***
Dưới
ách đô hộ, bóc lột, nô dịch và đồng hóa của nhà Đông Hán, Tổ quốc ta đã
không còn tên nước, mà bị phân thành ba quận là Giao Chỉ, Cửu Châu và
Nhật Nam. Chế độ Lạc tướng bị bãi bỏ thay bằng chế độ quận huyện. Tuy
nhiên nhà Đông Hán không dễ gì mà xóa bỏ được cái nền tảng xã hội, phong
tục tập quán lâu đời, đã sâu rễ bền gốc trong đời sống dân tộc Việt.
Chính Mã Viện khi “điều tấu” đã nhận xét: “luật Việt và luật Hán khác
nhau tới hơn 10 việc” (Hậu Hán Thư). Vào thế kỷ III, thái thú Tiết Tống
dâng sớ lên vua Ngô: “Giao Châu đất rộng, người đông, hiểm trở, độc hại,
dân xứ ấy rất dễ phản loạn, rất khó cai trị” (Ngô Chí). Hoặc năm 282
thứ sử Giao Châu là Đào Hoàng tâu sớ lên Tấn Vũ Đế, có đoạn: “Người Châu
ấy, kẻ biết lễ nghĩa Trung Hoa thì ít, chán sự yên vui, thích gây nổi
loạn, chỉ có thể dùng binh mới trấn ngự được, gần như không khi nào được
yên luôn trong năm ngày”
Sau
khi Trưng Vương tử tiết, Mã Viện tâu lên vua Đông Hán là huyện Tây Vu
có 32.000 hộ, địa giới cách xa huyện lị hàng nghìn dặm (khoảng 400 km)
nên chia làm ba: Tây Vu thu nhỏ (nay là Tiên Sơn - Hà Bắc), Phong Khê
với trung tâm là Cổ Loa và Vọng Hải (bắc Đông Anh).
Miền
đất Hà Nội ở tả ngạn sông Hồng ấy đến năm 271 được nhà Ngô lập thành
quận Vũ Bình với các huyện Phong Khê, Bình Đao; đầu thế kỷ VI được gọi
là Châu Hưng, rồi sau đó là Châu Phong, cái tên này có suốt thời thuộc
Đường (Trung Hoa) đến tận đời Lý của ta.
Riêng
nội thành Hà Nội và vùng ven đô, trước là những làng quê thuộc Tây Vu
đời Hùng - Thục, thuộc huyện Tây Vu và Phong Khê vào thời thuộc Hán,
huyện Vũ An và Nam Định thời thuộc Ngô (thế kỷ III) và thuộc Tấn (thế kỷ
IV); mãi đến thế kỷ V, trung tâm Hà Nội vẫn chưa có tầm quan trọng đáng
kể trong lịch sử Bắc thuộc và chống Bắc thuộc của đất nước. Giữa thế kỷ
V, trung tâm Hà Nội cổ trở thành một huyện mang tên Tống Bình. Đến thế
kỷ VI, nó được nâng lên thành quận Tống Bình, gồm 3 huyện: Nghĩa Hoài,
Tuy Ninh ở nam sông Hồng (tức Từ Liêm, Hoài Đức ngày nay) và Xương Quốc ở
bắc sông Hồng (vươn tới Tận Cổ Loa, Đông Anh). Năm 545, Lý Nam Đế “dựng
thành lũy bằng tre gỗ ở cửa sông Tô Lịch” (sách Lương Thư), Hà Nội có
thành quách từ đó.
Sang
thế kỷ VII, nhà Tùy khôi phục lại quận Giao Chỉ đời Hán gồm cả miền
đồng bằng Bắc Bộ với trung tâm di chuyển từ Long Biên (Hà Bắc) đến Tống
Bình (Hà Nội). Sau đó, đến lượt nhà Đường đặt Giao Châu tổng quản phủ
kiêm quản 10 châu trong đó có Tống Châu vào năm 621 (miền nội thành Hà
Nội cổ).
Năm
679, nhà Đường lập An Nam đô hộ phủ, đặt chức kinh lược sử An Nam quản
12 châu (từ Bắc Bộ vào Trung Bộ ngày nay), trụ sở đóng ở Tống Bình (tức
nội thành Hà Nội ngày nay). Từ đây cho tới đầu thế kỷ X, miền nội thành
Hà Nội liên tục trở thành đại bản doanh, thành dinh lũy chủ yếu của
chính quyền đô hộ. Một hệ thống thành quách ngày càng đồ sộ liên tiếp
mọc lên trên đất Tống Bình nhằm bao che cho lũ cướp nước và cản phá
phong trào phản kháng của nhân dân Tống Bình cũng như của cả nước; bắt
đầu bằng Tử Thành (thành con) của viên tổng quản Khâu Hóa xây năm 621
bên bờ sông Tô Lịch, chu vi khoảng 1674m, kết thúc bằng Đại La Thành của viên
tiết độ sứ Cao Biền đắp lại năm 865 - 866 với chu vi 5580m. Hà Nội -
Tống Bình thời kỳ này đã đông đúc và mở rộng. Giao Châu (châu thổ sông
Hồng) có 55 hương thì Tống Bình chiếm 11 hương. Dân cư nội ngoại thành,
theo sử nhà Đường là 15 vạn, có 40 vạn gian nhà trong nội thành Đại La.
Về bộ máy cai trị, phủ thành đô hộ An Nam khi ấy có khoảng 4200 quan
lại, thêm vào đó là khoảng 4-5 ngàn, có lúc lên đến 100.000 quân đồn
trú.
Nhu cầu phục vụ cho trấn áp và bóc lột của nhà nước đô hộ đã làm cho Kẻ Chợ phình to!
Suốt
thời Bắc thuộc, nhân dân Hà Nội cổ đã nhiều phen nổi dậy trong phong
trào chung của cả nước chống ách đô hộ phương Bắc, bảo vệ lối sống
riêng, giành lại chủ quyền dân tộc.
Trong
số những cuộc khởi nghĩa có liên quan mật thiết tới lịch sử Thủ Đô, đầu
tiên phải kể đến cuộc khởi nghĩa oanh liệt của Lý Bí.
Theo Wikipedia thì vào nửa đầu thế kỷ thứ sáu, đất nước ta bị phong kiến nhà Lương thống
trị. Nhà Lương đã chia lại các khu vực hành chính, lập thêm châu, đặt
thêm quận, tuyển thêm quan lại để thu vét thuế. Trồng cây dâu cao một
thước cũng phải nộp thuế, thậm chí bán vợ đợ con cũng phải đóng thuế.
Nhà Lương còn thi hành chính sách phân biệt đối xử rất gay gắt. Chỉ có
con cháu nhà Lương và một số dòng họ lớn (họ Vương, họ Tạ...) mới được
giao giữ chức vụ quan trọng. Thứ sử châu Giao bấy giờ là Tiêu Tư, người
cùng một họ với vua Lương, nổi tiếng tham lam gian ác. Nhân dân ta ai ai
cũng đem lòng oán hận. Sử sách Trung Quốc cũng phải thú nhận Tiêu Tư
"tàn bạo mất lòng dân". Lý Bí (hay còn gọi là Lý Bôn) sinh ngày 12 tháng 9 năm Quý Mùi
(17 tháng 10 năm 503). Từ nhỏ, Lý Bí đã tỏ ra là một cậu bé thông minh,
sớm hiểu biết. Khi Lý Bí năm tuổi thì cha mất, bảy tuổi thì mẹ qua đời.
Ông đến ở với chú ruột. Một hôm, có một vị Pháp tổ thiền sư đi ngang qua, trông thấy Lý Bí khôi ngô, tuấn tú liền xin Lý Bí đem về chùa
nuôi dạy. Sau hơn 10 năm rèn sách chuyên cần, Lý Bí trở thành người học
rộng, hiểu sâu. Ông quê gốc ở thôn Cổ Pháp, xã Tiên Phong, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. Tổ tiên ông là người Trung Quốc nhưng sang nước ta lập nghiệp từ lâu. Nhiều sách sử cho biết tổ tiên của Lý Nam Đế là người tỉnh Sơn Tây vào cuối thời Tây Hán thì tránh sang ở Giao Châu để lánh nạn loạn Vương Mãng.
Qua chín đời, đến đời Lý Bí thì dòng họ Lý đã ở Việt Nam được hơn năm
thế kỷ. Chính sử Trung Quốc đều coi Lý Bí là "Giao Châu thổ nhân". Theo đó, đời thứ bảy là Lý Hàm lấy bà Ma thị là người Việt, sinh ra Lý Thanh. Lý Thanh phục vụ dưới quyền Thứ sử Giao Châu là Đàn Hòa Chi nhà Lưu Tống thời Nam Bắc Triều (Trung Quốc). Lý Thanh sinh ra Lý Hoa, Lý Hoa sinh ra Lý Cạnh. Lý Cạnh sinh ra Lý Thiên Bảo và Lý Bí, Lý Hùng. Ở thôn Giang Xá, thị trấn Trạm Trôi, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội
có ngôi đình thờ Lý Nam Đế. Theo ông Lộ Khắc Lập (sinh năm 1936, thủ từ
đình thôn Giang Xá) thì ngày xưa Lý Nam Đế từng đi qua đây khi dẫn quân
sang "xã bên" tập trận, vì vậy mà có câu hát "Nhong nhong ngựa ông đã
về/Cắt cỏ bồ đề cho ngựa ông ăn". Lớn lên, nhờ có tài văn võ kiêm toàn, Lý Bí được tôn lên làm thủ
lĩnh địa phương. Rồi được Thứ sử Tiêu Tư nhà Lương mời ra làm chức Giám quân ở Đức châu (huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh ngày nay). Một thời gian sau, vì căm ghét bọn độ hộ nhà Lương, ông đã từ quan về quê, ngầm liên lạc với các hào kiệt trong vùng để chuẩn bị khởi nghĩa. Đầu năm 542, Lý
Bí, người hào trưởng đất Thái Bình (đôi bờ sông Hồng, mạn Sơn Tây, phía
tây - bắc Hà Nội ngày nay) liên kết hào kiệt các châu chiêu binh mãi mã, nhất tề nổi dậy, chống chính quyền đô hộ. Được nhiều người hưởng ứng, lực lượng của Lý Bí càng lớn mạnh. Tù trưởng ở Chu Diên (Hải Dương) là Triệu Túc cùng con là Triệu Quang Phục phục tài đức của ông nên đã đem quân nhập với quân của ông. Tinh Thiều, một người giỏi từ chương, từng đến kinh đô nhà Lương xin được chọn làm quan, nhưng chỉ cho chức "gác cổng thành", nên bỏ về Giao Châu theo Lý Bí. Ngoài ra trong lực lượng của Lý Bí còn có một võ tướng là Phạm Tu đã ngoài 60 tuổi và rất khoẻ mạnh lại giỏi võ. Tiêu Tư, Thứ sử Giao Châu, “một kẻ tàn bạo, mất lòng dân” (Lương Thư), liệu thế không chống nổi quân Lý Bí, phải sai người mang của cải đến đút lót cho Lý Bí để được tha chạy thoát về Quảng Châu. Sau 3 tháng, nghĩa quân chiếm được châu thành Long
Biên (Bắc Ninh cũ), cuộc khởi nghĩa thành công nhanh chóng.
Tuy Tiêu Tư bỏ chạy nhưng Lý Bí mới kiểm soát được vùng Bắc Bộ Việt Nam hiện nay, các châu phía nam vẫn trong tay nhà Lương.
Tháng 4 năm 542, Lương Vũ Đế sai Thứ sử Việt châu là Trần Hầu,La châu
là Ninh Cự, An châu là Úy Trí, Ái châu là Nguyễn Hán cũng hợp binh đánh
Lý Bí. Nhưng Lý Bí đã chủ động ra quân đánh trước, phá tan lực lượng
quân Lương ở phía nam, chiếm được Hoàng Châu, làm chủ toàn bộ Giao Châu. Quân giặc chết ráo. Trong khi Lý Bí bận đối phó với nhà Lương ở phía Bắc thì tại phía nam, vua Lâm Ấp có ý nhòm ngó Giao Châu.
Biên giới giữa Giao Châu và Lâm Ấp lúc đó là dãy Hoành Sơn. Tháng 5 năm 543, vua Lâm Ấp Rudravarman I mang quân xâm chiếm quận Nhật Nam và tiến đến quận Cửu Đức. Lý Nam Đế sai Phạm Tu (có sách cho là Lý Phục Man) cầm quân vào nam đánh Lâm Ấp.
Cuối năm 542, Lương Vũ Đế
cho Lư Tử Hùng và Tôn Quýnh mang quân sang đàn áp.Tôn Quýnh và Lư Tử
Hùng sợ thế mạnh của Lý Bí nên không giám tiến quân xin tới mùa Đông năm
sau.Thứ sử Quảng Châu là Tiêu Ánh không cho,Tiêu Tư cũng thúc giục nên Quýnh và Hùng buộc phải tiến binh. Mùa đông năm ấy, nhà Lương tập trung quân chuẩn bị tiến đánh báo
thù. Nắm được tình hình địch, Lý Bí chủ động tổ chức một trận tiêu diệt
lớn ở Hợp Phố, quân địch mười phần thì chết đến 7 - 8 phần, số còn lại
tan tác.
Sau khi giành thắng lợi, xuân Giáp Tý (năm 544) Lý Bí tự xưng là Nam Việt Đế, lên ngôi, đặt niên
hiệu là Thiên Đức (đức trời), lập trăm quan, đặt tên nước là Vạn Xuân thể hiện mong muốn rằng xã tắc truyền đến muôn đời. Ông đóng đô ở vùng cửa sông Tô Lịch (Hà Nội), dựng điện Vạn Thọ làm nơi triều hội, thành lập triều đình với hai ban văn, võ và lấy Triệu Túc làm Thái phó, Tinh Thiều đứng đầu ban văn, Phạm Tu đứng đầu ban võ. Nói thêm, theo nghiên cứu của mình, giáo sư Lê
Mạnh Thát giả định vào khoảng năm 390 - 470, nước ta có một ông vua mà
sử sách của cả Trung hoa và Việt Nam đều không thấy ghi chép. Có 6 lá
thư trong “Đại tạng kinh” chữ Hán, mang nội dung trao đổi giữa hai pháp
sư Đạo Cao và Pháp Minh với một “sứ quân” của Giao Châu tên là Lý Miễu,
với lời lẽ coi ông này “ở địa vị của một bậc thiên tử”. Đối chiếu danh
sách những chức danh tương đương với “sứ quân” như “thái thú”, “thứ sử”
Trung Quốc cử sang thì không thấy tên Lý Miễu. Từ đó Giáo sư Lê Mạnh
Thát cho rằng đã từng có một vị vua như ông giả định và người đó chính
là Lý Miễu. Theo chúng ta, có lẽ Lý Miễu chỉ cát cứ một vùng, tự xưng
Vương, tương tự như một sứ quân thời Đinh Bộ Lĩnh: có lẽ nào Lý Miễu là
nhân vật đâu đó, thuộc hàng cố, cụ của Lý Bí?
Các
nhà địa lý học hiện nay, trên cơ sở khoa học, đều thừa nhận Hà Nội là
“thủ đô tự nhiên” của đồng bằng Bắc Bộ. Nhận ra được vị thế ưu việt của
mảnh đất Hà Nội, chọn đóng đô ở đó, quả thật Lý Bí đã có cái nhìn sắc
sảo. Chính Nam Việt Đế (hay còn gọi là Lý Nam Đế) là người đã cho xây
dựng một ngôi chùa lớn ở phường Yên Hoa (Yên Phụ) lấy tên là Khai Quốc
sau này trở thành một trung tâm Phật giáo lớn của nước ta. Chùa Khai
Quốc là tiền thân của chùa Trấn Quốc trên đảo Cá Vàng (Kim Ngư) ở Hồ
Tây, Hà Nội.
Đầu
năm 545, nhà Lương kéo quân sang xâm lược Vạn Xuân. Lý Nam Đế chặn đánh
chúng ở vùng Lục Đầu (thuộc Hải Hưng) nhưng bị thua, phải rút về giữ
thành ở cửa sông Tô Lịch (Hà Nội). Không bao lâu, thành vỡ, lão tướng
Phạm Tu tử trận, nhà vua phải rút quân, ngược sông Hồng về giữ thành Gia
Ninh (thuộc vùng đồi núi Việt Trì). Quân Lương đuổi theo, đánh chiếm
được thành, nhà vua cùng quân tướng tiếp tục rút chạy vào miền núi Vĩnh
Phú. Tại đây, được nhân dân ủng hộ, Lý Nam Đế nhanh chóng khôi phục lực
lượng lên đến vài vạn người để tiếp tục kháng chiến. Tướng nhà Lương là
Trần Bá Tiên lại tiến đánh. Tháng 8 năm ấy, Lý Nam Đế đem hai vạn quân từ trong đất Lạo ra đóng ở hồ Điển Triệt (xã Tứ Yên, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc
ngày nay), đóng nhiều thuyền đậu chật cả mặt hồ. Quân Lương sợ, cứ đóng
lại ở cửa hồ không dám tiến vào. Một đêm, nước sông lên mạnh, dâng
cao bảy thước, tràn đổ vào hồ. Trần Bá Tiên nhân đó đem quân theo dòng
nước tiến vào. Quân Vạn Xuân không phòng bị, vì thế tan vỡ. Bị tập kích bất ngờ, quân Lý Nam Đế thua, một bộ phận cùng nhà vua rút
vào động Khuất Lão (Tam Nông, Vĩnh Phú), bộ phận còn lại do người anh
nhà vua là Lý Thiên Bảo cùng Lý Phật Tử (một người cháu họ của Lý Nam Đế), chỉ huy
rút vào Thanh Hóa. Năm 548, ngày 20 (ngày
Tân Hợi) tháng 3 (tức ngày 13 tháng 4 dương lịch), Lý Nam Đế ở động
Khuất Lão lâu ngày bị nhiễm lam chướng, ốm qua đời. Ông ở ngôi được năm
năm (543–548), thọ 46 tuổi. Ngày nay, các sử gia trong Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã thống nhất xác định địa danh động Khuất Lão thuộc địa bàn xã Văn Lương, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Trước khi mất, Lý Nam Đế ủy cho con Thái phó Triệu Túc là Tả tướng Triệu Quang Phục giữ việc nước, điều quân đi đánh Bá Tiên. Kể thêm rằng Lý Bí chính là vị hoàng đế đầu tiên trong lịch sử nước Việt Nam. Theo thần tích cổ, Lý Nam Đế có người vợ là Hứa Trinh Hòa, con ông Hứa Minh và bà Bùi Thị Quyền người làng Đông Mai, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.
Bà được Lý Nam Đế lập làm hoàng hậu. Bà đã cùng chồng chinh chiến ngoài
mặt trận và bị tử trận do thuyền đắm tại hồ Điển Triệt cuối năm 546.
Sau này bà được Triệu Việt Vương lập đền thờ tại quê nhà. Và một chuyện cảm động khác: Ở trang Vân Lộng xứ Đông (nay là làng An Ninh, xã An Bình, huyện Nam
Sách, Hải Dương) có ông Phạm Lương là người có chí khí, vợ mất sớm, ông ở
vậy nuôi người con gái tên là Phạm Thị Toàn lớn khôn và luôn nhắc nhở
con về nỗi đau mất nước. Năm Tân Dậu (541), khi nghe tin hào trưởng Lý Bí ở đất Thái Bình
dựng cờ khởi nghĩa, lãnh đạo nhân dân nổi dậy đánh đuổi bọn đô hộ, cha
con ông Phạm Lương liền bán tài sản, nhà cửa để mộ quân tham gia ứng
nghĩa cùng với hào kiệt, tù trưởng, thủ lĩnh các địa phương. Với sự tham gia đông đảo đó, thanh thế nghĩa quân rất lớn nên chỉ
trong vòng 3 tháng đã khiến chính quyền đô hộ của giặc Lương tan vỡ
khắp nơi, tên thứ sử Tiêu Tư khiếp sợ phải bỏ chạy về phương Bắc. Vì có công lao, ông Phạm Lương được phong làm bộ chủ châu Hoan
(nay là Nghệ An, Hà Tĩnh) nhưng chỉ được vài năm thì mất, thi hài được
đưa về an táng tại quê nhà. Còn Phạm Thị Toàn, trong các trận chiến đánh giặc, tuy là phận nữ
nhi nhưng luôn dũng cảm xông pha tên đạn, không quản gian khổ hiểm nguy
và trở thành một nữ tướng nổi danh được quân dân mến trọng còn kẻ thù
nghe tiếng nàng đã kinh hãi. Sau khi đất nước giành được quyền tự chủ không lâu, tháng 12 năm
Nhâm Tuất (542), Phạm Thị Toàn lại tham gia phá giặc Lương nơi địa đầu
biên giới lúc chúng cho quân tiến xuống xâm lược định tái lập ách đô hộ
và đến tháng 4 năm Quý Hợi (543) nàng theo lão tướng Phạm Tu đánh tan quân Lâm Ấp ở phía Nam. Khi đã ổn định được tình hình đất nước, tháng 1 năm Giáp Tý (544)
Lý Bí lên ngôi. Về chuyện hôn nhân, nghĩ đến người con gái xinh đẹp, nết na, lại
giỏi văn chương, côn quyền từng lập không ít công trạng, Lý Nam Đế liền
cho người đón Phạm Thị Toàn vào cung để lấp chỗ trống cho Hứa Trinh Hòa
làm hoàng hậu nhưng nàng một mực chối từ mà nói rằng: "Vì sự nghiệp phục quốc mà phận gái liễu bồ nghĩ cũng phải góp
phần gánh vác, đó là tâm nguyện lớn lao không mong gì hơn. Nay việc lớn
đã thành, chỉ xin cho thiếp ở lại chốn quê hương chăm sóc phần mộ cha
mẹ, vui với cảnh ruộng đồng, hàng ngày nghe câu kinh tiếng kệ!". Biết khó lay chuyển ý định của nàng, Lý Nam Đế không muốn làm
chuyện gượng ép nên đã chấp thuận thỉnh nguyện của Phạm Thị Toàn. Từ đó
bà ở lại quê nhà lập chùa tịnh tu cho đến khi mất. Sau khi bà qua đời,
người dân đã lập đền thờ tôn bà làm thành hoàng. Năm Quý Mùi (1103) niên hiệu Long Phù thứ 3 đời vua Lý Nhân Tông,
nhà vua đã ban sắc phong cho Phạm Thị Toàn là "công chúa ni cô". Tương
truyền bà rất linh thiêng, từng hiển linh giúp cho quân tướng nhà Trần
đánh thắng giặc Nguyên Mông. Ngôi chùa do bà lập ra còn tồn tại cho đến tận ngày nay. Chùa có
nhiều tên gọi khác nhau như chùa Vĩnh Khánh, chùa Trăm Gian, chùa An
Ninh và là một danh tích nổi tiếng của xứ Đông.
Khi Triệu Quang Phục được trao toàn bộ binh quyền, vốn thông
thuộc miền sông nước, ông đưa hơn một vạn quân về một vùng đồng lầy mênh
mông, lau sậy mọc đầy, gọi là Đầm Dạ Trạch (bãi Màn Trò, Hải Hưng), vừa
tổ chức trồng lúa tự túc lương thực vừa tổ chức đánh du kích. Đầm này rộng, cỏ cây um tùm, bụi rậm che kín, ở giữa có nền đất cao có
thể ở được, bốn mặt bùn lầy, người ngựa khó đi, chỉ dùng thuyền độc mộc
nhỏ chống sào đi lướt trên cỏ nước mới có thể vào được. Nếu không quen
biết đường đi thì lạc không biết là đâu, lỡ rơi xuống nước liền bị rắn
độc cắn chết. Quang Phục thuộc rõ đường đi lối lại, đem hơn hai vạn
người vào đóng ở nền đất trong đầm. Ông dùng chiến thuật du kích, ban
ngày tuyệt không để khói lửa và dấu người, ban đêm dùng thuyền độc mộc
đem quân ra đánh doanh trại của quân Bá Tiên
cướp lương thực vũ khí, giết và bắt sống rất nhiều, lấy được lương thực
để làm kế cầm cự lâu dài. Bá Tiên không đánh được. Người trong nước gọi
ông là Dạ Trạch Vương Năm 550, Trần Bá Tiên
mưu tính cầm cự lâu ngày để làm cho quân của ông lương hết, quân mệt mỏi
thì có thể phá được. Gặp lúc nhà Lương có loạn Hầu Cảnh, gọi Trần Bá Tiên về (sau này Trần Bá Tiên cướp ngôi vua của nhà Lương năm 557), ủy cho tì tướng là Dương Sàn ở lại. Sau thời gian bị vây hãm, biết nhà Lương có loạn to, giặc đã suy yếu,
Triệu Quang Phục chuyển sang phản công toàn diện đánh tan quân xâm lược
nhà Lương, thu lại Kinh đô, khôi phục lại nền độc lập cho đất nước, tự
xưng là Triệu Việt Vương. Triệu Việt Vương ( 524 – 571), là vua Việt Nam cai trị từ năm 548 đến năm 571. Công lao lớn nhất của ông là kế tục Lý Nam Đế đánh đuổi quân xâm lược nhà Lương, giữ nền độc lập cho nước Vạn Xuân.
Lại
nói, bị quân Lương đuổi đánh, Lý Thiên Bảo và Lý Phật Tử từ Thanh Hóa
chạy tiếp sang Lào, đóng ở động Dã Năng. Năm 555, Lý Thiên Bảo chết,
binh quyền về tay Lý Phật Tử. Năm 557, Lý Phật Tử kéo quân về đánh Triệu
Việt Vương, đòi lại ngôi nhà Lý. Đánh không thắng, Phật Tử xin hòa,
Triệu Việt Vương nghĩ tình Lý Nam Đế xưa, thuận chia đất cho Phật Tử:
Phật Tử đóng ở Ô Diên (làng Đại Mỗ, Từ Liêm), Triệu Việt Vương đóng Long
Biên, lấy bãi Quần Thần (làng Thượng Cát, Từ Liêm) làm ranh giới. Không
những thế Triệu Việt Vương còn gả con gái là Cải Nương cho con của Phật
Tử là Nhã Lang để tỏ tấm chân tình hòa hiếu. Ấy vậy mà Phật Tử đem lòng
phản trắc, ngấm ngầm chuẩn bị lực lượng. Năm 571, Phật Tử bất ngờ khởi
binh đánh Triệu Việt Vương. Triệu Việt Vương trở tay không kịp, bỏ chạy
đến cửa biển Đại Nha, cùng đường, nhảy xuống biển tự vẫn. Về hành động này của Lý Phật Tử, sách Đại Việt Sử ký Toàn thư dẫn lời nhận xét thẳng thắn của sử thần Ngô Sĩ Liên:
- "Lấy bá thuật mà xét thì Hậu [Lý] Nam Đế đánh Triệu Việt Vương là
đắc kế, lấy vương đạo mà xét thì việc ấy đã từng không bằng chó lợn. Sao
thế? Là vì khi Tiền Lý Nam Đế ở động Khuất Lạo đem việc quân ủy cho
Triệu Việt Vương. Việt Vương thu nhặt tàn quân giữ hiểm ở Dạ Trạch bùn
lầy, đương đầu với Trần Bá Tiên là người hùng một đời, cuối cùng bắt
được tướng của y là Dương Sàn. Tiên, người phương Bắc, phải lui quân.
Bấy giờ vua [Hậu Nam Đế] trốn trong đất Di [Lạo], chỉ mong thoát khỏi
miệng hùm mà thôi. May mà Bá Tiên về Bắc, [Lý] Thiên Bảo chết, mới đem
quân đánh [Triệu] Việt Vương, dùng mưu gian trá xin hòa, kết làm thông
gia. Việt Vương lấy lòng thành đối đãi, cắt đất cho ở, những việc làm
của Việt Vương đều là chính nghĩa, giao hảo phải đạo, thăm viếng phải
thời, há chẳng phải là đạo trị yên lâu dài hay sao ? Thế mà [Hậu Nam Đế]
lại dùng mưu gian của Nhã Lang, vứt bỏ chính đạo nhân luân, kíp tham
công lợi mà diệt nhân nghĩa, đánh cướp lấy nước, tuy rằng lấy được, mà
Nhã Lang thì chết trước, bản thân cũng không khỏi làm tù, có lợi gì đâu?"
Phật Tử xưng đế (cũng lấy danh xưng là Lý Nam Đế, người đời sau gọi là Hậu Lý Nam Đế để phân biệt), đóng trung tâm ở Cổ Loa(?) được 30 năm.
Nhà
Tùy thống nhất Trung Quốc vào đầu năm 602 huy động một lực lượng gồm 27
doanh quân (mỗi doanh có 5000 người) sang chinh phục nước ta. Lý Phật
Tử sớm đầu hàng, bị bắt giải về Tràng An. Nước ta lại rơi vào ách đô hộ.
Tuy
nhiên phong trào khởi nghĩa giành quyền tự chủ của nhân dân cả nước nói
chung và của vùng Hà Nội nói riêng vẫn sôi nổi như của Lý Tự Tiên, Đinh
Kiến, Mai Thúc Loan, Phùng Hưng…
Theo Wikipedia thì Lý Tự Tiên người ở Giao Châu, bị Nhà Đường đô hộ từ năm 618 đến năm 905. Năm 679, nhà Ðường lập ra An Nam đô hộ phủ, sử phương Bắc bắt đầu gọi Việt Nam là An Nam kể từ đó.
Tháng 7 năm 687, Lý Tự Tiên ở Giao Châu nổi dậy chống Đường, do quan đô hộ là Lưu Diên Hựu bắt nộp thuế cả mà không theo lệ cũ là chỉ nộp một nửa. Nhưng, cơ mưu bị bại lộ, Lý Tự Tiên bị Lưu Diên Hựu giết chết. Sau đó tiếp nối sự nghiệp của Lý Tự Tiên, một vị hào trưởng cũng là một thuộc tướng của Lý Tự Tiên là Đinh Kiến lãnh đạo nhân dân vùng dậy tiếp tục chống Lưu Diên Hựu và sau đã giết được Diên Hựu. Hiện vẫn chưa rõ quê quán cũng như năm sinh của Lý Tự Tiên. Mai Hắc Đế ( 670 – 723), tên thật là Mai Thúc Loan, là vị vua người Việt thời Bắc thuộc, anh hùng dân tộc, người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống lại sự chiếm đóng của nhà Đường ở Việt Nam vào đầu thế kỉ thứ 8
Mai Thúc Loan, quê ở Mai Phụ, Thạch Hà, Hà Tĩnh, con nhà nghèo. Năm Mai Thúc Loan 10 tuổi, mẹ đi lấy củi bị hổ vồ, ít lâu sau bố cũng
mất. Ông được người bạn của cha là Đinh Thế đem về nuôi, sau gả con gái
là Ngọc Tô cho. Sinh thời, Mai Thúc Loan vốn có sức khỏe phi thường, giỏi đô vật, đánh được cả hổ dữ
học rất giỏi và có chí lớn, được nhân dân trong vùng mến phục. Ông mở lò vật, lập phường săn, chiêu mộ
trai tráng trong vùng mưu việc lớn. Vợ ông giỏi việc nông trang, nhờ đó
"gia sản ngày một nhiều, môn hạ ngày một đông". Nhờ chí du ngoạn lại được vợ hết lòng ủng hộ, Mai Thúc Loan kết
thân với nhiều hào kiệt, sau này trở thành những tướng tài tụ nghĩa dưới
lá cờ của ông như Phòng Hậu, Thôi Thặng, Đàn Vân Du, Mao Hoành, Tùng
Thụ, Tiết Anh, Hoắc Đan, Khổng Qua, Cam Hề, Sỹ Lâm, Bộ Tân...Sách An Nam chí lược viết về ông là "Soái trưởng Giao Châu". Năm 605, tướng nhà Tùy là Lưu Phương đánh bại các cuộc chống đối của người Việt, thiết lập sự đô hộ của nhà Tùy. Nhà Tùy mất, nhà Đường lên thay, đặt nước Việt làm An Nam Đô hộ phủ, đóng ở Giao Châu. Các bộ chính sử thời cổ cho đến tận Việt Nam sử lược
đều không ghi rõ nguyên nhân của khởi nghĩa Mai Thúc Loan. Tuy nhiên,
các sách và giáo trình lịch sử Việt Nam được biên soạn từ đầu những năm
70 của thế kỷ XX bắt đầu xuất hiện nguyên nhân cho rằng cuộc khởi nghĩa
nổ ra do "nạn cống quả vải" cho vua Đường.
Trong một lần cùng đoàn dân phu gánh trái vải đi nộp cống, thấy một tên
lính áp tải ức hiếp, đánh đập một người phu già, Mai Thúc Loan nổi nộ
khí, xuống tay quá mạnh, giết chết tên lính. bọn lính còn lại cầm gươm
giáo xông đến. Mai Thúc Loan chống lại. Toàn bộ dân phu rút đòn gánh,
theo Mai Thúc Loan thổi bùng lên cuộc bạo động, đánh tan tác đám lính.
Cuộc bạo động kích thích khối phẫn uất đã sưng tấy lâu ngày bục vỡ thành
cuộc khởi nghĩa được hưởng ứng bởi trăm họ. Mai Thúc Loan trở thành thủ
lĩnh, chọn Rú Đụn (còn gọi là Hùng Sơn) làm căn cứ địa. Không để cho
giặc kịp tổ chức đàn áp, Mai Thúc Loan cùng nghĩa quân chớp thời gian,
đánh thẳng vào Châu tự (thủ phủ một châu), phát hịch kể tội giặc Đường.
Sau khi mở rộng được địa bàn, Mai Thúc Loan xây thành Vạn An với qui mô
một kinh thành, liên kết với các thủ lĩnh miền núi để tăng cường thêm
lực lượng. Trước khi tiến ra Bắc đánh phủ đô hộ, Mai Thúc Loan được quân
dân tôn xưng là Mai Hắc Đế (ông vua đen họ Mai; có như thế là vì Mai
Thúc Loan ngay từ nhỏ đã có nước da sạm đen). Sau một trận giao tranh ác
liệt. Mai Hắc Đế đã chiếm được phủ thành Tống Bình (Hà Nội). Đất nước
được giải phóng, nhân dân khắp nơi nô nức theo, lực lượng nghĩa quân
ngày một đông. Hiện nay các nhà nghiên cứu đều thống nhất: sưu cao, thuế nặng là nguyên
nhân khiến nhân dân nổi dậy chống lại ách đô hộ nhà Đường, nổi bật là
khởi nghĩa Hoan Châu. Đây là cuộc khởi nghĩa có sự chuẩn bị, biết chọn
thời cơ, không phải một cuộc bạo động. Chuyện "cống vải" của An Nam chỉ
là một chi tiết của truyền thuyết, không tồn tại trong thực tế. Chính
giáo sư Phan Huy Lê về sau cũng đã thừa nhận, chuyện cống vải quả không
thể và không phải là nguyên nhân chính nổ ra cuộc kháng chiến giải phóng
dân tộc do Mai Thúc Loan lãnh đạo.
Khởi nghĩa nổ ra tại Rú Đụn, còn gọi là Hùng Sơn (Nghệ An). Mai Thúc Loan lên ngôi vua, lấy hiệu là Mai Hắc Đế. Theo Việt điện u linh,
Mai Hắc Đế mang mệnh thủy tức là nước, mà nước được tượng trưng là màu
đen. Vì vậy, ông lấy hiệu là Hắc Đế để hợp với mệnh của mình. Một số
nguồn cũng cho hay, ông lấy hiệu là Mai Hắc Đế vì ông có màu da đen. Ông
cho xây thành lũy, lập kinh đô Vạn An (thuộc thị trấn Nam Đàn hiện nay), tích cực rèn tập tướng sỹ. Cuộc nổi dậy của ông được hưởng ứng rộng rãi ở trong nước và có cả sự liên kết với Lâm Ấp và Chân Lạp.
Theo sách An Nam chí lược thì vào khoảng đầu niên hiệu
Khai Nguyên của Huyền Tông, Soái trưởng Giao Châu là Mai Thúc Loan làm
phản, hiệu xưng là Hắc Đế, ngoài thì kết giao với quân của Lâm Ấp và
Chân Lạp, tập hợp được 30 vạn quân sĩ, chiếm cứ nước An Nam. Vua Huyền
Tông ra lời chiếu sai hoạn quan Tả Giám môn Vệ tướng quân là Dương Tư
Húc và quan Đô hộ là Quang Sở Khách (sách chép sai thành "Nguyên Sở
Khách") qua đánh, cứ noi theo con đường cũ của Mã Viện đi tới phá quân
của Loan, chất xác chết đắp thành gò lớn, rồi kéo về.
Mai Hắc Đế tiến binh đánh thành Tống Bình (Hà Nội ngày nay), Đô hộ nhà Đường là Quang Sở Khách cùng đám thuộc hạ không chống cự lại được, phải bỏ thành chạy về nước. Lực lượng Mai Hắc Đế lúc đó lên tới chục vạn quân.
Tuy
nhiên, nhà Đường đang thời còn thịnh. Mùa thu năm Nhâm Tuất (722), Nhà Đường bèn tức tốc huy động 10 vạn quân do tướng Dương Tư Húc và Quang Sở Khách sang đàn áp, đánh ập vào thành Vạn An. Cùng lúc quan quân nhà Đường tiến theo đường bờ biển Đông Bắc và tấn công thành Tống Bình. Sau nhiều trận đánh khốc liệt từ lưu vực sông Hồng đến lưu vực sông Lam, cuối cùng Mai Hắc Đế thất trận, thành Vạn An thất thủ. Không đương nổi đội quân xâm lược, Mai Hắc Đế phải rút vào rừng tìm kế lâu dài, sau bị ốm rồi mất, nghĩa quân tan vỡ theo. Quân Đường tàn sát nhân dân ta vô cùng dã man, xác
người chất thành gò cao. Người đời sau cảm phục Mai Hắc Đế, lập đền thờ
và đề thơ ca ngợi, có đoạn:
“Hùng Cứ Hoan Châu đất một vùng
Vạn An thành lũy khói hương xông
Bốn phương Mai Đế lừng uy đức
Trăm trận Lý Đường phục võ công…”
(Vua Đường họ Lý nên gọi là Lý Đường)
Theo sách Việt sử tiêu án thì: Thời nhà Đường có Tống Chi Đễ
bị tội đầy ra quận Chu Diên, gặp lúc Loan vây hãm châu Hoan, vua Đường
bèn trao cho Đễ chức Tổng quản để đánh ông Loan. Đễ mộ được 8 người
tráng sĩ mặc áo giáp dày, kéo đến tận chân thành mà hô to rằng: "Hễ bọn
người Lèo hành động tức thì giết chết"; 700 quân đều phục xuống không
dám đứng dậy, mới bình được.
Tương truyền, con trai thứ ba của ông là Mai Thúc Huy lên ngôi vua tức Mai Thiếu Đế, tiếp tục chống trả các cuộc tấn công của nhà Đường tới năm 723
Các bộ chính sử của Trung Quốc và Việt Nam đều chép thống nhất về Khởi
nghĩa Hoan Châu do Mai Thúc Loan lãnh đạo nổ ra vào khoảng thời gian nửa
đầu niên hiệu Khai Nguyên, đời vua Đường Huyền Tông, và bị dập tắt vào năm Bính Tuất (722).
Đời sau nhớ ơn Mai Hắc Đế, lập đền thờ ông ở trên núi Vệ Sơn và trong thung lũng Hùng Sơn. Ngày nay tại địa phận thị trấn Nam Đàn, huyện Nam Đàn có khu di tích tưởng niệm ông.
Đến nửa sau thế kỷ
VIII, quyền thống trị của triều đình nhà Đường (Trung Quốc) ở Trường
An đã bắt đầu suy yếu. Chiến tranh giữa "phiên trấn" và "triều đình" mà
đỉnh cao là loạn An Sử càng làm cho nhà Đường lụn bại. Uy quyền của bọn
tiết độ sứ và đô hộ ngày một tăng, chúng tự ý trưng thu thuế má. Cao
Chính Bình, hiệu úy châu Vũ Định (miền Việt Bắc), năm 767 giúp kinh lược
sứ An Nam Trương Bá Nghi đánh bại được cuộc xâm lược của quân Chà Và
(Ja va) ở Chu Diên, sau đó y được cử giữ chức đô hộ An Nam. Y ra sức
bòn rút của cải của nhân dân ta, đánh thuế rất nặng.
Năm 766, căm ghét chính sách
thống trị của quan lại nhà Đường, và nhân lòng căm phẫn của nhân dân,
lợi dụng khi quân lính ở Tống Bình nổi loạn, Phùng Hưng cùng hai em là Phùng Hải và Phùng Dĩnh đã phát động một
cuộc khởi nghĩa lớn chống chính quyền đô hộ nhà
Đường.
Phùng Hưng có tên tự là Công Phấn. Sử liệu gốc ghi lại về ông không nhiều. Chỉ
biết, Phùng Hưng xuất thân từ dòng dõi cự tộc, hào trưởng đất Đường Lâm
(thôn Cam Lâm, xã Đường Lâm, Ba Vì, Hà Nội) vốn có sức khỏe hiếm thấy. Ông sinh ngày 25 tháng 11 năm Canh Tý (tức ngày 5 tháng 1 năm 761) và mất ngày 13 tháng 8 năm Nhâm Ngọ (tức ngày 13 tháng 9 năm 802), thọ 41 tuổi. Phùng Hưng vốn là cháu bảy đời của Phùng Tói Cái – người đã từng vào trong cung vua Đường Cao Tổ thời niên hiệu Vũ Đức (618–626) dự yến tiệc và làm Quan lang ở đất Đường Lâm. Bố của Phùng Hưng là Phùng Hạp Khanh, một người hiền tài đức độ. Khoảng năm Nhâm Tuất (722) đời Đường Huyền Tông niên hiệu Khai Nguyên, Phùng Hạp Khanh đã tham gia cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan (tức Mai Hắc Đế). Sau đó, ông trở về quê chăm chú công việc điền viên, trở nên giàu có, trong nhà nuôi nô tỳ có đến hàng nghìn người (theo bia
Quảng Bá).
Theo sự tích, Phùng Hạp Khanh có một người vợ họ Sử. Ông bà sinh một lần được ba người con trai khôi ngô khác thường, lớn lên ai cũng có sức khỏe, có thể kéo trâu, quật hổ. Anh cả là Phùng Hưng, em thứ hai là Phùng Hải
(tự là Tư Hào) và em út là Phùng Dĩnh (tự là Danh Đạt). Đến năm ba anh
em 18 tuổi thì bố mẹ đều mất. Trong ba anh em, anh cả Phùng Hưng là
người có sức khỏe và khí phách đặc biệt.
Đường Lâm xưa kia vốn là vùng đồi gò và rừng cây rậm rạp, thú vật dữ tợn
thường hay lui tới, nên nơi đây tục gọi là Đường Lâm hay Cam Lâm.
Ông được sử sách và truyền thuyết
dân gian lưu truyền về tài đánh trâu, quật hổ ở đất Đường Lâm. Có lần
ông đánh được 2 con trâu mộng đang húc nhau, dân làng ai cũng thán phục.
Lần khác lại trừ được hổ dữ, bằng mưu kế, đem lại bình yên cho làng xóm
mà cho tới giờ nhân dân Đường Lâm còn lưu truyền về câu chuyện đó.
Ba anh em Phùng Hưng, Phùng Hải, Phùng Dĩnh lãnh đạo
nhân dân khởi nghĩa làm chủ Đường Lâm, rồi nghĩa quân tiến lên đánh
chiếm được cả một miền rộng lớn quanh vùng thuộc Phong Châu, xây dựng
thành căn cứ chống giặc. Phùng Hưng xưng là: Đô Quân; Phùng Hải xưng là
Đô Bảo và Phùng Dĩnh xưng là Đô Tổng, chia quân đi trấn giữ những nơi
hiểm yếu. Cao Chính Bình đem quân đi đàn áp nhưng chưa phân thắng bại.
Tình hình diễn ra như vậy hơn 20 năm.
Phùng Hưng còn là vị anh hùng đầu tiên trong những
người con ưu tú của đất Đường Lâm. Và Phùng Hưng cũng là người anh hùng
đầu tiên đã đánh chiếm lại thành Tống Bình (Hà Nội), trị sở của chính
quyền đô hộ lúc đó và xây dựng nền tự chủ trong khoảng gần chục năm.
Năm Tân Mùi 791, mùa hạ, tháng 4, Phùng Hưng cùng các tướng lĩnh đem
quân vây đánh thành Tống Bình. Quân của Phùng Hưng chia làm 5 đạo do các
tướng Phùng Hải, Phùng Dĩnh, Đỗ Anh Hàn, Bồ Phá Cần và chủ tướng Phùng
Hưng tiến công vây thành. Quân của Cao Chính Bình (khoảng hơn 4 vạn
- theo văn bia Quảng Bá) ra chống cự.
Cuộc chiến đấu diễn ra quyết liệt trong khoảng 7 ngày, quân địch chết
nhiều, Cao Chính Bình phải vào cố thủ trong thành, lo sợ cuối cùng bị ốm
rồi chết. Phùng Hưng chiếm lĩnh thành trì và vào phủ Đô hộ, coi chính
sự đất nước được 7 năm thì mất. Rất tiếc trong 7 năm ấy, sử sách không
để lại một nguồn tài liệu nào về ông. Sau khi mất, con trai ông là Phùng
An lên nối ngôi, dâng tôn hiệu cha là Bố Cái Đại Vương. Phùng An nối
nghiệp được 2 năm thì chính quyền lại rơi vào tay giặc. Nền tự chủ vừa
mới xây dựng, chỉ tồn tại vẻn vẹn trên dưới 9 năm. Năm 791, nhà Đường
xâm lược trở lại đất nước ta. Phùng An kế vị được hai năm, vua Đường Đức Tông phong Triệu Xương sang
làm An nam đô hộ. Triệu Xương đến nơi, sai sứ đem nghi vật dụ Phùng An;
Phùng An sửa sang nghi vệ, đem quân nghênh hàng Triệu Xương, các thân
thuộc họ Phùng giải tán hết (thật buồn, con không nối được chí cha!).
Sử liệu và truyền thuyết dân gian ở vùng Đường Lâm kể
lại rằng: Phùng Hưng chết rồi rất hiển linh, thường hiện hình trong dân
gian, giúp dân trong lúc hoạn nạn. Dân làng cho là linh ứng, lập miếu
để thờ tự tại Đường Lâm. Đường Lâm (Hà Nội) đã đi vào lịch sử bởi là nơi
sinh ra cũng là hai vị vua, hai vị anh hùng dân tộc - Phùng Hưng
(761-802), Ngô Quyền (808-944) trong cuộc đấu tranh giành độc lập từ thế
kỷ VII đến thế kỷ X; đây cũng là mảnh đất sinh ra sứ thần Giang Văn
Minh - một nhà ngoại giao văn tài thao lược xuất sắc cuối thế kỷ XVI,
đầu thế kỷ XVII. Ngày nay, tại xã Đường Lâm vẫn còn ngôi đình thờ Phùng
Hưng được xây dựng từ năm 1390.
Tương truyền sau này, Phùng Hưng còn hiển linh giúp
Ngô Quyền đánh thắng giặc ở sông Bạch Đằng. Thấy vậy, Ngô Quyền cho lập
đền thờ quy mô to lớn hơn trước. Sự ngưỡng mộ đối với người anh hùng dân
tộc họ Phùng còn thể hiện ở việc lập đền thờ phụng của nhân dân như ở
đình Quảng Bá (Hà Nội), đình Triều Khúc (Hà Nội), thờ ở lăng Đại Áng,
Phương Trung, Hoạch An, phủ Thanh Oai (Hà Tây),...
Nổi
tiếng ở thế kỷ IX có một cuộc khởi nghĩa Dương Thanh (819 - 820). Dương
Thanh là một hào trưởng đã từng giữ chức thứ sử Hoan Châu của nhà
Đường. Từ Tống Bình, ông phát quân qua sông Cái rồi nửa đêm bất thần
quay trở lại đánh úp phủ thành và giữ thành, cầm cự hàng mấy tháng trời…
Cuối
thế kỷ IX, chớp thời cơ nhà Đường hấp hối, một hào trưởng ở đất Hồng
Châu (Hải Dương) tên là Khúc Thừa Dụ được dân chúng ủng hộ đã tiến quân
đánh chiếm phủ thành Tống Bình (Hà Nội) tự xưng là Tiết độ sứ. Nhà Đường
buộc phải công nhận một sự đã rồi. Khúc Thừa Dụ đã khéo léo ứng xử với
phong kiến phương Bắc: độc lập thật sự, thần phục danh nghĩa. Dù vẫn
mang danh là một chức quan của nhà Đường, dù vẫn giữ nguyên hình thức tổ
chức của bộ máy đô hộ nhưng thực chất đó là chính quyền tự chủ (tất cả
bọn quan lại phương Bắc bị bãi bỏ, thay bằng người Việt), kết thúc về cơ
bản thời kỳ bị Bắc thuộc của nước nhà. Lịch sử ghi nhớ công lao của
Khúc Thừa Dụ như là một trong những người đặt cơ sở cho nền độc lập dân
tộc, ngay giữa trung tâm Hà Nội.
Năm
930, Nam Hán - một trong 10 nước cát cứ của Trung Hoa, ở Quảng Châu,
cất quân xâm lược nước ta. Nhưng từ Ái Châu (Thanh Hóa), một hào trưởng
là Dương Đình Nghệ đã tiến quân ra Bắc, vùng Hà Nội cổ, đánh thành Đại
La. Vua Nam Hán được tin, vội đưa quân sang cứu viện. Viện binh địch
chưa đến kịp thì thành Đại La đã bị quân ta công phá dữ dội. Quân địch
trong thành tan vỡ, tướng chỉ huy là Lương Khắc Trinh chết trận, thứ sử
Lý Tiến cùng tàn binh thoát vây, trốn được về cũng bị vua Nam Hán xử tội
chết.
Quân
cứu viện của địch do tướng Trình Bảo chỉ huy định tổ chức bao vây Đại
La. Dương Đình Nghệ chủ động đem quân ra ngoài thành, đánh các doanh
trại dã chiến của chúng. Quân địch rối loạn, tan vỡ, Trình Bảo bị giết
ngay tại trận. Cuộc kháng chiến kết thúc, nền tự chủ của đất nước được
khôi phục (931 - 937).
Dương
Đình Nghệ vẫn tự xưng là Tiết độ sứ. Năm 937, hào trưởng Phong Châu
(Sơn Tây cũ, tây - bắc Hà Nội) tên là Kiều Công Tiễn phản trắc, giết
chết để đoạt chức Tiết độ sứ. Hành động đó bị nhân dân phẫn nộ, phản
kháng. Lại nghe tin Ngô Quyền (làm nha tướng và là con rể của Dương Đình Nghệ) sửa soạn cất binh đi hỏi tội mình, Kiều
Công Tiễn cả sợ, vội cầu cứu vua Nam Hán để từ một kẻ phản chủ, “vươn
lên” thành tên phản quốc. Lợi dụng thời cơ, Nam Hán phát động cuộc chiến
tranh xâm lược lần thứ hai (lần này nguy hiểm hơn vì quân địch có Kiều
Công Tiễn nội ứng).
Ngô
Quyền là bộ tướng của Dương Đình Nghệ, sinh ngày 12 tháng 3 năm Đinh Tỵ
(tức năm 897) ở Đường Lâm (Ba Vì, Hà Nội), cùng quê với Bố Cái Đại
Vương. Cha Ngô Quyền là Ngô Mân, một hào trưởng có tài. Lớn lên, Ngô
Quyền là một người cường tráng, tinh thông võ nghệ, chí khí phi thường,
“vẻ khôi ngô, mắt sáng như chớp, dáng đi như cọp, có trí dũng, sức có
thể nhấc vạc, giơ cao” (Đại Việt sử ký toàn thư). Vì có tài nên được
Dương Đình Nghệ trọng dụng, giao cai quản đất Ái Châu (Thanh Hóa) và ưu
ái gả con gái cho.
Trước
tình hình thù trong giặc ngoài đó, Dương Đình Nghệ gấp rút tập hợp lực
lượng. Đầu mùa đông năm Mậu Tuất (938), Ngô Quyền cùng quân sĩ vượt đèo
Ba Dội, tiến như vũ bão vào Đại La trị tội tên phản phúc Kiều Công Tiễn,
bêu đầu hắn trước cổng thành.
Lúc
này, con trai vua Nam Hán là Hoàng Tháo, thừa lệnh cha dẫn quân theo
đường thủy từ biển tiến vào nước ta. Bản thân vua Nam Hán (tên là Lưu
Cung) trực tiếp đem đại quân áp sát biên giới nước ta để kịp thời yểm
trợ cho con và điều nực cười là chưa đánh chác gì, chưa biết thắng thua
ra sao, đã chắc mẩm phong tước Giao Vương (Vương đất Giao Chỉ) cho Hoàng
Tháo.
Ngô
Quyền họp tướng tá, bàn rằng: “Hoàng Tháo là một đứa trẻ dại, đem quân
từ xa đến, quân lính mỏi mệt, lại nghe tin Kiều Công Tiễn bị giết không
còn người nội ứng, đã mất vía trước rồi. Quân ta sức còn mạnh, địch với
quân mỏi mệt tất phá được. Nếu ta sai người đem cọc lớn vạt nhọn đầu,
bịt sắt, đóng ngầm ở cửa biển trước, thuyền của chúng nhằm khi nước
triều lên tiến vào bên trong bãi cọc, bấy giờ ta sẽ dễ bề chế ngự, không
kế gì hay hơn kế ấy”, và khẩn trương bày binh bố trận tại vùng hạ lưu
và cửa sông Bạch Đằng.
Tháng
12 năm 938, chỉ trong vòng một ngày với chỉ một trận đánh lớn, toàn bộ
binh thuyền giặc bị đánh tan tành, Hoàng Tháo bị đâm chết tại trận. Vua
Nam Hán nghe tin đại bại, kinh hoàng phải khóc lên, vội vàng rút quân,
từ bỏ hoàn toàn ý đồ xâm lược nước ta.
Sau
chiến thắng vĩ đại ấy, Ngô Quyền xưng vương, bãi bỏ chức Tiết độ sứ,
đóng đô ở Cổ Loa (Hà Nội), củng cố trật tự triều chính, đặt ra các chức
quan văn võ, qui định nghi lễ trong triều. Thật đáng tiếc, Ngô Quyền mới
tại ngôi được 6 năm (939 - 944) thì mất trong lúc nước nhà đang rất cần
đến ông và tài năng ông đang ở độ sung mãn.
Nhà
sử học Việt Nam thế kỷ XVIII, Lê Văn Hưu nhận xét: “Tiền Ngô Vương (tức
Ngô Quyền) có thể lấy quân mới họp của đất Việt ta mà phá được trăm vạn
quân của Lưu Hoàng Thao, mở nước, xưng vương, làm cho người phương Bắc
không dám lại sang nữa. Có thể nói là một cơn giận mà yên được dân, mưu
giỏi mà đánh cũng giỏi vậy” (Đại Việt Sử Ký).
Ý
nghĩa định đô tại Cổ Loa - Đô cũ đã có từ hàng ngàn năm trước, từ Văn
Lang đến Âu Lạc, của Ngô Quyền thật lớn lao. Sử cũ ghi: “Ngô Quyền đóng
đô ở Cổ Loa tỏ ý nối tiếp quốc thống xưa của An Dương Vương”; “chính
thống của nước Việt ta đã nối lại được”.
Có
thể nói chiến thắng Bạch Đằng năm 938 Giang đã chấm dứt 9 thế kỷ Bắc thuộc và
là thắng lợi cuối cùng, vang dội của cuộc đấu tranh liên tục chống Bắc
thuộc của Dân tộc Việt, thêm nữa, như nhà sử học Ngô Thì Sĩ (thế kỷ
XVIII) viết: “… là cơ sở sau này cho việc phục lại quốc thống. Những
chiến công các đời Đinh, Lê, Lý, Trần vẫn còn nhờ vào cái uy danh lẫm
liệt để lại ấy. Trận Bạch Đằng này là vũ công cao cả, vang dội đến nghìn
thu, há phải chỉ lừng lẫy ở một thời bấy giờ mà thôi đâu” (Việt sử tiêu
án)...
Ngô
Quyền mất, đất nước như vô chủ, các thế lực địa phương nổi lên cát cứ,
tranh quyền đoạt lợi, gây nên cái nạn mà sử gọi là “loạn 12 sứ quân”.
Vùng đất trời Hà Nội cổ như bị lịch sử bỏ quên hơn nửa thế kỷ.
Nhận xét
Đăng nhận xét