Chuyển đến nội dung chính

TT&HĐ III - 31/z


 
Cuộc chiến tranh vĩ đại - Tập 15: Cuộc chiến tình báo | Phim tài liệu lịch sử Thế chiến II
                                                  

PHẦN III:     NGUỒN CỘI 

" Đi đi con!
Trong khinh khi may nhớ nước non
Mà ôn lại cho đừng quên lịch sử
Bốn ngàn năm rồi, Việt Nam bất tử
Dằng dặc đoạn trường chống giặc ngoại xâm
Biết mấy đau thương, biết mấy anh hùng
Ghi tạc địa cầu bao chiến công hiển hách
..."

                                                                                Trần Hạnh Thu

"Lịch sử hoài thai chân lý, nó có thể kháng cự với thời gian, có thể dìm đi những việc cũ, nó là dấu tích của thời xa xưa, là gương soi của đương đại, là lời giáo huấn cho thế hệ sau."
                                                                 
Cervantes (Tây Ban Nha)

"Lịch sử là bằng chứng của thời đại, là ngọn lửa của chân lý, là sinh mệnh của kí ức, là thầy giáo của cuộc sống và là sứ giả của cổ nhân."
                                                                                                      Cicero (La Mã)
 
“Đừng chê cõi trần nhơ
Đừng khen cõi trần đẹp
Cõi trần là thản nhiên
Chỉ có đời nhơ, đẹp.” 
.


.

CHƯƠNG X (XXXI): TỘI ÁC

 

“Với việc thiết lập bạo lực và giết nhau trong loài của mình, con người tự đặt nó xuống dưới con thú”
André Bourguignon

"Lòng yêu nước là tình yêu kiên định, tuyệt đối với quốc gia, không phải là sẵn sàng phụng sự nó mà không phê phán, hay ủng hộ những yêu sách không chính đáng, mà là thẳng thắn đánh giá những tội lỗi, thói xấu của nó và sám hối cho chúng."
Aleksandr Solzhenitsyn
 
"Kẻ phạm vào tội lỗi là con người; đau buồn về nó là thánh nhân; kiêu hãnh về nó là ác quỷ."
 
"Trong giấc mơ của tao, thế giới đã phải chịu một thảm họa khủng khiếp. Một đám sương mù đen che lấp ánh nắng mặt trời, bóng tối nhấn chìm cuộc sống với những tiếng rên la gào thét của những con người hoảng loạn. Đột nhiên, một tia sáng lóe lên. Một ngọn nến lung linh thắp sáng hy vọng cho hàng triệu tâm hồn khốn khổ. Một cây nến nhỏ, tỏa sáng trong bóng tối bao la. Tao mỉm cười và thổi tắt nó…
 

"Thế giới phải chìm đắm trong đau khổ không phải vì tội ác của những kẻ xấu, mà là vì sự im lặng của những người tốt" 

Napoleon Bonaparte.

 "Luôn nhớ rằng mình sẽ phải chết là cách tốt nhất mà tôi biết để tránh sa vào suy nghĩ mình có cái gì để mất. Khi bạn chẳng còn gì, không có lý do nào để bạn không đi theo chính trái tim mình" - Steve Jobs




 (Tiếp theo)

 

***
Theo cách hiểu của chúng ta về Đức Huyền Diệu và về chiến tranh của tư tưởng Lão Tử mà chúng ta đã trình bày từ trước đến nay thì rõ ràng, trong chiến tranh thế giới thứ hai, quân dân Liên Xô đã là đại diện chân chính nhất của nhân loại, là lực lượng vũ trang trung tâm, mã thượng nhất, nhân đạo nhất, mạnh mẽ nhất, cương quyết nhất, tiên phong nhất và có công lao nhất của Đại Chúng thế giới trong sự nghiệp tiêu diệt, đập tan bạo lực phát xít, bộ phận phản động định bắt cả thế giới phải sống trong vòng nô dịch. Trong đó, không thể không kể đến những chiến công bất diệt của các chiến sĩ tình báo Xôviết (người Nga cũng như những người dân tộc khác, có quốc tịch khác). Chúng ta sẽ nói một đôi điều cô đọng về họ để coi như là một nén nhang thương nhớ sự xả thân thầm lặng vì mục đích cao cả của họ và cũng như là phần kết cho chương “Tội ác” đã quá dài dòng.

Khi nói về cơ quan tình báo của Liên Xô trước đây và Nga hiện nay, người ta thường nghĩ tới KGB (Ủy ban an ninh quốc gia Liên Xô trước đây) và FSB (Cơ quan an ninh quốc gia Liên Bang hiện nay), đặc biệt là KGB với những chiến tích huyền thoại. Tuy nhiên, Liên Xô và Nga còn có một tình báo nữa cũng hoạt động rất hiệu quả tuy ít nổi tiếng hơn- đó là cơ quan tình báo quân sự (Tổng cục tình báo trực thuộc Bộ Tổng tham mưu các Lực lượng vũ trang Nga hiện nay- GRU). 

 Để đánh giá đúng hiệu quả hoạt động của Cơ quan tình báo quân sự cần chú ý tới một đặc điểm là trước chiến tranh Cơ quan này đã phải trải qua một đợt thanh trừng tổ chức và cán bộ khốc liệt. Chỉ trong vòng 2 năm rưỡi, đã có tới 5 cục trưởng bị bắt và bị xử bắn (lúc bấy giờ mới là Cục tình báo): Ian Berzin, Semen Uritskin, Semen Gendin, Alecxandr Orlov, Ivan Prokurov.

Trước khi bị bắt không lâu, anh hùng Liên Xô - trung tướng Ivan Prokurov (cục trưởng khi đó) đã báo cáo với Dân ủy quốc phòng (bộ trưởng quốc phòng), nguyên soái Liên Xô S. Timosenkho như sau: “2 năm trở lại đây là giai đoạn thanh lọc các phần tử xa lạ và thù địch tại các cục và cơ quan tình báo. Trong thời gian đó, Bộ nội vụ đã bắt giữ 200 người, thay toàn bộ đội ngũ lãnh đạo từ cấp trưởng phòng trở lên”.
Mặc dù bị thanh lọc (đúng hơn là thanh trừng) như vậy, mạng lưới điệp viên và các cơ quan tình báo còn lại vẫn đảm bảo cho giới lãnh đạo đất nước những thông tin rất quan trọng về việc Đức chuẩn bị tấn công.
Từ các báo cáo của Cục tình báo thời gian đó (nay đã giải mật) cho phép rút ra những kết luận sau: 1/ Tình báo quân sự đã cung cấp những bằng chứng không thể bác bỏ về việc Đức chuẩn bị tấn công Liên Xô.
2/ Không những thế, đã xác định được thời điểm  tấn công, cụ thể - vào nửa sau tháng 6, trong vòng 48 tiếng đồng hồ sau 3 giờ sáng ngày 22 tháng 6 (Đức tấn công Liên Xô vào 3 giờ 30 sáng ngày 22/06 ).
3/Giới lãnh đạo Xô Viết cũng đã được thông báo về những đồng minh sẽ tham gia tấn công cùng với Đức và cụ thể là: Rumani, Hunggary và Phần Lan.
4/ Tiếp theo đó, tình báo quân sự cũng đã cung cấp tin về việc số lượng các binh đoàn Đức tập trung dọc biên giới với Liên Xô và họ tên cụ thể của tư lệnh các binh đoàn lớn của Quân Đức.
Các thông tin trên của Cục tình báo đã giúp giới lãnh đạo đất nước đánh giá chính xác tình hình chính trị- quân sự và rút ra những kết luận cần thiết. Mặc dù trong báo cáo gửi Dân ủy quốc phòng của Cục trưởng -  trung tướng Filip Golikov ngày 20 tháng 3 năm 1941 có ý kiến rằng:
“Nên coi những tin đồn và tài liệu nói về chiến tranh không thể tránh khỏi chống Liên Xô mùa xuân năm nay là các thông tin giả” nhưng những đánh giá về các sự kiện nửa đầu năm 1941, thông tin về quan điểm của  Đức và Anh cũng như về các kế hoạch chiến lược quân sự của Đức nhìn chung là khách quan và chính xác. Trong trường hợp này cần phải rất thông cảm với F. Golikov vì nếu nhận xét khác đi thì  trong bối cảnh lúc đó chính Golikov đã tự tay ký bản án tử hình cho mình.
Có một thực tế là các cán bộ tình báo quân sự, các điệp viên và nguồn tin của họ đã thu thập thông tin về các kế hoạch chính trị- quân sự của Đức trong những điều kiện vô cùng phức tạp, dưới sự kiểm soát gắt gao của các cơ quan phản gián Đức và liên tục chịu nhiều rủi ro tính mạng.
 
Ilze Shtebe (điệp viên “Alta”, ảnh chụp 3 tuần trước khi bị bắt vào Tháng 8 năm 1942). Ảnh từ tác phẩm của V.I. Lot “Alta” đối đầu với “Barbaros”. Matxcova, 2004.

Như mọi người đã biết, điệp viên “Alta” (ảnh trên) và người cung cấp tin cho bà trong Bộ ngoại giao Đức với mật danh” Ariets”, -người kịp thời cung cấp các kế hoạch tấn công Liên Xô của Đức đã bị bắt và bị hành hình. Trong các chiến dịch phản gián với mật danh “Krasnaia Kapella” của Gestapo chống lại các lưới điệp báo của tình báo Xô Viết tại các nước Tây Âu đã có 129 người bị bắt, trong số đó có 49 người bị tử hình.
Cũng có một sự thật cay đắng đầy nghịch lý thời kỳ này: một số cán bộ tình báo Xô Viết, trong đó có 02 tổ trưởng tổ điệp báo của Cục tình báo ở Pháp, Bỉ và Thụy Sỹ là Leopold Trepper và Shandor Rado, thoát được sự bắt bớ của các cơ quan phản gián Đức nhưng khi về đến Matxcova thì lại bị bắt và bị kết án tù -  Leopol Trepper – 15 năm tù và Shandor Rado-10 năm tù vì “hoạt động gián điệp” chống Liên Xô.


Bộ điện đài của Olga bị cảnh sát Thụy Sĩ phát hiện trong căn nhà.                            Bộ điện đài của Olga bị cảnh sát Thụy Sĩ phát hiện trong căn nhà.
 
Năm 1943, cơ quan phản gián của Thụy Sĩ đã phát hiện một mạng lưới rất quan trọng của các điệp viên Liên Xô tại Geneva. Mạng lưới tình báo này đã truyền về Moskva những tin tức tối mật góp phần vào chiến thắng lịch sử của Hồng quân trước đội quân phát xít tại thành phố Stalingrad. Thụy Sĩ đã phá được bộ mã của các máy điện tín mà điệp viên Xô Viết giấu trong ngôi biệt thự số 192, đường Florissant. Đứng đầu mạng lưới này là Alexandre Rado. 
Edmond và Olga Hamel là một phần của mạng lưới các điệp viên do Rado tuyển mộ. Rado vốn là một người Do Thái gốc Hungary, là sĩ quan mang hàm đại tá trong Quân đội Xô Viết và được MGB, một trong những tổ chức tiền thân của KGB, bổ nhiệm là người đứng đầu tổ chức tình báo Liên Xô tại Geneva. Từ năm 1938, ông trùm tình báo này đã tuyển mộ các điệp viên tiềm năng cho Liên Xô ở Geneva. Mạng lưới mà ông xây dựng là lưới tình báo hoạt động tích cực nhất tại châu Âu sau khi phản gián Đức đánh sập “Dàn hợp xướng Đỏ” - một lưới tình báo nổi tiếng của Liên Xô từng hoạt động tại Berlin, có chân rết ở cả Bỉ, Pháp. Phía Liên Xô đã thu được nhiều thông tin rất quan trọng từ mạng lưới các điệp viên này mà ông trùm mật vụ Đức Quốc xã Goering đánh giá còn giá trị hơn cả 10 quân đoàn. Trong đó, đáng kể phải nhắc tới thông tin về hoạt động điều chuyển quân của Đức tới Stalingrad, nhờ đó Hồng quân đã bao vây được kẻ địch và giành được chiến thắng đầu tiên trước quân Đức, tạo nên bước ngoặt cho toàn bộ Thế chiến II. 
W. F. Flike, vốn là nhân viên phản gián Đức trong chiến tranh thế giới thứ hai, thừa nhận:
“… Mạng lưới tình báo Liên Xô có đến 35.000 người. Họ được tuyển chọn trong giới thượng lưu châu Âu, những người trí thức, các nhà công nghiệp, các viên chức cao cấp vì căm thù chủ nghĩa phát xít mà đã trở thành những người có thiện cảm với chủ nghĩa cộng sản”.
Domigo Pastor Petít, trong tác phẩm “Công tác gián điệp” của mình cũng có viết:
“Chỉ riêng trong mạng lưới tình báo của Radô ở Thụy Sĩ đã có 11 sĩ quan Đức mà tên tuổi đến nay vẫn chưa được biết, thường xuyên thông báo các tin tức quan trọng và bí mật của bộ tham mưu Quốc xã cho tình báo Liên Xô, tổng số báo cáo của 11 quân nhân này dài tới 12.000 trang đánh máy”.
Những người am hiểu công tác tình báo đều thừa nhận: “Rote Kapelle (khi chiến tranh nổ ra, tin tức tình báo gửi qua làn sóng vô tuyến điện của các chiến sĩ tình báo Xôviết, từ nước Thụy Sĩ và nước Đức về Liên Xô rộ lên đến mức được gọi là “Dàn nhạc đỏ”) đã gửi cho Mátxcơva những tin tức về số lượng và chất lượng chưa từng có trong toàn bộ lịch sử công tác tình báo”.
Chúng ta sẽ liệt kê một số tin tình báo gửi về Mátxcơva từ nước Đức và Thụy Sĩ hồi đó trong hồ sơ lưu trữ.
Ngày 10-5-1940, có một bức điện mật mã từ Đức:
“Có tin từ các giới của Bộ Ngoại giao là các hoạt động quân sự chống nước Nga đã được vạch ra… Cuộc chiến tranh này đang đến sát ngưỡng cửa…”.
Ngày 21-2-1941, một bức điện đóng vai trò như khúc dạo đầu của “dàn nhạc đỏ” trên đất Thụy Sĩ cất tiếng:
“Theo tin tức nhận được từ một sĩ quan Thụy Sĩ thông thạo tình hình, Đức hiện có 150 sư đoàn ở phía Đông. Theo người này thì Đức sẽ tấn công vào cuối tháng 5”.
Ngày 18-12-1940, kế hoạch “Barbarosa” nhằm tấn công Liên Xô của quân Đức đã được chuẩn y. Hitle đã ra lệnh “đánh lạc hướng địch” bằng cách tạo cho được ấn tượng rằng việc đổ bộ lên đất Anh vẫn đang được xúc tiến, rằng việc triển khai lực lượng cho chiến dịch Barbarosa chỉ là màn kịch, “là sự nghi binh vĩ đại nhất trong lịch sử chiến tranh, làm người ta nghĩ rằng Đức sẽ không có ý định tấn công vào Anh nữa”. Nhưng các chiến sĩ tình báo Xôviết đã sớm biết và đã gửi nhiều tin tức về báo cho đất nước nguy cơ này. Trong số đó có một bức điện gửi từ Béclin vào cuối tháng 2-1941:
“… Việc chuẩn bị cho cuộc chiến tranh chống Liên Xô đã được đẩy mạnh… Đã thành lập 3 cụm tập đoàn quân đặt dưới sự chỉ huy của thống chế Bốc, Runstet và Phôn Lép. Cụm tập đoàn quân “Kênixberg” sẽ tiến công theo hướng Lêningrát, cụm tập đoàn quân “Vácxava” theo hướng Mátxcơva, cụm tập đoàn quân “Pôdnan” theo hướng Kiép. Thời gian tấn công từ 20-5. Có kế hoạch đánh lớn tại khu đầm lầy Pinxki với sự tham gia của 120 sư đoàn Đức. Đã chế tạo các loại tàu bọc thép theo khổ đường ray Nga”.
Vào những ngày đầu tháng 3-1941, cũng nguồn tin này báo về:
“Có những hiện tượng khác nói lên cuộc tấn công của Đức chống Nga sắp sửa xảy ra. Thời hạn từ 15-5 đến 15-6. Có tin khẳng định là tại Ba Lan có 120 sư đoàn…”.
Ngày 7-6, lại nguồn tin này báo về:
“Nước Nga hiện nay là trung tâm của sự chú ý. Hitle đã đích thân lệnh cho Himle xác định xem ai đã tung tin về chiến tranh với nước Nga… Hàng ngày, cũng như trước đây, có tới 15 đoàn tàu chở quân và hàng hóa quân sự đi về phía Đông… Các tướng lĩnh sợ có khó khăn trong việc cung cấp nhiên liệu vì chiến tranh với Nga đòi hỏi mỗi ngày phải có 24 đoàn tàu chở nhiên liệu. Trong khi đó, quân đội chỉ mới đáp ứng được có 16 đoàn tàu. Có nguy cơ là lực lượng xe tăng không thể đi quá Kiép…”.
Cuối cùng, ngày 16-6, 6 ngày trước khi nổ ra chiến tranh, nguồn tin gửi thêm một bức điện nữa:
“Trong Bộ Tổng tham mưu tối cao Đức đã loan tin về cuộc tấn công Liên Xô vào khoảng từ ngày 22 đến 25-6”.
Ngày 6-4-1941, một bức điện gửi về từ Thụy Sĩ:
“Quân đội Đức trước đây tập trung ở biên giới Thụy Sĩ đã được chuyển đến phía đông mạn biên giới Liên Xô”. Đến cuối tháng 5, từ đây gửi về thêm bản tin: “quân Đức sẽ tấn công Liên Xô vào rạng sáng ngày 22-6…”; và sáng ngày 22-6 là bức điện: “Trong giờ phút lịch sử này, chúng tôi nguyện sẽ hết sức trung thành và sẽ nhân đôi sức mạnh, đứng vững trên vị trí tiền tiêu”.
Ngay trong những ngày đầu chiến tranh, cơ quan phản gián Đức (Ápve) đã phát hiện một số đài phát tín hiệu mật mã lạ đặt ngay tại Béclin. Các chuyên gia về mật mã của Đức được lệnh cấp tốc giải mã các bức điện thu được nhưng bất lực. Sự việc đã được báo cáo lên trên nhưng cả Bộ Tổng tham mưu Ápve cũng như Cục an ninh đế chế Đức đã không xem trọng báo cáo này. Có lẽ do ngây ngất với chiến thắng ban đầu mà thủ trưởng các cơ quan này đã quá chủ quan, nghĩ rằng cho dù đó là những tin tức tình báo của đối phương gửi về cho Trung tâm ở Mátxcơva thì phỏng có ích gì: mới sau hai tuần chiến sự mà quân Đức đã chiếm được Riga, Minxcơ, đã tới gần Đơnhiép, đã đi được nửa đường đến Mátxcơva… Ngày 3-7-1941, Ganđe, Tham mưu trưởng lục quân Đức, ghi trong nhật ký quân sự của mình: “Sẽ không cường điệu khi nói rằng chiến dịch chống Nga sẽ thắng lợi trong vòng 14 ngày…”.
Thời gian trôi đi, Cuộc tấn công vào Liên Xô diễn tiến chậm dần lại. Trong khi đó, Dàn nhạc đỏ hay như phản gián Đức gọi là “Những kẻ chơi Pianô” cứ thản nhiên “dạo” những “ca khúc” bí ẩn ngay bên tai, tại đâu đó trong Béclin. Hitle đã nổi cơn cuồng nộ khi nghe Himle thông báo chuyện này và dọa sẽ trừng trị đích đáng những kẻ bất lực, không tìm ra được kẻ địch ngay trong nhà mình. Cơ quan tình báo, phản gián Đức lúc này mới bắt đầu một kế hoạch qui mô nhằm quyết tâm truy quét, tiêu diệt Dàn nhạc đỏ trên đất Đức, bắt đầu từ thủ đô Béclin.
“Những kẻ chơi pianô” vẫn lúc ẩn, lúc hiện, nơi này, nơi khác phát đi những bản “ca khúc” bí ẩn lên làn sóng điện mà mãi sau này mới rõ là:
“Hitle đã ra lệnh chiếm Ôđécxa trước ngày 15-9. Việc trì hoãn chiến dịch đường không ở miền Nam là do có thay đổi kế hoạch của Bộ chỉ huy Đức. Tại mặt trận phía Đông, phần lớn các sư đoàn Đức đã mất sức chiến đấu vì bị tổn thất nặng nề. Những đơn vị mới thành lập chỉ có quân số tối thiểu…”.
“… Mục tiêu tấn công có thể là giành tuyến Áckhanghen Mátxcơva - Axtrakhan vào cuối tháng 11…”.
“… Các đoàn tàu chở pháo hạng nặng đã đi qua vùng Kênhiếcxbec theo hướng tới Mátxcơva. Tại Pilau đang đưa lên tàu những khẩu đội pháo bờ biển hạng nặng và số vũ khí này cũng sẽ được chuyển tới đó”.
“… Tin tức đã nhận được từ một sĩ quan cao cấp của Bộ Tổng chỉ huy các lực lượng vũ trang Đức. Đã thông qua quyết định không đánh chiếm Lêningrát mà chỉ bao vây phong tỏa nó”.
“Tổn thất thực tế của quân đội Đức sau 3 tuần chiến đấu đầu tiên tại mặt trận phía Đông là gần 100 ngàn tên… Cũng thời gian đó, quân Đức đã mất 1.500 xe tăng - chiếm nửa tổng số xe tăng vào đầu chiến dịch trên mặt trận phía Đông…”.
“Ở Đức hiện đang thành lập 26 sư đoàn mới. Mọi việc sẽ xong vào đầu tháng 9”.
Nhưng đột nhiên, trong lúc tình hình chiến sự ở ngoại ô đang rất căng thẳng thì tin tức tình báo gửi từ Béclin về Mátxcơva ngưng hẳn. Trung tâm đã cố bắt lại liên lạc nhưng vô ích: Béclin ngưng bặt trả lời khi được hỏi. Về sau này người ta mới biết nguyên nhân: hiệu thính viên ở Béclin đã nhầm lẫn thời gian liên lạc với Trung tâm. Một sơ sót nhỏ mà đầy tai hại!



Minh tinh Marika Rökk từng khiến Goebbels (phải) và cả Hitler say mê  /// UFA/TL

Minh tinh Marika Rökk từng khiến Goebbels (phải) và cả Hitler say mê
Quốc trưởng Đức Adolf Hitler gửi hoa tặng riêng cho Marika Rökk, còn Bộ trưởng Tuyên truyền Joseph Goebbels say mê cô như điếu đổ. Nhưng Marika Rökk có một bí mật: Cô là điệp viên Liên Xô, theo tài liệu năm 1951 vừa được Cơ quan Tình báo nội địa Đức (BND) công bố.
 
Tuy nhiên, sau một thời gian cố gắng, mạo hiểm cử liên lạc đến tận Béclin, Trung tâm đã nối lại được đường dây điện báo. Đài phát bí mật tại Béclin lại tiếp tục hoạt động. Vì các báo cáo bị dồn ứ nhiều đến nỗi các hiệu thính viên chuyển không kịp, một phần lớn tin tức phải chuyển qua lực lượng giao thông viên tín cẩn. Đó là những tin tức quan trọng. Đơn cử như báo cáo dưới đây:
“… Kế hoạch số 3 có liên quan đến đợt tấn công vào Kápkadơ vào tháng 11 đã được hoãn lại tới mùa xuân năm sau… Việc đảm bảo kỹ thuật như tích trữ đạn dược, vật tư thiết bị… sẽ phải hoàn tất trước ngày 1-2-1942. Các lực lượng tiến công vào Kápkadơ sẽ được triển khai trên tuyến Lôdôvaia - Truguép - Bengôrớt - Áctứcka - Kraxnôgrat. Bộ tham mưu cụm tập đoàn quân đóng ở Kháccốp…”.
Trong thông báo này, Bộ chỉ huy Liên Xô đã được thông báo về ý đồ chiến lược và hướng tấn công dự định của quân Đức cho mùa hè năm 1942, trước sự kiện xảy ra đến 8 tháng.
Để có được những thông tin có giá trị lớn như thế, các chiến sĩ tình báo Xô Viết trên đất Đức, nhất là ở Béclin đã phải hoạt động hết công suất và lực lượng tình báo ở đây cũng đã phải chịu những tổn thất lớn lao. Biết bao nhiêu người đã bị bắt, bị tra tấn dã man và hy sinh anh dũng.
Cũng đồng thời với khoảng thời gian đó, bộ phận tình báo Xô Viết trên đất Thụy Sĩ hoạt động tỏ ra đắc lực, hết sức hiệu quả, thu thập được nhiều tin tức hết sức quan trọng, có giá trị cao về quân sự. Chúng ta xin liệt kê vài ba báo cáo của họ gửi về Trung tâm để phần nào thấy rõ điều đó:
Trong khi Đức đang chuẩn bị đòn tấn công vào miền Nam nước Nga, theo hướng Kápkadơ và hạ lưu sông Vônga thì Trung tâm nhận được các thông báo từ nguồn Thụy Sĩ:
“Thời hạn cuối cùng để hoàn tất chuẩn bị cho cuộc tấn công mùa xuân là ngày 22-5. Cuộc tấn công có thể bắt đầu trong khoảng từ ngày 31-5 đến ngày 7-6”.
“Tại Đức đang thành lập 4 sư đoàn xe tăng mới, một sư đoàn hiện đang đóng tại khu vực Pari…”.
“Vào đầu tháng 4, trên lãnh thổ của Liên Xô bị Đức chiếm đóng, đã có nhiều đơn vị Đức tới để chuẩn bị cho cuộc tấn công vào mùa xuân. Quân số và đặc biệt là chất lượng kỹ thuật rõ ràng là hơn nhiều so với tháng 6-1941… Tất cả những con đường hướng nam mặt trận đầy những xe tải chuyên chở vật liệu”.
Để chuẩn bị cho cuộc phản công lớn của Hồng Quân tại Stalingrát, Trung tâm đã không ngừng yêu cầu nguồn Thụy Sĩ trả lời những câu hỏi mới. Ngay từ tháng 8-1942, nguồn Thụy Sĩ đã báo về:
“Theo tin tức của giới quân sự cao cấp, Hitle đã ra lệnh chiếm Maiakốp và Grôdnưi trong tháng 8. Bộ chỉ huy quân sự Đức hy vọng có thể khôi phục lại được trung tâm công nghiệp dầu mỏ ở Kápkadơ trong vòng nửa năm dù người Nga trước khi rút lui có phá hủy các dàn khoan đi chăng nữa. Toàn bộ các chuyên gia lớn về dầu khí đã tập trung ở Béclin đợi lệnh đi Kápkadơ”.
Đầu tháng 11-1942 có một thông báo:
“Bộ chỉ huy Đức tin rằng quân đội Liên Xô không thể tập trung quân tại đông - nam Stalingrát, từ phía các cánh đồng lau sậy trong các vùng đất đen hoang vu, cằn cỗi. Vì thế cánh phải của quân Đức đang hoạt động tại ngoại ô Stalingrát đã để hở sườn. Đoạn này được xem là khu vực phụ của mặt trận. Tại đây chỉ có những đơn vị chiến đấu kém của tập đoàn quân Rumani số 4. Các sư đoàn Đức đã được điều từ khu vực này đến những nơi có hoạt động tích cực hơn ở ngoại ô Stalingrát”.
Sau đó vài ngày, Trung tâm hỏi:
“Các trận địa phòng ngự trong hậu phương của Đức tại các tuyến tây - nam Stalingrát và dọc sông Đông nằm ở đâu…”.
Và câu hỏi này cũng được nguồn Thụy Sĩ trả lời.
Như chúng ta đã biết, ngày 19-11-1942, Hồng quân Liên Xô bắt đầu mở cuộc phản công. Cánh trái của mặt trận Stalingrát đã xuất phát ngay từ các cánh đồng lau sậy, trong vùng đất hoang vu, cằn cỗi…
CÁC CHIẾN SĨ ĐẦU TIÊN CỦA DÀN NHẠC ĐỎ



Hillel Katz (trái), Suzanne Spaak, Fernand Pauriol



Léo Grossvogel  và vợ ông  Jeanne Pesant



Jules Jaspard và vợ



Alfred Corbin và vợ
Sau hai năm chiến tranh, quân đội Đức đã không còn thế và lực như hồi năm 1942. Những thất bại tại Mátxcơva, Stalingrát… đã làm cho quân Đức thiệt hại không thể hồi phục được. Bộ chỉ huy tối cao Đức chỉ còn có thể vạch kế hoạch tấn công vào một tuyến nhất định, nhưng muốn thế phải biết quân đội Liên Xô định tổ chức phản công trên tuyến nào, khu vực nào để đối phó, tổ chức phòng ngự ở đó. Qua thám sát bằng không quân và phân tích tin tức tình báo có được, Bộ chỉ huy Đức xác định, Hồng quân Liên Xô sẽ tấn công trên hướng Bắc của mặt trận Trung tâm. Từ phán đoán đó, quân Đức quyết định tiến hành xây dựng một phòng tuyến vững chắc mang tên “Chiến lũy phương Đông”. Đây là một kế hoạch tuyệt mật, được cất trong két sắt bảo mật đặc biệt của Bộ chỉ huy tối cao Đức.
Ấy vậy mà ngày 29-3-1943, một báo cáo từ Thụy Sĩ đã về đến Trung tâm:
“… Thượng khẩn. Ngày 25-3, quân Đức đã xác định rằng việc tập trung quân đội Liên Xô tại vùng cận Vônkhốp và tại Lêningrát vẫn đang tiếp diễn. Bộ chỉ huy tối cao Đức cho rằng trong những tuần gần đây, có một số lượng lớn vật liệu quân sự đã được đưa đến Lêningrát qua Muốcmanxcơ và Vonogđa, còn quân đội thì được tung bằng đường không qua Slixenbuốc. Bộ chỉ huy tối cao Đức dự đoán: quân Nga sẽ tăng cường hoạt động trong các khu vực Nêva, Vonkhốp, Xviri. Vì lẽ đó, Bộ chỉ huy Đức quyết định trước hết phải đẩy mạnh việc xây dựng những tuyến phòng thủ và phòng tuyến “chiến lũy phương Đông” trên hướng bắc của mặt trận mà cụ thể là tại Extônhia và Látvia”.
Sau 2 tuần, lại có báo cáo:
“Thượng khẩn. Rất quan trọng. Kế hoạch “Chiến lũy phương Đông” từ Tetdi… Đội xây dựng “Nord” đang thi công 2 tuyến “Chiến lũy phương Đông” - một tuyến chống tăng và một tuyến đề kháng… Dọc theo “Chiến lũy phương Đông” cũng như trên tuyến đề kháng đều có những lô cốt bê tông, những đường hào, bẫy chống tăng… Kế hoạch chung và nhiệm vụ đặt ra cho đội xây dựng “Nord” chứng tỏ quân Đức có ý định tiến hành những trận đánh phòng ngự mang tính chất chiến lược…”.
Tin tức tình báo từ Thụy Sĩ tiếp tục được gửi về đều đặn đã nói về việc bố trí lại các cụm quân Đức, về lực lượng dự bị khổng lồ trong hậu phương trung tâm của mặt trận. Điều này cho thấy rằng Bộ chỉ huy tối cao Đức định đánh một đòn lớn vào Hồng quân trong khu vực vòng cung Cuốcxcơ.
Vòng cung Cuốcxcơ nằm hõm sâu vào trận địa của quân Đức là khu vực chiến tuyến có tầm quan trọng vô cùng cho cả hai phía. Đối với quân đội Liên Xô thì đây có thể là bàn đạp để tấn công về hướng Đơnhiép. Đối với quân đội Đức Quốc Xã thì đây là căn cứ để phát triển vòng vây về phía Nam và Bắc để tiêu diệt ít nhất hai phương diện quân đối phương, giành khoảng không chiến lược, tạo điều kiện tiến thẳng vào Mátxcơva, đi đến thắng lợi hoàn toàn trên mặt trận phía Đông.
Tháng 4-1942, một cuộc họp trong đại bản doanh của Hitle đã thảo luận và lên kế hoạch phân bố lực lượng dự bị cho hè - thu năm 1943. Trong đó có quyết định triển khai chiến dịch tấn công mang tên “Xitađen” tại vùng Cuốcxcơ vào tháng 5 (tuy nhiên, để chuẩn bị chu đáo, chắc ăn hơn, Hitle đã thay đổi thời điểm mở chiến dịch và phải đến tháng 7, chiến dịch mới xảy ra trên thực tế).
Trong quá trình chuẩn bị, quân Đức đã cố gắng giữ tuyệt mật chiến dịch, nhưng đối với Đại bản doanh Hồng quân, nó đã sớm không còn là bí mật nữa.
Các tin tức tình báo từ Thụy Sĩ tiếp tục được gửi về:
“Từ đầu chiến tranh đến ngày 30-5-1943, thiệt hại của quân Đức là: 1.940.000 quân chết, 565.000 bị bắt, 1.000.000 tên bị thương. Tổng thiệt hại là 3.772.000 tên”.
“Quân Đức đã phát hiện là Nga đã tập trung một số lớn quân trong khu vực Cuốcxcơ, Viadam và Cánh cung vĩ đại. Bộ chỉ huy tối cao Đức cho rằng quân đội Liên Xô có thể chuẩn bị tấn công mạnh mẽ cùng một lúc trên nhiều khu vực mặt trận…”.
Trước lúc mở màn trận đánh, một nguồn tin khác báo về trung tâm khẳng định báo cáo của nguồn Thụy Sĩ:
“Quân Đức đã xác định rằng từ ngày 2-5, quân Nga đã tập trung những lực lượng cơ giới mới tại khu vực Cuốxcơ, gần phía đông Kháccốp để đối đầu với việc bố trí lại lực lượng của tập đoàn quân Mastein. Đức không thể để cho quân Nga tiếp tục tập trung lực lượng ở phía tây và tây - nam Cuốxcơ nữa, vì nếu quân Nga tiến công trên hướng này sẽ gây ra tình trạng nguy ngập cho toàn bộ mặt trận Trung tâm. Đức cần phải chủ động tấn công chặn trước đòn đánh của Hồng quân…”
Nhờ những tin tức tình báo quí giá từ bên kia chiến tuyến gửi về kết hợp với những phân tích tình báo tại chỗ, Đại Bản Doanh của Hồng quân đã báo cho các tư lệnh phương diện quân bố trí trên khu vực vòng cung Cuốxcơ trước 3 ngày về việc quân Đức có thể tiến công trong khoảng từ ngày 3 đến ngày 6-7-1943. Hồng quân Liên Xô đã trong tư thế sẵn sàng chiến đấu.

NHỮNG THÀNH VIÊN KHÁC CỦA LƯỚI



David Kamy (ở trên), Makarov (Alamo) và Sophie Poznanska



Isidore Springer và vợ Flore Velagst , Johan Wenzel



Từ trái, Sarah Goldberg , Herman Ozbutski và Georgie de Winter



Vera Ackerman, Hersh và Mira Sokol
Đêm 4, rạng ngày 5-7, lực lượng trinh sát Xô Viết bắt được một lính công binh Đức. Sự việc được báo cáo lên ngay cho nguyên soái Giucốp. Tên này khai rằng lệnh tấn công của Hítle đã được phổ biến xuống các đơn vị và thời điểm mở màn là vào khoảng 3 giờ sáng.
Nguyên soái Giucốp, Tổng chỉ huy chiến dịch nhanh chóng hạ mệnh lệnh tấn công phủ đầu bằng pháo binh vào đội hình quân Đức. Đúng 2 giờ 20 phút, hỏa lực của tất cả các loại pháo của Hồng quân bắn phá mãnh liệt sang trận địa quân Đức. Cuộc bắn phá này làm chậm thời điểm tấn công đã dự định của quân Đức đến hai tiếng rưỡi. Mãi đến 5 giờ 30 phút, quân Đức mới có thể tổ chức đợt tấn công đầu tiên.
Và như đã kể, chiến dịch “Xitađen” của quân phát xít Đức đã bị thất bại thảm hại, mở ra bước ngoặt có tính quyết định đến chiến thắng của quân dân Xô Viết trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại.
Nhiều năm sau, nguyên soái Giucốp, vị tướng thiên tài của đất nước Liên Xô và là danh tướng thế giới đã ghi trong hồi ký của mình về nguyên nhân thắng lợi của Hồng quân trong trận đánh tại vòng cung Cuốxcơ:
“Bất cứ ai có chút ít kiến thức quân sự đều hiểu rằng do đâu mà có thắng lợi quân sự. Muốn giành thắng lợi, đòi hỏi phải đánh giá đúng đắn toàn bộ tình hình, lựa chọn chính xác hướng tấn công chủ yếu, bố trí đội hình khéo léo, có sự tính toán và hiệp đồng chặt chẽ tất cả các loại vũ khí; các chiến sĩ phải có tinh thần chiến đấu cao và kỹ thuật chiến đấu tốt, phải có sự lãnh đạo kiên quyết và linh hoạt, nắm vững thời cơ và nhiều yếu tố khác nữa…
Tình báo giỏi cũng là một trong những nguyên nhân đảm bảo thắng lợi cho trận đánh vĩ đại này.”
Công lao của các chiến sĩ tình báo Xô Viết (có nhiều quốc tịch khác nhau) hoạt động tại Châu Âu, đối với cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của quân dân Liên Xô và qua đó mà đối với cả nhân loại tiến bộ là to lớn, không thể kể hết được. Sự hoạt động hiệu quả của lực lượng này đã được ngay chính Hítle, kẻ hãnh tiến điên cuồng, cũng phải thừa nhận. Sau chiến tranh vài năm, Vante Phôn Selenbéc, thủ trưởng cục 6 của cơ quan an ninh đế chế Đức, đã viết trong hồi ký:
“Hítle lại quay sang công tác phản gián của chúng tôi, thường xuyên hỏi và yêu cầu báo cáo. Hítle nói rằng cơ quan tình báo bí mật của Nga có hiệu lực hơn của Anh hay của bất cứ một nước nào khác. Hítle đã ra lệnh tập trung tất cả lực lượng để đối phó lại với tình báo Liên Xô, chống lại mạng lưới đang lan nhanh một cách ghê gớm trong nước Đức và trong những vùng bị Đức chiếm đóng”.
Và sự hy sinh của họ cũng to lớn.
Trong tác phẩm “Trong những tháng năm của cuộc Đại chiến”, tác giả I.M.Kôrônkốp đã viết những lời tôn vinh như thế này:
“Những dòng chữ khắc ghi trên bia mộ, những tượng đài kỷ niệm các vị anh hùng, những cặp tài liệu lưu trữ bên ngoài đề: “Giữ vĩnh viễn”, thôi thúc ta quay nhìn lại quá khứ. Thêm vào đó, còn có vô vàn ký ức của những người tham gia vào các sự kiện đã qua. Nhưng con người ta đâu có tồn tại mãi mãi, họ lần lượt theo thời gian, giã từ cuộc sống, mang theo mình những kỷ niệm đã ăn sâu vào tâm trí. Vẫn còn có biết bao nhiêu những nấm mồ vô danh của các đồng chí chúng ta nằm lại trên các chiến trường xưa. Ngọn lửa vĩnh cửu trên ngôi mộ Người Chiến Sĩ Vô Danh sẽ cháy mãi để khắc ghi công ơn của những người đã ngã xuống. Nhưng những ngọn lửa tiếc thương của nhân dân, những ngọn lửa vinh quang dành cho người lính không thể kể cho ta nghe về những chiến công cụ thể của họ được. Một nhà thơ đã ghi trên mộ Người Chiến Sĩ Vô Danh bài thơ sau:
Bạn tiễn đưa anh, con người đã khuất
Không có quân hàm, chẳng thấy huân chương
Ở sâu kia, tận trong lòng trái đất.
Anh vẫn là anh, người lính bình thường
Mãi mãi ngàn năm đất mẹ thân thương
Ấp ủ cho anh, ơi người chiến sĩ
Canh giữ cho anh đời đời yên nghỉ
Một dải Ngân Hà rực sáng hào quang.
Cảm động thay khi ta đọc những vần thơ đó. Thế nhưng chỉ có các tác phẩm của các nhà sử học, nhà văn mới có thể kể đầy đủ chi tiết về những sự kiện đã qua, về những con người đã lập nên những chiến tích, về những tính cách kiên cường, phi thường của họ mà thôi…”.

CÁC NGƯỜI LÃNH ĐẠO TOÁN DÀN NHẠC ĐỎ Ở BERLIN



Harro Schulze-Boysen trong văn phòng của ông tại Bộ Không quân



Arvid và Mildred Harnack, Adam Kuchoff

(Còn tiếp)
----------------------------------------------------------

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

TT&HĐ I - 9/d

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

NGẬM SẦU (ĐL)