(Tiếp theo)
***
Tuy
cánh quân Mông xâm lược Đại Việt bị thất bại, nhưng nhận thấy điều kiện
tấn công Nam Tống đã chín muồi, ngay năm đó (1258), Mông Ca và Hốt Tất
Liệt chia quân thành 2 mũi, tiến xuống miền Tứ Xuyên, Hồ Bắc của Trung
Quốc. Cuộc chiến đấu của nhân dân Trung Hoa phía đông nam đã đánh thắng
quân Mông trong trận Điếu Ngư (Tứ Xuyên), Mông Ca trúng tên, chết. Em
của Hốt Tất Liệt là Bu Kê đòi chiếm ngôi Đại Hãn, buộc Hốt Tất Liệt tạm
ngưng cuộc chinh phục Nam Tống, kéo quân về quốc đô Mông Cổ tranh ngôi
báu.
Sau
4 năm huynh đệ tương tàn, Hốt Tất Liệt giành phần thắng. Năm 1271, Hốt
Tất Liệt đổi xưng là Hoàng đế, đặt tên nước là Đại Nguyên, dời đô đến
Yên Kinh, gọi là Đại Độ. Sau khi ổn định tình hình, năm 1274, Hốt Tất
Liệt lại đem quân chinh phục Nam Tống. Năm 1276, triều đình Nam Tống đầu
hàng, nhưng lực lượng còn lại vẫn tiếp tục kháng chiến đến tháng 2-1279
mới hoàn toàn thất bại. Tháng 8 năm đó, Hốt Tất Liệt ra lệnh đóng chiến
thuyền chuẩn bị đánh Nhật Bản và Đại Việt.
Chiếm
xong Trung Quốc, Cao Ly, Đế quốc Mông Cổ đang vào thời kỳ cực thịnh.
Vẫn giữ tham vọng thống trị thế giới, vua Nguyên thực hiện mưu đồ: phía
đông, đánh Nhật Bản, phía nam thì trước tiên chiếm các nước Đông Nam Á,
rồi tiến sang đánh Ấn Độ, phối hợp với cánh quân từ Ba Tư đánh qua.
Trong bước chiếm đóng Đông Nam Á thì đánh Đại Việt là khâu chủ yếu,
quyết định. Vì thế, Hốt Tất Liệt đã chuẩn bị một đạo quân rất lớn gồm 60
vạn quân giao cho con trai là Thoát Hoan chỉ huy. Để chiếm Đại Việt,
trước tiên sẽ dùng 20 vạn quân chiếm Chiêm Thành, sau đó cả 60 vạn quân
sẽ từ hai mặt bắc, nam giáp công đánh tới, tạo một đòn quyết định tiêu
diệt quân nhà Trần. Năm 1281,
vua Nguyên đòi vua Trần vào chầu. Vua Trần cáo bệnh từ chối và cử chú
mình là Trần Di Ái sang thế. Vua Nguyên nhân cơ hội này phong Trần Di Ái
làm An Nam quốc vương và gửi thư cho vua Trần thông báo việc lập
Di Ái thay vua Trần. Lúc này, vua Trần là Trần Nhân Tông và Thái thượng
hoàng là Trần Thánh Tông. Khoảng đầu tháng 1 năm 1282, Sài Thung được lệnh đem hơn 1.000 quân người Hán trong quân đội Nguyên hộ tống Trần Di Ái về Đại Việt làm vua. Tuy nhiên, vua Trần Nhân Tông đã cho người đón đánh khiến Trần Di Ái sợ trốn về nước Nguyên, chỉ còn Sài Thung sang. Sau những sự kiện này, quan hệ ngoại giao vốn bằng mặt nhưng không bằng lòng giữa hai nước suốt từ năm 1258 trở nên căng thẳng với ít nhân nhượng. Nhà Trần nhiều lần từ chối các yêu cầu của nhà Nguyên như việc vào năm 1283 nhà Nguyên yêu cầu nhà Trần giúp binh lương cho việc chinh phạt Chiêm Thành (Trần Nhân Tông trả lời rằng nước nghèo nên không thể cấp binh lương nhiều được). Không những vậy, Đại Việt còn gửi quân sang chi viện cho Chiêm Thành (2 vạn quân binh và 500 chiến thuyền). Còn Sài Thung thực hiện một thái độ cư xử hống hách ngay giữa triều đình nhà Trần.
Cuối năm
1282, Toa Đô chỉ huy 20 vạn quân vượt biển tiến đánh Chiêm Thành. Quân
Chiêm mở cửa thành thúc quân ra nghênh chiến. Cuộc chiến ác liệt xảy ra,
cuối cùng thành vỡ, quân Chiêm rút vào núi. Quân Nguyên tiến vào kinh
đô Chà Bàn bỏ trống. Ngày 19-3-1283, quân Chiêm đánh bại cuộc tấn công
mới của quân Nguyên. Bị thất bại nặng, Toa Đô phải rút quân ra vùng bờ
biển, lập thế phòng thủ ở Ô Lệ và Việt Lý, giáp biên giới Đại Việt, chờ
viện binh. (Về lịch sử, hai vùng đất này, trong Wikipedia có chép đại ý như sau: Ô, Lý chép trong sử Việt cũng là Ô Lệ, Việt Lý chép trong sử Nguyên. Năm 339, nhà Đông Tấn (Trung Quốc) suy yếu, Vương quốc Chăm Pa, một nước mới thành lập ở phía Nam đèo Hải Vân,
đem quân đánh chiếm vùng đất bộ Việt Thường. Vùng đất này trở thành
biên địa phía Bắc của Vương quốc Chăm Pa độc lập với cơ cấu 5 châu: Bố
Chính, Địa Lý, Ma Linh, Ô và Rí (Lý). Năm 1306, Huyền Trân công chúa (con gái của Trần Nhân Tông, em gái của Trần Anh Tông) được gả cho Quốc vương Chiêm Thành là Chế Mân để đổi lấy hai châu Ô, Lý (từ đèo Hải Vân, Thừa Thiên - Huế đến phía bắc Quảng Trị ngày nay). Một năm sau, Chế Mân chết, Huyền Trân công chúa được Trần Anh Tông sai Trần Khắc Chung
cướp về, sau đó xuất gia.).
Trước đó, Hốt Tất Liệt đòi vua Trần phải giúp quân và lương thực, phải
cho quân Nguyên mượn đường sang đánh Chiêm Thành, nhưng bị vua Trần cự
tuyệt: “Từ nước tôi đến Chiêm Thành, đường thủy đường bộ đều không
tiện”. Mãi đến tháng 4 năm 1284, hai vạn quân tiếp viện của Hốt Tất Liệt
mới đến được vùng biển Qui Nhơn, nhưng chưa gặp quân Toa Đô thì bị bão
lớn, binh thuyền tan tác hết. Khoảng cuối tháng 12 năm 1284 đầu tháng 1 năm 1285, Toa Đô viết thư tâu với vua Nguyên rằng: "Giao Chỉ liền đất với Chân Lạp, Chiêm Thành, Vân Nam, Xiêm, Miến, nên lập tỉnh ngay trên đất ấy và đóng quân trấn giữ ở ba đạo Việt Lý, Triều Châu, Tỳ Lan, lấy lương ở đó cấp cho quân sĩ, tránh được việc vận tải đường biển mệt nhọc". Đề nghị đó được Hốt Tất Liệt đồng tình. Đại Việt rơi vào tình thế trước mặt sau lưng đều có hiểm họa. Chiến tranh chuẩn bị bùng nổ.
Cũng cuối
năm 1284, Thoát Hoan động binh, tháng 1-1285, vượt qua biên giới nước
Đại Việt, với gần 50 vạn quân, chia làm hai cánh, đánh vào Tuyên Quang
và Lạng Sơn.
Nếu tính cả quân của Toa Đô, thì đây là lần xuất chinh với quân số lớn nhất mà nhà Nguyên từng thực hiện, so với dân số thời đó thì đoàn quân này có quy mô cực lớn. Để so sánh, khi nhà Nguyên tấn công Nhật Bản
vào năm 1281, họ cũng chỉ huy động 14 vạn người, dù dân số và diện tích
Nhật Bản lớn gấp đôi Đại Việt thời nhà Trần. Sau này người Việt có câu
ví von "Đông như quân Nguyên" là vì nguyên do này.
Cuộc kháng chiến cứu nước lần thứ hai của quân dân nhà Trần bắt đầu trước một kẻ thù vượt trội về sức mạnh binh lực và vô cùng hung bạo.
Trước
đó, tháng 8-1282, Trần Quốc Tuấn biết chắc chiến tranh sẽ nổ ra, đã tập
trung du quân (quân tập trung cơ động của triều đình), quân các lộ và
của các vương hầu về Đông Bộ Đầu, tổng cộng 20 vạn quân, duyệt binh,
động viên tướng sĩ rồi phân phối lực lượng để đóng giữ các nơi hiểm yếu.
Vua Trần, thuận lời của Trần Quốc Tuấn, triệu tập các bô lão về kinh
thành, mở hội nghị Diên Hồng để thỉnh cầu ý kiến trước lựa chọn: nên hòa
hay nên đánh. Câu trả lời: “Quyết chiến!” lừng vang non sông và hai chữ
“Sát Thát”(giết quân Nguyên) thích trên cánh tay của từng quân sĩ đã nói lên tinh thần
yêu nước vô song, ý chí bất khuất trước kẻ thù cực mạnh của toàn dân Đại Việt.Trần Quốc Tuấn đã viết "Hịch tướng sĩ" để nâng cao tinh thần của quân sĩ.
Tháng
10-1282, vua Trần triệu tập Hội nghị Bình Than, cùng triều đình và các
vương hầu bàn kế chống giặc. Trần Quốc Tuấn được phong làm Quốc công tiết chế, thống lĩnh tất cả các lực lượng vũ trang của Đại Việt. Trần Quang Khải được phong chức Thượng tướng thái sư. Quân đội Đại Việt được điều động rất đông lên phòng ngự ở biên giới, nhất là ở khu vực Lạng Sơn ngày nay. Bản doanh của Trần Quốc Tuấn đóng ở ải Nội Bàng (khoảng thị trấn Chũ và xã Bình Nội của Bắc Giang ngày nay).
Theo hoạch định, quân ta bố trí đánh địch theo
các hướng: mặt bộ ở Lạng Sơn, mặt biển ở Quảng Yên, còn đại quân tập
trung chủ yếu ở khu vực Lạng Giang, Vạn Kiếp, Bình Than; phía nam sát
biên giới với Chiêm Thành cũng có 3 vạn quân do Trần Quang Khải chỉ huy
ngăn chặn địch.
Còn Nguyên sử
đã chép lại việc quân Nguyên sau này khi vào Đại Việt đi qua các địa
phương đã thấy các thông báo của triều đình Đại Việt cho dân chúng rằng
"Tất cả các quận huyện trong nước, nếu có giặc ngoài đến, phải liều chết
mà đánh, nếu sức không địch nổi thì cho phép lẩn tránh vào rừng núi,
không được đầu hàng".
Tại
quân doanh Vạn Kiếp, khi nghe tin quân tế tác (trinh sát) báo về là
quân Nguyên đã bắt đầu hành binh tiến vào nước ta, Quốc Công Tiết Chế
Trần Quốc Tuấn, một mặt sai người phi báo về kinh đô Thăng Long, một mặt
điều thêm các tướng gấp đem binh tăng cường cho lực lượng trấn giữ biên
thùy, như Lê Phụ Trần, Nguyễn Khoái. Và đặc biệt là có cả tướng thiếu
niên Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản với lá cờ thêu sáu chữ vàng: “Phá cường
địch, báo Hoàng Ân” (Phá giặc mạnh, báo ơn vua).
Thoạt
đầu, quân Nguyên đánh chiếm ải Chi Lăng và tấn công ải Nội Bàng. Như
lần kháng chiến trước, quân ta vẫn áp dụng chiến thuật vừa đánh vừa rút,
tiêu hao và làm chậm bước tiến của địch, đồng thời bảo toàn lực lượng
trước sức mạnh ban đầu của chúng. Mất Lạng Sơn, sau khi đánh chặn từng
bước, ta lui dần về Lạng Giang.
Thấy
chủ lực Đại Việt tập trung ở vùng Lạng Giang - Vạn Kiếp; Thoát Hoan
chia quân làm ba mũi đánh vỗ mặt và hai bên sườn, định hợp vây tiêu
diệt.
Đoán
biết được ý đồ đó và trước tình thế vẫn còn nhiều bất lợi, Trần Quốc
Tuấn chủ trương: “Nguyên binh khí nhuệ đang hưng, kíp đánh chẳng bằng
kiên thủ chờ suy”. Hiểu được ý nghĩa “kiên thủ chờ suy” theo quan niệm
của Trần Quốc Tuấn, mới may ra thấy được thiên tài quân sự của ông. Công
- Thủ là hai mặt tương phản lưỡng nghi của một cuộc vận động trong
chiến tranh, chúng chuyển hóa qua lại nhau, do đó mà trong công có thủ
và trong thủ có công. Tùy theo sự biến chuyển của tình thế chiến tranh
(tùy vào sự thay đổi về địa hình địa vật, tùy vào sự biến chuyển trong
tương quan lực lượng do tác động của môi trường (của điều kiện địa lý,
thời tiết khí hậu thiên nhiên, của quyền mưu, bày binh bố trận của chính
con người, của hai bên tham chiến…), tùy vào sở đoản sở trường lúc ấy
của mỗi bên), tùy từng giai đoạn, từng lúc, từng nơi mà chọn được phương
thức đấu tranh chủ yếu là công hay thủ cho phù hợp và trong những điều
kiện nhất định, có thể lấy công làm thủ và lấy thủ làm công. Tuy nhiên
mục đích cuối cùng của chiến tranh là giành phần thắng, cho nên xét về
toàn cục thì tiến công tiêu diệt vẫn là phương thức nổi trội, có tính
nền tảng trong mối quan hệ công - thủ, và luôn được ưu tiên lựa chọn.
Cũng vì thế mà một vị tướng tài là người biết chủ động tiến công ngay cả
khi phòng thủ, chủ động phòng thủ là tích cực tấn công từng nơi từng
lúc khi có cơ hội, là tích cực vận động để tạo dựng tình thế có lợi, chờ
đợi thời cơ chín muồi để chuyển sang phản công đánh thắng lợi. “Kiên
thủ chờ suy” theo cách hiểu của Trần Quốc Tuấn có lẽ là như thế chăng?
Trong "Binh thư yếu lược", Trần Quốc Tuấn viết: "Người giỏi thắng không cần thắng nhiều lần, mà cần toàn thắng, đảm bảo thắng".
Điều đó đồng nghĩa với việc làm cách nào để có được chiến thắng cuối
cùng mới là điều quan trọng nhất, còn thắng bại trong các trận đánh chỉ
là phụ. Cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông dưới sự chỉ đạo của ông cũng
tiến hành theo nguyên tắc trên. Với sức mạnh áp đảo, quân Nguyên muốn
đánh nhanh, thắng nhanh. Trần Quốc Tuấn hiểu rằng, đối đầu trực diện là
trúng với ý đồ của đối phương, trong khi những đội quân muốn đánh nhanh
thắng nhanh thường có một nhược điểm chí tử: đó là công tác hậu cần không thể đảm bảo lâu dài.
Do vậy Trần Quốc Tuấn đã chọn chiến lược: chuyển từ trực tiếp đối đầu với quân Nguyên sang lui binh, thực hiện vườn không nhà trống
để triệt nguồn cung ứng lương thảo của quân Nguyên. Cứ thế, quân Trần
tránh đụng độ với địch trong nhiều tháng, chờ địch suy yếu do thiếu
lương và suy sụp ý chí, lúc đó ông mới tập trung quân phản công để giành
thắng lợi quyết định.
“Kiên
thủ chờ suy” là cách đánh tất yếu của một lực lượng yếu hơn về thế và
lực trước đối phương, nếu muốn giành thắng lợi cuối cùng. Đối với nước
ta, đất không rộng, người không đông, nên “kiên thủ chờ suy” là cách
đánh luôn được dân tộc ta lựa chọn trước những đội quân xâm lược hung
hãn, có sức mạnh ban đầu áp đảo, và luôn chế ngự được ý chí đánh nhanh
thắng nhanh của chúng. “Kiên thủ chờ suy” cùng với “toàn dân vi binh” đã
là những phương châm quân sự có tính truyền thống, được nâng lên thành
một nghệ thuật đầy sáng tạo và hết sức độc đáo của dân tộc Việt Nam. Tuy
nhiên, cần phải thấy rằng: chỉ những cuộc kháng chiến chính nghĩa, với
những thủ lĩnh xuất chúng mới có thể áp dụng vào thực tiễn một cách trọn
vẹn hai phương châm ấy. Đối với dân tộc ta, cách đánh “kiên thủ chờ
suy” không phải tự dưng mà có, không phải đột nhiên mà Trần Quốc Tuấn
nghĩ ngay ra được. Cách đánh đó được đúc kết từ máu xương của các cuộc
kháng chiến trước, được rút ra từ những bài học đau thương trong những
lần chống xâm lăng thất bại. Hơn thế nữa, chìm đắm trong suy tưởng của
mình, chúng ta còn cho rằng: cách đánh ấy có nguồn cội từ kinh nghiệm
đấu tranh trường kỳ với thiên nhiên đặc thù sông nước, quanh năm lũ lụt
bão dông của tổ tiên ông cha ta, từ công cuộc trị thủy khởi đầu sâu xa
trong tiền sử: đối phó với cơn thác lũ, phải đắp đập, be bờ, lập đê
phòng chống; khi thác lũ quá cuồng nộ thì chọn chỗ đóng giữ, chọn nơi mở
thoát, cuồng nộ hơn nữa thì tạm thời rút tản, nhưng rút lui không phải
là chạy dài, phân tán không phải là tan rã, mà rút tản ra xung quanh,
lên những nơi có thế đất cao, chủ động lên thượng nguồn để ngăn phá gốc
lũ; khi cái cuồng nộ ban đầu do bị dàn trải, do bị tiêu hao… làm cho yếu
đi, thì sau tiếng hô hào, lại đồng lòng xông xuống bao vây, chia cắt,
tiêu thủy, điều thủy, tiếp tục đời sống trước kia. Câu chuyện Sơn Tinh -
Thủy Tinh đã gợi cho chúng ta ý niệm đó. Ngày nay trong ca dao tục ngữ
cũng còn thấy man mác những hàm ý về “Kiên thủ chờ suy”:
-Phượng hoàng đậu chốn cheo leo
Sa chân lỡ bước phải theo đàn gà
Bao giờ gió thuận mưa hòa
Thay lông đổi cánh lại ra phượng hoàng
¯
-Con ơi nhớ lấy lời cha
Mồng năm tháng chín thật là bão rươi
Bao giờ cho đến tháng mười
Thì con vào lộng ra khơi mặc lòng
¯
-Những người đi biển làm nghề
Thấy dòng nước nóng thì về đừng đi
Sóng lừng bụng biển ầm ì
Bão mưa ta tránh vội gì ra khơi.
¯
-Chớ thấy sóng cả mà lo
Sóng cả mặc sóng, chèo cho có chừng
Thả trí não “lơ đãng” một chút cho bớt căng thẳng, chúng ta lại trở về chiêm ngưỡng Quốc Công Tiết Chế Trần Quốc Tuấn đánh trận.
Nhà Nguyên chia làm 3 đạo tiến đánh Đại Việt. Đạo chủ lực do Thoát Hoan và Ariq Qaya chỉ huy từ Ninh Minh tiến vào Lộc Châu (nay là Lộc Bình, Lạng Sơn).
Ngày 27 tháng 1 năm 1285 (dương lịch), đạo quân này chia làm 2 mũi tiến
quân, một do Bolqadar chỉ huy theo đường Khâu Ôn (nay là Ôn Châu, Lạng Sơn), một do Satartai và Lý Bang Hiến chỉ huy đi theo đường núi Cấp Lĩnh (tức là từ Lộc Bình đi Sơn Động ngày nay). Đại quân của Thoát Hoan đi sau mũi thứ hai của Satartai và Lý Bang Hiến. Chống lại đạo quân thứ nhất này của quân Nguyên là lực lượng chủ lực của quân Trần do đích thân Trần Quốc Tuấn chỉ huy.
Đạo thứ hai chỉ gồm hơn 1 nghìn quân Mông Cổ và Vân Nam do Nasirud Din từ Vân Nam vào Đại Việt qua vùng Tuyên Quang tiến theo sông Chảy. Vị chỉ huy quân Trần ở vùng này là Trần Nhật Duật.
Đạo thứ ba là đạo quân đang chiến đấu ở Chiêm Thành do Toa Đô chỉ huy, tiến vào Đại Việt muộn hơn hai cánh trên, vào khoảng tháng 3 dương lịch, từ phía Nam.
Trận giao chiến đầu tiên giữa hai bên là trận tại ải Khả Ly.
Tướng Nguyên đi mở đường là Tôn Hựu đã đánh tan được quân Trần và bắt
được các tướng Đỗ Vĩ và Đỗ Hựu. Sau khi vượt qua ải Khả Ly, quân Nguyên
tiến tiếp tới ải Động Bản. Tại đây, quân Nguyên lại thắng, giết được tướng Trần Sâm của Đại Việt.
Chỉ 5 ngày sau, đại quân của Thoát Hoan tiến xuống từ Lộc Châu,
cùng cánh quân của Bột La Đáp Nhĩ tràn qua các ải Vĩnh Châu, Thiết Lược,
Chi Lăng. Ngày 2 tháng 2 năm 1285, quân Nguyên chia làm 6 mũi ồ ạt tấn
công ải Nội Bàng nơi quân Trần tập trung một lực lượng lớn và có đại bản
doanh của Trần Quốc Tuấn. Quân Trần bị tổn thất nặng nề; tướng Đoàn
Thai của Đại Việt bị bắt. Trong khi đó, cánh quân của Bolqadar đã qua ải Chi Lăng. Trần Quốc Tuấn phải thu quân về Vạn Kiếp. Theo "Đại Việt sử ký toàn thư", quân Trần đã tan vỡ; Trần Quốc Tuấn thoát được là nhờ có Yết Kiêu kiên quyết giữ thuyền đợi chủ tướng.Một lực lượng lớn quân Trần tập trung ở Vạn Kiếp, bao gồm cả lực lượng từ Nội Bàng rút về. Phát hiện thấy Đại Việt có hơn 1.000 thuyền đóng ở gần Vạn Kiếp, Thoát Hoan liền cho quân đi tìm và đóng gấp thuyền chặn đường rút của quân binh Đại Việt.
Ngày
11 tháng 2 năm 1285, Thoát Hoan ra lệnh cho tướng Ô Mã Nhi, thống lĩnh
thủy quân, tấn công Vạn Kiếp và các trại quân Trần ở Chí Linh. Đại kịch chiến đã xảy ra. Tướng Nguyên cấp vạn hộ là Nghê Nhuận bị tử trận. Tuy nhiên, dù Trần Quốc Tuấn đã dày công bố trí trận
địa phòng ngự đánh chặn, nhưng chẳng mấy chốc bị quân Nguyên phá vỡ. Quân Trần quyết định đánh rút lui để tránh thế giặc mạnh, thực hiện nghi binh khiến địch mệt mỏi rồi mới phản công.
Ngày 14 tháng 2, Ô Mã Nhi đem quân vây quân của Trần Quốc Tuấn. Một trận
thủy chiến lớn giữa 2 bên đã diễn ra. Vua Trần đã đem quân đến trợ
chiến cho Trần Quốc Tuấn. Ô Mã Nhi đã không ngăn nổi quân Trần rút lui.
Toàn bộ quân Trần rút khỏi Vạn Kiếp, Phả Lại, Bình Than về dàn trận bên
bờ sông Hồng gần thành Thăng Long bố trí lực lượng cản địch, yểm hộ cho
đại quân tiếp tục rút. Quân Nguyên từ Vạn Kiếp đi theo đường qua Vũ Ninh, Đông Ngạn (Bắc Ninh) tốc chiến, rồi đến sông Đuống, hai bên giáp chiến. Quân Trần bị thiệt hại nặng, nhiều thuyền lọt vào tay quân Nguyên.
Thoát Hoan cho dựng cầu phao để đưa đại quân vượt sông Đuống tiến về kinh thành của Đại Việt. Ngày 17 tháng 2, quân Nguyên dựng trại bên sông Hồng. Quân Trần do vua Trần Nhân Tông
trực tiếp chỉ huy cũng lập các chiến lũy bằng gỗ bên bờ Bắc sông Hồng
nghênh chiến. Dưới sông là lực lượng thủy quân đông đảo của Đại Việt.
Mục đích của quân Trần trong trận này chỉ là cản bước quân Nguyên để
kịp hoàn thành công tác sơ tán hoàng gia và dân chúng khỏi kinh thành,
thực hiện kế hoạch 'vườn không nhà trống', đồng thời sử dụng chiến lược 'Tiêu thổ',
đốt sạch các làng và đồng ruộng gần kinh thành. Khi quân Nguyên tiến
đến bờ sông, quân Trần đã dùng súng bắn đá bắn vào quân Nguyên và thách
đánh. Tuy nhiên, đến chiều ngày 17 tháng 2, vua Trần sai Đỗ Khắc Chung
sang doanh trại đối phương để giả đưa thư cầu hòa. Arig Qaya gửi thư cự
tuyệt. Đỗ Khắc Chung ở lại doanh trại địch trinh sát đến sáng sớm hôm
sau mới quay về.
Ngày 18 tháng 2, ta và địch
giao chiến trên bờ bắc sông Hồng. Ngày 19 tháng 2, quân Nguyên đánh lui
được đạo binh tinh nhuệ bậc nhất của triều Trần do Bảo Nghĩa Vương Trần Bình Trọng chỉ huy, vượt sông, tràn vào Thăng Long bỏ trống. Lúc này
toàn bộ quân dân ta đã rút khỏi kinh đô, chỉ để lại những đội quân nhỏ,
tổ chức chiến đấu đến cuối tháng giêng. Sau khi thành Thăng Long đã trống không, quân Trần xuôi sông Hồng rút lui. Khi rút khỏi Thăng Long, quân Trần hãy còn rất đông.
Quân Nguyên tiến đến đóng dưới chân thành một hôm rồi mới vào
thành, chỉ thấy "cung thất nhẵn không". Thoát Hoan khao quân trong cung
thành, nhưng rồi lại sớm rút quân khỏi thành (hoặc có lẽ không phải, vì
theo tục lệ của người Thát, sau khi chiếm được bất kỳ thành trì nào họ
cũng không đóng quân trong thành mà tìm một bãi rộng để dựng trướng,
trại, do thành Thăng Long quá sát sông Hồng nên có thể họ qua lại bên
kia sông để lập trại), trở lại trại đã lập bên bờ Bắc sông Hồng. Vừa đợi Toa Đô từ phía Nam tiến lên, Thoát Hoan vừa phái Koncak, Mangqudai, Bolqadar theo đường bộ, Lý Hằng, Ô Mã Nhi theo đường thủy đuổi theo vua Trần. Cánh quân của Nasirud Din đi theo sông Chảy tới trại Thu Vật thì bị quân của Trần Nhật Duật chặn đánh. Tuy nhiên, do đại quân đều đã rút lui về Vạn Kiếp, nên Trần Nhật Duật
cũng thu quân. Quân Nguyên một mặt đi dọc 2 bờ sông đuổi theo quân
Trần, một mặt cử một đơn vị đi chặn đầu. Trần Nhật Duật phát hiện ra kế
hoạch của quân Nguyên, nên ra lệnh bỏ thuyền lên bộ, rút lui an toàn về
đến Bạch Hạc (Việt Trì) vào ngày 20 tháng 2 năm 1285. Sau đó, Trần Nhật Duật được điều vào mặt trận phía Nam ngăn Toa Đô.
Để đảm bảo cho đại quân và vua Trần kịp rút
lui an toàn ra các lộ ven biển, quân Trần liên tiếp bố trí một số trận đánh trên sông Hồng.
Trận đầu tiên là trận ở bãi Đà Mạc. Quân Trần do Trần Bình Trọng
chỉ huy đã chặn đánh quân Nguyên quyết liệt. Kết quả, 600 quân Thánh
Dực ở đây đã kiềm chân được mấy ngàn quân Mông đang hăng máu. Qua 6 đợt
tấn công, thiệt hại vô số, nhờ lực lượng chênh lệch quá lớn nên quân
Nguyên mới phá được đội hình của quân Trần. Ngày 21 tháng giêng năm Ất Dậu (1285), trong trận giao chiến ác
liệt với cánh quân của Quan Triệt, Lý Hằng ở Thiên Mạc (bên bờ sông Cái
thuộc địa phận Hưng Yên ngày nay). Bảo Định Vương Trần Bình Trọng không
may rơi vào tay giặc. Chúng dụ dỗ ông phản bội, ông quát thẳng: “Ta thà
là quỉ nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc!”. Giặc tức giận , trói
ông vào cọc chôn giữa sông cho nước thủy triều lên dìm chết. Ông đã để
lại tấm gương bất khuất cho ba quân tướng sĩ và cho muôn đời sau. Trận tiếp theo ở ải Hải Thị.
Quân Trần đã đóng cọc, đắp bờ chắn sông để ngăn đối phương. Tuy nhiên,
quân Nguyên đã thủy bộ hợp đồng tác chiến, phá tan trận tuyến của quân
Trần.
Sau trận Hải Thị, quân Trần lui hẳn về đóng quân tại Thiên Trường (Nam Định) và Trường Yên (Ninh Bình). Đồng thời, phát hiện thấy quân Nguyên không đóng giữ Vạn Kiếp, Trần Quốc Tuấn cùng Phạm Ngũ Lão
đã chỉ huy hơn 1 nghìn thuyền quay lại đóng ở Vạn Kiếp. Một thuộc tướng
khác của Trần Quốc Tuấn là Nguyễn Lộc thực hiện tác chiến kiểu du kích rất mạnh ở vùng Vĩnh Bình (Lạng Sơn). Tin trinh sát đã khiến Ariq Qaya báo cáo với vua Nguyên rằng: "Bấy giờ ở 2 xứ Thiên Trường, Trường Yên mà Trần Nhật Huyên trốn đến, binh lực lại tập hợp, Hưng Đạo vương tụ tập hơn 1 nghìn chiếc thuyền ở Vạn Kiếp, Nguyễn Lộc ở Vĩnh Bình".
Ngay sau khi tập hợp lại lực lượng, quân Trần đã tiến hành phản
công. Quân của vua Trần ngược sông Hồng lên giao chiến với quân Nguyên ở
đoạn chảy qua huyện Lý Nhân ngày nay vào ngày 10 tháng 3 năm 1285, nhưng không thắng được, phải rút lui
Khi mũi nhọn của quân Nguyên đến được Trường An (Ninh Bình) thì một bộ phận của đại quân ta đã vượt dãy Tam Điệp về tập trung ở Thanh Hóa. Cánh quân phía Nam của Toa Đô tiến được ra Nghệ An. Quân ta đánh một số
trận nhưng không cản được địch, Trần Quang Khải phải rút về Thanh Hóa
rồi tiến ra Trường Yên.
Cuối tháng 2, đầu tháng 3 năm 1285, đạo quân của Toa Đô đánh ra vùng Bố Chính (Quảng Bình ngày nay) rồi tiến ra Nghệ An. Trần Nhật Duật và Trịnh Đình Toản
chỉ huy quân Trần ngăn địch, nhưng thất bại, phải rút lui. Toa Đô phái
một đơn vị đánh ra Thanh Hóa. Tướng nhà Trần giữ Thanh Hóa là Chương
Hiến hầu Trần Kiện mang 1 vạn quân ra hàng cánh quân Nguyên này
Ngày 9 tháng 3, quân Nguyên được Trần Kiện dẫn đường đã đi qua Vệ Bố (Quảng Xương) đánh úp quân Trần, giết được các tướng Đinh Xa và Nguyễn Tất Thống.
Ngày 13 tháng 3, quân Nguyên lại được Trần Kiện dẫn đường đánh quân của Trần Quang Khải, giết được 2 chỉ huy của quân Trần. Do Trần Kiện đầu hàng và dẫn đường cho quân Nguyên làm cho quân Trần ở đây đã không thể giữ nổi Nghệ An - Thanh Hóa, phải rút lui.
Toa Đô tiến lên Thanh Hóa, sai con trai là Bách Gia Nô cùng các
tướng Giảo Kỳ và Tangutai mang một cánh quân ra phối hợp với Thoát Hoan.
Trước tình thế bị đánh úp bằng hai gọng kìm Bắc-Nam, để thoát khỏi vòng
vây bảo toàn lực lượng, tạo và đón thời cơ phản công, Trần Quốc Tuấn
cho một bộ phận nghi binh lên hoạt động ở vùng Đông Bắc thu hút sự chú ý
của địch còn triều đình và đại quân thì vòng vào trấn giữ Thanh Hóa làm
căn cứ. Đến đây, cuộc rút lui chiến lược của ta đã hoàn thành. Âm mưu
bao vây tiêu diệt quân chủ lực và bộ máy đầu não đất nước ta của quân
Nguyên đã bị thất bại.
Trong những ngày này hàng loạt tin dữ từ các mặt trận gửi về:
Bảo Định Vương Trần Bình Trọng tử trận.
Ngày
1 tháng 2, Chương hiến hầu Trần Kiện và Lê Tắc trấn giữ Thanh Hóa đã
đem tất cả gia quyến sang hàng giặc (về sau Trần Kiện bị gia nô của Trần
Quốc Tuấn là Nguyễn Địa Lô giết chết). Thanh Hóa - Nghệ An đóng vai trò
là hậu cứ hết sức quan trọng của cuộc kháng chiến. Đây là nơi tích trữ
binh lương để đánh lâu dài với giặc, là nơi trú chân của 10 vạn quân dự
bị của ta. Sự kiện đầu hàng của bọn Trần Kiện, Lê Tắc đã gây không ít
tổn thất cho quân nhà Trần, làm tình thế của ta càng lâm vào bất lợi.
Ngày 2 tháng 2, các tướng Trần là Nguyễn Tất Dũng, Đinh Xá tử trận ở Thanh Hóa.
Ngày
3 tháng 3, đạo quân ở Đại Hoàng Giang (khúc sông Cái thuộc Lý Nhân, Hà
Nam) bị giặc phục đánh. Văn Nghĩa hầu Trần Tú Viên và Văn Chiêu hầu Trần
Văn Lộng đầu hàng.
Đặc
biệt là hai tin: đạo quân của thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải bị
quân Toa Đô có bọn Trần Kiện giúp sức, đánh thua ở Nghệ An, và Chiêu
Quốc Vương Trần Ích Tắc, kẻ từng thèm khát ngôi vua, thèm khát cả chức
Tiết chế, đã đem cả gia quyến sang hàng giặc.
Sau trận quân của vua Trần phản công quân Nguyên không thành và việc mặt
trận Thanh-Nghệ bị tan vỡ, đại quân do vua Trần chỉ huy ở Thiên Trường
và Trường Yên lâm vào thế bị ép từ 2 mặt Bắc-Nam. Để tìm cách hoãn binh,
vua Trần sai Trần Dương đi sứ đến chỗ Thoát Hoan xin cầu hòa, và sai
Đào Kiên mang công chúa An Tư
là em út của Trần Thánh Tông đến cho Thoát Hoan. Thoát Hoan giam giữ
Trần Dương và sai người đến đòi vua Trần đến gặp, nhưng vua Trần không
nghe, tiếp tục mang quân rút chạy. Thoát Hoan mang quân đuổi theo.
Có
sách kể: Quá nao lòng, mặc cho Trần Quốc Tuấn can gián, vua Trần đã sai
Trung Hiếu hầu Trần Dương đi thương thuyết với Thoát Hoan, dâng công chúa An Tư (em út của Thượng hoàng Thánh Tông) cho Thoát Hoan để xin
được thư nạn nước. Thực lòng, chúng ta không tin tính chân thực của sự
kiện lịch sử này vì nó bộc lộ ra những phi lý. Phải chăng trong quá
trình đánh lạc hướng địch để vua Trần vượt thoát ra biển, công chúa An
Tư đã bị bắt? Là em út của Thánh Tông và là cô của Nhân Tông, thì năm đó
nàng bao nhiêu tuổi? An Tư là Thụy Bảo hay là ai khác? Có thể là trước
nguy cơ bị quân Nguyên hợp vây (quân Thoát Hoan tràn xuống, quân Toa Đô
từ Thanh Hóa tiến ra) tiêu diệt, hai vua Trần (Thượng Hoàng và Nhân
Tông) đã thực hiện kế giả hòa để tạo điều kiện cùng quân ta (bộ phận còn
lại) rút lui ra biển an toàn và kịp thời về phía Vạn Kiếp hội với đại
quân của Trần Quốc Tuấn. Còn có một sự kiện nữa để giải thích trường hợp
của công chúa An Tư: tại Giao Hải, đám Văn Nghĩa hầu Trần Tú Hoãn cùng
bố, em trai, con trai, con rể… đã không theo vua Trần mà ra hàng giặc.
Phải chăng do một nguyên nhân đặc biệt nào đó mà trong đó có cả công
chúa An Tư, như một vô tình? Tình hình đó khiến Trần Quốc Tuấn lại bỏ Vạn Kiếp đem thuyền về cứu
vua Trần. Trần Hưng Đạo đưa 2 vua Trần từ Thiên Trường dùng thuyền nhỏ
đi qua cửa Giao Hải (cửa sông Hồng ở huyện Xuân Thủy, Nam Định) đi ra biển, ngược lên phía bắc rồi quay vào Tam Trĩ Nguyên (tức cửa sông Ba Chẽ, huyện Ba Chẽ tỉnh Quảng Ninh). Từ Tam Trĩ, vua Trần sai đem thuyền rồng lớn ra cửa Ngọc Sơn (Vạn Ninh, Móng Cái) để lừa quân Nguyên.
Thoát Hoan gặp các tướng do Toa Đô phái từ Thanh Hóa đến, được
biết tình hình cánh quân Toa Đô bị đói vì thiếu lương, nên không vội tập
hợp toàn quân vì áp lực về lương thực, bèn sai người ra lệnh cho Toa Đô
tiến lên Thiên Trường kiếm lương; cùng lúc phát hiện vua Trần chạy ra
Hải Đông, Thoát Hoan lại sai Lý Hằng, Ô Mã Nhi và Giảo Kỳ tiếp tục đuổi
theo.
Đến
tháng 3 năm 1285, sau ba tháng tác chiến, quân Nguyên đã chiếm được
kinh thành và một bộ phận lớn đất nước Đại việt. Trước tình hình đó và
dù đang vấp phải hàng loạt khó khăn to lớn cũng như những tổn thất không
nhỏ nhưng Trần Quốc Tuấn vẫn không hề nao núng. Ông theo sát diễn biến ở
các chiến trường, đề ra kịp thời những nhiệm vụ cần kíp thực hiện cho
các bộ phận để phối hợp hành động, tăng cường và mở rộng đánh tập kích,
quấy phá, gây rối, đánh kìm chân địch, tiêu hao địch, bắt chúng phải
giãn quân ra chống đỡ, đồng thời vẫn bảo toàn được lực lượng chủ lực,
chờ thời cơ.
Tương
tự lần xâm lược trước, lần này cũng vậy, ỷ vào lực lượng quá mạnh, chủ
quan tưởng đánh thắng nhanh được, quân Nguyên không tải theo nhiều lương
thảo. Bị cầm chân và phân tán nhiều nơi trong cảnh vườn không nhà
trống, cướp bóc khó khăn, quân Nguyên bắt đầu thiếu lương thực, vừa bị
ảnh hưởng xấu vì không quen thung thổ khí hậu, vừa luôn bị đánh quấy phá
tiêu hao, quân Nguyên giảm dần sức chiến đấu, lâm dần vào thế sa lầy
ngày càng nghiêm trọng. Để nhằm giải quyết thế bí, Thoát Hoan lệnh cho
Toa Đô hành binh gấp rút ra Bắc, đồng thời xin thêm viện binh.
Trước
đó, để tránh thế gọng kìm của giặc, Trần Quốc Tuấn đã phái danh tướng
Phạm Ngũ Lão đem quân vào Nghệ An, hợp sức với Trần Quang Khải phá giặc.
Tuy đã bị đánh chặn ở vùng giáp ranh Nghệ An - Thanh Hóa nhưng sau khi
đã hợp quân với Ô Mã Nhi, quân Nguyên vẫn mở được đường tiến ra. "Việt Nam sử lược" chép rằng, năm 1285 khi đại quân nhà Nguyên tiến vào Đại Việt, Toa Đô đành bỏ Chiêm Thành,
dẫn quân tiến lên phía Bắc. Đầu tháng 3 năm 1285, Toa Đô đánh vào vùng
Bố Chính của Đại Việt (Quảng Bình ngày nay) rồi tiến ra Nghệ An, đánh
bại quân của Trần Nhật Duật.
Trần Kiện phản bội, dẫn đường cho quân Toa Đô đánh quân của Trần Quang
Khải ở Thanh Hóa. Quân Đại Việt bị thiệt hại nặng. Chưa đầy nửa tháng,
Toa Đô đã chiếm được cả một vùng Thanh-Nghệ.
Sau khi chiếm được Thanh-Nghệ, Toa Đô dẫn quân ra Trường Yên (Ninh
Bình).Khi thấy đạo quân của Toa Đô đã rời Thanh Hóa tiến lên đóng ở Trường Yên (Ninh Bình),
ngày 7 tháng 4 năm 1285 (2 tháng 3 âm lịch), 2 vua Trần bỏ thuyền đi bộ
đến Thủy Chú, lấy thuyền ra sông Nam Triệu (tức sông Bạch Đằng), rồi
lại ra cửa Đại Bàng (tức cửa Văn Úc), dẫn quân theo đường biển tiến vào
Thanh Hóa, thoát khỏi thế bị kìm kẹp và truy đuổi của đối phương.
Mãi đến ngày 10 tháng 3 âm lịch (15 tháng 4 năm 1285), quân thủy
của Giảo Kỳ, Tangutai mới tới cửa Tam Trĩ, còn cánh quân Lý Hằng cũng
đuổi theo vua Trần ngoài biển nhưng không gặp. Sau đó quân Nguyên bắt
được một số thuyền mà quân Trần bỏ lại, mới biết vua Trần đã bỏ thuyền
lên bộ, liền đuổi theo 3 ngày 3 đêm nhưng không có kết quả, vì quân Trần
đã chạy vào Thanh Hóa
Biết cánh quân Toa Đô đói khát đã lâu, Thoát Hoan lệnh cho Toa Đô
đóng ở Trường Yên kiếm lương thực. Vào nửa cuối tháng 3 năm 1285, khi
được tin vua quan Đại Việt đã đi đường biển về Thanh Hóa, Thoát Hoan
lệnh cho Toa Đô dẫn quân quay lại Thanh Hóa truy đuổi. Ô Mã Nhi
được lệnh mang 1300 quân thủy vào Thiên Trường hỗ trợ Toa Đô dẫn quân vào Thanh
Hóa truy đuổi vua Trần. Tuy nhiên Toa Đô không
tìm được các vua Trần, phải dừng lại kiếm
lương. Vua Trần rút vào Thanh Hóa để củng cố, tổ chức lại lực lượng. Trong lúc
đó quân Nguyên của Thoát Hoan ở ngoài Bắc không hợp thủy thổ và thời
tiết mùa hè nóng bức, bị mưa lớn, phát sinh bệnh tật, lại bị thiếu
lương.
Lúc này, quân
Nguyên dù còn đông nhưng hành động của chúng đã trở nên lúng túng, bị
động và bộc lộ điểm yếu. Tình thế đã chuyển biến rất có lợi cho thế và
lực của quân ta. Trần Quốc Tuấn đã xuất sắc thấy được điều đó và chớp
thời cơ chuyển sang phản công chiến lược. Hai vua Trần lại dẫn quân vượt
biển vào Thanh Hóa thực hiện kế hoạch lập thế trận.
Nắm được tình hình địch đang gặp khó khăn, tháng 4, vua Trần trở lại
miền Bắc tấn công quân Nguyên, tập trung tấn công vào các mục tiêu của
quân Nguyên ở khúc sông Hồng chảy qua Khoái Châu (Hưng Yên). Chiếm được
vùng này, quân Trần sẽ từ đây đánh vào Thăng Long.
Trong
cuộc chiến chống quân xâm lược Mông - Nguyên lần 2 (1285), Trận
Chương Dương – Thăng Long có một vị trí to lớn. Đây là một trận then chốt
quyết định thắng lợi của quân dân nhà Trần với quân xâm lược
Mông - Nguyên ngay trên mảnh đất kinh thành Thăng Long.
Lúc đó Thanh Hóa có cánh quân Toa Đô đóng giữ. Sau một thời gian không
bắt được vua Trần, Toa Đô cùng Ô Mã Nhi mang quân trở lại phía bắc để
phối hợp với Thoát Hoan.
Đó
là lúc đạo quân chủ lực của Thoát Hoan đang chiếm giữ kinh
thành Thăng Long bị lâm vào tình thế khốn quẫn. Sau hơn 4 tháng
ồ ạt tiến vào nước ta, quân Nguyên vẫn không thực hiện được ý
đồ tiêu diệt quân chủ lực Đại Việt. Chúng cậy quân đông, muốn
đánh lớn vài trận để nhanh chóng kết thúc chiến tranh nhưng
không tài nào buộc được quân chủ lực nhà Trần nghênh chiến trực
diện.
Quân
Nguyên càng tiến sâu để tìm kiếm chủ lực ta, thì lại bị đánh ở
sau lưng, ở 2 bên sườn và càng bị thương vong tổn thất nhiều.
Kỵ binh, lực lượng thiện chiến của quân Nguyên, đã từng làm
mưa, làm gió trên chiến trường các nước châu Âu, không thể phát
huy sức mạnh trên chiến trường Đại Việt. Rốt cuộc là quân
Nguyên rơi vào tình thế lúng túng, không biết đánh ta như thế nào. Thoát
Hoan bị động, buộc phải phân tán quân, đóng ở các đồn nhỏ dọc
sông Hồng từ Thăng Long, đến Thiên Trường, Trường Yên để đối
phó với quân ta. Ý đồ hội quân với Toa Đô ở phía Nam không thực
hiện được, nên đạo quân Thoát Hoan trở nên cô lập ở kinh thành
Thăng Long
Mặt
khác, đạo quân của Thoát Hoan cũng đang khốn đốn do thiếu ăn,
bởi vì, quân dân nhà Trần trước khi rút lui khỏi kinh thành
Thăng Long đã kịp thời chuyên chở hoặc cất dấu hết lương thực,
chỉ còn lại 1 tòa thành trống rỗng. Thoát Hoan cầu xin lương
thảo từ bên nước sang, nhưng mọi ngả đường đều bị quân Trần bịt
kín. Chúng mò ra khỏi thành đi cướp lương ăn, thì chỗ nào cũng
bị chặn đánh. Đồng thời do không hợp thủy thổ, thời tiết nóng nực, nên
quân Nguyên vốn đã mỏi mệt, đói ăn càng dễ ốm đau, mắc bệnh.
Chúng đâm ta chán nản, không thiết đánh mà chỉ muốn trở về
nước..
Trần Nhân Tông sai Trần Nhật Duật làm chánh tướng, Chiêu Thành Vương và Trần Quốc Toản làm phó tướng đi cùng với Nguyễn Khoái mang 5 vạn quân ra bắc đánh quân Nguyên ở Hàm Tử.
Trong quân Trần Nhật Duật có tướng người Trung Quốc của nhà Tống cũ là Triệu Trung theo hàng. Trần Nhật Duật gặp binh thuyền Toa Đô ở bến Hàm Tử, bèn chia quân ra đánh. Hai bên chống nhau ác liệt. Toa Đô đi đường xa, giao chiến lâu ngày đã mỏi mệt, trông thấy cờ hiệu Tống của Triệu Trung, lo lắng tưởng rằng nhà Tống đã khôi phục sang giúp Đại Việt. Nhóm quân người Hoa trong hàng ngũ quân Trần đều muốn trả thù nên đánh rất hăng.
Đạo quân Toa Đô đã rệu rã, xuống tinh thần vì chiến tranh mệt mỏi không thắng lợi với Chiêm Thành, vì bị Trần
Quang Khải tổ chức chống cự, đánh chặn liên tiếp, vì mới hành quân từ xa
đến còn chân ướt chân ráo, lại đang thiếu thốn lương thực. Trong khi đó quân Trần lại dùng kế ly gián, bắn tên gắn giấy sang bên quân Nguyên, nói rằng chỉ đánh người Thát Đát
chứ không đánh người Hoa. Điều đó khiến nhiều tướng sĩ người Hoa trong
quân Nguyên không tận lực chiến đấu hoặc trở giáo sang hàng quân Trần. Toa Đô bị thua to.
Trần Nhật Duật sai Trần Quốc Toản về Thanh Hoá báo tin thắng trận. Trần Quốc Tuấn bàn với Trần Nhân Tông quyết định mang toàn quân ra bắc đánh Thoát Hoan để lấy lại Thăng Long. Trần Quang Khải ở Nghệ An mới ra được cử làm chánh tướng, Phạm Ngũ Lão và Trần Quốc Toản làm phó tướng; lại truyền lệnh cho Trần Nhật Duật phải ngăn không cho Toa Đô hợp binh được với Thoát Hoan.
Chiến dịch phản công mở
màn do đích thân Trần Quốc Tuấn chỉ huy, đánh vào đại đồn A Lỗ (thuộc
Nam Định). Quân Trần xung phong với tinh thần quyết thắng đã nhanh chóng
chiếm lĩnh trận địa, đánh tan tác quân của Vạn hộ Lưu Thế Anh, buộc
viên tướng mẫn cán này phải tháo chạy. Quân ta tiếp tục tiến đánh bến
Tây Kết (Hưng Yên). Đồng thời, với 5 vạn quân do Chiêu Văn Vương Trần
Nhật Duật chỉ huy, mai phục đón đánh địch ở cửa Hàm Tử (thuộc Khoái
Châu, Hưng Yên). Trong trận đụng độ lớn và ác liệt này, đội quân tiền vệ
của Toa Đô bị tiêu diệt, Toa Đô phải lui lại cửa biển Thiên Trường,
hoàn toàn mất liên lạc với Thoát Hoan.Tháng 5 năm 1285, Toa Đô và Ô Mã Nhi dẫn quân từ Thanh Hóa theo đường
biển vào sông Hồng định lên Thăng Long hợp quân với Thoát Hoan. Trần Nhật Duật
giáp chiến Toa Đô tại Hàm Tử. Toa Đô thua, phải lùi ra cửa Thiên
Trường. Trần Nhật Duật được lệnh tiếp tục ngăn không cho cánh quân của
Toa Đô hợp quân với Thoát Hoan. Trong khi đó, Trần Quang Khải, Phạm Ngũ Lão, Trần Quốc Toản
tấn công thủy quân Nguyên đóng ở bên Chương Dương ngoài thành Thăng
Long. Quân Đại Việt thắng lợi, liền tiến sát chân thành Thăng Long.
Thoát Hoan dẫn quân ra ngoài thành đánh bị thua, bỏ thành rút chạy về
phía Bắc sông Hồng. Đến đây, đại quân của giặc đã bị
chia cắt ra làm hai.
Khí thế quân dân nhà Trần lên cao ngút trời!
Sau
chiến dịch, Trần Quốc Tuấn nhận định: “Quân ta mới thắng, khí lực đương
tăng, mà quân Nguyên mới thua tất cũng chột dạ. Vậy nên nhân dịp này
tiến quân đánh Thoát Hoan để khôi phục kinh thành”.
Để
thực hiện ý đồ đó, Trần Quốc Tuấn hạ quyết tâm mở chiến dịch Chương
Dương - Thăng Long. Đây là một trận đánh rất lớn, mang ý nghĩa quyết
chiến chiến lược, mà cũng rất tài tình.
Đầu
tiên, Trần Quang Khải, cùng sự trợ giúp của các tướng Phạm Ngũ Lão,
Trần Quốc Toản, tiến công mãnh liệt Chương Dương, đánh mạnh vào đạo binh
thuyền khổng lồ bảo vệ mạn nam Thăng Long. Nếu mất Chương Dương, quân
Thoát Hoan ở Thăng Long sẽ lâm nguy, do đó Thoát Hoan phải tổ chức nhiều
cánh quân đi cứu viện. một bộ phận kỵ binh, lực lượng tinh nhuệ, nòng
cốt của địch, bị nhử ra ngoài kinh thành. Kết hợp với quân địa phương,
dân binh quanh Thăng Long, quân triều đình tổ chức mai phục diệt viện
hiệu quả, đánh quân địch đi ứng cứu thua tơi bời.
Chương
Dương mất, Thoát Hoan phải vội dốc đại binh ra ứng chiến.
Sau các trận phản công thắng lợi trên sông Hồng, quân Trần quyết định
tấn công giải phóng kinh thành Thăng Long. Lực lượng tham gia gồm các
đơn vị thủy bộ chủ lực do Trần Quang Khải chỉ huy. Các đơn vị dân binh
các địa phương lân cận do Trần Thông, Nguyễn Khả Lạp và Nguyễn Truyền
chỉ huy. Sau khi đánh bại đơn vị quân Nguyên ngoài thành do Mã Vinh chỉ
huy, quân Trần bắt đầu bao vây và công thành.
Tài liệu thời Nguyên chép rằng: "Thủy lục đến đánh đại doanh, vây thành mấy vòng, tuy chết
nhiều nhưng quân tăng thêm càng trở nên đông, quan quân sớm tối đánh rất
khốn đốn, thiếu thốn, khí giới đều hết"
và "Người Giao chống đánh quan quân, tuy mấy lần thua tan, nhưng quân
tăng càng đông, quan quân mỏi mệt, tử thương cũng nhiều, quân mã Mông Cổ
không thể nào thi thố tài năng được".
Trước sức tấn công mạnh mẽ và bền bỉ của quân Trần, quân Nguyên phải
rút chạy khỏi thành Thăng Long về đóng ở bờ Bắc sông Hồng (khoảng Gia
Lâm ngày nay). Tại đây, đồn trại của quân Nguyên vẫn liên tục bị tấn công.
Phát huy
chiến quả và trước một Thăng Long đang bộc lộ sơ hở, quân ta do Phạm Ngũ
Lão chỉ huy, xuất kỳ bất ý theo hướng khác đánh thọc sâu vào phường
Giang Khẩu (Hàng Buồm) của Kinh Thành. Trước sức tấn công mạnh mẽ và bền bỉ của quân Trần, để tránh bị vòng vây đang ngày
càng siết chặt của quân ta tiêu diệt, Thoát Hoan phải rút chạy khỏi thành Thăng Long về đóng ở bờ Bắc sông Hồng (khoảng Gia
Lâm ngày nay). Sau đó vượt qua
sông Hồng lên Kinh Bắc (thuộc Bắc Giang). Tại đây, Thoát Hoan củng cố
quân còn lại, thu nhặt tàn binh, rút lực lượng ở các đồn binh lẻ về, ước
lượng còn khoảng 10 vạn tên, tổ chức phòng thủ. Thế là sau hơn 3 tháng (từ 19-2 đến khoảng cuối tháng 5-1285) bị chiếm đóng, kinh thành Thăng Long đã được giải phóng.
Ngày 10 tháng 6 năm 1285, Trần Quốc Tuấn và Hưng Ninh vương Trần Tung
dẫn hơn 2 vạn quân tấn công quân Nguyên ở bờ Bắc sông Hồng. Quân Nguyên
cử Lưu Thế Anh dẫn quân ra đối phó, nhưng đại bại. Quân Nguyên rút chạy
về phía Bắc.
Khi rút chạy đến sông Như Nguyệt (sông Cầu), quân Nguyên bị đơn vị của
Trần Quốc Toản chặn đánh. Quân Nguyên thua, không sang sông được, phải
chạy về phía Vạn Kiếp. Chỉ huy quân Trần là Trần Quốc Toản đã hy sinh
trong trận này
Không
để cho quân địch kịp hoàn hồn, liên kết được với nhau, một mặt, Trần
Quốc Tuấn khẩn trương cho các cánh quân truy sát lực lượng của Thoát
Hoan, hành binh đến những vị trí đã định nhằm chuẩn bị thế trận đánh
tiêu diệt đạo quân ấy, truyền lệnh đi các lộ kêu gọi dân binh nổi lên
quét giặc trừ gian, một mặt huy động đại quân từ Thanh Hóa ra, gấp rút
tiến về phía Tây Kết, ngăn chặn ý đồ hội sư của đạo quân Toa Đô với
Thoát Hoan. Bắt đầu từ đây, hàng loạt trận đánh liên hoàn tạo nên một
đại thắng bộc lộ rực rỡ thiên tài quân sự của vị Quốc Công Tiết Chế.
Bắt
đầu từ ngày 7-6-1285, quân ta tập kích mạnh mẽ vào đạo quân Toa Đô đóng
quân thành ba trại lớn trong đoạn từ Thiên Trường tới Tây Kết, lần lượt
đánh tan địch ở Trường Yên rồi tập trung đánh thẳng vào Tây Kết. Để
chặn đường rút của giặc, Trần Quốc Tuấn sai Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu, Dã
Tượng đem quân phục vùng sau núi Tây Kết. Quân Nguyên quyết liệt chống
cự nhưng rồi cũng mau chóng bị đánh tơi tả. Tàn quân địch tháo chạy ra
biển đúng như phán đoán của Trần Quốc Tuấn, lọt vào trận địa phục kích,
bị một đòn nữa, tan tành. Toa Đô bỏ mạng trong đám loạn quân, Ô Mã Nhi
may mắn cướp được thuyền con vượt thoát ra biển. Trong chiến dịch này,
quân nhà Trần tiêu diệt và bắt sống không dưới 8 vạn quân địch.
Cuối
tháng 6-1285, Trần Quốc Tuấn tiến quân, đánh tăng cường đạo quân Thoát
Hoan ở Bắc Giang. Trước đó, cũng như trận Tây Kết, phán đoán chính xác
diễn tiến tiếp theo của tình hình, ông đã cho triển khai lực lượng đánh
chặn một cách tài tình: cử Phạm Ngũ Lão và Nguyễn Khoái đem 3 vạn quân
lẻn đường núi phục sẵn tại khúc sông ở Vạn Kiếp; cử các con mình là Hưng
Vũ Vương Quốc Hiến, Hưng Hiến Vương Quốc Uy đem 3 vạn quân đi đường Hải
Dương ra Quảng Yên chặn đường về châu Tư Minh (Trung Quốc).
Toa Đô không biết Thoát Hoan đã rút lui, cứ tiến quân vào đóng ở sông Thiên Mạc (đoạn sông Hồng ở Hưng Yên). Đến khi hay tin Thoát Hoan đã rút, Toa Đô liền lùi về đóng ở Tây Kết (Khoái Châu). Ngày 24 tháng 6 năm 1285, Trần Hưng Đạo
trực tiếp chỉ huy quân đánh Toa Đô. Toa Đô và Ô Mã Nhi thua, bỏ thuyền
đi đường bộ ra phía biển. Trên đường chạy, Toa Đô bị quân Đại Việt bao
vây, bị trúng tên chết, bị tướng Vũ Hải của nhà Trần chém đầu. Ô Mã Nhi thì chạy thoát về Thanh Hóa. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, vua Trần Nhân Tông trông thấy thủ cấp của Toa Đô thì cởi áo ngự phủ lên và nói "người làm tôi phải nên như thế này" rồi sai người khâm niệm tử tế.
Thoát
Hoan, kẻ trong những ngày đầu dẫn binh hùng tướng mạnh rầm rộ xâm lược
nước ta; đã từng ngạo mạn tuyên bố bắt vua Trần và Tiết Chế Trần Quốc
Tuấn bỏ rọ đem về nước, biến dân Đại Việt thành tôi mọi, đã vừa phải
chịu những thất bại ê chề và giờ đây vẫn chưa tỉnh ngộ, đã thực hiện
những hành động ngu xuẩn nhất. Không thấy được cục diện chiến tranh đã
biến đổi rất sâu sắc và thất bại là không thể cứu vãn được, ỷ vẫn còn
hơn 10 vạn quân trong tay và cũng có thể là do lòng tự ái không thể kìm
nén được, của một tâm thần đã lỡ quá ư tự phụ, Thoát Hoan quyết định
nghênh chiến với Quốc Công Tiết Chế của nhà Trần, bỏ lỡ cơ hội rút lui
an toàn về nước. Và điều thuận lẽ tự nhiên đã xảy ra: không địch nổi với
lực lượng càng đánh càng mạnh, hừng hực quyết thắng, quân Nguyên cả bộ
binh lẫn kỵ binh tinh nhuệ, bị vỡ từng mảng, rút cục là tháo chạy. Quân
Nguyên rút chạy đến sông Như Nguyệt (sông Cầu) thì gặp quân truy kích
của Trần Quốc Toản, chạy đến sông Thương thì sa vào trận phục kích của
Phạm Ngũ Lão. Tại đây, bị chặn đầu chặn đuôi đánh tới tấp, quân Nguyên
căn bản tan rã. Lý Hằng, tướng nhà Tống bỏ theo quân Nguyên, phục vụ mẫn
cán trong đội quân xâm lược nước ta, bị bắn chết tại trận. Cánh quân
Đường Ngột Đãi bắc cầu phao qua sông ứng cứu, bị quân mai phục từ rừng
đổ ra đánh, làm đứt cầu phao nên bị chết vô số kể. Thoát Hoan cùng số ít
tàn quân cắm đầu chạy thục mạng về phía biên giới, gặp quân ta phục sẵn
đánh cho một trận nữa. Bản thân Thoát Hoan phải chui vào ống đồng đặt
trên xe mới thoát chết chạy về được đến Tư Minh. Một đám tàn quân khác
định rút chạy về Vân Nam, khi qua Phù Ninh (Bắc Ninh), bị quân dân miền
núi do Hà Đặc, Hà Chương chỉ huy tập kích, cũng tan tác nốt.
Đầu
tháng 7-1285, trên đất nước Đại Việt đã không còn một bóng quân xâm
lược. Ngót 60 vạn quân Nguyên hầu hết bị tiêu diệt và bắt làm tù binh
(khoảng 5 vạn; sau này được nhà Trần tha cho về), chỉ còn một số ít
không đáng kể chạy thoát.
(Còn tiếp)
-----------------------------------------------------------------
Nhận xét
Đăng nhận xét