Thứ Ba, 19 tháng 4, 2016

ĐỊNH HƯỚNG ĐI ĐÂU? 51

-NÓI NHƯ CON "KÉT", LÀM NHƯ CON "KẸT"!
-QUAN "NỔ" = MỴ DÂN
-Định hướng như ... cứt mà đòi lên "Thiên Đường".  
-Rồi đây, lịch sử sẽ chỉ rõ công - tội!
-Không có KTNN sẽ không có CNXH! Nhưng KTNN phải hoạt động theo KTTT.
-Phí không khéo, sẽ làm cho "sưu cao thuế nặng", và như vậy, khác gì thời phong kiến!? 
-Không thể chối cãi: xã hội yếu kém phổ biến, là sai lầm của thể chế!
-"Đồng chí" nào "lên" cũng vậy thôi! Ôi, cần lắm một nhân tài!
-Ưu tiên công nghiệp hóa nông nghiệp một cách thực chất, đó là định hướng duy nhất đúng cho kinh tế Việt Nam, đó là tiền đề làm cho "dân giàu, nước mạnh" đúng nghĩa!
-Lan tỏa dân cư là qui luật phổ biến. Muốn thu hút nhân tài thì phải có chế độ đãi ngộ thỏa đáng.
 -------------------------------------- 
(ĐC sưu tầm trên NET)

Mười năm qua gió thổi đồi tây...
Toan Nguyen·15 Tháng 4 2016
Năm 2016 là năm đặc biệt với tôi vì nó đánh dấu 10 năm tôi trở về Việt Nam sau hơn mười mấy năm sống ở nước ngoài và cũng là năm tôi qua tuổi 40, tuổi không còn trẻ nữa. Bài viết này là quan sát rất cá nhân của tôi, (và không có tính khoa học) về Việt Nam trong 10 năm qua dưới con mắt của một người trở về, từ dân nghiên cứu chuyển sang làm kinh doanh, nhân dịp sau đại hội Đảng và kết thúc một nhiệm kỳ của chính phủ.
Với tôi, Việt Nam của thập kỷ 2006-2015 được khái quát bằng những điểm chính sau: 1) Sự lũng đoạn trầm trọng của các công ty tư nhân trong việc cấu kết với các quan chức nhà nước, cái mà tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng gọi là “lợi ích nhóm”, còn kinh tế học thì gọi là “chủ nghĩa tư bản thân hữu” (cronysm); 2) Về phía khu vực công, sự “đục khoét ngân sách” hay “đào mỏ ngân sách” được đẩy lên đến đỉnh điểm; 3) Thập kỷ này đánh dấu sự khủng hoảng toàn diện của nền giáo dục của nước nhà. 4) Mạng xã hội và truyền thông đã có ảnh hưởng rất lớn đối với đời sống chính trị Việt Nam; 5) Và cuối cùng, làn sóng người có tiền và kiến thức ra đi ào ạt, lại một cuộc di cư nữa.
Vấn đề đầu tiên là sự lũng đoạn trầm trọng của các tập đoàn tư nhân. Chưa bao giờ mà chủ nghĩa tư bản thân hữu “cronyism” ở Việt Nam lại biểu hiện rõ như thế. Chủ nghĩa tư bản thân hữu hay “nhóm lợi ích” ở đây là sự kết hợp giữa công ty tư nhân và quan chức nhà nước trong việc giành những đặc quyền đặc lợi để khai thác một nguồn lực gì đó trên cơ chế bất bình đẳng, không cạnh tranh lành mạnh. Câu nói mà bạn sẽ nghe nhiều nhất trong 10 năm vừa qua sẽ là “chỗ này là của anh A, chỗ kia là của chị B”. Dường như không có cuộc chơi kinh doanh lớn nào ở Việt Nam mà lại không có sự “bảo kê” của một quan chức nào đó. Mọi quan hệ kinh tế sẽ được thay bởi các quan hệ chằng chịt giữa chính trị và doanh nghiệp.
Điểm nguy hiểm nhất của chủ nghĩa tư bản thân hữu là việc nó tạo ra một cuộc chơi bất bình đẳng mà các công ty tư nhân khác không được cơ hội tham gia. Qua đó các công ty “nhóm lợi ích” được độc quyền khai thác nguồn tài nguyên hay một hoạt động nào đó, và thường là gây thiệt hại cho người dùng. Trong tài chính, đây là cuộc chơi sử dụng quyền lực để mua lại các doanh nghiệp theo ý của mình. Trong giáo dục, đó là việc trao cho một công ty giáo dục độc quyền cung cấp một dịch vụ, thiết bị mà học sinh, phụ huynh phải mua mà không có sự lựa chọn khác. Trong xây dựng cơ sở hạ tầng, thì sử dụng quan hệ chính trị để lấy các hợp đồng thầu lớn mà không thông qua đấu thầu công bằng và minh bạch. Trong bất động sản, đó là việc thay đổi quy hoạch tạo lợi thế cho doanh nghiệp hoặc việc lấy các vị trí đắc địa qua những mối quan hệ bất bình đẳng.
Thay vì phát triển theo một hướng minh bạch có lợi về dài hạn, Việt Nam dường như đang trượt ngã trên con đường phát triển của những nước mà chủ nghĩa tư bản thân hữu đang lũng đoạn mà chưa có lối ra như Philippine, các nước Mỹ Latin, Liên bang Nga, Trung Quốc. Và rồi sẽ có lúc nếu không kiểm soát sớm thì doanh nghiệp sẽ là người điều khiển cuộc chơi chính trị kinh tế, là kẻ tống người tiêu dùng vào tù, là kẻ bịt mồm nhà báo, v.v , và cuối cùng là thế lực thực sự lũng đoạn nền chính trị, đưa người này lên, đưa kẻ khác xuống. Khi chính trị bị định đoạt bằng đồng tiền và quan hệ thì chính trị đã trở thành “công cụ” của những tay chơi tư bản lớn. Và khi đó, nền kinh tế tại Việt Nam sẽ trở thành hiện thân “chủ nghĩa tư bản” thời kỳ “mông muội” và đáng “ghê tởm”nhất chứ không phải là chủ nghĩa xã hội như ước vọng của các lãnh đạo Đảng CS.
Vấn đề thứ hai, với tôi, là việc “đào mỏ ngân sách” (budget mining) (mượn lời của TS Vinh du Tran). Thập kỷ vừa qua tại Việt Nam được đánh dấu bằng việc “vung tay quá trán” của chính quyền địa phương. Chưa có thời kỳ nào mà Việt Nam lại lắm công trình chùa chiền, công trình kỷ niệm, các dự án khu hành chính ngốn hàng trăm, hàng ngàn tỷ như những năm vừa qua. Các địa phương thi nhau đục khoét ngân sách thông qua các dự án công. Không có cách nào rút tiền ngân sách dễ dàng như rút tiền qua dự án công. Một công trình, khu tượng đài có giá trị đầu tư hàng trăm tỷ sẽ được giao cho một công ty xây dựng “thân hữu”. Công ty xây dựng đó sẽ trở thành nhà thầu chính và qua đó có thể chia sẻ lại quyền lợi cho những người có quyết định.
Điểm đáng kinh ngạc và phẫn nộ là trong khi ai cũng biết mười mươi sự lãng phí và sự rút tiền trắng trợn qua những dự án này thì chính quyền trung ương dường như lại không thể áp đặt và quyết đoán ngăn chặn những quyết định này. Tại sao các địa phương lại có thể xin ngân sách nhà nước một cách tùy tiện như vậy. Sự nghịch lý này hoàn toàn có thể giải thích được. Chính quyền trung ương sẽ được đánh giá tín nhiệm từ hai nguồn: a) các ủy viên trung ương, mà đại diện là lãnh đạo các tỉnh/chính quyền địa phương; b) đánh giá tín nhiệm từ quốc hội. Tuy nhiên, ủy viên trung ương mới là người thực sự bầu ra bộ chính trị, thủ tướng, và thực tế nội các. Trong khi đó, lá phiếu tín nhiệm của quốc hội chỉ có ý nghĩa tượng trưng mà không có hình phạt. Do đó, dường như phải có sự thỏa hiệp giữa chính quyền địa phương và chính quyền trung ương trong việc đổi lấy lá phiểu ủng hộ, đặc biệt là giữa nhiệm kỳ. Do vậy, để tránh việc đầu tư vung vãi như trên thì cần phải thiết kế một cơ chế quy trách nhiệm cho người lãnh đạo chính quyền địa phương và bảo đảm được tính độc lập trong việc ra quyết định chi ngân sách của người đứng đầu chính quyền trung ương.
Từ những năm qua, mạng xã hội và truyền thông đã đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống kinh tế chính trị ở VN. Xã hội Việt Nam 10 năm qua đã không còn là xã hội thụ động về truyền thông nữa. Sự phát triển của mạng xã hội đã cho phép người dân tham gia vào đời sống chính trị kinh tế xã hội một cách chủ động hơn rất nhiều. Mạng xã hội đã chính thức trở thành nơi để xả những uất ức phẫn nộ và bức bối của dân chúng. Nếu như ở nước ngoài, người dân phản ứng với thay đổi bằng cách biểu tình thì ở Việt Nam, người ta sẽ phản ứng bằng cách “biểu tình trên mạng”. Mỗi một sự kiện có ảnh hưởng lớn đến đời sống đều được đem ra bàn luận sôi nổi trên mạng xã hội. Ảnh hưởng của mạng xã hội lớn đến mức có rất nhiều vụ việc sau đó bị thay đổi do dư luận trên mạng xã hội đã dẫn dắt truyền thông chính thống, ví dụ như vụ chặt cây xanh, máy tính bảng, tiếng Anh tích hợp, thực phẩm bẩn .v.v.
Quay lại chuyện chính trị và truyền thông, dường như truyền thông và mạng xã hội đã loại thẳng tay các lãnh đạo đương nhiệm của Bộ GDĐT và Bộ Y tế, trong khi trái tim của công luận dường như “tình trong như đã” với nguyên Bộ trưởng Bộ Giao Thông Đinh La Thăng. Xét công bằng mà nói thì hai Bộ Y tế và Bộ GD ĐT có những nỗ lực không hề nhỏ trong 5 năm vừa qua. Tuy nhiên nhìn cách họ ứng xử với truyền thông thì thấy hai Bộ này còn phải thay đổi rất nhiều. Bộ Y tế ứng xử với truyền thông thì hết sức vụng về, luôn đi chậm một bước, tuyên bố rất ngô nghê. Còn Bộ Giáo Dục thì luôn có vẻ ngạo mạn, hành xử đầy “cha chú” với truyền thông và công luận với những chính sách và phát ngôn gây sốc như dự án 35 nghìn tỷ, cuộc thi đại học như “đánh bạc”, và chả bao giờ có lời giải thích cầu thị đến nơi đến chốn cả. Trong khi đó, chỉ một hình ảnh ông Đinh La Thăng đu dây xuống thị sát vụ tai nạn cũng đã đủ đốn ngã hàng triệu con tim của người dân, và kế đó là việc ông là người duy nhất được bầu thẳng vào Bộ Chính Trị mà không có sự giới thiệu từ Bộ Chính Trị trước đó.
Đối với tôi, người từng tham gia rất sâu vào giáo dục và cũng là người có hai đứa con đang độ tuổi đi học cấp 1 và cấp 2 ở Việt Nam, giáo dục là điều tôi quan tâm nhất. Với tôi, 10 năm qua chứng kiến sự khủng hoảng toàn diện của nền giáo dục Việt Nam. Sang thế kỷ 21 rồi mà giáo trình phổ thông và đại học của Việt Nam vẫn vô cùng lạc hậu hàng chục năm so với nước ngoài. Hàng trăm vụ scandal liên quan đến nội dung giáo trình phổ thông đã xảy ra; những gì con tôi được học không khác gì những gì cha tôi và tôi đã từng được học cách đây hơn 30-50 năm. Người thầy vẫn phải dạy một cách giáo điều, khuôn mẫu, ngăn cản sáng tạo. Vẫn những câu chuyện lịch sử áp đặt hoặc không được nhắc đến. Những cuộc cải cách giáo trình mãi không biết đến bao giờ mới xong (trong khi đó nếu Bộ GD ĐT trao quyền cho khối tư nhân thì có khi chỉ 1 năm đã có tất cả giáo trình đầy đủ). Và vẫn những loay hoay không lối thoát về chiến lược giáo dục.
Sắp hội nhập AEC và TPP đến nơi rồi mà hơn 80% học sinh thi tốt nghiệp phổ thông trung học có điểm tiếng Anh dưới 5, điểm trung bình. Ấy thế mà những nhà quản lý giáo dục vẫn “bình chân như vại”. Giáo dục song ngữ, cụ thể là tiếng Anh, vẫn chưa bao giờ được coi là quan trọng nhất. Việc dạy Toán và Khoa học, nền tảng giáo dục cơ bản cho một đất nước “sáng tạo” lại luôn được dạy một cách vô cùng lý thuyết và thiếu tính ứng dụng cao.
Cuộc khủng hoảng năm 2008 kéo dài với những bấp bênh bất ổn của nền kinh tế đã dẫn đến một làn sóng ngầm nhưng rất rõ ràng là những ai có điều kiện đều cảm thấy cần phải mua “bảo hiểm” cho gia đình mình bằng tấm hộ chiếu của một đất nước khác. Nếu như năm 2006 khi tôi trở về, câu chuyện trong giới doanh nghiệp và tài chính là đầu tư vào đâu, thì những năm gần đây, câu chuyện thường trực mà tôi nghe là họ sẽ di cư đi đâu, chuyển tiền ra nước ngoài thế nào. Tại sau người ta lại bỏ nước ra đi? Người ta bỏ nước ra đi vì họ thấy quá nhiều bất ổn: kinh tế bấp bênh, ô nhiêm môi trường trầm trọng, thực phẩm độc hại tràn lan, Và đặc biệt, là một nền giáo dục quá lạc hậu không thể chuẩn bị cho con cái họ một tương lai trước một thế giới đầy bất định.
Cứ 10 chủ doanh nghiệp mà tôi gặp thì ít nhất 3-4 người đã có thẻ thường trú nhân ở một nước tư bản, số còn lại thì hơn một nửa cũng đang ngấp nghé chuẩn bị. Sự khác biệt lớn nhất của cuộc di cư lần này so với những cuộc di cư khác là cuộc di cư lần này không hề vì ý thức hệ. Cuộc di cư lần này được những người tinh hoa nhất, thành đạt nhất dẫn đầu, và được chuẩn bị vô cùng bài bản và công khai. Họ ra đi mang theo số lượng tiền bạc, trí tuệ khổng lồ. Một cuộc chảy máu chất xám và tiền lớn hơn tất cả những cuộc di cư trước cộng lại. (Còn với tôi, nếu tôi có phải bỏ nước ra đi, thì lý do duy nhất là tôi không muốn con tôi sống với những điều dối trá đang diễn ra.)
Sang năm 2016, tôi thấy hơi lạc quan với những động thái mà Đảng CS đưa ra. Dường như những nhà lãnh đạo đã cảm thấy một phần sức nóng bức xúc của công luận. Tham nhũng được coi là quốc nạn, những vụ bổ nhiệm lãnh đạo cao cấp dường như khá tích cực. Những vụ luân chuyển cán bộ cấp thành ủy đã mang hơi hướng của việc cải cách. Một điểm tích cực khác là dàn lãnh đạo khá trẻ của Đảng cho dù họ có là con ông cháu cha hay chăng nữa. Truyền thông và mạng xã hội được coi trọng hơn rất nhiều. Quan chức giờ đã biết nhìn và hành động theo phản ứng của dư luận, cho dù những việc đó có là “giả tạo” thì việc biết để ý đến phản ứng của công luận đã là một bước tiến bộ rất đáng kể.
Tôi mong rằng sang thập kỷ mới, chính phủ Việt Nam sẽ giải quyết được triệt để những vấn đề nêu trên. Hãy trở thành một chính phủ quyết đoán hơn, dùng được tầng lớp kỹ trị. Các quan chức phải chịu trách nhiệm cá nhân cho các quyết sách của mình. Hãy biến Việt Nam trong những năm tới thành một “Quốc Gia Giáo Dục – Education Nation” nơi mà việc học tiếng Anh, Toán, Khoa học được coi trọng hàng đầu.
Chính phủ Việt Nam cũng nên cởi mở hơn với những phản biện xã hội. Hãy coi phản biện xã hội là những tấm gương lớn để soi lại mình. Đừng chụp mũ và áp đặt cho các phản biện xã hội là “diễn biến hòa bình” hay “các thế lực phản động”. Đảng CS Việt Nam luôn tự làm mới mình trong mỗi lần sinh tử. Vậy hãy làm mới mình, hãy chấp nhận thay đổi cho một đất nước tốt đẹp hơn.
Anh bạn thân của tôi, một nhà kinh tế học nổi tiếng Việt Nam đã từng nói đầy cay đắng: Bi kịch và nghịch lý lớn nhất của thể chế chính trị hiện giờ là nó biến những người hiền hòa, những trí thức và doanh nhân an phận có trách nhiệm (như tính cách của dân tộc Việt Nam) thành những người bất đồng. Chúng tôi yêu tha thiết đất nước này, và một cách nào đó, chúng tôi được hưởng lợi từ chế độ này. Tuy nhiên, mong thể chế này hãy thay đổi tích cực để đừng biến những người yêu nước (như chúng tôi), một ngày nào đó lại phải trở thành những người “bất đồng chính kiến”.
Nguyễn Quốc Toàn
(Đầu đề mượn lời thơ của Phạm Công Thiện. Bài viết có sử dụng các ý trao đổi của Vũ Thành Tự Anh và Trần Vinh Dự).

Việt Nam đang chảy máu chất xám

Chính phủ Việt Nam đã bắt tay vào việc thực hiện các sáng kiến nhằm khuyến khích du học sinh quay trở về sau khi tốt nghiệp, tuy nhiên thành công của những chương trình này còn hạn chế.
Về hay ở - sự lựa chọn không dễ với sinh viên Việt.(RAVS)
Hiện tại Việt Nam đang dấy lên quan ngại về vấn đề chảy máu chất xám. Những số liệu cho thấy khoảng 70% sinh viên du học không trở về nước sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên một số chuyên gia cho rằng tình hình này chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và tin tưởng rằng ngày càng nhiều sinh viên sẽ trở về quê hương.
Tiến sĩ Nguyễn Cúc là một giảng viên tại Đại học Melbourne. Bà rời Việt Nam tới Úc cách đây 12 năm để thực hiện khóa Cao học và sau đó là chương trình Tiến sĩ. Với nhiều người như bà, việc thiếu cơ hội tại quê hương đã khiến bà quyết định ở lại Úc.
Bà nói: "Tôi thấy môi trường công tác tại Úc thật tuyệt vời cho những sinh viên tốt nghiệp bởi chúng tôi có cơ hội áp dụng những gì được học vào công việc. So sánh với những cử nhân khác, tôi không nghĩ họ có cơ hội khi quay trở lại Việt Nam bởi lẽ chỉ có một số ít sinh viên Việt tốt nghiệp tại Úc và các nước khác. Khi họ quay về nước, họ thấy chán nản bởi không thể áp dụng được những gì đã học. Nguyên nhân là do những kiến thức đó quá mới mẻ tại Việt Nam".
Tiến sĩ Cúc đã từng nỗ lực quay lại quê hương, nhưng ngay cả khi đó, bà cũng nhận ra những đứa con của mình không thể thích nghi với môi trường học tại quê nhà. Điều này đã khiến bà quyết định cư trú lâu dài tại Úc. Trường hợp của Tiến sĩ Nguyễn Cúc đang ngày càng trở nên phổ biến ở Việt Nam. Các số liệu mới nhất cho thấy khoảng 70% những sinh viên Việt mới tốt nghiệp ở nước ngoài không quay trở về sau khi đã nhận bằng.
Một số trong những điểm đến hàng đầu của sinh viên là Canada, Singapore, Úc và Hoa Kì. Ông Nguyễn Văn Quang, hiện là Giám đốc Trung tâm Giáo dục Canada cơ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh, nói ông tin tưởng chiều hướng này sẽ thay đổi ngay cả trong khi cơ hội việc làm cho những cử nhân có tay nghề cao là hạn chế.
Ông Quang cho biết thêm: "Hầu hết sinh viên khi hoàn thành xong khóa học và nghĩ về việc quay lại Việt Nam, họ đều mong muốn tìm được một công việc phù hợp. Hiện tại suy thoái kinh tế đang diễn ra tại nhiều quốc gia, do đó tôi nghĩ sẽ có sự thay đổi và chúng ta sẽ chứng kiến ngày càng có nhiều hơn sinh viên quay trở về dù rằng con số đó tại thời điểm này còn ít".
Dù có những quan ngại, tuy nhiên con số 70% không diễn tả hết toàn bộ vấn đề sinh viên có trở lại quê nhà sau khi tốt nghiệp hay không. Từ những kinh nghiệm khi làm việc với các sinh viên Việt Nam theo học tại Hoa Kì, Tiến sĩ Lynn McNamara cho rằng đa số sinh viên, nếu như không phải là toàn bộ, sẽ trở về quê hương. Tiến sĩ McNamara hiện là Quyền Giám đốc Tổ chức Giáo dục Việt Nam - một cơ quan của Mỹ hoạt động nhằm thúc đẩy trao đổi giáo dục giữa hai nước.
Bà nói: "Tại thời điểm này, ngay cả khi chúng ta nghi ngờ về con số 70% sinh viên chưa trở về, tôi nghĩ rằng điều quan trọng lại nằm ở việc họ chưa trở về, chứ không phải là ở con số thống kê".
"Những sinh viên này sẽ ở lại nước ngoài thêm một thời gian, tuy nhiên người Việt Nam luôn quay trở lại, bởi họ gắn bó chặt chẽ với gia đình, mà ở đây gia đình cũng có nghĩa là quốc gia. Ngay tại Mỹ, tôi thường xuyên gặp những gia đình Việt có sự gắn bó chặt chẽ. Điều này khiến tôi tiếp tục nghĩ rằng họ sẽ tiếp tục quay trở lại quê hương".
Ngược với số đông, Tiến sĩ McNamara cho rằng những du học sinh sau tốt nghiệp lại có những cơ hội lớn tại quê nhà. Theo bà cơ hội dành được những vị trí quan trọng của các sinh viên này còn tốt hơn nhiều những sinh viên tốt nghiệp trong nước bởi họ có ngoại ngữ, có bằng cấp và có kinh nghiệm. Trên tổng thể cả quốc gia, họ có cơ hội nhiều hơn trên cả nước để áp dụng kiến thức vào thực hành.
Theo Tiến sĩ McNamara, để ngăn chặn bất kì hình thức chảy máu chất xám nào ở Việt Nam, phía Hoa Kì đã đưa ra luật J-Visa yêu cầu sinh viên quay trở về nước để làm việc.
Bà cho biết thêm: "Luật J-Visa yêu cầu sinh viên quay trở về đất nước hai năm sau khi tốt nghiệp. Họ không được quay trở lại Mỹ với visa nhập cư hay visa lao động, do đó điều này sẽ giúp ngăn chặn việc chảy máu chất xám tại Việt Nam".
Từ Việt Nam, ông Nguyễn Văn Quang nói rằng chính phủ đã bắt tay vào việc thực hiện các sáng kiến nhằm khuyến khích các du học sinh quay trở về, tuy nhiên ông cũng cho rằng thành công của những chương trình này khá hạn chế.
Ông nói: "Đã có nhiều sinh viên du học và cả những người Việt Nam mang quốc tịch khác muốn trở về quê hương. Nhiều chương trình đã được đưa ra nhằm hỗ trợ họ, ví dụ như hỗ trợ tiền lương, nhà ở. Tuy nhiên điều kiện của những chương trình này lại không đồng nhất. Thực tế là Chính phủ Việt Nam không có điều kiện thực sự để cung cấp những việc làm phù hợp với những đối tượng này".
Nguồn:http://www.bayvut.com.au/tri-th%E1%BB%A9c/vi%E1%BB%87t-nam-%C4%91ang ch%E1%BA%A3y-m%C3%A1u-ch%E1%BA%A5t-x%C3%A1m
Nhiều năm qua, “chảy máu chất xám” được coi là một hiện tượng phức tạp, buộc nhiều quốc gia cần xem xét và điều chỉnh, từ đó có chính sách, biện pháp khắc phục. Bởi, dù thế nào thì trong thế giới hiện đại, sự phát triển của mỗi quốc gia luôn cần tới vai trò của tri thức, trí tuệ.Tuy nhiên, do cơ chế trả lương và đãi ngộ quá bất cập mà Việt Nam đang phải… chấp nhận tình trạng chảy máu chất xám hằng ngày, hằng giờ.
Tốn kém nhiều - kết quả ít
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết, hiện có trên 3 vạn lưu học sinh du học theo các con đường: Hiệp định giữa hai chính phủ, với học bổng của các tổ chức nước ngoài, học bổng của chính phủ trong khuôn khổ đề án đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật của các cơ sở nước ngoài bằng nguồn ngân sách Nhà nước (Đề án 322) và du học tự túc. Với Đề án 322, từ năm 2000 đến 2010, Việt Nam đã chi hơn 2.500 tỉ đồng cho khoảng 3.000 cán bộ, giảng viên đi nước ngoài học tập; và trong số 2.268 người được đưa đi đào tạo tiến sĩ, thì chỉ có 1.074 tiến sĩ về nước. Chi phí bình quân cho mỗi du học sinh theo đề án này là khoảng 22.000USD/năm. Như vậy, trong 10 năm Nhà nước phải chi cho mỗi người là 220.000USD, tức gần 4,4 tỉ đồng.
Việc thiếu những cơ chế hợp lý đãi ngộ người tài đã khiến tình trạng chảy máu chất xám ở Việt Nam ngày càng nghiêm trọng
Không chỉ vậy, thống kê của Bộ GD&ĐT cho biết số lượng du học sinh Việt Nam ở nước ngoài ngày càng tăng, theo đó, năm học 2010-2011 có 98.536 người, năm học 2011-2012 có 106.104 học sinh, sinh viên ra nước ngoài học tập. Như vậy, nếu tính một suất du học tốn tối thiểu 10.000-15.000USD (có thể cao hơn) thì mỗi năm Việt Nam chuyển ra nước ngoài 1-1,5 tỉ USD. Dù vậy, nhưng hiện nay, Bộ GD&ĐT cũng chỉ nắm được con số du học sinh đi theo Đề án 322, với 120 du học sinh đã tốt nghiệp trở về nước. Số còn lại, do cá nhân học sinh, sinh viên tự liên hệ, không thông qua Bộ GD&ĐT nên khó nắm được con số đi cũng như số trở về và đến nay cũng chưa có một điều tra nào về thực trạng việc làm của những du học sinh, sau khi tốt nghiệp các trường đại học nước ngoài trở về.
Thực trạng đáng buồn hiện nay là các du học sinh ra nước ngoài học tập bằng nhiều con đường khác nhau nhưng nẻo về lại giống nhau và phần lặng lẽ mất hút; phần khác nếu không được ở lại, khi trở về họ cũng tìm cơ hội tại các công ty nước ngoài. Mặc dù những năm gần đây, một số địa phương cũng có những chính sách thu hút nhân tài, trong đó Hà Nội có hẳn một đề án thu hút nhân tài nhưng đáng tiếc là hiệu quả của việc triển khai thực hiện của những đề án, kế hoạch này lại… chỉ như “đá ném ao bèo”.
“Người ra đi đầu không ngoảnh lại”
Là á quân của cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” năm đầu tiên, năm 2002, Nguyễn Thành Vinh có học bổng sang Australia du học ngành hóa học tại Đại học New South Wales tại Sydney. Kết thúc chương trình cử nhân, Vinh tiếp tục chương trình tiến sĩ về hóa hữu cơ tại Đại học Quốc gia Australia (ANU). Phản ứng trước con số 70% du học sinh Việt Nam không trở về nước sau khi tốt nghiệp, Vinh nói: “Nếu 30% quay trở về làm đất nước phát triển rực rỡ thì thế đã là quá đủ. 70% nữa quay trở về chỉ làm môi trường thêm chật chội. Nếu 30% đã quay về chẳng làm được gì hết thì 70% nữa quay về liệu có làm được gì không? ”.
Ông Phạm Sỹ Tiến, Trưởng ban Điều hành Đề án 322 trăn trở: “Điều đáng buồn nhất của các đề án đầu tư đưa học sinh, sinh viên đi du học là người học được Nhà nước đầu tư rất tốt, nhưng sau khi về nước không phát huy được năng lực của mình, không có môi trường để phát triển nghiên cứu tiếp”. Ông Tiến nhận xét: “Đề án có tốt nhưng “đầu ra” không tốt thì hiệu quả cũng bị giảm sút. Một số du học sinh sau khi về nước đã xin thôi việc ở cơ quan cũ để sang cơ quan khác làm việc hoặc làm việc cho doanh nghiệp. Nhiều người ở lại nước ngoài”.
Không chỉ vậy, với thạc sĩ, tiến sĩ… được đào tạo bài bản và có trình độ chuyên môn, việc đãi ngộ thông qua lương bổng cũng vô cùng bất cập. Với trình độ cao học, một người cần bỏ ra 20-30 triệu cho 2 năm học (trong đó tiền học phí chỉ dao động 13-15 triệu), còn nếu muốn học tiếp lên tiến sĩ thì số tiền này sẽ còn nhiều hơn bởi một loạt các loại phí khác nằm ngoài chuyện học tập, như “phí bảo vệ luận án, phí quà cáp”... Và nếu trừ 10 triệu đồng/năm được Nhà nước hỗ trợ, hầu hết nghiên cứu sinh đều phải bỏ thêm tiền túi ra để phục vụ nghiên cứu. Đối với nghiên cứu sinh khối xã hội còn đỡ, khối kỹ thuật có người phải tốn cả trăm triệu đồng để trang bị các điều kiện nghiên cứu. Thế nhưng đến thời điểm này, theo Nghị định 205/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ quy định hệ thống thang lương, bảng lương và chế độ phụ cấp lương trong các công ty Nhà nước thì không có thang lương cho học vị thạc sĩ hay tiến sĩ.
Anh Nguyễn Hùng, giảng viên một trường đại học ở Hà Nội cho biết, sau khi làm xong tiến sĩ theo Đề án 322 ở Trường đại học Paris 6 ở Pháp về, anh có cảm giác “khủng hoảng”. Đang từ cuộc sống đầy đủ, lúc về nước anh nhận mức lương 2,5 triệu/tháng trong 6 tháng đầu do chưa tham gia nhiều hoạt động khác của khoa. Hiện giờ, mức lương của anh là 3,6 triệu đồng/tháng, không thay đổi so với trước lúc đi học.
Khá hơn anh Hùng, anh Trần Văn Long, giảng viên một trường đại học kỹ thuật tại Hà Nội đã hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh vào năm 2011 và được hưởng hệ số lương là 3,33. Tuy nhiên, anh cho biết, nếu không dạy vượt tiết, tất tần tật thu nhập của anh ở trường chỉ là 3,5 triệu đồng/tháng. Nếu dạy vượt tiết, giờ hành chính anh được trả 25.000 đồng/tiết, ngoài giờ là 50.000 đồng/tiết. Anh nói: “Lương giảng viên thì thấp, chúng tôi còn phải lo cho vợ con, nhà cửa, thế này thì thạc sĩ hay tiến sĩ cũng có khác gì cử nhân mới ra trường đâu?”.
Chia sẻ về tình trạng “chảy máu chất xám” và đãi ngộ người tài ở nước ta hiện nay, GS Phạm Minh Hạc (nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT) cho rằng: “Nhiều người đi học ở nước ngoài về vẫn phải tự thân vận động, tự bỏ tiền túi để nghiên cứu khoa học, một phần do thủ tục hành chính, chế độ, chính sách chưa thỏa đáng. Họ không về do hệ thống nghiên cứu khoa học trong nước chưa đủ hấp dẫn cho người có tài làm việc trong nước, chưa đủ mức tin cậy cho những nhà khoa học trẻ thấy rằng, mình làm trong nước có thể tiến bộ và cống hiến được như nước ngoài. Chúng ta cần chú trọng đội ngũ trí thức trong nước ở các viện khoa học, các trường đại học, các tổ chức... Có một điểm không thể thiếu được là chú trọng kêu gọi những nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài trở về nước hợp tác, cộng tác thường xuyên để có sự gắn bó, hợp tác. Nhà nước không cần có một chính sách gì quá đặc biệt với trí thức Việt kiều mà hãy tập trung vào những chính sách tốt cho trí thức trong nước”.
Rõ ràng, chuyện lương bổng và trên hết là quá nhiều bất cập trong chính sách trọng dụng, đãi ngộ nhân tài khiến du học sinh khi trở về không có cơ hội phát triển nghề nghiệp lẫn thăng tiến. Và nếu chúng ta cứ tiếp tục “vô tư” không nghĩ đến một giải pháp thu dụng những tri thức trẻ có năng lực, bao gồm cả những sinh viên tốt nghiệp trong nước và du học sinh, thì một ngày không xa con số “chảy máu chất xám” của đất nước sẽ còn tăng theo cấp số nhân.
Khánh An
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét