng thời là nguyên nhân của cái kia và ngược lại. Hay chúng ta nói: trình tự nguyên nhân có trước, kết quả có sau trong mối quan hệ nhân - quả của một quá trình là bất biến trước mọi hệ quan sát!
Có thể khẳng định, năng lực chủ quan của một hệ quan sát và tính tương đối của chuyển động là nguyên nhân làm cho nó dễ nhìn nhận lầm lạc, và dù không lầm lạc đi chăng nữa thì kết quả quan sát cũng vẫn có thể bị “đảo lộn” so với hệ quan sát khác như thường. Lạ lùng ghê luôn!
Tuy nhiên, cần phải thấy rõ rằng, sự lũng đoạn của chủ quan lên nhìn nhận của hệ quan sát, dù ở mức độ nào đi nữa thì cũng phải có giới hạn, nghĩa là dù có thể thấy tương đối bị đảo lộn về vai trò của hai đối tượng trong mối quan hệ tương tác thì kết quả quan sát vẫn là đúng đắn đối với bản thân hệ quan sát. Nói cách khác, đối với cùng một hiện tượng khách quan thì ở những hệ quan sát khác nhau sẽ có thể có những kết quả quan sát khác nhau và nếu những kết quả quan sát ấy không phạm sai lầm do kỹ thuật, kỹ năng, không có mâu thuẫn nội tại, thì chúng đều đúng đắn, và mỗi kết quả quan sát ấy đều là sự biểu hiện trung thực về hiện thực khách quan của bản thân hệ quan sát đã tạo ra nó. 
Có thể nói thực tại khách quan chỉ có một, nhưng hiện thực khách quan về nó thì nhiều vô kể, nghĩa là một cách tuyệt đối, không thể có một hiện thực khách quan chung cho mọi hệ quan sát. Tuy nhiên, vì các hiện thực khách quan ấy đều là sự phản ánh về thực tại khách quan duy nhất cho nên những kết quả nghiên cứu khoa học rút ra một cách đúng đắn, có tính cơ bản, cốt lõi, phổ quát (những qui luật, định luật, nguyên lý…) từ những hiện thực khách quan ấy, sẽ phải tuyệt đối như nhau. Điều đó đồng nghĩa với việc là trong những điều kiện nhất định hoặc một cách hình thức, bằng những cách thức, những nguyên tắc, những qui ước… hợp lý, luôn luôn có thể biến đổi một hiện thực khách quan này thành một hiện thực khách quan khác. Vậy hiện thực khách quan là thực tại khách quan của chủ quan một hệ quan sát nào đấy. Cho nên một hiện thực khách quan vừa có tính chung, vừa có tính riêng. Tính riêng là biểu hiện sự khác biệt tương đối giữa hiện thực khách quan này với hiện thức khách quan khác, tính chung là biểu hiện sự đồng nhất giữa chúng.
Một trong những biểu hiện cơ bản nhất về sự đồng nhất giữa các hệ quan sát là bản thân chúng cũng phải hoạt động tuân thủ những nguyên lý tự nhiên và những hiện tượng, quá trình…có tính nguyên tắc và chúng khi quan sát cũng phải tuân thủ những nguyên lý ấy. Một trong những nguyên lý ấy là nguyên lý nhân - quả (với trình tự không thể đảo ngược được giữa nguyên nhân và kết quả trong mối quan hệ trước – sau về mặt thời gian của chúng). 
Nghĩa là đối với cùng một đối tượng quan sát (một hiện tượng, một quá trình), nếu trật tự các biến cố, trình tự diễn tiến của nó được thấy ở hệ quan sát này thì cũng phải được thấy ở các hệ quan sát khác, cho dù có thể có những biến dạng chẳng hạn, xảy ra hiện tượng "con gà đẻ ra cái trứng" hay "cái trứng đẻ ra con gà". Ở những hệ quan sát khác nhau, có thể thấy con gà và cả cái trứng có những hình dạng, thậm chí là màu sắc tương đối khác nhau, thế nhưng ở tất cả hệ quan sát đó đều phải thấy như nhau về quá trình con gà đẻ ra cái trứng theo trình tự con gà có trước, cái trứng có sau, nghĩa là chiều của quá trình đó là không thể bị đảo lộn bởi quan sát.
Cuối cùng, sau một hồi lý giải kiểu “vòng vo Tam quốc” thì rồi chúng ta đi đến những kết luận (có thể là ) đúng nhất về hiện tượng va chạm của hai quả cầu :
- Vì không thể xác định tuyệt đối được chuyển động cho nên ở những hệ quan sát khác nhau, có thể thấy tốc độ chuyển động của quả cầu có những giá trị khác nhau (giả sử không có hệ quan sát nào ở vị trí và góc độ chỉ thấy quả cầu này mà không thấy quả cầu kia). Tình hình đó làm cho việc xác định tuyệt đối quả cầu nào là chủ động tác động và quả cầu nào là thụ động phản ứng, đối với mọi hệ quan sát là không thể. Chỉ có thể xác định được tương đối mối quan hệ tác động - phản ứng mà hiện thực khách quan của hệ quan sát “mách bảo” và đều xác đáng  đối với hệ quan sát đó.
- Tuy nhiên việc xác định quả cầu nào đóng vai trò chủ động tác động lại không hề quan trọng trong việc nghiên cứu hiện tượng tương tác cơ bản học và cũng không hề vi phạm đến nguyên lý nhân quả (nghĩa là trình tự của một quá trình tương tác và biến đổi cơ học phải được thấy như nhau ở mọi hệ quan sát). Quan điểm cho rằng quả cầu chủ động tác động đóng vai trò là nguyên nhân đầu tiên làm xảy ra quá trình tương tác và biến đổi cơ học, là phiến diện, thậm chí là ngộ nhận. Do tính tương đối của chuyển động đối với quan sát mà trạng thái đứng yên và trạng thái chuyển động là hai trạng thái bình đẳng nhau về mặt động học (chúng là tiền đề tồn tại của nhau, có thể chuyển biến thành nhau trước quan sát). Không thể nói rằng chỉ quả cầu chuyển động đóng vai trò là nguyên nhân làm xảy ra va chạm, vì như thế là không đầy đủ. Quả cầu chuyển động chỉ là một yếu tố tạm gọi là tiền nguyên nhân (nguyên nhân tiềm năng), một bộ phận hợp thành nguyên nhân, chứ không phải là nguyên nhân đích thực. Nguyên nhân đích thực của va chạm phải là do cả hai quả cầu tạo ra. Chắc chắn rằng nếu không có quá trình chuyển động của một trong hai quả cầu thì không thể có va chạm giữa chúng. Nhưng nếu không có quá trình đứng yên “ở đó” của quả cầu kia thì cũng không thể xảy ra va chạm. Vậy phải khẳng định rằng sự va chạm của hai quả cầu là được quyết định bởi sự phối hợp quá trình chuyển động của cả hai quả cầu (trong đó có thể có một quá trình chuyển động gọi là sự đứng yên). Nói cách khác, quá trình chuyển động theo cách thức nào đó của cả hai quả cầu là nguyên nhân gây ra sự va chạm giữa chúng. Sự phân biệt giữa tác động và phản ứng chỉ là tương đối, nhằm phân biệt tương đối giữa sự chủ động gây ra tương tác với sự bị động “chờ” tương tác, thế thôi, chứ thực ra chúng xảy ra đồng thời và có bản chất như nhau.
- Quá trình chuyển động với cách thức xác định của hai quả cầu đó là kết quả của những nguyên nhân trước đó, xuất phát từ sự tương tác giữa chúng với môi trường trong quá khứ. Những tương tác giữa chúng với môi trường trong quá khứ. Những tương tác ấy là vừa có tính tất yếu, vừa có tính ngẫu nhiên, vừa có tính chủ động, vừa có tính thụ động. Một trong những biểu hiện về tính chủ động rõ rệt nhất là có những tương tác do con người cố ý gây ra một cách có tính toán, có chủ đích. Chính vì vậy mà sự va chạm của hai quả cầu cũng có thể là hiện tượng tất yếu hay ngẫu nhiên, xảy ra do cưỡng bức hay tự nhiên. Nhưng vì luôn là kết quả của một nguyên nhân. Nếu bằng hai cách cưỡng bức và tự nhiên tạo nên hai sự va chạm giống hệt nhau, thì hai cách đó phải tạo ra được hai nguyên nhân giống hệt nhau, nghĩa là phải tạo ra những yếu tố, điều kiện, quá trình như nhau, hoạt động tuân theo những nguyên lý, qui luật chung.
- Va chạm giữa hai quả cầu có nguyên nhân từ quá trình chuyển động của hai quả cầu, là một hiện tượng được “nhìn thấy” ở mọi hệ quan sát và biến cố va chạm cũng là một hiển nhiên mà mọi hệ quan sát phải xác nhận. Và mọi hệ quan sát đều phải thấy điều quan trọng này: biến cố va chạm là kết quả có nguyên nhân từ sự chuyển động của hai quả cầu và đồng thời, đến lượt nó là nguyên nhân gây ra tương tác, làm phát sinh hai quá trình biến đổi đồng thời >> ’, và >> ’. Hai quá trình đó là tiền đề tồn tại của nhau nhưng cũng độc lập tương đối với nhau, không có quá trình này thì tất yếu không có quá trình kia, mà xét cho cùng thì chúng được coi như hai quá trình bộ phận tương phản nhau của một quá trình thống nhất, của một hệ thống vận động cân bằng (nếu không chịu những tác động nào khác, phát sinh có yếu tố ngoại lai!).
Có lẽ người đầu tiên đề cập đến mối quan hệ nhân - quả là Arixtốt. Ông từng viết trong tác phẩm “Vật lý học” (Quyển II):
“… Tri thức là đối tượng của sự thẩm tra, và người ta không cho rằng mình biết được một điều gì trước khi nắm bắt được cái “tại sao” của nó (có nghĩa là nắm bắt được nguyên nhân chủ yếu của nó). Do đó, thật rõ ràng là chúng ta phải làm điều này đối với cái sẽ hiện hữu cũng như đối với cái đang qua đi và mọi loại thay đổi tự nhiên, để một khi biết được những nguyên nhân của chúng, chúng ta có thể nhớ tới những nguyên nhân này để giải đáp các vấn đề của chúng ta.
Theo nghĩa thứ nhất, “nguyên nhân” được áp dụng cho một sự vật được hình thành và tồn tại, ví dụ, chất đồng của bức tượng, chất bạc của cái chén…
Theo nghĩa thứ hai, “nguyên nhân” là hình thái hay nguyên mẫu, tức là sự trình bày yếu tính và những loại của nó (ví dụ, tương quan 2:1 của bát âm, và thường là số, và những phần trong định nghĩa).
Theo nghĩa thứ ba, “nguyên nhân” là nguồn nguyên thủy của sự thay đổi hoặc của sự ngưng nghỉ. Ví dụ, người đưa ra ý kiến là nguyên nhân, người cha là nguyên nhân của người con, và thường là cái làm ra cái được làm, cài làm thay đổi cái bị thay đổi.
Theo nghĩa thứ tư, “nguyên nhân” là mục đích hay cái mà vì nó, một sự vật được thực hiện. Ví dụ, sức khỏe là nguyên nhân của việc đi lại (Tại sao anh ta đi bách bộ? Chúng ta bảo: “Để có sức khỏe”; Và khi nói thế, chúng ta nghĩ rằng mình đã gán cho nó một nguyên nhân). Điều đó cũng đúng cho mọi bước trung gian xảy ra trong hình động cũng như phương tiện để hướng tới chủ đích…
Có lẽ bàn về những cách thức mà thuật ngữ “nguyên nhân” được sử dụng như thế cũng khá đủ”.
Trong số những loại nguyên nhân mà Arixtốt liệt kê ở trên, đáng chú ý nhất là loại nguyên nhân thứ tư. Loại nguyên ngân này thật kỳ lạ. Nó có tính “tiên quyết”, làm cho kết quả được hình thành nên như thế nào là theo “ý” nó, do nó định đoạt từ trước. Chẳng hạn, cây lúc mọc lên, phát triển rồi tạo ra những hạt lúa. Nhưng tại sao cây lúa chỉ có thể tạo ra những hạt lúa mà không phải là những hạt khác như hạt đậu chẳng hạn? Theo Arixtốt thì trong sự phát triển của cây lúa đã gồm chứa loại nguyên nhân hướng cây lúa phải trổ ra hạt lúa chứ không thể hạt khác. Hay lấy một ví dụ khác cho rõ hơn: Có một anh chàng đi đến nhà hát, một người hỏi: “Đến đó làm gì?”, anh ta trả lời: “Để xem kịch!”. Vậy thì (theo Arixtốt) nguyên nhân anh chàng kia đi đến nhà hát là “để xem kịch”. Đó chính là nguyên nhân thuộc loại thứ tư mà Arixtốt đã chỉ ra và được gọi với cái tên: “Nguyên nhân có tính mục đích”.
Quan niệm về nguyên nhân có tính mục đích của Arixtốt là huyền bí và do đó mà hoàn toàn phù hợp với thần học Thiên Chúa giáo, được viện dẫn để chứng minh cho sự tồn tại của Chúa Trời. Quan niệm đó được coi như sự thực hiển nhiên trong khoa học kinh viện châu Âu thời trung cổ. Đến khoảng cuối thế kỷ XIII một học giả theo trường phái Arixtốt, tên là Subtius còn nói: “Mọi sự vật riêng lẻ trong Vũ Trụ đều hướng tới một định phân có tính mục đích nào đó thuộc về Vũ Trụ, và công việc của nhà khoa học là phải tìm cho ra mục tiêu ấy là gì”.
Nếu đừng liên tưởng đến nguyên nhân có tính mục đích thì câu nói đó không phải là không có lý. Bởi vì cho đến tận ngày nay, trong vật lý học hiện đại, người ta vẫn thấy đầy rẫy những hành xử lạ lùng của vật chất, cứ như là được “ai đó” qui định sẵn, bắt buộc phải như thế, trong khi không cần phải như thế cũng “chẳng chết ai”. Chẳng hạn, trong một môi trường không đồng chất, tia sáng đi từ điểm này đến điểm kia bao giờ cũng trên một tuyến đường (dù là gấp khúc) “tốn” ít thời gian nhất (nguyên lý Fécma) Tại sao tia sáng lại phải đi như vậy, tại sao nó lại phải “tiết kiệm” thời gian, nó bị bắt buộc hay tự chọn cho mình con đường “độc đạo” đó? Trong triết học, một câu hỏi lớn vẫn còn treo lơ lửng trên người các nhà thông thái: Tại sao Vũ Trụ cứ phải như thế này chứ không thể như thế khác?
Nếu tin vào triết học duy tồn thì dựa trên quan niệm của nó, có thể trả lời câu hỏi “to tát” trên dễ dàng đến bất ngờ. Vì mục tiêu duy nhất của Tồn Tại là bảo toàn Tồn Tại một cách Tự Nhiên, cho nên Nó hoàn toàn tự do trong biểu hiện với yêu cầu duy nhất là không được trở thành không Tồn Tại (hay Hư Vô). Tuy nhiên, vì Tồn Tại là Tồn Tại, nghĩa là Tồn Tại là duy nhất chứ không thể là hai hay nhiều Tồn Tại, do đó, dù Nó có thể “tha hồ” biểu hiện thì cũng không thể lựa chọn mà phải theo một cách thức duy nhất, sao cho Tồn Tại là Tồn Tại chứ không thể là cái khác. Có thể thấy, biểu hiện của Tồn Tại đa dạng và phong phú đến tuyệt cùng khả năng trên phạm vi tổng thể, đồng thời lại đơn điệu, nghèo nàn ở phạm vi bộ phận, và chỉ có như vậy mới đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt nguyên lý tối hậu, nguyên lý duy nhất, cội nguồn của mọi nguyên lý – nguyên lý Tự Nhiên, cũng như ngược lại, chính nguyên lý Tự Nhiên “bắt buộc” Tồn Tại phải biểu hiện như vậy. Vì lẽ đó, sự xuất hiện, tiến triển của mọi quá trình xảy ra trong Vũ Trụ vừa mang tính tất yếu, vừa mang tính ngẫu nhiên, mà xét cho đến cùng, trong một điều kiện, hoàn cảnh nhất định, nó phải là sự lựa chọn duy nhất của môi trường chứa nó để rồi sự lựa chọn tiến triển của nó cho bản thân nó cũng là "độc đạo", duy nhất. Một tia sáng trong những điều kiện hoàn cảnh khác nhau sẽ phải đi theo những con đường khác nhau, nhưng trong một điều kiện hoàn cảnh xác định thì con đường đó không thể là từ sự lựa chọn tùy tiện mà phải là "độc đạo", duy nhất thỏa mãn nguyên lý Fécma. Nếu không như thế, tia sáng sẽ làm rối loạn trật tự chặt chẽ vốn có của Vũ Trụ, tác động phi Tự Nhiên một cách dây chuyền đến toàn bộ vạn vật - hiện tượng, phá vỡ mối quan hệ ràng buộc, phụ thuộc lẫn nhau một cách duy nhất giữa chúng, dẫn đến một Vũ Trụ mất cân bằng, một Không Gian phi bảo toàn, nghĩa là làm xuất hiện một Tồn Tại kiểu khác - một Tồn Tại chấp nhận Hư Vô. Đó là điều khủng khiếp và không thể tưởng tượng nổi đối với Đấng Tạo Hóa thiêng liêng. Do đó Ngài nhất quyết không cho điều đó xảy ra. Chắc chắn rằng Ngài làm được như thế vì Ngài là đấng toàn năng mà cũng không toàn năng!.
Vậy thì trước câu hỏi: tính mục đích trong hành xử của sự vật là gì, chúng ta sẽ trả lời là… như trên! Cũng có thể trả lời gãy gọn và cụ thể hơn: sự vật hành xử nhằm thỏa mãn yêu cầu của Tồn Tại, theo phương thức duy nhất mà nguyên lý Tự Nhiên đã lựa chọn cho nó, và nó phải hành xử theo “định mệnh” ấy chứ không thể khác để mà còn có khả năng tự duy trì sự tồn tại tương đối của mình trong khoảng thời gian có thể trong Vũ Trụ - một môi trường khắc nghiệt, đầy bất trắc và không thể lường trước, gây ra bởi cuộc “đấu tranh sinh tồn” vô tiền khoáng hậu, ác liệt nhất mà cũng vô tình nhất. Vạn vật trong Vũ Trụ hành động tự do nhất mà cũng nô lệ nhất! Nhờ như thế mà con người mới khám phá ra được những nguyên lý tự nhiên. Nếu trong 100 quả táo thả cho rơi tự do, có 1 quả táo rơi tự nhiên theo hướng từ dưới lên trời, thì Niutơn đã không thể khám phá ra định luật vạn vật hấp dẫn!
Khi nói sự vật hành xử theo một “định mệnh” thì các định mệnh ấy cũng chính là những nguyên lý hay qui luật mà sự vật buộc phải tuân theo. Cũng có nghĩa rằng, mọi quá trình tồn tại, vận động của toàn bộ vật chất trong Vũ Trụ, kể cả Vũ Trụ và không thể có ngoại lệ đều có qui luật và hoạt động tuân theo qui luật. Những qui luật ấy dù có thể có tính đặc thù, tính riêng biệt, nhưng đều có vai trò là những hệ quả của những nguyên lý và nhưng nguyên lý này đều xuất phát từ cùng một cội nguồn là nguyên lý Tự Nhiên.
Trước đây, chúng ta thường nói, chẳng hạn như: “Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến…” và vẫn cho rằng nói như thế là đúng. Nhưng đến tận bây giờ thì chúng ta thấy hình như cách nói đó có vẻ bất ổn. Cũng vì sự hành xử của mọi sự vật là có tính tất định, mọi quá trình vận động đều phải theo qui luật, cho nên mối quan hệ nhân - quả là có tính trực tiếp và tất yếu. Nghĩa là giữa nguyên nhân và kết quả sẽ không có nguyên nhân hay kết quả nào khác nữa và “nguyên nhân nào thì kết quả nấy”. Như vậy, một nguyên nhân chỉ có một kết quả duy nhất và ngược lại một kết quả chỉ do một nguyên nhân duy nhất. Việc cho rằng có nhiều nguyên nhân làm nên một kết quả hay nhiều kết quả được tạo ra từ một nguyên nhân, là không thỏa đáng. Sau này, nếu do thói quen mà vẫn cứ nói như thế thì nên hiểu rằng những nguyên nhân đó là “tiền nguyên nhân” ( những yếu tố hợp thành nguyên nhân) và những kết quả đó là “hậu kết quả”, nghĩa là mối quan hệ nhân - quả lúc này đã hàm chứa cả tính chủ quan, tương đối, không còn mang tính trực tiếp nữa và tính tất yếu của nó không được đảm bảo nữa. Có thể xếp mối quan hệ này vào loại quan hệ giữa khả năng và hiện thực.
Nếu chúng ta thừa nhận quan niệm về nguyên nhân có tính mục đích của Arixtốt, thì có lẽ phải nên hiểu theo cách đã trình bày ở trên, còn không thì phải phủ nhận nó.
Nguyên nhân của một kết quả là cái trực tiếp làm nên kết quả đó, tất yếu phải cho ra kết quả đó chứ không thể là kết quả nào khác. Nguyên nhân trực tiếp là sự hợp thành của nhiều cái gọi là nguyên nhân bộ phận, tiền nguyên nhân, hay nguyên nhân tiềm năng… Cũng chính là những yếu tố, những thực thể, những quá trình vận động vật chất mà xét trong mối quan hệ nhân - quả thì có liên quan đến nhau, đã phối hợp với nhau tạo nên một tác động tổng hợp tại một thời điểm được cho là chín muồi, gọi là nguyên nhân trực tiếp làm xuất hiện một kết quả ngay sau đó. Bản thân những tiền nguyên nhân cũng chính là những kết quả của những nguyên nhân trước đó (trong quá khứ). Có thể nói nếu có những nguyên nhân trực tiếp thì đồng thời và tất yếu phải có những kết quả. Tùy theo cách nhìn nhận, qui ước, thỏa thuận trong việc khảo sát, nghiên cứu mà có thể gộp những nguyên nhân thành một nguyên nhân và muốn làm thế thì cũng phải gộp những kết quả thành một kết quả. Bởi vì chỉ có như thế mới đảm bảo được tính tất yếu và trực tiếp của mối quan hệ nhân - quả. Đối với một kết quả đã xuất hiện thì nguyên nhân trực tiếp còn có tính đầy đủ, vì nếu nguyên nhân này thiếu hay thừa bất cứ một yếu tố tiền nguyên nhân nào thì nó phải tất yếu làm xuất hiện một kết quả khác chứ không phải là kết quả đó nữa.
Phương thức nguyên thủy, nền tảng, cội rễ của mọi phương thức tương tác vật chất, chỉ có thể “thấy được” ở đáy cùng tận của thế giới vi mô, là kích thích - cảm ứng Không Gian. Có thể nói trên cơ sở của phương thức này mà ở những tầng nấc không gian vĩ mô, tương tác vật chất còn được thể hiện ra với những phương thức khác nhau, như: tương tác cảm ứng điện từ, tương tác hấp dẫn, tương tác cơ học… và có thể gọi chung là tác động - phản ứng (hay tác động tương hỗ). Tương tác vật chất là phương thức tuyệt đối và duy nhất của vận động, hay cũng có thể nói vận động là biểu hiện của tương tác vật chất. Tương tác vật chất (hay vận động) là nguyên nhân của mọi chuyển hóa, biến đổi vật chất, của mọi quá trình xuất hiện, tồn tại, tiêu tan của vạn vật - hiện tượng trong Vũ Trụ, vừa liên tục một cách tuyệt đối, vừa gián đoạn một cách tương đối, và chỉ thể hiện ra hoàn toàn ở đáy cùng của Vũ Trụ vi mô.
Sự liên tục của biến hóa biểu hiện ra thành cái gọi là “quá trình” biến hóa, có trước có sau về mặt thời gian (quá khứ - hiện tại - tương lai) và về mặt không gian (phương chiều). Hiện tượng đó làm cho nguyên lý nhân - quả được xác lập. Vì nền tảng của quá trình từ nguyên nhân đến kết quả là quá trình biến hóa vật chất nên quá trình nhân - quả cũng mang tính vừa liên tục vừa gián đoạn.
Nguyên lý nhân - quả là thành quả khám phá và đồng thời cũng là sáng tạo tất yếu của con người trên bước đường đi khai sáng hiện thực khách quan hoang dại (thực tại khách quan của nó!). Quá trình biến hóa vật chất là không thể phân chia tuyệt đối được. Tuy nhiên, tùy thuộc vào những yếu tố khách quan (như qui mô, tốc độ tiến triển sự biến thiên… của quá trình biến hóa) cũng như những yếu tố chủ quan (như sự hạn chế của năng lực nhìn nhận, việc phải đề ra những định ước nhằm mục đích nghiên cứu, khảo sát) mà con người có thể phân định một cách tương đối và hình thức một quá trình biến hóa nào đó xảy ra trong tự nhiên – xã hội thành nhiều giai đoạn, nhiều sự vật - hiện tượng… khác nhau và phân biệt chúng bằng những cặp khái niệm như: ổn định - bất ổn, phát triển – suy tàn, biến đổi từ từ - đột biến… Qua đó, quá trình biến hóa có thể được thấy như gồm nhiều quá trình bộ phận đan xen nhau, kế tiếp nhau, hợp thành một xâu chuỗi những giai đoạn tiến triển nối tiếp nhau trong thời gian, lập nên mối quan hệ giữa khả năng và hiện thực trên cơ sở nền tảng là nguyên lý nhân - quả. Tùy vào mức độ, cách thức tiến triển cũng như qui ước chủ quan mà có thể phân biệt các giai đoạn là tiến trình hay biến cố. Thường thì biến cố là kết quả nổi trội, thấy được của giai đoạn phát triển trước đó đã đạt đến tình thế gọi là quá độ, chín muồi và đồng thời đóng vai trò là nguyên nhân làm xuất hiện giai đoạn tiến triển mới, kế tiếp, hoặc cũng có thể được coi là điểm nút, điểm bộc phát làm kết thúc quá trình biến hóa.
Vậy thì khi nói: “Hạt lúa nảy mầm ra cây lúa rồi cây lúa sau một quá trình phát triển, đến độ chín muồi sẽ tạo ra những hạt lúa mới”, thì đó chỉ là quá trình nằm trong mối quan hệ không tất yếu (tạm gọi là) “khả năng - hiện thực”. Do đó, sự từ hạt lúa xuất hiện cây lúa và từ cây lúa xuất hiện những hạt lúa mới cũng không mang tính tất yếu mà chỉ như một trong số các yếu tố tiền nguyên nhân hợp thành cái nguyên nhân tất yếu… Chỉ khi nào đặt quá trình nói trên trong mối quan hệ nhân - quả đích thực, nghĩa là chúng ta đã xác định được tất cả các yếu tố hợp thành những nguyên nhân trực tiếp và tất yếu của hiện tượng hạt lúa cây lúa những hạt lúa, thì nó mới được coi là quá trình tất yếu. Nếu không có các yếu tố hợp thành nguyên nhân trực tiếp như đất đai, độ ẩm, thời tiết… thì khả năng hạt lúa cây lúa những hạt lúa sẽ vĩnh viễn không bao giờ thành hiện thực được. Một hạt lúa đem đốt cháy tất yếu phải thành tro than chứ không thể thành hạt lúa khác được!
Tương tự, đối với trường hợp anh chàng đi xem kịch cũng vậy. Cái ý muốn xem kịch của anh ta chỉ là một yếu tố có tính chủ động trong số nhiều yếu tố hợp thành khả năng làm cho sự có mặt của anh ta ở nhà hát vào thời điểm đã định trở thành hiện thực. Còn sự hoạt động có chủ đích định trước thì không chỉ ở giống loài sinh vật biết tư duy lý tính mới có, và nguồn gốc sâu xa của nó có thể được tìm thấy trong qui luật đấu tranh sinh tồn, cạnh tranh để tồn tại, vận động để đảm bảo và duy trì sự cân bằng nội tại, mà sâu xa nhất có thể được tìm thấy trong cái bản tính của Đấng Tạo Hóa thiêng liêng, cái bản tính được hun đúc nên từ nguyên lý Tự Nhiên. Có thể nói tổ tiên khởi thủy của loài người là Đấng Tạo Hóa cho nên dù là ở dạng đặc thù thì sự biểu hiện của loài người vẫn “phảng phất” hồn vía của Ngài mà trong đó nổi lên cái đặc tính năng động sáng tạo, hoạt động có chủ đích.
Để chấm dứt sự “vương vấn” đối với loại nguyên nhân thứ tư của Arixtốt, chúng ta hãy nghe theo lời dạy sau đây của Đềcác: “Với tôi, những nguyên nhân có tính mục đích của sự vật và sự kiện là một điều huyền bí mà có lẽ chỉ Thượng Đế mới biết được. Công việc của nhà khoa học là chỉ nghiên cứu những nguyên nhân nào có kết quả theo sau, chứ không bàn viễn vông về những quyền năng bí hiểm hay những mục đích tối hậu”.
Ngay từ thời xa xưa thượng cổ, con người đã nhận ra được hiện thực khách quan là không ngừng biến chuyển và biết bao nhiêu sự kiện “vật đổi, sao dời” với biết bao nhiêu quá trình xuôi ngược theo xu thế tất định khác nhau, mà nhiều khi cũng tương tự nhau, không lặp lại mà cũng nhiều khi lặp lại, và tất cả chúng đều ở trong vòng của cuộc xoay vần vĩ đại và huyền linh theo bất tận thời gian. Ở thuở ban đầu ấy, dù rằng vẫn còn trong cảnh mù mịt, hồng hoang về nhận thức, nhưng con người cũng đã bắt đầu thấy được những liên quan ở mức độ nào đó giữa những sự vật - hiện tượng này với những sự vật - hiện tượng khác, giữa những biến đổi thiên nhiên xảy ra trước với những biến đổi thiên nhiên xảy ra sau, để rồi qua kinh nghiệm, họ đã có thể phỏng đoán được ít nhiều điều có thể xuất hiện ở tương lai. Chẳng hạn, có thể tạm nêu vài câu ca dao, tục ngữ trong dân gian Việt Nam còn lưu truyền đến ngày nay làm ví dụ:
“Mây kéo xuống bể thì nắng chang chang
Mây kéo lên ngàn thì mưa như trút.”
“Mùa hè đương nắng, cỏ gà trắng thì mưa.”
“Cơn đàng đông vừa trông vừa chạy
Cơn đàng tây mưa dây bão dật
Cơn đàng nam vừa làm vừa chơi
Cơn đàng bắc rắc thóc ra phơi.”
“Chớp đông nhay nháy, gà gáy thì mưa.”
“Ráng vàng thì nắng,
Ráng nắng thì mưa.”
“Rồng đen lấy nước thì nắng
Rồng trắng lấy nước thì mưa.”
“Ráng mỡ gà, ai có nhà thì chống.”
“Trăng quầng thì hạn
Trăng tán thì mưa.”
“Chuồn chuồn bay thấp thì mưa
Bay cao thì nắng, bay vừa thì râm.”
Trên bước đường mưu sinh, chính thực tiễn cuộc sống đã là những người thầy đầu tiên dạy cho con người những kiến thức mở đầu về hiện thực khách quan. Không dừng lại ở đó, tính chủ động sáng tạo ở giống loài biết tư duy đã thúc đẩy con người tìm hiểu ngày một sâu rộng hơn nữa cái môi trường đầy biến động mà họ đang vật lộn với nó để tồn tại và tồn tại một cách ngày càng vui thú. Quá trình đó tất nhiên sẽ làm xuất hiện những nhà thông thái - lực lượng đi tiên phong của loài người trong công cuộc nhận thức, khám phá những bí ẩn của tự nhiên, lấy việc khảo sát nghiên cứu tự nhiên làm lẽ sống cuộc đời. Chính nhờ họ mà thế hệ nối tiếp thế hệ, hiện thực khách quan của loài người ngày càng sáng tỏ và rộng lớn, chân dung của vạn vật - hiện tượng dần được thấu hiểu, bản chất của những quá trình biến hóa xảy ra trong hiện thực khách quan, cũng như của những mối liên quan giữa các sự vật - hiện tượng trong những quá trình đó cũng dần được khám phá.
(Còn tiếp)
-----------------------------------------------------------------


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét