Thứ Tư, 13 tháng 4, 2016

BÍ ẨN LỊCH SỬ 123

(ĐC sưu tầm trên NET)

Tình tiết cực lạ về mộ phần của Thành Cát Tư Hãn

 

(Kiến Thức) - Người Mông Cổ thường giết chết lạc đà con, khiến máu của nó chảy tràn trên mộ. Phải chăng, mộ của Thành Cát Tư Hãn cũng từng đẫm máu lạc đà?

Thành Cát Tư Hãn (Ghinggis Khan) được ngợi ca là nhà chính trị, nhà quân sự đại tài và vĩ đại của dân tộc Mông Cổ. Có thuyết cho rằng, ông sinh năm 1155 (không rõ ngày tháng) ở Bắc miền trung Mông Cổ. Lúc nhỏ có tên là Temujin. Ông kết hôn khi mới 16 tuổi, nhưng sau khi lên ngôi thì có rất nhiều vợ. Năm 20 tuổi, Thành Cát Tư Hãn nổi tiếng là người có võ nghệ cao cường. Đến năm 1183 khi 22 tuổi, ông đã được tôn vinh là “Đại Hãn”. Thành Cát Tư Hãn chính là người đã lập ra Đế quốc Mông Cổ xuyên hai lục địa Âu - Á, phía đông gồm toàn bộ khu vực Đông Á, phía tây tới bờ biển Hắc Hải. Ông còn được các nhà sử học coi là “máy gieo hạt”, vì trong thời gian chiếm đóng hai châu lục, quân của ông đi tới đâu thì có con tới đó. Hiện theo các số liệu thống kê, có khoảng 16 triệu người rải rác khắp nơi mang dòng máu Nguyên Mông.
Lịch sử chép rằng, Thành Cát Tư Hãn là người hiếu sát và hiếu sắc. Năm 20 tuổi đã giết một lúc hơn 300 người thuộc bộ tộc Yekechiletu. Khi tấn công sang vùng Trung Á đã tàn sát dã man nhiều dân tộc, như đã giết tới 1,2 triệu người khi đánh chiếm vùng ven biển Hắc Hải.
Trung Quốc vừa cho xuất bản cuốn “Thành Cát Tư Hãn” do ông Bao Phong San, hậu duệ đời thứ 32 của Thành Cát Tư Hãn ở Khu tự trị Nội Mông biên soạn sau hơn 3 năm chuyên khảo cứu, tham khảo, hiệu chỉnh các tư liệu. Cuốn sách gồm ba phần 9 chương với hơn 500.000 chữ Trung Quốc ghi lại lịch sử Nguyên Mông từ thời ông cha của Thành Cát Tư Hãn tới 15 vị Hoàng đế Nguyên Mông. Ngoài ra, cuốn sách còn ghi lại địa chỉ liên hệ của hơn 1.000 con cháu hậu duệ của Thành Cát Tư Hãn hiện đang sinh sống tại các nơi. Cuốn sách này là một trong số vô vàn tác phẩm đã khai thác về Thành Cát Tư Hãn. Trên thực tế, sau khi Thành Cát Tư Hãn qua đời vào tháng 8 năm 1227, bí ẩn ngàn năm về cái chết và mộ phần của ông vẫn chưa được giải mã.
Cái chết bí ẩn của nhà quân sự đại tài
Hiện có nhiều sử liệu khác nhau về cái chết của Thành Cát Tư Hãn. Năm 1368, khi Chu Nguyên Chương xưng đế lập ra triều Minh có hạ chỉ sửa lại lịch sử của nhà Nguyên, trong đó có phần liên quan tới cái chết của Thành Cát Tư Hãn. Nhà sử học Tống Liêm, thời nhà Minh cũng chỉ chép vỏn vẹn có 20 chữ về cái chết của Thành Cát Tư Hãn: “Thành Cát Tư Hãn bị ốm nặng, không chữa được nên đã qua đời vào mùa thu tháng 7 năm Nhâm Ngọ (tức 25/8/1227)”. Nhưng bị bệnh gì, vì sao lại ốm chết thì chưa được xác định rõ.
 Chân dung Thành Cát Tư Hãn.
Bởi vậy, tới nay trong dân gian có 4 phiên bản về cái chết của Thành Cát Tư Hãn.
Một là, Thành Cát Tư Hãn bị ngã ngựa rồi ốm chết. Tập 14 về “Nguyên Triều Mật Sử” của người Mông Cổ chép: “Mùa thu năm 1226, Thành Cát Tư Hãn đưa theo phu nhân tấn công nước Tây Hạ. Vào mùa đông khi Thành Cát Tư Hãn cưỡi con ngựa hồng đi săn, vô tình gặp đàn ngựa rừng khiến con ngựa ông cưỡi trở nên hoảng sợ, lồng lên làm cho Thành Cát Tư Hãn ngã ngựa, bị ốm nặng. Các tướng lĩnh đi cùng khuyên Thành Cát Tư Hãn nên quay về chữa bệnh sau đó quay lại tấn công tiếp vẫn chưa muộn. Nhưng Thành Cát Tư Hãn là kẻ hiếu thắng, lại sợ người Tây Hạ chê cười, nên kiên quyết tiếp tục ở lại tấn công. Vì vậy, bệnh lại càng nặng thêm và qua đời”.
Hai là, bị hành thích (ám sát). Cuốn “Mông Cổ Nguyên Lưu” thời Khang Hy nhà Thanh năm 1662 chép rằng, khi tấn công Tây Hạ, binh lính đã bắt được Vương phi Tây Hạ xinh đẹp, liền đưa về dâng lên Thành Cát Tư Hãn. Vương phi Tây Hạ vốn căm thù quân Nguyên Mông, nên trong đêm ân ái nhân lúc Thành Cát Tư Hãn mỏi mệt đã dùng dao giết chết Thành Cát Tư Hãn.
Ba là, bị hạ độc. Một thương nhân người Italia có tên Marco Polo đã tới Trung Quốc làm ăn buôn bán vào năm 1275 thời Hốt Tất Liệt. Là thương nhân có quan hệ làm ăn suốt 17 năm với nhà Nguyên, nên ông giao tiếp rộng rãi. Chính Marco Polo đã ghi lại câu chuyện được lưu truyền trong dân gian về Thành Cát Tư Hãn. Chuyện cho rằng, khi tấn công Tây Hạ, ông đã bị trúng tên tẩm thuốc độc của binh lính Tây Hạ nên ốm chết.
Bốn là, bị sét đánh chết, phiên bản này là của giáo chủ Cabine, Đại Sứ của Giáo hoàng La Mã cử tới Trung Quốc năm 1245 -1247. Khi mãn nhiệm, Cabine đã trình lại Giáo hoàng về nguyên nhân cái chết của Thành Cát Tư Hãn. Cabine phát hiện thấy mùa hè có rất nhiều người Mông Cổ bị sét đánh chết. Mỗi khi trời mưa có sét thì người Mông Cổ thường rất sợ hãi, bịt tai bỏ chạy, hỏi nguyên nhân vì sao, thì họ cho biết Thành Cát Tư Hãn trước đây cũng bị sét đánh chết. Tuy nhiên phiên bản này không có sức thuyết phục.
Giả thuyết vẫn chỉ là giả thuyết và trên thực tế, đã hơn 786 năm trôi qua kể từ khi Thành Cát Tư Hãn trút hơi thở cuối cùng (năm 1227), tới nay, nguyên nhân nào dẫn đến cái chết của nhà chinh phục đại tài vẫn phủ màu bí ẩn.
Những tình tiết bất ngờ về mộ phần của Thành Cát Tư Hãn
Suốt nhiều năm qua, các đoàn khảo cổ từ những nước tiên tiến trên thế giới đã cất công nghiên cứu, tìm kiếm mộ phần của Thành Cát Tư Hãn với những thiết bị tiên tiến, nhưng kết quả thu được vẫn chưa khiến dư luận hài lòng.
Nhân kỉ niệm 780 năm ngày mất của Thành Cát Tư Hãn (1227 - 2007), Trung Quỗc đã tổ chức cuộc hội thảo quốc tế mang tên “Thành Cát Tư Hãn và núi Lục Bàn” tại Khu tự trị Hồi Ninh Hạ với chủ đề chính “Mộ thành Cát Tư Hãn hiện ở đâu?”.
 Lăng Thành Cát Tư Hãn.
Số liệu thống kê của Trung Quốc và Mông Cổ cho biết, hơn 200 năm qua đã có trên 100 đoàn khảo cổ với nhiều trang thiết bị hiện đại, tối tân và phương pháp tiên tiến nhất tổ chức tìm mộ Thành Cát Tư Hãn, nhưng vẫn chưa tìm thấy. Tiêu biểu có một số đoàn sau đây:
Từ năm 1990 tới năm 1993, đoàn khảo cổ Nhật Bản kết hợp với ngành khảo cổ Mông Cổ đã lặn lội tìm kiếm trên diện tích 10.000 km2. Họ đã phát hiện 3.500 khu mộ cổ chôn cất từ trước thế kỷ 13, nhưng vẫn không tìm thấy mộ thật của Thành Cát Tư Hãn.
Trong thời gian 5 năm kể từ năm 1995, đoàn khảo cổ của Mỹ đã dùng những máy móc thăm dò hiện đại kết hợp với vệ tinh định vị GPS tiến hành tìm kiếm ở khu vực phía đông Mông Cổ, nhưng cũng không xác định được mộ phần thực sự của Thành Cát Tư Hãn.
Tháng 7/2000, đoàn khảo cổ Mỹ căn cứ vào “Bản đồ lịch sử bí mật” của Mông Cổ để tiến hành tìm kiếm. Họ phát hiện 150 khu mộ cổ thời kỳ Thành Cát Tư Hãn, nhưng vẫn không tìm thấy mộ của ông.
Tháng 7/2003, có thông tin rằng, các chuyên gia đã phát hiện được di chỉ mộ của Thành Cát Tư Hãn ở Etok phía Tây thảo nguyên Ertos (Khu tự trị Nội Mông của Trung Quốc). Nhưng rốt cuộc vẫn không đúng.
Ngày 30/8/2007, tờ “Tin buổi sáng” của Trung Quốc đưa tin, giới khảo cổ Kazakhstan đã căn cứ theo những ghi chép của sử sách để đưa ra nhận định, mộ của Thành Cát Tư Hãn được chôn ở Kazakhstan. Nhưng tới nay vẫn chưa có căn cứ nào xác định thông tin này. Trong nhiều năm qua, các nhà khảo cổ và sử học của Trung Quốc cho rằng để tìm được mộ của Thành Cát Tư Hãn trước tiên cần xác định nơi ông qua đời. Họ đưa ra ba địa điểm có khả năng nhất: Một là vùng núi Lục Bàn thuộc Khu tự trị Hồi Ninh Hạ. Hai là huyện Thanh Thủy tỉnh Cam Túc. Ba là núi Linh Vũ thuộc Khu tự trị Hồi Ninh Hạ. Vì vậy, theo những chuyên gia này, mộ phần của Thành Cát Tư Hãn có khả năng được chôn cất tại ba địa điểm trên.
Trong khi đó, hầu hết các nhà sử học và khảo cổ thế giới cho rằng có bốn giả thuyết về mộ của Thành Cát Tư Hãn: Một là ở phía Nam núi Khentai, bắc sông Keroulen thuộc lãnh thổ nước Mông Cổ. Hai là ở vùng núi Khongor thuộc lãnh thổ Mông Cổ. Ba là ở núi Lục Bàn thuộc Khu tự trị Hồi Ninh Hạ của Trung Quốc. Bốn là ở vùng núi Thiên Lý thuộc Huyện Etok phía tây thảo nguyên Ertos, khu tự trị Nội Mông, Trung Quốc.
Giới sử học Trung Quốc thì nhận định, Thành Cát Tư Hãn đã ở núi Lục Bàn trong vòng 2 – 3 tháng và qua đời tại đây. Trong thời gian lưu lại đây, ông có hai hoạt động chính. Một là làm việc, nghỉ ngơi an dưỡng ở thung lũng núi Lục Bàn và ở Lương Điện, thượng nguồn sông Kinh. Hai là xây dựng cung điện ở chân núi Lục Bàn, sau này trở thành Khai Thành của An Tây Vương Phủ. Thung lũng núi Lục Bàn là khu vực có cảnh đẹp, khí hậu mát mẻ nên rất phù hợp để tĩnh dưỡng nghỉ ngơi. Thành Cát Tư Hãn sau những cuộc chinh chiến trường kỳ đã về đây tĩnh dưỡng rồi qua đời.
Tuy nhiên, nhiều nhà sử học và khảo cổ cho rằng chết là một chuyện, còn việc chôn cất lại là chuyện khác. Liệu thi hài của Thành Cát Tư Hãn có được chôn cất ở đây hay đã được di chuyển về đất Mông Cổ?
Giới sử học và khảo cổ Trung Quốc lập luận rằng, mộ của ông đặt ở vùng núi Lục Bàn là hợp lý nhất. Bởi vì, Thành Cát Tư Hãn ở đây lúc cuối đời, khi chết là mùa hè, nên thi hài khó có thể vận chuyển đi xa, cụ thể là đưa về Mông Cổ.
Trong khi đó, nhiều nhà khảo cổ và sử học nước ngoài lại đưa ra bằng chứng cho rằng, mộ phần của Thành Cát Tư Hãn được đặt trên đất Mông Cổ.
Dù đưa ra những quan điểm khác nhau, nhưng giới nghiên cứu các nước đều cho rằng, mộ của Thành Cát Tư Hãn khó tìm là do phong tục chôn cất của người Mông Cổ thời kỳ đó. Các vua quan cùng giới quí tộc giàu có Mông Cổ sau khi chết thường được đặt trong những chiếc quan tài đặc biệt. Những quan tài này làm bằng những khúc gỗ lớn đục rỗng để đặt thi hài vào trong và chôn sâu trong lòng đất. Sau khi chôn, người ta thường đưa hai mẹ con lạc đà đến trên mộ. Họ giết lạc đà con trước mặt lạc đà mẹ và để cho máu của lạc đà con chảy trên mộ.
Sau đó, mộ được san bằng phẳng, rồi trồng cây cỏ để xóa sạch dấu vết. Khi tới cúng viếng, người dân thường để lạc đà mẹ dẫn đường tới nơi lạc đà con bị giết. Lạc đà mẹ dừng lại và cất tiếng kêu thảm thiết nhớ con ở chỗ nào thì nơi đó chính là phần mộ được chôn. Mộ của Thành Cát Tư Hãn có thể cũng được chôn theo phong tục và nghi thức này. Hơn nữa, lúc sinh thời, Thành Cát Tư Hãn hiếu sát, nên bị người đời nguyền rủa. Để bịt đầu mối và tránh bị khai quật mộ trả thù, vua quan Nguyên Mông thời đó đã cho xây rất nhiều mộ giả. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến mộ phần thực sự của ông tới nay vẫn là bí ẩn không lời giải.
Thời gian qua, một số nhà khảo cổ nước ngoài đã đề nghị được tiếp tục tới Mông Cổ tìm kiếm mộ Thành Cát Tư Hãn, nhưng dân chúng và chính phủ Mông Cổ không tán thành. Họ cho rằng việc đào bới và khai quật mộ tổ tiên là động mồ động mả, khiến con cháu li tán, bất ổn và làm ăn không phát đạt. Chính vì vậy mà ý định của nhiều đoàn khảo cổ các nước đã bị Mông Cổ từ chối.
Kiều Tỉnh 

Vì sao Thành Cát Tư Hãn “nhượng” vợ yêu cho thuộc hạ?

 

Chỉ vì gặp ác mộng khi ngủ cùng phi tử, Thành Cát Tư Hãn quyết định "nhượng" luôn thiếp yêu cho thuộc hạ mình sở hữu.

- Vì sao Thành Cát Tư Hãn lại “hào phóng” tặng phi tử của mình cho kẻ thuộc hạ? Lý do thật lạ lùng, ấy là bởi ông gặp phải ác mộng khi đang “chung chăn gối” với nàng ta.

Trong tác phẩm viết về Thành Cát Tư Hãn, B. J. Vladimircov - nhà Đông phương học nổi tiếng nước Nga, cũng là nhà Mông Cổ học uy tín trên thế giới lần nữa khai thác những chuyện ít biết về nhà chinh phục vĩ đại này. Trong những nội dung mà cuốn sách đề cập, tính cách của Thành Cát Tư Hãn hiện lên với đủ đầy màu sắc.

Phụ nữ, tuấn mã và mỹ tửu

Tuy Thành Cát Tư Hãn tính tình nóng nảy, nhưng lúc cần, ông có thể kiểm soát được lòng nghi kỵ của mình. Ví như chuyện chính hậu Bột Nhi Thiếp (còn gọi là Bật Tê) bị bộ lạc Miệt Nhi Khất bắt đi rồi ép làm vợ kẻ lực sĩ Xích Lặc Cách Nhi. Sau khi đoạt lại vợ, Thành Cát Tư Hãn chẳng những vẫn dành cho bà rất nhiều tình cảm và sự tôn trọng, mà còn vĩnh viễn công nhận Bật Tê là chính hậu của mình. Duy nhất một điều, Truật Xích  - người con trưởng bị nghi ngờ là giọt máu của bà và Xích Lặc Cách Nhi - cùng những hậu duệ của ông ta không bao giờ được coi là những người kế vị.

Để “rải” đủ cung tần cho mình lẫn các quan lại cận thần, đôi lúc, Thành Cát Tư Hãn hào phóng chọn ra một phi tần trong đám hậu cung tặng cho vị tướng soái có thành tích đặc biệt. Đó cũng là nguyên do khiến nhà chinh phục vĩ đại này đã tự nguyện nhường phi tử Diệc Ba Cáp cho kẻ thuộc hạ Chủ Nhi Xả Ngạt. Nàng ta vốn là con gái của Trát Hiệp Cảm Bất và là cháu của Vương Hãn.

Nhưng nguyên nhân sâu xa hơn trong chuyện này lại khá lạ lùng. Ấy là bởi, Thành Cát Tư Hãn đã mơ thấy ác mộng khi đang “chung chăn gối” với mỹ nhân. Vừa khéo khi ấy, Chủ Nhi Xả Ngạt lại đang làm nhiệm vụ bảo vệ bên ngoài.

Thành Cát Tư Hãn bèn nói với Diệc Ba Cáp rằng: “Chẳng phải ta có ý chê nàng không đức hạnh, không nhan sắc, cũng không chê nàng thân thể kém thanh sạch. Ta coi nàng là một trong những hậu phi của mình. Nay, Chủ Nhi Xả Ngạt là một người đã lập nhiều công trạng khi chinh chiến, nên ta đem nàng tặng cho anh ta.”

Ấy là chuyện ít biết lý giải vì sao nhà lãnh đạo nổi tiếng và quan trọng của lịch sử thế giới này lại sẵn sàng trao tặng thiếp yêu của mình cho thuộc hạ.

Cuốn sách này còn tiết lộ thú tiêu khiển yêu thích của Thành Cát Tư Hãn. Ngoài săn bắn, ông cũng như người dân Mông Cổ vô cùng say mê tuấn mã và rượu ngon. Nhưng điểm khác biệt, khó lẫn của Thành Cát Tư Hãn với quần thần, ấy là khả năng kiềm chế bản thân rất tốt. Tuy đưa ra quy định không được phép rượu chè vô độ trong quân đội, nhưng ông cũng chẳng cứng nhắc cấm tiệt binh sĩ không được động vào thứ men say kia. Ông nói: “Nếu không thể cai rượu, thì cho phép tối đa mỗi tháng chỉ được say ba lần. Nếu vượt quá mức ấy, ắt sẽ phải xử tội. Nếu có thể chỉ nên say hai lần thay cho ba lần là rất tốt, chỉ say một lần lại càng tốt, không say bận nào còn tốt hơn nữa. Nhưng tìm đâu ra những kẻ không say bao giờ?”.

Một ngày nọ, Thành Cát Tư Hãn hỏi thuộc hạ thân tín của mình là Bác Nhĩ Truật rằng: “Ta hỏi ngươi, điều gì là vui nhất trong cuộc sống?”, Bác Nhĩ Truật trả lời: “Ngày xuân được cưỡi tuấn mã, dẫn theo chim ưng đi săn là vui sướng nhất”. Thành Cát Tư Hãn cũng lại đem câu ấy mà dò ý của Bác Nhĩ Hốt và các tướng lĩnh khác, bọn họ đều có chung câu trả lời như Bác Nhĩ Truật. Nhà chinh phục đại tài bèn nói: “Không phải vậy. Niềm vui lớn nhất của đời người là chiến thắng kẻ địch, đánh đuổi kẻ địch, đoạt mọi thứ của chúng, nhìn thấy người thân chúng phải rửa mặt bằng nước mắt, cưỡi ngựa của chúng và giành lấy vợ con chúng.”

Đây là thứ ngôn từ vô cùng đặc biệt, toát lên rất nhiều cá tính của Thành Cát Tư Hãn. Ông không hề bị mê hoặc bởi những niềm vui hay ánh hào quang, thậm chí quyền lực của kẻ vũ dũng. Ông coi trọng thắng lợi, coi đó là thành quả mà mình gặt hái được, coi chuyện chiếm đoạt được tài sản của kẻ thù sau khi đã thỏa khát khao phục thù là niềm vui lớn nhất trong cõi nhân sinh.

Mưu lược, công bằng và sự tham lam

Trong chiến tranh, Thành Cát Tư Hãn nổi tiếng là nhà lãnh đạo giỏi dùng mưu lược. Thậm chí, để giành thắng lợi, ông sẵn sàng làm điều bội tín. Nhưng trong cuộc sống cá nhân, ông không hề biểu hiện tính cách này. Khi bàn tới chuyện khác, Thành Cát Tư Hãn tỏ rõ là người rất coi trọng nguyên tắc “vô tư công bằng”. Nhưng mặt khác, ông cũng lại có tính tham lam, luôn giữ dịt tài sản mà mình sở hữu.


Với vai trò là một nhà chinh phục vĩ đại, tham gia vô vàn chiến dịch, chỉ huy bao cuộc tấn công, vây hãm, Thành Cát Tư Hãn chưa hề thể hiện vẻ dũng mãnh của kẻ thất phu. Tài cán của những tướng soái được lòng ông phải vượt trội so với đám binh sĩ. Tâm lý mạo hiểm cầu may cũng chưa từng hiện hữu trong ông. Tuy thống lĩnh toàn quân tác chiến và đóng vai trò chỉ huy trong những cuộc giao tranh, nhưng Thành Cát Tư Hãn chưa từng tham gia đội kỵ binh để hỗn chiến với quân thù. Bởi ông hiểu rõ, đó không phải là nhiệm vụ của một vị thống soái toàn quân.

Một ngày nọ, kẻ thân tín của Thành Cát Tư Hãn là Ba Lạt Na Nhan hỏi ông rằng: “Chúa thượng như bậc thần vũ, thành trì dù kiên cố tới mấy cũng công phá được. Xin hỏi ngài có điềm báo nào chăng?”. Thành Cát Tư Hãn trả lời rằng: “Khi chưa tức vị, ta thường ra ngoài một mình. Có lần gặp phải 6 kẻ nọ thủ tại một quan ải. Bọn họ không cho ta qua. Ta liền vác đao xông lên. Tên bắn như mưa, nhưng ta không bị thương chỗ nào. Ta giết sạch cả 6 tên để qua ải. Trên đường trở về, thấy bên cạnh 6 xác chết ấy là 6 con ngựa, ta bèn dẫn chúng về cùng. Điềm báo mà ngươi hỏi, có chăng chỉ là vậy.” Theo cách nghĩ ấy của Thành Cát Tư Hãn, đó chính là “điềm báo về khả năng chinh phục” của ông. Đấng “thượng thiên” đã định đoạt ông sẽ không chết kiểu “bất đắc kỳ tử”, mà giết sạch kẻ thù và đoạt được toàn bộ ngựa của chúng.

Hải Dịu (lược dịch theo Ifeng)

Thành Cát Tư Hãn giết sạch 175 vạn người/giờ?

 

Có quan điểm cho rằng, Thành Cát Tư Hãn từng giết sạch 1.748.000 người chỉ trong một giờ. Thực hư chuyện này ra sao?

- Nếu lấy đi 1.748.000 sinh mạng chỉ trong một tiếng, nghĩa rằng mỗi phút Thành Cát Tư Hãn giết tới 29.133 người.
Được mệnh danh là nhà chinh phục vĩ đại, cuộc đời lẫn chuỗi thành tích lẫy lừng trên trận mạc của Thành Cát Tư Hãn luôn lấp lánh sắc màu huyền thoại. Mới đây, chuyên gia lịch sử và nhân loại học của Mỹ - Joshua Clark đã công bố bài viết với những phân tích mới về Thành Cát Tư Hãn - nhà lãnh đạo nổi tiếng và quan trọng của lịch sử thế giới. 
Trong đó, sử gia này giải mã những bí ẩn xoay quanh cuộc đời, con người Thành Cát Tư Hãn, đặc biệt là tiết lộ những tình tiết mới liên quan tới lời đồn ông đã lấy đi 1.748.000 mạng người chỉ trong một giờ. Con số ấy quả khiến nhiều người giật mình hoảng sợ. Liệu Thành Cát Tư Hãn có khát máu tới vậy?

Theo Joshua Clark, có lẽ Thành Cát Tư Hãn không hề gây ra cuộc tàn sát đẫm máu với số lượng khủng khiếp như vậy. Trong bài viết, sử gia này đã đưa ra các phân tích và suy đoán của mình. Clark cho rằng, nếu trong hoàn cảnh bình thường, Thành Cát Tư Hãn không thể tàn sát nhiều người tới vậy. Đường đường là đấng quân chủ, ông ta có thể nắm giữ sinh mệnh của nhiều người chỉ trong thời gian ngắn. Nhưng nếu giết sạch 1.748.000 người trong một tiếng, nghĩa rằng mỗi phút lấy đi 29.133 sinh mệnh, rõ ràng, điều ấy là không thể.
Thông qua việc tổng hợp các tư liệu và chứng cứ lịch sử, chuyên gia này đã tiết lộ một câu chuyện thú vị liên quan tới lời đồn đại khó tin trên. Theo Clark, quả thực Thành Cát Tư Hãn từng lấy đi sinh mạng của ít nhất triệu người trong công cuộc chinh phục thế giới. Mỗi vùng đất chinh phục được, nhà lãnh đạo này lại miễn xá cho một bộ phận bình dân đầu hàng quân đội Mông Cổ, tiếp đó lấy mạng những kẻ cả gan phản kháng lại mình. Nhưng vì muốn thần thánh hóa thành tích lẫn khả năng chinh phục lãnh thổ của Thành Cát Tư Hãn mà người ta mới “gán” cho ông con số hoàn toàn mang tính khuếch trương như vậy. Trên thực tế, kẻ hung bạo là Đà Lôi - con trai út của ông và những hậu duệ.

Năm 1227, Thành Cát Tư Hãn vì bị trúng tên trong chiến dịch tấn công Nishapur, không thể chữa khỏi nên đã qua đời. Sau cái chết của cha, người con út Đà Lôi vì muốn báo thù rửa hận, đã tiêu diệt toàn bộ dân chúng của thành phố này, thậm chí chó, mèo cũng không tha mạng. Quá trình tàn sát cứ thế tiếp diễn cho tới khi quân đội Mông Cổ tây chinh thì mới kết thúc. Theo ước tính của chuyên gia này, số dân bị giết lên tới hơn 1.750.000 người. Nhưng trong xã hội “cá lớn nuốt cá bé”, sự hung tàn cũng được thần thoại hóa, cũng trở thành một sức hấp dẫn kỳ lạ. Thế nên, lời đồn Thành Cát Tư Hãn giết sạch 1.748.000 người chỉ trong một giờ đã lan truyền rộng rãi. Lời đồn đại này tiếp tục góp phần thần thoại hóa hình tượng thần thánh của Thành Cát Tư Hãn. Trên thực tế, ông không phải là kẻ hiếu sát tàn bạo.

Bài viết của Joshua Clark lần nữa khắc họa hình ảnh chân thực về con người của Thành Cát Tư Hãn. Đương nhiên giới sử học Âu Mỹ không ngừng tranh luận về điều này. Nhưng dù sao Clark cũng đã “bóc trần” bí ẩn lịch sử về lời đồn đại trên và tìm ra hung thủ thực sự trong cuộc thảm sát. 

Thùy Dương (theo People.com.cn, Fenghuang)

Tìm thấy mộ của Thành Cát Tư Hãn?

Bấm ngay Subscribe / Đăng Ký xem video hay mới nhất >>
Người ta tin rằng đã tìm thấy mộ của Thành Cát Tư Hãn gần với nơi sinh của ông.
Cuộc tìm kiếm ròng rã về lăng mộ của chiến binh vĩ đại Thành Cát Tư Hãn và kho báu của ông có thể đã đến hồi kết thúc. Hôm nay (17/8), một nhóm thám hiểm Mỹ - Mông Cổ công bố đã tìm ra một khu nghĩa địa có tường đá bao quanh, trên một sườn đồi cách Ulan Bator, thủ đô của Mông Cổ, 200 dặm về phía đông bắc.
Trong báo cáo được đưa ra cùng ngày tại Đại học Chicago và ở Ulan Bator, các nhà thám hiểm không khẳng định đã thực sự tìm thấy mộ của Thành Cát Tư Hãn, vì đến nay, họ chưa nhận được giấy phép khai quật bất kỳ ngôi mộ nào. Nhưng phát biểu của họ hết sức lạc quan.
Truyền thuyết kể lại rằng, khi người chinh phục Thành Cát Tư Hãn được mai táng năm 1227, tất cả tuỳ tùng và những người lính tham dự đám tang của ông đều bị giết ngay sau đó vì người ta muốn giữa bí mật nơi chôn giấu ngôi mộ. Và bí mật này vẫn còn được chôn chặt trong hàng ngàn năm qua, trở thành một trong những tâm điểm khêu gợi trí tò mò nhất trong lịch sử.
Mộ nằm gần nơi sinh?
Khu mộ được tìm thấy cách nơi Thành Cát Tư Hãn ra đời (năm 1162) chỉ vài dặm, cũng rất gần với địa điểm vị thủ lĩnh này lên ngôi hoàng đế Mông Cổ, năm 1206. Người ta cho rằng ông chết do ngã ngựa, hoặc bị thương, hoặc vì cả hai nguyên nhân. Cho tới lúc mất, lãnh thổ chinh phạt của Thành Cát Tư Hãn đã bành trướng từ Trung Quốc tới tận biển Caspia. Những người kế vị ông, trong đó có người cháu danh tiếng Hốt Tất Liệt, đã mở rộng biên giới của Mông Cổ xuyên qua Trung Á, Nga và Trung Đông, hoàn thành việc hợp nhất các quốc gia láng giềng rộng nhất trong lịch sử.
Khu mộ nằm gần thị trấn Batshireet, phía bắc tỉnh Hentii. Một bức tường đá cao từ 2,7-3,6 mét, với chu vi khoảng 3 km, bao quanh một cụm có ít nhất 20 lăng mộ chưa mở nắp nằm gần đỉnh đồi. Người ta cho rằng chúng thuộc về “những người ở tầng lớp trên”. Thấp hơn một chút, là khu vực có tới hơn 40 ngôi mộ khác.
Tuy nhiên, những phát hiện đi kèm đã làm dấy lên nghi ngờ về xuất xứ của những người trong mộ. Người ta tìm thấy nhiều mảnh gốm trên bề mặt của khu vực này, nhưng niên đại lại cổ hơn thời kỳ của Thành Cát Tư Hãn. “Chúng tôi cần điều tra kỹ khu vực này về mặt khảo cổ học, trước khi có được xác nhận chính thức”, Tiến sĩ John Woods, Giáo sư lịch sử Đại học Chicago, Trưởng đoàn thám hiểm, cho biết.
Bước tiếp theo của đoàn thám hiểm là xin giấy phép khai quật khu mộ. Chính phủ Mông Cổ có lẽ sẽ khó chấp nhận đề nghị này, vì theo tập quán nơi đây, đụng chạm đến người đã chết là điều cấm kỵ.
Bích Hạnh (Theo The New York Times)

Lăng mộ của Thành Cát Tư Hãn ở đâu?

Chân dung khắc họa Thành Cát Tư Hãn bởi một họa sỹ cung đình chưa rõ tên (wikimedia commons), ảnh nền bởi Dmitriy Lesnyak/iStock/Thinkstock.
Chân dung khắc họa Thành Cát Tư Hãn bởi một họa sỹ cung đình chưa rõ tên (wikimedia commons), ảnh nền bởi Dmitriy Lesnyak/iStock/Thinkstock.
Đầu năm nay, một phát hiện vĩ đại bởi các nhà khảo cổ khi họ đã tìm ra được một công trình kiến trúc bị mất theo thời gian, một thành trì quân sự đã được sử dụng bởi Thành Cát Tư Hãn và quân đội của ông khi họ xâm chiếm toàn bộ thế giới. Tuy nhiên, nơi an nghỉ cuối cùng của người chinh phục vĩ đại vẫn còn là một bí ẩn mặc dù có sự quan tâm đặc biệt từ các nhà nghiên cứu trên toàn thế giới.
Truyền thuyết kể rằng 2.000 nhân chứng trở về từ đám tang của Thành Cát Tư Hãn đều đã bị giết để giữ bí mật nơi chôn cất của vị thống soái Mông Cổ. Liệu câu chuyện này là thật hay không, chúng ta có lẽ chẳng bao giờ biết được. Nhưng sau nhiều thập kỷ tìm kiếm và với hàng triệu đô la được đầu tư, và dùng đến mọi phương cách, bao gồm cả việc sử công nghệ chụp ảnh vệ tinh hiện đại, lăng mộ của ông ta vẫn còn là một bí mật đang được cất giữ.

Temujin

Temujin, có nghĩa là “thuộc về sắt”, nhưng ông được biết nhiều hơn với tên gọi Thành Cát Tư Hãn, tên này gắn liền với ông khi ông đã chiếm gần như toàn độ phương Đông suốt cuối thể kỉ thứ 12 và đầu thế kỉ thứ 13.
Được sinh ra vào năm 1162, Thành Cát Tư Hãn đã xây dựng nên một đế chế trải dài từ Thái Bình Dương cho đến tận nơi ngày nay là Hungary của khu vực Đông Âu. Đế chế này là đế chế rộng lớn nhất thế giới trong lịch sử nhân loại. Các nhà sử học ở viện bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan so sánh ảnh hưởng của Thành Cát Tư Hãn ở phương Đông như là Alexander Đại đế ở phương Tây.
Quảng cáo
Sự bành trướng của Đế chế Mông Cổ trong thế kỷ 13 (wikimedia commons)
Sự bành trướng của Đế chế Mông Cổ trong thế kỷ 13 (wikimedia commons)
Năm 1227, khi Thành Cát Tư Hãn bị ngã ngựa và chết ở tuổi 65, đế chế của ông không hề bị diệt vong. Để chế của ông đã mở rộng hơn nữa đến đỉnh điểm sau đó 2 thế hệ, trong triều đại của Hốt Tất Liệt (1260–1295). Người Mông Cổ đã thích nghi một cách nhanh chóng khi chuyển từ cuộc sống du mục sang trở thành những nhà cai trị của một đế quốc rộng lớn.
Ngày nay, nhiều người Mông Cổ tin rằng khai quật một xác chết đã được chôn là phá hủy linh hồn của nó. Điều này cho thấy một trở ngại cho việc tìm kiếm lăng mộ của Thành Cát Tư Hãn ở một số vùng.

Sự tìm kiếm

Mông Cổ thì tương đối còn nguyên vẹn trước việc đào bới để nghiên cứu khảo cổ, nếu như so với sự đào bới quá nhiều ở Trung Đông.
Năm 2001, các nhà khảo cổ học cùng với đại học Chicago đã phát hiện ra một khu vưc chôn cất có xây tường xung quanh với khoảng 60 ngôi mộ nằm cách 200 dặm về phía Đông Bắc của Ulan Bator, thủ đô của Mông Cổ. Mặc dù lăng mộ của Thành Cát Tư Hãn vẫn chưa được tìm thấy giữa những ngôi mộ đó, nhưng sự khám phá này đã tạo thêm động lực để tiếp tục việc tìm kiếm, theo tờ báo của đại học Chicago.
“Đây là một khám phá thú vị bởi vì nó nằm gần nơi mà những sự kiện quan trọng xảy ra trong cuộc đời của Thành Cát Tư Hãn”, tiến sĩ John Woods, giáo sư lịch sử về Iran và Trung Á của đại học Chicago, nói trên National Geographic.

“Đây là một khám phá thú vị bởi vì nó nằm gần nơi mà những sự kiện quan trọng xảy ra trong cuộc đời của Thành Cát Tư Hãn”

— John Woods, University of Chicago

Những ngôi mộ ở gần chỗ được cho rằng là nơi sinh của Thành Cát Tư Hãn và nơi ông đã được trao vương miện và trở thành vua của “những người sống trong lều nỉ”.
Vài chục dặm từ 60 ngôi mộ đã được khai quật này có một khu vực chôn cất khác. Woods tin rằng đó có thể là nơi chôn cất 100 binh lính của Thành Cát Tư Hãn, những người đã bị giết để giữ bí mật về nơi chôn cất vị lãnh đạo vĩ đại của họ.
Woods đã được hỗ trợ vào đầu những năm 2000 bởi luật sư ở khu vực Chicago, nhà sử học, và người đam mê Thành Cát Tư Hãn Maury Kravitz. Kravitz đã giúp vận động 1,2 triệu USD từ các nhà đầu tư để tài trợ cho chuyến thám hiểm suốt 4 mùa hè. Kravitz sau đó đã qua đời vào năm 2012 ở tuổi 80 do biến chứng tim, theo Chicago Tribune.
Cuộc hành trình của Kravitz và Woods đã xảy ra gần một thập kỉ sau khi nhiều nhà nghiên cứu người Nhật chi ra hàng triệu USD cho việc tìm kiếm ngôi mộ bị mất tích. Năm 1993, họ đã bị ngăn chặn việc tìm kiếm sau cuộc thăm dò ý kiến ở Ulan Bator cho thấy rằng dự án không được lòng dân, theo NBC News.
Năm 2007, một nhóm nghiên cứu hợp tác giữa Nhật Bản và Mông Cổ đã phát hiện ra cung điện của Thành Cát Tư Hãn. Được xây dựng trên thảo nguyên đầy cỏ mọc, những vết tích của cung điện nằm cách thủ đô Ulan Bator 150 dặm về phía Đông. Người đứng đầu dự án là Shinpei Kato, giáo sư danh dự tại đại học Kokugakuin.
Gần đây hơn, vào đầu tháng 3 năm nay, nhóm nghiên cứu Nhật Bản-Mông Cổ khám phá ra một pháo đài thuộc về vị lãnh đạo Mông Cổ nằm cách Ulan Bator khoảng 550 dặm về phía Tây. Khu vực này ban đầu vốn là một lâu đài và đã được xây dựng thành một thành trì quân sự dưới sự cai trị của Thành Cát Tư Hãn. Nó đã được đưa vào sử dụng năm 1212.
“Chúng tôi hy vọng khám phá này sẽ có ích trong việc tìm hiểu chính xác lịch sử của Cao nguyên Mông Cổ vào giữa thế kỷ 13 và thế kỷ 14”, Koichi Matsuda, giáo sư danh dự về lịch sử của Đế quốc Mông Cổ tại đại học Quốc tế Osaka cho biết, theo International Business Times.
Cuộc săn tìm ngôi mộ bị mất của Temujin vẫn tiếp tục bất chấp những thất bại và tìm kiếm không có kết quả. Trong lúc đó, nhiều phát hiện quan trọng khác đã được hé mở.
Chia sẻ bài viết này

Bí ẩn cổ mộ 800 năm của Thành Cát Tư Hãn

Trải qua gần 800 năm, vị trí yên nghỉ của hoàng đế Mông Cổ Thành Cát Tư Hãn vẫn nằm trong bức màn bí mật.
Tranh chân dung Thành Cát Tư Hãn ở Bảo tàng Cố cung tại Đài Loan. Ảnh: Wikipedia. Tranh chân dung Thành Cát Tư Hãn ở Bảo tàng Cố cung tại Đài Loan. Ảnh: Wikipedia.
Nơi chôn cất Thành Cát Tư Hãn từ lâu đã trở thành chủ đề gây tranh cãi. Theo sử sách lưu truyền, người lập nên đế chế Mông Cổ yêu cầu được chôn trong một ngôi mộ vô danh. Quân lính hộ tống xác ông giết mọi người họ gặp trên đường đến nơi chôn cất. Những người xây mộ cũng bị trừ khử, sau đó đoàn quân hộ tống tự tử.
Dù ghi chép lịch sử trên có chính xác hay không, các nhà khảo cổ không thể xác định vị trí ngôi mộ của Thành Cát Tư Hãn. Trong nhiều năm, họ đưa ra giả thuyết về nơi chôn cất ông. Nhưng do hạn chế khi tiến hành khai quật khảo cổ trên vùng đất linh thiêng ở Mông Cổ, giới nghiên cứu khó có thể tìm ra bằng chứng chắc chắn chỉ ra vị trí đặt mộ.
Theo International Business Times, Thành Cát Tư Hãn mất vào cuối hè năm 1227 ở Lục Bàn Sơn, Trung Quốc. Xác ông được đưa về Mông Cổ để chôn cất.
Để lý giải bí ẩn xoay quanh nơi chôn cất Thành Cát Tư Hãn, nhà báo Robin Ackroyd đi tới Mông Cổ. Anh dành hai tháng di chuyển 700 km trên lưng ngựa quanh mảnh đất nơi Thành Cát Tư Hãn từng sống, tới thăm nhiều địa điểm có thể là nơi dựng mộ để phác họa lại bức tranh toàn cảnh trên thảo nguyên 800 năm trước.
Trong cuốn sách "Thành Cát Tư Hãn: Ngôi mộ linh thiêng và kho báu bí mật", Ackroyd thuật lại hành trình của mình tại Mông Cổ, kết hợp với những ghi chép lịch sử về cuộc đời Thành Cát Tư Hãn và người kế vị ông. Sau khi phân tích các văn bản cổ đại và nghiên cứu cuộc sống hiện nay ở Mông Cổ, Ackroyd khẳng định đã tìm ra vị trí mộ Thành Cát Tư Hãn.
Nhằm hiểu rõ hơn về Thành Cát Tư Hãn và việc tạo dựng đế chế Mông Cổ, Ackroyd sử dụng một loạt tài liệu lịch sử để xâu chuỗi trình tự sự kiện liên quan tới cuộc sống và cái chết của vị hoàng đế. Hai văn bản quan trọng nhất mà Ackroyd dựa vào là Lịch sử bí mật của Mông Cổ (tác giả vô danh), ghi chép về lịch sử triều đại Mông Cổ một thời gian ngắn sau khi Thành Cát Tư Hãn qua đời.
Một tài liệu khác là ghi chép của nhà sử học Rashid al-Din vào thập kỷ đầu tiên sau năm 1300. Đến từ Ba Tư, Rashid al-Din được giao viết lại lịch sử Mông Cổ. "Ông ấy rất cố gắng tìm hiểu điều gì đã xảy ra, nơi Thành Cát Tư Hãn được chôn cất, để lý giải một số bí ẩn xung quanh quá trình mai táng", Ackroyd nói.
Nguyên nhân cái chết của Thành Cát Tư Hãn gắn với nhiều giai thoại khác nhau. Một số người cho rằng ông bị sốt cao. Cuốn Lịch sử bí mật của Mông Cổ ghi rằng ông ngã ngựa vào mùa đông năm trước, dẫn tới nhiễm trùng vết thương. Một giai thoại khác kể ông bị thương và qua đời khi đang cố cưỡng bức một người vợ của kẻ địch.
Ackroyd nhấn mạnh nguyên nhân thực sự dẫn đến cái chết của Thành Cát Tư Hãn được giữ bí mật để bảo đảm vị thế người đứng đầu đế chế Mông Cổ của ông. Việc ông chết trong tay kẻ thù không được ghi lại trong lịch sử. Thành Cát Tư Hãn chắc chắn không muốn để lộ điểm yếu của mình trong một chiến dịch quân sự. Tuy nhiên, thời điểm ông qua đời là vào tháng 8. Tại thời gian này ở Mông Cổ, nhiệt độ bắt đầu giảm mạnh và những ngày nắng nóng nhanh chóng chuyển sang băng giá.
Theo Ackroyd, việc trở về quê hương để an nghỉ có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với Thành Cát Tư Hãn. Biên niên sử Mông Cổ thế kỷ 17 cho biết ông được đưa về quê nhà sau khi qua đời, tức khu vực ở một khúc cong trên sông Kherlen, nơi đặt lều trại của ông.
Rashid al-Din ghi chép quan tài Thành Cát Tư Hãn được đưa tới địa điểm này để thực hiện nghi thức khóc tang. Sau đó, các hoàng tử và nhà lãnh đạo gặp mặt để bàn bạc về tương lai của vương quốc trước khi trở về nhà.
Thành Cát Tư Hãn được chôn cất với nhiều đồ tùy táng, ngựa và người hầu. Một văn bản kể rằng 40 cung nữ mặc trang phục cao quý, đeo trang sức vàng nạm ngọc bị giết và chôn theo ông để hộ tống linh hồn ông sang thế giới bên kia.
Ba địa điểm nhiều khả năng là nơi chôn cất Thành Cát Tư Hãn nhất bao gồm Öglögchiin Kherem hay Almsgivers' Wall ở tỉnh Khentii, Mông Cổ. Nhiều ngôi mộ cổ đại được tìm thấy tại đây trong thời gian qua, dẫn tới suy đoán một trong số đó thuộc về Thành Cát Tư Hãn, nhưng không ngôi mộ nào có dấu tích hoàng gia.
Một địa điểm khác là Avarga, gần Delgerkhaan. Tuy khu vực này là cơ sở dựng trại, nó không có tầm quan trọng thực sự về mặt cá nhân đối với Thành Cát Tư Hãn. Avarga ở xa nơi ông sinh ra, đồng thời cách nơi hoàng đế lên ngôi 200 km.
Địa điểm cuối cùng là ngọn núi thiêng Burkhan Khaldun, nơi có khả năng chứa mộ Thành Cát Tư Hãn cao nhất, theo Ackroyd. Khu vực rộng 240 km2 xung quanh Burkhan Khaldun còn gọi là Ikh Khorig tức "Cấm địa". Đây là vùng đất linh thiêng và kẻ xâm phạm sẽ bị trừng phạt bằng cái chết. Tài liệu cổ cho biết ngọn núi từng là nơi trú ẩn của Thành Cát Tư Hãn thời trẻ, khi ông chiến đấu với bộ tộc Merkid. Ông từng chạy lên núi để lẩn tránh kẻ thù, sống sót và thề sẽ cầu nguyện trước ngọn núi kể từ đó.
Ackroyd nhận định khả năng mộ Thành Cát Tư Hãn nằm trên ngọn núi rất cao vì một số văn bản chỉ ra những người lãnh đạo Mông Cổ có địa vị rất coi trọng việc chôn cất ở trên cao. Là người lập nên đế chế Mông Cổ, Thành Cát Tư Hãn có thể muốn được chôn ở nơi cao nhất trong lãnh thổ của ông.
So với những ngọn núi khác ở Mông Cổ, vị trí của Burkhan Khaldun cũng phù hợp với ghi chép lịch sử về nơi chôn cất. Nó nằm ở nơi giao nhau giữa ba con sông và chỉ cách nơi sinh của Thành Cát Tư Hãn 6 ngày đường.
Ngoài ra, ở đỉnh núi Burkhan Khaldun có gò đá lớn không giống hình thành tự nhiên. Ackroyd cho biết những viên đá có vẻ được con người đưa tới vị trí hiện tại. Việc này đòi hỏi nguồn lực dồi dào mà chỉ dòng tộc của Thành Cát Tư Hãn mới có thể đáp ứng.
Chính phủ Mông Cổ cũng kết luận Burkhan Khaldun là địa điểm khả thi nhất đặt mộ Thành Cát Tư Hãn. Năm 2015, nơi đây được đưa vào danh sách Di sản Thế giới của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO). Tuy nhiên, khả năng khai quật vùng đất để tìm mộ Thành Cát Tư Hãn rất thấp.
"Mọi chứng cứ đều chỉ ra Thành Cát Tư Hãn được chôn cất trên đỉnh núi Burkhan Khaldun. Nhưng việc khai quật Burkhan Khaldun chắc chắn sẽ không xảy ra trong tương lai gần. Nhiều người Mông Cổ xem khai quật mộ Thành Cát Tư Hãn là hành động báng bổ thần linh. Những điều cấm kỵ cổ đại liên quan tới người chết và nơi chôn cất vẫn còn tồn tại ở thời nay, giúp duy trì bí mật về khu mộ gần 800 năm qua. Người Mông Cổ tin rằng tổ tiên của họ đang sống ở những nơi linh thiêng và mạo phạm một ngôi mộ là điều họ chưa từng nghĩ tới", Ackroyd chia sẻ.
Theo VnExpress

Kinh ngạc khả năng giường chiếu phi thường của Thành Cát Tư Hãn

Trong đời sống tình ái, Thành Cát Tư Hãn được đánh giá là "nhà truyền giống" vĩ đại nhất lịch sử khi có tới 16 triệu hậu duệ trải khắp lãnh thổ Á - Âu.
Thành Cát Tư Hãn - nhà cầm quân xuất sắc, chinh phục nhiều vùng đất rộng lớn, sáng lập ra đế chế Mông Cổ được đánh giá là nhà lãnh đạo lắm mưu nhiều kế và ra tay khá tàn độc. Bí mật cuộc đời Thành Cát Tư Hãn từng bước được giới chuyên gia giải mã. Bài thuốc phòng the quý giá mà Thành Cát Tư Hãn sử dụng do các vị sư hay còn gọi Lạt Ma điều chế từ những nguyên liệu quý giá như: Tuyết liên hoa (hoa sen tuyết, thiên sơn tuyết liên); tinh hoàn hải cẩu và máu của một loài chim trĩ không đuôi của vùng biên thùy Mông Cổ.
Kinh ngac kha nang giuong chieu phi thuong cua Thanh Cat Tu Han
Thành Cát Tư Hãn - nhà cầm quân xuất sắc, chinh phục nhiều vùng đất rộng lớn, sáng lập ra đế chế Mông Cổ được đánh giá là nhà lãnh đạo lắm mưu nhiều kế và ra tay khá tàn độc. Bí mật cuộc đời Thành Cát Tư Hãn từng bước được giới chuyên gia giải mã.
Kinh ngac kha nang giuong chieu phi thuong cua Thanh Cat Tu Han-Hinh-2
Theo một số tài liệu, Thành Cát Tư Hãn là người thông minh, tài trí. Trên con đường chinh phục các bộ lạc, Thành Cát Tư Hãn cố gắng tránh giao tranh với bộ lạc kẻ thù nếu như có thể chinh phục được bộ lạc khác bằng con đường ngoại giao.
Kinh ngac kha nang giuong chieu phi thuong cua Thanh Cat Tu Han-Hinh-3
Tuy nhiên, nếu bắt buộc phải dùng đến gươm đao, đổ máu thì Thành Cát Tư Hãn sẽ dùng gián điệp để thu thập mọi thông tin tình báo của kẻ thù từ đó tìm ra điểm mạnh - yếu của đối phương rồi đưa ra kế sách tấn công hoàn hảo.
Kinh ngac kha nang giuong chieu phi thuong cua Thanh Cat Tu Han-Hinh-4
Mặc dù là nhà cầm quân hùng mạnh, vang danh thiên hạ, nhưng ít ai biết được rằng Thành Cát Tư Hãn lại sợ chó.
Kinh ngac kha nang giuong chieu phi thuong cua Thanh Cat Tu Han-Hinh-5
Thành Cát Tư Hãn có niềm đam mê lớn đối với chim ưng. Theo ghi chép lịch sử, Thành Cát Tư Hãn đã nuôi 800 chim ưng và dùng tới 800 người hầu để chăm sóc đàn chim khổng lồ này. Đàn chim ưng của Thành Cát Tư Hãn được chăm sóc cẩn thận cùng với chế độ ăn uống đầy đủ.
Kinh ngac kha nang giuong chieu phi thuong cua Thanh Cat Tu Han-Hinh-6
Người sáng lập đế chế Mông Cổ Thành Cát Tư Hãn được cho là người khá mê tín và tin vào việc tồn tại linh hồn. Thành Cát Tư Hãn thường trao đổi ý kiến với các pháp sư, nhà chiêm tinh.
Kinh ngac kha nang giuong chieu phi thuong cua Thanh Cat Tu Han-Hinh-7
Khi về già, Thành Cát Tư Hãn đã mời Trường Xuân Tử - một ẩn sĩ nổi tiếng theo đạo Lão, lúc bấy giờ đang ở Trung Quốc, sang tận Mông Cổ để dạy nhà cầm quân này bài thuốc trường sinh và tăng cường sức khỏe. Thành Cát Tư Hãn làm như vậy với hy vọng sẽ sống trường thọ và tiếp tục sự nghiệp mở rộng đế chế Mông Cổ đến muôn đời.
Kinh ngac kha nang giuong chieu phi thuong cua Thanh Cat Tu Han-Hinh-8
Trong đời sống tình ái, Thành Cát Tư Hãn được đánh giá là "nhà truyền giống" vĩ đại nhất lịch sử khi có tới 16 triệu hậu duệ trải khắp lãnh thổ Á - Âu.
Kinh ngac kha nang giuong chieu phi thuong cua Thanh Cat Tu Han-Hinh-9
Không chỉ là nhà cầm quân xuất chúng mà khả năng giường chiếu của Thành Cát Tư Hãn khó ai bì kịp. Theo một số tài liệu, Thành Cát Tư Hãn đã sử dụng bài thuốc A-tô-cơ nhằm tăng sức chiến đấu trên chiến trường khi đánh trận và có hiệu quả bất ngờ trong chuyện phòng the.
Kinh ngac kha nang giuong chieu phi thuong cua Thanh Cat Tu Han-Hinh-10
Bài thuốc phòng the quý giá mà Thành Cát Tư Hãn sử dụng do các vị sư hay còn gọi Lạt Ma điều chế từ những nguyên liệu quý giá như: Tuyết liên hoa (hoa sen tuyết, thiên sơn tuyết liên); tinh hoàn hải cẩu và máu của một loài chim trĩ không đuôi của vùng biên thùy Mông Cổ.
 
(Theo Kiến thức)
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét