Thứ Tư, 9 tháng 12, 2020

TT & HĐ III - 24/h

                                              THÁNH GIÓNG - ĐỆ NHỊ BẤT TỬ


PHẦN III:     NGUỒN CỘI 

" Đi đi con!
Trong khinh khi may nhớ nước non
Mà ôn lại cho đừng quên lịch sử
Bốn ngàn năm rồi, Việt Nam bất tử
Dằng dặc đoạn trường chống giặc ngoại xâm
Biết mấy đau thương, biết mấy anh hùng
Ghi tạc địa cầu bao chiến công hiển hách
..."

                                                                                Trần Hạnh Thu

"Lịch sử hoài thai chân lý, nó có thể kháng cự với thời gian, có thể dìm đi những việc cũ, nó là dấu tích của thời xa xưa, là gương soi của đương đại, là lời giáo huấn cho thế hệ sau."
                                                                 
Cervantes (Tây Ban Nha)

"Lịch sử là bằng chứng của thời đại, là ngọn lửa của chân lý, là sinh mệnh của kí ức, là thầy giáo của cuộc sống và là sứ giả của cổ nhân."
                                                                                                      Cicero (La Mã)
 
“Đừng chê cõi trần nhơ
Đừng khen cõi trần đẹp
Cõi trần là thản nhiên
Chỉ có đời nhơ, đẹp.” 
 Trần Hạnh Thu
.

CHƯƠNG XXIV: PHƯỢNG MÚA RỒNG BAY

"Việt Nam đất nước ta ơi
Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn
Cánh cò bay lả rập rờn
Mây mờ che đỉnh Trường Sơn sớm chiều
Quê hương biết mấy thân yêu
Bao nhiêu đời đã chịu nhiều thương đau..."

(Trích "Việt Nam quê hương ta" - Nguyễn Đình Thi)

“Triết lý Á Đông là cuộc sống phải hòa hợp với thiên nhiên. Mỗi người là một tiểu vũ trụ hòa hợp trong đại vũ trụ. Chính thiên nhiên Hà Nội giúp người ta hòa hợp một cách dễ dàng cái tôi chủ thể với bản thể vũ trụ huyền bí và mênh mông. Tự thân mình trong môi trường ấy đã có sự hòa hợp rồi… Tất nhiên là Sài Gòn rất đẹp… Nhưng Sài Gòn khác Hà Nội. Đi giữa Sài Gòn, mình có cái bồn chồn của một doanh nhân đi tìm mối hàng, hay đi tìm quán nhậu, còn đi giữa Hà Nội, tự nhiên ta thư thái như một lãng tử. Ngồi ở một góc nào đấy tại Hà Nội là có thể nghĩ về đất nước và quên đi xung quanh không cần một cố gắng nào hết. Nhưng mấy chục năm nay người ta đã phá hoại quá nhiều môi trường sinh thái văn hóa tự nhiên lắng đọng từ hàng nghìn năm… May mà dự án thủy cung Thăng Long thất bại chứ không Hồ Tây cũng đã bị xâm hại rồi… “Đứng cạnh Hồ Tây có thể quên được trời đất”. Đó là lời của ông tham tán văn hóa Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam - Pauli Mustonen nói với tôi trong buổi tối chia tay với ông, một buổi tối Hồ Tây mù sương. Nhưng sau một lúc ngẫm nghĩ, ông ấy nói: “Không biết khi tôi có dịp sang lại Việt Nam thì Hồ Tây có còn là Hồ Tây như bây giờ hay không”. Nghe câu nói ấy, chúng tôi đều trầm hẳn xuống và man mác buồn”
(Giáo sư Nguyễn Huệ Chi)
 
 
 
 
 (Tiếp theo)
 
 
Theo lẽ tự nhiên về sự phát triển và luật nhân - quả thì nền văn minh sông Hồng với phạm vi khu vực rộng lớn là đồng bằng Bắc Bộ, không thể xuất hiện ngay như có phép màu được, mà nó phải có một “lịch sử”, nghĩa là trải qua những trạng thái từ thấp đến cao, với phạm vi từ nhỏ đến lớn, phù hợp với những điều kiện hoàn cảnh về tự nhiên - xã hội (được gọi là “chín muồi”) ở từng giai đoạn cụ thể, biểu hiện ra như một tiến trình vừa liên tục vừa gián đoạn. Theo đó, chúng ta cho rằng vùng Hà Nội cổ với vị trí “địa linh” của nó (là “điểm” trung dung, vừa Vô cực vừa Thái cực, là “thể thứ ba” của các mối tương quan về địa lý - khí hậu…) đã mặc nhiên làm cho nó luôn là trung tâm của nền văn minh sông Hồng (ngày nay, có thể nó vẫn còn đặc tính này dù đã có nhiều biến động lớn lao?), và đồng thời là hạt nhân lan truyền, là yếu tố ban đầu làm hình thành nên nền văn minh ấy. Cái nhân ấy, đến lượt nó, được tạo dựng ra từ sự hội tụ “nhân kiệt” về “địa linh”.
Chúng ta đoán định rằng khu vực quần tụ dân cư đầu tiên trong quá trình lan tỏa dân cư ra Châu thổ đồng bằng Bắc Bộ chính là vùng đất Hà Nội. Vùng đất ấy đã đóng vai trò như căn cứ xuất phát, như “bàn đạp” tiến ra miền duyên hải trong thời đại Lạc Long Quân dẫn 50 người con đi chinh phục thiên nhiên, khai trời mở đất, để tìm sống. Tiếp theo, sự phát triển đã làm cho vùng đất Hà Nội trở thành một trung tâm kinh tế - xã hội quan trọng bậc nhất trong buổi đầu, rồi đóng vai trò như linh hồn, đầu não đất nước ở giai đoạn sau của thời các vua Hùng dựng nước và giữ nước. Phải chăng trong quá trình tạo dựng đó, tự nhiên xuất hiện những yêu cầu trong vùng đất trọng yếu ấy phải có một trung ương quyền lực để điều hành trong việc xây dựng, bảo vệ nó và đồng thời cũng là cho đất nước? Phải chăng sự đòi hỏi đó đã làm bật ra trong đầu các vua Hùng cái quyết định xây dựng Cổ Loa thành và sau khi việc xây dựng đó hoàn thành (ở qui mô và dạng thức đầu tiên!), các vua Hùng đã “dời đô” về đó? Nếu đúng như thế thì Cổ Loa chính là thủ đô của nước Văn Lang và vùng Hà Nội đã là “Đất thần kinh”, đã là “kẻ chợ” của Tổ Quốc Việt Nam ngay từ dạo ấy rồi!
Nhưng “dạo ấy” cụ thể hơn là thời điểm nào? Lịch sử truyền thống đã không thể cho chúng ta biết điều đó. Đành phải suy tưởng ra! Dù có thể là rất phiêu lưu, nhưng biết đâu chúng ta lại gặp may mắn.
Trước hết, trái với nhận định của sử học và khảo cổ học, chúng ta cho rằng Cổ Loa, đóng vai trò như trung tâm hành chính, nơi tụ hội dân cư như một kinh đô, đã xuất hiện từ rất sâu trong thời đại Hùng Vương mà Cổ Loa ở đời Thục Phán là “hậu duệ” đã được tu bổ, tạo tác qui mô hơn của nó. Phải cho rằng “kinh đô” đó đã có trước cả đời vua Hùng thứ VI, nghĩa là cuộc đấu tranh chống quân xâm lược nhà Ân do Thánh Gióng chỉ huy đã đánh tan giặc, không cho chúng kịp xâm chiếm kinh đô Cổ Loa và đồng thời cũng bảo vệ được đất nước Văn Lang.
Theo sử Trung Quốc thì triều đại nhà Ân - Thương tồn tại trong khoảng thế kỷ XVI - năm 1066 TCN. Lúc đầu gọi là nhà Thương: Vua Thương dời đô nhiều lần, đến cháu 10 đời của Thang (vua Thương đầu tiên) là Bàn Canh thì dời đến Ân ở phía bắc Hoàng Hà (thuộc tỉnh Hà Nam). Từ đó triều Ân Thương được gọi là triều Ân. Nếu tính đời một vua Thương trung bình là 50 năm, thì 10 đời vua Thương là khoảng 500 năm. Vậy thì giai đoạn mà triều Ân - Thương được gọi là Ân ấy là trong khoảng thế kỷ XI - năm 1066 TCN và Thánh Gióng chỉ có thể đánh tan giặc Ân trong khoảng thời gian đó thôi.
Mặt khác, chúng ta đều biết rằng vào năm 258 TCN, Thục Phán đã lật đổ triều đại vua Hùng (đã ở thế suy yếu), xưng là An Dương Vương và cải tên nước là Âu - Lạc (ghép từ tên của hai dân tộc anh em Lạc Việt, Âu Việt ?). Nghĩa là triều đại các vua Hùng chấm dứt tồn tại vào cuối thế kỷ III TCN. Ngoài ra, còn có thêm hai thông tin quan trọng nữa là triều đại Hùng Vương gồm 18 đời vua và Thánh Gióng đánh giặc Ân vào đời thứ 6. Dễ dàng thấy đời vua Hùng thứ 6 tồn tại trong khoảng thế kỷ XI - năm 1066 TCN. Nhưng năm 1066 TCN cũng thuộc về thế kỷ XI TCN. Để khỏi thấy “kỳ kỳ thế nào ấy”, phải cho rằng việc lấy thời gian trị vì trung bình của một vua Thương là 50 năm có vẻ “hơi bị” nhiều, do đó cần cho giảm xuống khoảng 30 - 40 năm, thậm chí là thấp hơn nữa. Do đó ít ra triều Ân phải tồn tại được trong suốt khoảng thế kỷ XIII - 1066 TCN và đời vua Hùng thứ 6 trị vì nước Văn Lang cũng ở đâu đó trong khoảng thời gian ấy, có thể là ở thế kỷ XIII TCN.
Sau vua Hùng thứ 6, triều đại Hùng Vương còn truyền được 12 đời nữa cho đến năm 258 TCN. Nếu cũng lấy trung bình một đời vua Hùng là 50 năm và chọn năm 200 TCN làm mốc thì 12 đời vua Hùng là 600 năm. Suy ra đời vua Hùng thứ 6 chỉ có thể xuất hiện vào khoảng năm 850 TCN (600+200+50=850). Ở bên Trung Quốc, đó là thời nhà Chu vì nhà Ân đã trở thành thiên cổ từ lâu rồi! Thế thì một đời vua Hùng phải chọn trung bình là bao nhiêu?
Vì đã suy đoán rằng vua Hùng thứ 6 tồn tại ở giữa thế kỷ XIII TCN nên chúng ta có thể chọn năm 1250 TCN làm thời điểm xuất hiện đời vua Hùng thứ 7 và do đó một đời vua Hùng lấy trung bình lúc này là:
                  (1250 - 250) : 12 = 83,33 năm
Nếu chọn năm 1150 TCN thì có kết quả là:
                  (1150 – 250) : 12 = 75 năm
Chẳng ai lấy những kết quả trên để làm giá trị trung bình đếm thời gian cả vì “xấu”quá. Cố lắm cũng lấy những số “dễ nhớ” như 90 hay 80, nhưng nếu thế thì sao không lấy giá trị 100 trong hệ cơ số mười, dễ nhớ nhất? Có thể nào, theo quan niệm thời xưa; đời người là 100 năm mà dân gian đã lấy nó làm đơn vị gọi là “đời vua Hùng” để xác định thời gian tồn tại của triều đại Hùng Vương nhằm dễ dàng lưu giữ trong ký ức của mình và 18 đời vua Hùng có nghĩa là 18 thế kỷ hay 1800 năm? Nếu điều suy đoán này đúng thì 12 đời vua Hùng là 1200 năm và như vậy đời vua Hùng thứ 6 phải tồn tại trong khoảng thời gian trước thời điểm năm 1400 TCN, nghĩa là trong thế kỷ XV TCN. Nhưng lúc đó thì bên Trung Quốc, triều Thương hay triều Ân đang trị vì? Hơn nữa, có chắc là triều đại Ân Thương đã tồn tại trong thời gian khoảng từ thế kỷ XVI TCN đến năm 1066 TCN hay không?
Rất may, Nguyễn Hiến Lê và Thiên Giang (trong “Lịch sử thế giới”, NXB Văn hóa Thông Tin, năm 1977) lại cho rằng nhà Ân Thương tồn tại hơn 600 năm, từ 1783-1135 TCN. Chúng ta vớ ngay “cái cọc” này để khỏi phải chết chìm trong bãi lầy mâu thuẫn: cho nhà Ân Thương tồn tại với khoảng thời gian từ thế kỷ XVIII đến thế kỷ XII TCN là chân lý. Khi đó tên gọi triều Ân xuất hiện trong thế kỷ XV TCN nghe có vẻ hợp lý hơn và việc cho rằng vua Hùng thứ 6 tồn tại trong thế kỷ này đã làm cho chúng ta rất chi là… vừa lòng.
Qua những mô tả trong truyền thuyết Thánh Gióng thì đời sống dân cư thời đó rất sung túc, làng mạc trù phú, và vào thời trị vì của vua Hùng thứ 6, nước Văn Lang đang ở trong sự thịnh vượng. Lúc đó Cổ Loa Thành đã là kinh đô của đất nước từ lâu, có thể là rất lâu rồi. Nếu lấy đời vua Hùng là 100 năm như trên thì vì 1800 + 250 = 2050 năm nên việc nước Văn Lang xuất hiện vào trên dưới năm 2050 TCN là có thể chấp nhận được và cách nói theo quan niệm phổ biến của dân gian như: “Nước ta đã có hơn 4 ngàn năm văn hiến”; “lịch sử hơn 4 ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta…”, là không ngoa ngoắt chút nào.
Và cũng không ngoa nếu chúng ta nói rằng: kế thừa thành quả tạo dựng của thời đại Lạc Long Quân, Hùng Vương đã lập nước Văn lang vào khoảng năm 2050 TCN (thậm chí có thể còn sớm hơn thời khoảng này rất nhiều nếu quan niệm theo triết học duy tồn về nguồn gốc nhà nước!) và sau đó không lâu, Hùng Vương đã cho xây dựng Cổ Loa Thành và đóng đô ở đó.
Kính thưa Thủy Tổ Dân tộc Việt, trong chiều sâu tâm khảm, với quan niệm riêng tư về nhà nước và đất nước, chúng con tin tưởng mãnh liệt vào điều này: Tổ Quốc Việt Nam cổ đại đã định hình ngay từ thời đại Lạc Long Quân - Âu Cơ, sau công cuộc vạch đường mở lối, vỡ hoang của Kinh Dương Vương, mà hình thái kinh tế - xã hội bấy giờ theo thể chế, tạm gọi là “Liên bang nguyên thủy”, đã có đủ những biểu hiện về Độc lập, Tự do, Dân chủ, Đoàn kết hiểu theo nghĩa đúng và đẹp nhất mà văn minh ngày nay còn phải mơ ước! Cái thể chế ấy đã được Hùng Vương tiếp nối, kế thừa những gì quí báu nhất, để xây dựng đất nước Văn Lang ngày một giàu mạnh và đạt cực thịnh vào khoảng thời gian cuối nửa đầu tồn tại của một thời đại dài xuyên suốt trên dưới 4000 năm.
Phân định một cách siêu hình, chúng ta còn tin tưởng rằng “trung tâm quyền lực” đóng vai trò như kinh đô, hay cứ gọi là thủ đô, thời Kinh Dương Vương - Lạc Long Quân là ở trong thung lũng Mường Hoa, có thể là ngay tại bãi đá cổ Sa Pa; của thời Lạc Long Quân - Hùng Vương ở đâu đó tại Việt Trì - Vĩnh Phúc và gần như của suốt thời Hùng Vương chính là Cổ Loa thành. Nếu thế và cũng trên cơ sở những di tích khảo cổ có được thì Cổ Loa thành, ngay từ đầu đã từng là thủ đô của một đất nước có nền văn minh lúa nước rực rỡ bậc nhất không phải chỉ riêng ở Đông Nam Á!
Trước một đồng bằng châu thổ mênh mông sông nước, vũng đầm với những đặc điểm thổ nhưỡng, thời tiết khí hậu, vừa hứa hẹn một tương lai trù phú dẫn đến ấm no, hạnh phúc vừa bộc lộ những sức mạnh thiên tai to lớn, cũng như trước bức bách của sự tăng dân số gây ra, Thủy Tổ người Việt, (vì sự thịnh vượng làm cho sinh sản tự nhiên tăng tốc, tỷ lệ sống sau khi sinh cũng tăng, trình độ kỹ thuật trong trồng trọt chăn nuôi chưa đủ động lực sáng tạo để đáp ứng kịp thời với tình hình mới, vì đã không thể quay lại thời kỳ xưa kia, lấy săn bắt hái lượm làm phương thức kiếm ăn chủ yếu nữa…, do đó) đã không còn con đường lựa chọn nào khác là lan tỏa dân cư xuống, kề vai sát cánh, chung lưng đấu cật, hợp tác trao đổi kinh nghiệm, cùng nhau khai mở, qui hoạch đất đai, be bờ đắp đập chế ngự và trị thủy, chống chọi, chinh phục sức mạnh tàn phá của thiên nhiên, tạo dựng ra một môi trường mới và không những đã sống thích nghi hòa hợp được mà còn sống thoải mái, sung túc với nhiều “của ngon vật lạ” do cái môi trường đã trở nên trù phú ấy mang lại. Về cơ bản, chính cái quá trình đi tạo dựng cuộc sống mới đầy gian lao thử thách nhưng cũng được thiên nhiên tưởng thưởng xứng đáng một cách hào phóng ấy đã làm xuất hiện một Tổ Quốc có mối quan hệ nội tại gắn bó keo sơn, độc lập mà tự do, tự chủ mà đoàn kết, có tính tập trung nhưng dân chủ cao độ, không thấy binh hùng tướng mạnh nhưng toàn dân vi binh vi tướng khi có biến… Đó cũng chính là nguyên nhân chủ yếu hun đúc nên bản chất tinh hoa có tính truyền thống của dân tộc Việt: khoan hòa nhưng kiên cường, nhẫn nhịn nhưng quật khởi, bao dung mà cương trực, yêu nước thương nòi và lấy nhân ái làm đạo nghĩa…Đất nước tươi đẹp và phồn vinh ấy đã như bông hoa rạng rỡ tỏa hương ngào ngạt bên bờ biển Đông, làm thèm khát biết bao nhiêu những kẻ tham lam phương Bắc. Chúng ta cho rằng Thánh Gióng là vị đại anh hùng đầu tiên của dân tộc Việt, đã lãnh đạo cuộc kháng chiến toàn dân toàn diện đầu tiên chống quân xâm lược phương Bắc thắng lợi, và đã hành động đúng theo tiêu chí sau này của Đạo Gia: "Công thành thân thoái"!
Nhiều người ngày nay dựa vào quan niệm nhà nước bị “tiêu chuẩn hóa” một cách máy móc, chủ quan, siêu hình, đã “đòi” đưa thời điểm dựng nước của Dân tộc Việt lùi lại khoảng 1500 năm, tức vào thời văn hóa Đông Sơn. Kệ họ! Chúng ta đã may mắn được về thăm đất nước thời tiền sử và do đó đã cảm nhận rất rõ ràng rằng có một Tổ Quốc với thể chế xã hội đặc thù, hết sức độc đáo và tiến bộ gần đến lý tưởng (phù hợp hoàn toàn với Đức Huyền Diệu) từng tồn tại và tồn tại bền vững, dài lâu như một Địa Đàng thu nhỏ trên Trái Đất này, tại lãnh thổ Việt Nam ngày nay, trong thời cổ đại.
(Còn tiếp)
------------------------------------------------------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét