Dai Chung la su suy ngam cua toi ve cuoc doi, xa hoi, nhan sinh
CHUYỆN KỂ RÕ NHẤT VỀ WW II 106/12
Nhận đường liên kết
Facebook
X
Pinterest
Email
Ứng dụng khác
-
DANH NGÔN VỀ CHIẾN TRANH: -Chiến tranh như một cơn dông bão cuồng bạo, gieo rắc chết chóc, điêu tàn. Khi nó đến, phải cố gắng tránh né. Nhưng nếu không thể tránh né được thì phải tuân lệnh tự nhiên, chiến đấu bất khuất như Sơn Tinh trước Thủy Tinh, như nhân dân Xô -Viết trước phát xít Đức, như nhân dân Việt Nam trước đế quốc Mỹ để giành lấy sống còn. -"Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng
nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta
lần nữa!
Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ..." (Trích "Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh).
---------------------------------------------------------------
(ĐC sưu tầm trên NET)
Tham gia tường thuật về một cuộc chiến là công việc
cam go nhưng cũng vô cùng hấp dẫn vì khi ở chiến trường, giữa những làn
bom đạn và những tiếng thét la, dường như sự hăng say và đam mê của
người làm báo được đẩy lên cao nhất. Anh ta dành trọn con người mình với
mọi giác quan, mọi tình cảm, mọi ý nghĩ, thậm chí dám liều với cả mạng
sống của mình để có được những thông tin nóng hổi về cuộc chiến. Thế
nhưng, liệu lý tưởng và nhiệt huyết của phóng viên chiến trường có thể
thay đổi được thế giới, hay thật ra họ vẫn chỉ là công cụ phục vụ cho
một cỗ máy có sức mạnh khổng lồ đang chi phối thế giới bằng quyền lực
chính trị và kinh tế? Nghiên cứu vai trò của báo chí truyền thông trong
những cuộc chiến đã từng diễn ra trong lịch sử phần nào có thể đem lại
cho chúng ta câu trả lời, dù rằng câu trả lời này có vẻ cũng phức tạp
như chính câu hỏi.
Vai trò của truyền thông trong chiến tranh là tường thuật. Theo hai nhà
nghiên cứu Thussu và Freedman (2003), báo chí truyền thông thường tường
thuật chiến tranh theo một số xu hướng sau: i) tường thuật độc lập, có
chính kiến riêng (critical observer); ii) tường thuật theo ý đồ của các
thế lực đằng sau cuộc chiến (publicist); iii) vai trò thứ ba có phần
trừu tượng hơn, đó là vẽ nên chiến trận với những công nghệ mới
(battleground).
1 – Tường thuật độc lập
Đây là kiểu tường thuật lý tưởng nhất. Khi đó, các nhà báo tường thuật
độc lập, không thiên vị và không chịu sự chi phối của bên nào. Với tinh
thần độc lập, nhà báo có thể thoát khỏi các quy định chặt chẽ và ý đồ
chính trị của các bên tham chiến để tường thuật và bình luận về những gì
diễn ra trên chiến trường theo quan điểm và chính kiến của mình. Tất
nhiên muốn làm được điều này, nhà báo cũng phải chuẩn bị tinh thần đương
đầu với những lời phê bình, nhắc nhở, thậm chí là những đe dọa từ phía
các thế lực điều khiển cuộc chiến.
Một ví dụ điển hình cho thành công của kiểu làm báo này là những gì mà
báo chí đã làm được trong cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Việt Nam. Thời
gian đầu, khi cuộc chiến diễn ra, rất nhiều phóng viên ủng hộ cuộc chiến
này. Họ giúp cho dư luận suy nghĩ tích cực về cuộc chiến và không hoảng
sợ. Tuy nhiên, khi số thương vong ngày càng tăng, các nhà báo bắt đầu
đặt câu hỏi, nghi ngờ các báo cáo của chính phủ và ngày càng tỏ ra “cứng
đầu” hơn. Họ chuyển sang tường thuật về sự thảm khốc của chiến tranh và
những điều mờ ám đằng sau cuộc chiến. Các nhà báo như Kyoichi Sawada,
Larry Burow, Carl Robinson, Jean-Claude Pomonti,… đã viết về những điều
tận mắt chứng kiến một cách chân thực, khách quan với tư cách là một
phóng viên chiến trường chuyên nghiệp. Một trong những cột mốc quan
trọng của báo chí trong cuộc chiến này là chương trình tường thuật đặc
biệt của nhà báo Walter Cronkite, đài CBS[1]. Sau khi có mặt tận nơi tại
chiến trường Việt Nam, ông quay trở về và thực hiện chương trình truyền
hình “Documentary on Vietnam”, nội dung thể hiện rõ quan điểm cho rằng
cuộc chiến này là một “sự bế tắc đẫm máu” và quân đội Mỹ không thể dành
chiến thắng. Ngay cả tổng thống Mỹ Nixon sau khi xem chương trình này
cũng phải cho rằng chương trình này đã cho thấy những điều tồi tệ, đau
khổ và những mất mát do chiến tranh gây ra. Năm 1975, nhà nghiên cứu
truyền thông người Canada Marshall Mc Luhan đã nhận xét: “Truyền hình đã
đưa những hình ảnh tàn khốc của cuộc chiến vào tận các phòng khách của
từng hộ gia đình ở Mỹ. Cuộc chiến Việt Nam đã thất bại từ ngay trong
những phòng khách này chứ không phải trên chiến trường Việt Nam”
(Television brought the brutality of war into the comfort of the living
room. Vietnam was lost in the living rooms of America - not on the
battlefields of Vietnam)[2]. Đây là một trong những câu trích dẫn nổi
tiếng về chiến tranh Việt Nam. Câu nói này cho thấy sức mạnh của báo
chí, đặc biệt là của truyền hình khi tường thuật về chiến tranh. Đôi
khi, nó có thể khiến cả cục diện cuộc chiến thay đổi.
Những hình ảnh do các nhà báo chụp được trong cuộc chiến tranh này cũng
dẫn đến làn sóng phản chiến bùng nổ tại Mỹ và các nơi khác trên thế
giới. Trong số đó có thể kể đến những bức nổi bật như hình ảnh bé gái
Nguyễn Thị Kim Phúc bị bỏng do bom napalm (nhà báo Nick Út, hãng thông
tấn AP), Tướng Nguyễn Ngọc Loan xử bắn chiến sĩ Việt Cộng Bảy Lốp (nhà
báo Eddie Adams, hãng thông tấn AP). Sự xuất hiện của những bức ảnh này
trên báo chí Mỹ và nhiều tờ báo khác trên toàn thế giới đã tác động mạnh
đến dư luận, khiến dư luận có cách nhìn khác về cuộc chiến.
Nhờ có báo chí, trong đó đặc biệt là truyền hình, thế giới biết về sự
thảm khốc của cuộc chiến và lên án cuộc chiến – điều này đi ngược lại
với ý đồ của nhà cầm quyền. Nhiều nhà nghiên cứu truyền thông đã đồng
tinh rằng, báo chí chính là một trong những sức mạnh dẫn đến việc chấm
dứt cuộc chiến tại Việt Nam.
Tóm lại, khi tường thuật một cách trung thực, độc lập và có tinh thần
phản biện, báo chí buộc chính phủ phải cung cấp các thông tin cởi mở
hơn, chính xác hơn và đưa ra các quyết định có cân nhắc đến mạng sống
của binh lính và thường dân. Theo cách tường thuật này, các phương tiện
truyền thông sẽ đóng vai trò quan sát và phê bình. Đồng thời, vì phải
cạnh tranh với vô số các tờ báo, hãng thông tấn, đài phát thanh, truyền
hình, phóng viên bao giờ cũng phải làm việc hết sức mình để có những tin
tức mới nhất, độc đáo nhất và trên hết là phải đảm bảo tính khách quan
và trung thực. Nếu làm được điều này, báo chí thật sự được xem là quyền
lực thứ tư trong xã hội và là chỗ dựa về thông tin đáng tin cậy của công
chúng.
2 – Tuyên truyền cho các bên tham chiến
Trên thực tế, có rất nhiều nhà báo tường thuật chiến tranh dựa trên các
thông cáo báo chí và quan điểm của nhà cầm quyền, hoặc theo cách này hay
cách khác họ để cho những chuyên gia PR (quan hệ công chúng) của chính
phủ điều khiển. Nhà nghiên cứu Philip Knightley trong cuốn The First
firualty (1989) đã mô tả lại rằng trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất,
các phóng viên người Anh đã đồng ý mặc quân phục như binh lính và để
những người lính “hướng dẫn” cần tường thuật ở những nơi nào. Thay vì có
quan điểm độc lập, họ đã trở thành người tuyên truyền cho những ý đồ
của các thế lực điều khiển cuộc chiến. Họ trở thành người đi theo
(follower) chứ không giữ được vị trí dẫn đường dư luận (leader). Báo chí
truyền thông lúc này chỉ củng cố thêm , khẳng định thêm những quan điểm
của các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự. Họ thực hiện chức năng tuyên
truyền chứ không giữ được vai trò thông tin và bình luận độc lập. Tất
nhiên, cũng khó đánh giá đúng sai trong cách thức tường thuật chiến
tranh theo kiểu này vì khi cuộc chiến đã nổ ra, báo chí quốc gia nào
cũng đặt lợi ích của quốc gia mình lên trên tất cả.
Không phải nhà báo nào cũng chủ động muốn làm cái loa tuyên truyền. Trên
thực tế, họ bị rơi vào thế khó. Hầu hết các phóng viên đều nhận định
rằng, trong các cuộc chiến gần đây như chiến tranh Vùng Vịnh, chiến
tranh Iraq, chính quyền kiểm soát thông tin chặt chẽ hơn trong cuộc
chiến tranh Việt Nam. Tin tức họ nhận được phần lớn đến từ thông cáo báo
chí của nhà cầm quyền. Mặt khác, mối quan hệ chặt chẽ giữa các tập đoàn
truyền thông với chính quyền và quân đội cũng là là một trong những lý
do khiến khả năng tác nghiệp độc lập của phóng viên bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, truyền thông còn bị các chuyên gia quan hệ công chúng (PR) của
chính phủ lôi kéo và lợi dụng (manipulation)[3]. Chính phủ biết rằng,
báo chí lúc nào cũng cần thông tin và họ sẵn sàng cung cấp các gói thông
tin cho báo chí sử dụng. Tháng 3/2005, tờ New York Times cho biết,
chính quyền Bush đã chi 254 triệu USD cho các hợp đồng với các hãng PR
trong nhiệm kỳ đầu, gần gấp đôi số tiền chính quyền của Clinton đã chi.
Hầu hết khoản tiền này để thực hiện các gói thông tin thô nhờ các chuyên
gia quan hệ công chúng tìm cách đăng trên báo và truyền hình, làm cho
công chúng tưởng nhầm đó là các thông tin độc lập (Lisa Finnegan, 2007).
Bên cạnh đó, nhà cầm quyền cũng đưa ra nhiều chiến thuật nhằm xây dựng
mối quan hệ chặt chẽ với các nhà báo. Dựa trên lý do có rất nhiều nhà
báo bị giết, bị bắt cóc khi tham gia đưa tin về chiến tranh[4], nhà cầm
quyền đã đưa ra chương trình “embedded journalism” – đi kèm quân đội. Có
nhiều toà soạn ủng hộ chương trình này để đảm bảo an toàn cho phóng
viên của họ. Trong thời gian chuẩn bị cho cuộc chiến với Iraq cuối năm
2002 và đầu 2003, hàng trăm nhà báo Mỹ đã tham gia các chương trình huấn
luyện của Lầu Năm Góc nhằm hướng dẫn họ những kỹ năng cơ bản để sống
sót ở chiến trường, những chính sách quân sự và cách sử dụng một số loại
vũ khí. Sau đó, những nhà báo này đi cùng với binh lính Mỹ trong các
cuộc chiến. Việc đi cùng với quân đội trong cuộc chiến với Iraq gây
nhiều tranh cãi. Trước kia, trong chiến tranh Việt Nam, các phóng viên
trực tiếp đi cùng quân đội đến những điểm nóng trong cuộc chiến. Nếu bị
từ chối, họ sẽ thuyết phục cho bằng được hoặc sẽ chủ động tìm cách này
hoặc cách khác để lăn xả ra chiến trường. Còn trong cuộc chiến Iraq, với
danh nghĩa đưa nhà báo đi cùng quân đội để đảm bảo an toàn cho nhà báo,
đồng thời khiến nhà báo hiểu hơn về quân đội, nhà cầm quyền đã tìm được
cách kiểm soát phần nào hoạt động của người làm báo tại chiến trường.
Có một số nhà báo ủng hộ chương trình Embed, một số khác chỉ ra mặt trái
của chương trình này với phóng viên chiến trường.
“Tôi nghĩ đây [embed] là điều vô giá và giới truyền thông nợ quân đội
theo một nghĩa nào đó. Việc đi cùng đã xây dựng mối quan hệ vững chắc
giữa nhà báo và binh lính Mỹ, cũng như giữa truyền thông và quân đội vì
bạn sẽ biết làm một người lính Mỹ thì như thế nào và bạn cần phải hiểu
được nhân vật của bạn”
Nhà báo Mitch Prothero, hãng thông tấn UPI (Mike Hoyt, 2007).
“Đi cùng quân đội [embed] là một từ thú vị nhằm giúp cho các nhà báo
biết được hoạt động của quân đội mặc dù việc quan sát trong cuộc chiến
tranh Việt Nam cởi mở hơn… Điều giới hạn duy nhất trong việc đi cùng là
bạn phải đi nơi nào quân đội đi và theo kế hoạch của họ. Bạn sẽ không
thể làm tất cả những điều bạn muốn hoặc truy cập tất cả các thông tin mà
bạn cần. Và bạn cũng không thể nói chuyện trực tiếp với người dân Iraq
khi bạn tham gia đi cùng quân đội”
Nhà báo Dan Muphy, The Christian Science Monitor (Mike Hoyt, 2007)
Sau cuộc chiến tranh Iraq, các thuật ngữ như “Spin Doctor” hay PR
(chuyên gia quan hệ công chúng), media manipulation (sử dụng truyền
thông) được nhắc đến thường xuyên trong các nghiên cứu về mối quan hệ
giữa chiến tranh và truyền thông. Với kiểu tường thuật bị can thiệp và
lợi dụng này, báo chí khó giữ được tiếng nói độc lập và sự công bằng.
Tác giả Lisa Finnegan trong cuốn “No questions asked” (Không có câu hỏi
được đặt ra) đã nhận xét: “Thật không may mắn, sau vụ khủng bố 11/9, các
cơ quan báo chí quên rằng vai trò của họ là quan sát những gì đang xảy
ra, đặt ra những câu hỏi khó và tường thuật những gì họ thấy và nghe
được. Thay vào đó, các nhà báo lại hạn chế tìm những góc nhìn khác, nhấn
mạnh quan điểm của nhà cầm quyền và chỉ tường thuật một nửa sự thật
khiến cho công chúng bị nhầm lẫn”.
3 – “Hãy để tôi vẽ ra cuộc chiến”
Đây là nội dung bức điện tín nổi tiếng từ chủ bút William Randolph
Hearst của tờ New York Journal gửi cho họa sĩ trình bày lúc đó đang làm
thông tín viên tại Cuba. Trước đó, Frederic Remington (tên người họa sĩ
này) đã nhận định về tình hình mâu thuẫn tại Cuba qua một bức điện gửi
cho ông chủ Hearst vào tháng 1 năm 1897 như sau: “Mọi thứ đều yên tĩnh.
Không có vấn đề gì cả. Sẽ không có chiến tranh. Tôi muốn quay về”
(Everything is quiet. There is no trouble. There will be no war. I wish
to return). Và Hearst đã trả lời: “Hãy ở lại. Ông cứ vẽ tranh đi, còn
tôi sẽ vẽ ra cuộc chiến tranh” (Please remain. You furnish the pictures
and I’ll furnish the war). Chỉ một thời gian ngắn sau đó, quả thật chiến
tranh đã bùng nổ[5].
Về sau này, các nhà nghiên cứu cho rằng việc Hearst có gửi bức điện đó
hay không thì còn phải xem xét lại. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng
Hearst đã lợi dụng sự kiện chiến hạm Maine của Mỹ bị nổ tung không rõ lý
do để đăng loạt bài đổ lỗi cho Tây Ban Nha, thổi bùng sự bất bình của
dư luận, khiến cho dư luận tạo sức ép lên chính quyền và kết quả là dẫn
đến chiến tranh. Trong mối quan hệ giữa báo chí và chiến tranh, đây là
một trường hợp khá thú vị vì báo chí đã khiến chiến tranh nổ ra để sau
đó “vẽ lại” cuộc chiến theo mong muốn bán báo của một người[6]. Sự kiện
này đã giúp tờ New York Journal của Hearst vượt lên dẫn đầu, trở thành
tờ báo có số lượng phát hành cao nhất nước Mỹ vào cuối thế kỷ XIX.
Ý tưởng “Hãy để tôi vẽ ra cuộc chiến” của nhà tài phiệt truyền thông
William R. Hearst từ cuối thế kỷ XIX dường như vẫn khả thi trong thời
điểm hiện tại. Cuộc chiến Vùng Vịnh 1990-1991 ghi nhận sự đóng góp của
truyền thông trong việc đưa cuộc chiến đến công chúng 24/7 bằng cả hình
ảnh thật trên chiến trường lẫn những hình ảnh sử dụng công nghệ mô phỏng
hoặc chụp từ vệ tinh. .
Năm 1996, Ủy ban Nghiên cứu Quốc gia Hoa Kỳ đã tổ chức hội thảo tại
Irvine, California, trong đó thành phần khách mời là đại diện các cơ
quan nghiên cứu của Bộ quốc phòng và các tập đoàn giải trí như Disney,
Paramount, Pixar,… để thảo luận về khả năng kết hợp giữa hai lĩnh vực:
quân sự và giải trí. Hội thảo rút ra kết luận rằng:
“Công nghệ mô phỏng đang trở nên hết sức quan trọng đối với ngành công
nghiệp giải trí và Bộ Quốc phòng Mỹ. Trong lĩnh vực giải trí, công nghệ
này là nền tảng của các trò chơi điện tử, các công viên trò chơi, trung
tâm giải trí và những hiệu ứng đặc biệt của phim ảnh. Với Bộ quốc phòng,
công nghệ mô phỏng là phương thức tiết kiệm chi phí cho việc huấn
luyện, đánh giá chiến thuật mới và thử nghiệm hiệu quả của các loại vũ
khí mới… Những lợi ích chung này khiến ngành công nghiệp giải trí và bộ
quốc phòng có thể gặt hái những thành quả tốt hơn nhờ vào việc hợp tác
nghiên cứu công nghệ mới”
Trích báo cáo “Công nghệ mô phỏng: Sự kết nối giữa giải trí và quân sự”
(Modeling and Simulation: Linking Entertainment and Defense) năm 1996
của Ủy ban Nghiên cứu Quốc gia Hoa Kỳ (US National Research Council –
NRC)[7]
Việc tường thuật về chiến tranh trên báo chí hiện nay có xu hướng sử
dụng những định dạng trình bày của lĩnh vực giải trí, ví dụ như sử dụng
hình ảnh các loại vũ khí tối tân được tạo từ máy tính, sinh động hoá số
liệu với các đồ họa và bảng biểu, phát sóng những hình chụp địa điểm từ
vệ tinh hoặc tổ chức các buổi trò chuyện với các chuyên gia (talk
show),… Nhà nghiên cứu Jonathan Burston nhận xét, chiến tranh bây giờ có
nét giống với phim hành động của Hollywood hoặc giống như một trò chơi
điện tử. Xu hướng kết hợp giữa quân sự và giải trí đã khiến nhà nghiên
cứu ông đưa ra một từ mới: “Militainment” – một sự kết hợp giữa từ quân
sự (military) và giải trí (entertainment), và đánh giá những sự kết hợp
giữa hai lĩnh vực này như cuộc hôn nhân giữa Hollywood và quân sự[8].
Nhận xét này đang gây tranh cãi. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng cách thức
tường thuật chiến tranh này của báo chí có lẽ xuất phát từ mong muốn
của người làm báo, đó là tạo sự mới mẻ và thú vị để thu hút người xem.
Đặc biệt trong sự phát triển của truyền thông đa phương tiện
(multimedia) hiện nay, các kỹ thuật vi tính có thể đem đến những cách
trình bày mới, hấp dẫn hơn và giúp người xem dễ hình dung hơn. Nhưng mặt
khác, nếu có ai phản biện rằng đây là chiến thuật truyền thông mới của
những thế lực muốn thúc đẩy các cuộc chiến thông qua việc khiến cho công
chúng hứng thú (hoặc không sợ hãi và chống đối) với các hình ảnh chiến
tranh vì lợi ích chính trị hoặc kinh tế thì cũng cần xem xét.
Thay cho lời kết
Công chúng vốn có xu hướng quan tâm đến các thông tin về chiến tranh,
xung đột, thiên tai, đại dịch,… Để đáp ứng nhu cầu thông tin cho công
chúng, báo chí truyền thông luôn có mặt tại những điểm nóng nhất trên
thế giới. Với báo chí, chiến tranh là một trong những nội dung khiến báo
chí trở nên hấp dẫn hơn và thu hút nhiều độc giả hơn. Ví dụ, theo các
khảo sát của công ty nghiên cứu Nielsen, so sánh lượng xem truyền hình
trước và sau khi cuộc chiến tại Iraq lần 2 nổ ra năm 2003, người ta thấy
rằng MSNBC tăng 357%, CNN tăng 305% và Fox News tăng 239%. Bên cạnh
việc thông tin, báo chí còn có vai trò dẫn đường dư luận, giúp dư luận
có cái nhìn đúng đắn về cuộc chiến.
Thế nhưng, nhìn từ phía các thế lực tham gia hoặc liên quan đến cuộc
chiến, báo chí có khi bị xem như cái gai trong mắt .Vì vậy, che mắt hoặc
lôi kéo được báo chí tuyên truyền theo ý đồ của mình là biện pháp tốt
nhất. Càng về sau, các chiến thuật lôi kéo và sử dụng báo chí càng tinh
vi hơn khiến chính nhà báo có khi cũng không nhận ra. Công việc tường
thuật chiến tranh của người làm báo sẽ ngày càng khó khăn hơn vì những
áp lực và những mối quan hệ phức tạp giữa báo chí với các thế lực tham
chiến.
ThS. Triệu Thanh Lê
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Arlen, Michael (1997). Living room war. Syracuse University Press. United States.
2. Hoyt, Mike (2007). Reporting Iraq. Melville House Publishing. New Jersey.
3. Finnegan, Lisa (200). No Questions Asked: News coverage since 9/11. Praeger. Westport.
4. Khuyên, Đoàn Hữu Hoàng (2011). Nhà báo nước ngoài ở Việt Nam.
Tiểu luận nhóm môn học Lịch sử Báo chí Việt Nam. ĐHKHXH&NV. TP.HCM
5. Quang, Trần Hữu (2001). Chiến tranh và Truyền thông. Thời Báo Kinh tế Sài Gòn. 4/10/2001, trang 35
6. Thussu, Dayan (2003). War and the Media. Sage. London.
7. www.cpj.org
8. www.vietnamwar.net
[1] Nhà báo Walter Cronkite, người thực hiện chương trình “Documentary
on Vietnam” phát trên kênh truyền hình CBS năm 1968, được bình chọn là
một trong 100 nhà báo tiêu biểu của nước Mỹ (theo bình chọn của Khoa Báo
chí – ĐH New York).
[2] Xem những câu trích dẫn nổi tiếng về cuộc chiến tranh Việt Nam tại trang web http://www.vietnamwar.net/quotations.htm
[3] PR là một trong những chiến lược quan trọng của truyền thông hiện
đại nhằm xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa tổ chức, cơ quan, doanh
nghiệp, v.v… với công chúng. Các chính phủ đều sử dụng chiến lược PR để
xây dựng hình ảnh tốt đẹp cho mình. Tuy nhiên, việc sử dụng các chiến
lược PR gây ra những tranh luận xung quanh vấn đề liệu PR có làm hạn chế
tự do báo chí.
[4] Theo Tổ chức Bảo vệ Nhà báo (Committee to Protect Journalists), có
914 nhà báo trên thế giới đã bị giết kể từ năm 1992 đến nay. Trong đó
Iraq là chiến trường nguy hiểm nhất với 151 nhà báo đã thiệt mạng tại
đây (tham khảo thêm tại trang web: www.cpj.org )
[5] Cuộc chiến Tây Ban Nha – Mỹ (1898) xuất phát từ mâu thuẫn giữa Tây
Ban Nha và Mỹ sau những can thiệp của Mỹ vào chiến tranh giành độc lập
tại Cuba. Sau khi chiến hạm Maine của Mỹ bị chìm tại vịnh Havana một
cách bí ẩn vào năm 1897, áp lực chính trị đã khiến chính quyền của Tổng
thống Mỹ William McKinley tham gia vào cuộc chiến. Khi nhắc đến cuộc
chiến này, các nhà nghiên cứu truyền thông và lịch sử thường xem sự kiện
chiến hạm Maine bị chìm là giọt nước tràn ly khiến chiến tranh bùng nổ.
Họ cũng không quên nhắc đến vai trò của báo chí như một tác nhân thổi
bùng sự bất bình của dư luận, tạo sức ép khiến chính quyền Mỹ lúc bấy
giờ vốn chưa muốn gây chiến buộc phải bước chân vào cuộc chiến.
[6] Gần đây, các nhà nghiên cứu lại cho rằng cuộc chiến nổ ra không phải
do Hearst và tờ báo của ông. Những tờ báo giật gân trong giai đoạn này
chỉ phổ biến ở các thành phố lớn như New York chứ không có ảnh hưởng lớn
ở vùng nông thôn và các thành phố nhỏ tại nước Mỹ.
[7] Trích lại từ bài viết “War and the Entertainment industries: New
research priorities in an era of cyber-patriotism” của nhà nghiên cứu
Jonathan Burston, in trong cuốn War and The Media (xem phần Tài liệu
Tham khảo)
[8] Xem chú thích số 8
Nhật Bản đối diện với quá khứ chiến tranh
Ngôi đền Yasukuni là
một nơi yên tĩnh giữa kinh đô Tokyo náo nhiệt. Ngôi đền Thần đạo này
được xây dựng từ năm 1869 để thờ vong linh những người Nhật được phong
thánh vì đã cống hiến cuộc đời cho đất nước. Từ thời duy tân của vua
Minh Trị cho đến Thế chiến thứ hai đã có 2,5 triệu vong linh anh hùng
được tiếp nhận. Ngôi đền là một nơi “tôn vinh quân đội quốc gia”, trong
đó có 13.000 người bỏ mình trong chiến tranh Trung-Nhật lần thứ nhất năm
1895 đưa đến việc sáp nhập Đài Loan vào lãnh thổ Nhật Bản. Còn có
80.000 người ngã xuống trong chiến tranh Nhật-Nga năm 1904-1905 giúp
Nhật Bản đô hộ Triều Tiên. Nhưng đông nhất vẫn là 2,3 triệu binh sĩ đã
bỏ mình trong cuộc “Chiến tranh 15 năm” (1931-1945), một cuộc chiến đưa
đến thất bại lớn nhất với hơn 3 triệu người Nhật thiệt mạng. Nhưng gần
đây dư luận nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Hàn Quốc,
thường lên tiếng phản đối những vụ nguyên thủ quốc gia Nhật Bản đến
viếng thăm ngôi đền Yasukuni, coi đó là một sự kiện ngoại giao thù địch.
Vậy đằng sau những lần viếng thăm ngôi đền đó ẩn dấu những chuyện gì.
Chúng tôi tập hợp tài liệu trên báo Historia nhằm cung cấp cho bạn đọc
một số thông tin về vấn đề trên.
Các tội phạm chiến tranh Nhật Bản bị đưa ra trước tòa án Tokyo năm 1946
Ngày 15-8-1945 Nhật hoàng Hirohito ban bố lời kêu gọi nhân dân chấm
dứt mọi hành động đề kháng. Ngày 2 tháng 9 tướng Mỹ Mac Arthur nhận sự
đầu hàng của Nhật. Quân Mỹ đã chiếm đóng Nhật Bản cho đến năm 1952 nhưng
vẫn còn giữ lại nhiều căn cứ quân sự. Người Mỹ đã áp đặt cho Nhật một
Hiến pháp mới, trong đó điều 9 qui định “nhân dân Nhật Bản từ bỏ vĩnh
viễn chiến tranh với tư cách là quyền hợp pháp của quốc gia”. Nói rõ là
Nhật không có quyền thành lập quân đội, nhưng liền ngay sau đó, trong
bối cảnh của chiến tranh lạnh, nó đã được chuyển thành việc xây dựng lực
lượng phòng vệ.
Sau chiến tranh, giống như đối với Đức Quốc xã, Mỹ đã đưa ra tòa và
kết án những tội nhân chiến tranh Nhật Bản. Cựu thủ tướng Tojo cùng với
28 bị cáo đã phải ra trước Tòa án quân sự quốc tế Viễn-Đông vì các “tội
ác chống hòa bình thế giới” (tội ác loại A). Trong số đó có: Tojo,
Doihara (trưởng ban tình báo đội quân Quan Đông ở TQ), Igataki, Hirota,
Matsưi (chịu trách nhiệm vụ thảm sát Nam Kinh), Homma (chủ mưu vụ “hành
quân đến cái chết” ở Bataan) và Kimưra (gây tội ác ở Miến Điện) đều bị
kết án tử hình. Những phiên tòa khác xét xử tội phạm loại B (tội ác
chiến tranh) và loại C (tội ác chống nhân loại) được các tòa án Đồng
minh tổ chức ngay tại nơi chiếm đóng. Tổng cộng có 5.700 tên bị kết án:
700 bị tử hình và 2.500 bị án tù nặng nề. Đến nay không ai đặt lại vấn
đề minh oan cho những tội phạm chiến tranh đó, nhưng người chịu trách
nhiệm chính tại vị từ năm 1926 là Nhật hoàng Hirohito, tổng tư lệnh quân
đội Nhật Bản, lại không hề hấn gì. Vì các phiên tòa đã tạo ra một thỏa
hiệp: người Nhật, kể cả hoàng đế, đều là nạn nhân của bọn quân phiệt
cuồng tín, những kẻ chịu trách nhiệm chính trong chiến tranh. Họ cũng là
những nạn nhân như những nạn nhân khác ở châu Á.
Tuy nhiên, năm 1978, cốt hôi của 14 tội phạm chiến tranh loại A đã
được đưa về đền Yasukuni. Cốt hôi của loại tội phạm hạng B và C đã được
đưa về từ năm 1960. Vậy mà từ năm 1975, tất cả những người đứng đầu
chính phủ Nhật Bản đều đến tưởng niệm tại đền này, tất cả có đến 14 lần
viếng thăm, riêng đối với thủ tướng hiện tại Koizưmi là 5 lần kể từ
2001. Đối với người Trung Quốc, Triều Tiên và nhân dân các nước châu Á
khác nạn nhân cuộc đô hộ tàn ác mà quân phiệt Nhật gây nên, thì không
thể tôn vinh hương hồn các thủ phạm chiến tranh đó được. Vậy thì người
ta chê trách điều gì đối với các nhà lãnh đạo quốc gia Nhật Bản? Có
những tội ác nào đến nay người Nhật, hay nói chính xác hơn là một bộ
phận người Nhật không chịu thừa nhận? Trong đó nổi lên ba sự kiện như
sau. Vụ thảm sát Nam Kinh
Vụ thảm sát người Trung Quốc ở Nam Kinh
Quân Nhật bắt đầu tấn công Trung Quốc từ năm 1931. Lợi dụng cuộc nội
chiến Quốc-Cộng ở Trung Quốc, quân Nhật đã chiếm Mãn Châu, lập nên Mãn
Châu Quốc, do đạo quân Quan đông chiếm đóng, biến Mãn Châu thành xưởng
vũ khí lớn chuẩn bị cho chiến tranh. Ngày 7-7-1937 sau sự kiện Lư Cầu
Kiều (còn gọi là cầu Marco-Polo) cách Bắc Kinh 16km, quân Nhật mở rộng
chiếm đóng lên toàn Trung Quốc. Bắc Kinh, Nội Mông và vùng Hoa bắc rơi
vào tay Nhật Bản từ tháng 8. Trong cuộc tiến quân này quân Nhật bị
thương vong 40.000 người, phía Trung Quốc có 450.000 người thiệt mạng.
Tháng 12-1937 quân Nhật đến sát Nam Kinh. Sau 3 ngày nã pháo, ngày 13
tháng 12 quân Nhật tiến vào thành phố, quân Trung Hoa Quốc dân Đảng tháo
chạy vứt vũ khí đầy đường.
Trong cuộc chiếm đóng này, quân Nhật đã bao vây và đốt cháy thành
phố, tàn sát thường dân không phân biệt một ai. Trong một tháng rưỡi đã
có 150.000 đến 300.000 người bị giết trong những hoàn cảnh thảm khốc:
phụ nữ bị cưỡng hiếp, trẻ em bị ném từ trên gác xuống, đàn ông bị chém
đầu hay chôn sống… Có người còn khẳng định rằng các sĩ quan tổ chức cá
cược xem ai chém được nhiều người Trung Hoa nhất trong một buổi sáng. Vụ
thảm sát đã được các nhà ngoại giao Đức ghi nhận, khi đó đang cư trú
trong khu vực quốc tế. Sau này còn có lời thú nhận của một số tên đao
phủ, như một viên trung tá đã thừa nhận có giết 100.000 người. Nhà sử
học người Mỹ gốc Hoa Iris Chang đưa ra con số 300.000 nạn nhân gồm dân
thường và binh sĩ. Tại tòa án Tokyo, tướng Matsưi bị kết án tử hình vì
đã không ngăn chặn cuộc thảm sát đó. Vụ “phụ nữ mua vui”
Điều gây căng thẳng thứ hai giữa Tokyo với các nước láng giềng châu Á
là vụ thân phận những người phụ nữ mà người Nhật gọi là “phụ nữ mua
vui”. Từ cuối năm 1930 đến khi thất trận năm 1945, đã có 200.000 phụ nữ
Triều Tiên, Trung Hoa, Inđônêxia, Philippin bị đưa vào nhà thổ phục vụ
quân đội Nhật tại những vùng đang có chiến sự. Người Việt Nam cũng biết
đến những người phụ nữ này khi quân đội Nhật đưa theo những người phụ nữ
Cao Ly đến Nha Trang, được tổ chức thành nơi nghỉ ngơi cho quân đội
Nhật từ đầu những năm 1940. Đây là vấn đề mà nhiều nạn nhân không muốn
nhắc đến, vả lại đến nay bao nhiêu năm đã trôi qua, người ta không muốn
khuấy lại cái quá khứ đau buồn đó.
Tuy nhiên việc phát hiện hồ sơ quân sự năm 1992 cho thấy trách nhiệm
của giới quân nhân Nhật trong việc “khai thác thân xác phụ nữ” này, đã
buộc chính phủ Nhật Bản phải thừa nhận sự việc trên. Một phụ lục năm
1998 của Cao ủy LHQ về Quyền con người đã xác nhận tình trạng nô lệ tình
dục đối với những người phụ nữ này, thường bị hãm hiếp trong những trại
giam giữ. Từ đấy, những nạn nhân còn sống sót đã đòi chính phủ Nhật bồi
thường, nhưng đã bị từ chối, lấy cớ là vấn đề bồi thường chiến tranh đã
được giải quyết xong: 800 triệu đôla đã trả cho Hàn Quốc từ năm 1965
“bao gồm mọi khoản”. Vụ nghiên cứu vi trùng của Đơn vị 731
Đây là điểm thứ ba gây nên nhiều bất bình mà người Nhật khó chấp
nhận. Đơn vị này được thành lập năm 1932 do nghị định của nhà vua, do
một viên bác sĩ quân y trung tá Shiro Ishii chỉ huy. Mục tiêu của nó là
bí mật phát triển vũ khí vi trùng. Đóng gần Cáp Nhĩ Tân ở Mãn Châu, từ
năm 1936 đơn vị tiến hành thí nghiệm chiến tranh vi trùng trên cơ thể
của 3.000 người (phần lớn là thường dân Trung Hoa) do hiến binh Nhật vây
ráp về. Các bệnh chính được nghiên cứu là dịch hạch, thổ tả và sốt định
kỳ. Vật thí nghiệm là đàn ông, đàn bà và cả trẻ em.
Trong các phòng thí nghiệm nhà tù người ta còn tiến hành thử nghiệm
về tác động của khí lạnh đối với cơ thể con người. Đơn vị 731 còn thử
nghiệm một số phát minh của chúng tại vùng Nam Kinh bằng cách gieo dịch
bệnh bằng đầu độc nước giếng. Thầy thuốc Nhật Nakagawa Yonezo đã thuật
lại thời kỳ thực tập của mình như sau: “Huấn luyện viên bảo chúng tôi
phải làm test trên cơ thể con người. Trong một đoạn phim chiếu cho chúng
tôi xem, người ta tiêm khí nén vào cánh tay một đối tượng để kiểm tra
hiệu quả của máu lưu thông. Một số thí nghiệm không có liên quan gì với
việc nghiên cứu vi trùng. Đó chỉ là một sự tò mò nghề nghiệp. Chúng tôi
tự hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu chúng tôi làm thế này hay làm thế nọ? Chẳng
qua đó chỉ là trò tiêu khiển”. Nhà sinh học Kurumizawa Masakưni cũng
thuật lại: “Chúng tôi đang mổ một người phụ nữ mang thai. Bà ta đã được
đánh thuốc mê và bụng được mổ phanh. Đột nhiên bà mở mắt và hét to: Con
tôi! Con tôi! Giết tôi đi nhưng hãy cứu con tôi! Bà ta đã chết và tất
nhiên cả đứa trẻ cũng chết theo”. Còn thầy thuốc Yoshimura Hisato thì
nhớ lại rằng ông ta đã lấy một đứa bé 3 tháng tuổi và cắm một cái kim đo
nhiệt độ vào cánh tay: “Sau đó chúng tôi ngâm nó vào nước đá và quan
sát sự thay đổi của nhiệt độ cho đến khi nó chết”. Nhân chứng cuối cùng
là thầy thuốc Yuasa Ken: “Người ta nói có khoảng 20 triệu người chết ở
Trung Quốc, nhưng chỉ có từ 10 đến 20 % là chết vì súng đạn”. Sau chiến
tranh, người Mỹ đã miễn tội cho Ishii để đổi lại việc ông ta phải trao
cho Mỹ các kết quả nghiên cứu. Nhiều cộng tác viên của ông ta đã tiến
thân trong các công ty dược phẩm lớn mà không lo lắng gì. Chỉ có Liên Xô
mới kết án vài tên sát nhân của đơn vị 731 trong một phiên tòa mở ở
Khabarovsk năm 1949.
Còn đối với việc xét xử tướng Masaharư Homma, tác giả của các vụ thảm
sát hàng ngàn tù binh Đồng minh ở Philippin thì người Mỹ thực hiện dễ
dàng hơn. Bị dồn vào bán đảo Bataan gần Manila năm 1941, quân Mỹ và
Philippin phải đầu hàng quân Nhật tháng 4-1942. Bọn Nhật quyết định
chuyển 76.000 tù binh trong đó có 12.000 người Mỹ đến cách đó hơn 100km.
Hàng nghìn người đã bỏ xác trong cuộc “hành quân đến cái chết” đó.
_____
Theo tài liệu Trung Quốc thì cuộc chiến tranh Nhật-Trung đã khiến 35
triệu người Trung Hoa chết kể cả thường dân. Nhà sử học Mỹ James C.
Hsiung thì đưa ra con số 22 triệu, trong đó có 18 triệu thường dân.
“Nhân dân Trung Hoa luôn luôn coi cuộc chiến tranh này là lịch sử đau
thương và không thể xóa nhòa”, tờ Nhân dân nhật báo gần đây đã
viết như vậy. Chính vì vậy mà hồi tháng 4-2005 đã nổ ra ở Trung Quốc
nhiều cuộc biểu tình chống Nhật lớn nhất trong vòng 20 năm qua. Nhiều
cuộc biểu tình đã biến thành bạo loạn, dân chúng đốt các xí nghiệp và
siêu thị Nhật ở Thành Đô, Bắc Kinh, Quảng Châu và Thẩm Quyến, nhiều
người Nhật bị tấn công và bị chửi rủa. Ở Hàn Quốc những cuộc phản đối
cũng sôi động không kém.
Điều khiến người Trung Hoa và Hàn Quốc bất bình là tính chất xét lại
của một số công trình lịch sử Nhật Bản gần đây. Năm 1997 tất cả các sách
giáo khoa trung học đều nói đến hành động nô lệ tình dục. Nhưng đến năm
2005 thì không nhắc đến nữa. Trong công trình do “Hiệp hội cải cách
sách giáo khoa lịch sử Nhật Bản” đưa ra có viết rằng: Những tội ác và
những vụ sát hại do quân đội Nhật gây nên, như vụ thảm sát Nam Kinh, đã
được “đặt thành nghi vấn” và cuộc chinh phục đã được hợp thức hóa. Các
tác giả, các giáo sư đại học và chính khách cánh hữu đều nói rằng họ
muốn đối trọng lại với cách nhìn “tự hành hạ mình” của lịch sử do người
Mỹ áp đặt cho người Nhật. Vào giữa những năm 1990, một tác giả vẽ tranh
hoạt hình Yoshinori đã đưa vào tác phẩm của mình những lời tuyên bố quân
phiệt và quốc gia chủ nghĩa như: “Chúng ta phải hoan nghênh quân đội
Nhật Bản đã dạy cho bọn “da trắng” phân biệt chủng tộc Âu-Mỹ đã đô hộ
Đông Á và coi các dân tộc da màu như loài khỉ”. Hoặc viết rằng: “Một
trong những tội ác bịa đặt ra trong phiên tòa là vụ thảm sát Nam Kinh.
Người ta muốn gán cho Nhật một tội ác nghiêm trọng không kém gì vụ ném
bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki làm 300.000 người chết”.
Vấn đề xét lại lịch sử thực ra chỉ liên quan đến một bộ phận chính
khách hay một số nhà tư tưởng Nhật Bản ít ỏi. Thực chất của vấn đề đang
hằn sâu trong trí óc nhân dân Nhật là những ký ức thời chiến tranh của
xã hội Nhật Bản ngày nay đối với thế kỷ 20. Nó không khác gì ký ức của
nước Pháp đối với Angiêri hay như mới đây là vấn đề đòi xét lại giá trị
của chế độ thuộc địa Pháp đã từng gây tranh cãi tại Nghị viện. Hình như
sau chiến tranh, người Nhật không bao giờ muốn đặt lại câu hỏi lịch sử
về sự có mặt của họ ở Đông Á và đặc biệt là ở Triều Tiên. Và trong
trường hợp này, vai trò của Mỹ đối với Nhật là rất quan trọng.
Đào Hùng lược thuật
Cờ trắng trở thành biểu tượng đầu hàng từ khi nào?
Hoa Hướng Dương |
4
Chúng ta đều thấy trên phim ảnh biểu tượng lá cờ trắng khi một
bên tham chiến muốn đầu hàng, thế nhưng ý nghĩa của nó có từ khi nào thì
có lẽ ít người biết tới.
Ngày nay, chúng ta đều biết cờ trắng là biểu tượng báo hiệu việc đầu hàng, việc treo một lá cờ hay thậm chí bất cứ thứ gì đại loại thế đều có ý nghĩa tương tự. Thế nhưng tại sao treo cờ trắng lại có ý nghĩa như vậy và từ khi nào người ta bắt đầu sử dụng chúng?
Trong chiến tranh hàng ngàn năm nay, người ta đã ngầm xem đây là dấu
hiệu đầu hàng và chấp nhận nó rộng rãi trên khắp thế giới. Nguồn gốc của
nó cũng có từ rất lâu đời.
Từ thời La Mã cổ đại, khi mà những cuộc chiến đã xảy ra liên miên, người ta cần có một dấu hiệu hòa bình để có thể đàm phán.
Chiến tranh Punic lần thứ hai kéo dài từ năm 218 đến năm 201 TCN. Ảnh Internet.
Nhà biên niên sử La Mã cổ đại Livy đã mô tả một con tàu của xứ Carthage được trang trí bằng “len màu trắng và các cành ô liu” như một biểu tượng hòa đàm trong Chiến tranh Punic lần thứ hai.
Đây có thể xem là biểu tượng hòa bình đầu tiên trong chiến tranh. Tuy
nhiên, nó vẫn chưa mang ý nghĩa đầu hàng như bây giờ. Điều này mới chỉ
mang ý nghĩa đình chiến và đàm phán.
Khi đó, người đàm phán sẽ được an toàn đến lúc hai bên kết thúc thỏa thuận đàm phán có nên tiếp tục hay dừng cuộc chiến.
Đây là cuộc chiến tranh lớn thứ hai giữa Carthage và Cộng hòa La Mã. Ảnh Internet.
Sau này sử gia Cornelius Tacitus cũng đã viết về việc cờ trắng được
giương lên khi các lực lượng của tướng Vitellius đầu hàng tại Trận
Cremona lần thứ 2 năm 69 sau Công nguyên.
Trước đó, quân đội La Mã đầu hàng bằng cách giơ những tấm khiên hoặc lá chắn lên trên đầu.
Như vậy, đây chính là biểu tượng mang ý nghĩa đầu hàng lần đầu tiên
được sử dụng. Thế nhưng tại sao lại là màu trắng chứ không phải một màu
nào khác?
Thứ nhất, hầu hết các nhà sử học tin rằng các băng rôn trắng ban đầu
trở nên thông dụng vì chúng dễ dàng được nhận ra trong bối cảnh chiến
trận khốc liệt.
Thứ hai, vải trắng rất phổ biến trong thời kỳ cổ đại và cũng có thể
các binh lính thời bấy giờ chỉ ngẫu nhiên sử dụng các vật liệu mà họ có
sẵn trong tay này.
Lá cờ trắng sử dụng trong cuộc nội chiến Mỹ. Ảnh Internet.
Sau này, chúng dần trở nên phổ biến hơn ở phương Tây, cờ hiệu màu
trắng đã được sử dụng rộng rãi để chỉ ý định đầu hàng trong thời Trung
cổ ở Tây Âu.
Dần dần lá cờ trắng đã trở thành một biểu tượng được quốc tế công
nhận không chỉ cho việc đầu hàng mà còn cho mong muốn bắt đầu ngừng bắn
và tiến hành đàm phán trên chiến trường.
Người cầm vật màu trắng sẽ được đảm bảo an toàn. Ảnh Internet.
Màu trắng còn được sử dụng nói chung để chỉ một người được phép ngừng chiến đấu:
Những sứ giả cùng cây gậy màu trắng để phân biệt mình với các chiến
binh, những tù nhân hay con tin bị bắt giữ trong trận sẽ đính kèm một
mảnh giấy trắng vào mũ của họ.
Và các đơn vị đã đầu hàng, được hứa hẹn có 1 chuyến đi an toàn, những người này sẽ mang theo chiếc gậy màu trắng.
Những người lính thời kỳ Nội chiến Mỹ đã vẫy cờ trắng ngưng chiến trước khi đi thu gom các binh sĩ bị thương.
Nhà sử học Bồ Đào Nha Gaspar Correia (trong những năm 1550), tuyên bố rằng:
Năm 1502, Hoàng tử Ấn Độ, Zamorin Calicut, cử các nhà đàm phán mang một "miếng vải trắng gắn vào một chiếc gậy", "như là một dấu hiệu của hòa bình", với kẻ thù của ông là Vasco da Gama.
Năm 1625, Hugo Grotius trong "De jure belli ac pacis" (Luật chiến tranh và hòa bình), một trong những cơ sở căn bản của luật pháp quốc tế, đã công nhận:
Cờ trắng là một "dấu hiệu, hàm chứa một ý nghĩa" đó là "một dấu hiệu
ngầm của 1 cuộc đàm phán hay thương lượng, mà người ta không phải dùng
lời nói để diễn tả".
Quân lính cầm vật màu trắng tượng trưng hòa bình, đầu hàng. Ảnh Internet.
Ngoài ra, có các bằng chứng cho thấy nó cũng trở nên thịnh hành một
cách độc lập ở Trung Quốc thời nhà Đông Hán (năm 25–220 sau CN) trong ba
thế kỷ đầu tiên sau Công nguyên.
Những lá cờ trắng có thể được thay thế bởi bất cứ vật màu trắng nào. Ảnh minh họa.
Màu trắng từ lâu đã gắn liền với cái chết và tang tóc ở Trung Quốc,
vì vậy những người lính Trung Hoa có thể dùng cờ đầu hàng màu trắng để
tỏ sự buồn bã khi thất trận.
Màu trắng rất dễ nhận biết nên được sử dụng làm biểu tượng đầu hàng. Ảnh Internet.
Những ý nghĩa khác nhau của lá cờ này sau đó đã được pháp điển hóa
trong các Công ước La Hay và Công ước Geneva thời thế kỷ 19 và 20.
Cũng chính những công ước này đã cấm quân đội các nước sử dụng cờ trắng để giả vờ đầu hàng rồi sau đó phục kích quân địch.
Ngày nay, "giương cờ trắng đầu hàng" trở thành một
thành ngữ quen thuộc trong cuộc sống khi một người nào đó muốn từ bỏ một
điều gì đó, chứ không nhất thiết phải giương một chiếc cờ trắng.
Đem lại nhiều lợi thế trong trận chiến, tuy nhiên lực lượng lính đánh thuê cũng có nhiều rủi ro đối với Chính phủ sử dụng.
Cách đây 2400 năm, hoàng tử Cyrus của Ba Tư đã thuê 10 vạn quân Hy Lạp
để lật đổ ngai vàng của chính anh trai mình là Arsaces. Một trận chiến
định mệnh và sự kiện này cũng đánh dấu lần đầu tiên một đội quân được
thuê bằng tiền để phục vụ mục đích quân sự của nước khác.
Cho đến tận ngày nay, việc sử dụng lính đánh thuê đã trở thành xu thế
của chiến tranh, khi các nước muốn giảm thiểu tổn thất cho quân đội của
mình. Có những lực lượng lính đánh thuê tinh nhuệ được đào tạo trên thế
giới, như lực lượng Blackwater của Mĩ. Trong bài viết này chúng ta sẽ
tìm hiểu các hoạt động của một lựa lượng lính đánh thuê chuyên nghiệp,
tầm ảnh hưởng cũng như rủi ro trong chiến tranh. Họ là ai?
Trước tiên chúng ta phải hiểu ý nghĩa của cụm từ ‘lính đánh thuê’ cũng
như những ngừi lính này họ là ai và họ phục vụ cho điều gì. Lính đánh
thuê, hay mercenary theo tiếng La-tinh có nghĩa là tiền công hoặc lệ
phí. Do đó theo nghĩa đen, có thể hiểu lính đánh thuê là những người
lính chiến đấu vì tiền, tuy nhiên họ khác với những người lính thông
thường (cũng được trả lương, thưởng sau mỗi trận chiến).
Trong lịch sử, lính đánh thuê là những người lính được thuê để phục vụ
cho quân đội của một quốc gia nước ngoài. Ví dụ trong cuộc cách mạng tại
Mỹ, Vương quốc Anh đã thuê lính Đức để chống lại những người Mỹ đứng
lên kháng chiến. Lính đánh thuê là lực lượng sát cành cùng quân đội
thuộc địa. Trong một cuộc chiến tranh thường có ba thành phần quân đội
chính là Regular Army (quân đội trực thuộc của quốc gia đó, là những
người lính chuyên nghiệp) Militia (dân quân, là những người dân đứng lên
chiến đấu) và Mercenary Army (lính đánh thuê).
Công ước Geneva cũng xác định rõ một người lính đánh thuê phải hội đủ các yếu tố:
- Không phải thành viên thường trực của lực lượng vũ trang tại nước đó,
mà chỉ được tuyển chọn để tham gia một chiến dịch đặc biệt (được ghi
trong hợp đồng).
- Tham gia vì mục đích cá nhân và được trả công nhiều hơn gấp nhiều lần quân đội trực thuộc.
- Không thuộc quốc tịch của các quốc gia đang xung đột, hoặc không nằm
trong vùng lãnh thổ bị kiểm soát bởi các quốc gia đang xung đột.
Một lính đánh thuê không được công nhận các đặc quyền của người lính hợp
pháp theo công ước Geneva . Họ có thể bị buộc tội giết người, thảm sát,
nếu bị bắt sẽ không được bảo vệ bởi quyền của tù binh chiến tranh.
Năm 1989, Liên Hợp Quốc đã thông qua nghị quyết cấm sử dụng lính đánh
thuê. Tuy nhiên chỉ có 30 quốc gia đã ký và thông qua, các nước như Mỹ
và Iraq đã không ký kết hiệp định. Lý do lớn nhất là do những lợi ích
lớn trong việc sử dụng lính đánh thuê trong chiến tranh. Tại sao lính đánh thuê được sử dụng?
Mục đích sử dụng lính đánh thuê trong chiến tranh có nhiều thay đổi từ
trước tới nay. Trong trận chiến Ba Tư cách đây 2400 năm, hoàng tử Cyrus
phải thuê quân đội Hy Lạp do ông không nắm quyền điều hành quân đội
trong tay, vì vậy để có một đội quân lật đổ ngai vàng ông phải bỏ tiền
ra thuê.
Sau đó vào khoảng thế kỷ 15 - 16, các đội quân lính đánh thuê trở nên
chuyên nghiệp hơn, họ thường có một thế mạnh nhất định trong chiến đấu.
Ví dụ như đội quân Swiss Guard của Thủy Điển có kỹ năng cận chiến tốt,
đặc biệt là khả năng dùng giáo hay đội quân Landsknechte của Đức với khả
năng dùng súng hỏa mai chuẩn xác. Do đó các lãnh chúa thuê họ để bù đắp
điểm yếu cho quân đội của mình trong các trận chiến.
Trong Thế chiến thứ II, quân đội Đức đã tuyển dụng những người lính nước
ngoài, thậm chí là người dân bình thường từ các nước mà Đức chiếm đóng.
Họ được gọi là các freiwillige, được sử dụng như lá chắn tiên phong
trên chiến trường.
Sau Thế chiến thứ II, nhưng người lính đánh thuê trước đây trở thành cố
vấn, hướng dẫn cho các nhà lãnh đạo ở các nước thứ ba, như Congo, Angola
hay Sirrea … Họ phục vụ cho cả quân đội chính phủ và các nhóm quân
chống đối, thậm chí cả khủng bố. Một số bị bắt và xét sử tại tòa án
chiến tranh.
Ngày nay, các quốc gia vẫn tích cực sử dụng lính đánh thuê không phải vì
họ tinh nhuệ hơn, cũng không phải vì các quốc gia này không có quân
đội, mà nhằm mục đích chính là giảm thương vong. Do đó, các lực lượng
lính đánh thuê bị hạn chế hoạt động và bị kiểm soát nhiều hơn, họ phải
tham gia những hoạt động rất nguy hiểm. Công ty quân sự tư nhân (PMC)
Sau chiến tranh lạnh, bản chất của chiến tranh đã thay đổi, không còn
những cuộc chiến quy mô lớn mà thay vào đó là những cuộc xung đột nhỏ.
Bên cạnh đó, các vấn đề xã hội, kính tế chính trị cũng được xem trọng
hơn, quân đội có nhiều công việc phải làm hơn và do đó lực lượng bị dàn
mỏng. Và lúc này các quốc gia bắt đầu tìm đến những công ty quân sự tư
nhân (PMC) để lấp khoảng trống, họ huấn luyện và quản lý các lực lượng
lính đánh thuê và cung cấp cho các quốc gia, tổ chức cá nhân có nhu cầu.
Thị trường đặc biệt này thực sự là miếng mồi kinh doanh béo bở và thu về
những khoản lợi nhuận khổng lồ. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi các
PMC mọc lên như nấm, với số vốn đầu tư có thể lên đến hàng tỷ USD. Dưới
đây là danh sách các PMC đang hoạt động:
- Blackwater Worldwide
- G4S
- Control Risks
- DynCorp
- Erinys
-Executive Outcomes
- Global Strategies Group
- Kroll
- Military Professional Resources Inc. (MPRI)
- Olive Group
- Sandline International
- Triple Canopy
- Vinnell
Cuộc xung đột tại Iraq cũng là nguyên nhân dẫn đến sự phát triển chưa
từng có của các PMC và các nhà thầu phi quân sự. Chính phủ Mỹ đã sử dụng
lính đánh thuê như lực lượng chính tại mặt trận này, ước tính có khoảng
180.000 PMC thuộc nhiều quốc gia khác nhau làm việc cho Mỹ trong chiến
tranh Iraq, với nguồn vốn mà Mỹ bỏ ra khoảng 100 tỷ USD. Các lực lượng lính đánh thuê tinh nhuệ nhất G4S
Là công ty quân sự tư nhân lớn nhất thế giới với hơn 625.000 nhân viên.
G4S đóng một vai trò quan trọng ở các vùng khủng hoảng trên khắp thế
giới, tập trung vào nhiệm vụ đảm bảo an ninh ở ngân hàng, nhà tù và sân
bay. Blackwater Worldwide
Trụ sở chính nằm sâu trong khu vực hoang vu của Bắc Carolina - một trong
những nơi đào tạo lính đánh thuê lớn nhất và phức tạp nhất trên thế
giới. Theo một cuốn sách viết về Blackwater năm 2007, tính đến khi đó,
cơ sở này đã cho "ra lò" 20.000 binh sĩ, 20 máy bay, một đội xe bọc thép
và đào tạo nhiều chó chiến đấu. Hầu hết các nguồn lực này được chuyển
tới Iraq và Afghanistan theo các hợp đồng với chính phủ Mỹ. Triple Canopy
Công ty có một đội ngũ 1.800 nhân sự, theo các hợp đồng lên tới 1,5 tỷ
USD. Một bản đánh giá chính thức về lực lượng Triple Canopy ở Iraq kết
luận họ là một "lực lượng làm việc chuyên ghiệp, được đào tạo bài bản và
có kinh nghiệm tốt". Triple Canopy còn thuê khoảng 3.000 nhân viên nữa
trên toàn cầu. DynCorp
Có trụ sở ở Virginia, Mỹ, DynCorp là một trong 8 hãng an ninh tư nhân
được Bộ Ngoại giao Mỹ chọn giữ lại ở Iraq sau khi quân Mỹ rút khỏi nước
này. Công ty quân sự với thu nhập 3,4 tỷ USD hàng năm này còn hoạt động
tích cực ở châu Phi, Đông Âu và Mỹ Latinh, với một đội ngũ nhân viên hơn
10.000 người. Erinys
Sứ mệnh lớn nhất của họ trong những năm qua này đã đưa 16.000 vệ sĩ của
hãng tới 282 địa điểm trên khắp đất nước Vùng Vịnh, nơi họ bảo vệ các
đường ống dẫn dầu then chốt cùng nhiều tài sản năng lượng khác. Nhóm này
còn hiện diện ở châu Phi và mới đây đã nhận được 2 hợp đồng ở Cộng hòa
Congo về việc đảm bảo an ninh tại các dự án khí đốt, dầu lửa và quặng
sắt. Quân đoàn Lê dương Pháp (FFL)
FFL không phải một nhà thầu quân sự tư nhân, nó trực thuộc quản lý của
chính phủ Pháp, tuy nhiên có một điều đặc biệt đó là toàn bộ binh linh
của FFL đều là lính đánh thuê. Đây cũng được xem là đội quân kỳ lạ nhất
trên thế giới, vì bất cứ ai ở bất kỳ quốc gia nào cũng có thể đăng ký để
trở thành người của quân đoàn này. Mặc dù vậy quân đoàn FFL hoạt động
rất kỷ luật, tuân theo những quy tắc nhất định và trực thuộc quản lý của
Chính phủ Pháp.
FFL hiện là quân đội tổ chức tuyển mộ mạnh nhất thế giới thông qua
Internet. Sau khi đăng ký, quá trình tuyển chọn sẽ bắt đầu với kiểm tra y
tế và một vài câu hỏi phỏng vấn. Sau đó, những ứng viên lọt vào vòng
trong sẽ trải qua các bài kiểm tra IQ logic, thể lực, kiểm tra tính cánh
để xác định điểm mạnh và kỹ năng của họ. Những người được lựa chọn sẽ
phải ký hợp đồng 5 năm và thay đổi tên họ.
Sau quá trình tuyển chọn là khóa đào tạo cơ bản kéo dài 15 tuần tại một
thị trấn nhỏ ở miền nam nước Pháp. Khóa đạo tạo sẽ giúp tân binh có
những kỹ năng cơ bản, làm quen với cuộc sống quân ngũ và biết tiếng
Pháp. Sau khóa đào tạo, những người lính sẽ được chuyển về 11 trung đoàn
rải rác trên nước Pháp và các nước đồng minh.
Trong thời gian làm việc theo hợp đồng, có không ít những người lính FFL
đã ngã xuống, từ năm 1831 đến nay có hơn 35.000 người lính đã chết
trong khi làm nhiệm vụ. Họ đều được hưởng những chính sách bảo hiểm đặc
biệt. Rủi ro của việc sử dụng lính đánh thuê
Các lực lượng lính đánh thuê có thể tạo ra một lợi thế rất lớn trong
chiến tranh, giảm thiểu thương vong của quân đội chủ lực, tuy nhiên các
lực lượng này cũng là một gánh nặng với nhiều rủi ro.
Nhiều người nói rằng việc sử dụng lính đánh thuê tiết kiệm kinh tế cho
chính phủ, tuy nhiên sự thật lại không phải luôn luôn như vậy. Để có
thuê một đội quân tinh nhuệ có chất lượng cao, Chính phủ cũng phải bỏ ra
một khoản tiền không hề nhỏ. Trong chiến tranh Iraq, Chính phủ Mỹ đã
phải bỏ ra 85 tỷ USD để có được sự phục vụ của các lực lượng lính đánh
thuê từ năm 2003 đến 2007, nó chiếm 20% tổng chi phí tại chiến tranh
Iraq. Có một sự thật trong lịch sử là nhiều Chính phủ khống muốn, hoặc
không thể trả số tiền cho các lực lượng lính đánh thuê, khiến họ rời bỏ
cuộc chiến, hoặc thậm trí đầu quân cho phe đối lập.
Rủi ro thứ hai đó là lòng trung thành. Một câu chuyện nổi tiếng thế kỷ
14, đạo quân Almogávares của Tây Ban Nha được thuê bởi đế quốc
Byzantine nhằm đánh lại người Thổ Nhĩ Kỳ. Sau khi cuộc chiến kết thúc,
đạo quân này đã quay lại tấn công chính những kẻ đã thuê họ, và từ đó sự
trung thành của những lực lượng lính đánh thuê luôn được đặt dấu chấm
hỏi.
Ngoài ra, các lực lượng lính đánh thuê không hoạt động độc lập, thông
thường sẽ phối hợp tác chiến với quân đội bản địa. Tuy nhiên việc chia
sẻ thông tin và phối hợp tác chiến giữa những con người xa lạ trở thành
một vấn đề khó khăn. Điều này có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng trong
trận chiến.
Cuối cùng, sự xuất hiện của lực lượng lính đánh thuê có thể làm suy yếu
lực lượng quân đội của một quốc gia tại chiến trường. Điều này khiến cho
việc kiểm soát tình hình khi có những biến động trở nên khó khăn, vì
các lực lượng lính đánh thuê chỉ thực hiện các nhiệm vụ nhất định đã
giao ước từ trước.
MIỀN TÂY HOANG DẠI Ước gì một lần về thuở ấy miến Tây Sống lầy lội những tháng ngày hoang dại Súng cặp kè hông, nhong nhong lưng ngựa Phóng khoáng thảo nguyên, đạn nổ ì đùng Ta sẽ về, rủ em gái theo cùng Đem tình yêu vào vòng đấu súng Và ngã xuống trong một lần anh dũng Để mai này định nghĩa lại...thằng khùng! Đã khùng rồi thì xá chi anh hùng Của một thời tìm vàng sôi động Người người xô bồ tìm giàu sang cuộc sống Để lại điêu tàn, bắn giết mênh mông! Ta ước thế nghe có rùng rợn không? Trần Hạnh Thu NHẠC HUYỀN THOẠI CAO BỒI VIỄN TÂY
(ĐC sưu tầm trên NET) Bản tin 113 online cập nhật ngày 2/5: Truy tố 254 bị can bị trong đại án sai phạm lĩnh vực đăng kiểm 🔴 TRỰC TIẾP: Thời sự quốc tế 3/5 | Nga tuyên bố khai hỏa Iskander, hủy diệt hai pháo HIMARS Ukraine Tin tức thời sự mới nhất hôm nay | Bản tin sáng ngày 5-3-2024 MỘT CÕI ĐI VỀ (Sáng Tác: Trịnh Công Sơn) - KHÁNH LY OFFICIAL Miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội đối với ông Vương Đình Huệ 9 giờ trước Khoảnh khắc tên lửa Nga công kích pháo HIMARS Ukraine 12 giờ trước Mong muốn Campuchia chia sẻ thông tin về Dự án kênh đào Funan Techo 10 giờ trước Gần 50 người chết trong vụ sập đường cao tốc ở Trung Quốc 10 giờ trước Lý do xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga bất ngờ sụt giảm 8 giờ trước Ukraine nói Nga sản xuất tên lửa Zircon 'nhanh bất thường' 6 giờ trước Hàng chục nghìn người Gruzia tiến hành biểu tình lớn nhất từ trước tới nay 16 giờ trước Video 'rừng người' xem phương tiện chiến đấu bị Nga tịch thu ở chiến trường Ukraine 16 giờ trước U23 In...
I Only Want to Be with You - Dusty Springfield (Cover by Emily Linge) VẪN THẾ MÀ! Anh vẫn thế, trước sau vẫn thế mà Nhìn anh này, đừng nhìn phía trời xa Vẫn ngày ngày ra ngóng chờ trước của Đợi Nàng Thơ về tác hợp thi ca Tâm hồn anh có cửa đâu mà khóa Mà phải cùng em mở cánh cửa tâm hồn Anh tìm mãi nào thấy đâu ô cửa Toang hoác tứ bề, thông thống càn khôn* Còn trái tim anh vẫn êm đềm, yên ả Vẫn yêu quê hương, tổ quốc, con người Miền nhiệt đới khi thấy tim băng giá Chắc chắn là anh đã ngoẻo tự lâu rồi! Trần Hạnh Thu CT: * Trời đất
Nhận xét
Đăng nhận xét