Chủ Nhật, 10 tháng 4, 2016

ĐỊNH HƯỚNG ĐI ĐÂU? 50

-NÓI NHƯ CON "KÉT", LÀM NHƯ CON "KẸT"!
-QUAN "NỔ" = MỴ DÂN
-Định hướng như ... cứt mà đòi lên "Thiên Đường".  
-Rồi đây, lịch sử sẽ chỉ rõ công - tội!
-Không có KTNN sẽ không có CNXH! Nhưng KTNN phải hoạt động theo KTTT.
-Phí không khéo, sẽ làm cho "sưu cao thuế nặng", và như vậy, khác gì thời phong kiến!? 
-Không thể chối cãi: xã hội yếu kém phổ biến, là sai lầm của thể chế!
- Thế nào là định hướng XHCN !? Phải chăng là (đối với VN), phải ưu tiên công nghiệp hóa nông nghiệp?
-Xây dựng ồ ạt, mở rộng tràn lan phạm vi đô thị như Hà Nội, tp HCM...là một định hướng nóng vội, sai lầm! Vì tác dụng làm cho dân giàu nước mạnh rất ít, lợi bất cập hại!
-Bảo vệ đảng và bảo vệ dân, cái nào ưu tiên hơn cái nào?
-"Đồng chí" nào "lên" cũng vậy thôi! Ôi, cần lắm một nhân tài!
-Ưu tiên công nghiệp hóa nông nghiệp một cách thực chất, đó là định hướng duy nhất đúng cho kinh tế Việt Nam, đó là tiền đề làm cho "dân giàu, nước mạnh" đúng nghĩa!
-“Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người” (Lời Hồ Chí Minh). Nhưng nếu không biết cách tạo gốc và trồng...?

 -------------------------------------- 
(ĐC sưu tầm trên NET)

Những ngôi trường đang oằn mình chờ sập

những ngôi trường chờ sập
Một trường học tại Bình Định. Các em học sinh vẫn hồn nhiên vui cười, trong khi trần nhà có thể sập xuống bất cứ lúc nào. (Ảnh: vnexpress.net)


Trong khi các quan chức địa phương đang loay hoay với việc xây trụ sở mới, hay tượng đài đồ sộ với kinh phí hàng nghìn tỷ đồng, thì tại nhiều nơi, nhiều ngôi trường sập sệ đang cố oằn mình nâng đỡ để học sinh đến trường, nhưng cũng có thể sập xuống bất cứ lúc nào, đã có những cái chết thương tâm xảy ra.
Tình trạng nhiều trường học xuống cấp gây nguy hiểm đáng báo động tại các địa phương
Tại tỉnh Bình Định, Trường tiểu học số 2 Phước Lộc – phân hiệu Đại Tín, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước từng xảy ra tai nạn cách đây 2 năm khiến một học sinh lớp 4 (10 tuổi) thiệt mạng.
Học sinh Tống Hữu Kiệt khi cùng 2 bạn học đi qua khu nhà cũ của trường để đi vệ sinh thì bất ngờ bị cột đỡ mái che dãy phòng cũ đổ, đè trúng người, tử vong tại chỗ.

truong-hoc-sap
Cột trụ xây bằng gạch kích thước 25×40, cao 2,5 m gãy, gây nên cái chết thương tâm cho cháu Kiệt. (Ảnh: Minh Thuỳ/vnexpress.net)

Rút kinh nghiệm từ cái chết của cháu Kiệt, nhiều trường ở Bình Định đã rào chắn kèm biển báo khu vực nguy hiểm, ngăn học sinh lại gần.

truong-hoc-cho-sap-2
Sau sự cố Trường tiểu học số 2 Phước Lộc, trường Tiểu học số 2 Phước Thành (xã Phước Thành, Tuy Phước) đã gắn biển báo nơi nguy hiểm cấm học sinh vào. (Ảnh: vnexpress.net)

Tại tỉnh Thừa Thiên – Huế, Trường THCS Lăng Cô cơ sở 1 thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc được xây dựng từ năm 1968, đến năm 2012, trường được nâng cấp với chi phí 140 triệu đồng, nhưng đến nay xuống cấp đến mức không thể dùng được nữa, chỉ có thể xây mới.

truong-hoc-cho-sap-3, những ngôi trường chờ sập
Cột hiên phải dùng cọc gỗ nẹp vào để khỏi bị sập. (Ảnh nld.com.vn)

Dù trường đang trong tình trạng có thể bị sập bất cứ lúc nào, nhưng 300 học sinh hàng ngày vẫn phải đến trường.
Bà Trần Thị Quý Đông – Hiệu trưởng THCS Lăng Cô cho PV báo Người Lao Động biết: “Mùa nắng chúng tôi phải dùng 5-6 cây quạt, còn mùa mưa thì phải kéo rèm che lạnh cho học sinh. Mùa mưa bão cô trò ngồi trong phòng học mà cứ nơm nớp lo sợ trường sập”.

truong-hoc-cho-sap-5. những ngôi trường chờ sập
Các cột trụ sắp sập, vì thế để tăng sức cho các cột này, các cọc gỗ được dùng để buộc thêm vào, có cột phải chèn thêm gạch đá. (Nguồn: vnexpress.net)

Năm 2013 trường được UBND tỉnh đưa vào danh sách thanh lý tài sản, tuy nhiên do không đủ trường lớp, và việc học trường ở cơ sở 2 quá xa, nên trường vẫn được tận dụng cho đến nay.
Nhiều phụ huynh vì sợ ngôi trường này mà chuyển con mình sang trường khác, dù phải đi xa hơn rất nhiều. Để con được học nơi khác, các phụ huynh phải đưa con đến TP Đà Nẵng, hoặc ngược lên TP Huế, cách nhà đến 40 km để học tiếp.

truong-hoc-cho-sap-6, những ngôi trường chờ sập
Mái ngói cũ rơi vỡ được tận dụng để lót nền. (Ảnh: vnexpress.net)

UBND huyện Phú Lộc đã lên kế hoạch xây dựng thêm phòng học ở cơ sở 2 để di dời học sinh sang, kinh phí 7 đến 8 tỷ đồng. Thế nhưng hiện nay đang trong giai đoạn làm thủ tục để trình dự án lên UBND tỉnh, sau đó phải chờ UBND tỉnh phê duyệt. Trong khi đó với tình hình như hiện nay thì ngôi trường có thể sập xuống bất cứ lúc nào, đe dọa an toàn của 300 học sinh.
Bên cạnh nguy cơ sập từ các trường học cũ, thì các trường xây mới cũng không phải an toàn. Vào cuối năm 2015, cổng trường Tiểu học xã Thanh Minh (TP. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) vừa mới xây xong thì bất ngờ đổ sập gãy làm 3 khúc đè lên người 2 học sinh, khiến 1 học sinh tử vong tại chỗ, 1 học sinh khác bị thương nặng.
Bố của học sinh tử vong cho PV báo Vnexpress biết: “Khi đó đèn điện rất sáng, tôi nhìn rõ trụ cổng cao khoảng 2,5m, rộng 40 cm nhưng không có thép bên trong”.
Giá như có thể dành một ít tiền, một số rất nhỏ thôi trong số tiền xây dựng trụ sở hay tượng đài để tu sửa trường học, thì những cái chết thương tâm đã không xảy ra, và học sinh cũng như phụ huynh cũng không phải nơm lớp lo lắng khi phải học trong những ngôi trường đang oằn mình chờ sập.
Ngọn Hải Đăng tổng hợp

Thực trạng giáo dục Việt Nam, góc nhìn của nhà giáo

(GDVN) - “Tư duy tiểu nông là việc các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổ chức đoàn thể nâng cấp ồ ạt các trường từ trung cấp lên cao đẳng, từ cao đẳng lên đại học”.

LTS: Để góp ý cho Dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII sắp tới, liên quan tới phương hướng và giải pháp phát triển giáo dục và đào tạo, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng giới thiệu bài góp ý của TS. Dương Xuân Thành về chủ đề trên.
TS. Dương Xuân Thành từng làm nghiên cứu sinh tại Cộng hòa Séc. Ở trong nước, ông trải qua nhiều vị trí công tác tại các trường Đại học trên cương vị giảng viên cũng như công tác quản lý.
Hiện, TS. Dương Xuân Thành là thành viên chính thức của Ban nghiên cứu và phân tích chính sách (Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam).
Phần góp ý của TS.Dương Xuân Thành gồm ba phần, Toà soạn bắt đầu giới thiệu từ hôm nay.

Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI tại Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII (Dự thảo), mục 5 có tiêu đề: “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo; phát triển nguồn nhân lực”.
Không thể phủ nhận những cố gắng, những thành tích mà ngành Giáo dục đạt được trong mấy chục năm qua, song bài viết này với mục đích góp thêm ý kiến cho Dự thảo nên sẽ không đi vào liệt kê hay ca ngợi thành tích mà chủ yếu phân tích một số tồn tại dưới góc nhìn của một nhà giáo, Bài viết chỉ giới hạn trong phạm vi giáo dục đại học.
Một lần nữa Đảng khẳng định: “Giáo dục là quốc sách hàng đầu” và “chi cho giáo dục và đào tạo tối thiểu ở mức 20% tổng chi ngân sách”.
Quyết tâm chính trị của Trung ương nêu trong Dự thảo không phải là mới bởi đã được đề cập từ nhiều năm trước, được cụ thể hóa trong Hiến pháp và nhiều văn kiện của Nhà nước, Chính phủ.
Vậy tại sao cho đến nay, Dự thảo vẫn phải nêu: “Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục bất cập về chất lượng, số lượng và cơ cấu. Đầu tư cho giáo dục và đào tạo chưa hiệu quả. Chính sách, cơ chế tài chính cho giáo dục và đào tạo chưa phù hợp. Cơ sở vật chất - kỹ thuật còn thiếu và lạc hậu, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn”.
Muốn chữa bệnh thì phải biết bệnh nhân mắc bệnh gì, muốn biết bệnh nhân mắc bệnh gì thì phải quan sát các biểu hiện bệnh lý và tiến hành xét nghiệm. Vậy các biểu hiện “bệnh lý” rõ ràng nhất của giáo dục Việt Nam từ năm 1954 đến nay là gì?
Tư duy tiểu nông
Dự thảo báo cáo viết: “chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo còn thấp so với yêu cầu, nhất là giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp. Hệ thống giáo dục và đào tạo thiếu liên thông giữa các trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo”.
“Giữa các trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo” không liên thông bởi vì tư duy giáo dục nhiều năm nay vẫn là tư duy tiểu nông, tư duy này được thể chế hóa bằng một số chủ trương, chính sách trong đó có cơ chế “cơ quan chủ quản”.
Tác giả chân thành cảm ơn TS. Đặng Văn Định, Trưởng ban Ban nghiên cứu và phân tích chính sách, Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam đã góp nhiều ý kiến quý báu cho bài viết.
“Cơ quan chủ quản” là cách thức mà các đơn vị (bộ, ban, ngành, địa phương) vận dụng nhằm giành quyền chi phối giáo dục. Các đơn vị này hình thành nên các nhóm  khác nhau song mục tiêu cuối cùng của việc chi phối giáo dục là quyền được chia sẻ kinh phí dành cho Giáo dục và quyền được sử dụng các quyền mà pháp luật trao cho Giáo dục nhằm mang lại lợi ích cho “nhóm lợi ích” của mình.
Có thể chỉ ra một số “nhóm” như “nhóm địa phương” cụ thể là các tỉnh, thành phố; “nhóm quản lý” gồm các bộ, ban, ngành; “nhóm tổ chức xã hội” gồm các tổ chức xã hội như Thanh niên, phụ nữ, công đoàn…
Trong các bài viết “Hoa thơm, mỗi bộ, ngành hưởng một tí” [1]; “Có người bảo ngành Giáo dục rất dại” [2] người viết đã từng đề cập đến thực trạng này.
Số liệu thống kê năm 2013 cho thấy Bộ GD&ĐT chỉ quản lý 12,86% số trường cao đẳng, đại học cả nước trong khi đó Ủy ban nhân dân các tỉnh quản lý 42,77%; Bộ Công thương 9,97%; Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch 6,11%...; (chưa kể Bộ Công an và Quốc phòng).
Ảnh minh họa. Xuân Trung
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch Đầu tư, giai đoạn 2004-2014, trong tổng số 2,2 tỉ USD đầu tư vào các dự án ODA ngành Giáo dục, Bộ GD&ĐT quản lý 26 dự án với số vốn 1,8 tỉ, Bộ Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quản lí 12 dự án với số vốn 232 triệu USD.
Việc “chia lô” như thế khiến cho ngân sách đầu tư cho giáo dục bị dàn trải, chỉ đạo chồng chéo,… Mỗi đơn vị “chủ quản” tự quyết định những gì có lợi cho đơn vị mình chứ không phải vì lợi ích chung, có thể nêu một vài dẫn chứng.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội khi nắm mảng dạy nghề đã cụ thể hóa “quyền chủ quản” của mình qua việc đề nghị Quốc hội ban hành Luật Giáo dục Nghề nghiệp.  Bằng Luật này, có lẽ Việt Nam là nước đi tiên phong trong việc tách các trường cao đẳng khỏi bậc đại học và cấp bằng “Kỹ sư” cho người theo học trình độ cao đẳng (3 năm).
Cũng chính bộ này đang giành “thị phần” đào tạo giáo viên (phổ thông, dạy nghề) khi quản lý ba trường Đại học Sư phạm kỹ thuật (Nam Định, Vinh, Vĩnh Long) trong khi bộ GD&ĐT cũng quản lý một số trường ĐH Sư phạm kỹ thuật.
Vì sao cùng một loại hình trường lại phải chia cho hai bộ quản lý?
Một chuyên gia quản lý giáo dục hàm vụ trưởng (xin không nêu tên) cho biết với nguồn kinh phí dồi dào, Bộ LĐTB&XH đã chi 450-475 triệu đồng cho việc xây dựng một chương trình nghề trung cấp, 480 - 500 triệu cho chương trình nghề Cao đẳng, mỗi chương trình chỉ vỏn vẹn khoảng hơn chục trang giấy.
Người viết đã từng xây dựng hai chương trình khung trình độ đại học, chương trình đào tạo cử nhân (4 năm) và chương trình đào tạo kỹ sư (5 năm), khung chương trình bao gồm đề cương chi tiết khoảng 50 học phần (môn học), điều kiện tiên quyết, phân bổ quỹ thời gian, tài liệu tham khảo…
Toàn bộ chương trình in trên khổ giấy A4 dày gần 200 trang. Mỗi khung chương trình này được trả thù lao 15 triệu đồng.
Một ví dụ khác của tư duy tiểu nông là việc các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổ chức đoàn thể nâng cấp ồ ạt các trường từ trung cấp lên cao đẳng, từ cao đẳng lên đại học và thành lập tràn lan các trường đại học mới mà không quan tâm đến chất lượng đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất.
Một khi đã có trường, học viện thì đương nhiên cơ quan chủ quản sẽ có quyền chi phối nguồn kinh phí, nhân lực và nhiều đặc quyền khác liên quan đến các chức danh khoa học.
Chẳng hạn Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội được nâng cấp ngày 04/6/2015, là một trường đại học trực thuộc Tập đoàn Dệt May Việt Nam nhưng tại trường này chỉ Hiệu trưởng là có bằng tiến sĩ, hai phó hiệu trưởng chưa phải là tiến sĩ, (trái quy định của Luật Giáo dục Đại học).
Vì sao một đại học lại đào tạo: Cao đẳng chính quy, cao đẳng liên thông, cao đẳng vừa làm vừa học; Trung cấp chuyên nghiệp; Cao đẳng nghề, Trung cấp nghề. (http://hict.edu.vn/gioi-thieu-chung/ ngày 8/10/2015).
Đối với chính quyền địa phương, một khi đã có quyền quản lý các trường, có quyền đưa đại diện địa phương vào hội đồng quản trị các đại học ngoài công lập thì đương nhiên các trường đóng trên địa bàn dù không muốn vẫn phải “chú ý lắng nghe” ý kiến của người được chính quyền ủy nhiệm, một trong những ý kiến đó  có thể là  “phổ cập” trình độ thạc sĩ cho quan chức địa phương. Quyền tự chủ đại học ít nhiều đã bị xâm phạm.
Hậu quả của việc tăng quá nhanh số lượng trường CĐ, ĐH khiến nguồn lực không đáp ứng kịp đặc biệt là đội ngũ giảng viên vừa không đạt chuẩn vừa thiếu nghiêm trọng.
Có thể thấy nhận định này qua số liệu của ĐH Dệt May Hà Nội trước khi nâng cấp (2011) trong số 151 giảng viên chỉ có 2 tiến sĩ, 40 thạc sĩ, sau khi nâng cấp websize trường này phải bỏ trống mục “báo cáo ba công khai”?
Tư duy tiểu nông đã được nhìn nhận qua đánh giá trong Dự tháo Báo cáo của Trung ương: “Hệ thống giáo dục và đào tạo thiếu liên thông giữa các trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo”.
Có thể kết luận mảng dạy nghề ở phổ thông không mang lại hiệu quả rõ nét. Thậm chí kiến thức nghề phổ thông nhiều khi không liên quan gì đến các kiến thức nghề nghiệp được dào tạo sau phổ thông.
Mảng đào tạo trung cấp chuyên nghiệp ngày nay không nhận được sự quan tâm của xã hội vì sản phẩm đào tạo ra vừa không có tay nghề, vừa không có khả năng nghiên cứu. Muốn học tiếp, những người có bằng trung cấp lại phải thi tuyển như học sinh phổ thông.
Theo ý kiến người viết, nên bỏ loại hình đào tạo trung cấp, chuyển các trường trung cấp thành trường dạy nghề.
Một số nước châu Âu chương trình đào tạo đại học được chia thành ba giai đoạn: từ 3 đến 4 năm cho bậc cử nhân, tiếp theo 2 đến 3 năm cho bậc thạc sĩ sau đó là chương trình đào tạo tiến sĩ. Trong khi tại Việt Nam người có bằng cử nhân (cao đẳng) muốn học tiếp bậc đại học phải thi đầu vào theo hình thức liên thông.
Một điều không hợp lý nhưng đang tồn tại, người có bằng cử nhân (cao đẳng) học tiếp đại học và khi ra trường bằng cấp của họ vẫn là cử nhân (đại học) trong khi trình độ của họ là hoàn toàn khác nhau?
Sinh viên tốt nghiệp cao đẳng nghề thuộc Bộ LĐTB&XH muốn học đại học do Bộ GD&ĐT quản lý phải tuân thủ quy định về học liên thông, sự “vênh nhau” giữa hệ thống đào tạo của Bộ GD&ĐT với hệ thống đào tạo của các trường nghề khiến các đại học e ngại tiếp nhận đối tương “liên thông” này.
Đã đến lúc phải tạo ra “cánh đồng mẫu lớn” cho giáo dục, giáo dục đào tạo phải là một quá trình thống nhất, liên tục từ nhà trẻ mẫu giáo tới đại học, chỉ có như thế mới đáp ứng tiêu chí xây dựng một “xã hội học tập”.
Như câu nói nổi tiếng “của Xêda trả lại cho Xêda”, những gì liên quan đến giáo dục đào tạo chỉ nên do một cơ quan quản lý. Cơ quan này có thể là Ủy ban Giáo dục Quốc gia, Bộ GD&ĐT giữ vai trò như “cơ cấu chấp hành”. Trước mắt cần bãi bỏ cơ chế “chủ quản” trong giáo dục đại học.
Chủ quan duy ý chí, xa rời thực tế
Duy ý chí được hiểu là sự đề cao quá mức vai trò của ý chí con người, rằng chỉ cần có ý chí và quyết tâm thì có thể làm được mọi việc bất chấp điều kiện khách quan.
Đã có thời câu nói “một mo cơm, mấy quả cà và một tấm lòng…” được đề cao cho thấy sự ngây thơ đến mức báo động của “duy ý chí”, người ta có thể thích thú về câu nói đó nhưng lấy nó làm phương châm hành động trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ tổ quốc, đặc biệt khi nó được vận dụng vào khoa học, giáo dục là điều không thể nếu không muốn nói là không được phép.
Dư luận từng ngỡ ngàng với lập luận của một Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, theo vị Thứ trưởng này môn khoa học xã hội gồm ba nội dung: kiến thức Địa lý, kiến thức Lịch sử và tích hợp cả hai môn này cùng những môn khác xã hội quan tâm.
Cũng theo vị này “giáo viên nào cũng có thể dạy tích hợp. Giáo viên Địa hiện nay có thể dạy phân môn Địa lý trong môn Khoa học xã hội; giáo viên Lịch sử sẽ dạy phân môn Lịch sử trong môn Khoa học xã hội. Phần chuyên đề tích hợp sẽ bồi dưỡng thêm giáo viên để họ có thể dạy được…”.
Cách “tích” như vị lãnh đạo nêu trên có “hợp” lý không khi xuất hiện thêm một đội ngũ giáo viên chuyên dạy tích hợp bên cạnh lực lượng cũ chỉ biết các phân môn của mình?
Tiến sĩ Chu Cẩm Thơ, Khoa Toán - Tin, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, nhận xét: “Đến thời điểm này, ngay cả những giáo viên ở trung tâm thủ đô cũng còn rất mơ hồ về khái niệm dạy học tích hợp, nếu không muốn nói là hầu hết vẫn hiểu sai về tích hợp” (Thanhnien.com.vn 14/9/2015).
Không phải cứ “ý chí” bảo rằng “giáo viên nào cũng có thể dạy tích hợp” là tự khắc giáo viên sẽ dạy được tích hợp kể cả khi đã được bổ túc kiến thức, muốn dạy tích hợp phải có “giáo viên tích hợp” đúng nghĩa, theo đó việc cần làm ngay là nghiên cứu tích hợp cái gì và tích hợp như thế nào, tiếp đó là đào tạo mới đội ngũ giáo viên tích hợp đúng nghĩa.
Nhiều đại học hiện nay đã tích hợp (ghép) hai ngành Toán và Tin học qua việc thành lập các khoa Toán-Tin hoặc Toán-Tin ứng dụng, vậy tại sao trong chương trình giáo dục tổng thể lại để Toán riêng còn Tin học thì tích hợp với môn Công nghệ?
Điều nguy hiểm  của bệnh chủ quan, duy ý chí trong giáo dục có nguồn gốc xa xưa, ấy là bất kỳ ai cũng có thể làm giáo viên, nói cách khác, giáo viên phổ thông không cần thiết phải chọn trong những học sinh xuất sắc. Hậu quả là mấy chục năm qua giáo dục vẫn chưa thoát khỏi lời nguyền “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”.
Khi “ý chí” cho rằng chỉ cần “một tấm lòng” thì ai cũng có thể đào tạo thành giáo viên, khi “ý chí” trở thành luật bất thành văn cũng là lúc hàng vạn người sau bốn năm học Sư phạm, chỉ với cuốn sách giáo khoa và viên phấn trong tay họ đương nhiên được quyền đứng trên bục giảng, đương nhiên trở thành thành viên của gia đình giáo chức.
Nếu không phải là duy ý chí, xem tư duy con người như một thế giới phẳng, ai cũng thông minh như ai thì chắc chắn sẽ không có chuyện để ngành Sư phạm phải “vơ bèo, vợt tép” suốt mấy chục năm dài.
Một trong những chủ trương rất xa rời thực tế của ngành Giáo dục là yêu cầu giáo viên viết sáng kiến, kinh nghiệm. Bài viết “Những sáng kiến giống từng xentimét”  trên Vietnamnet.vn ngày 5/10/2015 có đoạn: “Năm nào cũng viết rồi cũng nộp, sáng kiến kinh nghiệm của một huyện thị có khi lên đến hàng nghìn cái vài năm nhưng chẳng có bao giờ đem được cái sáng kiến nào ra áp dụng vào giảng dạy”.
Quy mô đào tạo, quy hoạch mạng lưới giáo dục đại học là một minh chứng cho sự chủ quan xa rời thực tế. Con số gần 180.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp cho thấy chủ trương mở rộng tuyển sinh không phù hợp với nhu cầu xã hội.
Hàng loạt trường ĐH ngoài công lập và nhiều trường đào tạo nghề  tuyển sinh không được là chính là “chỉ số” đánh giá chất lượng công tác quy hoạch mạng lưới giáo dục đại học trong thời gian qua.
Tài liệu trích dẫn:
[1] http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/121955/-hoa-thom--moi-bo--nganh-huong-mot-ty-.html
[2] http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/tuanvietnam/132557/co-nguoi-bao-nganh-giao-duc-rat--dai-.html
[3] http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/138604/hoc-de-lam------ong-no--ba-kia--.html
[4]http://tuanvietnam.net/2013-04-17-lich-su-va-tro-boc-tham-may-rui
[5]http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Lich-su-va-nghich-ly-trai-tim-ben-trai-post140973.gd
[6] http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Tu-chu-tuyen-sinh-truong-lua-bo-ngo-thi-sinh-dung-nhe-da-post142000.gd
[7] http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/69856/lam--sach--cac-truong-mang-ten-bac-tien-hien.html
[8] http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Lieu-co-ton-tai-tieu-chuan-kep-trong-cong-tac-quan-ly-cua-Bo-GDDT-post148255.gd
[9] http://www.thanhnien.com.vn/giao-duc/thua-hang-chuc-ngan-giao-vien-522946.html
TS. Dương Xuân Thành

Thực trạng giáo dục Việt Nam, góc nhìn của nhà giáo- Bài 2

(GDVN) - Định hướng ở đây thể hiện ở hai nhóm đối tượng, nhóm đối tượng ban hành chính sách và nhóm đối tượng thụ hưởng chính sách.

LTS: Viết tiếp bài 1 về “Thực trạng giáo dục Việt Nam, góc nhìn của nhà giáo” để góp ý cho Dự thảo Văn kiện Đại học đại biểu toàn quốc sắp tới, TS. Dương Xuân Thành tiếp tục nêu thực trạng của nền giáo dục hiện nay là “thiếu định hướng”. Câu chuyện này có nhiều nguyên và được TS. Thành nêu lên ở từng khía cạnh khác nhau.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
Về phía ban hành chính sách, nếu định hướng giáo dục là đào tạo con người Việt Nam mới  theo ba tiêu chí: thể chất, trí tuệ và nhân cách thì đó là một định hướng khoa học, phù hợp với mọi lứa tuổi và mọi điều kiện xã hội.
Về điều này giáo dục của chúng ta chưa làm được, hai trong ba tiêu chí là “thể chất và nhân cách” có chiều hướng sa sút đáng báo động.
Tác giả chân thành cảm ơn TS. Đặng Văn Định, Trưởng ban Ban nghiên cứu và phân tích chính sách, Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam đã góp nhiều ý kiến quý báu cho bài viết.
Trong khi đó có những “định hướng” sai lầm lại mặc nhiên được công nhận: định hướng là kết quả thi tốt nghiệp phải đỗ bao nhiêu phần trăm; định hướng là phải có bao nhiêu trường đại học, cao đẳng; định hướng là phải có bao nhiều giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ… Tất cả những “định hướng” ấy đều đã được thể hiện bằng những con số.
Một kỳ thi “hai không” làm giảm tỷ lệ đỗ là không được, là phải điều chỉnh để tỷ lệ đỗ kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trên 90%. Một đất nước 90 triệu dân phải có bao nhiêu giáo sư, tiến sĩ cho “xứng tầm” khu vực, một tỷ lệ định hướng 400-450 sinh viên trên một vạn dân đã bắt buộc giáo dục phải ồ ạt mở thêm trường đại học, … hậu quả là đất nước quá dư thừa tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư nhưng lại có rất ít phát minh, sáng tạo khoa học.
Dự thảo Báo cáo đề cập đến “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”; nền “dân chủ xã hội chủ nghĩa”, vậy chúng ta có “nền giáo dục định hướng xã hội chủ nghĩa” hay không, nếu có thì định hướng “xã hội chủ nghĩa” trong giáo dục được thể hiện qua các tiêu chí nào, nó khác với khái niệm “giáo dục” mà thế giới đang quan niệm ở chỗ nào?
Ảnh minh họa. Xuân Trung
Trả lời câu hỏi này rất cần thiết bởi nếu không có sự khác nhau thì chúng ta có thể học tập, thậm chí là vận dụng nguyên mẫu các mô hình tiên tiến của các các nước có những điểm tương đồng về văn hóa, xã hội với chúng ta. Nếu có sự khác nhau thì phải chỉ rõ khác nhau ở chỗ nào, đâu là ưu việt của sự khác nhau đó.
Định hướng một nền giáo dục công bằng, bảo đảm cho mọi công dân đều có quyền tiếp cận giáo dục là đúng nhưng có nguy cơ đưa đến những quan điểm cực đoan, chẳng hạn quan điểm phản đối trường chuyên, lớp chọn.
Trí tuệ của mỗi cá nhân trong cộng đồng không bao giờ là đồng đều, những cá nhân có sự thông minh xuất chúng hơn hẳn đồng loại cần được chăm sóc đặc biệt để tạo nên nguyên khí quốc gia.
Đối với nhóm thụ hưởng chính sách, nhóm này bao gồm cha mẹ học sinh, học sinh và sinh viên các cấp. Có thể thấy ngay định hướng mang tính phổ biến là học tập để vào được đại học, để không phải trở thành người lao động chân tay.
Đây là một định hướng nguy hiểm khiến xã hội rơi vào trạng thái khinh rẻ lao động đơn giản. Dường như sẽ là “mất sĩ diện” khi cầm tấm bằng cử nhân, kỹ sư mà lại đi làm công nhân, nhân viên phục vụ,…
Về điều này người viết đã từng đề cập trong bài “Học để làm… ông nọ bà kia” [3]: “Phải thừa nhận rằng nội dung học trong suốt 12 năm phổ thông, nhất là ba năm cuối luôn nhằm một mục đích là giúp cho học sinh thi đỗ ĐH”.
Chính bởi định hướng học để làm “ông nọ bà kia” mà thành tích "nổi bật" của GD Việt Nam thời gian qua là đã đào tạo được một đội ngũ “trí thức làm quan” chiếm tới 70%, chỉ có 30%  làm việc trong lĩnh vực giáo dục, khoa học.
Tình trạng chạy nháo nhác nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng trong kỳ tuyển sinh cao đẳng đại học năm 2015 cho thấy, mục đích vào được đại học chiếm ưu thế so với mục đích học được ngành gì. Hậu quả là dù có thể chọn ngành yêu thích tại các trường địa phương thì thí sinh vẫn bỏ qua mà chọn ngành khác thuộc các đại học ở thành phố lớn.
Xóa bỏ định hướng sai lầm của nhóm thụ hưởng chính sách là việc không dễ nhưng không thể không làm, cần phải định hướng lại cho toàn xã hội, rằng vào học đại học không phải là con đường duy nhất, thậm chí không phải là lựa chọn thông minh với những người chậm tiếp thu hoặc có vấn đề về trí tuệ.
Định hướng cần thiết hiện nay, trước hết đối với cha mẹ học sinh, rồi đến lớp trẻ là cần một nghề để nuôi sống bản thân và gia đình chứ không phải cầm tấm bằng cử nhân nhưng không nơi nào tuyển dụng.
Để làm được việc này cần nhanh chóng xóa bỏ rào cản bằng cấp trong tuyển dụng cán bộ, cần thực hiện chính sách thi tuyển công khai, công bằng cho các vị trí trong bộ máy từ cấp xã phường đến trung ương, trong các cơ sở giáo dục, kinh tế, khoa học kể cả các tổ chức đoàn thể xã hội.

Chủ trương xã hội hóa giáo dục
Dự thảo Báo cáo viết: “Đẩy mạnh xã hội hóa, trước hết đối với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Tiếp tục thực hiện mục tiêu kiên cố hóa trường, lớp học; từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất - kỹ thuật, đặc biệt là hạ tầng công nghệ thông tin…”.
Xã hội hóa giáo dục phải được quan tâm đồng bộ trong cả hai lĩnh vực: phổ thông và đại học. Thời gian qua, các trường phổ thông ngoài công lập đã góp phần rất quan trọng trong việc giải tỏa áp lực cho trường công lập.
Tuy nhiên, ngoại trừ một số ít trường đã khẳng định được thương hiệu, không ít trường phổ thông ngoài công lập chưa đạt yêu cầu cả về chất lượng giáo dục văn hóa, cũng như quản lý học sinh. Vấn đề này xin không đề cập trong phạm vi bài viết.
Xã hội hóa giáo dục đại học là chủ trương lớn, đã trải qua chặng đường hơn 20 năm kể từ khi ĐH Thăng Long được thành lập. Đáp ứng nhu cầu học tập của người dân là điều không cần tranh luận nhất là khi dân số tăng khá nhanh, năm 1990 dân số nước ta khoảng 65 triệu người và mới có một ĐH ngoài công lập.
Năm 2015 dân số cả nước khoảng 90 triệu người, số trường CĐ, ĐH ngoài công lập vào khoảng 100 trường.
Vào những năm đầu của thế kỷ 21, cứ 10 thí sinh thi đại học thì chỉ có 1 người đỗ, đến năm 2014 con số gần đúng là hai người thi một người đỗ (số thí sinh là 1.371.666, chỉ tiêu tuyển chọn là 640.000).
Không thể khẳng định chất lượng giáo dục phổ thông được nâng cao đột biến khiến nhà nước phải mở rộng quy mô đào tạo đại học đến mức cứ hai người thi một người đỗ. Cũng không thể khẳng định quy mô phát triển kinh tế đòi hỏi phải có đội ngũ cử nhân kỹ sư đông đảo như quy mô đào tạo hiện nay.
Sự bùng nổ số trường CĐ, ĐH trong đó có các trường ngoài công lập cho thấy chủ trương xã hội hóa giáo dục đại học một mặt mang lại những lợi ích cho xã hội nhưng mặt khác lại trở thành mảnh đất màu mỡ cho những người kinh doanh giáo dục.
Cơ sở vật chất nghèo nàn, đội ngũ giảng viên èo uột là nét đặc trưng của khá nhiều trường CĐ, ĐH ngoài công lập. Tình trạng này cũng không khá hơn ở các trường ĐH công lập được nâng cấp từ trung cấp lên đại học chỉ trong vài năm.
Có ĐH ngoài công lập hiện nay thực chất chỉ là cơ sở buôn bán văn bằng hợp pháp khi đội ngũ giảng viên cơ hữu chưa đến 15 người, khi lãnh đạo trường lại là những người mạo nhận văn bằng, học vị.
Điều đáng nói là do luật không hạn chế nên không ít trường hợp, người mới học lớp 12 lại nghiễm nhiên trở thành lãnh đạo trường đại học trong vai trò Chủ tịch hoặc thành viên Hội đồng quản trị.
Một tồn tại trong chủ trương xã hội hóa là sự không đồng bộ giữa chính sách, luật pháp và tiến trình thực hiện. Bên cạnh việc chậm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thì cũng tồn tại sự vênh nhau giữa luật và các văn bản dưới luật tạo kẽ hở cho sự lợi dụng.
Có thể thấy rất rõ điều này qua cuộc “cãi vã”  ở ĐH Hoa Sen xung quanh chủ trương đại học vì mục đích lợi nhuận hay phi lợi nhuận, hay ĐH có phải là doanh nghiệp?...
Việc quy hoạch lại mạng lưới các trường CĐ, ĐH hiện nay là việc bức thiết cần phải được tiến hành dưới sự chỉ đạo của Chính phủ. Có ý kiến cho rằng cứ để thị trường quyết định, chất lượng đào tạo kém, không tuyển được sinh viên sẽ khiến các trường tự giải thể…
Vấn đề là khi nào người ta sẽ “tự giải thể” và chờ đến lúc đó đất nước sẽ có bao nhiêu cử nhân, kỹ sư không đạt chuẩn ra trường? Không phải chỉ là việc đầu tư tốn kém của người dân cho con em mình mà còn là hệ lụy cho toàn xã hội khi có nhiều cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ bằng thật mà chất lượng giả, khi có hàng trăm nghìn người tốt nghiệp đại học thất nghiệp.
Việc quy hoạch lại mạng lưới các trường CĐ, ĐH nên tiến hành theo hai hướng: giải thể, sáp nhập các trường yếu kém và giảm quy mô đào tạo đại học. Đây cũng là biện pháp tránh cho nhà nước phải cưỡng bức giải thể các trường không còn khả năng tồn tại.
Dường như chủ trương xã hội hóa giáo dục đã có một bước lùi khi năm 2007 đề ra mục tiêu là đến năm 2020 sẽ có khoảng 30-40% sinh viên theo học các trường CĐ, ĐH ngoài công lập, năm 2013 tiêu chí này đã bị loại bỏ.
Xã hội hóa giáo dục nên quan tâm đến hướng cổ phần hóa một số trường công lập, vừa giảm gánh nặng ngân sách vừa tạo điều kiện tái cấu trúc hệ thống giáo dục đại học, hoạt động này cần được tiến hành song song với tiến trình tự chủ đại học.
Tài liệu trích dẫn:

[1] http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/121955/-hoa-thom--moi-bo--nganh-huong-mot-ty-.html
[2] http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/tuanvietnam/132557/co-nguoi-bao-nganh-giao-duc-rat--dai-.html
[3] http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/138604/hoc-de-lam------ong-no--ba-kia--.html
[4]http://tuanvietnam.net/2013-04-17-lich-su-va-tro-boc-tham-may-rui
[5]http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Lich-su-va-nghich-ly-trai-tim-ben-trai-post140973.gd
[6] http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Tu-chu-tuyen-sinh-truong-lua-bo-ngo-thi-sinh-dung-nhe-da-post142000.gd
[7] http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/69856/lam--sach--cac-truong-mang-ten-bac-tien-hien.html
[8] http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Lieu-co-ton-tai-tieu-chuan-kep-trong-cong-tac-quan-ly-cua-Bo-GDDT-post148255.gd
[9] http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/tuanvietnam/132557/co-nguoi-bao-nganh-giao-duc-rat--dai-.html
[10] http://www.thanhnien.com.vn/giao-duc/thua-hang-chuc-ngan-giao-vien-522946.html
TS. Dương Xuân Thành

Thực trạng giáo dục Việt Nam, góc nhìn của nhà giáo- Bài 3

(GDVN) - Bằng cơ chế xin-cho, bằng cách xử lý nương nhẹ các sai phạm, Bộ GD&ĐT đang tạo điều kiện cho các trường công lập tuyển sinh vượt chỉ tiêu…

LTS: Với góp ý thẳng thắn của tác giả, loạt bài “Thực trạng giáo dục Việt Nam, góc nhìn của nhà giáo” nhận được nhiều ý kiến phản hồi tích cực từ độc giả trong và ngoài nước.
Trong bài thứ 3 này, TS. Dương Xuân Thành chủ yếu nêu lên năng lực của cán bộ quản lí giáo dục với mong muốn ngành giáo dục có thể lựa chọn được những người tài để điều hành ngành luôn được coi trọng là “Quốc sách hàng đầu”.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả bài viết này.

Phân mảnh quản lý – định hướng ngược ở tầm vĩ mô
Nói đến công tác quản lý giáo dục người ta thường nghĩ ngay đến Bộ GD&ĐT, điều này chỉ đúng một phần.
Như đã nêu trong mục 1, tâm lý tiểu nông đã khiến mảng giáo dục đại học bị phân chia thành những “mảnh đất 5% phần trăm” của các bộ, ngành, địa phương, thậm chí các tổ chức đoàn thể xã hội (Phụ nữ, Thanh niên, Công đoàn…) cũng có trường đại học của riêng mình.
Xu hướng cát cứ này đang có chiều hướng gia tăng khi gần đây Học viện Nông Nghiệp Việt Nam được chuyển giao về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý.
Nền Giáo dục nước nhà bị chi phối bởi nhiều đạo luật: Luật Giáo dục, Luật Giáo dục Đại học, Luật Giáo dục Nghề nghiệp, chưa kể vô số văn bản dưới luật. Vì Luật Giáo dục Đại học, Luật Giáo dục Nghề nghiệp đều do Quốc hội ban hành nên không thể xem đó là “luật con” của Luật Giáo dục.
Luật giáo dục 2005 có 120 điều, Luật Giáo dục Đại học 2012 có 72 điều, Luật Giáo dục Nghề nghiệp 2014 có 79 điều. Cả ba luật này có 271 điều trong khi dự thảo Bộ Luật Dân sự sửa đổi có 712 điều, Luật Hình sự có 344 điều, Luật Tố tụng Hình sự có 346 điều,…
Ghép cả ba luật liên quan đến giáo dục đào tạo thành một luật giáo dục duy nhất chắc chắn sẽ loại bỏ được sự chồng chéo, bất cập mà những đơn vị soạn thảo đã đưa vào luật theo ý muốn chủ quan của mình.
Ảnh minh họa. Xuân Trung
Một cách cơ học, chắc chắn Luật Giáo dục tổng hợp sẽ không nhiều đến 271 điều. Không nên để quá trình làm luật bị chi phối bởi lợi ích của bất kỳ “nhóm lợi ích nào”.

Vai trò và năng lực lãnh đạo cá nhân

Một trong những vấn đề bị người dân, truyền thông và các vị lãnh đạo cao cấp phê phán nhiều là năng lực quản lý, điều hành của cán bộ, chuyên viên cơ quan Bộ GD&ĐT. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã từng đề nghị “đổi mới giáo dục trước hết phải đổi mới tại chính cơ quan Bộ GD&ĐT”.
Những vấn đề như dự án sách giáo khoa 34.000 tỷ, cộng điểm cho đối tượng ưu tiên…tuy được dư luận mổ xẻ nhưng thực ra đó không phải là vấn đề trọng yếu.
Hai điều mà người viết cho là thất bại của chỉ đạo điều hành giáo dục mấy chục năm qua, đó là các “thí nghiệm” đổi mới giáo dục thể hiện qua đổi mới cách viết chữ Việt và cách phát âm các vần tiếng Việt.
Tác giả chân thành cảm ơn TS. Đặng Văn Định, Trưởng ban Ban nghiên cứu và phân tích chính sách, Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam đã góp nhiều ý kiến quý báu cho bài viết.
Cách viết chữ Việt theo kiểu chữ trong bản vẽ kỹ thuật đã bị lên án mạnh mẽ, đã bị loại bỏ song không ai chịu trách nhiệm ngoại trừ những đối tượng được “thí nghiệm” học cách viết này.
Cách phát âm các vần thì vẫn được tiếp tục “đổi mới”. Dù là cách đánh vần từ những năm 50 của thế kỷ trước hay cách đánh vần trong sách Công nghệ tiếng Việt hiện nay thì cuối cùng tất cả các từ tiếng Việt vẫn phát âm như nhau.
Ngày xưa đọc là “a (a), bê (b) xê (c)”, ngày nay là “a (a), bờ (b), cờ (c)”, dù có thay đổi cách phát âm thì người ta vẫn nói “xếp thứ tự theo vần a, bê, xê” chứ không ai nói “xếp thứ tự theo vần a, bờ, cờ”.
Ngày xưa đánh vần “Bê ô bô sắc bố”, ngày nay là “bờ ô bô sắc bố”, cuối cùng chẳng ai phát âm từ “bố” thành “ba” hay “mẹ”. Xin nhấn mạnh là không có bất kỳ sự thay đổi nào trong cách phát âm các từ tiếng Việt, vậy thì tại sao lại cần đổi mới?
Một điều đang được dư luận phản biện mạnh là quy định môn Lịch sử là môn tự chọn trong Dự thảo chương trình giáo dục tổng thể. Đa số quan điểm cho rằng đây là một chủ trương sai lầm của bộ phận soạn thảo đề cương, mà trách nhiệm chính là lãnh đạo Bộ GD&ĐT.
Người viết đã nhiều lần phản đối quan điểm xem nhẹ môn Lịch sử qua các bài viết: “Lịch sử và... trò bốc thăm may rủi” [4]; Lịch sử và nghịch lý “trái tim bên trái” [5].
Tiếc rằng ý kiến của truyền thông , của các nhà sử học không lay động được “quyết tâm” hạ thấp vai trò môn học Lịch sử của những người chịu trách nhiệm hoạch định chính sách.
Tuy nhiên, có những vấn đề rất cần đổi mới thì Bộ GD&ĐT lại tỏ ra thiếu kiên quyết như quá trình tự chủ đại học, tổ chức, sắp xếp lại mạng lưới các trường CĐ, ĐH hay quá trình xây dựng các luật liên quan đến giáo dục. Có phải “đổi mới” chỉ vì cần phải có cái gì đó để gọi là “mới” chứ không phải cần “đúng”?
Trong khi Hiệp hội các trường CĐ, ĐH Việt Nam có khá nhiều ý kiến, thậm chí là gay gắt về một số điều trong Luật Giáo dục Nghề nghiệp thì dư luận rất ngạc nhiên khi Bộ GD&ĐT gần như không phát biểu công khai, xem như không liên quan đến mình?
Cơ chế xin cho và đạo đức cán bộ
Với chức năng quản lý nhà nước về giáo dục, có thể nêu rất nhiều dẫn chứng khẳng định, rằng Bộ GD&ĐT đang buông lỏng quản lý, không dám xử lý quyết liệt các sai phạm liên quan đến cán bộ, chuyên viên của Bộ cũng như lãnh đạo các trường CĐ, ĐH.
Có biểu hiện bao che cho chuyên viên Bộ làm trái pháp luật trong công tác thanh tra, xét duyệt tự chủ tuyển sinh, về điều này, người viết đã đề cập trong một số bài báo [6], [7], [8],…
Bằng cơ chế xin-cho, bằng cách xử lý nương nhẹ các sai phạm, Bộ GD&ĐT đang tạo điều kiện cho các trường công lập tuyển sinh vượt chỉ tiêu, vượt quá khả năng đào tạo dẫn tới nhiều trường không còn thí sinh để tuyển?
Bộ cũng đang làm ngơ để tình trạng thiếu thầy đang tràn lan ở khối trường công lập, thậm chí ngay một số trường trọng điểm quốc gia chứ không phải chỉ các trường ngoài công lập.
Chỉ cần xem bảng quyết toán tiền dạy ngoài giờ của giảng viên các trường, chỉ cần xem tại các trường công lập sinh viên phải học và thi vào buổi tối vì thiếu giảng đường là có thể đánh giá thực trạng, tại sao Bộ không làm?
Không ít chủ trương của Bộ GD&ĐT thực hiện theo kiểu đánh trống bỏ dùi, điều này có thể thấy rõ qua chủ trương “3 công khai”. Trong việc công khai đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy, nhiều trường công lập đưa giáo viên thỉnh giảng vào danh sách giảng viên để xác định chỉ tiêu tuyển sinh.
Trong bài “Có người bảo ngành giáo dục rất ‘dại’" đăng ngày 25/7/2013 trên Vietnamnet.vn [2] người viết đã nêu một vài số liệu dẫn chứng, ví dụ ĐH Công nghiệp Hà Nội tuyển gấp đôi chỉ tiêu; ĐH Công nghiệp TP Hồ Chí Minh tuyển vượt chỉ tiêu 34.042 người; ĐH Kinh Tế TP Hồ Chí Minh tuyển vượt chỉ tiêu 13.393 người…
Kỳ tuyển sinh CĐ, ĐH năm 2015 tình trạng “vét” thí sinh vẫn không thay đổi, liệu Bộ GD&ĐT có thể khẳng định các trường CĐ, ĐH đã thực hiện đúng “3 công khai”? Phải chăng Bộ đang chờ để có lý do “xử phạt” các trường vi phạm?
Có thể thấy Bộ GD&ĐT đang tận dụng tối đa cơ chế “xin-cho” qua việc cho phép các trường CĐ, ĐH tuyển vượt dưới 15% chỉ tiêu đã đăng ký trong khi chẳng trường nào lại không đăng ký chỉ tiêu vượt khả năng thực tế của mình.
Năng lực dự báo
Có thể thấy đây là khâu yếu mang lại hậu quả tai hại nhất cho đất nước nói chung và ngành giáo dục nói riêng.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê [10]  số lượng học sinh liên tục giảm, năm 2001-2002 có gần 18 triệu, năm học 2013-2014 còn khoảng 14,8 triệu trong khi đó lượng giáo viên năm học 1995-1996 là 492.000 người đến năm học 2013-2014 là 855.000 người. Số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT cho biết, đến thời điểm hiện nay, cả nước đang thừa khoảng 35.000 giáo viên bậc THCS và THPT.
Không thể dự báo nhu cầu nhân lực của nền kinh tế chưa hẳn là lỗi của riêng ngành Giáo dục, tuy nhiên trong nội bộ ngành cũng không dự báo được nhu cầu giáo viên thì đó chỉ có thể là sự yếu kém của đội ngũ chuyên viên nghiên cứu.
Những dự báo của ngành tư vấn cho Chính phủ ban hành các văn bản dưới luật về tỷ lệ sinh viên ngoài công lập, quy hoạch mạng lưới các trường CĐ, ĐH… có thể xem là một thất bại.
Kỳ thi quốc gia và việc tổ chức tuyển sinh CĐ, ĐH năm 2015 cũng không dự báo được những bất cập khiến cả xã hội lo lắng, khiến Bộ trưởng phải nhận trách nhiệm…
Từ những phân tích trên đây, có thể thấy nguyên nhân của các nguyên nhân nằm ở con người, ở đội ngũ lãnh đạo, chuyên viên ngành Giáo dục. Không ít cán bộ có vấn đề cả về chuyên môn, nghiệp vụ lẫn tâm đức đang khiến Giáo dục trở thành nỗi bức xúc của toàn xã hội.
Có thể vấn đề của ngành Giáo dục cũng là vấn đề của các ngành khác, dù tồn tại “một bộ phận không nhỏ cán bộ thoái hóa, biến chất, cục bộ, tham nhũng…” nhưng vẫn không biết “nằm ở đâu”. Tuy nhiên nếu Giáo dục không biết tự làm trong sạch mình trước thì sẽ đi dạy ai, bảo ai?
Để kết thúc, người viết cho rằng sự thay đổi tư duy giáo dục ở thượng tầng là rất quan trọng, nhưng nếu không thay đổi cách thức chỉ đạo, điều hành, không thay đổi các cá nhân chịu trách nhiệm, khó mà có thể đưa giáo dục thoát khỏi tình trạng tụt hậu.
Tài liệu trích dẫn:
[1] http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/121955/-hoa-thom--moi-bo--nganh-huong-mot-ty-.html
[2] http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/tuanvietnam/132557/co-nguoi-bao-nganh-giao-duc-rat--dai-.html
[3] http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/138604/hoc-de-lam------ong-no--ba-kia--.html
[4]http://tuanvietnam.net/2013-04-17-lich-su-va-tro-boc-tham-may-rui
[5]http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Lich-su-va-nghich-ly-trai-tim-ben-trai-post140973.gd
[6] http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Tu-chu-tuyen-sinh-truong-lua-bo-ngo-thi-sinh-dung-nhe-da-post142000.gd
[7] http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/69856/lam--sach--cac-truong-mang-ten-bac-tien-hien.html
[8] http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Lieu-co-ton-tai-tieu-chuan-kep-trong-cong-tac-quan-ly-cua-Bo-GDDT-post148255.gd
[9] http://www.thanhnien.com.vn/giao-duc/thua-hang-chuc-ngan-giao-vien-522946.html
TS. Dương Xuân Thành

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét