TT & HĐ III - 24/k

 
Hai Bà Trưng Dựng Cờ Khởi Nghĩa

PHẦN III:     NGUỒN CỘI
 

" Đi đi con!
Trong khinh khi may nhớ nước non
Mà ôn lại cho đừng quên lịch sử
Bốn ngàn năm rồi, Việt Nam bất tử
Dằng dặc đoạn trường chống giặc ngoại xâm
Biết mấy đau thương, biết mấy anh hùng
Ghi tạc địa cầu bao chiến công hiển hách
..."

                                                                                Trần Hạnh Thu

"Lịch sử hoài thai chân lý, nó có thể kháng cự với thời gian, có thể dìm đi những việc cũ, nó là dấu tích của thời xa xưa, là gương soi của đương đại, là lời giáo huấn cho thế hệ sau."
                                                                 
Cervantes (Tây Ban Nha)

"Lịch sử là bằng chứng của thời đại, là ngọn lửa của chân lý, là sinh mệnh của kí ức, là thầy giáo của cuộc sống và là sứ giả của cổ nhân."
                                                                                                      Cicero (La Mã)
 
“Đừng chê cõi trần nhơ
Đừng khen cõi trần đẹp
Cõi trần là thản nhiên
Chỉ có đời nhơ, đẹp.” 
 Trần Hạnh Thu
.

CHƯƠNG XXIV: PHƯỢNG MÚA RỒNG BAY

"Việt Nam đất nước ta ơi
Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn
Cánh cò bay lả rập rờn
Mây mờ che đỉnh Trường Sơn sớm chiều
Quê hương biết mấy thân yêu
Bao nhiêu đời đã chịu nhiều thương đau..."

(Trích "Việt Nam quê hương ta" - Nguyễn Đình Thi)

“Triết lý Á Đông là cuộc sống phải hòa hợp với thiên nhiên. Mỗi người là một tiểu vũ trụ hòa hợp trong đại vũ trụ. Chính thiên nhiên Hà Nội giúp người ta hòa hợp một cách dễ dàng cái tôi chủ thể với bản thể vũ trụ huyền bí và mênh mông. Tự thân mình trong môi trường ấy đã có sự hòa hợp rồi… Tất nhiên là Sài Gòn rất đẹp… Nhưng Sài Gòn khác Hà Nội. Đi giữa Sài Gòn, mình có cái bồn chồn của một doanh nhân đi tìm mối hàng, hay đi tìm quán nhậu, còn đi giữa Hà Nội, tự nhiên ta thư thái như một lãng tử. Ngồi ở một góc nào đấy tại Hà Nội là có thể nghĩ về đất nước và quên đi xung quanh không cần một cố gắng nào hết. Nhưng mấy chục năm nay người ta đã phá hoại quá nhiều môi trường sinh thái văn hóa tự nhiên lắng đọng từ hàng nghìn năm… May mà dự án thủy cung Thăng Long thất bại chứ không Hồ Tây cũng đã bị xâm hại rồi… “Đứng cạnh Hồ Tây có thể quên được trời đất”. Đó là lời của ông tham tán văn hóa Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam - Pauli Mustonen nói với tôi trong buổi tối chia tay với ông, một buổi tối Hồ Tây mù sương. Nhưng sau một lúc ngẫm nghĩ, ông ấy nói: “Không biết khi tôi có dịp sang lại Việt Nam thì Hồ Tây có còn là Hồ Tây như bây giờ hay không”. Nghe câu nói ấy, chúng tôi đều trầm hẳn xuống và man mác buồn”
(Giáo sư Nguyễn Huệ Chi)
 
 
 
 
 (Tiếp theo)
 
                                                                              ***                   
Về thời điểm triều đại vua Hùng sụp đổ, có sách cho là vào năm Giáp Thìn - 257 TCN, nhưng những sách khác lại chọn năm 208 TCN. Vì chọn như thế nên sách trước cho rằng Triệu Đà chiếm được Âu - Lạc vào năm 208 và sách sau bảo vào khoảng 179 TCN. Mặt khác, theo giáo sư tiến sĩ Lê Mạnh Thát (tức Thượng tọa Thích Trí Siêu) lý giải (rất có lý) thì Âu - Lạc tồn tại như một nước độc lập đến tận năm 43; không có một lúc nào bị phong kiến phương Bắc xâm chiếm cả. Vậy thì nên tạm nhìn nhận giai đoạn lịch sử đó như thế nào?
Có thể sự thể là như thế này: Trong thời đại đồ đồng, đất Tây Âu do có mỏ đồng, thiếc nên thế lực ngày càng mạnh, lãnh địa ngày càng mở rộng, trở thành một “bang” mạnh của Văn Lang, và ngày càng không thần phục Triều Hùng nữa. Năm Giáp Thìn, 257 TCN, thủ lĩnh Âu Việt đứng lên xưng vương, đặt tên vùng lãnh địa đang chiếm giữ là Tây Âu, đóng đô ở Phong Châu (Bạch Hạc, Vĩnh Phúc) trung tâm quyền lực xưa kia, của thời đại Lạc Long Quân - Âu Cơ và là cố đô của những triều đại đầu thời Hùng Vương. Triều Hùng đã nhiều phen cất quân đi đánh dẹp mà không được. Thủ lĩnh Tây Âu cũng tổ chức nhiều trận tấn công đánh phá nhưng đều thất bại. Tuy nhiên, Tây Âu càng đánh càng mạnh và đến năm 208 TCN thì chỉ huy Tây Âu lúc đó là Thục Phán đánh chiếm được Cổ Loa, lật đổ triều Hùng, và sau khi dẹp yên mọi bề xưng là An Dương Vương, cải tên nước Văn Lang thành Âu - Lạc. (Truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh mô tả hiện tượng thiên nhiên của vùng sông nước lụt lội cũng như công cuộc trị thủy gian khổ của đất nước nhưng có thể đó là “cách nói mượn” về cuộc chiến tranh giữa Vua Hùng và Thục Phán khi dân gian đã để cho câu chuyện đó xảy ra vào thời Vua Hùng thứ 18. Ngay cả chuyện Nỏ thần với tình sử Mỵ Châu - Trọng Thủy và kết cuộc bi đát của nó, nếu cho rằng đó không phải là cuộc chiến tranh giữa Triệu Đà và Thục Phán mà là giữa Thục Phán và Vua Hùng đời thứ 18 thì nghe vẫn có lý như thường, thậm chí là hợp lý hơn, hay hơn!)
Nước Âu Lạc sóng yên biển lặng được ngót 30 năm thì có lẽ đến năm 179 TCN, khi An Dương Vương mất, triều đình trở nên hỗn loạn, đất nước lại bước vào thời kỳ rối ren, loạn lạc, nạn cát cứ nổi lên. Dẫu thế, về mặt hình thức, triều đình Âu - Lạc vẫn tồn tại, cơ sở xã hội truyền thống kiểu lạc hầu, lạc tướng về thực chất vẫn không thay đổi.
Trong thời kỳ đất nước loạn lạc đó có hai cuộc nổi dậy mạnh mẽ nhất còn lưu sử sách là cuộc nổi dậy “Tây Vu Vương” (Tây Vu là vùng đất lớn hợp với vùng Mê Linh, Chu Diên hợp thành đất Hà Nội bây giờ, Cổ Loa thuộc vùng Tây Vu) khoảng năm 111 TCN, và cuộc nổi dậy Hai Bà Trưng.
Hai Bà Trưng là tên dân gian gọi chung hai chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị. Họ đều là con gái lạc tướng Mê Linh (vùng đất từ Ba Vì đến Tam Đảo, đất bản bộ cũ của các vua Hùng). Chồng Trưng Trắc là Thi Sách, con trai lạc tướng vùng Chu Diên (vùng Đan Phượng, Từ Liêm, ngoại thành Hà Nội). Lãnh địa Chu Diên và Mê Linh gần kề nhau, hai gia đình lạc Tướng đều là thông gia, khiến thanh thế và uy danh của họ càng thêm lớn mạnh.
Cửa sông Hát (Hát Môn, ngoại thành Hà Nội) thuộc đất Mê Linh là nơi khởi phát cuộc nổi dậy. Từ Mê Linh cuộc nổi dậy được các lạc tướng, lạc dân hưởng ứng, đã nhanh chóng lan ra khắp nước Âu - Lạc. Sau khi đánh chiếm Cổ Loa (thuộc Tây Vu), quân thủy bộ của Hai Bà Trưng “voi đi nườm nượp, thuyền bè tấp nập”, vượt sông Hoàng, sông Đuống, xuôi sông Dâu; đánh chiếm Luy Lâu (thuộc Thuận Thành - Bắc Ninh)… Cuộc nổi dậy có bước phát triển bộc phát vào khoảng tháng 3 năm 40 TCN, trở thành một lực lượng vô địch và sau khi đánh dẹp, thu phục xong khoảng 65 thành thì cũng trong năm ấy coi như giải quyết xong nạn cát cứ, lộng quyền trên cả nước. Sử Trung Hoa có chép: “Trưng Trắc công phá châu quận, hàng phục được các lạc tướng, họ đều suy tôn Trắc làm vua” (Thủy Kinh chú).
Có thể giả định rằng trước cuộc nổi dậy Hai Bà Trưng, nước Âu - Lạc trong sự phát triển tự nhiên về kinh tế - xã hội của các “lạc địa” đã xuất hiện hình thái xã hội tương tự như chế độ phong kiến phân quyền, dưới sự điều hành lỏng lẽo, danh nghĩa của triều đình trung ương là các “nước chư hầu” có thực quyền, phát triển lên từ các “lạc địa” và được cai trị bởi các lạc tướng. Ngoài ra, nhiều khả năng còn có những khu vực đất đai mà dân cư gồm những người thuộc cư dân Nam Trung Hoa hoặc cả người Hoa Hạ mà trước đó, do loạn lạc hoặc là quân bại trận trong các cuộc chiến tranh vua chúa ở tổ quốc họ, di chuyển xuống nước ta, sinh sống. Trong tình hình đó và ở giai đoạn chín muồi, cuộc nổi dậy của Hai bà Trưng có thể có mục đích ban đầu chỉ là “trả thù nhà” nhưng về sau đã chuyển hướng mục tiêu lên tầm lớn lao hơn, thể theo nguyện vọng của Đại Chúng: thống nhất đất nước. Ý nghĩa lớn lao của cuộc nổi dậy Hai Bà Trưng là như thế và cuộc nổi dậy đó (với một thủ lĩnh tài ba là “nữ nhi thường tình”), là một hiện tượng hiếm có trong lịch sử thế giới cổ đại. Cuộc nổi dậy của Trưng Trắc, Trưng Nhị và sau này là của Triệu Thị Trinh đã phản ánh một hiện thực của xã hội Việt Nam thời đó. Nam nữ bình quyền hoặc không tồn tại quan niệm trọng nam khinh nữ (điều này cũng thể hiện rõ trong chuyện Lạc Long Quân - Âu Cơ khi chia đôi đàn con để “thuận vợ thuận chồng” đi khai trời mở đất).
Sau khi dẹp loạn, chấm dứt triều đại An Dương Vương, Trưng Trắc xưng Vương, đóng đô ở Mê Linh. Nước Âu Lạc thống nhất được khoảng 3 năm và bình yên chưa được tới 2 năm. Chỉ thế thôi, nhưng cái khoảnh khắc ngắn ngủi ấy đã trở thành dấu son tươi thắm, không phai mờ trong tâm thức dân tộc Việt:


   "Bà Trưng quê ở Châu Phong
Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên
Chị em nặng một lời nguyền
Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân
Ngàn  tây nổi áng phong trần
Ầm ầm binh mã xuống gần Long Biên
Hồng quần nhẹ bước chinh yên
Đuổi ngay Tô Định dẹp yên biên thành
Đô kỳ đóng cõi Mê Linh
Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta
Ba thu gánh vác sơn hà
Một là báo phục, hai là bá vương"

(Đại Nam quốc sử diễn ca)
Mùa hạ năm 42, vua Đông Hán bên Trung Quốc phong cho Mã Viện làm Phục Ba tướng quân, chỉ huy 20 vạn quân thủy, bộ tiến đánh nước ta. Từ vùng ven biển Vịnh Hạ Long, quân thủy bộ của Mã Viện ngược sông Bạch Đằng đến sông Lục Đầu rồi đánh sâu vào nội địa, đến Lăng Bạc ở phía đông Cổ Loa, trên vùng đất cao thuộc các huyện Từ Sơn, Tiêu Du, tỉnh Bắc Ninh ngày nay.
Nhằm chặn địch từ xa, bảo vệ Mê Linh, Hai Bà Trưng cũng tập trung lực lượng, tiến quân từ Mê Linh, qua Cổ Loa, tới Lăng Bạc. Một trận quyết chiến chiến lược đã nổ ra tại đó. Quân của Hai Bà Trưng thiệt hại nặng, núng thế, phải lui về Cẩm Khê (một địa điểm dưới chân núi Ba Vì) cố thủ. Đến đây, tuy xu thế của cuộc chiến tranh chống xâm lược về cơ bản đã được định đoạt, xong Hai Bà Trưng vẫn quyết tâm chống giặc đến cùng. Hàng loạt trận quyết chiến nữa lại nổ ra sau đó, máu chảy đỏ sông Hồng, sông Đáy. Trong trận sống mái cuối cùng, khi thế đã cùng và lực đã kiệt, không chịu để lọt vào tay giặc, Hai Bà Trưng, chị trước em sau nhảy xuống dòng Hát Giang tuẫn tiết, hy sinh oanh liệt. Đó là vào ngày 6 tháng 2 năm Quý Mão - 43 (có sách nói là khoảng tháng 5 năm 43 theo lịch Hán hoặc ngày 8 tháng 3 âm lịch theo sử ta). Theo truyền sử thì xác Hai Bà Trưng trôi về đến làng Đông Nhân huyện Thanh Trì thì nhân dân nơi đó vớt được, đem chôn cất và lập đền thờ ở bãi làng ấy.

 Với thắng lợi của Mã Viện, có thể nói lần đầu tiên, thế lực phong kiến phương Bắc đã chiếm được nước ta.
Trong bài "Bắc thuộc và chống Bắc thuộc: Những dấu tích văn hóa vật chất" của Nguyễn Quang Ngọc trên mạng Internet có viết:

"Năm 43, sau khi dẹp tan cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, nhà Đông Hán đã thắt chặt chính sách cai trị tại Giao Chỉ. Về tổ chức bộ máy đô hộ, nhà Đông Hán vẫn đặt chức Thứ sử đứng đầu châu Giao Chỉ (sau đổi thành Giao Châu). Dưới cấp quận, viên quan đứng đầu vẫn là Thái thú. Tuy nhiên, lúc này Thái thú kiêm coi cả việc dân sự và việc quân sự của một quận. Chức Đô uý chuyên trách việc quân sự trước đây không còn nữa. Ngoài ra, để giúp việc cho Thái thú, một số chức quan chuyên trách các phần việc cụ thể cũng được đặt ra.
Đặc biệt, chính quyền Đông Hán là chính quyền đô hộ đầu tiên đã cố sức vươn xuống cai quản cấp huyện. Danh hiệu Lạc tướng bị xoá bỏ, thay vào đó, mỗi huyện do một viên Lệnh trưởng được chính quyền Đông Hán bổ nhiệm trực tiếp cai quản. Để thuận lợi hơn cho Lệnh trưởng cai trị các huyện đồng thời triệt tiêu dần quyền lực của các Lạc tướng cũ của người Việt trên đất bản bộ của mình, nhà Đông Hán đã tiến hành điều chỉnh lại địa giới hành chính, chia tách và đặt thêm một số huyện mới. Mã Viện sau khi đánh bại Trưng Vương đã quyết định chia cắt huyện Tây Vu cũ thành 3 huyện mới là Tây Vu, Phong Khê, Vọng Hải và cắt bớt diện tích huyện Mê Linh...
Ách cai trị thắt chặt của nhà Đông Hán còn thể hiện rõ qua việc tăng cường các chính sách bóc lột, nô dịch và đẩy mạnh hàng loạt biện pháp đồng hoá có hệ thống với quy mô ngày càng lớn. Bên cạnh việc vơ vét tài nguyên, của ngon vật lạ để cống nạp về triều đình trung ương, các quan lại tại Giao Châu còn ra sức bóc lột người dân bằng nhiều loại tô thuế và lao dịch. Nhiều diện tích đất đai của công xã người Việt ở Giao Chỉ đã bị các nhóm địa chủ, quan lại, sĩ phu từ phương Bắc di cư xuống chiếm đoạt để lập trang trại, đồn điền. Chính quyền cai trị nắm độc quyền nhiều ngành sản xuất như rèn sắt, mua bán muối... Nhà Đông Hán cũng ra sức áp dụng luật Hán trên đất Việt, bắt nhân dân ta phải tuân theo lễ giáo phong kiến Hán, đồng thời cố gắng xóa bỏ tận gốc truyền thống “dùng tục cũ mà cai trị” của người Việt. 
Cuối thế kỷ II - đầu thế kỷ III, nhà Đông Hán suy yếu rồi sụp đổ, Trung Quốc liên tục trong tình trạng hỗn chiến, loạn lạc. Nhiều triều đại được lập lên, tồn tại trong một thời gian ngắn rồi lại sụp đổ. Chịu tác động của những biến động đó, từ đầu thế kỷ III đến giữa thế kỷ VI, Giao Châu lần lượt phụ thuộc một cách lỏng lẻo vào các thế lực phong kiến Ngô, Tấn, Tống, Tề, Lương, Trần (giai đoạn nội thuộc Lục Triều).
Năm 264, nhà Ngô cũng tiến hành chia cắt lại địa giới hành chính tại Giao Châu. Ba quận Nam Hải, Thương Ngô và Uất Lâm đặt làm Quảng Châu, tách hẳn khỏi Giao Châu trở thành Trung Quốc nội địa. Tại Giao Châu, nhà Ngô lại tiến hành chia đặt nhiều quận, huyện nhỏ. Quận Giao Chỉ được tách ra thành 3 quận nhỏ là Giao Chỉ, Tân Xương, Vũ Bình; quận Cửu Chân được chia thành 2 quận là Cửu Đức và Cửu Chân. Lúc này, trên địa bàn 3 quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam trước đây đã bao gồm 6 quận nhỏ và 45 huyện. Các huyện cũng được chia lại với diện tích nhỏ hơn so với quy mô huyện dưới thời Đông Hán. Các chính quyền đô hộ Lục triều về sau vẫn cơ bản giữ nguyên cách chia đặt quận, huyện như dưới triều Ngô, chỉ tiến hành điều chỉnh nhỏ tại các huyện, như bỏ hoặc đặt thêm một số huyện mới, đổi tên huyện…
Chính sách cai trị thực thi từ thời Đông Hán tiếp tục được các chính quyền đô hộ Lục triều đẩy mạnh. Sản vật quý, của ngon vật lạ từ khắp mọi miền đất nước đều bị vơ vét, thu gom về phương Bắc. Việc thu gom cống phẩm không theo quy định mà được tiến hành hết sức tùy tiện, vô hạn độ càng làm dân ta khốn khổ. Dưới thời Ngô, hàng vạn người Việt còn bị bắt bổ sung vào quân đội để tham gia vào các cuộc hỗn chiến phong kiến, hàng nghìn thợ thủ công tài hoa cũng bị bắt sang xây dựng các công trình tại Trung Quốc.
Hoạt động chiếm đất lập trang trại đồn điền của địa chủ, quan lại gốc Hán ngày càng phổ biến khiến nhiều thành viên công xã người Việt phá sản, không còn tư liệu sản xuất và trở thành nô tì, nông dân lệ thuộc của giới địa chủ quan lại. Chính sách di dân, đồng hoá cũng được đẩy mạnh thông qua biện pháp thâm độc là di dân người Hán sang ở lẫn với người Việt. Quân lính trong các đội quân chinh phạt Giao Châu, tù binh khổ sai người Hán hay đội ngũ quan lại, địa chủ vì loạn lạc đã chạy sang định cư lập nghiệp tại Giao Châu, họ ở lẫn với người Việt, góp phần đẩy mạnh thêm xu hướng Hán hoá đang gia tăng trong lòng cơ cấu kinh tế xã hội cổ truyền của người Việt.
Nhìn chung, từ cuối thời Đông Hán đến Lục triều, mặc dù các chính quyền đô hộ đã ra sức đẩy mạnh hàng loạt chính sách bóc lột, nô dịch và đồng hoá nhân dân ta, song trên thực tế các chính sách này chỉ được thực thi tại các khu vực trung tâm - trị sở cai trị hay những địa điểm đóng quân đồn trú của chính quyền đô hộ. Còn tại các miền xa xôi, các vùng nông thôn, chúng chỉ mới dừng lại ở mức độ “ràng buộc” lỏng lẻo.
Đầu thế kỷ thứ VII, Giao Châu bị nhà Tuỳ cai trị trong một thời gian ngắn và sau đó rơi vào ách thống trị của nhà Đường cho đến đầu thế kỷ thứ X. Bộ máy cai trị nhà Đường có nhiều khác biệt so với các chính quyền đô hộ trước đó. Nhà Đường đặt Giao Châu đại tổng quản phủ để thống suất 10 châu là Giao Châu, Phong Châu, Ái Châu, Tiên Châu, Diên Châu, Tống Châu, Từ Châu, Hiểm Châu, Đạo Châu và Long Châu - tức bao gồm toàn bộ Bắc Bộ hiện nay cho đến Đèo Ngang. Năm 622, Giao Châu đại tổng quản phủ được đổi thành Giao Châu đô hộ phủ, rồi An Nam đô hộ phủ vào năm 679. Đứng đầu An Nam đô hộ phủ là một viên Đô hộ hoặc Kinh lược sứ; đứng đầu các châu là chức quan Thứ sử.
Tiến xa hơn một bước so với các chính quyền đô hộ trước đó, nhà Đường đã tìm mọi cách thiết lập hệ thống cai trị xuống tận các xóm làng của người Việt. Giao Châu đại tổng quản đầu tiên của nhà Đường là Khâu Hoà đã tiến hành cải cách chia đặt các vùng nông thôn thành các tiểu hương, đại hương, tiểu xã, đại xã với quy định cụ thể về số hộ cho từng cấp nhằm phục vụ cho công việc tổ chức quản lý hành chính cấp cơ sở. Đối với miền núi, nhà Đường đặt các châu ki mi do tù trưởng cai quản. Tổng cộng An Nam đô hộ phủ cai quản 41 châu.
Chính quyền đô hộ nhà Đường đã thực thi tại An Nam các hình thức và thủ đoạn cai trị hà khắc, thâm độc. Nhân dân An Nam phải chịu thuế má, lao dịch rất nặng nề. Phương thức bóc lột chủ yếu của nhà Đường tại đây là bóc lột thông qua các hình thức tô thuế. Bên cạnh đó, phương thức bóc lột bằng cống nạp vẫn được duy trì. Các châu quận tại An Nam hàng năm phải tiến cống những sản vật địa phương, lâm thổ sản quý, sản phẩm thủ công… Ngoài việc bị bóc lột tô thuế, chịu lao dịch để khai thác sản vật làm cống phẩm cho triều đình, người dân An Nam còn phải đóng rất nhiều phú liễm khác… khiến tình cảnh của họ đã khốn khổ lại càng cùng quẫn hơn. Hiện tượng bần cùng hoá gia tăng nhanh chóng với quy mô ngày càng lớn. Mâu thuẫn giữa người Việt và chính quyền đô hộ ngày càng gay gắt và đã bùng lên thành nhiều phong trào đấu tranh lớn của dân chúng vào thế kỷ VIII-IX, làm cơ sở đi đến công cuộc đấu tranh giành lại nền độc lập hoàn toàn vào đầu thế kỷ X.
Trong hơn 1000 năm Bắc thuộc (theo quan niệm của chúng ta thì chỉ gần 900 năm), chính sách cai trị của các triều đại phong kiến và quá trình giao lưu tiếp xúc Việt - Hoa theo cả hai hình thức cưỡng bức và ôn hoà đã tạo nên những chuyển biến lớn trong cơ cấu kinh tế, xã hội, văn hoá của người Việt.
Khu vực hạ châu thổ sông Hồng đã mở rộng vươn xa về phía biển. Người Việt đã không ngừng khai hoang lập ấp, biến hầu như toàn bộ vùng châu thổ thành đồng ruộng và xóm làng. Diện tích đất canh tác được mở rộng, hệ thống đê điều ngăn lụt đã xuất hiện tại nhiều nơi. Toàn bộ vùng châu thổ đã trở thành những cánh đồng chuyên canh trồng lúa và hoa màu. Từ đầu Công nguyên, đồ sắt đã bắt đầu được sử dụng phổ biến, cày cuốc đã trở thành phương thức canh tác chủ yếu thay cho phương thức “hoả canh”, “thủy nậu”. Kỹ thuật dùng cày và bón phân, thâm canh tăng vụ đã thúc đẩy năng suất cây trồng tăng lên nhanh chóng. Bên cạnh trồng lúa nước truyền thống, người Việt đã đa dạng hoá cơ cấu cây trồng. Nghề trồng dâu nuôi tằm phát triển. Cây đay, bông, gai cũng được trồng phổ biến để làm nguyên liệu dệt vải. Nghề làm vườn cũng không ngừng được đẩy mạnh. Chăn nuôi cũng phát triển với nhiều giống gia súc, gia cầm như trâu, bò, lợn, gà, ngỗng, vịt, chim bồ câu…
Quá trình tiếp xúc văn hoá Hoa - Việt lâu dài đã đem đến những thay đổi quan trọng trong ngành thủ công nghiệp. Bên cạnh những nghề truyền thống, người Việt đã phát triển những nghề thủ công học từ người Hán như rèn sắt, làm gốm, làm gạch ngói, làm đường, làm giấy, chế tạo thủy tinh, sản xuất đồ mỹ nghệ, thuộc da, sơn then… Trong từng nghề, người Việt tiếp thu không chỉ kỹ thuật mà cả phong cách nghệ thuật Hán. Đồ gốm làm ra trong thời kỳ này đã thấy xuất hiện nhiều loại hoa văn Hán rất đặc thù. Người Việt từ sản xuất các loại gốm thô đã tiến tới làm ra các sản phẩm gốm tráng men. Nghề làm vật liệu xây dựng đặc biệt phát triển nhằm phục vụ nhu cầu xây dựng các công trình kiến trúc thành quách, chùa tháp, mộ táng… của chính quyền cai trị. Nghề làm giấy học được từ Trung Quốc cũng có những tiến bộ đáng kể; nghề chế tạo thủy tinh cũng đạt nhiều thành tựu quan trọng với nhiều loại sản phẩm thuỷ tinh có nhiều màu, tinh xảo.
Trong thời kỳ này, chủ yếu có hai luồng giao thương buôn bán là hàng hoá, tiền đồng từ Trung Quốc đổ vào Việt Nam và nguồn nông, lâm, thổ, hải sản, sản phẩm thủ công từ Việt Nam chuyển sang Trung Quốc. Hệ thống thuyền buôn Trung Quốc hoạt động mạnh đã nối kết Việt Nam với nhiều quốc gia Đông Nam Á. Hệ thống giao thông, giao thương đã phát triển, nối liền các địa phương trong một huyện, quận và nối thông cả 3 quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam.
Về văn hoá xã hội, dưới tác động của chính sách đồng hoá, các yếu tố văn hóa Hán ngày càng ảnh hưởng sâu đậm tại nước ta. Xen kẽ và hoà cùng với các xóm làng người Việt ở châu thổ sông Hồng, lúc này cũng bắt đầu xuất hiện một số thị trấn, xóm làng của người Hoa và đồn điền, trại ấp của quan lại, địa chủ gốc Hán. Trải qua quá trình cộng sinh lâu đời, nhiều người Hoa đã dần dần Việt hoá và trở thành một bộ phận trong cộng đồng người Việt.
Với việc xoá bỏ chế độ Lạc tướng và cơ cấu bộ lạc, nhiều truyền thống của công xã, bộ lạc người Việt đã bị phá vỡ, phân hoá xã hội ngày càng sâu sắc hơn với những mối quan hệ xã hội mới ra đời. Tầng lớp hào trưởng người Việt ngày càng có vai trò to lớn trong xã hội, trong khi đó họ lại bị quan lại đô hộ chèn ép và phân biệt đối xử về cả kinh tế và chính trị nên mâu thuẫn giữa họ với chính quyền đô hộ càng ngày càng trở nên sâu sắc. Họ dần trở thành thủ lĩnh đại diện cho phong trào đấu tranh chống lại ách nô dịch và đồng hoá của chính quyền đô hộ.
Văn hoá, luật tục và thiết chế cổ truyền của người Việt dần dần bị xoá bỏ và bị cải tổ theo phong hoá Hán. Thậm chí tên họ người Việt đến đây cũng đã được thống nhất đặt theo cách gọi chung của người Hán. Tuy nhiên nhiều truyền thống vẫn được bảo tồn bền bỉ như tục thờ cúng tổ tiên, anh hùng có công với cộng đồng, tục xăm mình, nhuộm răng đen hay các hình thức tín ngưỡng dân gian khác của cộng đồng cư dân nông nghiệp trồng lúa nước.
Quá trình giao lưu tiếp xúc văn hoá mạnh mẽ đã đưa đến sự du nhập của các luồng tư tưởng, tôn giáo lớn như Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo… Nho giáo vào Việt Nam cùng với chính sách nô dịch, đồng hoá của chính quyền cai trị nên ít có điều kiện đi sâu vào đời sống dân chúng, mà dường như mới chỉ dừng lại ảnh hưởng ở những tầng lớp trên trong xã hội. Trái lại, Phật giáo ngay khi mới vào Việt Nam đã có sự kết hợp với tín ngưỡng dân gian bản địa một cách tự nhiên. Đây là tôn giáo phát triển nhanh nhất và có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất tại nước ta trong thời Bắc thuộc. Sự phát triển mạnh của tôn giáo này đã dẫn đến sự hình thành trung tâm Phật giáo Dâu - Luy Lâu phồn thịnh ngay từ những thế kỷ đầu Công nguyên. Một tôn giáo khác cũng theo bước chân người Hán du nhập vào nước ta là Đạo giáo. Khoảng cuối thế kỷ II, Đạo giáo đã chính thức được truyền bá và vượt xa Nho giáo về mức độ ảnh hưởng trong dân chúng. Với tinh thần xuất thế, vô vi, thoát tục, thuận theo tự nhiên, Đạo giáo đã được người Việt đón nhận nhanh chóng. Sự xuất hiện và phát triển đồng thời của nhiều tư tưởng, tôn giáo đã tạo nên sắc thái đa nguyên hỗn hợp trong đời sống văn hoá tín ngưỡng của người Việt. 
Như vậy, mặc dù phải chịu đựng ách cai trị tàn bạo và chính sách đồng hoá khốc liệt của các triều đại phong kiến phương Bắc, nhưng người Việt đã biết tiếp thu, học hỏi những yếu tố tiến bộ trong văn hoá Hán, tạo nên những chuyển biến to lớn trong nền kinh tế, xã hội, văn hoá. Lối sống và văn hoá Việt tiếp xúc lâu dài và trực tiếp với văn hoá Hán, đã diễn tiến dưới ảnh hưởng của văn hoá Hán và dần dần biến đổi từ mô hình Đông Sơn cổ truyền sang mô thức mới: Việt - Hán.
Các chính quyền phong kiến phương Bắc, mặc dù đã cố gắng tìm mọi cách để đồng hoá người Việt, song về căn bản trong suốt thời Bắc thuộc vẫn không thể nào trực tiếp với tay tới và can thiệp làm biến đổi được cơ cấu xóm làng cổ truyền của người Việt. Các xóm làng dựa trên cơ sở công xã nông thôn vẫn tồn tại như thế giới riêng của người Việt, là nơi nuôi dưỡng và phát huy những tinh hoa của văn hoá truyền thống làm cơ sở cho cuộc đấu tranh chống Bắc thuộc, chống đồng hoá.
Trong dọc dài 1000 năm Bắc thuộc, hầu hết các vùng miền của lãnh thổ Âu Lạc cũ đều có những chuyển biến sâu sắc, trong đó khu vực nội thành Hà Nội trở thành trung tâm chính trị lớn nhất, sào huyệt của các chính quyền đô hộ Tuỳ - Đường, và vì thế cũng là địa bàn tập hợp, quy tụ sức quật khởi của cả nước, chứng kiến đầy đủ và tiêu biểu nhất các cuộc đấu tranh chống nô dịch, chống đồng hoá, không ngừng không nghỉ, lúc âm thầm, sâu lắng, lúc bùng lên dữ dội..."
Thời kỳ lịch sử nước ta, từ năm 43 đến năm 938 được gọi là thời kỳ Bắc thuộc. Trong thời kỳ ấy nhân dân ta đã liên tục khởi nghĩa hết cuộc này đến cuộc khác nhằm chống ách đô hộ của phong kiến phương Bắc và đã không ít lần tạm thời giành lại được đất nước…
Hai trăm năm sau cuộc giữ nước bất thành của Hai Bà Trưng, có một phụ nữ noi được tấm gương lẫm liệt của Hai Bà Trưng, đó là Bà Triệu. Bà Triệu tên thật là Triệu Thị Trinh, còn gọi Triệu ẩu, sinh ngày 2 tháng 10 năm Bính Ngọ (225), là em gái của Triệu Quốc Đạt, một hào trưởng lớn ở miền núi Quan Yên, quận Cửu Chân (Thanh Hóa).

Từ nhỏ, bà sớm tỏ ra có chí khí hơn người. Khi cha bà hỏi về chí hướng mai sau, tuy còn ít tuổi, bà đã rằn rỏi thưa: “Lớn lên con sẽ đi đánh giặc như bà Trưng Trắc, Trưng Nhị”. Cha mẹ đều mất sớm, Bà Triệu đến ở với anh là Triệu Quốc Đạt, một hào trưởng ở Quan Yên.

Lớn lên, bà là người có sức mạnh, giỏi võ nghệ, lại có chí lớn. Đến năm 19 tuổi gặp phải người chị dâu (vợ ông Đạt) ác nghiệt, bà giết chị dâu rồi vào ở trong núi Nưa (nay thuộc các thị trấn Nưa huyện Triệu Sơn, xã Mậu Lâm huyện Như Thanh, xã Trung Thành huyện Nông Cống, Thanh Hóa), chiêu mộ được hơn ngàn tráng sĩ.

Mùa xuân năm Mậu Thìn (248), thấy quan lại nhà Đông Ngô (Trung Quốc) tàn ác, dân khổ sở, Bà Triệu bèn bàn với anh việc khởi binh chống lại. Lúc đầu, anh bà không tán thành nhưng sau chịu nghe theo ý kiến của em.

Cũng năm 19 tuổi, Triệu Thị Trinh cùng anh mình tập hợp nghĩa quân, lập căn cứ Phú Điền (Hậu Lộc - Thanh Hóa). Bà để lại cho đời sau câu nói nổi tiếng: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp bằng sóng dữ, chém cá tràng kình ở biển Đông, giành lại giang sơn, chứ không thèm cúi đầu đi làm tỳ thiếp cho người”. Sử gia Lê Tung ở thế kỷ 16 viết: "Triệu Ẩu (tức Bà Triệu) là người con gái ở quận Cửu Chân, họp quân trong núi, đánh phá thành ấp, các bộ đều theo như bóng theo hình, dễ hơn trở bàn tay. Tuy chưa chiếm giữ được đất Lĩnh Biểu như việc cũ của Trưng Vương, nhưng cũng là bậc hùng tài trong nữ giới."
Năm 226, Sĩ Nhiếp (là thái thú Giao Chỉ vào cuối đời nhà Hán; qua giai đoạn Tam Quốc, ông cát cứ và cai trị Giao Châu như một quốc gia độc lập từ 187 đến 216) mất, vua Đông Ngô là Tôn Quyền bèn chia đất từ Hợp Phố về bắc thuộc Quảng Châu dùng Lữ Đại làm thứ sử; từ Hợp Phố về nam là Giao Châu, sai Đại Lương làm thái thú; và sai Trần Thì làm thái thú quận Giao Chỉ. Lúc bấy giờ, con của Sĩ Nhiếp là Sĩ Huy tự nối ngôi và xưng là thái thú, liền đem binh chống lại.
Thứ sử Lữ Đại bèn xua quân sang đánh dẹp. Do nghe lời chiêu dụ, Sỹ Huy cùng năm anh em ra hàng. Lữ Đại đem chém tất cả rồi đem đầu gửi về Vũ Xương. Dư đảng của Sỹ Huy tiếp tục chống lại, khiến Lữ Đại mang quân vào Cửu Chân giết hại một lúc hàng vạn người.
Năm Mậu Thìn (248), nghĩa quân tiến công quân Ngô. Từ hai căn cứ núi vùng Nưa và Yên Định, hai anh em bà dẫn quân đánh chiếm quận lỵ Tư Phố nằm ở vị trí hữu ngạn sông Mã. Đây là căn cứ quân sự lớn của quan quân nhà Đông Ngô trên đất Cửu Chân, đứng đầu là Tiết Kính Hàn. Thừa thắng, lực lượng nghĩa quân chuyển hướng xuống hoạt động ở vùng đồng bằng con sông này. Đang lúc ấy, Triệu Quốc Đạt lâm bệnh qua đời. Các nghĩa binh thấy bà làm tướng có can đảm, bèn tôn lên làm chủ. Bà đã phối hợp với ba anh em họ Lý ở Bồ Điền đánh chiếm các vùng đất còn lại ở phía Bắc Thanh Hóa ngày nay, đồng thời xây dựng tuyến phòng thủ từ vùng căn cứ Bồ Điền đến cửa biển Thần Phù (Nga Sơn, Thanh Hoá) để ngăn chặn viện binh của giặc Ngô theo đường biển tấn công từ phía Bắc. Khi ra trận, Bà Triệu mặc áo giáp vàng, đi guốc ngà, cài trâm vàng, cưỡi voi trắng một ngà và được tôn là Nhụy Kiều tướng quân. Quân Bà đi đến đâu cũng được dân chúng hưởng ứng, khiến quân thù khiếp sợ. Phụ nữ quanh vùng thúc giục chồng con ra quân theo Bà Triệu đánh giặc. Để chia rẽ nghĩa quân, giặc đã xảo quyệt phong cho Bà Triệu đến chức Lệ Hải Bà Vương (nữ vương xinh đẹp của vùng ven biển), song Bà không một chút xao động. Để mua chuộc Bà Triệu, giặc bí mật sai tay chân thân tín tới gặp và hứa sẽ cung cấp cho Bà thật nhiều tiền bạc, song, Bà cũng chẳng chút tơ hào. Các thành, ấp của chúng bị đánh tan tành. Cuộc khởi nghĩa lan rộng. Sử sách nhà Ngô thú nhận: “Toàn thể Giao Châu chấn động”. Vua Ngô vội cử Lục Dân đem thêm 8000 quân sang đàn áp. Đến nơi, tướng Lục Dận liền dùng của cải mua chuộc một số lãnh tụ địa phương để làm suy yếu và chia rẽ lực lượng nghĩa quân.

Những trận đánh ác liệt đã diễn ra tại căn cứ Bồ Điền. Song do chênh lệch về lực lượng và không có sự hỗ trợ của các phong trào đấu tranh khác nên căn cứ Bồ Điền bị bao vây cô lập, và chỉ đứng vững được trong hơn hai tháng.

Sau 6 tháng chống cự ngoan cường không nao núng, cuối cùng cuộc khởi nghĩa thất bại do có kẻ phản trắc vì bị giặc mua chuộc. Triệu Thị Trinh tuẫn tiết trên núi Tùng (xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) vào năm Mậu Thìn (248). Bấy giờ, Bà Triệu mới có 23 tuổi. Sau khi tìm thấy thi thể vị nữ chủ tướng, ba anh em họ Lý đã đắp mộ chu toàn cho Bà ngay trên đỉnh núi. Không bao lâu sau đó, ba ông cũng đã tuẫn tiết dưới chân núi Tùng để giữ trọn lời thề với nữ chủ tướng của mình. Nước Việt lại bị nhà Đông Ngô đô hộ cho đến 265. 
Về sau, Lý Nam Đế (tức Lý Bí) khen Bà Triệu là người trung dũng, phong là: "Bậc chính anh liệt hùng tài trinh nhất phu nhân" và sai lập miếu thờ. Hiện nay, nơi núi Tùng (xã Triệu Lộc) vẫn còn di tích lăng mộ của bà. Cách nơi bà mất không xa, trên núi Gai ngay sát quốc lộ 1A (đoạn đi qua thôn Phú Điền, xã Triệu Lộc, cách thành phố Thanh Hóa 18 km về phía Bắc) là đền thờ bà. Hằng năm, vào ngày 21 tháng 2 (âm lịch), người dân trong vùng vẫn tổ chức làm lễ giỗ bà.
Chúng ta quay lại với câu chuyện sử của Thủ Đô!.
(Còn tiếp)
--------------------------------------------------------------------

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

TT&HĐ I - 9/d

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH