TIN BUỒN 55*
(ĐC sưu tầm trên NET)
'Nghệ sĩ guitar vĩ đại nhất mọi thời đại' Eddie Van Halen qua đời
TPO - Eddie Van Halen, tay guitar chính của nhóm nhạc rock đình đám một thời Van Halen, vừa qua đời ở tuổi 65 vì ung thư.
Wolf Van Halen, con trai của Eddie, thông báo về cái chết của cha trên trang Twitter. Anh cho biết, ông qua đời vào sáng thứ Ba (6/10, giờ địa phương), sau “cuộc chiến lâu dài và gian khổ với căn bệnh ung thư, hưởng thọ 65 tuổi. Ông trút hơi thở cuối cùng tại Trung tâm Y tế Providence Saint John ở Santa Monica, California, Mỹ.
“Ông ấy là người cha tốt nhất mà tôi có thể yêu cầu. Mỗi khoảnh khắc tôi và ông chia sẻ cùng nhau trên và ngoài sân khấu đều là món quà quý giá. Trái tim tôi tan nát, và tôi không nghĩ mình sẽ phục hồi hoàn toàn sau mất mát này”, Wolf chia sẻ.
Eddie Van Halen, tên thật là Edward Lodewijk Van Halen, sinh năm 1955, là nhạc sĩ, nhạc công kiêm nhà sản xuất âm nhạc người Mỹ gốc Hà Lan. Ông nổi tiếng nhất trong vai trò guitar chính, nhạc sĩ và đồng sáng lập nhóm nhạc hard rock nổi tiếng Van Halen (ra đời năm 1974), cùng anh trai Alex Van Halen (tay trống) và David Lee Roth (ca sĩ chính). Album đầu tay năm 1978 bán được hơn 10 triệu bản, góp phần nâng cao vị thế của hard rock, đẩy disco ra khỏi vị trí đầu bảng xếp hạng.
Hơn bốn thập kỷ, Van Halen phát hành hơn chục album. Ban nhạc có tên trong danh sách 20 nghệ sĩ có sản phẩm âm nhạc bán chạy nhất mọi thời đại, sở hữu nhiều album bạch kim trong 5 năm liên tiếp: Van Halen II (1979), Women and Children First (1980), Fair Warning (1981), Diver Down (1982) và Jump (1984) - bản hit đình đám nhất của ban nhạc.
Ngoài ra, Eddie Van Halen còn được coi là một trong những nghệ sĩ guitar xuất sắc nhất và ảnh hưởng nhất thế kỷ 20. Năm 2011, tạp chí Rolling Stone từng xếp anh ở vị trí số 8 trong danh sách "100 tay guitar vĩ đại nhất". Năm 2012, độc giả tờ Guitar World bình chọn Van Halen là nghệ sĩ guitar vĩ đại nhất mọi thời đại.
Ngoài ra, Eddie còn nổi tiếng nhờ màn độc tấu guitar trong bản hit “Beat It” (1982) của “ông hoàng nhạc pop” Michael Jackson.
Ngay khi thông tin về cái chết của Eddie được công bố, nhiều bạn bè, đồng nghiệp đã bày tỏ sự kính trọng đối với tài năng của ông trên mạng xã hội.
“Eddie không chỉ là một vị thần guitar, mà còn là một tâm hồn thực sự cao đẹp”, Gene Simmons – thành viên của Kiss – chia sẻ trên Twitter.
Geezer Butler của ban nhạc Black Sabbath gọi Eddie Van Halen là “một trong những người đàn ông tốt bụng nhất trên Trái đất mà tôi từng gặp và đi diễn cùng”. “Một quý ông thực sự và một thiên tài thực sự”, anh viết.
Ngôi sao nhạc rock Ted Nugent cũng gửi lời tri ân đến đồng nghiệp quá cố: “Cảm ơn Eddie đã tiếp thêm sức sống để làm phong phú và khích lệ cuộc sống của chúng tôi bằng những món quà và tầm nhìn tuyệt vời”.
Theo CNN, Daily Mail
Nhà thiên văn học nổi tiếng thế giới Nguyễn Quang Riệu qua đời vì Covid-19
(NLĐO)- Giáo sư - nhà thiên văn học nổi tiếng thế giới Nguyễn Quang Riệu đã qua đời lúc 23 giờ 15 ngày 5-1 theo giờ Pháp, tức rạng sáng 6-1 giờ Việt Nam vì Covid-19.
Chia sẻ với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 7-1, PGS Nguyễn Văn Huy - nguyên giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, một người họ hàng của gia đình nhà thiên văn học Nguyễn Quang Riệu - cho biết GS Nguyễn Riệu đã qua đời vì Covid-19 tại Pháp.
Giáo sư Nguyễn Quang Riệu được phát hiện mắc Covid-19 tại Pháp. Gia đình đã đưa ông vào bệnh viện nhưng ông đã mất rất nhanh sau đó. Giáo sư Nguyễn Quang Riệu qua đời lúc 23 giờ 15 ngày 5-1 theo giờ Pháp, tức rạng sáng ngày 6-1 theo giờ Việt Nam.

Giáo sư Nguyễn Quang Riệu - Ảnh: Vjsonline.Org.
Sinh
năm 1932 tại Hải Phòng, sinh sống và học tập tại Hà Nội, GS Nguyễn
Quang Riệu là con đầu trong một gia đình có ba anh em trai sau này đều
trở thành những nhà khoa học tên tuổi (hai em trai ông là giáo sư, nhà
giải phẫu học, nhân chủng học và nhân trắc học Nguyễn Quang Quyền và
giáo sư, tiến sĩ hóa lý Nguyễn Quý Đạo). Cha ông là chủ của hiệu ảnh
Phúc Lai, tức Central photo nổi tiếng tại Hà Nội và Hải Phòng những năm
1930.
GS Nguyễn Quang Riệu là GS-TS tại Đại học Sorbonne (Paris), Giám đốc nghiên cứu tại Đài thiên văn Paris. Ông đã công bố trên 150 công trình khoa học về vật lý thiên văn (đặc biệt trong lĩnh vực thiên văn vô tuyến, trên các tạp chí khoa học quốc tế, viết nhiều sách (cả sách chuyên ngành và sách phổ biến khoa học) bằng tiếng nước ngoài và tiếng Việt.
GS Nguyễn Quang Riệu cũng là Giám đốc Nghiên cứu Danh dự (Emeritus) của Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu khoa học Pháp. Năm 1973, ông đã được nhận giải thưởng của Viện hàn lâm khoa học Pháp sau khi đã phát hiện và xác định chính xác vị trí xảy ra vụ nổ trong chòm sao Thiên Nga (Cygnus X3).
Cùng với GS Trịnh Xuân Thuận, GS Nguyễn Quang Riệu được coi là một trong số rất ít nhà khoa học gốc Việt trên thế giới không ngại dấn thân và đạt được những thành công trong ngành thiên văn học, một ngành khoa học đến giờ vẫn được coi là non trẻ và ít có điều kiện phát triển tại Việt Nam. Ông cũng là một trong những nhà khoa học đi tiên phong trong việc phổ biến cũng như vun đắp tình yêu của nhiều bạn trẻ Việt Nam đối với môn thiên văn học.
Mê thiên văn từ nhỏ, GS Nguyễn Quang Riệu luôn ước mơ được khám phá bí ẩn của vũ trụ. Ông rời Hà Nội đi du học ở Đại học Sorbonne, Pháp năm 1950 khi mới 18 tuổi.
Từ năm 1976, ông thường xuyên về nước tham gia phát triển và phổ biến ngành vật lý thiên văn và vật lý môi trường, hai lĩnh vực nghiên cứu còn non trẻ ở Việt Nam. Khi còn khỏe, hằng năm ông đều dành thời gian về nước tổ chức lớp học về môn vật lý vũ trụ và vật lý môi trường tại Đại học Quốc gia Hà Nội, vận động nhiều nhà khoa học nước ngoài cùng về thỉnh giảng.
Nhận xét
Đăng nhận xét