CÂU CHUYỆN TÌNH BÁO 340
(ĐC sưu tầm trên NET)
Nga kết án 13 năm tù người 'làm gián điệp cho CIA'
Một tòa án Nga kết án Yeshchenko 13 năm tù vì tội phản quốc do sao chép và tìm cách chuyển các thông tin quân sự mật cho tình báo Mỹ.
Yury Yeshchenko ngày 17/11 bị tòa án tỉnh Bryansk kết án vì cung cấp thông tin về các hệ thống vũ khí Nga cho Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), Tổng cục An ninh Liên bang Nga (FSB) cho biết trong thông cáo hôm nay.
"Yeshchenko quyết định phục vụ bản thân và chuyển thông tin về những phát triển đầy hứa hẹn của tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga cho Mỹ", thông cáo cho biết.
Yeshchenko làm việc cho một tổ chức đặt trụ sở tại thị trấn Severomorsk, chuyên cung cấp hệ thống điện tử vô tuyến cho các chiến hạm thuộc Hạm đội phương Bắc của Nga. Yeshchenko sao chép thông tin mật về hệ thống vũ khí của hạm đội năm 2015-2017, sau đó liên lạc với CIA năm 2019.
Yeshchenko bị bắt ở tỉnh Bryansk, miền nam nước Nga, khi tìm cách bàn giao tài liệu mật cho CIA. Yeshchenko sau đó nhận tội và "tỏ ra ăn năn" trước tòa, FSB cho biết.
Các vụ gián điệp tại Nga gia tăng trong những năm qua. Paul Whelan, cựu lính thủy đánh bộ Mỹ, hồi tháng 6 bị tòa án Nga kết án 16 năm tù vì làm gián điệp. FSB hồi đầu tháng 10 bắt một quân nhân Nga và em trai của người này vì thu thập rồi chuyển thông tin mật cho "các cơ quan đặc biệt" của Estonia.
Nguyễn Tiến (Theo AFP)
Gián điệp Đông Đức: Từ ‘bẫy mật ong’ đến chiến dịch thư giả của tình báo Liên Xô
(VTC News) - Trong Chiến tranh Lạnh, tình báo Liên Xô ở Đông Đức đã sử dụng nhiều cách thức để thâm nhập và tác động vào hệ thống chính trị, an ninh và nhà nước của Tây Đức.
Nhiều câu chuyện thú vị về lịch sử hoạt động gián điệp có trong cuốn sách mới "Sức mạnh các điệp vụ đặc biệt" (Die Macht der Geheimdienste) của hai tác giả U. Klußmann và M. Schnurr ra mắt tại Đức năm 2020. Một trong số câu chuyện đó kể về cách tình báo Liên Xô sử dụng bức thư giả của cựu Thủ tướng Đức Konrad Adenauer, nhằm làm mất uy tín của Bộ trưởng Quốc phòng Tây Đức Gerhard Schroeder.
"Bẫy mật ong" và chiến dịch Romeo
Theo Topwar, "Sức mạnh các điệp vụ đặc biệt" không phải là cuốn sách duy nhất thuộc loại lịch sử tình báo được xuất bản vào năm 2020. Trước đó, Heribert Schwan đã ra mắt cuốn “Điệp viên trong hành lang quyền lực” (Spione im Zentrum der Macht) kể về nhiệm vụ của các cơ quan mật vụ Cộng hòa Dân chủ Đức (Đông Đức) trong Chiến tranh Lạnh.
Các điệp viên của Bộ An ninh Nhà nước Cộng hòa Dân chủ (CHDC) Đức (hay "Stasi") đã thâm nhập vào các cơ cấu chính trị, an ninh và nhà nước của Tây Đức (Cộng hòa Liên bang Đức). Đặc biệt một điệp viên nổi tiếng của Stasi là Gunther Guillaume, từng vào vai một phụ tá của Thủ tướng Đức Willy Brandt (từ 1969-1974).
Tác giả Heribert Schwan đã nghiên cứu hàng nghìn tài liệu và báo cáo về giai đoạn cuối những năm 1980. Theo đó, có khoảng 2.000 đặc vụ toàn thời gian và tự do đang làm việc tại Cộng hòa Liên bang Đức, cho hoạt động tình báo của CHDC Đức. Họ thâm nhập vào đoàn tùy tùng của Thủ tướng Tây Đức, cùng với các bộ, cơ cấu quyền lực và trụ sở của các đảng phái đứng đầu.
Một trong những phương pháp của Stasi là "bẫy mật ong". Các đặc vụ thường dụ dỗ đối tượng vào những cuộc tình lãng mạn hoặc dùng mỹ nhân kế. Đối tượng sau đó bị sử dụng hoặc được tuyển dụng làm việc cho Stasi.
Ngoài ra, các cơ quan mật vụ của CHDC Đức thực hiện Chiến dịch Romeo. Theo đó, những người đàn ông thú vị, hấp dẫn được chọn làm đặc vụ và nhắm vào những phụ nữ độc thân, thường là phụ nữ trung niên, những người làm thư ký, nhân viên viết mã và những công nhân khác trong các bộ và ban của Tây Đức. Các đặc vụ này đã ra sức dụ dỗ và sau đó tuyển dụng những phụ nữ này làm việc cho mình.
Mua chuộc thành viên quốc hội, thay kết quả bỏ phiếu
Cuối năm 1972, đảng Dân chủ Thiên chúa giáo cố gắng tổ chức tại Hạ viện cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với lãnh đạo Đảng Dân chủ Xã hội và Thủ tướng Willy Brandt.
Khi đó, Thủ tướng Tây Đức theo đuổi "Chính sách phương Đông mới", nhằm xây dựng quan hệ với CHDC Đức và các nước xã hội chủ nghĩa ở châu Âu. Theo đó, chính quyền Tây Đức công nhận chủ quyền của CHDC Đức, xác định biên giới nhà nước giữa hai nước, đồng thời quan hệ ngoại giao giữa các nước được thiết lập, kinh tế liên Đức được tăng cường.
Thủ tướng Brandt từ bỏ chính sách trước đây của các chính phủ Dân chủ Cơ đốc giáo (coi CHDC Đức là một "lãnh thổ bị chiếm đóng").
Kế hoạch của lãnh đạo của đảng Dân chủ Xã hội là để dân chủ hóa dần Đông Đức (thay đổi thông qua tái lập) và nhằm tự nguyện thống nhất nước Đức trong tương lai. Chính quyền Bonn lúc này cũng công nhận biên giới phía Đông của CHDC Đức, xác nhận biên giới của Ba Lan và Tiệp Khắc.
Tuy nhiên, đảng Dân chủ Cơ đốc giáo đã không thể lật đổ Thủ tướng Brandt, khi họ chỉ thiếu 2 phiếu bầu. Bởi vì, trước đó tình báo Đông Đức đã chi tiền cho ít nhất 2 thành viên quốc hội để bỏ phiếu bầu ủng hộ ông Brandt.
Kết quả là Willy Brand tiếp tục giữ vững chức vụ và thực hiện các chính sách thân phương Đông. Và đảng Dân chủ Xã hội đã thắng cuộc bầu cử được tổ chức sớm sau đó. Lãnh đạo đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo Rainer Barzel đã phải từ chức.
Bức thư giả làm mất uy tín Bộ trưởng Tây Đức
Bộ trưởng Quốc phòng Tây Đức Gerhard Schroeder (sau này là thủ tướng của nước Đức thống nhất giai đoạn 1998-2005) sau đó đã ứng tuyển vào vị trí Chủ tịch Liên minh Đảng Dân chủ Cơ đốc giáo. Tuy nhiên, Schroeder ủng hộ việc tăng cường quan hệ với NATO và Mỹ, cũng như xem xét khả năng đối đầu với CHDC Đức và Liên Xô.
Việc ông Schroeder lên nắm quyền có thể thay đổi chính sách của Tây Đức lúc bấy giờ. Do đó, tình báo Đông Đức cố gắng làm mất uy tín của Schroeder.
Nhiệm vụ được giao cho Trung tá an ninh Nikolai Portugalov, dưới vỏ bọc là một nhà báo quốc tế. Nhiệm vụ của sĩ quan Liên Xô là phải chuẩn bị một lá thư giả mạo của Thủ tướng Cộng hòa Liên bang Đức Konrad Adenauer (Thủ tướng đầu tiên của Tây Đức từ 1949–1963 và Chủ tịch của Liên minh Dân chủ Cơ Đốc từ 1950-1966).
Nội dung của bức thư giả nêu rõ, Thủ tướng Đức Adenauer cảnh báo đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo không nên bầu Schroeder làm chủ tịch. Theo đó, có nhiều lo lắng rằng, chính sách của ông Schroeder phụ thuộc quá nhiều vào quan hệ với Mỹ và có thể bỏ bê quan hệ với Pháp.
Tuy nhiên, việc Thủ tướng Adenauer chết sau đó khiến bức thư giả này không thể kiểm chứng.
Đặc vụ Portugalov đã hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc khi ông đọc các bức thư và hồi ký của Thủ tướng Adenauer, nghiên cứu bản ghi âm các bài phát biểu. Đồng thời cố gắng tìm hiểu sâu hơn về phong cách và suy nghĩ của Adenauer.
Trong cuộc phỏng vấn năm 1999 với tờ Spiegel, Portugalov cho biết: "Bản thân tôi cũng gắng nghĩ gần giống như Adenauer".
Tây Đức sau đó đã cố gắng chứng minh “bức thư giả” của tình báo Đông Đức trên các phương tiện truyền thông hàng đầu của nước này. Tuy nhiên, họ không đạt được kết quả mong muốn. Schroeder sau đó không thể trở thành thủ lĩnh của Đảng Liên minh Dân chủ Cơ Đốc.
Sỹ quan tình báo CIA Mỹ bị giết khi lần theo "chuyên gia chế tạo bom"
Anh Minh |
Một sĩ quan CIA đã thiệt mạng trong một cuộc đột kích ở Somalia vào tháng trước nhằm vào một phần tử cực đoan chủ chốt được cho là chịu trách nhiệm cho vụ tấn công giết chết một binh sĩ Mỹ ở Kenya năm ngoái, các quan chức tình báo địa phương nói với tờ Guardian.
Sĩ quan này được triển khai cùng với các lực lượng đặc biệt của Somalia và Mỹ trong chiến dịch tại Gendershe, một ngôi làng ven biển cách Mogadishu khoảng 30 km về phía tây nam, và thiệt mạng khi các chiến binh của phong trào cực đoan al-Shabaab kích nổ một quả bom gắn trên ô tô vài phút sau khi cuộc đột kích bắt đầu vào ngày 6 tháng 11, các quan chức cho biết.
Một sĩ quan tình báo Somalia làm việc với đơn vị đặc nhiệm Somalia có tên “Danab” do Mỹ đào tạo ở Lower Shabelle cho biết: “Các sĩ quan của chúng tôi được các sĩ quan Mỹ hỗ trợ. Chúng tôi bay lúc 2 giờ sáng hôm đó. Những người lính rời khỏi trực thăng và đi tới các lùm cây trước khi một vụ nổ lớn phát ra và giết chết người bạn Mỹ và bốn sĩ quan [Somalia] của chúng tôi."
Các quan chức Somalia cho biết chiến dịch này được khởi động sau khi có thông tin rằng 3 chỉ huy cấp cao của al-Shabaab sẽ có mặt tại Gendershe vào đêm hôm đó. Trong số đó có Abdullahi Osman Mohamed, một chuyên gia chế tạo bom được cho là kẻ chịu trách nhiệm chế tạo nhiều thiết bị có sức công phá mạnh đã giết chết hàng trăm dân thường ở Somalia trong những năm gần đây.
Mohamed, người còn được gọi là "Kỹ sư Ismail", gần đây đã bị chính phủ Mỹ liệt vào danh sách "kẻ khủng bố toàn cầu đặc biệt", một bước đi nhằm đóng băng bất kỳ tài sản nào mà anh ta có thể có trong các khu vực pháp lý của Mỹ và cấm người Mỹ làm ăn với anh ta.
Danh sách cho biết người đàn ông 36 tuổi này là chuyên gia chất nổ cấp cao của nhóm, người đứng đầu cánh truyền thông của al-Shabaab và là cố vấn chính của Ahmed Diriye, thủ lĩnh hay "tiểu vương" của phong trào.
Mohamed cũng được cho là đã chủ mưu một loạt vụ tấn công trong năm ngoái, bao gồm một vụ tấn công hồi tháng Giêng vào một căn cứ quân sự ở Kenya khiến một binh sĩ Mỹ và hai nhân viên dân sự Mỹ thiệt mạng.
Nhưng cuộc đột kích Gendershe đã thất bại. Sau cuộc đọ súng kéo dài 40 phút, lực lượng Mỹ và Somalia đã rút lui. “Điệp vụ không thành công. Chúng tôi đã không bắt được chúng, ” sĩ quan Somalia thứ hai cho biết.
Các nguồn tin của Al-Shabaab xác nhận vụ đụng độ và tuyên bố họ đã phục kích lực lượng Mỹ và Somalia sau khi biết trước về chiến dịch.
“Lính Mỹ đi cùng với lực lượng Somalia đã không kích một căn cứ al-Shabaab ở Gendershe. Chúng tôi đã nhận được thông tin tình báo rằng họ sẽ đến. Chúng tôi đã sẵn sàng và một cuộc đấu súng ác liệt đã nổ ra. Một số sĩ quan đã thiệt mạng bao gồm cả sĩ quan CIA ”, Abu Mohamed, một chỉ huy của al-Shabaab ở Lower Shabelle, nói với Guardian.
Danh tính của sĩ quan CIA không được tiết lộ, nhưng New York Times đưa tin rằng anh ta là thành viên của bộ phận bán quân sự của Trung tâm Hoạt động Đặc biệt CIA,, và là một cựu đặc nhiệm hải quân SEAL. Các sĩ quan CIA đôi khi đi cùng các đơn vị quân đội trong các cuộc đột kích chống khủng bố để giúp xác định mục tiêu hoặc thu thập thông tin tình báo.
CIA từ chối bình luận khi được Guardian liên lạc.
Mỹ đã chịu tương đối ít thương vong trong các hoạt động quân sự liên tục nhắm vào các phần tử Hồi giáo cực đoan trong những năm gần đây nhưng trong một vụ đẫm máu vào năm 2017, 4 binh sĩ Mỹ đã thiệt mạng khi bị phục kích ở Niger.
Những cái chết đó - cuộc chạm trán tồi tệ nhất đối với quân đội Mỹ ở châu Phi trong hơn 20 năm - đã thúc đẩy một cuộc tranh luận gay gắt về sự can dự của quân đội Mỹ trên lục địa này và mối đe dọa quốc tế do những kẻ cực đoan gây ra ở đó. Có hơn 5.000 quân nhân dưới quyền Bộ chỉ huy châu Phi của Mỹ trên lục địa này, với hầu hết đóng tại căn cứ chính duy nhất ở Djibouti trên Biển Đỏ.
Theo số liệu gần đây nhất, có khoảng 650 đến 800 quân Mỹ đang hoạt động ở Somalia. Lầu Năm Góc được cho là có khả năng sẽ rút toàn bộ hoặc hầu hết các lực lượng Mỹ hiện đang tham gia huấn luyện và các nhiệm vụ chống khủng bố ở nước này vào tháng 1 theo chỉ thị của tổng thống về việc đưa quân đội về nước ở Trung Đông và Afghanistan.
Nhận xét
Đăng nhận xét