Thứ Ba, 19 tháng 1, 2021

TT&HĐIII - 26/l

                                              Nguyễn Ánh đã trả thù Tây Sơn thế nào?

                                         Giải mã sự sụp đổ nhanh chóng của nhà Tây Sơn

PHẦN III:     NGUỒN CỘI 

" Đi đi con!
Trong khinh khi may nhớ nước non
Mà ôn lại cho đừng quên lịch sử
Bốn ngàn năm rồi, Việt Nam bất tử
Dằng dặc đoạn trường chống giặc ngoại xâm
Biết mấy đau thương, biết mấy anh hùng
Ghi tạc địa cầu bao chiến công hiển hách
..."

                                                                                Trần Hạnh Thu

"Lịch sử hoài thai chân lý, nó có thể kháng cự với thời gian, có thể dìm đi những việc cũ, nó là dấu tích của thời xa xưa, là gương soi của đương đại, là lời giáo huấn cho thế hệ sau."
                                                                 
Cervantes (Tây Ban Nha)

"Lịch sử là bằng chứng của thời đại, là ngọn lửa của chân lý, là sinh mệnh của kí ức, là thầy giáo của cuộc sống và là sứ giả của cổ nhân."
                                                                                                      Cicero (La Mã)
 
“Đừng chê cõi trần nhơ
Đừng khen cõi trần đẹp
Cõi trần là thản nhiên
Chỉ có đời nhơ, đẹp.” 
.

CHƯƠNG V: XUÂN LỬA ĐỐNG ĐA

“Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quí báu của ta. Từ xưa đên nay, mỗi khi Tổ Quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn; nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước.”
(Hồ Chí Minh)
"Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa
Nước chúng ta
Nước những người chưa bao giờ khuất
Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về!"
(Trích bài thơ "Đất nước" - Nguyễn Đình Thi)

"Đất Nước là nơi dân mình đoàn tụ
Đất là nơi Chim về
Nước là nơi Rồng ở
Lạc Long Quân và Âu Cơ
Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng
Những ai đã khuất
Những ai bây giờ
Yêu nhau và sinh con đẻ cái
Gánh vác phần người đi trước để lại
Dặn dò con cháu chuyện mai sau
Hàng năm ăn đâu làm đâu
Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ"

(Trích bài thơ "Đất nước" - Nguyễn Khoa Điềm

 

 

 

(Tiếp theo)

 

Tuy nhiên, như đã nói, trong khi Quang Trung tập trung vào cuộc đấu tranh quyết liệt chống thù trong giặc ngoài ở Bắc Hà thì với một Nguyễn Lữ bất tài và một Nguyễn Nhạc thờ ơ, tình hình vùng Gia Định trở xuống đã không bình ổn được mà ngày một xấu đi. Nguyễn Ánh đã có đủ thời gian vận động, tuyên truyền, tập hợp lực lượng ngày một mạnh, để rồi đến năm 1787 thì tái chiếm lại Gia Định (Nguyễn Lữ bỏ chạy về Qui Nhơn rồi chết ở đó). Nguy cơ đã lộ diện ngày một rõ ràng ở chân trời phía Nam.
Tháng 7 năm Đinh Vị (1787) quân Nguyễn đánh vào Long Xuyên có kết quả. Nguyễn Ánh mạo một bức thơ để Nguyễn Lữ hiểu lầm thái độ của viên Trấn thủ Sài Côn là Phạm Văn Tham, lợi dụng sự nghi ngờ của tướng Tây Sơn, Nguyễn Vương chiếm Sa Đéc, Vĩnh Long rồi đóng quân ở Mỹ Tho dùng nơi này làm căn cứ. Ngày 7- 9-1788 quân Nguyễn đánh được Gia Định đuổi được tướng Phạm Văn Tham đang giữ thành này. Từ giờ này trở về sau thành Gia Định nằm dưới sự kiểm soát của họ Nguyễn.
Cuối năm 1788, Nguyễn Nhạc từ bỏ đế hiệu và niên hiệu Thái Đức, chỉ xưng là "Tây Sơn vương". Ông viết thư cho Nguyễn Huệ, chỉ xin giữ Quy Nhơn và nhường toàn bộ binh quyền, đất đai trong cả nước cho Nguyễn Huệ; đồng thời ông cầu khẩn Nguyễn Huệ mang gấp đại binh vào cứu Nam bộ (chiếu lên ngôi của Quang Trung nói rõ vấn đề này).

Tuy nhiên lúc đó Nguyễn Huệ dù biết lời cầu khẩn của anh nhưng không thể vào Nam tham chiến vì 29 vạn quân Thanh do Lê Chiêu Thống rước về đã vượt qua biên giới. Nguy cơ phía bắc rõ ràng lớn và gấp hơn nên Nguyễn Huệ đã lên ngôi Hoàng đế, lấy hiệu là Quang Trung rồi kéo quân ra Bắc và đã nhanh chóng đánh bại quân Thanh.

Sau khi đánh bại quân Thanh, Quang Trung trở thành nhà lãnh đạo tối cao của triều Tây Sơn và là vị Hoàng đế duy nhất cai trị tại Việt Nam (Nguyễn Nhạc đã bỏ đế hiệu, Lê Chiêu Thống đã chạy sang Trung Quốc, còn Nguyễn Ánh khi đó địa bàn còn nhỏ hẹp và chưa xưng đế). Tình hình với Quang Trung rất thuận lợi: ông có được uy tín lớn sau chiến công chống quân Thanh, được nhà Thanh công nhận là vị vua chính thống của Việt Nam (thay thế địa vị của nhà Hậu Lê), lại dẹp bỏ được mâu thuẫn trong nội bộ nhà Tây Sơn và nắm quyền lãnh đạo thống nhất.

Trên cơ sở đó, Quang Trung đã lập ra các chiến lược rất lớn nhằm triệt để đánh bại các thế lực đối địch còn lại để thống nhất đất nước. Sự nghiệp thống nhất đất nước, sáng lập một triều đại mới đã đến rất gần. 

Ngay sau chiến thắng Kỷ Dậu, Quang Trung vội trở lại Phú Xuân để đề phòng Nguyễn Ánh, trao lại binh quyền cho Ngô Văn Sở và Ngô Thì Nhậm.

Một mặt lo chống thù trong giặc ngoài, mặt khác vua Quang Trung rất quan tâm tới việc xây dựng đất nước. Vua khuyến khích người hiền tài ra giúp nước, phân phối đất đai cho những người nông dân nghèo, thúc đẩy thủ công nghiệp từng bị cấm trước kia, cho phép tự do tôn giáo, mở cửa Việt Nam với ngoại thương quốc tế và bỏ chữ Hán như là chữ viết chính thức, chọn chữ viết chính thức của các khu vực Nguyễn Huệ cai trị là chữ Nôm. 

Sau chiến thắng quân Thanh, Quang Trung quyết định dựng nghiệp lớn, việc đầu tiên là thành lập một kinh đô. Ông chọn đất Nghệ An để lập Trung Đô, tức Phượng Hoàng Trung Đô. Hoàng Xuân Hãn viết: “Có thể tin chắc rằng Phượng Hoàng trung đô ở khoảng giữa núi Mèo (núi Kỳ Lân) và núi Quyết. Địa thế thành rất dễ giữ. Phía trước có sông Cồn Mộc và sông Lam, phía bên có núi Quyết, đều là hào và thành thiên nhiên. Ở giữa thành, còn dấu thành trong, và nền nhà. Nhất là có nền cao ba bậc ở phần bắc, mà ngày sau, đời Nguyễn dùng làm nền xã tắc. Chắc đó là chỗ Quang Trung ngự triều trong khi tạm nghỉ ở Nghệ An".

Về ngoại giao, ngay từ trước khi giao chiến với quân Thanh, Quang Trung đã tính đến chiến lược ngoại giao với nhà Thanh. Theo phương lược vạch sẵn, với tài ngoại giao khéo léo của Ngô Thì Nhậm, Tây Sơn nhanh chóng bình thường hóa bang giao với nhà Thanh. Vua Thanh Càn Long đã cho sứ giả vào tận Phú Xuân để phong vương cho Nguyễn Huệ; rồi hoàng đế Quang Trung giả đã sang triều kiến và dự lễ mừng thọ 80 tuổi của vua Càn Long nhà Thanh.

Theo sử sách, vai trò ngoại giao của Ngô Thì Nhậm chỉ được biết tới khi ông được cử lên Lạng Sơn đàm phán với quan nhà Thanh ngày 22 tháng 1 năm Kỷ Dậu (1789) ngay sau khi cuộc chiến vừa chấm dứt. Tuy nhiên lần giao thiệp sơ bộ này không thành công và vua Quang Trung phải đưa lên một phái đoàn khác.

Để tỏ thiện chí, bên ta đề nghị sẽ trả lại những tù binh đã bị bắt và bằng lòng nạp cống theo các lệ cũ của tiền triều, như vậy có nghĩa là nhà Thanh phải chính thức công nhận Nguyễn Huệ là An Nam quốc vương. Lúc đó Tôn Sĩ Nghị vẫn còn nắm quyền tổng đốc Lưỡng Quảng, đang trấn trọng binh ở Trấn Nam Quan để đề phòng Việt quân tấn công sang, nhận được thư của vua Quang Trung, y rất tức giận vì thấy rõ bên ta đưa ra điều kiện trước, nếu có phong vương mới chịu trả tù binh, nên đã thốt lên “quả là đáng ghét”.

Tôn Sĩ Nghị liền sai tả giang đạo Thang Hùng Nghiệp cầm lá thư vứt trả lại. Còn vua Càn Long sau khi nhận được tin liền mật chỉ bảo Tôn Sĩ Nghị rằng vứt trả biểu văn chưa đủ uy lực nên phải kèm theo điều kiện là yêu cầu vua Quang Trung trước khi đưa biểu văn tới phải đem những người đã giết các tướng lãnh nhà Thanh ra xử trước ba quân để làm gương, nếu không sẽ sai Phúc Khang An sẽ đem quân sang hỏi tội.

Trong số thư từ qua lại có cả bức thư trần tình do Phan Huy Ích soạn nhưng vì lời lẽ ngạo nghễ nên Thang Hùng Nghiệp không dám trình lên. Bức thư đó vì thế không lưu lại trong văn khố nhà Thanh mà chỉ còn lại một tờ biểu cầu phong tương đối nhũn nhặn.

Theo sử sách tổng kết, dường như bất cứ quốc gia nào đàm phán với Trung Hoa đều hay bị họ tìm cách “ăn gian” một vài điểm. Lần này họ lại định lấy của ta 40 dặm đất nhà Thanh lấn chiếm trước đây nhưng vua Ung Chính đã phải trả lại. Vũ Huy Tấn và Nguyễn Hữu Chu hai vị sứ thần đã phải lặn lội “bảy lần gõ cửa Nam Quan” mới đạt được thắng lợi to lớn đến như thế.

Sau khi được chấp thuận phong vương, vua Quang Trung cử cháu là Nguyễn Quang Hiển đưa một phái đoàn 60 người sang tận Yên Kinh triều cận, tiếp nhận sắc phong và ấn An Nam quốc vương đem về nước.

Sau hai phái bộ chính thức của nước ta sang Yên Kinh, vị trí của Đại Việt đối với nhà Thanh càng thêm nổi bật. Cao điểm trong bang giao giữa hai nước thời kỳ đó là phái đoàn sang dự lễ Bát Tuần Vạn Thọ của vua Cao Tông do chính vua Quang Trung cầm đầu nói lên tầm quan trọng của nước ta đối với nhà Thanh.

Việc nhà Thanh công nhận nhà Tây Sơn khiến Lê Duy Kỳ (Chiêu Thống) phải uất hận chết ở Trung Quốc cuối năm 1792.

Quân Thanh, lực lượng cứu trợ cho nhà Lê, bị đánh tan nhưng các lực lượng thân nhà Lê vẫn tiếp tục hoạt động ở phía bắc khiến vua Quang Trung tiếp tục phải đánh dẹp. Em Lê Duy Kỳ (Chiêu Thống) là Lê Duy Chi được sự hợp tác của các tù trưởng Hoàng Văn Đồng, Nông Phúc Tấn đẩy mạnh hoạt động ở Cao Bằng, Tuyên Quang. Duy Chi tìm cách liên kết với các tù trưởng người Vạn Tượng (vương quốc Viêng Chăn thời vua (Chao) Nanthasen (tức Chiêu Nan) và vua (Chao) Intharavong Setthathirath III (tức Chiêu Ấn)) để chống Tây Sơn. Nước Xiêm La khi đó cũng muốn trả thù Tây Sơn sau Trận Rạch Gầm – Xoài Mút nên tìm cách khống chế nước Vạn Tượng và tràn sang tác động tới các tù trưởng người Việt ở Trấn Ninh, Quy Hợp xứ Nghệ An và liên lạc với cựu thần nhà Lê là Trần Phương Bính. Mặt khác, Xiêm La cũng liên lạc với Nguyễn Ánh ở Gia Định để cùng Duy Chi tổ chức tấn công Tây Sơn. Theo kế hoạch này, quân Duy Chi sẽ đánh xuống từ Cao Bằng, Nguyễn Ánh đánh lên từ Gia Định, còn quân Vạn Tượng và Xiêm sẽ đánh vào Thanh Hóa, Nghệ An.

Đứng trước nguy cơ bị tấn công từ ba mặt, sau khi thực hiện thành công việc bang giao với nhà Thanh, đầu năm 1791, Quang Trung tập trung đối phó với Lê Duy Chi và quân Vạn Tượng – Xiêm. Ông sai sứ sang Trấn Ninh, Quy Hợp để thăm dò tình hình nhưng bị vua Vạn Tượng bắt giữ và nộp cho Xiêm La. Xiêm La sai sứ mang cờ và trống của Tây Sơn vào Gia Định cho Nguyễn Ánh để khuyến khích Ánh ra quân.

Quang Trung quyết định ra quân. Ông sai hoàng tử Nguyễn Quang Thùy đang trấn thủ Thăng Long cùng các tướng Bắc Hà mang quân đánh Lê Duy Chi; sai Trần Quang Diệu và Lê Trung mang quân đánh Trấn Ninh, Quy Hợp. Quang Thùy đánh lên Cao Bằng nhanh chóng đánh bại và bắt được cả Lê Duy Chi, Hoàng Văn Đồng và Nông Phúc Tấn mang về Thăng Long xử tử.

Ở phía tây, Trần Quang Diệu cũng nhanh chóng diệt được Trần Phương Bính ở ven núi Hồng Lĩnh. Tới tháng 6 năm 1791, Quang Diệu mang 3 vạn quân sang Trấn Ninh bắt được các tù trưởng thiệu Kiểu, thiệu Đế. Tháng 8 năm đó, Quang Diệu đánh bại Quy Hợp. Tháng 10, quân Tây Sơn tiến sang Vạn Tượng. Vua Vạn Tượng là Chao Nan (Chao Nanthasen) không chống nổi phải bỏ trốn sang Xiêm. Quang Diệu tiến vào Viên-chăn đến tận biên giới Xiêm, các tướng Vạn Tượng là Tả Phan Dung, Hữu Phan Siêu tử trận. Tháng 10/1791, Tây Sơn chiếm xong Vạn Tượng.

Nguyễn Ánh ở Gia Định không dám ra quân. Chân Lạp là đồng minh của Tây Sơn cũng chuẩn bị lực lượng để phối hợp nếu quân Tây Sơn vượt biên giới Vạn Tượng tiến vào Xiêm hoặc Gia Định khiến các giáo sĩ ở Gia Định lo sợ, chuẩn bị tìm đường chạy. Nhưng Trần Quang Diệu đi đánh xa lâu ngày, được lệnh rút về.

Đầu năm 1792, quân Tây Sơn trở về Đại Việt. Không lâu sau, lực lượng phù Lê của Trần Quang Châu ở Kinh Bắc cũng bị tiêu diệt.

Giữa năm 1792, Quang Trung đã gửi thư đến Càn Long cầu hôn một nàng công chúa Thanh triều và "xin" hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây. Ông cũng sai Đô đốc Vũ Văn Dũng làm Chánh sứ sang triều kiến vua Càn Long. Tuy nhiên, dự định không thực hiện được vì cái chết đột ngột và bí ẩn của ông.  

Ngay từ năm 1787, với sự giúp đỡ mạnh mẽ hơn của người Pháp thông qua giám mục Pigneau de Béhaine (tức Bá Đa Lộc), Nguyễn Ánh quay trở lại Gia Định. Trước đó, ngày 25 tháng 1 năm 1787, Bá Đa Lộc (giáo sĩ người Pháp làm cố vấn cho Nguyễn Ánh) đã thay mặt Nguyễn Ánh ký Hiệp ước Versailles (1787) với Pháp. Theo đó, vua Pháp đồng ý cử sang 4 chiếc tàu chiến và một đạo binh: 1.200 lục quân, 200 pháo binh, 250 lính da đen ở Phi Châu (Cafres) và đủ các thứ súng ống thuốc đạn để đánh Tây Sơn. Ngược lại, sau khi chiến thắng, Nguyễn Ánh phải nhường đứt cho nước Pháp cửa Hội An (Faifo) và đảo Côn Lôn (Poulo-Condore), chủ quyền các vùng đất đó sẽ vĩnh viễn thuộc về nước Pháp ngay lúc quân đội Pháp chiếm đóng hòn đảo nói trên. Đúng lúc đó thì nước Pháp xảy ra Cách mạng, vua Pháp không thực hiện Hiệp ước nhưng Bá Đa Lộc đã kêu gọi các thương nhân người Pháp trợ giúp cho Nguyễn Ánh.

Nhà nghiên cứu Maybon, trong cuốn sách "La Relation Bissachère và Histoire moderne du pays d’Annam", in năm 1920 tổng kết công trạng của những người Pháp do Bá Đa Lộc chiêu mộ trong việc trợ giúp Nguyễn Ánh chống Tây Sơn như sau:

“Vai trò của nhóm người can đảm đếm trên đầu ngón tay này, trong sự thiếu vắng thông tin mong đợi, không thể xác định được một cách chi tiết. Nhưng không thể chối cãi được rằng họ đã góp phần lớn lao vào chiến thắng của Nguyễn Ánh. Ấy là chưa kể đến phần của họ trong những trận đánh quan trọng như trận tiêu diệt hạm đội của Tây Sơn năm 1792 và những trận dẫn đến chiến thắng Huế năm 1801. Người ta không khỏi khâm phục công trình mà họ đã thực hiện trong những điều kiện không mấy thuận lợi: họ đã xây dựng một nền hải quân theo lối Tây phương và thành lập đội ngũ thủy binh; họ đã huấn luyện quân đội, họ đã đưa kỷ luật vào quân đội, thành lập những cấp chỉ huy; họ đã đúc đại bác, dạy cho người An Nam cách dùng trái phá, họ đã tạo ra đội ngũ pháo binh lưu động mà sự di chuyển đã khiến quân Tây Sơn khiếp vía; họ đã xây dựng những thành đài”.
Tháng 9-1788, các tàu Dryade, Garonne, Đại úy Cook và Moyse mang nhiều vũ khí đến Sài Côn và một số sĩ quan Pháp là: Olivier, Dayot, Vannier, Laurent André Barisy, De Forsans phần nhiều sở trường về hải quân và tổ chức các ngành quân đội theo lối Âu châu. Từ giai đoạn này quân Gia Định của chúa Nguyễn mỗi ngày một mạnh bởi được chỉnh bị và cải tổ theo Tây phương về chiến thuật cũng như về chiến lược. Năm Canh tuất (1790) quân Nguyễn chiếm lại Bình Thuận. Tháng 3 năm Quý Sửu (1793) Nguyễn Phúc Cảnh được lập làm Đông Cung lãnh chức coi Tả quân.
Được Gia Định làm căn cứ có đủ thóc gạo nuôi quân, ngay năm sau là tháng 4 năm Canh Tuất (1790) Nguyễn Ánh cho Lê Văn Quân là Chưởng Tiền đem 5.000 quân thủy bộ ra đánh thành Bình Thuận. Võ Tánh và Nguyễn Văn Thành về Gia Định. Lê Văn Quân ở lại giữ Phan Rí nhưng bị Tây Sơn vây đánh phải về lại Gia Định. Sau việc thất bại này Quân lấy làm xấu hổ nên uống thuốc độc mà chết.
Những việc xuất quân của Gia Định trên đây xét ra không lợi. Bấy giờ là tháng 7, gió Bắc thổi mạnh phải đợi gió Nam thủy quân mới đi đánh nhau được. Tuy vậy, năm 1792, quân Nguyễn Ánh vẫn đánh và phá hủy nhiều tàu chiến của Tây Sơn ở biển Thị Nại.

Việc Quang Trung chiếm Vạn Tượng chỉ trong mấy tháng đã làm rung động cả ba thế lực là Xiêm - Cao Miên và Nguyễn Ánh. Tháng 4/1792, vua Xiêm viết thư đề nghị Nguyễn Ánh chung sức chống Tây Sơn, nhưng nhân tiện lại đòi Nguyễn Ánh cắt đất Long Xuyên, Kiên Giang và Ba Xắc để làm điều kiện. Nguyễn Ánh trả lời là không nhường đất, nhưng chấp nhận đề nghị của vua Xiêm là hợp lực đánh Tây Sơn. Thư trả lời của Nguyễn Ánh có viết: "Vương [vua Xiêm] thì đem trọng binh đánh Nghệ An. Giặc giữ Nghệ An thì vương đánh ngả trước, quả nhân [chỉ Nguyễn Ánh] đánh ngả sau; nếu giặc giữ Phú Xuân thì vương quấy rối ở ngả sau, quả nhân đánh ngả trước, đầu đuôi giáp đánh thì giặc không còn đi đâu được nữa."

 Sau khi Nguyễn Ánh tấn công chớp nhoáng tiêu diệt thủy quân của Nguyễn Nhạc ở Thị Nại tháng 7-8/1792, Quang Trung quyết định thực hiện một chiến dịch lớn nhằm tiêu diệt tận gốc thế lực của Nguyễn Ánh. 
Ngày 27-8-1792, Quang Trung gửi cho quân dân Quảng Ngãi, Qui Nhơn một bài hịch nói rõ sẽ tiêu diệt Nguyễn Ánh “dễ như bẻ gãy cành khô củi mục” và dặn “không được quá nhẹ dạ tin vào những lời đồn đại về bọn người châu Âu…”, rồi kêu gọi quân dân hai phủ hãy ủng hộ đại quân khi tiến đánh Gia Định. Quang Trung đã dự định chia quân làm hai đạo: bộ binh theo đường núi tiến xuống đánh tập hậu thành Gia Định, thủy binh vượt biển tới đảo Côn Lôn, đổ bộ lên đất Hà Tiên rồi theo đường Long Xuyên, Kiên Giang đánh lên, vào mặt trước Gia Định, đồng thời sẽ phối hợp với quân của Nguyễn Nhạc đánh thẳng xuống Biên Hòa - Gia Định. Với một lực lượng ước chừng 30 vạn người, ý định của Quang Trung là tấn công mãnh liệt bao vây tiêu diệt triệt để toàn bộ lực lượng Nguyễn Ánh ngay tại chỗ.
Trong lúc tình hình hết sức khẩn cấp, Bá Đa Lộc và những sĩ quan Pháp trong quân Nguyễn Ánh liệu thế không chống đỡ nổi Quang Trung, tính chuyện bỏ trốn. Trong thư gửi cho M. Létondal ngày 14/9/1791, giám mục Bá Đa Lộc viết: “… Nhà vua đã không biết lợi dụng cơ hội mà ông ta có được để đánh bại kẻ thù, mà lại để chúng có thì giờ hoàn hồn và chúng thấy rõ tất cả những đồn đại về việc người Âu đến giúp chỉ là chuyện hão. Ông ta (Nguyễn Ánh) bắt dân đóng thuế và làm dịch vụ nặng nề, và lúc này, dân chúng bị nạn đói đe dọa nên họ có vẻ mong quân Tây Sơn đến. Trong tình trạng hiện thời, nếu chúng quả quyết đến tấn công, thì nhà vua khó có thể đương đầu lại được... Tôi rất sợ không đi kịp trước khi tai họa xẩy ra cho nhà vua, nếu có sự ấy."
Tiếc rằng kế hoạch lớn lao ấy đang chuẩn bị chưa kịp thực hiện thì khoảng 11 giờ khuya ngày 16-9-1792, vua Quang Trung mất. Sự đột ngột ra đi của ông trong khi sự nghiệp vì dân vì nước còn dang dở đã để lại biết bao nhiêu buồn thương cho đương thời và bi phẫn cho hậu thế. Cuộc đời của ông tuy ngắn ngủi nhưng thật vẻ vang, bởi đúng như câu thơ viếng ông của Thái hậu Ngọc Hân, người vợ tài hoa mà ông hằng yêu quí:
                              “Mà nay áo vải cờ đào
                              Giúp dân, dựng nước, xiết bao công trình…”
                                  (Trong bài thơ “Ai Từ Vãn” của Ngọc Hân)
Trong bài thơ Đại Việt sử thi, Hồ Đắc Duy tiếc nuối việc Quang Trung qua đời quá sớm và đột ngột:
Đặt kế hoạch trong ngoài liên kết
Đối với Tàu lễ yết cầu hôn
Miền Nam, Nguyễn (Ánh) sẽ không còn
Đất đai Đại Việt nước non lẫy lừng
Nhưng tiếc thay nửa đường vắn số
Vua Quang Trung đành bỏ ra đi (1792)
Lìa trần một giấc biệt ly
Trăm năm còn lại những gì nữa đây
Quang Trung mất, con trưởng là Quang Toản lên nối ngôi, mới 10 tuổi, đặt hiệu là Cảnh Thịnh. Cảnh Thịnh còn quá nhỏ, mọi quyết định triều chính đều do một tay Bùi Đắc Tuyên (cậu Quang Toản) định đoạt. Tuyên đã không thấy được nguy cơ lớn đang đe dọa đất nước, chỉ lo chuyên quyền, làm cho trong ngoài đều oán. Như một căn bệnh mãn tính đối với những vương triều thiếu mất vua hiền tôi giỏi, triều đình Cảnh Thịnh cũng dần vướng vào nạn nghi kỵ, lục đục, bè phái. Chính điều đó đã làm cho triều đình Cảnh Thịnh tự suy yếu, đánh mất dần vai trò tập trung lãnh đạo đất nước, làm cho đất nước ngày một suy yếu thêm, bị động không có biện pháp nào tích cực đối phó với Nguyễn Ánh. Lòng dân cũng bắt đầu ly tán. Người trong nước, mà chủ yếu là ở vùng Thuận - Quảng trông ngóng quân của chúa Nguyễn từ Gia Định ra đánh Tây Sơn nên thời bấy giờ có câu ca dao còn truyền tụng đến giờ:

Lạy trời cho cả gió nồm,
Để cho chúa Nguyễn kéo buồm thẳng ra.
Ngay từ tháng 5-1790, Nguyễn Ánh đã mở cuộc tấn công đầu tiên vào đất của Trung ương Hoàng Đế, chiếm được Phan Rí, Bình Thuận. Bị quân Nguyễn Nhạc đánh mạnh, quân Nguyễn Ánh buộc phải rút về Bà Rịa đắp thành lũy phòng thủ. Tháng 6-1792, Nguyễn Ánh đem 126 chiến thuyền đánh vào cửa bể Thị Nại (Quy Nhơn) rồi lại rút về. Bắt đầu kể từ sau khi vua Quang Trung mất, quân Tây Sơn ngày một yếu, lại phạm hết sai lầm chiến lược này tới sai lầm chiến lược khác, lực lượng Nguyễn Ánh càng đánh càng lớn mạnh và dần dần chiếm ưu thế.

Tháng 7 năm Đinh Vị (1787) quân Nguyễn đánh vào Long Xuyên có kết quả. Nguyễn Ánh mạo một bức thơ để Nguyễn Lữ hiểu lầm thái độ của viên Trấn thủ Sài Côn là Phạm Văn Tham, lợi dụng sự nghi ngờ của tướng Tây Sơn, Nguyễn Vương chiếm Sa Đéc, Vĩnh Long rồi đóng quân ở Mỹ Tho dùng nơi này làm căn cứ.

Ngày 7- 9-1788 quân Nguyễn đánh được Gia Định đuổi được tướng Phạm Văn Tham đang giữ thành này. Từ giờ này trở về sau thành Gia Định nằm dưới sự kiểm soát của họ Nguyễn.

Ðược tin vua Quang Trung băng hà, Nguyễn Ánh rất vui mừng,  cho đẩy mạnh việc chuẩn bị đánh Tây Sơn. Dưới trướng Nguyễn Vương lúc bấy giờ có nhiều quan chức người nước ngoài như Dayot (Ông Trí), Philippe Vannier (Ông Chấn), Guilloux, Laurent Barisy (Ông Mân), De Forcant (Ông Lăng), Jean Baptiste Chaigneau, Olivier de Puymanel (Ông Tín), Theodore Lebuen. Những quan chức nầy là những cố vấn kỹ thuật cho Nguyễn Vương trong lãnh vực quân sự, vũ khí, đấp thành, v.v... Năm Nhâm tý (1792) chúa Nguyễn tự thân đi đánh Quy Nhơn nhưng cũng không thành công. Từ đấy hằng năm cứ đến mùa gió nồm Phúc Ánh cho quân tiến ra đánh các tỉnh miền Trung, khi gió bấc nổi lên ngài lại rút quân về Gia Định.
Chiến dịch gió mùa đầu tiên, trong năm 1792, đưa đến một sự triệt hạ gần như hoàn toàn hải quân của Tây Sơn tại Thị Nại, hải cảng ở Quy Nhơn. Tại đó người anh của Hoàng Đế, Nguyễn Nhạc, đã thả neo một hạm đội các chiến thuyền vừa mới xây dựng xong để chuẩn bị cho một cuộc xâm lăng xuống miền nam. Khi tin tức về chiến dịch chủ định của họ đến tai Nguyễn Phúc Ánh, ông đã phát động một cuộc viễn chinh của chính mình dưới sự chỉ huy của hai người Pháp. Với chiều gió thuận lợi cho nó, lực lượng này đã mau chóng tiến tới cửa Thị Nại, nhận thấy các chiến thuyền Tây Sơn đậu kín tại hải cảng, và đã tiến vào bến tàu, nơi binh sĩ tức thì đổ bộ và chiếm giữ các đồn lũy. Viên tướng Tây Sơn và lực lượng của ông ta đã bỏ chạy. Trong số các thuyền tham dự trận đánh này có 40 chiếc thuyền hải tặc được tuyển mộ bởi Hoàng Đế Quang Trung. Ba trong số các thuyền này bị bắt giữ bởi phe chúa Nguyễn, cùng với 75 chiến thuyền khác từ hạm đội mới của Nguyễn Nhạc. Chiến thắng này đã nhanh chóng làm suy yếu Tây Sơn bởi đánh vào các điểm yếu của đội quân này là hậu cần, khả năng tác chiến trên toàn lãnh thổ Việt Nam, duy trì mạng lưới thủy quân dọc theo duyên hải miền trung và điều phối giữ quân thủy bộ, cuối cùng dẫn đến trận Thị Nại 1801 làm thay đổi tương quan lực lượng hai bên có lợi cho Nguyễn Ánh.
Năm 1793, Nguyễn Ánh đem quân đánh Nguyễn Nhạc. Nguyễn Nhạc cầu cứu ra triều đình Phú Xuân. Quang Toản sai Ngô Văn Sở, Phạm Công Hưng đem 17.000 quân và 80 thớt voi vào cứu, quân Nguyễn Ánh rút lui. Quân Phú Xuân nhân đó lại chiếm luôn đất đai của Nguyễn Nhạc. Lúc đó Nguyễn Nhạc đang bệnh trên giường, nghe tin đất phong của con mình là Nguyễn Văn Bảo bị chiếm mất thì uất quá thổ huyết mà qua đời. Quang Toản an trí Nguyễn Văn Bảo ra huyện Phù Ly, phế làm Hiếu công và cai quản toàn bộ đất đai của dòng trưởng. 

Tuy nhiên nội bộ Tây Sơn lại mâu thuẫn, các tướng tranh quyền. Nguyễn Huệ có bà vợ họ Phạm mất trước ông, là mẹ của Quang Toản, người sẽ nối ngôi với niên hiệu Cảnh Thịnh, Bảo Hưng. Mẹ của Phạm Hoàng hậu trước khi sinh Bà đã có một đời chồng họ Bùi. Sử quan Nguyễn cho biết rằng Bà X đó khi lấy họ Bùi đã đẻ ra (người sau này là Hình bộ thượng thư) Bùi Văn Nhựt, (Thái sư) Bùi Đắc Tuyên, đến khi lấy người họ Phạm mới đẻ ra Phạm Hoàng hậu (có lẽ sinh năm 1759). Còn Bùi Thị Xuân là “cháu gái họ của Tuyên”. Vậy thì Quang Toản (Cảnh Thịnh) không có bà con gì với Bùi Thị Xuân cả, nhưng chỉ vì sự liên hệ với bà ngoại mà phải gọi Bùi Văn Nhựt, Bùi Đắc Tuyên là cậu.

Vũ Văn Dũng giết Bùi Đắc Tuyên và Ngô Văn Sở (1795), Quang Toản nhỏ tuổi nên không làm gì được. Trần Quang Diệu đang đi đánh Nguyễn Ánh, nghe tin bị nghi oan đành rút quân về. Nguyễn Văn Bảo cùng các tướng cũ nổi dậy chiếm Quy Nhơn nhưng bị dập tắt và giết chết. Lê Trung bị nghi ngờ sau đó bị giết, Nguyễn Văn Huấn cũng bị giết. 

 Biến loạn tạm thời dẹp yên nhưng đã làm chính quyền Tây Sơn suy sụp. Do Quang Toản đã giết Lê Trung trong vụ biến loạn tại Phú Xuân nên con rể Trung là Lê Chất bỏ sang hàng Nguyễn Ánh. Ánh nhân thời cơ đó ra sức Bắc tiến.

Cuộc thất trận tệ hại nhất vẫn chưa xảy ra. Trong tháng Bảy, các lực lượng phe chúa Nguyễn,  hạ thành Quy Nhơn đã chinh phục được thành Hoàng Đế và phủ Quy Nhơn, nơi họ đặt tên lại là Bình Định. Họ ở lại đó cho đến tháng 11 năm 1799, khi mà sự từ trần của vị cố vấn quân sự từ lâu của Nguyễn Phúc Ánh, đức giám mục Adran, Pigneau de Behaine, đã buộc họ phải gửi lực lượng chủ yếu về lại miền nam. Một hạm đội dưới quyền Tổng Binh Võ Tánh đã được lưu lại phòng vệ hải cảng ở đó, cửa Thị Nại, để chống lại quânTây Sơn. Bình Định ở vị trí lẻ loi khó tiếp viện, nên mùa thu năm đó quân Tây Sơn vây thành và chận đường tiếp viện phía nam. Nhờ Võ Tánh giỏi cố thủ nên thành không bị mất. Năm Canh Thân (1800) chúa Nguyễn tự thân đi cứu viện đánh nhau nhiều phen với quân Tây Sơn nhưng không giải được vây.

Sau đó, Nguyễn Ánh chiếm được Quy Nhơn, tướng Vũ Tuấn đầu hàng. Quang Toản sai Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng đem quân vào chiếm lại. Tướng của Nguyễn Ánh là Võ Tánh tử thủ cầm chân hai danh tướng Tây Sơn trong hơn một năm. Năm 1801, Nguyễn Ánh nhận thấy tinh binh Tây Sơn đều tập trung cả ở chiến trường Quy Nhơn nên mang quân chủ lực vượt biển ra đánh Phú Xuân. Quang Toản thua trận bỏ chạy ra Bắc.

Đầu năm 1802, Tây Sơn chiếm lại thành Quy Nhơn, Võ Tánh tự vẫn. Nhưng lúc đó Nguyễn Ánh đã ồ ạt Bắc tiến tới Nghệ An. Trần Quang Diệu vội mang quân ra cứu, bị quân Nguyễn chặn đường, phải vòng qua đường Vạn Tượng (Lào). Tới Nghệ An thì thành đã mất, quân sĩ bỏ chạy gần hết, vợ chồng Trần Quang Diệu – Bùi Thị Xuân bị bắt, Vũ Văn Dũng không biết trốn đi đâu.

Giữa năm 1802, Nguyễn Ánh tiến ra chiếm được Thăng Long, Quang Toản không chống nổi, bỏ chạy và bị bắt.

Từ năm 1800, triều sóng chiến trận đã từ từ trở nên bất lợi cho phía Tây Sơn. Lần đầu tiên Nguyễn Phúc Ánh, thay vì trở về miền nam, đã ở lại Quy Nhơn, khi đó đang dưới sự bao vây. Sau gần một năm không có các kết quả quyết định, ông ta lựa chọn việc chuyển hướng tấn công vào Phú Xuân.
Từ ngày giữ chức Đại nguyên soái đến lúc này trải qua 25 năm, Nguyễn Ánh được 40 tuổi, nhiều phen ông vào sinh ra tử mới thu phục lại được Kinh đô cũ.
Ðến tháng 4 năm Nhâm Tuất (1802) vua Gia Long cho sửa chữa Hoàng Thành, qua ngày mồng một tháng 5 cho lập đàn ở xã An ninh (nay là Kim Long, Hương Trà, Thừa Thiên) hiệp tế trời đất về việc đặt niên hiệu, hôm sau ngày mồng hai tháng 5 (1.6.1802) vua ngự ở điện nhận lễ triều hạ, đặt niên hiệu Gia long, ban lệnh đại xá khắp nước. Sau đó cho dựng Thái Miếu ở bên trái Hoàng Thành. Lên Ngôi vua rồi, ông sai Trịnh Hoài Ðức, Ngô Nhân Tĩnh đem phẩm vật và những ấn sách của nhà Thanh đã phong cho Tây Sơn, sang nạp cho Thiên Triều và xin cho mình làm An Nam Quốc Vương thay thế Tây Sơn.
Đoàn sứ thần của vua Gia Long đi trên 2 thuyền Bạch YếnHoàng Hạc vượt biển tới cửa Hổ Môn thuộc Quảng Đông đem theo cả tướng lĩnh tù binh Tây Sơn để nộp. Tổng đốc nhà Thanh là Ái Tân Cát Khánh đem việc này chuyển lên Gia Khánh. Gia Khánh vốn ghét Tây Sơn vô đạo, chiêu nạp bọn Mạc Quan Phù cho cướp bóc, đã lâu ngăn trở ở ngoài biển, nay được tin báo nên rất vui lòng, khoản đãi sứ thần rất hậu và đưa các tướng lãnh hải tặc Tây Sơn ra giết hết. 
Năm 1802, Nguyễn Ánh tiến quân ra Bắc, khí thế rất mạnh, lần lượt đánh tan các căn cứ của quân Cảnh Thịnh. Vua Cảnh Thịnh cùng quần thần từ Thăng Long, qua sông Hồng chạy về mạn Bắc Giang, sau đều bị bắt, đóng cũi giải về Thăng Long. Mùa đông năm 1802, Nguyễn Ánh về Phú Xuân cáo tế miếu, sau đó tiến hành trả thù nhà Tây Sơn cực kỳ tàn bạo và vô cùng hèn hạ. Cảnh Thịnh, những người thân, nhiều tướng lĩnh của nhà Tây Sơn đều bị hành hình hết sức dã man, rùng rợn. Sự trả thù có tính chất khủng bố mất nhân tính còn kéo dài đến mãi về sau. Mọi dấu tích gợi nhớ về Tây Sơn (nếu phát hiện được) đều bị xóa sạch.

Nguyễn Ánh đã trả thù gia đình Quang Toản và những người theo Tây Sơn vô cùng tàn bạo: Quang Toản bị 5 ngựa xé xác. Mộ của vua Thái Đức và vua Quang Trung bị quật lên, hài cốt bị giã thành bột nhồi vào thuốc súng và bắn đi, hộp sọ bị bỏ vào vò và giam trong ngục (những người thương tiếc Tây Sơn vẫn gọi là "Ông Vò"). Nữ tướng Bùi Thị Xuân và con gái bị voi giày, Trần Quang Diệu do thờ mẹ già 80 tuổi có hiếu nên không bị hành hình quá dã man mà chỉ bị chém đầu.

Nhà Nguyễn ra sức truy sát những quan lại và hậu duệ của nhà Tây Sơn. Đại Nam Thực lục Chính biên - bộ biên niên sử của triều Nguyễn đã viết:

Năm Tân dậu (1801), tháng 11: Phá hủy mộ giặc Nguyễn Văn Huệ, bổ săng, phơi thây, bêu đầu ở chợ. Con trai, con gái, họ hàng và tướng hiệu của giặc 31 người đều bị lăng trì cắt nát thây”

Năm 1802, Nguyễn Ánh lấy niên hiệu là Gia Long và lại thực hiện một cuộc giết chóc nữa. Trong chiếu ra vào tháng 11 Nhâm tuất (1802) đề cập đến lễ Hiến phù (dâng những người bắt được trong chiến tranh), Gia Long viết: “Ngày 7 tháng 11 năm Nhâm tuất (1802) yết tế Thái Miếu, làm lễ hiến phù, bọn Nguyễn Quang Toản và ngụy thái tể Quang Huy, Nguyên súy Quang Thiệu, đốc trấn Quang Bàn, thiếu phó Trần Quang Diệu, tư đồ Võ Văn Dũng, tư mã Nguyễn Văn Tứ; đổng lý Nguyễn Văn Thận, đô ngu Nguyễn Văn Giáp, thống tướng Lê Văn Hưng, cùng với bè lũ đầu sỏ đều đã bắt giam, đều đem giết cả, bêu đầu bảo cho dân chúng...”

Đến năm Minh Mạng thứ 12 (1831), quan quân nhà Nguyễn vẫn tiếp tục truy tìm hậu duệ của Tây Sơn, bắt được Nguyễn Văn Đức (con trai Nguyễn Nhạc) và Nguyễn Văn Đâu (con của Đức), cả hai đều bị chém ngang lưng. Nhà Tây Sơn có còn sót lại hậu duệ nào hay không, đến nay vẫn chưa rõ ràng.

Trong sách "Việt Nam Sử Lược", đánh giá triều đại Tây Sơn, Trần Trọng Kim viết:
"Nếu kể từ năm mậu thân (1788) đến năm nhâm tuất (1802) thì nhà Tây Sơn chỉ làm vua được có 14 năm mà thôi.

Trong bấy nhiêu năm phải đánh nam dẹp bắc luôn, không mấy lúc nghỉ việc chiến tranh, cho nên nhà Tây Sơn không sửa sang được việc gì nhiều. Vả sau khi vua Quang Trung mất rồi, vua thì hèn, quan thì nhũng, chính trị bỏ nát, lòng người oán giận, ai cũng mong mỏi được thời thịnh trị để yên nghiệp mà làm ăn. 
Bởi vậy cho nên khi vua nhà Nguyễn cất quân ra Bắc, lòng người theo phục, chỉ một tháng trời mà bình được đất Bắc Hà, đem giang sơn về một mối, nam bắc một nhà, làm cho nước ta thành một nước lớn ở phương nam vậy."
Trong cuộc trả thù nhầy nhụa xương máu đó, đã nổi bật lên một hình ảnh vô cùng lẫm liệt, đã tạc rất sâu vào lịch sử như trước đây Hai Bà Trưng và Triệu Thị Trinh đã tạc, mà chúng ta, lũ đàn ông hậu sinh không có quyền được lãng quên, đó là Đô đốc Bùi Thị Xuân. Sự lẫm liệt của Bùi Thị Xuân trước cái chết đã làm cho con người Nguyễn Ánh vốn đê hèn càng thêm đê hèn. Dưới đây là câu chuyện có nét huyền thoại về Bà mà chúng ta chủ yếu sưu tầm được từ tạp chí “Thế giới mới” số 797, 2008:
Ai ra Bình Định mà coi
Con gái cũng biết múa roi đi quyền.
Câu ca dao ấy đã nói lên truyền thống thượng võ của một miền đất; mà xuất phát điểm của truyền thống ấy có lẽ là từ cuộc khởi nghĩa Tây Sơn.
Bùi Thị Xuân người làng Xuân Hòa, thuộc ấp Tây Sơn Hạ, huyện Thy Viễn (tức thôn Xuân Hòa, xã Bình Phú, huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định). Thuở nhỏ, bà học rất giỏi, chữ viết rất đẹp và có chí khí như đấng nam nhi, thường thích mặc đồ con trai đi học. Thấy Bùi Thị Xuân có chí khí như vậy nên có bà lão rất giỏi võ nghệ, không biết từ phương nào tới, cứ ngày nào cũng vậy, khi hoàng hôn dần tắt nắng lại đến dạy võ cho bà đến tận canh một. Ròng rã ba năm như vậy và nhờ ham mê, chuyên cần học hỏi mà đến năm 15 tuổi võ nghệ của Bùi Thị Xuân đã khá cao cường. Lúc đó qua các bô lão trong làng, Xuân mới biết bà lão nọ là tổ sư một môn phái võ nổi tiếng ở An Vinh. (Ngày nay vẫn còn lưu truyền những câu như “roi Thuận Truyền, quyền An Thái”, “trai An Thái, gái An Vinh” để nói về những vùng có những nổi trội, độc đáo về võ thuật. Về sự kiện thầy dạy võ cho bà Bùi Thị Xuân là tổ sư một môn phái ở An Vinh, có lẽ chưa đúng, nhưng không ảnh hưởng gì đến truyền thuyết Bùi Thị Xuân. Về chuyện võ nghệ này, chúng ta cũng sẽ nói đến, nhưng ở phần tiếp sau!).
 
Bùi Thị Xuân
Bùi Thị Xuân.jpg
Tượng Đô đốc Bùi Thị Xuân trong Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt (Bảo tàng Quang Trung, Bình Định)
Tên bản ngữ 裴氏春
Sinh 1771
Mất 1802
Nguyên nhân mất Gia Long xử tử
Quốc gia Việt Nam
Quốc tịch Việt Nam
Nghề nghiệp Đô đốc
Kỷ nguyên Triều đại Tây Sơn
Nổi tiếng vì nữ đô đốc trong triều đình Tây Sơn
Quê quán thôn Xuân Hòa (nay thuộc thôn Phú Xuân, xã Bình Phú, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định)
Đảng phái chính trị Tây Sơn
Phong trào chính trị khởi nghĩa Tây Sơn
Đối thủ Nguyễn Ánh
Vợ/chồng Thái phó Trần Quang Diệu
Con cái Trần Thị Cúc (Bích Xuân)
Cha mẹ Bùi Đắc Chí
 
9g38 ngày 08/8/2013
9g37 ngày 08/8/2013
ĐỀN THỜ ĐÔ ĐỐC BÙI THỊ XUÂN
(Thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định)
Trong truyện thơ “Cân quắc anh hùng truyện” kể về cuộc đời của Bùi Thị Xuân thì thuở nhỏ, Xuân từng được học võ của Đô thống Ngô Mãnh, một vị tướng giỏi dưới trướng của chúa Nguyễn Phúc Khoát. Vì bị quyền thần Trương Thúc Loan ganh ghét, bày mưu hãm hại nên Ngô tướng quân đã cùng người cháu là Ngô Văn Sở bỏ trốn. Nghe đồn Bùi Công, cha của Bùi Thị Xuân, là một phú hào mến mộ anh tài nên hai người giả dạng hành khất tìm đến xin tá túc. Sự hào hiệp cưu mang của Bùi Công đã làm cho Ngô Mãnh cảm phục, chờ dịp báo ơn. Một lần, gia đình Ngô Mãnh bị cướp đến quấy nhiễu, ông cháu Ngô tướng quân đã ra tay cứu giúp. Lúc này, biết không giấu được tung tích trước Bùi Công nữa, hai ông cháu Ngô tướng quân đành nói thật và xin lên đường để tránh liên lụy cho gia đình. Bùi Công là người trọng nghĩa, giữ lại, không cho đi. Từ đó, Ngô tướng quân tận tâm chỉ dạy võ nghệ cho Bùi Thị Xuân. Ngô sư phụ dạy Xuân được ba năm thì từ giã cõi đời.
Lúc bấy giờ, ba anh em nhà Tây Sơn đã chiêu binh trên vùng Tây Sơn Thượng. Nguyễn Nhạc nghe tiếng cha con họ Bùi nên phái Trần Quang Diệu xuôi về Xuân Hòa để kết giao tình hữu hảo. Trên đường về xuôi, tráng sĩ họ Trần đã gặp hổ và được nữ kiệt họ Bùi ra tay tận tình phụ trợ, từ đó mà nên duyên kỳ ngộ để họ nên vợ nên chồng.
Trong một lần lên núi, Bùi Thị Xuân chợt nghe những tiếng rống vang vọng có phần thảm thiết, mặt đất như rung chuyển, gió nổi ào ào. Bà lại gần thì thấy ở dưới một khe núi có con voi trắng đang bị một con trăn khổng lồ quấn chặt. Động lòng trắc ẩn, bà múa thương xông vào đâm chết con trăn. Voi trắng vùng ra được, thoát chết, mắt ứa lệ, phủ phục dưới chân bà dập đầu tỏ vẻ cảm tạ người đã cứu mạng, sau đó đứng dậy ngước mặt lên rống liên hồi. Từ trong rừng già xuất hiện một bầy voi rầm rập đến bên con voi trắng nọ. Thì ra nữ kiệt họ Bùi đã cứu được một con voi chúa. Con voi trắng dẫn cả đàn voi rừng theo về nhà Bùi Thị Xuân, từ đó được nuôi dưỡng, huấn luyện thuần thục. Khi đến tựu nghĩa dưới cờ khởi nghĩa Tây Sơn, Bùi Thị Xuân mang theo cả đàn voi chiến và được giữ trọng trách là người chỉ huy đội tượng binh. Tượng binh là một lực lượng rất đáng gờm của phong trào Tây Sơn. Voi được sử dụng vừa như phương tiện vận tải chở vũ khí, khí tài, pháo, đạn, vừa như lực lượng tăng - thiết giáp ngày nay, trên lưng voi có thể đặt pháo dã chiến, vừa hành tiến vừa bắn và đối đầu hiệu quả với kỵ binh đối phương. Đội tượng binh của Quang Trung có lúc lên đến 500 thớt voi, đã bao phen làm bạt vía kinh hồn quân Nguyễn, quân Trịnh và nhất là quân Mãn Thanh. Tên tuổi đô đốc Bùi Thị Xuân đã gắn liền với những chiến công của đội tượng binh này. Trong dân gian xưa nay có lưu truyền một bài thơ ru nói về Bà Triệu rất hay. Nếu đem nó gán cho bà Bùi thì cũng chẳng sai tí nào:
“Ru con con ngủ cho lành
Để mẹ gánh nước rửa bành cho voi
Muốn coi lên núi mà coi
Coi bà Triệu tướng cưỡi voi đánh cồng”
Truyền thuyết chẳng qua là sự lặp lại hình ảnh của thời xưa cũ trong thời đại mới. Nhưng ở đây, sự lặp lại đến kỳ diệu!
Cuối năm 1809, Cảnh Thịnh thu thập lực lượng còn lại được 3,5 vạn, trong đó có 5000 quân của Bùi Thị Xuân, đánh bật quân Nguyễn Ánh lùi về Đồng Hới, nhưng đại quân Ánh ra tiếp ứng kịp. Cảnh Thịnh liệu thế địch không nổi, liền bỏ chạy ra Thăng Long lập thế phòng thủ. Còn Thiếu phó Trần Quang Diệu và Đô đốc Bùi Thị Xuân cùng con cái đều bị bắt.
Đã từng nghe danh tiếng của vị nữ tướng, Nguyễn Ánh truyền dẫn đến để xem mặt. Ánh vênh váo nói:
- Ngươi đã từng thờ Nguyễn Huệ và cũng từng nghe oai danh ta. Nguyễn Huệ từng sát hại cả dòng họ ta. May mắn cho ta, khi ấy mới 15 tuổi, nhờ trời phù hộ mà Nguyễn Huệ không giết nổi. Từ cô quân chống lại đại địch, ta đã dựng lại cơ đồ, giữ yên xã tắc, qui giang sơn về một mối, giữ ngôi chúa tổ. Vậy giữa ta và Nguyễn Huệ, ai hơn ai kém?
Nữ tướng đáp ngay:
- Nói về nhân cách thì tiên đế ta là bậc anh hùng, còn ngươi là kẻ tiểu nhân, ngoài mặt thì hung bạo mà trong lòng thì nhút nhát, thích mưu mẹo mà không quyết đoán, làm việc lớn thì chỉ lo đến bản thân, thấy lợi nhỏ thì quên mình mà không nghĩ đến ích nước. Nói về tài ba thì tiên đế ta bách chiến bách thắng, từ hai tay trắng dựng nên cơ đồ, đánh Nguyễn diệt Trịnh, chỉ một trận nước đổ non nghiêng mà Xiêm tan, chỉ một trận trời long đất lở mà Thanh nát, đến nỗi đám giặc thoát chết, về đến nước rồi mà còn hồn xiêu vách lạc. Còn ngươi bị tiên đế ta đuổi đánh, phải luồn lách trốn chui trốn nhủi như lũ chuột ngày, phải cầu lụy hết Xiêm đến Pháp. Chỗ hơn kém rõ ràng như ao trời nước vũng! Còn nói về đức độ thì tiên đế ta lấy nhân nghĩa mà đối xử với kẻ trung thần thất thế như đã đối xử với Nguyễn Huỳnh Đức là tôi nhà ngươi. Còn ngươi lại dùng tâm địa của kẻ tiểu nhân mà đối xử với trung thần nghĩa liệt hết lòng vì chúa, chẳng nghĩ được rằng ai có chúa nấy, ái tích kẻ tôi trung của người tức là khuyến khích tôi mình trung với mình vậy. Chỗ hơn kém đã rõ ràng như ban ngày và đêm tối. Nếu tiên đế ta không thừa long sớm thì ngươi dễ gì mà trở lại nước này, nói gì đến việc nhà ngươi đắc chí hôm nay.
Ánh giận tím ruột, cười gằn:
- Ta có thể trong giây lát bóp chết nhà ngươi, kéo lưỡi ngươi ra khỏi mồm vì cái tội xúc phạm đến đấng thiên tử. Hãy đợi đấy! Thật tiếc cho ngươi đã uổng công vào sinh ra tử bao năm mà đi thờ Nguyễn Huệ. Cũng được gọi là kẻ có tài cầm quân, nhà ngươi sao không giữ ngai vàng cho Cảnh Thịnh?
Bùi Thị Xuân nhếch cười:
- Người xưa nói chịu nghe thì sáng, cậy một mình thì tối. Ta tiếc rằng hoàng đế Cảnh Thịnh không biết nghe lời khuyên của đấng trung thần, thì thế khác nào cầu người hiền mà không biết đạo, muốn người ta vào nhà mình mà đi đóng cửa lại. Ta nói vua ta nối ngôi cha mà không nối được chí cha là thế. Vì chỗ yếu đó của vua ta nên nhà ngươi mới còn sống được đến hôm nay. Chứng cớ là ở trận Trấn Ninh, nếu vua ta nghe lời ta đánh dấn, ta đã bắt được ngươi bỏ rọ đem về rồi. Đó là nói về thế cuộc. Còn giữa ta và ngươi, chẳng phải chỉ chạm trán trận Trấn Ninh ấy. Ở Quảng Nam, chắc ngươi còn nhớ, nếu ngươi không hèn nhát đi đoạn hậu, mạng ngươi đã chẳng còn. Chỗ hơn kém giữa ta và ngươi đã rõ. Nếu triều đình Cảnh Thịnh có một nữ nhi như ta nữa thì cửa Nhật Lệ không để lạnh, nhà ngươi không thể đặt chân được lên đất Bắc Hà…
Ý đồ lăng nhục vị nữ tướng không thành mà còn bị bẽ bàng, Ánh giở trò hành hạ người phụ nữ Bùi Thị Xuân một cách độc ác, đê hèn và man rợ nhất. Trước khi giết Xuân, Ánh đã cho dẫn bà đến gần, ép bà phải tận mắt chứng kiến cảnh chồng, con bị hành hình.
Đầu tiên là quan thiếu phó Trần Quang Diệu bị dẫn ra. Dù có bị tiều tụy do giam cầm đày đọa nhưng ông vẫn bước đi hiên ngang đến cây cột chôn sẵn. Đao phủ định trói ông, nhưng ông tỏ ý không cần và vươn cổ ra chờ chém. Đầu Trần Quang Diệu rơi xuống thì cũng là lúc chí khí của người tôi trung vút lên đến trời xanh. Tiếp đến, bọn đao phủ lôi cô con gái nhỏ của Bùi Thị Xuân ra, buộc treo lơ lửng vào sợi dây thòng xuống từ đỉnh cao cây cột trồng cạnh một bức tường đá hộc. Hiệu lệnh vang lên, một tên đao phủ cầm sợi dây buộc ngang người bé gái kéo ra xa rồi lẳng mạnh vào bức tường đá hộc. Hành động đó được lặp đi lặp lại. Trước mắt Bùi Thị Xuân là đứa con đã xương tan thịt nát, đẫm máu đỏ lòm. Đến lượt người con gái thứ hai của bà bị dẫn ra cho voi giày chết. Cô bé thấy mẹ, hét lên: “Mẹ ơi, cứu con với!”. Lúc này, chắc rằng sự đau đớn trong lòng người phụ nữ Bùi Thị Xuân đã đến mức tột cùng, nhưng Bùi Thị Xuân còn là một vị tướng, một Đô đốc, bà quát lớn: “Con nhà tướng không được khiếp nhược!”. Và người con gái đáng thương đó đã vâng lời bà, im lặng chịu đựng đến chết. Cuối cùng, đến lượt Bùi Thị Xuân bị lôi ra cho voi giày. Đó là con voi cực lớn và có vẻ hung hãn. Nó chạy xồng xộc đến, tung vòi lên. Nhưng thật lạ lùng, con voi chạy đến trước Bùi Thị Xuân thì đột nhiên chững lại, ngẩng lên rống một tiếng dài vang động cả pháp trường, rồi quì xuống phủ phục trước vị nữ tướng. Viên quản tượng thúc mấy con voi vẫn không nhúc nhích, đâm hoảng, bỏ chạy. Con voi to lớn và độc ngà đã nhận ra chủ cũ! Thấy không thể dùng voi giày được, Ánh đã phải lệnh dùng kiểu hành hình “Điểm thiên đăng”, lấy vải nhúng sáp nóng quấn quanh người Bùi Thị Xuân rồi châm lửa đốt. 
Từ ngọn đuốc sống cháy dữ dội đó, linh hồn người liệt nữ đã thanh thản bay lên, đoàn tụ với chồng con và trở thành bất tử trong sử xanh non sông nước Việt.
Hàng năm, cứ đến ngày 6-11, họ Bùi ở khối Phú Xuân, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn (trước là xã Tây Xuân) lại tổ chức ngày kị cho bà. Hiện nay, Bùi Thị Xuân được thờ tại từ đường chính phái họ Bùi ở xóm Bắc, thôn Phú Xuân.                                    
Nói riêng, tổ quán của chúng ta ở huyện An Nhơn (Bình Định). Ông cố nội chúng ta tên là Nguyễn Văn Vinh, bà cố nội tên là Bùi Thị Định, từng cư ngụ tại xóm Bàu Đá, xã Nhơn Lộc cách quê Nguyễn Huệ không xa, hiện mồ mả vẫn còn ở đó. Bà cố nội của chúng ta là cháu ruột, gọi bà Bùi Thị Xuân bằng cô.
Câu chuyện về nữ kiệt Bùi Thị Xuân đồng thời đã phô bày một Nguyễn Ánh vô sỉ như thế đấy! Cuộc đời Ánh cũng trở nên bất tử! Vâng, con cháu đời sau, khi học bài lịch sử nước Việt sẽ thấy một Nguyễn Ánh "cõng rắn cắn gà nhà", thấp hèn và tội ác, là tựu trung của tất cả những gì dơ dáy nhất, xấu xa nhất, đê hèn nhất, tàn bạo nhất, man rợ nhất mà sự hận thù ích kỷ phong kiến, mặt trái chế độ quân chủ chuyên chế, mặt trái của Đức Huyền Diệu có thể nhào nặn ra được… 
Đánh giá công lao của nhà Tây Sơn đối với dân tộc Việt, đã có nhiều luồng ý kiến khác nhau, tựu trung gồm 3 luồng ý kiến:
  1. Khẳng định công thống nhất thuộc về Nguyễn Ánh.
  2. Khẳng định công thống nhất thuộc về Nguyễn Huệ.
  3. Các thế lực thời đó thôn tính lẫn nhau theo kiểu phong kiến. Mở đầu công cuộc thống nhất, phá bỏ các chướng ngại chính (2 thế lực chúa Trịnh - chúa Nguyễn) là công của Nguyễn Huệ, nhưng vì ông mất sớm, không có người kế tục sự nghiệp nên người hưởng thành quả là Nguyễn Ánh.
Theo ý riêng chúng ta, nếu lịch sử cho vua Quang Trung sống trọn một đời người, hoặc thêm một thời gian dài nữa, tin rằng không còn Nguyễn Ánh để mà có cơ hội phục thù và nước Việt đã giàu mạnh ngay từ giai đoạn ấy, không cần cách mạng vô sản và định hướng XHCN nữa.
Có lẽ đánh giá của giáo sư Ca Văn Thỉnh viết trong quyển “Hào khí Đồng Nai”là hoàn toàn thỏa đáng:
"Vào thế kỷ XVIII, tập đoàn phong kiến họ Nguyễn ra sức biến xứ Đàng Trong (từ sông Gianh ở Quảng Bình trở vào) thành một “quốc gia” riêng biệt, gia tăng thế lực ở Đàng Trong để chống lại tập đoàn phong kiến họ Trịnh phản động và mục nát ở Đàng Ngoài. Đó cũng là lúc mà phong trào đấu tranh của nhân dân Đàng Trong, trong đó có Sài Gòn và Nam bộ xưa, nổi lên liên tục, mạnh mẽ.
Nổi bật hơn cả trong thời gian này là phong trào khởi nghĩa Tây Sơn được đông đảo nông dân hưởng ứng, nổi lên từ mùa Xuân năm 1771. Thực ra, trong hơn 8 năm (1776 – 1783), phong trào Tây Sơn đã 5 lần đánh bọn phong kiến Đàng Trong, đứng đầu là Nguyễn Ánh, đã 5 lần Nguyễn Ánh đều bị thất bại và bị đánh bật ra khỏi đất liền. Được giai cấp đại địa chủ ủng hộ, có lần Nguyễn Ánh đã quay lại chiếm Gia Định nhưng cuối cùng Nguyễn Ánh và tàn quân của hắn lại bị đánh bật ra ngoài và chạy sang cầu viện quân Xiêm... Trận năm 1785, đại phá thủy quân Xiêm xâm lược ở Rạch Gầm – Xoài Mút, giải phóng miền Tây Gia Định, đuổi quân giặc về nước. Trận đánh này làm nức lòng người Đồng Nai – Gia Định... Đối với tập đoàn phong kiến họ Trịnh ở Đàng Ngoài, sau khi đánh thắng quân Xiêm xâm lược và quân bán nước Nguyễn Ánh, tháng 6-1786, Nguyễn Huệ tiến quân ra Thuận Hóa, đánh lui quân Trịnh, giải phóng toàn bộ đất Đàng Trong, tiến luôn ra Đàng Ngoài, đánh tan quân Trịnh, giải phóng Thăng Long ngày 21-7-1786.
Thế là phong trào cách mạng nông dân Tây Sơn, từ cuộc khởi nghĩa ở Quy Nhơn, đã thực sự trở thành phong trào quật khởi của nhân dân cả nước, quét sạch các tập đoàn phong kiến Trịnh, Nguyễn phân tranh, cát cứ hơn hai thế kỷ, thống nhất lại đất nước từ Nam chí Bắc.
Đây là thành tựu vĩ đại trong lịch sử dân tộc mà vinh quang thuộc về phong trào khởi nghĩa nông dân Tây Sơn và thủ lãnh kiệt xuất Nguyễn Huệ”.
 Ý kiến của giáo sư Phan Huy Lê cũng thỏa đáng không kém mà có phần súc tích hơn:
"Đó là sự nghiệp lật đổ chính quyền họ Nguyễn ở Đàng Trong, chính quyền chúa Trịnh cùng chế độ vua Lê - chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, đánh tan quân xâm lược Xiêm ở phía nam, quân xâm lược Thanh ở phía bắc, bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc, xóa bỏ tình trạng chia cắt đất nước kéo dài trên hai thế kỷ, bước đầu lập lại nền thống nhất quốc gia, xây dựng vương triều Tây Sơn trong đó triều Quang Trung đã đề ra và thực thi nhiều chính sách tích cực..." (Kỷ yếu HTKH "Phú Xuân - Thuận Hóa thời Tây Sơn" - Huế, tháng 12-2001).
(còn tiếp)
--------------------------------------------------------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét