Thứ Tư, 23 tháng 12, 2020

TT&HĐIII - 25/i

 

                                                Quân Nguyên lạc lối giữa mê cung Đại Việt

                                             

TRẦN HƯNG ĐẠO Và Đỉnh Cao Nghệ Thuật Quân Sự Trên Sông BẠCH ĐẰNG Năm 1288 Cả Thế Giới Kính Nể

PHẦN III:     NGUỒN CỘI 

" Đi đi con!
Trong khinh khi may nhớ nước non
Mà ôn lại cho đừng quên lịch sử
Bốn ngàn năm rồi, Việt Nam bất tử
Dằng dặc đoạn trường chống giặc ngoại xâm
Biết mấy đau thương, biết mấy anh hùng
Ghi tạc địa cầu bao chiến công hiển hách
..."

                                                                                Trần Hạnh Thu

"Lịch sử hoài thai chân lý, nó có thể kháng cự với thời gian, có thể dìm đi những việc cũ, nó là dấu tích của thời xa xưa, là gương soi của đương đại, là lời giáo huấn cho thế hệ sau."
                                                                 
Cervantes (Tây Ban Nha)

"Lịch sử là bằng chứng của thời đại, là ngọn lửa của chân lý, là sinh mệnh của kí ức, là thầy giáo của cuộc sống và là sứ giả của cổ nhân."
                                                                                                      Cicero (La Mã)
 
“Đừng chê cõi trần nhơ
Đừng khen cõi trần đẹp
Cõi trần là thản nhiên
Chỉ có đời nhơ, đẹp.” 
.

CHƯƠNG IV: ĐỊA LINH NHÂN KIỆT

“Thủ đô là cái đại tập thành của cả đất nước từ khí non sông tụ lại. Không bàn tán về những thành phố khác, mà nói về Hà Nội thì không ai không nhớ đến bài ca chính khí của nó…
Hà Nội không phải là một đất thánh, theo cái nghĩa tín đồ hành hương, nhưng Hà Nội là một đất thiêng, kẻ ngoài nào mà xúc phạm vào nó là phải đền tội”
“Khi một giống nòi bị dồn đến chỗ chỉ có thể lựa chọn cái chết và nô lệ thì xông vào cái chết là dũng cảm hơn. Nơi nào mà nó không phải là thiết yếu thì bạo lực mới bị lên án. Có những trường hợp phải công nhận bạo lực bởi vì không còn cách nào khác”

"Rủ nhau xem cảnh Kiếm Hồ
Xem cầu Thê Húc, xem chùa Ngọc Sơn
Đài Nghiên, Tháp Bút chưa mòn
Hỏi ai gây dựng nên non nước này?"
                                                          (Khuyết danh)

 

 

 

(Tiếp theo)


Nhưng rút về lúc này cũng không phải chuyện dễ. Rút cách nào để tránh bị chặn đánh tiêu diệt vì Vạn Kiếp lúc này đã như cái rọ, trong thiên la địa võng giăng trận của quân nhà Trần? Có tướng thủy quân, vì đã trải nhiều thất bại “đau thương” trên biển nên hiến kế: “Thuyền lương hai lần vào đều bị hãm, chi bằng hủy thuyền đi đường bộ là thượng sách” (An Nam chí lược).
Rút lui kiểu “một cục” như thế thật nguy hiểm vì ngay lập tức sẽ bị quân ta phát hiện, tổng động viên binh lực đánh ngăn chặn, nhanh chóng tập trung bao vây tiêu diệt. Do đó Thoát Hoan quyết định rút lui theo hai đường thủy, bộ.
Nói về lực lượng tải lương theo đường thủy của giặc thì đầu năm 1288, đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ kéo đến Vân Đồn, bị quân Trần Khánh Dư tập kích. Không có quân chủ lực bảo vệ, quân của Trương Văn Hổ mau chóng bị tiêu diệt. Văn Hổ cố gắng kéo vào đất liền nhưng đến Lục Thuỷ thì thuyền quân Trần đổ ra đánh càng đông. Hổ đại bại, đổ cả thóc xuống biển vì không muốn lọt vào tay quân Trần, rồi bỏ chạy về Quỳnh châu.
Thuyền lương của Phí Củng Thìn kéo theo sau, mới đến Huệ châu đã gặp bão, trôi giạt tới Quỳnh châu. Đoàn thuyền lương do Từ Khánh chỉ huy thì đi lạc tới Chiêm Thành rồi quay trở lại Quảng Đông. Như vậy, các thuyền lương của quân Nguyên mất hoàn toàn...
Nắm chắc tình hình quân Nguyên sớm muộn gì, không cần đánh cũng phải rút khỏi nước ta nên nhà Trần đã cho bố trí quân lực và gài đặt chướng ngại vật dày đặc khắp các nẻo đường bộ, đường thủy, những nơi hiểm yếu mà giặc có thể đi qua.
Vừa nhằm đảm bảo bí mật đến phút chót cuộc rút chạy, vừa nghi binh đánh lạc hướng, Ô Mã Nhi cùng Phàn Tiếp thống lĩnh toàn bộ lực lượng thủy quân đi trước, theo đường sông ra biển, hành động như một cuộc hành binh tiếp tục tiến công đánh phá nước ta. Thoát Hoan thống lĩnh bộ binh và kỵ binh vẫn nằm yên ở Vạn Kiếp, mười ngày sau mới đột ngột bí mật rút đi. Quyền mưu như thế kể ra cũng thuộc hạng cao cường đấy chứ? Nhưng “cao nhân tắc hữu cao nhân trị” (giỏi thì tất có người giỏi hơn trị được) và ở giữa cái bát quái trận đồ “toàn dân vi binh”, thì cái đạo quân đang đói và mất hết nhuệ khí ấy thoát đi đâu được?
Sông Bạch Đằng đã từng là chiến địa làm nên hai đại thắng rực rỡ chống quân xâm lược của tổ tiên chúng ta vào thế kỷ X: Ngô Quyền đánh tan tành quân Nam Hán vào đầu thế kỷ và Lê Hoàn phá nát bấy quân Tống vào cuối thế kỷ đó. Địa hình thiên nhiên vùng Bạch Đằng, bản thân nó, chẳng có gì gọi là hiểm yếu. Nhưng dưới cặp mắt quân sự sắc sảo và nhất là sự sáng tạo một cách hết sức tài tình, độc đáo đến bất ngờ trong việc chọn và tạo dựng chướng ngại vật mới làm cho cái địa hình ấy với qui luật lên xuống của con nước, trở thành cái bẫy khủng khiếp mà những viên tướng xâm lược tài ba nhất cũng bị mắc lừa. Thấy được cái hiểm yếu chết người tiềm ẩn trong thế núi hình sông vùng Bạch Đằng, công đầu thuộc về Ngô Quyền.
Đường thủy từ Vạn Kiếp ra biển là đi theo sông Lục Đầu, vào sông Kinh Thầy, xuôi sông Đá Bạc, xuống sông Bạch Đằng, qua phía trước dãy núi Tràng Kênh, rồi ra cửa biển Nam Triệu, hoặc cũng có thể từ sông Đá Bạc, qua Trúc Động, rẽ vào sông Giá, qua phía sau dãy núi ra cửa biển Nghiêu Phong (thời Trần gọi là cửa An Bang). Ô Mã Nhi hai lần từ biển đều vào cửa An Bang để lên Vạn Kiếp. Thượng lưu sông Bạch Đằng còn được dân địa phương gọi là sông Rừng. Khi triều lên, mặt sông rộng tới trên 1 km. Núi U Bò là ngọn cao nhất của dãy núi đá vôi Tràng Kênh, nằm ở bờ phải sông Rừng có thể làm nơi quan sát từ xa rất tốt. Bờ bên kia là rừng rậm bạt ngàn thuộc Yên Hưng. Có câu ca dao nói đến vùng này như sau:
                              “Con ơi nhớ lấy lời cha
                              Mưa nguồn, chớp giật chớ qua sông Rừng”
Đoàn thủy binh của Ô Mã Nhi với hơn 600 thuyền chiến rời Vạn Kiếp đâu có thể ngờ rằng đích đến cuối cùng của chúng gần đến thế: tại đoạn sông Bạch Đằng này. Và Bạch Đằng đang đứng trước một đại thắng lẫy lừng nữa của  quân dân Đại Việt.
Các khúc sông từ thượng nguồn Bạch Đằng trở lên không rộng và với một lực lượng thuyền chiến nhiều như thế làm đội hình hành quân của giặc có thể kéo dài đến 5 - 7 km, khó mà đánh dồn bao vây tiêu diệt tạo hiệu quả cao được. Do đó Trần Quốc Tuấn quyết định đánh tiêu hao giặc suốt chặng sông Kinh Thầy và sông Đá Bạc, đánh chặn quyết liệt không cho chúng vào sông Giá mà buộc chúng phải theo sông Đá Bạc vào sông Rừng - thượng lưu sông Bạch Đằng - nơi quân dân ta chọn làm trận địa quyết chiến với chúng.
Trong việc tổ chức thế trận cũng như trong chiến đấu ở trận Bạch Đằng, nhân dân địa phương đã kề vai sát cánh với quân triều đình, đã góp công sức rất nhiều như xác định chính xác thời gian triều cường, mức nước thủy triều lên xuống, chuẩn bị cọc, đóng cọc, làm bè hỏa công, huy động lương thực, tổ chức dân binh phối hợp chiến đấu…
Làm sao kìm chế, buộc địch, nhử địch đến được vị trí và thời điểm đã hoạch định từ trước, đó là yếu tố quyết định làm nên cái lẫy lừng tột bậc của trận đại thắng, và các tướng lĩnh nhà Trần, dưới sự chỉ huy của vị Quốc Công tiết chế Trần Quốc Tuấn đã thực hiện được việc đó một cách tài tình.
Từ Vạn Kiếp ra đi vào ngày 30-3-1288, mãi đến 8-4-1288, đoàn thuyền chiến đi đầu của giặc do tướng vạn hộ Lưu Khuê chỉ huy mới đến được đầu sông Giá vì đã phải “nghênh chiến, đại chiến liên tục ngày này sang ngày khác” (An Nam chí lược). Theo đường đã quen thuộc, Lưu Khuê rẽ vào sông Giá. Quân ta, nhằm thực hiện kế hoạch, đã đánh chặn chúng rất quyết liệt tại Trúc Động. Giặc chững lại, không tiến lên được, làm cho toàn bộ lực lượng binh thuyền Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp đi sau, nối đuôi nhau dồn tới. Trong khi đó phía sông Bạch Đằng, quân ta tiến đến khiêu chiến. Để ùn tắc lâu sẽ rất nguy hiểm và nhận thấy rằng theo hướng Bạch Đằng cũng có thể thoát nhanh ra biển nhờ thủy triều đang xuống, nước chảy xiết, nên Ô Mã nhi đã chuyển hướng hành quân xuôi theo sông Bạch Đằng rồi rẽ qua sông Chanh.
Khi toàn bộ binh thuyền địch đã lọt vào sông Rừng, quân khiêu chiến giả thua chạy của ta tức tốc quay lại kịch chiến mà sử cũ nói là “quân ta lực chiến”, tức đem hết sức ra đánh, quân thủy, quân bộ, dưới sông, trên bờ, đằng trước, đằng sau, đều hợp sức đánh.
Trận đánh mở màn vào tảng sáng ngày 9-4-1288 và càng lúc càng dữ dội. Tại khúc sông có dãy núi Tràng Kênh, bộ binh ta bên bờ phải, phối hợp với dân binh địa phương tiến ra đánh kịch liệt vào đội hình giặc, phóng bè hỏa công đốt phá chiến thuyền giặc. Tướng giặc Phàn Tiếp phải chỉ huy một lực lượng binh thuyền, cố áp sát bờ, đổ bộ lên nhằm đánh lùi bộ binh ta, chiếm lấy điểm cao bắn phá yểm trợ cho đại quân của chúng ở dưới sông vượt thoát. Tuy nhiên đoàn binh thuyền của giặc vẫn vừa đánh vừa tiến rất khó khăn, trong khi đó lực lượng của Phàn Tiếp bị mắc kẹt trên bờ và dần lọt vào thế bị bao vây. Đến buổi trưa hôm đó, đoàn thuyền đi đầu của giặc mới tới được cửa sông Chanh, đúng thời điểm mà ta đã hoạch định cho chúng. Thật tài giỏi!
Lúc này, một lực lượng thủy quân lớn của hai vua Trần từ phía sông Đá Bạc ào ào tiến xuống tăng cường, đánh mạnh hơn nữa vào hậu quân của giặc, “tên bắn na” (Đại Việt sử ký toàn thư). Đồng thời, đoàn thuyền chiến của quân thánh dực nghĩa dũng triều đình (quân đặc biệt tinh nhuệ) do tướng Nguyễn Khoái chỉ huy, là lực lượng chịu trách nhiệm đánh cản địch ở phía trước, bỏ ngỏ cửa sông Chanh, vừa đánh nghi binh, vừa lui xuống dàn quân ngang sông Bạch Đằng, chặn lối thoát ra cửa sông Nam Triệu.
Nếu lúc đó binh thuyền giặc vẫn tiến theo sông Bạch Đằng thì sẽ bị đánh sau chặn trước, có nghĩa là vẫn nằm trong tình thế bị bao vây. Tuy nhiên, trong tình thế đó, dù có thể bị thiệt hại nặng nhưng bộ phận còn lại vẫn có thể có cơ may chạy thoát được ra biển. Có lẽ một phần là do đã nhụt chí chiến đấu, một phần lầm tưởng quân ta đoán sai ý đồ rút theo đường sông Chanh của chúng, hoặc cũng có thể là khí thiêng sông núi Đại Việt đã làm chúng lú lẫn, mê lầm mà binh thuyền giặc lao đầu vào sông Chanh theo sức nước cuốn ra cửa thủy triều, vun vút đến bãi cọc cách cửa sông Chanh khoảng chưa đầy 500m. Đoàn thuyền đi đầu của giặc không cách nào dừng lại được, né tránh được, đã đâm thẳng vào bãi cọc, tan vỡ, xô đắm lẫn nhau nghẽn chặt sông làm đại bộ phận thuyền chiến phía sau của chúng dồn đến kẹt cứng từ đó đến cả vùng ngã ba sông Bạch Đằng - sông Chanh, phơi mình cho thủy binh Nguyễn Khoái đánh lên, của hai vua Trần đánh xuống, quân bộ ta trên bờ sông đánh từ các mặt ập vào, các bè hỏa công rực lửa phóng ra. Đại bộ phận giặc bị tiêu diệt tại chỗ (và có thể còn bị tiêu diệt tại vùng hạ lưu sông Bạch Đằng, nơi có dải đá ngầm chắn ngang như một chướng ngại vật thiên nhiên, khi nước triều xuống chỉ còn một khoảng hẹp là tàu thuyền có thể qua lại được).
                              Bạch Đằng nhất trận hỏa công
                              Tặc binh đại phá, huyết hồng mãn giang
                              (Bạch Đằng một trận hỏa công
                              Đánh tan quân giặc máu hồng tràn loang)

Quân ta thu được hơn 400 thuyền giặc, bắt sống Ô Mã Nhi, Tích Lệ Cơ và nhiều tướng giặc khác. Một số quân tướng giặc còn lại, bỏ thuyền chạy lên bờ trái sông Bạch Đằng, liều chết đánh mở đường máu ra biển, bị quân ta chặn lại bao vây tiêu diệt hết ở vùng Hà Nam:
                              Bạch Đằng giang là sông cửa ải
                              Tổng Hà Nam là bãi chiến trường
Lại nói lực lượng Phàn Tiếp bị vây, cố đánh nống ra bờ sông, nhưng thất bại, bị đánh tan, riêng Phàn Tiếp trọng thương, bị quân ta bắt sống.
Như vậy, trong trận Bạch Đằng, khoảng 5 - 6 vạn quân giặc không một tên chạy thoát và cuộc chiến đấu xảy ra vỏn vẹn 20 tiếng đồng hồ kể từ trận Trúc Động ấy đã trở thành một trong những chiến công chói lọi nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt.
Vào thời điểm đạo thủy binh của Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp bước vào tử địa (8-4-1288), Thoát Hoan và Áo Lỗ Xích mới cùng đạo quân bộ binh của chúng bắt đầu rời Vạn Kiếp. Thoát Hoan cho rằng đó là thời điểm rút chạy thích hợp nhất, khi mà đại binh nhà Trần đã bị cuốn hút về vùng ven biển Bạch Đằng theo đạo quân của Ô Mã Nhi và có thể Ô Mã Nhi đã thoát ra được biển cả.
Mở đầu cuộc rút chạy trên bộ, Tích Đô Nhi được lệnh chỉ huy bộ phận tiền quân đi về phía Tây, tức đường Chi Lăng - Khâu Ông để đánh lạc hướng truy kích của quân ta. Thoát Hoan cùng đại bộ phận quân còn lại, đi về phía đông mà đích là cửa quan Nội Bàng, Nữ Nhi.
Tích Đô Nhi dẫn quân mới tới cửa quan Hố Cát (sau này gọi là Phố Cát) đã bị ta chặn đánh. Trước hơn 4 vạn quân Đại Việt, Tích Đô Nhi không thể tiến qua được, chỉ còn cách duy nhất là cố đánh giãn vây, tìm đường sang phía đông hội nhập với Thoát Hoan.
Ngày 11-4-1288, quân ta mở trận tập kích lớn vào đội quân Thoát Hoan khi chúng mới chân ướt chân ráo đến Nội Bàng. Giặc tập trung quân cố đánh mở đường, qua được cửa Nội Bàng, thoát vây. Định tiến gấp về cửa quan Nữ Nhi thì nghe tin mật báo nhà Trần đã huy động hơn 30 vạn quân đóng chốt dọc đường từ Nữ Nhi tới núi Khâu Cấp dài hơn 100 dặm, mà khắp mặt đường từ Nội Bàng đến Nữ Nhi đều có đào hố bẫy ngựa, Thoát Hoan hoảng sợ tìm cách chạy theo đường khác, vòng xa sang phía đông lên Lộc Bình, theo đường tắt chạy bán sống bán chết ra khỏi biên giới nước ta. Tuy nhiên, cuộc rút chạy theo đường vòng đó cũng vẫn bị quân ta tập kích, truy kích ráo riết và không kém quyết liệt, bắn tên độc từ các sườn núi xuống như mưa. Giặc liều chết, vừa đánh đỡ, vừa chạy suốt dọc đường, chết rất nhiều. A Bát Xích trúng ba tên độc, bỏ mạng: Nhiều tướng giặc, trong đó có Đường Ngột Đãi, Mai Thế Anh, Tiết Văn Chính… bị bắt sống. 
Ngày 19-4-1288, lũ bại tướng, tàn binh tơi tả còn lại của đạo quân Thoát Hoan chạy về tới Tư Minh, lúc đó mới hoàn hồn. Cuộc kháng chiến lần thứ ba chống xâm lược nhà Nguyên kết thúc, nước ta lại sạch bóng quân thù.
(Còn tiếp)
------------------------------------------------------------------------



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét