Thứ Sáu, 4 tháng 12, 2020

TT & HĐ III - 24/c


                                                   Chế độ cộng sản sau giải phóng

PHẦN III:     NGUỒN CỘI 

" Đi đi con!
Trong khinh khi may nhớ nước non
Mà ôn lại cho đừng quên lịch sử
Bốn ngàn năm rồi, Việt Nam bất tử
Dằng dặc đoạn trường chống giặc ngoại xâm
Biết mấy đau thương, biết mấy anh hùng
Ghi tạc địa cầu bao chiến công hiển hách
..."

                                                                                Trần Hạnh Thu

"Lịch sử hoài thai chân lý, nó có thể kháng cự với thời gian, có thể dìm đi những việc cũ, nó là dấu tích của thời xa xưa, là gương soi của đương đại, là lời giáo huấn cho thế hệ sau."
                                                                 
Cervantes (Tây Ban Nha)

"Lịch sử là bằng chứng của thời đại, là ngọn lửa của chân lý, là sinh mệnh của kí ức, là thầy giáo của cuộc sống và là sứ giả của cổ nhân."
                                                                                                      Cicero (La Mã)
 
“Đừng chê cõi trần nhơ
Đừng khen cõi trần đẹp
Cõi trần là thản nhiên
Chỉ có đời nhơ, đẹp.” 
 Trần Hạnh Thu
.

CHƯƠNG XXIV: PHƯỢNG MÚA RỒNG BAY

"Việt Nam đất nước ta ơi
Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn
Cánh cò bay lả rập rờn
Mây mờ che đỉnh Trường Sơn sớm chiều
Quê hương biết mấy thân yêu
Bao nhiêu đời đã chịu nhiều thương đau..."

(Trích "Việt Nam quê hương ta" - Nguyễn Đình Thi)

“Triết lý Á Đông là cuộc sống phải hòa hợp với thiên nhiên. Mỗi người là một tiểu vũ trụ hòa hợp trong đại vũ trụ. Chính thiên nhiên Hà Nội giúp người ta hòa hợp một cách dễ dàng cái tôi chủ thể với bản thể vũ trụ huyền bí và mênh mông. Tự thân mình trong môi trường ấy đã có sự hòa hợp rồi… Tất nhiên là Sài Gòn rất đẹp… Nhưng Sài Gòn khác Hà Nội. Đi giữa Sài Gòn, mình có cái bồn chồn của một doanh nhân đi tìm mối hàng, hay đi tìm quán nhậu, còn đi giữa Hà Nội, tự nhiên ta thư thái như một lãng tử. Ngồi ở một góc nào đấy tại Hà Nội là có thể nghĩ về đất nước và quên đi xung quanh không cần một cố gắng nào hết. Nhưng mấy chục năm nay người ta đã phá hoại quá nhiều môi trường sinh thái văn hóa tự nhiên lắng đọng từ hàng nghìn năm… May mà dự án thủy cung Thăng Long thất bại chứ không Hồ Tây cũng đã bị xâm hại rồi… “Đứng cạnh Hồ Tây có thể quên được trời đất”. Đó là lời của ông tham tán văn hóa Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam - Pauli Mustonen nói với tôi trong buổi tối chia tay với ông, một buổi tối Hồ Tây mù sương. Nhưng sau một lúc ngẫm nghĩ, ông ấy nói: “Không biết khi tôi có dịp sang lại Việt Nam thì Hồ Tây có còn là Hồ Tây như bây giờ hay không”. Nghe câu nói ấy, chúng tôi đều trầm hẳn xuống và man mác buồn”
(Giáo sư Nguyễn Huệ Chi)
 
 
 
 
 (Tiếp theo)
***


Vui thế đủ rồi! Chúng ta làm bài tập:
Sau Giải Phóng, giải giáp cơ cấu chính quyền cũ cùng với công cụ bạo lực của nó, lập chính quyền mới, trấn áp những kẻ ngoan cố chống đối, trên tinh thần triệt để, kiên quyết nhưng khoan dung, nhân nghĩa. Đó là việc đương nhiên phải làm ngay, khỏi bàn. 
Đồng thời với việc đó là nhanh chóng ổn định đời sống dân cư trên cả nước, nhất là những vùng từng là bãi chiến trường, bị tàn phá nặng nề. Muốn thế phải chú ý lập tức đến kinh tế mà việc đảm bảo cung ứng lương thực thực phẩm cho xã hội là trung tâm của sự chú ý ấy vì nó đặc biệt cấp bách. Yêu cầu cấp bách về cung ứng lương thực thực phẩm nói riêng và sản phẩm tiêu dùng nói chung bộc lộ ra ai cũng có thể thấy và dễ thấy, đòi hỏi phải giải quyết khẩn trương không kém, nếu không, tùy mức độ trầm trọng của tình trạng cụ thể đối với từng đất nước mà đất nước đó có thể lâm vào nguy khốn hoặc thảm họa. Vậy thì cần giải quyết như thế nào, theo phương sách nào cho thỏa đáng, đạt hiệu quả tối ưu, vừa giải tỏa được tình trạnh hiện tại, vừa đặt được bước đi nền móng cho xây dựng tương lai?
Đến đây, dứt khoát buộc nhà nước phải lựa chọn một trong hai; hoặc là tiến hành cải tạo kinh tế miền Nam theo mô hình kinh tế tập trung, có kế hoạch của miền Bắc XHCN (mà thực ra chỉ là nhãn mác chứ chưa mang nội dung đích thực; tính kế hoạch không mang hơi thở sinh động của cuộc sống mà đầy ý chí “sáng lòa”; chưa được kiểm chứng trong hoạt động thời bình), thành một khối thống nhất, từng bước vững chắc “tiến lên hàng đầu”; hoặc là cứ tạm để cho nền kinh tế từng miền tiếp tục hoạt động theo phương thức riêng mà chúng vốn dĩ đã từng, để giải quyết cái trước mắt, sát sườn, để không làm đổ vỡ cơ sở vật chất của nền kinh tế có sẵn ở miền Nam, cũng như tạo thời gian kiểm chứng lại cơ sở lý luận của nền kinh tế miền Bắc?
Thực tế lịch sử đã cho thấy lãnh đạo đất nước lúc đó, tin theo sự vạch đường chỉ lối của học thuyết Mác - Lê, đã chọn phương án 1 và làm xuất hiện “đêm trước đổi mới” tối thui như đêm ba mươi. Thông thường, theo lẽ tự nhiên, sau những cuộc cách mạng, những cuộc chiến tranh, những cuộc trì trệ làm suy vong đời sống xã hội, bao giờ người ta cũng ưu tiên phục hồi đời sống vật chất xã hội trong quá trình phục hồi kinh tế. Do đó, vì dốt, thiếu kiến thức và theo tập quán lịch sử,  nếu được chọn, chúng ta sẽ chọn phương án 2 (tức giữ nguyên) - chấp nhận ngay từ đầu đa thành phần sở hữu, thị trường tự do và để cho người nông dân có quyền được suy nghĩ, lựa chọn kiểu làm ăn trên thửa ruộng của họ (không cần phải “đợi” đến thời đổi mới, phải trả giá rồi cũng “buộc”phải chấp nhận!).
Lựa chọn phương án 2 có nghĩa không những là chấp nhận hiện trạng của nền kinh tế miền Nam mà còn bao dung, khuyến khích và hỗ trợ thêm cho cái hiện trạng ấy hoạt động hết công suất. Sự làm giàu chính đáng phải được tôn vinh! Sự ỷ lại, làm công, vô trách nhiệm vì nạn “cha chung…” làm mất động lực trong hăng say lao động, trong hứng thú sáng tạo, làm giàu, phải bị dẹp bỏ. Một thời tranh đấu, “vì nước quên thân”, thắt lưng buộc bụng vì sự nghiệp cách mạng, “mỗi người làm việc bằng hai” để cống hiến thặng dư xây dựng CNXH, đã qua rồi. Trong thời khoảng cao trào, những cử chỉ, hành động bất khuất, đầy hy sinh ấy xuất hiện hàng loạt và được đời sau kính phục, biết ơn. 
Nhưng dù sao thì đó cũng chỉ là những biểu hiện của não trạng được kích thích đến phấn khích cao độ chứ không phải của não trạng con người bình thường vì trái với tâm, sinh lý thông thường, đã được tiến hóa thích nghi hun đúc hàng triệu năm. Thường tình, ai mà không muốn ấm no, hạnh phúc, giàu sang phú quý. Vậy thì trong thời bình việc hô hào dân chúng tự giác “mình vì mọi người” trước rồi sẽ được hưởng “mọi người vì mình” là tréo ngoe, phi lý, theo thuyết "kiêm ái" đầy khiên cưỡng của Mặc Tử. Tạo sao không khuyên làm cách đơn giản, trực tiếp đỡ “vòng vèo” hơn như: “Phần đất của anh đấy, phân, giống, nông cụ đều có bán ở chợ đấy, hãy tự nuôi sống mình và tìm cách mà sung túc giàu có để đóng góp nghĩa vụ càng nhiều càng tốt cho nhà nước, làm từ thiện cho xã hội cùng là đồng bào ruột thịt với nhau cả!...”?
Thực hiện phương án 2, chúng ta cam đoan sẽ nhanh chóng giải quyết được những khó khăn chồng chất lên một đất nước vốn dĩ đã nghèo đói bởi sự bóc lột của thực dân; lại mới thoát ra khỏi cuộc chiến tranh có tính hủy diệt hàng nhất nhì trong thế kỷ XX. Cụ thể là:
- Nhờ có sẵn 3 vựa lúa lớn là đồng bằng Cửu Long, đồng bằng Bắc Bộ, đồng bằng Tuy Hòa, và nhờ sự hứng khởi của lực lượng nông dân vì được tự do làm ăn trong một đất nước độc lập, hòa bình mà nạn thiếu lương thực thực phẩm sẽ không xảy ra hoặc nếu có xảy ra thì cũng rất nhanh chóng được khắc phục.
- Nhờ tiếp quản được hầu như nguyên vẹn nền công thương nghiệp miền Nam và có sẵn cơ sở công nghiệp miền Bắc, với lực lượng lao động dồi dào có được sau Giải Phóng (phần lớn lực lượng tham gia phục vụ chiến tranh của cả hai phía trở về đời thường), trong không khí hòa hợp bao dung đối với các nhà tư sản vì sự phục hưng đất nước, chắc chắn hàng tiêu dùng thiết yếu như xà phòng, vải vóc… sẽ đáp ứng được cho xã hội lúc đó chứ không khan hiếm kỳ lạ như “Đêm trước…”. Và chắc chắn sẽ không xuất hiện khái niệm “hàng chậm luân chuyển” như đã xuất hiện; không xuất hiện hàng hóa tịch thu của tư sản chất như núi ở tổng kho Cô Bắc, lợi ích không biết được bao nhiêu nhưng lộ phí của nhiều kẻ vượt biên đã có được từ đó và chính chúng ta thấy có ít nhất hai “đại gia” sau này phất lên là nhờ ăn cắp “đồ tịch thu tư bản” từ những ngày làm việc ở đó.
- Khi chấp nhận thị trường tự do, sự thông suốt của lưu chuyển hàng hóa không những không làm xuất hiện sự khan hiếm giả tạo, cục bộ ở các địa phương mà còn kích thích sản xuất trong khắp cả nước. Mặt khác nó sẽ không làm xuất hiện một đội ngũ kiểm soát, quản lý thị trường quá cồng kềnh, vì thiếu hiểu biết nên chẳng có tình lẫn lý, vừa tốn không ít cơm gạo để nuôi, vừa trở thành một công cụ sách nhiễu dân tình, gây mất lòng dân nhất, chẳng ích gì mà ngày càng “đổ đốn” di hại đến mãi về sau.
- Có thể rằng quá trình thực hiện phương án 2 sẽ tạo nên diện mạo đất nước là: đời sống nông thôn sẽ nhanh chóng sung túc, người nông dân có của ăn của để, ngày một giàu có nhờ xuất khẩu lúa gạo. Từ đó họ có thể mua sắm thêm công cụ, máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp (ở đây, chúng ta mở rộng khái niệm “nông nghiệp” là bao gồm nông, lâm, ngư nghiệp…) để tăng năng suất hơn nữa. Nhờ thế, mức sống người dân ở khu vực nông nghiệp, nhìn chung có khả năng sẽ cao hơn người dân ở những khu vực công nghiệp, ở các vùng thành thị. Nhu cầu mua sắm để phát triển nông nghiệp sẽ góp phần quan trọng kích thích công nghiệp phát triển, chuyển hóa một bộ phận của nó sang phục vụ một cách trước mắt cũng như về lâu về dài cho sản xuất nông nghiệp. Chính điều này sẽ làm xuất hiện ý tưởng để vạch đường hướng cho bước tiếp theo trong sự nghiệp xây dựng đất nước. Đường hướng đó là: xây dựng và phát triển đất nước toàn diện mà trung tâm là xây dựng và phát triển nền nông nghiệp; công nghiệp hóa phải là ưu tiên công nghiệp hóa nông nghiệp, phát triển nhưng không được xâm phạm cũng như phải có nghĩa vụ bảo vệ tài nguyên thiên nhiên hiện đang khai thác hoặc ở dạng tiềm năng như sông ngòi, đất đai, khí hậu… của sản xuất nông nghiệp.
Một đất nước, do hoàn cảnh địa lý, không có tiềm năng về sản xuất lương thực thực phẩm thì muốn kiếm miếng ăn, họ buộc phải dùng tiểu thủ công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng phi lương thực để trao đổi, mua bán và việc ưu tiên công nghiệp hóa, tạo dựng một nền đại công nghiệp có thể là hướng đi đúng đắn của nước đó. Nhưng một nước có điều kiện địa lý - khí hậu ưu đãi, có tiềm năng đất trồng trọt dồi dào và to lớn để phát triển nông nghiệp, trực tiếp làm ra lương thực thực phẩm và có thể giàu có lên từ lĩnh vực sản xuất ấy lại lấy công nghiệp hóa làm trung tâm của sự phát triển thì thật là…một sự bắt chước mù quáng, buồn cười. Trong thời đại ngày nay một vùng nông thôn giàu có có thể mua mọi thứ hàng công nghiệp, kể cả tàu du hành vũ trụ mà chỉ cần phải xây tối thiểu số khu công nghiệp  ở đó. Khủng hoảng của nền kinh tế là do sự hỗn loạn trong hoạt động công nghiệp gây ra và nó gây tác hại trước tiên và nặng nhất vào lực lượng lao động ở khu vực ấy. Do đó phải thận trọng, phải xác định được mức độ cũng như những mục đích ưu tiên, hợp lý trong tiến trình công nghiệp hóa.
Chế độ phong kiến ở châu Âu, với một tầng lớp thống trị vô cùng xa hoa, phè phỡn, phản dân, và một quần chúng nông dân bị bóc lột thậm tệ đến đói khổ cùng cực đã làm sự tương phản giàu - nghèo trở nên sâu sắc. Mối quan hệ giàu - nghèo trở nên gay gắt cao độ đã là một trong những động lực cho khoa học - kỹ thuật phát triển vượt bậc và cùng với khoa học - kỹ thuật đã tạo tiền đề ra đời cuộc cách mạng công nghiệp - công nghiệp hóa tư bản chủ nghĩa. Có thể nói công nghiệp hóa tư bản chủ nghĩa là một tất yếu lịch sử, là lẽ đương nhiên, là hợp lý ở thời đoạn ấy, và chỉ có thế. Ở thời đoạn khác và đối với một đất nước cụ thể, nhất là trong thời đại nền kinh tế có tính toàn cầu như ngày nay đồng thời với đà phát triển hàng ngày, hàng giờ của khoa học - công nghệ như ngày nay, không hẳn cứ phải lấy công nghiệp hóa làm nhiệm vụ hàng đầu cho sự phát triển mới là đúng đắn, không những chưa chắc đúng mà còn tai hại vì sự cạnh tranh ở thị trường tự do sẽ mở rộng và làm tăng nhu cầu tiêu dùng lên thái quá, gây lãng phí rất lớn và nếu không khéo, còn tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp, ngành vốn không những dứt khoát phải duy trì mà còn phải luôn phát triển lên hiện đại để đáp ứng nạn nhân mãn trong hoạt động sống của loài người một khi đất đai vẫn còn là điều kiện tiên quyết để làm ra lương thực thực phẩm đối với con người.
Nhà nước vì dân không thể có bất cứ quyền lợi nào vì nó chỉ là một công cụ, một bộ máy của toàn dân, phục vụ quyền lợi của toàn xã hội. Vì nó chẳng có lợi ích nào nên khi nói đến lợi ích của nhà nước thì cần hiểu là lợi ích của đại đa số nhân dân trong xã hội mà ta thường gọi là Đại Chúng. Để cho bộ máy đó hoạt động hiệu quả đúng với khẩu hiệu “Vì nhân dân phục vụ” thì trước hết phải biết cách chắt lọc được những nhân vật ưu tú nhất trong xã hội làm nên bộ máy đó, sao cho nó tinh gọn, không cồng kềnh, ỳ ạch mà vẫn đảm đương xuất sắc nhiệm vụ khó khăn do Đại Chúng giao phó ("Quân cốt tinh nhuệ, không cốt đông", binh pháp mọi thời đã dạy thế!). Tiếp theo, để bộ máy đó hoạt động trơn tru, nhiệt tình và trong sáng, Đại Chúng phải biết, thực sự phải có quyền, có nghĩa vụ và có trách nhiệm chăm lo, bảo dưỡng thường xuyên và kiên quyết, kịp thời thay thế những “chi tiết” đã “hư hỏng” trong đó (đừng có tiếc mà làm tê liệt cả bộ máy!). Nghĩa là phải tìm ra một cách thức thích hợp để lựa chọn và trả công xứng đáng cho những người làm công trong bộ máy nhà nước vì dân, giúp họ có thu nhập mà ở địa vị nào đó và với trình độ năng lực nhất định, không thể mơ ước hơn được, để họ toàn tâm toàn ý thực thi nhiệm vụ, ứng xử có văn hóa trước dân tình…Cần xây dựng một nhà nước làm tròn nhiệm vụ đó!
Xây dựng kinh tế đất nước lấy phát triển, hiện đại hóa nông nghiệp làm trung tâm, tích cực công nghiệp hóa theo hướng hỗ trợ, phục vụ nông nghiệp, chế biến các sản phẩm thuộc nông lâm thủy sản và có nguồn gốc nguyên liệu từ nông nghiệp, tăng cường lượng hàng xuất khẩu để nhập khẩu vật tư hàng hóa thiết yếu, còn thiếu trong đời sống kinh tế muôn mặt của xã hội, sẽ tạo ra đủ công ăn việc làm cho lực lượng lao động trong nước cũng như phân bố hợp lý và đồng đều lực lượng ấy, giảm áp lực dân cư lên những trung tâm đô thị, đồng thời cũng làm cho hai lực lượng công, nông gắn kết tự nhiên với nhau thành một khối công - nông thống nhất, bền vững…
Quần chúng đi theo cách mạng chống xâm lăng cứu nước là vì yêu nước. Tinh thần yêu nước và quật khởi chống xâm lăng đã trở thành truyền thống quí báu của cả dân tộc ấy là nhờ sự hun đúc từ những bài học, kinh nghiệm có được từ lịch sử, từ thực tiễn này: vì tham lam vô độ nên bất cứ kẻ xâm lược nào cũng tàn bạo; đè đầu cưỡi cổ dân tộc, vơ vét, cướp bóc đến tận xương tủy người dân, đến kiệt cùng tài nguyên thiên nhiên đất nước, và chà đạp thô bạo lên mồ mả tổ tiên, lên quyền được sống của con người; vì vậy mà phải đứng lên kiên quyết đánh đuổi chúng đi để giành quyền sống cho dân tộc. Xét cho cùng, truyền thống đó có căn nguyên từ nguyên lý phổ biến: ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh. (Nguyên lý này, đến lượt nó, có cội nguồn sâu xa từ nguyên lý tác động - phản ứng!). Do đó, có thể nói nôm na rằng ước nguyện thiết tha của Đại Chúng khi đi theo cách mạng là mong sao có được độc lập, tự do để yên ổn làm ăn, mưu cầu ấm no, hạnh phúc. Nghĩ sao đây khi đất nước hoàn toàn độc lập rồi nhưng dân chúng vẫn chưa có tự do làm ăn? Chỉ có thể hiểu cuộc cách mạng đó hoặc là mị dân, hoặc là phản bội, nếu không thì có nghĩa là quan niệm chưa đúng về tự do nên đã phạm sai lầm trong hành động thực tiễn…Cũng qua công cuộc xây dựng này, chúng ta sẽ điều chỉnh lại toàn bộ nhận thức về CNXH, nhằm giải phóng tư tưởng, vượt thoát những suy nghĩ cực đoan, giữ lại những mầm mống tốt đẹp đã xây dựng được từ trước trong giáo dục, y tế...
Vậy thì chọn phương án 2 là tối ưu? Chúng ta dám nói chắc rằng nếu có nó thì ít ra sẽ không có "Cái đêm hôm đó, đêm gì?" và cũng đương nhiên là không có Đổi Mới (vì làm gì có cái nguyên nhân sinh ra nó!?).
Ngày Giải Phóng 30 - 4 - 1975 đã lùi xa và có lẽ một thế hệ con người đã đi qua với bao nhiêu nỗi niềm, bao nhiêu suy nghĩ dằn vặt, bao nhiêu vật đổi sao dời. Thời gian đã đủ chín để làm cho ưu khuyết về nhận thức và hành động của một thời lộ rõ. Nhìn lại, nếu cho chúng ta thực hiện lại ngày Giải Phóng và những năm tháng sau đó, chắc chắn chúng ta sẽ hành động khác nhiều điều, nhân đạo hơn, hợp tình hợp lý hơn, chẳng hạn là không có học tập cải tạo, không có đánh tư sản, không ép buộc thanh niên phải ăn mặc, đầu tóc chỉn chu theo quan niệm cộng sản thời bấy giờ..., phải xây dựng kinh tế theo phương án 2 và từ đó, biết đâu chừng, sẽ vạch ra một định hướng khác để đi lên CNXH, phù hợp hơn với tiến trình đi lên của lịch sử nhân loại. 
Bài luận văn của chúng ta đã xong. Không biết nếu có NTT ở đây, ông ta sẽ chấm nó mấy điểm? “Một điểm chứ mấy! Rặt những hoang tưởng thiếu hiểu biết và không có lập trường kiên định!”. Đâu đó trong cái bao la mây trời lộng gió, văng vẳng tiếng chê bai phũ phàng làm chúng ta giật mình. Chắc là của NTT, vì chỉ có ông ta mới biết tỏng cái sở học chưa hơn cọng cỏ của chúng ta thôi!…
(Còn tiếp)
------------------------------------------------------------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét