TT&HĐIII - 25/b

                                               Người Hùng Nước Việt : Lý Thường Kiệt


PHẦN III:     NGUỒN CỘI 

" Đi đi con!
Trong khinh khi may nhớ nước non
Mà ôn lại cho đừng quên lịch sử
Bốn ngàn năm rồi, Việt Nam bất tử
Dằng dặc đoạn trường chống giặc ngoại xâm
Biết mấy đau thương, biết mấy anh hùng
Ghi tạc địa cầu bao chiến công hiển hách
..."

                                                                                Trần Hạnh Thu

"Lịch sử hoài thai chân lý, nó có thể kháng cự với thời gian, có thể dìm đi những việc cũ, nó là dấu tích của thời xa xưa, là gương soi của đương đại, là lời giáo huấn cho thế hệ sau."
                                                                 
Cervantes (Tây Ban Nha)

"Lịch sử là bằng chứng của thời đại, là ngọn lửa của chân lý, là sinh mệnh của kí ức, là thầy giáo của cuộc sống và là sứ giả của cổ nhân."
                                                                                                      Cicero (La Mã)
 
“Đừng chê cõi trần nhơ
Đừng khen cõi trần đẹp
Cõi trần là thản nhiên
Chỉ có đời nhơ, đẹp.” 
 Trần Hạnh Thu
.

CHƯƠNG IV: ĐỊA LINH NHÂN KIỆT

“Thủ đô là cái đại tập thành của cả đất nước từ khí non sông tụ lại. Không bàn tán về những thành phố khác, mà nói về Hà Nội thì không ai không nhớ đến bài ca chính khí của nó…
Hà Nội không phải là một đất thánh, theo cái nghĩa tín đồ hành hương, nhưng Hà Nội là một đất thiêng, kẻ ngoài nào mà xúc phạm vào nó là phải đền tội”
“Khi một giống nòi bị dồn đến chỗ chỉ có thể lựa chọn cái chết và nô lệ thì xông vào cái chết là dũng cảm hơn. Nơi nào mà nó không phải là thiết yếu thì bạo lực mới bị lên án. Có những trường hợp phải công nhận bạo lực bởi vì không còn cách nào khác”

"Rủ nhau xem cảnh Kiếm Hồ
Xem cầu Thê Húc, xem chùa Ngọc Sơn
Đài Nghiên, Tháp Bút chưa mòn
Hỏi ai gây dựng nên non nước này?"
                                                           (Khuyết danh)
 

 

 

(Tiếp theo)


Do tiền đồn ở Ung Châu là căn cứ tập trung quân để nam tiến bị phá tan, nhà Tống phải điều động thêm nhân lực và lương thảo để thực hiện chiến tranh với Đại Việt. 

Tháng 3 năm 1076, nhà Tống sai Tuyên phủ sứ Quảng Nam là Quách Quỳ làm Chiêu thảo sứ, Triệu Tiết làm phó, đem quân 9 tướng, hẹn với Chiêm Thành và Chân Lạp sang xâm lấn Đại Việt, nhưng quân Chiêm Thành và Chân Lạp không dám tiến vào Đại Việt. Quân Tống viễn chinh lên đến 10 vạn quân, một vạn ngựa và hai mươi vạn dân phu, khí thế rất mạnh mẽ, nhất là kỵ binh Tống, nhưng quân Tống muốn phát huy kỵ binh thì phải làm sao qua khỏi vùng hiểm trở, tới chỗ bằng, thì ngựa mới tung hoành được.

Lực lượng xâm lược của nhà Tống lần này gồm 10 vạn quân chiến đấu, 20 vạn quân tải lương, Quách Quỳ làm thống soái. Kế hoạch của chúng là: đại quân sẽ tiến theo hướng Lạng Sơn - Thăng Long; thủy quân sẽ đi theo ven biển vào sông Bạch Đằng; sau khi đánh tan các đạo quân thủy bộ của ta, sẽ hội quân, dùng thuyền vượt sông, đánh chiếm Thăng Long.
Kế hoạch của ta là: chủ yếu sử dụng các lực lượng thổ binh, lương binh, bố trí một số nơi ở khu vực biên giới như Quảng Uyên (Cao Bằng), Hạ Liêu và Cổ Lộng (vùng tiếp giáp giữa Bắc Cạn và Thái Nguyên), tăng cường một bộ phận quân triều đình tại các vị trí quan trọng là Quyết Lý, Giáp Khẩu (tức Châu Ôn và Chi Lăng). Mục đích của việc này là ngăn chặn tạm thời, tiêu hao, sau đó là quấy rối, đánh úp các toán quân nhỏ làm phân tán lực lượng địch. Tại khu vực ven biển có thủy quân đóng căn cứ tại Vân Đồng (thuộc Quảng Yên) phối hợp với quân bộ đóng ở Ngọc Sơn (thuộc Móng Cái), thực hiện nhiệm vụ đánh chặn địch trên vùng biển Đông Kính (ven biển Quảng Ninh ngày nay), không cho chúng tiến vào sâu trong nội địa. Xác định mặt trận chính sẽ là vùng trung du, Lý Thường Kiệt cho lập phòng tuyến ở bờ nam sông Như Nguyệt (sông Cầu), lấy đó làm nơi quyết chiến chiến lược. Phòng tuyến được đắp cao, có rào dậu chắc chắn, chạy dài từ sườn đông bắc dãy Tam Đảo đến sườn tây nam dãy Nham Điển (Yên Dũng, Hà Bắc) khoảng trên 200 dặm (chừng 100 km), dưới sông có thủy quân, trên thành có quân đóng và tuần tiễu. Đại quân gồm 2 bộ phận: quân bộ đóng ở vùng Thiên Đức (giữa Bắc Ninh và Thăng Long), quân thủy với trên 400 chiến thuyền đóng ở Vạn Xuân (Phả Lai ngày nay)

Tuyến phòng thủ của quân Đại Việt, Lý Thường Kiệt dựa vào sông núi, các đèo hiểm trở, các sông rộng và sâu. Từ trại Vĩnh Bình vào châu Lạng, phải qua dãy núi rậm, có đèo Quyết Lý, ở trên đường từ tỉnh Lạng Sơn đến Đông Mô ngày nay, vào khoảng làng Nhân Lý, ở phía bắc châu Ôn. Rồi lại phải qua dãy núi lèn (đá không phá đất), đá đứng như tường, ở giữa có đường đi rất hiểm: đó là ải Giáp Khẩu, tức là ải Chi Lăng, ở phía bắc huyện Hữu Lũng thuộc Lạng Sơn ngày nay. Về đường thủy, để chặn địch qua sông, quân Nam chỉ cần đóng thuyền ở bến Lục Đầu thì đi đường nào cũng rất tiện và chóng.

Các tướng lĩnh thuộc Man Động như: Nùng Quang Lãm, Nùng Thịnh Đức coi ải Hà Nội, Hoàng Kim Mãn và Sầm Khánh Tân giữ châu Môn, Vi Thủ An giữ châu Tô Mậu, Lưu Kỷ coi Quảng Nguyên khi quân Tống sang đã đầu hàng. Duy có phò mã Thân Cảnh Phúc giữ châu Quang Lang (Lạng Sơn) không những không chịu hàng mà còn rút vào rừng đánh du kích, giết rất nhiều quân Tống. Những tướng lĩnh này trước kéo quân qua đất Tống, đánh rất giỏi. Nhưng sau quân Tống tràn sang đánh báo thù, lúc đầu họ cự chiến, sau vì thất trận và vì sự dụ dỗ, nên đã đầu hàng, thậm chí như Hoàng Kim Mẫn còn chỉ đường bày mưu cho Tống. Sách Quế Hải Chí kể: "Viên tri châu Quang Lang là phò mã, bị thua, bèn trốn vào trong rừng Động Giáp, rồi du kích hậu phương quân Tống. Rình lúc bất ngờ đánh úp quân địch làm chúng rất sợ hãi".

Quân Tống tràn xuống, theo đường tắt qua dãy núi Đâu Đỉnh, tới phía tây bờ sông Phú Lương; trong khi đó, một cánh quân tách ra, vòng sang phía đông đánh bọc hậu quân Nam ở Giáp Khẩu (Chi Lăng) và thẳng tới sông Cầu. 

Lý Thường Kiệt đem quân đón đánh, lập chiến lũy sông Như Nguyệt để chặn quân Tống. Sông Cầu từ địa phận Cao Bằng chảy đến Lục Đầu, hợp với sông Bạch Đằng. Từ Lục Đầu ra đến biển, là một cái hào tự nhiên sâu và rộng, che chở cho đồng bằng nước Việt để chống lại tất cả mọi cuộc ngoại xâm đường bộ từ Lưỡng Quảng kéo vào. Đối với đường sá từ châu Ung tới Thăng Long, thì sông Bạch Đằng không can hệ, vì đã có sông Lục Đầu, là cái hào ngăn trước rồi. Trái lại, sông Cầu rất quan trọng. Thượng lưu sông Cầu qua vùng rừng núi rất hiểm. Chỉ có khoảng từ Thái Nguyên trở xuống là có thể qua dễ dàng, và qua rồi thì có đường xuôi. Nhưng sau sông, ở về phía tây có dãy núi Tam Đảo, là một cái thành không thể vượt. Chỉ có khoảng từ huyện Đa Phúc đến Lục Đầu là phải phòng ngự bờ nam mà thôi. Trong khoảng ấy, lại chỉ khúc giữa, từ đò Như Nguyệt đến chân núi Nham Biền, là có bến, có đường qua sông để tiến xuống miền nam một cách dễ dàng thẳng và gần. Lý Thường Kiệt đem chủ lực chặn con đường từ trại Vĩnh Bình đến sông Nam Định (sông Cầu) bằng cách đặt những doanh đồn và phục binh ở hai ải tiếp nhau: ải Quyết Lý ở phía bắc châu Quang Lang và ải Giáp Khẩu (Chi Lăng) ở phía nam châu ấy. Nếu hai phòng tuyến ấy bị tan, thì phải cố thủ ở phòng tuyến thứ ba, tức là nam ngạn sông Nam Định. Để cản quân Tống qua sông, Lý Thường Kiệt sai đắp đê nam ngạc cao như bức thành. Trên thành, đóng tre làm giậu, dày đến mấy từng. Thành đất lũy tre, nối với dãy núi Tam Đảo, đã đổi thế sông Nam Định và bờ nam ngạn ra một dãy thành hào, che chở cả vùng đồng bằng Giao Chỉ. Thành hào ấy dài gần trăm cây số, khó vượt qua nhưng lại dễ phòng thủ hơn là một thành lẻ như thành Thăng Long.

Từ tháng 7 năm 1076, vài cánh quân nhỏ của giặc đã xâm nhập vào nước ta, chiếm trại Ngọc Sơn, tháng 10 đánh vào châu Quảng Uyên (Cao Bằng). Ngày 8-1-1077, Quách Quỳ kéo đại quân qua cửa ải nam Quan đánh vào Quyết Lý, chiếm Quang Lang, Tô Mậu (thuộc Lạng Sơn)… rồi vòng sang phía tây, theo đường tắt vượt qua dãy Bắc Sơn, tiến đến sông Phú Lương (đoạn sông Cầu thuộc phần đất Thái Nguyên ngày nay). Đồng thời cho một bộ phận hành quân đánh vào sau lưng đội quân Thân Cảnh Phúc. Thân Cảnh Phúc, biệt danh "Phò mã Áo chàm", tương truyền có thể là Thân Vũ Thành (theo thần tích các đền thờ về nhân vật này dọc bờ sông Lục Ngạn), là tù trưởng động Giáp châu Lạng tức châu Quang Lang (hay châu Ôn, Lạng Sơn) (ngày nay thuộc Lạng Sơn). Ông sinh ra trong gia đình nhiều đời làm thổ mục ở Động Giáp (là một phần phía Nam tỉnh Lạng Sơn và một phần phía Bắc của tỉnh Bắc Giang), tức vùng giáp khẩu Kép, Lạng Giang (Bắc Giang), là người dân tộc Tày, vốn gốc họ Giáp, sau lấy công chúa Thiên Thành nhà Lý, được vua nhà Lý đổi sang họ Thân và phong chức Tri châu. Thân Cảnh Phúc lãnh đạo một đội quân người dân tộc dựa vào rừng núi, dùng chiến thuật du kích chống Tống, chiến đấu sau lưng đạo quân nhà Tống đến khi hy sinh, góp phần không nhỏ vào cho chiến thắng của nhà Lý trước nhà Tống năm 1077 ở phòng tuyến sông Như Nguyệt. Ông phân tán lực lượng để bảo toàn cho bộ phận chủ yếu về hướng Vạn Xuân, giữ liên hệ với thủy quân, bộ phận còn lại tản vào rừng núi hiểm trở đánh du kích, chủ yếu nhằm vào các đoàn cải lương của địch. Quân Tống có kỵ binh mở đường tiến công quyết liệt, có lúc đã chọc thủng chiến tuyến quân Đại Việt tràn qua sông Như Nguyệt, nhưng quân Nam đều kịp thời phản kích, đẩy lùi quân Tống. Lý Thường Kiệt còn dùng chiến tranh tâm lý để khích lệ tinh thần quân Nam chiến đấu. "Đang đêm, nghe tiếng vang trong đền đọc bài thơ ấy, quân ta đều phấn khởi. Quân Tống sợ, táng đảm, không đánh đã tan".
Sau thời gian ngắn tác chiến trên khu vực biên giới, ngày 18-1-1077, đại quân Tống đã tập kết được đến bờ bắc sông Cầu, cánh phải do Miêu Lý chỉ huy tập trung trên đoạn bến Như Nguyệt, cánh trái do Quách Quỳ chỉ huy đóng ở Thị Cầu.
Trên biển,  thủy quân địch đã bị quân ta, do tướng Lý Kế Nguyên chỉ huy đánh thua liểng xiểng, phải rút về cố thủ ở Đông Kênh (có thể là Tiên Yên ngày nay) cho tới hết chiến tranh.
Chờ mãi không thấy thủy quân tới, Miêu Lý cho bắc cầu nổi, vượt sông đoạn bến Như Nguyệt. Quân ta đánh chặn quyết liệt. Nhưng có bộ phận địch cũng đã chọc thủng phòng tuyến, ồ ạt tiến sâu. Kỵ binh đi trước của chúng có lúc đã đến cách thành Thăng Long khoảng 15 dặm. Tuy nhiên đã bị quân ta từ phía Thiên Đức cơ động tới bao vây tiêu diệt. Quách Quỳ cũng đóng bè chở quân đánh sang. Cuộc tiến công lớn này bị thất bại hết sức ê chề, đến nỗi Quách Quỳ phải quay về cố thủ bờ bắc và lệnh: “Ai bàn đánh sẽ bị chém”.
Chính trong khoảng thời gian này, trên chiến tuyến sông Như Nguyệt, từ bờ nam, vang lên bài thơ hào hùng, đi vào bất tử của Lý Thường Kiệt:
                              “Nam quốc sơn hà Nam đế cư
                              Tuyệt nhiên định phận tại Thiên thư
                              Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm?
                              Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”
                              (Sông núi nước Nam vua Nam ở
                              Rành rành định phận ở sách trời
                              Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
                              Chúng bay sẽ chuốc lấy bại vong)
Đại quân Quách Quỳ từ đó ngày càng lún sâu vào thế bị động phòng ngự. Bị quân ta tăng cường đánh phá tiêu hao cả phía trước lẫn phía sau, uy hiếp phục kích quân lương, tình trạng giặc càng thêm khốn đốn, thiếu thốn lương thực càng trầm trọng, tinh thần chiến đấu của binh lính ngày một giảm sút.
Chớp thời cơ đó, dù lực lượng địch còn đông (8 vạn) nhưng ý chí tiến công không còn, Lý Thường Kiệt đã tổ chức những đòn phản công lớn. Cuối xuân năm 1077, hai hoàng tử Hoàng Chân, Chiêu Văn được lệnh, chỉ huy 2 vạn quân cùng 400 chiến thuyền từ Phả Lại, ngược sông Như Nguyệt, đổ bộ lên bờ bắc đánh thẳng vào trận địa địch, gây cho chúng nhiều tổn thất, đặc biệt là đội kỵ binh cơ động Quách Quỳ. Quân Tống cố sức chống đỡ, tung kỵ binh ra phản kích đẩy quân ta lùi về phía bờ nam. Hai hoàng tử Hoàng Chân và Châu Văn hy sinh. Trong khi địch đang tập trung đối phó ở phía cánh phải, Lý Thường Kiệt, nhân ban đêm, chỉ huy đại quân vượt sông Phú Lương, tiến công giặc ở cánh trái. “Đại phá quân Tống, mười phần chết đến năm sáu” (Việt sử lược).
Những thắng lợi to lớn của quân ta đã đẩy địch vào tình trạng khốn quẫn hơn bao giờ hết: binh lực thiệt hại nặng, lương thảo gần cạn, sức cùng chí nản. Quân Tống tiến không được, thoái không xong, hao mòn vì chiến sự và khí hậu, không được thủy quân tiếp viện. Quân Đại Việt lại tập kích, doanh trại của Phó tướng Triệu Tiết bị phá, dù quân Tống cũng giết được hai tướng Đại Việt là Hoàng Chân và Chiêu Văn. Quân Tống 10 phần chết đến 6, 7 phần. Vua quan nhà Tống hoang mang, mâu thuẫn giữa phe chủ chiến và phe chủ hòa ngày càng gay gắt.
Nắm được tình thế bế tắc, cùng quẫn của địch và dựa trên sức mạnh, thanh thế đang lên của quân dân ta, Lý Thường Kiệt lại một lần nữa tỏ rõ cái văn võ gồm tài của mình, đã chớp thời cơ, chủ động kết thúc sớm chiến tranh bằng một đòn đánh ngoại giao: bàn hòa với Quách Quỳ. Theo ông: “Dùng biện sĩ để bàn hòa, không nhọc tướng tá, khỏi tốn máu xương mà bảo an được tôn miếu”. Thật là một vị tướng kiệt xuất đã gồm đủ chữ “nhân”!
Để tránh bị tiêu diệt, không còn con đường nào khác, Quách Quỳ chấp nhận hòa ước, và không chờ lệnh triều đình, lập tức rút quân. Tháng 2 - 1077, 23400 quân chiến đấu và 3174 ngựa chiến của Quách Quỳ đã về đến đất Tống. Sách Việt Sử kỷ yếu của Trần Xuân Sinh dẫn cổ sử nói về nội tình của nhà Tống về sự kiện này: Triều thần nhà Tống cho rằng "Cũng may mà lúc đó địch lại xin giảng hòa, không thì chưa biết làm thế nào"
Tính ra, trong hơn 3 tháng chiến đấu, quân ta đã tiêu diệt trên 19 vạn quân chiến đấu và tải lương. Nếu tính cả chiến dịch hồi đầu đánh sang đất Tống, thì gần 30 vạn quân địch đã bị tiêu diệt. Ta thu hồi toàn bộ đất đai, trừ Quảng Uyên (nhưng về sau bằng con đường đấu tranh ngoại giao, ta cũng thu hồi nốt)…
Phá Tống thắng lợi, công đầu thuộc về Lý Thường Kiệt. Ông đã phát động được một cuộc chiến tranh nhân dân, phát huy được toàn lực của nước Đại việt và sự hy sinh to lớn của toàn dân đoàn kết, chiến đấu kiên cường, dũng cảm, mưu trí và sáng tạo vào công cuộc chống xâm lược. Với tài năng thao lược và nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh kiệt xuất, luôn luôn thể hiện một tư tưởng tiến công rất cao trong chỉ đạo tác chiến, ông liên tục tiến công kẻ thù: đánh phủ đầu quân xâm lược khi chúng chưa kịp hành động, phản công nhanh chóng và quyết liệt ngay khi bị kẻ thù tiến công, đánh ngay vào đội quân mạnh nhất của địch, ngay trên hướng tiến công chủ yếu của chúng. Ông khéo kết hợp giữa tiến công và phòng ngự tích cực, giữa chiến tranh chính qui và chiến tranh du kích, giữa các cách đánh tập trung, đánh trận địa và đánh vận động. Ông vận dụng tài tình sự kết hợp giữa đấu tranh quân sự với công tác chính trị và hoạt động ngoại giao.
    Non sông sạch bóng quân thù. Lúc này vua mới 12 tuổi. Lý Thường Kiệt lại tiếp tục gánh trách nhiệm lớn của triều đình trong công cuộc xây dựng đất nước, chăm lo đời sống nhân dân. Ông đã cho tu bổ đê điều, đường sá, đình chùa hư hỏng trong chiến tranh và tiến hành nhiều biện pháp nhằm cải tổ bộ máy hành chính trong toàn quốc.
    Năm 1028, ông thôi chức Tể tướng và được cử về trị nhậm trấn Thanh Hóa. Làm việc ở đây suốt 19 năm trời, đến năm 1101 thì vua Lý Nhân Tông lại mời ông trở lại về triều giữ lại chức Tể tướng. Lúc này ông đã 82 tuổi.

Những năm cuối đời, ông còn cầm quân đi đánh Lý Giác ở Diễn Châu (1103), dẹp giặc Chiêm Thành quấy nhiễu ở Bố Chính (năm 1104). Năm 1104, vua Chiêm Thành là Chế Ma Na (Jaya Indravarman 2, 1086-1113) đem quân đánh và lấy lại 3 châu Địa Lý v.v... mà vua Chế Củ đã cắt cho Đại Việt. Lý Thường Kiệt một lần nữa kéo quân đi đánh, phá tan quân Chiêm, Chế Ma Na lại nộp đất ấy cho Đại Việt. Ông còn tổ chức lại quân đội, duyệt đổi lại các đơn vị từ cấm binh đến dân quân.Ông mất năm 1105, thọ 86 tuổi. Khi mất được phong tặng Kiểm hiệu Thái úy bình chương quân quốc trọng sự, Việt quốc công, được lập đền thờ ở nhiều nơi.Văn bia chùa Linh Xứng núi Ngưỡng Sơn đã ca ngợi ông như sau:
"Làm việc thì siêng năng, điều khiển dân thì đôn hậu, cho nên dân được nhờ cậy. Khoan hòa giúp đỡ trăm họ, nhân từ yêu mến mọi người, cho nên nhân dân kính trọng. Dùng uy vũ để trừ gian ác, đem minh chứng để giải quyết ngục tụng, cho nên hình ngục không quá lạm. Thái úy biết rằng dân lấy sự no ấm làm đầu, nước lấy nghề nông làm gốc, cho nên không để nỡ thời vụ. Tài giỏi mà không khoe khoang. Nuôi dưỡng đến cả những người già ở nơi thôn dã, cho nên người già nhờ thế mà được yên thân. Phép tắc như vậy có thể là cái gốc trị nước, cái thuật yên dân, sự tốt đẹp đều ở đấy cả". 
Lý Thường Kiệt đích thực là nhân kiệt, hiện thân của khí thiêng sông núi Việt, một đại anh hùng của dân tộc Việt, đồng thời là người con ưu tú của Cổ Loa - Thăng Long, sống một lòng vì nước vì dân. Công lao và sự nghiệp của ông đã làm rạng rỡ đất “ngàn năm văn vật” và mãi mãi tỏa sáng trong lịch sử Việt Nam.
(Còn tiếp)
---------------------------------------------------------------

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

TT&HĐ I - 9/d

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH