TT & HĐ III - 24/f

                                                Nghìn Năm Văn Hiến Thăng Long


PHẦN III:     NGUỒN CỘI 

" Đi đi con!
Trong khinh khi may nhớ nước non
Mà ôn lại cho đừng quên lịch sử
Bốn ngàn năm rồi, Việt Nam bất tử
Dằng dặc đoạn trường chống giặc ngoại xâm
Biết mấy đau thương, biết mấy anh hùng
Ghi tạc địa cầu bao chiến công hiển hách
..."

                                                                                Trần Hạnh Thu

"Lịch sử hoài thai chân lý, nó có thể kháng cự với thời gian, có thể dìm đi những việc cũ, nó là dấu tích của thời xa xưa, là gương soi của đương đại, là lời giáo huấn cho thế hệ sau."
                                                                 
Cervantes (Tây Ban Nha)

"Lịch sử là bằng chứng của thời đại, là ngọn lửa của chân lý, là sinh mệnh của kí ức, là thầy giáo của cuộc sống và là sứ giả của cổ nhân."
                                                                                                      Cicero (La Mã)
 
“Đừng chê cõi trần nhơ
Đừng khen cõi trần đẹp
Cõi trần là thản nhiên
Chỉ có đời nhơ, đẹp.” 
 Trần Hạnh Thu
.

CHƯƠNG XXIV: PHƯỢNG MÚA RỒNG BAY

"Việt Nam đất nước ta ơi
Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn
Cánh cò bay lả rập rờn
Mây mờ che đỉnh Trường Sơn sớm chiều
Quê hương biết mấy thân yêu
Bao nhiêu đời đã chịu nhiều thương đau..."

(Trích "Việt Nam quê hương ta" - Nguyễn Đình Thi)

“Triết lý Á Đông là cuộc sống phải hòa hợp với thiên nhiên. Mỗi người là một tiểu vũ trụ hòa hợp trong đại vũ trụ. Chính thiên nhiên Hà Nội giúp người ta hòa hợp một cách dễ dàng cái tôi chủ thể với bản thể vũ trụ huyền bí và mênh mông. Tự thân mình trong môi trường ấy đã có sự hòa hợp rồi… Tất nhiên là Sài Gòn rất đẹp… Nhưng Sài Gòn khác Hà Nội. Đi giữa Sài Gòn, mình có cái bồn chồn của một doanh nhân đi tìm mối hàng, hay đi tìm quán nhậu, còn đi giữa Hà Nội, tự nhiên ta thư thái như một lãng tử. Ngồi ở một góc nào đấy tại Hà Nội là có thể nghĩ về đất nước và quên đi xung quanh không cần một cố gắng nào hết. Nhưng mấy chục năm nay người ta đã phá hoại quá nhiều môi trường sinh thái văn hóa tự nhiên lắng đọng từ hàng nghìn năm… May mà dự án thủy cung Thăng Long thất bại chứ không Hồ Tây cũng đã bị xâm hại rồi… “Đứng cạnh Hồ Tây có thể quên được trời đất”. Đó là lời của ông tham tán văn hóa Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam - Pauli Mustonen nói với tôi trong buổi tối chia tay với ông, một buổi tối Hồ Tây mù sương. Nhưng sau một lúc ngẫm nghĩ, ông ấy nói: “Không biết khi tôi có dịp sang lại Việt Nam thì Hồ Tây có còn là Hồ Tây như bây giờ hay không”. Nghe câu nói ấy, chúng tôi đều trầm hẳn xuống và man mác buồn”
(Giáo sư Nguyễn Huệ Chi)
 
 
 
 
 (Tiếp theo)
 
***
Đất nước Việt Nam tuyệt đẹp! Phong cảnh thiên nhiên của nó hết sức gợi tình với hàng loạt những danh thắng nổi tiếng thế giới như vịnh Hạ Long, động Phong Nha - Kẻ Bàng, đèo Hải Vân, đèo Cả - Vũng Rô… Hình hài, vóc dáng của Việt Nam trên bản đồ thế giới, theo sự suy tưởng của chúng ta, cũng tuyệt mỹ không kém. Chúng ta đã kể về điều này rồi và giờ đây, chúng ta bỗng chợt nhận ra thêm rằng cái hình hài vóc dáng rất đỗi sinh động ấy sao mà hồn nhiên, hiền hòa nhưng cũng hiên ngang, khí phách quá chừng! Việt Nam, với cái hình thể gợi nên cảnh phượng múa rồng bay, như đang vui đùa với bầu bạn khắp năm châu bốn biển; gợi nên một “Ông Đùng” thần thoại, chọc trời khuấy nước theo trục Đông - Tây; gợi nên một vùng an cư đắc địa có thế đất ỷ dốc quay lưng về hướng Tây - Bắc để tránh cái lạnh giá của mùa đông tràn về từ Bắc Cực mà nhìn về hướng Đông - Nam, nơi mặt trời mọc, nơi đã từng sừng sững ngọn núi Tu Di vĩ đại trong huyền thoại, để hứng gió nồm mát lộng từ bao la trời biển thổi tới, và nếu nhìn theo trục Tây – Đông thì rõ ràng là có cái thế tuyệt cùng trong lựa chọn phong thủy: “Tọa sơn hướng thủy”!
Phóng tầm mắt về hai miền đất nước, trước hết chúng ta nhìn thấy thành phố Hồ Chí Minh - tức là Sài Gòn năm xưa, cái tên có gốc tích từ đời sống dân dã, mộc mạc và rặt cá tính người Nam Bộ, đã từng được mệnh danh là “Hòn ngọc Viễn Đông”. (Nói vui thêm: khi Sài Gòn mới được giải phóng, nó có hai đại lộ thuộc hàng lớn nhất nội thành có tên là Công Lý và Tự Do. Không hiểu tư duy thế nào mà người ta đem đặt lại tên cho chúng thành Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Đồng Khởi. Ngay lập tức trong dân gian lưu truyền câu thơ tếu táo:
“Nam Kỳ Khởi Nghĩa thay Công Lý
Đồng Khởi lên rồi mất Tự Do.”
“Thằng” nào mà lém lỉnh và táo tợn thế không biết? Ngày đó, nếu người ta bắt được, thì đời nó coi như… chẳng “hay ho” gì, vì đích thị nó là phản động. Bây giờ, bao nhiêu năm tháng đã đi qua, ngẫm lại, thấy hóa ra thằng đó nói, có thể là “kháy” nhưng chính xác. Công Lý và Tự Do là khát vọng thuộc hàng bậc nhất không phải của riêng dân tộc ta mà của cả nhân loại. Đó là hai chân lý sáng ngời mà bất cứ “phe” nào cũng phải nêu lên thành mục đích thuộc hàng đầu nếu muốn thu hút quần chúng theo mình. Nam Kỳ Khởi Nghĩa hay Đồng Khởi cũng đẹp đẽ, nhưng dù sao chỉ là những dấu ấn gợi nhớ về những biến cố hào hùng của một thời đấu tranh cứu nước, vị trí mà chúng “thích nhất” là ở những viện bảo tàng cách mạng!... Nói chung là muốn đặt hay thay đổi nhãn mác thế nào cũng được, nhưng thiển nghĩ, đừng để cho dân chúng đàm tiếu. Một đường phố đang có cái tên tuyệt đẹp rồi, thì cho dù là ai đặt, cũng việc gì mà “rỗi hơi” thay đổi nó đi? Một tên người, một địa danh đã là nhãn mác của người nào đó, của nơi nào đó. Nếu những nhãn mác đó thực sự nổi trội thì tự nhiên sẽ được ghi chép vào sử xanh, được lưu truyền đến hậu thế như một sự ghi công, như một bài học, như một tấm gương sáng soi và có khi là như một huyền thoại. Không nhất thiết phải đem những nhãn mác đó đi gắn lung tung. Đường “Him Lam”, đường “Trường Sơn”, đường “Hà Nội” nghe cứ như mạo danh vì Him Lam, Trường Sơn, Hà Nội vẫn còn sờ sờ ra đó, nhưng ở chỗ khác, chứ đâu phải ở trong thành phố Hồ Chí Minh? Mua vé xổ số cứ mỗi lần bấm nhắn tin “XSHCM” qua điện thoại di động để dò lại thấy kỳ kỳ sao ấy! Cái vĩ đại không cần nhắc đến, vẫn cứ vĩ đại như thường; cái tầm thường, cho dù có tung hô, vung vãi khắp nơi cũng không thể vượt thoát được sự tầm thường mà thậm chí còn trở nên tầm thường hơn!). 
Đang trong thời kỳ phát triển “vũ bão”, Sài Gòn phình ra rất nhanh, có vẻ như đã bắt đầu hơi “quá cỡ thợ mộc” kiểu “phát phì”. Không biết nó đã ngốn bao nhiêu héc ta đất trồng trọt để làm mọc ra các khu công nghiệp rồi? Tất nhiên là phải biết hy sinh nhưng hy sinh như thế nào và đến đâu thì gọi là hợp lý, là đủ? Và nhìn xem các nước tiên tiến đi trước chúng ta khá xa, họ đã làm ra sao và có hậu quả gì; nghe xem họ nói gì?
Nhìn ra miền Bắc, đất tổ của dòng giống Lạc - Hồng, chúng ta thấy Hà Nội, thủ đô ngàn năm văn vật của một đất nước ít ra cũng đã có 4000 năm văn hiến.
Hà Nội là nơi chúng ta đã từng sống những ngày thơ ấu. Buổi đầu tiên chúng ta cắp sách đến trường là ở đó. Đã ngót 30 năm rồi kể từ ngày tạm biệt ra đi, chúng ta chưa từng một lần quay trở lại, dù rằng đó là một ao ước khôn nguôi. Thật không thể hiểu vì sao nữa! Không phải là cách núi ngăn sông, không phải là nghèo hèn đến mức không đủ lộ phí, ấy vậy mà chúng ta không thể về thăm lại nơi mà chúng ta đã được bao bọc, vỗ về, nuôi nấng cho đến lớn khôn; đã ê a đọc bài học đầu tiên về non sông đất nước:
" Học đi em

Học đi em
Học đi mà nhớ mãi
Quê hương ta một dải
Từ mũi Cà mau
Đến địa đầu Móng Cái
Quê hương ta
Đồng ruộng phì nhiêu
Đủ bốn mùa hoa trái

Núi Truòng Sơn vĩ đại
Bờ biển rộng bao la
Có Việt Bắc mồ ma giặc Pháp
Nối liền Đồng Tháp Nam Bộ thành đồng

Học đi em
Học đi mà nhớ mãi
Đất ta liền một dải
Như máu chảy trong người
Kẻ nào định chia đôi
Chia lòng ta sao được
Em học đi cho thuộc
Rằng:
Lòng ta chung một Cụ Hồ
Lòng ta chung một thủ đô
Lòng ta chung một cơ đồ Việt Nam"

(thơ Tố Hữu),
nơi mà chúng ta đã từng mơ thấy mình bay về một vì sao lấp lánh…, nơi mà từ đó chúng ta nhờ có sự ưu ái của Nhà Nước Cách mạng, của dân tộc đang thời kỳ gian khổ hy sinh, mà sớm được tiếp xúc với những thành tựu khoa học của nhân loại. Chúng ta suốt đời phải chịu cái ơn ấy và cả cái nợ máu xương của cha, anh, bạn bè đã đổ xuống trên chiến trường chống Mỹ, và nếu có muốn thì cũng chẳng bao giờ trả được. (Tương tự như thế, chúng ta không bao giờ tạ tội được trước quê hương, nơi chúng ta đã được chôn nhau cắt rốn, đã cất tiếng chào đời và chưa kịp cảm nhận ánh sáng thì ngoại đã vội bế xuống hầm tối để tránh bom thả từ máy bay thực dân Pháp; nơi mà mới một tuổi, mẹ đã bồng chúng ta xuống tàu đi “tập kết”, thế rồi hơn 50 năm đằng đẵng, chúng ta chưa một lần ghé về!).
Rất đỗi lạ lùng và có vẻ như một lưu đày của số phận!
Giờ đây, ở chốn này, nhìn ngắm Hà Nội bằng con mắt hồi ức, lòng chúng ta cứ nổi lên ngổn ngang thương nhớ. Chúng ta nhớ Ô Chợ Dừa vì có lần lạc mẹ, chúng ta đứng ở đó khóc ơ hờ. Chúng ta nhớ mẹ cho “1 hào” đi tàu điện ra hồ Hoàn Kiếm chơi, tiền vé đi mất 5 xu, còn lại thấy con tò he thích quá mua hết, lót tót đi bộ về. Chúng ta nhớ Ngã Tư Sở hồi đó, giữa lòng Hà Nội mà cảnh vật cứ như một thị trấn nhỏ ngày nay: sau lưng dãy nhà mặt tiền đã là những sắc màu làng quê, là ruộng lúa, vườn rau, ao cá. Chúng ta nhớ ngõ Thịnh Quang dẫn vào nơi chúng ta ở. Từ chỗ chúng ta ở, đi tiếp theo con đường gạch nhỏ, ngoằn ngoèo với hai bên là đồng ruộng sẽ đến đình Thịnh Quang, nơi chúng ta đã ngồi học ở đó và luôn lấm lét ngó chừng ông Hộ Pháp. Từ căn phòng đầu dãy nhà lá, rộng chừng 10 m2 (mẹ và hai anh em chúng ta ở đó) hướng về chợ Ngã Tư Sở, có một khu vực cây cối xum xuê, đó là xóm Chùa, những gian chùa được người ta mượn làm lớp học và chúng ta cũng đã từng học ở đó (hay nghịch ngợm ở đó (?), lâu quá rồi, khó lòng mà nhớ rành mạch nữa). Chúng ta nhớ tha thiết trường Thái Thịnh, nơi chúng ta lần đầu tiên sử dụng que tính, tính toán trên bàn tính, nơi mà tiếng trống trường đã vĩnh viễn ở lại trong tâm trí chúng ta, nơi mà cảm giác chiến tranh đến gần hơn bao giờ hết khi cùng trường lớp làm hầm trú ẩn; nơi mà một đứa học trò nghịch ngợm dù có vẻ muộn mằn, cũng vô cùng hãnh diện khi được kết nạp vào Đội thiếu niên tiền phong và được quàng khăn đỏ. Lần đó chắc mẹ cũng rất tự hào vì chúng ta. Các bạn thuở ấy ơi, giờ này ở đâu, và ai còn nhớ bài ca trường Thái Thịnh: “… ta cùng nhau tiến bước lên, dưới mái trường Thái Thịnh mà ta vẫn từng chung sống…”? Vài lần Hà Nội hụ còi báo động giả, cả về ban đêm, có lẽ để nhân dân thành phố làm quen và thực tập xuống hầm trú ẩn. Nhưng có một lần, vào giữa ban ngày, Hà Nội hụ còi báo động thật. Giọng phụ nữ trên đài phát thanh: “Đồng bào chú ý!...” nghe bình tĩnh và mạch lạc làm chúng ta hết cả nỗi sợ hãi ban đầu, chui ra đứng trước cửa hầm, ngẩng mặt lên trời cố tìm máy bay Mỹ. Mẹ đi trực chiến về nghe mách lại, nọc chúng ta ra quất cho một trận tơi bời. Sau này mới hiểu mẹ đúng vì bà đã qua kháng chiến chống Pháp, biết được cái tàn bạo của quân xâm lược. Từ đó, chúng ta được đưa đi sơ tán về nông thôn và nhờ thế sau này chúng ta mới thấu tình dân dã…
Chúng ta cũng sẽ nhớ mãi trường Đống Đa, nơi chúng ta học năm cuối cùng của hệ phổ thông cơ sở, nơi chúng ta (lại cũng muộn mằn) được kết nạp vào hàng ngũ Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam. (Nếu chúng ta nhớ không lầm thì Đảng hồi đó cũng được gọi là Đảng Lao động Việt Nam. Và nếu đúng thế thì đó là một cái tên tuyệt đẹp mà không gây ngộ nhận. Qua đây cũng thấy Hồ Chí Minh kỳ tài và uyên thâm về chính trị.); nơi chúng ta đưa tiễn những bạn học trúng tuyển nghĩa vụ quân sự lên đường vì nước. Nhiều bạn đã không trở về, chưa kịp “đỏ ngực” đã đành “xanh cỏ”. Các bạn ơi! Dù quê hương các bạn là tứ xứ, nhưng vì lớn lên trong lòng Thủ Đô nên các bạn mang “màu cờ, sắc áo” Thủ Đô; các bạn là con Rồng cháu Tiên nhưng đồng thời cũng là con em Thủ Đô, là hậu duệ của “Trung đoàn Thủ đô”, với truyền thống “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”…
Nhớ thì cũng có nghĩa là không quên. Chúng ta chẳng bao giờ quên được những tháng hè với những ngày lang thang vạ vật trong lăng Hoàng Cao Khải, bên những tượng người bằng xi măng sứt tai gãy gọng , cụt đầu… đứng thành hai hàng im phắc mà như có u hồn, quanh cái hồ sen tù đọng những rong rêu, rác rưởi bởi không người đoái hoài. Chúng ta không quên được những ngày hè cùng bạn bè chạy nhảy trên Gò Đống Đa, leo trèo ở đền Thái Thú mà chưa biết được ngọn nguồn gốc tích của sự ô nhục, những lần vào ra chùa Mộc mà vô tình không biết nó luôn được giữ gìn và che chở trong nghĩa tình của lòng dân Bắc Hà - Hà Nội đối với vị anh hùng áo vải Nguyễn Huệ qua suốt thời đoạn độc địa nhất của tư thù hèn hạ. Chúng ta quên làm sao được Văn miếu - Quốc Tử Giám nơi hàng bia tiến sĩ và rùa đá dầu dãi nắng sương, thứ thì mịt mờ u uẩn, thứ thì ngơ ngác bất tường trước sự vô tình đến bạc màu hoang phế, đến lạnh tanh khói hương. Niềm tin duy vật cực đoan đến khô cứng đã xúc phạm tập tục thờ cúng, chiêm bái thiêng liêng và thấm đẫm nhân văn. Không phải tất cả mọi hành vi của mọi lễ hội cổ truyền đều là hủ tục, mê tín dị đoan. Hơn nữa không phải mọi mê tín dị đoan đều phi lý. Ngược lại, chắc gì một niềm tin cực đoan đã là không mê tín, chắc gì văn hóa phương Tây đã hợp với lòng người phương Đông; và chắc gì nền khoa học nặng nề thực chứng châu Âu đã đủ sức đánh giá được sự chứng ngộ huyền diệu của đạo lý phương Đông?! Cuối cùng: một chân lý chắc gì đã là chân lý?! Nếu là về tự nhiên thì chỉ có Tự Nhiên, nếu là về xã hội thì chỉ có Đại Chúng mới có thể trả lời rốt ráo được câu hỏi đó… Trong dân gian đã từng lưu truyền đẳng thức: Nhiệt tình + Ngu muội = Đại phá hoại. Phải cho rằng đẳng thức này là một phát kiến lớn, tài tình và rất hữu dụng, vì nó cảnh báo người ta về một trường hợp riêng dễ xuất hiện, về những biểu hiện, những tác động trái chiều trong sự phát triển của mọi quá trình, mọi công cuộc tạo dựng kinh tế - xã hội… Rất may, nhờ có Đổi Mới mà tư duy chúng ta qua được bệnh “cảm cúm” và đang ngày một lành mạnh hơn. Xin cảm ơn Ngài Đổi Mới!
Chúng ta còn không thể quên được nhiều điều nữa về thời niên thiếu sống hồn nhiên giữa lòng Hà Nội. Làm sao mà quên được những sáng mai đi tìm cỏ gà, đổ dế, những trưa lang thang tìm bắt ve sầu, những chiều thu gió lộng cánh diều, những tối “trốn tìm”, “thả đỉa ba ba”, “rồng rắn lên mây”; làm sao mà quên được tình yêu học trò, đi ăn trộm khế mang về cho “người yêu” tóc kẹp đuôi gà… Nhiều lắm, kể làm sao cho hết được! Ôi, thời niên thiếu đã xa! Có lần, ngồi uống rượu một mình trong nỗi niềm khắc khoải khôn nguôi ấy, chúng ta đã khắc tạc nên bài thơ:

TÌM LẠI NGÀY XƯA

Tuổi thơ thất lạc đâu rồi?
Ta ngồi lục lọi lại thời thần tiên
Những đêm rằm rước lồng đèn
Đủ trò rồng rắn, trốn tìm mải mê
Quàng khăn bịt mắt bắt dê
Giữa chừng mẹ gọi, phải về, buồn hiu!

Tung tăng một sáng trong veo
Chân chim nhảy nhót, cánh diều lâng lâng
Lớp học nương tạm đình làng
Ngó ông hộ pháp, khẽ khàng nhón đi!

Quên sao được những trưa hè
Mặn lè gói muối, chua lè khế xanh
Chát lè là trái ổi non
Rốn đau thon thót là con chuồn chuồn
Châu chấu nướng, ngậy, giòn giòn
Mỏi tay đổ dế, chân mòn tìm ve
Nước lu ừng ực, hả hê
Chang chang theo lũ bạn bè lớn lên...

Xanh như ngọc, tuổi hoa niên
Dòng sông ca hát, con thuyền mộng du
Cặp sách nào phải bao thư
Mà ai lén gửi vần thơ đầu đời
Chích chòe thèo lẻo vang trời
Cho người giật thột, cho người giả ngơ
Tan trường có kẻ còn mơ
Tím dòng lưu bút đến giờ chưa phai!...

Giở trang kỷ niệm trên tay
Bóng chim buồn vỗ cánh bay trong lòng!




Ngót 30 năm rồi, đứng đây nhìn vào Hà Nội, chúng ta vẫn thấy mình tung tăng trong đó, đi khắp các phố phường của nó, những phố phường mà chúng ta đã từng chạy nhảy ở đó thời niên thiếu, mà bụi thời gian không thể xóa nhòa được trong ký ức dân gian:
“Rủ nhau chơi khắp Long Thành
Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai
Hàng Bồ, Hàng Bạc, Hàng Gai
Hàng Buồm, Hàng Thiếc, Hàng Hài, Hàng Khay
Mã - vĩ, Hàng Điếu, Hàng Giầy
Hàng Lờ, Hàng Cót, Hàng Mây, Hàng Đàn
Phố Mới, Phúc - Kiến, Hàng Ngang
Hàng Mã, Hàng Mắm, Hàng Than, Hàng Đồng
Hàng Muôi, Hàng Nón, Cầu Đông
Hàng Hòm, Hàng Đậu, Hàng Bông, Hàng Bè
Hàng Thùng, Hàng Bát, Hàng Tre
Hàng Vôi, Hàng Giấy, Hàng The, Hàng Gà
Quanh đi đến phố Hàng Da
Trải xem hàng phố, thật là cũng xinh
Phố hoa thứ nhất Long - Thành
Phố dăng mắc cửi, đàng quanh bàn cờ
Người về nhớ cảnh ngẩn ngơ
Bút hoa xin chép nên thơ lưu truyền.”
(Long - Thành tức thành Thăng Long, tên gọi Hà Nội được đặt vào năm 1010, đời Lý Công Uẩn. Đây là bài thơ khuyết danh).
Đất nước Việt Nam xinh đẹp nhờ phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp! Dân tộc Việt Nam dễ thương nhờ tính tình khoan hòa, nhẫn nại và khí phách của họ. Hà Nội cũng toát lên những vẻ đẹp tinh hoa đó.
Từ xa xưa lắm, hơn ngàn thuở trước, hình như vùng đất trời bao dung Hà Nội đã tiềm tàng linh khí và linh khí đã được ban phát ra liên tục đến tận ngày nay. Ngay từ tiền sử, hình sông thế núi ở khu vực đó đã tạo nên một đắc địa cho sự hội tụ dân cư. Nhiều tộc người tiền sử đã hội tụ ở đó chung sống chan hòa trong khí thiêng sông núi đó và chuyển hóa thành những con người đầu tiên, tối cổ của dân tộc Việt, tổ tiên của chúng ta. Cũng từ đó số phận của vùng đất trời chứa chấp Hà Nội ngày nay đã gắn kết chặt chẽ với số phận chung của sông núi Việt Nam. Vừa là bộ phận lãnh thổ không thể tách rời được của Tổ quốc, vừa là nơi trọng yếu của quá trình hội tụ dân cư tự nhiên, nên từ rất sớm trong sơ sử đến nay, nó đóng vai trò như một trung tâm của những biến cố lớn lao trong lịch sử thăng trầm đầy bi tráng của dân tộc Việt Nam.
Ôi! Việt Nam yêu dấu!
Muôn năm Tổ Quốc!
Vạn tuế đất nước huyền linh!
(Còn tiếp)
------------------------------------------------------------------------

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

TT&HĐ I - 9/d

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH