Chủ Nhật, 20 tháng 12, 2020

TT&HĐIII - 25/f

                                             Bạn đã biết gì về Thành Cát Tư Hãn

 
Vì sao kỵ binh Mông Cổ TQ tung hoành khiến cả thế giới khiếp sợ nhưng 3 lần thảm bại ở Việt Nam


PHẦN III:     NGUỒN CỘI 

" Đi đi con!
Trong khinh khi may nhớ nước non
Mà ôn lại cho đừng quên lịch sử
Bốn ngàn năm rồi, Việt Nam bất tử
Dằng dặc đoạn trường chống giặc ngoại xâm
Biết mấy đau thương, biết mấy anh hùng
Ghi tạc địa cầu bao chiến công hiển hách
..."

                                                                                Trần Hạnh Thu

"Lịch sử hoài thai chân lý, nó có thể kháng cự với thời gian, có thể dìm đi những việc cũ, nó là dấu tích của thời xa xưa, là gương soi của đương đại, là lời giáo huấn cho thế hệ sau."
                                                                 
Cervantes (Tây Ban Nha)

"Lịch sử là bằng chứng của thời đại, là ngọn lửa của chân lý, là sinh mệnh của kí ức, là thầy giáo của cuộc sống và là sứ giả của cổ nhân."
                                                                                                      Cicero (La Mã)
 
“Đừng chê cõi trần nhơ
Đừng khen cõi trần đẹp
Cõi trần là thản nhiên
Chỉ có đời nhơ, đẹp.” 
.

CHƯƠNG IV: ĐỊA LINH NHÂN KIỆT

“Thủ đô là cái đại tập thành của cả đất nước từ khí non sông tụ lại. Không bàn tán về những thành phố khác, mà nói về Hà Nội thì không ai không nhớ đến bài ca chính khí của nó…
Hà Nội không phải là một đất thánh, theo cái nghĩa tín đồ hành hương, nhưng Hà Nội là một đất thiêng, kẻ ngoài nào mà xúc phạm vào nó là phải đền tội”
“Khi một giống nòi bị dồn đến chỗ chỉ có thể lựa chọn cái chết và nô lệ thì xông vào cái chết là dũng cảm hơn. Nơi nào mà nó không phải là thiết yếu thì bạo lực mới bị lên án. Có những trường hợp phải công nhận bạo lực bởi vì không còn cách nào khác”
"Rủ nhau xem cảnh Kiếm Hồ
Xem cầu Thê Húc, xem chùa Ngọc Sơn
Đài Nghiên, Tháp Bút chưa mòn
Hỏi ai gây dựng nên non nước này?"
                                                                (Khuyết danh)

   
 
 

(Tiếp theo)


Mông Cổ lúc bấy giờ vốn chưa có chữ viết (có thể là do cách sống du mục phân tán trong thảo nguyên mênh mông và chiến tranh loạn lạc triền miên giữa các bộ lạc ở những thời gian trước đó). Khi hàng phục được bộ lạc Naiman, Thành Cát Tư Hãn bắt được một người Duy Ngô Nhĩ, sai người này dùng chữ Duy Ngô Nhĩ phiên âm tiếng Mông Cổ để dạy cho con em quí tộc. Tuy vậy bản thân Thành Cát Tư Hãn vẫn mù chữ.
Danh từ “Mông Cổ” chính thức xuất hiện trong sách vở sau khi Thành Cát Tư Hãn thống nhất đất nước, sử sách Trung Hoa gọi là “Thát”.
Ngay từ năm 1205, Thành Cát Tư Hãn đã từng tấn công Tây Hạ. Sau khi thành lập nước, với thế và lực càng mạnh, Thành cát Tư Hãn đã lấy chiến tranh xâm lược, cướp bóc các dân tộc khác làm phương thức kiếm ăn chủ yếu. Ông ta đã động viên toàn bộ nhân tài vật lực vào cuộc bành trướng lãnh thổ, mở rộng phạm vi thống trị của mình, làm nên một cuộc chinh phục vĩ đại, vô tiền khoáng hậu, hết sức tàn bạo và khốc liệt, làm kinh thiên động địa thế giới bấy giờ. Trong vòng nửa thế kỷ, vó ngựa của đội quân thiện chiến và cường bạo tung hoành, dày xéo khắp Á, Âu, lập nên một Đế quốc Mông Cổ rộng bao la từ Thái Bình Dương đến tận Hắc Hải.
Mục tiêu đầu tiên của cuộc chinh phục ấy là hai nước láng giềng: Tây Hạ (nước đã từng đánh nhưng chưa hạ được) và Kim. Năm 1209, Mông đánh Tây Hạ. Không chống cự nổi, Tây Hạ phải nộp con gái xin hòa (thực chất là đầu hàng). Năm 1211, quân Mông ồ ạt tấn công Kim, chiếm rất nhiều đất đai, rồi bao vây Trung Đô (Bắc Kinh). Chịu không nổi, Kim cũng dâng công chúa xin hòa. Quân Mông rút nhưng vua Kim vẫn sợ nên dời đô xuống Biện Lương. Nghĩ vua Kim làm vậy là có mưu đồ, mùa thu năm ấy, Thành Cát Tư Hãn lại tấn công, toàn bộ phần lãnh thổ bắc Hoàng Hà của Kim bị nhập vào Mông Cổ. Năm 1216, sau khi cử một viên tướng của mình ở lại cai quản đất đai đã chiếm được, Thành Cát Tư Hãn đem quân về nước để hoạch định bước kế tiếp của cuộc chinh phục.

Bắt đầu từ đó những đoàn kỵ binh đông như kiến cỏ ào ạt tiến sang cả phương đông lẫn phương tây. Trừ các đại dương, còn hầu như không có chướng ngại nào ngăn chặn được những đoàn quân hung hãn, thần tốc, đánh phá một cách hủy diệt ấy.
Năm 1226, Thành Cát Tư Hãn lại tấn công Tây Hạ, hủy diệt nhiều thành trì rồi tiến quân vây kinh đô. Vua Hạ chịu thua, đầu hàng. Nước Tây Hạ không còn nữa.Năm 1218, 2 vạn quân Mông tấn công và chiếm được Tây Liêu (vùng bắc Trung Quốc), đưa cương giới Mông Cổ tới sát liền với nước Khôrezmơ. Mùa Thu năm 1219, nhân cớ nước này bắt giết hết một đội buôn Mông Cổ gồm 450 người (có một người chạy thoát về báo tin), 500 lạc đà vận chuyển đầy vàng bạc, da thú và hàng hóa quí sang Trung Á buôn bán, Thành Cát Tư Hãn huy động 20 vạn quân đánh tràn sang Khôrezmơ. Không đầy một năm, nước Khôrezmơ bị diệt vong. Thuận đà, quân Mông tràn vào Adécbaidan, rồi đóng tại đó chờ cho qua mùa đông. Năm 1222, quân Mông (do Giêbê và Xinbutai chỉ huy) xâm nhập Grudia rồi vượt núi Cápcadơ, tiến lên phía bắc. Năm 1223, tại chiến dịch bên bờ sông Camca, quân Mông đánh bại 80.000 liên quân Nga. Tướng lĩnh Mông Cổ đã bắt trói các vương công Nga, bắc ván lên đầu họ rồi ngồi lên đó để ăn mừng chiến thắng! Sau đó quân Mông quay về phía đông.
Ngày 25-8-1227, Thành Cát Tư Hãn bệnh, mất. Con út  của ông là Tôlui tạm thời nắm quyền đất nước. Năm 1229, Hội nghị quí tộc công nhận Ôgôxây (con thứ ba của Thành Cát Tư Hãn) kế ngôi Đại Hãn theo di chúc, đồng thời bàn kế hoạch tấn công nước Kim, Nam Tống, Triều Tiên, Ba Tư và Tây Âu.
Năm 1230, Ôgôdây và Tôlui cùng con mình là Mông Ca đem quân đánh nước Kim, mở màn giai đoạn chinh phục mới. Lôi kéo được Nam Tống cùng đánh Kim, đến năm 1233, quân Mông liên tiếp chiếm được nhiều châu của Kim rồi bao vây Biện Kinh. Vua Kim tháo chạy đến Thái Châu (Cát Lâm). Đến lúc ấy, Nam Tống mới đưa hai vạn quân đến phối hợp. Năm 1234, liên quân Mông - Tống vây đánh Thái Châu, vua Kim tự tử, nước Kim chấm dứt tồn tại. Sau này, vào đầu thế kỷ XVII, xuất hiện một nước Kim khác do người Nữ Chân, Kiến Châu thành lập, vào năm 1636 được đổi tên là Thanh.
Cùng khoảng thời gian đó, năm 1231, quân Mông cũng tấn công Cao Li, đánh đến kinh đô Khai Thành thì vua Cao Li đành xin giảng hòa với những điều kiện ngặt ngèo do quân thắng trận áp đặt. Năm 1232, vì Cao Li giết bọn Đaruhasi (quan trấn thủ, gồm 72 người của quân Mông được bố trí ở những nơi trọng yếu trên lãnh thổ Cao Li theo điều kiện áp đặt trong Hòa ước), và tỏ thái độ chống lại, quân Mông lại tấn công Cao Li và trước tinh thần kháng chiến ngoan cường của nhân dân nước này, mãi đến năm 1253, mời thần phục được.
Năm 1236, dưới sự chỉ huy của Batu (cháu Thành Cát Tư Hãn), 15 vạn quân Mông lại ồ ạt tiến sang phía tây. Mùa đông năm 1237, quân Mông tấn công nước Nga, chiếm được nhiều công quốc ở Nga, trong đó có Maxcơva, vào cuối năm 1238. Cuối năm 1240, quân Mông chiếm và tàn phá Kiép cổ kính. Năm 1241, quân Mông chia làm hai đạo, tấn công Hungari và Ba Lan. Vua Hungari bỏ chạy và đầu năm 1272, bị truy kích đến tận bờ biển Nam Tư, gần Vênêxia. Châu Âu rúng động!
Đất Ba Tư sau nhiều phen bị xâm lược, cuối cùng cũng bị sát nhập vào Đế quốc Mông Cổ rộng lớn. Đất đai Xiri và vùng Lưỡng Hà cũng quằn quại bởi sự dày xéo của vó ngựa quân Mông.
Tuy giành được thắng lợi liên tiếp, nhưng khả năng binh lực của quân Mông không phải là vô hạn, và cũng do bị hao tổn, không cho phép tiến sâu hơn nữa vào Châu Âu và Trung Cận Đông, cho nên năm 1242, Batu đành quay về phía đông, đóng quân tại vùng sông Vônga, chờ thời.
Năm 1241, Ôgôđây chết. Sau 5 năm tranh giành ngôi vua, năm 1246, Hội nghị quí tộc cử Guyúc (con Ôgôđây) lên ngôi Đại Hãn. Hai năm sau (năm 1248), Guyúc chết, việc tranh ngôi lại xảy ra cho đến năm 1251 thì Mông Ca trở thành Đại Hãn. Sau khi lên ngôi, Mông Ca tiếp tục tổ chức những cuộc viễn chinh xâm lược mà mục tiêu chính là Nam Tống và Tây Á.
Ở hướng tây, năm 1253, Mông Ca cử người em thứ ba của mình là Hulagu đem quân tấn công vùng Tây Á. Năm 1258, quân Mông chiếm được Bát Đa. Vương triều A Bát của Arập bị diệt vong. Vua Arập là An Muxtaxin bị bỏ vào một cái túi rồi cho ngựa xéo chết. Tiếp đó, quân Mông đánh sang Xiri, Ai Cập, nhưng bị quân Ai Cập đánh chặn được nên phải dừng lại. Trên lãnh thổ chinh phục được ở Tây Á, Hulagu lập nên một vương quốc của người Mông Cổ gọi là Hãn quốc Ilơ.
Ở hướng đông, năm 1252, để tạo nên thế bao vây đối với Nam Tống, Mông Ca sai em thứ hai của mình là Hubilai (Hốt Tất Liệt) dẫn một cánh quân tiến xuống phía tây nam, tiêu diệt nước Đại Lý, đặt ách đô hộ lên toàn bộ vùng Vân Nam Trung Quốc (1253). Ngay năm ấy, Hubilai sai Uriangkhađai (Ngột Lương Hợp Thai) tấn công Thổ Phồn. Thổ Phồn thần phục vào năm 1254. Đầu năm 1258, Ngột Lương Hợp Thai đem quân tấn công Đại Việt để làm bàn đạp lấn tiếp xuống phía nam, nhưng trước hết là để chọc vào lưng Nam Tống.
 Hốt Tất Liệt hãn hiệu Tiết Thiện Hãn, là khả hãn (khagan) thứ năm của đế quốc Mông Cổ. Ông sinh năm 1215, là con trai thứ tư của Đà Lôi và là cháu nội của Thành Cát Tư Hãn - vị khả hãn sáng lập đế quốc Mông Cổ. 
Sau chiến dịch thắng lợi ở Khwarezm, Thành Cát Tư Hãn đã trở về nhà và tổ chức một lễ ăn mừng với sự tham gia của hai cháu trai là Mông Kha và Hốt Tất Liệt sau chuyến đi săn đầu tiên vào năm 1224 gần sông Ili. Hốt Tất Liệt khi ấy 9 tuổi và cùng với người anh cả của mình đã giết một con thỏ và một con linh dương. Sau đó, Thành Cát Tư Hãn bôi mỡ từ những con vật bị giết lên ngón tay giữa của Hốt Tất Liệt theo truyền thống của người Mông Cổ, và nói rằng: "Những lời của cậu bé này rất khôn ngoan, hãy chú ý đến chúng - hãy chú ý chúng bằng tất cả những gì chúng ta có".
Năm 1260, Hốt Tất Liệt và em trai ông là A Lý Bất Ca đã cùng xưng khả hãn Mông Cổ sau khi anh trai Mông Kha của họ băng hà một năm trước đó mà không chỉ định người kế vị. Cuối cùng, ông đã giành thắng lợi trước A Lý Bất Ca vào năm 1264 sau cuộc xung đột 4 năm, dẫn đến sự chia rẽ chính trị sâu sắc trong nội bộ Mông Cổ, nhưng đế quốc này về tổng thể vẫn là thống nhất và hùng mạnh. Ảnh hưởng của Hốt Tất Liệt vẫn còn mạnh tại hãn quốc Y Nhi và Kim Trướng hãn quốc, các phần phía tây của đế quốc Mông Cổ. Dưới sự lãnh đạo của Hốt Tất Liệt, đế quốc Mông Cổ đã đạt đến thời kỳ cực thịnh. Ông đã dời đô từ Hoa Lâm (Karakorum) về Đại Đô (tức Bắc Kinh ngày nay).

Nhà Nguyên là một triều đại do người Mông Cổ thành lập và là triều đại do một dân tộc thiểu số cai trị đầu tiên hoàn thành sự nghiệp thống nhất Trung Quốc. Triều Nguyên do Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt lập nên vào năm 1271, định đô tại Đại Đô, đến năm 1279 thì công diệt Nam Tống, thống nhất khu vực Trung Quốc. 

Tiền thân của triều Nguyên là Đại Mông Cổ Quốc. Năm 1206, Thành Cát Tư Hãn thống nhất các bộ lạc tại phía bắc sa mạc Gobi (tức Mạc Bắc), lập nên Đại Mông Cổ Quốc. Do tại Kim và Tây Hạ dần suy lạc, Mông Cổ trước sau tiến đánh Tây Hạ và Kim của Trung Quốc ngày nay, tiêu diệt Tây Hạ vào năm 1227, đến năm 1234 thì diệt Kim, hoàn toàn chiếm lĩnh Hoa Bắc. Tại phía tây, trước khi triều Nguyên thành lập vào năm 1271, Mông Cổ trước sau phát động ba lần tây chinh, khiến Đế quốc Mông Cổ xưng bá đại lục Á-Âu.

Năm 1259, sau khi Mông Kha từ trần trong chiến tranh chinh phạt Tống, Hốt Tất Liệt đang quản lý khu vực dân cư Hán tiến hành tranh đoạt hãn vị với A Lý Bất Ca vốn được chính quý tộc Mông Cổ tại Mạc Bắc ủng hộ, phát sinh chiến tranh, cuối cùng Hốt Tất Liệt giành thắng lợi vào năm 1264. Hốt Tất Liệt lấy tên Nguyên trong "đại tai càn nguyên" của Chu Dịch, vào năm 1271 đổi quốc hiệu thành Đại Nguyên - Mông, kiến lập triều Nguyên, tức Nguyên Thế Tổ. Điều này khiến bốn hãn quốc lớn của người Mông Cổ trước sau thoát ly quan hệ với Đại hãn Hốt Tất Liệt, đến thời kỳ Nguyên Thành Tông mới thừa nhận trên danh nghĩa rằng hoàng đế triều Mông Nguyên là Đại hãn. Năm 1279, triều Nguyên công diệt xong Tống (960-1279) tại miền Nam Trung Quốc ngày nay, thống trị toàn bộ khu vực Trung Quốc, kết thúc cục diện phân liệt hơn 400 năm từ thời Đường mạt.

Hốt Tất Liệt hai lần có ý định xâm chiếm Nhật Bản. Ý định xâm chiếm thứ nhất diễn ra vào năm 1274, với hạm đội gồm 900 tàu thuyền chiến. Lần xâm chiếm thứ hai diễn ra vào năm 1281, với hạm đội có trên 1.170 thuyền chiến lớn, mỗi chiếc dài tới 73 m. Tuy nhiên, cả hai lần, người ta tin rằng thời tiết xấu hoặc các lỗi kỹ thuật trong chế tạo tàu thuyền đã phá hủy hạm đội thủy quân của ông. Tiến sĩ Kenzo Hayashida, một nhà khảo cổ học biển, người đứng đầu nhóm điều tra đã phát hiện ra các mảnh vỡ của hạm đội xâm chiếm lần thứ hai ngoài khơi miền tây Dokdo. Các vật tìm thấy của nhóm này chỉ ra rằng Hốt Tất Liệt rất vội xâm chiếm Nhật Bản và cố gắng xây dựng hạm đội hùng mạnh chỉ trong vòng 1 năm (một công việc mà đúng ra phải mất ít nhất 5 năm). Điều này buộc nhà Nguyên phải sử dụng mọi loại thuyền có thể, từ những thuyền nhỏ chuyên chạy trên sông, nhằm đạt được sự sẵn sàng sớm hơn. Quan trọng nhất, người Trung Quốc, khi đó dưới sự thống trị của Hốt Tất Liệt, buộc phải dựng ra nhiều tàu thuyền nhanh hơn nhằm đảm bảo góp đủ cơ số tàu thuyền cho cả hai lần xâm chiếm. Hayashida giả định rằng, nếu Hốt Tất Liệt sử dụng các tàu thuyền đi biển tiêu chuẩn, được chế tạo tốt, với sống thuyền cong để ngăn cản sự lật úp thì thủy quân của ông có thể đã vượt qua được cuộc hành trình dài này tới Nhật Bản và có thể đã có khả năng chiếm được đất nước này.

Về cuối đời, con yêu cùng vợ yêu qua đời trong một thời gian ngắn, cùng với những thất bại của các chiến dịch quân sự ở Đại Việt và Nhật Bản cũng luôn ám ảnh ông, hẳn đã khiến tinh thần Hốt Tất Liệt bị chấn động mạnh mẽ. Mặt khác, Hốt Tất Liệt cũng bị bệnh gút nặng trong những năm cuối đời do thừa cân quá mức. Ông tăng cân nhanh vì thích ăn các món đặc sản nguồn gốc động vật và uống quá nhiều rượu. Điều này làm gia tăng nhanh lượng purin trong máu của ông, dẫn tới việc làm trầm trọng thêm các vấn đề với bệnh gút và cuối cùng dẫn tới cái chết.

Hốt Tất Liệt chìm vào trầm cảm vì mất người thân, sức khỏe yếu và tuổi tác ngày một cao. Ông đã thử mọi phương pháp điều trị y tế có sẵn, từ các pháp sư Cao Ly đến các thần y Đại Việt, và các phương thuốc và thuốc men khác, nhưng không có kết quả. Vào cuối năm 1293, hoàng đế đã từ chối tham gia vào lễ đón năm mới truyền thống. Trước khi chết, Hốt Tất Liệt đã chọn con trai của Chân Kim là Thiết Mộc Nhĩ làm Thái tử và ông này đã trở thành vị hoàng đế thứ hai của nhà Nguyên, tức là Nguyên Thành Tông.

Hốt Tất Liệt muốn tìm kiếm một người bạn đồng hành cũ để an ủi ông ta trong căn bệnh cuối cùng, các triều thần chỉ có thể chọn Bá Nhan, người kém ông hơn 20 tuổi. Hốt Tất Liệt suy yếu dần, và vào ngày 18 tháng 2 năm 1294, ông qua đời ở tuổi 80. Hai ngày sau, đám tang đã đưa thi hài của ông đến nơi chôn cất của những khả hãn Mông Cổ.

 Trong thời kỳ từ Nguyên Thế Tổ đến Nguyên Vũ Tông, quốc lực triều Nguyên đạt đến đỉnh cao, về quân sự thì bình định Tây Bắc, song thất bại khi tiến hành các chiến dịch chinh phạt Nhật Bản và các quốc gia Đông Nam Á, nhất là thất bại trong ba lần đưa quân xâm chiếm Đại Việt. Đến giữa triều đại, hoàng vị triều Nguyên nhiều lần thay đổi, tình hình chính trị không đi vào quỹ đạo. Năm 1351 thời Nguyên Huệ Tông thì khởi nghĩa Khăn Đỏ bùng nổ. Năm 1368, Chu Nguyên Chương sau khi lập nên triều Minh Trung Hoa đã phái đại tướng Từ Đạt dẫn quân bắc phạt, công hãm Đại Đô. Triều đình nhà Nguyên đào thoát đến Mạc Bắc, sử gia gọi là Bắc Nguyên. Năm 1388, Bắc Nguyên Hậu Chủ bỏ quốc hiệu Đại Nguyên, Bắc Nguyên sụp đổ. 

                                            ***

Nước Đại Việt bước vào cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông lần thứ nhất.

Đến năm 1257, việc chiếm Đại Việt nằm trong chiến lược tổng thể của quân đội Mông Cổ nhằm tiêu diệt Nam Tống. Bốn cánh quân Mông Cổ sẽ tấn công Nam Tống từ những địa điểm khác nhau từ phía Nam và phía Tây. Nắm quyền chỉ huy 3 cánh quân kia là Mông Kha, Hốt Tất Liệt và Tháp Sát Nhi. Cánh quân còn lại – cánh quân thứ tư, sau khi chiếm Đại Việt sẽ đánh thốc vào Nam Tống từ mạn cực Nam. Tổng chỉ huy của cánh quân thứ tư là Ngột Lương Hợp Thai. Nhà Trần (Đại Việt) được thành lập vào năm 1225, đến thời điểm nhà Nguyên xâm phạm, đã có nền hòa bình ngót 30 năm và Đại Việt có  ngót 180 năm kể từ khi nhà Tống xâm lược vào năm 1077. 

Trước khi xâm nhập biên giới nước ta, tướng Mông nhiều lần cho sứ sang dụ hàng, nhưng sứ đi mà không thấy trở lại. Đại Việt đã chọn con đường kiên quyết kháng chiến, do đó, vua Trần lệnh bắt nhốt sứ giả của quân Mông. Trần Quốc Tuấn lĩnh ấn Tiết chế, dẫn quân lên phòng giữ biên giới.
Dụ không được, dọa cũng không xong, đầu tháng chạp âm lịch (1257) quân Mông (Quân đội của Ngột Lương Hợp Thai gồm kỵ binh Mông Cổ và 20.000 quân sĩ người Di (thuộc nước Đại Lý vừa bị Mông Cổ chinh phục). Không có số liệu chính xác về số kỵ binh Mông Cổ, nhưng theo Rasìd ud-Dìn (Tập sử biên niên) cho biết rằng ban đầu Ngột Lương Hợp Thai đã đem 3 vạn quân xuống đánh Đại Lý (Vân Nam), sau đó đánh tiếp sang Đại Việt, khi tiến lên châu Ngạc gặp Hốt Tất Liệt thì quân số còn lại không quá 5.000. Như vậy, trừ đi số tổn thất khi đánh Đại Lý, thì số kỵ binh Mông Cổ khi tiến đánh Đại Việt sẽ dao động trong khoảng 20.000 tới 25.000 là hợp lý. Cộng thêm quân người Di thì tổng số quân của Mông Cổ có khoảng 40.000 - 45.000. Tiên phong là tướng Aju và Cacakdu (Triệu Triệt Đô hay Triệt Triệt Đô). Ngoài ra, trong quân đội Mông Cổ còn có phò mã của Mông Cổ là Quaidu (Hoài Đô). Đi tiên phong là Đoàn Hưng Trí – vua Đại Lý đã đầu hàng), vượt biên giới, chia làm hai đạo tiến xuống dọc theo sông Thao. 
Quân ta (gồm quân cấm vệ và quân các lộ, có khoảng 10 vạn, trong đó có 2 vạn cấm quân (lực lượng chủ lực đóng ở gần kinh thành) và 8 vạn sương quân (quân đóng ở các địa phương). Quân Trần có đủ các binh chủng bộ binh, kỵ binh, tượng binh và thủy binh đã được thao luyện chu đáo. 2 vạn cấm quân có thể huy động được ngay, nhưng 8 vạn sương quân thì phải đóng quân rải khắp trên lãnh thổ cả nước, bao gồm việc ngăn ngừa nổi loạn, chống đạo tặc, canh gác biên giới và lăng tẩm,... nên nhà Trần chỉ có thể tập trung được một bộ phận sương quân để tác chiến với Mông Cổ. Ước tính tổng binh lực của nhà Trần trong cuộc chiến này vào khoảng 7 vạn) tổ chức vài trận đánh chặn ở khoảng đông nam Lào Cai ngày nay, tạo điều kiện cho tiền quân ta lui từng bước về Phú Thọ, trước một quân địch đang sung sức.
(Đạo quân của Ngột Lương Hợp Thai không thật đông nếu nhìn về số lượng tuyệt đối, họ chỉ bằng 1/2 quân số nhà Trần. Tuy vậy, quân Mông Cổ, như đã được chứng minh qua quá trình tác chiến của mình, hầu như luôn thua sút về quân số so với đối phương của họ, ít nhất là theo tỷ lệ 1:2, tức là nhiều ra thì số quân nhân của họ cũng chỉ bằng nửa so với đối phương (Mông Cổ là nước thưa dân, dù huy động hầu hết trai tráng thì họ cũng chỉ có khoảng 10 – 15 vạn quân). Tuy ít hơn về số lượng song quân Mông Cổ có lợi thế hơn hẳn về kỵ binh. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, quân Trần có không quá 1 vạn kị binh, còn quân Mông Cổ có khoảng 2 - 3 vạn kị binh. Ngoài ra, kỵ binh Mông Cổ cũng giỏi hơn về kỹ năng chiến đấu (người Mông Cổ là dân tộc du mục sống bằng chăn nuôi và săn bắn, nên từ nhỏ đã phải liên tục tập cưỡi ngựa và bắn cung để sinh tồn, hình thức "thao luyện kị binh cả đời" này không thể có được trong một đất nước sống bằng nông nghiệp - ngư nghiệp như Đại Việt)

Kỵ binh là binh chủng lợi hại bậc nhất thời trung cổ, có tính cơ động hơn hẳn bộ binh, cho phép quân Mông Cổ nhanh chóng tập trung lực lượng đánh vào chỗ mỏng yếu của đối phương, hoặc sẽ rút lui nhanh nếu thấy bất lợi. Kỵ binh Mông Cổ cũng rất giỏi bắn cung trên lưng ngựa, họ có thể phi ngựa rồi bắn đối phương từ xa mà không sợ bị đánh trả. Vì vậy, có những trận đánh quân Mông Cổ chỉ đông bằng 1/4 đối phương mà vẫn chiến thắng (như Trận sông Kalka, trận Mohi,...), hoặc như Chiến tranh Mông-Kim, Mông Cổ chỉ có khoảng 12 vạn quân mà đã đánh bại quân đội gần 1 triệu người của nhà Kim. Huy động 4,5 vạn quân (trong đó 2,5 vạn là kỵ binh Mông Cổ) là tương đương 1/5 binh lực của toàn nước Mông Cổ huy động đánh nước Nam Tống (trong khi Nam Tống đất rộng và đông dân gấp 20 lần Đại Việt). Dựa trên thực tế đó, các tướng Mông Cổ cho rằng với nước nhỏ như Đại Việt thì chỉ cần 4 vạn quân là quá đủ để chinh phạt rồi.

Tuy nhiên, quân Mông Cổ có nhược điểm lớn bắt nguồn từ chính ưu điểm của họ. Do chú trọng việc tác chiến cơ động, hành quân phải thật nhanh nên quân Mông Cổ không mang theo dân phu để vận tải lương thực, xây dựng doanh trại (do dân phu phải khuân vác nặng nên đi khá chậm, nếu đi cùng dân phu thì kỵ binh không hành quân nhanh được). Tất cả những gì cần thiết cho việc chiến đấu, sinh hoạt và ăn uống đều được quân Mông Cổ mang theo trên lưng ngựa. Với cách này, quân Mông Cổ chỉ có thể mang theo rất ít lương thực (chỉ đủ ăn vài ngày), khi đánh vào lãnh thổ đối phương thì họ sẽ cướp lương thực của dân bản địa để nuôi sống quân lính. Đây là chiến thuật mà Mông Cổ thường áp dụng trong các cuộc chiến trước đó và tỏ ra khá hiệu quả. Nhưng nhà Trần đã nhận ra điểm yếu của chiến thuật này và chuẩn bị sẵn kế hoạch "vườn không nhà trống" để đối phó. Triều đình nhà Trần đã sớm ra lệnh cho người dân cất giấu hết lương thực trong các kho, khiến quân Mông Cổ không cướp được lương thực và dần bị suy yếu.) 

Hai cánh quân Mông hội sư ở Việt Trì. Trong lúc đó, đại quân của ta cũng đang kéo lên, Trần Thái Tông tự thân chỉ huy chiến đấu. Một cuộc giao chiến giữa tiền quân hai bên đã xảy ra ở vùng Bạch Hạc. Nhận thấy quyết chiến ngay là không có lợi, đại quân ta chủ động, tích cực rút lui. Tướng Mông đoán được, định chặn đường phía sau quân ta, cướp thuyền chiến rồi bao vây tiêu diệt, nhưng đã muộn.
Vồ hụt, quân Mông cổ tràn xuống đuổi theo. Quân Mông giáp trận quân Đại Việt do đích thân Trần Thái Tông (Trần Cảnh) ngự giá thân chinh chỉ huy tại Bình Lệ Nguyên (nay là huyện Bình Xuyên tỉnh Vĩnh Phúc). Đó là trận quyết chiến Bình Lệ Nguyên ngày 17 tháng 1 năm 1258 ngày 17-1-1258 tới Bình Lệ Nguyên (gần Hương Canh, Vĩnh Phú).
Quân đội nhà Trần bày tượng binh, kỵ binh và bộ binh bên bờ sông Hồng đợi giặc, tượng binh dàn hàng ngang tại tiền quân che chắn cho lớp bộ binh, kỵ binh phía sau. Quân Mông chia làm ba đội để sang sông, Triệt Triệt Đô dẫn 5.000 quân làm quân tiên phong, Ngột Lương Hợp Thai cầm đại quân đi giữa, phò mã Hoài Đô và A Truật giữ hậu quân. Đội chủ lực của Ngột Lương Hợp Thai lấy những hàng binh Đại Lý dàn ở các hàng phía trước để làm bia đỡ hứng chịu thương vong, kỵ binh Mông Cổ đi phía sau để hỗ trợ và tung đòn quyết định. Ngột Lương Hợp Thai dặn Quỳ Thủ Soạn và viên tiên phong là Triệt Triệt Đô: "...quân ngươi qua sông đừng đánh. Chúng nó tất đến chống ta, phò mã sẽ theo sau mà chặn phía sau nó:Ngươi lừa cướp lấy thuyền để nếu quân Nam tan vỡ thì đến sông không có thuyền, tất bị ta bắt được". 
Quân Mông dò tìm khúc nông, thúc ngựa vượt sông. Triệt Triệt Đô vừa qua sông đã ập lại đánh ngay. Tuyến phòng ngự bị vỡ, quân ta tiếp tục rút lui theo hướng Thăng Long, về đóng giữ ở khúc sông Thiên Mạc (Khóm Châu, Hưng Yên). 
Trần Thái Tông tự làm tướng, đốc chiến đi trước xông pha tên đạn, sai tượng binh tiến ra giao chiến. Con Hợp Thai là A Truật (18 tuổi) ra lệnh cho kỵ binh bắn tên vào mắt voi, khiến voi đau và hoảng sợ, quay lại dày xéo đội hình quân Trần. Quân Trần nao núng, bắt đầu tán loạn. Trần Thái Tông ngoảnh trông hai bên, chỉ có tướng Lê Tần cưỡi ngựa một mình ra vào trận, sắc mặt không thay đổi. Lúc ấy, có người khuyên vua Trần dừng lại để chỉ huy chiến đấu. Lê Tần cố sức can vua: "Nay thì bệ hạ chỉ đánh một ván dốc túi thôi! Hãy nên tạm lánh chúng, sao lại có thể dễ dàng tin lời người ta thế!".
 Nhận thấy tình thế lâm vào tình cảnh rất bất lợi, một lần nữa, nhà Trần lại vừa tổ chức đánh chặn địch, vừa khẩn trương cho đại quân rút lui, Lê Tần giữ phía sau. Quân Nguyên bắn loạn xạ, Lê Tần lấy ván thuyền che cho vua Trần khỏi trúng tên giặc. Thế quân Nguyên rất mạnh, nhưng không chiếm được thuyền của Đại Việt, vua Trần vẫn bảo tồn được lực lượng và lui về giữ sông Thiên Mạc (Khóm Châu, Hưng Yên)
Quân Mông dò tìm khúc nông, thúc ngựa vượt sông, đánh thẳng vào quân ta. Tuyến phòng ngự bị vỡ, quân ta tiếp tục rút lui theo hướng Thăng Long.
Vua Trần sai phá cầu Phù Lỗ, dàn quân phòng ngự bên này sông, đồng thời chủ trương cùng nhân dân kinh đô Thăng Long thực hiện kế “thanh giã” làm vườn không nhà trống, di tản triệt để.
Quân Mông truy kích đến Đông Bộ Đầu (phía đông Thăng Long) rồi xông vào kinh thành đã bỏ trống, chỉ tìm được mấy sứ giả của chúng trước kia, đang bị trói gô trong ngục (“quê” thật!). Giận mà không làm gì được, quân Mông tàn phá Thăng Long.
Trước thế mạnh ban đầu của giặc và việc rút lui, bỏ ngỏ thành Thăng Long không phải không làm cho vài tướng quân Đại Việt nao núng. Khi ấy, Thái Tông cũng ngự thuyền nhỏ tới thuyền của em trai ruột là Thái úy Trần Nhật Hiệu để hỏi ý Nhật Hiệu về kế sách giữ nước. Nhật Hiệu ngồi dựa vào mạn thuyền, không thể nào đứng lên được và đưa ngón tay xuống chấm nước rồi ghi hai chữ "nhập Tống" trên mạn thuyền (tức là nên chạy sang lánh ở đất Nam Tống). Thái Tông bèn hỏi về tình hình của quân Tinh Cương dưới quyền Nhật Hiệu, thì Nhật Hiệu đáp lại: "Không gọi được chúng đến". Thế rồi, nhà vua lại ngự thuyền đến chỗ Thái sư Trần Thủ Độ. Khi nghe câu hỏi của nhà vua, Thủ Độ, với ý chí quyết chiến và niềm tin thắng lợi vẫn còn đó, biểu hiện trong câu nói cảm khái mà quyết liệt, lưu lại đến ngàn sau còn ngưỡng mộ tâu: "Đầu thần chưa rơi xuống đất, Bệ hạ đừng lo gì khác".
Quen thói đánh nhanh thắng nhanh, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh nên quân Mông không dự phòng đủ mức cần thiết về lương thảo. Lúc này, trước cảnh vườn không nhà trống, không cướp bóc được gì. Rơi vào cảnh thiếu thốn lương thực làm quân lực bắt đầu mỏi mệt, sĩ khí sa sút, quân Mông lâm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan hết sức khó khăn.
Sau khi củng cố lực lượng, thấy được sự khốn đốn của giặc và nhận định rằng thời cơ đã đến (chúng ta cho rằng thấy rõ được thời cuộc đã là tài! Trong cuốn "Binh thư yếu lược" có câu: "Thời là cái đến không đầy chớp mắt, trước thì thái quá, sau là bất cập..."!), quân ta quyết định phản công. Đêm 29-1-1258, quân ta bí mật tiến ngược sông, đánh úp mãnh liệt quân giặc ở Đông Bộ Đầu. Quân Mông Cổ cho rằng lực lượng quân Trần đã kiệt quệ sau trận thua đầu nên rất chủ quan. Bị đánh bất ngờ, thua đau và để tránh bị tiêu diệt, quân Mông phải bỏ chạy khỏi Thăng Long, một mạch về Vân Nam. 
Như khi mới tiến quân vào, quân Mông Cổ rút chạy theo dọc sông Thao, nhưng theo con đường bộ ở phía tả ngạn. Quân Mông rút lui quá nhanh, ngoài cả dự tính của nhà Trần khiến vua Trần chưa kịp bố trí lực lượng đón đánh. Tuy nhiên, khi qua núi Quí Hóa (vùng Phú Thọ và Yên Bái trên hữu ngạn sông Hồng), lại bị Hà Bổng, một thổ quan người Tày, chỉ huy dân binh mai phục đánh cho một trận nữa mất hết hồn vía. Trên đường rút về, do sợ bị quân Trần truy đuổi đằng sau, quân Mông Cổ cố rút nhanh và không cướp phá dân chúng, do đó người Việt mỉa mai gọi là "giặc Bụt". 
Cuối tháng chạp năm ấy, quân xâm lược hoàn toàn rút khỏi nước ta. Kinh đô Thăng Long, sau 11 ngày bị tạm chiếm, được giải phóng và khoảng mấy ngày sau (5-2-1258) ăn mừng chiến thắng tưng bừng bằng Tết Nguyên Đán năm Mậu Ngọ. Vua Trần Thái Tông hồi kinh, trăm họ Đại Việt nghiệp yên như cũ. Định công phong tước, cho Lê Tần (hay Lê Phụ Trần) làm Ngự sử đại phu và đem công chúa Chiêu Thánh gả cho. Vua nói: "Trẫm không có khanh thì làm gì có được ngày nay. Khanh nên cố gắng để cùng hưởng phúc sau này". Cùng năm đó (1258), vua Trần Thái Tông truyền ngôi cho thái tử Hoảng, tức Trần Thánh Tông.
Bị thua đau bởi một nước “nhỏ xíu”, Hốt Tất Liệt nuôi ý phục thù. Ỷ vào cái sức mạnh vượt trội về người và của của một nước có lãnh thổ bao la, hoặc cũng do cái não trạng hống hách đã quen với sự bành trướng dễ dàng và dễ dàng được thần phục, và cũng có thể là đóng kịch, che dấu không để cho thiên hạ thấy cảnh bị “mất mặt” mà Hốt Tất Liệt, trong thời gian chưa đủ điều kiện quay lại “làm gỏi” Đại Việt để thỏa uất ức, đã có những hành động ngoại giao kiểu bề trên, hết sức lố bịch: mới thua xong, Ngột Lương Hợp Thai đã lại sang sứ đòi vua Trần sang chầu (sứ giả lập tức bị trói lại, đuổi về); năm 1261, Hốt Tất Liệt phong cho vua Trần là An Nam quốc vương (!); tháng 10-1262, đòi nộp cống nho sĩ, thầy bói, thầy thuốc…, lại cử một viên quan người Mông sang giám trị Đại Việt…
Tuy vậy, nhà Trần vẫn kiên trì thực hiện đường lối ứng xử ngoại giao mềm dẻo trước kẻ mạnh (mạnh thật chứ chẳng chơi!), vừa đảm bảo những nguyên tắc về chủ quyền và danh dự của quốc gia, vừa thỏa mãn có mức độ những yêu sách có tính kẻ cả, xấc xược của chúng. Trong khi đó, biết rằng trước sau gì quân Mông cũng lại tiến đánh Đại Việt để thực hiện cái dã tâm chưa đạt được của chúng, nhà Trần đã tích cực chuẩn bị mọi mặt, sẵn sàng bước vào cuộc thử lửa mới.
(Còn tiếp)
-----------------------------------------------------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét