BÍ ẨN LỊCH SỬ 89

(ĐC sưu tầm trên NET)
 
Cuộc chiến tranh lạnh

Chiến tranh Lạnh (Cold War)

Print Friendly, PDF & Email
us-soviet-flags
Tác giả: Phạm Thủy Tiên
Chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc, giữa bối cảnh một Châu Âu bị tàn phá và suy yếu trong hệ thống quốc tế với vai trò lu mờ của Anh, Pháp và một nước Đức đổ nát trên bờ vực bị chia cắt, thì Mỹ và Liên Xô nổi lên với vai trò là siêu cường thế giới, giàu có và hùng mạnh. Cả hai quốc gia này nhanh chóng nắm quyền chi phối toàn bộ hệ thống chính trị quốc tế. Thế nhưng, Xô – Mỹ với hai ý thức hệ đối lập đã đứng trên hai chiến tuyến trái ngược nhau. Điều này khiến cho viễn cảnh hòa hợp thời hậu chiến trở nên xa vời. Một loạt các xung đột liên tiếp nổi lên, tuy không gây ra đối đầu trực tiếp nhưng lại là khởi đầu cho một giai đoạn lịch sử được biết đến với tên gọi “Chiến tranh Lạnh”.
Bernard Baruch, một nhà tài phiệt và là cố vấn cho nhiều đời tổng thống Mỹ, từ Woodrow Wilson tới Harry S. Truman, được cho là người đầu tiên sử dụng thuật ngữ Chiến tranh Lạnh. Ngày 16/04/1947, ông đã nhắc đến “Chiến tranh Lạnh” trong bài phát biểu trước Hạ viện bang Nam Carolina: “Đừng để chúng ta bị đánh lừa: chúng ta hiện đang ở giữa một cuộc Chiến tranh Lạnh”. Tháng 9 năm 1947, nhà báo nổi tiếng Walter Lippmann đã khiến cho thuật ngữ này được biết đến rộng rãi với bài viết “Cold War” đăng trên tờ New York Herald Tribune.
Theo đó, Chiến tranh Lạnh được hiểu là thời kì căng thẳng về mặt chính trị và quân sự giữa Mỹ và Liên Xô sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Yếu tố “chiến tranh” ở đây thể hiện sự đối đầu sâu sắc về mặt quyền lực và ý thức hệ giữa 2 nước; trong khi đó “lạnh” phản ánh việc Liên Xô và Mỹ không sử dụng vũ khí “nóng” (các loại vũ khí truyền thống) trong mối quan hệ kình địch này, mà thay vào đó là cuộc chạy đua vũ trang, nổi bật là vũ khí hạt nhân. Trên thực tế, Chiến tranh Lạnh là giai đoạn đầu tiên trong lịch sử tồn tại hệ thống lưỡng cực, mà Mỹ và Liên Xô là đại diện; và mâu thuẫn giữa hai nước cũng đại diện cho mâu thuẫn giữa phe Tư bản chủ nghĩa (do Mỹ đứng đầu) và phe Xã hội chủ nghĩa (do Liên Xô khởi xướng). Chiến tranh Lạnh do đó tác động toàn diện tới tất cả các mặt trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội của các quốc gia khi mà các nước tự xác định con đường đi của mình dựa trên sự định hình ý thức hệ.
Khởi đầu
Nhiều học giả cho rằng Chiến tranh Lạnh thực sự đã bắt đầu từ năm 1945, ngay sau khi Chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc. Sau chiến tranh, các lực lượng mới hình thành là phe Tư bản chủ nghĩa và phe Xã hội chủ nghĩa– cả 2 đều ra sức gây ảnh hưởng lên các nước Thế giới thứ ba (cũng là lực lượng thứ ba hình thành sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai); tình trạng bị tàn phá và kiệt quệ của nhiều nước sau chiến tranh đã dẫn đến một cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật mới và gia tăng xu hướng hợp tác kinh tế quốc tế.
Trong bối cảnh này, hai quốc gia mạnh nhất bước ra từ chiến tranh là Mỹ và Liên Xô đã gia tăng tranh giành khu vực ảnh hưởng trên thế giới. Hội nghị Yalta, sau đó là Hội nghị Hòa bình Paris và Hội nghị Postdam, đã cho ra đời luật bất thành văn: Đông Âu, Mông Cổ và CHDCND Triều Tiên thuộc khu vực ảnh hưởng của Liên Xô, phần còn lại của thế giới thuộc về phương Tây.  Nhờ dòng chảy phát minh khoa học kỹ thuật trỗi dậy mạnh mẽ, 2 siêu cường thế giới lúc bấy giờ là Mỹ và Liên Xô đều có điều kiện để gia tăng sức mạnh về quân sự, vũ khí… và trở thành đối trọng lẫn nhau. Nếu không có sự tồn tại (về mối đe dọa hủy diệt) của vũ khí hạt nhân, xung đột giữa hai siêu cường có thể leo thang và dẫn đến một cuộc chiến thật sự, tương tự như hai cuộc chiến đã diễn ra trong thế kỉ 20. Do đó có thể nói hai siêu cường thường xuyên bị đặt trong tình trạng “bên miệng hố chiến tranh”.
Cũng có những ý kiến khác cho rằng Chiến tranh Lạnh bắt đầu vào năm 1947. Ngày 12/03/1947, tổng thống Mỹ khi đó là Harry S. Truman đã cho ra đời Học thuyết Truman, trong đó lần đầu tiên khẳng định Liên Xô là địch thủ và Mỹ sẵn sàng chống Liên Xô, cũng như trợ giúp những nơi bị Liên Xô và sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản đe đọa. Đây được cho là cái cớ của chính quyền Washington lúc bấy giờ, khi người Mỹ nhận ra rằng sự biệt lập chính trị của Mỹ tại Châu Âu sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất là một sai lầm lớn, có thể đã tạo “khoảng trống” cho sự nổi dậy của Hitler và sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai là sự hiện diện của Liên Xô trên một nửa lục địa.
Năm 1948, Mỹ bắt đầu thực hiện Kế hoạch Marshall, viện trợ khoảng 17 tỷ USD cho các nước Tây Âu, giúp các nước này hồi phục sau chiến tranh. Kế hoạch Marshall bao gồm các biện pháp nhằm “ngăn chặn” sức mạnh Liên Xô qua hai giai đoạn: tái thiết Châu Âu “phi cộng sản” về mặt kinh tế chính trị, tăng khả năng để chống lại Liên Xô, đồng thời, duy trì sức mạnh hạt nhân và sự tin cậy vào việc bảo vệ các đồng minh Châu Âu của Hoa Kỳ. Nhóm G7 được thành lập bao gồm các quốc gia mạnh nhất của phương Tây nhằm chống lại Liên Xô và các nước thế giới thứ ba (vốn đã từng gây ra cuộc khủng hoảng dầu mỏ 1913 nhằm gây áp lực cho phương Tây). Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO, thành lập năm 1949) cũng được cho là sự phản ứng của Mỹ và đồng minh trước ưu thế quân sự truyền thống của Liên Xô.
Ngoài sự khác biệt về ý thức hệ dẫn đến sự đối đầu Đông – Tây, cùng các xung đột lợi ích và ảnh hưởng như đã đề cập ở trên, “Thế giới thứ ba” cũng là một trong những nguyên nhân bắt nguồn Chiến tranh Lạnh. Chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc kéo theo sự cáo chung của hệ thống thực dân. Quá trình phi thực dân hóa diễn ra trong những năm 1950 – 1960 với kết quả là các quốc gia mới giành được độc lập đã nhanh chóng lọt vào tầm ngắm của hai siêu cường. Mỹ và Liên Xô quyết liệt tranh giành ảnh hưởng tại những quốc gia này như một cách để tăng cường sức mạnh ngoài các khu vực ảnh hưởng truyền thống.
Diễn biến
Chiến tranh Lạnh là một cuộc chiến kéo dài, với những giai đoạn căng thẳng leo thang và những giai đoạn hòa hoãn khá yên tĩnh, với một số cột mốc đáng nhớ như Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), các cuộc Khủng hoảng Berlin (1948, 1961), Khủng hoảng tên lửa Cuba (1962), Cuộc chiến Afghanistan (1979-1989)…
Năm 1946, lãnh tụ của Liên Xô khi đó là Joseph Stalin khẳng định sự thành công của chủ nghĩa cộng sản với việc Liên Xô đã lôi kéo được các quốc gia Đông Âu đi theo con đường xã hội chủ nghĩa của mình. Mỹ và các nước đồng minh ngay lập tức bác bỏ tuyên bố trên và đã thúc đẩy các hành động “giải cứu châu Âu khỏi Liên Xô cộng sản”, chính thức bắt đầu với bài diễn văn của tổng thống Mỹ Truman và Kế hoạch Marshall viện trợ cho Châu Âu. Đây cũng là giai đoạn bắt đầu hình thành các khối hiệp ước quân sự nhằm gia cố sức mạnh của mỗi bên. Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO được thành lập năm 1949, bắt nguồn từ ý tưởng của bộ trưởng ngoại giao Canada Louis St. Laurent, về việc thành lập một khối các quốc gia dân chủ để giúp Châu Âu chống lại sự chi phối của Liên Xô. Tổ chức này bao gồm Mỹ và các thành viên đồng minh phương Tây, chính thức chấm dứt chính sách cô lập của Mỹ đối với các vấn đề Châu Âu.
Để đáp trả, Liên Xô cùng các nước đồng minh trong phe xã hội chủ nghĩa thành lập khối Hiệp ước Vacsava năm 1955. Sự ra đời của hai khối quân sự đã chính thức xác lập cục diện lưỡng cực và đánh dấu việc Chiến tranh Lạnh đã bao trùm thế giới. Cả hai khối đều duy trì những lực lượng quân sự lớn và các loại vũ khí hiện đại để bảo đảm khả năng đáp trả khi đối phương tấn công. Cuộc chạy đua vũ trang lớn nhất trong lịch sử bắt đầu trên các lĩnh vực tên lửa liên lục địa, công nghệ vũ trụ (vệ tinh nhân tạo, khinh khí cầu gián điệp…) và quan trọng hơn cả là vũ khí hạt nhân – mối đe dọa lớn nhất và là nguyên nhân gây căng thẳng nhất cho cuộc Chiến tranh Lạnh. Chính quyền Mỹ đã tăng số lượng đầu đạn hạt nhân từ 1.000 (năm 1953) lên 18.000 (đầu năm 1961). Ở thời điểm này, Mỹ có số bom và đầu đạn hạt nhân lớn gấp tám lần Liên xô: 27.297 so với 3.332. Tuy nhiên, người Liên Xô lại thắng thế trong cuộc chạy đua vào không gian với việc phóng tàu Sputnik, vệ tinh nhân tạo đầu tiên, sau đó là máy bay không người lái.
Trong thời kỳ căng thẳng này, “chiến trường” của Chiến tranh Lạnh có thể được phân chia thành: châu Âu và các vùng “ngoại vi” (bao gồm các nước Thế giới thứ ba vừa giành được độc lập tại Châu Á, châu Phi và Trung Đông). Cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) đã đánh dấu sự thay đổi trọng tâm của Chiến tranh Lạnh, từ Châu Âu sang Đông Á. Lúc này, các cuộc chiến ủy nhiệm ở Thế giới thứ ba đã trở thành vũ đài quan trọng cho cuộc cạnh tranh giữa hai siêu cường. Cả hai đều cố gắng thu hút thêm đồng minh bằng những lời hứa hẹn viện trợ về tài chính, quân sự, ngoại giao… Đỉnh cao của giai đoạn căng thẳng là vụ khủng hoảng Berlin lần 2 (1961) sau sự kiện Liên Xô bắn hạ máy bay gián điệp U2 của Mỹ.
Trong khi đó, vấn đề nước Đức vẫn trong tình trạng bế tắc – phía Mỹ không chấp nhận rút quân khỏi Tây Berlin theo yêu cầu của Liên Xô. Quân đội cả 2 bên đã được đặt trong tình trạng báo động, bức tường Berlin được xây dựng vào ngày 12/08/1961. Tuy nhiên, do lo ngại chiến tranh, cả hai bên đều chấp nhận duy trì hiện trạng, cho đến khi xảy ra cuộc Khủng hoảng tên lửa Cuba (1962) với sự kiện Vịnh con lợn, được cho là có khả năng gây nên Chiến tranh thế giới lần thứ ba với vũ khí hạt nhân. Sau sự kiện này, lãnh đạo hai nước đã thống nhất đã cấm các vụ thử hạt nhân trong không trung và dưới mặt nước sau năm 1962.
Chiến tranh Lạnh đi vào giai đoạn hòa hoãn với nhiều sự thay đổi chính trị của các bên tham chiến (Mỹ bất đồng với Pháp, Đức và Nhật thu hẹp khoảng cách kinh tế; Liên Xô mâu thuẫn với Trung Quốc, gặp nhiều cấn đề nội bộ trong phe xã hội chủ nghĩa), đặc biệt sau “cú sốc” khủng hoảng dầu mỏ 1973. Những mối lo về sự mở rộng và phổ biến vũ khí hạt nhân, vấn đề ngân sách đầu tư cho quốc phòng, cộng với tình hình kinh tế bất ổn được cho là những nguyên nhân chính tạo nên và duy trì giai đoạn hòa hoãn này. Tổng thống Mỹ Richard Nixon và lãnh đạo Liên Xô Leonid Brezhnev đã ký hiệp ước SALT1 (1972) để hạn chế sự phát triển các loại vũ khí chiến lược, bên cạnh các hiệp ước khác như Hiệp ước cấm thử hạn chế LTB (1963), Hiệp ước không gian vũ trụ OST (1967), Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân NPT (1968), Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo ABM (1972). Hai bên cũng đã tiến hành nhiều chuyến viếng thăm và làm việc song phương, thúc đẩy giải quyết vấn đề nước Đức, giải trừ quân bị ở Trung Âu.
Tuy nhiên, trong giai đoạn này, sự cạnh tranh giành ảnh hưởng tại các nước thứ ba giàu tài nguyên, đặc biệt tại khu vực Trung Đông và Nam Phi, vẫn tiếp tục. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây nên cuộc chiến Afghanistan của Liên Xô (1979) – làm bùng lên giai đoạn đối đầu trở lại của 2 siêu cường, được ví như “Chiến tranh Lạnh thứ hai”.
Liên Xô ủng hộ chính phủ Afghanistan theo phe cộng sản, trong khi Mỹ, Pakistan và các quốc gia Hồi giáo khác ủng hộ phe đối lập muốn lật đổ chính quyền. Tổng thống Mỹ khi đó là Jimmy Carter đã cho rằng hành động triển khai quân đến Afghanistan của Liên Xô là “mối đe dọa nghiêm trọng nhất tới hòa bình kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai”.
Đồng thời, mối quan ngại về việc Liên Xô đưa một số lượng quân đông đảo (lần đầu tiên sử dụng trực tiếp Hồng Quân bên ngoài Đông Âu) đến gần khu vực Vùng Vịnh nhiều dầu mỏ cũng khiến căng thẳng gia tăng trở lại, thời kỳ hòa hoãn chấm dứt. Gian đoạn đối đầu trở lại cũng chứng kiến các cuộc khủng hoảng giữa hai bên tại Ba Lan (1979-1981), khủng hoảng tên lửa tầm trung ở châu Âu (1983-1984). Tuy nhiên, giai đoạn này cũng là lúc nền kinh tế Liên Xô gặp nhiều khó khăn, mà một trong những nguyên nhân chính là phí tổn quốc phòng. Cuộc chiến tại Afghanistan lại không đem lại hiệu quả khiến Liên Xô bị sa lầy tại đây trong suốt 10 năm. Ngày 15/05/1988, Liên Xô bắt đầu rút quân khỏi Afghanistan. Căng thẳng Đông-Tây lại hạ nhiệt.
Kết thúc
Mikhail Gorbachev – Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô lên cầm quyền vào năm 1985, được xem là một trong những nhân tố thúc đẩy sự chấm dứt Chiến tranh lạnh. Thập niên 1980, nền kinh tế Liên Xô rơi vào tình trạng trì trệ do dầu mỏ thế giới sụt giá, nguồn thu ngoại tệ của nước này cũng sút giảm và quan trọng hơn cả là những khoản chi phí khổng lồ cho phát triển vũ khí và quốc phòng. Gorbachev đã bắt đầu những cuộc cải cách của mình nhằm vực dậy kinh tế đất nước với nhiều kế hoạch táo bạo, một trong số đó là ngừng cuộc chạy đua vũ trang với phương Tây để tập trung phát triển kinh tế nội địa, tiết kiệm ngân sách và tái định hướng đầu tư các nguồn tài nguyên.
Kế hoạch cải tổ của Gorbachev cũng cho phép tăng cường tiếp xúc, quan hệ giữa công dân Liên Xô và công dân các nước phương Tây. Đây là một trong những tiền đề cho Hiệp ước kiểm soát vũ khí START I được ký kết giữa Liên Xô và Mỹ vào năm 1985. Liên Xô sau khi kết thúc việc rút quân khỏi Afghanistan năm 1989 đã đồng ý thống nhất nước Đức vào năm 1990, đồng thời tuyên bố không tiếp tục hỗ trợ và can thiệp vào các quốc gia đồng minh Đông Âu. Chiến tranh Lạnh hạ nhiệt nhanh chóng, và chính thức kết thúc khi Liên Xô tan rã năm 1991, do Gorbachev không thể kiểm soát được những cải tổ mà ông đã tiến hành.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng, Chiến tranh Lạnh kết thúc vào thời điểm này là điều hoàn toàn có thể đoán trước. Liên Xô thật sự đã không thể tiếp tục canh tranh với Mỹ trong cuộc đối đầu Đông – Tây kéo dài hơn 40 năm. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến kết cục này của Liên Xô:
Thứ nhất, ngay từ khi bắt đầu Chiến tranh Lạnh, Mỹ đã chiếm ưu thế hơn Liên Xô. Ví dụ, nếu như Mỹ mất 400.000 người trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai, thì Liên Xô thiệt hại đến 27 triệu nhân mạng. Nền kinh tế Mỹ hưởng lợi từ cuộc chiến tranh này, trong khi kinh tế Liên Xô hầu như bị hủy hoại.
Thứ hai, Liên Xô không thể theo đuổi những chi phí khổng lồ trong cuộc chạy đua vũ trang, đặc biệt khi Tổng thống Mỹ Reagan ra lệnh tăng cường khả năng quân sự của nước này những năm 1980.
Thứ ba, đề xuất xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa “Chiến tranh giữa các vì sao” của Tổng thống Reagan đã chuyển dịch cuộc chạy đua vũ trang sang một cuộc đua mới về công nghệ hiện đại – điều mà Liên Xô không có lợi thế. Cùng với những bất ổn kinh tế trong nước, Liên Xô đã bị lung lay, và cuối cùng là sụp đổ. Cuộc chơi kết thúc và Mỹ, sau một đêm, đã trở thành siêu cường duy nhất của thế giới. Di sản để lại của Chiến tranh Lạnh là hàng triệu người chết trong các cuộc chiến tranh ủy nhiệm trên khắp thế giới. Chi phí quân sự Mỹ trong thời kỳ chạy đua vũ trang được ước tính đến 8.000 tỷ USD và tỉ lệ chi phí quốc phòng trên tổng GDP của Liên Xô còn cao hơn rất nhiều so với Mỹ.
Có nhiều cách nhìn nhận và đánh giá khác nhau về Chiến tranh Lạnh. Các nhà sử học “chính thống” cho rằng Liên Xô cần chịu trách nhiệm về cuộc chiến này cùng tham vọng mở rộng ảnh hưởng ở Châu Âu. Trong khi đó, theo các nhà nghiên cứu khác lại cho rằng hành động của Liên Xô là nỗ lực xây dựng hệ thống phòng vệ khu vực Đông Âu, trong khi Mỹ cố gắng kiến thiết một hệ thống quốc tế có lợi cho mình; và Chiến tranh Lạnh chỉ là cái cớ cho sự thống trị của Mỹ dựa trên “mối đe dọa” Xô Viết.
Khác với quan điểm cho rằng bản chất Chiến tranh Lạnh là đối kháng và căng thẳng, có tư tưởng cho rằng Chiến tranh Lạnh thật ra cũng đem lại một số lợi ích nhất định cho cả hai bên. Cuộc chiến “không tiếng súng” này cho phép cả Mỹ và Liên Xô giải quyết vấn đề nước Đức, bằng cách đóng băng các diễn biến chính trị/ xã hội ở châu Âu, cả ở phía Đông và phía Tây. Sự tồn tại của Chiến tranh Lạnh cũng hữu ích trong việc duy trì “trật tự hạt nhân” giữa các siêu cường và những vệ tinh của mình, cũng như giữa những quốc gia hạt nhân và các quốc gia phi hạt nhân.
Cuối cùng, xét ở một khía cạnh nào đó, Chiến tranh Lạnh cũng giúp củng cố một số lợi ích quốc gia. Ví dụ, với Mỹ, cuộc chạy đua vũ trang giúp gia tăng sức mạnh ngành công nghiệp quân sự, giúp Mỹ “hợp pháp hóa” tham vọng can dự ở nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi để củng cố an ninh quốc gia và nâng cao vai trò của tổng thống. Còn ở bên kia “Bức màn sắt”, Chiến tranh Lạnh giúp Liên Xô “hợp pháp hóa” quân sự trong xã hội dân sự và đẩy mạnh phát triển công nghiệp nặng trong một thời gian dài.
Nguồn: Đào Minh Hồng – Lê Hồng Hiệp (chủ biên), Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, (TPHCM: Khoa QHQT – Đại học KHXH&NV TPHCM, 2013).

Bí ẩn người “châm ngòi” cuộc Chiến tranh Lạnh

Tới nay, các nhà sử học của Mỹ và Nga (Liên Xô trước đây) vẫn tranh cãi về việc ai đã “châm ngòi” cuộc Chiến tranh Lạnh.
Câu hỏi về việc liệu Mỹ hay Liên Xô đã châm ngòi cuộc Chiến tranh Lạnh là chủ đề gây nhiều tranh cãi kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu và các nhà sử học tới nay vẫn chưa có sự thống nhất. Hãy nhìn vào quan điểm của các nhà sử học nổi bật của mỗi bên.  
Bí ẩn người “châm ngòi” cuộc Chiến tranh Lạnh
“Bộ ba” tại Hội nghị Yalta. Trong ảnh từ trái sang phải: Thủ tướng Anh Churchill, Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt và Nhà lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin. Ảnh: Global Look Press
Cách tiếp cận của các nhà sử học cả ở Mỹ và Liên Xô (trước đây), đối với căn nguyên của cuộc Chiến tranh Lạnh vẫn luôn phức tạp và không đồng nhất quan điểm suốt thời gian qua. Trước tiên, hai bên thường xuyên đổ lỗi cho nhau. Sau đó, họ cố đi đến các giả thuyết mang tính thỏa hiệp hơn. Tuy nhiên, những năm 1990, quan điểm của phía Mỹ có sự thay đổi đáng kể với sự trở lại của lập trường chính thống hậu chiến.
“Chủ nhiệm khoa lịch sử Chiến tranh Lạnh”
Trường hợp rõ ràng nhất là với John Lewis Gaddis, một nhà nghiên cứu được coi là “trưởng khoa của các nhà sử học về Chiến tranh Lạnh”. Ông là một giáo sư Đại học Yale và là người nắm giữ rất nhiều giải thưởng, trong đó có cả giải thưởng Pulitzer. Ông được coi là “một trong những nhà sử học hàng đầu của Mỹ” và thậm chí từng cố vấn cho Nhà Trắng khi George W. Bush làm Tổng thống Mỹ. 
Bí ẩn người “châm ngòi” cuộc Chiến tranh Lạnh
Nhà sử học Mỹ John Lewis Gaddis
Nhà sử học Gaddis cho rằng, rất nhiều lỗi lầm thuộc về phía Mỹ trong vấn đề căn nguyên của Chiến tranh Lạnh, nhưng ông coi Nhà lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin mới là yếu tố chính đằng sau cuộc xung đột.
Mỹ là xã hội tự do nhất trên trái đất?
Ông mô tả các nguyên nhân của sự khởi đầu Chiến tranh Lạnh: “Cuộc xung đột tồn tại trong những hy vọng đầy tham vọng và nỗi sợ hoang tưởng của Joseph Stalin ở phía Liên Xô, và sự kiên quyết của Mỹ và các đồng minh phương Tây khi đối đầu với những tham vọng đó. Những tham vọng đó vẫn tồn tại sau khi quân đội Liên Xô đạt được những thành tựu trong Thế chiến 2.
Nhà sử học Gaddis cho rằng, Mỹ không có lựa chọn nào sau khi bị đe dọa bởi “niềm hy vọng đầy tham vọng và nỗi sợ hoang tưởng” của Stalin.
Theo quan điểm của ông, Tổng thống Mỹ Roosevelt và Thủ tướng Anh Churchill muốn một thỏa thuận thời hậu chiến có thể tạo ra khả năng những lợi ích tương hợp, thậm chí là giữa những hệ thống "cạnh tranh nhau”.
Stalin, mặt khác lại “muốn đảm bảo an ninh của chính mình và của Liên Xô trong khi đồng thời khuyến khích sự đối đầu giữa những nhà tư bản”. Nhà sử học Gaddis cho rằng lỗi lầm là của Nhà lãnh đạo Liên Xô Stalin khi “ông ấy không thấy có chỗ cho sự hợp tác và cùng tồn tại lẫn nhau”.
Nhà sử học cũng làm tương phản hình ảnh của Mỹ và Liên Xô. Ông Gaddis nói rằng “…thời điểm năm 1945, công dân Mỹ có thể sẽ đòi hỏi một cách hợp lý được sống trong một xã hội tự do nhất trên trái đất”. Mặt khác, Liên Xô “khi kết thúc chiến tranh thế giới thứ 2, lại là xã hội độc đoán nhất bất cứ nơi nào trên trái đất”.
Chiến tranh Lạnh cũng giống như một sự đối đấu giữa Tự do và Chủ nghĩa độc đoán, và Chủ nghĩa độc đoán là “kẻ xấu” chịu trách nhiệm về cuộc xung đột.
Hai yếu tố ở Washington
Người ta cho rằng, ở phía Nga quan điểm toàn diện nhất và phù hợp nhất về Chiến tranh Lạnh được đưa ra bởi Valentin Falin, một nhà sử học đồng thời là nhà ngoại giao Liên Xô. Dù cho rằng, quả bóng ở trên sân của Mỹ, nhưng ông không nhìn nhận chính sách Mỹ là thù địch ngay từ đầu. 
Bí ẩn người “châm ngòi” cuộc Chiến tranh Lạnh
Nhà sử học Valentin Falin. Ảnh: Sputnik
Nhà sử học Falin truy ngược nguồn gốc của cuộc xung đột về Thế chiến 2 và nêu ra 2 khuynh hướng trong chính sách Mỹ đối với Liên Xô. Khuynh hướng thứ nhất liên quan tới nỗi sợ về sự lớn mạnh của Liên Xô có thể được hình thành trong quá trình chống phát xít Đức. Khuynh hướng thứ 2 là “cách tiếp cận Yalta” hướng tới sự hợp tác hòa bình của Mỹ và Liên Xô như Tổng thống Franklin D. Roosevelt mường tượng ra.
Nhà sử học Falin trích dẫn lời của Tổng thống Mỹ Roosevelt nói trong bài phát biểu trước Quốc hội ngày 1/3/1945 về thỏa thuận Yalta giữa Mỹ, Anh và Liên Xô: “Đó không thể là một hòa bình của riêng Mỹ, Anh, Nga, Pháp hay Trung Quốc. Nó không thể là hòa bình của các nước lớn hay các nước nhỏ. Nó phải là hòa bình dựa trên nỗ lực chung của toàn thế giới”.
Theo ông Falin, “thế giới mà Franklin Roosevelt mô tả không đáp ứng được kỳ vọng của các thành phần phản động ở Washington đang ngày càng lớn mạnh” và khi Roosevelt qua đời, người kế nhiệm Harry Truman, không muốn tính đến lợi ích của các nước khác. Tháng 4 cùng năm đó, ông tuyên bố rằng “điều này [sự hợp tác giữa Liên Xô và Mỹ] có thể sẽ bị phá vỡ…”.
Kế hoạch ném bom 100 thành phố Liên Xô
Để mô tả chiều hướng thù địch mới của chính quyền Mỹ đối với Liên Xô đã thổi bùng ngọn lửa Chiến tranh Lạnh, Nhà sử học Falin đề cập tới kế hoạch hành động quân sự của Lầu Năm Góc. Ông dẫn bản ghi nhớ 329 của Ủy ban tình báo hỗn hợp của Mỹ từ 4/9/1945, chỉ vài ngày trước khi kết thúc thế chiến 2.
Văn bản này nói rằng, “cần phải chọn ra 20 mục tiêu quan trọng nhất phù hợp để đánh bom nguyên tử ở Liên Xô và trên các vùng lãnh thổ do Liên Xô kiểm soát”. Theo ông, Washington đã có được loại bom này từ vài tháng trước đó, thậm chí đã từng sử dụng để ném xuống 2 thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản. Đến năm 1949, Liên Xô vẫn chưa có vũ khí hạt nhân. Bản ghi nhớ 329 chỉ là một trong số các văn bản tương tự.
Theo VOV

Chiến tranh Lạnh và ảo giác chiến thắng của người Mỹ

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Odd Arne Westad, The Cold War and America’s Delusion of Victory, The New York Times, 28/08/2017.
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Chiến tranh Lạnh trong vai trò một hệ thống nhiều quốc gia đã kết thúc vào một ngày tháng mười hai lạnh giá và xám xịt ở Moskva vào năm 1991, khi Mikhail Gorbachev ký một văn bản tuyên bố chấm dứt sự tồn tại của Liên bang Xô viết. Bản thân chủ nghĩa cộng sản, dưới dạng thức chủ nghĩa Marx – Lenin, đã không còn tồn tại như một lý tưởng thực tế về cách tổ chức xã hội.
“Nếu tôi được chọn lại một lần nữa, tôi thậm chí sẽ không là một người cộng sản,” Todor Zhivkov, một nhà lãnh đạo cộng sản bị lật đổ của Bulgaria, từng nói một năm trước đây. “Và nếu Lenin còn sống hôm nay, ông cũng sẽ nói như vậy. Giờ đây tôi phải thừa nhận rằng chúng ta đã bắt đầu từ một cơ sở sai lầm, từ một tiền đề sai lầm. Nền tảng của chủ nghĩa xã hội là sai lầm. Tôi tin rằng ý tưởng về chủ nghĩa xã hội đã chết yểu ngay khi thành hình.”
Tuy nhiên, Chiến tranh Lạnh xét từ khía cạnh một cuộc đấu tranh về ý thức hệ chỉ biến mất phần nào, mặc cho sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản. Về phía người Mỹ, chẳng có mấy thay đổi vào ngày hôm đó. Chiến tranh Lạnh đã kết thúc, và Mỹ đã thắng. Nhưng hầu hết người Mỹ vẫn tin rằng họ chỉ có thể được an toàn nếu thế giới trông giống như đất nước họ và nếu các chính phủ của thế giới tuân theo ý muốn của đất nước họ.
Những ý tưởng và giả định đã được xây dựng qua nhiều thế hệ vẫn tiếp tục tồn tại, ngay cả khi mối đe dọa từ Liên Xô đã biến mất. Thay vì một chính sách đối ngoại có giới hạn và có thể đạt được cho nước Mỹ, hầu hết các nhà hoạch định chính sách của cả hai đảng đều tin rằng Mỹ có thể, với chi phí hoặc rủi ro tối thiểu, hành động theo ý chí của mình.
Chủ nghĩa đắc thắng của Mỹ thời hậu Chiến tranh Lạnh đã có hai phiên bản. Thứ nhất là phiên bản của Clinton, thúc đẩy một nghị trình về thịnh vượng nhờ các giá trị thị trường trên quy mô toàn cầu. Sự thiếu vắng tính mục đích trong các vấn đề quốc tế của chính sách này là rõ ràng, nhưng bản năng chính trị nội bộ của nó có lẽ đúng: người Mỹ đã mệt mỏi với những can dự ở nước ngoài và muốn được hưởng thụ “cổ tức hòa bình.”
Kết quả là thập niên 1990 trở thành cơ hội bị đánh mất cho hợp tác quốc tế, đặc biệt là chống lại bệnh dịch, đói nghèo và bất bình đẳng. Những ví dụ rõ ràng nhất về các thiếu sót này là những chiến trường Chiến tranh Lạnh cũ như Afghanistan, Congo và Nicaragua, nơi mà người Mỹ rất ít quan tâm đến những gì đã xảy ra – một khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Thứ hai là phiên bản của Bush. Trong khi Bill Clinton nhấn mạnh đến sự thịnh vượng, George W. Bush nhấn mạnh đến ưu thế áp đảo của Hoa Kỳ. Và giữa hai phiên bản này, tất nhiên, là sự kiện ngày 11/09/2001. Rất có thể, phiên bản của Bush sẽ không bao giờ xuất hiện nếu không có những cuộc tấn công khủng bố ở New York và Washington gây ra bởi những tín đồ Hồi giáo cuồng tín (mà thực ra, là một nhóm phản bội tách ra từ một đồng minh thời Chiến tranh Lạnh của Mỹ).
Trải nghiệm Chiến tranh lạnh rõ ràng đã định hình phản ứng của Mỹ trước những hành động tàn bạo này. Thay cho các cuộc tấn công nhắm vào mục tiêu quân sự và sự hợp tác của cảnh sát toàn cầu, điều vốn dĩ là phản ứng hợp lý nhất, chính quyền Bush đã chọn thời điểm mà bá quyền toàn cầu không bị thách thức này để xâm lược và chiếm đóng Afghanistan và Iraq. Những hành động này là không có ý nghĩa xét về mặt chiến lược, tạo ra các thuộc địa ở thế kỷ 21 dưới sự cai trị của một cường quốc vốn chẳng có chút khát khao nào với chế độ thuộc địa.
Nhưng người Mỹ đã không hành động vì mục đích chiến lược. Họ hành động vì người dân nước họ, cũng dễ hiểu, đã tức giận và sợ hãi. Và họ đã hành động chỉ bởi họ có thể. Phiên bản của Bush được chỉ đạo bởi các cố vấn chính sách đối ngoại, những người nhìn nhận thế giới chủ yếu qua lăng kính Chiến tranh Lạnh; họ nhấn mạnh viện triển khai quyền lực, kiểm soát lãnh thổ và thay đổi chế độ.
Thời kỳ sau Chiến tranh Lạnh vì thế không phải là một sự chệch hướng, mà là một sự tiếp nối và khẳng định mục đích lịch sử tuyệt đối của nước Mỹ. Tuy nhiên, qua hơn 30 năm kể từ sau Chiến tranh Lạnh, Mỹ đã dần trở nên ngày càng ít khả năng chiếm ưu thế trên toàn cầu.
Khi nước Mỹ bước sang một thế kỷ mới, mục đích chính của họ nên là đưa các quốc gia khác vào trong khuôn khổ quy chuẩn quốc tế và pháp quyền, đặc biệt khi sức mạnh của chính họ đang giảm sút. Thay vào đó, người Mỹ lại làm những điều mà các cường quốc đang suy yếu khác đã từng làm: tham gia các cuộc chiến tranh vô ích và không cần thiết ở xa biên giới, nơi mà an ninh ngắn hạn bị nhầm lẫn với các mục tiêu chiến lược dài hạn. Hệ quả là một nước Mỹ ít được chuẩn bị để đối mặt với những thách thức lớn của tương lai: sự trỗi dậy của Trung Quốc và Ấn Độ, chuyển giao quyền lực kinh tế từ Tây sang Đông, và các thách thức mang tính hệ thống như biến đổi khí hậu và dịch bệnh.
Nếu người Mỹ đã thắng Chiến tranh Lạnh nhưng thất bại trong việc tận dụng lợi thế đó, thì Liên Xô, hay chính xác hơn là Nga, đã thua, và thua rất đậm. Sự sụp đổ khiến người Nga cảm thấy mình bị thất thế và bị chiếm mất vị trí vốn có. Ngày đó, họ là đất nước nổi bật nhất trong một liên bang siêu cường của các nước cộng hòa. Và ngày hôm sau, họ chẳng có mục đích lẫn vị trí. Về cơ bản, mọi thứ đều tồi tệ. Những người già không nhận được lương hưu. Một số bị chết đói. Suy dinh dưỡng và nghiện rượu làm giảm tuổi thọ trung bình của người Nga từ gần 65 tuổi vào năm 1987, xuống còn dưới 58 tuổi vào năm 1994.
Nếu nhiều người Nga cảm thấy mình bị cướp mất tương lai, họ không sai. Tương lai của nước Nga thực sự bị đánh cắp – bởi việc tư nhân hóa các ngành công nghiệp và  các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Khi nhà nước xã hội chủ nghĩa với nền kinh tế đang hấp hối bị hủy hoại, một hệ thống đầu sỏ kinh tế mới xuất hiện từ các tổ chức đảng, các phòng kế hoạch, các trung tâm khoa học và công nghệ, và chiếm quyền sở hữu tài sản của nước Nga. Thông thường, chủ sở hữu mới tước đoạt các tài sản này và cho đóng cửa sản xuất. Trong một đất nước từng có tỷ lệ thất nghiệp không tồn tại, ít nhất là theo thống kê chính thức, thì đến thập niên 1990, tỷ lệ thất nghiệp đã tăng lên đến 13%. Tất cả những điều này xảy ra trong khi phương Tây hoan nghênh cải cách kinh tế của Boris Yeltsin.
Khi nhìn lại, quá trình chuyển đổi kinh tế sang chủ nghĩa tư bản là một thảm hoạ cho hầu hết người Nga. Rõ ràng là phương Tây nên ứng xử với một nước Nga hậu Chiến tranh Lạnh tốt hơn những gì họ đã làm. Cả Nga và phương Tây ngày nay chắc chắn sẽ trở nên an toàn hơn nếu cơ hội cho Nga gia nhập Liên minh châu Âu, và thậm chí cả NATO, ít nhất đã được giữ lại trong những năm 1990.
Thay vào đó, việc họ bị loại trừ tạo cho người Nga cảm giác bị bỏ rơi và là nạn nhân. Điều này lại khiến họ tin tưởng vào những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan như Tổng thống Vladimir Putin, người đã coi tất cả những thảm hoạ xảy ra trên đất nước ông trong thế hệ vừa qua như một âm mưu của người Mỹ nhằm hạ bệ và cô lập Nga. Chủ nghĩa chuyên chế và tính hiếu chiến của Putin đã được duy trì bởi sự ủng hộ thực sự từ người dân.
Những cú sốc của thập niên 1990 đã tạo điều kiện cho chủ nghĩa hoài nghi không bị kiềm chế giữa những người Nga, nó không chỉ bao gồm việc mất lòng tin sâu sắc vào chính đồng bào của họ, mà còn khiến người Nga luôn thấy các âm mưu chống lại họ ở mọi nơi, thường là các âm mưu trái với thực tế và rất phi lý. Hơn một nửa số người Nga hiện nay tin rằng Leonid Brezhnev là nhà lãnh đạo tốt nhất của họ trong thế kỷ 20, tiếp theo là Lenin và Stalin. Gorbachev nằm ở cuối danh sách đó.
Đối với những nước khác trên thế giới, sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh chắc chắn là một cái thở phào nhẹ nhõm. Trung Quốc thường được coi là người hưởng lợi lớn nhất từ Chiến tranh Lạnh. Tất nhiên điều này không hoàn toàn đúng. Suốt nhiều thập niên, đất nước này nằm dưới chế độ độc tài Marxist – Leninist vốn không phù hợp với nhu cầu của nó. Kết quả, trong thời kỳ Mao Trạch Đông, đã diễn ra một số tội ác khủng khiếp nhất của Chiến tranh Lạnh, trong đó hàng triệu người đã chết. Tuy nhiên, trong những năm 1970 và 1980, nước Trung Quốc của Đặng Tiểu Bình đã hưởng lợi rất lớn từ quan hệ liên minh trên thực tế với Mỹ, cả về an ninh và phát triển.
Trong thế giới đa cực đang dần thành hình, Mỹ và Trung Quốc đã nổi lên như những cường quốc mạnh nhất. Sự cạnh tranh của họ để giành ảnh hưởng tại châu Á sẽ xác định viễn cảnh thế giới. Trung Quốc, giống như Nga, đã hội nhập sâu vào hệ thống thế giới tư bản, và lãnh đạo hai nước này có lợi ích chung trong việc thúc đẩy sự hội nhập sâu hơn nữa.
Nga và Trung Quốc, khác với Liên Xô, nhiều khả năng sẽ không tìm kiếm sự cô lập hoặc đối đầu toàn cầu. Họ sẽ tìm cách làm giảm dần lợi ích của Mỹ và thống trị khu vực của họ. Tuy nhiên, cả Trung Quốc và Nga đều không sẵn sàng hoặc không thể đưa ra một thách thức về ý thức hệ toàn cầu, được hỗ trợ bởi sức mạnh quân sự. Cạnh tranh có thể dẫn đến xung đột, hoặc thậm chí là chiến tranh cục bộ, nhưng không phải là chiến tranh trên toàn hệ thống như Chiến tranh Lạnh.
Sự dễ dàng của nhiều người theo chủ nghĩa Marx trong việc thích nghi với nền kinh tế thị trường hậu Chiến tranh Lạnh đã đặt ra câu hỏi liệu đây có phải là một cuộc xung đột có thể tránh được ngay từ đầu hay không. Nhìn lại, kết quả này không đáng để phải hy sinh nhiều như thế – không phải ở Angola, không phải ở Việt Nam, không phải ở Nicaragua hay Nga. Nhưng liệu có thể tránh được cuộc chiến này vào những năm 1940, khi mà Chiến tranh Lạnh đi từ xung đột ý thức hệ sang đối đầu quân sự thường trực?
Trong khi các cuộc đụng độ và đối đầu hậu Thế chiến II chắc chắn là không thể tránh khỏi – chính sách của Stalin đã đủ để mang lại những thứ đó – thì vẫn thật khó để lập luận rằng một cuộc Chiến tranh Lạnh toàn cầu kéo dài gần 50 năm và đe doạ hủy diệt thế giới lại là điều không thể tránh được. Có những thời điểm dọc trên hành trình nơi các nhà lãnh đạo đã có thể kiềm chế, đặc biệt là về cạnh tranh quân sự và chạy đua vũ trang. Nhưng xung đột ý thức hệ nằm ở gốc rễ căng thẳng đã làm cho những suy nghĩ hợp lý như vậy rất khó đạt được.
Những người có thiện chí ở cả hai bên tin rằng họ đại diện cho một lý tưởng mà sự tồn tại của nó đang bị đe dọa. Điều đó khiến họ chấp nhận những rủi ro, vốn có thể tránh được, đối với cuộc sống của mình và cuộc sống của người khác.
Chiến tranh Lạnh ảnh hưởng đến tất cả mọi người trên thế giới vì mối đe dọa hủy diệt hạt nhân mà nó mang theo. Theo nghĩa này, không ai được an toàn trong Chiến tranh Lạnh. Chiến thắng lớn nhất của thế hệ Gorbachev là tránh được chiến tranh hạt nhân. Trên phương diện lịch sử, hầu hết những cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc đều kết thúc bằng một thảm hoạ. Nhưng Chiến tranh Lạnh thì không. Dẫu đôi khi chúng ta đã đến rất gần với sự tàn phá hạt nhân dù rất ít người nhận ra điều này.
Tại sao các nhà lãnh đạo lại sẵn sàng chấp nhận rủi ro vô lý với vận mệnh của trái đất? Tại sao rất nhiều người tin vào những ý thức hệ mà họ, trong một lúc nào đó, có thể nhận ra rằng nó không chứa đựng tất cả các giải pháp họ đang tìm kiếm? Câu trả lời của tôi là thế giới Chiến tranh Lạnh, giống như thế giới ngày nay, đã mắc rất nhiều căn bệnh rõ ràng. Khi sự bất công và áp bức trở nên rõ ràng hơn trong thế kỷ 20 thông qua truyền thông đại chúng, mọi người – đặc biệt là những người trẻ tuổi – cảm thấy cần phải chữa trị những căn bệnh này. Các ý thức hệ Chiến tranh Lạnh đã đưa ra các giải pháp tức thời cho các vấn đề phức tạp.
Điều không thay đổi khi Chiến tranh Lạnh kết thúc là những xung đột giữa “người có” và “kẻ không” trong các vấn đề quốc tế. Ở một số nơi trên thế giới ngày nay, xung đột đã trở nên mãnh liệt hơn do sự bùng nổ của các phong trào tôn giáo và dân tộc, đe dọa phá hoại toàn bộ cộng đồng. Không bị giới hạn bởi những tư tưởng phổ quát toàn cầu thời Chiến tranh Lạnh, những thứ ít nhất giả vờ rằng tất cả mọi người có thể bước vào thiên đường mong ước của họ, những nhóm này chủ yếu là những kẻ bên lề hoặc phân biệt chủng tộc, trong khi những người ủng hộ họ đã bị thuyết phục rằng họ đã phải chịu những bất công lớn trong quá khứ, điều có thể biện minh cho những giận dữ hiện tại của họ.
Thường thì con người, đặc biệt là những người trẻ tuổi, cần phải là một phần của một thế giới lớn hơn bên ngoài bản thân hoặc thậm chí gia đình của họ, một lý tưởng to lớn nào đó để họ cống hiến cả đời mình. Chiến tranh Lạnh cho thấy những gì có thể xảy ra khi những lý tưởng như thế bị bóp méo để phục vụ quyền lực, ảnh hưởng và sự kiểm soát.
Điều đó không có nghĩa là những nhu cầu mang tính con người này là vô giá trị. Nhưng đó là một cảnh báo rằng chúng ta nên xem xét kỹ lưỡng những rủi ro mà chúng ta sẵn sàng chấp nhận để đạt được ý tưởng của mình, để không lặp lại cái giá khủng khiếp mà thế kỷ 20 phải trả trong hành trình tìm kiếm sự hoàn hảo của nó.
Odd Arne Westad là Giáo sư chuyên về quan hệ Hoa Kỳ – Châu Á tại Trường Quản trị John F. Kennedy thuộc Đại học Harvard. Ông là tác giả của nhiều đầu sách, mà gần đây nhất là “The Cold War: A World History” – tác phẩm mà từ đó bài luận này được rút ra.

Có thể chiến tranh lạnh không bao giờ liên quan đến chủ nghĩa cộng sản?

© Sputnik / Aleksey Agaryshev
Quan điểm-Ý kiến
URL rút ngắn
130
Ngày hôm trước, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã mở rộng danh sách các biện pháp trừng phạt, bổ sung thêm tên họ mới của một số doanh nhân Nga và các quan chức cao cấp của chính phủ, cũng như các công ty để đối phó với cái gọi là "hành động nguy hiểm."
Sputnik đã thảo luận về vấn đề này với nhà bình luận viên Internet đồng thời là nhà nghiên cứu Joe Quinn.

Sputnik: Xin ông cho biết ý kiến về việc các biện pháp trừng phạt ảnh hưởng đến quan hệ Nga-Mỹ ra sao? Joe Quinn: Quan hệ Nga-Mỹ đã ở điểm đáy thấp nhất trong toàn bộ lịch sử của nó, rõ ràng lệnh trừng phạt sẽ chỉ làm chúng trở nên tồi tệ hơn. Tuy nhiên, cũng có một kết quả tích cực từ hành động của phía Mỹ, đó là sẽ khuyến khích Nga tìm kiếm các đối tác quốc tế có lý tính hơn để tiến hành công việc. Điều này sẽ chỉ làm lợi cho nền kinh tế Nga trong tình trạng đa dạng hóa trên thế giới và tạo ra sự phản đối mạnh mẽ của các nước thực sự có thể thách thức quan điểm của Mỹ về thế giới đơn cực.
Sputnik: Bước này đã được cho là động thái thù địch và vô căn cứ. Ông nghĩ gì về điều này?
Joe Quinn: Rõ ràng rằng hành động này là thù địch, và, tất nhiên, nó là vô căn cứ, bởi vì nó dựa trên những phát ngôn dối trá của Ngoại trưởng Anh Boris Johnson rằng "tác nhân thần kinh" được sử dụng để đầu độc Skripal và con gái ông, được sản xuất ở Nga.
Lệnh trừng phạt bổ sung mới đây nên được xem xét trong bối cảnh cuộc tấn công tuyên truyền mà Hoa Kỳ và Anh đã triển khai trong nhiều năm. Đây là một nỗ lực để bôi nhọ Nga trong mắt công chúng và các chính trị gia trên khắp thế giới. Câu hỏi: vì mục đích gì? Các cuộc tấn công kiểu này cho thấy các cường quốc phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ và Anh đang xem Nga là mối đe dọa nghiêm trọng đối với vị thế của họ trong nền chính trị vũ lực thế giới. Tất nhiên, không có gì mới mẻ trong cuộc chiến này, nó đã cũ như cuộc chiến tranh Lạnh, và điều này càng hiển nhiên ở giai đoạn này, bởi vì Chiến tranh Lạnh như vậy là vẫn chưa kết thúc, ít nhất theo quan điểm của phương Tây. Nhưng rồi một câu hỏi nữa nảy sinh: thực sự Chiến tranh Lạnh là gì? Chiến tranh Lạnh được mô tả là một cuộc đấu tranh tồn tại chống lại hệ tư tưởng chính trị và kinh tế của chủ nghĩa cộng sản, sự đụng độ của các nền văn minh, có thể nói ngắn gọn như vậy. Nhưng Liên bang Xô viết và chủ nghĩa cộng sản giờ đã không còn nữa, thế nhưng các cuộc tấn công của Anh-Mỹ thậm chí còn mạnh mẽ hơn trước đây. Vậy có lẽ cần phải suy nghĩ lại toàn bộ cơ sở của Chiến tranh Lạnh? Có lẽ nó chưa bao giờ liên quan đến chủ nghĩa cộng sản? Những sự kiện hôm nay chỉ ra rằng có một cái gì đó khác liên quan đến nước Nga và nhân dân Nga làm cho các cường quốc phương Tây phải lo lắng e sợ.
Hiện tại, Nga có thể dễ dàng đẩy lùi các cuộc tấn công tuyên truyền, vì rõ ràng chúng đánh mất ý nghĩa, nước Nga có thể phản ứng một cách đơn giản bằng cách nói sự thật, và điều đó là quá đủ. Nhưng cần phải theo dõi chặt chẽ các biện pháp kinh tế có thể nhằm làm tổn hại nền kinh tế Nga, mà sẽ được thực hiện bằng cách tuyên truyền như cơ sở nền tảng của nó. Khả năng thực sự duy nhất cho Nga là tiếp tục làm những gì nước Nga đang thực hiện- khẳng định chính mình và mở rộng ảnh hưởng của mình trên thế giới hoặc thậm chí tăng quy mô ảnh hưởng, bởi vì giới tinh hoa Anh-Mỹ coi chính nền tảng này là mối đe dọa thực sự.
Sputnik: Ông có nghĩ rằng: Nga sẽ sớm đưa ra biện pháp đối phó nào đó chăng?
Joe Quinn: Nga có thể đưa ra các biện pháp tương tự chống Mỹ, Anh hoặc bất kỳ nước châu Âu nào khác tham gia vào phong trào chống Nga; mặt khác, nước Nga cần thận trọng với việc lựa chọn biện pháp để chúng không gây tổn hại cho nền kinh tế Nga. Theo tôi, phản ứng thích hợp nhất đối với Nga sẽ là tiếp tục đối mặt với những "giọng điệu" của Hoa Kỳ và Anh bằng cách dùng sự thật và tiếp tục làm những gì mà Nga đang làm để khẳng định chính mình và mở rộng ảnh hưởng của mình trên toàn thế giới. 

Từ 'chiến tranh lạnh' đến 'chiến tranh mát'



Từ “Chiến tranh lạnh” (Cold War) được nhà văn Anh George Orwell sử dụng đầu tiên trong bài tiểu luận “You and the Atomic Bomb” đăng trên báo Tribune vào tháng 10 năm 1945; sau đó, trở thành phổ biến rộng rãi khi Walter Lippmann xuất bản cuốn sách nhan đề The Cold War vào năm 1947. Nó được dùng để chỉ sự căng thẳng về cả chính trị lẫn quân sự giữa hai khối tư bản (đứng đầu là Mỹ) và khối Cộng sản (đứng đầu là Liên Xô) kéo dài từ năm 1947 đến năm 1991. Cả hai siêu cường quốc đứng đầu hai khối, Mỹ và Liên Xô, đều muốn làm bá chủ thế giới. Nhưng cả hai đều biết, với kho vũ khí hạt nhân khổng lồ của mình, nếu thực sự đánh nhau, sẽ không có ai thắng ai cả: Cả hai đều cùng bị tiêu diệt. Bởi vậy, người ta chọn hai cách khác để đánh nhau: Một, sử dụng chiến tranh tâm lý; và hai, tiến hành các cuộc chiến tranh cục bộ ở một số nước với sự giúp đỡ của hai siêu cường quốc lãnh đạo, trong đó, nổi bật nhất là cuộc chiến tranh ở Triều Tiên (1950-53) và chiến tranh ở Việt Nam (1954-75). Ngoài hai cách đánh nhau ấy, cả hai đều cạnh tranh ráo riết trên các mặt trận khác, từ ngoại giao đến kinh tế và đặc biệt, nâng cấp các kho vũ khí hạt nhân của mình.

Năm 1989, sau khi Liên Xô rút quân khỏi Afghanistan, bức tường Berlin bị sụp đổ, và chế độ Cộng sản bị phá sản ở tất cả các quốc gia Đông Âu, Tổng thống George H.W. Bush tuyên bố tại cuộc hội nghị thượng đỉnh ở Malta là Chiến tranh lạnh đã kết thúc.

Gần hai thập niên sau đó, thế giới vẫn còn chiến tranh, dĩ nhiên. Nhưng chiến tranh ấy thuộc ba loại: Một, nội chiến giữa các phe phái trong một nước (ví dụ, ở Congo, từ 1991-97; Tajikistan, 1992-96; Algeria, 1992-99; Burundi, 1993-2005; Rwanda, 1994; Côte d’Ivoire, 2002; Syria, 2012-13); hai, giữa hai nước (ví dụ, Nga và Chechnya, 1991-2009; Armenia và Azerbaijan, 1991-94; Ethiopia và Eritrea, 1998-2000); và ba, chiến tranh giữa một khối liên minh lớn trên thế giới với lực lượng thù nghịch ở một nước nào đó (ví dụ, chiến tranh ở Vùng Vịnh năm 1991, ở Afghanistan, từ 2001, và ở Iraq, 2003-2011). Ở hình thức chiến tranh thứ ba, khối đồng minh bao giờ cũng do Mỹ lãnh đạo, phần lớn được sự đồng thuận và sự tham gia của rất nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới. Một số quốc gia phản đối, nhưng hầu hết đều chỉ phản đối về phương diện ngoại giao và với mức độ vừa phải, không gây nên những mâu thuẫn quá trầm trọng. Hầu như mọi người đều thừa nhận vai trò lãnh đạo tuyệt đối của Mỹ.

Gần đây, với sự trỗi dậy của Trung Quốc, tình hình dần dần đổi khác. Về mọi phương diện, từ kinh tế đến khoa học kỹ thuật và quân sự, Trung Quốc vẫn còn thua Mỹ rất xa. Tuy nhiên, quan hệ giữa hai nước dần dần đi từ chỗ hợp tác đến đối kháng. Gần đây, một số nhà bình luận chính trị quốc tế bắt đầu nói đến một thứ Chiến tranh lạnh giữa hai nước.

Chính Tổng thống Mỹ, Barack Obama, hầu như cũng thừa nhận điều đó trong chuyến viếng thăm châu Á vào tháng 11 năm 2011.

Hình thức Chiến tranh lạnh mới này khác hình thức Chiến tranh lạnh kiểu cũ, giữa Mỹ và Liên Xô, ở nhiều điểm.

Thứ nhất, về nguyên nhân, trong khi Chiến tranh lạnh kiểu cũ bắt nguồn, trước hết, từ những mâu thuẫn về ý thức hệ, giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa Cộng sản, hình thức Chiến tranh lạnh kiểu mới chỉ bắt nguồn từ những mâu thuẫn về quyền lợi, chủ yếu là quyền lợi kinh tế và địa chính trị của mỗi nước.

Thứ hai, về thế, trong Chiến tranh lạnh kiểu cũ, mỗi bên đều có một khối liên minh quân sự đông đảo, tính về nhân số, hầu như ngang ngửa nhau; trong Chiến tranh lạnh kiểu mới này, chỉ có Mỹ là có liên minh, không những các liên minh cũ ở châu Âu mà còn có thêm nhiều các liên minh mới ở châu Á, còn phía Trung Quốc, cho đến nay, vẫn chỉ một mình. Lý do chính là, trên nguyên tắc, một liên minh thực sự chỉ có thể được xây dựng trên nền tảng những bảng giá trị chung mà mọi quốc gia đều chia sẻ. Về phương diện ấy, Mỹ có: Đó là những lý tưởng về tự do, dân chủ và nhân quyền; còn Trung Quốc thì không: Những lý tưởng xã hội chủ nghĩa đã bị phá sản, chính bản thân Trung Quốc cũng không còn tin tưởng hay đề cao nữa; họ chỉ còn sử dụng quyền lợi để lôi kéo các nước khác, hầu hết là các nước nghèo ở châu Phi và châu Á. Loại đồng minh kiểu đó chỉ có ít nhiều giá trị trong việc buôn bán nhưng nếu chiến tranh bùng nổ, nó hoàn toàn vô nghĩa.

Thứ ba, về lực, trong chiến tranh lạnh kiểu cũ, Mỹ và Liên Xô hầu như ngang ngửa nhau; trong chiến tranh lạnh kiểu mới, Trung Quốc vẫn còn thua hẳn Mỹ ít nhất là vài ba thập niên. Thua về số vũ khí. Thua về trình độ kỹ thuật, và từ đó, hiệu quả tác chiến. Thua về kinh nghiệm tổ chức và chiến đấu.

Chính vì thế, hầu hết các nhà bình luận đều cho Trung Quốc chưa phải là một sự đe dọa đối với nền an ninh của Mỹ trong hiện tại. Việc Mỹ bố trí lại quân đội, đặc biệt là lực lượng hải quân ở vùng châu Á - Thái Bình Dương, chủ yếu là để chuẩn bị cho một chiến lược lâu dài hơn là để đáp ứng một nhu cầu khẩn thiết trước mắt. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là nguy cơ chiến tranh không có. Nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan, Nhật Bản hoặc Philippines, Mỹ không thể khoanh tay ngồi nhìn. Trung Quốc có thể tấn công ba nước ấy không? Bình thường, chỉ cần tỉnh táo một tí, người ta đều biết là không. Nhưng lịch sử lại dạy chúng ta một điều: Không thể nói chắc được. Khi chơi với lửa, không ai có thể cam đoan là nó sẽ không bùng cháy và thiêu rụi một cái gì đó. Chỉ cần một hành động nóng nảy hoặc dại dột của một người lính hải quân nào đó, hai bên có thể sẽ đánh nhau, thoạt đầu giữa hai tàu chiến, sau đó, giữa hai nước; và sau đó nữa, giữa hai khối. Trên thế giới, từ trước đến nay, vẫn có những cuộc chiến bùng nổ vì những lý do lãng nhách như vậy.

Thứ tư, về hình thức. Trong khi chưa có tiếng súng nào giữa Mỹ và Trung Quốc, nhiều nhà bình luận cho một hình thức chiến tranh lạnh đã thực sự nổ ra giữa hai nước, thậm chí, giữa Trung Quốc và cả khối tự do do Mỹ đứng đầu, bao gồm tất cả các quốc gia phát triển và dân chủ ở châu Âu và Úc. Cuộc chiến ấy diễn ra trên mạng.

Từ lâu, người ta đã biết Trung Quốc chuyên đi đánh cắp các phát minh kỹ thuật từ Mỹ và Tây phương nói chung. Bực thì bực, nhưng người ta vẫn xem đó là chuyện bình thường. Thật ra, nước nào cũng vậy, cũng đều có đội ngũ tình báo kinh tế lúc nào cũng tất bật hoạt động, không phải chỉ nhắm vào đối thủ mà còn, nếu không muốn nói chủ yếu là còn, nhắm vào các đồng minh thân thiết nhất của mình. Đó chỉ là một quy luật cạnh tranh. Tuy nhiên, việc đánh cắp kỹ thuật của Trung Quốc càng ngày càng vượt quá những giới hạn thông thường. Quá về mức độ: Họ ăn cắp hầu như mọi thứ, từ kỹ thuật tin học đến khoa học không gian, viễn thông, năng lượng, điện tử, tài chính… Bọn tin tặc của họ thâm nhập vào máy điện toán của các nhà khoa học, các công ty và xí nghiệp lớn nhỏ ở Mỹ và ở Tây phương để ăn cắp các dự án nghiên cứu và các tài liệu liên quan đến kế hoạch phát triển. Thậm chí, nhiều người từ Tây phương sang Trung Quốc họp hành bị công ty cấm sử dụng laptop hoặc cả điện thoại di động; hoặc nếu phải sử dụng, sau khi về nước, phải đưa các thứ đó cho nhân viên an ninh mạng “tẩy trùng”. Quá ở phạm vi: Không dừng lại ở lãnh vực kinh tế, đám tin tặc Trung Quốc còn thường xuyên quấy nhiễu các website cũng như máy điện toán của chính phủ hoặc các cơ quan an ninh, quốc phòng và ngoại giao Tây phương. Quá ở tổ chức: chính phủ Trung Quốc luôn luôn chối bỏ các lời cáo buộc liên quan đến việc ăn cắp của mình, nhưng các cơ quan an ninh mạng của Mỹ, đặc biệt là Mandiant, mới đây đã đưa ra những bằng chứng cụ thể cho thấy các hành vi ăn cắp ấy đều xuất phát từ cả ngàn nhân viên tin tặc thuộc Quân đội Nhân dân Trung Quốc, được thành lập từ năm 2006 và đặt tên là đơn vị 61398, có trụ sở là một tòa nhà 12 tầng ngay tại Thượng Hải.

Người ta thường phân biệt tin tặc thành hai loại: Có tổ chức và không có tổ chức. Phần lớn tin tặc chỉ là những kẻ không có tổ chức: đó chỉ là những kẻ giỏi về tin học, lại thích nghịch ngợm, hay đi lang thang trong thế giới ảo, khám phá hoặc rình ngó chỗ này chỗ khác. Khi việc nghịch ngợm của họ có thể gây hại cho người khác, họ có thể bị bắt và bị bỏ tù. Thuộc loại tổ chức, có hai giới hạn: tổ chức xã hội hoặc kinh tế nhằm phục vụ cho lợi ích của nhóm hoặc của công ty và tổ chức chính phủ. Trong hai loại tổ chức ấy, dĩ nhiên loại tổ chức của chính phủ được xem là nghiêm trọng hơn. Khi tổ chức chính phủ ấy lại nằm trong tay quân đội, ý nghĩa thay đổi hẳn: Nó được xem là một sự tấn công dưới hình thức phi-vũ trang.

Chữ “phi-vũ trang” ở trên rất dễ gây hiểu lầm. Trước, theo cách hiểu thông thường, phi-vũ trang được được xem là vô hại. Nhưng những cuộc tấn công trên mạng internet thì lại rất lợi hại. Thực chất, đó là một thứ vũ khí mới đến độ Leon Panetta, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, phải lên tiếng cảnh báo: Nếu Đệ nhị Thế chiến bắt đầu bằng trận chiến ở Trân Châu Cảng; Đệ tam Thế chiến có thể sẽ bắt đầu bằng một trận Trân Châu Cảng ảo trên internet (cyber Pearl Harbour).

Cuộc tấn công của tin tặc Trung Quốc nhắm vào Mỹ và Tây phương như thế đặt Mỹ và Tây phương vào thế bất lợi. Thứ nhất, họ chỉ ở thế phòng thủ, luôn luôn phòng thủ. Hơn nữa, ở đây, “mặt trận” lại quá rộng, bao gồm không những các cơ quan chính phủ mà còn mọi công ty xí nghiệp và cơ quan nghiên cứu: Không phải ở đâu cũng có khả năng chống đỡ lại đám tin tặc chuyên nghiệp ấy. Thứ hai, Mỹ và Tây phương không thể phản công: về phương diện khoa học kỹ thuật, Trung Quốc không có gì đáng để người ta sử dụng tin tặc để đánh cắp cả. Chả lẽ người ta lại đánh cắp lại những thứ mà Trung Quốc ăn cắp của họ?

Không những bất lợi, Mỹ và Tây phương còn ở thế khó xử: Người ta không thể công khai tuyên chiến với một nước chỉ vì một đám tin tặc dù người ta biết rõ đám tin tặc ấy nằm trong quân đội và do nhà nước quản lý. Nhưng người ta không thể im lặng và chịu đựng mãi. Trước, trong nhiều năm, Mỹ và các quốc gia Tây phương đã chịu đựng và im lặng. Nay, người ta bắt đầu lên tiếng, nêu đích danh Trung Quốc là một tên ăn cắp và quấy phá trên mạng. Lên tiếng như thế cũng là một cách tuyên chiến.
Dĩ nhiên, đó không phải là chiến tranh nóng. Đó chỉ là một kiểu Chiến tranh lạnh. Nhưng vì kiểu Chiến tranh lạnh này khác hẳn cuộc chiến tranh lạnh kéo dài cả nửa thế kỷ giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa Cộng sản trước đây, nên David Rothkopf, biên tập viên tạp chí Foreign Policy, đề nghị một tên gọi mới: Chiến tranh mát (the Cool War).

“Mát” ấm hơn “lạnh” một chút. Nhưng dù sao thì cũng vẫn là chiến tranh.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
  • 16x9 Image

    Nguyễn Hưng Quốc

    Nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam.

Nga - Mỹ: Sau chiến tranh lạnh là "hòa bình nóng" 

Nga - Mỹ bắt đầu cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân về chất lượng, thay vì số lượng như thời chiến tranh lạnh

Phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich ở Đức cách đây 2 năm, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev từng gây sốc khi lập luận "chúng ta đang nhanh chóng bước vào giai đoạn chiến tranh lạnh mới". Giờ đây, nhiều người đồng tình với tuyên bố này khi cho rằng đó là phiên bản chiến tranh lạnh 2.0. Đi xa hơn, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng chia sẻ trên Twitter hồi tháng trước rằng quan hệ Mỹ - Nga hiện tệ hơn bao giờ hết, kể cả trong thời chiến tranh lạnh.
Tuy nhiên, nói về một phiên bản chiến tranh lạnh mới lúc này có lẽ không mấy chính xác. Cuộc đối đầu mới giữa phương Tây và Nga có một số khía cạnh tương đồng thời chiến tranh lạnh nhưng xuất hiện những yếu tố mới thậm chí còn nguy hiểm hơn. Vì thế, gọi đây là giai đoạn hòa bình nóng có lẽ hợp lý hơn.
Thời chiến tranh lạnh, Nga và Mỹ là hai siêu cường quốc hạt nhân duy nhất trên thế giới. Có những thời điểm hai bên đều lo sợ khả năng xảy ra chiến tranh hạt nhân thực sự. Khi chiến tranh lạnh khép lại, các hiệp ước kiểm soát vũ khí được ký kết đã giúp giảm đáng kể số vũ khí hạt nhân ở hai quốc gia. Đó là sự tiến bộ nhưng cả hai bên vẫn có thể hủy diệt nhau chỉ trong vòng vài phút.
Nga - Mỹ: Sau chiến tranh lạnh là hòa bình nóng - Ảnh 1.
Lực lượng tên lửa chiến lược Nga tham gia cuộc diễu binh mừng chiến thắng phát xít hôm 9-5 Ảnh: SPUTNIK
Trong giai đoạn hòa bình nóng, Nga - Mỹ đã bắt đầu cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân về chất lượng, thay vì về số lượng như chiến tranh lạnh, nhưng cũng đáng lo không kém. Hồi tháng 3-2018, Tổng thống Nga Vladimir Putin tiết lộ Moscow đang phát triển một số loại vũ khí hạt nhân tấn công mới, trong đó có ngư lôi tầm xa. Washington chắc chắn sẽ có động thái đáp trả. Ngoài ra, Nga và Mỹ đang chạy đua phát triển các hệ thống phòng thủ tên lửa mới. Nếu không có sự kiểm soát, những tiến bộ quân sự trong tương lai có thể khiến giai đoạn hòa bình nóng có thể ẩn chứa nhiều bất ổn hơn cả thời chiến tranh lạnh.
Trong vài thập kỷ qua, chi tiêu quân sự thường niên của Washington vượt trội Moscow. Tuy nhiên, Nga đang trỗi dậy thành một cường quốc quân sự mạnh mẽ ở châu Âu và tăng cường hiện diện quân sự tại Trung Đông. Một số nhà phân tích quân sự nhìn nhận Nga ngày nay có khả năng quân sự truyền thống mạnh mẽ hơn - sở hữu xe tăng nhanh hơn và nhẹ hơn, tên lửa chính xác hơn, vũ khí tấn công mạng làm suy yếu đối phương.
Một loại tài sản quân sự mới là vũ khí mạng với khả năng phá hủy mạng lưới năng lượng, làm sụp đổ thị trường tài chính và suy yếu khả năng quân sự truyền thống. Những học thuyết, quy tắc và hiệp ước nhằm quản lý loại vũ khí mới này không theo kịp những tiến bộ của công nghệ.
Khác với kỷ nguyên chiến tranh lạnh, Nga hiện không gắn kết đặc biệt với một liên minh quân sự nào. Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) ngày nay được cho là đóng vai trò một liên minh phòng thủ chung giữa Nga và Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan. Thực tế là những mục đích và năng lực của liên minh vẫn chưa rõ ràng.
Dù vậy, hòa bình nóng cũng mang đến yếu tố bất lợi mới cho Mỹ: Nga và Trung Quốc nối lại quan hệ gần gũi. Sự chia rẽ giữa Trung Quốc và Liên Xô thời chiến tranh lạnh đánh dấu chiến thắng ngoại giao lớn của Mỹ và phương Tây. Giờ đây, ông Putin mô tả mối quan hệ của Nga với Trung Quốc là "đối tác chiến lược toàn diện". Dù Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không nồng nhiệt như thế khi nói về quan hệ với Nga nhưng mối quan hệ song phương này chắc chắn gần gũi hơn so với thời chiến tranh lạnh.
Trong khi đó, nhờ những liên minh mạnh mẽ và trung thành, Mỹ vẫn duy trì lợi thế lớn so với Nga nhưng sức mạnh của các mối quan hệ quân sự này đang suy yếu, một phần do những chính sách và cách thức lãnh đạo của Tổng thống Donald Trump. Một cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew (Mỹ) cho thấy công dân ở 9 quốc gia đồng minh của Mỹ (Pháp, Đức, Hy Lạp, Hungary, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ) tin tưởng ông Putin nhiều hơn ông Donald Trump về khả năng đưa ra quyết định đúng đắn trong các vấn đề quốc tế. Các liên minh của Mỹ vẫn sẽ "sống sót" trong nhiệm kỳ của ông Trump nhưng có thể không mạnh như thời chiến tranh lạnh.
Một lợi thế khác của Mỹ và các đồng minh là kinh tế. Tuy nhiên, người dân Nga nhìn chung hiện giàu hơn và tiêu dùng những sản phẩm tốt hơn trước, đồng nghĩa sự ủng hộ dành cho ông Putin cũng cao hơn. Nền tảng kinh tế của Nga cũng đủ mạnh để hỗ trợ sự gia tăng chi tiêu quốc phòng đáng kể trong hai thập kỷ qua.
Đáng chú ý, sức hút của mô hình Mỹ có dấu hiệu sụt giảm. Các cuộc thăm dò dư luận quốc tế tiến hành vào thời điểm Nhà Trắng có chủ mới được 6 tháng cho thấy chỉ 22% người được hỏi tại 37 quốc gia tin rằng ông Trump làm điều đúng trong các vấn đề quốc tế. Tỉ lệ này vào cuối nhiệm kỳ tổng thống của người tiền nhiệm Barack Obama là 64%.
Câu hỏi đặt ra lúc này là liệu thế giới thời hòa bình nóng có bớt căng thẳng hơn so với chiến tranh lạnh? Dường như chưa có câu trả lời chắc chắn.
XUÂN MAI (lược dịch theo Báo The Globe and Mail)

 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

TT&HĐ I - 9/d

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH