Thứ Hai, 18 tháng 4, 2016

AN CHI GIẢI ĐÁP 30

 (ĐC sưu tầm trên NET)

Về một bài viết của Phan Anh Dũng - Nguyễn Cung Thông

Bạn đọc: Trong bài “Lẽ ra họ phải được gọi là người GHE”, đăng trên Báo Năng lượng Mới số 454 (4-9) & 456 (11-9-2015), ông An Chi vẫn khẳng định rằng “Tàu” trong “mực tàu” là từ dùng để chỉ nước Trung Hoa. Mới đây, www.khoahocnet.com (29-10-2015) đã đăng bài “Tản mạn về nghĩa của ‘mực tàu’  墨艚  qua từ điển Việt Bồ La (phần 1)” của Phan Anh Dũng/ Nguyễn Cung Thông. Xin ông An Chi cho biết nhận xét của ông về bài này. Xin cám ơn.
LVT  (Phú Yên)
 

Học giả An Chi: Chắc sẽ còn ít nhất là "phần 2" nên kỳ này chúng tôi chỉ xin nhận xét sơ bộ theo trình tự: PAD-NCT (ý kiến của Phan Anh Dũng - Nguyễn Cung Thông) rồi liền ngay dưới là nhận xét của AC (An Chi). Sau đây là các chữ viết tắt của PAD-NCT : - VBL là Từ điển Việt Bồ La); - HV = Hán Việt.
PAD-NCT: "Sinh thì (nghĩa là chết/VBL) so với sinh thì (sinh thời, dạng này hiện diện sau thập bán thế kỷ XIX cho đến nay) nghĩa là lúc còn sống".
AC: Hai tác giả đã so sánh không đúng. VBL có hai mục từ "sinh" khác nhau. Mục trước là "sinh, sóũ [sống]" mà A. de Rhodes dịch sang tiếng Bồ là "vivo" (= sống, còn sống) và tiếng La là "vivus,a,um" (cùng nghĩa). Còn mục sau là "sinh, lên" mà A. de Rhodes dịch sang tiếng Bồ là "subir" (= lên, lên cao) và tiếng La là "ascendo, is" (cùng nghĩa). Mục sau còn có "sinh thì, giờ lên" mà "giờ lên" chính là nghĩa của "sinh thì". Vậy "sinh" trong "sinh thì" là "lên" chứ không phải là "sống" nên không thể đánh đồng "sinh thì" ở đây với "sinh thời" hiện nay được. Huống chi, chính hai tác giả đã khẳng định rằng "sinh thời" chỉ "hiện diện sau thập bán thế kỷ XIX" thì nó không thể trực tiếp dính dáng gì về nguồn gốc với "sinh thì" của VBL (1651). Từ điển từ cổ của Vương Lộc và Từ điển từ Việt cổ của Nguyễn Ngọc San - Đinh Văn Thiện đều xác định rõ ràng rằng "sinh thì" chỉ là một lối nói riêng của Công giáo. Nó không thuộc tiếng Việt toàn dân. Vậy "sinh thời" không phải là "sinh thì" mở rộng nghĩa.
PAD-NCT: "Nhân danh dùng trong Kinh Thánh (nhân danh cha...) bây giờ đã mở rộng nghĩa (nhân danh đạo đức, nhân danh con người ...)".
AC: Cũng chẳng có mở rộng nghĩa gì cả. Chẳng qua là ở đây, Kinh Thánh đã xài lối nói của tiếng Việt toàn dân.    PAD-NCT: "bơm (bơm thơm - tóc bờm xờm, bù xù) - bây giờ không còn dùng nữa mà thay thế bằng nét nghĩa ống (máy) bơm từ kỹ thuật Tây phương nhập vào. AC: Ở đây hai từ "bơm" cũng chẳng có dây mơ rễ má gì với nhau cả. Trong "bơm thơm" thì "bơm" là một hình vị không rõ nghĩa của tiếng Việt hiện đại còn trong "máy bơm" thì "bơm" là một động từ có nghĩa và xuất xứ cụ thể (< "pompe" của tiếng Pháp). Thật là dị thường khi hai tác giả lại đánh đồng "bơm" này với "bơm" kia!
PAD-NCT: "Ghe nghĩa là nhiều (VBL) bây giờ không còn dùng nữa, thay bằng danh từ ghe (tàu)". AC: Ở đây ta cũng có hai từ "ghe" hoàn toàn khác nhau. Làm sao có thể nói "ghe" trong "ghe tàu" đã thay thế cho "ghe" có nghĩa là nhiều. Ta chỉ có thể nói "ghe" (= nhiều) là một từ cổ còn từ đồng âm với nó là "ghe" (= thuyền) thì vẫn còn tồn tại trong phương ngữ Nam Bộ.
PAD-NCT: "Non dạ (VBL - buồn nôn) bây giờ hàm ý thiếu suy nghĩ, còn non nớt ...".
AC: Ở mục này, ta phải nhận xét với óc phê phán rằng đây là "nôn" chứ không phải "non", nhất là khi mà chính A. de Rhodes đã liên hệ "non dạ" với "buồn nôn". Đây có thể chỉ là do lỗi in ấn mà ta có thể thấy không ít trong VBL (nên chính A. de Rhodes cũng đã phải làm bảng "Đính chính" [Appendix - Errata declarationis linguae corrige] nhưng vẫn còn để sót nhiều).
PAD-NCT: "Mực (hay mức) có nhiều nghĩa. Mực là một biến âm của mặc HV, thường là chữ mặc bộ thổ 墨 [……….] Chữ Mặc 墨 vốn có một nghĩa cổ là đo, mức độ. Khang Hy Tự Điển dẫn Tiểu nhĩ nhã và Chu ngữ: 小爾雅】五尺爲墨,倍墨爲丈。【周語】不過墨丈尋常之閒。 [Tiểu nhĩ nhã] ngũ xích vi mặc, bội mặc vi trượng (năm thước là một mực, gấp đôi mực là một trượng). [Chu ngữ ] bất quá mặc trượng tầm thường chi gian (chẳng qua cũng tầm thường trong khoảng một mực một trượng). Truyện Kiều có câu "Phong lưu rất mực hồng quần. Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê" rõ ràng mực câu này phải hiểu theo nghĩa "mức", "bậc", phù hợp với nghĩa cổ ở trên.

Nguồn:

Về một bài viết của Phan Anh Dũng - Nguyễn Cung Thông (tiếp theo và hết)

Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi cũng có câu "Mực thước thế gian dầu có phải. Cân xưng thiên hạ lấy đâu tày" (Bảo Kính 172.5)".
 

AC: PAD-NCT khẳng định rằng "Mực (hay mức) có nhiều nghĩa" (đây là tên của tiểu đề mục 3). Vậy đó là những nghĩa nào? Hai tác giả này cho biết như sau: "Mực bộ thổ có nghĩa là đen, tham ô, mực (viết), một hình phạt (bôi mực lên chữ thích trên mặt), đạo Mặc, một đơn vị đo lường (bằng năm thước). Các từ cá (con) mực, chó mực cho thấy cách dùng mực đã phổ thông trong tiếng Việt như mực (viết)". Nhưng những nghĩa này cho thấy tên của tiểu đề mục 3 mà PAD-NCT đã đặt ra là một cách gọi hoàn toàn không thích hợp vì "mức" trong tiếng Việt không hề có các nghĩa đó. Rồi họ lại khẳng định rằng nghĩa cổ của "mặc"
[墨] là "đo, mức độ" thì điều này cũng rất sai. "Đo" là một động từ, còn "mức độ" là một danh ngữ có nghĩa khái quát trong khi "mặc" là tên của một đơn vị đo chiều dài cụ thể. Trong 15 nghĩa của "mặc ≡ mực" [墨] đã cho trong Hán ngự đại tự điển (Thành Đô, 1993), không có nghĩa nào là "mức độ". Ta không biết PAD-NCT căn cứ vào đâu mà ghi nghĩa như trên; chỉ biết trước khi dẫn Tiểu nhĩ nhã thì ngay bên trên, Khang Hy tự điển đã ghi một cách cực kỳ súc tích rằng "(mặc [墨] là) độ danh [度名]", mà nếu dịch một cách chính xác thì "độ danh" là "tên [của đơn vị] đo lường". Thì đây: "Ngũ xích vi mặc, bội mặc vi trượng (năm thước là một mực, gấp đôi mực là một trượng)". Vậy "mặc" bằng 5 thước và bằng 1/2 trượng; sao lại nói "mặc" có nghĩa là "mức độ"? Thêm nữa, PAD-NCT cũng dịch không sát nghĩa câu "Bất quá mặc trượng tầm thường chi gian" trong Chu ngữ thành "chẳng qua cũng tầm thường trong khoảng một mực một trượng". Rất sai. "Tầm, thường" ở đây cũng có nghĩa cụ thể như "mặc" và "trượng". "Bát xích vi tầm, bội tầm vi thường" [八尺为尋,倍尋为常], nghĩa là "tám thước là một tầm, gấp đôi tầm là một thường". Vậy nếu đã dịch "mặc", "trượng" thành đơn vị đo lường thì cũng phải dịch "tầm", "thường" thành tên các đơn vị đo lường cho nhất quán chứ không thể dịch "tầm" và "thường" của tiếng Hán thành "tầm thường" trong tiếng Việt được. Và "bất quá" ở đây cũng không phải là "chẳng qua" (trong tiếng Việt), mà là "không bằng" (do ý "không quá" mà ra). Vậy "bất quá mặc trượng tầm thường chi gian" [不過墨丈尋常之間], là "không vượt qua khỏi cái độ dài của mặc, của trượng, của tầm, của thường", tức là nhỏ nhoi, ngắn ngủi.
Hai tác giả cũng không đúng vì cho rằng trong câu Kiều "Phong lưu rất mực hồng quần" thì chữ "mực" phải hiểu theo nghĩa "mức", "bậc", "phù hợp với nghĩa cổ ở trên", tức là nghĩa mà họ đã ghi là "đo, mức độ". "Mực" ở đây phải hiểu theo nghĩa "mức", "bậc" thì dĩ nhiên là đúng nhưng nói rằng nó liên quan đến nghĩa "đo, mức độ" thì sai vì, như đã nói, "mực" (≡ "mặc") là tên một đơn vị đo lường cụ thể chứ không phải là một từ chỉ mức độ chung chung. Cũng vậy đối với chữ "mực" trong câu "Mực thước thế gian dầu có phải" của Nguyễn Trãi. Còn nó liên quan đến cái gì thì chúng tôi sẽ nói sau.
PAD-NCT: "(…) mực với nghĩa mức là một từ thuộc nhóm phổ thông bậc nhất trong tiếng Việt, vẫn còn giữ nghĩa cổ của mặc 墨 là mức, độ, trong khi đó ở Hán ngữ nét nghĩa này có phần mai một, đây là một điều rất đáng lưu ý khi tìm hiểu lịch sử tiếng Việt, người Việt".
AC: Nhưng, như đã nói ở ngay trên đây, "mặc" [墨] không hề có nghĩa cổ là "mức, độ". Cái nghĩa "ngũ xích vi mặc" [五尺爲墨] của chữ "mặc" [墨] mà hai tác giả đã dẫn từ Tiểu nhĩ nhã là một khái niệm về đơn vị đo chiều dài cụ thể, hoàn toàn cụ thể, mà họ đã cưỡng chế thành hoàn toàn khái quát là "đo, mức độ". Ta cũng không biết được hai ông đã thống kê bằng phương pháp nào mà có thể khẳng định rằng "mực với nghĩa mức là một từ thuộc nhóm phổ thông bậc nhất trong tiếng Việt". Còn "mực" với nghĩa là "mức" liên quan đến cái gì thì chúng tôi cũng sẽ nói đến ngay dưới đây.
PAD-NCT: "Mực còn có thể là mặc bộ mịch 纆 [……….] TVGT (Thuyết văn giải tự - AC) ghi mực là sách dã 索也 (dây thừng). Đây là một nghĩa mà rất ít người biết đến! Ta có thể tìm thấy cách dùng chữ mực (viết) thông với dây đo mực 墨 (mực viết) hay mực/mức 纆 (dây đo) đã dùng tương đương trong thư tịch Hán cổ - được ghi nhận bởi học giả nhà Hán Dương Hùng 揚雄 (53 TCN - 18 SCN) trong Giải Trào, một chuyên gia (cũng như là tác giả) "Phương Ngôn"[………]".
AC: Vậy thì cái nghĩa "dây, thừng" ("sách dã" [索也]) của chữ "mặc" [墨] và, hiện tượng chữ "mặc" [墨] bộ "thổ"
[土] cũng dùng thay cho chữ "mặc" [纆] bộ "mịch" [糸] do đâu mà ra? Xin thưa rằng "dây, thừng" (sách dã) thực chất là một cái nghĩa phái sinh từ nghĩa "mực" của chữ "mặc" [墨]. Đó là một hoán dụ đã từ vựng hoá từ danh ngữ "mặc thằng" [墨繩], tức là "dây [có thấm] mực". Nhiều nguồn thư tịch như tc.wangchao.net.cn, zhidao.baidu.com, v.v... đều cho biết rằng "trọng thùy tuyến tại cổ đại thời hậu đích khiếu pháp thị mặc thằng" [重垂线在古时候的叫法是"墨绳"], nghĩa là "vào thời cổ xưa thì mặc thằng là cách gọi dùng để chỉ dây dọi (fil à plomb [Pháp]; plumb line [Anh])". Các quyển từ điển Hán Anh trực tuyến đều dịch "mặc thằng" [墨绳] thành "inked marking string", nghĩa là "dây [có thấm] mực [dùng để] đánh dấu". Trở xuống, chúng tôi sẽ gọi "mặc thằng" là "dây mực" cho gọn. Trong cái đấu mực, tức "mặc đẩu" [墨斗], thì dây mực là bộ phận chính dùng để nảy mực lên gổ làm chuẩn cho việc cưa, xẻ theo đường thẳng. "Nảy mực", tiếng Hán xưa gọi là "phụ thằng" [負繩], mà baike.com/wiki giảng là "dụng mặc thằng đả trực tuyến vu mộc" [用墨绳打直线于木], nghĩa là "dùng dây mực [để] kẻ đường thẳng trên gỗ". Còn Tàu hiện đại thì gọi "nảy mực" (tức "phụ thằng") là "đàn tuyến"
[彈綫]. Nếu hiểu thành danh từ thì "đàn tuyến" là "dây dùng để nảy mực lên gỗ" còn ở đây, chúng tôi hiểu theo động từ, tức là "nảy mực bằng dây mực" (tiếng Việt cũng có dị bản dùng "nẻ" thay cho "nảy"). "Nảy mực bằng dây mực" thường được nói tắt thành "nảy mực", như có thể thấy trong thành ngữ "cầm cân, nảy mực". Và chính vì căn cứ vào cái thực tế cụ thể và hiển nhiên này mà chúng tôi khẳng định rằng "mực ở đây là cái chất sệt thường là màu đen, dùng để viết, vẽ, đánh dấu, v.v... chứ không phải là cái dụng cụ của nghề mộc, như PAD-NCT đã khẳng định, và như chúng tôi sẽ phê phán ngay dưới đây. PAD-NCT: Mực tàu có hiệu Đốc Thằng thẳng ngay [………] "Mực tàu" ở đây chỉ một dụng cụ của thợ mộc vì đề mục đã xác định rõ là "Mộc công bộ", có lý hơn so với nghĩa thường hiểu (hiện nay) là mực (viết) của người Tàu (người Trung Hoa). Nếu mực trong mực tàu là mực viết/vẽ, thì đây chỉ là cách dùng đơn giản hóa trong tổ hợp "mực tàu" chỉ dụng cụ gồm ba thành phần chính: (a) mực (b) dây (thằng) và (c) tàu (hũ chứa, máng chứa mực)".
AC : Vì mải miết theo đuổi cách hiểu chủ quan của họ về hai tiếng "mực tàu" nên PAD-NCT đã không quan tâm đến đặc điểm cú pháp – ngữ nghĩa của danh ngữ này. Hai tác giả cho rằng trong "mực tàu" thì "tàu" là "hũ chứa, máng chứa mực". "Tàu" thì đúng là "máng" nhưng phải là máng có kích thước to, cỡ như máng trong chuồng ngựa, chuồng voi chứ ngay cả máng lợn thì cũng chẳng ai gọi là "tàu". Thế cho nên ta chỉ có "tàu ngựa", "tàu voi", chứ không có "tàu lợn". Vậy "tàu" là một loại máng, nhưng phải là máng to. Đến như nói "tàu" là "hũ chứa [mực]" thì chỉ là nói đùa cho vui về kích thước của cái "tàu" mà thôi. Cái "tàu" không thể nằm gọn trong cái "mực tàu" của PAD-NCT được. Đó là nói về mặt ngữ nghĩa. Còn nói về cú pháp thì, nếu được phép dùng "tàu" với nghĩa "hũ", người ta cũng sẽ phải gọi cái đồ nghề của PAD-NCT là "tàu mực", chứ không phải "mực tàu" vì đây chỉ là cách nói "ngược" của Tàu mà thôi.
TẠM KẾT LUẬN: Với những nhận xét trên đây, ta đã có thể thấy rằng bài "Tản mạn về nghĩa của 'mực tàu' 墨艚 qua từ điển Việt Bồ La (phần 1)" của PAD-NCT có nhiều chỗ sơ hở quan trọng nên không phải là chỗ dựa đáng tin cậy để tìm hiểu về nghĩa của hai tiếng "mực tàu". "Mực tàu", với chúng tôi, vẫn là mực Trung Hoa.


Những điều chưa nói hết về bài đại luận của Đinh Văn Tuấn

Bạn đọc: Xin “phản ứng nhanh”. Tôi thấy trong bài trước (Năng lượng Mới số 470 và 471), ông An Chi có lý và có vẻ như ông còn muốn nói thêm một số ý kiến nên đã “hẹn hò” là “ta hãy còn có những dịp khác nữa”. Vậy để cho sốt dẻo, xin ông nói luôn để tôi và bạn đọc khác khỏi nóng lòng mong đợi? Xin cảm ơn ông.  Nguyễn Thế Hiển (Hoàn Kiếm, Hà Nội)

Học giả An Chi: Vì muốn cho gọn nên trong bài trước, chúng tôi đã tạm chấp nhận quan niệm cho rằng chữ "xương" [昌] là do hai chữ "nhật" [日] chồng lên nhau để loại trừ ý kiến cho rằng đó là hai chữ "viết" [曰] ("song viết"). Nhưng đây là một sai lầm nên lần này chúng tôi phải phân tích kỹ hơn về mặt "tạo tự".
Nếu quan sát tự hình cho tuyệt đối chính xác và tham khảo các tự thể khác nhau, thì chẳng những "xương" [昌] không phải là "song viết" (hai chữ "viết") mà cũng chẳng phải là "song nhật" (hai chữ nhật). Thực ra, cứ theo nguồn gốc thì "xương" [昌] là một chữ "tùng nhật 
[日] tùng viết [曰]", nghĩa là liên quan đến chữ "nhật" [日] ở trên và chữ "viết" << 
[曰] ở dưới, như Hứa Thận đã chỉ rõ trong Thuyết văn giải tự. Cấu hình này của chữ "xương" [昌] thể hiện rất rõ ở thể triện của nó, như có thể thấy ở các chữ:
là "kim văn đại triện thể" [金文大篆体];
là "Hán nghi tiểu triện thể" [汉仪小篆体];
là "phương chính tiểu triện thể" [方正小篆体];
là "kinh điển phồn giác triện" [经典繁角篆].
Trong 4 chữ này thì ở trên đều là chữ "nhật" [日] và ở dưới đều là chữ "viết" [曰]. Điều này chứng tỏ rằng tất cả các nguồn mà ĐVT đã dẫn đều chiết tự không chính xác, kể cả "Hán điển luận đàn" [汉典论坛]. Luận đàn này đúng với đại đa sô các chữ được "chiết", chẳng hạn như:
1. - "Kiêm  do lưỡng cá bỉnh tự
[秉] tổ thành" ["" 由两个"秉" 字组成], tức chữ "kiêm" do hai chữ "bỉnh" hợp thành; 2. - "Tam nhật, tinh, tùng tam nhật, biểu thị quang lượng chi ý" [三日晶 jīng 从三日,表示光亮之意], tức là ba chữ nhật hợp thành chữ "tinh", chỉ ý sáng sủa;
3. -"Tam thạch, lỗi, chúng thạch, thạch đầu đa…" [三石磊 lěi 众石,石头多…], tức ba chữ thạch hợp thành chữ lỗi, ý nói nhiễu sỏi đá…
4. -"Tứ nguyệt, lãng, cổ đồng lãng. Bản nghĩa: nguyệt lượng…" [四月朤 lǎng 古同 "朗"。本义: 明亮 …], tức là bốn chữ nguyệt hợp thành chữ lãng, xưa là một với chữ [朗]; nghĩa gốc là ánh trăng; v.v... và v.v...
Nhưng với chữ "xương" [昌] thì Luận đàn này đã chiết sai. Với lời giảng trong Thuyết văn giải tự và những chữ "xương" viết theo thể triện mà chúng tôi đã đưa ra ở trên thì cái sai này là điều hiển nhiên. Vậy, để thực hiên fair play một cách triệt để, ĐVT không nên suy bụng ta ra bụng người mà khẳng định rằng Nguyễn Trãi đã xài hai chữ "song viết" thay cho "nhất tự tâm đắc" là chữ "xương". Đến như khẳng định rằng "song viết" là hình thức kiêng húy của chữ "xương" thì lài càng cực kỳ vô lý và chủ quan. Vì không thấy Ngô Đức Thọ ghi nhận "hình thức kiêng húy" này trong Chữ húy Việt Nam qua các triều đại (NXB Văn hóa, 1997) nên ĐVT đã tự ý khẳng định rằng "đây chính là một kiểu tị húy độc đáo chưa từng thấy nói đến trong lịch sử tị húy Việt Nam" (mà chỉ một mình ĐVT thấy!). Về nghĩa của hai chữ "song viết", ĐVT đã thống kê 20 "cách hiểu khác nhau" sau đây: 1. Thong thả - nô bộc - sớm tối (Đào Duy Anh);
2. Suông nhạt (Đỗ Văn Hỷ, Vũ Văn Kính);
3. Dong chơi thơ thẩn, nhàn tản phóng túng - tài sản, vốn liếng, của cải (Nguyễn Tài Cẩn);
4. Giàu nghèo (Nguyễn Công Hoan)
5. Sống thanh cao, trung dung, đúng với cương vị là sĩ phu, vui với đạo lý (Đoàn Ngọc Phan);
6. Thật là (Hoàng Xuân Hãn);
9. Ngày chẵn - Kết bạn, họp mặt, vui thích (Bùi Văn Nguyên). Ngày chẵn - nghỉ ngơi, thong thả, nhàn nhã (Nguyễn Khắc Kham, Nguyễn Quảng Tuân);
10. Tư nghiệp - tư sản, của cải (Cao Xuân Hạo, Trần Xuân Ngọc Lan);
11. Bằng khoán, di sản, kho tàng, công lao (Xuân Phúc P.Schneider);
12. Của cải (Lê Hữu Mục);
13. Tài sản, của cải, đầy tớ (Ngô Đăng Lợi);
14. Viết một cách nhiều, rông dài, lung tung (Ngô Đức Thọ);
15. Thư thả - miệt mài, nhàn - vất vả, buông thả - gò bó, chặt chẽ, tùng tiệm - chắt bóp... (Nguyễn Thạch Giang);
16. Sinh hoạt (An Chi);
17. Của cải thu nhặt được (Nguyễn Quảng Tuân);
18. Cách ăn mặc và cách ăn ở (Nguyễn Hy Vọng);
19. Viết (Lê Văn Quán);
20. Xuôi ngược, vui thú, ngao du (Nguyễn Thế);
Tiếc rằng trong 20 "cách hiểu khác nhau", ĐVT đã nêu cả "cách hiểu" của An Chi nhưng trong 26 "tài liệu tham khảo bằng tiếng Việt", tác giả này không hề nêu bài "Âm và nghĩa của hai chữ «song viết» 双曰" của An Chi - trong khi vẫn nêu nguồn của các tác giả khác - là bài từ đó ĐVT đã lấy ra cách hiểu (của An Chi) mà ĐVT ghi là "sinh hoạt". Đây là một cách ghi không chính xác và thiếu tinh thần trách nhiệm, trước nhất là vì chúng tôi không đọc hai chữ [双曰] thành "song viết". Chúng tôi viết rõ ràng như sau ngay ở 2 câu đầu tiên:
"Chúng tôi cho rằng, trong các câu thơ cổ, âm của hai chữ 'song viết' 双曰 là sông vát. Đây là âm xưa của hai chữ [生活] mà âm Hán Việt hiện đại là sinh hoạt". Nhưng đây mới chỉ là cách đọc; còn về cách hiểu thì chúng tôi đã viết chi tiết như sau (Đâu có đơn giản và ẩu như ĐVT đã ghi):
"Vì là âm xưa của hai tiếng sinh hoạt nên nghĩa của sông vát tất nhiên cũng là nghĩa của hai tiếng sinh hoạt. Đó là: sự hoạt động; đời sống, cuộc sống; cuộc đời; cảnh ngộ, hoàn cảnh; kế sinh nhai, nghề mưu sinh (Xin xem các nghĩa này tại mục «sinh hoạt» [生活] và các mục hữu quan trong Từ nguyên, Từ hải, v.v...). Các nghĩa này thực sự phù hợp từng nghĩa một với từng câu thơ tương ứng có hai chữ [双曰] và với chủ đề của từng bài thơ hữu quan trong Quốc âm thi tập (Nguyễn Trãi), Hồng Đức quốc âm thi tập (đời Lê Thánh Tông), Bạch Vân am quốc ngữ thi tập (Nguyễn Bỉnh Khiêm) và trong một số câu lẻ tẻ khác". Rồi ở một đoạn dưới, chúng tôi còn quy nghĩa rõ ràng hơn nữa như sau:
"Tuy hai tiếng sông vát chưa hề được ghi nhận ở bất cứ nơi nào và ở tác giả nào nhưng ta hoàn toàn có thể kiểm chứng các nghĩa của nó với âm Hán Việt hiện đại là sinh hoạt và ta có: - Sông vát1 = sinh hoạt1 = (ngữ danh từ) I. 1. sự hoạt động; 2. đời sống, cuộc sống, cuộc đời, sinh hoạt; 3. nếp sống; 4. cảnh ngộ, hoàn cảnh; 5. kế sinh nhai, nghề mưu sinh. II. 1. sản phẩm, vật dụng; 2. của cải, tài sản, vốn liếng. - Sông vát2 = sinh hoạt2 = (ngữ vị từ) 1. hoạt động; 2. sinh sống; 3. ăn ở, cư xử".
An Chi đã trình bày cách hiểu của mình rành rọt, rõ ràng như thế mà ĐVT lại ghi cách hiểu của hắn chỉ bằng hai tiếng "sinh hoạt" gọn lỏn thì ít nhất cũng phải bị nhận thẻ vàng ("yellow" chứ không phải "golden"). Còn về phần mình thì vì mải mê hùng biện nên ĐVT đã quên rằng mình đang trộn lẫn những thứ không được phép trộn chung về ngữ nghĩa là vị từ và danh từ (như đã nói trên Năng lượng Mới số 470 và 471) để lăng-xê phương pháp mới của mình là "chiết tự". ĐVT đã làm một sự chế biến không được phép nên kết quả chỉ là một món ăn gồm những nguyên liệu kỵ nhau mà cứ nhìn bề ngoài thì có thể ngỡ là cao lương mỹ vị. Đây, xin nhắc lại là ĐVT đã khẳng định như sau:
"SONG VIẾT 双 曰 hiểu theo chiết tự chính là XƯƠNG 昌, tượng trưng cho một lý tưởng sống cao đẹp của nhà Nho (từ Nguyễn Trãi cho đến Nguyễn Bỉnh Khiêm và các nhà Nho sau này), là một khát vọng hướng về một cuộc sống CHÂN - THIỆN - MỸ, như chính ý nghĩa của chữ 昌 XƯƠNG: CHÂN - lời hay ý đẹp, trực ngôn (chân thật), chính đáng; THIỆN - tốt lành, hưng thịnh, thỏa sinh (trường tồn); MỸ - sáng sủa, tốt đẹp".
ĐVT đã ứng dụng nghĩa trên cho Hồng Đức quốc âm thi tập như sau:
Đối với hai câu "Nẻo đầu kể bốn thú nhàn cư - Song viết ai bằng song viết ngư. (Phong cảnh môn, 59: Vịnh người đánh cá) thì diễn giải là: Niềm vui sống ẩn dật nhàn tản (an nhiên tự tại, tùy ngộ nhi an…) thì không gì lý tưởng nhà Nho (XƯƠNG 昌) bằng việc câu cá.
Đối với hai câu "Một rìu một búa của hôm chiều - Song viết ai bằng song viết tiều" (Phong cảnh môn, 60: Vịnh người hái củi) thì diễn giải là: Niềm vui sống ẩn dật nhàn tản (an nhiên tự tại, tùy ngộ nhi an…) thì không gì lý tưởng nhà Nho (XƯƠNG 昌) bằng việc tiều phu, sớm chiều một rìu một búa".
Đối với hai câu "Một cày, một cuốc phận đã đành - Song viết ai bằng song viết canh" (Phong cảnh môn, 61: Vịnh người đi cầy) thì diễn giải là: Niềm vui sống ẩn dật nhàn tản (an nhiên tự tại, tùy ngộ nhi an…) thì không gì lý tưởng nhà Nho (XƯƠNG 昌) bằng việc đồng áng, ngày ngày một cày, một cuốc trong an phận thủ thường".
Đối với hai câu "Nẻo ra thì có phu đồng bộc - Song viết ai bằng song viết mục. (Phong cảnh môn, 62: Vịnh người chăn trâu) thì diễn giải là: Niềm vui sống ẩn dật nhàn tản (an nhiên tự tại, tùy ngộ nhi an…) thì không gì lý tưởng nhà Nho (XƯƠNG 昌) bằng việc mục đồng.
Thế là với cái chữ "xương - nhất tự tâm đắc" của ĐVT thì lý tưởng của nhà nho ở đây thật là cao vòi vọi và chúng tôi xin mượn lời của bạn Đỗ Công Minh trên Facebook mà nói rằng cái lý tưởng của các vị đó là đi thi Hương, thi Hội, thi Đình để đỗ tú tài, đỗ cử nhân, đỗ tiến sĩ, đỗ trạng nguyên rồi về câu cá, kiếm củi, làm ruộng và chăn trâu. Đến đây thì chắc bạn Nguyễn Thế Hiển và bạn đọc đã thấy rõ "một hướng đi, một phương pháp mới, chưa từng được đề cập đến từ trước đến nay khi nghiên cứu về SONG VIẾT 双 曰" của ĐVT nó có giá trị như thế nào rồi nên chúng tôi cũng không cần nói gì thêm.

Nguồn:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét