Thứ Bảy, 9 tháng 4, 2016

HÁT NỮA ĐI, ĐỜI ! 13

(ĐC sưu tầm trên NET)


Trào lưu nhạc chế



Chế Mình yêu nhau đi
Chế Mình yêu nhau đi
Gần đây nhất là ca khúc Mình yêu nhau đi của ca sĩ Bích Phương được các fan thi nhau chế. Phiên bản “mùa thi cử” nhận được khá nhiều sự thích thú từ các sĩ tử. Lời bài hát được sửa thành: “Nửa đêm vẫn đang ngồi chơi game, sáng mai thì đi thi. Mắt đã díp hết rồi mà mình vẫn chưa học gì. Chiều thì quyết tâm học ghê lắm, thế mà lại như thế... Hay là mình cứ bất chấp mang phao đi thi, chứ còn nhồi nhét nữa thì cũng không có ích gì”. Cuối bài hát, tác giả đưa ra lời khuyên “học hành như thế cũng không giúp gì được về sau”. Các phiên bản Mình chia tay đi, Mình cưới nhau đi đều thu hút nhiều người xem.
Sốt nhất phải kể đến bản nhạc Anh không đòi quà xuất phát từ câu chuyện có thật của một cô gái sau khi chia tay bị anh người yêu cho người đến tận nhà đòi quà. Sau bài đầu tiên thu hút hàng triệu lượt xem, giới trẻ ở khắp 3 miền tiếp tục chế lại, với các phiên bản “siêu nhân Gao xanh lá”, phiên bản Sơn La, Lạng Sơn, Phú Yên, Tây nguyên.
Không chỉ chế những bài hát mang nội dung tình yêu đôi lứa, một số bạn trẻ mượn cách này để thể hiện lòng yêu nước, quyết tâm bảo vệ biển, đảo. Bài hát Yêu nước đơn giản mà (theo bài Hôn môi xa) của Cáp Anh Tài vừa đàn vừa hát có đoạn: “Khi thiên tai ngư dân ngăn những chuyến tàu, đây CQ nhanh tay thuyền máy ra ngay. Và ngăn những con tàu nước ngoài đến biển đảo chủ quyền nước Nam mình”. Bản Cả nước hướng về biển Đông (theo bài Con bướm xuân) cũng đầy tinh thần yêu nước: “Trung Quốc sai, Trung Quốc sai, Trung Quốc sai rồi, Điều mong ước của bao nhân dân nước Việt là hòa bình. Mau rút lui, mau rút lui, hãy rút quân về. Lòng vị tha chúng tôi có hạn, dừng ngay mau đi”.
Chế Mình yêu nhau đi
Chế Con bướm xuân - Cô giáo xinh
Có lẽ, sản phẩm chế Trung Quốc (TQ) xin lỗi VN ra đời ngay trong thời điểm căng thẳng ở vùng biển Hoàng Sa do TQ đặt giàn khoan trái phép, đã chạm tới điều mà nhiều người mong muốn nhất. Từ bài hát Bắc Kinh chào đón bạn tại Olympic Bắc Kinh năm 2008, với hàng loạt nghệ sĩ nổi tiếng của TQ tham gia, tác giả bài nhạc chế đã sáng tác phần lời: “Ngày hôm nay chúng tôi tụ họp ở đây, là để ủng hộ phong trào của các bạn, chúng tôi ủng hộ Việt Nam bằng cả trái tim, Chính phủ chúng tôi thực sự đã sai, đã sai rất nhiều. Nhưng các bạn thật rộng lượng, thật cao thượng biết bao”. Đến đoạn diễn viên Thành Long hát, thì lời chế là “Thật lòng xin lỗi Việt Nam, xin lỗi dân tộc anh em...”.
Dù có một số ý kiến nhận xét đoạn nhạc này thể hiện “tinh thần tự sướng”, nhưng phần lớn đều cho rằng lời chế phần nào nói lên được nhận thức và thái độ của giới trẻ trước hành động ngang ngược của TQ.
Từ gây cười đến... phản cảm
Phần lớn các clip chế đều có chung phong cách hài hước, gây cười từ lời bài hát đến hình ảnh. Có những clip được đầu tư công phu, trau chuốt cho kịch bản, nhân vật, cũng có những clip chỉ có phần nhạc... Tuy nhiên, không ít tác phẩm sử dụng một số câu chữ, hình ảnh có phần phản cảm, như clip chế Mình yêu nhau đi - câu chuyện về bố anh tình nguyện viên, Say cảm xúc (chế bài Không cảm xúc của Nguyễn Đình Vũ do Hồ Quang Hiếu hát), Anh không đòi quà...
Bình luận
* Xem nhiều lần rồi vẫn không nhịn cười nổi. (Với clip chế Hitler thi Giọng hát Việt - Bảo Nguyễn/YouTube)
* Hay nhưng có đôi chỗ hơi tục. (Với clip chế Mình yêu nhau đi - Dương Thùy, YouTube)
* Bài này hay lắm, mình rất thích. Ước gì những lời nói trong clip giống như bạn sáng tác thì hay biết mấy. (Với clip Trung Quốc xin lỗi Việt Nam - Luong Do/Facebook)
Mỹ Quyên

Nghệ sĩ đường phố vay tiền để 'dấn thân' showbiz

Thứ Bảy, 26/12/2015 14:24
(Thethaovanhoa.vn) - Để ra mắt MV đầu tay "Khóc trong mưa", nghệ sĩ đường phố Phong Lâm không giấu chuyện anh phải vay tiền, và từng mất ngủ chỉ vì một câu hỏi: "Dừng lại hay đi tiếp???". 
Tuy nhiên, với đam mê ca hát, Phong Lâm vẫn quyết định cùng ê kíp thực hiện MV chuyên nghiệp đầu tay "Khóc trong mưa". Đó là một bản Pop ballad nhẹ nhàng, thể hiện cung bậc cảm xúc khác nhau trong tình yêu.
Trời phú cho Lâm (sinh năm 1980, hiện sống tại Hà Nội) một giọng hát tự nhiên, truyền cảm khiến ca khúc của anh, do chính anh thể hiện, trở nên hay hơn, cuốn hút hơn. "Với tôi, tâm hồn, trái tim biết cảm nhận yêu thương là chất liệu hoàn hảo nhất cho âm nhạc" - Lâm chia sẻ thêm.

Nghệ sĩ đường phố Phong Lâm hiện sở hữu kênh Youtube có 4,3 triệu lượt xem. Ảnh: NVCC
Gia tài âm nhạc của Phong Lâm là quyển vở chép nhạc với hơn 60 ca khúc do anh sáng tác. Cùng với cây đàn guitar, Phong Lâm đã mang âm nhạc của mình chia sẻ tới bạn bè và khán giả.
Được biết, Phong Lâm hiện sở hữu kênh Youtube riêng với hơn 10 ngàn người theo dõi, đạt 4,3 triệu lượt xem. Những ca khúc mộc mạc, giản dị, chân thành dường như là chất xúc tác để người nghe tìm về những hình ảnh của chính mình.
Năm 2014, Phong Lâm cùng ê kíp giới thiệu MV "Không thấy ngày về" (phát hành miễn phí) như một phép thử mức độ quan tâm và yêu thích của một bộ phận công chúng.
Sau một thời gian chuẩn bị, Phong Lâm đã tự tin ra mắt sản phẩm âm nhạc đầu tay "Khóc trong mưa", chính thức bước vào con đường ca hát chuyên nghiệp. Sản phẩm được sự tham gia của một ê kíp sáng tạo trẻ, nhiệt huyết. "Vì thế tôi có động lực tự tin bước vào thế giới showbiz dù biết trước còn có nhiều điều vất vả, khó khăn" - Lâm nói.
Thanh Hà


Đoạn trường kiếp du ca nhọc nhằn trên đường phố

Pháp Luật Plus

Những năm gần đây, trên địa bàn Nghệ An xuất hiện những thanh niên, người mù hát rong. Đằng sau hình ảnh quen thuộc ấy là biết bao chuyện vui buồn.
Chỉ cần một chiếc loa thùng có gắn bánh xe, một chiếc điện thoại gắn thẻ nhớ ghi nhạc những bài “hát tủ” và thêm ít hàng hóa như tăm, bông tai, kẹo cao su… và một chất giọng “nghe được” là nhiều người có thể thành “ca sĩ” hát rong.
"Cũng đành… xin làm người hát rong"!
Bảy giờ tối, đường Nguyễn Văn Cừ, TP Vinh tất bật kẻ mua, người bán. Bất chợ từ đâu vang vọng lời ca: “Gọi đò ơi, cớ sao không có ai đưa đò…”. Thì ra, đó là giọng ca của một nam thanh niên trẻ dáng người dong dỏng cao, tay đẩy chiếc loa thùng, tay cầm micro hát nghêu ngao.
“Chất giọng khá trong nhưng gợi buồn”, một người đàn ông đang ăn đồ nướng cạnh bàn chúng tôi nhận xét. Cạnh đó, một thanh niên người thấp bé hơn độ tầm 20 tuổi cầm chiếc mũ két nhỏ tiến vào từng bàn ăn của các thực khách mong được “ủng hộ” bằng tiền.
Doan truong kiep du ca nhoc nhan tren duong pho - Anh 1
Hát rong không còn xa lạ với người dân TP Vinh. (Ảnh: Duy Ngợi).
Hỏi ra mới biết, người cầm micro hát rong tên Tuấn, SN 1989, quê Tĩnh Gia (Thanh Hóa). Gia cảnh nghèo khó nên học xong cấp 2, Tuấn đã nghỉ học để đi làm thợ xây. Trong một lần tình cờ, Tuấn bắt gặp một đôi vợ chồng hát rong liền tìm đến hỏi han.
Thấy nghề hát rong cũng chủ động thời gian, không bị bó buộc lại sẵn chất giọng khá ổn nên sau lần ấy, Tuấn bỏ nghề thợ xây và quyết tâm sắm vật dụng để theo nghề. Đến nay, ở tuổi 26, Tuấn đã có thâm niên 10 năm làm “kiếp du ca”.
Trong lúc chờ nhạc đệm, tôi nghe Tuấn giải bày: “Nào ai muốn cảnh lang thang, mua vui cho người khác để nhặt từng đồng bạc lẻ đâu anh. Nhưng vì mưu sinh nên đành chấp nhận, mình không làm việc xấu là được rồi”.
Làm nghề “mua vui cho thiên hạ”, với những thanh niên trẻ cũng đâu ít chuyện vui buồn. Có lẽ niềm vui nhất của họ là khi gặp được những người biết cảm thông, chia sẻ, biết trân trọng lời ca, tiếng hát. Tuy vậy, bao tủi nhục, đắng cay vẫn theo bước chân họ rong ruổi trên những nẻo đường. “Vì miếng cơm, manh áo thì còn kể gì đến sạch bẩn, sang hèn nữa. Người ta biết cảm thông thì rút ví cho dăm ba đồng nhưng cũng có những người mỉa mai, dè bĩu sao thanh niên sức dài vai rộng lại đi hát rong, thiếu gì việc để làm. Ai biết rằng để kiếm được đồng tiền từ cái nghề này cũng cơ cực lắm, nhiều hôm đi rạc chân còn về tay không”, Tuấn nói rồi lại cầm micro cất cao giọng hát.
Người em con dì của Tuấn lại cặm cụi ngửa mũ ra đón những đồng bạc lẻ của người qua đường hay trong từng quán xá. Cái nghề hát rong ấy tưởng nhàn nhã mà sao lắm nỗi sầu cay.
Không những tại các thành phố nơi có nhiều nhà hàng, quán sá, nghề “hát rong” còn “lạc” về những nơi có các khu công nghiệp (KCN). Một lần về KCN Nam Cấm (Nghi Lộc) tình cờ người viết bài bắt gặp hình ảnh thân thuộc ở “thành phố đỏ”.
Người thanh niên tầm ngoài đôi mươi, mái tóc bồng bềnh đúng chất nghệ sỹ tay đẩy loa thùng, tay cầm micro hát. Thấy tôi, cậu thanh niên khệ nệ bê rổ hàng đưa mấy thanh kẹo cao su chào mời đon đả: “Mua giúp bọn em đi anh, sáng giờ hát khô bọt mép mà chẳng được xu nào!”.
Tôi mua thanh kẹo cao su với giá mười nghìn đồng. Hỏi ra mới biết chàng trai ấy vốn là cử nhân tên Huy, quê ở huyện Anh Sơn, Nghệ An.
Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh đã nửa năm nay nhưng Huy vẫn không xin được việc làm. Không thể ngửa tay xin tiền bố mẹ mãi, Huy đành về KCN Nam Cấm làm tạp vụ cho một công ty nước ngoài.
Công việc vất vả, làm ca mệt nhọc nên sau hơn một tháng, Huy nghỉ làm. Một lần lên hát trong đám cưới bạn, nhờ có chất giọng cao trầm nên Huy lọt vào “mắt xanh” một ‘ông bầu”, từ đó Huy chính thức thành “ca sỹ” hát rong.
“Biết em chưa xin được việc chắc bố mẹ em buồn lắm. Em vẫn bảo là đã xin được làm phiên dịch mà thực ra lại thế này”, Huy nói như khóc.
Nhọc nhằn “kiếp du ca”
Doan truong kiep du ca nhoc nhan tren duong pho - Anh 2
Tuấn trong một lần đi hát rong. (Ảnh: Duy Ngợi).
Qua tìm hiểu, người viết bài được biết hằng tháng, một người hát rong được nhật mức lương từ 5 - 6 triệu đồng. Tuy vậy, nhờ chất giọng như “ca sĩ”, có người cũng kiếm được mức lương 7-8 triệu đồng nhưng số đó rất hiếm hoi.
Để có được khoản thu nhập này, những “ca sỹ đường phố” dường như phải “chạy sô” quá sức. Hằng ngày, công việc của họ thường bắt đầu từ lúc 5 giờ sáng và kết thúc vào 11-12 giờ đêm. Cá biệt, mỗi chuyến đi xa, những người hát rong thường phải dậy và ra khỏi nhà từ 2-3 giờ sáng.
Nhiều lúc, những “ca sỹ đường phố” cũng gặp không ít tình huống oái oăm. Chuyện bị những kẻ nghiện, nhóm giang hồ chặn đường cướp giật xảy ra như cơm bữa.
“Một lần đi hát, đang trên đường về em và cậu bạn đi cùng bị nhóm thanh niên mặt mũi hung tợn chặn đường vòi tiền. Để yên ổn làm ăn, chúng em đành phải móc sạch túi đem cho chúng. Lấy tiền xong trước khi quay đi chúng còn dọa: Lần sau muốn làm ăn ở đây phải gặp bọn tau đã, không thì liệu hồn! Đến giờ, mỗi khi nhắc lại chúng em vẫn còn run” - Huy nhớ lại.
Để tồn tại và bám trụ được với nghề, họ luôn đề ra tiêu chí chỉ nhận tiền khi người ta tự nguyện mua hàng hoặc tự tay bỏ vào mũ, vào hộp. Để có thể “làm ăn” lâu dài, không ai hành nghề hát rong có ý định ăn cắp vặt, cướp giật của khách.
“Làm nghề gì cũng phải có chữ tâm và có ý thức, hát rong cũng vậy. Ngoài chất giọng, người hát rong cần phải hiểu để hát được những bài hợp với tâm trạng của khách, có vậy họ mới “móc” hầu bao cho mình” - Tuấn bật mí.
Với nhiều người trẻ, lành lặn, kiếm được đồng tiền từ nghề du ca đã chẳng dễ dàng nhưng với những người mù, họ còn khó khăn gấp bội. Hát rong không chỉ là công việc thời vụ của những sinh viên, người trẻ thất nghiệp mà với vợ chồng mù Vi Văn Ngữ, Nguyễn Thị Hương ở xóm 5, xã Nghi Liên (huyện Nghi Lộc) còn là nghề kiếm “miếng cơm, manh áo".
Hàng ngày, bất kể nắng mưa, từ tờ mờ sáng người ta lại thấy đôi vợ chồng mù, chồng cụt một tay gãy đàn guitar, vợ cầm micro mang theo bộ loa máy cũ, dắt nhau vào trung tâm thành phố Vinh để kiếm sống.
Nhớ lại quãng thời gian đầu tiên bước xuống đường mưu sinh, anh Ngữ giọng rầu rầu kể: “Thời ấy chưa quen đường sá, hai vợ chồng tôi cứ lọ mọ đi khắp nơi, thấy chỗ nào có tiếng người ồn ào thì dừng lại hát. Có chủ quán thương thì cho hát, có chủ quán không thương thì chửi bới xua đuổi".
Có lần đi còn va cả vào nồi nước sôi đổ ra bỏng rát đôi chân, có lần thì làm vỡ đống chén bát. Tiền hát cả ngày người ta cho cũng không đủ tiền đền, đêm về hai vợ chồng lại phải ăn tạm cái bánh mì lót dạ. Cũng có ngày hai vợ chồng về lại đi lạc đường, may mà có người tốt bụng họ chỉ đường và dẫn về cho - Vi Văn Ngữ hồi ức.
Thế rồi qua những ngày đầu cực khổ, hai vợ chồng đã quen từng đường đi lối lại, thuộc từng ngã rẽ ở TP Vinh, thị trấn Quán Hành và những vùng lân cận. Những đôi chân đi nhiều thành quen lối, chồng dìu vợ, vợ dắt chồng, cả hai người mù cứ dắt díu nhau đi qua từng quán nhỏ, cất giọng hát đã khản đặc để mua vui cho đời, đổi lấy những đồng tiền lẻ về chăm chút cho gia đình bé nhỏ.
Nhờ nghề du ca, vợ chồng anh Ngữ đã nuôi được mẹ già yếu, hai đứa con đang tuổi ăn học. Những bước chân không mỏi của đôi vợ chồng mù đã đi qua biết bao con phố, bao ngôi nhà, ngõ nhỏ.
NHững tiếng ca được cất lên với ước mong kiếm được đồng tiền cho cuộc sống đầy những lo toan, tất bật như tiếng đàn Guitar cùng chất giọng trầm bổng của anh Ngữ: “Ai biết nước sông Lam răng là trong là đục/ Sống cuộc đời răng là nhục là vinh...”.
Duy Ngợi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét