Thứ Bảy, 5 tháng 12, 2020

TT & HĐ III - 24/d

                         Bài nói của Giáo sư Trần Phương về Chủ nghĩa Xã hội và Việt Nam


PHẦN III:     NGUỒN CỘI 

" Đi đi con!
Trong khinh khi may nhớ nước non
Mà ôn lại cho đừng quên lịch sử
Bốn ngàn năm rồi, Việt Nam bất tử
Dằng dặc đoạn trường chống giặc ngoại xâm
Biết mấy đau thương, biết mấy anh hùng
Ghi tạc địa cầu bao chiến công hiển hách
..."

                                                                                Trần Hạnh Thu

"Lịch sử hoài thai chân lý, nó có thể kháng cự với thời gian, có thể dìm đi những việc cũ, nó là dấu tích của thời xa xưa, là gương soi của đương đại, là lời giáo huấn cho thế hệ sau."
                                                                 
Cervantes (Tây Ban Nha)

"Lịch sử là bằng chứng của thời đại, là ngọn lửa của chân lý, là sinh mệnh của kí ức, là thầy giáo của cuộc sống và là sứ giả của cổ nhân."
                                                                                                      Cicero (La Mã)
 
“Đừng chê cõi trần nhơ
Đừng khen cõi trần đẹp
Cõi trần là thản nhiên
Chỉ có đời nhơ, đẹp.” 
 Trần Hạnh Thu
.

CHƯƠNG XXIV: PHƯỢNG MÚA RỒNG BAY

"Việt Nam đất nước ta ơi
Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn
Cánh cò bay lả rập rờn
Mây mờ che đỉnh Trường Sơn sớm chiều
Quê hương biết mấy thân yêu
Bao nhiêu đời đã chịu nhiều thương đau..."

(Trích "Việt Nam quê hương ta" - Nguyễn Đình Thi)

“Triết lý Á Đông là cuộc sống phải hòa hợp với thiên nhiên. Mỗi người là một tiểu vũ trụ hòa hợp trong đại vũ trụ. Chính thiên nhiên Hà Nội giúp người ta hòa hợp một cách dễ dàng cái tôi chủ thể với bản thể vũ trụ huyền bí và mênh mông. Tự thân mình trong môi trường ấy đã có sự hòa hợp rồi… Tất nhiên là Sài Gòn rất đẹp… Nhưng Sài Gòn khác Hà Nội. Đi giữa Sài Gòn, mình có cái bồn chồn của một doanh nhân đi tìm mối hàng, hay đi tìm quán nhậu, còn đi giữa Hà Nội, tự nhiên ta thư thái như một lãng tử. Ngồi ở một góc nào đấy tại Hà Nội là có thể nghĩ về đất nước và quên đi xung quanh không cần một cố gắng nào hết. Nhưng mấy chục năm nay người ta đã phá hoại quá nhiều môi trường sinh thái văn hóa tự nhiên lắng đọng từ hàng nghìn năm… May mà dự án thủy cung Thăng Long thất bại chứ không Hồ Tây cũng đã bị xâm hại rồi… “Đứng cạnh Hồ Tây có thể quên được trời đất”. Đó là lời của ông tham tán văn hóa Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam - Pauli Mustonen nói với tôi trong buổi tối chia tay với ông, một buổi tối Hồ Tây mù sương. Nhưng sau một lúc ngẫm nghĩ, ông ấy nói: “Không biết khi tôi có dịp sang lại Việt Nam thì Hồ Tây có còn là Hồ Tây như bây giờ hay không”. Nghe câu nói ấy, chúng tôi đều trầm hẳn xuống và man mác buồn”
(Giáo sư Nguyễn Huệ Chi)
 
 
 
 
 (Tiếp theo)
 
                                                                             ***
Nhưng không sao! Sự chê bai ấy có thể lại là một phản biện tốt cho những suy nghĩ, nói năng văng mạnh của chúng ta. Hơn nữa, chúng ta thực lòng là chẳng có mảy may một “mưu đồ” chính trị nào mà chỉ luôn cố gắng mò mẫm những viên ngọc rơi vãi đâu đó trong lịch sử, một “cái gì đó” có bản chất triết học ở các sự vật - hiện tượng để thỏa nỗi đam mê tìm hiểu để mong "ngộ" được căn nguyên của mọi căn nguyên về sự tồn tại Vũ Trụ. Và chỉ có thế thôi, bản chất của cuộc hành trình này là thế cũng như cuộc đời chúng ta đã an bài như thế, chứ chẳng hại ai mà cũng chẳng giúp ai. Chúng ta đi chiêm nghiệm thế giới và tiện thể đưa ra vài suy nghĩ riêng tư hòng tham vọng cải tạo thế giới!
Thực tại luôn đi trên con đường của nó và không bao giờ biết đến chữ “nếu”. Bằng con mắt hồi ức nhìn từ tầm cao xuống mọi miền đất nước, chúng ta không thể không thấy nó đã trù phú và tươi đẹp lên rất nhiều so với vài ba chục năm trước đây. Đó là một thời gian không dài nhưng không thể gọi là ngắn nếu so với một đời người. Tuy nhiên bên trong cái tươi xanh đang mơn mởn, chưa đến độ mãn khai ấy, đã thấy thấp thoáng những dấu hiệu chỉ thị về sự héo tàn. Một cuộc khủng hoảng toàn diện về giá cả đang phát lộ: dự án một nhà máy luyện cán thép đang chuẩn bị được phê duyệt trên một vùng ven biển mà cảnh trí ở đó là tuyệt vời cho du lịch sinh thái; thành phố Hồ Chí Minh đã mở rộng cái cơ thể bê tông hóa của nó một cách “phí phạm” nhưng hình như nhu cầu về nhà ở vẫn thiếu; đất trồng trọt chuyển hóa thành hàng loạt những sân gôn rộng “tầm cỡ” chẳng hạn như ở Long An; hàng loạt khu công nghiệp đã và đang mọc lên từ những đồng ruộng, chẳng hạn như đồng bằng Tuy Hòa - được mệnh danh là vựa lúa miền Trung, đang bị lấn dần bởi xây dựng công nghiệp và xây nhà Ủy ban, nhà dân; đất đai trồng trọt không biết tại sao còn bỏ hoang khá nhiều (chắc là đã nằm trong qui hoạch hoặc đang chờ đền bù, giải tỏa, hoặc cũng có thể là do thiếu vắng người lao động…); Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn vật đang bước vào “cơ hội” phình nở lạm phát quá mức cần thiết… Nói chung là đất đai nông nghiệp đang bị lấn dần và cứ cái đà đó, sự nghiệp “bê tông hóa” đất nông nghiệp sẽ “thành công mỹ mãn”.
Ngắm nhìn cái cảnh sắc đã giàu đẹp hơn nhưng cũng có vài phá nét lạ lẫm, có được nhờ Đổi Mới ấy, chúng ta thực sự mừng vui cho đất nước. Tuy nhiên, trong sâu thẳm linh cảm, hình như vẫn vương vấn nỗi niềm gì đó có vẻ như là ái ngại khi nghĩ đến tương lai. Bài học về xây dựng kinh tế - xã hội đất nước thời triều đình nhà Nguyễn còn “trừng trừng” hăm dọa đến tận hôm nay.
Cũng không phải là không chú tâm đến vấn đề đất đai và sản xuất nông nghiệp, cũng như công thương nghiệp; cũng không phải không biết đến cái điều mà xa xưa ông bà ta đã dạy: “Phi nông bất ổn, phi công bất phú, phi thương bất hoạt, phi trí bất hưng”, nhưng do cái bản chất ích kỷ, thiển cận mà triều đình nhà Nguyễn, cha truyền con nối, chỉ biết đặt quyền lợi riêng tư của mình lên trên quyền lợi đất nước, chưa thấy được mối quan hệ biện chứng giữa hai quyền lợi ấy, coi rẻ quần chúng, xa rời họ và đối xử với họ o ép, trịch thượng, hà khắc thiên về bạo lực, bởi vì với cái bản chất ấy thì làm sao thấy được cái gốc rễ của sức mạnh vô địch lại tiềm ẩn ở ngay trong cái đám Đại Chúng cần lao chứ không phải ở trong nhúm quan lại cận thần, chịu ơn “mưa móc” của nó và là công cụ tay sai của nó. Cái triều đại ấy, tất nhiên là cũng như mọi triều đại khác, đã ao ước làm sao cho nước mạnh, do đó cũng suy nghĩ tìm đủ phương cách, và trong thực tiễn cũng đã thực hiện được vài phương sách hợp lý như khẩn hoang, chiêu tập dân phiêu tán trở về, khai đào thêm sông ngòi, sửa đắp thêm đường bộ… nhưng thế nước không những không mạnh lên mà trái lại ngày một suy yếu đi, sức dân ngày một sói mòn đi, để rồi sau này bạc nhược đến độ chống cự không nổi một đội quân xâm lược của thực dân Pháp gồm có mười mấy chiến thuyền với hơn 3000 lính (và nếu không có sự “ứng nghĩa” của lực lượng gồm những đội quân hình thành từ “dân ấp dân lân, mến nghĩa làm quân chiêu mộ” thì đã phải “dâng nước” qui hàng giặc ngay từ thời kỳ đầu tiên đó), để rồi đất nước và dân tộc Việt Nam phải gánh chịu “một trăm năm đô hộ giặc Tây, hai mươi năm nội chiến từng ngày, gia tài của mẹ là rừng xương khô, gia tài của mẹ là núi đầy mồ…” (một khúc hát của Trịnh Công Sơn). 
Vì sao vậy? Vì Triều đình nhà Nguyễn đã không tiếp thu được cái tư tưởng sáng ngời của Vua Quang Trung, do đó mà cũng không phát huy được những thành quả bước đầu mà vua Quang Trung đã đạt được. Cái chân lý mà vua Quang Trung thấu hiểu được thì triều đình nhà Nguyễn, vì đem lòng đố kỵ đã không bao giờ hiểu được, đó là muốn nước mạnh thì phải làm cho dân giàu, muốn dân giàu thì phải vì dân, khoan thư sức dân, muốn vì dân thì tai phải nghe bằng tai dân, mắt phải nhìn bằng mắt dân và cuối cùng, muốn thế, chỉ có một con đường một là lấy dân làm gốc - cái gốc để có được nhận thức đúng đắn về thời cuộc.
Đã có lần chúng ta đề cập đến sự khốn cùng của nhân dân dưới triều đại nhà Nguyễn. Ở đây, chúng ta không nhắc lại nguyên văn nữa nhưng sẽ nói thêm một chút để thấy được toàn cảnh giai đoạn lịch sử đó (và chủ yếu là theo cái nhìn khách quan của những nhà quan sát phương Tây  đương thời).
Giả nhân giả nghĩa là cái bệnh thường thấy của bề trên nói chung và của vua quan mọi thời nói riêng. Thật là "đáng kính" khi Gia Long xuống dụ: “… nghiêm cấm lai dịch và kẻ giữ kho không được kiếm cớ làm khó dễ yêu sách dân, nếu để tai hại cho dân thì giết không tha”. Người nhẹ dạ sẽ chảy nước mắt khi nghe Minh Mạng nói: “Trẫm từ khi lên ngôi, không ngày nào không lo cho dân cư đông đúc, được mùa”. Năm 1850, không thể làm ngơ trước oán giận của dân chúng, Tự Đức đã sai mấy quan đại thần về các địa phương để “hưng lợi trì trệ, trừng thanh quan lại, vỗ yên nhân dân”; đã từng than thở: “Quan vui thì dân khổ, ích trên thì hại dưới, thực do bọn quan lại đưa đẩy văn thư, khinh thường pháp luật, mượn việc yêu sách quá đáng, hoặc nhân khi xét việc xử án, dụng tâm tha buộc tội mà đòi tiền hối lộ, hoặc nhân bắt lính thu lương, mượn ý đốc sức mà chấm mút chia nhau ăn…, hoặc bắt đóng góp nặng nề để tiêu dùng riêng. Xưa nay những tệ hại ấy không chỉ có thế mà thôi. Ta rất lấy làm quái gở, đau xót”. Ấy thế mà đừng vội tin đó là lời nói của những ông vua hiền. Có thể là họ cũng yêu thương dân, nhưng theo cách của họ, kiểu như “yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho ngào”. Còn yêu thương đến mức độ nào thì chúng ta biết tỏng tòng tong mẹ nói rồi! “Thương cái xương không còn” thì là thương đến cỡ nào?!
Dễ dàng mường tượng ra được thực trạng kinh tế - xã hội của đất nước dưới triều Nguyễn qua ghi chép của các ký giả phương Tây có mặt tại Việt Nam hồi đó! Ngay từ năm 1807, Se-nhô (Chaigneau) đã viết: “Dân chúng vô cùng đói khổ, vua quan bóc lột thậm tệ, công lý là một món hàng mua bán, kẻ giàu có thể công khai sát hại người nghèo và tin chắc rằng với thế lực đồng tiền, lẽ phải sẽ về tay họ”. Trong tác phẩm: “Một chuyến đi Đàng Trong”, Giôn Oai-tơ nhận xét: “Việc buôn bán ven biển ở xứ này có vẻ hoạt động, nhưng đó chỉ là giả tạo, vì hàng hóa chở trên các tàu thuyền bản địa không có bao nhiêu. Các thuyền đó không bao giờ có đủ hàng hóa để trao đổi, vì nhà vua bắt buộc mỗi thuyền phải chở cho triều đình một số hàng… thường là gạo và các lương thực khác cho quân lính, gỗ và các vật liệu xây dựng, quân nhu cho các đạo binh…”; “Nền thương mại của xứ Đàng Trong bây giờ chẳng có gì, so với các phương tiện và hoạt động của nó trước kia”; “Tất cả số đường sản xuất năm 1819 (không kể số tiêu thụ trong nước) từ khu vực Đồng Nai đến thành phố Nha Trang chỉ được hơn 2000 piculs (1 picul tương đương với 62,6 kg). Việc buôn bán với Ma Cao hoàn toàn cắt đứt. Thời gian chúng tôi đến Sài Gòn có hai tàu Pháp đến Tourane (Đà Nẵng) và Huế. Bỏ neo 5 tháng trời, tàu chỉ mua được nửa số đường và một ít tơ sống, đó cũng là sản phẩm chủ yếu hàng năm của các tỉnh phía Nam”. Nói về thương cảng Hội An, ông viết: “Trên đường tới Tourane, chúng tôi qua cảng và thành phố Faifo (Hội An), nơi trước đây là thị trường của các tỉnh phía Bắc… Nơi đây đã được người Bồ Đào Nha ở Ma Cao và người Nhật Bản tìm đến. Họ đã từng tiến hành những hoạt động thương mại rất nhộn nhịp ở cảng. Bây giờ thành phố này đã trở nên nghèo nàn, hoang phế, rất ít khi hoặc chẳng bao giờ được tàu bè ghé thăm, ngoài những thuyền địa phương và vài thuyền nhỏ từ Đàng Ngoài vào”. Ông nhận xét Đà Nẵng: “là một trong những vịnh đẹp nhất thế giới. Thuyền bè đậu trong cù lao Hàn hoặc bán đảo Sơn Trà được che chở tốt trước mọi bão tố. Trước đây, Sơn Trà là một thành phố đông đúc, bây giờ chỉ là một thành phố tồi tàn, bẩn thỉu”. Thật là chua chát và xấu hổ khi Giôn Oai-tơ cho rằng: “Tính cách tham tàn, thất tín, chuyên chế và ngăn trở thương mại của nhà cầm quyền đã biến xứ Đàng Trong thành một nơi ít được người ta ưa thích. Những lý do trên khiến người Nhật từ bỏ mua bán, người Bồ ở Ma Cao cũng không đến đây nữa mà chuyển việc buôn bán của họ sang những hướng khác… Những ai vị tha, mạnh dạn và cả thế giới văn minh nói chung chỉ có thể nhìn thấy trong tình trạng khốn khổ hiện thời của xứ sở có thiên nhiên tươi đẹp này không gì khác hơn là một mối ân hận và thương hại sâu sắc”,: “Ta có thể kể một bản danh mục vô tận về các chức quan cấp dưới mà bất cứ ai muốn thương lượng một công việc buôn bán nào ở xứ này đều phải đút lót cho họ”.
Thủ cựu, ích kỷ, thiển cận, tàn nhẫn và đê hèn đều là những biểu hiện nổi trội của chế độ quân chủ chuyên chế cực đoan triều Nguyễn. Nó xuất hiện là nhờ ơn ngoại bang để rồi sau này phải bán thân trả nợ cái ơn ấy cho ngoại bang. Nó tồn tại nhờ vào sự sui rủi của đất nước và trong nỗi oán giận của dân tộc. Những thành quách, đền đài, lăng tẩm đồ sộ, nguy nga, tráng lệ mà hầu hết đều phi nghĩa, đều lấy xương máu của nhân dân đang đói khổ đắp thành, giờ đây còn lại gì ngoài những phế tích? Biết bao nhiêu con người được trời đất sinh ra, chưa được sống lấy một ngày an vui mà họ có quyền được hưởng, đã bị tan xương nát thịt, chết bụi chết bờ, chết bơ vơ xa xứ bởi cái triều đình ấy, đến giờ linh hồn họ đã khuây khỏa được khối căm hờn?
Xây dựng đất nước cao đẹp hơn, đàng hoàng hơn là xu thế tự nhiên là ước vọng đương thời, song phải thận trọng đắn đo mà lựa chọn cân nhắc cho có chừng có mực, có nghĩa có nhân, bởi xét đến cùng thì mục đích của sự nghiệp ấy không ngoài chữ “vì dân”, mà vì dân không những là vì cuộc sống hôm nay mà còn vì cuộc sống của mai sau hậu thế, vì sự trường tồn của đất nước, dân tộc.
Vừa rồi có người đặt câu hỏi: nước Việt Nam là lớn hay không lớn? Đã có một diễn đàn trên mặt báo bàn luận về câu hỏi đó và vì ít theo dõi nên chúng ta không biết câu chuyện đã ngã ngũ chưa và dư luận nghiêng về phía nào. Tuy nhiên, theo ý kiến riêng của chúng ta thì: nước Việt Nam lớn so với nước nhỏ và nhỏ so với nước lớn; ngoài so sánh thì nó không lớn mà cũng chẳng nhỏ, hay có thể nói rằng: Việt Nam là một nước lớn mà cũng nhỏ, là vừa lớn vừa nhỏ mà cũng chẳng phải cả hai. Có lẽ đúng nhất là đừng nêu câu hỏi ấy ra cho nhọc lòng. Tự ti và tự kiêu đều có hại cho tâm hồn như nhau. Nước ta nếu đã lỡ nhỏ rồi thì có bê tông hóa đến mấy cũng không lớn thêm ra được, nếu đã lỡ lớn rồi thì dù có bị bó lưng buộc bụng, ngăn sông cấm chợ đến mấy, nó cũng không nhỏ lại được. Hình hài dáng vóc ngày hôm nay của nó là do quá trình chuyển hóa tự nhiên trong lịch sử mà có. Và hãy đừng để sự tạo dựng của con người hôm nay trở thành nguyên nhân của quá trình chuyển hóa tự nhiên tiếp theo dẫn đến thoái hóa, sứt mẻ, thậm chí là làm mất nó đi.
Thay cho câu hỏi đó, chúng ta đặt câu hỏi khác: Đất đai trồng trọt của Việt Nam còn nhiều hay ít, có cách nào mở rộng được nữa hay không, và còn đủ dùng đến ngày công nghệ tiên tiến đủ sức làm ra lương thực thực phẩm mà không cần nhờ tới đất đai?
Nghe tin Hà Nội mở rộng mà lòng thấy… dửng dưng. Đọc tin báo Thanh Niên: “Hằng trăm hécta đất đã được lãnh đạo tỉnh Hòa Bình vội vã cấp cho doanh nghiệp khi còn chưa đầy một tháng nữa sẽ đến thời điểm chính thức sát nhập 4 xã Tiến Xuân, Đông Xuân, Yên Bình, Yên Trung của huyện Lương Sơn về Hà Nội”, mà lòng thấy… ghê ghê.
Nhớ hồi nhỏ, mỗi lần soi gương, chúng ta có sở thích đầu mình to ra một chút cho nó oai hùng. Sau, đọc lại lời ông bà dạy: “To đầu thì dại”, chúng ta không còn cái ước muốn ngộ nghĩnh, phù phiếm và viển vông ấy nữa. Mà đúng là thế, một cơ thể tầm thường phải vác và nuôi một cái đầu vĩ đại, rõ ràng là chẳng khôn tí nào!
Nhưng thôi, chuyện con người không thể đem so với chuyện quốc gia đại sự vì với cách suy nghĩ rặt những huyễn hoặc lơ mơ và ảo tưởng, làm sao mà thấy được thị phi đích thực ở cõi "thiên đình". Ái ngại, buồn nản mà làm gì, được gì? Có thể cảm hoài nhưng hãy cứ tin yêu vì cái tâm của nhà nước này không phải là cái tâm của triều đại nhà Nguyễn gần 200 năm trước. Bài phát biểu của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh trong hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, ngày 17-7-2008, đã là một cơ sở cho niềm tin tưởng ấy,và sẽ không "mị dân" nếu nó chuyển biến thành hiện thực!
(Còn tiếp)
---------------------------------------------------------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét