Thứ Hai, 28 tháng 12, 2020

TT&HĐIII - 25/n

                                                   Nhà Hồ và cuộc dời đô về Tây Đô

PHẦN III:     NGUỒN CỘI 

" Đi đi con!
Trong khinh khi may nhớ nước non
Mà ôn lại cho đừng quên lịch sử
Bốn ngàn năm rồi, Việt Nam bất tử
Dằng dặc đoạn trường chống giặc ngoại xâm
Biết mấy đau thương, biết mấy anh hùng
Ghi tạc địa cầu bao chiến công hiển hách
..."

                                                                                Trần Hạnh Thu

"Lịch sử hoài thai chân lý, nó có thể kháng cự với thời gian, có thể dìm đi những việc cũ, nó là dấu tích của thời xa xưa, là gương soi của đương đại, là lời giáo huấn cho thế hệ sau."
                                                                 
Cervantes (Tây Ban Nha)

"Lịch sử là bằng chứng của thời đại, là ngọn lửa của chân lý, là sinh mệnh của kí ức, là thầy giáo của cuộc sống và là sứ giả của cổ nhân."
                                                                                                      Cicero (La Mã)
 
“Đừng chê cõi trần nhơ
Đừng khen cõi trần đẹp
Cõi trần là thản nhiên
Chỉ có đời nhơ, đẹp.” 
.

CHƯƠNG IV: ĐỊA LINH NHÂN KIỆT

“Thủ đô là cái đại tập thành của cả đất nước từ khí non sông tụ lại. Không bàn tán về những thành phố khác, mà nói về Hà Nội thì không ai không nhớ đến bài ca chính khí của nó…
Hà Nội không phải là một đất thánh, theo cái nghĩa tín đồ hành hương, nhưng Hà Nội là một đất thiêng, kẻ ngoài nào mà xúc phạm vào nó là phải đền tội”
“Khi một giống nòi bị dồn đến chỗ chỉ có thể lựa chọn cái chết và nô lệ thì xông vào cái chết là dũng cảm hơn. Nơi nào mà nó không phải là thiết yếu thì bạo lực mới bị lên án. Có những trường hợp phải công nhận bạo lực bởi vì không còn cách nào khác”

"Rủ nhau xem cảnh Kiếm Hồ
Xem cầu Thê Húc, xem chùa Ngọc Sơn
Đài Nghiên, Tháp Bút chưa mòn
Hỏi ai gây dựng nên non nước này?"
                                                             (Khuyết danh)

   

 

(Tiếp theo)

***


Hồ Quí Ly bị giặc Minh bắt, rồi bị đày làm lính ở Quảng Tây. Đại Ngu mất, nhưng Đại Việt vẫn còn và chưa chịu khuất phục hẳn!
Sau khi xóa bỏ triều Hồ, quân Minh ngay lập tức “Phù Trần” bằng cách ép quan lại Đại Việt tay sai và các bô lão làm tờ thỉnh cầu: “Họ Trần không còn ai nữa và đất An Nam vốn là đất Giao Châu ngày trước, nay xin đặt quận huyện như cũ”! Thế là triều đình nhà Minh xóa bỏ tên nước Đại Việt, đổi làm quận Giao Chỉ, chia làm 15 phủ gồm 41 châu và 210 huyện, lập cơ quan đầu não gồm 3 bộ phận (3 ty) thực hiện việc đô hộ. Về thực chất, đó là hành động thực hiện ý đồ đã có từ trước của kẻ xâm lược: thủ tiêu nền độc lập của nước Đại Việt, sát nhập vĩnh viễn vào lãnh thổ Trung Quốc để tiện bề vơ vét bóc lột tài nguyên, của cải, nhân lực của xứ sở này phục vụ vua quan triều Minh. Thâm độc và cũng bất nhân bất nghĩa nhất là thủ đoạn hủy diệt văn hóa bản thổ và đồng hóa dân tộc, “biến phong tục thành tóc dài răng trắng, hóa làm người Ngô cả” (Việt kiệu thư). Ngay từ lúc phát binh đánh Đại Việt, chính Minh Thành Tổ đã trực tiếp ra lệnh cho bọn tướng lĩnh chỉ huy cuộc xâm lược là phải phá hoại triệt để, sách vở giấy tờ thì “một mảnh giấy, một chữ viết đều thiêu hủy hết”, bia đá thì “đập phá hết, một chữ không được để sót”.
Dưới ách đô hộ của nhà Minh, thành Đông Đô bị đổi tên là thành Đông Quan, được chọn là nơi đầu não của bộ máy chính quyền đô hộ, và như thế, trở thành sào huyệt trung tâm của quân xâm lược.
Để thực hiện dã tâm như đã nói đồng thời để khuất phục hẳn ý chí đấu tranh bất khuất của dân tộc Việt và cũng nhằm triệt để vơ vét bóc lột của cải, xương máu của nhân dân Đại Việt, nhà Minh đã thi hành một chính sách đàn áp, thống trị hết sức nham hiểm và cực kỳ tàn bạo. Một đằng chúng tập hợp đám quí tộc, quan lại đầu hàng, mua chuộc, đào tạo một số người khác lập nên đội ngũ “thổ quan”; ra sức bắt lính (cứ hai hoặc ba suất đinh thì một suất lính) tạo nên đội ngũ “thổ binh”, tổ chức thành một lực lượng ngụy quân ngụy quyền tay sai nhằm chia rẽ nội bộ quần chúng, “dùng người Việt trị người Việt”. Một đằng chúng cho xây dựng trên cả nước gần 40 thành trì lớn làm trụ sở hành chính và căn cứ quân sự, hàng trăm thành lũy, hàng ngàn đồn bốt để kiểm soát, trấn áp các nơi. Riêng xung quanh thành Đông Quan, chúng thiết lập một hệ thống đồn lũy bảo vệ ngoại vi do 5 vệ quân (theo binh chế nhà Minh, mỗi vệ có 5600 quân) đồn trú. Một trong những đồn lũy phòng vệ đó là thành Điên Diêu, hiện còn di tích ở Gia Lâm. Bên cạnh đó là đàn áp thẳng tay, khủng bố tàn khốc các cuộc nổi dậy phản kháng, những người yêu nước, liên tục trên qui mô cả nước của quân Minh. Chúng đã gây ra những tội ác đẫm máu và khét tiếng man rợ như: mổ bụng moi gan, thiêu sống, rán thịt người lấy mỡ, chất thây người làm mồ kỷ niệm, cắt tai người xỏ thành xâu (sau khi giết người, quân Minh cắt tai xỏ xâu, mổ cả bụng người có chửa để cắt tai thai nhi, đem về Đông Quan tính công, lĩnh thưởng).
Về kinh tế, nhà Minh đặt ra vô số thứ thuế đánh vào mọi hạng người, vào mọi ngành nghề làm ăn của nhân dân ta như thuế ruộng, thuế thủ công, thuế đánh cá, thuế săn bắn, thuế làm thổ sản… Về thuế ruộng đất, nhà Minh tăng lên gấp 3 lần so với mức thuế thời nhà Hồ. Việc buôn bán ở các chợ, vận chuyển hàng hóa đều phải đóng thuế nặng. Việc thông thương với nước ngoài bị cấm ngặt. Chỉ trong khoảng hơn nửa năm tiến hành xâm lược, đội quân xâm lược nhà Minh đã cướp đoạt của nhân dân ta 235.900 voi, ngựa, trâu, bò, 13.600.000 thạch thóc, 8670 chiếc thuyền và 2.539.800 vũ khí (Minh sử). Sau khi thiết lập chính quyền đô hộ, sự vơ vét cướp bóc có qui mô rộng lớn hơn nữa.
Chế độ thuế khóa đã nặng nề, nhân dân ta còn chịu một chế độ lao dịch hết sức tàn ác. Hàng năm, tất cả dân binh từ 16 đến 60 tuổi đều phải luân phiên đi phu để xây thành quách, dinh thự, hoặc lên rừng xuống biển, nai lưng tìm kiếm, săn bắn, khai thác sơn lâm thủy hải sản và tài nguyên thiên nhiên để phục vụ cho lực lượng đô hộ và cống nạp về triều Minh. Trong “Bình Ngô đạo cáo”, Nguyễn Trãi đã lột tả như sau về tội ác của quân Minh thời đó:
“Thui dân đen trên lò bạo ngược
Vùi con đỏ dưới hố tai ương
Lừa chúng dối trời, kế giở đủ muôn nghìn khóe
Động binh gây hấn, ác chứa gần hai chục năm
Vơ vét thuế má, đầm núi chẳng còn tý gì
Lên núi đào vàng xông pha lam chướng, phá rừng đãi cát
Ra khơi mò ngọc giao long, mà lặn biển đông tây
Nhiễu dân đào hầm bẫy hưu đen
Hại vật chăng lưới lùng chả biếc
Cỏ cây sâu bọ không một loài nào được thỏa sống còn
Quan khả khốn cùng chẳng một ai được ở yên ổn…
Rút máu mủ sinh linh, lũ kiệt liệt miệng răng nhờn béo
Đủ công trình thổ mộc, chỗ công tư nhà cửa nguy nga
Chốn hương thôn sưu dịch nặng nề
Trong làng xóm cửi canh bỏ phế
Tát khô nước Đông Hải, khôn rửa sạch tanh hôi
Chẻ hết trúc Nam Sơn, khó ghi hết tội ác”.


Chịu chung với số phận đất nước, Thăng Long cũng chìm ngập trong tang tóc, đau thương, nhưng không hề bi lụy hèn yếu mà phẫn uất, căm hờn. Đại Ngu mất nhưng Đại việt vẫn kháng chiến, Đông Quan bị đọa đày nhưng Thăng Long vẫn quật khởi rồng bay!
Nếu tính từ khi cha con Hồ Quí Ly bị bắt (năm 1407) cho đến khi khởi nghĩa Lam Sơn  giành toàn thắng (năm 1428) thì giặc Minh chiếm đóng nước ta khoảng 20 năm. Nhưng do nhân dân ta liên tục nổi dậy khởi nghĩa hết cuộc này tới cuộc khác rải rác khắp nơi nên ách đô hộ của nhà Minh chỉ được yên ổn trong khoảng 4 năm (1414-1417). Sử gọi khoảng thời gian này là "kỷ thuộc Minh". Thực ra cái khoảng lặng đó trên một đất nước địa linh nhân kiệt, lừng danh bất khuất ngay cả trong sử sách Trung Hoa chính là cái yên ắng ghê người của sự tụ hội khí thiêng sông núi làm nên một trận bão dông vĩ đại, quét sạch lũ cướp nước và bán nước. Cũng vì thực trạng Đại Việt như thế cho nên chúng ta thấy ý đồ thâm độc của Minh Thành Tổ, đồng hóa dân tộc Việt, thủ tiêu nước Đại Việt là không thể đạt được, dù có gây ra rất nhiều tổn thất về văn hóa vật thể đối với nhân dân ta.
Ngay từ năm 1407, nhân dân Đông Đô và vùng ngoại vi (tức đất Hà Nội ngày nay) đã không khuất phục và nhiều phen vùng lên đánh quân Minh. Vùng Từ Liêm bị quân Minh coi là “ổ quân ác nghịch” (Việt Kiệu thư) vì ở đây chúng luôn gặp sự kháng cự, chống đối. Năm 1408-1409, nhân dân vùng ngoại vi Đông Quan nổi dậy, phối hợp với quân khởi nghĩa của Trần Ngỗi và của Trần Quí Kháng, nhiều lần uy hiếp chính quyền đầu não của giặc. Năm 1409, Hoàng Cự Liêm khởi nghĩa ở Quảng Oai (Ba Vì). Năm 1410, bùng nổ cuộc khởi nghĩa lớn của Lê Nhị ở Thanh Oai, Từ Liêm và của Lê Khanh ở Thanh Đàm (Thanh Trì). Năm 1411, Phạm Khảng nổi dậy ở vùng tây nam Đông Quan. Năm 1412, Lưu Bổng cầm đầu cuộc khởi nghĩa ở Quảng Oai (Ba Vì).
Những cuộc nổi dậy, ứng nghĩa đó, vì xảy ra gần sát khu vực sào huyệt đầu não giặc trong khi chúng đã rảnh tay, đã giải quyết xong quân nhà Hồ, nên nhanh chóng bị đánh dẹp. Tuy nhiên, sự kháng chiến đó đã nêu tấm gương bất khuất sáng ngời, góp phần thổi bùng lên ngọn lửa vì nước quên thân trong lòng nhân dân cả nước.
Muốn đánh tan quân xâm lược, giải phóng kinh thành khi chúng đã chiếm được nước ta - đội quân của một vương triều đang thịnh nhà Minh, không thể một sớm một chiều và phải ở đâu đó để có thời gian qui tụ và phát triển lực lượng chứ không thể ở nơi gần với “phồn hoa đô hội” được. Thời cuộc đã chọn Lam Sơn và giao cho nó trách nhiệm viết tiếp trang sử hào hùng của dân tộc Việt. Vùng đất Thanh Hóa cũng thuộc hàng “tổ quán” hiểm địa, là “gốc cội” công thủ của quân dân Đại Việt trong suốt quá trình lịch sử chống ngoại xâm phương Bắc.
Trong các cuộc khởi nghĩa trước khởi nghĩa Lam Sơn, có hai cuộc khởi nghĩa lớn còn in dấu trong lịch sử mà mỗi lần đọc đến, lòng chúng ta cứ nặng trĩu nỗi niềm yêu, thương, hờn, giận, tiếc nuối, đó là khởi nghĩa Trần Ngỗi và khởi nghĩa Trần Quí Kháng.
Người ta nói: người chép sử chân chính phải thực sự khách quan. Chúng ta thắc mắc: khách quan làm sao được khi bàn tay cầm bút để chép sự kiện lịch sử lại bị điều khiển bởi bộ não hoàn toàn chủ quan của kiếp người? Một bộ não biết suy nghĩ, khi đánh giá một sự vật hiện tượng nào đó, không thể thiếu tính tư tưởng. Mà tư tưởng thoát thai từ đâu nếu không phải là từ những định kiến, và định kiến được kết lại từ đâu nếu không phải là từ quá trình nhận thức? Đã nhận thức thì sao tránh khỏi thị phi? Thị phi chỉ hàm chứa chân lý một khi nó sát với thực tại. Nhưng làm sao biết được điều đó? Dựa trên kinh nghiệm ngàn đời? Vâng, chỉ có thể là như thế! Nhưng kinh nghiệm ngàn đời ở đây nên hiểu là những tinh hoa, những kiến thức (những ý tưởng trong qúa khứ được đa số thừa nhận?) được rút ra, được hun đúc từ lịch sử, thành những bài học lịch sử. Nhưng cũng lại kinh nghiệm cảnh báo rằng: kiến thức vẫn chưa là chắc chắn! Một lịch sử được gọi là khách quan nhất, may ra chỉ có thể là biên niên sử. Một biên niên sử sẽ chẳng giúp ích cho hậu thế được gì ngoài sự… mù tịt. Một khái niệm có nội hàm thì tương tự, một lịch sử phải có nội dung. Nội dung ấy như thế nào là do người chép sử (hoặc người chép lại lịch sử!). Nội dung một sự kiện được một con người cụ thể chép lại để lưu truyền thì không bao giờ là sự kiện đó nữa, nó đã mang tình cảm của người chép mất rồi! Nói như thế thì cần gì những con người tài năng đứng ra chép sử, cần gì phải cố gắng mô tả các sự kiện một cách khách quan, vì đằng nào thì cũng chẳng… đâu vào với đâu cả?! Vui thế thôi chứ “hậu sinh khả úy” mà lại! Chúng ta vô cùng biết ơn những nhà viết sử chân chính và không chân chính, bởi nhờ họ mà hôm nay chúng ta mới thấy được quang cảnh của những hiện tại đã thuộc về quá khứ, đã thấy được cả chiều sâu của những quan niệm, để mà xót xa và cũng tự hào tràn trề về dòng giống, tổ tiên, ông cha thuở trước. Đã là lịch sử thì có đúng có sai, đó là điều cần phải chấp nhận bởi lẽ dù nhận thức có độc lập đến mấy và tư tưởng có tự do đến mấy thì cũng là sản phẩm của một thời đại cụ thể, chưa kể loại lịch sử được viết ra bởi bồi bút, tay sai cho một thế lực nào đó (mà thực ra cũng ẩn chứa ít nhiều sự thật), của thế lực thống trị đương thời.
Lịch sử xác đáng có được của ngày hôm nay chính là nhờ có (hoặc bị có?) những ý kiến phản biện. Ý kiến phản biện là tượng trưng cho hậu thế. Lịch sử cũng có quá trình phát triển đến hoàn thiện của nó và đó chính là trách nhiệm của hậu thế. Và một lịch sử sẽ rất gần với thực tại (thời quá khứ) nếu người trực tiếp ghi lại sự kiện và cả người đọc, người chép lại lịch sử, biết cảm nhận buồn vui, hạnh phúc và khổ đau theo như Đức Huyền Diệu mách bảo, nghĩa là theo quan niệm của Đại Chúng đương thời và cũng là ở mọi thời đại. Nhận định của Đại Chúng nhiều khi rất tầm thường, mộc mạc, thô sơ nhưng thường đúng, đích đáng về cái xã hội đầy thị phi mà Đại Chúng đó là nền tảng. Chính vì vậy, chúng ta cho rằng một nhà viết sử hay nghiên cứu lịch sử chân chính, ngoài sự uyên bác ra, phải có lòng nhân hậu. Hiện tại là kết quả tất yếu của quá khứ, nhưng nhờ có những bài học lịch sử mà hiện tại được quyền chọn tương lai. Nếu điều vừa nói là chân lý thì vai trò của các sử gia quan trọng đến cỡ nào?!
Nói gì mà… Thôi đi! Muốn viết những điều nghiêm túc thì đừng nên uống nhiều rượu quá. Còn nếu đã uống nhiều rượu quá thì… Im đi! Trong lòng chúng ta tự nhiên có tiếng người vang vọng!Ai thế nhỉ? Chúng ta có nói đâu mà bảo im, chúng ta đang viết mà? Bực mình quá! Tôi đây, NTT đây! Ông có biết phía trước là cả một bãi lầy mênh mông vô định mà ông có hứa là sẽ vượt qua trước khi mãn kiếp, nhớ không? Ôi, NTT, ông từ đâu ra vậy, hả? Câm mồm! Ông còn một cuộc hành trình rất xa, có thể là đến tận ngôi sao lấp lánh kia kìa, hoặc là xa hơn nữa. Tại sao ông cứ phải quẩn quanh ở đây, trong khi chính ước mơ của ông lại đang chờ ông ở chân trời Vũ Trụ? Biết thế nào mà nói được đây, NTT ơi? Chúng tôi vẫn biết mình phải đi chứ không thể ở, đời chúng tôi nếu kết thúc thì ít ra cũng kết thúc đằng sau ngôi sao đó, chứ không thể ở chốn này, chốn mà ai cũng cho mình tài giỏi, đầy mưu chước và chẳng ai thèm nghe ai, chốn mà khóc cười chẳng biết vì sao lại khóc cười. Nhưng xin NTT hiểu cho rằng đã là con người thì phải có gốc gác, tổ tiên, ông bà, cha mẹ, vợ con; đã là con người thì làm sao mà dứt áo bỏ đi được những tình cảm mà nhờ đó chúng ta mới là con người? Mày nói nghe cũng “phê”, thôi, tùy mày lựa chọn, và… Và gì nữa mà “và”, ông cũng say mèm quá xá cỡ rồi chứ nói ai được nữa? “Chúng ta” mà ông gọi là “mày”, là “ông” thì thật… hết biết! Câm họng, lũ lẻo mép! Ông đây mà say á?... Thế thì… Thôi, thôi… ừ, ừ… à, à… Chúng mày muốn làm gì thì làm, ông đây không thèm nói nữa! Ấy chết, thưa bậc thượng thừa, không có ông làm sao có chúng tôi? Ông thông cảm cho, vì chất đầy nỗi niềm nên hãy cho phép chúng tôi giãi bày hết nỗi niềm ấy, dù vắn tắt thôi, để rồi an tâm lên đường, không còn vương vấn cõi lòng nữa. Ừ! Mà lẹ lẹ lên, vì mục đích của sự hoang tưởng không phải là mổ xẻ lịch sử, mà là…
Ai ơi, tin đi, lời khuyên chí tình bao giờ cũng hàm chứa ít nhất một chân lý!
Chúng ta cảm ơn NTT, nhưng chúng ta có lựa chọn riêng, và chúng ta lại tiếp tục câu chuyện đâu cho… ra đó!
(Còn tiếp)
----------------------------------------------------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét