Thứ Năm, 24 tháng 12, 2020

TT&HĐIII - 25/k


                                               

        Tiểu Sử TRẦN QUỐC TOẢN – Hé Lộ Nguyên Nhân Khiến Trần Quốc Toản Từ Trần Khi Tuổi Còn Trẻ

                                                           

PHẦN III:     NGUỒN CỘI 

" Đi đi con!
Trong khinh khi may nhớ nước non
Mà ôn lại cho đừng quên lịch sử
Bốn ngàn năm rồi, Việt Nam bất tử
Dằng dặc đoạn trường chống giặc ngoại xâm
Biết mấy đau thương, biết mấy anh hùng
Ghi tạc địa cầu bao chiến công hiển hách
..."

                                                                                Trần Hạnh Thu

"Lịch sử hoài thai chân lý, nó có thể kháng cự với thời gian, có thể dìm đi những việc cũ, nó là dấu tích của thời xa xưa, là gương soi của đương đại, là lời giáo huấn cho thế hệ sau."
                                                                 
Cervantes (Tây Ban Nha)

"Lịch sử là bằng chứng của thời đại, là ngọn lửa của chân lý, là sinh mệnh của kí ức, là thầy giáo của cuộc sống và là sứ giả của cổ nhân."
                                                                                                      Cicero (La Mã)
 
“Đừng chê cõi trần nhơ
Đừng khen cõi trần đẹp
Cõi trần là thản nhiên
Chỉ có đời nhơ, đẹp.” 
.

CHƯƠNG IV: ĐỊA LINH NHÂN KIỆT

“Thủ đô là cái đại tập thành của cả đất nước từ khí non sông tụ lại. Không bàn tán về những thành phố khác, mà nói về Hà Nội thì không ai không nhớ đến bài ca chính khí của nó…
Hà Nội không phải là một đất thánh, theo cái nghĩa tín đồ hành hương, nhưng Hà Nội là một đất thiêng, kẻ ngoài nào mà xúc phạm vào nó là phải đền tội”
“Khi một giống nòi bị dồn đến chỗ chỉ có thể lựa chọn cái chết và nô lệ thì xông vào cái chết là dũng cảm hơn. Nơi nào mà nó không phải là thiết yếu thì bạo lực mới bị lên án. Có những trường hợp phải công nhận bạo lực bởi vì không còn cách nào khác”

"Rủ nhau xem cảnh Kiếm Hồ
Xem cầu Thê Húc, xem chùa Ngọc Sơn
Đài Nghiên, Tháp Bút chưa mòn
Hỏi ai gây dựng nên non nước này?"
                              (Khuyết danh)

 

 

(Tiếp theo)


                                                                                 ***

Căn cứ vào gia phả họ TrầnNhạc Dương do thống tôn đời thứ 27 Trần Định Nhân còn lưu giữ được thì có gốc tích xa xưa từ đời Chiến quốc, họ Trần thuộc nhóm tộc người Bách Việt sống ở đất Mân (Phúc Kiến - Trung Hoa). Năm 227 TCN, Phương chính hầu Trần Tự Minh đang làm quan cho Nam Việt vương Triệu Đà, vì mâu thuẫn giữa người Hán và người Bách Việt mà ông đã theo dòng người Bách Việt di cư xuống phía Nam. Tự Minh được An Dương Vương thu nạp, trở thành vị tướng tài ba, cùng Cao Lỗ giúp vua chống lại Triệu Đà. Khi thành Cổ Loa thất thủ, Âu Lạc rơi vào tay Triệu Đà, Trần Tự Minh lui về sống ẩn dật ở đất Kinh Bắc. Dòng họ này qua 700 năm ở Kinh Bắc phân ra nhiều nhánh, nhưng dòng thống tôn đến đời Trần Tự Viễn (582 - 637) nổi lên như một nhân tài kiệt xuất của xứ Giao Châu.
Trần Kinh khi dời từ An Sinh (Quảng Ninh) về Tức Mạc (Nam Định) lấy vợ sinh ra Trần Hấp. Trần Hấp sinh ra Trần Lý. Trần Lý sinh ra Trần Thừa (sau được tôn là Trần Thái Tổ), Trần Tự Khánh và Trần Thị Dung. Trần Hoằng Nghi sinh được ba người con trai: Trần An Quốc, Trần An Hạ và Trần Thủ Độ.
Các nhà lãnh đạo thuộc những thế hệ đầu tiên thường mang tên các loài cá, do nguồn gốc xuất thân chài lưới của họ Trần. Tổ họ Trần vốn tên là Chép, nghĩa là cá chép. Con ông là Trần Thừa vốn có tên là Dưa (cá dưa). Hai con trai Trần Thừa vốn có tên là Leo (cá leo), được phiên theo chữ Hán là Liễu (cha của Trần Quốc Tuấn), người con thứ hai có tên là Lành Canh (cá lành canh), phiên sang chữ Cảnh. Trần Thị Dung cũng vốn có tên là Ngừ (cá ngừ), khi làm hoàng hậu của Lý Huệ Tông mới đổi gọi là Dung. Về sau dân địa phương lập đền thờ bà vẫn gọi là "Bà chúa Ngừ".
Từ thế hệ thứ hai, nhà Trần nắm quyền cai trị nên mới đặt theo các tên đời sau thường biết tới.
Vốn sống bằng nghề đánh cá, họ Trần thường sinh sống làm ăn ở những vùng cửa sông ven biển, đến đời Trần Lý (ông nội của vua Trần Thái Tông) đã trở thành một cự tộc có thế lực vùng Hải Ấp (nay là xã Lưu Xá, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình).
Năm 1209, khi trong triều có biến loạn, vua Lý Cao Tông phải chạy lên Quy Hoá, Thái tử Lý Sảm  chạy về Hải Ấp đã được gia đình Trần Lý giúp đỡ. Hoàng tử Sảm đã kết duyên cùng Trần Thị Dung - con gái của Trần Lý. Họ Trần đã tập hợp hương binh giúp nhà Lý dẹp loạn, diệt trừ Quách Bốc, đưa vua Lý trở lại kinh đô. Cậu ruột Trần Thị Dung là Tô Trung Từ được làm Điện tiền chỉ huy sứ. Trung Từ lại đang tâm muốn nắm quyền riêng, lạnh nhạt với người đứng đầu chỉ huy họ Trần lúc bấy giờ là Trần Tự Khánh.
Năm 1211, Thái tử Lý Sảm lên ngôi, sử gọi là Lý Huệ Tông. Ông cho đón vợ là Trần Thị Dung về cung lập làm Nguyên phi. Lúc này, Tô Trung Từ được phong Thái uý phụ chính, còn Tự Khánh được phong Chương Thành hầu.
Huệ Tông là người yếu đuối, lại bị Đàm thái hậu  điều khiển chính sự, nên mọi việc đều phó thác cho Đàm Dĩ Mông, người chức cao, quyền lớn nhưng không có học thức, không có mưu thuật, lại nhu nhược không quyết đoán, chính sự ngày một đổ nát.
Lợi dụng tình hình đó, Đoàn Thượng làm phản, tụ tập bè đảng ở Hồng Châu thả sức cướp bóc, khiến triều đình không chế ngự nổi. Năm 1216, trước tình thế bức bách của Đàm thái hậu, Lý Huệ Tông đã bí mật rời bỏ hoàng cung, cùng với Trần Thị Dung trốn đến nơi đóng quân của Trần Tự Khánh. Từ đó, vua Lý hoàn toàn phụ thuộc vào thế lực anh em họ Trần.
Năm 1223, Trần Tự Khánh chết, mọi việc đều uỷ quyền cho Trần Thủ Độ, em họ Trần Thừa và Tự Khánh, khi ấy là Chỉ huy sứ, quản lĩnh cấm quân. Là người cơ mưu, quyết đoán, Trần Thủ Độ đã sắp xếp để vua Huệ Tông nhường ngôi cho công chúa Chiêu Thánh, rồi cắt tóc đi tu ở chùa Chân Giáo. Liền sau đó, Trần Thủ Độ lại thu xếp cho Lý Chiêu Hoàng lên 7 tuổi lấy con trai thứ của Trần Thừa là Trần Cảnh lên 8 tuổi. Một năm sau, vào tháng 12 âm lịch năm 1225, Trần Thủ Độ ép Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng, nhà Trần bắt đầu nắm quyền cai trị từ đó...
Sau hai cuộc chiến tranh lớn liền kề, đất nước ta không khỏi bị tàn phá nặng nề. Sản xuất nông nghiệp, do hoàn cảnh chiến tranh cũng bị đình trệ, giảm sút nhiều, không những thế, vừa ra khỏi chiến tranh thì thiên tai lại ập tới. Hạn hán kéo dài suốt 5 tháng làm cho việc cày cấy mùa màng hỏng hết. Mùa thu năm 1290, đói to trong cả nước.  Ngay năm đó Thánh Tông băng hà, trong triều lục đục chuẩn bị tang lễ thì nhân dân ngoài kinh thành lại đói to, 3 thăng gạo giá 1 quan tiền, dân nhiều người bán ruộng đất, và bán con trai con gái làm nô tỳ cho người, mỗi người giá 1 quan tiền. Năm sau, tiếp tục chết đói, 2 năm này liên tiếp nạn đói hoành hành. Sang năm sau, 1291, nạn đói càng trầm trọng, nhiều người đã phải chết đói. Ngay lập tức, nhà vua Trần Nhân Tông phải xuống chiếu phát thóc công để chẩn cấp dân nghèo, đồng thời miễn thuế nhân đinh. Triều đình cho nô dịch, nô lệ có thể mua chuộc lại ruộng đất để tăng cường cải thiện khâu cung ứng lương thực. Tình hình dần dần cải thiện. Năm 1293, Nhân Tông nhường ngôi cho Hoàng thái tử Trần Thuyên, sử gọi là Trần Anh Tông. Ông tự xưng làm Anh Hoàng.
Anh Tông hoàng đế là một vị Hoàng đế có tính trưởng thành cao trong các vị hoàng đế nhà Trần. Khi mới lên nối ngôi, Anh Tông hay uống rượu và đêm thường hay lén ra ngoài đi chơi, có lần bị đồ vô lại ném trúng đầu. Một hôm uống rượu say đến nỗi Thượng hoàng Nhân Tông ở Thiên Trường về kinh đô, các quan đều ra đón rước cả, mà vua vẫn nằm ngủ. Thượng hoàng giận lắm, truyền xa giá lập tức về Thiên Trường và hạ chiếu cho bách quan phải về đấy hội nghị định truất ngôi Anh Tông. Khi Anh Tông tỉnh rượu, biết thượng hoàng về kinh đô, sợ hãi quá, vội vàng chạy ra ngoài cung gặp một người học trò tên là Đoàn Nhữ Hài, mượn thảo bài biểu để dâng lên tạ tội, rồi cùng với Nhữ Hài xuống thuyền đi suốt đêm đến phủ Thiên Trường. Thượng hoàng xem biểu rồi quở mắng một lúc, và tha lỗi cho Anh Tông. Về đến kinh sư, Anh Tông cho Đoàn Nhữ Hài làm ngự sử trung tán, và từ đấy không uống rượu nữa.
Anh Tông từ sau việc ấy siêng năng hơn, tối hôm tấu duyệt sớ của chính sự. Và từ sau vụ ấy, vua cũng đâm ra ghét người nghiện rượu và không dùng những người ấy vào việc quan. Ông cũng là người rất ghét nạn đánh bạc, đã sai đánh chết Thượng phẩm Nguyễn Hưng vì tội ấy. Dưới thời Anh Tông luật pháp rất nghiêm, vì thế trong nước có trật tự, quốc gia đi lên nhanh chóng. Dưới thời ông, Ai Lao và các động biên giới thường xuyên quấy nhiễu, dù Trần Quang Khải, Trần Quốc Tuấn đều đã qua đời nhưng các tướng Phạm Ngũ Lão, Trần Nhật Duật, Trần Quốc Tảng đều là các danh tướng nên biên giới được an lành. Đối với văn hóa, thời Anh Tông xuất hiện các danh nhân như Đoàn Nhữ Hài, Trương Hán Siêu, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trung Ngạn, Trần Thì Kiến, Bùi Mộc Đạc.
Xây dựng để phục hồi và phát triển kinh tế sau chiến tranh là đương nhiên đối với mọi quốc gia, ở mọi thời đại. Nhưng đối với Đại Việt lúc bấy giờ thì yêu cầu đó không những là đương nhiên mà còn vô cùng cấp bách. Nhà Trần phải có ngay một quyết sách phù hợp. Trước mắt là gấp rút chấm dứt nạn đói, ổn định và nâng cao đời sống nhân dân, đồng thời mau chóng làm cho nước nhà vững mạnh hơn nữa vì sự đe dọa xâm lược của phong kiến phương Bắc vẫn luôn rình rập chờ cơ hội.
Bằng nhiều biện pháp tích cực để thực hiện một quyết sách đúng hướng, tựu trung là vì dân (lưu ý: vì dân giàu nước mạnh là mục đích đơn giản nhất mà đúng nhất trong phục hồi nền kinh tế đối với mọi triều đình nước ta sau chiến tranh chứ không riêng gì triều Trần, không cần theo chủ nghĩa nào, không cần phải hô "theo định hướng..." nào!) như thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, thực hành cần kiệm triệt để, giữ vững sự liêm chính, công tâm, nghiêm trị tham ô, sách nhiễu…
Có một câu chuyện nhỏ nhưng điển hình, từ đó có thể thấy được quốc sách của nhà Trần về phục hồi và phát triển đất nước lúc đó.
Thăng Long, nằm trong số phận của đất nước, cũng ba lần bị quân xâm lược chiếm đóng, cũng bị chiến tranh, giặc dã tàn phá, vì thế cũng cần phải sửa chữa, phục hồi, xây dựng lại. Trong quá trình bàn định những việc làm trước tiên của công cuộc xây dựng lại đất nước, có ý kiến trong triều cho rằng phải sửa chữa, tu bổ, phục hồi lại thành Thăng Long ngay vì dù sao cũng là kinh đô, bộ mặt của cả nước. Nhưng Trần Quốc Tuấn có ý khác, ông trình bày:
“Việc sửa lại thành trì không cần kíp lắm. Việc cần kíp của triều đình phải làm ngay không thể chậm trễ được là việc úy lạo nhân dân. Hơn 4 năm, quân giặc hai lần tràn sang quấy rối, từ nơi núi rừng đến nơi đồng ruộng bị tàn phá hầu hết. vậy mà nhân dân vẫn một lòng hướng về triều đình, xuất tài, xuất lực, đi lính, đóng thuế, làm nên một lực lượng mạnh cho triều đình chống giặc. Nay nhà vua đã được trở về yên ổn. Việc làm trước hết là chú ý ngay đến dân, những nơi nào bị tàn phá, tùy tình trạng nặng nhẹ mà cứu tế, nơi nào bị tàn phá quá nặng, có thể miễn tô thuế mấy năm. Có như thế, dân mới nức lòng càng qui hướng về triều đình hơn nữa. Người xưa đã nói: “Chúng chí thành thành” tức ý chí của dân chúng là một bức thành kiên cố. Đó mới là cái thành cần phải sửa chữa ngay…” (Tài liệu trong quyển sách chữ Hán “Long Thành dật sự”, được dùng trong sách “Việt Nam, ba lần đánh Nguyên toàn thắng”, tác giả: Nguyễn Lương Bích, NXB Quân đội nhân dân, năm 1981)
Cách nói người xưa thật khúc chiết, nhưng dễ hiểu làm sao! Câu nói này ẩn chứa nhiều điều sâu sắc về triết học, thế mà lại vô cùng sáng tỏ. Nó là một chân lý! Mà đã là chân lý thì không cần và cũng không thể khoác lên một cái áo nhãn mác chân lý nào khác, một thứ chủ nghĩa với đủ từ ngữ hoa hòe hoa sói nào khác, bởi cái vốn dĩ của chân lý là giản dị, chất phác. Chỉ cần “thuộc” được câu nói đó của ông cha thôi, đã là đủ để biết cách dựng nước và giữ nước ngày nay, cần chi đến những học thuyết triết học ở đâu đó xa vời!
Cuối cùng, cần nhấn mạnh rằng: lời nói đó còn là sự biểu hiện cái “Đại nhân tâm” của một vị Đại anh hùng Dân tộc - Quốc Công Tiết chế Bình Bắc Đại nguyên soái Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn thiên tài.
Thái sư Trần Quang Khải có hai câu thơ cảm khái mà qua đó chúng ta còn cảm nhận được cái khí thế bước vào công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh và xây dựng đất nước một cách trên thuận dưới hòa thuở ấy:
                              “Nguyện trương thần uy thôi Bắc lỗ
                              Đôn linh hoàn vũ yến nhiên thanh”
                              (Nguyện lấy uy thần trừ giặc Bắc
                              Quyết xây trời đất vững thanh bình)
Nhờ thế, đời sống nhân dân được cải thiện nhanh chóng, nền kinh tế đất nước phục hồi trong thời gian ngắn và tiến tới thịnh vượng.
Triều đại phong kiến nào, dù thịnh đến mấy rồi cũng đến lúc suy. Triều Trần cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, nhìn chung thì triều Trần, một cách nổi trội, vẫn là triều thịnh trị và nhất là làm rạng danh non sông về chống xâm lược. Vì vậy Hồ Chí Minh trong “Lịch sử nước ta” (diễn ca viết năm 1942) đã có hai câu thơ hoàn toàn xác đáng:
                              “Đời Trần văn giỏi, võ nhiều
                     Ngoài dân thịnh vượng, trong triều hiền minh”
Nhưng như chúng ta đã nói, bất cứ sự phát triển nào cũng có mặt trái của nó, do đó trong sự thịnh vượng, nếu tinh ý, sẽ thấy được mầm mống của sự suy vi. Để đánh giá mức độ tốt đẹp của một nền kinh tế có thể có nhiều chỉ tiêu, nhưng chỉ tiêu hàng đầu, cơ bản vẫn là mức độ của sự sung túc (của cải dồi dào, có miếng ăn miếng để). Một đất nước được cho là giàu có chưa chắc đã sung túc. Để đại bộ phận nhân dân còn đói khổ, thiếu thốn thì một đất nước làm sao mà gọi là sung túc được? Do đó, lấy bình quân thu nhập đầu người chung chung để đo sự sung túc là không chính xác, mà phải lấy bình quân thu nhập tối thiểu thực tế, chắc chắn có được sau khi đã đóng các loại nghĩa vụ, đã nộp đủ thứ lệ phí (lên trời?!), chắc chắn sử dụng được trong đời sống sinh hoạt thường nhật (hay chính xác hơn nữa là lượng lương thực thực phẩm có thể và chắc chắn qui đổi được từ khoản thu nhập bình quân ấy!). Tuy nhiên, bằng mắt “thịt” cũng có thể phán đoán được sự lành mạnh của một nền kinh tế. Khi còn thấy cảnh làng mạc tiêu điều, dân cư xơ xác, đền chùa vắng ế thì sự sung túc chưa đến đó hoặc đã bỏ đi rồi.
Mục đích và cũng là động lực ban đầu có tính cốt lõi, nền tảng của sự phát triển kinh tế là no ấm, tiếp theo là có dư dả để dành, tích lũy dự phòng, nghĩa là bắt đầu sung túc. Sự sung túc sẽ tất yếu dẫn đến nhu cầu về ăn ngon mặc đẹp rồi ăn sung mặc sướng (nghĩa là làm tăng trình độ tiêu dùng, cả về số lượng lẫn chất lượng). Việc đó tự thân nó cũng đã kích thích kinh tế phát triển theo hướng ưu tiên cho “cái mặc” (xây dựng nhà cửa, rình rang lễ hội, sắm sửa trang trí, tô điểm làm đẹp, “no lưng ấm cật dậm dật nơi nơi”, …). Sự sung túc cũng làm cho cuộc sống an toàn hơn, nhẹ nhàng hơn, vui tươi hơn và “thọ” hơn, trở thành một yếu tố làm tốc độ tăng dân số cao hơn. Những biểu hiện đáng phấn khởi đó, trong quá trình chuyển hóa của nó, sẽ dần dà làm xuất hiện những nảy sinh báo hiệu sự mất cân đối của nền kinh tế, sự không còn phù hợp giữa cung và cầu (đã quen với lối sống tiêu dùng mới, khó mà tiết giảm được!), giữa cách thức, qui mô sản xuất cũ với nhu cầu ngày một tăng (hoặc tăng nhanh hơn) của đời sống xã hội (trong đó phải kể đến sự lãng phí không nhỏ bởi sự kích thích tiêu dùng do cạnh tranh mà sự phát triển của khoa học - công nghệ, ở đây, cũng có một phần lớn trách nhiệm)… Những biểu hiện mất cân đối kinh tế sẽ ngày một bộc lộ rõ ràng và nếu không kịp thời phát hiện, chỉnh đốn, đề ra những chính sách thích hợp để đáp ứng được tình hình mới thì sự suy vi của một đất nước là không tránh khỏi và sự suy vi của một triều đại là tất yếu. Lúc đó chính là thời tao loạn và đại chúng chính là bộ phận phải chịu tổn thất trước tiên. Trong toàn cảnh ấy mà còn gặp phải thiên tai (thường thấy trong lịch sử) thì ôi thôi, sự tổn thất sẽ vô cùng bi đát, đau thương. Ngay bản thân chúng ta, chưa chắc đã thấm thía hết được câu ca dao sau đây của dân gian:
“Được mùa chớ phụ ngô khoai
Đến khi thất bát lấy ai bạn cùng”
Các triều đại phong kiến, khi đã đưa đất nước đến cực thịnh thì các đời vua sau, thường thì vì đã sống quen với nhung lụa, bạc vàng châu báu thừa thãi, ngồn ngộn có sẵn, với của ngon vật lạ, sơn hào hải vị thừa mứa tưởng tự nhiên mà có, với quyền lực vô hạn tưởng trời ban xuống, đã không còn cái tâm huyết vì dân vì nước của ông cha họ thời lập nghiệp, thời đấu tranh chống ngoại xâm. Những ông vua này có thể đã học, nhưng như những con vẹt, không hiểu được mảy may những bài học có được từ máu xương mà ông cha họ để lại. Họ cứ tưởng đời sống xã hội là bất biến, cứ như thế mãi, nên ưu tiên chú ý của họ chỉ là đề phòng, triệt hạ những nhòm ngó, những âm mưu tranh quyền đoạt vị trong chốn cung đình, trong nội tộc. Trong huyết quản họ, những sắc tố cao đẹp, tích cực của ông cha họ không còn nữa mà chỉ còn những sắc tố bản năng ăn, uống, chơi bời và ngủ mê ngủ mệt. Ở họ,  mặt phải nhân tính tốt đẹp hầu như không còn nữa, mặt trái xấu xa của nhân tính (chứ không phải thú tính như xưa nay đã hàm oan cho động vật hoang dã!) trở nên nổi trội… (Phải chăng ở đây, dù mờ nhạt, hình như có phảng phất biểu hiện của quá trình không phải là tiến hóa mà là thoái hóa thích nghi theo con đường rất giống với di truyền sinh học, hay chính là di truyền sinh học trong điều kiện mới?!)
Vì vậy, có thể nói hiện tượng thịnh - suy của một đất nước trong thời đại phong kiến là sự biểu hiện của một tiến trình theo qui luật vừa mang tính tự nhiên, vừa mang tính xã hội. Mọi triều đại phong kiến nói chung và triều đại nhà Trần nói riêng đều không thoát được sự tác động khắc nghiệt của qui luật ấy.
Có thể phán đoán, sự suy thoái cả về kinh tế lẫn chính trị khó lòng cứu vãn của đất nước Đại Việt thời nhà Trần đã thể hiện rõ ràng từ những năm đầu tiên của nửa sau thế kỷ XIV. Tuy nhiên sự bắt đầu thực sự của nó sớm hơn thời điểm đó, vào khoảng giữa nửa đầu thế kỷ.
Ngay từ năm 1293, nền kinh tế nước ta đã phục hồi thấy rõ. Dưới mắt của sứ thần nhà Nguyên là Trần Phu (được ông này ghi lại trong “An Nam tức sự” tập “Giao Châu cảo”) thì năm ấy nước ta đồng ruộng tươi tốt, chợ họp đông vui, hàng hóa trăm thứ bày la liệt; ở những ruộng muối, hàng nghìn thuyền tới buôn bán; tại phủ “Tinh Hoa”(tức Châu Hoan), có thuyền bè các nước tới tụ hội, mở chợ ngay trên thuyền, buôn bán rất sầm uất. Qua đó và qua những sử liệu về hoạt động đối nội và đối ngoại của nhà Trần, chúng ta thấy rằng vào những năm đầu thế kỷ XIV, đất nước Đại Việt đã tương đối giàu mạnh và tình hình đó tồn tại cũng khoảng 2 thập kỷ đầu của thế kỷ đó.
Năm 1314, Anh Tông nhường ngôi cho Hoàng thái tử Trần Mạnh, sử gọi là Trần Minh Tông. Minh Tông tự xưng làm Ninh Hoàng. Thượng hoàng Anh Tông vẫn giúp đỡ ông trông coi chính sự. Triều đại nhà Trần dưới thời Minh Tông tiếp tục duy trì sự thịnh vượng của các đời Anh Tông đã tạo nên. Sự thịnh thế này gọi là Anh Minh thịnh thế, kéo dài hơn 60 năm hưng thịnh.
(Còn tiếp)
-----------------------------------------------------------------



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét