TT & HĐ III - 24/i

                                     
Tiết Lộ Sự Thật Không Ngờ Về Con Người Thục Phán - An Dương Vương

PHẦN III:     NGUỒN CỘI 

" Đi đi con!
Trong khinh khi may nhớ nước non
Mà ôn lại cho đừng quên lịch sử
Bốn ngàn năm rồi, Việt Nam bất tử
Dằng dặc đoạn trường chống giặc ngoại xâm
Biết mấy đau thương, biết mấy anh hùng
Ghi tạc địa cầu bao chiến công hiển hách
..."

                                                                                Trần Hạnh Thu

"Lịch sử hoài thai chân lý, nó có thể kháng cự với thời gian, có thể dìm đi những việc cũ, nó là dấu tích của thời xa xưa, là gương soi của đương đại, là lời giáo huấn cho thế hệ sau."
                                                                 
Cervantes (Tây Ban Nha)

"Lịch sử là bằng chứng của thời đại, là ngọn lửa của chân lý, là sinh mệnh của kí ức, là thầy giáo của cuộc sống và là sứ giả của cổ nhân."
                                                                                                      Cicero (La Mã)
 
“Đừng chê cõi trần nhơ
Đừng khen cõi trần đẹp
Cõi trần là thản nhiên
Chỉ có đời nhơ, đẹp.” 
 Trần Hạnh Thu
.

CHƯƠNG XXIV: PHƯỢNG MÚA RỒNG BAY

"Việt Nam đất nước ta ơi
Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn
Cánh cò bay lả rập rờn
Mây mờ che đỉnh Trường Sơn sớm chiều
Quê hương biết mấy thân yêu
Bao nhiêu đời đã chịu nhiều thương đau..."

(Trích "Việt Nam quê hương ta" - Nguyễn Đình Thi)

“Triết lý Á Đông là cuộc sống phải hòa hợp với thiên nhiên. Mỗi người là một tiểu vũ trụ hòa hợp trong đại vũ trụ. Chính thiên nhiên Hà Nội giúp người ta hòa hợp một cách dễ dàng cái tôi chủ thể với bản thể vũ trụ huyền bí và mênh mông. Tự thân mình trong môi trường ấy đã có sự hòa hợp rồi… Tất nhiên là Sài Gòn rất đẹp… Nhưng Sài Gòn khác Hà Nội. Đi giữa Sài Gòn, mình có cái bồn chồn của một doanh nhân đi tìm mối hàng, hay đi tìm quán nhậu, còn đi giữa Hà Nội, tự nhiên ta thư thái như một lãng tử. Ngồi ở một góc nào đấy tại Hà Nội là có thể nghĩ về đất nước và quên đi xung quanh không cần một cố gắng nào hết. Nhưng mấy chục năm nay người ta đã phá hoại quá nhiều môi trường sinh thái văn hóa tự nhiên lắng đọng từ hàng nghìn năm… May mà dự án thủy cung Thăng Long thất bại chứ không Hồ Tây cũng đã bị xâm hại rồi… “Đứng cạnh Hồ Tây có thể quên được trời đất”. Đó là lời của ông tham tán văn hóa Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam - Pauli Mustonen nói với tôi trong buổi tối chia tay với ông, một buổi tối Hồ Tây mù sương. Nhưng sau một lúc ngẫm nghĩ, ông ấy nói: “Không biết khi tôi có dịp sang lại Việt Nam thì Hồ Tây có còn là Hồ Tây như bây giờ hay không”. Nghe câu nói ấy, chúng tôi đều trầm hẳn xuống và man mác buồn”
(Giáo sư Nguyễn Huệ Chi)
 
 

 

 
 
 
(Tiếp theo)
 
***

Sự phát triển xã hội nào thì cũng không thoát ra ngoài được luật thịnh - suy. Do hạn chế của nhận thức mà các quá trình phát triển ấy vào những thời xa xưa đều mang nặng tính tự phát, làm cho mặt trái của dựng xây, là phá hoại, tự do phát huy tác dụng. Sự phát triển kinh tế - xã hội nặng tính tự phát trước sau gì cũng dẫn đến mất cân đối cung - cầu trong xã hội, gây tình trạng ở mức nhẹ là khủng hoảng, khốn đốn ở mặt này mặt kia, nặng là khủng hoảng toàn diện nền kinh tế, cơ sở sản xuất phá sản hàng loạt, khó khăn thiếu thốn hoành hành, ở mức trầm trọng là xuất hiện nạn đói, chiến tranh tàn phá, cách mạng.
Tất nhiên, để đảm bảo phát triển được liên tục, ổn định và tránh nguy cơ mất cân đối chủ yếu là về cung cầu thì một cách hợp lẽ tự nhiên cũng sẽ có những hình thức điều tiết mà ở mức “hiền lành” là chẳng hạn như hạn chế sinh đẻ, lan tỏa dân cư, cải thiện xuất - nhập khẩu hàng hóa - sản phẩm…, và ở mức “dữ tợn” là chẳng hạn như: ứng dụng khoa học - kỹ thuật, qui hoạch lại thiên nhiên, tiếp cận và cải tạo những vùng đất hoang hóa thời xa xôi, viễn chinh xâm lược…
Có thể nói thịnh - suy là biểu hiện vận động nội tại luôn vươn tới cân bằng và phá vỡ cân bằng của mọi tiến trình phát triển kinh tế - xã hội (có tính chu kỳ, theo dạng xoắn ốc). Sự mất cân đối và biểu hiện thịnh - suy là không thể “tiêu diệt” được một khi còn xã hội và nền kinh tế. Người ta chỉ có thể tác động tương đối đến chúng, ảnh hưởng đến mức độ của chúng, cưỡng bức chúng biến dạng chuyển hóa tương đối trong không gian và thời gian; có thể kéo dài, làm nổi trội hơn quá trình thịnh vượng cũng như thu ngắn, giảm thiểu tác hại đối với quá trình suy thoái trong những điều kiện nhất định.
Sự mất cân đối cung - cầu nghiêm trọng nhất, toàn diện nhất, có thể dẫn đến tai họa là điều kiện tự nhiên (trong đó có các bộ phận do nhân tạo trong quá khứ chuyển hóa thành) đã không thể đáp ứng nổi những nhu cầu thiết yếu của đời sống xã hội cũng như con người nữa.
Tồn tại là phải có quá trình; quá trình là tập hợp kế tiếp nhau của các biến đổi; quá trình biến đổi có chủ đích chính là sự phát triển. Vì vậy phát triển là một tất yếu đối với mọi tồn tại, mọi sự vật - hiện tượng. Lịch sử loài người là lịch sử về một sự phát triển (theo qui ước!). Từ săn bắt hái lượm bước sang trồng trọt chăn nuôi và khi phát hiện ra cây lương thực (nhất là cây lúa nước), loài người đã sáng tạo ra nền sản xuất nông nghiệp. Đó là một bước phát triển nhảy vọt có tính cách mạng và định mệnh của loài người. Nhờ nó mà khả năng kiếm sống của con người được nâng cao vượt bậc và cũng tại nó mà mức độ tiêu dùng trong xã hội nhanh chóng tăng cao cả về sự đa dạng lẫn trình độ, cả về số lượng lẫn chất lượng, tạo nên sự phân hóa trong sản xuất và sự phân công lao động xã hội, dẫn đến làm xuất hiện nền sản xuất hàng hóa.
Nền sản xuất hàng hóa và đi liền với nó là thị trường tự do có tác dụng như con dao hai lưỡi: vừa mở đường cho sự phát triển kinh tế - xã hội vươn lên thịnh vượng, vừa làm cho nó mất cân đối và hướng tới suy thoái. Tương lai của cực thịnh là suy tàn vì loài người chỉ biết tiến chứ không biết lùi, bởi nỗi mỗi cá thể của nó là con người luôn bị khối tham vọng của mình đè dúi về phía trước chứ không phải là con rôbốt vô tình! Tuy nhiên nguyên nhân sâu xa lại là do nền sản xuất hàng hóa phi kế hoạch, chạy theo yêu cầu của thị trường cạnh tranh tự do, đầy giả tạo và nguy hiểm. Chính thị trường tự do ngày nay đã bộc lộ rõ rệt cái mặt trái của nó. Kích thích tiêu dùng một cách mù quáng và ngày một vô hạn độ; chuyển hóa những nhu cầu không thiết yếu thành thiết yếu làm tăng khối lượng nhu cầu thiết yếu của đời sống, khoảng cách giàu - nghèo ngày một tách biệt, gây mất cân đối trong sản xuất và lãng phí trong tiêu dùng, ảnh hưởng bất lợi, xấu đến sản xuất nông nghiệp… Một ngày nào đó, khi qui mô sản xuất - kinh doanh đạt đến mức liên thông toàn cầu thì đó, xét trên tổng thể, là một nền kinh tế tự cung tự cấp, khép kín và duy nhất. Lúc đó chính là lúc loài người đã hoàn thành việc tạo ra sự mất cân đối toàn diện; và đứng trước một thảm họa do lẽ tự nhiên của sự phát triển mù quáng và cái tham vọng mê lầm của chính mình gây ra. Yêu cầu cơ bản về sự phát triển của một nền sản xuất hàng hóa là phải có một thị trường ngày một mở rộng để tiêu thụ sản phẩm làm ra và được cung ứng lại nguyên vật liệu duy trì sản xuất. Không được như thế, nó sẽ bị “gây khó dễ”, đình đốn, thu hẹp và đến nước cùng là sụp đổ. Khi đã mất cân đối toàn diện trên phạm vi toàn cầu, nghĩa là khi tài nguyên thiên nhiên đã hao mòn (chưa nói đến cạn kiệt!), ruộng đồng, đất đai trồng trọt bị thu hẹp, tàn phá bởi quá khứ, tác động trái chiều của sự thịnh vượng (chưa nói đến tốc độ tiến tới nạn nhân mãn do kích thích!); thì thị trường cũng bị mất cân đối toàn diện, teo tóp dần và điêu tàn đi, tính hàng hóa của sản phẩm bị biến thái, lộn xộn và trở nên phi lý đến kỳ quặc. Lúc đó, khả năng của điều kiện tự nhiên trở nên bất lực, không thể đáp ứng nổi nhu cầu tiêu dùng của loài người nữa, kể cả lương thực thực phẩm. Điều gì sẽ xảy ra? Có thể là một công cuộc khai hoang vĩ đại và lạ mắt nhất của loài người: đi đập phá nhà máy, công xưởng, nhà cửa, thành phố, đường xá, gỡ bỏ, thu dọn những khối lượng bê tông khổng lồ, để hồi phục lại đất đai trồng trọt; có thể là chiến tranh tàn sát, nạn đói tàn sát, ngộ độc môi trường tàn sát, để rồi “mười người chết bảy còn ba, chết hai còn một mới ra thái bình” tạo cơ may trở về với sản xuất thuần túy nông nghiệp, bắt đầu lại quá trình tạo dựng từ nền sản xuất tự cung tự cấp và nhỏ lẻ.
Chúng ta e rằng sẽ đến một ngày loài người tự hủy diệt mình! Thái Dương Hệ còn đó, thảm họa Vũ Trụ chưa thấy đâu, mà con người đã diệt vong bởi chính mình. Như thế có đáng buồn không?!
Không thể trực tiếp ăn vàng bạc, châu báu, ngọc ngà để sống được. Ấy vậy mà ai cũng thèm khát chúng, trở nên tham tàn bạo ngược cũng vì chúng. Trong khi đó thiếu không khí vài phút là chết ngạt; không có nước một đôi ngày là chết khát; không có miếng ăn một vài chục ngày là chết đói. Nhưng chẳng ai đoái hoài đến không khí, ai cũng lạnh nhạt với nước. Còn miếng ăn thì cũng… thích đấy, nhưng là thứ tầm thường, chẳng ai xếp nó vào mục tiêu ưu tiên, thậm chí là ít nhớ đến nó trong hoạch định hoạt động sống của mình…
Thứ gắn liền với sinh mạng thì không quí, thứ không có nó cũng chẳng chết được thì quí. Thật kỳ quái!... Mà cũng chẳng kỳ quái tí nào nếu đem đặt cái thói quen tâm lý quái quỷ đó vào bối cảnh nền kinh tế, hàng hóa. Nó chính là đứa con vô tình của thị trường tự do vô cảm, nhưng nguyên nhân sâu xa hơn là “tại” tự nhiên: muốn làm nổi trội mình, làm hấp dẫn mình để được ưu tiên hưởng thụ khoái cảm trong quan hệ duy trì nòi giống, hưởng thụ miếng ăn ngon, nhiều hơn trong hoạt động kiếm ăn của bầy đàn. Theo hướng này có thể tìm thấy được nguồn gốc của ý thức thẩm mỹ và quan niệm thẩm mỹ ở loài người!...
Có ba thứ thuộc nhu cầu tiêu dùng thiết yếu nhất của con người được cho là dồi dào vô tận là: ánh sáng mặt trời (ở dạng ẩn giấu), không khí và nước uống (nổi trội hơn!). Giả sử rằng hoạt động sống của loài người không ảnh hưởng tiêu cực gì đến những “nhu yếu phẩm” tự nhiên, sẵn có ấy (nhớ là giả sử thôi đấy nhé!), thì khi sự mất cân đối toàn diện, toàn cầu xảy ra, khi mà sự sống còn bị đe dọa nghiêm trọng hàng ngày hàng giờ bởi sự chết đói và chưa có phương hướng vượt thoát, lúc đó vấn đề giải quyết có miếng ăn sẽ là mối quan tâm chủ yếu, được đặt lên hàng đầu, lương thực thực phẩm “đắt đỏ kinh khủng”, trở thành thứ quí báu nhất, còn vàng bạc, châu báu, ngọc ngà mất giá đến độ có khi là “hết sạch”.
Thời công nghiệp hóa, hiện đại hóa dồn dập, kéo theo phát triển du lịch, mở rộng đô thị tràn lan… của đất nước, nhu cầu về xây dựng đã bê tông hóa biết bao nhiêu đất trồng trọt mà vẫn không đủ, làm nên những “cơn sốt đất” hầm hập, giá cả đất đai tăng vòn vọt đến choáng váng, chóng mặt. Nhiều người đùa: đến giờ mới hiểu được câu thành ngữ “Tấc đất tấc vàng”. Thực ra, chúng ta chưa giác ngộ được cái ý nghĩa thâm sâu hơn nhiều của sự đúc kết dân gian ấy. Cái giá đất tưởng như đã cao vút đụng đến trời xanh kia của ngày hôm nay hóa ra là chẳng nhằm nhò gì nếu mai sau, buộc phải chuộc đất đó về, cải tạo nó lại thành đất trồng trọt để cứu đói… Biết đâu chừng? Thủy Tinh ơi - Biển ơi, đừng dâng lên nhiều nhé!
Có cách nào làm cho cái viễn cảnh mất cân đối toàn diện và toàn cầu không xảy ra không? Có lẽ không mà cũng có thể là có! Sự lựa chọn một trong hai khả năng đó là tùy thuộc vào tốc độ đạt đến của trình độ buộc phải có của khoa học - kỹ thuật - công nghệ và ý thức chờ đợi của loài  người, nhưng trước tiên, hãy tiết giảm tiêu dùng, tiết kiệm và tái tạo có hiệu quả nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường, đất đai trồng trọt, nguồn nước ngọt… Nghĩa là phải định hướng cho đúng, khống chế và điều tiết một cách có kế hoạch đối với nền sản xuất hàng hóa trước tham vọng và thèm muốn còn mù quáng của con người…
Quá trình tiến lên văn minh của xã hội loài người là có tính tự nhiên, là tất yếu. Phần tác động của ý muốn, của lý trí chủ quan của loài người chỉ mang tính phụ trợ, làm nhanh chậm quá trình ấy mà thôi. Do đó đến nay, dù đang sống trong tình trạng văn minh cao vợi rồi, con người vẫn bị kìm hỏa bởi sự mù quáng. Nếu sáng suốt, xã hội loài người đã không còn chiến tranh, không còn tranh giành lãnh thổ, không còn bất công, không còn những đòi hỏi danh lợi quá đáng, đã không quên lời khuyên của Lão Tử: "Được danh lợi mà mất sinh mệnh, cái nào hại? Cho nên ham danh lợi quá thì phải hao tổn nhiều, chứa của cải nhiều thì mất mát nhiều. Biết thế nào là đủ thì không nhục, biết lúc nào nên ngừng thì không nguy...".
 Đang chuyện nọ lại xọ chuyện kia. Không dưng, lại đứng ra bói toán cho tương lai loài người. Có “lạc quẻ” không đấy? Không lạc quẻ thì cũng lạc đề!
Không, không lạc đề đâu! Chỉ vì hứng chí mà nói quá ra ngoài lề thôi! Ý chúng ta là muốn có cơ sở để diễn đạt điều này. Sau khi đạt đến cực thịnh, nước Văn Lang tiếp tục sự phát triển tự nhiên của nó theo hướng suy thoái dần do xuất hiện những mất cân đối từ thời kỳ thịnh vượng tạo ra và không được khắc phục như: trình độ tiêu dùng tăng lên những khả năng đáp ứng của nền kinh tế không tăng mà thậm chí là giảm xuống do hiện tượng tăng nhanh dân số; sự phân hóa giàu - nghèo ngày càng trở nên sâu sắc mà nông dân là người hứng chịu đói khổ đầu tiên trong khi tầng lớp ở “kiến trúc thượng tầng” vẫn cứ xa hoa thừa mứa. Có thể rằng quyền lợi giữa hai lực lượng ấy đã trở thành đối kháng cùng với nạn đè đầu cưỡi cổ, tham quan lại nhũng đã là duyên cớ trực tiếp làm cho xã hội Văn Lang vào những đời vua Hùng cuối cùng đã trở nên loạn lạc…
Không loại trừ khả năng thời bấy giờ vùng đất mà tộc người Âu Việt đã nằm trong lãnh thổ có thể chế “liên bang nguyên thủy” Văn Lang, hoặc đóng vai trò như một nước kiểu “chư hầu”. Lạc Việt và Âu Việt là anh em, có quan hệ huyết thống bởi cùng có gốc chung là Bách Việt và suốt thời gian dài đã kề vai sát cánh bên nhau trong sự nghiệp chung khai thiên lập địa, là hai tộc người lớn nhất trên lãnh thổ Việt Nam cổ đại. Hai tộc người ấy chẳng có lý do gì để mà tiêu diệt lẫn nhau. Đất nước lầm than, nhân dân đói khổ, áp bức bóc lột đè nén đã làm cho nhân dân phản kháng. Các vua Hùng những đời cuối với quan niệm về dân về nước đã lệch lạc và trở nên phản động, đã chỉ còn cách duy nhất là nuôi dưỡng bạo lực (lấy hung bạo mà thay cho trí nhân). Chính hành động đàn áp đó, dù nhất thời là hữu hiệu để bảo vệ ngai vàng nhưng thực ra làm cho thế nước ngày càng yếu đi và yêu cầu đổi mới toàn diện đất nước ngày càng bức thiết. Chính trong hoàn cảnh đó mà các thủ lĩnh người Âu Việt đã đứng lên tập hợp lực lượng, trước hết là tộc người của họ để chống lại bạo lực cường quyền và đồng thời nhận lãnh nhiệm vụ vì dân đổi mới đó. Ở đây, những luận điểm có tính chân lý: “Ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh”; “Đại nghĩa sẽ thắng hung tàn”, đã được thể hiện bằng sự nổi dậy đấu tranh vũ trang của các thủ lĩnh Âu Việt và vì là chính nghĩa, phù hợp với ý nguyện của nhân dân, được lòng dân hướng về, nên đã đánh bại quân đội triều vua Hùng tại chân thành Cổ Loa, mở ra thời kỳ mới, sáng sủa hơn cho đất nước. Bản thân việc đổi tên nước từ Văn - Lang thành Âu - Lạc và việc tiếp tục duy trì Cổ Loa làm kinh đô của Thục Phán đã phần nào nói lên được cái ý nghĩa tốt đẹp của cuộc nổi dậy ấy.
Tuy vậy, cái hồi ức về một thời đại thịnh vượng dài lâu (dù cũng có thăng có trầm), trong đó có những giai đoạn cực thịnh của đất nước, xóm làng an vui, đời sống dân lành ấm no, hạnh phúc đã không bao giờ mất; cái công lao vĩ đại của triều đại Hùng Vương đã không bao giờ bị lãng quên trong dân gian - trong lòng dân tộc Việt (Nhờ đức tính truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” đã được hun đúc nên trong chính thời đại đó!). Và… cũng không thể quên được sự thực lịch sử và công lao của Thục Phán - An Dương Vương. Có lẽ vì thế mà truyền sử dân gian sau này chỉ lưu lại thời đoạn bi kịch của triều đại Hùng Vương một cách “triền miên”, hoặc nếu có mô tả thì cũng ở dưới dạng ẩn dấu chứ không nỡ nêu tên trực tiếp để bêu rếu tổ tiên, và những mô tả ấy đã bị làm sai lạc đi bởi dã tâm (hay đơn giản chỉ là sự ngộ nhận?) của những kẻ đô hộ nước ta sau đó? Có lẽ cũng vì thế mà lịch sử nước ta giai đoạn này trở nên rối rắm, chứa đựng nhiều mâu thuẫn?
Không nên bôi bác lịch sử! Đúng thế! Nhưng nếu lịch sử đó có thể đã từng bị quá khứ bôi bác và chưa một lần tường minh? Không được bóp méo lịch sử! Đúng thế! Nhưng nếu lịch sử đó chưa bao giờ tròn (cả về sự ghi nhận các sự kiện lẫn cách hiểu chúng!)?
Sự thực lịch sử bao giờ cũng chỉ là sự thực qui ước. Qui ước đó có gần sát chân lý hay không thì lại phụ thuộc vào “thực chứng” và quan niệm. “Thực chứng” nói được là nhờ sự phân tích lý giải, mà phân tích, lý giải “liến thoắng” bằng cánh nào nếu không dựa trên cơ sở quan niệm đầy chủ quan chưa qua kiểm chứng hoặc đã qua kiểm chứng rồi mà… vẫn sai của thời kỳ lịch sử truyền khẩu?
“Ôn cố tri tân” là con đường độc đạo đến với chân lý; nhận thức và nhận thức lại là quá trình cơ bản để tìm hiểu tự nhiên - xã hội, để nhận chân được Tự Nhiên Tồn Tại. Trong khoa học đã xảy ra như thế và trong nghiên cứu lịch sử lại càng phải như thế! Vậy thì có nên viết lại một lịch sử mà quá khứ đã thừa nhận, nhưng bộc lộ những hỗn độn và khuất tất, dù vẫn chẳng có bằng chứng xác đáng nào; dù chỉ là trên cảm tính chủ quan?
Nên hay không nên thì cũng mặc kệ, khách quan hay chủ quan thì cũng mặc kệ, đã là con người thì không thể thờ ơ trước một lịch sử hỗn độn mà mình yêu thương, chúng ta cứ viết lại lịch sử theo cách nghĩ của một con dân yêu Tổ Quốc mình, của một hậu duệ tôn kính tổ tiên mình, như một đóng góp phản biện, và trong khi chờ “thực chứng” đích thực, chúng ta sẽ lấy đó làm “chính sử” cho tâm hồn mình.
(Còn tiếp)
-----------------------------------------------------------------------

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

TT&HĐ I - 9/d

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH