Thứ Tư, 30 tháng 12, 2020

TT&HĐIII - 25/p

                                                            Đất tụ nghĩa anh hùng

PHẦN III:     NGUỒN CỘI 

" Đi đi con!
Trong khinh khi may nhớ nước non
Mà ôn lại cho đừng quên lịch sử
Bốn ngàn năm rồi, Việt Nam bất tử
Dằng dặc đoạn trường chống giặc ngoại xâm
Biết mấy đau thương, biết mấy anh hùng
Ghi tạc địa cầu bao chiến công hiển hách
..."

                                                                                Trần Hạnh Thu

"Lịch sử hoài thai chân lý, nó có thể kháng cự với thời gian, có thể dìm đi những việc cũ, nó là dấu tích của thời xa xưa, là gương soi của đương đại, là lời giáo huấn cho thế hệ sau."
                                                                 
Cervantes (Tây Ban Nha)

"Lịch sử là bằng chứng của thời đại, là ngọn lửa của chân lý, là sinh mệnh của kí ức, là thầy giáo của cuộc sống và là sứ giả của cổ nhân."
                                                                                                      Cicero (La Mã)
 
“Đừng chê cõi trần nhơ
Đừng khen cõi trần đẹp
Cõi trần là thản nhiên
Chỉ có đời nhơ, đẹp.” 
.

CHƯƠNG IV: ĐỊA LINH NHÂN KIỆT

“Thủ đô là cái đại tập thành của cả đất nước từ khí non sông tụ lại. Không bàn tán về những thành phố khác, mà nói về Hà Nội thì không ai không nhớ đến bài ca chính khí của nó…
Hà Nội không phải là một đất thánh, theo cái nghĩa tín đồ hành hương, nhưng Hà Nội là một đất thiêng, kẻ ngoài nào mà xúc phạm vào nó là phải đền tội”
“Khi một giống nòi bị dồn đến chỗ chỉ có thể lựa chọn cái chết và nô lệ thì xông vào cái chết là dũng cảm hơn. Nơi nào mà nó không phải là thiết yếu thì bạo lực mới bị lên án. Có những trường hợp phải công nhận bạo lực bởi vì không còn cách nào khác”

"Rủ nhau xem cảnh Kiếm Hồ
Xem cầu Thê Húc, xem chùa Ngọc Sơn
Đài Nghiên, Tháp Bút chưa mòn
Hỏi ai gây dựng nên non nước này?"
                              (Khuyết danh)

   

 

 

(Tiếp theo)


***


Lam Sơn (Thọ Xuân, Thanh Hóa) là vùng đất ở tả ngạn sông Chu, là miền chuyển tiếp giữa trung du và thượng du. Vị trí và địa hình Lam Sơn thời bấy giờ rất phù hợp cho những cuộc tụ binh dấy nghĩa.
Ông tổ tam đại (ba đời), người dựng nghiệp đầu tiên của họ Lê ở Lam Sơn là Lê Hối. Lúc đầu, ông cùng gia đình sống ở làng Như Áng chuyên làm ruộng và sống khá phong lưu. Ông vốn chất phác, hiền hậu, ít nói nhưng là người hiểu biết sâu xa, có linh giác, “đoán biết sự việc từ lúc còn chưa hình thành”. Một bữa nọ, khi có việc đi qua vùng Lam Sơn, Lê Hối thấy có một đám quạ xúm xít, bay liệng trên một cái gì đó. Ông cho đó là đất lành bèn đưa cả gia đình đến làm nhà ở dưới chân gò. Sau vài năm khai phá ruộng vườn ở đó, cơ nghiệp nhà ông ngày một phồn thịnh. Con cháu của ông tiếp nối, thuận đà mà phát triển, trở thành hào trưởng xứ Lam Sơn. Sách Đại Việt thông sử đã chép rằng: Lê Hối, có lần đến Lam Sơn, "đã trông thấy đàn chim bay lượn quanh chân núi, giống như cảnh đông người tụ hội". Lê Hối cho là đất tốt và chuyển nhà đến ở đấy. Sau 3 năm thì thành sản nghiệp. Từ đó, các thế hệ họ Lê thay nhau làm quân trưởng ở Thanh Hóa.
Lê Hối sinh ra Lê Đinh, nối được nghiệp nhà, có lòng yêu người, người gần xa đến qui phụ, trong nhà đông tới hàng ngàn người; lấy vợ là Nguyễn Thị Quách, sinh được hai người con trai, con trưởng là Lê Tòng, con thứ là Lê Khoáng. Lê Khoáng lấy Trịnh Thị Ngọc Thương (người làng Chủ Sơn nay là Thủy Chú). Bà Trịnh Thị Ngọc Thương là con gái của viên Đại toát hữu, một chức tướng quân thời Trần. Hai ông bà ở làng Lam Sơn thì các tù trưởng người Ai Lao kéo đến cướp phá, hai cụ chuyển tới Thủy Chú, sinh ra Lê Học, Lê Trừ và Lê Lợi, lại sinh ba người con gái là Quốc thái Trưởng Công chúa Ngọc Tá, Quốc trưởng Công chúa Ngọc Vĩnh và Quốc trưởng Công chúa Ngọc Tiên.
Cha của Lê Lợi là người có chí khí và hào hiệp, hiếu khách, thương yêu dân chúng, hay chu cấp cho người nghèo, giúp kẻ hoạn nạn khó khăn, nên cả vùng ai cũng nể phục.
Lê Lợi sinh vào giờ Tý ngày 6 tháng 8 năm Ất Sửu (1385), tức ngày 10 tháng 9 năm 1385, niên hiệu Xương Phù năm thứ 9 đời Nhà Trần tại làng Chủ Sơn tức làng Thủy Chú, huyện Lôi Dương, quê của mẹ ông. Lúc nhỏ, Lê Lợi là đứa trẻ thông minh, sáng sủa, có dũng khí. Lớn lên, theo dân gian kể lại thì ông  tướng cao to, mắt sáng miệng rộng, mũi gồ, bả vai trái có 7 nốt ruồi, bước đi khoan thai, tiếng nói vang như chuông, tính tình khẳng khái, có chí tiến thủ và lòng trọng nghĩa khinh tài. "Đại Việt sử ký toàn thư" mô tả ông là người "thiên tư tuấn tú khác thường, khi lớn lên, thần sắc tinh anh kỳ vĩ, mắt sáng, miệng rộng, mũi cao, trên vai có một nốt ruồi, tiếng nói như chuông, dáng đi tựa rồng, nhịp bước như hổ". Lê Lợi lúc nhỏ được người anh ruột Lê Học nuôi nấng. Lê Lợi nối đời làm phụ đạo Lam Sơn, lớn lên giữa lúc nước Đại Việt có nhiều biến động.
Tương truyền, lúc Lê Lợi chưa sinh ra, ở đầu làng Chủ Sơn có một cây quế, dưới cây quế có một con hùm xám thường xuất hiện, nó hiền lành và thân cận, chưa từng hại ai. Từ khi ông ra đời không còn ai nhìn thấy con hùm xám nữa. Vào ngày vua sinh có hào quang đỏ chiếu sáng rực và mùi thơm ngào ngạt khắp làng. Bậc thức giả cho rằng ông khi lớn lên ắt sẽ làm nên nghiệp lớn.
Quãng đời thanh thiếu của Lê Lợi không thể không mắt thấy tai nghe những cảnh, những sự kiện dồn dập và bi hùng về cuộc kháng chiến cũng như những hành động đàn áp, giết chóc tàn ác của quân Minh và những cái chết xả thân, lẫm liệt của quân nghĩa dũng, vì đất Thanh Hóa khoảng thời gian đó đóng vai trò gần như là bãi chiến trường trung tâm của chiến tranh. 
Sử sách ghi chép khác nhau về thái độ của Lê Lợi đối với Nhà Hậu Trần. "Đại Việt sử ký toàn thư" cho biết Lê Lợi thấy họ không có thực lực nên không theo mà ẩn náu trong vùng Lam Sơn, chiêu nạp kẻ sĩ. Sách "Việt sử tiêu án" lại cho rằng Lê Lợi từng theo Trùng Quang Đế và làm chức Kim ngô Tướng quân. Theo sách "Đại Việt thông sử", trong thời kì Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần, Lê Lợi ở nhà đọc sách, nghiền ngẫm binh pháp, giữ mình chờ thời. Đến khi nhà Minh đánh bại nhà Hồ, Lê Lợi ngầm có chí khôi phục quốc gia, nên hạ mình tôn người hiền, bỏ tiền của ra nuôi binh sĩ, thu dụng những người mắc lối và chống đối nhà Minh, được nhiều người qui phục.
Do đó sự thực lịch sử về chí tiến thủ và lòng yêu nước mà Lê Lợi có được có thể là kết quả, hòa quyện thành từ sự được kế thừa huyết thống về khả năng trực giác tinh nhạy, tính độ lượng thương người của ông cha và từ sự chứng kiến, suy ngẫm trước thời cuộc bi hùng đó. Đọc những truyền thuyết về Lê Lợi, nếu cẩn thận lược đi những tình tiết phi thường, chúng ta có thể thấy một thực tế là dù mơ hồ, ông đã linh cảm được tương lai đời mình, đã tầm sư học binh thư, đã nghiền ngẫm những sách quí nói về binh thư. Tuy nhiên, sôi kinh nấu sử là một chuyện còn có làu thông kinh sử hay không, lại là chuyện khác. Phải thừa nhận rằng Lê Lợi là một con người có hoài bão lớn, có khả năng đặc biệt thu phục lòng người (khả năng đặc dị này không phải là tài năng uyên bác, hùng biện mà là nhờ vào nội khí, gần giống với thôi miên, do thiên phú, do vận động sinh học nội tại khác thường mà có !) và có tài ở mức độ nhất định. Nhưng với ngần ấy thôi thì chưa đủ để lãnh đạo một cuộc nổi dậy long trời lở đất. Bởi vì dù sao, trong thời đoạn tiền khởi nghĩa, vẫn sống ở một môi trường có vị trí và hoàn cảnh địa lý - xã hội hạn chế, cho nên mức độ cảm nhận bản chất thời cuộc chưa sâu, tầm nhìn chưa đủ rộng, do đó mà sự thấu tỏ về tư tưởng cũng chưa đủ độ chín. Phải chăng Lê Lợi đã nhận thức được điều đó để cho dù hoài bão đã đến với ông từ rất sớm, nhưng chỉ “đánh tiếng” và chờ đợi cho đến khi gặp được những trợ thủ đắc lực cần thiết (mà ông mẫn cảm trực giác được qua sự trình bày của họ về thời thế, về ý nghĩa lớn lao của cuộc nổi dậy…, và cái tài của ông chính là ở chỗ này)?. Có những sự kiện, biến cố lịch sử lạ lùng đến độ dị thường không thể giải thích được bằng bất cứ lập luận khoa học nào mà chỉ có thể bằng con đường tâm linh hoặc bằng ngẫu nhiên.
Truyền thuyết kể rằng: Quân Minh biết Lê Lợi là hào kiệt, dụ ông ra làm quan. Ông không thèm ra, nói với thân tín:
- Đại trượng phu phải giúp nước lúc nạn to, lập nên công lớn, chứ lại đi làm đầy tớ cho người ta à!
Theo "Lam Sơn thực lục", Tướng Hoàng Phúc Nhà Minh biết tiếng ông, đã trao cho chức quan để dụ theo, nhưng ông không chịu khuất phục. Lê Lợi "ẩn dấu ở núi rừng làm nghề cày cấy; đọc sách kinh, sử, nhất là càng chuyên tâm về các sách Thao Lược; hậu đãi các tân khách; chiêu nạp kẻ trốn, kẻ làm phản; ngầm nuôi ác kẻ mưu trí; bỏ của, phát thóc để giúp cho kẻ côi cút, nghèo nàn; hậu lễ, nhún lời, để thu bọn anh hùng hào kiệt; đều được lòng vui vẻ của họ". Những hào kiệt như Lê Văn An, Lê Văn Linh, Bùi Quốc Hưng, Lưu Nhân Chú, Trịnh Vô, Vũ Uy, Lê Liễu và Lê Xa Lôi nối tiếp đến quy phục.
Ngày nay nhiều hiện tượng tâm linh là sự thực hiển nhiên mà những cái đầu khoa học “cứng rắn” nhất cũng không thể bác bỏ được, dù vẫn cứ khăng khăng rằng chúng phi khoa học. Sự khăng khăng đó là chính xác. Tâm linh là phi khoa học bởi vì khoa học chưa đủ trình độ để bao hàm nó, thế thôi! Một sự thực lịch sử mang tính tâm linh, nhiều khi lại “sự thực” hơn sự thực lịch sử mang tính khoa học là vì thế đấy!...
Sau đó, ông được hồn sư ông mặc áo trắng hiển hiện ra, chỉ cho ngôi huyệt phát “đế vương” ở động Chiêu Nghi. Rồi một người phường chài tên là Lê Thận bắt được một lưỡi gươm cũ. Khi vào tay Lê Lợi, lưỡi gươm tự dưng sáng ngời, nổi lên hàng chữ triện. Hai ngày sau, vợ Lê Lợi ra vườn hái rau lại bắt được một quả ấn báu cũng khắc mấy chữ triện và khắc tên Lê Lợi. Ngày sau nữa lại bắt được một cái chuôi gươm ở gốc đa, có khắc hình con rồng, con hổ và hai chữ “Thanh Thúy”, đem lắp vào lưỡi gươm kia thì vừa khít. Lê Lợi biết đó là thanh gươm thần trời giúp cho. Do đó ông chăm chỉ đọc binh pháp, nuôi chí chờ thời.
Năm 1416, Lê Lợi đã cùng 18 người khác tham gia hội thề Lũng Nhai nguyện đánh quân Minh cứu nước. Khi nhà Minh đánh bại hoàn toàn nhà Hồ đã kêu gọi Lê Lợi ra làm quan cho họ nhưng Lê Lợi từ chối. Lê Lợi nhận thấy thế quân Minh còn mạnh, nên đem nhiều tiền của hối lộ cho các chỉ huy nhà Minh là Trương Phụ, Trần Trí, Sơn Thọ,... để khỏi bị nạn, chờ thời cơ. Thổ quan người Việt phục vụ cho nhà Minh là Lương Nhữ Hốt quê ở huyện Cổ Đằng (nay là Hoằng Hóa, Thanh Hóa) biết Lê Lợi có chí lớn, ngầm ghen ghét, bèn báo cho quân Minh. Bị quân Minh bức bách, Lê Lợi quyết định dấy binh khởi nghĩa. Lê Lợi từng nói rằng: "Ta cất quân đánh giặc, không phải là có lòng ham muốn phú quý, mà chính vì muốn để ngàn năm về sau, người đời biết ta không chịu làm tôi tớ cho bọn giặc tàn ngược".

Mùa xuân, ngày mồng 2, tháng Giêng, năm Mậu Tuất 1418, Lê Lợi đã cùng những hào kiệt đồng chí hướng như Phạm Vấn, Lê Văn An, Lê Sát, Lưu Nhân Chú, Lê Ngân, Nguyễn Lý... tất cả 50 tướng văn và tướng võ (trong đó có 19 người đã từng kết nghĩa anh em nguyện cùng chí hướng với nhau ở hội thề Lũng Nhai, năm 1416), chính thức phất cờ khởi nghĩa (khởi nghĩa Lam Sơn). Sách "Lam Sơn thực lục" chép rằng: "Nguyên trước Nhà vua kinh doanh việc bốn phương, Bắc đánh giặc Minh, Nam đuổi quân Lào, mình trải trăm trận, đến đâu được đấy, chỉ dùng có quan võ là bọn Lê Thạch, Lê Lễ, Lê Sát, Lê Vấn, Lê Lý, Lê Ngân, ba mươi lăm người; quan văn là bọn Lê văn Linh, Lê quốc Hưng; cùng những quân thân như cha, con; hai trăm thiết kỵ, hai trăm nghĩa sĩ, hai trăm dũng sĩ và mười bốn thớt voi. Còn bọn chuyên chở lương-thảo, cùng già yếu đi hộ vệ vợ con, cũng chỉ hai nghìn người mà thôi".

Sau khi đánh  tan giặc Minh xâm lược, thiên hạ đã thái bình, một hôm, Lê Lợi, lúc đó đã là vua, ngự thuyền rồng chơi trên hồ Tả Vọng, bỗng thấy một con rùa lớn nổi lên, bơi theo thuyền, liền rút thanh gươm thần chỉ xuống. Không ngờ con rùa ấy đớp lấy thanh gươm thần rồi lặn mất. Bấy giờ, Lê Lợi mới chợt hiểu ra, liền đổi tên hồ ấy là hồ Hoàn Kiếm, hàm nghĩa là trả lại gươm cho trời. Ngày nay, người ta cũng hay gọi hồ Hoàn Kiếm là hồ Gươm.

Nổi bật trong những người trợ thủ đầu tiên đã đến với Lê Lợi, cùng bàn mưu và dựng cờ khởi nghĩa là Nguyễn Trãi.
Nguyễn Trãi (1380 – 19 tháng 9 năm 1442), hiệu là Ức Trai, là một nhà chính trị, nhà văn, người đã tham gia tích cực Khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo chống lại sự xâm lược của nhà Minh (Trung Quốc) với Đại Việt. Khi cuộc khởi nghĩa thành công vào năm 1428, Nguyễn Trãi trở thành khai quốc công thần của triều đại quân chủ nhà Hậu Lê trong Lịch sử Việt Nam. Ông được UNESCO vinh danh là "Danh nhân văn hóa thế giới" và là 1 trong 14 anh hùng tiêu biểu của dân tộc Việt Nam.
Theo sách "Lịch triều hiến chương loại chí" của Phan Huy Chú, Nguyễn Trãi hiệu là Ức Trai, người làng Nhị Khê (nay là xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, thủ đô Hà Nội), là con của Nguyễn Phi Khanh, tiến sĩ cuối đời Trần, cháu ngoại tư đồ Chương Túc Quốc thượng hầu Trần Nguyên Đán. Theo sách giáo khoa Ngữ văn 10, cho rằng gốc gác ông là ở làng Chi Ngại, huyện Phượng Sơn, lộ Lạng Giang (nay thuộc huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương).

Dưới thời nhà Trần, cha ông là Nguyễn Phi Khanh và Nguyễn Hán Anh được Tư đồ Trần Nguyên Đán mời về dạy hai người con gái, con trưởng tên là Thái, con thứ tên Thai. Nguyễn Phi Khanh dạy Thái, nhân gần gũi, đã làm thơ quốc ngữ khêu gợi Thái, có quan hệ nam nữ với Thái, Hán Anh cũng làm thơ quốc ngữ bắt chước Phi Khanh. Rốt cuộc Thái có thai, Nguyễn Phi Khanh và Nguyễn Hán Anh bỏ trốn, đến ngày Thái đẻ, Trần Nguyên Đán mới hỏi Nguyễn Phi Khanh ở đâu, người nhà bảo Nguyễn Phi Khanh đã trốn đi. Trần Nguyên Đán cho gọi hai người về gả con gái cho Nguyễn Phi Khanh, sinh ra Nguyễn Trãi. Sau đó Nguyễn Phi Khanh và Nguyễn Hán Anh thi đỗ, nhưng vua Trần Nghệ Tông bỏ không dùng, cho rằng: "Bọn chúng có vợ giàu sang, như thế là kẻ dưới mà dám phạm thượng''. 

Theo nghiên cứu sử gia hiện đại Trần Huy Liệu, Nguyễn Phi Khanh và Trần Thị Thái có với nhau 5 người con theo thứ tự là Nguyễn Trãi, Nguyễn Phi Báo, Nguyễn Phi Ly, Nguyễn Phi Bằng và Nguyễn Phi Hùng. Mẹ ông mất sớm khi Nguyễn Trãi mới 5 tuổi, bố ông ở rể ở nhà ngoại, anh em Nguyễn Trãi ở nhà ông ngoại là Trần Nguyên Đán, đến năm 1390 thì Trần Nguyên Đán mất. Nguyễn Phi Khanh phải một mình nuôi các con.
Nguyễn Phi Khanh lúc đầu tên là Nguyễn Ứng Long, nguyên ở huyện Phượng Nhỡn, biết xem địa lý (thuật phong thủy), mới dời mả tổ sang táng ở làng Nhị Khê, huyện Thượng Phúc (nay là huyện Thường Tín, Hà Tây), rồi làm nhà ở, nhập tịch luôn vào làng ấy. Ông học giỏi, đỗ tiến sĩ, và năm 1401 làm quan cho nhà Hồ, được Hồ Hán Thương phong chức: Trung thư thị lang, hàn lâm viện học sĩ. Tiếng là con rể một tể tướng, nhưng trước khi ra làm quan, ông vẫn sống cảnh túng thiếu, đạm bạc bằng nghề dạy học.
Ngày nhỏ, Nguyễn Trãi sống với bên ngoại ở Côn Sơn. Sau khi mẹ và ông ngoại lần lượt qua đời, ông trở về sống với cha ở Nhị Khê, được cha kèm cặp và bản thân cũng tu chí học hành. Năm 1400, Nguyễn Trãi thi đỗ Thái học sinh (tức tiến sĩ), rồi cũng ra làm quan cho nhà Hồ đến chức Ngự sử đài chánh chưởng.
Khi nhà Minh xâm lược, cha ông là Nguyễn Phi Khanh bị bắt. Sách "Đại Việt sử ký toàn thư" chép: "Ngày 12, đầu mục bộ hạ của Mạc Thúy là bọn Nguyễn Như Khanh bắt được Hán Thương và thái tử Nhuế ở núi Cao Vọng. Bọn Hồ Đỗ, Phạm Lục Ngạn, Nguyễn Ngạn Quang, Đoàn Bồng đều bị bắt. Còn bọn Trần Nhật Chiêu, Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Cẩn, Đỗ Mãn đã hàng quân Minh trước rồi".
Theo sách "Lịch triều hiến chương loại chí", sau cuộc Chiến tranh Minh – Đại Ngu, Đại Ngu rơi vào ách Minh thuộc. Lúc này, Nguyễn Trãi đang chạy trốn để thoát khỏi sự truy bắt của quân Minh. Tổng binh Trương Phụ ép Nguyễn Phi Khanh viết thư gọi ông, ông bất đắc dĩ phải ra hàng. Trương Phụ biết ông không chịu ra làm quan hợp tác với quân Minh, muốn giết đi, nhưng Thượng thư Hoàng Phúc thấy mặt mũi khác thường, tha cho và giam lỏng ở thành Đông Quan. 
Nguyễn Trãi là người có hiếu, rất thương cha. Ngày cha bị đóng cũi giải sang Ngô (thời bấy giờ nước ta vẫn gọi nhà Minh là Ngô vì trước khi lập nên nhà Minh, Chu Nguyên Chương - Minh Thái Tổ sau này, dựng chính quyền chống nhà Nguyên ở Kim Lăng, tự xưng là Ngô Quốc Công, sau đó tám năm (1364), đổi thành Ngô Vương), Nguyễn Trãi cùng em là Nguyễn Phi Hùng, lẽo đẽo theo đoàn áp giải đến tận cửa ải Pha Lũy (nay là Hữu Nghị Quan). Ở đó Nguyễn Trãi khóc lóc định theo hầu hạ cha đến mãn chiều xế bóng bên xứ người. Nguyễn Phi Khanh thấy vậy bảo:
- Con là người có học, có tài, nên trở về mà tìm cách rửa nhục cho nước, trả thù cho cha, như thế mới là đại hiếu. Đâu cứ phải theo cha, khóc lóc như đàn bà thế, ích gì!
Chàng trai đa sầu đa cảm Nguyễn Trãi nghe lời, từ biệt cha mình, quay về, và từ đó nung nấu lời cha dặn.
Cuộc đời Nguyễn Trãi từ sau năm 1407 đến khi vào yết kiến Lê Lợi ở Lỗi Giang để tham gia khởi nghĩa Lam Sơn vẫn còn là một ẩn số. Cho tới nay, chưa thấy được những tài liệu chính xác, đầy đủ về Nguyễn Trãi trong thời kỳ đó.
Trong khoảng thời gian đó, khắp nước Đại Việt đang sôi sục những cuộc nổi dậy khởi nghĩa chống quân xâm lược, còn dân chúng thì đang rên xiết dưới ách đô hộ bạo ngược của nhà Minh. Thế nhưng tuyệt nhiên không thấy Nguyễn Trãi, người con có mối thù cha sâu nặng ấy, xuất hiện trong bất cứ cuộc nổi dậy chống đối, khởi nghĩa nào. Vì sao vậy? Trong những năm tháng ấy ông ở đâu, làm gì?
Ông là quan văn chứ không phải là tướng võ, do đó có thể là ông cũng nhận thấy vị trí trực tiếp cầm quân xông pha trận mạc là không phù hợp với mình. Hơn nữa, mấy ai đã biết được cái tài tiềm ẩn trong một viên quan nhỏ, thất cơ lỡ vận, chưa chút tiếng tăm gì? Thậm chí là cái tài đó đã đủ độ chín muồi chưa?
Nhiều khả năng, sau khi từ biệt cha, Nguyễn Trãi về lánh ở Côn Sơn tiếp tục sôi kinh nấu sử, ôn văn đọc võ, đồng thời trăn trở, nghiền ngẫm, đánh giá thời cuộc. Chắc rằng một con người thông minh có học, đa sầu đa cảm như ông đã tiếp thu được, thấu đạt được một cách sâu sắc nhất, trọn vẹn nhất khối tư tưởng sáng ngời và tuyệt đẹp về nhân - nghĩa của thời Lý - Trần, cũng như những tinh hoa quân sự, nghệ thuật lãnh đạo kháng chiến - kiến quốc thời đó, có được trên nền tảng tư tưởng có tính chân lý ấy. Từ đó, có thể Nguyễn Trãi đã thấy những điểm yếu không khắc phục được về mục đích cũng như đường lối thực hiện, tất yếu dẫn đến thất bại của các cuộc nổi dậy và khởi nghĩa đương thời. Trong ông dần sáng tỏ một con đường dẫn đất nước vượt qua tai họa. Cha ông dặn “tìm cách rửa nhục cho nước, trả thù cho cha” và ông đã tìm ra cách, chờ đợi thời cơ với một hoài bão lớn lao (có thể còn cao rộng hơn cả hoài bão của Lê Lợi nữa!).
Chí lớn đã nuôi, nhưng tài năng chưa đến dịp được đem ra thi thố, trong khi đất nước ngày một lầm than, lòng Nguyễn Trãi bồn chồn, khắc khoải và đượm buồn. Cái tâm trạng ấy man mác trong câu thơ ông làm ngày ở Côn Sơn: “Dạ y Ngưu Đẩu vọng trung nguyên” (Đêm dõi theo sao Ngưu sao Đẩu mà nhớ về trung nguyên). Trung nguyên ở đây là nói về vùng đồng bằng châu thổ, nơi ấy có làng Nhị Khê, có kinh đô của nước Đại Việt ngày xưa.
Có lần nhớ lại tích Tàu (Tử Mỹ (tức Đỗ Phủ), thi hào đời Đường, trong cuộc loạn An Lộc Sơn, thường đau đớn ôm lòng cô trung với nước; và tích: Bá Nhân (tức Chu Nghi) đời Tấn, làm thượng thư tả bộc xạ, khi nhà Tấn mất, chạy sang Giang Đông, lần dự yến hội cùng các danh sĩ ở Tân Đinh, ông nhìn non sông mà ứa lệ), cám cảnh, Nguyễn Trãi bùi ngùi viết:
“Thần Châu từ thuở nổi can qua
Rên xiết muôn dân đến thế mà
Tử Mỹ ôm trung Đường xã tắc
Bá Nhân chan lệ Tấn sơn hà
Thu về đất lạ lòng nhiều cảm
Đời biến lâu nay khách chóng già
Ba chục năm trời danh tiếng hão
Quay đầu muôn việc giấc nam kha.”
(“Thần Châu” là đất nước được nói một cách trìu mến, kính trọng).
Thế rồi chí lớn gặp nhau: Nguyễn Trãi đã gặp được minh chủ và Lê Lợi đã tìm được đệ nhất hiền tài thiên hạ. Công đầu ấy thuộc về Trần Nguyên Hãn. Lịch sử không nói như vậy nhưng truyền thuyết lịch sử ám chỉ như vậy. Trong không khí đàn áp ngột ngạt và khủng bố khốc liệt thì việc âm mưu nổi dậy phải rất bí mật, hời hợt lộ chuyện cho nhiều người biết là dễ mang họa lớn như chơi. Việc hai người rủ nhau đến ra mắt Lê Lợi không thể là hành động lần mò hú họa được. Có thể đoán rằng Trần Nguyên Hãn đã từng là nghĩa quân tham gia lực lượng của nhị đế, trên bước đường rong ruổi đã gặp và trở thành tâm phúc của Lê Lợi trong việc âm mưu nổi dậy. Vì Trần Nguyên Hãn là em con cô con cậu của Nguyễn Trãi, do đó, trước kia có khả năng hai người đã từng nhiều lần đàm luận về thời cuộc và giãi bày cho nhau về chí hướng. Qua đó Trần Nguyên Hãn biết được Nguyễn Trãi là người có chí, có tài và đã ra sức tiến cử cho Lê Lợi. Trần Nguyên Hãn đi tìm Nguyễn Trãi là nằm trong kế hoạch đó, có sự đồng ý của Lê lợi. 
Không phải ngẫu nhiên mà truyền thuyết nói đến việc Nguyễn Trãi phải hai lần gặp Lê Lợi. Phải chăng lần đầu gặp nhau là ra mắt, dò hỏi, Lê Lợi nói sơ về ý muốn cứu nước của mình và Nguyễn Trãi thì trình bày nỗi lòng cũng như ý tưởng thực hiện kháng chiến; lần gặp sau là sự tỏ lời quyết tâm đi theo Lê Lợi cùng với những trình bày cụ thể về đường lối, quyết sách cho cuộc kháng chiến của Nguyễn Trãi, để rồi Lê Lợi đã chấp thuận, cùng Nguyễn Trãi và những người thân tín khác xúc tiến việc dấy binh?
Trong “Nam Hải dị nhân”, Phan Kế Bính kể thế này:
“Bấy giờ có người ở làng Hoắc Sa tỉnh Sơn Tây, tên là Trần Nguyên Hãn, đi bán dầu kiếm ăn. Một bữa trời tối, đi qua làng Chèm, mới vào đền Chèm nằm ngủ. Nửa đêm nghe có tiếng ông thần làng khác vào rủ ông Chèm lên chầu trời. Ông Chèm nói có Quốc Công ngủ trọ không đi được. Đến gà gáy, ông thần kia trở về, ông Chèm hỏi trên trời có việc gì thì ông kia nói rằng:
- Thượng Đế thấy nước Nam chưa có chúa, có cho ông Lê Lợi làm chúa, mà ông Nguyễn Trãi thì làm bầy tôi.
Trần Nguyên Hãn nghe rõ câu ấy, chịu khó hỏi dò, tìm đến nhà ông Nguyễn Trãi, kể lại chuyện ấy. Nguyễn Trãi không tin, lại về đền Chèm cầu mộng thì thần báo mộng rằng:
- Việc thiên đình bí mật lắm, không dám nói lộ ra ngoài. Có chị Tiên Dung (chuyện “Nhất dạ trạch” - NV) biết tường việc ấy, vả lại là đàn bà, thì trời không trách đến, ông nên đem vàng đến nơi ấy mà hỏi.
Ông Nguyễn Trãi nghe lời ấy, đến cầu mộng bà Tiên Dung, thì mơ thấy bà ấy gọi bảo rằng:
- Nguyễn Trãi! Lê Lợi làm vua, mà anh thì làm bầy tôi, anh chưa biết chuyện ấy à?
Ông ấy hỏi cặn kẽ lại thì mới biết ông Lê Lợi là người làng Lam Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Mới cùng Trần Nguyên Hãn vào Lam Sơn, hỏi thăm đến nhà ông Lê Lợi. Bấy giờ Thái Tổ (Lê Lợi) còn hàn vi, khi hai ông kia đến, thì ngoài đang mặc áo cánh cộc, vai vác bừa, tay dắt bò ở ngoài đồng về. Hai ông xin vào hầu, Thái Tổ mời nghỉ lại trong nhà. Xảy gặp hôm ấy nhà có giỗ, hai ông kia xuống bếp thổi nấu, trông trộm lên nhà trên, thì thấy ngài cầm dao thái thịt, đang vừa thái vừa ăn.
Hai ông kia bàn riêng với nhau rằng:
- Bà Tiên Dung nói lừa chúng ta đây, có lẽ đâu khí tượng thiên tử mà lại thế kia bao giờ?
Liền cáo từ ra về, lại đến cầu mộng đền bà Tiên Dung, thì thấy báo mộng rằng:
 - Lê Lợi làm vua, trời đã nhất định như thế rồi, chỉ vì chưa có thiên tinh giáng đấy thôi.
Hai ông lần sau lại đến thăm Thái Tổ, thì bấy giờ ngài đã được quyển thiên thư. Khi ấy, đang đêm đóng cửa xem sách. Nguyễn Trãi đứng ngoài cửa dòm vào, rồi đẩy cửa, hai ông cùng vào. Thái Tổ cắp thanh gươm đi ra, hai ông cùng lạy phục xuống đất và nói rằng:
- Chúng tôi xa xôi lặn lội tới đây là vì thấy ngài làm được chúa thiên hạ, xin cho chúng tôi được theo hầu.
Thái Tổ cười, lưu hai người ở lại, mưu việc khởi binh. Ông Nguyễn Trãi lấy mỡ viết vào lá cây tám chữ: “Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần” (Lê Lợi làm vua, Nguyễn Trãi làm tôi) (một số tướng lĩnh khác như Lê Sát, Phạm Vấn, Lê Thụ bất bình vì cho rằng Nguyễn Trãi quá cao ngạo và coi thường họ, những người đã chịu nhiều lao khổ từ khi cuộc khởi nghĩa còn trong trứng nước. Đinh Liệt hoà giải mâu thuẫn bằng cách đề nghị Nguyễn Trãi đổi lại thành "Lê Lợi vi quân, bách tính vi thần" (nghĩa là Lê Lợi làm vua, trăm họ làm tôi). Về sau sâu cắn những lá ấy rụng xuống, người ta thấy vậy cho là sự trời định, đồn rực cả lên, bởi thế nhân dân tranh nhau theo về với ông ấy, quân thế mỗi ngày một thịnh”.

Ngày ra mắt Nguyễn Trãi trao cho Lê Lợi "Bình Ngô sách", trong đó Nguyễn Trãi vạch ra ba kế sách đánh quân Minh, sách nay không còn. mà chủ yếu là tâm công, đánh vào lòng người để đi đến chiến thắng Sau khi xem "Bình Ngô sách", Nguyễn Trãi được Lê Lợi phong cho chức Tuyên phong đại phu Thừa chỉ Hàn Lâm viện, ngày đêm dự bàn việc quân.

Từ năm 1418 cho đến năm 1426 sách cũng không chép gì về Nguyễn Trãi.

Đầu năm 1427, Lê Lợi phong cho Hàn lâm viện thừa chỉ học sĩ Nguyễn Trãi làm Triều liệt Đại phu Nhập nội Hành khiển Lại bộ Thượng thư, kiêm chức Hành Khu mật viện sự. Đây là lần xuất hiện đầu tiên của sách "Đại Việt sử ký toàn thư" về Nguyễn Trãi khi ông tham gia Khởi nghĩa Lam Sơn. Lê Lợi sai dựng một tòa lầu nhiều tầng ở dinh Bồ Đề, trên bờ sông Hồng, cao ngang tháp Báo Thiên, hàng ngày ngồi trên lầu trông vào thành Đông Quan xem xét hoạt động của quân Minh; Nguyễn Trãi ngồi hầu ở ngay tầng dưới để bàn luận quân cơ và thảo thư từ đi lại. Sách "Đại Việt sử ký toàn thư" chép: "Phong cho viên Hàn Lâm Viện Thừa chỉ học sĩ là Nguyễn Trãi chức “Triều liệt đại phu nhập nội hành khiển, Lại bộ Thượng thư, kiêm Cơ Mật viện”. Hoàng đế sai dựng một cái lầu mấy tầng trong dinh Bồ Đề, hằng ngày ngài ngự tại từng lầu trên cùng, để trông vào thành bên địch, cho Nguyễn Trãi ngồi ở tầng lầu dưới, để bàn luận cơ mưu hầu ngài, và thảo những thư từ gởi tới". 

Tại đây, Nguyễn Trãi đã viết hàng chục bức thư gửi vào thành Đông Quan chiêu dụ Vương Thông, gửi đi Nghệ An chiêu dụ Thái Phúc cũng như dụ hàng các tướng lĩnh nhà Minh ở Tân Bình, Thuận Hoá và một số thành trì khác. Kết quả đạt được rất khả quan: các thành Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hoá ra hàng đầu năm 1427. Bản thân Nguyễn Trãi cũng đã từng cùng với viên chỉ huy họ Tăng vào dụ hàng thành Tam Giang, khiến Chỉ huy sứ thành này là Lưu Thanh ra hàng vào khoảng tháng 4 năm 1427. Ông cũng đã đem thân vào dụ hàng thành Đông Quan năm lần.

Tháng 11, năm 1427, tổng binh Vương Thông và nội quan Sơn Thọ nhà Minh sai viên thiên hộ họ Hạ mang thư đến giảng hoà, xin mở cho đường về. Lê Lợi chấp nhận, lại gởi tặng thổ sản và hải sản. Dẫu vậy, Vương Thông vấn do dự, chưa quyết, đem quân ra đánh, bị nghĩa quân đánh bại, suýt bị bắt sống. Ngày 22, tháng 11, năm 1427 (Đinh Mùi), Vương Thông và Lê Lợi tiến hành Hội thề Đông Quan ở cửa nam thành, hẹn đến ngày 12, tháng 12 năm Đinh Mùi sẽ rút hết quân về nước. Lúc bấy giờ, một số tướng sĩ đến yết kiến và khuyên Lê Lợi nên đánh thành Đông Quan, giết hết quân Minh để trả thù cho sự bạo ngược mà người Minh đã gây nên ở Đại Việt. Nhưng ý kiến của Nguyễn Trãi thì lại khác. Sách Đại Việt sử ký Bản kỉ thực lục, quyển X, tờ 44a-44b ghi rằng: "Duy có hành khiển Nguyễn Trãi ở nơi tham mưu, được xem thư bọc sáp của [Vương] Thông gửi về nước nói "Chớ tham chỗ đất một góc mà làm nhọc quân đi muôn dặm; giả sử dùng quân được như số quân đi đánh khi đầu, lại được sáu, bảy, tám đại tướng như bọn Trương Phụ thì mới có thể đánh được; tuy nhiên có đánh được cũng không thể giữ được", nên biết rõ thế mạnh yếu của giặc, mới chuyên chủ mặt chủ hoà. Vua (Lê Thái Tổ) nghe theo và hạ lệnh cho các quân giải vây lui ra".

Đầu năm 1428, ngay cả khi chưa chính thức lên ngôi vua, Bình Định Vương đã đại hội các tướng và các quan văn võ, định công ban thưởng. Ngày 29 tháng 4 năm 1428, Lê Lợi làm lễ lên ngôi ở điện Kính Thiên tại Đông Kinh, đại xá thiên hạ, giao cho Nguyễn Trãi viết "Bình Ngô đại cáo" để bố cáo với cả nước về việc chiến thắng quân Minh.

Khoảng cuối năm 1437, đầu năm 1438, Nguyễn Trãi xin về hưu trí ở Côn Sơn- nơi trước kia từng là thái ấp của ông ngoại ông - chỉ thỉnh thoảng mới vâng mệnh vào chầu vua.

Theo sách Lịch triều hiến chương loại chí, sau khi không hợp với Lương Đăng về việc nhạc, ông đã xin về quê hưu trí. Sách Đại Việt sử ký toàn thư cũng không chép ông làm gì sau thời gian này, đến năm 1442, sách mới chép việc ông mời vua Lê Thái Tông về ngự ở Côn Sơn. Theo nghiên cứu của Trần Huy Liệu, căn cứ vào biểu tạ ơn của Nguyễn Trãi, năm 1439, Lê Thái Tông mời ông ra làm quan, khôi phục lại hết các chức tước cũ trừ chức "Lại bộ Thượng thư". Chức danh và tước hiệu đầy đủ của ông khi ấy là:"Vinh lộc Đại phu, Nhập nội Hành khiển, Môn hạ sảnh Tả ty Hữu Gián nghị Đại phu kiêm Hàn Lâm Viện Thừa chỉ học sĩ, tri Tam quán sự, Đề cử Côn Sơn Tư Phúc tự, Á đại trí tự, tứ quốc tính Lê Trãi".

 Nguyễn Trãi nhận mệnh vua, dâng biểu tạ ơn với sự hả hê thấy rõ. Trần Huy Liệu cho rằng đây là những năm đắc chí nhất của Nguyễn Trãi. 

Tháng 9 năm 1442, vua Lê Thái Tông đi tuần ở miền Đông. Ngày 1 tháng 9 năm 1442, sau khi nhà vua duyệt binh ở thành Chí Linh, Nguyễn Trãi đón Lê Thái Tông đi thuyền vào chơi chùa Côn Sơn. Khi trở về Đông Kinh, người thiếp của Nguyễn Trãi là Nguyễn Thị Lộ theo hầu vua. Ngày 7 tháng 9 năm 1442, thuyền về đến Lệ Chi Viên thì vua bị bệnh, thức suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ rồi mất. Các quan giấu kín chuyện này, nửa đêm ngày 9 tháng 9 năm 1442 về đến Đông Kinh mới phát tang. Triều đình qui tội Nguyễn Thị Lộ giết vua, bèn bắt bà và Nguyễn Trãi, khép hai người vào âm mưu giết vua. Ngày 19 tháng 9 năm 1442 (tức ngày 16 tháng 8 năm Nhâm Tuất), Nguyễn Trãi bị giết cùng người thân 3 họ, gọi là tru di tam tộc.

Tháng 8 năm 1464, sau 22 năm, vua Lê Thánh Tông đã xuống chiếu chiêu tuyết cho Nguyễn Trãi, truy tặng ông tước hiệu là Tán Trù bá, bãi bỏ lệnh truy sát của triều đình với gia quyến Nguyễn Trãi và ra lệnh bổ dụng con cháu ông làm quan. Nguyễn Anh Vũ khi ấy đi thi đỗ Hương cống, bèn được nhà vua bổ nhiệm làm Tri huyện.

Năm 1467, Lê Thánh Tông ra lệnh sưu tầm di cảo thơ văn Nguyễn Trãi. Sau khi Nguyễn Trãi bị nạn 70 năm, ngày 8 tháng 8 năm 1512, vua Lê Tương Dực truy tặng Nguyễn Trãi tước Tế Văn hầu.

 (Còn tiếp)
---------------------------------------------------------------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét